Trong văn hóa Á Đông chó được xếp vào 12 con giáp ở vị trí thứ 11 với
chi Tuất và một trong những con vật thuộc lục súc là sáu giống gia súc: trâu,
chó, ngựa, dê, gà, lợn.
Tác giả vô danh đặt thành lối tuồng, biến thể của lối song thất, 570
câu, những lời tranh luận của lục súc, gọi là Lục Súc Tranh Công được giảng dạy
trong chương trình Việt Văn lớp Đệ Lục trước năm 1975 ở miền Nam VN.
Sáu con tranh nhau kể công, cho nên gọi là tranh công. Đầu tiên, trâu
tị với chó, chó cãi lại, đến lượt chó tị với ngựa, rồi ngựa với dê, dê với gà,
gà với lợn; không con nào chịu con nào. Nhờ có lời giảng giải của chủ nhà, sáu
con lại hiểu nhau và con nào cứ yên phận làm tròn công việc con ấy.
Công trạng con chó:
"... Đêm năm canh con mắt như chong
Đứa đạo tặc nép oai cũng động
Ngày sáu khắc lỗ tai bằng trống
Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh..."
Vì vậy khi tranh cãi nhau vì hiềm khích, đố kỵ, người ta thường mỉa mai
như đồ lục súc. Trong tác phẩm võ hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung có sáu
anh em ruột thịt, xếp thứ tự từ lớn đến nhỏ như sau: Đào Cán Tiên, Đào Căn
Tiên, Đào Chi Tiên, Đào Diệp Tiên, Đào Hoa Tiên, Đào Thực Tiên. Nếu họ đồng
tình hiệp sức thì không có cao thủ võ lâm nào địch nỗi nhưng lúc nào cũng gấu ó
lẫn nhau, ai cũng tranh phần thắng, công lao về mình nên trở thành trò cười cho
thiên hạ.
Theo truyền thống Á Đông (Việt Nam và Trung Hoa), theo chu kỳ trong 12
con giáp, mỗi khi vào dịp Tết nhằm con giáp nào, hình ảnh con giáp đó được đề
cập đến trong báo Xuân. Ngoài chuyện thường ngày
xe cán chó, đến năm Tuất, con chó được đề cập trên nhiều khía cạnh từ những
mẩu chuyện hoang đường, tục lệ thờ cúng của một số sắc dân đến thực tại trong đời
sống liên quan đến con người và trong các lãnh vực văn học nghệ thuật… Có lẽ
con chó có nhiều đề tài nhất trong 12 con giáp.
Theo Wikipedia, chó là loài động vật nuôi đầu tiên được con người thuần
hóa cách đây 15.000 năm. Tổ tiên của loài chó là chó sói. Con người đã thuần
hóa chó sói con và qua lai giống nhiều thế hệ, chó sói tiến hóa thành chó nhà.
Loài vật này được sử dụng để giữ nhà hoặc làm thú chơi. Trong các từ
ghép Hán Việt chó được gọi là cẩu hoặc khuyển. Chó con được gọi là
"cún". Vì chó trông giống con cầy nên chó còn được gọi là cầy (dân
nhậu ghiền và thường gọi các món thịt cầy). Họ chó có tên khoa học là Canidae
(tiếng Latinh canis có nghĩa là chó) gồm khoảng 37 loài: chó sói, chó sacan,
cáo, chó rừng và các giống chó nhà. Ngày nay, có rất nhiều giống chó nhà, theo
phương pháp lai tạo, có thể nói nhiều nước trên thế giới có nhiều giống chó đặc
biệt khác nhau. Tất cả các thành viên trong họ chó đều là loài ăn thịt và thích
nghi đặc biệt để săn mồi.
Các giác quan như thị giác, thính giác và khứu giác phát triển mạnh:
Chó có mắt to, tai dựng và mũi nhạy, nhờ đó chúng có thể theo dấu con mồi thành
công, dù là săn đơn độc hay theo bầy.
Tai chó rất thính, chúng có thể nhận biết được 35.000 âm rung chỉ trong
một giây. Khứu giác của chúng cũng rất thính như tai. Người ta có thể ngửi thấy
mùi thức ăn ở đâu đó trong nhà bếp nhưng chó thì có thể phân biệt từng gia vị
trong nồi, thậm chí những chú chó săn còn tìm ra những cây nấm con nằm sâu
trong rừng, vì chúng có thể phân biệt gần 220 triệu mùi khác nhau. Não chó rất
phát triển. Chó phân biệt vật thể đầu tiên là dựa vào chuyển động sau đó đến
ánh sáng và cuối cùng là hình dạng.
Nhờ biệt tài về thính giác, khức giác và trí thông minh khi được tập
luyện nên ngày nay chó được gia nhập vào quân khuyển trong quân đội và cảnh
khuyển trong ngành cảnh sát. Trong cương vị nầy chó cũng được mang cấp bậc và
khi chú khuyển qua đời cũng được tổ chức tang lễ.
Trong chiến tranh Việt Nam, Quân Đội Hoa Kỳ đã thử nghiệm dùng chó và
mục đích canh gác đầu tiên tại phi trường Đà Nẵng. Sau khi phát hiện ra sự tiện
dụng và hiệu quả, những chú chó đã được vận chuyển đến tất cả các căn cứ của Hoa
Kỳ ở Việt Nam và Thái Lan để làm nhiệm vụ canh gác.
Dựa trên khứu giác và thính giác rất nhạy, chúng còn phát hiện ra những
lính du kích CS đang ngâm mình dưới bùn và thở bằng ống thông hơi.
Về quân khuyển thì Quân Đội VNCH cũng có một Tiểu Đoàn Quân Khuyển, đa
số dủng để canh gác cơ sở hay tuần tiễu… Trung Tâm Huấn Luyện Quân Khuyển, hầu
hết là chó Berger, ở Ngã Năm chuồng chó, Gò Vấp, Gia Định (Nhà thơ Vu Đoài sau
khi tốt nghiệp Khóa 23 Trường BB Thủ Đức về TTHL Quân Khuyển nhưng khong có bài
thơ nào nói về chó).
Nhân dịp Tết Mậu Tuất (2018) hình ảnh chó, cẩu, khuyển được đem ra luận
bàn. Tản mạn về chó được nhắc đến trong thơ, đề tài nầy cũng được đề cập qua
các thập niên về trước vào năm Tuất. Trong phạm vi bài nầy chỉ đề cập đến vài
hình ảnh và thơ đã đi vào văn học.
*
Không hiểu vì lý do gì mà ông bà ta ngày xưa có ác cảm với loài gia súc
gần gũi với người nên mới có những tục ngữ, thành ngữ: “Chó càn cắn giậu” (ám
chỉ kẻ hung ác), “Chó ngáp phải ruồi” (bất tài gặp thời), “Chó nhảy bàn độc”
(bất tài độc quyền chiếm địa vị), “Chó chui gầm chạn” (chịu nhục yên phận), “Dạ
chó lòng người” (lòng dạ độc ác), “Chó treo, mèo đậy” (ăn vụng, chôm chỉa), “Chó
cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” (ỷ lại, dựa hơi, chẳng ra gì), “Mèo đàng, chó
điếm” (điếm đàng lừa đảo), “Chó cái cắn con” (ám chỉ người mẹ độc ác)… Và, lời
chê thậm tệ nhất “Đồ chó đểu”! Trong thời kỳ Pháp thuộc, người Việt làm tay sai
chỉ điểm cho người Pháp bị dân chúng gọi là “chó săn.”
Trong tác phẩm Les Misérables (Những Kẻ Khồn Cùng) văn hào Pháp Victor
Hugo, viên thanh tra cảnh sát Javert lúc nào cũng săn lùng bằng được Valjean (anh
thanh niên nghèo phải ăn cắp bánh mỳ về cho gia đình đang chết đói, bị kết án
khổ sai và chỉ được thả sau 19 năm ngồi tù nhưng phải mang giấy thông hành màu
vàng của người đã từng có tiền án) nhưng Javert luôn vồ hụt con mồi. Valjean
cũng có cơ hội giết ông ta nhưng lại thả cho Javert đi. Và, vì vậy người ta lại
gọi loại người như Javert là “chón săn”. Danh từ mỉa mai chửi loại người tệ
hại, gian ác là vẹm "đồ vẹm, ăn ở như loài vẹm". Hình như những đặc
tính dã man tệ hại nhất trên thế gian thì loài vẹm đã tạo thành chữ “vẹm trong
dân gian”.
Ông bà ta ngày xưa coi chó là con vật hạ đẳng nhưng có một số sắc dân theo
truyền thuyết xem chó là ông tổ như Cơ Tu, Xê Đăng, S’tiêng, Giẻ Triêng, Chăm,
Dao, Lô Lô… Người Dao vẫn coi mình là con cháu của Bàn Hồ nên có tục thờ chó,
trang phục mô phỏng chó hay trang trí hình chó và để tóc kiểu chó. Người Pa Cô
còn giữ tục kiêng giết và ăn thịt chó như con vật tổ. Truyền thuyết của người
Pa Cô, bà tổ và ông tổ chó vẫn sống cùng nhau ở nơi đất liền với trời. Người
Khuyển Nhung tự xưng tổ tiên là hai con chó trắng (Bạch Khuyển), sùng bái vật
tổ chó trắng. Vì vậy quan niệm giữa người kinh và vài sắc dân trong cùng một
nước rất khác nhau.
Trong thời gian du học tại Pháp, bài thơ Nga của Nguyên Sa làm tại
Solden, nước Áo, Giáng Sinh 1954, thay giấy báo hỷ, in tại Paris ngày 10 tháng
12 năm 1955. Thể tỷ hứng và cách điệu, liên tưởng độc đáo:
“Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh”
Nguyên Sa xác định ngôn ngữ thi ca mới lạ, riêng biệt “con chó ốm” phá
lệ ác cảm với cá cảm như tục ngữ, thành ngữ của ta trước đây. Trong hai thập
niên (54-75) ở niềm Nam VN, bài thơ Nga của Nguyên Sa là một trong những bài
thơ tình dễ thương, lạ nhất và được mọi người biết đến. Nó phá vỡ định kiến như
đã trích dẫn qua tục ngữ, thành ngữ loài gia súc gần gũi nhất với người.
Có lẽ Nguyên Sa hấp thụ nền văn minh của Pháp, chó được cưng chìu, nữ
giới còn nựng, ôm ấp như trẻ thơ.
Hình ảnh thiên tài âm nhạc Mozart (1756-1791), sống trong cô đơn, mệnh
lại yểu. Vào một ngày mùa đông năm 1791 một chiếc xe tang cũ kỹ đã lặng lẽ đưa
thi hài ông ra nghĩa địa, trong bầu không khí lạnh lẽo, cô đơn, độc nhất chỉ có
một con chó nhỏ trung thành lẽo đẽo theo sau... cho thấy sự trung thành của
loài vật nầy.
Nhà thơ Anh Lord Byron (1788-1824) ghi trên bia mộ một chú chó vào năm
1808, ca tụng các tính tốt của chú chó của ông. Khi chó qua đời ông chôn cất tử
tế. Ông còn ngỏ ý nếu sau này mình chết sẽ được chôn cất cùng chỗ với chó. Ông
dựng bia mộ tráng lệ trên nấm mộ của chú chó. Đoạn cuối mấy vần thơ đó như sau:
"… If inscribed over human ashes
Is but a just tribute to the Memory of
Boatswain, a Dog".
(Lord Byron, 1808)
Trước đó, thi hào Nguyễn Du (1766–1820) trong bài Điệu Khuyển, thương
tiếc con vật trung thành:
"Tuấn mã bất lão tử,
Liệt nữ vô thiện chung.
Phàm sinh phụ kỳ khí,
Thiên địa phi sở dung.
Niệm nhĩ thuộc thổ súc,
Dữ nhân mao cốt đồng.
Tham tiến bất tri chỉ,
Vẫn thân hàn sơn trung.
Vẫn thân vật thán uyển,
Sổ thí vô toàn công".
(Ngựa hay không chết già
Người trinh liệt không chết yên lành
Phàm người sinh ra có khí phách khác thường
Trời đất không có chỗ dung túng
Nghĩ thương mày thuộc giống gia súc
Lông xương cũng đồng với loài người
Ham tiến không biết dừng
Bỏ mình trong núi lạnh
Bỏ mình chớ than tức
Bao lần thử sức không thành công).
Thượng Nghị Sĩ George Graham Vest (1830 - 1904) trong bài diễn văn đọc
tại Thượng Viện Hoa Kỳ năm 1884 ông nói: "Sinh vật tuyệt đối không ích kỷ
mà con người có thể có được trong cái thế giới đầy dẫy ích kỷ này, sinh vật
không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay phản trắc ta đó là
chó...”.
Nhà thơ Phan Sào Nam - Phan Bội Châu (1867-1940) - nhà cách mạng Việt
Nam trong phong trào chống Pháp. Người thành lập phong trào Duy Tân Hội và khởi
xướng phong trào Đông Du. Năm 1925, bị Pháp bắt tại Hàng Châu, bị dẫn giải về
Hà Nội và xử án chung thân khổ sai. Về sau, bản án được đổi lại thành án quản
thúc tại gia. Năm 1926, bị đưa về Bến Ngự, Huế, cho đến khi mất tại Huế vào năm
1940. Phan Bội Châu sống những ngày còn lại hiu quạnh bên hai con chó được đặt
tên là Vá và Ky, hai con chó này đều rất trung thành với chủ. Tuy thế bạo lực
của chúng chỉ giam được cái thân xác của cụ nhưng không thể giam được tinh thần
bất khuất. Khi chó chết cụ đề thơ thương tiếc chó:
"Nghĩa dũng cẩu: Vá chi trung
Nhân trí cẩu: ky chi trung".
Đem chôn chó vào một nghĩa trang riêng mà còn dựng cho chó một tấm bia
để kỷ niệm công đức. Bài bia ấy như sau:
"Người có đức nhân, hơi kén về phần trí,
Kẻ có đức trí, hơi kém về phần nhân.
Vừa trí vừa nhân, thực là ít thấy.
Ai ngờ con Ky này,
Lại đủ hai đức ấy.
Chung nhau thờ một chủ, thời xem nhau là anh em,
Chẳng bao giờ như mèo với chó, thực là nhân đó.
Thấy không phải chủ, thời xem bằng cừu thù,
Chẳng bao giờ vì miếng ngon dẫn dụ, thực là trí đó.
Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trông giống sức mà người e,
Đều mày mới thấy.
Sao mày vội chết?
Hỡi trời hỡi trời!
Lòng ta đau đớn,
Phải tạc mấy lời.
Đau đớn quá, đau đớn quá!
Kìa những hạng muông người!
Vì có dũng nên liều chết phấn đấu,
Vì có nghĩa nên trung thành với chủ.
Nói thì dễ, làm thực khó,
Người còn vậy, huống chi chó!
Ôi!
Con Vá, mày đủ hai đức đó,
Há như ai kia,
Mặt người lòng thú,
Nghĩ thế mà đau!
Dựng bia mộ chó".
Phan Sào Nam tán dương cái hay nghĩa, dũng của chó, mỉa mai những kẻ
"mặt người mà lòng thú" trong thời buổi nhiễu nhương, trang sáng
tranh tối, đau thương cho cả dân tộc!
Trong bài viết của Đặng Tiến: “Con Chó, Văn Học & Dân Tộc” vào năm
Bính Tuất (2006) chó được nhắc đến từ thời kỳ huyền sử:
“Giữa chó và lịch sử dân tộc truyền thuyết dân gian đã thiết lập mối
quan hệ lâu đời: An Dương Vương Thục Phán chấm dứt triều đại các vua Hùng, lên
ngôi năm 258 trước Tây lịch, dời đô từ miền trung du Vĩnh Phú về miệt đồng bằng
Sông Hồng. Vua định đô tại làng Tó (Uy Nỗ), rồi dời về gò Cổ Loa là theo chân…
đàn chó, có lẽ là chó săn vì các thủ lãnh bộ lạc là những thợ săn lỗi lạc – Lê
Lợi về sau cũng vậy. Con chó được vua sủng ái nhất, có lẽ là chủ soái đàn chó
săn, cũng dời về Cổ Loa để lót ổ đẻ con…”.
Trở lại hình ảnh con chó và thơ được giảng dạy ở nhà trường với bài thơ
của Lê Thánh Tôn và giai thoại của Cao Bá Quát.
Bài thơ Chó Đá của vua Lê Thánh Tôn (1442 - 1497):
“Quyền trọng ra oai trấn cõi bờ
Cửa nghiêm chem chẻm một mình ngồi
Quản bao sương tuyết nào chi kể
Khéo dử cao lương cũng chẳng nài
Mặc khách thị phi giương cháo mắt
Những lời trần tục biếng vào tai
Một lòng thờ chúa nghìn cân nặng
Bền vững ai lay cũng chẳng rời”.
Theo tài liệu, ở Lạng Sơn nhiều nơi có tục thờ chó đá như: Chi Lăng,
Đồng Mỏ, Khòn Lèng, Thất Khê, Tràng Định, Đồng Đăng, Cao Lộc… Vài nơi có phong
tục đặt chó đá trước cổng nhà, đền miếu để đuổi ma quỷ. Hình thức chó đá giữ
vai trò canh gác là khá phổ biến ở nông thôn, ở huyện Đan Phượng (Hà Tây) có
hai nơi thờ phụng chó. Một bệ thờ chó đá ngoài vườn, trước cửa đình thôn Phù
Trung, xã Thượng Mỗ. Một bệ thờ chó đá khác nằm cạnh quần thể di tích chùa Phúc
Khánh và đình làng Địch Vĩ, xã Phương Đình. Tại chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) có
đôi chó khắc bằng gỗ ngồi chầu do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng tạo tác do
chùa Cầu được xây dựng vào năm Tuất. Hình thức thờ chó đá khá phổ biến ở nông
thôn, như Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên…
Tự Đức (1829 - 1883), vị vua nổi tiếng thích thơ văn. Văn thần Phan Văn
Nhã được lệnh vua chấp bút bài văn – Ngọc Diệp – liệt kê và ca ngợi các bậc tài
hoa, cành vàng, lá ngọc trong triều. Thảo xong, Phan Văn Nhã cho tổ chức buổi
tiệc khoản đãi cốt ý để khoe tài. Bài văn đến tay quan Thượng Thư Võ Phạm Khải.
Nào ngờ quan thượng thư vừa liếc xem qua đã phán nhẹ một câu nặng nề: “Văn mà
thế này thì đến chó cũng làm được!” Tác giả tức khí, hai bên lời qua tiếng lại,
chẳng ai chịu ai! Hết võ mồm thì đến dụng võ chân tay! Sự việc đến tai vua Tự
Đức. Vua cho mời quan Hành Tẩu Bộ Lễ (nhà thơ Cao Chu Thần) trình bày lại cho
nhà vua nắm rõ mọi chuyện.
Văn bản tường trình, với văn phong và khẩu khí ngang tàng, châm chọc giau74
các đại quan với nhau như loài chó:
“Tiền, Quát bất tri
Hậu, Quát bất tri
Trung gian Quát chí
Đản kiến:
Thượng bàn hô cẩu
Hạ bàn hô cẩu!
Thượng hạ giai cẩu!
Lưỡng tương đấu ẩu
Thần gián bất đắc
Thần kiến thế nguy
Thần hoảng thần chạy!”
(Trước, Quát không biết / Sau, Quát chẳng hay / Nửa chừng Quát đến /
Thấy như thế này: Bàn trên chửi: chó! / Bàn dưới mắng: chó! / Trên dưới đều chó
/ Rồi choảng nhau luôn / Thần can chẳng đượ c/ Thần thấy thế nguy / Thần sợ,
thần tẩu!)
Chu Thần Cao Bá Quát (1809-1854), sau khi thất sủng về làm giáo thụ phủ
Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây – một nơi hẻo lánh, xa xôi trên đất Bắc. Chu Thần viết đôi
câu đối để trên vách thư phòng:
“Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái!
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi!”.
Danh nhân Quảng Nam: Ông Ích Khiêm (1829-1884) tự Mục Chi, là danh
tướng nhà Nguyễn. Năm 1867, vua Tự Ðức thăng ông làm Thị Lang Bộ Binh. Đầu niên
hiệu Kiến Phúc (1884), thăng ông làm Thị Lang, tước Kiên Trung Nam. Sau đó, ông
dẫn quân đi tiễu trừ cuộc nổi dậy của dân thiểu số ở Trà My, Quảng Nam. Dẹp yên
xong, tháng 5 năm 1884, Ông Ích Khiêm đem 50 lính đi thẳng về quê nhà Quảng
Nam. Bị Ngự Sử Đào Hữu Ích đàn hặc là "tự tiện bắt binh mã đi, giao thông
với phủ đệ" nên ông bị cách chức đày đi an trí ở Bình Thuận.
Ở trong quân lao Bình Thuận, Ích Khiêm hay tin vua Kiến Phúc mất đột
ngột, liền nhịn đói luôn bốn ngày, viết di chúc rồi uống thuốc độc mất. Trong
di chúc có câu: "Vua (bị) nhục, thì thần phải chết... (Nay) ta lấy tháng 7
(âm lịch), ngày 19 làm ngày bài tử (ngày chết) vậy". Năm ấy, ông hưởng
đương 55 tuổi.
Chuyện thịt chó cũng được ghi lại trong lịch sử. Ông Ích Khiêm có lần
dưng sớ xin hạch tôi và cách chức một số quan nịnh thần ở kinh đô Huế. Nhưng
lời thỉnh cầu của ông không được vua Tự Đức chấp thuận. Một hôm, Ông Ích khiêm
mời đám nịnh thần đến nhà ông ăn tiệc. Bữa Tiệc được bày lên mâm với 7 món thịt
chó. Các nịnh thần có hỏi Ông Ích Khiêm:
“Thế hôm nay quan Tiểu Phủ cho chúng tôi ăn món gì đó?”
Ông Ích Khiêm chửi xéo:
“Bàn trên cũng chó, bàn dưới cũng chó, tất cả đều chó hết!”
Giai thoại kể về nhà thơ Nguyễn Khuyến (1938-1909). Có lần Tổng Đốc Nam
Định là Vũ Văn Báo, theo lệnh chính quyền Pháp, vời Nguyễn Khuyến đến nhà, có ý
mời ra làm quan. Nguyễn Khuyến cùng đi với con cả là Nguyễn Hoan, vào đến cổng
dinh tổng đốc thì gặp viên công sứ Pháp đi ra, lại bị con chó tây chồm lên cắn;
Nguyễn Khuyến hoảng hốt đẩy con ra chắn chó. Sau đó, trong câu chuyện với chủ
nhân, ông đã làm thơ tức cảnh:
“Hốt đáo nhĩ môn phùng nhĩ cẩu
Cấp tương ngô tử thế ngô thân”
(Chợt đến cửa ngươi, gặp chó ngươi
Kíp đưa con mỗ thay thân mỗ)
Có lẽ đây là giai thoại hư cấu vì Nguyễn Khuyến cáo quan dưới triều
đình nhà Nguyễn về Yên Đổ vào mùa Thu năm 1884 và qua đời tại đây. Vì Hòa Ước
Giáp Thân 1884 còn gọi là Hòa Ước Patenôtre, hòa ước cuối cùng nhà Nguyễn ký
với thực dân Pháp vào ngày 6 tháng 6 năm 1884 tại kinh đô Huế. Điều 1: Nước An
Nam thừa nhận và chấp thuận nền bảo hộ của nước Pháp. Lúc đó Tam Nguyên Yên Đỗ,
nhà thơ yêu nước, từ quan nhà Nguyễn mà lại đến nhà tổng đốc.
Nhà thơ Nguyễn Vỹ (1912-1971) trong thời gian làm báo Tiếng Dân, La
Patrie Annamite, Hà Nội Báo, Le Cygne, Bạch Nga v.v... đã mượn những trang báo
để chống lại thực dân nên năm 1930 ông bị 6 tháng tù tại ngục Trà Khê (Phú
Yên). Thương cho thân mình, cho cả đồng bào trong ách nô lệ bị thực dân coi rẻ
hơn chó, ông đã viết tại ngục tù bài thơ "Trăng, Chó & Tự Do".
"Trước sân tù có con chó L'amie
Trăng với chó tự do ngoài sân ngục...
Tôi bị giam sau bốn bức tường cao
Ôi tự do mình quý biết nhường bao..."
Bài thơ Gửi Trương Tửu rất dài, trích 12 câu cho thấy nỗi khổ của người
cầm bút:
“… Bây giờ thời thế vẫn thấy khó,
Nhà văn An-Nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút viết văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương
Rồi nhìn chúng mình hì hục viết
Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết,
Mà thương cho tôi, thương cho anh
Ðã rụng bao nhiêu mái tóc xanh…
… Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ!
Chơi nước cờ cao gặp vận bĩ
Rồi đâm ra điên, đâm vẩn vơ,
Rốt cuộc chỉ còn… mộng với mơ!”.
Mẩu chuyện dân gian về Thơ Vịnh Con Chó.
Có một anh học trò nhỡ độ đường, vào huyện ăn xin, nói là học trò
nghèo. Quan huyện vốn trước cũng là trò nghèo, thương hại, bảo:
- Có phải học trò thì ta ra thơ "Con Chó" cho mà làm, làm
được sẽ có thưởng.
Anh học trò nghĩ một hồi lâu đọc:
“Thoạt thấy chúa về ngoe nguẩy theo
Thương ôi! Con chó ngỡ con mèo”.
Quan huyện nghe xong, phán:
- Học trò thật! Thơ không hay lắm, nhưng được cái đúng vần.
Liền thưởng cho một quan tiền và một thúng gạo. Anh kia lạy tạ ra về.
Giữa đường gặp một anh học trò khác, anh này hỏi:
- Tiền gạo đâu ra thế?
Anh kia kể đầu đuôi câu chuyện. Anh này liền vào huyện, cũng nói là học
trò nghèo, nhỡ độ đường vào huyện. Quan huyện cũng lại ra thơ như lúc nãy. Anh
ta mừng quýnh, tưởng chuyến này ăn chắc, liền đọc:
“Thoạt thấy chúa về ngoe nguẩy thời
Thương ôi! Con chó ngỡ ông trời”.
Quan huyện nghi anh ám chỉ mình, tái mặt, sai lính đánh mấy chục roi,
rồi đuổi ra.
Trong bài Năm Chó Nói Chuyện Chó trước đây của Trần Văn Giang viết:
“… Với khứu giác siêu việt, mạnh gấp 400 lần khứu giác của người, chó
giúp cảnh sát và quân đội trong vấn để an ninh và an toàn công cộng như tìm ra
chất nổ, ma túy bị che dấu … giải quyết các vụ hình sự phạm pháp. Chó dẫn dắt
người mù lòa đi lại như người bình thường. Chó kéo các xe trượt tuyết chở người
và vật dụng ở vùng Bắc Cực. Ngoài ra chó là thú vật được các nhà làm phim ảnh Hollywood
yêu chuộng nhất so với các thú vật khác, chó đóng góp rất nhiều cho kỹ nghệ
điện ảnh, các chương trình truyền hình dài hạn, quảng cáo thương mại và các
đoàn xiếc. Về phương diện thể thao, người ta còn bày ra trò đua chó giống như
đua ngựa. Hằng năm, người Mỹ còn tổ chức thi đua chó đẹp nhất và chó xấu nhất.
Chủ các con chó thắng các cuộc thi nầy lãnh các giải thưởng và lệ phí quảng cáo
thương mại lên đến bạc triệu đô la.
Mặc dù chó là bạn hữu ích và trung thành của người. Chó lại phải chịu
đựng nhiều sự ngược đãi, bất công từ con người. Chó bị giết làm thịt! Thịt chó
là một món nhậu rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Vài đường phố Hà Nội cứ khoảng
100 thước là có một tiệm thịt chó! Dọc theo hai bên đường đi từ Hà Nội ra Chùa
Hương ở Hà Tây, thỉnh thỏang lại thấy một đám thui chó khói bốc nghi nghút. Thịt
chó cũng thấy bày bán như thịt heo, thịt bò tại các chợ của các quốc gia miền
Đông Nam Á như Đại Hàn, Trung Hoa, Việt Nam, Thái Lan và Phi Luật Tân…
Người Âu Mỹ rất quí chó và đối xử với chó một cách quá đáng dưới con
mắt của dân Á Đông! Ở Hoa Kỳ, chỉ có 250 triệu dân mà người ta nuôi gần 100
triệu con chó! Chó trên đất Mỹ sống và được chăm sóc sung sướng hơn đa số dân
Việt mình ở quê nhà. Chó có bảo hiểm sức khỏe: đau ốm được đi bác sĩ, được khám
răng, được chích ngừa bệnh tật. Kỹ nghệ đồ ăn cho chó rất to lớn ở Hoa Kỳ. Các
siêu thị ở Hoa Kỳ phải dành hẳn cả một dẫy kệ để bán đồ ăn đông lạnh hoặc đóng
hộp với đủ các hương vị khác nhau cho chó...”.
Món thịt chó du nhập vào Nam theo đoàn người di cư. Theo những tay nhậu
chuyên nghiệp thì thịt chó ngon hay không ngoài cách nấu nướng nó còn lệ thuộc
vào loại chó nữa như câu "nhất bạch, nhì vàng, tam khoang , tứ đốm".
Hơn nữa, trong các món về chó hình như chỉ có món dồi là độc đáo nhất thì phải.
Bởi vậy mới có câu:
“Sống trên đời ăn miếng dồi chó
Chết xuống ân phủ biết có hay không”.
Ngày nay nạn trộm chó tràn lan khắp nươc rất thịnh hành. Những tay bán
thịt chó thì còn tệ hơn nữa, họ không chừa một loại nào, kể cả chó chết, chó
già, chó bệnh. Thậm chí chúng còn đem những con chó chết bệnh, chích thuốc cho
tươi đem bán ra thị trường. Hành động này không những là một sự tồi bại mất
nhân tính mà còn gây ra rất nhiều bệnh cho loài người.
Rất nhiều Hội Bảo Vệ Súc Vật lên án tệ nạn giết chó ăn thịt ở vài nước
Á Châu, xem đó là hành vi mọi rợ. Ðối với xã hội Âu Mỹ ăn thịt chó là một điều
đại kỵ, giết chó ăn thịt bị phạm luật.
Ở xứ Cờ Hoa nầy có câu nói ví von theo thứ tự ưu tiên: thứ nhất trẻ em,
thứ nhì phụ nữ, thứ ba người già, thứ tư là chó và cuối cùng là đàn ông. Có lẽ
vì vậy ít thấy chàng trai nào “tha hương ngộ cố tri” làm thơ ca ngợi về chó vì
ngại bạn bè phán cho “thấy sang bắt quàng làm họ”.
Vương Trùng Dương