văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, May 7, 2018

PHẠM QUỐC BẢO ** Pleiku trong thơ Trần Tuấn Kiệt


Cách đây vài tuần, trong buổi gặp mặt thân hữu, một người bạn học xưa tình cờ giới thiệu cô Thu Đào là nhân vật năng nổ đang đứng ra tổ chức Ngày Hội Ngộ Phố Núi Pleiku lần thứ nhì dự trù vào mấy tháng đầu năm 2013.
Nhắc đến Pleiku, kỷ niệm của trên 46 năm trước chợt hiện ra trong ký ức: Nếu ký ức của tôi còn chưa lầm lẫn thì giữa năm 1966, tôi cùng với một nhóm bạn hữu, trong đó tôi còn nhớ chắc chắn là có sự hiện diện của Bùi Hồng Sĩ và Trần Tuấn Kiệt, được hân hạnh mời lên Pleiku, nhân kỷ niệm ngày thành lập Trung Tâm huấn luyện cán bộ xây dựng nông thôn của đồng bào Thượng có tên là Trường Sơn…

…Thực ra thì phải kể từ đầu năm 1964, lúc mà phong trào hướng về nông thôn đã tự động phát triển khá rầm rộ trong giới thanh niên-sinh viên-học sinh ở các tỉnh thành Miền Nam Việt Nam, nhất là thành phần này thời ấy đang cư ngụ tại SàiGòn. Lý do dễ hiểu là trước đó đã không có nhiều điều kiện và cơ hội phù hợp để tạo ra một môi sinh thuận tiện khiến lớp thanh niên ở tỉnh thành chú tâm tới. Đặc biệt nhờ vào hai kỳ nạn mưa lụt nặng nề tàn phá Miền Trung, của những năm 1964 và 1966, đã là hai mốc điểm tích cực biến thành động lực khiến cho lớp học sinh-sinh viên khắp nơi tổ chức những cuộc lạc quyên rầm rộ và rộng khắp, rồi cũng chính chúng tôi trực tiếp đưa những kiện hàng đã quyên được đi cứu trợ cho người dân đang sinh sống ở những vùng nông thôn lụt lội ấy. Và nhờ thế mà chúng tôi mới thực tế hóa được những thiếu sót về hiểu biết hết sức quan trọng cho đời sống của cá nhân mình, cho cái xã hội Miền Nam Việt Nam thân yêu đang cưu mang chúng tôi:
Chẳng hạn như trường hợp nước lũ trên ngàn tràn xuống, kéo những ngôi nhà tranh vách đất của xóm làng, có nơi thì cả một xã, và bóc luôn những đọan đừơng Số Một dài hằng cây số trôi đi mất hút vào lòng biển khơi.Ở những vùng Quảng Ngãi -Quảng Tín -Quảng Nam.

Những chiếc xe GMC của các đơn vị thuộc tiểu khu tỉnh cho mượn chở hàng cứu trợ đều bị nghẽn lại tại những đọan đường nước chảy xiết như thác như sông cuồn cuộn ấy. Dân làng đổ ra  xin chuyển hàng phụ, và được chúng tôi trả công bằng một đấu gạo thì họ đưa hai tay run run đỡ lấy, nước mắt họ lưng tròng…
Rồi chúng tôi hai ba chục đứa trai tráng hè nhau dựng cột làm nhà ở cho họ mà hì hục ạch đụi cả tuần lễ không xong được một căn; còn người dân làng địa phương họ chỉ cần dăm ba người trong một ngày là hòan tất việc lợp mái quây vách lá cho mấy căn liền! Đó là chưa đề cập tới những công việc đồng áng như vỡ đất, lên giồng trồng khoai, đắp đê dẫn nước vào ruộng, gieo hạt, cấy lúa, bón phân và thu họach …Và còn thế nào là “nước-phân-cần-giống”. Thế nào là

“.. Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm
Trông sao chân cứng đá mềm
Trời trong bể lặng mới êm tấm lòng”
Đến như mấy lòai gia súc như trâu bò heo gà vịt ngan ngỗng..thì cũng phải nhờ vào những dịp ấy, chúng tôi mới thực sự tiếp cận và hiểu biết, từ mùi vị của chuồng trại đến thức ăn uống và công tác chăm sóc chúng hằng ngày …

Đấy. Phải nhờ vào mấy cơ hội này, chúng tôi mới hiểu thấu bằng thực tế được phần nào cuộc sống của người dân cư ngụ tại nông thôn trại ổ, đặc biệt là Miền Trung. Và khi hiểu biết được rồi thì chính cá nhân chúng tôi ai ai cũng đều bị cuốn hút vào cái dòng sống sinh động ấy để mở ra một không gian phong phú bao la của nông thôn-đất nước ở xứ ta, bên ngòai cái môi trường thị thành mà chúng tôi hằng trực tiếp được nuôi dưỡng lớn lên và sinh họat lâu nay.
Và tiếp theo đấy, giữa thập niên 1960, khi tốt nghiệp từ đại học và phát xuất tự trong thẳm sâu của tâm tình cõi lòng mình, đa số bọn chúng tôi mới bắt đầu có huynh hướng yêu thích và hăm hở về phục vụ tại nông thôn: Có những anh em chọn vào làm giảng viên của Trung tâm Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn Vũng Tàu như Trần Lam Giang, Tôn Thất Tuệ, Ngô Huy Lãng… Có những anh em phải đi dạy học hay làm công chức nhưng lại chủ ý xin được bổ về các tỉnh-quận miền quê ( như Nguyễn Văn Đậu, Nguyễn Mọn, Võ Văn Lượng, Nguyễn Bá Trạc, Lê Danh Đàm…) Nhưng phần đông khác là những anh chị em đang còn dịp hăng say tham dự các họat động hướng về nông thôn. Như các trại họp bạn Hướng Đạo hay các công tác xã hội của những đòan thể tôn giáo Thanh-Sinh-Công và Gia Đình Phật Tử. Rồi Chương trình công tác Hè 65 ( Summer Program 65), Chương trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh niên – Sinh viên Học Đường (CPS), Chương trình Công tác Phụng Sự Xã Hội, Chương Trình Xây Dựng Quận Tám…

Cùng trong bối cảnh sinh họat rộn ràng ấy, Trung tâm Quốc Gia Âm Nhạc là một cái nôi họat động của giới trẻ chúng tôi thời ấy, cũng đã gia tăng gấp bội một cách sôi nổi những sinh họat ca-nhạc-kịch. Như những lớp ca trưởng và sọan hòa âm do Phạm Nghệ, Ngô Mạnh Thu phụ trách. Như những buổi diễn kịch Nghêu- Sò – Ốc – Hến (tuồng cổ tân biên), Không Một Nấm Mồ (nguyên tác kịch bản Pháp được Việt hóa, của ai, tôi bây giờ đã quên mất rồi!)… Và đặc biệt nhất là các vở như Thành Cát Tư Hãn, Thằng Cuội của giáo sư Vũ Khắc Khoan đã được trình diễn nổi đình nổi đám, cả ở SàiGòn lẫn trên ĐàLạt, với những diễn viên kịch sĩ lớp mới tốt nghiệp thời gian đó như Đinh Ngọc Mô, Vũ Hạ, Hà Bay, Trần Quang, Trầm Trọng Tài, Nguyễn Minh Phương,… Cũng như những buổi trình diễn tân-cổ nhạc, đại hòa tấu các bản nhạc cổ điển tây phương nổi tiếng quốc tế.
Và trong một buổi nhạc hội dân tộc,tôi đã tham dự và tình cờ gặp được Thiếu tá (Nguyễn văn?) Nghiêm lúc ấy đang phụ trách chức vụ dường như là Chánh Văn Phòng cho Bộ Trưởng bộ Sắc Tộc Tây Nguyên là Paul Nur, trụ sở của bộ này cũng ở trên đường Nguyễn Du, nằm ngay cạnh Trung tâm Quốc Gia Âm Nhạc.

Nghe nói Thiếu tá Nghiêm trước đó, khi còn ở đơn vị tác chiến trên Pleiku, đã đứng ra điều giải thành công trong một vụ mâu thuẫn dù vô tình nhưng lại sắp xảy ra  xung đột gay gắt giữa các sắc dân cư ngụ ở đó với một cánh quân đội thuộc tiểu khu, nên ông mới được mời về giữ chức vụ quan trọng nói trên. Tỏ ra như một bậc đàn anh lớn tuổi mà cởi mở thân tình, ông đã gợi ý cho chúng tôi theo phái đoàn lên thăm Trung tâm huấn luyện cán bộ Trường Sơn, nhân dịp kỷ niệm khánh thành trung tâm này.
Kỷ niệm một vài ngày thăm viếng ngắn ngủi ấy thú thực là xa cách đã quá lâu (hơn nữa, trên bốn chục năm qua là những thập niên bao gồm quá nhiều biến động trọng đại của dân tộc và đất nước) nên bây giờ chỉ còn nhớ quên lãng đãng trong ký ức.

Tôi chỉ mang máng rằng chúng tôi được một chuyến vận tải nhỏ C- 47 đi từ phi trường Tân Sơn Nhất tới Nha Trang thì ghé qua Pleiku để cho chúng tôi ‘quá giang’ xuống phi trường Cù Hanh. Một chiếc xe Jeep và hai chiếc GMC đưa  mấy đứa chúng tôi tháp tùng cùng các viên chức và phái đòan ký giả SàiGòn đi dọc qua con phố chính của thị xã. Trung tâm huấn luyện  gồm nhiều dẫy nhà sàn mà căn giữa to lớn hơn hết đang là một hội trường có nền đất nhưng trần lại cao bằng với những dãy xung quanh, bốn phía trống hốc, treo đèn kết hoa và đầy những dải băng khẩu hiệu với những hàng cán bộ- học viên  xếp hàng ngay ngắn, đứng bên ngòai và ngồi ở trong hội trường. Cả trung tâm trông còn mới mẻ trên nền đất đỏ với hàng rào kẽm gai bao bọc ngòai xa, với những bãi cỏ cây hoang dã trải dài tiếp giáp những khu rừng rậm kín bưng bạt ngàn tứ phía, và xa xa ở phía chân trời là mấy ngọn núi lam lớp lớp mờ ảo… 9, 10 giờ sáng mà sương lất phất vẫn thấy còn lảng vảng trong không trung…

Nghĩa là cái mầu nâu đỏ sậm của đất và cái bao la của mầu xanh cây rừng bạt ngàn sơn dã lấp ló đọng lại giữa màn sương lãng đãng là còn hiện diện mãi trong ký ức của tôi, khiến cho tôi vào thuở ấy đã nảy ra trong lòng mình một mối cảm xúc rưng rưng về cái chiều sâu thăm thẳm của vùng đất cao nguyên với những sắc dân Miền Thượng, trên khắp ba miền đất nước ta : Đó là cương thổ và là một môi trường sinh sống của những con người mà đối với chúng tôi hồi ấy vẫn còn đầy những bí ẩn đến độ huyền hoặc của hàng chục thế kỷ, hằng ngàn năm lịch sử dân tộc mình…

Độ 1 giờ trưa xong lễ, chúng tôi được chở vào thăm khu trồng trà sản xuất lọai lipton của Anh để xuất cảng, có tên là Ca Tếch Ca. Một bữa nhậu rượu cần bất ngờ diễn ra chớp nhóang, giữa những màn văn nghệ múa hát nồng hậu tiếp đãi của đồng bào. Chúng tôi ngẩn ngơ thưởng thức..nhưng thực ra là chúng tôi đang mê mẩn trong ngẩn ngơ tiếp nhận tòan là những mùi vị của một thứ rượu lạ lẫm, những âm thanh tiếng động của cồng chiêng, những cách thế vũ múa ở động tác tay-chân, những luyến láy điệu hò câu hát lửng lơ…Tất cả đều hết sức tươi mới, trong bầu không gian núi rừng, của đời sống đã từng âm thầm có mặt như vậy cả bao nhiêu thế hệ dài dằng dặc trôi qua, trong cùng khung cảnh lịch sử nước ta mà trước ấy chưa từng có ai nhắc nhở vào sâu chi tiết một cách chính thức và có hệ thống để chúng tôi được học hỏi và thấu hiểu một cách sống động như vậy cả…

Tiếp theo đó, độ 3 giờ, trên đường trở ra lại Biển Hồ, Trần Tuấn Kiệt xuất khẩu đọc cho tôi nghe bài thơ:
“ Em hát trong rừng sao
Tôi ngủ dưới cội đào
Chợt mùa đông tuyết phủ
Biết tìm em phương nào?”

Xế trưa, khi nhẩy xuống  tắm ở cái mặt hồ trong veo ấy, một cảm giác gây gây lạnh đã khích thích mạnh mẽ không những tòan thân thể chúng tôi mà còn tạo một ấn tượng sâu đậm trong tâm tư của chúng tôi. Kiệt thổ lộ rằng anh vô cùng nhớ đến biết bao những lần lặn ngụp vẫy vùng một cách vui thú tại giòng sông Sa Đéc,làng quê của anh ở miền Tây Nam phần.Và nhờ vậy tôi tự hiểu ra được cái nguyên nhân tại làm sao mà anh chọn lấy bút hiệu là Sa Giang Trần Tuấn Kiệt. Còn riêng cá nhân tôi thì lại e dè nhưng thành thật tự thú nhận với bạn rằng tôi không thể quên liên tưởng đến những buổi nghịch mưa trong một khu xóm của Phú Nhuận, nơi mà gia đình tôi đã cư ngụ suốt từ khi di cư ngòai Bắc vào trong Nam mấy tháng năm 1954. Đấy là những xúc động sâu xa còn ở lâu dài mãi trong ký ức tôi.

Về lại SàiGòn, mấy tháng sau gặp lại nhau, Kiệt đã đọc thêm cho tôi nghe một bài thơ khác anh cảm tác từ lần lên Pleiku ấy:
“ Chống gậy nhìn núi cao
Lại nhìn xuống lũng thấp
Ngày mai ta phương nào..
Cỏ cây buồn hiu hắt.”
oOo

Rồi cứ thế bẵng đi mấy chục năm trời, với bao nhiêu vật đổi sao rời, bao nhiêu nạn kiếp xoay vần, cuộc đời của mỗi một cá nhân chúng tôi chìm nổi bao nhiêu bận, trải qua biết bao nhiêu là gian truân còn mất dồn dập liên tục diễn ra…Giữa năm 2004, vì một lý do chẳng đặng đừng, tôi trở về SàiGòn.
Tưởng như Từ Thức trở về trần gian nhưng không hề được như vậy: Khung cảnh xưa thì đổi khác hòan tòan.Tất cả những ai sống sót thì vẫn có thể còn nhận ra nhau, vẫn mừng vui gặp gỡ nhau …Nhưng những cái xa lạ cách biệt ở giữa nhau, từ hành vi-thái độ lẫn suy nghĩ-tư tưởng trong vô thức thì mỗi lúc một âm thầm hiện rõ dần dần ra, cứ thế mà bầy ra mãi, nhiều đến độ không hề muốn chấm dứt. Hiện tượng này tạo cho con người ta có cảm nhận rằng mình đang ở trong tư thế ngỡ ngàng một cách  ngơ ngác và đầy những chua xót, đến độ thấy rõ được nỗi bi đát vô hình bao trùm lấy nhau, như những đôi mắt luôn luôn nhìn ngắm nhau xuyên qua những bức tường trong suốt mà biết chắc rằng chỉ trong chốc lát ngắn hạn, chẳng thể nào có khả năng phá bỏ đi tất cả những cách ngăn trùng điệp để có thể mà xích lại gần nhau hơn!

Trong tâm trạng ấy, tôi tìm gặp được Trần Tuấn Kiệt. Hai tên bạn thân thiết vô cùng ở cái thuở xa xưa ấy bây giờ đã già yếu, và bất ngờ được gặp lại nhau. Tôi ngỏ lời mời ra một quán nước bên đường. Kiệt ngần ngừ một chút rồi như cố gắng chiều bạn, hắn lẳng lặng bước thấp bước cao theo tôi.

Rượu thì không còn uống được nữa rồi. Đã đành. Còn bia hắn cũng buồn bã lắc đầu từ chối. Một ly cà phê đá nhạt phèo mà thủy chung hắn chỉ nhắp thấm môi vài ba lần! Trong khi ấy, tiếng còi xe gắn máy và tiếng người đối đáp lốp bốp nổ không dứt ở xung quanh. Hai đứa tôi ngồi đối diện nhau, qua chiếc bàn sắt xiêu vẹo, ngại ngùng vì sợ lên tiếng nói mà bạn mình chưa chắc gì đã nghe ra được, giữa cái không gian xô bồ huyên náo quá độ này…
Cứ thế đến vài giờ sau, hai chúng tôi lại lững thững trở về nhà Kiệt, ở một  trong những ngõ hẻm của khu trước kia là cư xá Việt Nam Thương Tín, vùng Thị Nghè giáp ranh Ngã Ba Hàng Xanh.

Nán lại với bạn trên căn gác xép ọp ẹp, dưới mái tôn nóng hầm hập, tôi tự thấy rằng mình với bạn dường như có quá nhiều điều mà lại…chả có gì để nói với nhau: Những nơi chốn ở đây mà muốn đề cập tới thì luôn luôn phải kèm theo những chỉ dẫn dài dòng cho cặn kẽ, nào là trước đây thuộc đường tên là gì, bây giờ phải đi đứng ra sao mới tới được,..vân vân… Còn những chuyện ở bên Mỹ của tôi thì dĩ nhiên là mắc míu hơn vậy nữa, không thể nào diễn tả để cho Kiệt hiểu ra những gì mà tôi muốn trao gửi…Cuối cùng, hai đứa chỉ có thể nhắc đến đôi ba kỷ niệm chung cũ xa xưa. Thế mà chúng tôi vẫn có cảm giác là hai đứa đang kể cho nhau nghe lại những câu chuyện cổ tích huyền thọai nào vậy!
Trần Tuấn Kiệt đã làm như cố đọc ra một bài thơ:
“ Một mai ta đến bên thành
Cỏ cây cũng muốn thương mình ra hoa
Vầng trăng bến ngựa giang hà
Bia thành vách mộ lòng ta chợt buồn.”

“Bia thành vách mộ… lòng ta chợt buồn” Câu thơ chót này đang còn vang vọng bên tai, và tôi động tâm tự nhủ: Câu chót của hai bài thơ trước đây Kiệt đã sáng tác được nhờ gợi hứng từ chuyến lên Pleiku của trên bốn chục năm về trước, câu nào cũng man mác cả: Nào là “..Biết tìm em phương nào?”, nào là “ Cỏ cây buồn hiu hắt.” Bây giờ, bẵng đi trên bốn chục năm của đầy những biến động kinh hòang cho đất nước và dân tộc, đương nhiên là cho cả hai chúng tôi nữa chứ, thế mà câu chót của bài tôi vừa nghe Kiệt đọc đây: “Bia thành vách mộ lòng ta chợt buồn”.

Tôi bỗng thấy thật là kỳ cục, nếu không muốn nói rằng đối với suy nghĩ của tôi hiện giờ thì tâm tư của hắn đang tàn nhẫn phản bội lại chính hắn, phản bội lại chính sự sống còn một cách hiếm hoi hiện nay của hắn, của tôi…Bởi vì chính hắn, cũng như tôi, đã may mắn sống sót được đến ngày nay sau khi cùng nhau bị du vào cái thế phải trải qua biết bao nhiêu là những khổ đau, bao nhiêu bạn hữu đã nhọc nhằn ra đi…Con người của chúng tôi bây giờ, dù muốn dù không, cũng đã thấm thía cả những biến động kinh hồn ấy, thì chúng tôi bắt buộc phải khẳng định là phải cố vươn lên mà sống, cho xứng đáng với những hy sinh vô bờ bến của những người đã bất hạnh ra đi sớm, của cái bước ngoặt lịch sử dân tộc 1975, dù cho chỉ để khẳng quyết ở trong tâm tư mà thôi, cũng phải thổ lộ sự khẳng quyết ấy ra chứ !

Tự nhiên tôi lại chợt nhớ đến một đọan thơ khác, cũng vẫn của Kiệt; và tôi ứng khẩu đọc liền:
“Rồi mai ta bước lên đường.
Gió chiều bay áo, ánh dương thâu mờ.”
Mày có nhớ thơ của ai đó không? Tôi làm ra vẻ bâng quơ nói vậy. Kiệt từ từ quay đầu lại nhìn tôi, tò mò, thắc mắc… Rồi tự nhiên ánh mắt của hắn bắt đầu sáng lên một cách tinh nghịch. Cái ánh mắt tinh quái này vốn sẵn có của hắn từ thuở xa xưa mà từ lúc gặp lại nhau, tôi bây giờ mới nhận ra được cái ánh mắt ấy.
– “Xưa kia ta bước lên đường. Gió chiều bay áo, ánh dương thâu mờ”. Mày muốn sáng tác, hay đã quên thơ của tao?
Tôi xúc động…Và với một giọng run run, tôi lại ngâm lên. Vẫn cặp thơ ấy:
– “Rồi mai ta bước lên đường. Gió chiều bay áo, ánh dương thâu mờ”. Phải “rồi mai”, chứ không chỉ còn là “xưa kia” nữa. Mày có thấy như vậy chăng?
Một thóang ngỡ ngàng phớt qua trong ánh mắt…,và Kiệt vùng đứng dậy, nắm chặt lấy hai cánh tay tôi.

Phạm Quốc Bảo