văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, May 13, 2018

PHẠM TÍN AN NINH ** ĐÀLẠT TRỜI MƯA



Tôi đến Đà Lạt đúng vào một ngày mưa. Mưa tầm tã. Ngồi trong nhà Thủy Tạ, nhìn những hạt mưa bay giăng kín rừng thông, phủ mờ khu phố Hoà Bình , và rơi lả tả xuống mặt hồ Xuân Hương, tôi mơ hồ như những giọt nước mắt của người góa phụ đã từng một thời nhan sắc. 

Người con gái vừa đến gặp tôi làm cho tôi mỉm cười với sự so sánh lạ lùng này. Bởi cô ta cũng xinh đẹp, và dù có nở nụ cười tỏ ra mừng rỡ khi chào tôi, vẫn không giấu được nét buồn trong đôi mắt. Một nỗi buồn có cái gì xót xa sâu lắng lắm.

Tôi đã đến thành phố này nhiều lần. Lần cuối cùng vào mùa Giáng Sinh năm 1970, khi đơn vị tôi may mắn được lệnh về đây phối họp hành quân giữ anninh cho một khóa Võ Bị làm lễ ra trường. Bao nhiêu năm trong rừng núi tây nguyên gió lạnh mưa mùa, rồi xuống bờ biển Phan Thiết với những động cát trơ trọi nóng như lửa đốt, bất ngờ được về Đà lạt, cho dù chỉ sau một ngày ở thành phố, đơn vị tôi lại được đổ xuống những rừng thông xa tít, nhưng đám lính tráng bọn tôi vẫn có cái cảm giác như được đi nghỉ mát. Người ta nói đúng, Đà Lạt dễ thương như những cô gái với gò má trắng hồng và đôi môi mộng đỏ để ai một lần lên xứ Hoa Đào mà lòng không vấn vương. Đà lạt cũng là nơi có nhiều huyền thoại về những mối tình đẹp và buồn của các cô sinh viên với những chàng trai mang alpha đỏ theo nghiệp kiếm cung, mà tôi đã đọc được trong những bài thơ thật buồn của Lệ Khánh từng vang tiếng một thời.

Nhưng đó là Đà Lạt của ngày xưa. Còn hôm nay tôi đến Đà Lạt, với ngổn ngang những nỗi buồn nặng trĩu trong lòng, và Đà Lạt bây giờ chỉ là một thành phố chết. 

Tôi ra tù, trong thời gian còn bị quản chế, trong túi không có bất cứ một tờ giấy nào. Ngay tấm “Giấy Ra Trại” cũng đã bị công an xã giữ. Nhờ thằng em cùng đơn vị cũ, có lò bánh mì ở Tháp Chàm, gởi tôi theo một chiếc xe bộ đội nhận mối chở bánh mì với tiền thù lao khá, tôi mới có mặt ở đây. Anh tài xế sau khi giao mấy thùng bánh mì, còn gởi tôi cho cô “chủ nhiệm” quán Thủy Tạ (bây giờ là của nhà nước), bảo là ông anh họ, để tôi yên lòng không bị hỏi giấy tờ. Quán vắng tanh.Tôi chọn cái bàn nhỏ xa phía trước và gọi hai tách trà nóng. Tôi cũng chỉ đủ tiền để trà hai tách trà này. 

- Anh chờ em có lâu không ? 

Tôi giật mình khi nghe cô gái hỏi. 

- Không sao, tôi chờ cũng đã khá lâu, nhưng được gặp chị hôm nay là tôi mừng lắm rồi. 

Điều mà ai cũng ái ngại khi phải mang tin buồn đến cho một người. Đặc biệt người đó lại lại là một cô con gái đẹp, như cô gái đang ngồi trước mặt tôi đây. Tôi dè dặt: 

- Chắc chị đã biết, như trong lá thư tôi gởi. Tôi là bạn tù của Thống, và hôm nay muốn gặp chị là để nhắn lại những điều Thống đã nhờ tôi. 

- Em biết là anh Thống đã chết từ năm 1978, nhưng mãi đến năm ngoái , em mới được phường đưa “Giấy Báo Tin”. Em không biết làm sao báo cho mẹ anh ấy biết. Bà ở bên Mỹ nhưng em không liên lạc được. 

Tôi bất ngờ, nhưng chợt thấy một chút yên lòng khi nghĩ là cô sẽ không còn đột ngột nhận một tin buồn từ chính miệng của tôi . 

- Chị đã biết tin buồn về Thống. Như vậy cũng là may, chứ không phải người tù nào chết mà người nhà cũng được báo tin. Hôm nay, dù hoàn cảnh khó khăn, tôi cũng phải tìm gặp chị đề nói lại cùng chị những lời trăn trối cuối cùng, và trao cho chị những kỷ vật mà anh Thống nhờ tôi trao lại chị. 

- Cả tuần nay lòng em rất bồn chồn, mong sớm được gặp anh. Vì em không biết anh Thống chết ở đâu và mồ mả ra sao. Nhiều lần nằm mơ, em thấy anh Thống, nhưng chưa bao giờ nghe anh ấy bảo là anh đã chết. 

Tôi lấy trong túi ra để trên bàn một sợi dây đeo một tấm ảnh nhỏ được lồng vào trong cái khung có hình trái tim đẽo bằng gỗ mun -loại gỗ quý mà chúng tôi thường tìm được ở khu rừng Việt Bắc- , một chiếc vòng nhỏ làm bằng nhôm xinh xắn, có khắc đậm sáu chữ Lê Minh Thống & Hà Nhất Anh, và trịnh trọng đứng lên đưa cho cô. 

Nhất Anh chính là cô gái, và Minh Thống là tên một người bạn tù của tôi. Anh đã chết sau gần hai năm bị chuyển ra ngoài bắc. 

Tôi gặp Thống ở trại Lào Cai, khi hai thằng vừa trong nam mới chuyển ra. Sau hơn một năm cả hai cùng chuyển về trại Hang Dơi thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn và may mắn được “biên chế” về cùng một tổ. Thống tốt ngiệp từ trường Võ Bị Đà Lạt, được chuyển sang không quân, lái phản lực. Trong thời gian học trường Võ Bị, Thống quen Nhất Anh , khi ấy đang là sinh viên của trường Chính trị Kinh Doanh. Thống chỉ còn bà mẹ già và cô em gái ở Sài Gòn. Cuộc tình của cô sinh viên Đà Lạt và chàng cựu sinh viên sĩ quan alpha đỏ kéo dài khá lâu. Hai người đã làm lễ hỏi. Nếu Thống không sang Mỹ học phi hành và nếu không có ngày 30 tháng tư, thì hai người đã làm đám cưới. 

Những ngày cuối cùng khi Sài gòn hấp hối, Thống được bạn bè thu xếp hai chỗ trên trực thăng để bay ra hạm đội Mỹ, nhưng Thống lại dành cho mẹ và cô em gái. Gởi mẹ và em cho thằng bạn thân, Thống nói dối với mẹ là anh sẽ đi sau. 

Thống liều lĩnh tìm mọi cách chạy về Đà lạt. Chưa kịp đón Nhất Anh, thì Sài Gòn mất. Thống nằm ở nhà Nhất Anh một tuần rồi ra trình diện “uỷ ban quân quản”, nhưng người ta chỉ cấp giấy chứng nhận và ghi là phải về Sài Gòn trình diện chính quyền địa phương ngay. Trở lại Sài Gòn, nhà bị tịch thu, Thống phải ở ké nhà một người bà con trước khi vào trại cải tạo. 

Mấy năm trong tù, Thống có liên lạc được với Nhất Anh . Nhưng vài tháng mới nhận được một lá thư ngắn, chỉ hỏi thăm vài câu và khuyên “học tập tốt để sớm được khoan hồng về với nhân dân”. Bao nhiêu nhung nhớ yêu thương đều phải dấu kín ở trong lòng. Trong tờ khai lý lịch, Thống ghi Hà Nhất Anh là vợ, cũng là người thân duy nhất, và địa chỉ của Nhất Anh cũng là nơi anh xin cư trú sau này. 

Thống to con đẹp trai, nhưng dường như tình yêu dễ làm cho Thống yếu lòng. Có những ngày đi chặt nứa trong rừng, Thống chỉ ngồi khóc và thì thầm gọi tên người yêu. Mấy lần không mang về đủ nứa, bị phạt cắt bớt một nửa phần ăn vốn đã ít oi, nhưng vẫn không ngăn được nước mắt của Thống. Dường như khi lòng đang thương nhớ ai, thì cái đầu không còn điều khiển đôi tay được nữa. Nhiều hôm tôi phải vận động anh em nhường bớt một chút phần ăn cho Thống, và chia nhau đi lấy thêm nứa cho Thống có đủ chỉ tiêu để không bị phạt. 

Thống còn trẻ, nhưng cũng như hầu hết sĩ quan xuất thân từ Đà Lạt, dù ở binh chủng nào cũng kiêu hùng và thăng tiến rất nhanh. Thống nhỏ hơn tôi sáu tuổi, nên xem tôi như người anh. Có điều gì vui buồn, Thống tìm tôi chia sẻ. Tôi luôn an ủi và khuyến khích để anh có thêm nghị lực. Thống có gì khó khăn tôi sẳn sàng hết lòng giúp Thống. 

Sau này, đội tù của tôi được phân công đi lấy gỗ về xây dựng hội trường. Họ bắt chúng tôi phải tìm những cây gỗ lớn và thẳng. Có những thân cây lớn đến hai vòng tay ôm không hết. Trời mùa đông với những cơn mưa phùn không dứt, nên những con đường mòn trơn như mỡ, chúng tôi chia từng nhóm hai mươi người vừa kéo vừa bẩy cho từng thân cây lăn theo những con đường mòn ấy từ trên núi cao lao xuống suối để cho nó trôi về bên hông trại. 

Ăn uống quá thiếu thốn, đám tù chúng tôi triền miên trong cơn đói. Sức ngày càng yếu mà phải lao động quá nặng nhọc, nên chỉ sau một tuần lấy cây, người nào cũng mệt lả. Một hôm đang lấy sức bật một thân cây xuống bờ suối, Thống mệt quá nên lảo đảo rồi ngã sấp trên thân cây, đúng lúc cây này lăn xuống suối, bật luôn theo Thống. Chúng tôi chỉ còn nghe tiếng hét của Thống trước khi anh bị văng xuống lòng suối nằm sâu dưới vực. 

Trời nhá nhem tối, cả hơn bốn mươi thằng tù chia nhau trèo xuống suối đi tìm Thống. Gần nửa giờ sau chính tổ của tôi tìm được Thống. Anh nằm bất động bên bờ suối. Rất may là ở một nơi không có đá. Thống thoi thóp thở, nhưng không còn cử động được. 

Chúng tôi nhanh chóng kết một cái bè gỗ, rồi theo dòng suối, cùng nhau đẩy anh về trại. Sau hơn một tiếng đồng hồ trong trạm xá, Thống tỉnh lại, mở hé mắt nhìn mọi người. Khi nhận ra tôi, Thống thì thào: 

- Nếu sau này anh còn sống mà về được, nhớ tìm giùm Hà Nhất Anh và nói là em xin lỗi nàng. Mong nàng hãy sớm lấy chồng và quên em đi. 

Tôi nắm chặt đôi vai lạnh lẽo của Thống: 

- Thống yên chí, tôi sẽ làm bất cứ điều gì mà Thống dặn dò. 

Thống cố gắng mở lớn mắt nhìn tôi như cầu khẩn: 

- Nhờ anh giữ lại cái vòng nhôm trong balô và tấm ảnh em đang mang trong cổ này, trao lại cho Nhất Anh. Nhớ nói giùm là em xin lỗi cô ta.. xin lỗi cô ta . 

Ngày hôm sau, một buổi chiều mưa buồn ảm đạm, dưới sự kiềm soát của hai vệ binh, tôi cùng ba người bạn tù đẩy xác Thống trên một chiếc xe “cải tiến” ra chôn dưới triền núi, bên một hốc đá . Chúng tôi đào huyệt đúng vào lúc cơn mưa trút xuống. Huyệt đào tới đâu thì nước ngập theo tới ấy. Tôi năn nỉ xin hai vệ binh cho chúng tôi tìm một nơi khác cao hơn, và chờ cơn mưa tạnh bớt, nhưng không được đồng ý, mà còn bị quát tháo, bảo phải “chôn khẩn trương lên mà về ngay”. 

Tôi phải ngồi đè trên xác Thống, lềnh bềnh trên nước, để cho ba người bạn tù kia lấp đất. 

Chuyện xảy ra đã hơn sáu năm rồi. Thời gian có biết bao sự đổi thay. Tôi cũng đã nghe và chứng kiến không ít những điều phản trắc. Không biết bây giờ Nhất Anh đã có chồng chưa và trong cảnh đổi đời kéo theo bao cay đắng, liệu trong lòng cô có còn lưu luyến chút tình xưa. 

Đắn đo giây lát rồi tôi cũng quyết định phải nói hết những gì tôi biết và nhất là những điều mà Thống, trước khi trút hơi thở cuối cùng, đã nhờ tôi nếu còn có dịp trở về, hãy nói lại cùng nàng. 

Nghe tôi kể xong mọi điều, Nhất Anh vẫn ngồi yên bất động. Im lặng một lúc tôi nghe tiếng nàng khóc. Hai tay nắm chặt các kỷ vật mà tôi vừa trao lại cho nàng. Ngoài trời những cơn mưa càng vần vũ. Tiếng mưa như thấu hiểu được nỗi niềm, từng đợt trút xuống mái nhà Thủy Tạ làm át đi tiếng sụt sùi, để cho nàng khóc. Tôi cũng đã không cầm được nước mắt. 

- Em cám ơn anh, và xin lỗi .. em đã không nén được xúc động. 

Tôi cũng kịp lấy lại bình tĩnh và tìm lời an ủi nàng: 

- Dù sao mọi việc cũng đã qua rồi. Sau cái ngày nước mất nhà tan, biết có bao cảnh chia lìa tang tóc. Thôi thì tôi cầu mong Nhất Anh sớm nguôi được nỗi buồn này và có thêm nhiều nghị lực để mà bước tới, như lời trối trăn của Thống. Nhất Anh còn trẻ mà, còn cả một con đường thật dài trước mặt. Còn tôi, trong hoàn cảnh này, cũng chẳng biết rồi đời sẽ ra sao. Thôi đành phó cho trời đất đẩy đưa. 

Nhất Anh vẫn ngồi bất động, không nói lời nào. Nhìn đồng hồ treo trên vách, nhớ tới lời hẹn của anh tài xế, tôi khẽ gọi nàng: 

- Chị Nhất Anh ! Chỉ còn 15 phút nữa là anh tài xế sẽ quay lại đón tôi. Sau này nếu chị có cần gì ở tôi, cứ liên lạc với tôi nghe! 

Tôi nói cốt chỉ để an ủi thôi. Chứ tôi thì còn khả năng gì mà giúp nàng. Hơn nữa thời buổi nhiễu nhương này, dễ gì mà liên lạc được với nhau. 

Nhất Anh lấy tay lau nước mắt, ngước lên nhìn tôi, ngần ngừ vài giây rồi lên tiếng: 

- Nhờ anh vẽ lại và hướng dẫn cho em nơi chôn cất anh Thống. Sau này biết đâu có dịp may, em sẽ tìm ra thăm anh ấy. 

Tôi đứng lên đến quày trả tiền hai tách trà, và xin một tờ giấy trắng. Tôi ngồi vẽ khá tỷ mỷ và hướng dẫn cho Nhất Anh con đường đến trại tù, và mộ của Thống nằm bên hốc đá trên triền núi, phía sau trại tù chừng một cây số. Cũng may là có cái hốc đá lớn duy nhất, để có thể định hướng được ngôi mộ nằm ở nơi nào giữa vùng rừng núi bao la. 

Nhất Anh đứng dậy mặc lại áo mưa, xúc động nói lời chia tay, rồi đạp xe đi. Tôi nhìn theo bóng dáng nhỏ nhắn của nàng lảo đảo xiêu vẹo dưới cơn mưa tầm tã mà ngậm ngùi lo âu cho số phận của nàng. Tôi nghĩ có lẽ không bao giờ tôi còn có dịp gặp lại Nhất Anh. 

Mùa hè năm rồi, vợ chồng tôi sang  Cali  thăm mấy cô con gái, nhân tiện chúng tôi đến thăm gia đình ông anh họ ở thành phố biển  San Diego . Giáng Sinh năm 1970, nhân cuộc hành quân bất ngờ ở Đà Lạt, tôi có ghé thăm anh chị,. Khi ấy anh làm ở trung tâm điện lực Đa Nhim và vợ anh là giáo sư dạy trường Bùi thị Xuân Đà Lạt. Anh chị rời Việt Nam từ những ngày Sài Gòn hấp hối, nên cũng đã hơn ba mươi năm rồi bây giờ anh em mới gặp lại nhau. Anh lớn hơn tôi gần mười tuổi, vừa bà con lại vừa là học trò cưng của ba tôi lúc anh còn học ở trường Pháp Việt, nên anh chị rất quý chúng tôi, nhất quyết bắt vợ chồng tôi phải ở lại nhà anh chị một tuần để cùng đi chơi với anh chị. Sau một ngày đi khắp nơi ở  San Diego , chúng tôi đi một vòng sang khu nghỉ mát  Cancun  bên Mexcico. Đến ngày thứ bảy cuối tuần anh chị rủ chúng tôi đi tham dự buổi họp mặt của Hội Đồng Hương Đà Lạt, tổ chức tại Anaheim, gần khu Little Saigon, nhân tiện sau đó anh chị đưa tôi về lại nhà cô con gái ở Fullerton, cũng rất gần nơi ấy. Gia đình anh được giấy mời với bốn chỗ ngồi. Vợ chồng đứa con trai lớn không đi, nhường chỗ cho chúng tôi. Bảo là chú thím ở tận bắc Âu, lâu lắm mới có dịp gặp nhiều đồng hương. 

Không ngờ đã rời khỏi quê hương khá lâu, nhưng những người Đà Lạt còn giữ cái tình đồng hương đậm đà như thế. Hội trường không còn một chỗ ngồi. Nghe bà chị nói là họ đã đến từ khắp nơi trên nước Mỹ và  Canada , một số từ Úc và Âu châu. Chưa tới giờ khai mạc, mọi người ngồi nói chuyện líu lo với những tiếng cười nghe như dư âm của một thời trai trẻ. Những cô gái với đồng phục áo dài trắng trong ban tổ chức đang chuẩn bị cho bài quốc ca, vẫn còn dáng dấp của Đà Lạt ngày xưa: môi đỏ má trắng hồng . 

Chúng tôi ngồi ở dãy bàn đầu dành cho quan khách, cùng với gia đình của hai vị cựu giáo sư Bùi Thị Xuân khác. Trên sân khấu, một cái phông lớn là hình ảnh của khu chợ Hòa Bình và một mảng của hồ Xuân Hương trong sương mù. Tôi thầm phục người họa sĩ Đà Lạt nào đã vẽ bức tranh thật sống động. Tôi có cảm giác như mình đang ở một nơi nào đó trên thành phố thơ mộng một thời này. Ai đó đã nói đúng “người Việt nào ra đi cũng mang theo quê hương”. 

Khi nghe cô MC giới thiệu thành phần ban tổ chức cuộc họp mặt hôm nay, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy toàn là phái nữ. Tôi chợt nhớ tới một bài viết nào đó mà tôi đã đọc đươc: Người Việt đến Mỹ, nữ giới thành công hơn là nam giới, và số lượng phụ nữ tham gia vào những hoạt động chính trị, cộng đồng ngày một nhiều hơn. Tôi nghĩ tới Dương Nguyệt Ánh, Lê Duy Loan, những người phụ nữ đã mang đến cho người Việt bao điều hãnh diện. Nhưng đến khi chị trưởng ban tổ chức có đôi lời cùng đồng hương, tôi mới hiểu thêm: Buổi họp mặt này là do các cựu nữ sinh trường Bùi Thị Xuân đảm trách. 

Đang vui tôi bỗng ngậm ngùi khi một chị trong Ban Tổ Chức lên trình bày về hoàn cảnh thương tâm của nhà thơ Lệ Khánh. Bây giờ tôi mới biết Lệ Khánh là con gái của phó trưởng ty cảnh sát Đà Lạt và có cuộc hôn nhân thật buồn với một nhà thơ quân đội, lại là sĩ quan cấp tá trong ngành Tâm Lý Chiến. Bao nhiêu điều ấy đã đưa nhà thơ nổi danh một thời của xứ sương mù vào bước đường cùng, phải đi bán hàng rong, bán từng trái cà trái ớt trong cơn bệnh hoạn, và đứa con trai duy nhất phải đi ở mướn cho người ta. Ban tổ chức kêu gọi tình thương của những cựu Bùi Thị Xuân, của những người Đà Lạt cũ. Tôi thầm cám ơn tấm lòng của những người Đà Lạt và nghĩ đây là một việc rất nên làm. 

Đến phần văn nghệ, cô MC giới thiệu “nhạc phẩm Ai Lên Xứ Hoa Đào với một giọng hát truyền cảm của một Bùi Thị Xuân ngày trước, đã từng làm điêu đứng bao trái tim học sinh, sinh viên Đà Lạt”. 

Lời giới thiệu đó không có một chút cường điệu nào. Giọng hát cất lên cao vút làm cả hội trường im lặng trong khi lòng tôi lắng xuống thẫn thờ. Không phải vì giọng hát truyền cảm, mà vì người hát ấy chính là Hà Nhất Anh, người con gái có một mối tình buồn với người bạn tù của tôi ngày trước. Gần hai mươi năm rồi, khuôn mặt có đôi chút đổi thay, nhưng tôi vẫn nhận ra. Cũng với nhan sắc ấy, nhưng với nụ cười rạng rỡ, không còn nét buồn nào đọng trên đôi mắt. 

Thấy tôi nhìn đăm đăm lên sân khấu, bà chị đập vai tôi: 

- Bộ có quen hay sao mà nhìn dữ vậy ? Hay lại là một người xưa ? 

Tôi quay lại, đúng vào lúc bài hát vừa chấm dứt. Chờ cho những tràng pháo tay, cùng những tiếng la hét lắng xuống, tôi ôm vai bà chị: 

- Đúng là có quen, nhưng không phài người xưa của em, mà là hôn thê của một thằng bạn tù của em, đã chết ngoài Bắc ! Chính em là người đã trao lại cho cô ấy những kỷ vật của anh ta, khi em vừa mới ra tù. 

- Cô ấy là học trò cũ của chị, để chị gọi cô ấy lại nghe. 

Tôi chưa kịp trả lời, thì bà chị đã vẫy tay gọi một cô trong ban tiếp tân nhờ đi mời “ca sĩ Hà Anh”. 

Cô đến nhoẻn miệng cười, cúi đầu chào anh chị tôi và các thầy cô giáo cùng bàn, rồi khựng lại khi nhìn vợ chồng tôi, gật đầu nhưng không nói lời nào. Thấy tôi ngồi gần bà chị, nên cô nhìn bà chị như muốn hỏi chúng tôi là ai. Bà chị cười chỉ vào tôi: 

- Đã gặp nhau rồi mà không còn nhận ra sao? 

Cô nhìn tôi, rồi lắc đầu: 

- Xin lỗi, em không nhớ ra . 

Tôi có một chút khó chịu trong lòng. Hóa ra người đàn bà cũng dễ quên, ngay cả những kỷ niệm đáng ra phải nhớ trong đời. Giữ lịch sự, tôi nhìn cô: 

- Có phải chị là hôn thê của anh Lê Minh Thống ? – Tôi là người đã trao cho chị những kỷ vật của anh ấy ở nhà Thủy Tạ, khi tôi vừa mới ra tù. Chị không còn nhớ? 

Cô ta khựng lại giây lát, nhưng rồi lắc đầu: 

- Xin lỗi , em không nhớ. Có lẽ anh nhầm em với … ai đó! 

Cô chào tất cả mọi người rồi vội vã quay về phía sau sân khấu. 
Tôi nhìn sang ông anh bà chị nói cho đỡ ngượng: 

- Chắc bây giờ chị ta đang hạnh phúc, nên không muốn nhắc lại chuyện tình xưa. 

Trên sân khấu chương trình văn nghệ nối tiếp bằng một hài kịch. Thiên hạ cười ầm ĩ, trong lúc lòng tôi dửng dưng với một chút bẽ bàng . 

Buổi họp mặt chấm dứt, tôi theo ông anh bà chị bước ra khỏi hội trường. Trong lòng không còn cái háo hức của lúc mới bước vào đây. Trống rỗng và một chút bực dọc. 

Tôi đang đứng chờ ông anh bà chị đi lấy xe, thì một bàn tay đâp trên vai tôi . Quay lại, tôi ngạc nhiên khi nhận ra Hà Nhất Anh. Cô đưa cho tôi mảnh giấy, rồi bảo nhỏ, trước khi chạy nhanh về phía hội trường: 

- Em xin lỗi, nhưng Anh nhớ phải đến nghe ! 

Tôi mở vội tấm giấy ra đọc. Chỉ có số điện thoại và địa chỉ, cùng với một dòng ngắn ngủi: “Suốt ngày mai, chủ nhật, em sẽ chờ anh ở nhà ” 

Tôi cảm giác có điều gì lạ lắm. Và dường như cô ta muốn dấu mọi người . Nghĩ như vậy nên tôi không nói lại với ông anh bà chị và ngay cả vợ tôi. Ông anh bà chị đưa vợ chồng tôi về  Fullerton , rồi hẹn quay lại sáng thứ bảy tới đưa chúng tôi đi thăm mấy người đồng hương và cũng là học trò cũ của cha tôi ngày trước. 

Tôi nhờ cô con gái lớn gọi phôn, hẹn đến gặp vào lúc hai giờ chiều chủ nhật. Cô con gái chở vợ chồng tôi tới trước cổng nhà, sau khi xem đúng địa chỉ, bấm chuông, rồi lái xe đi, bảo khi nào cần gọi cellphone, sẽ quay lại đón. 

Một ngôi nhà nhỏ, khá xinh, có trồng nhiều loại hoa Đà Lạt, nằm trong khu  Fountain Valley  yên tĩnh. Người ra mở cổng là một người đàn ông trẻ, khá bảnh trai với hàng ria mép. Anh gật đầu chào, nở nụ cười rất tươi bắt tay chúng tôi, giới thiệu tên, nói năng lễ phép bặt thiệp: 

- Cám ơn anh chị đến thăm. Bà xã em mừng lắm, đợi mong từ sáng tới giờ . Tôi bước vào sân nhà, với một ý nghĩ vừa thoáng trong đầu: Được một người chồng như thế, hèn gì cô ta chóng quên mối tình xưa. 

Nhất Anh mang nước ra mời chúng tôi, vui vẻ, thân tình, khác hẳn với Nhất Anh trong hội trường ngày hôm qua. Tôi im lặng, bởi không biết phải nói điều gì, ngồi chờ cô ta lên tiếng trước. Một lúc im lặng, tôi bất ngờ nhìn thấy cô ta khóc. Anh chồng đưa giấy cho cô lau nước mắt . 

- Mong anh chị tha lỗi cho em. Ngày hôm qua khi gặp anh, nghe anh nhắc tới anh Thống em xúc động lắm, lại biết chính anh là người đã mang về những kỷ vật của anh Thống nữa. Nhưng hôm qua đông người quá, em không tiện nói. 

Tôi đỡ lời: 

- Tôi hiểu. Làm sao mà chị có thể quên được mối tình đầu, vừa đẹp lại vừa buồn, nhất là anh Thống đã ở lại và bị chết oan ức cũng vì quá yêu chị. Phải không ? 

Rồi quay sang anh chồng, tôi lên giọng như một nhà tâm lý học: 

- Ai lại chẳng có mối tình đầu. Và người chồng nào lại không tôn trọng cái kỷ niệm đẹp đó của vợ mình, phải không anh ? 

Anh ta không trả lời, chỉ cúi xuống với một chút bối rối. 

- Xin lỗi anh. Em không phải là chị Nhất Anh, và cũng không phải là người yêu của anh Thống! 

Tôi bất ngờ, vừa ngượng ngùng vừa hụt hẩng khi nghe câu nói của người con gái, mà tôi đã chắc nịch là Hà Nhất Anh. Bây giờ người bối rối lại chính là tôi . 

Cô gái hạ giọng: 

- Em là em kế của chị ấy và cũng là đứa em duy nhất. Ba má em chỉ sinh có hai đứa con gái. Chị em giống nhau lắm, nên có nhiều người cũng lầm. 

Tôi nhìn cô ngờ vực: 

- Tôi nhớ ngày hôm qua khi MC giới thiệu chị lên hát, cũng với tên là Hà- Anh mà ? Tôi nghĩ Hà Nhất Anh, nhưng khi qua Mỹ người ta thường bỏ đi chữ lót. 
- Đúng ra tên em là Hà Nhị Anh, nhưng bây giờ trong giấy tờ, em mang tên chị em: Hà Nhất Anh , mà Nhất Anh hay Nhị Anh gì sang đây, như anh nói, cũng đều gọi Hà Anh như nhau mà anh… 

Đến lúc này thì tôi không còn hiểu gì nữa. Cô ta đứng lên nhoẻn miệng cười và mời vợ chồng tôi theo cô lên từng trên, cô bảo: 

- Anh chị cứ theo em lên trên này thì hiểu nhiều hơn . 

Ba tấm ảnh để trên bàn thờ nhỏ. Tôi nhận ra Thống và Nhất Anh, mặc dù lúc chụp những tấm ảnh này hai người còn rất trẻ. Còn tấm ảnh thứ ba, một người con gái khác, tôi không nhận ra ai. Tôi chưa kịp hỏi thì cô gái lại sụt sùi: 

- Chị Nhất Anh đã chết khá lâu rồi anh ạ. Vào một ngày mùa đông mưa tầm tã, chị ấy đạp xe đi đâu không biết, cả nhà chờ cơm tới tối vẫn chưa thấy về. Từ trước chị không bao giờ đi đâu một mình vào buổi tối. Cả nhà em và mấy người bạn hàng xóm chia nhau đi tìm. Em đạp xe đi khắp nơi. Trời mưa lớn quá nên em lạnh cóng. Đường xá vắng tanh không một bóng người. Cuối cùng thì chính em tìm ra chị ấy. Chị nằm bất động bên bờ hồ Xuân Hương, không xa nhà Thủy Tạ bao xa. 

Tôi giật mình hoảng hốt: 

- Ở gần nhà Thủy Tạ, bên bờ hồ Xuân Hương ? Rồi có tìm được chiếc xe đạp và cái gì nữa không ? 
- Chiếc xe đạp rớt xuống hồ, ngày hôm sau người ta mới tìm thấy. 
- Và chị đã chết ? Tôi hỏi 

- Không, khi ấy thì chị còn sống, nhưng bất tỉnh và mình mẩy thì lạnh cóng. Vào bệnh viện, nửa giờ sau chị tỉnh lại, nhưng rất yếu chưa nói được. Khi thay áo cho chị, em thấy trong túi áo có một sợi dây đeo cổ có tấm ảnh của chị và một chiếc vòng nhôm có khắc tên chị và tên anh Thống. 

- Không có tờ bản đồ vẽ trại tù và nơi mộ anh Thống ? 
- Có chứ ! Chính nhờ tấm bản đồ đó mà vợ chồng em, cách nay ba năm về Việt Nam, ra tận nơi tìm được, rồi thuê người lấy hài cốt của anh Thống mang về chôn trên Đà Lạt . Cám ơn anh đã vẽ cái bản đồ khá chi tiết và chính xác. 
- Còn chị Hà Nhất Anh ? 

- Hai tuần sau, chị khá hơn nhiều, nói năng tỉnh táo, bệnh viện cho xuất viện bảo về nhà điều trị, bồi dưỡng là chị sẽ khỏe thôi. Nhưng không ngờ về nhà mấy hôm thì lên cơn sốt nặng rồi hôn mê trở lại. Đưa vào bệnh viện thì chị mất. Người ta bảo là chị bị sưng phổi cấp tính. Mà thời ấy có thuốc men gì đâu mà chửa. Trong mấy ngày tinh táo, chị thường nhắc tới anh Thống, năn nỉ ba má em tìm mọi cách đem anh Thống về Đà Lạt, và báo cho mẹ anh ấy biết. Lúc trước bà thương quí chị lắm, nên chị cũng rất thương và lo lắng cho bà, khi em gái anh Thống vừa quá trẻ lại vừa yếu đuối. Không ngờ đó lại là những lời trăn trối của chị. 

Tôi thầm nghĩ, chính vì đi gặp tôi hôm ấy mà Nhất Anh chết. Chắc cô đã xúc động nhiều lắm. Lòng tôi chùng xuống. Tôi có cái cảm giác đau đớn như vừa có những nhát chém vô hình nào đó trong lòng mình. Tôi lấy lại bình tĩnh: 

- Như vậy là bây giờ mộ của Thống nằm trên Đà lạt . 
- Dạ . Anh nằm bên cạnh chị Nhất Anh. Vợ chồng em mua lại mảnh đất tư gần khu rừng Ái Ân. Từ đó anh Thống có thể nhìn thấy Trường Võ Bị của anh lúc xưa và đỉnh núi Lâm Viên mà anh đã từng chinh phục. 
- Đồi thông hai mộ . Tự dưng tôi buột miệng. 

Đến lúc này tôi mới thấy cô nhoẻn miệng cười: 

- Sau ngày 30 tháng 4/75, ở Đà lạt có khá nhiều “đồi thông hai mộ”. Có dịp anh chị về Đà Lạt, ghé lại Rừng Ái Ân hỏi thăm, là người ta biết hai ngôi mộ của anh chị Thống-Anh. 
- Thế rồi, cô có liên lạc được mẹ và em gái của anh Thống ? 

Cô không trả lời, mà lại mời vợ chồng tôi bước sang phòng bên cạnh. Căn phòng rộng, thoáng mát, có cửa kính lớn nhìn ra công viên phía trước. Một bà cụ tóc bạc trắng, nhưng da dẻ hồng hào, đôi mắt sáng, ngồi trên chiếc xe lăn. Khi tôi cúi đầu chào bà , cô gái giới thiệu: 

- Anh này là bạn tù của anh Thống ở ngoài Bắc. 

Rồi quay sang tôi : 

- Chắc anh ngạc nhiên lắm, đây chính là mẹ của anh Thống. 

Bà cụ ôm lấy tôi, nước mắt trào ra trên đôi gò má. Bà hỏi tôi về Thống trong những ngày ở tù và vì sao mà Thống chết. Nhưng tôi chỉ kể vài kỷ niệm về Thống trong những lúc vui vẻ, và không dám nói cho bà nghe về cái chết thảm thương của Thống. Tôi nói dối là Thống chết vì bệnh kiết lỵ nặng mà nhà tù không có thuốc. Tôi tưởng nói dối như vậy cho cụ yên lòng, không ngờ cụ đã khóc ngất lên. Tôi chỉ còn biết ôm vai bà cụ mà im lặng. 

Một lúc sau, bà cụ mới tỉnh táo và kể lại tai nạn xe hơi đã làm chết cô con gái, em Thống và làm tê liệt đôi chân của bà. Nhìn sang cô gái, bà cụ thỏ thẻ: 

- Cũng nhờ vợ chồng cháu nó đây mà bác còn sống đến bây giờ. 

Nhị Anh nắm tay bà cụ : 

- Má coi vợ chồng em không khác gì con ruột của má. Em sang đây sau khi em gái anh Thống chết. Tấm ảnh trên bàn thờ lúc nãy là của cô ấy. Cô nhỏ hơn em tới sáu tuồi. Lúc ấy má đang làm chủ mấy sạp may, đã lo lắng tiền bạc cho em sang đây và cho em tiếp tục học xong đại học nữa. Ngôi nhà này là của má cho vợ chồng em đó chứ. 

Vợ chồng tôi chào bà cụ, chúc bà sức khỏe và hứa bất cứ lúc nào có dịp sang Cali, sẽ ghé lại thăm bà. 
Khi bắt tay từ biệt vợ chồng Hà Nhị Anh, chợt nhớ tới một điều, nên tôi hỏi cô : 

- Khi nãy tôi có nghe chị nói là bây giờ tên tuổi của chị trong giấy tờ lại là tên tuổi chị Nhất Anh. Sao vậy ? 

Cô gái vẫn còn nắm chặt bàn tay tôi, kéo tôi ra xa, nhìn quanh rồi hạ giọng: 

- Chính nhờ cái giấy của trại tù báo tin anh Thống chết, trong đó có ghi tên chị Nhất Anh là vợ, nên em đã thay chị ấy mà sang đây theo diện dành cho vợ tù nhân cải tạo bị chết trong tù. Em thấy xấu hổ lắm khi phải làm điều gian dối ấy, tội lớn lắm đối với luật pháp Hoa Kỳ, nhưng đó lại là ước mong của mẹ anh Thống, và của cả chị Nhất Anh trước khi chết nữa. Em săn sóc cho má bao nhiêu năm nay, nên má thương em như con gái má. Biết đâu đây là sự sắp xếp nhiệm màu từ chị Nhất Anh – anh Thống? Hơn nữa nhìn em cũng giống chị em lắm, và tên em với tên chị ấy cũng như nhau mà. Nhưng anh nhớ phải tuyệt đối giữ hộ cho em điều bí mật này nghe . 

Vâng! Chính vì tôi đã giữ cho cô cái điều bí mật đó, nên hai cái tên Hà Nhất Anh , Hà Nhị Anh mà các bạn vừa đọc được trong truyện, đều không phải là tên thật của hai chị em nàng. 

Phạm Tín An Ninh