văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, May 3, 2018

PHAN ** Những Đóa Hồng Mong Manh


Một hôm tôi thấy người chị đứng giàn giụa nước mắt dưới căn bếp giột mưa, hứng bằng cái nón sắt méo mòn thương thảm, nhưng hai tay chị lặt tỉa những cành hồng đã hết xinh tươi từ một bình hoa cũ mà theo trí nhớ rất mơ hồ của tôi ngày ấy, bình hoa có từ bó hoa bạn trai của chị đưa đến tặng. Ngay khi anh ấy ra về, chị tôi đã cắm hoa trong nước mắt vì anh đến từ giã trước khi đi vượt biên. Ba ngày hai đêm sau đã nhìn chị khác xa trước đó; hay chỉ tại thiếu nụ cười luôn nở trên môi người chị vui tính, hiền lành mà trông quá héo hon; hay tại tôi ưa nghĩ ngợi mà ra chuyện. Thật ra là chị của người bạn, nhưng tôi ưa ở nhà bạn hơn ở nhà mình, cũng không rõ nguyên do trong thời tuổi trẻ, nhưng đã thành kỷ niệm xuôi theo dòng đời từ độ ánh trăng tan. Chị thôi ca hát và đánh đàn thùng từ dạo ấy, thôi huýt sáo ngân nga khi ngồi xắt cây chuối cho heo ăn hay nấu cơm độn cho cả nhà vây quanh rổ cây chuối non chấm nước tương pha loãng, le hoe vài lá quế ngắt vặt ngoài vườn. Tuy không phải chị ruột nhưng tôi quý mến chị của người bạn vì tôi chỉ có những anh trai, toàn những người mang giày saut của lính nên nói tiếng trước không có tiếng sau; sút cho mày một đá là đâu ra đó. Có lẽ vậy nên hình ảnh người chị in đậm trong tôi đến bây giờ. Có một thời như thế ở quê tôi, bình hoa không vứt bỏ khi đã héo tàn mà tỉa tót lại để có một bình hoa hết khả năng tỉa tót; hay người ta chỉ chưa quen với những mất mát quá lớn trong đời người miền nam nên cố lượm nhặt lại những mảnh vụn ngày tháng; những dấu tích đau buồn của nước mất nhà tan...

Sáng nay trời đẹp sau mùa tuyết tan, đường bạch dương sương trắng nắng tràn là có thật, có tiếng xe chạy ngoài đường George Bush Highway chứ không có tiếng người xưa vọng/ một điệu Chopin với giọng đàn như thơ Tố Hữu mà thời đó phải học. Lòng riêng không hiểu nổi con người ông lấy đâu ra nhân tính để viết những câu thơ không tệ. Hình như nguyên văn là, em ơi Ba Lan mùa tuyết tan/ đường bạch dương sương trắng nắng tràn/ anh đi nghe tiếng người xưa vọng/ một điệu Chopin với giọng đàn... mà hơi đâu bận tâm tới những tội đồ, thơ đẹp trong dòng thơ nước nhà thì không có sức mà nhớ: Em lùa gió biếc vào trong tóc/ thổi lại phòng anh cả núi non... câu thơ thuộc lòng thời đi học của Huy Cận. Ông không đi Ba Lan nên thơ không có tuyết mà có hồn. Còn bao nhiêu là thơ tình diễm lệ, Có phải em mang trong áo bay/ hai phần gió thổi một phần mây/ hay là em gói mây trong áo/ rồi thở cho làn áo trắng bay... thơ Nguyên Sa không ra hải ngoại cũng diễm tuyệt đời này qua đời khác, nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát/ bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/ thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng... 

Sau đó, Ngô Thụy Miên phổ nhạc để cho mình Duy Trác hát bản Áo Lụa Hà Đông, nghe Duy Trác cất giọng một lần là tía tái trăm năm, nỗi đau dịu dàng thấm vào phế phủ, chết trong chai sầu đông không hối tiếc; chết thật thà khi nghe tình yêu trên cây sầu đông hé nụ mà ngậm ngùi... Em ở đâu hỡi mùa thu tóc ngắn/ giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông... những mùa thu miên viễn đi qua không gian, thời gian, như em đi qua đời anh, như ta đi qua đời nhau ngắn ngủi nhưng nỗi nhớ muôn đời những dấu chân. Không biết tình yêu từ đâu đến đất nước tôi, đất nước của chiến tranh và chia xa, Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay/ tóc em anh sẽ gọi là mây/ ngày sau hai đứa mình xa cách/ anh vẫn được nhìn mây trắng bay... trường liên tưởng sáng nay sực nức mùi hoa hồng mãn khai trong căn nhà tỵ nạn, bỗng lần về không gian nghẹt thở của lịch sử quê nhà, bỗng đi tìm chiếc lá diêu bông của một thời đã qua, hay chỉ đơn giản nhớ người chị trong khắt khe gia giáo của một gia đình nho giáo. 

Nhớ nụ hôn vội vàng của những người lính trận khi trở ra biên cương, người con gái bơ vơ trong khói bụi trực thăng đã cất cánh thì tuổi thơ hạ tiện đã từng chứng kiến; thấy luôn cảnh trở về trên đôi nạng gỗ; thấy người thiếu phụ hoá thạch bên hòm gỗ cài hoa; thấy, anh trở về làm dang dở đời em... sau nhiều năm đi tù cải tạo của những người anh vui tính bỗng trầm ngâm khi sống sót trở về. Sao lại thấy quá nhiều từ khi tuổi đời bằng hạt gạo, để khắc cốt ghi tâm những bi thương to như hạt bắp. Có dân tộc nào đi hết cuộc chiến này qua cuộc chiến khác, để trẻ con nhớ lại thời trẻ con không có trẻ con; chỉ có những người già chưa mọc răng khôn đã chứng kiến nụ hôn thì thầm của người bỏ lại sau lưng một cuộc tình, có thể là nụ hôn đầu tiên của cuộc tình đã chết, nên, lần đầu ta ghé môi hôn/ mấy con chim nhỏ hoảng hồn kêu... xui chứ không phải kêu vang như thơ Trần Dạ Từ dạo nọ. Không biết giờ này ông anh đó có nhìn mây trắng bay ở Paris, Hamburg, Vancouver mà nhớ một chuyện tình. Sao tôi mãi nhớ một đoạn đời... theo vạt nắng sớm long lanh đã leo qua bờ giậu, lòng thật bình an mà không buồn mấy với những bầm giập thuở nhỏ làm cho người ta xem nhẹ những cú ngã về sau.

Sáng nay là ngày Lễ Tình Yêu theo tây phương, nghe nói trong nước bây giờ giới trẻ cũng hưởng ứng ngày này dữ lắm. Ai cười chê, bỉu môi mặc kệ. Tôi hoan nghênh những người bạn trẻ trong nước - dù trong thâm tâm tôi cũng thấy chướng mắt với những cách thế của họ trong ngày này; nhưng thời gian sẽ gọt dũa lại những quá trớn và quá đáng về hình thức để lắng đọng nội dung, ý nghĩa. Vì tôi có đi ra nước ngoài mới biết, một đứa bé tây phương đã từng đi ăn nhà hàng với cha mẹ nhiều lần trong ngày Valentine’s nên khi trưởng thành, cu cậu đi mua bó hoa, đưa bạn gái đi nhà hàng trong ngày này; hay cô bé đã đến lúc nhận bó hoa và một lời mời ăn tối ở nhà hàng nào đó, họ không quá phấn khích như các bạn trẻ trong nước mới tiếp xúc với văn minh tây phương. Cái gì cũng phải có thời gian để hội nhập; sự quá khích thực sự lại hàm chứa trong những lời trách khứ không tìm hiểu nguyên nhân; những quở trách không bị lên án, nhưng đêm về, người viết có ăn năn!

Ly cà phê sáng buồn vương màu nắng, sáng Valentine’s trời trong nắng đẹp; một chút gió xuân lỏn lẻn về sau những lọn gió đông khắc nghiệt đã suy đồi. Sáng xuân về nghe lại tiếng chim ca sau mùa giông bão, trút bỏ được cái áo ấm nặng nề suốt mùa đông phong ba. Sáng tháng hai ngồi nhìn lại mình đời đã xanh rêu trong tiếng điện thoại từ cựu lục địa. “Ông ơi, đang làm gì đó, happy Valentine’s... ”
“You too. Happy Valentine’s...”
“... nói cho tôi nghe: Ông đang làm gì?”
“Ngoài nỗi nhớ nhau trong ngày này thì tôi biết làm gì hơn nhớ bà!”
“Trời đánh người ta chết thấy thương; sao ông còn hoài?”
“Hì hì hì...”
“Tôi biết ông đang nhớ mấy con... xấu ỉn xấu ẹt, từ thời đồ đá cũn cỡn của ông. Tôi gọi chúc ông Valentine’s vui vẻ cả nhà. Nhớ mua hoa tặng vợ nha ông; chiều dẫn vợ con đi ăn bữa tối, rồi về đốt đèn cầy mà gấu ó với nhau... hi hi... Già rồi, đừng ồn quá nha. Sáng mai còn phải đi học đi làm đó nha... Thôi, tôi muốn nói chuyện với vợ ông. Những gì phải nói với ông đã hết. Tôi thề, chưa bao giờ yêu ông.”
“Nếu tôi còn hai mươi, mà phải cưới bà thì tôi tự tử!”
“Tôi không tin! Vợ ông đâu, cho tôi nói chuyện.”
“Không có ở nhà.”
“... buồn quá, nên tôi nói dóc với ông cho đỡ buồn. Đang làm gì vậy?”
“Đang design một bình bông - không đụng hàng!”
“Tôi thuộc loại người đẹp, ông nói rõ ra đi cho tôi hiểu.”

“Valentine’s năm ngoái, tôi ưng bông nêm mua bình bông không kể giá. Rất tiếc không ưng cái bình sến quá. Tôi có hứa với lòng là sẽ design ra cái bình không đụng hàng, nhưng không có thời giờ. Năm nay tôi đang làm cái bình... rồi sẽ tự cắm hoa.”
“Ông tính cắm hoa gì?”
“Bà biết, nhà tôi ăn tết mùng năm. Cái ngày tên lường gạt Sài thành lừa được người con gái hứa yêu hắn dài lâu! Cái ngày quan trọng suốt đời hắn; quan trọng hơn ngày hợp thức hoá theo phong tục. Nhà tôi ăn tết mùng năm là vậy! Còn bà?”
“Buồn chết tôi, ông ơi! Hôn thứ Sáu, tôi tự đi mua cho tôi một bình bông bự nhất nước Đức; đi mua chung với những thứ về nấu bún bò huế. Tôi đang nấu đây, bữa bún gia đình sẽ rùm beng tối nay...”
“Hạnh phúc trong tay, chúc bà toại nguyện. Tôi không biết nói chuyện lâu. Sorry. Bye. Có thể cho tôi nói thêm một lời! Cảm ơn đoá hồng còn lại xa xôi...”
Điện thoại lại reo, “Alô, ông đang làm gì đó? Tôi chỉ muốn chúc ông Valentine’s vui vẻ. Không cần chúc lại đâu ông câm. Tôi tính hôm nay không phải đi làm, tôi muốn làm bữa tiệc gia đình để đãi vợ chồng ông. Ông muốn nấu món gì thì nói đi, tôi đi chợ, rồi về nhà ông, ông nấu. Hì hì... ”
“Cảm ơn lời chúc thân tình cho hết tử tế mà tôi có được. Bà làm ơn xỏ chân vô đôi dép dưới giường bà đó, đánh răng rửa mặt cũng đừng hát nữa vì mặt trời đã cao khỏi ngọn tre, đem cái xe bà lên đây cho tôi tuneup, mọi thứ đã mua và sắp mục hết rồi. Hôm nay tôi rảnh chứ từ mai là báo vật tôi tới cuối tuần không thở...”
“Ô-kê, nhưng nấu món gì hôm nay, ông không nói làm sao tôi đi chợ?”
“Tùy lòng hảo tâm.”
“Ô-kê, để tôi gọi qua Đức, rồi lên ông. Bye.”

Cảm ơn những đoá hồng còn lại giữa đời thường, cảm ơn bạn bè... quen biết đã xui nên trù ẻo nhau hết đời. Tôi vừa tuneup xe, vừa cưa xẻ gỗ theo design ra cái bình bông không đụng hàng, để cảm ơn em đời này vị nghĩa; vừa nấu lẩu Thái với cá kho tộ; vừa tỉa tót lại tá bông hồng mua từ mùng năm tết; nhờ thời tiết lạnh nên nay mới ra dáng liêu trai; vừa viết vội mấy dòng mừng chị tôi trong ký ức không quên. Những đoá hồng mong manh - xin tạ ơn ban bố đời này.

PHAN