Hồi 7 tuổi, tôi được nghe người thím dâu tôi kể chuyện Giai Nhân và Ác Quỷ (tên nguyên gốc bằng tiếng Pháp là La Belle et La Bête) của Nữ Bá tước Jeanne de Leprince de Beaumont. Chuyện kể một hoàng tử bị một mụ phù thủy trù ếm trở thành con ác quỷ (quái vật đúng hơn với mình người mặt thú). Bà ta dặn chàng rằng sau này nếu có cô gái nào yêu chàng với tấm lòng chân thành thì chàng sẽ xinh đẹp trở lại. Quả vậy về sau, có một cô gái đẹp người lẫn đẹp nết, sau một thời gian sống chung với chàng, tìm ở chàng một tâm hồn cao thượng nên yêu chàng tha thiết và bằng lòng kết hôn với chàng. Tức thì chàng hiện nguyên hình trở lại một hoàng tử xinh đẹp như các vị nam thần trên Thiên đình tận ngọn cao sơn Olympia.
Cốt truyện được thi sĩ kiêm điện ảnh gia Jean Cocteau thực hiện thành phim La Belle et la Bête đưa hai diễn viên điện ảnh Pháp là Jean Marais và Josette Day lên tuyệt đỉnh vinh quang.
Sau này, khi chung sống với người bạn lòng, tôi được đương sự giải thích cái ẩn dụ trong cốt truyện: Rằng khi ta yêu người nào thì đương sự dù xấu cũng hóa ra đẹp. Đó là một khía cạnh tâm lý của con người.
Rồi tới tuổi 13 tuổi, tôi tình cờ đọc truyện ngắn La Légende de l'Homme à la Cervelle d'Or (Truyền Kỳ Về Người Có Chiếc Sọ Vàng). Đây là một truyện ngắn trong quyển tập truyện Lettres de Mon Moulin (Những Lá Thư Viết Từ Nhà Cối Máy Xay Lúa) của văn hào Alphonse Daudet. Đây là sự tích một người có chiếc sọ vàng. Vàng trong sọ tạo một kho tàng phong phú cho y ta. Y ta bới vàng ra để ăn tiêu phung phí cho tới ngày vàng gần cạn. Anh ta gặp một cô gái mũm mĩm dễ thương, nhưng lòng dạ cạn cợt, thích tiêu xài theo hứng bốc đồng. Rồi cô ta chết đi. Anh ta lấy một số vàng còn lại trong sọ để làm lễ ma chay cho vợ thật linh đình. Sau đó, vào một buổi tối, khi phố xá lên đèn, anh ta đứng trước tủ kính một hiệu tiệm, chợt thấy đôi giày bằng xa-tanh xanh viền lông thiên nga rất đẹp. Vì quên rằng vợ mình đã chết, anh vào tiệm mua giày về tặng vợ. Người nữ thương gia đứng phía sau tiệm chợt nghe tiếng la, chạy ra thì thấy y ta tay cầm đôi giày, tay cầm nhúm vàng vấy máu, đứng nhìn bà ta với vẻ mặt đau đớn.
Trong một cuộc phỏng vấn các nhà văn nhà báo do tạp san Bách Khoa tổ chức (tôi quên mất vào năm nào, hình như năm 1979 thì phải), nhạc học giả Trần văn Khê cho biết mình thích truyện ngắn La Légende de l'Homme à la Cervelle d'Or nhất. Theo ông, người có sọ vàng là nhà nghệ sĩ. Chất vàng trong xương tủy óc não của đương sự là cảm hứng của nghệ thuật để y ta dâng hiến cho cuộc đời và tạo cái đẹp cho nghệ thuật.
Đây cũng là truyện quái dị mà các học sinh ban Thành Chung trong đó có tôi mê nhất. Nhưng có lẽ bọn nhóc chúng tôi chẳng có đứa nào biết cái ẩn dụ trong truyện mà chỉ thích thú những tình tiết quái dị và éo le của tác phẩm mà thôi.
Vào năm 1951, tôi chưa học hết ban Thành Chung, thì trên các nhật báo ở Sài Gòn loang tin cuốn phim của Nhật Bản tựa là Rhashomon (Lã Sinh Môn) của diện ảnh gia Akira Kurosawa đoạt giải thưởng Lion d'Or trong Đại Hội Điện Ảnh tại Venise. Đây là cốt truyện dựa theo truyện ngắn cùng tựa của văn hào Nhật Bản Ryunosuke Akutagawa (1892 - 1927) . Đây là vinh dự chung cho nghệ sĩ các nước Á Châu, sau cái vinh dự của thi hào Ấn Độ Rabinranath Tagore đoạt giải Nobel văn chương qua cả nghìn bài thơ trong đó có thi tập Les Offrandes Lyriques (Hiến Lễ Thi Cảm).
Chính nhờ phim Lã Sinh Môn, điện ảnh Nhật Bản được giới khán giả Tây Phuơng chú ý và đôi tài tử hàng đầu là Toshiro Mifune và Kyo Machiko trở thành diễn viên tên tuổi quốc tế. Cốt truyện như sau: Chàng võ sĩ dắt vợ xuyên qua cánh rừng và bị ám sát. Nhà chức trách điều tra thì biết được người vợ bị tướng cướp cưỡng hiếp. Nhưng cái chết của chàng võ sĩ thì mờ ám. Người vợ khai răng vì thấy vợ bị cưỡng hiếp mà mình bất lực không bảo vệ đuợc nàng nên chàng võ sĩ tự tử. Còn tướng cướp thì khai rằng sau khi nàng bị cưỡng hiếp trở nên khinh chồng nên nàng bảo hắn giết chồng nàng. Những nhân chứng khác trong ngôi cổ miếu, mỗi người khai khác nhau, dù mỗi lời khai của từng người (luôn cả lời khai của người vợ, của tướng cướp, của linh hồn người chồng về nhập xác con đồng), tất cả đều có nhiều điểm chung, ngoài những điểm dị biệt then chốt.
Vậy đâu là sự thật? Vậy cốt truyện phim muốn nói điều gì? Muốn thắp sáng cái ẩn dụ gì? Có phải người trần mắt thịt chúng ta với nhục nhãn bị giới hạn nên khi đứng tại một vị trí nhỏ hẹp trong không gian, chỉ thấy một phần nhỏ, một khía cạnh của sự thực. Chỉ có Phật là đấng Chánh Đẳng Chánh giác với Phật nhãn mầu nhiệm mới thấy được toàn vẹn sự thực trong vũ trụ, từ cái vĩ đại vô biên, đến cái cực vi, thấy thông suốt luôn từ trong ra ngoài, thấy đủ mọi góc cạnh phơi bày một lượt. Trong vũ trụ này, con người giống như những người mù xem con voi. Người sờ được vòi voi cho rằng voi giống như con đĩa khổng lồ. Nguời sờ được tai voi đổ hô là voi giống như cái quạt. Người sờ được một chân voi nói rằng voi giống như cây cột. Người sờ được đuôi voi quả quyết voi giống cái phất trần. Nhưng thật ra, con voi gồm cà đầu, thân thể, chân, vòi, tai đuôi. Thấy được tất cả những cái đó cùng một lúc thì mới là thấy con voi đích thực.
Cuốn phim Rashomon gợi ý cho điện ảnh gia George Cukor thực hiện phim The Girls với Gene Kelly , Mitzi Gaynor, Kay Kendall, Taina Egg (1957), giúp cho điện ảnh gia Martin Ritt thực hiện phim L'Outrage với Paul Newman, Laurence Harvey và Claire Bloom (1965).
Vào năm 1982, tôi rời bỏ Paris, đinh cư luôn ở Troyes, sống chung dưới một mái nhà với người bạn lòng. Trên giá sách của đương sự có bày quyển A Picture of Dorian Gray (Le Portrait de Dorian Gray/ Bức Chân Dung Của Chàng Dorian Gray) mà tác giả là Oscar Wilde, do Edmond Jaloux và Félix Frapereau dịch từ nguyên bản tiếng Anh (năm 1954). Oscar Wilde! Một tên tuổi lớn trong văn học sử nước Anh vào thập niên 90 của Thế Kỷ 20, tức là vào thời Đệ nhị Đế Quốc bên Pháp. Chính quyển A Picture Of Dorian Gray cùng vở kịch Lady Windermere's Fan (L'Évetail de Lady Windermere/ Chiếc Quạt của Phu Nhân Widermere) và vở kịch Salomé (dành cho nữ hoàng kịch nghệ Pháp là Sarah Bernarhdt chủ diễn) đã đưa ông lên tuyệt đỉnh vinh quang của văn giới khắp hoàn vũ.
Cốt truyện như sau: Tại xưởng vẽ của họa sĩ Basil Hallward, Huân tước Henry ngắm bức chân dung do họa sĩ vừa hoàn thành. Đây là một bức tranh toàn bích. Huân tước gặp luôn ngưòi mẫu của bức chân dung kia. Đó là chàng quý tộc đẹp trai tên Dorian Gray, một kẻ nhạy cảm, có nghệ sĩ tính, thích sự hoàn hảo, rất ngưỡng mộ nhân sinh quan của Huân tước Henry. Tình nương của Dorian Gray là Sybil Vane là một nữ kịch sĩ lừng danh. Nhưng hôm nọ, vì chỉ nghĩ tới người tình lang tuấn mỹ của mình trong lúc đóng tuồng nên nàng diễn xuất dụng về. Dorian Gray trách móc nàng và đoạn tuyệt với nàng. Sybyl Vane đau khổ và tuyệt vọng nên tự tử. Lạ lùng thay, những lát sơn trên bức chân dung của chàng co rúm lại, biến khuôn mặt trong tranh của chàng xấu xí gớm ghiếc! Dorian Gray đau đớn hạ sát họa sĩ Basil Hallward. Những lát sơn trên bức tranh càng co rúm thêm. Gương mặt trong tranh đã xấu xí lại càng dữ tợn hơn, như khuôn mặt yêu tinh.
Thời gian trôi qua. Dù tuổi tác đã cao, nhưng Dorian Gray vẫn giữ vẻ tươi trẻ. Hình ảnh chàng trong tranh mang hết những dấu vết già nua thay thế cho chàng.
Nhưng rồi khi cảnh sát tìm ra thủ phạm hạ sát họa sĩ Basil Hallward là Dorian Gray. Họ bao vây nhà chàng. Chàng tự tử. Khuôn mặt chàng bỗng đổi ra xấu xí già nua trong khi đó, khuôn mặt chàng trong tranh lấy lại cái mỹ mao trẻ trung như khi bức tranh vừa mới hoàn thành xong.
Vậy thì bức chân dung của chàng Dorian Gray tượng trưng cho cái gì? Tác phẩm A Picture of Dorian Gray có cái ẩn dụ gì? Xin thưa: Chân dung trong bức tranh là hình ảnh, là cái bóng phản chiếu của nhân vật Dorian Gray. Còn cái nhân diện và vóc dáng xinh đẹp trẻ trung ở trong cuọc sống của chàng dưới cặp mắt thế nhân là một con người khả ái. Nhưng cái nhân diện và vóc dáng ấy có phải là con người đích thực của chàng đâu. Nó chủ động, gây ra ác nhân ác nghiệp; tâm hồn phong ba và ngạo mạn của chàng đưa đẩy chàng nhúng tay vào những tội ác mà không ai biết. Cho nên chính cái hình ảnh trong tranh mới phản ảnh nguyên vẹn con người thật của chàng. Chàng nhìn nó như con yêu tinh nhìn hình ảnh của mình trên cái kính chiếu yêu. Cho nên chàng đau khổ, kinh hãi, ghê tỡm. Khi chàng tự sát, chàng đi vào cõi hư vô vĩnh cữu, bức chân dung kia không còn ai hung ác để phản ảnh nữa nên nó trở về trạng thái ban đầu: những lát sơn lấy lại vị trí cũ, lấy lại luôn màu sắc nguyên sơ. Cho nên con ngưòi trong tranh trở lại vẻ tươi trẻ và tuấn mỹ thuở trước. Lúc ấy cái tử thi của chàng phải nhận lãnh tất cả dấu vết của tâm hồn tàn ác kiêu mạn, dấu vết của ác nghiệp ác quả.
Tóm lại, ở nhận vật Dorian Gray, cái nhân diện và vóc dáng là cái bề ngoài che đậy môt tâm hồn tội lỗi. Chính bức chân dung kia mới hiển lộ và phản ảnh trọn vẹn con người đích thật của chàng. Chúng ta tìm cái ẩn dụ trong tác phẩm không khó bằng tác giả đã sáng tạo cái ẩn dụ thâm thúy phi thưòng. Ẩn dụ ấy như tiếng còi báo động, như hồi chuông báo tử bắt chúng ta nhìn sâu vào cái đáy thẳm của hiện hữu, nhìn các tụy đạo và cái vực sâu của nội giới con người.
Văn chương của chúng ta, nhất là truyện ngắn, truyện dài hầu như không có ẩn dụ. Những gì hiện trên mặt chữ thì vẫn là chữ đâu nghĩa đó, không khơi dậy cho độc giả một ý tình nào khác tiềm ẩn dưới mặt chữ. Tuy nhiên, về thi ca, những nhà thơ ái quốc chống Thực Dân thường dùng đồ vật như trong bài Cây Bắp (của cụ Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân) Hột Lúa (của Phan Văn Trị) để nói lên cái tấm lòng yêu nước yêu dân của mình.
Cây Bắp
Luống chịu ba trăng trấn cõi bờ
Hiềm vì thương chút chúng dân thơ
Nương oai thích lịch ôm con đỏ
Vưng lịnh nam phong phất ngọn cờ
Miễn đặng an nhà thêm lợi nước
Chi nài dãi gió lại dầm mưa
Biển hồ dầu lặng, tăm kình bặt
Giải giáp một phen chúng thảy nhờ.
Hột Lúa
Giã từ thành thị dạo xa chơi
Thiên hạ ai mà chẳng biết tôi
Cổi giáp vàng kia phơi chốn chốn
Bày da ngọc nọ rạng nơi nơi
Ông cha giúp nước từ bao thuở
Dòng giống nuôi dân biết mấy đời
Vì vậy liều mình cơn nước lửa
Người đà có thấu hỡi người ôi!
Đây là 2 bài thơ có ẩn dụ. Vậy ẩn dụ (parabole/ métaphore) là gì? Là những vận sự không được tác giả nói ngay nhu theo một đường thẳng, mà chỉ nói cong queo lòng vòng bằng cách mượn vận sự khác. Parabole theo nghĩa toán hình học là đường cong. Phép ẩn dụ chẳng những ngoài sự hiện diện tình ý xoàng xĩnh trên mặt chữ (nghĩa đen) của một tác phẩm văn chương mà còn có những ý nghĩa cao siêu hơn (méta theo nghĩa tiếng Hy lạp là ở trên, là siêu, là vượt bậc) ở nghĩa bóng. Nếu cụ Thủ Khoa Huân và cụ Cử nhân Phan văn Trị chỉ tả cây bắp và hột lúa suông trơn qua dáng dấp biểu kiến (aspect apparent) của chúng thì họ chỉ làm hai bài ngâm vịnh lục tục thường tài. Cụ Thủ Khoa Huân đưa vào thơ tấm lòng ưu thời mẫn thế đối với giang san tổ quốc thì bài thơ mới ngậm ngùi, mới có chiều sâu. Còn cụ Phan nếu không tạo nên thân thế và hình ảnh người chiến sĩ can trường cứu nước giúp dân thì bài thơ này làm sao lộng lẫy nét hào hùng và sôi bừng bừng khí phách?
Nhưng mà này, tại sao chúng ta không nghĩ rằng cụ Thủ Khoa Huân vịnh cây bắp để nói lên hoài cái bão của mình. Tại sao chúng ta không nghĩ rằng cụ Cử Nhân Phan văn Trị mượn hột lúa để nói lên cái chí khí của mình? Điều này trước đó có vua Lê Thái Tôn đã từng mượn người bù nhìn, thằng mõ, người ăn mày, cây chổi đề nói lên công trị nước chăn dân cùng cái khí tượng đế vương của mình.
Người Bồ Nhìn
Quyền trọng ra uy trấn cõi bờ
Vốn lòng vì nước há vì dưa
Xét soi trưóc mặt đôi vừng ngọc
Vùng vẫy trên tay một lá cờ
Dẹp giống chim muông xa phải lánh
Dể quân cày cuốc gọi không thưa
Mặc ai nhảy nhót đường danh lợi
Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa.
Lại có một ẩn dụ trong bài phú Ngọc Tỉnh Liên (Hoa Sen Trong Giếng Ngọc) của Thừa Tướng Mạc Đỉnh Chi. Số là khi ông đậu trạng nguyên được vào triều đình yết kiến vua. Vua chê ông nhỏ choắt và xấu xí, muốn sa thải ông. Cho nên ông làm bài này để tự biện bạch. Bài này nói lên cái khí phách của ông, ông tự ví mình là hoa sen trong giếng ngọc, hoa đã thanh cao (hoa sen tượng trưng cho bậc quân tử), chốn sinh trưởng lại càng tôn quý (giếng ngọc). Vua nhận thấy bài phú này tuyệt tác nên lưu dụng ông. Xin trích một đoạn bài phú Ngọc Tình Liên trong Tập 3 của quyển Văn Đàn Bảo Giám do Trần Trung Viện biên soạn (trang 195) :
Dĩ nhi ca viết:
Giá thủy tinh hề vi cung
Tạc lưu ly vi hộ
Toái pha lê vi nê
Hương phức ức hề trùng tiêu
Đế văn phong hề nữ mộ
Quế tử lãnh hề vô hương
Tố nga phẫn hề nữ đố
Thái dao thảo hề Phương châu
Vọng mỹ nhân hề Tương phố
Kiển hà vi hề trung lưu
Hạp tương phản hề cố vũ
Khởi hộ lạc hề vô dung
Thân thuyền quyên hề đa ngộ
Cẩu dư bính chi bất a
Quả hà thương hồ phong vũ
Khủng phương hồng hề dao lạc
Hoài mỹ nhân hề tuế mộ.
Dịch:
Ca rằng:
Thủy tinh làm mái cung đình
Lưu li tạc để nên hình cung môn
Pha lê nát nhỏ làm bùn
Minh châu làm móc trên cành tưới cây
Hương thơm bay thấu từng mây
Bích thiên âu cũng mê say tấc lòng
Quế thanh khóc vụng tủi thầm
Tố nga luống những mười phần giận thân
Cỏ Dao hái chốn Phương tân
Bến Tương trông ngóng mỹ nhân dãi dầu
Giữa dòng lơ lửng vì đâu
Non sông đất cũ cớ sao chẳng về?
Đành nơi lưu lạc quản gì
Thuyền quyên lỡ bước lắm bề gian truân
Một lòng trung chính nghĩa nhân
Lạ chi mưa gió phong trần tuyết sương!
Chỉn e lạt phấn phai hương
Tháng ngày thấm thoát mỹ nhân ai hoài.
(Khuyết Danh)
Sau đó, vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa có Tô Thùy Yên trong nhóm Sáng Tạo đã sáng tác một bài thơ ẩn dụ nhan đề là Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu. Yên không phải là nhà thơ tư tưởng. Còn Phạm Thiên Thư, dù là tu sĩ Phật giáo, nhưng ông vẫn loạng choạng và quờ quạng đối với cái tinh thần Bát-nhã tức là cái nền mống căn bản của tinh thần Phật giáo. Đối với Phạm Duy, triết học và tư tưởng tâm linh vẫn còn là một vấn đề mù mịt đối với ông, khi ông nhạc sĩ nầy đặt lời cho các bản nhạc của ông. Bên văn xuôi, Võ Phiến, qua các bài tùy bút của ông, ông chỉ nghĩ đến những cái bí ẩn trong cuộc sống ở phương diện hiện tượng mà thôi. Do đó, Võ Phiến đào sâu tác phẩm của mình bằng nhân sinh quan. Ông chưa nghĩ tới cái tối hậu, cái chân lý của hiện hữu, cái bản thể của cuộc sống. Còn Phạm Duy và Tô Thùy Yên chỉ có thể tô điểm lời hát hoặc các câu thơ của mình bằng nhân sinh quan thấp thoáng bóng dáng triết học qua các ngôn ngữ thần bí (langage mystique). Thật ra, cả hai trang sức cho lối thơ câu hát của mình bằng những ý tình khoác áo minh triết và thánh triết, chứ không đưa thơ đưa lời hát của họ vào tinh thần minh triết và thánh triết được. Chúng ta vẫn thừa biết nhân sinh quan, ý tình chỉ nhắm vào hiện tượng của sự vật. Trong khi đó, tư tưởng triết học và tư tưởng tâm linh (tức là minh triết) thì nhắm vào bản thể sự vật. Riêng Phạm Thiên Thư thì trang điểm cho các câu thơ của mình bằng ngôn từ trong kinh kệ rất kệch cỡm. Cả bốn Võ Phiến, Phạm Duy, Tô Thùy Yên, Phạm Thiên Thư, chưa chịu vào trong sân chứ nói gì vào tận trong ngôi nhà của bản thể. Nhưng dù sao đi nữa, họ vẫn làm cho thần trí sáng tạo của mình bùng vỡ biết bao ánh sáng đẹp huy hoàng. Dù sao họ cũng vẫn đều là nghệ sĩ lớn. Thơ Tô Thùy Yên, thơ Phạm Thiên Thư, lời hát của Phạm Duy không thể đi vào cốt tủy đạo Phật hay đạo Lão như Võ Chân Cửu, Nguyễn Tôn Nhan thuở trước, như Thân thị Ngọc Quế, Như Chi, Đặng thị Quế Phương, Nhất Hạnh và Vĩnh Hảo sau này. Cũ ng thế, văn của Võ Phiến chưa xông xáo vào tư tưởng triết học, tâm linh như Nghiêm Xuân Hồng thuở truớc và Vĩnh Hảo sau này. Chúng ta chớ đòi hỏi nhiều hơn nữa ở họ. Họ làm văn chương bằng kiến thức chứ không làm văn chương bằng sự minh triết như Dostoievski, Georges Bernanos, Herman Hesse (bên văn), như các thiền sư Đông Nam Á qua những bài kệ, như thơ của các đạo sư giáo phái Soufisme trong đó có nhà thơ Rumi... Soufisme là một giáo phái của Hồi giáo đặt trên tinh thần bất nhị (le non-deux/ le non-dualisme) như tinh thần của Phật giáo và Lão giáo.
Chúng ta thử đọc bài Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu của Tô Thùy Yên để tìm thử cái ẩn dụ trong bài thơ này:
Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chay mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu
Cỏ cây cỏ cây lùi dài chóng mặt
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu
Ngựa thở hào hển thở hào hển
Tàu chạy mau vẫn mau vẫn mau
Mặt trời mọc xong mặt trời lặn
Ngựa gục đầu gục đầu gục đầu
Cánh đồng a! cánh đồng sắp hết
Tàu chạy mau càng mau càng mau
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ
Chấm giữa nền nhung một vết nâu
Ngoài cách dùng các điệp ngữ để gây âm điệu xôn xao, dồn dập, hối hả, bài thơ gây cho chúng ta cái cảm tưởng sự đuổi rượt (hay là sự so tài đo sức) khốc liệt giữa một động vật (con ngựa) và một động cơ (con tàu). Sức của một động vật làm sao lao nhanh bằng một vận tốc kinh khiếp của một động cơ? Cho nên con ngựa phải ngã quỵ, ngất xỉu hay có thể tắt thở khi chưa đến cuối cánh đồng, còn con tàu vẫn tiếp tục cuộc hành trình cho đến đích tức là cuối mức cánh đồng. Con ngựa mệt mỏi và ngã quỵ ẩn dụ cho thời đại làm công việc bằng tay chân, bằng sinh lực của con người hay của gia súc đã chấm dứt. Kỷ nguyên máy móc đã có mặt và sẽ giúp nhân loại đi xa hơn trên tiến trinh sinh hoạt ( được ẩn dụ bằng cuối mức cánh đồng).
Tôi tình cờ gặp bài Ngụ Ngôn trong quyển Tuyển Tập Thơ cũng của Tô Thùy Yên. Tôi hơi bỡ ngỡ cái tựa của nó :
Một lão mù hành khất
Bị đánh cắp cây đàn
Mửa máu chết uất ức
*
Một con dế anh chị
Khoác đôi cánh sét rỉ
Tiếng gáy mài không ra
*
Một con đóm khoe mình
Xài phá hết lân tinh
Ban đêm không dám lượn
*
Một đứa bé mồ côi
Đi tìm hoài cha mẹ
Đâu biết là những ai?
Theo tôi, ngụ ngôn là bài thơ ẩn dụ, mượn chuyện tầm thường, chuyện khôi hài để móc xỏ, ngạo báng, đả kích thói hư tật xấu của ngưòi đời. Nhà thơ Jean de La Fontaine viết ra những bài ngụ ngôn, mượn những con vật dữ dằn và thâm độc, những con vât hợm hỉnh kiêu căng để công kích những bọn nịnh thần (les courtisans) gây nhiều tệ đoan dưới triều đại vua Louis XIV. Bài ngụ ngôn có tính cách răn đời, dạy cho thế nhân những bài học luân lý. Bài Ngụ Ngôn của Tô Thùy Yên theo tôi là một bài thơ ẩn dụ ở 2 đoạn giữa. Con dế uy dũng kia mất tiếng làm chúng ta liên tưởng viên chỉ huy mất giọng thì khó điều khiển ba quân thuộc hạ của y. Chúng ta cũng có thể nghĩ tới một ca sĩ có giọng hát đầy sinh lực, nhưng giọng ấy trở nên rè rè thì cái thời vinh quang của y cũng phải chấm dứt. Con đom đóm xài hết lân tinh làm chúng ta nghĩ đến cảnh ngộ một mỹ nhân trụy lạc nên với nhan sắc tàn phai, nàng không dám chường mặt chốn dạ hội, nơi mà các vương tôn công tử say mê nàng. Cái nghĩa thâm thúy của bài thơ rất ai hoài tha thiết, chẳng có chút nhạo báng nào thì đây không phải là bài ngụ ngôn. Nó có một nồng độ truyền cảm rất đậm đà hơn, làm bàng hoàng người đọc rất lâu hơn.
Dù sao, bài thơ ẩn dụ hay bài thơ ngụ ngôn đều có cái nghĩa thứ hai hay nghĩa thứ ba ẩn dưới mặt chữ hay ở sau lưng mặt chữ, từ cái vận sự tầm thưòng, cả hai phóng đại ra một hoặc nhiều vận sự mênh mông hơn, phóng chiếu vào cõi thưởng ngoạn chúng ta những hình ảnh và ý tình đập mạnh vào ấn tượng chúng ta. Khác nhau chăng là bài thơ ẩn dụ thường có hình thức của bài bi ca (poème saturnien). Khác nhau chăng là bài thơ ẩn dụ không cần dạy đời hay răn người, Khác nhau chăng là bài ngụ ngôn mang lấy hình thức bài thơ phóng cuồng, ngạo mạn, móc xỏ, đả kích (poème satirique).
Tôi còn nhớ vào 3 năm cuối của thập niên 40, thuở tôi học lớp 3 (cours élémentaire) và lớp nhì (cours moyen), Bộ Quốc Gia Giáo Dục Nam Kỳ gồm một nhóm giáo viên có uy tín chung soạn quyển Trăm Bài Tập Đọc dành cho hai lớp này. Trong quyển ấy có bài Ếch Mới phỏng theo bài thơ ngụ ngôn của Nam Hương đã đăng trên báo Cậu Ấm (thời tiền chiến). Cốt truyện như sau: Chị ếch nọ có tật ưa làm đỏm. Chị dùng chiếc nấm hương làm dù, lá tía tô là khăn choàng đầu, hai trái ớt khoét thành đôi giày đỏ. Chị diện dù, khăn, giày do chị chế tạo rồi đỏng đảnh đi dạo đó đây để khoe bộ đồ vía mới. Bất ngờ một anh nông phu trờ tới. Vì vưóng đôi giày đỏ, chị ếch chạy không kịp nên bị anh ta bắt đem về nhà. Anh chặt đầu lột da chị, thái nám, lá tía tô và ớt đã có sẵn rải vào món xào cho thêm thơm ngon. Cuối bài, nhóm biên soạn đề câu răn đời như sau: Se sua thua gọn ghẻ.
Trước ngày 30/04/75, văn chương Miền Nam Việt Nam của chúng ta có một truyện ngắn Tan Trong Suơng Mù của Nguyễn thị Hoàng. Xin đọc bài bút khảo Nguyễn thị Hoàng & Nguyễn thị Thụy Vũ trong tạp chí Gió Văn số 3. Thiết tưởng cũng cần nhắc lại phớt qua.
Vợ ông họa sĩ Mishio chết. Nhưng tấm lòng tưởng nhớ của ông đối với vợ không nguôi. Cho nên bà cứ quanh quẩn theo ông như một người sống. Suốt 30 năm lúc nào bà cũng có mặt bên ông. Ông bỏ phế hội họa. Bức chân dung vẽ bà lúc sinh thời bỏ dở dang (chưa kịp vẽ đôi mắt của bà thì bà từ trần).
Rồi trong một đại hội văn nghệ nọ, một nàng nữ sĩ Việt Nam đẹp lộng lẫy gặp ông bà Mishio. Giữa nhà danh hoa và một người đẹp làm văn chương nẩy sinh một niềm tương đắc bất ngờ. Nàng không biết bà vợ ông đã chết từ lâu nên xin phép ông bà cho nàng được đến viếng nhà họ. Ông đâm ra tơ tưởng nàng. Bà vợ vì là hồn ma nên đọc rõ những biến chuyển tâm hồn của chồng. Cho nên khi nàng nữ sĩ tới thăm, bà cho nàng biết bà sẽ đi xa. Còn ông như bừng sống, bắt đầu vẽ trở lại. Nữ sĩ do tình cờ còn nghe hai vợ chồng cãi lẫy với nhau. Bà quả quyết ông đã yêu nàng thì bà không còn lý do gì để ở với ông nữa. Ông thì chối bay cối biến. Rồi bên đầm nước trong lúc cả hai dạo vườn, ông Mishio cho nữ sĩ biết rằng vợ ông đã chết từ lâu. Ông bấy lâu nay phí cả một cuộc đời để làm bạn với hồn ma của vợ, bây giơ dù có vẽ trở lại cũng không còn cảm hứng như thuở hai vợ chồng sống trong cảnh nghèo nàn thiếu thốn mà vẫn yêu nhau mặn nồng.
Khi nữ sĩ ra sân chùa thì thấy bà vợ đi về cuối góc sân, thân hình bà tan rã trong sương mù.
Như vậy, ẩn dụ của truyện ngắn này là: dù bà vợ có chết đi, nhưng nhà danh họa Mishio vẫn yêu thương tưởng nhớ vợ luôn luôn. Như thế bà dù không sống trong cõi dương trần, nhưng vẫn sống trong tâm tưởng, trong hoài vọng của ông. Giờ thì trong trái tim ông có một hình bóng khác. Bây giờ mới đích thực là tới giai đoạn bà chết vĩnh viễn, chết ở ngoài đời từ lâu lẫn chết trong nội giới của chồng từ khi có sự xuất hiện của nữ sĩ. Vận sự này làm tôi nhớ lời ai oán được ghi khắc trên tấm mộ bia trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi (Sài Gòn) thuở nào: C'est l'oubli des vivants qui fait mourir les morts (Chính sự lãng quên của người sống mới giết chết những người đã chết).
Còn về thơ có ẩn dụ thường là những bài phảng phất Thiền Phong Thiền vị. Chẳng hạn đoạn mở đầu của bài thơ Về Thăm Ao Nhà của nữ sĩ Thân thi Ngọc Quế. Bài thơ này trong thi tập đầu tay Giọt Nước Cành Sen của chị:
Đêm xuống ta về ao cá biếc
Để xem cá chớp ánh trăng non
Ánh trăng còn vỡ làm bao mảnh
Vẫn thấy lòng ta bóng nguyệt tròn
Trên mặt chữ, nếu chúng ta nghĩ rằng đây là một bài thơ viếng cảnh và nói lên tấm lòng tuơi sáng nguyên vẹn của tác giả (bóng nguyệt tròn) trước cảnh ngộ tan nát, chia lìa (ánh trăng còn vỡ làm bao mảnh) thì đúng quá rồi còn gì. Nhưng mà dưới mặt chữ, tác giả nêu ra vấn đề vĩ đại hơn. Đó là tinh thần Bát-nhã (tức là tinh thần bất nhị của Phật giáo). Cái ẩn dụ đó là hai cái hiện tượng đối đãi ở chung một bản thể. Cặp hiện tượng thứ nhất là những mãnh vở của ánh trăng trên sóng ao đối đãi với bóng trăng tròn đầy trong lòng tác tác giả. Cặp hiện tượng thứ hai là cái cảnh ao trong đêm trăng (ngoại cảnh đấy) đối đãi với tấm lòng của tác giả (nội giới đấy). Ngoại cảnh và nội giới có một bản thể chung chính là tác giả. Hình dáng vỡ nát thành nhiều mảnh và vóc dáng tròn đày vẫn thuộc về trăng, cái bản thể chung chính là trăng. Tinh thần Bát-nhã chính là đây. Huống hồ bài thơ còn có thêm cái tinh thần Bát-nhã thứ ba: Tất cả (những mảnh trăng vỡ) là một (bóng trăng).
Thơ Thiền thường mượn cảnh vật, vận sự để ẩn dụ cho tinh thần Bát-nhã, cái then chốt, cái căn bản của Phật pháp. Xin đơn cử bài Minh Nhật bằng chữ Hán của nữ sĩ Vi Khuê:
Tảo thần thính điểu minh man
đình đổ hoa ly tú bách hàng
nhàn hạ tiểu di đăng thượng lộ
Thanh sơn đối diện bối hoàng giang
Tác giả Vi Khuê dịch như sau:
Sớm mai nghe tiếng chim kêu
ra sân thấy giậu hoa thêu trăm hàng
thảnh thơi bước nhỏ lên đàng
Núi xanh trước mặt sông vàng sau lưng
Ở đây tác giả Vi Khuê đâu phải là khách vãn cảnh suông trơn vào buổi bình minh. Khách vãn cảnh ở đây ẩn dụ một hành giả đang lên đường tìm về chứng ngộ. Đương sự đứng giửa hai cái đối đãi nhau là núi xanh và sông vàng. Núi ở thể rắn và ở truiớc mặt, còn sông ở thể lõng và ở sau lưng. Tóm lại, hành gia tu theo Trung đạo tức là tu theo Phật giáo.
Và chẳng hạn bài Cao của Trương Anh Thụy :
Dưới chân làng mạc nhỏ
Trên đầu mây chấm vai
Người tìm ta chẳng thấy
Thấy lóe đóm sao Mai
Trên đầu và dưới chân là hai cái đối đãi nhị biên (les deux bornes opposées). Hành giả đứng ở khoảng giữa. Tu như thế là theo Trung Đạo, đã đến thời điểm đốn ngộ (loé ánh sao mai). Tác giả không dùng chữ nào trong kinh Phật, không tả cảnh suông trơn. Đây là ẩn dụ một thiền giả tu theo Trung đạo (đạo Phật) đã thành công, đã chứng ngộ.
Trong thi tập Trốn Vài Giấc Mơ em của Nguyễn thị Thanh Bình, tôi thích bài Hoa Tâm nhất. Nó vừa là bài thơ ẩn dụ vừa là bài thơ Thiền :
Trên đỉnh non cao tìm mây trắng
Dưới khe chờ hoa nở đem tin
Hoa chưa kịp nở tàn mùa trước
Chốn ấy hoa lòng rộ bình minh
Hoa ở dưới khe là hoa ngoại giới, hoa lòng là hoa niội giới, cả hai cùng ở nơi nhận thức (thấy và cảm thấy) ở một người tức là tác giả. Ngoại giới và nội giới đối đãi nhau. Hoa dưới khe héo tàn (cái diệt) và hoa lòng nở rộ (cái sinh) là hai cái đối đãi nhau ở trong một mùa thu. Cốt tủy Thiền là đây! Nhưng 'cái hoa lòng rộ bình minh' có nhiều ẩn dụ tùy theo theo sự chiêu cảm, óc tưỏng tượng, cõi ấn tượng của từng độc giả. Nó là một tình yêu đang nở muôn tía nhìn hồng; nó cũng có thể là một niềm lạc quan tươi sáng dồi dào vừa bừng dậy. Và cũng có thể là một vấn đề tâm linh đang được bừng bừng thắp sáng, chẳng hạn như một cơn đốn ngộ nhiệm màu hay một sự mặc khải kỳ diệu.
Riêng Đặng thị Quế Phượng là người làm thơ quá đổi thơ. Cô tạo cho thơ cô một ẩn dụ huyền bí, tùy theo chiêu cảm riêng biệt và đặc thù của mình, độc giả muốn nghĩ sao thì nghĩ. Nhưng mà khi độc xong bài thơ Tîch Mịch của cô, chúng ta phải ớn lạnh, cảm thấy cái điều uyền bí ấy sao mà ảo diệu, sao mà mầu nhiệm làm chúng ta bàng hoàng lay động ở cái bí ẩn sau lưng hiện hũu nói chung, ở sau mặt chữ bài thơ của cô nói riêng:
Có một cái gì
đang chờ đợi ta
trong vẻ thinh lặng
của buổi chiều tà
*
Có một cái gì
trong bóng sương sa
vô cùng hiu hắt
như thể hồn ma
*
Có một cái gì
bao la chất ngất
dường như không phải
là trời hay đất
*
Có phải hay chăng
thiên thu phơ phất
Cái đang chờ đợi ta, nó ở trong bóng sương sa (tức là trong cõi vô minh mịt mờ), nó bao la chất ngất, không thuộc về trời và cũng không thuộc về đất. Nó như ảo như chân, phơ phất trong cõi cảm nhận, trong ấn tượng chúng ta từ thuở thiên thu trước và cho đến thiên thu sau vẫn còn hiện hữu qua trạng thái chập chờn phiêu diễu như hình bóng trong cơn chiêm bao. Vậy nó ẩn dụ cho cái gì? Xin thưa, tạm gọi là cái Chết có được không nào ?
Tô Thùy Yên chỉ thành công về nghệ thuật thuần túy của thơ mà không thể đưa thơ vào cái sâu thẳm nhất của bí nhiệm cuộc sống. Mai Thảo trội hơn Yên ở chỗ thành công ở nghệ thuật thuần túy của thơ mà còn đưa thơ vào cái vực sâu không đáy của hiện hữu. Xin đọc bài thơ Tiều Phiến trong thi tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền. Ở đây, lý luận của Võ Phiến rằng thơ cần lời mà không cần ý là một điều sai lầm đáng tiếc lẫn đáng trách:
Đứng ở sát gần tiểu phiến
Đứng kế lam xanh tiểu phiến gần
Phiến đưa tắp tắp vào vô cực
Nơi lá xoay tròn một thớ gân.
Độc giả sẽ tự hỏi tiểu phiến là cái phiến nhỏ, nhưng ẩn dụ của nó là cái gì ? Hai câu thơ chót thật đẹp, thật huyền bí làm chúng ta rờn rợn Nhưng đó là cái gì, từ chỗ xoay tròn một thớ gân để đưa tắp tắp vào vô cực? Nó có thể là một chiếc lá. Nó có thể là cái âm hộ của phái đẹp (lá đa theo nghĩa bóng) đưa chúng ta nhìn vào cái bí nhiệm của mọi sinh vật qua giai đoạn thụ tinh và rồi kết thành bào thai khởi đầu sự sinh sản. Nó có thể là cái nọi giới bí hiểm của con người. Nó có thể từ một lổ nhỏ hẹp để một Thiền giả khi chứng ngộ đi vào cái vô biên vô cực trong vô lượng cảnh giới Hoa tạng Huyền môn. Cái chỗ xoay tròn một thớ gân của tiểu phiến có vô số ẩn dụ, tùy theo chiêu cảm của từng người đọc mà hiện hữu.
Xin đọc bài Thớ Gân cũng của Mai Thảo:
Bàn tay thu lại mặt trời lặn
Cùng nó xòe cho nở mặt trời
Bóng tối lồng trong đường ánh sáng
Chỉ là mái tóc rẽ hai ngôi
Cũng chính ở bàn tay che cặp mắt, khi các ngón tay khép lại (bàn tay thu lại) thì nhà thơ không thấy mặt trời (coi như mặt trời lặn). Nhưng khi ngón tay rẽ ra (cùng nó xòe ra) thì nhà thơ thấy mặt trời (nở mặt trời). Văy thì mặt trời là cái cố định, trưóc sao sau vậy, nó ẩn dụ cho cái Chân Tâm. Bởi tại cai vọng thức (được ẩn dụ cho bàn tay) nhà thơ khôn thấy Chân Tâm nếu vọng thức dầy đặc (được ẩn dụ qua bàn tay thu hẹp lại với các ngón khép kín). Và nhà thơ chỉ thấy được Chân Tâm khi nào vọng thức chia chẻ và phân tán đi (được ẩn dụ bằng bàn tay xoè ra). Như vậy mặt trời ẩn hay hiện đối với tác nhân (Mai Thảo) chỉ là do sự khép mở của bàn tay do thớ gân điêu khiển). Còn mặt trời vẫn không thay đổi. Nó cũng giống như trường hợp chỉ một mái tóc, nhưng mái tóc ấy chia thành ngôi bên trái và ngôi bên phải là tại ta rẻ đường ngôi. Nếu ta chỉ chải ngưọc tóc về phía sau, không rẽ đường ngôi thì mái tóc chỉ là một mảng đen huyền mà thôi.
Thớ gân điều khiển bàn tay khép hay xòe để cho tác nhân thấy mặt trời hay không ẩn dụ cho côn phu hành trì của Thiền giả tìm về chứng ngộ.
Xin đọc bài Lẻ Một cũng của Mai Thảo:
Sách một dẫy nằm trơ trên giá
Cạnh người thân thế cũng trơ vơ
Sách, người hai cõi cùng hư hoại
Nơi một nghìn chương thiếu một tờ
Người đọc sách (chủ thể) và sách (đối tượng), cả đều cô đơn chỉ về cảnh ngộ. Chúng chỉ làm cho thơ bâng khuâng ngậm ngùi, nhưng không có gì đặc sắc. Tuy nhiên, khi tác giả báo trước là cả hai cùng hư hoại tức là ông sắp đưa thơ vào một vấn đề viễn thâm hơn, một vấn nạn dựa trên tư tưởng hữu sinh hữu diệt, cái tinh thần then chốt của Phật giáo. Cái vấn nạn ấy, cái vô thường ở nghìn chương kinh sách để cho hành giả bơi ngược dòng hoạt diệt, để chứng ngộ cái thuờng hằng bất biến. Nhưng nghìn chương sách ấy lại thiếu một tờ. Cái tờ thiếu đó chính là cái bí nhiệm để giúp hành giả vào một thời điểm chín muồi gặp một đốn ngộ (chứng ngộ tức khắc trong vòng một sát-na/ l'imédiat santori) bừng tỏ cái Chân Tâm không sinh không diệt, tức là nhập vào Niết Bàn, tức là không còn sinh không còn tử (hoại diệt) nữa . Chính hành giả và mỗi người trong chúng ta phải tự tìm lấy cái tờ giấy thiếu sót ấy, tờ giấy của cá thể này không giống tờ giấy của cá thể kia vì căn cơ mỗi cá thể đều khác nhau.
Riêng trong lãnh vực thơ, cành mai của Mãn Giác Thiền Sư, bóng trăng của Thân thị Ngọc Quế, khách nhàn du giữa núi xanh trước mặt sông vàng sau lưng của Vi Khuê, đóm sao mai của Trương Anh Thụy, hoa lòng rộ bình minh của Nguyễn thị Thanh Bình, bóng thiên thu phơ phất của Đặng thị Quế Phượng là những ẩn dụ đưa độc giả nắm bắt nhưng vấn đề cao siêu. Đặc sắc nhất là tiểu phiến, thớ gân, đường ngôi rẻ tóc của Mai Thảo dễ gì để cho một nhà thơ lục tục thường tài tìm gặp đưa vào thơ, biến cõi thơ thêm mầu nhiệm, biến vóc dáng thơ thêm vĩ đại bao la. Những cái ẩn dụ ấy bị mọi kẻ khoác áo phê bình gia không tìm gặp nên chúng như những viên bảo ngọc ẩn mãi trong những tảng đá xù xì thô nhám. Còn ẩn dụ trong truyện ngắn Tan Trong Sương Mù của Nguyễn thị Hoàng bị họ lờ đi dù chị đã khơi sáng cho họ thấy trong tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Trên Quê Hương do nhà xuất bản Sóng thực hiện. Nếu chúng ta chú ý một chút thỉ sẽ thấy cái khơi sáng ở đoạn tác giả nêu cái ẩn ý của cốt truyện và nêu cái lý do tại sao chị chọn truyện ngắn này để đóng góp cho tác phẩm.
Chỉ riêng bàn qua ẩn dụ, chúng ta mới thấy văn chương hiện đại và cận đại của chúng ta hầu như không có phê bình gia nào. Tuy nhiên vẫn có những nhà biên khảo văn chương có tầm vóc nguy nga về tài năng. Phải kể Hoàng Ngọc Tuấn (bên Úc Châu), Trần Hữu Thục, Đào Trung Đạo, Đặng Phùng Quân (Hoa Kỳ), Thụy Khuê (Pháp). Những học giả này dù viết biên khảo phong phú và sâu sắc, đôi khi lỡ trớn trượt nhào qua lãnh vực phê bình họ cũng tỏ ra rất sâu sắc và hào hứng lắm.
Hồ Trường An