Mickey Mouse–Hoàng Tử Chuột nổi tiếng nhất thế giới–là biểu tượng của Công ty giải trí khổng lồ Walt Disney
Giải Nobel Y khoa năm 2007 được trao cho ba nhà nghiên cứu Mario R. Capecchi; Oliver Smithies; và Sir Martin Evans. Cả ba đã được tặng giải thưởng cao quý nhờ công trình nghiên cứu từ thập niên 80 về cách tìm hiểu qua “gen” của loài chuột, để biết rõ các căn bệnh nguy hiểm của loài người, như ung thư, áp huyết cao, tiểu đường, và bệnh Alzheimer. Chuột thường bị coi là kẻ thù của người, nhưng lại cũng đóng góp xương máu để cứu nguy, chữa bệnh cho người. Ranh giới giữa bạn và thù, thật quá mong manh.
Các nhà khoa học được giải Nobel, dầu sao cũng chỉ nghiên cứu chuột trong phòng thí nghiệm. Họ chỉ biết có những giống nhau giữa cơ thể chuột và cơ thể người, nhưng có lẽ không biết được cách suy nghĩ, phản ứng, thói quen hay nếp sinh hoạt trong cuộc sống tự nhiên của chuột. Người viết bài này đã có cơ hội theo dõi chuột qua một phần cuộc sống thực của chúng ở ngoài đời, và còn nhớ được một số nhận xét.
Đầu thập niên 70, tôi đã sống hơn một năm tại một căn phòng trên lầu ngôi biệt thự ở đường Hoàng Diệu, Sài Gòn. Phòng không có máy lạnh, cửa sổ mở tối ngày cho thoáng, trên trần lúc nào cũng có vài ba con thạch sùng, trông rất ngứa mắt. Một hôm, bạn thân Lê Triết đem cho khẩu súng bắn hơi “baby gun”, với một hộp đạn chì 500 viên, nói là để thỉnh thoảng bắn thạch sùng cho đỡ buồn. Nhưng tôi chỉ bắn thử vài con, rồi thôi. Vì xác chúng rơi xuống, cái đuôi vẫn còn giãy một hồi, ớn lắm. Có khi chỉ có đuôi rớt xuống, còn nạn nhân cụt đuôi chạy mất tiêu.
Cách phòng tôi chừng bốn mét, là dãy nhà phụ phía sau, nối với nhà chính bằng lối đi ở cả tầng trệt và tầng lầu. Đối diện với cửa sổ phòng tôi là một sân thượng nhỏ, đầu dãy nhà phụ, bên hông nhà bếp của tầng lầu. Góc sân thượng có thùng rác. Hàng ngày, tôi chứng kiến một đàn chuột khá đông, con nào cũng lớn bằng cổ tay, kéo tới kiếm ăn bên trong, hoặc quanh thùng rác. Khi chúng tới, có một con đi đầu, chắc là lãnh tụ. Nhưng khi chúng bới rác kiếm ăn, không còn phân biệt được chuột lãnh tụ với chuột thường. Đây là điểm khác người, vì trong xã hội người, lãnh tụ thường chỉ ăn, và ăn nhiều, mà không phải kiếm ăn. Mỗi khi thấy người, chúng chạy tán loạn, lãnh tụ chạy lẫn với chuột thường. Điều này cũng khác người, mỗi khi nguy hiểm, lãnh tụ thường chạy trước. Nhưng chúng chỉ chạy đi trong chốc lát, rồi quay trở lại.
Quan sát đàn chuột sinh hoạt trong thời gian khá lâu, hầu như không thấy chúng tranh ăn với nhau. Đặc biệt, không bao giờ thấy chúng đánh nhau, hay cắn nhau tới chết, hoặc bị thương. Ngược lại, có vẻ hợp tác chặt chẽ với nhau trong cuộc muu sinh. Có người kể, nhưng tôi không được tận mắt chứng kiến, là chuột có phương pháp lấy trứng rất tài. Một con dùng cả bốn chân ôm chặt quả trứng, để con khác cắn đuôi lôi về tổ. Loài người khó hợp tác kiểu này, vì khó tránh được án mạng khi phân chia phẩm vật. Kẻ ôm cho rằng nhờ mình ôm mới có trứng, lại còn bị cắn đuôi lôi đi, đau rướm máu vẫn không la, nên đáng được phần hơn. Kẻ kéo bảo mình có công nhiều hơn, phải tận lực kéo cả trứng lẫn kẻ ôm, không kéo làm sao có trứng?
Không có kiên nhẫn của nhà khoa học, quan sát chúng mãi, cũng chán, lại sợ chúng đem bệnh tới, như trận dịch hạch khủng khiếp thời trung cổ mà chuột đóng vai chính trong việc phát tán, tôi bèn nảy ra ý định dùng cây súng hơi để tiêu diệt chúng. Dự tính sẽ hạ từng tên một, cho đến khi thanh toán hết mới thôi.
Chuột cũng như người, mông là mục tiêu dễ nhắm nhất. Nhưng mỗi lần lẩy cò, khi tai nghe tiếng “đẹt”, mắt chỉ thấy cái mông bị nhắm vạy đi một chút, giống các mệnh phụ quý tộc nhún mình chào vua chúa, rồi cả đàn chuột chạy mất. Ít phút sau, chúng lại kéo đến, như chẳng có chuyện gì xẩy ra.
Bắn mông không kết quả, tôi đổi sang nhắm đầu. Nhưng so với những cái “vòng số ba” đồ sộ, đầu nhỏ hơn, khó trúng. Nhiều khi đám chuột chạy vì hoảng hốt khi nghe tiếng “đẹt”, chứ chẳng con nào hề hấn gì. Tôi vẫn không bỏ cuộc. Cho đến một hôm, một con lăn ra chết vì trúng đạn. Quan sát tử thi, không thấy máu me thương tích gì cả. Tìm mãi mới rõ nguyên nhân: Đạn trúng ngay lỗ tai, khiến chú chuột chết không kịp ngáp. Tất nhiên, con chuột này tới số, chẳng may đạn trúng chỗ hiểm, không phải tôi bắn giỏi tới mức nhắm trúng lỗ tai. Điều làm tôi ngạc nhiên, là từ đó về sau, không còn con chuột nào bén mảng tới gần thùng rác nữa. Khiến dự tính lần lượt hạ từng tên một, bỗng nhiên phải chấm dứt. Sự việc xẩy ra đúng với lời dạy của người xưa dành cho loài người “sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (giết một người, vạn người sợ).
Điều khó hiểu là bằng cách nào, sự việc xẩy ra rất nhanh, trong khi cả đàn chạy tán loạn, và con chuột trúng đạn chết ngay, không có cơ hội thông báo cho đồng bọn, tại sao chúng biết được một con đã hy sinh? Những lần khác, một con trúng đạn nhưng không chết, chúng cũng chạy tán loạn, nhưng ít lâu sau đã trở lại. Phải chăng đã có cuộc điểm danh, thấy mất một tên, khiến cả bọn ý thức được một việc nghiêm trọng đã xẩy ra: không phải chỉ là chuyện rát mông như trước, mà có một đồng bọn đã chết, nên tất cả không ai trở lại nữa?
Vậy, có thể nói, chuột đã đủ thông minh để nhận ra chân lý: Ở đời chẳng bao giờ có chuyện “ngồi mát ăn bát vàng”, nên, dù bị rát mông, mà có ăn, cũng nên trở lại. Nhưng, đồng thời cũng nhận ra rằng: “ăn để sống”, nếu phải chết vì miếng ăn, là điều vô lý. Do đó, nhất định không trở lại chỗ có thể chết, dù biết rõ nơi đó có ăn. Trong trường hợp này, giữa chuột và người, ai hơn ai? Có người đã lăn xả vào chỗ chết, hay tội nghiệp hơn, đã phải lo chạy tiền, chi trả để tham dự những chuyến đi có thể chết người, chỉ vì miếng ăn. Những người này không khôn bằng chuột, hay chuột không can đảm bằng người? Nếu chuột sinh hoạt theo hướng dẫn của lãnh tụ, thì đàn chuột do tôi quan sát đã có một lãnh tụ sáng suốt, biết quý trọng mạng sống, không xô đẩy đồng loại vào chỗ chết uổng. Tôi xin ngả nón trước lãnh tụ chuột vô danh này, và ghê tởm những lãnh tụ người không được như chuột.
Có lẽ vì sợ chết, chuột đã bị loài người gán cho tiếng xấu. Theo chữ Nho, người Tầu gọi chuột là “thử”, và dùng chữ “thử bối”, tức bầy chuột, để chỉ một bầy tiểu nhân. Cũng như dùng chữ “thử kỹ”, là nghề hay của chuột, để chỉ tài nghệ của bọn tiểu nhân. Người nhát gan mà hay rình lén, bị gọi là người có mắt chuột (thử mục). Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tuổi Giáp Tý, không phải bị gán cho, mà đúng là người có tướng thử mục. Tuổi Chuột mà có tướng thử mục, là trúng cách, hay quý tướng. Càng nhát, càng làm lớn. Chuột mà không nhát, chết như chơi!
Tuy người Tầu đồng hóa chuột với bọn tiểu nhân, nhưng theo cuốn truyện nổi tiếng Trại súc vật của George Orwell, trong một đại hội súc vật, trước cuộc cách mạng long trời lở đất chống lại loài người bẩn thỉu, chuột đã được đa số bầu là bạn của súc vật, tức là thuộc thành phần cao quý tiến bộ, không thuộc thành phần kẻ thù như loài người. Cuộc bầu cử này coi như đã phục hồi danh dự của chuột.
Nhưng không phải lúc nào chuột cũng tránh cái chết. Thỉnh thoảng báo đăng, có những đàn chuột hàng ngàn, hàng triệu con, nối đuôi nhau đi nhiều dặm đường, kéo tới một vách đá trên bờ biển, thường là tại những nơi hẻo lánh ở châu Phi, rồi con nọ theo con kia, nhảy xuống biển mà chết. Hành động này, tất nhiên không phải vì miếng ăn tầm thường. Mắt chuột sáng hơn mắt người, có thể nhìn rõ ngay cả trong đêm tối. Trước khi nhảy, chúng phải nhìn thấy phía dưới là nước biển xanh thẫm, sâu thăm thẳm, không phải là chậu phó-mát mầu vàng. Vậy, khi chúng tự nguyện nhảy vào chỗ chết, chắc phải do một niềm tin cao cả nào đó, như tin sẽ được làm anh hùng, hay làm thánh. Rất có thể một lãnh tụ chuột tài ba đã tạo được niềm tin, khiến đàn chuột tin mà không cần thắc mắc, rằng cứ theo nhảy xuống biển, rồi sẽ được mãi mãi hưởng một cuộc sống thần tiên, được lấy một trăm “trinh thử” (chuột còn trinh), hay được hóa kiếp thành… mèo.
Dưới mắt người, những vụ chuột theo nhau nhảy xuống biển chết tập thể, thật khó hiểu, và có vẻ ngu si đần độn. Trong các sinh vật, hầu như chẳng có loài nào hành động lạ lùng như thế. Trừ loài người. Riêng trong thế kỷ trước, đã có hàng trăm triệu người theo nhau vào chỗ chết. Tự nguyện hay cưỡng bách. Từ một hành tinh nào đó, nếu có một loại sinh vật thông minh tiến bộ, quan sát sinh hoạt của loài người trên trái đất, giống như loài người quan sát sinh hoạt của loài chuột, ắt cũng không thể hiểu nổi thỉnh thoảng có những đám đông hàng triệu người, dàn trận đánh nhau, dùng đủ loại võ khí tiêu diệt nhau, rất tàn bạo.
Khác nhau là: Chuột nhảy vào chỗ chết, nhưng không gây thiệt hại cho đồng loại. Người nhảy vào chỗ chết bằng cách tiêu diệt nhau, vô cùng dã man.
Chuột không hiện đại bằng người, hay người ác hơn chuột?
Chuột hậu truyện
Bài Chuột và Người đã được viết cách đây 12 năm, ký bút hiệu Sức Mấy, đăng trên báo mạng Talawas, vào dịp Tết Chuột năm Mậu Tý, 2008.
Chuột nhảy xuống biển tự tử tập thể, cảnh trong bộ phim tài liệu White Wilderness của Walt Disney, 1958
Thế giới ngày càng thay đổi mau lẹ. Mười hai năm trước, viết như đã viết, có thể đăng báo được. Ngày nay đọc lại, có chỗ thấy không được, cần phải nói thêm cho rõ. Phần quan sát sinh hoạt kiếm ăn của loài chuột vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước, đó là ghi lại kinh nghiệm bản thân do người viết chứng kiến, không có gì thay đổi. Trong nửa thế kỷ, cách suy nghĩ và hành động của loài chuột có thay đổi không, điều này phải có dịp quan sát, mới nói chắc được. Trong khi ấy, có nhiều người vẫn suy nghĩ và hành động y như cũ, dù vẫn sống ở một nơi, hay đã di chuyển tới những nơi rất xa xôi khác.
Trong lãnh vực truyền thông của người, cũng có nhiều thay đổi. Ví dụ, trong bài 12 năm trước, viết: Thỉnh thoảng báo đăng, có những đàn chuột hàng ngàn, hàng triệu con, nối đuôi nhau đi nhiều dặm đường, kéo tới một vách đá trên bờ biển, thường là tại những nơi hẻo lánh ở châu Phi, rồi con nọ theo con kia, nhảy xuống biển mà chết. Bây giờ viết như vậy là hồ đồ, không được. Sống ở thời đại tin giả tràn ngập, không thể viết “thỉnh thoảng báo đăng”, mà phải ghi rõ, báo nào, ở đâu, ngày nào… và còn phải tìm hiểu xem nguồn tin đó có đáng tin không, hay thuộc loại fake news? Vì thế, cần có phần Chuột hậu truyện này để nói thêm về vụ chuột tự tử tập thể.
Nhờ mọi sự thay đổi, mối liên hệ giữa chuột và người cũng mau chóng thành khắng kít. Đầu thế kỷ 21, một loại chuột công nghệ, con chuột trong hệ thống máy điện toán, đã có vai trò quan trọng trong cuộc sống của người. Người và chuột không thể rời nhau. Nhấp chuột để học hỏi, nhờ chuột để mưu sinh. Người tạo ra chuột, rồi bỗng chốc, lệ thuộc vào chuột. Thiếu nó, cuộc sống bị xáo trộn, hụt hẫng. Rồi, một bài học kinh nghiệm nữa, dù quan trọng như vậy, chuột điện toán chỉ tung hoành khoảng một thập niên, trước khi bị lu mờ. Với laptop, ipad, iphone… chẳng ai cần tới chuột nữa! Không riêng người, chuột cũng bị đào thải mau lẹ.
Tết Mậu Tý 2008, nếu chỉ có thể nói bâng quơ về nguồn tin chuột tự sát tập thể, Tết Canh Tý 2020, chỉ vài cái nhấp chuột, người ta có thể biết rõ hơn về huyền thoại này.
Kết quả nhấp chuột đầu tiên cho thấy từ báo Los Angeles Times (latimes.com) ngày 18 tháng 12, 1985, hồi 8 giờ sáng, loan đi từ thủ Đô Do Thái Tel Aviv, nguồn tin nói rằng: “Hàng trăm con chuột đồng tự tử tập thể bằng cách nhảy từ các mỏn đá ở Golan Heights, qua cách mà các nhà khoa học Do Thái nói hôm nay là do bản năng của loài gặm nhấm này để giải quyết tình trạng sinh sản quá nhiều. Các nhà khoa học dã ngoại nói họ quan sát vụ nhảy tập thể vào hai con suối và đếm được 150 tử thi dưới chân một mỏm đá. Họ nói có tới 250 triệu con chuột sinh sống trong vùng này”.
Tám năm sau, ngày 11 tháng Tám năm 1993, hồi 10 giờ 42 sáng, hãng thông tấn AP (apnews.com), lớn hàng đầu của Mỹ, đăng lại một nguồn tin của hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency) từ Bắc Kinh:
Beijing (AP). – Hàng trăm ngàn chuột đã trầm mình tại Tây Bắc Trung Quốc trong một vụ tự sát tập thể có thể phát động do quá đông. Dân du mục bắt đầu tìm thấy những con chuột chết từ tháng Năm tại thảo nguyên Altay và phần lãnh thổ gần vùng tự trị của người Uygur ở Xinjiang. Theo Tân Hoa Xã, con số chuột chết tăng mau, và trên 300.000 xác đã gom được tại một địa phương.
Các chuyên viên suy đoán, vì số chuột gia tăng trong nhiều năm đã khiến nhiều nạn nhân bị một căn bệnh bí hiểm. Tuy nhiên, các nhà khoa học không tìm thấy dấu tích của một thứ bệnh nào cho loài gặm nhấm, cũng như cho các giống vật khác, hay cho người. Những người khác cho rằng đây có thể là báo hiệu của một trận động đất lớn.
Ngày hôm sau, 12-8, 1993, một tờ báo địa phương của Mỹ, Orlando Sentinel ở Florida, cũng đăng lại tin này.
Tin từ các cơ sở truyền thông lớn như AP hay Los Angeles Times cũng chưa có thể hoàn toàn tin cậy. Muốn biết về cuộc sống của động vật hoang dã, cần tìm hiểu nơi những cơ quan có thẩm quyền hơn. Sau đây là thêm vài kết quả nhờ nhấp chuột:
– Theo bản tin của cơ quan về cá và động vật hoang dã Alaska (Alaska Fish & Wildlife) vào tháng 9, 2003, chuyện chuột tự tử tập thể chỉ là huyền thoại do hãng phim Disney nguỵ tạo, khiến rất nhiều người tin là thật. Theo bản tin chính thức này, vào năm 1958, Walt Disney đã sản xuất bộ phim Hoang Dã Trắng (White Wilderness), là một phần trong loạt phim “Phiêu lưu đời thật” (True Life Adventure). Trong White Wilderness có một đoạn về hiện tượng kỳ lạ trong cuộc sống của một loài gặm nhấm, một giống chuột có tên tiếng Mỹ là lemming. Hiện tượng gây chú ý này mô tả những con chuột, do một sự thôi thúc không hiểu nổi, đã cùng nhau tự tử tập thể.
Theo bản tin chính thức trên, vào năm 1983, hãng truyền hình CBC của Canada (Canadian Broadcasting Corporation), sau một cuộc điều tra, đã cho biết, những hình ảnh về đoàn chuột (lemming) tự tử tập thể là giả tạo (faked). Cảnh chuột tự nhảy xuống biển thực ra bị đẩy từ mỏm cao bởi các nhà làm phim của Disney. Màn chuột chạy trên tuyết là do dàn cảnh. Nơi quay phim là Alberta, Canada, không phải là nơi sinh sống tự nhiên của loài chuột lemmings. Disney đã mua chuột từ các tỉnh lân cận ở Manitoba đem về cho làm “diễn viên” đóng phim.
– Một năm sau, từ Nam bán cầu, hãng ABC (Australian Broadcasting Corporation – abc-net-au), qua bản tin khoa học (News in Science – ABC Science), ngày 27 tháng 4, 2004, khẳng định chuyện chuột tự tử chỉ là huyền thoại. Phần chính bản tin cho biết: Một huyền thoại đã ăn sâu trong ngôn ngữ chúng ta là “Chuột nhảy tự sát – Lemming Suicide Plunge” – về loài chuột lemmings, có vẻ như bị tràn ngập bởi một sự thúc đẩy sâu xa, hàng triệu con đã nhảy từ một mỏm cao, rớt xuống chết trên những tảng đá phía dưới, hay chết đuối dưới biển. Thật ra, huyền thoại này bây giờ chỉ là một biểu tượng cho thái độ của những đám đông dân chúng, những người điên khùng theo nhau, như loài chuột, bất chấp hậu quả. Huyền thoại đặc biệt này đã bắt nguồn từ một cuốn phim của Disney…
Nội dung bản tin khoa học của ABC cho biết, không hề có chuyện tự tử tập thể có vẻ ngu xuẩn của loài chuột. Thật ra, ngoài những cảnh diễn xuyên tạc sự thật của Disney, nếu có những nhóm chuột bị thiệt mạng rơi từ mỏm núi cao, hay chết đuối dưới biển, đó không phải là chúng tự sát tập thể, mà thật ra, là những phần tử không may, đã gặp nạn trên con đường “di tản vì lý do kinh tế”; vì sinh sản quá nhiều, quá đông, phải kéo nhau lên đường tìm một môi trường mới dễ sống hơn.
Như vậy, trong khi giới truyền thông loan tin về những vụ chuột tự tử tập thể, giới khoa học đã khẳng định không có chuyện này. Chuột cũng như người, và mọi loài động vật, đều muốn sống và phát triển. Khi cảm thấy cuộc sống khó khăn, bảo nhau lên đường với hy vọng tìm cuộc sống dễ chịu hơn. Và chuột cũng như người, đa số hành động theo đám đông, “ai sao tôi vậy”, nếu chẳng may cùng bị nạn, giống như tự sát tập thể. Mùa Hè năm 2019, tin tức sôi nổi về những đoàn caravan của người di dân phát xuất từ Nam Mỹ, và hình ảnh thảm thương vào cuối tháng Sáu cảnh hai bố con, anh Oscar Alberto Martinez 25 tuổi, và con gái Valeria chưa đầy 2 tuổi (23 tháng), từ Salvador cùng chết đuối khi bơi qua sông Rio Grande, không phải tự ý tìm cái chết, mà bị nạn trên đường tìm cuộc sống mới.
Cuối bản tin, hãng ABC của Úc đã nêu vấn đề: Một công ty lớn và uy tín như Disney, có biểu tượng là Chú Chuột Mickey Mouse lừng lẫy, không hiểu sao đã làm phim xuyên tạc về cuộc sống của chuột lemming, khiến loài người hiểu lầm về loài chuột.
Hãng Disney, một cơ sở danh tiếng, dùng chuột làm biểu tượng cho mình, trong khi sản xuất những hình ảnh giả tạo, khiến người hiểu sai về cuộc sống của chuột. Khả năng trí trá này, có thể do bộ óc thông minh của loài người, loài chuột chắc còn lâu mới đuổi kịp.
ĐINH TỪ THỨC