Khải đang đẩy xe lên con dốc để ra quốc lộ, gió lùa mạnh từ phía trước mặt khua động chùm trống rung được cắm xung quanh một khúc tre bó rơm, tạo tiếng kêu thanh ấm ; gợi thêm niềm vui đang nẩy nở trong đầu nàng. Khải hơi ngả đầu về phía trước, cắm cúi đẩy - lúc này cái lạnh đã tan biến đâu mất tuy màn sương mù vẫn còn dày đục. Khải ngước nhìn lên mặt lộ, tiếng ồn ào của xe cộ, tiếng chân người, tiếng cười nói thỉnh thoảng vang lên; tất cả đều có cái gì như đang trỗi dậy, náo nức, cùng với sự chuyển đổi mới lạ của cây cỏ, đất trời trong những ngày gần cuối tháng chạp. Khải chợt nhận ra rằng, cái cảm giác tự nhiên như một chất kích thích ngày càng hiện rõ hơn trong nàng, kể từ phiên chợ đầu tiên nàng hăm hở mang hàng ra chợ bán. Đồng thời, Khải cũng nhớ đến số tiền bán được sau mỗi phiên chợ; càng gần cuối tháng càng bán được nhiều hơn. Những nụ cười bất chợt nở ra trên đôi môi nàng, cùng với niềm vui, những ước mơ chừng như cứ thôi thúc, quanh quẩn bên nàng.
Khải đã hòa nhập vào dòng người tiến về phía khu chợ. Ai cũng gánh, vác, chuyên chở hàng hóa cồng kềnh. Nàng trông ai cũng tất bật, nôn nóng để được có mặt ở chợ sớm. Nàng chợt nhớ lại, chỉ mới cách đây vài năm thôi, lúc câu khẩu hiệu “đông đồng tan chợ” được nhắc đi nhắc lại trong các cuộc họp ; phố xá, chợ búa đều vắng hoe. Các dãy phố khép hờ cửa, bảng hiệu được hạ xuống, thay vào vài quầy quán nhỏ dọc lề đường bày ra vài thứ lỉnh kỉnh mua lại từ các cửa hàng phân phối. Các dãy lều chợ trống trải, dồn nhỏ lại một góc – đó là mấy gian tạp hóa, thực phẩm vặt vãnh của những người già. Đó là thời của những chị bán thịt bỏ trong mủng vài ba ký, che đậy nhiều lớp, bưng chạy từ khu phố nầy đến ngả đường khác mà đôi mắt cứ láo liên tận đâu đâu. Đó là thời những lò tráng bánh, nấu rượu bị đập phá, bị phạt như một tội phạm. Cuộc sống vốn ngột ngạt, lận đận, khó khăn; lại thu hẹp quanh quẩn ở trong nhà, trong vườn, ngoài ruộng; chậm chạp và đều đặn trong nỗi cam chịu, lo âu. Bất giác Khải quay lại nhìn chiếc giỏ tre sắp đầy những chú gà đất cột phía sau. Những chú gà được bé Nhàn sơn phết xanh đỏ nằm lắc lư trên lớp rơm dày, trông như chúng muốn bay ra khỏi ổ. Lúc này nàng mới có dịp nhìn kỹ lại những con gà của Nhàn vẽ. Con bé quả thật có hoa tay,vẽ những nét sắc sảo, mầu sắc thay đổi từng mảng vui mắt, gợi cho lũ trẻ chú ý thòng ngay vào giỏ gà, trước khi cầm tới mấy chú ve, những chiếc trống rung giấy mầu.
Trung tuần tháng mười một, Trương – chồng nàng, đã dừng ngay công việc làm vườn, để chú tâm vào nắn những con gà đất, những chú ve. Trong lúc chờ đợi gà, ve khô; Trương chẻ tre, vót nang, uốn những vòng tròn trống rung để sẵn. Trước khi vẽ mầu lên thân gà, anh quét một lượt vôi trắng, lần lượt chọn những con gà khô nhất để vẽ. Một hôm đi học về, đứng nhìn Trương vẽ, Nhàn năn nỉ: “Ba cho con vẽ giúp ba được không?”. Trương nhìn con : “Con thích vẽ không?”. Bé Nhàn hào hứng : “Thích lắm”. Trương thử trao cọ cho con, cũng là để nghỉ tay uống vài ly nước trà, nhìn ngắm đất trời một chút. Giàu quá không còn nhìn thấy đất trời cây cỏ đã đành; nghèo quá cũng chẳng còn nhìn thấy gì hết.
Bé Nhàn mừng quá, quẳng cặp lên ghế, không kịp mang vào nhà, ý chừng nó sợ ba đổi ý. Nó thừa hiểu đây là một dịp rất may đến với nó, nên không thể để mất. Nhàn vừa liếc nhìn mấy chú gà mẫu ba đã vẽ, vừa đưa cọ sơn lên một nửa thân gà theo thứ tự từ đầu xuống đuôi. Lúc đốt xong điếu thuốc quay trở lại, Trương đứng sau lưng con: “Con đã vẽ xong chú nào chưa?”. Nhàn quay lại, ngước nhìn – cười: “Dạ, xong rồi”- “Đâu?”. Nhàn lại cười khúc khích: “Ba thử tìm xem?”. Trương chăm chú nhìn vào mấy chú gà đang đứng sắp hàng trên bàn, không tìm ra con nào là nét vẽ của con. Anh hỏi lại” “Thật không?” – “Thiệt mà, con nói dối ba làm gì?”. Bé lại che miệng cười.
Sau buổi chiều thử thách ấy, Trương giao hẳn việc vẽ gà cho Nhàn, cùng lời thú nhận vói Khải: “Em à, con bé nó vẽ còn đẹp hơn anh nữa”.
Bắt chước chị, cu Thiện cũng đòi có việc làm, nhưng có kèm theo điều kiện: “Con làm giỏi, má bán xong, mua cho con bộ quần áo Tết nhé”. Khải gật đầu, cười nhìn chồng: “Đúng rồi. Con phải gắng làm cho đẹp má mới bán được, rồi có tiền mà mua áo quần mới chứ?”.
Trương giao cho cu Thiện ngồi se những viên sáp nhỏ làm một sợi chỉ đã cắt đều sẵn, sau nầy sẽ dán vào hai bên vành trống rung. Cu Thiện cắm cúi, thích thú với công việc của mình như một người lớn tuổi. Thiện còn giúp Trương dán các băng giấy mầu xanh đỏ vào thân ve. Nó miệt mài làm cả ngày, không hề nghĩ tới một trò chơi nào khác. Có lẽ, trong đầu nó, hình ảnh của bộ áo quần mới ngày Tết ngày càng hiện rõ, quyến rũ…
Sau khi sinh non đứa con gái đầu lòng trong sự túng quẫn, bàng hoàng chưa có lối thoát; vợ chồng Khải đành phải nghe theo lời cha bán đi ngôi nhà của mẹ để lại ở thị xã, đùm túm nhau về quê cất tạm nhà trên cái nền gạch cũ đổ nát, cây cỏ um tùm. Lúc ấy, có lẽ vì tình yêu thương cha sau hơn hai mươi năm mới được gặp, lòng tưởng nhớ làng quê – nơi đã chôn rau cắt rốn, nơi đã sống với mẹ những ngày tháng êm đềm, cũng như đau khổ nhất; Khải khuyên chồng bán nhà ra đi. Cha Khải đã bảo với nàng: “chồng mày là một lính ngụy, còn mày không có nghề nghiệp, không về quê sản xuất thì mày hãy thu xếp đi kinh tế mới”. Chú nàng còn cho biết thêm: “Nay mai trong thành phố, thị xã, sẽ không có một người dân thường nào được ở cả – nhất là đám ngụy quân, ngụy quyền; nơi ấy chỉ dành cho các cán bộ công nhân viên nhà nước”. Khải mù mờ không nghĩ ra lối thoát giữa bao đổi thay mới lạ, khắc nghiệt, ngày càng dồn ép, thúc giục…
Về sau, nhất là khi biết được tin cha mình đã trở về Bắc với vợ và con riêng của ông, Khải buồn tủi vô cùng: Ông đã mang gần như toàn bộ số vàng bán nhà, ra đi; không về quê thăm vợ chồng nàng lần cuối. Nghĩ đến quãng thời gian đằng đẵng hai mươi năm, mẹ nàng đã dời chỗ ở hơn mười lần để tránh đạn bom và sự truy xét, quản thúc của chính quyền thôn xã ; hai lần bà cạo trọc đầu để cầu nguyện cho chồng được bình yên trở về với vợ con, làng xóm ; Khải không khỏi đau đớn thất vọng. Ngôi nhà gạch nhỏ mua được ở thị xã, cuối phố, là công sức bao năm tần tảo, dành dụm của mẹ đã không còn. Hình ảnh của người cha thiêng liêng trong tấm ảnh 4x6 mà mẹ đã cất dấu như một bảo vật để trao lại cho nàng lúc dời quê lên tỉnh học, bây giờ thật mờ ảo, xa lạ. Khải thường ấm ức khóc một mình. Trương nhìn thấy, thường lặng lẽ quay đi, hay chỉ lập lại được một câu: “Thôi hãy quên đi, mẹ sẽ hiểu và phù hộ cho chúng ta, em à”.
Năm 1970, sau khi Khải thi hỏng bằng Tú tài một, mẹ nàng lại dời nhà đến bên quốc lộ, dưới chân ngọn đồi, gần hậu cứ của một Trung đoàn; để bán bánh mì, nước giải khát, thuốc lá, và đủ thứ vật dụng linh tinh khác. Khải giúp mẹ trông coi quán, tiếp tục tự học để thi lại, ước mơ của nàng là sẽ thi vào trường Sư phạm, trở thành cô giáo, đưa mẹ cùng đi tới một nơi nào đó thật yên tĩnh, chờ đợi ngày cha trở về…
Tại căn nhà ván tạm bợ này, Khải đã gặp Trương – một Trung sĩ lái xe, hiền hậu. Khi đã quen thân nhau, Khải biết thêm Trương bị mồ côi cả cha mẹ từ nhỏ, sống cô độc, và nghèo khổ, đã thi hỏng Tú tài một như nàng mấy năm trước, trốn quân dịch một thời gian, bị bắt đi lính trơn hơn ba năm, vừa được cho đi học lớp hạ sĩ quan lái xe, mới trở về bổ sung vào Trung đoàn…
Hai người đã yêu nhau trong sự đùm bọc, cảm thông của người mẹ. Từ ngày có Trương lui tới, thường có mặt trong bữa cơm cuối tuần; biết con có được một người để yêu thương, hy vọng; mẹ Khải trông tươi vui, linh hoạt hơn xưa. Dường như bà cũng đã tìm thấy nơi tình yêu đầu đời của con, một hình ảnh thân quen nào đó, một nguồn vui lắng đọng nào đó, đang trổi dậy, đang rõ nét trong bà. Còn Khải, ngay sau khi nghe lời tỏ tình rụt rè của Trương, nàng đã hỏi không chút dấu diếm: “Em không có cha, cha em đi tập kết rồi, liệu anh có yêu em mãi không?”. Trương cười hồn nhiên : “Nhằm nhò gì ba cái chuyện lẻ tẻ ấy mà em lo, anh chỉ sợ em không yêu anh thôi. Rồi mọi chuyện cũng sẽ đi qua, chỉ có tình yêu là còn lại. Anh chỉ biết có em, tình yêu của anh…”.
Đám cưới của Khải được tổ chức sau ngày tỏ tình ấy vài tháng, dù Khải có ý muốn kéo dài cho tới ngày nàng thi vào trường Sư phạm. Khải ngần ngại : “Sao anh quyết định gấp quá vậy?” – “Đời anh không có niềm an ủi nào khác ngoài em. Anh không thể kéo dài những năm tháng sống lạc lõng, vô nghĩa này thêm nữa. Đời lính bấp bênh và ngắn ngủi lắm, em hãy thương anh…”. Tháng 7 năm 1973 – sau ngày cưới Khải một năm, xe của Trương bị đạp trúng mìn trên đường chở viên Đại úy Tiểu đoàn trưởng về thăm nhà. Kết quả: Xe lật, bốc cháy, viên Đại úy chết tại chỗ, và Trương bị cưa một chân trái ở bệnh viên quân y. Anh được giải ngũ sau khi xuất viện, trở về với Khải trên một chiếc nạng gỗ. Để đổi lấy sự bình yên tâm hồn, thoát ra khỏi những sợi dây trói buộc oan nghiệt, những đêm nằm bên Khải mà vẫn bồn chồn thức trắng ; Trương đã chịu mất một chân. Anh nghĩ thầm: “Cái giá của mình còn quá rẻ so với nhiều người”. Anh đã bình thản dành trọn thời gian sống thật êm đềm bên Khải…
Về đến quê, vừa dựng xong nhà, Khải sinh bé Như. Ba năm sau, nhờ sự giới thiệu, bảo đảm của người chú đang công tác ở tỉnh, Khải xin được một chỗ dạy ở trường cấp một tại xã. Nàng chỉ đi dạy một buổi, còn một buổi phụ với Trương chăm sóc hai con heo, bầy gà mới đẻ, và trồng tỉa trong khu vườn rộng hơn một sào. Năm 1982, Khải sinh bé Nhàn. Năm 1985, cụ Thiện ra đời…
Khải dắt xe đến chỗ cu Thiện đang tẩn mẩn se sáp vào sợi chỉ, ghé sát tai con – nàng cười : “Con gắng làm giúp ba cho giỏi, má sẽ mua đồ Tết đẹp cho, thích không?” Thiện chỉ thoáng ngước lên nhìn mẹ, mỉm cười, im lặng. Trong cái đầu bé nhỏ của nó, có lẽ một bộ đồ còn thơm mùi vải mới, rực rỡ hoa đang choán hết mọi ý nghĩ… Còn Khải, sau khi nói với con, đã cảm thấy hối hận. Thư của Như mới gửi về trường hôm qua, đã khiến nàng rã rời. Một nỗi đau đớn quặn thắt giống như lúc nàng sắp sinh con vậy. Khải cố ý không cho Trương đọc thư con, để anh yên tâm làm việc. Đem lại thêm nỗi buồn cho chồng là điều Khải cố tránh – nhất là lúc này. Nếu Trương biết được, anh cũng chỉ thở dài mà thôi.
Khải nhớ lại, chỉ mới mấy tháng trước đây thôi, Như vừa thi đạt học sinh giỏi văn tỉnh, chuẩn bị vào lớp 10 trường chuyên, thì bà thím ở Sài Gòn về, ghé lại thăm. Bà nhìn Như giây lâu, nói: “ Cháu vào Sài Gòn ở với thím, thím sẽ cho đi học may, mai mốt về quê mở quán, phụ giúp với ba má nuôi em… Học Văn mà làm gì, văn chương chữ nghĩa có lợi lộc gì đâu?”. Trương đáp, thay con: “Cám ơn lòng tốt của thím, cháu còn nhỏ, để nó học chữ đã”.
Trương tâm sự : -“Đời của chúng tôi đã dở dang, học hành không ra gì, tôi muốn cháu phải được đi học, bao giờ sự học cũng…
Bà thím cắt ngang lời Trương – cười nhạt: -“Anh nghĩ, rồi cái chữ có nuôi nổi nó không? Ngay ở Sài Gòn , nhan nhản bằng cấp đại học, mà vẫn đói dài…”.
Nhìn thấy chồng im lặng, Khải góp ý : -“Vợ chồng tôi đã biết vậy rồi, nhưng cháu còn đang muốn đi học, chúng tôi không nỡ bắt nó nghỉ, chịu khổ sớm. Vả lại, chữ nghĩa vẫn có lợi cho nó, dầu sau nầy cháu có làm nghề gì đi nữa… Người có học chắc phải khác người không học chứ thím?”.
Bà thím giận. Bỏ về. Trông bà chưng diện son phấn lòe loẹt cỡ đó, thì cái đầu ấy không thể nghĩ gì khác hơn là tiền. Sống ở Sài Gòn lâu, quen với việc áp phe, toan tính chụp giựt ; cái đầu ấy càng không có chỗ nhỏ để những tình cảm khác nẩy nở. Trương thoáng nhớ tới lời một người bạn vừa đến thăm anh tháng trước, có nhiều người thân đang ở nước ngoài: “…Bơ sữa, các kiểu xe, mode áo quần và cả gái nữa, đã khiến họ thành những con robot lạnh lùng…”.
Chợ phiên những ngày giáp Tết người ở đâu đổ về đông quá. Đã gần mười hai giờ trưa mà kẻ mua, người bán vẫn còn chen chân, chật ních. Khải cẩn thận xếp lại từng tờ giấy bạc lẻ nhàu nhò, nhẩm tính được hơn hai chục ngàn. Bây giờ đến Tết còn hai phiên chợ chính nữa, tổng cộng là mười ngày; thế nào cũng góp được hai trăm ngàn. Với số tiền nầy, Khải đủ để vào Sài Gòn gặp con, lo cho nó được tới đâu thì tới; nếu lo không được, sẽ mang con trở về. Về quê, dù có cơm rau mắm, được sum họp, cũng là điều hạnh phúc lắm rồi.
Khải chợt nhớ tới bộ quần áo mới cho cu Thiện, lòng bồi hồi lo lắng. Tội nghiệp cho bé Nhàn, nó còn quá nhỏ nhưng chẳng hề đòi hỏi cho mình chút gì. Lẽ ra, ở vào tuổi của nó, là con gái, nó phải được chưng diện một chút. Trong đầu nghĩ ngợi, tính toán thế, nhưng Khải vẫn mang xe đến nơi gửi ; chen vào khu chợ bán áo quần, giày dép, mũ nón… Nàng muốn xem trước coi có bộ áo quần nào đẹp, giá cả bao nhiêu, để còn lo liệu. Khải không thể để mất lời hứa với con, bởi vì nàng cũng đã biết, đó là một đòi hỏi rất chính đáng. Những năm đi dạy học, nàng càng hiểu rõ giá trị của một lời hứa đối với trẻ…
Khải đang đứng trước các gian hàng bán vải, đủ loại áo quần may sẵn. Cái nào nàng thấy cũng đẹp, vừa vặn với bé Nhàn hay cu Thiện. Nàng bước chậm theo dòng người, mắt không rời những bộ áo quần treo lủng lẳng, từng chồng áo quần đủ kiểu xếp cao dọc các sạp. Khải chợt dừng lại, chen vào gần cửa sạp ngay chỗ có bộ quần áo sơ mi sọc đỏ. “Có lẽ rất vừa với cu Thiện ở nhà”. – Nàng nghĩ, vói tay, nhón gót, kéo bộ áo quần xuống. Khải dùng tay đo chiều dài chiếc quần, bề ngang chiếc áo, rồi đưa ngang tầm mắt ngắm nghía. Nàng quay lại, nhìn thấy người bán hàng đang mải miết xếp, gói hàng, đếm tiền, thối tiền; bận rộn với đám khách trước mặt. Nhìn kỹ lại một lần nữa, Khải vẫn không thấy ai để ý đến mình. Nàng muốn hỏi giá tiền cho bộ đồ nầy. Một phút, Khải xếp vội bộ đồ, nhét sâu dưới đáy giỏ xách. Nàng vội vã chen ra đường – nhưng cũng đúng vào phút ấy, đứa con gái bà bán hàng chợt để ý trên dây treo bị mất trống một bộ đồ. Nó vụt nhảy ra, chạy theo Khải, giựt giỏ xách trên tay nàng. Nó lục tung mọi thứ ra, thấy ngay bộ quần áo mới sọc đỏ. Nó la: “An cắp, quân ăn cắp, bà con ơi…”. Như một con chó dữ, nó nhào vào đánh túi bụi lên giữa mặt Khải, khiến nàng ngã bật ra phía sau, chúi xuống đất. Mẹ cô gái cũng đã đến kịp, bà cúi xuống túm lấy tóc Khải, kéo dựng lên, rồi đập mạnh đầu nàng xuống… Khải cố giơ hai tay lên, miệng lắp bắp điều gì không thành tiếng. Hai mẹ con bà chủ hàng thay nhau đạp lên đầu, lên bụng, chân tay nàng… | |
Mang Viên Long |