văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, May 18, 2012

TRẦN KIÊN ĐOÀN * Trí Quang Tự Truyện: Không vẫn hoàn không

Trong đạo lập thân của người xưa – lập công, lập đức, lập ngôn – thì lập ngôn thường được cho là quan trọng nhất, vì đó là phần “hình nhi thượng”, là tinh hoa tư tưởng cá biệt của một dòng đời mang tính truyền thừa lâu dài và sâu xa cho hậu thế. Người đem hết năng lực tinh thần và tri thức của đời mình để lập ngôn thì thành nhà tư tưởng, triết gia. Người đem chất liệu đời mình để viết lại thì thành tác giả tự truyện, hồi ký. Người đem tiểu sử đời mình ra đánh bóng, trang hoàng, rao bán thì thành nhà… chính trị kinh doanh! Nhưng dẫu ở mức độ nào thì cũng khó lòng đem ra so sánh, cân đo khi không có cùng mẫu số. Cũng đều xuất phát từ con người làm điểm tựa, nhưng sẽ thiếu công bằng nếu đem những tứ đại kỳ thư, những áng kim cổ hùng văn hay thiên hạ danh văn để so với những bài thơ Thằng Bờm có cái quạt mo, những bài ca dao truyền miệng… vì mẫu số chung của cảm tính văn nghệ chẳng tương đồng. Tuy nhiên, trong ý nghĩa tinh túy nhất mà cũng rất thường tình của nhân sinh, “cái thích” hay sự cảm thụ và sáng tạo văn chương nghệ thuật thì không ai giống ai vì cái ngã sở chắn đường bít ngõ theo lối mòn một chiều“có thì có tự mảy may, khi không cả thế gian này cũng không!”. Từ đó dẫn tới cái thương, cái ghét càng lúc càng xa với những gì hiện thực “thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng!”
Tác phẩm nghệ thuật thường được ví von như những cơn mưa. Có những trận mưa – mưa rào, mưa tình, mưa pháp – mà con người và muôn vật được hưởng lợi lạc hay phải chịu đựng cơn mưa phù hợp với căn tính của từng đối tượng: Con dế mèn ca hát rát cổ hưởng được một giọt mưa ngọt lịm; con chim non bị ướt tổ lạnh run; con kiến cỏ bị chết trôi chới với; người nông dân có được nước đầy đồng… Chẳng ai giống ai. Bởi vậy, mọi giá trị của vạn vật đều tương đối. Nhưng trong tương đối đã có sẵn một điều tuyệt đối, đó là sự khác biệt và đồng nhất đều cùng một thể: “Không lại hoàn không!”

Và, đó cũng là kết luận của “Trí Quang Tự Truyện”. Đây là một tác phẩm hồi ký của hòa thượng Thích Trí Quang, một danh tăng Phật giáo thế hệ Chiến tranh Việt Nam đang bước vào độ tuổi 90.
Có thể nói mà không phải dè dặt rằng, trong số các hồi ký của những nhân vật lịch sử, trong cũng như ngoài nước, có liên quan đến dòng lịch sử Chiến tranh Việt Nam thì hồi ký của thầy Trí Quang là một trong những tác phẩm được chờ đợi nhiều nhất.
Văn chương tự cổ không bằng cớ, nên khen hay chê tự nó không quan trọng mà quan trọng là mức độ khách quan, công bằng và tính trong sáng của sự khen chê. Và, quần chúng nói về một đối tượng sao bằng chính đối tượng được nhắc nhở đó tự nói về mình. Trí Quang Tự Truyện là những điều thầy Thích Trí Quang tự nói về mình.
Từ đầu năm 2011, tuy đã được đọc các bài giới thiệu và trích đoạn của tập sách nầy trên mạng lưới truyền thông nhưng mãi đến khi về thăm quê vào tháng 3-2012 tôi mới đọc được bản chính toàn tập. Sách dày 216 trang, nhà xuất bản Tổng Hợp tại Sài Gòn. In 3000 cuốn, xong ngày 22-7-2011. Tác giả viết xong ngày 24-4-2011. Sách không chia thành chương, mục mà được phân thành 47 đoạn viết theo lối hồi ức, tự truyện. Không có một hình ảnh nào minh họa từ bìa đến nội dung.

Trí Quang Tự Truyện đã gây ra những luồng phản ứng tuy không sôi nổi theo kiểu… “siêu sao”; nhưng tương đối rộng rãi đối với quần chúng trong cũng như ngoài nước; đặc biệt là đối với giới trí thức và Phật tử lớn tuổi đã từng sống trong chiến tranh và trải nghiệm thực tế qua những biến cố lịch sử đầy thăng trầm của đất nước. Đa số bày tỏ sự thất vọng vì hồi ký không “ngang tầm” với tác giả. Người ta chờ đợi một thiên hồi ký có “tầm vóc thời đại”. Nghĩa là những pho sách dày với những công bố phơi bày nhiều bí ẩn lịch sử, những “giải mã” sự kiện còn nằm trong góc khuất, những lý giải hùng hồn về các hiện tượng đầy thâm cung bí sử, những biện minh đầy thuyết phục nỗi oan khuất của đạo pháp và dân tộc, những chứng lý rạch ròi thân phận nhược tiểu trên bàn cờ quốc tế… Nghĩa là với tầm vóc của một nhân vật tu sĩ Phật giáo đã từng là khuôn mặt trung tâm cho cuộc tranh đấu đòi tự do, bình đẳng tôn giáo của Phật giáo năm 1963 và những cuộc biểu tình đòi cải cách chính trị thời 1966 đã làm chấn động Việt Nam và dư luận thế giới như thầy Thích Trí Quang thì sẽ có cả một kho tàng dữ liệu và vô số lý giải cho cả một thời kỳ đầy biến động chiến tranh, chính trị và xã hội để viết ra trong hồi ký. Thêm vào đó, thầy Trí Quang còn là tác giả, dịch giả, luận giả uyên bác và đáng tin cậy của nhiều tác phẩm Phật học nội điển và luận thư trong khoảng 70 năm qua. Bề dày của những công trình biên dịch và tham luận có giá trị là những điều kiện “ắt có và đủ” cho một tác phẩm hồi ký lớn của Thầy ra đời. Hoặc ít lắm thì cũng là những hồi ức đầy “thương hiệu thành danh” của ta và của người vào hàng Retrospect của Robert McNamara hay Political Memoirs của Malcom Fraser… và của nhiều nhân vật danh tiếng Việt Nam đã xuất bản chẳng hạn.
Nhưng Trí Quang Tự Truyện đã thanh thản ra đời như một cô gái Việt chân quê trên diễn trường hoa hậu quốc tế làm cho người ta ngạc nhiên.

Những ngày mưa tháng Hai của Huế, lên chùa Châu Lâm không cách xa chùa Từ Đàm là mấy, được ăn cơm chay với thầy Thiện Phước trong vườn lan đủ màu tự trồng, tự tưới của Thầy, trưa vào nghỉ ở nhà tịnh của chùa và đọc Trí Quang Tự Truyện nguyên bản in của anh Trần Tuấn Mẫn báo Văn Hóa Phật Giáo gởi cho, tôi cảm thấy an tịnh và gần gũi với tập sách hơn.
Trong khu vườn thiền lâm, thầy Trí Quang là một hành giả với bút lực dồi dào từ khi còn trẻ tới hồi đại lão như hôm nay. Nói về công phu biên dịch kinh sách, chỉ riêng năm 2011 thôi, thầy Trí Quang đã hoàn thành nhiều công trình trước tác thâm uyên với 3 bộ sách đã in ấn và phát hành là: Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia gồm 2 tập, mỗi tập hơn nghìn trang và Nhiếp Luận, 334 trang. Bởi vậy, khi cầm Trí Quang Tự Truyện trên tay, có lẽ tôi không nên trịnh trọng gọi đây là một tác phẩm hồi ký đầy chữ nghĩa to tát mà nên gọi đây là những dòng tâm bút của một sơn tăng giữa thị thành đang sống với tánh thường rỗng lặng “không vẫn hoàn không”.
So với những tác phẩm mang tính nội điển mà thầy Trí Quang đã cẩn trọng biên dịch – nghiêm cẩn trong từng cụm từ và chỉnh chu trong từng luận giải – thì Trí Quang Tự Truyện nhẹ như tơ hào. Tác giả viết ra những sự kiện, kể lại chuyện đời mình bằng một lối văn chân phương – lại có khi rề rà không trau chuốt – dễ dãi như người bình dân ngồi kể chuyện Tấm Cám.
Trong suốt 50 năm qua, nhân vật Thích Trí Quang thường được (hay bị) môi trường truyền thông đại chúng trong cũng như ngoài nước nhắc nhở khá sôi nổi và không ít thường xuyên trong hàng tu sĩ Phật giáo Việt Nam đương thời. Sự nhắc nhở xuất hiện dưới nhiều dạng thức và từ nhiều góc độ: Giữa đường, lề phải, lề trái, trên mây, dưới hố… Nhưng không phải vì lời khen hay chê mà một dòng sông trở thành trong hay đục. Chẳng phải vì được ca tụng hay bị đả kích qua ngõ thị phi mà một nhân vật trở thành thánh hay phàm. Đâu phải vì yêu hay ghét mà một tác phẩm trở thành hay hoặc dở. Thầy Trí Quang – cũng như mọi nhân vật cộng đồng tên tuổi đã thành danh – có một vị trí và thế đứng riêng trong lòng người và trong lịch sử. Nhưng trong tự truyện, sau khi kể chuyện đời mình từ nhỏ đến lớn; từ thân chú tiểu mới xuất gia cho đến vai trò lãnh đạo Phật giáo thành tựu, tác giả tự kết luận về đời mình: “…cuộc đời tôi ‘không vẫn hoàn không’, không có gì đáng nhớ, đáng nói. Ngay như sự tự truyện này, vì không thể không có, nên phải viết và phải in, mà thôi. ‘Không vẫn hoàn không’ là Phật cho, tôi mới được như vậy.”
Chính vì “chân không” mà cuộc đời thành “diệu hữu”. Nhà tu thật ngôn là người hành động trong vô vi; nghĩa là thỏng tay vào chợ mà không dính mắc, đối mặt với sấm sét giữa đời mà coi như hoa đóm giữa hư không.
Khuynh hướng nhất quán về “không” có mặt trên từng trang sách của Trí Quang Tự Truyện. Nội dung tự truyện kể lại nhiều biến cố và hành động trong chặng đời 90 năm của một hành giả đứng giữa gọng kềm lịch sử như thầy Trí Quang mà vẫn mang một phong vị tĩnh lặng an nhiên. Sự an nhiên có được khi yếu tố tác nghiệp không hoành hành. Đó là khi nhu cầu biện minh, giải thích, thuyết phục, khen chê, vinh danh, bài xích… không thể hiện qua ngòi bút và chữ nghĩa, ngôn từ của người viết. Nhờ vậy, người đọc tự truyện cảm thấy thanh thản theo dõi những gì xảy ra và được tác giả ghi lại mà tâm không bị động bởi những cảm xúc dấy bụi nhất thời.
Đạo Phật là con đường đưa đến giải thoát. Đó là một trạng thái tự do đứng ngay chính giữa hai bờ đối đãi của yêu-ghét, vui-buồn, khen-chê, sống-chết… Tuyệt nhiên không còn bị dính mắc vào hệ lụy của phóng tâm biên kiến đời thường đầy phiền não. Tâm Phật là tâm không không rỗng lặng. Chỉ trong không không rỗng lặng nầy – tinh thần “không trung vô hữu tuyệt đối” của Bát Nhã – thì Phật và chúng sanh mới thành nhất thể. Vì như thiền sư Thường Định Kaido Ashahi Nhật Bản nói trong Thiền Tập Quán Niệm Trên Núi Tuyết rằng: “Một đời đi qua, nếu còn một hạt bụi ngã nhân nào vướng lại ở trần gian nầy thì kẻ tác tạo hạt bụi đó vẫn còn bị cột buộc. Người đó còn phải quay lại trả nghiệp cho đến khi hạt bụi kia chẳng còn vướng vất giữa trần thế, trong tâm thức và giữa hư không…thì mới mong thấy được khung cửa nghìn xưa quay về nẻo Đạo.” Phải chăng vì muốn phủi sạch đôi “hạt bụi ngã nhân” còn vương trên khung cửa nghìn xưa quay về nẻo đạo mà Hòa thượng Trí Quang phải miễn cưỡng bận lòng trong Tiểu Truyện Tự Ghi, rằng: “Truyện của tôi không đáng gì mà phải ghi. Chỉ vì truyện ấy, hơn vài thập kỷ trước thập kỷ 2530 (1975-1985), có liên quan đến Phật giáo VN, lại bị hư cấu truyện và phim sai quá nên phải ghi. Nhưng ghi như dưới đây thì chỉ là có còn hơn không mà thôi.”
Xác định về một thái độ hành xử như thế, thầy Trí Quang làm cho những người học Phật đời sau nhớ tới tinh thần tùy duyên hành đạo và sống đạo của Phật giáo đời Trần. Vua Trần Nhân Tông khi đã gác kiếm chống quân Nguyên, thay chiến bào bằng áo cà sa, nghe thị giả hỏi rằng, đâu là chỗ khác nhau giữa việc đời bôn ba và việc đạo an nhiên tự tại, đã đọc bài kệ:
Sống đời vui đạo cứ tùy duyên
Khi đói thì ăn, mệt ngủ yên
Của quý đầy nhà đâu phải kiếm
Thấy cảnh lòng không khỏi hỏi thiền
(Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền)

Như thế phải chăng “vô tâm tức là đạo?” Khi có người hỏi về khái niệm nầy, Tuệ Trung Thượng Sỹ, thầy của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đọc bài kệ:
Vô tâm là vô đạo
Có đạo chẳng vô tâm
Tâm đạo đều trống rỗng
Biết nơi đâu mà tầm?
(Bổn vô tâm vô đạo
Hữu đạo bất vô tâm
Tâm đạo nguyên hư tịch
Hà xứ cánh truy tầm?)


Điều Tuệ Trung muốn nói là cần đập vỡ những khái niệm tương tác không có thật giữa củ khoai và con kiến. Làm gì có con kiến mà kiện củ khoai. Làm gì có tâm và đạo hiện hữu như hai đối thể phân biệt khi tâm và đạo là nhất thể. Tâm và đạo không phải là hai hình tướng để mô tả và phân biệt mà cần thực chứng trong rỗng lặng, an nhiên qua một trong nhiều phương tiện quán chiếu thiện xảo nhất của Phật giáo là thiền định. Đạo Phật là con đường thực chứng cuộc đời chứ không phải phủ nhận hay xa lánh cuộc đời như ngộ nhận. Đạo giữa đời và đời giữa đạo. Bình thường giai thị đạo.
Nhà tu là một người phàm trang bị tính thánh chứ không phải là thánh. Bởi thế, tu hành cũng là một quá trình vật lộn với chính mình vì nghiệp và luân hồi là một chân lý vận hành khách quan. Bất luận Phật tử xuất gia hay tại gia, đã tu mấy đời hay nhiều đại kiếp, khi chưa đắc đạo thành Như lai, Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác… thì vẫn còn trực tiếp chịu sự chi phối của Nghiệp. Mục Kiền Liên là đại đệ tử đệ nhất thần thông của đức Phật đã tu qua nhiều đại kiếp, đã từng xuống tận địa ngục A Tỳ cứu Mẹ mà trong kiếp cuối cùng, trước khi đắc đạo, vẫn phải trả Nghiệp tiền kiếp. Ngài đã bao lâu ẩn tàng, mặc cho bọn cướp vây quanh tha hồ biếm nhẻ. Nhưng chỉ một phút tác động của Nghiệp đã để lộ nguyên hình cho bọn cướp ùa tới phanh thây. Tên cướp và thiền sư khác nhau ở chỗ là ai đang tạo nghiệp và ai đang giải nghiệp mà thôi.
Bởi thế, “tùy duyên…” là phong thái hành hoạt của người theo đạo Phật. Tất cả đều có sẵn tự thân tâm. Làm vua gặp quân xâm lăng: Đánh! Làm thầy gặp chuyện bất bằng: Chống! Gặp đời phiền não: Tu! Hết một đời: Thản nhiên ra đi như thay áo. Gặp chuyện thị phi đời thường: Im lặng như chánh pháp. Khi cần lập ngôn: Nói năng như chánh pháp. Có gì quan trọng – khi một tơ hào cũng không còn hiện hữu trong tánh không rỗng lặng – đâu mà phải cần hư vọng, hư danh như bia đá đề tên, lưu danh sử sánh, bỉ thử khen chê.
Trong khung cảnh Phật giáo, Trí Quang Tự Truyện viết ra để ghi lại những chuyện đời thường của chính tác giả. Nhưng tất cả đều không vượt ra ngoài tự tánh của chư pháp “không lại hoàn không” và tác giả đã hành xử; đã sống và viết trong cái không mênh mông rỗng lặng đó. Tiếng chuông công phu khuya từ chùa Hàn Sơn ngày xưa dóng lên từ một sơn tăng đã trở về với tự tánh rỗng lặng. Nhưng Trương Kế và muôn vạn đời sau đã “bắt gặp” và cảm nhận như thế nào là cả một hợp duyên “thân báo” muôn màu muôn vẻ khó thể nghĩ bàn. Khi tiếng chuông tự nó là tiếng chuông thì sẽ không khứ, không lai, không thừa, không thiếu. Tiếng chuông cũng chỉ là một pháp… không lại hoàn không.

Trần Kiêm Đoàn
Huế – Cali., mùa Phật Đản 2556 (2012)

Monday, May 7, 2012

TRẦN VẤN LỆ * Đất Khách Lang Thang Một Tiếng Cười



Lâu lắm,  sáng nay tôi gặp lại / một người bạn cũ thuở nhà binh.  Bạn già…trông giống như ông Tướng – ông Tướng buồn hiu – Tướng thất tình!

Bạn nắm tay tôi rồi chậc lưỡi:  Ồ mày!  Thằng Lệ Địa Phương Quân / vẫn “ngon” như thuở Ma Lâm nhỉ / thơ thẩn vẫn đầy ắp mỹ nhân!

Bạn với tôi vào quán mái hiên / mái hiên Tây Nguyệt gác chênh chênh / thằng ly trà đá / thằng chanh muối / khuấy đục ly tìm chút nhớ / quên…

Bạn làm thợ tiện / tôi làm thơ.  Cải Tạo nhiều năm, chuyện chẳng chờ / cả cái chết Trời chưa biểu chết / ờ thì cứ sống / sống lơ ngơ!

Hai đứa quanh co ngày tháng cũ / quanh co rừng núi thuở hành quân / rồi thì đi thẳng vào năm tháng / đi thẳng vào thời Mất Núi Sông!

Hai đứa hình như…rất giống nhau:  “Mày ơi tao tưởng giấc chiêm bao!”.  Bạn tôi não nuột nheo nheo mắt, tôi nói: “Thôi đành vậy, kiếp sau…”.

Có được hay không đời-kiếp-khác?  Thở dài.  Ly nước đá bay hơi…Quê Hương ngó lại, mình tan biến, còn lại, như nhau:  Tiếng Thở Dài!

Bạn với tôi về, kẻ ngược, xuôi.  Bạn còn nghề ngỗng, cũng vui thôi, tôi quờ tôi quạng thơ lăn lóc.  Đất khách lang thang một Tiếng Cười!

Trần Vấn Lệ

m.h.hoài-linh-phương * Bài Cho Ngày Anh Đi Chinh Chiến



Ngày mai anh rời trường Mẹ,
Bỏ lại sau lưng bốn năm dài kỷ niệm
Bốn năm miệt mài học làm kiếp lính gian nan
Dây tử thần
Dây tự tin
Những buổi sáng di hành qua đồi cao, lũng thấp
Những đêm mịt mù giá rét
Phiên gác nào lạnh buốt nhớ miên man...
Thông vẫn xanh qua lời gió ngút ngàn
Em áo trắng, sân trường xưa... đã chập chùng dư ảnh...

Một thoáng mây trôi...
Mới ngày nào...
Xếp áo thư sinh mộng sông hồ đời trai phiêu lãng...
Chân ngại ngùng bước qua cổng Nam Quan...
Khúc nhạc quân hành nuôi chí lớn dọc ngang
      
Anh chinh phục Lâm Viên
Em nhớ về đồi Bắc!
Đèn rực sáng vũ đình trường nghe rừng thông hát
Khi trên vai ngưòi bắt đầu mang màu đỏ Alpha
Nhiệt huyết của người rạng rỡ…, kiêu sa
Như quân trường đã hun đúc ý chí đời trai, nợ nước...

Gửi lại cho em,
Những bông hoa đào mùa xuân buổi trước
Dalat buồn trong nắng quái chiều hôm

Từ giã cao nguyên,
Bước chân anh kiêu hùng
Dẫm đồng bằng, vượt rừng sâu qua núi, qua truông
Cho Việt Nam sống còn
Cho cờ Việt Nam còn tung bay ngạo nghễ...

Ngày mai anh đi,
Dù anh trở về trong chiến công hiển hách
Hay nằm xuống ngàn đời trong lòng đất Mẹ thân yêu
Em vẫn dành cho anh
Mọi vinh quang cho người ra trận mạc
Chiếc khăn sô còn nghe giòng lệ nóng
Như vợ tiễn đưa chồng
Như ta đã riêng nhau...
Từ nghìn xưa cho đến nghìn sau
Thời chinh chiến mấy người đi trở lại ?

Nhưng chia ly không nghĩa là mãi mãi...
Tay rời tay không có nghĩa cuộc tình tan
Ta còn một đời để gửi gấm yêu thương
Còn mấy kiếp cho rượu hồng, pháo đỏ

Em lãng mạn, viễn vông
Nhưng trái tim biết chân thật  ru lòng người vào nơi nắng gió
Mắt anh rạng ngời,
Rực sáng, uy nghi
Rút gươm thề đi anh!
Xin hồn thiêng chứng giám, khắc ghi
Nối dãi non sông về cho đất Mẹ.

Vâng, anh đi
Cho dẫu như Kinh Kha qua bên kia bờ Dịch Thủy
Vẫn một đời mang hào khí Lâm Viên!


mhhoàilinhphương
Saigon – Việt Nam 1972

THIẾU KHANH * Ai Đã Ru Ngủ Chúng Ta

  
Đây là phiến đá có khắc tự phù biểu ý của người Lạc Việt cổ được chụp tại huyện Bình Quả – Quảng Tây vào ngày 23 tháng 12 (2011) ( Hình và lời chú thích trích từ bài viết 'Phát hiện chữ Việt cổ ở Quảng Tây' của tác giả Hà Văn Thùy tại vietthuc.org )

Nhân một bài viết của nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy phổ biến trên một số trang mạng về sự kiện chữ viết cổ xưa của người Lạc Việt được phát hiện ở Tỉnh Quảng Tây Trung quốc, có người (trên Diễn đàn CNDD) đã phản ứng như sau: 
“Xã hội có nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, nhà toán học, nhà vật lý, nhà khảo cổ . . .
Bây giờ, xã hội chúng ta lại có thêm nhà ru (viết ngắn của nhà ru ngủ dân tộc), có mặt khá nhiều trên Net, hay trên sách.
Chẳng có gì đáng “vui mừng,” hay “tự hào,” như Hà Văn Thùy nói. Xin nhắc lại, đó chỉ là những ký hiệu, không phải chữ.
Nhà ru tiếp tục ru ngủ dân tộc Việt Nam
Đọc tiếp bài viết NGƯỜI LẠC VIỆT LÀ CHỦ NHÂN CỦA GIÁP CỐT, KIM VĂN, của Hà Văn Thùy, trên Việt Thức, 02/15/2012.
“Từ khảo cứu của mình, từ năm 2006, chúng tôi khẳng đĩnh rằng, tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa,” Hà Văn Thùy viết.
(1)   Cái mà Hà Văn Thùy gọi là chữ, hay tiếng (language), thật ra, đó chỉ là những ký hiệu (symbol, signifier) rời rạc, khắc trên đá.
(2)   Tiếng Việt có cấu trúc ngược với Tiếng Tàu. Làm sao có thể nói, Tiếng Việt đã “tạo nên” Tiếng Tàu.
(3)   Nói rằng Tiếng Việt “tạo nên” Tiếng Tàu, làm sao có thể cắc nghĩa 2 hiện tượng sau đây: (a) Suốt dòng lịch sử, Người Việt chỉ có tiếng nói, không có chữ viết, phải mượn Tiếng Hán để học hành, và dùng trong quản trị hành chánh (viết sắc, chiếu của triều đình), và (b) Tiếng Tàu đã phát triển đầy đủ, còn Tiếng Việt thì nghèo nàn, không đủ dùng.
Hôm nay, là Thế Kỷ 21, dân tộc Việt Nam không phải là trẻ con. Để cho những nhà ru, như Hà Văn Thùy, có thể dùng lời ru ngọt ngào của họ, để dìu dân tộc chúng ta vào giấc ngủ.
KHÔNG.
Một dân tộc thích tự thỏa mãn về mình, là một dân tộc đang thoái hóa. Một dân tộc có can đảm nhận những yếu kém của mình, dân tộc ấy mới có động lực để vươn lên, để đuổi kịp các dân tộc tiến bộ trên Trái Đất.
Việt Nam hiện nay, có khá nhiều nhà ru. Đó là một bất hạnh của dân tộc chúng ta.”

Bài viết của TK dưới đây là một email phản hồi đáp lại ý kiến trên:

Tôi không cho chuyện này có ý nghĩa "ru ngủ" . Và lòng tự hào dân tộc không bao giờ có ý nghĩa tiêu cực là ru ngủ hay tự ru ngủ. Dường như trong truyện ngắn Thằng Mõ (tôi không chắc), nhà văn Nam Cao đã nói, mà tôi cho là rất đúng, rằng (không phải nguyên văn) khi một người thường xuyên bị chà đạp, bị lăng nhục, thì anh ta không còn tin tưởng vào giá trị con người của anh ta nữa. Hơn thế, anh ta sẽ sống phù hợp với cái thân phận mang tính chất đễu cáng hạ cấp mà người khác gán cho anh ta.
Không phải là chuyện ru ngủ chút nào cả khi Napoleon đặt ra các danh hiệu rất kêu kiểu như Maréchal / Maréchaux de France (Pháp quốc thống chế) hay Armiral de France (Pháp quốc Đô đốc) v.v... cho các tướng lãnh cao cấp của ông ta. Và lời ông ta động viên quân sĩ dưới chân Kim Tự Tháp tại Ai Cập rằng "Hỡi các người! Các người nên biết rằng hơn bốn mươi thế kỷ đang nhìn xuống chúng ta!" không hề là một lời huyênh hoang vô lối hay ru ngủ ai cả. Rồi những thứ huy hiệu, cầu vai, dây tua lòe loẹt này nọ mà các quân đội trên thế giới bày vẽ ra để ban tặng cho quân lính của mình. Những thứ đó cũng không làm cho họ ngủ; trái lại chúng làm cho họ mạnh mẽ lên, hào hùng thêm, hành động dũng cảm hơn nữa, phù hợp với những mong đợi lớn lao mà đất nước đặt vào họ.
Cũng chính trong ý nghĩa này mà chúng ta không bao giờ bỏ qua cơ hội nào để củng cố sự tự tin và lòng tự trọng nơi con cái mình, củng cố lòng tự hào của chúng vào nền tảng tinh thần của gia đình mình (gia phong); chúng ta không bao giờ bỏ qua dịp để khen thưởng và khích lệ con cái mình hay thay cho sự khen thưởng bằng thái độ hờ hững của chúng ta, hoặc coi thường mọi nỗ lực phát triên sự tự tin của chúng như là chuyện lố bịch.
Truyền thuyết Rồng Tiên vì vậy không hề là một huyền thoại bịa đặt vô nghĩa, như có người cười cợt biếm nhẽ.
Giả dụ tất cả người Việt Nam tin theo một ai đó, cho rằng nòi giống mình chỉ là một chi nhánh hạ đẳng của người Tàu (quả thực đã có chuyện này, khi một "sử gia" nào đó mà tôi đã đọc từ khi còn nhỏ nên không nhớ tên, cho rằng đa số người VN có họ Nguyễn, mà họ Nguyễn là một họ thuộc hạng dân hạ tiện chiếm phần rất ít ỏi trong xã hội Tàu!). Giả dụ mọi người VN luôn chứa sẵn  trong đầu mình cái mặc cảm mình là loại người hạ tiện hạng bét đối với Tàu, thì liệu chúng ta có còn dám ngẩng cao đầu một cách oai hùng bất khuất trước những cuộc xâm lăng của chúng, như ông cha ta đã luôn luôn chúng tỏ trong lịch sử hay không? Với tham vọng thôn tính nước ta của chúng đã phô bày lộ liểu, và với thái độ đê hèn của nhà nước Cộng sản VN  hiện nay khiếp nhược trước giặc mà hèn hạ với dân, cái mặc cảm nhục nhã tai hại đó sẽ giúp cho việc "nội thuộc" diễn ta thuận lợi biết bao!
Về mặt con người, các nghiên cứu tâm lý học đã khẳng định nguyên lý tinh thần hướng dẫn thể xác. Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt nam chống lại áp lực xâm lăng và đồng hóa của Tàu phải được hướng dẫn bằng "tinh thần". Đó là văn hóa. Chúng ta không chỉ chống lại mọi sự xâm lăng của Tàu bằng sức mạnh thể chất mà còn bằng sức mạnh văn hóa. Để củng cố sức mạnh văn hóa, thử nghĩ xem, có cách gì tốt hơn, hữu hiệu hơn là khôi phục, phát triển và củng cố niềm tin vào lịch sử và bản chất của dân tộc mình không thua kém bất cứ ai?
Trong lịch sử thế giới, đã có quốc gia nào từng ngủ quên trên sự tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc họ không? Không hề. Trái lại, những giai đoạn suy vọng của mỗi quốc gia đều xảy ra trong thời kỳ mà lòng người phân tán, khi niềm tự hào dân tộc ấy đã bị lung lạc, suy yếu hay không còn nữa. Trong hoàn cảnh như thế, Lê Lợi phải mất đến mười năm mới "đẩy" được đám quân Minh xâm lăng về nước, (sau cuộc kháng chiến dai dẳng làm cho chúng mỏi mòn mà ta không có một trận đại thắng nào lừng lẫy tầm cỡ "Bạch Đằng"), trong khi trước đó, nhà Trần với hào khí Đông A chỉ cần một thời gian rất ngắn để ba lần đánh bại ba cuộc xâm lăng của lực lượng xâm lược mạnh nhất, dữ dằn nhất, đáng sợ nhất của cả nhân loại trong mọi thời đại, với các chiến thắng lừng lẫy.
 Với sự phát hiện chữ Việt cổ (Hà Văn Thùy - Phát Hiện Chữ Việt Cổ ở Quảng Tây ), tôi cho đó là một chiến thắng tinh thần rất lớn lao của người Việt trước người Tàu và văn hóa Tàu. Thông tin này cần phải được chào đón một cách trân trọng, chớ không phải là với sự biếm nhẽ. Từ lâu, cả thế giới đều công nhận nước Tàu "văn minh trước thiên hạ." Một số nhà trí thức của ta cũng nhắm mắt lập lại như thế. Mở "Việt Nam Văn Hóa Sử Cương" của Đào Duy Anh ra mà xem. Ông ấy nói rằng khi ta tiếp xúc với văn hóa Tàu thì văn hóa của người Hoa Hạ đã phát triển rực rỡ, còn văn hóa của ta thì rất chất phác thấp hèn. (Nguyên văn gần như thế). Nhận định này của vị học giả "bách khoa" của ta từng khiến tôi thất vọng, vừa buồn vừa giận, là một trong những lý do mà hơn ba mươi năm trước đã khiến tôi không tự lượng sức mình, làm một công việc đội đá vá trời rất đáng mắc cỡ là... nghiên cứu lịch sử văn hóa VN!
Nếu có một người Việt Nam nào nói khác các luận cứ "kinh điển" có cầu chứng của các học giả nước ngoài về lịch sử văn hóa VN thì lập tức bị những người khác, cũng là người VN, dè bỉu cho là tự hào dân tộc vô lối. Linh mục Kim Định là một nạn nhân như thế. "Triết lý an vi của ông", dù chỉ là một triết lý chứ không phải sử học, với những "giả thuyết làm việc" (lời của chính vị linh mục ấy) căn cứ trên nhiều kết quả nghiên cứu của những tác giả có thẩm quyền quốc tế, vẫn không thuyết phục được những nhà khoa bản được định vị "dưới chân Kim Tự Tháp Trung hoa".
Với phát hiện chữ viết của người Việt cổ này, tôi nhìn thấy một cuộc địa chấn. - dĩ nhiên với điều kiện sự phát hiện đó phải được khoa học xác nhận một cách vô tư. Một cuộc địa chấn không để ai ngủ được cả, chớ đừng nói chuyện làm cho người ta ngủ. Người ta bị lay xốc cực mạnh để thức dậy. Ai không thức dậy tức là đã chết rồi.
Cuộc địa chấn như thế nào? Và chúng ta đã ngủ từ bao giờ và ngủ như thế nào để bị cơn địa chấn này đánh thức?
Cả ba câu hỏi này có một câu trả lời chung. Không phải chúng ta chỉ mới ngủ từ khi những tên thực dân Pháp dạy ta rằng tổ tiên ta là người Gô-loa, mà đã ngủ từ khi chúng ta được chính mình nhồi sọ cho nhau để tin một cách nức nở rằng chúng ta được tên thái thú Tàu là Sĩ Nhiếp dạy cho biết văn minh lễ nghĩa, những tên thái thú Nhâm Diên và Tích Quang dạy cho ta biết cày cấy vân vân. Rồi chúng ta mang ơn chúng, và thờ phụng chúng như thánh thần. (Đã có một triều vua của ta phong tước vương cho Sĩ Nhiếp và các nho sĩ ta thời trước gọi y là Sĩ vương!)
Trong thời thượng cổ, dân tàu là giống dân du mục săn bắn, trong khi dân Lạc Việt là một trong những chủ nhân của nền văn minh nông nghiệp của nhân loại. Chính người Tàu đã xác nhận điều đó khi trên bầu trời họ đã định vị vì sao Thần Nông ở về hướng Nam. Thần Nông (ông thần phát minh nghề nông) là người phương Nam, tức người Việt. Thần Nông chẳng phải ông thần nào cả. Đó là tượng trưng cho nền văn minh nông nghiệp phương Nam. Và cũng chính người Tàu đã “vẽ” ra một chữ Việt bộ Mể ( ) gồm hai phần để mô tả người Việt là chủng người biết làm ruộng lúa nước (phần trên) và biết sử dụng liềm hái cắt lúa (phần dưới).
Vậy mà, ai đời một trong những chủ nhân của nền văn minh nông nghiệp của nhân loại lại đi học nghề nông với bọn người du mục đến từ phương Bắc!
Đó mới chỉ là chuyện liên quan đến hai tên thái thú Nhâm Diên và Tích Quang. Còn chuyện liên quan đến “Sĩ vương” tức Sĩ Nhiếp?
Hơn ba mươi năm trước, sống đời nông dân trên rừng núi, nhưng bực mình vì thấy có người cho những từ tiếng Việt Vua, Bố, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị em vân vân... đều là tiếng Tàu cổ hay có gốc Hán cổ từ những đời đường đời mật nào đó, tức một cách nói rằng người Việt chính là hậu duệ của người Tàu, tôi đã không tự lượng sức mình và không biết trời cao đất dày, đã "nghiên cứu" lịch sử văn hóa VN xem thử Ta Là Ai. Dĩ nhiên công trình "nghiên cứu" đầy cảm tính và chủ quan nông nổi của tôi đã không tới đâu. Có nhiều lý do khiến tôi phải bỏ cuộc. Một trong những lý do đó là tôi va phải một thực tế "ác nghiệt". Tôi nhận thấy rằng, nếu tộc người Việt đã có một nền văn minh riêng "như thế, như thế" từ nhiều ngàn năm trước, ắt họ đã thoát khỏi giai đoạn thắt gút và có một hệ thống chữ viết để truyền thông với nhau. Nhưng những thông tin tôi cần về chuyện này là chưa có vào lúc đó, hoặc rất mơ hồ.
Trong bài viết, vốn là một cái email như email này đây mà sau đó khi được phổ biến trên mạng, tôi đã đặt tựa là "Văn hóa Việt Nam là của Dân tộc Việt Nam" (http://art2all.net/tho/tho_tk/vanhoavietnam.html), vì chưa biết thông tin về chữ viết của người Việt cổ tôi đã không thể đưa giả thuyết rất... hoang đường của mình ra để giải thích một hiện tượng là: Tất cả các vua chúa lớn nhỏ của Tàu trong lịch sử, trừ giai đoạn đời nhà Chu, đều xưng đế chớ không ai chịu xưng vương, và tước Vương vốn có ý nghĩa rất cao quý (nối thông tam tài) lại chỉ để phong cho các con trai thứ của nhà vua! Tôi đã thấy rằng từ Vương một từ của ngôn ngữ Việt, nói cách khác, từ Vương là một từ thuần Việt mang vỏ chữ Hán. Tuy mang hình thức chữ Hán, nhưng nội dung hàm ngụ của nó là tinh thần văn hóa Việt Nam.
Giả thuyết lố bịch của tôi để giải thích hiện tượng đó là như vầy: Trong quá trình phát triển dân tộc và bành trướng đất đai, tộc người (về sau tự xưng là) Hoa Hạ đã tiếp thu luôn cả nền văn minh của người Lạc Việt là cư dân sinh sống từ phía dưới sông Hoàng Hà, hoặc ít nhất là từ bờ Nam sông Dương tử trở xuống. Người Lạc Việt với văn minh nông nghiệp vốn hiền hòa, sau một thời gian sống chung với bọn người du mục mới đến, đã không thể chống chọi lại bản tính tàn bạo và hiếu chiến của chúng nên sau mỗi cuộc xung đột, người Lạc Việt  cứ rút lui dần về phía bên này vùng Ngũ Lĩnh. Có lẽ đó là lý do mà một trong bốn chữ Việt để chỉ người Việt, người Tàu đã vẽ hình một người [thất trận] bỏ chạy (tẩu ) có cầm vũ khí (qua ), thường được gọi là chữ Việt bộ tẩu [ 越 ] . ([1])
Giai đoạn chủng người Hoa Hạ tiếp xúc và hấp thu nền văn minh của chủng người Việt có lẽ xảy ra rất sớm, từ thời Hiên Viên, Hoàng đế trong lịch sử Tàu. Văn hóa đời Chu cho thấy họ đã hoàn toàn thấm nhuần tinh thần văn minh văn hóa Việt. Người thủ lãnh của họ cũng bắt chước xưng Vương như người Việt – thay vì truyền thống của họ trước đó là xưng Đế.
Trong văn hóa Việt, Vương là một hiền giả, một người minh triết, một đấng thánh nhân, có thể cũng nắm giữ vị trí lãnh đạo xã hội, chủ yếu bằng đức độ và sự minh triết, chớ không phải bằng quyền lực và vũ lực. Trái lại, trong nền văn minh du mục, người lãnh đạo nắm toàn quyền cai trị và thống nhất xã hội bằng vũ lực. Chính sự bắt chước theo văn hóa Việt đã làm phân hóa xã hội của chủng dân du mục. Tước vị Vương của nhà Chu chỉ cho họ một điều thích hợp duy nhất là tôn người lãnh đạo lên bậc chí tôn, thiên tử, con trời. Nhưng vì không có quyền lực và vũ lực trong tay nên ông con trời đành bất lực nhìn đất nước phân tán nát bấy. Nhà Chu có tới tám trăm nước chư hầu. Tức là tám trăm bề tôi của cùng một ông vua đều mỗi người làm vua một cõi mà thiên tử nhà Chu yếu thế không có vũ lực trong tay, không làm gì được, kể cả khi đám bề tôi đó liên tục nhân danh thiên tử để triệt hạ và thâu tóm lẫn nhau.
Vì thấy rõ cái Vương đạo của người Lạc Việt chỉ phù hợp cho chủng dân với nền văn minh nông nghiệp hiền hòa và minh triết, không thể áp dụng được cho chủng dân vốn xuất phát từ nền văn minh du mục, nên mặc cho Khổng Tử mang Vương đạo đi rao giảng khắp nơi mòn giầy lỏng gối mà chẳng ai thèm nghe theo.
Khi Tần vương Doanh Chính thống nhất thiên hạ, ông ta quyết định xưng Đế theo truyền thống của người dân du mục trước đó. Thủy Hoàng Đế: Hoàng Đế đầu tiên.
Thật ra, ông ta không phải là vị hoàng đế đầu tiên. Thời thượng cổ trước đó họ đã có những vua Hoàng đế, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, vân vân. Nhưng các danh xưng Đế Nghiêu, Đế Thuấn này đã bị linh mục Kim Định phát hiện là được gọi theo cấu trúc tiếng Việt. Tức là họ tự tố cáo mình chịu ảnh hưởng của văn hóa Việt vào thời kỳ người Hoa Hạ mới từ trên vùng Hoàng Hà đổ xuống, sống chung với người bản địa Lạc Việt.
Nhưng khi tự xưng Thủy Hoàng Đế, rõ ràng ông ta đã tuyên bố đoạn tuyệt hẳn với văn hóa văn minh Lạc Việt, trở về với thời rất xa mà tổ tiên của chủng dân Hoa Hạ này còn sống trong nền văn hóa du mục “rặt ri”, trước cả thời Hiên Viên, Hoàng đế.
Đốt sách chôn Nho đâu phải chỉ là để thống nhất chữ viết, như lâu nay người ta cứ nhai đi nhai lại mãi. Chữ viết là chuyện nhỏ, chỉ cần một sắc lệnh là xong, nhất là dưới thời toàn trị phong kiến ai dám cưỡng, viết khác kiểu chữ vua ra? Đốt sách chôn nho chính là nhằm tiêu diệt ảnh hưởng của văn minh Lạc Việt trong xã hội người Hoa Hạ, để nhà vua nắm toàn quyền cai trị bằng vũ lực, nhưng vẫn không bỏ vị trí tinh thần cao cả của bậc minh triết trong văn hóa Lạc Việt, mà lợi dụng nó và bóp méo nó để tự tôn mình là đấng con trời. Những chuyện vương đạo, bá đạo, pháp gia, danh gia, bách gia chư tử này nọ trong thời chiến quốc chỉ là sự vật vã dằn xé trong ý thức của dân tộc họ giữa hai con đường phải chọn một: hoặc nền văn hóa vương đạo của Lạc Việt, hoặc nền văn minh bá đạo theo bản tính du mục của dân tộc họ. Và họ chọn bá đạo và tiêu diệt vương đạo[2].
Tiêu diệt là chuyện Tần Thủy Hoàng muốn. Nhưng có lẽ ông ta đã sớm nhận ra rằng nền văn hóa nông nghiệp của người Việt có sức cảm hóa rất lớn. Một phần nền văn hóa Hoa Hạ là được tiếp thu từ văn hóa nông nghiệp Lạc Việt, đã trở thành giá trị chuẩn mực trong xã hội người Hoa, không gì có thể thay thế được. Tiêu diệt nó là điều hoàn toàn không thể. Thế là họ làm một cuộc đánh tráo văn hóa. Việc đốt sách chôn nho chính là âm mưu cho sự đánh tráo văn hóa, nhằm đổi trắng thay đen đó. Theo đó, người Tàu đóng vai đi khai hóa, dạy văn hóa lễ nghĩa cho “tứ di” những dân tộc “man rợ” trong đó có “Nam man”. Thành ra, chủ nhân của nền văn minh nông nghiệp đi học lại văn hóa nông nghiệp từ giống dân du mục là Tàu.
Không phải là các sử gia Tàu đời Hán về sau không biết những chuyện đánh tráo kệch cỡm đó, nhưng họ thấy như thế làm vinh dự cho lòng tự cao của họ nên họ đồng lõa theo. Và chúng ta ngủ vùi dưới âm thanh của dàn đồng ca tráo trở đó. Có cả giọng ca của một vài sử gia Việt hùa theo.
Phong vương cho Sĩ Nhiếp, gọi y là Sĩ vương… chính là cùng ca bài ca của chúng để tự ru ngủ mình.
Trở lên là giả thuyết động trời của tôi. Giả thuyết đó phải có căn cứ là nền văn minh Lạc Việt có trước Tàu để làm cơ sở. Nhưng, như tôi có viết cho một người bạn mới đây, một nền văn minh như thế mà không có chữ viết thì chỉ là chuyện giả tưởng, hoặc một chuyện hài hước cười không nỗi. Vì không thấy có bằng chứng nào chứng tỏ người Việt cổ đã có chữ viết riêng nên tôi đã hậm hực bỏ dở “công trình nghiên cứu” rất cà chớn của mình.
Bây giờ đã có thông tin về chữ viết cổ của người Lạc Việt. Khi đón nhận tin này, một thông tin rất ngắn tôi đọc thấy trên mạng hồi trước Tết, trước bài viết khá chi tiết của ông Hà Văn Thùy, tôi rất xúc động. Người tôi run rẩy. Nhưng tôi không ngạc nhiên. Tuy tôi quên “công trình nghiên cứu” của mình rồi, nhưng một nơi nào đó sâu thẳm trong tôi vẫn hằng mong đợi một thông tin như thế. Vì thông tin này đối với tôi có giá trị quá lớn, nên tôi không dám mừng rỡ hết lòng. Một sự xác định trái ngược hay phủ định giá trị của phát hiện đó sẽ khiến tôi rất tổn thương. Tôi nén cảm xúc cho đến khi phát hiện đó được khoa học xác minh là chính xác.
Nhưng, dù vậy, tôi cảm thấy phát hiện này có ý nghĩa một cuộc địa chấn: Nếu phát hiện đó được xác nhận là đúng thật, không những cổ sử của ta và cả cổ sử Tàu phải được viết lại, mà lịch sử văn hóa của một số quốc gia châu Á, gồm Việt Nam, Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc cũng phải viết lại. Thậm chí lịch sử văn hóa thế giới sẽ phải có những điều chỉnh quan trọng. Vì chứng tích chữ viết cổ này xác nhận nền văn minh Lạc Việt tồn tại từ lâu trước khi người Hoa Hạ đến xâm lấn địa bàn cư trú của họ là điều có thật. Chữ viết cổ của người Lạc Việt là nguồn gốc của chữ Trung Quốc là điều có thật. Nền văn hóa và văn minh tinh thần của Trung Quốc là có nguồn gốc từ văn minh Lạc Việt là có thật. Trung Quốc sẽ không còn được nhìn nhận là cội nguồn của nền văn hóa văn minh mà họ mạo nhận là của họ từ nhiều nghìn năm nay. Những sự đảo lộn lớn lao như thế không sánh với một cuộc địa chấn được sao?
Giành được thắng lợi trong một trận bóng đá thôi mà người ta la hét cuống cuồng nhảy nhót như điên loạn; lẽ nào giành lại được quyền làm chủ của một trong những nền văn minh văn hóa sớm nhất của nhân loại mà lại… buồn ngủ sao?
Có nhiều quốc gia đã cố phấn đấu mọi cách để giành được quyền đăng cai một trận bóng. Một nền văn minh văn hóa lâu đời của cha ông trở lại vào tay mình mà lại không giá trị bằng một trận bóng sao?
Trong cái email dẫn ở đầu bài viết, tác giả từ chối phát hiện này với lý lẽ rằng:

(1)   Cái mà Hà Văn Thùy gọi là chữ, hay tiếng (language), thật ra, đó chỉ là những ký hiệu (symbol, signifier) rời rạc, khắc trên đá.
 (2)   Tiếng Việt có cấu trúc ngược với Tiếng Tàu. Làm sao có thể nói, Tiếng Việt đã “tạo nên” Tiếng Tàu.
 (3)   Nói rằng Tiếng Việt “tạo nên” Tiếng Tàu, làm sao có thể cắc nghĩa 2 hiện tượng sau đây: (a) Suốt dòng lịch sử, Người Việt chỉ có tiếng nói, không có chữ viết, phải mượn Tiếng Hán để học hành, và dùng trong quản trị hành chánh (viết sắc, chiếu của triều đình), và (b) Tiếng Tàu đã phát triển đầy đủ, còn Tiếng Việt thì nghèo nàn, không đủ dùng.
Tôi cho đây là một sự hiểu lầm.
1.      Chữ viết và tiếng nói là hai thành tố của một ngôn ngữ. Ở chữ viết tượng thanh, một ký hiệu thường đại diện cho một âm, và có thể không có ý nghĩa nào cả. Các âm /a/, /b/, /k/ không có nghĩa gì hết. Ghép chúng lại theo một thứ tự nhất định thì chúng mới thành một chữ, mang một ý nghĩa qui định nào đó. Trong trường hợp này là chữ Bac, (có thể là tiếng Việt hoặc tiếng Pháp), hoặc Cab (tiếng Anh), hoặc cũng có thể là QAB, chữ tắt của queue anchor block trong lãnh vực toán tin học, hay Baq., viết tắt tên phi trường Barranquilla ở Colombia…
      Với chữ tượng hình, mỗi ký hiệu có thể là một chữ, vừa có âm, vừa mang nghĩa. Những chữ viết cổ phát hiện được là chữ tượng hình. Do đó, người ta đã đối chiếu với chữ khoa đẩu có niên đại mới hơn chúng và đã đọc được nội dung ý nghĩa của chúng. Các ký hiệu của chữ tượng thanh phải viết liền vào nhau mới thành chữ. Chữ tượng hình thì mỗi chữ là một đơn vị rời rạc.
2.      Dường như tác giả email này có sự nhầm lẫn giữa tiếng và chữ. Thứ mới được phát hiện ở đây là chữ viết (writing). Tiếng Việt không thể tạo nên tiếng Tàu. Nhưng người Tàu có thể dùng chữ viết cổ sơ này của người Lạc Việt để xây dựng và phát triển thành hệ thống chữ viết của họ. Đó là chuyện bình thường. Ta vẫn dùng chữ cái Latinh để viết tiếng Việt, có sao đâu!
Tiếng Việt có cấu trúc ngược với tiếng Tàu. Tiếng Việt không nói theo cấu trúc tiếng Tàu. Nhưng người Tàu thời thượng cổ có nói theo cấu trúc tiếng Việt. Những cách gọi Đế Nghiêu, Đế Thuấn, thay vì Nghiêu đế, Thuấn đế… là một bằng chứng lịch sử. (Còn thêm một số thí dụ nữa về chuyện người Tàu (thời cổ) nói theo cấu trúc tiếng Việt mà nhất thời tôi không nhớ).
3.   a. Chuyện “suốt dòng lịch sử người Việt chỉ có tiếng nói, không có chữ viết, phải mượn tiếng Hán để học hành…” thì lịch sử đã có câu trả lời đầy đủ, và cụ thể. Đó là hậu quả của một chính sách đồng hóa tàn bạo của người Tàu đối với các dân tộc bị chúng đô hộ. Sử Tàu ghi rõ, những ngày tháng nào, những tên vua nào của Tàu đã ra lệnh cho những bọn tay chân nào của chúng phải tìm và tịch thu hoặc hủy diệt tất cả những gì có chữ viết của các dân tộc bị trị để họ không còn nhớ đến lịch sử và văn minh của nòi giống họ nữa. Một mẫu giấy nhỏ có chữ viết cũng không để sót. Đọc sử Tàu sẽ thấy đủ và rõ hết. Trong sử của ta thỉnh thoảng cũng có trích dẫn những lệnh hủy diệt này của chúng.
Sau 1050 năm nằm dưới ách đô hộ của chúng mà tiếng nói của ta vẫn không mất là một điều thần kỳ vĩ đại. Chỉ sau hơn ba trăm năm bị đế quốc Tây Ban Nha cai trị (1565 - 1898), và chưa tới sáu mươi năm (1898 - 1945) nằm trong tay các đế quốc Mỹ và Nhật mà người Phi-lip-pin đã mất cả tiếng nói lẫn chữ viết của dân tộc họ rồi kìa! 
b. “Tiếng Tàu đã phát triển đầy đủ trong khi tiếng Việt vẫn còn nghèo nàn” chẳng phải là do sự yếu kém hay khiếm khuyết gì của tiếng Việt. Đó là do lịch sử. Tiếng Tàu liên tục phát triển từ khi dân tộc họ có tiếng nói đến nay, không đầy đủ mới là chuyện lạ. Tiếng Việt chúng ta chỉ mới thực sự phát triển vào khoảng 3 phần tư thế kỷ đây thôi. Chẳng phải mãi đến thập niên 40 thế kỷ trước ta vẫn còn các hội truyền bá quốc ngữ đó sao? Cuốn từ điển Danh Từ Khoa Học của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn được soạn vào khoảng thập niên 40 của thế kỷ 20 đó chớ gì? Cuốn Từ Điển Tiếng Việt đầu tiên cho người Việt dùng chỉ mới được biết đến rộng rãi vào khoảng thập niên 50 thế kỷ trước chớ mấy([3]). Chỉ mới phát triển trong ngần ấy năm thì làm sao tiếng Việt giàu có ngay được bằng các ngôn ngữ khác đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử? Được như thế này chỉ trong ngần ấy năm, tiếng Việt đã bước đi bằng đôi hia ngàn dậm, chớ không chỉ đôi hia bẩy dặm. Ta phải tự hào với điều đó mới phải chứ? Sao lại than phiền biếm nhẽ? Chê tiếng Việt nghèo nàn là cố chấp một cách không đúng. Ngày xưa, thạc sĩ văn phạm Pháp Phạm Duy Khiêm([4]) đã mắc phải sự thiển cận đó. Nhiều người đã giận dữ cho là ông xúc phạm niềm tự hào dân tộc. Tôi cho là ông thiển cận.
Thế trong suốt lịch sử dân tộc cho đến trước các thập niên 40, 50 của thế kỷ trước tiếng Việt đã “ngủ đông” à? Gần như vậy. Trong suốt lịch sử, giai cấp trí thức thượng tầng của xã hội liên tục và nhất quán từ chối tiếng nói của tổ tiên mình. Bị Tàu đô hộ thì họ nói tiếng Tàu, viết chữ Tàu. Thoát khỏi sự đô hộ của Tàu rồi họ vẫn tiếp tục dùng chữ Tàu trong mọi văn kiện chính thức của triều đình, và cả trong văn học, coi chữ Tàu là “chữ ta”, “chữ thánh hiền”, và coi ngôn ngữ nước nhà là nôm na mách qué. Tiếng Việt chỉ được bảo tồn trong giai cấp bình dân, dân quê ít học, ở nơi “thôn cùng xóm vắng”. Trong điều kiện đó, tiếng Việt phải trong tình trạng “tiềm sinh” chờ thời sống lại, chớ làm sao phát triển bằng người được? Ngay mới vừa rồi đây, tham dự Ngày Thơ Việt Nam trong chương trình Liên hoan Thơ Châu Á – Thái Bình Dương, (1/2 – 7/2/2012) tôi đã thấy ngay trong khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội người ta còn phô trương những dãy chữ Hán thật to kết bằng hoa cỏ cho người dân thưởng thức. (xem hình)
Ngày nay còn bao nhiêu người Việt đọc được thứ chữ này? Trí thức của ta như thế đó.
Dưới thời Pháp thuộc, giới trí thức toàn nói tiếng Tây; tiếng Việt là dành cho cu li. (Nhưng ngay cả cu li cũng phải nói tiếng Tây mới có được công ăn việc làm.)
Bây giờ là tiếng Mỹ. Nhìn vào đâu cũng thấy tiếng Mỹ. Trong một bịch kẹo “nội hóa” bán cho trẻ con ở thôn quê cũng in mọi điều quảng cáo bằng tiếng Mỹ. Một cửa hàng bán dụng cụ làm bếp dù không nằm trong trung tâm thành phố cũng xài toàn tiếng Mỹ từ trong ra ngoài. Lẽ nào du khách ngoại quốc tìm đến VN và “đi xe ôm” ra rìa thành phố, tới cửa hàng đó để mua xoong nồi mang về nước?  Ngay cả các UBND xã huyện tỉnh là để phục vụ người Việt Nam đều được ghi kèm tiếng Mỹ. Lối thoát hiểm của một số cơ quan, bệnh viện, siêu thị đều có gắn biển đề chữ EXIT. Khi có hỏa hoạn, người Mỹ thì biết đường chạy, còn người Việt không biết tiếng Mỹ thì sao? Nhưng có người Mỹ nào đến những nơi ấy không? Họ đến đó để làm gì?
Đó, giới có ăn có học của ta đối xử với tiếng mẹ đẻ như vậy đó, Quên điều này, quên tình trạng “thứ yếu”, “thổ dân thổ ngữ” của tiếng Việt, mà đặt ra câu hỏi “vô ý” như trong email trên đây e là làm cho ngôn ngữ của tổ tiên phải mũi lòng.
Hôm nay, là Thế Kỷ 21, dân tộc Việt Nam không phải là trẻ con”. (email). Phải, càng không là trẻ con, khi dân tộc đó hàng chục ngàn năm trước đã sáng tạo chữ viết trước cả người Tàu, và nhờ thứ chữ viết đó mà người Tàu phát triển thành hệ thống văn tự của họ. Nếu phát hiện này được khoa học xác nhận, thì không ai có thể ngủ được cả. Nhất là người Tàu. Họ sẽ mất ăn mất ngủ trước hết.
Khi thông tin này được chính người Tàu đưa ra, thì tính chất quan trọng của nó là rất lớn. Chắc chắn là họ đã cân nhắc và ý thức rõ sức công phá dữ dội của sự kiện này đối với lâu đài văn hóa nhiều ngàn năm của họ. Họ phải biết hậu quả của sự kiện này là thế nào. Cả một lâu đài văn hóa của họ rực rỡ mấy ngàn năm mà họ rất tự hào, bỗng chốc hóa ra đồ vay mượn. Tại sao họ lại có thể “bịa” một chuyện như thế này để ru ngủ chúng ta?

Thiếu Khanh.
 
[1] Trong một bài viết mới đây ông Hà Văn Thùy bác bỏ thuyết chữ Việt bộ Tẩu vẽ hình người Việt thất trận bỏ chạy, và giải thích hàm nghĩa của chữ Việt này  là người Việt cầm vũ khí tiến lên để chiến đấu.  Có lẽ tôi thích cách giải thích của ông Thùy. Rất tiếc tôi không nhớ đường dẫn bài viết ấy.
[2] Định nghĩa “vương đạo” trong bài Văn Hóa Việt Nam là của Dân tộc Việt Nam, đã dẫn trên.
[3] Cuốn Từ Điển Tiếng Việt đầu tiên là Tự Điển Khai Trí Tiến Đức được xuất bản từ năm 1931, nhưng phải đến lần in vào năm 1954 thì mới được nhiều người biết đến.
[4] Bằng Thạc sĩ này của Pháp là trên (sau) Tiến sĩ, chớ không phải dưới Tiến sĩ như cách dùng ngày nay.
  


Wednesday, May 2, 2012

TRẦN THIỆN HIỆP * Tóc che nửa mắt ngập ngừng

 

 

Có người ngậm ngải tìm trầm
Riêng ta tìm nhịp thanh âm ru nảng
Nhị, hồ, tiêu, phách tình tang
Nửa khuya lệ nến rơi hàng rưng rưng

Tóc che nửa mắt ngập ngừng
Nét môi ta kẻ xin đừng nhạt phai
Hạ tàn thu sớm mốt mai
Tinh sương quét lá em hài nhớ mang

Lối mòn nắng nhạt đông sang
Đưa em lễ Phật chùa Hang lưng đèo
Tượng ngồi trong mái chùa nghèo
Mõ chuông chỉ một tỳ kheo nâu sòng

Xuống đèo, đò nhỏ qua sông
Dõi theo cánh hạc má hồng ngẩn ngơ
Yêu em chẳng rõ bao giờ
Hai mùa mưa nắng hạt thơ nẩy mầm

Ý thơ hoà quyện cõi tâm
Đêm sương nở đoá âm thầm trinh nguyên
Tặng em cài tóc làm duyên
Hát ru tình tự cuối miền thuỳ dương

TRẦN THIỆN HIỆP

KINH DƯƠNG VƯƠNG * Bài Ca Của Tuyết Băng

tranh họa sĩ Rừng
 
 
1.
Ngài đã sinh ra tôi giá buốt, hơn hết những tấm lòng bội bạc chốn trần thế. Ngài đã phán bảo tôi: "Hãy sinh sản và giữ quả tim băng giá để đón chờ…".
 
Tiền thân tôi không là tuyết băng. Tôi là nước trong mát dịu dàng. Nhưng sau lời phán của Ngài toàn thân tôi bắt đầu lạnh giá. Máu đang luân chuyển trong các mạch bỗng dừng lại. Búng máu từ buồng tim sắp sửa được đưa đi vội đứng sửng. Ở ngưỡng cửa trái tim, thân thể tôi trở nên trắng muốt, lạnh lẽo vô ngần. Hơi lạnh từ thân thể tôi toát ra khiến các thiên thần đứng gần bên ái ngại… Còn đâu là những ngày vui tôi chạy nhảy nô đùa tung tăng ca hát trên thác ghềnh, tung bọt trắng xóa ven chân đảo xanh bờ cát xa uốn mình dịu dàng qua khe đá suối rừng hay bốc hơi thành những đám sương mù che mờ vạn vật. Tôi khóc nhưng nước mắt không còn chảy. Nước mắt tôi cũng đã đông cứng lại.
 
Buổi lễ tiễn biệt tôi diễn ra trong yên lặng. Từ các thiên thần đến các tinh tú, chẳng ai nói một lời chúc tụng. Họ chỉ lộ vẻ cảm động bằng những chớp mắt.
Khi mọi người ra về tôi còn nằm trong vòng tay ấm áp của Ngài. Trước hành lang, mắt buồn vời vợi, Ngài nghiêng bàn tay, tôi rơi vùn vụt vào đêm tối. "Đêm trần gian giá lạnh hơn lòng tôi". Tôi thầm nghĩ. Nhưng vì lời phán quyết của Ngài, tôi khứng nhận số phận này.
 
Tôi đem hơi băng giá bao phủ địa cầu, tiêu diệt những mầm non mới nở. Tôi không có một người bạn nào: các chim chóc, hoa lá xanh tươi. Chỉ có những con gấu. Tôi không thích chúng. Chẳng bao giờ chúng biết nghĩ đến sự có mặt của bất cứ ai. Chỉ ăn rồi ngủ vùi như một lũ ngu xuẩn.
Những con nai gạc hồn nhiên hơn, chạy nhảy trên thân thể tôi nhưng chúng cũng không hề biết tôi đã âu yếm dường nào, nâng đỡ bước chân non của chúng. Tôi không thích có những người bạn ngu xuẩn và vô tâm như vậy.
 
Hạt giống các loài hoa, chẳng bao giờ nữa chúng nẩy mầm trong hơi giá lạnh kinh hồn và đau khổ hơn là chúng cũng không bao giờ bị hủy diệt.
 
Trước kia, chúng có một đời sống rực rỡ, khoe sắc màu lộng lẫy, dưới ánh nắng ấm áp ban mai. Nhưng chúng đã héo tàn khi tôi đến. Bây giờ chúng chỉ còn giữ lại những quả tim bé bỏng nằm im khốn khổ trong cõi lòng băng giá của tôi.
 
Vào những đêm thanh vắng, chúng cất tiếng than van thống thiết. Chúng van tôi hãy trả lại cho chúng ánh sáng và đất màu thuở ban đầu. Hàng triệu năm trôi qua rồi, tôi sống trong tiếng than van khóc lóc, căm hờn và tuyệt vọng của các loài hoa.
 
Lòng tôi chua xót khôn lường. Nhưng tôi không thể làm sao khác hơn. Định mệnh tôi nằm trong lời phán xa xăm của Ngài. Tôi muốn bày tỏ cho những mầm hoa đáng thương kia rõ thấu lòng tôi nhưng tôi hoàn toàn bất lực. Tôi không còn tiếng nói, không thể làm một cử chỉ hối lỗi nào.
 
Tôi sống lẳng lặng trong cô độc. Tôi cô độc hoàn toàn như lời Ngài phán bảo: "Ta sinh ra ngươi cô độc". Tôi chính là Cô độc và tôi bỗng oán hận, thù ghét Ngài. Ngài đã dừng lại mọi hoạt động của thân thể tôi nhưng không hủy diệt trí óc tôi cho trở thành vô tri. Ngài còn cho tôi suy tưởng và xúc động. Như thế đối với tôi Ngài đã phạm một trọng tội. Phải chăng đó là sự lầm lẫn không sao tha thứ được?
 
Thời gian trôi qua… thân thể tôi lớn lên lan ra bát ngát đến những cõi xa xăm. Và dù ánh sáng mặt trời cố dọi đến ánh sáng chói chang nhưng thật là điều vô vọng. Dưới ánh sáng thân thể tôi lóng lánh như gương và vẫn toát ra hơi giá buốt kinh hồn.
Nhưng có bao giờ tôi tan chảy? Đời đời chẳng bao giờ có ngày ấy. Ngày tình yêu hoàn toàn chiến thắng ác tâm.
 
2.
Cho đến một đêm mùa Đông kia…
Tim tôi tiếp nhận những vang dội êm ái lạ lùng từ chốn xa xăm đưa lại khiến lòng tôi bồi hồi xúc động. Tim tôi rung lên như một dây tơ thẳng có tay ngà chạm đến. Xúc động tăng dần lên cho đến lúc tôi hầu như sắp bất tỉnh. Âm vang kỳ bí mỗi lúc đến gần hơn và tôi nhận ra tiếng động bước chân người. Tim tôi thôi dồn dập, niềm cảm xúc bỗng lắng xuống đổi ra êm dịu tựa vuốt ve. "Ôi! Tiếng chân người sao êm ái quá!" Tôi thầm nghĩ. Nó không giống chút nào với những bước đi nặng nề của gấu, dồn dập như của bầy nai gạc và cẩn trọng của các tay thám hiểm. Tất cả lũ đó dày xéo lên thân thể tôi không chút xót thương - Không!… Bước chân người khoan thai êm ái nhân từ như tâm hồn một dòng sông sóng lặng. Bước chân càng đến gần tôi cảm thấy thân thể tôi thu nhỏ lại.
 
Nhưng ai thế? Ai mà giữa đêm giá buốt này lại lạc bước đến chốn hoang vu? Người đến với tôi chăng hay chỉ là một khách lãng du quên dừng gót trong Đêm giá? Ai mà trong Đêm - đoàn - tụ nầy lại tìm đến với Cô đơn?
 
3.
Hỡi ôi! Chính là chàng! Thoạt trông thấy chàng tâm hồn tôi bỗng rụng rời. Chính là chàng nhưng sao trông thân thể chàng tiều tụy và thiểu não dường kia?
 
Chính là chàng, tôi không sao lầm lẫn được. Trước kia tôi đã từng trông thấy chàng khi chàng hãy còn là một tượng đất trong căn phòng sáng tạo của Ngài. Chàng chỉ là một hình nhân. Trên đài trán cao mịn phẳng của chàng, Ngài đã khắc ghi dòng chữ: "Cùng với muôn loài đã tạo dựng, ta tạo dựng ngươi. Bổn phận ngươi là phải gieo rắc tình thương yêu của ta trong những tấm lòng bội bạc. Hãy đem hơi ấm của tim ta đến sưởi những trái tim người băng giá. Hãy ca ngợi Đau khổ, Bác ái, ca ngợi Hy sinh và sự thật Mặc Khải ta cho muôn loài. Và cuối cùng hãy ca ngợi Mặt trời. Phải, Mặt trời là mắt nhân ái của ta sẽ theo dấu bước chân ngươi. Ngươi có tên là Nghệ sĩ".
 
Ôi! Chàng chính là chàng Nghệ sĩ mà trước khi tôi trở thành Tuyết băng chàng hãy còn là một tượng đất vô tri.
 
Ngài đã cho tôi ra đời trước chàng để gieo băng giá vào lòng người. Phải chăng đó là dụng tâm của Ngài? Bây giờ chàng đang đứng kia, nhẹ nhàng trên thân thể tôi tưởng chừng như không có sức nặng nào nơi chàng cả. Phải, chàng không có sức nặng, vì thân xác chàng được cấu tạo bằng Tình thương. Tôi đỡ chàng nhẹ hẫng bởi chàng thanh thoát hơn một làn hơi tinh khiết.
 
Từ bao năm thân thể tôi giá lạnh, tôi là Tuyết băng đông cứng. Nhưng từ khi chàng hiện đến, tôi là Tuyết hóa thân trong ân sủng hiến dâng. Ân sủng đó chính là hơi ấm của tình thương từ thân thể chàng tỏa ra bao phủ lấy tôi, hơi ấm trong lòng bàn tay Ngài ngày xa xăm nọ…
 
Chàng đã gầy ốm hẳn đi so với bức tượng tôi trông thấy. Tóc chàng rối bời. Áo quần xốc xếch như chẳng bao giờ chàng có thì giờ để ý đến. Hai cánh tay dài buông xuôi, những ngón tay gầy guộc: hiện thân chàng của một người tuyệt vọng. Ngoài thứ hơi ấm bất tuyệt tỏa ra chung quanh chàng. Ngoài cặp mắt sâu, âm u như hai miếng hố thẳm còn le lói trong đáy đóm lửa sắp tàn, nơi chàng tôi chẳng còn nhận ra chút nghị lực nào.
 
Tôi đau đớn nghĩ đến Ngài cùng những lời ủy thác dường như chàng đã quên. Chàng tàn tạ như một đóa hoa sắp rụng. Đôi mắt âm u của chàng hướng về cõi trời cao, nơi quê hương xa cách, dõi đến hình bóng Ngài tuyệt vọng. "Xin Ngài đem con trở lại chốn quê hương". Lời cầu nguyện ảo não của chàng làm cho tâm hồn tôi đau xót. Thế là hết. Chàng chẳng còn thiết tha đến lời ủy thác của Ngài. Chàng đã làm cho Ngài thất vọng.
 
Chàng thẫn thờ lê những bước chân mệt nhọc trên tuyết giá. Chàng ngã qụy.
Sung sướng thay tôi được ấp ủ thân thể chàng. Nhưng niềm vui sướng không lướt thắng được nỗi buồn rầu đau khổ vò xé tâm hồn tôi. "Ta phải nói cùng chàng", tôi nghĩ. Tôi có bổn phận phải nhắc lại lời Ngài đã khắc ghi trên trán chàng và long trọng thốt ra từ miệng Ngài nơi Ngưỡng - Cửa - Chia - Ly.
 
Trong niềm kính trọng, run sợ uy lực chàng - dù là thứ uy lực sắp tắt hơi - tôi khẽ gọi tên chàng: "Hỡi Nghệ sĩ! Hỡi Nghệ sĩ!" Chàng không nghe, đôi tai chàng còn cố sức lắng nghe thông điệp Ngài nhắn gởi. Tôi lại gọi chàng: "Hỡi Nghệ sĩ, em là Tuyết băng đây. Chàng có nhận ra em chăng!". Ngẩng đầu lên, mắt ngỡ ngàng, lời thì thầm như hơi gió thoảng. Nhưng tôi đã nghe từ lúc chúng hiện ra trong tâm trí chàng. "Ai? Ai gọi ta? Ai gọi tên ta trong chốn hoang vu lạnh giá?" "Chính em, Tuyết băng đây, đứa em đã được Ngài cho ra đời trước chàng".
 
Chàng ngã đầu xuống, những ngón tay gầy bốc lên từng ngụm tuyết trắng ve vuốt trong tay. "Chàng có nhận ra em không, Nghệ sĩ? Sao vẻ mặt chàng lại lạnh lẽo dường kia?" - "Hỡi Tuyết băng! Chàng cất tiếng, ta đã từng nghe Ngài nói đến ngươi. Ngài cho ta biết quyền lực lặng lẽ của ngươi. Nhưng ta không ngờ, ta không thể tưởng tượng ra cái uy lực khủng khiếp của giá buốt mà ngươi đã toát ra bao trùm cả địa cầu, len lỏi vào nằm trong từng trái tim các con cái của Ngài" "Chính em sao? Hỡi chàng!"
 
Tôi thảng thốt kêu lên. "Đó chỉ là bổn phận, đó chỉ là uy lực của lời Ngài phán bảo "Phải, chàng trả lời, đó là một lầm lẫn của Ngài đã cho ngươi ra đời trước ta. Đã cho Băng giá ra đời trước Tình yêu và Anh sáng. Ngươi không có lỗi nhưng chính Ngài đã lầm lẫn. Từ hàng bao triệu năm qua, ta cố đem hơi ấm của tình thương Ngài đi sưởi những trái tim vô cảm, nhưng ta đã hoàn toàn thất bại. Băng giá đã ngự trị cùng khắp trong tim, trong óc, trong máu huyết con người. Ta không làm sao có thể đẩy lui sự lạnh nhạt hờ hững ra khỏi tâm hồn tăm tối đáng thương của họ nữa!".
 
Tôi khóc: "Sao chàng lại sớm nản lòng?". "Ta đã kiệt lực, ta chỉ còn giữ lại cho mình một chút hơi tàn để có thể trở lại với Ngài. Xin Ngài cho ta trở lại chốn cố hương, trở thành một tượng đất như xưa".
- Nhưng cớ gì khiến chàng tuyệt vọng dường ấy? Tôi âu sầu hỏi.
- Ta có vô số những kẻ thù quấy phá: Ngu muội, Hờ hững, Ác tâm. Đó là những con cái sinh ra từ cõi lòng giá lạnh không có chút tình thương của ngươi. Chàng giả danh ta, tự nhận lấy trọng trách của Ngài giao phó cho ta làm nhơ nhuốc thanh danh ta. Bọn giả danh mang mặt nạ tình thương, bác ái, nhân nghĩa giấu sau những khuôn mặt quỷ sứ đầy dẫy cả địa cầu. Ta bị thất thế, lầm lẫn trong bọn đó dù ta đã cố chiến đấu đến mòn hơi. Tiếng nói tình thương phát ra từ miệng ta không che lấp nổi những lời giả dối được phóng đại bằng những bộ máy trên khắp cùng mặt đất.
- Hỡi Nghệ sĩ! Xin chàng chớ nản lòng. Loài người còn cần đến chàng - như họ sẽ nhận ra Chân lý - Chân lý thì duy nhất. Rồi mọi điều giả trá sẽ hiện nguyên hình và sẽ phải bị tiêu diệt. Chân lý sẽ tỏ lộ như trăng rằm. Đó là giờ phút vinh quang của chàng. Giờ phút chàng hoàn thành sứ mạng.
- Nhưng ta đã chiến đấu và ta đã kiệt lực. Thôi hãy để ta yên nghỉ, hỡi Tuyết băng.
- Xin chàng hãy nghe em, lời nói bằng máu lệ cuối cùng nầy. Tôi nói trong nhiệt thành khẩn thiết.
Chàng phải lên đường, em van, chàng phải tiếp tục sứ mạng cho đến ngày hoàn tất.
- Thôi hãy để cho ta chết lặng lẽ, hỡi Tuyết băng.
- Nghệ sĩ! Xin chàng hãy nghe em, lời nói máu lệ cuối cùng nầy. Chàng phải lên đường tiếp tục cuộc chiến đấu. Chàng chưa thấu triệt ẩn ý của Ngài trong dụng ngữ Hy sinh; chàng còn giữ tàn lực để trở lại cùng Ngài. Hỡi Nghệ sĩ! Hãy tiêu diệt tàn lực, tiêu diệt tàn lực cuối cùng. Hy sinh chính là một ẩn ngữ của Ngài.
 
Mắt chàng sáng rực lên - Trong hai hố mắt đen đóm lửa sắp tàn cháy bùng lửa ngọn. Nhưng từ đó tuôn xuống hai hàng lệ đỏ.
- Ta còn sức lực đâu với thân xác tiều tụy nầy để trở lại cõi đời?
- Xin chàng hãy gửi xác thân chàng em ấp ủ. Chính trái tim chàng sẽ ra đi.
Ngọn lửa trong mắt chàng bốc cao lên rực rỡ.
- Ta cảm tạ Tuyết băng.
Chàng cào vào lồng ngực moi lấy quả tim đỏ thắm máu thoi thóp liên hồi. Máu ấm của chàng tuôn xuống nhuộm hồng thân thể trắng muốt của tôi.
- Hỡi Tuyết băng! Giọng chàng quả quyết. Chào vĩnh biệt, ta đi đây.
Xác chàng ngã xuống trên thân thể tôi và trái tim chàng rực sáng chói chang ánh lửa không ngọn. Tôi sung sướng ấp ủ xác chàng và cảm động cất lời ca: "Xin giã biệt trái tim Nghệ sĩ. Hãy lên đường bình yên với lửa ấm can cường. Hoàn thành lời ủy thác của Ngài".
 
Lời Gió Bấc.
"Ngọn lửa đã thiêu rụi quả tim chàng tạo thành cơn bão lớn. Con bão gieo rắc tình thương như hạt mầm trên khắp các ngõ ngách địa cầu. Mầm cây tình thương đã ăn sâu vào lòng đất. Chàng đang hoàn thành sứ mạng. Chàng biết hòa mình trong nhân loại để vượt thắng. Lặng lẽ, khiêm tốn nhưng đầy cương nghị.
 
Chàng xem thường hơi giá buốt của Tuyết băng. Bên ngươi ngọn lửa ấm của tình thương, chân lý càng bốc cao hơn. Chàng đã làm chảy tan Hờ hững, xua Ngu muội và Ác tâm ra khỏi lòng người, Chân lý đã lần hồi tỏ rạng. Chàng gởi lời cảm tạ ngươi: Tuyết băng và chào vĩnh biệt. Vì chính nhờ ngươi mà sự chiến thắng của chàng quang vinh hơn.
 
Chàng cũng gởi lời chào vĩnh quyết đến Ngài, vĩnh biệt cố hương. Chàng đã chọn quê hương mới. Ở đó Đau khổ do Ác tâm gây nên đang tàn phá cần đến sự hàn gắn của chàng. Chàng đã sinh ra nhiều con cái có những trái tim cháy bỏng trên khắp mặt địa cầu, truyền lại cho chúng lời ủy thác của Ngài. Chàng đã len lỏi nằm trong mọi trái tim vô cảm của loài người. Đem hơi ấm của tình thương sưới ấm lên dòng máu lạnh.
 
Gió Bấc thổi qua…
Nước mắt tôi rơi xuống. Giọt nước mắt cuối cùng đã ngưng đọng từ hàng triệu năm đã tan chảy do niềm sung sướng gió Bấc vừa mang lại. Chẳng bao giờ tôi còn nhỏ được một giọt nước mắt nào khác nữa. Tôi không còn cảm thấy cô đơn: tôi ấp ủ xác chàng như kỷ vật đời đời. Tôi khấn thầm lời nguyền vĩnh quyết: "Em ấp ủ thân xác chàng trong lòng em cho đến muôn đời".
Đêm giá! Đêm trần gian giá lạnh, nhưng từ nay sự giá lạnh sẽ bị đánh tan đi bởi ngọn lửa rực rỡ chói chang của trái tim chàng Nghệ sĩ.
 
Kinh Dương Vương

Tường Linh * Chiều Gió Tháng Năm



tranh Đằng Giao



Người gửi vào tôi cánh hoa phượng ép
Hoa phượng cuối mùa xứ Huế xa xăm
Người gửi vào tôi chiều gió tháng Năm
Đường Thành Nội hoa phơi từng chấm máu


Và người bảo: người rắc hoa làm dấu
Hoa đưa đường chờ "Trọng Thủy" về thăm.
Hoa gọi tôi về chiều gió tháng Năm
Gió ray rứt, nắng ôm bờ nước cũ


Vì thuở đó còn run lời tự thú
Nên lá đò không chở lá thư sang
Trên cành xanh hoa cứ nở cứ tàn
Đời quanh quẩn khung sân trường cổ kính


Gác "hàn sĩ" chứa rất nghèo dự tính
Dẫu mộng tràn hương tóc đẫm chiều hoa
Định mệnh thường quên chưa rõ: chia xa
Buồn ly biệt đau nếp khăn, tà áo


Người cầu nguyện phương trời thôi gió bão
Tôi bình yên - lặng lẽ biết ơn người
Mộng trở về lay giấc tuổi hai mươi
Gặp mắt biếc lộng màu thu Vỹ Dạ


Đêm Phu Văn Lâu thuyền trăng, bóng lá
Bướm vườn khuya thao thức mấy canh sương
Hoa máu ngày xưa còn rụng đầy đường
Người gửi cho tôi đúng màu thương nhớ


Có phải hồn hoa hay người nức nở
Ôi con đường tẻ lạnh mắt đăm đăm...
Tôi sẽ về thăm chiều gió tháng Năm
Theo dấu hoa rơi trên đường Thành Nội


Sao về muộn? Tôi biết người sẽ hỏi
Như biết mình sẽ nhận cánh hoa khô.


Tường Linh

TRẦN TUẤN KIỆT * Ngày Mưa


tranh Hồ Hữu Thủ

NGÀY MƯA 1

Em ôm gối mộng bên lầu
Ngủ ngoan em rụng trái sầu bên chăn
Ngủ đi mơ mộng kẻo tàn
Mà hơi sương sớm lạnh tràn xương da


NGÀY MƯA 2

Mưa luồng quãng lộ về xa
Chân im lối cũ ngày qua lặng lờ
Tóc huyền em chảy trong mưa
Nghe như năm tháng sầu xưa đổ về

TRẦN TUẤN KIỆT

LAN ĐÀM * buổi trưa uống rượu với bạn bè ở nhà Phạm Gia Định

tranh Nguyễn Văn Bảy


Ừ bay trăm dặm đến đây,
Giấc trưa hội hữu, cơn say không cầu.

Nhìn nhau, đất trích mấy sầu,
Chân chim đuôi mắt, nửa đầu pha sương.

Rượu cay, đắng nỗi đoạn trường,
Thêm ba chuyện cũ, quê hương chợt đầy.

Mùa gió nhẹ, trời xanh mây,
Thấy trong phố nhỏ góc ngày trường xưa.

Sàigòn sớm nắng, chiều mưa,
Dăm mộng con, đủ xây vừa tương lai.

Nhà tan, nước mất, dặm dài,
Nghìn đêm thao thức, hồn ngoài cõi xa.

*
Thì tương ngộ, tiếng cười xòa,
Thất phu cúi mặt, lệ nhòa mắt khô.


LAN ĐÀM