văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, October 4, 2012

Đỗ Hồng Ngọc * Thơ điên Nguiễn Ngu Í

Nguien Ngu I

Thơ điên Ngu Í . Nhiều người biết đến ông như một nhà báo, Nguiễn Ngu Í, một “cí jả kông chuiên ngiệb” (ký giả không chuyên nghiệp, theo danh thiếp của ông) như ông tự nhận với loạt bài phỏng vấn văn nghệ sĩ rất tài hoa trên tạp chí Bách Khoa; nhiều người biết đến ông như một nhà giáo dạy văn, dạy sử ở nhiều trường tư thục Sài Gòn, nhưng ông, trước hết là một nhà thơ, một người làm thơ đặc biệt hơn bất cứ một người làm thơ nào khác: thơ điên. Thơ ông là cuộc đời riêng ông. Có khi là một tiếng thét uất hận, có khi là một tiếng lòng thổn thức, có khi là nỗi hờn căm, khi khác lại là những tiếng hát dịu dàng âu yếm thiết tha tùy lúc bài thơ được viết giữa các cơn điên hay trong cơn điên, giữa những ngày tháng nằm vùi trong Bệnh viện tâm thần Chợ Quán hay Dưỡng trí viện Biên Hòa.
Cũng viết về trăng, nhưng là Trăng của ông, năm 19 tuổi, một đêm trong nhà thương điên Chợ Quán:
Ta sẽ đánh đầu ta
Vào mặt Trăng bơ sữa
Thì Trăng ơi, em sẽ ngã ngữa tan tành.
Rồi ta nuốt
Mảnh của Trăng vào ruột
Rồi tống ra
Khỏi cơ thể ta mà…
(Van Trăng, 1940)
Ông viết về cái màu trắng, màu của Bệnh viện vẫn luôn ám ảnh ông:
Nhưng mà lạ quá, ôi là lạ
Ngó phía nào đây Trắng cũng theo
Trắng phủ vây tôi, tôi sợ quá
Làm sao trốn Trắng, hỡi người ôi!
(Trắng, 1940)
Hết Chợ Quán tới Biên Hòa, hết vào rồi lại ra, giữa các đợt lên cơn như vậy, ông sống như một người mộng du, đi trên mặt đất mà như đi trên tường cao, trên mái ngói, nghiêng nghiêng, lảo đảo, lênh khênh, lãng đãng… Ông thân thiết với với tất cả các bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện tâm thần, của Dưỡng trí viện:
Cũng tưởng một đi không trở lại
Nào ngờ duyên nợ lại dằng dai
Bỗng nhiên sực tỉnh nằm trong “khám”
Khám của lòng ai, ai của ai…
(Bài thơ tái ngộ Dưỡng trí viện, 1966)

Vâng, ông là một người điên, một người điên thứ thiệt, không phải là người giả điên của buổi nhiễu nhương thường thấy, nên ngay trong thời gian nằm ở Dưỡng trí viện Biên Hòa, ông đã cùng những người đồng bệnh ra một tập thơ có tên là “Thơ điên thứ thiệt” (1970), trong đó có Bùi Giáng cùng nhiều “bạn điên” khác của ông. Một tập thơ rất độc đáo, lạ lùng.


Tập “QE HUONG” do Nguiễn Ngu Í thực hiện năm 1969, được coi là một “kỳ thư” qua Lời giới thiêu của Nguyễn Hiến Lê.
Trong một bài thơ ông viết:
Ta đi lang thang
Ta nói tàng tàng
Ta cười nghinh ngang
Ta chửi đàng hoàng
(Bài thơ tự giết, 1966)
”Chửi đàng hoàng” quả không phải là chuyện dễ, nhưng với ông thì ông làm được. Nhưng chửi ai? ”Chửi cả và thiên hạ, trong đó có mình”, đó là cái tựa của một bài thơ khác của ông.
Nhưng tại sao điên? Dĩ nhiên là có một số tế bào thần kinh nào đó bị rối loạn, bị xáo trộn, nhưng điều đó không quan trọng, điều quan trọng là cái lòng ông, cái chí ông, cái tình ông đối với cõi đời, với con người, với quê hương và đất nước, với gia đình, bè bạn, anh em… Cái tình đó vĩ đại quá, bao la quá, nên không nhốt được trong những sợi dây thần kinh chật hẹp bình thường của một kiếp người.
Chẳng hạn, có lúc tỉnh táo, ông viết:
Kiếp sau xin cứ làm người
Còn bao nhiêu việc trên đời, còn bao…
(Kiếp sau, 1947)
Ông làm câu đối cho cha mình, ông Giáo Hoàn, người đã tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục:
Mắt mở, đã thấy xiềng nô lệ
Hồn đi, còn mơ gió tự do
(Thầy, 1953)
Rồi khi ông dạy sử, ông viết:
Ba trăm quyển sử to dày
Cũng không sánh được một ngày tự do
(Học và hành, 1955)
Ông viết cho mẹ, có lẽ đây là bài thơ viết về mẹ cảm động nhất ở một người con điên:
Má ơi, con má điên rồi
Má còn trông đứng đợi ngồi mà chi
(Má, 1950)
Năm 1960, trong chuyến về quê cải táng mộ cho song thân, đến Nước Nhỉ, khi nằm nghỉ dưới những tán cây dứa đầy gai nhọn, bên cạnh đống gạch đổ vụn, ông viết một bài thơ nhớ về những người bạn thuở thiếu thời của mình ở quê hương ”Núi Cú Hòn Bà”:
Nằm đây mà ngó lên trời
Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa
Nằm đây mà nhớ mơ hồ
Những xanh tóc ấy bây giờ về đâu?
Đó là lúc ông đã vào tuổi bốn mươi. Rồi khi đến Ngãnh Tam Tân, nơi quê ngoại của ông, nơi ông đặt sẵn ngôi mộ cho chính mình, ông cảm khái nhìn ra biển xanh, núi biếc, với những hàng dương vi vút gió:
Em có đến… mà không anh đón tiếp
Cát mịn này sẽ mơn trớn gót chân em
Em có đến mà anh không đứng đợi
Biển khơi này sẽ thỏ thẻ chuyện đời anh

Phải rồi, cái quê hương nhỏ bé đó của ông, quê hương Núi Cú Hòn Bà (nay là Lagi- Hàm Tân), nơi mà từ thuở đôi mươi ông đã mang những lý tưởng độc lập tự do về gieo mầm ánh sáng, ông đã không bao giờ quên, mà những người thân yêu ở nơi chốn heo hút đó cũng đã không bao giờ quên ông.
Có một bài thơ khác của ông mà nhiều người cùng quê không mấy ai không nhớ:
Nhè nhẹ sương bông ôm núi lịm
Êm đềm cây cỏ đắm trong mơ
Tiếng chuông đâu bỗng run lòng đá
Ngó xuống trần ai, thấy: mịt mờ
(Từ chùa Núi Cú nhìn xuống Hòn Bà, 1964)
Thơ của ông có thể người ta thích, có thể người ta không thích, nhưng đọc thơ ông bao giờ cũng có một cảm giác rờn rợn. Ông làm thơ rất nhanh, thơ như tự túa ra, ứa ra, nhiều bài sần sùi đọc cứ nghe ấm ách nhưng có những bài mượt như nhung. Đọc thơ ông mà hiểu ông thì thấy thương, thương một con người có chí, có lòng mà không sao đạt được những ước nguyện. Rồi thôi, rồi thành tro bụi như hai câu thơ viết sẵn cho đời mình:
Bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi
Một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi

Ông và tôi có tình ruột rà, mẹ tôi và ông là hai chị em con cô cậu ruột. Có lần ông nói hồi tôi mới sinh, ông đã đưa võng và đọc thơ cho tôi nghe! Có lẽ vì vậy mà khi lớn lên, được sống gần gũi ông, tôi luôn được ông sẻ chia những bài thơ, bài văn ông mới viết cùng biết bao chuyện tâm tình không thể ngỏ cùng ai. Nhiều bài thơ ông chép vội trên mảnh giấy gói đồ, phong bì, bao thuốc lá… Nhiều đêm ông lên cơn, đến đập cửa nhà tôi lúc hai ba giờ sáng, đọc thơ cho tôi nghe rồi chửi ”cả và thiên hạ”. Sau đó ông tắm táp, ăn uống chút gì đó rồi khệ nệ ôm một chồng sách ra đi. Trời can cũng không nổi! Hỏi đi đâu, ông nói không biết. Rồi có hôm nghe ông nằm giữa xa lộ Biên Hòa cho xe Mỹ cán, họ bắt ông chở thẳng vào Dưỡng trí viện, hôm khác lại nghe ông bắt đom đóm bọc trong khăn tay làm đèn đi giữa giờ giới nghiêm trong rừng cao su, cũng lại bị bắt đưa vào bệnh viện. Có lần tôi đến thăm ông trong Dưỡng trí viện, thấy ông ngủ say như chết, đưa mấy ngón chân giao chỉ to bè ra ngoáy xoắn vào nhau như tìm hơi ấm, tôi vẽ ngay một bức ký họa, ông thích lắm nhưng đã làm mất tiêu. Có lần tôi đưa ông vào bệnh viện Chợ Quán, người ta làm sốc điện cho ông, ông giựt đùng đùng như con cá nằm trên thớt. Sau đó ông bất tỉnh, xụi lơ, tay chân quặt quẹo, sùi bọt mép… Rồi khi tỉnh dậy, ông lại làm những bài thơ quái dị, nhiều bài rất hay.
Đọc thơ ông mà thương cho một kiếp người tài hoa, bất đắc chí.
Đỗ Hồng Ngọc

Văn Quang * Giã từ Đoàn Xuân Ngọc


Đặc điểm khác là ông không bao giờ tốn tiền đi dancing, không chơi bất cứ thứ “cờ bịch” nào, chỉ lai rai thích nhậu.

Thưa bạn đọc,
Ở vào cái tuổi tôi, cứ vài tuần lại nhận được tin buồn về một người bạn đã “ra đi”. Dù quen thân hay sơ đều thấy nao nao một nỗi ngậm ngùi. Vậy trong bài này, trước hết xin phép bạn đọc cho tôi được gác lại chuyện thời sự vào đoạn sau để được vĩnh biệt một người bạn rất thân của tôi vừa từ trần.
Đó là ông Đoàn Xuân Ngọc, tục gọi là Ngọc Chả Cá, nhưng trong những loạt bài phóng sự của tôi từ trước những năm 1975 đến sau 75, ông là một nhân vật chính, mang “biệt danh” Ngọc Toét. Lại phải xin nói ngay rằng mắt ông không hề toét, sở dĩ tôi tặng ông cái nick name này vì ông thường hay dụi mắt mỗi khi cao hứng đấu láo với bạn bè. Vả lại cũng để dễ dàng phân biệt với nhiều ông Ngọc khác như Ngọc Khùng, Ngọc Ghẻ…
Ông Đoàn Xuân Ngọc từ trần tại San Jose vào lúc 01 giờ 45 sáng 25-9-2012, hưởng thọ 81 tuổi. Ông sinh vào tháng 9 năm 1932, hơn tôi đúng 1 tuổi, tôi cũng sinh vào tháng 9 nhưng là năm 1933. Ông mất sau khi các con ông và bạn bè tổ chức mừng sinh nhật của ông đúng 1 ngày.
Nếu bạn đọc đã từng nghe nói đến món ăn rất nổi tiếng là chả cá Hà Nội, thì đó chính là gia đình ông Ngọc Toét đã khai sinh ra cái cửa hàng ấy và nó còn tồn tại cho đến ngày nay vẫn ở nơi chốn cũ và vẫn là căn nhà cũ. Hiện nay cửa hàng do người em ông trông coi, vẫn đắt khách và vẫn mang hương vị “ngàn xưa”. Thỉnh thoảng ông Ngọc Toét từ Mỹ ghé về “cưỡi ngựa xem... cá thôi”. Hai anh em ông này rất giống nhau, nhìn là biết ngay. Cũng cao cao, gầy gầy, xương xương, mặt cũng hơi dài dài, và… mắt cũng không toét.
Một điều đáng ngạc nhiên là ông Ngọc sinh trưởng trong “môi trường chả cá”, đúng là “con nhà nòi” mà không hề biết ăn mắm tôm. Đặc điểm khác là ông không bao giờ tốn tiền đi dancing, không chơi bất cứ thứ “cờ bịch” nào, chỉ lai rai thích nhậu.

Anh hùng ngõ Chả CáÔng Ngọc nổi danh một thời ở Hà Nội khi còn rất trẻ. Khi chưa quen biết ông, tôi nghe thiên hạ đồn rằng hồi Hà Nội còn thuộc quyền cai trị của Pháp (vào thập niên 40-50), mấy anh Tây lai, Tây thật, dân học trường Tây hay bắt nạt mấy anh học trò Việt. Chúng nó toàn là công tử “nhà mặt phố, bố làm to”, cũng y chang như các con ông cháu cha bây giờ vậy. Có thằng bố là chánh sở mật thám, có thằng là con một chánh sở phủ Toàn Quyền…
Nhưng có lần chúng chui vào ngõ Chả Cá đánh lộn, ông Ngọc liền cắt tai một thằng Tây con khiến cả bọn từ đó không dám vênh váo ở Hà Nội nữa. Thế là ông thành “anh hùng Ngọc Chả Cá”.
Cho đến năm 1953, ông được lệnh động viên vào khóa 4 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ông ở Đại Đội 2, tôi ở Đại Đội 3, cách nhau một dãy nhà, giữa khu đó có một bãi cỏ, chúng tôi dùng làm sân bóng chuyền. Có những ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật không được đi phép ra Sài Gòn, chúng tôi quần thảo nhau ở bãi cỏ cho đỡ buồn. Tôi gặp “người hùng Ngọc Chả Cá” ở đó. Chẳng hiểu sao ông lại khoái tôi, rủ đi lên câu lạc bộ uống bia. Tôi không uống rượu từ nhỏ nên chỉ ngồi nhâm nhi ly cà phê.
Từ đó chúng tôi thân nhau, ông kể khối chuyện về những ngày thơ ấu. Nét đặc biệt nhất của Ngọc Chả Cá là nói chuyện rất có duyên mà không bao giờ cười. Ông nói thật hay bịa chuyện, nói dóc, chẳng biết đâu mà lần.
Có lần ông ngồi giữa Brodard với khá đông anh em, ông thản nhiên nói: “Tao mới gặp em ca sĩ XX… Em hỏi có biết tại sao mặt em bị rỗ hoa không?”. Anh em lắng nghe, ông nói tiếp: “Em kể, tháng trước mới cãi nhau với anh Hùng, anh ấy cãi hăng quá làm nước bọt bắn vào mặt em, thế là em bị rỗ hoa”. Những câu chuyện “ngất ngưởng” như thế khiến bạn bè rất khoái nghe ông đấu láo.
Từ đó, tôi lại có thêm một nhân vật phóng sự nữa là ông Hùng Sùi. Thật ra trong loạt phóng sự của tôi, có 3 nhân vật “trung tâm” là Ngọc Toét, Hùng Sùi và Mai Hắc Lào (đều là bạn thân của tôi), để làm “đối trọng” với 3 nhân vật ấy có 3 nhân vật “dân sự” là Pôn Húc Con, Pôn Húc Bố và bà Phán Phom.

Trên chuyến tàu ra Bắc
Tôi nhớ rất rõ, trên chuyến tàu Gascogne chở sinh viên sĩ quan từ Sài Gòn ra Bắc học stage cuối khóa vào khoảng cuối tháng 3 năm 1954, Đại Đội tôi và Đại Đội 2 học tại trường Commandos Nord Vietnam ở Bãi Cháy - Hạ Long; còn hai Đại Đội khác học stage ở Đồ Sơn. 3 ngày nằm trên tàu biển, Đại Đội tôi may mắn được nằm ở khoang tàu trên cùng, đỡ bị say sóng. Nhưng ngày 2 buổi đi xuống hầm tàu lấy cơm, vất vả hơn đi hành quân. Phải leo xuống chừng mười cái cầu thang hẹp té vừa đủ một người đi mới đến bếp. Hàng mấy trăm sinh viên sĩ quan chen chúc nhau, sức yếu, tôi lại chỉ nhờ vào tài “xung phong” của ông Ngọc Chả Cá và ông Hùng mới có cơm ăn.
Hai tháng ở trường Commandos quả thật gian nan, lúc đó mới biết cái cầu khỉ nguy hiểm như thế nào. Cơm để trên đỉnh núi, đi cano ra tập leo núi, không leo được đến đỉnh núi với 1 cái dây duy nhất thì nhịn đói. Còn phải học nhiều trò nguy hiểm nữa để trở thành một sĩ quan chỉ huy Commandos (hồi đó chưa gọi là Biệt Động Đội). Chúng tôi vẫn sát cánh bên nhau, chia sẻ những khó khăn và cùng tốt nghiệp khóa này.
Trở lại Trường Sĩ Quan Trừ Bị làm lễ mãn khóa xong là anh em xa nhau. Ông Ngọc về chiến đấu ở Sư Đoàn Bộ Binh, ông Hùng Sùi và Mai Hắc Lào về Nhảy Dù, tôi về làm huấn luyện viên Trường Comandos từ Bãi Cháy mới dọn vào Đồng Đế - Nha Trang (tháng 6-1954). Nhưng lại cái số, chỉ hơn một năm sau, tôi được lệnh về phục vụ tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý thuộc Bộ Quốc Phòng.

Bài báo duy nhất của Đoàn Xuân NgọcVào thời kỳ chiến tranh mới bộc phát tại miền Nam Việt Nam (khoảng 1960), chưa có nhiều phóng viên nên tôi và anh em trong tòa soạn mấy tờ báo Quân Đội thường phải đi làm phóng sự chiến trường. Mãi sau này, khi chúng tôi huấn luyện được một khóa Phóng Viên Tiền Tuyến, gửi về công tác tại các sư đoàn, các anh ấy đều rất xuất sắc, lúc đó tôi mới đỡ phải khăn gói ra máy bay bất cứ khi nào cần.
Một lần tôi đáp trực thăng xuống mặt trận vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, trên cánh đồng giữa tỉnh Chương Thiện. Chiến trận chưa kết thúc hoàn toàn, đây đó còn vương mùi khói súng, thỉnh thoảng còn nghe tiếng đạn nổ. Vừa xuống máy bay, đã thấy ông Ngọc Toét chạy tới. Tôi hỏi đùa: “Mày đánh trận này sao?”. Ông Ngọc cười ha hả: “Tao đấm chứ không cần đánh”. Sau đó ông tường thuật lại chi tiết trận đánh này, tôi chưa ghi chép xong thì trực thăng đã cất cánh tới Quân Khu 4. Còn một số chi tiết, về đến tòa soạn, tôi phải điện thoại hỏi lại ông Ngọc. Ông tường thuật, tôi viết bài, sau đó ký tên chung bài “Tường trình của Đoàn Xuân Ngọc và Văn Quang” trên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa.
Đó là bài báo duy nhất của ông Đoàn Xuân Ngọc.

Nhân cách đặc biệt của Ngọc Toét
Tôi phải nói thẳng ra là ông Ngọc có một nhân cách rất đặc biệt “không giống ai”. Ông quen biết nhiều, giao thiệp rộng từ “cánh giang hồ” đến “dân chơi Cầu Ba Cẳng” và cả những vị “ăn trên ngồi trước”. Nhưng với ai ông cũng cư xử giống nhau. Tốt là bạn, xấu là thù, rất rõ rệt, không cần màu mè riêu cua. Vợ một “ông lớn” nói ngang, ông “xạc” ngay tại chỗ. Ông luôn hết lòng vì bạn, không nghĩ đến mình. Vì vậy, bạn ông rất nhiều và ai cũng “khoái” ông. Tôi không dùng chữ “quý trọng”, bởi thật sự trong chữ “khoái” có cả lòng quý trọng rồi. Cái tin ông mất khiến anh em khắp nơi thương tiếc vô cùng, những cú điện thoại, những cái e-mail từ khắp nơi gửi đi, gửi đến tới tấp.
Mặc dù chúng tôi đều biết ông bị ung thư đến thời kỳ thứ tư. Vài tháng trước, khi điện thoại cho tôi, ông nói tỉnh bơ: “Tao đi khám, bác sĩ không cho thuốc gì hết, tao hết thuốc chữa rồi. Gửi lá đu đủ cho tao”.
Cháu Thanh, con gái ông về Sài Gòn gặp tôi, mang theo một bao lá đu đủ về Mỹ cho bố. Nhưng có lẽ đã là quá muộn. Tôi thường điện thoại hỏi bệnh tình ông, ông vừa đeo bình oxy vừa trả lời. Có khi khỏe, ông vui như Tết. Vẫn cái giọng “giang hồ”, bất cần đời, ông thản nhiên chấp nhận sự “ra đi”. Có lẽ những người bạn tôi, ở vào cái tuổi 80, ai cũng dễ dàng chấp nhận điều không ai tránh khỏi này. Nhưng ở ông sự chấp nhận ấy có vẻ “bình thường” như đi shopping.

Kỷ niệm cuối cùng
Trước đó một tuần, tôi gửi mail nhờ anh Hồ Đăng Trí sắp về Việt Nam, mua giùm chúng tôi 2 hộp thuốc tim mạch và cũng có lời dặn dò rằng nếu anh không lấy tiền, lần sau tôi không dám nhờ anh nữa. Anh Trí vui chuyện nói với ông Ngọc, ông nhất định đòi trả tiền 2 hộp thuốc. Ông Ngọc gọi điện thoại cho tôi bắt tôi phải nhận. Ông nói: “Tao sắp đi rồi, còn cái gì làm được cho mày thì tao làm”. Buộc tôi phải nhận. Ông linh cảm thấy ngày ra đi của mình nên trước khi Hồ Đăng Trí về Sài Gòn ngày 04-9, ông nói: “Chắc khi Trí về đến San Jose không còn gặp anh nữa đâu”.
Quả đúng như thế, Trí còn ở Sài Gòn, mới 5 giờ sáng đã gọi cho tôi báo tin ông Ngọc mất đêm qua rồi. Tuổi già không ngủ được, tôi thường dậy vào lúc 2-3 giờ sáng, lúc đó tôi đã nhận được hàng chục cái mail báo tin buồn này. Bà xã tôi khóc, tôi ngồi lặng, dù biết trước mọi chuyện sẽ phải đến như thế. Bà xã tôi kể lại là khi ông Ngọc về Sài Gòn ở nhà tôi, ông nói chuyện với một bà cô ở Hà Nội, bà xã tôi thấy ông chẩy nước mắt. Bà tự hào rằng: “Anh chơi với ông Ngọc gần hết cuộc đời mà chưa thấy ông Ngọc khóc. Em thấy rồi. Con người tình cảm của ông ấy sâu sắc lắm”. Có lẽ vì thế, ông có những người con trai và con gái ở bên ông rất có hiếu, rất thương bố. Cậu con trai đi làm về là buổi chiều đến tắm cho bố, con gái phục vụ bất cứ thứ gì ông cần. Mấy người con ông còn ở Việt Nam cũng hết lòng với bố như vậy.

Lời hứa năm trước không thực hiện được
Năm trước, ông về Hà Nội giỗ thân phụ, khi vào Sài Gòn, ông có nhiều bạn bè nhà cao cửa rộng, có ông còn có cả khách sạn, mời ông tới ở. Nhưng ông nhất định chui lên căn phòng nhỏ của tôi ở chung cư cùng chúng tôi. Ông chiếm cái bộ salon nhỏ, đồ đạc để đống dưới gầm bàn ăn, tiếp đủ loại khách ở đó, đêm nằm xem ti vi và nói chuyện đời xưa với tôi. Ông coi đó mới chính là cuộc sống của những anh già. Bảy ngày sau, khi ông gọi taxi ra phi trường về Mỹ, hai anh già cầm tay nhau, ông hứa: “Năm sau tao lại về với mày”.
Nhưng năm nay… không bao giờ ông Ngọc về lại cái chung cư nghèo nàn nhỏ hẹp này nữa! Ngọc ơi, ông ra đi có nhớ lời hứa này không? Hay là chúng ta hẹn gặp nhau ở một nơi vĩnh hằng?

Dân không ngu như các ông tưởng
Đến đây tôi trở lại với câu chuyện hàng tuần.
“Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân chưa có hành động quyết liệt trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, ngược lại còn đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng để giành được lợi thế trong kinh doanh hoặc được ưu tiên giải quyết công việc”.
Đó là nhận định gần đây nhất, trong buổi báo cáo tại phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam đầu tuần trước trong báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2012.
Nói rõ ràng hơn là nhận định này đổ tội tham nhũng lên đầu dân. Rõ ràng hơn nữa là tại người dân ngu quá nên mới có tham nhũng hoặc không diệt được tham nhũng vì “mấy anh dân đen”, cứ thích đút tiền cho quan để được giải quyết công việc nhanh chóng, chứ không phải do quan muốn “ăn tiền”. Quả là một nhận định “sâu sắc quái gở”. Có anh dân đen nào lại thích mang tiền mồ hôi nước mắt - có khi là cả máu - của vợ con mình đi dâng cho người khác. Có là khùng! Ông dân này vào nhà thương điên Biên Hòa từ lâu rồi.

Đút lót xong là muốn… chửi!Xin thưa thật một điều rất thật là anh dân đen đút tiền cho quan có chức có quyền, được một chữ ký xong là anh dân đen muốn chửi thề rồi. Chẳng qua anh ta không dám chửi ở nơi công sở vì sợ các ông… bỏ tù thôi, chứ về nhà là ông chửi vung thiên địa, chửi với vợ con, chửi với hàng xóm và ông ta sẽ “ghi nhớ đời đời” vụ đút lót này chứ không thể quên. Nhưng ra đường thì anh dân đen lại sống ngoan ngoãn… dưới pháp luật, dù pháp luật đôi khi vô tình với anh ta. Chẳng qua là anh dân đen không dám nói công khai vì nói công khai thì anh ta tiêu đời, bởi luật pháp quy định rằng người hối lộ cũng có tội, đi tù như chơi.
Quy định hiện hành thực chất đặt người đưa hối lộ và nhận hối lộ vào thế cùng thuyền.
Ông Trần Đức Lượng, phó tổng thanh tra Chính Phủ nói rằng: “Thực tế hiện nay có những trường hợp đưa hối lộ do bị gợi ý, ép buộc nhưng vì sợ ảnh hưởng đến công việc, quyền lợi của mình nên buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sau đó người đưa hối lộ tố cáo thì lại có thể bị truy tố vì tội đưa hối lộ”. Thật ra người đưa hối lộ hầu hết bị ép buộc chứ chẳng ít có ai tự nguyện, trừ thành phần bị bắt quả tang trộm cướp lừa đảo muốn chạy tội.

Cái sự đời tròng tréo
Mà anh dân đi tù thì đúng ngày đúng tháng mới được tha, chứ còn quan, tiếng là tòa xử đi tù lâu hơn, tội nặng hơn nhưng thường được giảm án tùm lum, có khi còn ra tù trước cả người mang tiền đi hối lộ.
Ấy cái sự đời nó tròng tréo như thế nên anh dân không dám ho he. Không dám ho he không có nghĩa là anh ta ngu, càng không có nghĩa là “dân trí kém”. Anh ta biết hết, hiểu hết, ghi nhớ lâu dài, nhưng không nói ra mà thôi. Chẳng tin thử làm một cuộc khảo sát 100 người dân xem, chắc chắn sẽ được câu trả lời là “bây giờ tham nhũng nhiều quá, đếm không hết, kể không xuể”. Tại sao anh “dân ngu” không nói? Còn một lý do dễ hiểu nhất là nói ra cũng bằng thừa, nó là thứ chuyện ai cũng biết như “đói phải ăn, khát phải uống” chứ có gì lạ đâu.
Cũng may, ngay sau khi báo cáo đọc, phó chủ tịch Quốc Hội Huỳnh Ngọc Sơn đã nói: “Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút. Không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng bôi trơn. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông”.

Ai được quyền đòi hối lộ?
Một thí dụ cụ thể trong… vô vàn thí dụ, trong tuần này, vụ án vừa được xử tại Bình Dương: “Thư ký tòa vòi tiền người đi kiện”.
Tạ Duy Việt được phân công tham gia vụ xử ông Tống Văn Đoàn (xã Thuận Lợi, huyện Động Phú) kiện đòi ông Lương Viết Chính (cùng xã) trả nợ 160 triệu đồng. Viên thư ký tòa này nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu ông Đoàn phải “bồi dưỡng” 15 triệu đồng mới can thiệp cho vụ án mau xét xử.
Ông Đoàn đồng ý đưa 5 triệu đồng nhưng Viết chê ít vì “cả ê kíp làm việc đâu phải chỉ mình tôi, bao nhiêu đó sao đủ”. Thấy thái độ vòi vĩnh của Viết quá quắt, nguyên đơn đã tố cáo.
Sáng 22-5, ông Đoàn báo tin là đã đủ tiền đang đậu xe máy ngay trước cổng toà, Viết liền chạy xe ra nhận 15 triệu đồng thì bị bắt quả tang.

Tha bổng cho người tố cáo tham nhũng
Những sự việc như thế là chuyện quá quen thuộc với người dân. “Cả ê kíp” đều ăn chứ chẳng riêng gì anh thư ký còm. Nhỏ thì vài chục triệu đồng, bắt chẹt từ anh khố rách áo ôm, đến lớn thì vài trăm triệu, vài tỉ đồng là “chuyện tất nhiên”, nhưng hàng trăm vụ mới có một vụ bị lôi ra ánh sáng. Bây giờ đã trở thành quá trắng trợn, quan đòi “đúng giá”, dân xin bớt, cò kè bớt một thêm hai như hàng tôm hàng cá giữa chợ, liêm sỉ không còn chỗ đứng. Người dân bán nhà, bán ruộng “chạy” cho quan ăn. Vậy mà khi tố cáo cũng có tội.
Cho nên, rất có lý khi ông Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị: “Bổ sung quy định xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo” vào dự án Luật Phòng Chống Tham Nhũng (sửa đổi).
Trong trường hợp ở Việt Nam, nạn tham nhũng đã trở thành “đại quốc nạn”, cần phải có một quan niệm về pháp lý rộng rãi hơn, phù hợp với tình hình hiện tại. Người dân sau khi đã đút lót cho quan, tự đứng ra khai báo thì được tha bổng, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó cũng là một cách khuyến khích người dân mạnh dạn tố tham nhũng, đỡ mất công úp mặt vào lu nước chửi thề cho hả dạ, vợ đỡ phải nghe những đêm ông chồng ấm ức không khác nào bị cướp, làm mất hạnh phúc. Nguy hại hơn nữa là ảnh hưởng tới tương lai của các con, bọn trẻ sẽ mang mãi bộ mặt xấu xa này của xã hội và có thể chúng sẽ nuôi cái mộng bằng mọi cách để được làm quan, để được ăn hối lộ, như thế tương lai của lớp trẻ sẽ bị đầu độc vô cùng tai hại.

Lại đến chuyện ông chủ ngân hàng chê dân trí thấp
Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí, ngày 25-8-2012 vừa qua, một quan chức ngành ngân hàng nói rằng: “Do dân trí, tập quán ở Việt Nam chưa cao như ở một số nước. Rất nhiều người dân hiện nay đi gửi tiền nhưng cũng không để ý đó là ngân hàng tốt hay xấu. Có khi chỉ vì ngân hàng này ở ngay đầu ngõ nhà mình nên mang tiền đến gửi cho thuận tiện. Nên cách làm của chúng tôi là tái cấu trúc từ bên trong để ngân hàng lành mạnh lên...".
Ông này nói có phần đúng nhưng là đúng với tình hình ngân hàng cách đây một năm, ngân hàng chưa có “vấn đề gì” đáng lo ngại. Còn sau vụ hàng loạt quan chức có dính líu đến ngân hàng bị điều tra khởi tố thì người dân khôn hơn nhiều. Người ta đã tìm đến những ngân hàng lớn hơn, vững vàng hơn, có lời hơn để gửi tiền. Phải nói thẳng là người dân còn khôn hơn ngân hàng của các ông nữa đấy. Bằng cớ là hiện nay hầu hết các ngân hàng đều có những “chiêu” khuyến mãi rất hấp dẫn, ngân hàng lách lãi suất, mời gọi khách hành bằng đủ kiểu kể cả việc gọi điện thoại cho người gửi tiền có số lượng khá lớn từ 1 vài tỉ trở lên. Người dân không dại gì tin ngay vào những lời quảng cáo đường mật này của các ông. Họ còn nghe, còn nhìn, còn so sánh giữa ngân hàng này và ngân hàng khác chán ra rồi mới đem tiền đi gửi. Họ gửi tiền vào những ngân hàng có uy tín, tình hình tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, người dân nào cũng nơm nớp đề phòng, có “biến chuyển gì” là tức tốc đến rút tiền ra ngay, dù anh có “mạnh” tới đâu chăng nữa.
Đừng tưởng dân ngu hơn các ông.

Đợi đến bao giờ mới có luật biểu tình?Một số vị khác đổ cho dân trí thấp cũng không phải là ít. Bên lề phiên họp Quốc Hội ngày 17-11-2011, đại biểu Quốc Hội Hoàng Hữu Phước khi trả lời báo chí đã nói rằng: “Khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành luật biểu tình”.
Vậy có phải vì dân trí thấp mới bầu ông làm đại biểu? Và ông nói đợi khi nào trình độ dân trí cao và kinh tế ổn định mới ban hành luật biểu tình thì đợi đến bao giờ? Năm sau hay 10 năm nữa? Sao ông không nói luôn rằng khi nào dân trí cao mới nói đến chuyện tự do dân chủ? Bởi sẽ có nhiều “kẻ xấu” lợi dụng tự do dân chủ, phản đối linh tinh. Còn bây giờ, ông cứ ra cái luật nào là người dân cứ cắm đầu thi hành, đừng có lộn xộn vì dân trí còn thấp?
Hàm ý của câu nói này khá rõ ràng nên cũng nhanh chóng vấp phải những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Ngay chính trên diễn đàn Quốc Hội, nhiều đại biểu Quốc Hội khác khi thảo luận về vấn đề này đã ủng hộ đề nghị của Chính Phủ là cần xây dựng luật biểu tình. Thế thì, hà cớ gì đại biểu Hoàng Hữu Phước lại cho rằng, trình độ dân trí Việt Nam chưa cao để xây dựng dự án luật biểu tình? Nếu có luật và áp dụng đúng luật, ít nhất người dân cũng hiểu được biểu tình thế nào là đúng luật, biểu tình kiểu gì thì bị bỏ tù?
Đừng đổ tội cho dân trí thấp. Hãy nhìn lại xem mình thấp hay cao hơn dân. - (VQ)

Monday, October 1, 2012

TƯỜNG LINH * Khúc Ca Quy Ẩn & Bài họa của Võ Thạnh Văn






TƯỜNG LINH * Khúc Ca Quy Ẩn

Bạch diện qua rồi, vẫn trắng tay
Thư sinh buổi trước, gã cuồng nay
Lạc đường quay ngựa, vương tình bút
Xa ruộng, lìa quê, nhớ luống cày ....

Ðọc sách nửa đời chưa sáng ý
Bão bùng tơi tả cánh mơ bay
Nghìn câu nguyện ước tan theo mộng
Ráng đỏ mây phai nắng cuối ngày

Hiên vắng ta ngồi đêm nguyệt tận
Mắt buồn người hiện giữa cơn say
Khúc thu người tiễn ta chiều cũ
Dương liễu đầu sông lá rụng đầy

Không chén trường đình mà lảo đảo
Không màng sự nghiệp cũng ngây ngây
Sông Thu nào phải là sông Dịch
Hai phía thầm đau nhạn lạc bầy

Ta đã hẹn người ngày tái kiến
Hội Xuân đời ghép hội rồng mây
Người không còn nữa, ta phiêu dạt
Trở lại còn ai gặp nữa đây ?

Quê cũ, cổng làng ai đứng đợi ?
Chiều Xuân lạnh chiếu rượu xuân bày
Sông xưa lở cả đôi bờ đẹp
Hoang vắng, đò thôi cập bến này

Trời mênh mông quá, vô tình quá !
Không hận nhưng lòng tiếc lắm thay !
Vốn nặng cưu mang tình cố lý
Về nhìn hiên cúc gió thu lay

Ta ngâm khe khẽ bài tương biệt
Người trách thầm qua nét nhíu mày
Nhân ảnh mờ chìm trong đáy cốc
Rượu chiều sóng sánh bởi heo may

Ta chờ nghe tiếng thân thương cũ
Người gửi riêng ta thuở đọa đày
Chiều bỗng tuôn mưa, trời nổi sấm
Chén buồn còn lại chất men cay

Bóng người mãi mãi là hư ảnh
Mưa suốt đêm trường, gió lạnh vây
Rượu rót chờ người không hiện nữa
Bài thơ chiêu niệm ý hao gầy

Cố nhân ! Ta gọi tên bằng hữu
Vạn nẻo trầm luân mất dấu giày
Ta ngó lên nguồn, trông xuống biển
Hỏi cùng nam bắc, hỏi đông tây ...

Lặng im xẻ nghé tan đàn hết !
Tiếp những mười năm hẹn đã chầy
Mồ bạn lạc loài bao cõi lạ
Nén hương chưa đốt tỏ lòng này

Tri âm, tri kỷ như sao sớm
Chút nghĩa kim bằng cũng hiếm thay !
Cuối cuộc viễn hành đơn độc quá
Bơ phờ cánh hạc khép đường bay

Gẫm bao chí lớn trong thiên hạ
Chẳng được còn xanh với cỏ cây
Thì ta một chấm nhân sinh nhỏ
Mong mỏi gì hơn ở kiếp này ?

Cũng chẳng tính chi còn với mất
Càng không than vãn chuyện riêng tây
Ðàn xưa trỗi lại bài lưu thủy
Lắm nỗi niềm trao với nước mây

Khúc ca quy ẩn đưa xa nhịp
Khắc nét đời thơ chiếc bóng gầy
Vang mãi dư âm triều hệ lụy
Thơ chào tuyệt tích gửi ai đây ?

Tường Linh
Tân Tỵ 2001
Bài họa của Võ Thạnh Văn
NỬA ĐỜI LÂM LỤY

Cuộc diện xoay vần, hề! Tang hải
Nước non dâu bể buổi hôm nay
Chiến chinh Đất Mẹ, hề! Phế tích
Binh lửa can qua nát luống cày

Nấu sử một đời, hề! Khói trắng
Sôi kinh nửa kiếp mộng vờn bay
Nam Kha tròn giấc, hề! Gươm lạnh
Tê tím hoàng hôn ráng cuối ngày

Bao đêm nguyệt tận, hề! Hoang vắng
Bình thủy tương phùng cạn chén say
Đôi bờ vực lở, hề! Đồng điệu
Bá Nha, Chung Tử… hận vơi đầy

Bến nước Sông Thu, hề! Linh địa
Mộng lớn buồm căng chí ngất ngây
Càng khôn dị dị, hề! Khoái hoạt
Khuây khỏa Tề, Di… nhạn kết bầy

Đã hẹn một chiều, hề! Tương ngộ
Hàn Giang sông nước tụ hoa mây
Mài dăm giọt mực, hề! Khai bút
Bên trời lận đận kể từ đây

Bèo hoa tan hợp, hề! Tương biệt
Người đi kẻ ở tiệc chi bày
Thì thôi lãng đãng, hề! Mệnh nước
Hoành gươm thổi sáo tống ưu nầy

Tâm tình hảo hán, hề! Trăng tỏ
Nghĩa khí trượng phu hiếm vậy thay
Sục sôi máu cuộn, hề! Tinh huyết
Phế thành cờ lộng gió thu bay

Quê Cha vạn dặm, hề! Tần Lĩnh
Lắng sâu đáy cốc sợi lông mày
Rượu đắng trường đình, hề! Dịch Thủy
Mai về Dĩnh Thủy rửa cơ may

Giang đầu Thủy Bạc, hề! Mờ mịt
Bến nước Kim Sa khói đọa đày
Người lỡ vận trai, hề! Ẩm hận
Ta cam mất nước uống nồng cay

Mịch La ngày ấy, hề! Khói sóng
Gió dập mưa vùi bủa tứ vây
Đành ngắm trăng suông, hề! Thế sự
Đổi thơ lấy rượu chuốt thân gầy

Bằng hữu Yên Tần, hề! Chung Thủy
Một thoáng mù khơi nhớ dấu giày
Ngậm ngải tìm trầm, hề! Chí cả
Vẽ mình mò ngọc biển Trời Tây

Rồi mai quay gót, hề! Cố quận
Ca hát nghêu ngao hết tháng chầy
Bạc thếch chinh y, hề! Vuốt mặt
Ngâm khúc Ly Tao tỏ dạ nầy

Hồng nhan tri kỷ, hề! Trích địa
Chút nghĩa kim bằng quý lắm thay
Cuối nẻo trầm luân, hề! Thành bại
Sương đồng hạc nội chập chờn bay

Trải bao hưng phế, hề! Kim cổ
Gom chút tà dương bón cỏ cây
Hạt bụi truy tầm, hề! Nguồn cội
Tắm lại đầm sen Vân Trạch nầy

Gác chuyện công danh, hề! Phiêu lãng
Đánh giấc bên đồi trăng xế tây
Cung xưa lỗi nhịp, hề! Phiêu giạt
Lưu thủy hành vân rợp bóng mây

Khúc Ca Quy Ẩn, hề! Kiêu bạt
Bỉ sắc tư phong bút mực gầy
Khúc ca lâm lụy, hề! Hào sảng
Vần thơ trác tuyệt vẫn còn đây

Phù hư dật sĩ
Võ Thạnh Văn

Phù Hư am, Vùng Bắc Vịnh
2005

PHAN * Bông Cúc Vàng

 

Sáng đầu thu mát rượi, ngồi ngoài quán vỉa hè Quê Hương ở Saigon Mall. Ngồi nghe gió thu về hanh hao giậu cúc trong nỗi nhớ mông lung. Tất cả từ bông cúc vàng trên cái kẹp tóc của cô bé theo mẹ đi chợ. Có cô bé nào không theo mẹ đi chợ để trở thành bà mẹ dắt con đi chợ sau này. Cũng như những chú bé đã từng theo cha đi câu, đi ta bà thiên địa-không cho mẹ biết… đang ngồi quán cà phê kể lại những kỷ niệm thật đẹp. Và chiều nay sẽ có những người cha dẫn con trai nhỏ đi câu cá, đi đá banh… Người cha Việt cũng không khác gì những người cha Mỹ to lớn, thật khó khăn cho ông ta ngồi xổm để mặc đôi giày trượt băng cho cô con gái bé tí trong sân trượt băng ở những trung tâm huấn luyện mà tôi đã thấy.

Có người cha đã già đang ngồi quán nói rằng, khi con cái còn nhỏ thì con trai thân vơi mẹ hơn vì nhu cầu lương thực, và con gái thân với cha hơn vì nhu cầu thích được nuông chiều… nhưng khi trưởng thành thì đổi lại cho cùng hệ. Bởi con trai có thể ngồi uống chai bia, coi đá banh, football với ông già tía; con gái thích tỉ tê với mẹ về thời trang, kiểu tóc, kem dưỡng da…

Chuyện ngoài quán cà phê, hiếm ai bất bình với vợ con trong gia đình hạnh phúc của mình. Chỉ khi chiều tà, từ Quê Hương chuyển qua Năm Hứa, trong quán bia thì mỗi ngài đều ngán ngẩm đường về nhà xa lắc lê thê với lắm cảnh sát. Nhưng cũng không khó bằng về tới nhà, phải đối diện với một nửa mà ban sáng nói khác bên quán cà phê Quê Hương. Suy ra rượu bia làm đứt dâu thần kinh thẹn của đàn ông, sáng nói một đàng chiều làm một nẻo. Người cha nọ nói xong bỏ chạy, không cho ai góp ý kiến gì hết. Thật ra, ông tới giờ đi đón cháu ở nhà trẻ.

Nhưng bông cúc trên cái kẹp tóc của cô bé theo mẹ đi chợ lại vàng hơn nắng đầu thu khi hai mẹ con trở ra parking để về. Một lão lụi ngồi quán nói về trà cúc sai bét. Lão không nói thì cũng không ai nói lão câm. Nhưng lão ngồi yên thì ai biết con nít sống lâu năm cũng có tóc bạc. Không chừng Quê Hương đóng cửa vì lão không được nói ở nhà nên mới ra đây! Xin Quê Hương đừng khó khăn với người thích nói.
Rồi một lão ông khác, ngẫu hứng chuyện rù rì của lão thì không ai hay. Chỉ thấy lão thở ra hơi thu mới đậm đà, “hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”. Chắc chắn là Tố Như tiên sinh không thể ngờ được là thơ của tiên sinh bay sang tới Mỹ. Tiên sinh chỉ thở dài, “Bất tri tam bách dư niên hậu/ thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.” Dù sao quán sáng cũng dậy lên mùi nhớ, không nhất thiết là mùi hương sang cả vì đời người di dân mấy khi được tiếp xúc. Mùi hương sáng đầu thu nơi viễn xứ dạt trôi của người Việt tha hương ngộ cố tri lẩn quẩn trong mùi ẩm thực nhiều hơn mùi hoa bưởi hoa nhài, hoa cau… Vì thế có người kể chuyện mùi bún mắm nghe chop đậm đà.

… Tôi có thói quen dậy sớm-dù cuối tuần. Cái thú rảnh rang ám ảnh người hưu trí nhưng hấp dẫn người đang đi làm thì ai cũng đã biết! Cuối tuần, tôi vẫn dậy sớm, tận hưởng cái thú pha ly cà phê không phải nhìn đồng hồ, không việc gì phải chịu nóng mà bưng ly cà phê ra xe để đổ lên đổ xuống trên đường tới hãng. Tôi thích nhâm nhi ly cà phê sáng cuối tuần, khi trời còn mát mẻ. Ngồi đọc báo khi chưa có tiếng kêu ông ơi; ba à! Là những giây phút bình yên…

Tôi thường hết ly cà phê và đọc tờ báo tôi thích thì đi cắt cỏ (xen kẽ với tuần rửa xe). Tuần đó tôi đang cắt cỏ thì anh bạn hàng xóm người Mỹ bước qua chào hỏi và nói: “Chiều nay, nhà tôi có tiệc. Là tiệc cưới của tôi. Tôi mong ông cho phép khách mời của tôi được đậu xe trước nhà ông vì chiều nay bạn bè tôi tới đông.”

Dĩ nhiên là tôi đồng ý ngay và chúc mừng hạnh phúc cho người hàng xóm. -Dù trong lòng tôi rất hoang mang… Thấy họ là hai vợ chồng, hai vợ chồng người Mỹ đông con vì hai trai, hai gái. Tuổi từ 16 tới 21. Tôi đoán thế! Rồi lòng tò mò nên sau cắt cỏ, tôi hỏi con tôi về nhà hàng xóm vì nó rành hơn mình. Thằng nhóc nhà tôi cho biết, “Ông, là cha của hai anh, đã ly dị vợ. Bà là mẹ của hai cô, đã ly dị chồng. Chiều nay ông bà làm đám cưới với nhau. Họ có mời con sang dự tiệc b.b.q chiều nay…” Nghe hết hồn với thằng nhóc la cà không thua mình hồi nhỏ.

Tôi cắt cỏ xong, cơm trưa xong trước 12 giờ để coi game football. Vậy là tôi ôm cái tivi miết. Có nghe tiếng nói cười của đông người nhà bên, họ ăn thịt nướng, uống bia và trò chuyện… nhưng sự việc biết rồi thì hơi đâu thắc mắc chi nữa. Cha con tôi cũng hò hét, la ó với Dallas Cowboy thì bà cụ sinh ra mấy đứa con tôi xuất hiện, la rầy… “lớn tiếng quá! Nhà bên hôm nay có đám cưới đó. Lịch sự với hàng xóm chút đi.”

Tôi với con tôi bớt ồn cho phải phép, tưởng bà cụ vô phòng luyện phim Hàn tiếp. Ai dè bà cụ đi nấu bún mắm ngoài patio để chiều nay đãi bạn. Trong khi tôi hết hiệp 3, thời gian chờ đợi hai đội chơi hiệp cuối thì đi lấy thơ cho kịp trả biêu (bills). Ra khỏi cửa nhà, tôi không biết mùi gì lan tỏa hết không gian rộng lớn của cả xóm. Thế là lấy thơ cho mau, về bẩm báo cụ bà xem nhà Mỹ kia ăn đám cưới món gì mà khiếp quá!...

Ai dè, nồi bún mắm của bà cụ nhà mình từ patio đã bốc mùi khắp không trung, gởi gió cho mây ngàn bay thênh thang chiều gió lộng… làm đám cưới bên kia giải tán.

Tôi nhớ hoài, nhớ hoài… gương mặt người hàng xóm nhìn tôi sau đám cưới. Tôi đoán, ông ta nghĩ tôi không phải người tốt vì buổi sáng thì vui vẻ nhận lời cho đậu xe, chúc mừng hạnh phúc… nhưng chiều phá đám người ta. Ông hàng xóm không thèm chào hỏi gì tôi nữa. Tới ông dọn đi nơi khác đã lâu mà tôi vẫn còn nhớ gương mặt lạnh lùng của ông chỉ vì mùi bún mắm.

Người khác kể ngắn gọn hơn về món độc của dân ta: Tôi làm hãng Mỹ nên người Việt tự bảo nhau đem cơm ăn trưa cũng cần tế nhị như sườn chiên, cải xào… thế thôi. Món gì nặng mùi thì chiều về nhà tha hồ ăn. Nhưng có người Việt nam mới qua nên chưa biết, chị ta hâm mắm kho trong microway. Gặp cái microway trong hãng tôi là loại dùng cho nhà hàng, nó hâm 1 phút bằng microway ở nhà mình hâm 5 phút, trong khi chị ta bỏ hâm microway rồi đi rửa tay để ăn cơm, mất mấy phút mới đại họa. Làm cả hãng nhốn nháo, có người Mỹ bất bình nào đó đã gọi xe cứu hỏa và xe cảnh sát tới! Đám Việt nam chúng tôi trốn luôn, bỏ bữa cơm trưa hôm đó vì quê quá trời…

Tối về, tôi tìm đọc về mùi hương trên mạng để xem các nhà khoa học giải thích thế nào về mùi bún mắm! Ai dè lò dò theo những đường link, lại gặp búm mắm từ trang blog “chuyện hàng ngày” Tác giả không đề tên nhưng viết rất hay, thật như đời sống hàng ngày của người Việt hải ngoại. Xin mạn phép trích dẫn:

Mùi.
Mấy tuần nay thòm thèm bún mắm, đã mua hũ mắm cá, tôm, mực, cà tím, xả… chỉ cần bật bếp lên nấu… rồi cứ chần chừ và đến tuần này thì chỉ còn sót lại hũ mắm . Lý do chẳng phải vì mình không biết nấu, hay vì không có ai ăn chung, mà vì cái mùi mắm.
Vài tháng trước, tất cả cửa sổ mở ra, mùi mắm lồng lộng, thơm ngát trong khi 2 thằng con vừa bịt mũi, vừa chạy lên lầu và la làng "nghẹt thở chết". Tô bún múc ra mất ngon vì nhìn thấy cái mặt nhăn nhó của 2 nhóc. Đến tối, lui cui thắp đèn cầy khử mùi, đun một nồi cà phê âm ỉ trên bếp, lau dọn lại bếp cho khử hết mùi mắm. Làm kỹ vậy mà trong từng phòng vẫn phảng phất cái mùi dân dã này. Nên lần này, mình ngại hơn nữa vì thu về, lạnh, khó mà mở hết cửa cả buổi.
Ghé nhà bạn chơi, chồng bạn lăng xăng đứng suốt ngoài vườn… "ổng canh nồi mắm kho. Phải nấu ở ngoài, mang vào ăn thôi. Nấu trong nhà thì không chịu nổi. Mà nấu hồi sáng sớm khi hàng xóm chưa thức để không phải tận hưởng cái mùi quê này..." Mình cũng định làm theo mà thấy lách cách mất công quá. Thôi nhịn. Cái mũi mình dạo này nhạy, nên việc khử mùi sau mỗi khi nấu ăn bắt đầu thành nỗi ám ảnh. Riết rồi tránh luôn các món thơm nức như cá chiên, chả giò, bánh xèo... Tối qua, vừa mở cửa vào nhà, Kevin la toáng lên, "có meatball tối nay phải không? Con ngửi thấy thơm quá!" Thấy vui vui...

Thôi thì tha phương, ăn để mà sống. Bao giờ về được quê ta thì tha hồ ăn những món khoái khẩu như ông ngoài quán cà phê ban sáng đã nói. Tôi chỉ cón một mẹo vặt chia sẻ với người viết blog là sau khi nhà đã nặng mùi. Bạn hãy bắc nồi nhỏ lên bếp. Đổ vào đó chừng một chén giấm chua, mở lửa nhỏ cho giấm sôi chậm… hơi giấm bay ra cả nhà, làm hơi gắt mũi nhưng không lâu sẽ hết mùi giấm và cả mùi mắm kho, chả giò, bánh tôm chiên, bánh xèo… mùi gỏi củ cải trắng với cà rốt mới khủng khiếp căn nhà khép kín vì máy lạnh, máy sưởi mà người Việt bất đắc dĩ phải ở trong thời gian chờ đợi hồi hương một ngày nào đó trong tương lai.

Ngô Nguyên Nghiễm * Vách đá

 1.

Người trẻ tuổi kéo trịt về bên trái chiếc nón lưỡi trai bạc mốc. Ngước mắt nhìn cao lên ngọn núi nằm lơ đãng trong những cụm mây thấp bay ngang. Chàng cuối xuống nhẫm tính, có lẽ những bài toán còn đong đưa vài con số ẩn, đôi mày khe khẽ chao nhẹ như chiếc lá cười với cơn gío heo may. Ðiếu thuốc cập chặc trong vòng môi đen sậm, ngọn lửa loé chạy lan lên đầu thuốc. Chàng ngồi sà trên tảng đá bên lề, lim dim rít từng hơi khói dài, nhã vài vòng tròn quay nhẹ nhàng trong không. Gió vẫn thổi ngay ngọn, ngọn gío miền núi miền rừng bao giờ cũng mạnh, mang theo nhiều mùi hương dại và đặc biệt lạ lùng. Gió đưa từng vòng khói thuốc lên cao, chạy xô bồ rồi càng lúc méo mó tan loảng hình dạng như mây. Vài chiếc lá lao xao bay luồn trong gió lùa tít mù theo con đường chạy dài thâm thẩn trước mặt, chàng đưa mắt nhìn lơ đãng, rít ngụm thuốc cuối cùng, tàn búng xổ vào lùm cây bên cạnh. Với nhặt cành khô, vừa lầm bầm chàng vẽ ngoằn ngoèo lên bãi cát những con số to nhỏ, cộng trừ nhân chia, chia nhân trừ cộng.. Chàng vẫn lắc đầu, xoa mạnh lên những kết quả bằng thân giầy tua gót, hình như chàng đang hằn học đó.

Lưng chừng núi, hai bóng người vẩy vẩy kêu gọi và có lẽ họ cũng đi dần xuống. Vách núi vang vang. Chàng trẻ tuổi hơi ngước lên, môi nở nụ cười (gió tạt ngang, tóc tai chàng ngả ngược và loạn xạ, chàng giơ tay vuốt vuốt những phần rũ hoài xuống vầng trán). Nắng trưa khá gay gắt, hai người có vẻ vợ chồng, bước nhanh về phía chàng, vừa quệt những giọt mồ hôi đọng như suối trên nước da đen ngâm,khỏe mạnh. Bước chân họ thật dài đấy chớ, những hạt đá bén và nhọn k hác gì những mũi kim vẫn bất lực trước da thịt của họ. Chàng tuổi trẻ đứng dậy, bước đến vài bước, cười, vỗ vai họ thân mật, tìm ra hốc nào thuận tiện chưa?

Cơn gió vụt mạnh, tiếng nói vang vang, vách đá cũng trả treo câu hỏi một cách im lìm. Tìm ra hốc nào thuận tiện chưa? Người đàn ông phe phẩy vạch áo đen như màu da, khe khẽ lúc lắc cá đầu, cười gượng gập. Người vợ ngó xéo nụ cười của chồng, quay quay vạt áo rồi nhìn lên vách núi đứng sừng sững, cứng ngắt như cuộc sống của họ. Những vết đục cạn trên lưng núi, ngòi địa lôi đã được đặt quá hời hợt chưa thể đong đầy buổi cơm canh rau cho người dân miền núi. Từng tảng đá nương theo đà thuốc nổ rớt xuống có thể đếm ngon trên những ngón tay gầy cháy nắng. Mấy mười năm, núi đã đến với họ như giọt nước mùa hạ. Bắp thịt họ cuộn tròn theo bao nhiêu ngày tháng vác đá. Ngày tháng thanh thản và ngày tháng lo âu. Chàng tuổi trẻ chầm chập trông sườn núi thẳng đứng, những sợi dây thừng treo lửng lơ đang phe phẩy trước gió núi. Vài ba dáng người đong đưa trên đó, thoăn thoắt leo như vượn. Từ vùng nầy đến vùng khác, mấy cây cọc sắt vẫn từ từ bị gỡ theo tay, cắm ngay vào vị trí được chọn. Vài cây khác lại lay động rồi để lại mặt đá những vết hốc sâu. Nắng điên dại đổ lên thân hình bé bổng của lũ người đo chỗ đứng trên cao; người đàn bà tay che nắng im lặng ngó vách núi, ngó hoài chàng trai, lên tiếng đề nghĩ một cách dễ dãi, hay mình chọn mặt núi sau. Sườn còn thoải, tránh nguy hiểm lại nhiều đá. Vuốt mặt, người đàn ông bực dọc, mình chỉ được phép lấy đá mặt nầy thôi. Dại gì phải cực. Mấy mươi năm đo số phận trên những hồi cực khổ phá đá, ngọn núi vẫn chưa mọc lên dầy những mãnh đá non che lấp dấu vết như Thượng đế trước khi tạo con người đã nói rõ, thiên nhiên sẽ nuôi sống các ngươi, các ngươi được quyền gầy giống và được tự do. Bây giờ giống gầy càng ngày càng đông, tự do càng lúc càng nhiều, kể cả tự do đánh nhau, nhưng trước mặt những nhánh đá dựng sừng sững như tường đồng vách sắt ngăn cản bước tiến của nhu cầu thiết yếu, của sự hân hoan con người. Thiên nhiên vẫn thiếu thốn, thiên nhiên vẫn đè chụp trên đỉnh đầu thật điên cuồng như nắng hoang miền xa lạ nầy đó. Ba người đứng im lặng dưới chân núi, nắng vẫn đổ hăng say vào mỗi tâm trạng riêng rẻ của họ...

Mồ hôi rơi xuống như điên, mùi hăng hắt phát khởi từ những chiếc áo trần trụi, chàng tuổi trẻ bước thẳng vào chòi lá, rút thêm điếu huốc, cong veo, chàng giơ tay vuốt sơ sài. Tiếng xe chở hành khách loáng thoáng vụt qua, mang theo cơn gió bụi mù. Những chiếc lá vàng tung tăng cuốn mình lôi kéo theo hướng gió, bay loạn xạ. Chàng đưa mắt, lim dim nhìn vào. Nỗi lặng yên của chàng giá trị như sự rình rập của một chú mèo vờ ngủ trong bóng tối. Hơi thuốc vần vũ trong không vẽ thành những hình tượng quái dị xa xôi. Ðầu hơi nghếch, mặt trầm lạnh như đávà nhất là những đợt khói vẫn liên tục xoay vòng, càng phút giây càng dầy đặc. Ngày nào, anh trai duy nhất đã lũ lượt theo chân ba mẹ đi sâu vào phương trời lơ đãng. Sự ra đời của ba, sự bắt tay tần tão với cuộc sống để nuôi con của mẹ, và sự nối gót của anh , đã chua chát như linh hồn, lạnh nhạt tựa sự thế, để bây giờ chàng phải đứng sừng sựng, im lặng dưới một chân núi đá. Còn nỗi niềm nào cho chàng nghĩ được ra đây bởi lòng đã dầy như da trâu, ý tưởng cùng nhụt như mặt đá. Chàng tuổi trẻ cúi xuống lẩm nhẩm lại những con số vừa rồi, bài toán vẫn rối nùi, chàng lại thở khói (chưa biết có nỗi bình thản hay chua xót). Tiếng chân dẫm trên đá sỏi trải dài trước sân, những tiếng động nhẹ và đều. Tiếng chân kéo đến bục thềm, cạnh bàn, chàng ngước lên nheo nheo đôi mắt. Người đàn ông kéo chiếc ghế nhường cho vợ, ngồi xổm lên chiếc ghế ba chân còn lại, cũ kỹ. Không khí ngôi chòi có phần mát dịu, người đàn ông thở mạnh, nghiêng chúc chúc ngọn tóc và lắc lắc, cho vài giọt nước người vừa ứa ra, rớt xuống đi con. Chàng vói tay đập mạnh con ruồi cánh xanh đậu bám trên tay kia, người đàn ông cười, trời mát hả mậy, dễ chịu hơn ngoài đó. Chàng trẻ tuổi cũng cười theo (nhưng thật nhẹ). Nắng như điên hả chú Tư, khó chịu hơn trong nầy. Người đàn bà bật cười, vươn tay chìa ngón trỏ chỉ chiếc sườn núi thoải thấp bên trái ước ao, được phép dùng vài năm. Rồi đưa mắt nhìn vách núi cũ thẳng như giây dọi thợ hồ, không để ý đến vẻ mặt mọi người chung quanh. Hình như nơi nầy, người đàn bà ngủ yên và mơ mộng tới những hang động thật ngon, những cây thuốc nổ dầy âm ấp, từng phút từng phút trong tiếng nổ lừng lẫy, từng khối đá rớt xuống như mưa, chồng cao từng hòn núi nho nhỏ, những chòi lá dột mái ngày đêm vang hoài tiếng đập dòn dã, rồi những buổi cơm nóng nghi ngút, rồi những chiếc xe tuần tự di chuyển đá xanh đến tận cùng đất nước, rồi những tòa nhà trang trọng mọc nhanh rồi nụ cười, nụ cười... Người đàn bà khoan khoái, cười. Chàng chìa gói thuốc trước mặt, người đàn ông móc và mồi một điếu. Vẫn khói đen bay đon đã, vẫn nhìn về vách núi chói chang, mọi người ngồi yên đó.

2.

Màn đêm rũ xuống khi mặt trời không còn núp trong thân núi một sức nóng hừng hực. Những con chim bay về buông hoài những tiếng kêu mù mịt. Ðông nằm dài trước sân trong chiếc đệm dầy mo, lim dim ngườc nhìn rừng sao trổ trắng. Mọi vật càng hồi đen đúa thêm, rồi một ngày tàn tạ đó Ðông, trí óc mầy lợn cợn những nỗi buồn chưa thể tiêu hóa dễ dàng. Ngoài trời, sao mọc thêm hoài, gió vẫn thổi mạnh vào ưu phiền dằng dặt. Câu chuyện vách núi vẫn chưa giải quyết rành mạch, mầy phải nằm như chó đói. Một con chó đói ẩn núp trong lớp sơn đại diện cho một hãng thầu, đổi về canh chừng từng bước đứng của anh em, trông sóc từng hòn đá vô tri, đổi sức sống tùy theo sức đá rơi nhanh hoặc chậm. Bao giờ, yếu tính của loài trẻ tuổi cũng tự phụ đến sự nhận thức, mầy đã thấy chưa, khi đứng ngoài không gian, khi va chạm thực tế, mầy đã phải sừng sững trồng ngọn như cây cỏ trước một vách đá lạnh lùng. Ý thức cứng ngắc, như vách đá đó, sự bó tay vẫn là điều lệ tất nhiên trước những cái vô tri gai như vách núi sao? Cảm thông chỉ nhận được gữa những đồng cảnh, dù chất phác dù thua hụt mọi người dân đập đá nơi nầy cũng nhìn trỡ ngại và cuộc sống như mầy vừa nhận được hôm nay. Núi đã mài đá thành vách ngăn chận ý thức của mầy, hỡi Ðông, chưa thể thẳng thắn lên tiếng soi thẳng lên vách đá, sự trả treo nầy là sự thật hợp lý lắm sao. Những cánh nhạn vươn lưng trời cũng phải vài cái đập cánh. Không gian không thể ngăn chận ý hướng của nó, mầy phải nghĩ tới vách đá như không gian, mầy cần sự tự do đó.

Gió núi bao giờ cũng lạnh buốt, tóc tai Ðông rũ rượi như những chiếc lá. Ðông cuốn tròn, tay gối đầu, lắng nghe giọng chó tru từ cõi xa vọng về. Gió thổi hoài, và tôi vẫn nằm đây, sự khốn khó ban ngày vẫn đọng sâu ở đâu đó. Tôi không còn muốn điều nầy, hỡi vách đá cho xin nỗi bình yên.

Tiếng động di chuyển nhẹ bên cạnh, Ðông xoay người, ngồi chơi chú Tư. Người đàn ông cười hềnh hệch, khom mình ngồi chéo xuống chiếc đệm cũ kỹ, cạnh chàng trai, vẫn chưa tìm ra một phương pháp nào khác hả Ðông? Vách quá đứng kể cũng cực nhọc, bao nhiêu ngày qua cố gắng cũng chỉ lấy đựoc một số đá đếm dễ dàng như một nắm tay.Ðông dửng dưng liếc ngang nắm sỏi trong lòng tay chú Tư rồi ngồi bật lên, châm mồi kê vào chiếc thuốc lá gắn gọn trên đôi vành môi từ lúc nào. Ánh lửa bùng mạnh, lao chao theo gió, rọi nhẹ lên mặt hai ngừơi một cách quỷ quái. Ðông quăng que diêm, thở một hơi khói, nhìn chầm chập chú Tư., im lặng. Vẫn chưa tìm ra một phương pháp nào khác hả Ðông. Vẫn chưa phương pháp nào để giải quyết vấn đề. Vách núi vẫn đứng sừng sững trong màn đêm, hình dạng đen và sù xì. Ðông nghiêng người, ngó gương mặt chất phát và cần cù trung hậu của người dân miền núi. Một vùng biên thùy xa xôi, hình như gió bao giờ cũng thổi hai chiều, họ vẫn có thói quen chịu đựng dù sương dù nắng dù nguy hiểm hằng ngày đe dọa, trên từng sợi dây từng nằm vắt ngang sườn núi, nhiều con gió trở mình, chúng đong đưa như những con rắn uốn khúc. Họ treo định mệnh lên đó. Sức sống chạy dài theo từng hồi đá lở, đổi chác sự sống với sự treo ngành, từng cái móc ngược người đánh dấu chữ thập vào một vài nơi nào có chất đá lý tưởng, dùi sâu từng hang nhỏ, ghém đầy thuốc nổ rồi chạy xa trông lớp đá buông nhanh, xoa tay cười khoan khoái. Bây giờ, đá đã cạn, vách núi đứng thật thẳng chờ đón những nguy kịch chĩa tới những sinh vật biết nói nhỏ bé, cộng với thời tiết thay đổi, khác lạ hơn mọi năm, cộng với những đe dọa từ những giăng lưới, thì nụ cười của họ vẫn còn mù mờ như sương buổi mai. Bất giác Ðông thở dài, sứ mạng với cuộc đời, với nỗi sống mang theo bên mình gặp nhiều cam go và buồn bã. Ðông giơ bàn tay gài chiếc nút hở trên ngực chú Tư, nhìn màu đen lẩn khuầt vào bóng đêm của người đàn ông chất phát, Ðông nghẹn đó, ốm nghen chú Tư. Chàng lả vả trong khi chú Tư rối rít cám ơn, già rồi thây kệ nó, lo là lo cho mầy kìa. Mấy bữa nay, trông hốc hác ra, trẻ phải đủ sức lo cho vợ con chứ. Ðông cười to,

Ngọn gió núi kỳ nầy mạnh bạo hơn, thổi vút qua màn đêm một cách hối hả và lạnh lùng. Chú Tư khép bâu áo, khẻ rùn mình mất lượt, cha nó ngọn gió quá mạnh vậy. Bên cạnh, Ðông chua chát ủ mặt lên bóng tối, tôi nghĩ đến chú hoài đó chú Tư. Dù da thịt chai đến đâu cũng vươn cao những nếp nhăn co rúm, dù tiếng nói của chú có âm thanh to rộng đến đâu cũng theo vách núi im lìm vọng lại. Xoáy vào tận đôi tai, soi như mũi dùi vào từng chân lông, xếp gọn từng nét mặt, chú Tư cũng cằn cỗi, nhưng buổi cơm không cho chú cằn cỗi ngon lành như vậy. Hỡi người dân ngay thẳng và thật thà, vách đávẫn đứng ngạo nghễ trước mặt các người đó. Da thịt các người mềm hơn cao su, xương cốt dẽo hơn mẫu bánh xốp thơm phứt mới ra lò không? Vách núi vẫn đứng sừng sững và ngạo nghễ đó, các người có thấy không những mảnh đá nhỏ nhen vẫn chưa rời khỏi ý nghĩ thô sơ của các người. Chúng vẫn đứng thẳng hoài trong tiếng kêu cứng nhắc, trong nỗi lo âu và thao thức mệt nhọc như người dân dốt nát thường tiêu biễu nỗi vô tâm nầy, cuộc đóng trăn trừng trị những đứa con gái chữa hoang mà không phân phải trái. (Dù rất có thể điều đó xảy một cách máy móc ngoài trí tưởng tượng, họ phải sống cam phận sau một cuộc hiếp dâm tàn bạo.) Ðông ngơ ngác ngó hoài vẻ mặt chú Tư, bóng sáng của ngọn đèn dầu sát vách lá hắt thẳng vào mặt, khiến có nét lung linh, tranh tối tranh sáng. Da chú đen lắm đó, chắc phải giang nắng suốt ngày nầy qua ngày khác hả chú Tư? Chú Tư hơi ngạc nhiên, khẽ nhíu đôi lông mày đen rậm, hục hặc bữa nay mầy hỏi kỳ khôi vậy Ðông. Thì nghề nghiệp bắt buộc mới có hột cơm chớ. Công tử bột rồi chết đói sao, tao già rọm hơi đâu nghĩ ngợi như mầy. Ðông cười tủm tỉm, vậy mà có người khen vùa chú nghe chú Tư. Người đàn ông bật ngửa, ngước mặt lên trời cười, ai vậy Ðông? Vách đá. Ðông nghiêm nghị, ngồi thẳng người, vuốt vuốt mái tóc, nhìn chú Tư. Mình đã nghĩ ra một kế hoạch nhưng hơi tốn công, có lẽ đá lấy được nhiều gấp năm gấp mười. Nhìn cái phắc lên như cheo của người đàn ông hiền hậu, Ðông vắn tắt, hay mình làm thử đi lần trên đỉnh vách xoi thẳng xuống càng sâu càng tốt. Chú Tư im lặng suy tư, chắc chắn phải nhiều thời gian. Rồi đưa mắt thật xa, cái lo âu ngay hẳng bao giờ cũng lộ liễu thật chất phát, những nét nhăn vời vợi kéo lên trán môt vạch dài, vài giọt mồ hôi có thể đọng sâu ở đó. Trên gương mặt ủ rũ, sự thẩn thờ ngủ yên, chung quanh cảnh vật vẫn run rẩy theo từng con gió bay loang lổ. Ở đó, Ðông đã nằm xoa tay, hằng vạn ngôi sao đang chẩu môi bàn tán ngó hoài vào đôi mắt Ðông.

2 bis.

Mọi người đã có mặt, cũng như Ðông đang ngước cổ trông lên đám người trên đỉnh vách núi. Những sợi dây thừng, treo lủng lẳng từ những hôm trước, cũng còn phất phơ mệt nhọc trong gió. Gió thổi khá mạnh (hôm nào sức gió có lẽ cũng như vậy, sao mọi người cảm thấy hơi lạnh.) Ðông và chú Tư ngồi đâu lưng trong chiếc ghế bắt sẵn dưới chân núi, rầm rì.

Trên cao, những cái máy dùi đã dự bị, những dụng cụ xong chưa? Ðông nhìn đám người đang lúc chúc nhường nhau những chỗ đứng, những gương mặt đen rạn len lỏi vài hơi thở lo âu. Chiếc nón lưỡi trai lột phăng cầm gọn trong đôi tay nắm chặt, chú Tư nhìn Ðông khe khẽ mỉm cười, gật đầu. Ngọn gió núi lại vụt mạnh, Ðông gọi chú Tư, cười mơn man. Ngọn gió núi lại vụt qua. Cây cỏ ngẩng lên.

Mặt trời càng lúc chạy dài trên đỉnh đầu. Vách đá im lặng.