văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, October 1, 2012

PHAN * Bông Cúc Vàng

 

Sáng đầu thu mát rượi, ngồi ngoài quán vỉa hè Quê Hương ở Saigon Mall. Ngồi nghe gió thu về hanh hao giậu cúc trong nỗi nhớ mông lung. Tất cả từ bông cúc vàng trên cái kẹp tóc của cô bé theo mẹ đi chợ. Có cô bé nào không theo mẹ đi chợ để trở thành bà mẹ dắt con đi chợ sau này. Cũng như những chú bé đã từng theo cha đi câu, đi ta bà thiên địa-không cho mẹ biết… đang ngồi quán cà phê kể lại những kỷ niệm thật đẹp. Và chiều nay sẽ có những người cha dẫn con trai nhỏ đi câu cá, đi đá banh… Người cha Việt cũng không khác gì những người cha Mỹ to lớn, thật khó khăn cho ông ta ngồi xổm để mặc đôi giày trượt băng cho cô con gái bé tí trong sân trượt băng ở những trung tâm huấn luyện mà tôi đã thấy.

Có người cha đã già đang ngồi quán nói rằng, khi con cái còn nhỏ thì con trai thân vơi mẹ hơn vì nhu cầu lương thực, và con gái thân với cha hơn vì nhu cầu thích được nuông chiều… nhưng khi trưởng thành thì đổi lại cho cùng hệ. Bởi con trai có thể ngồi uống chai bia, coi đá banh, football với ông già tía; con gái thích tỉ tê với mẹ về thời trang, kiểu tóc, kem dưỡng da…

Chuyện ngoài quán cà phê, hiếm ai bất bình với vợ con trong gia đình hạnh phúc của mình. Chỉ khi chiều tà, từ Quê Hương chuyển qua Năm Hứa, trong quán bia thì mỗi ngài đều ngán ngẩm đường về nhà xa lắc lê thê với lắm cảnh sát. Nhưng cũng không khó bằng về tới nhà, phải đối diện với một nửa mà ban sáng nói khác bên quán cà phê Quê Hương. Suy ra rượu bia làm đứt dâu thần kinh thẹn của đàn ông, sáng nói một đàng chiều làm một nẻo. Người cha nọ nói xong bỏ chạy, không cho ai góp ý kiến gì hết. Thật ra, ông tới giờ đi đón cháu ở nhà trẻ.

Nhưng bông cúc trên cái kẹp tóc của cô bé theo mẹ đi chợ lại vàng hơn nắng đầu thu khi hai mẹ con trở ra parking để về. Một lão lụi ngồi quán nói về trà cúc sai bét. Lão không nói thì cũng không ai nói lão câm. Nhưng lão ngồi yên thì ai biết con nít sống lâu năm cũng có tóc bạc. Không chừng Quê Hương đóng cửa vì lão không được nói ở nhà nên mới ra đây! Xin Quê Hương đừng khó khăn với người thích nói.
Rồi một lão ông khác, ngẫu hứng chuyện rù rì của lão thì không ai hay. Chỉ thấy lão thở ra hơi thu mới đậm đà, “hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”. Chắc chắn là Tố Như tiên sinh không thể ngờ được là thơ của tiên sinh bay sang tới Mỹ. Tiên sinh chỉ thở dài, “Bất tri tam bách dư niên hậu/ thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.” Dù sao quán sáng cũng dậy lên mùi nhớ, không nhất thiết là mùi hương sang cả vì đời người di dân mấy khi được tiếp xúc. Mùi hương sáng đầu thu nơi viễn xứ dạt trôi của người Việt tha hương ngộ cố tri lẩn quẩn trong mùi ẩm thực nhiều hơn mùi hoa bưởi hoa nhài, hoa cau… Vì thế có người kể chuyện mùi bún mắm nghe chop đậm đà.

… Tôi có thói quen dậy sớm-dù cuối tuần. Cái thú rảnh rang ám ảnh người hưu trí nhưng hấp dẫn người đang đi làm thì ai cũng đã biết! Cuối tuần, tôi vẫn dậy sớm, tận hưởng cái thú pha ly cà phê không phải nhìn đồng hồ, không việc gì phải chịu nóng mà bưng ly cà phê ra xe để đổ lên đổ xuống trên đường tới hãng. Tôi thích nhâm nhi ly cà phê sáng cuối tuần, khi trời còn mát mẻ. Ngồi đọc báo khi chưa có tiếng kêu ông ơi; ba à! Là những giây phút bình yên…

Tôi thường hết ly cà phê và đọc tờ báo tôi thích thì đi cắt cỏ (xen kẽ với tuần rửa xe). Tuần đó tôi đang cắt cỏ thì anh bạn hàng xóm người Mỹ bước qua chào hỏi và nói: “Chiều nay, nhà tôi có tiệc. Là tiệc cưới của tôi. Tôi mong ông cho phép khách mời của tôi được đậu xe trước nhà ông vì chiều nay bạn bè tôi tới đông.”

Dĩ nhiên là tôi đồng ý ngay và chúc mừng hạnh phúc cho người hàng xóm. -Dù trong lòng tôi rất hoang mang… Thấy họ là hai vợ chồng, hai vợ chồng người Mỹ đông con vì hai trai, hai gái. Tuổi từ 16 tới 21. Tôi đoán thế! Rồi lòng tò mò nên sau cắt cỏ, tôi hỏi con tôi về nhà hàng xóm vì nó rành hơn mình. Thằng nhóc nhà tôi cho biết, “Ông, là cha của hai anh, đã ly dị vợ. Bà là mẹ của hai cô, đã ly dị chồng. Chiều nay ông bà làm đám cưới với nhau. Họ có mời con sang dự tiệc b.b.q chiều nay…” Nghe hết hồn với thằng nhóc la cà không thua mình hồi nhỏ.

Tôi cắt cỏ xong, cơm trưa xong trước 12 giờ để coi game football. Vậy là tôi ôm cái tivi miết. Có nghe tiếng nói cười của đông người nhà bên, họ ăn thịt nướng, uống bia và trò chuyện… nhưng sự việc biết rồi thì hơi đâu thắc mắc chi nữa. Cha con tôi cũng hò hét, la ó với Dallas Cowboy thì bà cụ sinh ra mấy đứa con tôi xuất hiện, la rầy… “lớn tiếng quá! Nhà bên hôm nay có đám cưới đó. Lịch sự với hàng xóm chút đi.”

Tôi với con tôi bớt ồn cho phải phép, tưởng bà cụ vô phòng luyện phim Hàn tiếp. Ai dè bà cụ đi nấu bún mắm ngoài patio để chiều nay đãi bạn. Trong khi tôi hết hiệp 3, thời gian chờ đợi hai đội chơi hiệp cuối thì đi lấy thơ cho kịp trả biêu (bills). Ra khỏi cửa nhà, tôi không biết mùi gì lan tỏa hết không gian rộng lớn của cả xóm. Thế là lấy thơ cho mau, về bẩm báo cụ bà xem nhà Mỹ kia ăn đám cưới món gì mà khiếp quá!...

Ai dè, nồi bún mắm của bà cụ nhà mình từ patio đã bốc mùi khắp không trung, gởi gió cho mây ngàn bay thênh thang chiều gió lộng… làm đám cưới bên kia giải tán.

Tôi nhớ hoài, nhớ hoài… gương mặt người hàng xóm nhìn tôi sau đám cưới. Tôi đoán, ông ta nghĩ tôi không phải người tốt vì buổi sáng thì vui vẻ nhận lời cho đậu xe, chúc mừng hạnh phúc… nhưng chiều phá đám người ta. Ông hàng xóm không thèm chào hỏi gì tôi nữa. Tới ông dọn đi nơi khác đã lâu mà tôi vẫn còn nhớ gương mặt lạnh lùng của ông chỉ vì mùi bún mắm.

Người khác kể ngắn gọn hơn về món độc của dân ta: Tôi làm hãng Mỹ nên người Việt tự bảo nhau đem cơm ăn trưa cũng cần tế nhị như sườn chiên, cải xào… thế thôi. Món gì nặng mùi thì chiều về nhà tha hồ ăn. Nhưng có người Việt nam mới qua nên chưa biết, chị ta hâm mắm kho trong microway. Gặp cái microway trong hãng tôi là loại dùng cho nhà hàng, nó hâm 1 phút bằng microway ở nhà mình hâm 5 phút, trong khi chị ta bỏ hâm microway rồi đi rửa tay để ăn cơm, mất mấy phút mới đại họa. Làm cả hãng nhốn nháo, có người Mỹ bất bình nào đó đã gọi xe cứu hỏa và xe cảnh sát tới! Đám Việt nam chúng tôi trốn luôn, bỏ bữa cơm trưa hôm đó vì quê quá trời…

Tối về, tôi tìm đọc về mùi hương trên mạng để xem các nhà khoa học giải thích thế nào về mùi bún mắm! Ai dè lò dò theo những đường link, lại gặp búm mắm từ trang blog “chuyện hàng ngày” Tác giả không đề tên nhưng viết rất hay, thật như đời sống hàng ngày của người Việt hải ngoại. Xin mạn phép trích dẫn:

Mùi.
Mấy tuần nay thòm thèm bún mắm, đã mua hũ mắm cá, tôm, mực, cà tím, xả… chỉ cần bật bếp lên nấu… rồi cứ chần chừ và đến tuần này thì chỉ còn sót lại hũ mắm . Lý do chẳng phải vì mình không biết nấu, hay vì không có ai ăn chung, mà vì cái mùi mắm.
Vài tháng trước, tất cả cửa sổ mở ra, mùi mắm lồng lộng, thơm ngát trong khi 2 thằng con vừa bịt mũi, vừa chạy lên lầu và la làng "nghẹt thở chết". Tô bún múc ra mất ngon vì nhìn thấy cái mặt nhăn nhó của 2 nhóc. Đến tối, lui cui thắp đèn cầy khử mùi, đun một nồi cà phê âm ỉ trên bếp, lau dọn lại bếp cho khử hết mùi mắm. Làm kỹ vậy mà trong từng phòng vẫn phảng phất cái mùi dân dã này. Nên lần này, mình ngại hơn nữa vì thu về, lạnh, khó mà mở hết cửa cả buổi.
Ghé nhà bạn chơi, chồng bạn lăng xăng đứng suốt ngoài vườn… "ổng canh nồi mắm kho. Phải nấu ở ngoài, mang vào ăn thôi. Nấu trong nhà thì không chịu nổi. Mà nấu hồi sáng sớm khi hàng xóm chưa thức để không phải tận hưởng cái mùi quê này..." Mình cũng định làm theo mà thấy lách cách mất công quá. Thôi nhịn. Cái mũi mình dạo này nhạy, nên việc khử mùi sau mỗi khi nấu ăn bắt đầu thành nỗi ám ảnh. Riết rồi tránh luôn các món thơm nức như cá chiên, chả giò, bánh xèo... Tối qua, vừa mở cửa vào nhà, Kevin la toáng lên, "có meatball tối nay phải không? Con ngửi thấy thơm quá!" Thấy vui vui...

Thôi thì tha phương, ăn để mà sống. Bao giờ về được quê ta thì tha hồ ăn những món khoái khẩu như ông ngoài quán cà phê ban sáng đã nói. Tôi chỉ cón một mẹo vặt chia sẻ với người viết blog là sau khi nhà đã nặng mùi. Bạn hãy bắc nồi nhỏ lên bếp. Đổ vào đó chừng một chén giấm chua, mở lửa nhỏ cho giấm sôi chậm… hơi giấm bay ra cả nhà, làm hơi gắt mũi nhưng không lâu sẽ hết mùi giấm và cả mùi mắm kho, chả giò, bánh tôm chiên, bánh xèo… mùi gỏi củ cải trắng với cà rốt mới khủng khiếp căn nhà khép kín vì máy lạnh, máy sưởi mà người Việt bất đắc dĩ phải ở trong thời gian chờ đợi hồi hương một ngày nào đó trong tương lai.