văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, October 4, 2012

Văn Quang * Giã từ Đoàn Xuân Ngọc


Đặc điểm khác là ông không bao giờ tốn tiền đi dancing, không chơi bất cứ thứ “cờ bịch” nào, chỉ lai rai thích nhậu.

Thưa bạn đọc,
Ở vào cái tuổi tôi, cứ vài tuần lại nhận được tin buồn về một người bạn đã “ra đi”. Dù quen thân hay sơ đều thấy nao nao một nỗi ngậm ngùi. Vậy trong bài này, trước hết xin phép bạn đọc cho tôi được gác lại chuyện thời sự vào đoạn sau để được vĩnh biệt một người bạn rất thân của tôi vừa từ trần.
Đó là ông Đoàn Xuân Ngọc, tục gọi là Ngọc Chả Cá, nhưng trong những loạt bài phóng sự của tôi từ trước những năm 1975 đến sau 75, ông là một nhân vật chính, mang “biệt danh” Ngọc Toét. Lại phải xin nói ngay rằng mắt ông không hề toét, sở dĩ tôi tặng ông cái nick name này vì ông thường hay dụi mắt mỗi khi cao hứng đấu láo với bạn bè. Vả lại cũng để dễ dàng phân biệt với nhiều ông Ngọc khác như Ngọc Khùng, Ngọc Ghẻ…
Ông Đoàn Xuân Ngọc từ trần tại San Jose vào lúc 01 giờ 45 sáng 25-9-2012, hưởng thọ 81 tuổi. Ông sinh vào tháng 9 năm 1932, hơn tôi đúng 1 tuổi, tôi cũng sinh vào tháng 9 nhưng là năm 1933. Ông mất sau khi các con ông và bạn bè tổ chức mừng sinh nhật của ông đúng 1 ngày.
Nếu bạn đọc đã từng nghe nói đến món ăn rất nổi tiếng là chả cá Hà Nội, thì đó chính là gia đình ông Ngọc Toét đã khai sinh ra cái cửa hàng ấy và nó còn tồn tại cho đến ngày nay vẫn ở nơi chốn cũ và vẫn là căn nhà cũ. Hiện nay cửa hàng do người em ông trông coi, vẫn đắt khách và vẫn mang hương vị “ngàn xưa”. Thỉnh thoảng ông Ngọc Toét từ Mỹ ghé về “cưỡi ngựa xem... cá thôi”. Hai anh em ông này rất giống nhau, nhìn là biết ngay. Cũng cao cao, gầy gầy, xương xương, mặt cũng hơi dài dài, và… mắt cũng không toét.
Một điều đáng ngạc nhiên là ông Ngọc sinh trưởng trong “môi trường chả cá”, đúng là “con nhà nòi” mà không hề biết ăn mắm tôm. Đặc điểm khác là ông không bao giờ tốn tiền đi dancing, không chơi bất cứ thứ “cờ bịch” nào, chỉ lai rai thích nhậu.

Anh hùng ngõ Chả CáÔng Ngọc nổi danh một thời ở Hà Nội khi còn rất trẻ. Khi chưa quen biết ông, tôi nghe thiên hạ đồn rằng hồi Hà Nội còn thuộc quyền cai trị của Pháp (vào thập niên 40-50), mấy anh Tây lai, Tây thật, dân học trường Tây hay bắt nạt mấy anh học trò Việt. Chúng nó toàn là công tử “nhà mặt phố, bố làm to”, cũng y chang như các con ông cháu cha bây giờ vậy. Có thằng bố là chánh sở mật thám, có thằng là con một chánh sở phủ Toàn Quyền…
Nhưng có lần chúng chui vào ngõ Chả Cá đánh lộn, ông Ngọc liền cắt tai một thằng Tây con khiến cả bọn từ đó không dám vênh váo ở Hà Nội nữa. Thế là ông thành “anh hùng Ngọc Chả Cá”.
Cho đến năm 1953, ông được lệnh động viên vào khóa 4 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ông ở Đại Đội 2, tôi ở Đại Đội 3, cách nhau một dãy nhà, giữa khu đó có một bãi cỏ, chúng tôi dùng làm sân bóng chuyền. Có những ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật không được đi phép ra Sài Gòn, chúng tôi quần thảo nhau ở bãi cỏ cho đỡ buồn. Tôi gặp “người hùng Ngọc Chả Cá” ở đó. Chẳng hiểu sao ông lại khoái tôi, rủ đi lên câu lạc bộ uống bia. Tôi không uống rượu từ nhỏ nên chỉ ngồi nhâm nhi ly cà phê.
Từ đó chúng tôi thân nhau, ông kể khối chuyện về những ngày thơ ấu. Nét đặc biệt nhất của Ngọc Chả Cá là nói chuyện rất có duyên mà không bao giờ cười. Ông nói thật hay bịa chuyện, nói dóc, chẳng biết đâu mà lần.
Có lần ông ngồi giữa Brodard với khá đông anh em, ông thản nhiên nói: “Tao mới gặp em ca sĩ XX… Em hỏi có biết tại sao mặt em bị rỗ hoa không?”. Anh em lắng nghe, ông nói tiếp: “Em kể, tháng trước mới cãi nhau với anh Hùng, anh ấy cãi hăng quá làm nước bọt bắn vào mặt em, thế là em bị rỗ hoa”. Những câu chuyện “ngất ngưởng” như thế khiến bạn bè rất khoái nghe ông đấu láo.
Từ đó, tôi lại có thêm một nhân vật phóng sự nữa là ông Hùng Sùi. Thật ra trong loạt phóng sự của tôi, có 3 nhân vật “trung tâm” là Ngọc Toét, Hùng Sùi và Mai Hắc Lào (đều là bạn thân của tôi), để làm “đối trọng” với 3 nhân vật ấy có 3 nhân vật “dân sự” là Pôn Húc Con, Pôn Húc Bố và bà Phán Phom.

Trên chuyến tàu ra Bắc
Tôi nhớ rất rõ, trên chuyến tàu Gascogne chở sinh viên sĩ quan từ Sài Gòn ra Bắc học stage cuối khóa vào khoảng cuối tháng 3 năm 1954, Đại Đội tôi và Đại Đội 2 học tại trường Commandos Nord Vietnam ở Bãi Cháy - Hạ Long; còn hai Đại Đội khác học stage ở Đồ Sơn. 3 ngày nằm trên tàu biển, Đại Đội tôi may mắn được nằm ở khoang tàu trên cùng, đỡ bị say sóng. Nhưng ngày 2 buổi đi xuống hầm tàu lấy cơm, vất vả hơn đi hành quân. Phải leo xuống chừng mười cái cầu thang hẹp té vừa đủ một người đi mới đến bếp. Hàng mấy trăm sinh viên sĩ quan chen chúc nhau, sức yếu, tôi lại chỉ nhờ vào tài “xung phong” của ông Ngọc Chả Cá và ông Hùng mới có cơm ăn.
Hai tháng ở trường Commandos quả thật gian nan, lúc đó mới biết cái cầu khỉ nguy hiểm như thế nào. Cơm để trên đỉnh núi, đi cano ra tập leo núi, không leo được đến đỉnh núi với 1 cái dây duy nhất thì nhịn đói. Còn phải học nhiều trò nguy hiểm nữa để trở thành một sĩ quan chỉ huy Commandos (hồi đó chưa gọi là Biệt Động Đội). Chúng tôi vẫn sát cánh bên nhau, chia sẻ những khó khăn và cùng tốt nghiệp khóa này.
Trở lại Trường Sĩ Quan Trừ Bị làm lễ mãn khóa xong là anh em xa nhau. Ông Ngọc về chiến đấu ở Sư Đoàn Bộ Binh, ông Hùng Sùi và Mai Hắc Lào về Nhảy Dù, tôi về làm huấn luyện viên Trường Comandos từ Bãi Cháy mới dọn vào Đồng Đế - Nha Trang (tháng 6-1954). Nhưng lại cái số, chỉ hơn một năm sau, tôi được lệnh về phục vụ tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý thuộc Bộ Quốc Phòng.

Bài báo duy nhất của Đoàn Xuân NgọcVào thời kỳ chiến tranh mới bộc phát tại miền Nam Việt Nam (khoảng 1960), chưa có nhiều phóng viên nên tôi và anh em trong tòa soạn mấy tờ báo Quân Đội thường phải đi làm phóng sự chiến trường. Mãi sau này, khi chúng tôi huấn luyện được một khóa Phóng Viên Tiền Tuyến, gửi về công tác tại các sư đoàn, các anh ấy đều rất xuất sắc, lúc đó tôi mới đỡ phải khăn gói ra máy bay bất cứ khi nào cần.
Một lần tôi đáp trực thăng xuống mặt trận vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, trên cánh đồng giữa tỉnh Chương Thiện. Chiến trận chưa kết thúc hoàn toàn, đây đó còn vương mùi khói súng, thỉnh thoảng còn nghe tiếng đạn nổ. Vừa xuống máy bay, đã thấy ông Ngọc Toét chạy tới. Tôi hỏi đùa: “Mày đánh trận này sao?”. Ông Ngọc cười ha hả: “Tao đấm chứ không cần đánh”. Sau đó ông tường thuật lại chi tiết trận đánh này, tôi chưa ghi chép xong thì trực thăng đã cất cánh tới Quân Khu 4. Còn một số chi tiết, về đến tòa soạn, tôi phải điện thoại hỏi lại ông Ngọc. Ông tường thuật, tôi viết bài, sau đó ký tên chung bài “Tường trình của Đoàn Xuân Ngọc và Văn Quang” trên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa.
Đó là bài báo duy nhất của ông Đoàn Xuân Ngọc.

Nhân cách đặc biệt của Ngọc Toét
Tôi phải nói thẳng ra là ông Ngọc có một nhân cách rất đặc biệt “không giống ai”. Ông quen biết nhiều, giao thiệp rộng từ “cánh giang hồ” đến “dân chơi Cầu Ba Cẳng” và cả những vị “ăn trên ngồi trước”. Nhưng với ai ông cũng cư xử giống nhau. Tốt là bạn, xấu là thù, rất rõ rệt, không cần màu mè riêu cua. Vợ một “ông lớn” nói ngang, ông “xạc” ngay tại chỗ. Ông luôn hết lòng vì bạn, không nghĩ đến mình. Vì vậy, bạn ông rất nhiều và ai cũng “khoái” ông. Tôi không dùng chữ “quý trọng”, bởi thật sự trong chữ “khoái” có cả lòng quý trọng rồi. Cái tin ông mất khiến anh em khắp nơi thương tiếc vô cùng, những cú điện thoại, những cái e-mail từ khắp nơi gửi đi, gửi đến tới tấp.
Mặc dù chúng tôi đều biết ông bị ung thư đến thời kỳ thứ tư. Vài tháng trước, khi điện thoại cho tôi, ông nói tỉnh bơ: “Tao đi khám, bác sĩ không cho thuốc gì hết, tao hết thuốc chữa rồi. Gửi lá đu đủ cho tao”.
Cháu Thanh, con gái ông về Sài Gòn gặp tôi, mang theo một bao lá đu đủ về Mỹ cho bố. Nhưng có lẽ đã là quá muộn. Tôi thường điện thoại hỏi bệnh tình ông, ông vừa đeo bình oxy vừa trả lời. Có khi khỏe, ông vui như Tết. Vẫn cái giọng “giang hồ”, bất cần đời, ông thản nhiên chấp nhận sự “ra đi”. Có lẽ những người bạn tôi, ở vào cái tuổi 80, ai cũng dễ dàng chấp nhận điều không ai tránh khỏi này. Nhưng ở ông sự chấp nhận ấy có vẻ “bình thường” như đi shopping.

Kỷ niệm cuối cùng
Trước đó một tuần, tôi gửi mail nhờ anh Hồ Đăng Trí sắp về Việt Nam, mua giùm chúng tôi 2 hộp thuốc tim mạch và cũng có lời dặn dò rằng nếu anh không lấy tiền, lần sau tôi không dám nhờ anh nữa. Anh Trí vui chuyện nói với ông Ngọc, ông nhất định đòi trả tiền 2 hộp thuốc. Ông Ngọc gọi điện thoại cho tôi bắt tôi phải nhận. Ông nói: “Tao sắp đi rồi, còn cái gì làm được cho mày thì tao làm”. Buộc tôi phải nhận. Ông linh cảm thấy ngày ra đi của mình nên trước khi Hồ Đăng Trí về Sài Gòn ngày 04-9, ông nói: “Chắc khi Trí về đến San Jose không còn gặp anh nữa đâu”.
Quả đúng như thế, Trí còn ở Sài Gòn, mới 5 giờ sáng đã gọi cho tôi báo tin ông Ngọc mất đêm qua rồi. Tuổi già không ngủ được, tôi thường dậy vào lúc 2-3 giờ sáng, lúc đó tôi đã nhận được hàng chục cái mail báo tin buồn này. Bà xã tôi khóc, tôi ngồi lặng, dù biết trước mọi chuyện sẽ phải đến như thế. Bà xã tôi kể lại là khi ông Ngọc về Sài Gòn ở nhà tôi, ông nói chuyện với một bà cô ở Hà Nội, bà xã tôi thấy ông chẩy nước mắt. Bà tự hào rằng: “Anh chơi với ông Ngọc gần hết cuộc đời mà chưa thấy ông Ngọc khóc. Em thấy rồi. Con người tình cảm của ông ấy sâu sắc lắm”. Có lẽ vì thế, ông có những người con trai và con gái ở bên ông rất có hiếu, rất thương bố. Cậu con trai đi làm về là buổi chiều đến tắm cho bố, con gái phục vụ bất cứ thứ gì ông cần. Mấy người con ông còn ở Việt Nam cũng hết lòng với bố như vậy.

Lời hứa năm trước không thực hiện được
Năm trước, ông về Hà Nội giỗ thân phụ, khi vào Sài Gòn, ông có nhiều bạn bè nhà cao cửa rộng, có ông còn có cả khách sạn, mời ông tới ở. Nhưng ông nhất định chui lên căn phòng nhỏ của tôi ở chung cư cùng chúng tôi. Ông chiếm cái bộ salon nhỏ, đồ đạc để đống dưới gầm bàn ăn, tiếp đủ loại khách ở đó, đêm nằm xem ti vi và nói chuyện đời xưa với tôi. Ông coi đó mới chính là cuộc sống của những anh già. Bảy ngày sau, khi ông gọi taxi ra phi trường về Mỹ, hai anh già cầm tay nhau, ông hứa: “Năm sau tao lại về với mày”.
Nhưng năm nay… không bao giờ ông Ngọc về lại cái chung cư nghèo nàn nhỏ hẹp này nữa! Ngọc ơi, ông ra đi có nhớ lời hứa này không? Hay là chúng ta hẹn gặp nhau ở một nơi vĩnh hằng?

Dân không ngu như các ông tưởng
Đến đây tôi trở lại với câu chuyện hàng tuần.
“Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân chưa có hành động quyết liệt trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, ngược lại còn đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng để giành được lợi thế trong kinh doanh hoặc được ưu tiên giải quyết công việc”.
Đó là nhận định gần đây nhất, trong buổi báo cáo tại phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam đầu tuần trước trong báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2012.
Nói rõ ràng hơn là nhận định này đổ tội tham nhũng lên đầu dân. Rõ ràng hơn nữa là tại người dân ngu quá nên mới có tham nhũng hoặc không diệt được tham nhũng vì “mấy anh dân đen”, cứ thích đút tiền cho quan để được giải quyết công việc nhanh chóng, chứ không phải do quan muốn “ăn tiền”. Quả là một nhận định “sâu sắc quái gở”. Có anh dân đen nào lại thích mang tiền mồ hôi nước mắt - có khi là cả máu - của vợ con mình đi dâng cho người khác. Có là khùng! Ông dân này vào nhà thương điên Biên Hòa từ lâu rồi.

Đút lót xong là muốn… chửi!Xin thưa thật một điều rất thật là anh dân đen đút tiền cho quan có chức có quyền, được một chữ ký xong là anh dân đen muốn chửi thề rồi. Chẳng qua anh ta không dám chửi ở nơi công sở vì sợ các ông… bỏ tù thôi, chứ về nhà là ông chửi vung thiên địa, chửi với vợ con, chửi với hàng xóm và ông ta sẽ “ghi nhớ đời đời” vụ đút lót này chứ không thể quên. Nhưng ra đường thì anh dân đen lại sống ngoan ngoãn… dưới pháp luật, dù pháp luật đôi khi vô tình với anh ta. Chẳng qua là anh dân đen không dám nói công khai vì nói công khai thì anh ta tiêu đời, bởi luật pháp quy định rằng người hối lộ cũng có tội, đi tù như chơi.
Quy định hiện hành thực chất đặt người đưa hối lộ và nhận hối lộ vào thế cùng thuyền.
Ông Trần Đức Lượng, phó tổng thanh tra Chính Phủ nói rằng: “Thực tế hiện nay có những trường hợp đưa hối lộ do bị gợi ý, ép buộc nhưng vì sợ ảnh hưởng đến công việc, quyền lợi của mình nên buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sau đó người đưa hối lộ tố cáo thì lại có thể bị truy tố vì tội đưa hối lộ”. Thật ra người đưa hối lộ hầu hết bị ép buộc chứ chẳng ít có ai tự nguyện, trừ thành phần bị bắt quả tang trộm cướp lừa đảo muốn chạy tội.

Cái sự đời tròng tréo
Mà anh dân đi tù thì đúng ngày đúng tháng mới được tha, chứ còn quan, tiếng là tòa xử đi tù lâu hơn, tội nặng hơn nhưng thường được giảm án tùm lum, có khi còn ra tù trước cả người mang tiền đi hối lộ.
Ấy cái sự đời nó tròng tréo như thế nên anh dân không dám ho he. Không dám ho he không có nghĩa là anh ta ngu, càng không có nghĩa là “dân trí kém”. Anh ta biết hết, hiểu hết, ghi nhớ lâu dài, nhưng không nói ra mà thôi. Chẳng tin thử làm một cuộc khảo sát 100 người dân xem, chắc chắn sẽ được câu trả lời là “bây giờ tham nhũng nhiều quá, đếm không hết, kể không xuể”. Tại sao anh “dân ngu” không nói? Còn một lý do dễ hiểu nhất là nói ra cũng bằng thừa, nó là thứ chuyện ai cũng biết như “đói phải ăn, khát phải uống” chứ có gì lạ đâu.
Cũng may, ngay sau khi báo cáo đọc, phó chủ tịch Quốc Hội Huỳnh Ngọc Sơn đã nói: “Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút. Không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng bôi trơn. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông”.

Ai được quyền đòi hối lộ?
Một thí dụ cụ thể trong… vô vàn thí dụ, trong tuần này, vụ án vừa được xử tại Bình Dương: “Thư ký tòa vòi tiền người đi kiện”.
Tạ Duy Việt được phân công tham gia vụ xử ông Tống Văn Đoàn (xã Thuận Lợi, huyện Động Phú) kiện đòi ông Lương Viết Chính (cùng xã) trả nợ 160 triệu đồng. Viên thư ký tòa này nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu ông Đoàn phải “bồi dưỡng” 15 triệu đồng mới can thiệp cho vụ án mau xét xử.
Ông Đoàn đồng ý đưa 5 triệu đồng nhưng Viết chê ít vì “cả ê kíp làm việc đâu phải chỉ mình tôi, bao nhiêu đó sao đủ”. Thấy thái độ vòi vĩnh của Viết quá quắt, nguyên đơn đã tố cáo.
Sáng 22-5, ông Đoàn báo tin là đã đủ tiền đang đậu xe máy ngay trước cổng toà, Viết liền chạy xe ra nhận 15 triệu đồng thì bị bắt quả tang.

Tha bổng cho người tố cáo tham nhũng
Những sự việc như thế là chuyện quá quen thuộc với người dân. “Cả ê kíp” đều ăn chứ chẳng riêng gì anh thư ký còm. Nhỏ thì vài chục triệu đồng, bắt chẹt từ anh khố rách áo ôm, đến lớn thì vài trăm triệu, vài tỉ đồng là “chuyện tất nhiên”, nhưng hàng trăm vụ mới có một vụ bị lôi ra ánh sáng. Bây giờ đã trở thành quá trắng trợn, quan đòi “đúng giá”, dân xin bớt, cò kè bớt một thêm hai như hàng tôm hàng cá giữa chợ, liêm sỉ không còn chỗ đứng. Người dân bán nhà, bán ruộng “chạy” cho quan ăn. Vậy mà khi tố cáo cũng có tội.
Cho nên, rất có lý khi ông Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị: “Bổ sung quy định xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo” vào dự án Luật Phòng Chống Tham Nhũng (sửa đổi).
Trong trường hợp ở Việt Nam, nạn tham nhũng đã trở thành “đại quốc nạn”, cần phải có một quan niệm về pháp lý rộng rãi hơn, phù hợp với tình hình hiện tại. Người dân sau khi đã đút lót cho quan, tự đứng ra khai báo thì được tha bổng, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó cũng là một cách khuyến khích người dân mạnh dạn tố tham nhũng, đỡ mất công úp mặt vào lu nước chửi thề cho hả dạ, vợ đỡ phải nghe những đêm ông chồng ấm ức không khác nào bị cướp, làm mất hạnh phúc. Nguy hại hơn nữa là ảnh hưởng tới tương lai của các con, bọn trẻ sẽ mang mãi bộ mặt xấu xa này của xã hội và có thể chúng sẽ nuôi cái mộng bằng mọi cách để được làm quan, để được ăn hối lộ, như thế tương lai của lớp trẻ sẽ bị đầu độc vô cùng tai hại.

Lại đến chuyện ông chủ ngân hàng chê dân trí thấp
Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí, ngày 25-8-2012 vừa qua, một quan chức ngành ngân hàng nói rằng: “Do dân trí, tập quán ở Việt Nam chưa cao như ở một số nước. Rất nhiều người dân hiện nay đi gửi tiền nhưng cũng không để ý đó là ngân hàng tốt hay xấu. Có khi chỉ vì ngân hàng này ở ngay đầu ngõ nhà mình nên mang tiền đến gửi cho thuận tiện. Nên cách làm của chúng tôi là tái cấu trúc từ bên trong để ngân hàng lành mạnh lên...".
Ông này nói có phần đúng nhưng là đúng với tình hình ngân hàng cách đây một năm, ngân hàng chưa có “vấn đề gì” đáng lo ngại. Còn sau vụ hàng loạt quan chức có dính líu đến ngân hàng bị điều tra khởi tố thì người dân khôn hơn nhiều. Người ta đã tìm đến những ngân hàng lớn hơn, vững vàng hơn, có lời hơn để gửi tiền. Phải nói thẳng là người dân còn khôn hơn ngân hàng của các ông nữa đấy. Bằng cớ là hiện nay hầu hết các ngân hàng đều có những “chiêu” khuyến mãi rất hấp dẫn, ngân hàng lách lãi suất, mời gọi khách hành bằng đủ kiểu kể cả việc gọi điện thoại cho người gửi tiền có số lượng khá lớn từ 1 vài tỉ trở lên. Người dân không dại gì tin ngay vào những lời quảng cáo đường mật này của các ông. Họ còn nghe, còn nhìn, còn so sánh giữa ngân hàng này và ngân hàng khác chán ra rồi mới đem tiền đi gửi. Họ gửi tiền vào những ngân hàng có uy tín, tình hình tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, người dân nào cũng nơm nớp đề phòng, có “biến chuyển gì” là tức tốc đến rút tiền ra ngay, dù anh có “mạnh” tới đâu chăng nữa.
Đừng tưởng dân ngu hơn các ông.

Đợi đến bao giờ mới có luật biểu tình?Một số vị khác đổ cho dân trí thấp cũng không phải là ít. Bên lề phiên họp Quốc Hội ngày 17-11-2011, đại biểu Quốc Hội Hoàng Hữu Phước khi trả lời báo chí đã nói rằng: “Khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành luật biểu tình”.
Vậy có phải vì dân trí thấp mới bầu ông làm đại biểu? Và ông nói đợi khi nào trình độ dân trí cao và kinh tế ổn định mới ban hành luật biểu tình thì đợi đến bao giờ? Năm sau hay 10 năm nữa? Sao ông không nói luôn rằng khi nào dân trí cao mới nói đến chuyện tự do dân chủ? Bởi sẽ có nhiều “kẻ xấu” lợi dụng tự do dân chủ, phản đối linh tinh. Còn bây giờ, ông cứ ra cái luật nào là người dân cứ cắm đầu thi hành, đừng có lộn xộn vì dân trí còn thấp?
Hàm ý của câu nói này khá rõ ràng nên cũng nhanh chóng vấp phải những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Ngay chính trên diễn đàn Quốc Hội, nhiều đại biểu Quốc Hội khác khi thảo luận về vấn đề này đã ủng hộ đề nghị của Chính Phủ là cần xây dựng luật biểu tình. Thế thì, hà cớ gì đại biểu Hoàng Hữu Phước lại cho rằng, trình độ dân trí Việt Nam chưa cao để xây dựng dự án luật biểu tình? Nếu có luật và áp dụng đúng luật, ít nhất người dân cũng hiểu được biểu tình thế nào là đúng luật, biểu tình kiểu gì thì bị bỏ tù?
Đừng đổ tội cho dân trí thấp. Hãy nhìn lại xem mình thấp hay cao hơn dân. - (VQ)