văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, December 13, 2012

NGUYỄN HỮU THỐNG * HIẾN CHƯƠNG NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM



Năm 1986, khi nhận Giải Hòa Bình Nobel, nhà văn Elie Wiesel đã minh thị cam kết:
“Tôi thề sẽ không bao giờ im tiếng nếu ở đâu và khi nào con người còn bị đau khổ và đầy đọa. Chúng ta phải nhập cuộc. Trung lập chỉ có lợi cho kẻ đàn áp. Im lặng là khuyến khích kẻ áp bức. Do đó chúng ta phải can thiệp. Khi đời sống con người bị đe dọa, phẩm giá con người bị chà đạp, các biên thùy quốc gia không còn quan trọng nữa. Nơi nào con người bị hành hạ vì lý do tôn giáo, chính trị hay chủng tộc, nơi đó lập tức trở thành trung tâm của vũ trụ.”
Từ 3 thập niên Việt Nam là địa bàn hoạt động mà cũng là môi trường sinh động của những cuộc tranh luân và lên tiếng về nhân quyền. Ở đây nhân phẩm bị chà đạp, đời sống của người dân bị đe dọa, con người bị đàn áp vì lý do tôn giáo, chính trị, chủng tộc hay thành phần xã hội.
Đặc biệt là, sau cuộc Cách Mạng Dân Chủ tại Đông Âu và Liên Xô năm 1991 có hàng trăm tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo đã bị bắt giữ, truy tố và kết án về những tội danh giả tạo hay cưỡng ép như phản nghịch, gián điệp, phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia, tuyên truyền chống nhà nước, lợi dụng quyền tự do dân chủ v...v... Không tháng nào không thấy những vụ đàn áp khủng bố, hăm dọa sách nhiễu, điều tra giam giữ hay kết án oan ức các công dân lương thiện có lòng với đất nước và có dũng cảm đứng lên đòi Tự Do, Công Lý, Dân Chủ và Nhân Quyền. 
Để phản ứng lại, các Chính Phủ và Quốc Hội các nước dân chủ tiên tiến, các Hội Bảo Vệ Nhân Quyền trên thế giới, các Nghiệp Đoàn Ký Giả Không Biên Cương và các Tổ Chức Văn Bút Quốc Tế đồng thanh cảnh giác nhà cầm quyền Hà Nội về những vi phạm nhân quyền, đồng thời phản kháng và đòi nhà cầm quyền phải tôn trọng nhân quyền bằng cách trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
Nếu nhân quyền có tính toàn cầu, bất khả phân, liên lập và liên quan với nhau thì sự can thiệp và nhập cuộc của nhân loại văn minh cũng có tính toàn cầu, thường xuyên, tức thời và đồng bộ.
Ngày nay, theo quan niệm nhà văn Elie Wiesel, Việt Nam đã làm thức tỉnh lương tâm nhân loại và trở thành trung tâm của vũ trụ.
Trình bầy về những vấn đề nhân quyền tại Việt Nam nhằm đề xướng, phát huy, tôn trọng và thực thi quyền con người tại Việt Nam. Đồng thời để góp phần vào việc tìm kiếm các phương thức nhằm loại trừ hữu hiệu những vi phạm nhân quyền trên thế giới. Đây là một công trình nặng về tình tự dân tộc và tình thương nhân loại.
Trong chiều hướng đó, soạn thảo và công bố Hiến Chương Nhân Quyền Cho Việt Nam không phải chỉ để dành riêng cho người Việt, mà còn để thúc đẩy các dân tộc và các quốc gia đang trên đường phát triển tại Á Phi và Châu Mỹ La Tinh hội nhập vào trào lưu dân chủ hóa và toàn cầu hóa.
Có như vậy nhân quyền mới được thực sự tôn trọng và thực thi đem lại tự do hạnh phúc cho con người, hòa giải thân thiện cho các quốc gia, thông cảm bao dung cho các dân tộc, tiến tới một Thế Giới Đại Hòa trong tinh thần bình đẳng, hợp tác và hữu nghị.
Đây là giấc mơ ngàn đời của nhân loại theo đó người trong bốn biển đều là anh chị em.
Muốn xây dựng tự do dân chủ cho Việt Nam đường lối hữu hiệu nhất là đấu tranh cho nhân quyền. Vì nhân quyền là mục tiêu chung của những người Việt Nam yêu nước, là mẫu số chung để kết hợp lòng người.
Mặt Trận Nhân Quyền chủ trương truyền bá nhân quyền, đấu tranh đòi thực thi nhân quyền và phản kháng những vi phạm nhân quyền.
Muốn phát động phong trào phải nâng cao dân trí và chấn hưng dân khí.
Để nâng cao dân trí trước kia chúng ta có Phong Trào Truyền Bá Quốc Ngữ. Ngày nay, trong kỷ nguyên thông tin, để khai thông dân trí chúng ta có những phương tiện truyền thông tân kỳ.
Muốn chấn hưng dân khí chúng ta phát động Phong Trào Truyền Bá Nhân Quyền để phổ biến những kiến thức nhân quyền cho quảng đại quần chúng nhất là giới học sinh sinh viên là những người thiết tha với tiền đồ dân tộc. Có kiến thức nhân quyền người dân sẽ có ý thức nhân quyền. Có ý thức nhân quyền người dân sẽ biết rõ họ có quyền đòi nhà nước thực thi những quyền gì, và những quyền này đã bị tước đoạt ra sao? Từ đó họ sẽ công phẫn và cảm thấy tủi hổ phải sống dưới một chế độ phi nhân, độc tài, tham nhũng, bất công và bất lực. Từ chỗ phẫn tâm đó mới nẩy ra ý chí đấu tranh.
Nhân quyền từ đâu mà có?
Từ khi con người biết sống hợp quần trong xã hội để thành lập quốc gia, giữa người dân và quốc gia có những nghĩa vụ hỗ tương phát sinh từ một khế ước mặc nhiên mệnh danh là khế ước xã hội. Chiếu khế ước này người dân có nghĩa vụ phải đóng thuế để nuôi dưỡng quốc gia, phải đi lính để bảo vệ bờ cõi của quốc gia. Chiếu nguyên tắc quân bình giữa quyền lợi và nghĩa vụ, để đáp lại những hy sinh về sinh mạng và tài sản của người dân, quốc gia cũng có nghĩa vụ phải bảo đảm cho người dân những quyền căn bản như quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là những dân quyền xuất phát từ tư cách công dân.
Nhân quyền bao quát hơn và có trước dân quyền. Nhân quyền áp dụng cho tất cả mọi người, từ đứa trẻ hài nhi đến các trú dân. Nhân quyền xuất phát từ nhân phẩm, từ giá trị bẩm sinh của con người. Đây là những quyền của con người (human rights) như những quyền dân sự chính trị, mà cũng là những nhu cầu của con người (human needs) như những quyền kinh tế xã hội và văn hóa giáo dục. Những quyền này xuất phát từ tư cách con người và tư cách công dân.
Các nước tự do dân chủ đặt vấn đề nhân quyền toàn diện, gồm cả những quyền kinh tế xã hội (cơm ăn áo mặc, y tế giáo dục) và những quyền dân sự chính trị (tự do nhân thân, tự do tinh thần, tự do chính trị).
Theo quan điểm của các nhà lập quốc Hoa Kỳ những vấn đề kinh tế xã hội chỉ có thể được giải quyết thỏa đáng trong chế độ tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh với sự trọng tài của một chính quyền dân chủ do người dân tự do bầu lên. Vì nếu không có một chính phủ dân chủ thì những lợi ích kinh tế đạt được rồi cũng sẽ bị phe cầm quyền tước đoạt bằng tham nhũng và lạm quyền. Lịch sử đã chứng minh rằng những nước tự do dân chủ đã giải quyết thỏa đáng hơn những nhu cầu kinh tế xã hội và văn hóa giáo dục của người dân.
Từ thế kỷ 13 Anh Quốc ban hành Đại Hiến Chương (Magna Carta), đề xướng và bảo vệ quyền tự do nhân thân của người dân, không bị bắt bớ, giam giữ, lưu đầy hay hành quyết nếu không có bản án hợp pháp của hội thẩm đoàn nhân dân xác nhận tội trạng chiếu theo luật pháp quốc gia. Đại Hiến Chương không cho phép nhà nước bắt giam phòng ngừa, quản thúc tại gia hay “quản chế hành chánh” những người đối kháng có dũng cảm đứng lên đòi cải thiện đường lối và chính sách quốc gia.
Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ (1776) nhìn nhận quyền bình đẳng của con người là một chân lý hiển nhiên, và đề xướng những nhân quyền căn bản như quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đây là những quyền bẩm sinh, bất khả xâm phạm do Tạo Hóa ban cho con người.
Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp (1789) nêu lên 3 mục tiêu tự do, bình đẳng, bác ái, quan niệm nhân quyền là những quyền tự nhiên, thiêng liêng, bất khả chuyển nhượng của con người. Tuyên Ngôn cảnh giác nhân loại rằng: “Sự phủ nhận, khinh miệt hay lãng quên nhân quyền là những nguyên nhân đem lại đại bất hạnh cho người dân và sa đọa cho chính quyền. Mục đích của mọi tập hợp chính trị là để bảo toàn những quyền tự nhiên và bất khả chuyển nhượng của con người như quyền tự do, quyền tư hữu, quyền an ninh và quyền đối kháng bạo quyền”.
Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) cũng dành cho người dân quyền đối kháng.
Từ thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên một số Nho Gia tiến bộ cũng chủ trương người dân có quyền đứng lên lật đổ bạo quyền: “Giết vua tàn bạo cũng như giết kẻ độc phu” (Tuân Tử); “Ta chỉ nghe nói giết tên Trụ chứ không nghe nói giết vua” (Mạnh Tử). Đó là quan niệm quý dân khinh vua (dân vi quý, quân vi khinh) mở đường cho chế độ dân chủ với một “chính quyền bởi dân, của dân và vì dân” (Lincoln).
Năm 1941, tại diễn đàn Quốc Hội Hoa Kỳ, Tổng Thống Franklin Roosevelt đề xướng 4 quyền tự do căn bản (The 4 Freedoms):
1. Tự do ngôn luận (freedom of speech).
2. Tự do tín ngưỡng (freedom of belief).
3. Quyền được giải thoát khỏi sự túng thiếu (freedom from want).
4. Quyền được giải thoát khỏi sự sợ hãi (freedom from fear), sợ hãi do nạn xâm lược bên ngoài và chuyên chế bên trong.
Lời Mở Đầu Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng nhắc lại 4 quyền căn bản này: “Việc đạt tới một thế giới trong đó mọi cá nhân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, được giải thoát khỏi sự sợ hãi và sự khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người.”
Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp đề xướng những nguyên tắc về dân chủ pháp trị:
1. Tự do là quyền được làm mọi điều mà không gây thiệt hại cho người khác.
2. Điều gì luật pháp không cấm là cho phép.
3. Công dân được quyền bình đẳng tham gia công vụ.
4. Mọi người được suy đoán là vô tội.
5. Không ai có thể bị quấy phá vì những quan điểm về tư tưởng hay niềm tin về tôn giáo. Quyền tự do phát biểu quan điểm là một quyền cao quý nhất của con người.
Công Ước Dân Sự Chính Trị Liên Hiệp Quốc (1966) nêu lên 7 nhân quyền căn bản không thể bị đình chỉ dầu trong tình trạng khẩn trương hay chiến tranh:
1. Quyền sống.
2. Quyền không bị tra tấn hành hạ.
3. Quyền không bị nô lệ hay nô dịch.
4. Quyền không bị câu thúc thân thể vì thiếu nợ.
5. Quyền không bị kết án về một tội hình sự do những hành động không cấu thành tội hình sự chiếu luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế, luật pháp quốc tế là những nguyên tắc hình luật tổng quát được thừa nhận bởi cộng đồng các quốc gia (như Luật Quốc Tế Nhân Quyền).
6. Quyền được công nhận là con người có tư cách pháp nhân để được quyền bình đẳng trước pháp luật.
7. Quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo.
Chiếu Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (1945) các quốc gia hội viên cam kết cộng tác với Liên Hiệp Quốc trong việc tôn trọng và thực thi nhân quyền trên toàn cầu.
Vì nhân quyền có tính toàn cầu, bất khả phân, liên lập và liên quan với nhau, quốc gia có trách nhiệm tiên khởi và có nghĩa vụ phải thực sự thi hành đầy đủ và đồng đều nhân quyền và những quyền tự do căn bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc quốc gia, thành phần xã hội, tài sản, dòng dõi, hay bất cứ thân trạng nào khác.
Với Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, vấn đề nhân quyền đã được quốc tế hóa. Từ nay các quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc không thể chủ trương rằng việc họ thủ tiêu, tàn sát hay đàn áp các công dân của họ chỉ là vấn đề nội bộ!
Để kỷ niệm ngày ban hành Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, ngày 10 tháng 12 mỗi năm được gọi là Ngày Quốc Tế Nhân Quyền.
Năm 1994, Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Nghị Quyết Chung lấy ngày 11 tháng 5 mỗi năm là Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam. Nghị Quyết này đã được Tổng Thống Hoa Kỳ phê chuẩn và ban hành để trở thành Luật Công Pháp ngày 25-5-1994 (số 103. 258), với nội dung chủ yếu như sau:
“Quốc Hội Hoa Kỳ yêu cầu Chính Phủ Hà Nội:
1. Phóng thích tất cả các tù nhân chính trị.
2. Bảo đảm cho nhân dân Việt Nam quyền bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt tín ngưỡng, chính kiến, hay đoàn thể trong quá khứ.
3. Phục hồi các nhân quyền căn bản như tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do di chuyển và tự do lập hội.
4. Bãi bỏ chế độ độc đảng.
5. Công bố một phương án và lịch trình tổ chức tổng tuyển cử tự do và công bằng dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc để nhân dân Việt Nam được hành sử quyền dân tộc tự quyết”.
Lập trường chung thủy của nhân dân và Quốc Hội Hoa Kỳ gây cảm hứng cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi Tự Do, Công Lý, Dân Chủ và Nhân Quyền.
LUẬT QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN.
Nhân quyền và những quyền tự do căn bản được quy định thành văn trong Luật Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc ban hành sau Thế Chiến 2. Mục đích để đề cao nhân phẩm, đem lại tự do hạnh phúc cho con người, hoà giải thân thiện cho các quốc gia, thông cảm bao dung cho các dân tộc, tiến tới một Thế Giới Đại Hòa trong tinh thần bình đẳng, hợp tác và hữu nghị.
Luật Quốc Tế Nhân Quyền bao gồm những điều khoản nhân quyền trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (1945), Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) và Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1998), Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự và Chính Trị (1966) và Công Ước Quốc Tế về những Quyền Kinh Tế Xã Hội và Văn Hóa (1966). Ngoài ra còn có khoảng 50 công ước bổ túc và khai triển như Công Ước Chống Diệt Chủng (1949), Công Ước về Quy Chế Tỵ Nạn (1951), Công Ước Chống Kỳ Thị Chủng Tộc, (1965) Công Ước Chống Kỳ Thị Phụ Nữ, (1979), Công Ước Chống Tra Tấn Hành Hạ (1984), Công Ước về Quyền của Thiếu Nhi (1989) v...v...
Thoạt kỳ thủy, cũng như các bản tuyên ngôn ý định, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) chỉ có giá trị tinh thần, nhằm đưa ra những quan niệm chung và những tiêu chuẩn để giải thích nhân quyền trong khi chờ đợi các Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự Chính Trị và về những Quyền Kinh Tế Xã Hội Văn Hóa. Hai Công Ước quốc Tế này đã được Liên Hiệp Quốc biểu quyết thông qua năm 1966. Và mãi đến năm 1976 hai Công Ước này mới được phê chuẩn để có hiệu lực chấp hành. Trong thời gian gần 3 thập kỷ chờ đợi, nhân loại văn minh không có Luật Quốc Tế Nhân Quyền. Trong khi đó nhân quyền là một vấn đề nóng bỏng. Từ 1948, mỗi năm Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhận đuợc khoảng 20 ngàn đơn khiếu tố các chính phủ vi phạm nhân quyền. Để bổ xung vào sự khống khuyết này, các quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc đã minh thị xác nhận giá trị pháp lý của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền trong các Công Ước Nhân Quyền Liên Châu, các Hiệp Ước Quốc Tế và các Đại Hội Quốc Tế Nhân Quyền như:

  1. Công Ước Nhân Quyền Âu Châu (1950) với 22 quốc gia kết ước.
  2. Hiệp Ước Hòa Bình Nhật Bản (1951) với 49 quốc gia kết ước.
  3. Đại Hội Quốc Tế Nhân Quyền Teheran (1968).
  4. Công Ước Nhân Quyền Mỹ Châu (1969) với 21 quốc gia kết ước.
  5. Công Ước Helsinki (1975) với 35 quốc gia kết ước.
  6. Hiến Chương Phi Châu về Nhân Quyền và Dân Quyền (1981) với 52 quốc gia kết ước.
  7. Hiến Chương Paris (1990) ký kết bởi 34 vị nguyên thủ quốc gia sau khi Đông Âu giải thể Cộng sản.
  8. Đại Hội Nhân Quyền Vienna (1993) với sự tham dự của hơn 170 quốc gia và trên một ngàn hiệp hội nhân quyền ngoài chính phủ.
Năm 1976, với sự phê chuẩn 2 Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự Chính Trị và về Những Quyền Kinh Tế Xã Hội Văn Hóa, Liên Hiệp Quốc chính thức ban hành Luật Quốc Tế Nhân Quyền (International Bill of Human Rights).
Luật Quốc Tế Nhân Quyền là văn kiện pháp lý quan trọng nhất trong thời đại chúng ta. Hai Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền là hai hiệp ước quốc tế quan trọng nhất trong lịch sử loài người.
Bước sang thiên niên kỷ mới, chúng ta kỳ vọng rằng, rồi đây bạo lực sẽ nhường chỗ cho thuyết phục, chiến trường sẽ nhường chỗ cho hội trường và chiến tranh thế giới sẽ bị thay thế bởi luật pháp quốc tế. Trong niềm tin tưởng đó chúng ta công bố HIẾN CHƯƠNG NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM.

Luật Quốc Tế Nhân Quyền đề xướng Quyền Dân Tộc Tự Quyết và 26 Nhân Quyền căn bản.

QUYỀN DÂN TỘC TỰ QUYẾT.

Quyền thiết yếu trong chế độ dân chủ là quyền dân tộc tự quyết.
Về mặt quốc nội, dân tộc tự quyết là quyền của người dân được tự do lựa chọn chế độ chính trị kinh tế của quốc gia, và tự do lựa chọn các đại biểu của mình trong chính quyền để thực thi chế độ đó. Trong chiều hướng này người dân có quyền tự do lựa chọn các chế độ chính trị như Quân Chủ Lập Hiến (Anh, Nhật, Thái Lan ...), Cộng Hòa Dân Chủ (Hoa Kỳ, Pháp, Ấn Độ ...) hay Dân Chủ Xã Hội (Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Úc, Tân Tây Lan ...). (Chế độ Cộng Sản mệnh danh là Xã Hội Chủ Nghĩa không do nhân dân lựa chọn mà do Đảng Cộng Sản áp đặt sau khi cướp được chính quyền bằng bạo lực).
Dân tộc tự quyết gồm có quyền tự do tuyển cử và quyền tham gia chính quyền để thiết lập chế độ dân chủ pháp trị. Lời Mở Đầu Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng nhận định rằng: “Điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền.”
Theo Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ “khi chính quyền vi phạm nhân quyền, người dân có quyền lật đổ chính quyền để thiết lập một chính quyền mới đặt căn bản trên những nguyên tắc và thể chế thuận lợi nhất cho việc bảo đảm an ninh và hạnh phúc của con người. Lịch sử đã chúng minh rằng nhân loại thường muốn chịu nhẫn nhục khổ cực hơn là muốn đứng lên đấu tranh để giải trừ các chế độ đã thiết lập từ lâu. Tuy nhiên với thời gian, nếu chính quyền vẫn ngoan cố tiếm đoạt và lạm quyền để siết chặt guồng máy thống trị bạo tàn bằng chế độ chuyên chính tuyệt đối, người dân có quyền và có nghĩa vụ đứng lên lật đổ chính quyền để giành lại những bảo đảm cho cuộc sống tương lai. Trải qua bao nhiêu giai đoạn đàn áp chúng ta đã thỉnh cầu chính quyền cải tổ bằng những lời lẽ nhu hòa nhất. Vậy mà bao nhiêu thỉnh cầu kế tiếp của chúng ta chỉ được trả lời bằng những thóa mạ thường xuyên. Chính quyền này đã biểu lộ cá tính của một bạo quyền. Nó không còn xứng đáng lãnh đạo một dân tộc tự do”…
Tâm trạng và ý nguyện của người dân Hoa Kỳ cách đây hơn 200 năm cũng là tâm trạng và ý nguyện của người dân Việt Nam hôm nay.
Về mặt quốc tế dân tộc tự quyết là quyền của các quốc gia được có chủ quyền độc lập và quy chế bình đẳng trong cộng đồng thế giới. Muốn xây dựng Thế Giới Đại Hòa trên căn bản bình đẳng, hợp tác và hữu nghị các cường quốc phải thực thi quyền dân tộc tự quyết.
Điều Thứ Nhất của hai Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự Chính Trị và về những Quyền Kinh Tế Xã Hội Văn Hóa khuyến cáo các đế quốc có trách nhiệm cai trị, bảo hộ hay giám hộ các quốc gia khác phải thực thi quyền dân tộc tự quyết chiếu Điều 55 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng kêu gọi các quốc gia hội viên hợp tác trên căn bản bình đẳng và hữu nghị, loại trừ những vi phạm quyền tự quyết của các dân tộc do chế độ đế quốc, cũng như vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền của các dân tộc và các cá nhân được sử dụng các tài nguyên và nguồn lợi thiên nhiên của đất nước do sự cưỡng chiếm lãnh thổ hay lãnh hải (Lời Mở Đầu).
Sau Thế Chiến 1, năm 1919 tại Hội Quốc Liên (League of Nations), tổ chức tiền thân của Liên Hiệp Quốc, Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đề xướng quyền dân tộc tự quyết, khuyến cáo các đế quốc Tây Phương từng bước trả tự trị và độc lập cho các thuộc địa Á Phi. Hưởng ứng đề nghị này Anh Quốc trả độc lập cho Canada tại Mỹ Châu và A Phú Hãn tại Á Châu.
Cũng trong năm này tại Paris Luật Sư Phan Văn Trường, Chủ Tịch Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước hướng dẫn Kỹ Sư Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) đến yết kiến Tổng Thống Wilson để đệ trình Thỉnh Nguyện Thư của Dân Tộc Việt Nam, trong đó có đoạn như sau:
“Từ sau chiến thắng của Đồng Minh [chúng tôi kỳ vọng rằng] kỷ nguyên của Luật Pháp và Công Lý sẽ khai mở do sự thừa nhận quyền dân tộc tự quyết, đem lại hy vọng cho các dân tộc bị trị. Trong khi chờ đợi sự thực thi quyền dân tộc tự quyết, dân tộc Việt Nam xin đệ trình các Chính Phủ Đồng Minh và Chính Phủ Pháp những thỉnh nguyện khiêm tốn như sau:

  1. Ban hành đại xá cho các chính trị phạm Việt Nam.
  2. Ban hành quyền bình đẳng trước pháp luật, bãi bỏ hệ thống tòa án đặc biệt.
  3. Ban hành tự do báo chí và tự do ngôn luận.
  4. Ban hành tự do lập hội và tự do hội họp.
  5. Ban hành tự do di trú và tự do xuất ngoại.
  6. Ban hành tự do giáo dục.
  7. Thiết lập chế độ pháp trị.
  8. Thành lập Phái Bộ Thường Trực Dân Cử Việt Nam cạnh Quốc Hội Pháp để đạo đạt những thỉnh nguyện của quốc dân Việt Nam tới Quốc Hội Pháp”...
Khi Thế Chiến 2 còn đang tiếp diễn, Hoa Kỳ và Đồng Minh công bố Hiến Chương Đại Tây Dương (1941) và Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc (1942), cam kết sẽ thực thi quyền dân tộc tự quyết và trả độc lập cho các thuộc địa khi chiến tranh kết thúc.
Mùa Xuân 1945, 50 quốc gia Đồng Minh họp Hội Nghị San Francisco để chính thức thành lập Liên Hiệp Quốc. Điều Thứ Nhất Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đề xướng quyền dân tộc tự quyết, chủ trương tôn trọng chủ quyền độc lập của các quốc gia, chấm dứt chế độ thuộc địa.
Chấp hành những cam kết ghi trong Hiến Chương Đại Tây Dương
(1941), Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc (1942) và Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (1945)trong 4 năm, từ 1946 đến 1949tất cả các đế quốc Tây Phương như Anh, Pháp, Mỹ, Hòa Lan đã lần lượt tự giải thể để trả độc lập cho 12 thuộc địa Á Châu chiếu nguyên tắc dân tộc tự quyết:
- 5 nước thuộc Anh là Ấn Độ, Đại Hồi, Miến Điện, Tích Lan và Palestine.
- 5 nước thuộc Pháp là Syrie, Liban, Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao.
- Cùng với Phi Luật Tân thuộc Hoa Kỳ, và Nam Dương thuộc Hòa Lan.
Năm 1947 Anh Quốc trả độc lập cho Ấn Độ, Đại Hồi và đăng ký hai quốc gia này là những nước độc lập tại Liên Hiệp Quốc. Cũng trong năm này, Cao Ủy Pháp tại Đông Dương và Quốc Trưởng Bảo Đại ký Hiệp Ước Sơ Bộ Vịnh Hạ Long theo đó Pháp cam kết thừa nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam sau những cuộc thương thuyết chính thức. Năm 1947 Pháp đã đăng ký Việt Nam là quốc gia độc lập tại Liên Hiệp Quốc (Everyone’s United Nations trang 332, ấn bản 1986).
Chủ quyền độc lập của Việt Nam được chính thức thừa nhận trong Thông Cáo Chung Vịnh Hạ Long năm 1948. Và ngày 8-3-1949 tại Điện Elysée Paris, Tổng Thống Pháp Vincent Auriol ký với Quốc Trưởng Bảo Đại Hiệp Định Elysée để trả độc lập cho Việt Nam. Qua tháng sau, ngày 23-4-1949, chiếu nguyên tắc dân tộc tự quyết, Quốc Hội Địa Phương Nam Kỳ biểu quyết sát nhập lãnh thổ Nam Kỳ vào Quốc Gia Việt Nam độc lập và thống nhất từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu. Một tháng rưỡi sau, ngày 6-6-1949, Quốc Hội Pháp phê chuẩn Hiệp Định Élysée về việc tái thống nhất Việt Nam, chấm dứt chế độ thuộc địa tại Nam Phần.
Và ngày 2-2-1950, Quốc Hội Pháp phê chuẩn toàn bộ Hiệp Định Élysée ngày 8-3-1949 với 12 Phụ Ước và 30 Đính Ước. Đồng thời Quốc Hội Pháp cũng phê chuẩn các Hiệp Định trao trả độc lập cho Ai Lao ký ngày 20-7-1949, và cho Cao Miên ký ngày 8-11-1949. Như vậy về mặt quốc tế công pháp, từ 1949, cùng với 9 quốc gia khác tại Á Châu, 3 nước Đông Dương Việt Miên Lào đã giành được độc lập thống nhất bằng đường lối đấu tranh chính trị và ngoại giao, không võ trang và không đổ máu.
Mặc dầu vậy Hồ Chí Minh đã phủ nhận 3 Hiệp Định Đông Dương ký kết tại Điện Elysée năm 1949, vì các Hiệp Định này không cho Đảng Cộng Sản Đông Dương độc quyền lãnh đạo quốc gia. Và họ đã tiếp tục phát động chiến tranh võ trang trong suốt 40 năm, từ 1949 đến 1989, để cướp chính quyền và bành trướng chủ nghĩa bá quyền. Như vậy Đảng Cộng Sản đã vi phạm quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam muốn sống trong một chế độ tự do dân chủ và không bị áp đặt chế độ độc tài vô sản, hay đúng hơn, chế độ độc tài của Đảng Cộng Sản để thống trị vô sản và nhân dân.

Kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền
10-12-2012
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
Sáng Lập Viên và Cố Vấn Mạng Lưới
Nhân Quyền Việt Nam

Thơ: NGÔ NGUYÊN NGHIỄM



                                                                                                                                                                       

tranh Nguyen van Bay


NGÀY TRỞ LẠI THẤY QUÊ XƯA
NHƯ BÓNG CHIM TĂM CÁ

Chiều đứng trên bờ con suối cạn
Bỗng nghe chim động ở trong lòng
Trở lại hay mình một bến sông
Nước chảy lạnh lùng bên gió hú

Tàng cổ thụ gie nơi trú ngụ
Mươi năm ẩn náu bóng giang hồ
Bẻ giáo quăng vào đám củi khô
Đốt lửa hơ xem đời ấm lạnh


Thảng thốt ngày qua cơn trường mộng
Bờ sương lá cỏ ngựa đạp vùi
Hoảng tiếng mưa bay vũ khí rơi
Bìa rừng ngun ngút đêm trăng tạnh

Thấp thoáng bước qua vùng cỏ lạnh
Lắng tai tiếng sói vọng lưng trời
Vầng trăng hoang vắng treo lên soi
Chẳng đủ khói bay mờ trời đất

Vắt vẻo cành cây vài tiếng nấc
Nhà còn trơ cột mấy hàng cau
Lặng nằm như một bóng chim sâu
Rên rỉ gậy già quăng góc xó

Mái tóc bông lau còn bỏ đó
Kênh vàng đã cạn vó xuân thu
Lá không còn để rụng  đêm thâu
Bới đất chẳng hay con dế nhảy


Ta đứng trong bầu trời động đậy
Nghe mùa cây cỏ khóc vang vang
Mơ hồ tiếng trống mới bay ngang
Bằn bặt tình người Đông Sơn cũ

Cổ nhân đi, về theo phong vũ
Mà lòng đâu trả được trăng tà
Áo vàng mới trải trước sân nhà
Mong mỏi hứng được vài hình bóng

Bốn phương còi giục về lồng lộng
Ngựa già hí lá rụng tả tơi
Chập chùng bóng núi dựng phương tây
Từng buổi đón hoàng hôn vắng lặng

Từng buổi đàn chim về lãng đãng
Ngàn năm gió mới một lần hay
Quê nằm chờ đợi bóng ai đây
Vàng vọt soi lên bờ suối cạn.

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM

ĐI SỨ

Bãng lãng chiều lên sầu nhập cốt
Mênh mông lau sậy nhà lưa thưa
Ngó chim về núi rừng cô quạnh
Đất khách đêm sương ngày nắng mưa

Quái lạ sao ta cũng dột lòng
Đứng bên ụ nhỏ hồn bâng khuâng
Mây trời lơ đãng bờ biên giới
Chở chút âm thanh tiếng nhái rền

Khách là cỏ dại đứng bên đường
Nghe gió đưa về lời chiến quốc
Thương cửa nhà tranh có mái tóc
Bạc đầu theo gậy trúc chờ mong

Ở cuối chân trời thăm thẳm xa
Gã thư sinh trẻ quen kinh sử
Thấy trên vọng gác con chim bay
Chợt hú lớn vài hơi phẫn nộ

Rượu cứ rót đầy lòng khách vậy
Ngựa xe im giữa khoảng đường về
Nước loang loáng bóng trăng chênh chếch
Soi xuống sầu chưa đụng đáy ly

Có lúc lặng ngồi trên mặt sông
Vốc phù sa nổi lều bều rác
Lục bình trôi suốt dòng sông đục
Hồn lạnh lùng như tiết lập đông

Tiếng muỗi vo ve tiếng ốc dồn
Vài hơi nổ dội tung bùn đất
Kẻ đi sứ trái tim hơn sắt
Chợt sắc se theo đám dế mèn

Ngọn cờ ai dựng khắp bờ kênh
Cây cỏ ngu ngơ leo lách đứng
Ta rút sáo ngồi lên bãi trận
Chiều vàng rơi giọt nắng chiêu linh

Ta. Con sâu nhỏ đo phương hướng
Ở góc trời thăm thẳm bóng hư
Bỗng thắm thía lời thơ Đỗ Phủ
Chập chờn một ngọn gió xuân thu…

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM


Wednesday, December 12, 2012

LỆ HẰNG * T Ó C M Â Y





Tôi đứng lặng người trước khung cửa nâu đen của phòng chàng . Tay tôi buông xuôi và run rẩy trong cơn mơ huyền hoặc . Hành lang hôm nay tự nhiên dài hun hút . Buổi chiều hôm nay tự nhiên ngừng hơi thở . Tôi đã lang thang trên những con đường êm mơ bóng cây . Tôi đã nhủ thầm sẽ tìm đến chàng vào giờ mà một ngày sắp tàn, vào giờ mà chàng cô đơn nhất, một mình với phím đàn, với nhạc sầu Chopin .

Tôi đã nhủ thầm với mình, tôi đã vỗ về trái tim nồng buốt yêu đương là sẽ tìm đến chàng, sẽ gõ nhẹ ba tiếng lên cánh cửa nâu đen . Chàng sẽ hiện ra giữa khung cửa mờ mờ đèn vàng hắt ra . Sau lưng hàng chiếc dương cầm kiêu sa chờ đợi . Rồi không đợi chàng mời tôi ngồi, rồi không chờ chiếc áo tôi muốn chiếc áo chùng đen dài lượt thượt của chàng quăng vào xó tủ, để chàng mặc sơ mi xanh nhạt, quần tây đậm màu như trưa hôm nào bất ngờ tôi đẩy cửa vào tim, chàng ngồi quay lưng ra ngoài đang mải mê đọc sách .
Cổ sơ mi xanh nhạt và vùng gáy gờn gợn đam mê trong tôi, tôi đứng nhìn chàng tim như ngừng đập, lúc chàng ngẩng đầu lên thốt nhẹ .
- A Kim!
Tôi muốn gọi thầm "anh ơi" mà không dám .
Chàng nhìn tôi:
- Có chuyện gì đó Kim ? Sao cha thấy Kim có vẻ buồn buồn .
Tôi cúi đầu mân mê chiếc kẹo hồng nước mắt rưng rưng:
- Tại cha đó .
Chàng ngạc nhiên:
- Tại cha ? Cha chẳng hiểu gì cả .
Tôi muốn hét lên "anh phải hiểu, phải hiểu rằng em đang yêu anh".
Tôi ngẩng mặt lên, tôi vụt đứng dậy, khoảng cách còn quá ngắn khi tôi tiến dần đến chàng .
Đôi mắt, đôi mắt thật tuyệt vời cúa chàng có một vùng trời đang xao động ngất ngây trong đó . Tượng Chúa gục đầu dưới một vòng gai, chàng để trên mặt chiếc dương cầm bóng loáng bỗng như sáng lên . Tôi lảo đảo ngồi phệt xuống ghế, môi tôi mấp máy nói không ra lời, những lời khe khẽ như hơi thở, nhưng chàng nghe được:
- Xin lỗi, Kim xin lỗi cha, tha thứ cho Kim .
Chàng hiền từ:
- Chắc con đau rồi Kim ạ, học dữ quá đó mà, để cha đàn những bài Kim thích, rồi về nhà ngủ cho khỏe nghe không .
Tôi ngoan ngoãn gật đầu . "Chúa ơi, chút nữa thì con làm tan vỡ mộng đẹp như sao băng Chúa nhỉ ? Không được, chàng cao quí quá, con phải giữ gìn tình yêu âm thầm này mãi mãi cho êm đẹp đời chàng".
Chàng ngồi trước đàn, dáng nghiêng nghiêng, chút nắng chiều hắt vào từ vuông cửa sổ, làm bóng chàng chìm chìm nổi nổi trong tranh tối tranh sáng . Sóng mũi cao cao, mái tóc gợn buồn như mây trời phiêu lãng .
Âm thanh vang lên chạy khắp căn phòng chàng, rồi âm thanh tung tăng quấn quít ngoài khung cửa . Tôi đứng nhìn chàng đàn, hồn tôi xao xuyến, tim tôi ngất ngây, chàng chìm trên phím ngà; tôi chìm trong mê say .
Tôi tiến đến đứng sau lưng chàng khe khẽ hát theo, chàng vẫn đàn, phiến lưng xa xăm gợi thèm cơn mỏi . Tôi nóng bừng hai má, cơn rạo rực căng căng da thịt dậy thì trong tôi .
Tôi tròn mắt rồi tôi mím môi lại lùi dần cho xa chàng chút nữa, chút nữa . Một hương thơm ngai ngái nồng nồng phả ra từ lưng chàng, gáy chàng . Nỗi đam mê, niềm ân hận xâu xé hồn tôi .
Một tiếng gọi thầm nhắc tôi hãy ra về, hãy để chàng yên bình trong đời tu sĩ, hãy để chàng với những bản thánh ca vời vợi nỗi yêu thương thần thánh . Một trái tim nồng cháy tình yêu, đòi tôi hãy ở lại, hãy tiến đến gần chàng, hãy cúi xuống để tìm nụ hôn đầu đời yêu dấu .
Tôi như một tên trộm rình mò của quí báu . Tiếng đàn rưng rức trong cung sầu Tristeste . Tôi nghẹn ngào ngó chàng, lúc đàn chàng gần tôi như người yêu gần gũi người yêu, cùng lúc chàng xa tôi như bóng mờ hạnh phúc trên đỉnh gió lao xao . Tôi thương mình đến quắt quay đau đớn, tình câm nín đẹp vô ngần, nhưng chua xót vô biên .
Chàng đứng lên . Tôi bàng hoàng nhìn sâu vào mắt chàng, hai bờ mi rậm che hờ màu mắt buồn lênh đênh . Chàng cười khẽ:
- Kim hết đau chưa ? Mai gặp má Kim, cha sẽ nói bà cấm Kim đọc sách . Đau đầu hoài mà không chừa gì cả .
Tôi lắc đầu:
- Cha đừng lo, Kim không đau nữa mô . Kim khỏe nhiều rồi mà . Cấm Kim đọc sách thì Kim làm chi bây giờ hở cha ?

Chàng lắc đầu:
- Bướng lắm ha, vừa thôi nhé, thần kinh Kim yếu lắm đấy . Để cha nói má gả chồng cho rồi .
Tôi tròn mắt ngó chàng:
- Không . Kim không thích cha đùa như rứa . Kim không cần ai thương Kim mô . Kim có chết cũng mặc xác Kim kia mà . Cha có cuộ c đời của cha .
Chàng ngạc nhiên vì cơn giận bất ngờ của tôi:
- Con gái mới lớn rắc rối thật . Cha chịu thua rồi đó, chắc hôm nay cha đàn hơi vụng phải không Kim ?
Tôi bùi ngùi:
- Không . Kim xin lỗi cha, tại cha coi thường Kim quá,c ha chẳng để ý gì đến Kim cả .
Chàng hững hờ:
- Thế à ? Cha đâu có biết . Chắc muộn rồi đó, thôi Kim về nhé kẻo má mong chết .
Tôi tiu nghỉu đứng lên, cúi đầu chào chàng rồi lui ra ngoài . Thêm một chiều đẹp đã tan vào dĩ vãng . Thêm một chiều đẹp mình lại bơ vơ .
Tôi lang thang dưới những hàng phượng vĩ đầy hoa đỏ ven sông . Con đường Lê Lơi giờ này im vắng lạ . Hai bên đường cỏ mọc xanh, êm như tấm thảm . Tóc tôi bay bay . Gió sông nhè nhẹ đưa lên, văng vẳng tiếng ai hò lênh đênh trên sóng nước, văng vẳng tiếng hát nào từ khung cửa nhà ai quên khép kín .
Tôi giận tôi vô chừng . Dự định bao nhiêu lần, rồi mỗi chiều lại trở về tay trắng bơ vơ . Chàng vẫn không hay biết hoặc cố tình không biết . Tôi vẫn trằn trọc từng đêm với mối tình đơn phương đầy cách biệt . Có tiếng gọi tôi ơi ới đàng sau:
- Kim ơi Kim! Mi đi mô về rứa ?
Tôi quay lại mỉm cười với Phương, cô bạn thân cùng lớp:
- Chiều đẹp nên lang thang chơi, có chi lạ hôn mi ?
Phương nhe chiếc răng khểnh:
- Sướng chưa, lãng mạn ghê hỉ . Tao đi ghi tên ở Văn Khoa đây mi nợ . Mi định học chi Kim ?
Tôi ngập ngừng:
- Chưa biết nữa, mạ tao bảo nghỉ ở nhà bà dạy nấu nướng ba cái đồ chua ngọt mai mốt về hầu chồng . Mạ tao sợ học riết tao điên mi nợ .
Phượng cười giòn:
- Ngộ ác, cũng hay đó, mạ mi nhắm ai chưa mà chuẩng bị ráo riết rứa mi ?
Tôi lắc đầu:
- Mô, có ai đâu mi, bà nói rứa chứ tao đâu có chịu . Học ba cái bánh mứt với lại kho trách cá nục chán mớ đời mi hỉ .
Phương nheo mắt:
- Mi cũng chì đó chứ, đau đầu quanh năm mà thi chi đậu nấy, thấy mi đậu bình tụi nó ngán dữ .
Tôi cười:
- Tán vừa thôi chứ, mũi tao dài ra cha mô thèm mê nữa hí ?
Phương dí mũi tôi:
- Càng đẹp chứ răng, mũi nhòm mồm càng tây mi nợ .
Tôi kê Phương:
- Quê! Bà ni chẳng biết chi cả, mốt mới người ta đang thích mũi hếch kia kìa . Ngó kiêu sa lắm mi nợ .
Phương hỏi:
- Rứa hả, kiêu sa lắm hả ? Ở Huế mình chưa có chỗ mô sửa mũi mi hỉ ?
Tôi lên giọng người lớn:
- Tự nhiên đẹp hơn chứ bộ, sửa sang này nọ tốn tiền thí mồ, tụi mình mua sách cũng phải nhịn quà vặt, bàn chi chuyện xa vời nớ mi .
- Ơ, ờ ... nói cho vui vậy mà .
Phương thì thào :
- Có hai tên theo mình mi tề, chết cha, mần răng chừ mi ?
Tôi len lén quay lại, có người đang làm cái đuôi dài dài cho hai đứa thật . Hai anh chàng cao cao, tóc để dài, đang phì phèo hút thuốc .
Chẳng đứa nào rủ, tôi và Phương đều che vội nón bài thơ lên đầu .
Phương láu lỉnh:
- Cũng khá khá mi nợ, đẹp trai chứ hỉ ?
Tôi suỵt :
- Con khỉ, khẽ chứ, nó nghe được thì chết .
Phương nghiêng nón:
- Theo lúc nào mà mình không biết tề, cha, lúc nớ tao nói to qua, bô bô giữa đương, e tụi hắn nghe được mắc cỡ chết đi được .

Tôi càu nhàu:
- Im cái miệng đi nào, ai biểu mi léo nhéo hoài, phải làm bộ tỉnh khô như không chứ mi .
Phương gật đầu kéo nghiêng vành nón bài thơ có tết quai nhung tím, mắt Phương sáng long lanh, nụ cười chúm chím sau quai nón xinh .
Hai chàng thấy chúng tôi nghiêng nón hơi kỹ có vẻ sốt ruột nên tiến sát lên ép tôi và Phương vào lối cỏ . Phương đỏ bừng hai má, con bé thật kỳ, lí lắc không chịu được, chê con trai ỏm tỏi cả ngày, vậy mà có chàng nào theo chân tay cứ ríu cả lại, mắt chớp lia lịa thấy mà thảm . Anh chàng đeo kính trắng lên tiếng:
- Chiều đẹp quá, hai cô cho phép chúng tôi đi chung mô;t quãng đường nhé .
Phương nhìn tôi, môi tôi mím lại dấu một nụ cười:
- Đường của chính phủ, mời hai ông cứ tự nhiên cho .
Anh chàng có đôi mắt dài, tình tứ nói:
- Con nhà ai mà ăn nói dễ thương rứa ? Ngọt cứ như đường phèn . Xin lỗi hai cô, đường ni tên chi đây ạ ?
Phương nhập cuộc dù mắt vẫn chớp, run run hai hàng mi cong:
- Đường Lê Lợi, có rứa mà cũng hỏi, kỳ!
Hai chàng cười, chàng mắt nhung tấn công:
- Không, chúng tôi muốn hỏi tên của con đường mà không có bảng nào của chính phủ ghi nổi kia .
Tôi nháy Phương:
- Ông ấy hỏi mi tề .
Phương đỏ mặt:
- Chi rứa, mi nói không được sao ?
Tôi nghiêng thêm bờ nón:
- Đường "áo trắng bay". Thôi xin phép hai ông hỉ .
Hai chàng cũng khá đàng hoàng, nghiêng người kiểu cách chào chúng tôi rồi đi lên cầu Tràng Tiền cong cong những nhịp buồm .
- Mong có dịp gặp lại hai cô, cám ơn hai cô nhiều lắm ạ . Tôi tên Thụy, anh bạn tôi tên Quang .
Khi hai lưng áo sơ mi nhgà nhuộm chút nắng chiều trên nhịp cầu chơi vơi, Phương mới dám cười toe toét với tôi:
- Hết hồn, cha! Tim tao muốn rụng luôn mi nợ .
Tôi càu nhàu:
- Mi kỳ thấy mồ, người ta theo thì can chi mô mà mi run như cầy sấy hỉ .
Phương lí nhí:
- Tao cũng nói được đó thôi, run mô mà run, con ni hách dữ, hôm nay mi la tao hoài hỉ .
Tôi bật cười:
- Tiến bộ dữ, ở nhà mi léo nhéo hoài, la em như bà la sát rứa mà răng gặp con trai mi câm như hến, buồn cười quá .
Phương bỗng nhìn tôi đăm đăm:
- Ừa, mọi khi mi cũng như tao, nhát như thỏ đế răng hôm nay mi ăn nói ngon lành rứa ? Ngọt sớt với con trai thấy mà sợ luôn .
Tôi thở dài:
- Rứa hả, có lẽ tại tao bắt đầu biết đau khổ .
Phương tròn mắt ngó tôi:
- Mi nói chi lạ rứa, mi cũng đau khổ cơ à ?
Tôi ngao ngán:
- Đến một lúc nào đó tuổi thơ sẽ bỏ chúng mình . Có điều chuyện tao gay go quá, tao điên lên được mi nợ .
Phương tò mò:
- Tao chẳng hiểu mô tê chi cả . À, mi yêu ai phải không ?
Tôi ngập ngừng:
- Ờ, có phải tự nhiên mình cứ nhớ họ hoài, mình muốn gặp họ suốt ngày là yêu phải không mi ?
Phương lên giọng bà cụ:
- Đúng rồi . Yêu là chết trong lòng một tí mà mi . Mi chết một tí hay chết cả người hở mi ?
Tôi lầm bầm:
- Khổ điên lên được mi còn đùa . Chán mi chi lạ .
Phương cười:
- Thì thôi, điều tao nghĩ mắc mớ chi mà mi buồn . Mi nói mạ mi gả cho họ là xong chứ gì . Mạ mi cưng mi kinh khủng cơ mà . Bà lại lanh nữa, chuyện chi bà cũng làm được hết .
Tôi xót xa:
- Không bao giờ tao dám nói với mạ, bởi vì người tao yêu không bao giờ lấy tao mô mi . Họ có thèm để ý đến mình đâu .

Phương kêu:
- Á à, tình một chiều hả ? Con ni rứa mà ngu, thì làm cho họ phải biết, dễ ợt, thiếu gì cách .
Tôi cáu:
- Thôi bà im đi, con nít mà bày đặt dạy khôn người ta hoài . Đoạn trường sai có qua cầu mới hay . Mi cứ lo ăn lo ngủ cho rồi phận mi đi, nói ngu như con bò .
Phương giận:
- Con ni kỳ, hôm nay mi dễ ghét chi lạ, khó tính như bà già . Thì kệ xác mi chứ ai rỗi hơi cho mệt . Cáu kỉnh hoài chó nó thèm yêu .
Tôi đỏ mặt :
- Kệ tui ư, thôi về đi "mệ", để xem ai yêu mệ .
Phương dịu giọng khi thấy tôi rưng rưng nước mắt:
- Tao xin lỗi mi, đừng giận nghe mi, tao thương mi hoài à . Đừng thèm yêu ai nữa mi .
Tôi cười gượng:
- Thôi, dẹp chuyện ni qua một bên mi hỉ . Mi nói đúng, đừng thèm yêu nữa là xong .
Phương xiết nhẹ tay tôi:
- Tao về nghe, mai qua tao đi ăn bánh bèo Vĩ Dạ hỉ .
Tôi gật đầu đứng nhìn Phương đi vào con ngõ hẹp . Con ngõ xinh với hai hàng dậu thưa . Áo trắng Phương vờn gió, tóc thề Phương đựng bóng dáng chiều bay bay màu nắng nhạt . Bờ nón nghiêng nghiêng, dáng mềm như lá cỏ . Phương xinh như một áng thơ say . Lòng tôi bùi ngùi . Hồn tôi xót xa . Tôi thương mình, tình đầu son sắt trao nhầm chỗ . Cho đi không trọn, giữ lại thêm đau . Tôi gọi thầm, lời tình âm vang trong tim óc mù mờ:
"Anh ơi, em khổ quá đi anh, ước chi em được quyền yêu anh, nhu bao nhiêu cô gái khác trên đời này yêu người tình của họ ".

Vũ Đức Nghiêm

 
 
Khi giông tố loạn cuồng thung lũng nhỏ,
Giữa đêm sâu.bừng nở đoá hoa thần.
Ta bàng hoàng rung động cả châu thân
Như cánh bướm phân vân mùa hợp tấu.

Từng đêm vắng, ta gọi người yêu dấu
Lời dịu êm như gió nhẹ thì thầm,
Cả ngàn lần, ta gọi khẽ, bâng khuâng
Nghe dĩ vãng lâng lâng niềm thương nhớ:
Ơi Ly Cơ! ơi Tình Yêu Lầm Lỡ!
Đêm mê cuồng bỡ ngỡ gọi tên em
Mây bay cao, ngờ xiêm áo vương thềm,
Nhìn sao nhớ mắt em ngời lóng lánh.
Ơi Ly Cơ! ơi Thiên Thần Gẫy Cánh!
Khát vọng ngàn xưa sống dậy chập chờn
Sâu vô cùng trong tiềm thức cô đơn.
Son phấn cũ ngát thơm hương ngự uyển.
Thuở em về, cả núi đồi rung chuyển
Sao trời đêm ngời sáng ngọc lưu ly
Dạ lai hương ngào ngạt lối ta đi
Dìu em bước dưới khung trời sương khói
Vào Mê Cung .. ..Nhạc tiêu thiều nhẹ trổi,
Đêm huyền hồ ảo giác lạnh xương da.
Đón em về, sông nước gợn âm ba,
Ôi giây phút trao nhau tình bỡ ngỡ,
Dung quang em, sao cực kỳ rạng rỡ,
Ta nghiêng mình cúi xuống nụ hôn thơm
Ngan ngát hương lan, rời rụng linh hồn
Trôi lãng đãng ngàn trùng khơi viễn xứ.
Ta đưa em vào thiên thu tình sử,
Rồi nghẹn ngào thương nhớ bóng giai nhân.
Hờn chia phôi chất ngất đến lạc thần,
Đau choáng váng đáy mộ phần tâm thức
Hương phấn cũ khơi sâu niềm ray rứt,
Ta gục đầu lệ ướt đẫm xiêm y.
Ảnh hình xưa đài các đến kiêu kỳ
Chợt thoáng hiện rỡ ràng trong tiếc nuối:

Khoé hạnh đong đưa, mây trời chết đuối,
(Mây soi mình trong dòng suối long lanh).
Ngón tay thon mềm, tháp bút mong manh,
Từng mơn trớn dỗ dành ta hờn giận.
Tóc buông lơi, cho liễu dài ngơ ngẩn
Gót chân son tha thướt gấm hài thêu
Trong Mê Cung bừng rực dáng tiên kiều
Làm lịm tắt cả nắng chiều chang chói.
Ta si dại ngước nhìn em, bối rối,
Tự đáy hồn buốt nhói dậy chiêm bao.
Linh hồn ta vụt chắp cánh bay cao
Bay lên cõi trăng sao, miền quên lãng..
Nhớ thương rồi, ta mơ về dĩ vãng:
Lối cỏ mòn vương ánh nắng hoàng hôn,
Vườn đào nghiêng nghiêng lũng thấp cô thôn
Nghe ríu rít tiếng chim non rộn rã.

Trời vần vũ, tình gọi tình vật vã,
Ta bàng hoàng từ giã mộng Liêu Trai
Mà khôn nguôi thương nhớ gái Dao đài.
Rèm chao động, mái hiên ngoài thoáng hiện.
Thắp nén hương lòng rưng rưng ước nguyện
Đợi em về, xao xuyến gót kiêu sa.
Phấn trầm vương lưu luyến bước ngọc ngà.
Toàn thân ta vỡ oà như tê dại.
Thoảng trong gió, mùi hoắc hương thần thoại,
Gió lay màn, mê mải ngắm dung nhan.
Phải em từ Quần Ngọc xuống trần gian?
Rồi vào hư vô, biến tan bằn bặt?

Như dòng thác bạc thủy ngân trong vắt
Đổ xuống tràn vào Vô Thức lãng quên.
Ta say sưa, ôm ghì chặt Ưu Phiền,
Rồi kiêu hãnh phá lên cười ngạo nghễ.
Ném cả bình sinh vào lòng Hưng Phế,
Ngẩng mặt nhìn đời, thách đố Thương Đau .
Xa em rồi, tình ta biết về đâu?
Thương em nghẹn lời, nước mắt chìm sâu!

Vũ Đức Nghiêm
 
 


Huy Phương * Rối Bời Chữ Nghĩa


                                


Tuần trước tôi vừa « nhập viện » . Nói cho cam , chẳng phải tôi xin
vào Viện Mồ Côi làm gì vì đã quá già , cũng không phải vào Viện Hán
Học xin thầy mấy chữ thánh hiền , vào Viện Thẩm Mỹ để sửa sang lại
dung nhan , cũng chẳng phải vào viện Nghiên Cứu Mác- Lê Nin của ông
Hoàng Minh Chính để làm quái gì , vậy mà bạn bè , bà con cứ nói một
hai là tôi « nhập viện » .

Đơn giản là tôi mới vào nhà thương , hay nói chữ nghĩa là tôi vào nằm
bệnh viện , cái gì mà cứ nằng nặc một hai gán ép cho tôi là « nhập
viện » , cho danh chính ngôn thuận , nếu gọi nhà thương là viện thì
bệnh nhân nằm nhà thương gọi luôn là « viện sĩ » cho được việc . Cũng
như trước đây mấy chục năm , bọn Cộng Sản cứ một hai đòi « cải tạo »
chúng tôi và đặt cho chúng tôi một danh từ khá kêu là « cải tạo viên »
.
Từ trước năm 1975 , chúng ta chữ nghĩa có lẽ còn ít ỏi , lại không
thích dùng quá nhiều chữ Tàu , nên những chữ chúng ta dùng rất đơn
giản , thế mà ngày nay ... Ngày nay , ngay cả những bạn ngày xưa dạy
học cùng trường , sau này trong những cuốn đặc san của các cựu học
sinh , cũng uốn viết , uốn lưỡi để nói rằng : « ... năm 1972 , tôi «
nhận công tác giảng dạy » tại trường X » nghe tức anh ách cả bụng . Đi
dạy học thì cứ nói là đi dạy học , cần gì phải gọi là nhận công tác
giảng dạy .

Ở Hải Ngoại nhiều bậc thức giả đã lên tiếng về cái điều gọi là loạn
chữ nghĩa , mà cách dùng chứng tỏ CSBV lệ thuộc vào văn hoá Tàu Cộng
một cách quái đản , khiến người ngoài nước không hiểu nổi khi đọc chữ
nghĩa của người trong nước .
Những chữ có « mùi Tàu » quen dùng và đã ảnh hưởng không ít đến
truyền thông và người Việt ở Hải Ngoại vẫn thường nhan nhản thấy và
nghe hằng trăm , nghìn chữ nghĩa nghe rổn rảng như những miếng sắt va
chạm nhau của anh mù đấm bóp của những ngày tháng Sài Gòn năm xưa ,
như những chữ « chất lượng » , « liên hệ » , « đăng ký » , « xuất khẩu
» , « tranh thủ » , « khẩn trương » , « nhất trí , « hồ hởi - phấn
khởi » , « bức xúc » , « nghiêm túc » , « quân hàm » , « sự cố » , «
tham quan » , « chuyển ngữ » , « quá độ » , « cực kỳ » ... « thể tạng
» con người thì trong nước dùng là « cơ địa » , nghe qua bạn có hiểu
nổi không ? « Triều cường » là gì ? « Vĩ mô » là gì ? Nào là « chùm »
, nào là « luồng » ! Phải chăng phải tra cứu loại « tự điển Cộng Hoà
Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam » mới hiểu nổi . Các bạn nghĩ thế nào với
những danh từ kỹ thuật số ( digital ) , máy quét ( scanner ) , phần
mềm ( software ) ...

Trong địa hạt giao thông , vận tải không biết sao những người chuyên
về các vấn đề này lại là những người thích dùng chữ mới , nghe rất kêu
, cứng ngắc như « bê tông cốt sắt » nhưng rất vô nghĩa và xốp ruột như
loại « bê tông cốt tre » , sản phẩm nổi tiếng của XHCN . Bạn nghĩ thế
nào với những « cụm từ » ( lại nói theo kiểu mới ) như « kéo giảm tai
nạn » , « ùn tắc giao thông » , « phân luồng xe chạy » , « bố trí lệch
ca » để nói về giao thông , vận tải .

- « Trong quá trình bê tông quá độ bị lún , sự cố bất ngờ các khuyết
tật nên các đơn vị dược giao nhiệm vụ quản trắc phải báo cáo diễn biến
đột xuất của hầm chui , và tôi đề nghị nâng tĩnh không của cầu lên từ
3 M lên 3 ,5 M » ( nói về cầu Văn Thánh ) .

- « Chốt lại vấn đề kích cầu sản xuất , tiếp theo mạch phân công nhiệm
vụ phải tuỳ vào sự giải trình cũng như thái độ cầu thị của Bộ Trưởng »
.

- « Phạm trù quản lý đô thị hiện nay có rất nhiều bất cập , mảng đô
thị của chúng ta nói rất mờ nhạt » .
- » Phạm trù chuyên chở đại chúng chưa được phủ kín đến vùng dân cư
đông đúc mà còn tồn tại nhiều lỗ hổng » ( phát biểu của Bộ Trưởng Giao
Thông ) .

- « PMU 18 là sai phạm nghiêm trọng , bộc lộ yếu kém ở cấp vĩ mô , xin
ông cho phóng viên nắm bắt giải trình cụ thể » ( câu hỏi của phóng
viên nhà báo ) .

- « Vốn kiên cố hoá trường học giải ngân quá chậm » ( Ông Bộ Trưởng
Giáo Dục nói về ngân sách giáo dục ) .
Những chữ nghĩa loại này nhan nhản trên báo chí , đài phát thanh ,
truyền hình trong nước ( Việt Nam Cộng Sản ) . Chưa gặp được ông Thủ
Tướng để phỏng vấn vì ông quá bận , thì ký giả báo đảng viết rằng :

« Thủ Tướng có nhiều cuộc họp bất thường , chưa tìm được thời gian
thích hợp để phỏng vấn , nên đành tranh thủ những khe hẹp trong lịch
trình đông đặc của Thủ Tướng để xen vào » .

Không biết đối với một vị Nữ Thủ Tướng thì nhà báo có dùng nguyên văn
như vậy không ? Nói chúng đây là những danh từ rất lạ mà nhà báo trong
nước hay các viên chức viết , báo cáo diễn văn , không viết nổi một
câu văn bình thường dễ nghe , mà vì mặc cảm đã cố tạo ra những danh từ
rất kêu , nhưng xem chừng vô nghĩa và rất dung tục .

Hồi chúng ta còn ngồi ở ghế nhà trường mà viết những loại chữ nghĩa
như thế trong bài luận văn thì chắc chắn bị thầy , cô « sổ toẹt » .

Trong ngôn ngữ , có một số tiếng do nhân gian dùng lâu thành quen ,
nên cũng có một số không đúng với nguyên nghiã của nó , tuy nhiên xã
hội chủ nghĩa hiện nay đang có khuynh hướng cố tạo ra những danh từ
kêu to , lạ lùng và không kém kỳ quái và thô lậu . Vì sao phải dùng «
tình trạng của tôi rất căng , nếu nói ra không biết cô có nắm bắt được
không ? » hay « tranh thủ những khe hẹp trong chương trình dày đặc ...
của Thủ Tướng ! » .

Nhà văn Đặng Trần Huân lúc sinh thời đã có viết một bài báo nhan đề là
« Nghĩ thương cho chữ nghĩa » cũng trong tấm lòng xót xa của những
người trí thức nghĩ về tình trạng bất hạnh của ngôn ngữ đang bị biến
dạng , dày vò một cách thô bạo trong bàn tay của những kẻ thiếu văn
hoá .

Ba mươi ba năm nay , do tình thế của đất nước , ba triệu người Việt
phải sống cuộc đời tỵ nạn ngoài quê hương của mình , sự khác biệt
trong và ngoài nước càng ngày càng thấy rõ , từ văn hoá , phong tục ,
cho đến ngôn ngữ , khiến chúng ta không chỉ cảm thấy xa cách về địa lý
mà còn ngay khi ở ngay trên quê hương , vẫn cảm thấy mình lạc lõng ,
xa lạ . Chúng ta có thể nhìn cách lối diễn tả , cử chỉ , ngôn từ , để
biết người ấy ở đâu , chịu chi phối bởi thứ văn hoá nào .

Chỉ mong sao Hải Ngoại đừng « bê » nguyên con một bản tin của Hà Nội
với những chữ nghĩa rối bời để ném vào mặt độc giả , hay viết lách ,
ăn nói bằng những loại chữ nghĩa mới mẻ , nghe rổn rảng nhưng thực sự
kệch cỡm , vô nghĩa .

Nói xa nói gần , để kết thúc sự rối rắm này , tôi cũng xin loan báo
với bạn bè , là tôi vừa « xuất viện » , vì ở đầu bài tôi bị « nhập
viện » , may mắn không phải nhập nhà vĩnh biệt hay lò thiêu , thì đến
lúc được « xuất viện » . Đây chắc chắn không phải ám chỉ tôi vừa tốt
nghiệp Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia , hay tốt nghiệp Viện Mác–Lê mà đơn
giản là tôi vừa ra khỏi nhà thương .

Vậy mà đi đâu bạn bè cũng chúc mừng tôi vừa « xuất viện » . Trong muôn
nghìn thứ « viện » trên đời này sao chữ nghĩa Cộng Sản cứ bắt « viện »
phải là cái « nhà thương » , mà chúng ta lại phải cứ dùng một cách
lười biếng vô ý thức , cóp nhặt mà không hề suy nghĩ . Không lẽ bây
giờ lại phải thua thêm một keo vì những thứ văn hoá , chữ nghĩa như
thế sao ?

Huy Phương

thơ Hoài Khanh








Mộng đời miên viễn

Tặng Phạm Công Thiện để nhớ những
tháng ngày Đà Lạt xa xưa thời Thân Phận

 
Đà Lạt hỡi những lần ta trở lại
Thông vẫn xanh in bóng núi sương mù
Mây vẫn trắng dưới mặt hồ thao thiết
Lửa trong hồn có sáng cõi thâm u?
Có phải đó là mộng đời bất tuyệt
Nói cho ta ý nghĩa cuộc sinh tồn
Vì những đoá hoa nào thời trẻ dại
Hơn một lần phai lạt sắc và hương!
Ta trở lại với mắt buồn ngơ ngác
Chân lênh thênh trên những dấu qua rồi
Chợt muốn khóc những lần trông khói bếp
Ôi tiếng gà trưa vắng thời chông chênh!
Ta mất mẹ khi biết làm thơ lạ
Ta mất cha khi em cũng lên đường
Những ly rượu không dễ gì quên hết
Khi tim mình trót đập nhịp yêu đương !

Nghe chim lạ hót trong vườn

Một hôm chim lạ ghé vườn
Hót lên cung bậc vô thường mong manh
Vườn con hoang vắng đã đành
Tiếng chim dựng lại những thành lũy xiêu
Những cơn biến động tiêu điều
Những tình bạn cũ dập dìu chia xa
Những tình yêu tưởng phôi pha
Chừng như sống lại đậm đà nhờ chim
Bao phen ký ức mong tìm
Giờ đây sống lại trong niềm ngất ngây
Cảm ơn chim , cảm ơn ngày
Giúp ta sống lại phút giây nhiệm mầu . . .

Phan Tấn Hải * Thiếu Nữ Trong Ngôi Nhà Bệnh



Phải nhiều tháng sau, tôi mới biết cô nàng bị bệnh ung thư. Gần như là không ý thức, tôi từng nhìn những dãy chai thuốc đủ nhãn hiệu, thuốc viên, thuốc nước, thuốc bột trong ngăn tủ phòng nàng và hoàn toàn không thắc mắc hay có ý niệm gì về sự có mặt của chúng. Cũng thường thôi, có nhiều người vẫn thích để đủ thứ thuốc men thu thập nhiều năm ở một góc tủ như thói quen ở Việt Nam mà không bận tâm gì đến ngày tháng có thể hư hao chi cả, và nếu là trụ sinh thì càng dễ tính, cứ gom lại thật nhiều rồi sẽ gởi về nước cho thân nhân. Lại nữa, các loại thuốc mua từ toa bác sĩ thì chẳng ghi chú gì, chỉ có mấy dòng ghi tên thuốc và ngày uống mấy viên thôi, chẳng ai biết nổi là thuốc hay kẹo.
 

Nhưng càng lúc nàng càng xanh xao, nét mặt tái nhợt đi, buổi sáng, buổi chiều, buổi tối. Nói rõ các buổi như vậy vì thời gian đầu hai đứa gặp nhau, sắc mặt nàng thay đổi theo thời gian trong ngày. Buổi sáng tươi tỉnh, hồng hào, nàng rực rỡ, rạng ngời. Buổi chiều nàng ủ dột, buồn ra mặt. Và buổi tối nàng thường than mệt và đòi về nhà. Ðôi khi tôi chỉ hỏi, tại sao vậy, và rồi thôi. Không bao giờ tôi nghĩ cần phải vặn hỏi ai điều gì. Ðiều gì người ta không nói, thì mình không cần phải thắc mắc. Chơi với nhau là phải tin nhau, tin cả lời nói và phải tin cả sự im lặng, tất cả đều có những ý nghĩa gì đó. Vả lại nếu xét về vai vế thì tôi lớn hơn nàng nhiều chứ, cả về tuổi nữa, và người lớn thì phải có phong cách người lớn, nghĩa là biết tôn trọng cả những điều người thấp vai không nói. Tôi chỉ nói đùa là tôi không cần mua đồng hồ, vì chỉ cần nhìn mặt nàng đã có thể đoán được mấy giờ rồi. Thí dụ đôi mắt rực sáng như vậy, gò má hồng như vậy, nàng xông xáo như vậy, nhất định phải là trong khoảng bảy hay tám giờ sáng. Hay là khi đôi mắt bắt đầu trở nên xa vắng như đang hướng về một chân trời nào đó thì trời hẳn đã về chiều. "Tùy theo mức độ xa vắng của mắt em, anh sẽ gọi được giờ, thí dụ như bây giờ phải ước chừng là sáu giờ chiều," tôi đã nhiều lần nói với nàng như vậy khi ngồi ở quán Baron. Và khi nàng đứng lên đòi về, tôi gấp giấy tờ sách vở lại, thì mặt nàng hẳn đã nhạt ra, có khi những ngón tay còn run run nữa. Bấy giờ tôi lại đoán được là chín hoặc chín giờ rưỡi khuya.

Tôi nhớ, lần đầu tiên gặp lại nàng là ở trong quán Baron. Bấy giờ là chiều lắm rồi, tôi đang ngồi trong quán, lúc đó thật vắng, đọc những xấp bài vở, báo chí đủ loại thì cô nàng đứng ngay trước mặt tôi, gọi tên tôi và hỏi tại sao tôi lại xuất hiện ở vùng thủ đô tị nạn này. Tôi ngẩng nhìn lên, chỉ nhớ mang máng đã gặp nàng đâu đó trên đảo. Nhưng tôi chẳng mấy khi nhớ được những chuyện gì xảy ra hôm qua, huống gì là của nhiều năm trước. Cô nàng tự giới thiệu là có quen tôi khi còn trên đảo, và anh không thể nào nhớ mặt được những kẻ đứng thật xa và nói thật nhỏ. Tôi đã tự trách mình vô tâm và trả lời rằng, ai cũng có thể nhớ được một tên nổi tiếng ở dơ, lười tắm và làm đủ thứ chuyện lung tung cho đồng bào như vậy; tôi hơi ngạc nhiên nghe mình tự nói xấu cách hồn nhiên, và lại xin lỗi về trí nhớ của mình. Sau này tôi có hỏi lại anh Trung, người Ðạo Trưởng của tôi, thì anh cũng chẳng thể nhớ nổi cô bé nào như vậy cả. Có hàng trăm cô bé thế chứ, cậu nói thế làm sao tôi nhớ nổi, anh trả lời nhát gừng. Tôi đã trả lời, chỉ có một thôi, một cô bé kỳ dị như vậy đấy, với cả một pharmacy trong phòng. Có hề gì đâu, cũng như trong phòng cậu là đủ thứ sách thôi, anh Trung đáp. Chịu thua, tôi không bao giờ cãi được với ai.

***
Buổi chiều, khi chạng vạng tối, tôi thường đến Baron ngồi đọc, ghi chú và suy nghĩ về những điều phải viết. Cà phê ở đây thì đậm, uống vào có thể thức tới hai, ba giờ sáng, còn bánh mì thì có thể thay cơm được. Quán thường vắng vào chiều và tối. Ðiều hay nhất là không có nhạc vì quán thuộc loại bình dân. Tôi không ưa những quán nhạc ồn ào, đông đúc, mịt mù khói thuốc. Ngồi ở đây, nhìn qua những khung kính ra đường Brookhurst, nhìn buổi chiều, nhìn đêm, nhìn chiếc xe cà tàng của mình bên ngõ hẻm, rồi cúi xuống đọc trên những trang giấy, rồi có khi chạy tới nhà tên bạn hỏi han đôi chuyện hoặc vào bàn gõ lóc cóc dăm bài thơ cho nó đỡ mệt. Tôi đã có thói quen sống hạnh phúc được trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi bị gây rối vì chuyện tiền bạc hoặc cộng đồng. 

Những thời gian về sau, nàng thường ra ngồi với tôi. Có khi hỏi chuyện chán chê, rồi lại im lặng, rồi lại đọc những xấp bài tôi để trên bàn, đủ thứ nhảm nhí, và có khi về Thiền, về chính trị, hoặc thứ gì cũng đôi chút nghiêm trang, vân vân. Rồi lại hỏi những câu không đâu vào đâu. Chẳng hạn như, "Làm thế nào để khỏi bệnh?" Lần đó, tôi đáp, "Tại sao cần khỏi bệnh chứ. Bồ tát bệnh vì chúng sanh bệnh cơ mà." Nàng đáp, "Hôm bữa anh khóc um xùm khi mới bị nhức răng sơ sơ, thì chúng ta đâu cần phải bệnh để hiểu được Kinh Phật." Tới những chỗ lý luận cụ thể về cuộc đời thì tôi lại im lặng, bởi vì thực sự tôi chẳng hề hiểu chi về cuộc đời cả. 

Phải nhiều tháng sau, nàng mới nói cho biết có lẽ nàng sắp chết. Bấy giờ tôi mới ngẩng mặt lên khỏi mớ giấy tờ, ngạc nhiên nhìn nàng. Chín giờ tối rồi, một tiếng nữa quán sẽ đóng cửa, không còn ai trong quán trừ chúng tôi. Mắt nàng yếu đi, người nàng trước giờ vẫn gầy bây giờ như gầy thêm hơn. Ung thư à, tôi thắc mắc, lạ nhỉ, cái này cũng giống như xổ số đấy. Mặt nàng xịu xuống, ra dáng bé con hẳn, im lặng hồi lâu. Tôi vẫn không thể hình dung được cô bé đang ngồi trước mặt tôi hôm nào có thể biến mất trên đời này. Ngay cả nếu bây giờ cô nàng ngã xuống, lên cơn sốt trăm độ, ngay giữa quán này, đương nhiên là tôi sẽ ẵm cô nàng đi cấp cứu, nhưng vẫn sẽ không thấy chuyện này có thật tí nào. Tôi đã nói với nàng như vậy, thấy nàng vẫn mở to mắt nhìn như không hiểu, tôi giải thích thêm, từ lâu rồi anh vẫn thấy mọi chuyện trên đời chỉ là những giấc mơ thôi. Tôi ấp úng, thí dụ chúng ta đang ngồi đây, giữa quán cà phê vắng thế này, thì cũng không có gì là thật cả, chỉ là những giấc mơ thôi, thấy được như vậy, đây chỉ là những giấc mơ chúng ta sờ được và bơi lội trong nó thì em sẽ không bao giờ đau khổ, thắc mắc hay bận tâm. Em có đùa bao giờ đâu, nàng gắng gượng nói. Ừ thì không đùa, nhưng em phải tập Thiền và thể dục, anh sẽ dạy cho, dễ lắm, bệnh nào cũng chữa được. Lời tôi nói như tan vào không khí. Nàng không trả lời, nét mặt xanh nhợt nhạt.
 
Nàng ở trong một căn chung cư góc Brookhurst và Hazard. Buổi chiều nàng đi bộ ra quán ngồi chơi và nói chuyện với tôi, tới khuya rồi lại về. Làm thế nào cô bé sống được trên thế gian này nhỉ, tôi thắc mắc, lại ngay giữa cái thành phố đầy những xô xát, ồn áo, nhảm nhí này. Tôi thích nơi này biết mấy, cũng như mọi nơi trên trần gian này, chỉ vì tôi không thể ý thức được mình có thể ghét bỏ một nơi nào trong cuộc đời. Nhưng còn cô bé, cô nàng mỏng manh như một hơi thở, gầy như một que tăm, ngây thơ như một dòng chữ trong kinh Phật, và có vẻ như không bao giờ biết tới tuổi thành niên, làm sao có thể ngồi ngay giữa quán Baron này mà không hề sợ hãi. Cái món tiền tàn phế đâu có bao nhiêu. Tôi có thể sống được, và cả hạnh phúc nữa với không một xu dính túi, nhưng còn nàng, cô bé gầy gò dúm dó kia làm sao sống nổi giữa trần gian điên dại này.
 
"Em phải biết trần gian mình lắm bệnh, và đừng thắc mắc gì cả." Tôi giải thích một hôm như vậy và không biết có nên tò mò hỏi thêm về căn bệnh của nàng. Nhỡ như đó là một bệnh khó trả lời, thí dụ như ung thư vú hay tử cung chẳng hạn. "Em phải tập nói chuyện với hư vô hằng đêm, hằng ngày." Tôi băn khoăn không biết mình có đang nói những điều quá xa lạ với nàng chăng. "Cứ gọi tên nó ra mà hỏi chuyện, như một người bạn. Ðừng giận dữ bao giờ cả. Thì thầm to nhỏ. Khi nào nó hành đau quá thì thôi, tìm cách ngủ."
 
Cô bé mở một tờ báo lá cải và chỉ vào một bài quan điểm. "Sao người ta cứ gọi nhau ra đánh phá lung tung ha. Em thấy cuộc đời mình kỳ dị lắm. Anh đọc bài này chưa. Anh làm báo nữa làm chi."
 
"Anh chỉ có một điều bận tâm hiện nay thôi. Ðó là làm sao cho em và những người đi sau không bao giờ biết tới bệnh là gì." Tôi thò tay qua bàn, xếp tờ báo kia lại và ném qua bàn bên cạnh. "Cuộc đời lạ lắm. Chúng ta không bao giờ hiểu được. Ðể anh bổ túc một ý kiến hôm trước, chúng ta không những chỉ đang sống trong mơ, mà thực sự tự thân cũng chỉ là những bóng thoáng qua, ẩn hiện trong đó."
 
Cô bé nhíu trán. Thói quen này tôi không thích lắm. Một lần tôi có phê bình, em đừng tập kiểu nhíu trán cau mày ra dáng đăm chiêu nữa, có vẻ người lớn một cách không tốt. Bởi vì cau mày nhíu trán cũng không thể làm em trở nên nhà bác học được. Thế là suốt cả tuần lễ kế tiếp, cô nàng nhíu trán cau mày liên tục. Cũng may những thói quen như vậy nàng quên cũng rất mau. Lúc đó tôi tự nhủ, phải chi chứng bệnh nàng cũng thế thì hay biết mấy, muốn nhớ thì có, muốn quên thì đi, cuộc đời sẽ vui biết mấy.
 
"Em muốn anh tới đưa đón mỗi chiều ra quán Baron. Em không còn sống bao nhiêu ngày nữa." Cô bé một hôm nói nghiêm trang như một mệnh lệnh. Khuôn mặt nàng nhợt nhạt, xanh xao, hiện lên đôi mắt sáng nhìn thẳng vào tôi. "Em có thể đi bộ ra ngồi với anh được. Nhưng em muốn từ bây giờ anh phải đón em ra đây."
 
Tôi không thấy có gì để từ chối. Một hôm nào, cô bé rời khỏi cuộc đời này, rời những hệ lụy trần gian và sẽ vui vì những ngày hôm nay. "Chi vậy nhỉ," tôi vẫn cãi bướng, "em cần phải ngủ nhiều hơn là đi chơi. Nhất là ra đây lại khói thuốc, bụi bặm, có tốt đâu. Nhỡ thằng nào quăng lựu đạn vào đây thì lại hỏng. Cứ gối đầu vào pharmacy của em mà ngủ là tốt nhất."
 
Người cô bé như nhỏ lại, đôi mắt vẫn nhìn thẳng vào tôi.
 
"Mỗi ngày em phải hỏi anh khoảng ba câu hỏi về Thiền. Anh sẽ trả lời, em không cần hiểu, nhưng bắt buộc phải nghe và nhớ. Có như vậy anh mới đưa đi chơi, và mỗi ngày sẽ đón em ra đây. OK? Ðược ha." Tôi ra giọng thầy, "Vậy thì hôm nay câu hỏi nào đây?"
 
"Em đâu biết hỏi gì." Cô nàng giọng nhỏ lại, nhìn ra ngoài những khung kính. Tôi đoán nàng hơi mệt, bây giờ là trễ rồi, trời sụp tối ngoài kia. Tôi cũng không biết phải nói gì. Hình như có gì chận nơi cổ họng tôi. Cô nàng nói, giọng thật nhẹ, rất nhiều khi em buồn ngủ, như bây giờ chẳng hạn, nhưng cứ sợ sẽ không bao giờ thức dậy. Cũng có khi đau, đau cả người chứ, nàng vẫn nhìn ra những ngọn đèn đường. Ðau đớn lắm, như bây giờ chẳng hạn, nhưng em muốn anh thăm em mỗi ngày...
 
***
Bây giờ thì tôi biết nàng bị ung thư tử cung. Cũng lạ, vì chứng bệnh này thường xảy ra cho người lớn tuổi. Một lần nàng vào nhà thương Anaheim nằm cả tuần lễ. Mỗi chiều tôi đều vào chơi bên giường bệnh với nàng. Tôi đọc đôi tin vớ vẩn về Việt Nam, giả vờ lướt qua vài bài thơ cho có lệ, thơ dở lắm, chẳng thấy bài nào hay cả, tôi cứ gạt qua như vậy. Em tập thở đi, cũng đỡ mệt hay đau đớn chẳng hạn. Nàng gầy hẳn đi, hai gò má nhô xương ra. Giọng nàng thì thầm, anh không nên nhìn em trong hoàn cảnh này. Nàng nói nàng chẳng ưa tí nào bộ đồng phục màu xanh của nhà thương. Tôi ngồi bên cạnh và đọc thầm bài Ðại Bi Chú. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai, tôi nhìn những ống thuốc bên giường nàng. Tôi siết chặt tay nàng dưới tấm ra giường. 

Tay em toàn là xương, làm thế nào có lại thịt da như ngày xưa nhỉ, tôi bùi ngùi suy nghĩ. Sau lần mổ này, sức cô bé sẽ yếu hẳn, bác sĩ nói với tôi như vậy. Người bác sĩ già tóc trắng người Mỹ giải thích với tôi về cách gìn giữ sức khỏe hằng ngày cho nàng. Ông ta có vẻ hiểu lầm như chúng tôi là tình nhân, hoặc một kiểu như đang sống với nhau.
 
"Thuốc ấy à, cô ấy cần cả một pharmacy đấy. Nhưng rồi cũng sẽ chẳng đâu vào đâu." Gibson, người bác sĩ già lắc lắc đầu. Từng mảnh tóc trắng bay trên đầu, ông đứng giữa hành lang sạch bóng và thơm mùi nhà thương giải thích.
 
Nhà thương cách thư viện công cộng hai block. Suốt ngày tôi ngồi đọc và viết trong thư viện, chờ tới bốn giờ thì vào thăm nàng. Nhưng những ngày này trôi qua thật chậm, tôi không đọc được nhiều và cũng không viết nhiều. Máu lười cũng nổi lên rồi, tôi tự khiển trách như vậy. Nhưng cũng không phải, tôi nghiệm ra mình không tập trung tinh thần được. Tôi nhớ tới những ngày mẹ tôi sắp mất. Những ngày ấy tôi vẫn không bao giờ nghĩ rằng mình sắp xa mẹ. Chuyện gì với mình cũng là chuyện bất ngờ, tôi tự nghĩ. Nhưng còn chuyện này, cô bé hẳn là sắp rời thế giới này rồi, tim tôi thắt lại khi nhớ tới lời bác sĩ. Y Học không tiên đoán được gì thêm cho những trường hợp này, cách nói ông dè dặt.
 
"Mr. Gibson, ông nghĩ rằng bao giờ nàng đi," tôi ngập ngừng hỏi.
"Cứ giả thiết là vài năm nữa chẳng hạn, cũng có thể là vài tháng. Tốt hơn hết là cứ bình tỉnh chờ thôi. Nhưng còn phép lạ nữa chứ. Chúng ta phải tin vào những điều không hiểu được." Ông nói chậm rãi, gật gù, đôi mắt xanh nhìn tôi như chờ đợi một phản ứng.
 
Tôi đã trả lời rằng tôi tin vào phép lạ, bởi vì cuộc sống tự nó đã là phép lạ. Tôi ngạc nhiên nghe giọng mình rất mực bình tỉnh.
 
***
Nếu chúng ta không thở nữa
không thấy được bầu trời xanh trên kia
không nắm được tay nhau trong đời này
và câm lặng đời đời dán lên môi
hãy tin vào...

Bài thơ tôi làm được mấy câu, cũng dở dang. Tôi đọc khi nàng ra viện. Căn phòng em tự nhiên thân thiết hơn, nàng nói khi tôi đưa nàng về. Về lại cái pharmacy này vui hơn, tôi kiếm chuyện để nói. Bình thường tôi thuộc loại ít lời. Vài ngày sau, nàng mới nhớ là tôi có đọc bài thơ nào đấy cho nàng. Bài thơ anh làm đó hả, cô nàng hỏi. Ừ, thơ dở lắm, đừng nhớ tới nó nữa, tôi lầu bầu. Anh có cả trăm bài như thế đấy, đừng bắt anh làm thơ, chẳng ai khen cả. 

Có em khen chứ, em thích những bài thơ như vậy, nàng biện hộ. Ừ thôi quên đi, anh năn nỉ mà.
 
Khi hơi khỏe khoắn một chút, cô bé lại đòi ra quán Baron chơi mỗi chiều. Chi vậy, tôi tìm lời ngăn cản, ở nhà cho chóng khỏe. Ngoài kia đầy khói thuốc đấy. Em thích ngồi nhìn buổi chiều, vả lại em thật sự không bệnh, nhưng chính là cuộc đời bệnh, cuộc đời làm em bệnh. Tôi đùa, không phải em bệnh, đúng không, mà là ngôi nhà bệnh chứ gì. Cô bé gật đầu, dáng như hiểu mọi lời tôi nói. Chúng tôi bật ra cười. Tôi nói thêm, em không biết rằng buổi chiều làm em mệt sao, mặt mũi cứ nhợt nhạt ra, ai cũng biết là bệnh cả. Vả lại, bây giờ em cần phải mập ra một tí. Nàng xịu mặt xuống, em lúc nào cũng toàn xương cả, làm sao mập nổi. Tôi im lặng. Nàng hỏi sang chuyện khác, lúc này báo chí còn chống phá lung tung nữa không. Có trời biết họ đang làm gì, trần gian mình lắm chuyện lắm, tôi nói trong cách để nàng khỏi suy nghĩ. Anh nhà báo, anh biết chứ, cô bé trở giọng bướng bĩnh. Câu hỏi thứ nhất về Thiền em chưa hỏi mà, tôi vặn lại, thôi ngủ đi nghe chưa. Tôi kéo mền phủ khắp người nàng.
 
***
Tôi ngồi trên sàn nhà sắp xếp những bề bộn sách vở, áo quần của nàng. Ðôi con búp bế nhựa thò đầu giữa đống lung tung ấy, tóc vàng, mắt xanh, biết nhắm mắt, mở mắt. Tôi nằm lăn ra giữa phòng ngủ vì mệt, tay còn ôm hai con búp bê vào ngực. Buổi sáng thức dậy, nàng đang pha cà phê. Tôi xin lỗi vì ngủ quên, đáng ra anh nên về nhà, những người chung quanh có thể nói những lời không tốt. Nàng bảo không sao, em cũng sắp theo ông Phật rồi, chẳng ai thắc mắc đâu, mắt nàng vẫn nhìn tôi thăm dò. Tôi bảo, cuộc đời nhảm lắm, họ bịa chuyện lung tung cho coi. Nàng bảo, anh cứ giải thích thì họ phải tin thôi. Tin cái gì nhỉ, tôi băn khoăn, nếu đêm qua em thôi không thở nữa, họ sẽ bảo gì đấy, chẳng hạn như anh rape em, hay là lảm nhảm gì đấy. Cô bé đem ly cà phê đặt trước mặt tôi, ẳm lên hai búp bê nhựa, nói như với búp bê, chẳng sao cả các em nhỉ. Tôi không biết nói thêm gì cho rõ hơn, em nghe này, thí dụ đấy, họ bảo là chúng mình làm tình thì chẳng tốt cho em tí nào. Nàng mở to mắt nhìn, nhưng mình có đâu, mà họ nói thì có sao đâu. Tôi nhún vai và đứng dậy ôm nàng vào lòng. Nàng chỉ là một đứa bé không bao giờ lớn. Nàng tựa đầu vào ngực tôi, em không còn bao nhiêu ngày sống nữa. Tôi nói, em chỉ là đứa bé sáu tuổi. Nàng bảo, còn anh là sáu tuổi rưỡi, mắt nàng vẫn ngẩng nhìn lên, tay bấu chặt vai tôi.
 
Từ đó, thỉnh thoảng tôi đến ngủ phòng nàng mỗi khi lười về nhà hoặc có khi để làm nàng vui. Tôi không nằm trên sàn nhà nữa, nàng dạy tôi mở chiếc ghế sofa ra làm giường. Cũng hơi phiền vì phải dùng một tí sức và sự khéo léo để mở được các lò so sắp rỉ sét bên trong ghế. Nhiều ngày lên được phòng nàng, tôi trải túi ngủ ngay trên sàn nhà và chui vào ngủ. Cách này tiện hơn dù nàng cứ lầu bầu hoài. Tôi ngủ ở đây tiện cho việc ăn uống của tôi. Và đôi phần cũng tiện cho sức khỏe của nàng. Nàng bảo, ngủ một mình em sợ lắm. Sao lại sợ nhỉ, tôi giải thích rằng tất cả những nỗi sợ đều không có thực. Em sợ đau đớn, và đôi khi sợ chết nữa. Nàng nói nàng cảm được nỗi đau len vào từng bắp thịt, thắt các cơ lại và di chuyển qua lại dăm nơi trên cơ thể nàng. Còn sợ chết nữa, nàng nói thật nhanh, em sợ không thấy anh nữa. Nếu em tập được không suy nghĩ gì cả, tôi giải thích, thì sẽ không bao giờ thấy được gì là sợ hãi với lo lắng. Nàng có vẻ không tin bao nhiêu vào những điều như vậy.
 
***
Có đôi tên nhà báo bắt đầu thắc mắc về hành động của tôi. Họ xì xầm đôi điều và tôi nghe lại từ những nguồn khác. Khi tin này được diễn dịch qua mấy bà vợ của họ thì càng nghiêm trọng nữa. Tôi bảo với một tên bạn thân của tôi, làm sao đính chính bây giờ, tội nghiệp cho cô bé chứ. Tên này thuộc loại cũng chẳng bận tâm chuyện gì trên đời, hắn chỉ gật gù bảo kệ. Tao chỉ ngồi canh bệnh cho cô bé thôi, ai cũng có thể đoán như vậy, tôi nói. Thế mày cũng nghĩ rằng tao làm tình với cô nàng à, tôi có vẻ hơi quạu quọ khi phải nói như vậy. Biết làm sao được, hắn bảo để hắn giải thích cho những nguồn tin kia im đi. 

Tôi chỉ hy vọng cô bé không nghe gì cả. Nếu tôi biết có ai nói gì với nàng, tôi sẽ vặn cổ hắn ngay.
"Phòng cô bé là một pharmacy, còn tao là người canh bệnh. Hiểu chưa?" Tôi đứng lên và nói gằn với tên bạn như vậy trước khi về.
Thật sự thì như vậy. Tôi đã sống đơn giản như vậy. Tôi chỉ là kẻ săn sóc trần gian này, và trước tiên là cô bé. Thế thôi.
 
Bệnh nàng càng lúc càng nặng. Mùi thuốc lúc nào cũng bốc lên ngợp cả phòng. Ban đêm nàng thường trằn trọc, bật đèn dậy đọc sách, hoặc pha thuốc uống. Nàng nói, nỗi sợ của nàng càng lúc càng tăng. Tôi nói biết sao bây giờ, cứ thở đều đặn rồi sẽ ngủ quên thôi. Nàng nói có khi đau quá, cứ nhìn thấy những hình ảnh dữ dội hiện ra trước mắt. Tôi hỏi hình ảnh gì. Nàng nói hình ảnh trong những cuốn sách về ma quỷ hay địa ngục gì đấy, đủ những thứ nàng từng đọc hồi nhỏ. Tôi nói, khi nào em sợ cứ bật đèn lên đọc sách, đừng lo anh mất ngủ, vì anh có thể ngủ được trong mọi điều kiện.

Suốt tuần như vậy, nàng than thở về sợ hãi, về sự chết. Tôi cứ nằm vật ra trên sofa, giữa sàn nhà bề bộn đủ thứ, bóp bóp hai con búp bê cho nó kêu những tiếng oa oa cho nàng vui, rồi lại nói lảm nhảm về mọi chuyện trên đời cho tới khi hoặc nàng ngủ quên hoặc tôi gục đầu vào đống sách vở thiếp đi.
Thời gian sau này chúng tôi không ra quán Baron nữa. Lý do chính là không có tiền. Tiền tem thư và điện thoại của tôi còn nhiều hơn tiền chợ. Tôi còn phải tiết kiệm sức khỏe của nàng nữa chứ, đi đứng nhiều chỉ mệt thêm. Phòng làm việc và nơi ăn ngủ của tôi bây giờ là ghế sofa của nàng.
 
***
Một chiều, nàng bảo tôi đưa nàng đi chơi. Tôi chở nàng ra Laguna Beach, vào các shopping mall và trở về khi đêm xuống. Nàng nói muốn vào Baron uống ly cà phê cuối cùng. Tôi ngạc nhiên hỏi sao lại cuối cùng. Mặt nàng tái xanh, gầy nhợt nhạt. Tôi cũng chìu nàng và nói sẽ làm mọi chuyện trên đời này để làm nàng vui. Khi ngồi trong quán tự nhiên nàng chảy nước mắt. Tôi hỏi sao vậy. 

Nàng nói buồn ngủ. Em không còn đau đớn nữa, nhưng buồn ngủ lắm, tự nhiên buồn ngủ dễ sợ. Và nàng gục đầu lên bàn, nước mắt còn ngấn mi và nói để em ngủ. Tôi trả tiền và dìu nàng vào xe đưa về. Tôi phải ẳm nàng lên cầu thang. Nàng nhẹ như bông. Ðầu gục vào ngực tôi, mắt nhắm lại, nét mặt dịu dàng. Tôi nghe như tiếng thì thầm khi đặt nàng xuống giường, em không sợ nữa, không sợ gì nữa. Tay nàng vẫn níu chặt ngực áo tôi. Trên khuôn mặt nàng hiện ra một vẻ bình yên làm tôi vui. Nàng trở người và ôm chặt lấy tôi, đầu dúi vào ngực tôi. Tôi kéo chăn đắp và ôm nàng ngủ. Sáng hôm sau nàng không thức dậy nữa. Ðôi mắt nàng không bao giờ mở ra nữa. Giọt nước mắt trên mí đã khô, nhưng nụ cười vẫn còn tươi.
 
Sau này, một người bạn bác sĩ cho biết những người bệnh ung thư chết thường rất là đau đớn, vật vả. Tôi không nói gì về cái chết bình yên của nàng, tôi không thích nói những điều riêng tư. Tới bây giờ thường khi mỗi khi trở giấc, tôi vẫn cảm thấy nàng đang dúi đầu vào ngực tôi, gối đầu vào vai tôi, tóc nàng còn thơm mùi chanel vương vất trên mặt tôi, vòng tay nhỏ nhắn của nàng vẫn ôm chặt tôi. Mỗi khi cảm thấy như vậy, tôi lại đọc thầm ba biến Ðại Bi cho nàng. Chúng tôi chỉ là những đứa trẻ trên trần gian này. Và nàng, cô bé kia đã một thời sợ hãi cuộc đời và nay đã đi xa, thật xa. Còn gởi lại nụ cười. Thật tươi. Ngay cả khi đôi mắt đã khép vĩnh viễn.
 
***
Nhiều tuần sau, một chiều tôi trở lại Baron, ngồi đúng nơi bàn chúng tôi thường ngồi. Ngoài trời bắt đầu tối. Tôi nhìn qua những bàn trống và chợt nhớ lời nàng một hôm, chúng ta đang trong ngôi nhà bệnh. Nơi này có bệnh? Tôi không biết. Chỉ biết tôi đang nhớ nàng kinh khủng, nắm giẻ rách thơm mùi bệnh viện của tôi.
 
Khi đưa tay vào túi lục tiền, tôi thấy lại mảnh giấy hôm trước ghi bài thơ. Tờ giấy nhăn nheo, rách bèo nhèo. Tôi không dám mở ra đọc lại, chỉ nhét vội vào túi. Và khi đứng dậy ra về, tôi đi như chạy.