văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, December 18, 2012

hoànglonghải * Chuyến xe




Khi anh ấy lên khỏi cửa xe “buýt”, đứng lại giữa lối đi thì tôi chú ý đến anh ấy ngay.
Dáng người “cao ráo” - như người ta thường nói. Mũ lưỡi trai cầm nơi tay. Có phải anh ấy muốn khoe cái đầu tóc: tóc cắt kiểu hơi dài, tài tử ciné, hơn là tóc ngắn của các ông nhà binh. Mái tóc cong tự nhiên, không phải uốn. Hai mái chừa đen, dài. Anh còn dáng vẻ một học sinh, một sinh viên hơn là một người lính. Bộ đồ nhà binh tuy ủi thẳng nhưng mầu đã phai. Với nước da xạm nắng, trông anh phong sương, có lẽ đi hành quân nhiều.
Anh nhìn mấy dãy ghế bên kia. Ghế nào cũng đã đầy khách. Phía tôi cũng có mấy dãy, nhưng chỉ có cái ghế sát tôi là còn trống. Có tiếng chân người bước lên xe. Sợ mất chỗ, anh ấy đến gần tôi, hỏi:
- “Có ai ngồi đây chưa cô?”
Tôi trả lời cộc lốc:
- “Không.”
Anh ấy lại hỏi:
- “Tôi ngồi được không?”
Tôi trả lời một cách khó chịu:
- “Xe của chủ, ai muốn ngồi đâu cứ ngồi.”
Anh ấy ngồi xuống, lặng lẽ.
Một lúc sau, tôi nói:
- “Khi nãy có thằng cha ngồi đây, cứ giả bộ ngọ nguậy, đụng tôi hoài. Tôi mắng cho, bỏ lên ngồi trên kia.”
Có lẽ câu tôi nói làm anh ấy e ngại thêm, ngồi im, không nói, không nhúc nhích như người ta. Tự nhiên tôi thấy “tội nghiệp” cho ảnh.
Em bé trên tay tôi đang ngủ say. Một chốc, khi xe bắt đầu chạy thì nó dậy, khóc ụ ẹ. Tôi nói:
- “Để mẹ lấy sữa cho cưng!”
Nói rồi, tôi cúi xuống, lôi cái xách tay phía dưới chân của tôi ra, lấy bình sữa đưa cho em bé. Chưa bú được bao nhiêu, thằng bé lại ọ oẹ, nghiêng mặt, đẩy nuốm vú bình sữa ra. Biết em bé không muốn bú nữa, tôi đậy nắp bình sữa, bỏ lại vào xách.
Khi lấy bình sữa ra cũng như khi đem cất, để rộng chỗ, tôi giang chân tôi ra. Đầu gối tôi đụng vào đầu gối anh ấy tới hai lần. Lần đầu, anh ấy có vẻ hốt hoảng, nói “Xin lỗi”. Tôi vẫn làm mặt nghiêm, trong lòng vẫn thấy buồn cười. Tự tôi chớ có phải tự anh ấy muốn đụng chạm chân tay gì đâu. Anh ta sợ tôi cự nự không đúng chỗ hay anh là người lịch sự?
Em bé thức dậy, chơi với mẹ, cười toe toét mỗi khi tôi ghẹo nó. Anh ấy ngồi bên cạnh, nhìn em bé, cười, không nói gì.
Một lúc sau, anh ấy hỏi:
- “Bé dễ thương quá, được mấy tuổi, cô?”
Thấy người khác khen con mình, tôi cũng vui, trả lời nhỏ nhẹ hơn trước:
- “Em bé gần hai tuổi.”
- “Cô đưa em bé đi thăm cha?” Anh ấy hỏi.
Tôi trả lời:
- “Ba nó tử trận rồi, khi tôi sắp sinh.”
Tôi nghe tiếng thở dài, rồi tiếng anh ấy, nghe như than:
- “Tôi nhiệp quá. Chiến tranh khủng khiếp thật!”
- “Ông đi lính mà cũng sợ giặc giã?” Tôi nói.
- “Với tôi hay những người như chúng tôi, rồi cũng quen. Đáng thương là nhiều đứa bé lớn lên không có cha. Tương lai chúng nó sẽ ra sao, tội nghiệp lắm!”
Tôi làm thinh, cũng thấy buồn cho con mình.
Một lúc, anh ấy lại hỏi:
- “Vậy cô đưa em đi đâu đây?”
Thấy anh ta ăn nói nhỏ nhẹ, dễ chịu, tôi trả lời:
- “Đi thăm ông bà nội. Bởi vì tôi sắp lấy chồng?”
Anh ấy không nói gì cả. Tôi lại nghe tiếng thở dài.
Tại sao anh ấy thở dài. Nếu tôi lấy chồng, em bé sẽ đáng thương hơn nữa hay sao? Việc tôi lấy chồng không đúng với phong tục nước ta hay sao? Chồng chết là phải ở vậy nuôi con, “phu tử tòng tử”. Tôi không chống lại phong tục ấy, nhưng tôi đang gặp hoàn cảnh oái ăm. Tôi nói:
- “Tôi sắp lấy chồng, mà lại ông chồng già bằng tuổi ba tôi.”
Vừa khi đó, xe dừng lại ở bắc Cần Thơ. Tôi chuẩn bị xuống xe đi bộ qua “bắc”. Anh ấy cầm cái xách đựng đồ của tôi, nói:
- “Để tôi cầm cho, cô bồng em bé đi.”
Chúng tôi xuống xe. Tôi đi trước, anh đi sau. Tôi thấy ngại! Nếu ai nhìn vào, có thể nghĩ rằng anh ấy và tôi là một cặp vợ chồng.
Sau khi qua “bắc”, xe chạy trên quốc lộ 4, em bé lại ngủ. Tôi lại nói chuyện với anh. Tôi nhớ tiếng anh thở dài nên nghĩ anh là người có lòng tốt. Bỗng anh ấy hỏi tôi:
- “Cô buồn lắm à?”
- “Buồn! buồn lắm!” Tôi nói.
- “Cô sắp lấy chồng, lại có lứa đôi. Cô còn trẻ, tự nhiên thôi! Sao lại buồn?” Anh ấy nói.
- “Nếu lấy chồng bình thường, đâu có gì phải suy nghĩ. Đằng nầy, cha mẹ tôi lại ép buộc!” Tôi than thở.
- “Sao lại ép buộc? Đâu như ngày xưa!” Anh ấy nói.
- “Ba má tôi thấy tôi góa chồng, muốn tôi lấy một ông Tầu già, góa vợ nhưng giàu có.” Tôi tâm sự.
- “Có lẽ mấy ông bà thực tế. Ông Tầu già đâu phải đi lính, lại giàu có, cô khỏi sống thiêu thốn. Lấy chồng quân đội như chúng tôi, vợ con thiếu thốn lắm. Phải không?” Anh ấy nói.
- “Tôi không sợ hiếu thốn, tôi chỉ sợ nghe tin chồng tử trận, khủng khiếp lắm. Nghe như trời đất sập dưới chân.”
- “Tôi cũng nghĩ vậy!”
- “Vậy là anh sợ cho... vợ?” Tôi hỏi.
- “Cũng vì vậy mà tôi không lấy vợ, mặc dù mẹ tôi muốn tôi có vợ. “Lấy vợ đi cho mẹ yên tâm”. Mẹ tôi nói hoài.”
- “Vậy thì lấy vợ đi!” Tôi khuyến khích.
- “Để vợ tôi chịu cảnh như cô à? Cô biết rồi đó!”
Tôi thở dài. Nỗi đau khổ tôi đã đi qua, tôi không muốn ai phải như vậy.
- “Nhưng tôi thì khác! Anh à!” Tôi nói.
- “Khác là sao?”
- “Cha mẹ tôi là cha mẹ nuôi. Tôi là con lai Ấn Độ. Họ xin tôi từ khi tôi còn nhỏ. Nay cha mẹ tôi đã già, sống khó khăn. Nếu tôi lấy chồng giàu, cũng giúp đỡ cha mẹ chút ít. Tôi thương cha mẹ tôi, dù họ không đẻ tôi ra. Tôi vâng lời, nhưng lấy chồng như vầy thì buồn, buồn lắm! Tôi mới về thăm ba má chồng. Đi một vòng cho khuây khỏa, chờ ngày về với ông Tầu già.”
Anh ấy nói:
- “Cô lai Ấn Độ nên cô đẹp. Đẹp lắm. Có vợ đẹp hạnh phúc chán!”
Nghe khen đẹp, tôi chỉ cười. Tôi từng được nhiều người khen đẹp, có gì lạ ở lời anh ấy khen đâu!
Thế rồi qua câu chuyện ấy, tôi và anh ấy không nói gì cả, ngồi im rất lâu. Có lẽ chúng tôi thấm nỗi đau của mỗi người. Tôi thì đi lấy chồng, anh ấy thì không muốn lấy vợ.
Xe qua khỏi Cai Lậy, tôi nói:
- “Tới Trung Lương thì tôi xuống. Anh đi Saigon thăm ai?”
- “Thăm mẹ. Hơn 6 tháng nay, tôi mới về thăm. Tôi về nhà thì vui. Cô về nhà chắc không được vậy?”
- “Vui gì đâu, bao giờ cũng nặng trĩu trong lòng.” Tôi than thở.
- “Bao giờ cô lấy chồng?” Anh ấy hỏi.
- “Cả tháng nữa.”
Anh ấy lại thở dài. Tôi thấy anh thường thở dài, khi nghe điều gì không vui, ngay cả cái buồn đó là cái buồn của tôi, không phải cái buồn của anh ấy.
Chúng tôi lại trầm ngâm, không nói chuyện gì.
Xe gần tới ngã ba Trung Lương, anh ấy nói:
- “Hay cô đi Saigon một chuyến cho khuây khỏa!”
- “Tôi có quen ai ở Saigon đâu!” Tôi nói.
- “Cần gì quen. Saigon có nhiều thứ giải trí. Rạp cải lương, rạp hát bóng, nghe nhạc sống. Tôi có thể đãi cô một chầu.”
Anh không nói sẽ ngủ lại ở đâu. Tôi biết anh ấy tránh, không nói chuyện ấy. Tôi cũng chẳng thèm hỏi và cũng không muốn anh ấy nói tới chuyện đó!....
Xe tới ngã ba Trung Lương, nhiều người xuống xe, tôi ngồi yên. Anh ấy cũng làm như không để ý việc tôi không xuống. Xe lại tiếp tục hướng về Saigon.
Khi chúng tôi xuống xe ở bến xe Nguyễn Hoàng, anh ấy tay cầm cái xách của tôi, tôi bồng em bé. Anh ấy đứng sát bên tôi nói nhỏ:
- Mình vô khách sạn ở đằng kia, rửa mày rửa mặt chút dỉnh rồi đi ăn cơm.
Tôi làm theo anh ấy, như một cái máy.
Anh ấy chọn một phòng ngủ có một giường rộng, thay vì hai giường. Tôi biết thâm ý anh ấy nhưng cũng không nói gì. Tôi có thiện cảm với anh ấy ngay từ đầu, khi anh vừa lên khỏi cửa xe buýt.
Khi vào tiệm cơm, anh ấy chăm sóc rất chu đáo, gọi từng các món ăn tôi chọn và món ăn cho em bé.
Ăn xong, tôi bảo “Thôi về đi!” Anh ấy hỏi tôi:
- “Không đi coi ciné hay nghe nhạc sao?”
Tôi nói “Không”. Một lúc tôi nói thêm: “Em muốn về tắm, đi xe tối ngày, dơ dáy lắm.
Về tới phòng, tôi để em bé ngồi chơi với anh ấy, tôi đi tắm và giặt bộ quần áo đi đường, phơi ở phòng ngoài. Xong đâu đó, tôi nói với anh, nửa đùa nửa thật:
- “Anh đi tắm đi, em không nằm chung với người ở dơ đâu nghe!”
Anh ấy vội vàng nghe lời tôi.
Khi anh ấy đang tắm, trời mới hoàng hôn, tôi bồng em bé ra ngồi trước hành lang. Bên kia có một quán càphê nhạc, đang phát ra những bài do Duy Khánh hát, khá hay.
Một lúc tắm xong, anh ấy kéo ghế ra hành lang, ngồi bên cạnh tôi. Tôi nói:
- “Ngồi đây nghe nhạc đi, hay lắm.”
Bấy giờ Duy Khánh đang hát bài “24 giờ phép”. Anh ấy nói:
- “Bài nầy dâm lắm! Gì mà “Ta đưa ta tới đỉnh tuyệt vời”. Em có biết nó nói gì không?”
Tôi cười:
- “Em có chồng rồi. Anh làm như em đang còn con gái. Việc ấy cũng bình thường thôi, nếu người ta yêu nhau.”
- “Tôi thì không may mắn, hành quân “mút mùa Lệ Thủy”, lâu lâu mới về Saigon, đi chơi lang thang ở mấy cửa hàng càphê.”
- “Anh đi hành quân ở những đâu?”
- “Bốn vùng chiến thuật thì chưa đủ, nhưng vùng Bốn thì mòn rách nhiều áo quần rồi.”
- “Cực không?” Tôi hỏi.
- “Cực, nguy hiểm, súng đạn, mìn bẩy, đủ cả, sống chết chớp mắt.” Anh ấy trả lời.
- “Nên anh không lấy vợ?” Tôi lại hỏi.
- “Lỡ khi mình không về thì thương người vợ chờ...” Anh ấy đọc câu thơ ấy coi như để trả lời tôi.
Băng nhạc, bây giờ, tình cờ vừa hết bài “Trên bốn vùng Chiến thuật” chuyển qua bài “Kẻ ở miền xa.”
Tôi hỏi:
- “Anh thấy bài hát đang hát đó có thật không?”
- “Thật chớ! Đêm ở tiền đồn, đi hành quân, nghe hát thì cũng đỡ buồn, nhưng phải chi có ai đó đến với mình!”
- “Để ôm trong tay? Người ta có muốn vậy không?”
Anh ấy cười:
- “Thèm chết đi được.”
Ham nói chuyện, tôi không ngờ chúng tôi đang ngồi rất khít nhau. Bỗng nhiên, tôi thấy thương anh ấy. Anh cầm tay tôi, bóp nhè nhẹ. Rồi anh ấy hỏi, ngập ngừng, sợ hãi:
- “Tối nay, em... em... có cho... anh không?”
Tôi biết anh ấy nói gì, nhưng tôi không trả lời. Một lúc sau, lâu lắm tôi nói:
- “Chồng em chết gần hai năm nay, em chưa từng gần đàn ông lại. Anh đừng mạnh bạo nghe, em sợ lắm!”
Anh ấy cười và hôn nhẹ vào má tôi.

Tôi nằm nghiêng về phía vách tường, dỗ cho em bé ngủ.. Anh ấy nằm ngoài, sau lưng tôi, áp người vào lưng tôi. Hơi ấm từ người anh ấy tỏa ra sau lưng tôi, khiến tôi có cảm giác rất dễ chịu. Tôi biết chuyện gì sắp xảy ra, và... liệu tôi có đi quá xa?
Tôi là đứa con gái, con nuôi, không rõ cha mẹ đẻ là ai, nên từ nhỏ, muốn sống, và để sống, tôi luôn luôn ngoan ngoãn, nếu không muốn nói là cam chịu, cam chịu số phận, cam chịu những gì cuộc đời đem đến cho tôi, dù ngọt, dù bùi hay đắng cay, chua chát. Tôi chưa bao giờ đòi hỏi cái gì cho tôi, của tôi, ngay cả thể xác nầy, con người nầy. Thân xác nầy cũng không phải là của tôi khi tôi cam chịu hoàn cảnh đưa tới.
Trong nỗi u sầu và tuyệt vọng đó, gặp anh ấy, sự hòa nhã, hiền dịu của anh, anh ấy như một cái gì đó, nâng tôi lên. Thái độ tác phong của anh đối với tôi, làm cho tôi thấy tôi có cái gì đó là của tôi, được tôn trọng và được.... thương yêu thật sự. Tôi hy vọng như vậy. Điều ấy, cái ấy như một động lực đẩy tôi đi xa hơn, khi tôi quyết định không xuống xe ở ngã ba Trung Lương. Tôi lại suy nghĩ tới nó, cảm nhận nó, cảm nhận một điều gì đó, tuy mơ hồ nhưng chắc chắn, rằng tôi được tôn trọng, thương yêu. Cái gì đó là con người tôi, của tôi, được giải phóng khỏi những gì ràng buộc, ép uổng tôi trong suốt cuộc đời vừa qua...
Có phải đó là số phận, là cái nghiệp, là cái gì Chúa cho, Phật độ. Hay nó chỉ là một sự tình cờ trong cuộc đời nầy, một sự tình cờ khiến tôi và anh ấy đi chung chuyến xe, chung một chỗ ngồi, chung một chỗ nằm. Tôi không tin có một động lực thiêng liêng nào xui khiến anh ấy đến với tôi trên chuyến xe đò Cần Thơ - Saigon. Chính cái cá tính, sự dịu dàng và khéo léo của anh đã đưa tôi vào vòng tay anh ấy, trong chút nữa đây...
Tôi không cho rằng đây là một là sự liều lĩnh, nhắm mắt đưa chân. Tôi cảm nhận rất rõ cái tốt, cái hiền nơi anh ấy, một sự giải thoát nào đó anh ấy đem lại cho tôi, dù chỉ trong một ngày, một đêm hay một khoảnh khắc nào đó. Tôi thấy tôi được tôn trọng, tự do và tôi cần sự tự do ấy. Tôi không biến tôi thành kẻ nô lệ, cấp dưới, thua thiệt với anh ấy mà chính là một sự ngang hàng, bỉnh đẳng. Vậy thì những gì xảy ra giữa tôi vơi anh ấy, ngay lúc nầy hay đêm nay, ngày mai, với tôi là giải phóng, một sự tự do chọn lựa của tôi. Nó cho tôi được công bằng với con người thật của tôi.
Một lúc sau, anh ấy gác một bàn chân lên cổ chân tôi. Tôi biết đây là một sự thăm dò. “Thăm dò địch” trước một cuộc hành quân đó có phải không, như tôi đã từng nghe chồng tôi nói tới.
Tôi muốn anh ấy bạo dạn hơn, đừng e ngại nên tôi đưa lên một chân và cặp bàn chân anh ấy giữa hai cổ chân của tôi, giữ chặt lại, không cho nhúc nhích.
Biết phản ứng ấy, đúng như ý tôi muốn, anh ấy đặt một bàn tay lên vai trần của tôi, thoa lên xuống nhè nhẹ. Tôi nói nhỏ: “Chờ chút, để em bé ngủ say!” Nói xong câu đó, tôi biết tôi thành thật, thú thiệt lòng tôi với anh. Nó có nghĩa là đợi em bé ngủ say, tôi sẽ cho anh ấy chớ gì. Biết vậy, nhưng tôi không hối hận gì về sự thành thật của tôi cả.
Một lúc sau, tôi quay người lại phía anh ấy, và nói trong hơi thở: “Con em ngủ rồi anh ơi...” Tôi biết ngay câu tôi vừa nói có hai ý nghĩa: Tôi phải lo cho con tôi trước, trước khi làm những gì cho tôi. Đó là “văn minh Việt Nam” mà thầy giáo đã giảng ở một giờ triết nào đó năm tôi học lớp cuối bậc trung học. Câu nói đó cũng là một lời tự thú của tôi với anh ấy nữa. Tôi tự thú con người tôi, ý muốn và cảm xúc của tôi khi nằm bên anh ấy.
Khi tôi nói xong câu đó, anh ấy ôm nghiền lấy tôi mà hôn, khắp mặt mày. Tôi hưởng ứng môt cách nồng nhiệt trong khi tôi chấp nhận nó và cho đó là việc bình thường. Tôi góa chồng đã hai năm nay. Từ đó đến giờ tôi không gần gủi với bất cứ người đàn ông nào. Bây giờ, tôi yêu anh ấy và tôi cho anh ấy, có gì đâu!
Anh ấy thì hành quân liên miên, hơn 6 tháng chưa về Saigon. Những người “chinh chiến bấy lâu” có muốn chuyện ấy, có thèm chuyện ấy, cũng là bình thường. Đó là chưa kể tâm lý những người sống rày chết mai, “một chút huy hoàng” trước khi một chuyện gì đó sẽ xảy ra, ở một trận đánh, hôm nay hay ngày mai, đâu biết trước được.
Tôi và anh ấy chìm ngập trong sự nóng bỏng của thể xác. Khi anh ấy trườn lên mình tôi, tôi thấy ngộp thở một cách dễ chịu. Tới khi anh ấy đi sâu vào người tôi, tôi níu chặt lấy anh ấy như một người bị nước cuốn, cố bám vào một cái phao để khỏi chết đuối. Tôi sắp chết đuối. Anh ấy nói thầm bên tai tôi: “Em thấy sướng không?” Tôi trả lời trong hơi thở: “Anh, anh... đng hỏi...” Anh ấy cứ nói: “Anh phải là người làm cho em sướng nhứt...” Và rồi tiếng rên, tiếng thở gấp của anh và tôi quyện lấy nhau...
Tôi không còn là con người tự chủ. Tôi như con thú hoang giữa đồng cỏ hoang dã. Tôi tận hưởng những gì tạo hóa cho. Tôi sẽ thấy đau đớn, tôi sẽ không còn sung sướng khi tôi vượt khỏi cái cái bản năng của loài vật mà trở lại làm người như tôi đã sống từ khi còn bé đến giờ.

&


Tôi ngồi trên chiếc xe đò để về Mỹ Tho, em bé ngồi trên chân tôi. Một tay tôi giữ nó, một tay tôi đưa ra ngoài cửa xe, nắm chặt bàn tay anh ấy đang đứng bên hông xe. Tôi biết vậy là hết, hết một thời gian ngắn ngủi chưa quá 24 giờ đồng hồ, kể từ chiều hôm qua, khi tôi quyết định không xuống xe ở ngã ba Trung Lương, cho đến sáng hôm nay, giờ phút nầy, khi xe đang chuẩn bị chạy về miền Tây. Thời gian ngắn ngủi ấy, người ta có thể gọi bằng nhiều cái tên khác nhau: nổi loạn, vùng dậy, một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, nhắm mắt đưa chân... Tôi không cần suy nghĩ về những cái tên gọi ấy, cái tên nào là chính xác. Nhưng tôi biết đó là một quãng thời gian tôi tự làm chủ con người tôi, làm chủ cái quyền sống của tôi, không bị ràng buộc, không bị câu thúc vào một cái gì hết. Tôi được tự do, hoàn toàn tự do, ngay cả tự do trước những yêu cầu, đòi hỏi của anh ấy. Cho hay không cho, tự tôi quyết định lấy. Anh ấy hay bất cứ một ai, không ép buộc tôi được.
Chút nữa đây, khi tôi về tới nhà, tất cả những tự do ấy sẽ hết. Tôi lại bị ràng buộc vào gia đình, vào xóm làng, vào xã hội, vào lễ giáo, lễ nghi, vào phong tục, tập quán. Tự do sẽ hết và tôi không còn tự tôi làm chủ con người tôi được nữa. Tôi không thể làm được những gì tôi muốn, tôi cần.
Vui buồn sướng khổ, tất cả không phải tự tôi mà có, cũng không có ai, một quyền lực thiêng liêng nào đó, ban phát cho tôi. Tất cả đều do những người chung quanh tôi đem lại cho tôi, biếu tôi, tặng tôi hay ép buộc tôi. Tôi muốn quăng bỏ hết, để được sống tự do như quãng thời gian ngắn ngủi tôi đi theo anh ấy. Nhưng anh ấy cũng chẳng làm gì được. Anh ấy không giúp gì tôi được. Anh ấy đâu dừng lại đây, ở đất Saigon nầy. Chiến tranh đã kéo anh ấy đi, vào những vùng đất xa xôi nào đó, trong ruộng rẫy, trên núi cao. Và ngay chính anh, trong cuộc chiến tranh ấy, cũng không nắm được tính mạng anh. Chính anh cũng sợ một ngày kia không về thì bao nhiêu người sẽ buồn khổ, trong đó có cả tôi, nếu tôi cứ đi theo anh ấy.
Mỗi người, sau khi tạo hóa sinh ra, tự tìm cách để mà sống, bằng chính mình hay ràng buộc vào những người chung quanh. Không có cái gì là thượng đế ban cho cả, cũng không có cái gì là thượng đế lấy đi mất. Tôi thấy thượng đế không can hệ gì tới cuộc sống của tôi, ngoại trừ sự sống khi tôi ra đời và sự chết khi tôi nhắm mắt, dù chết già, chết bệnh hay chết vì súng đạn, tai nạn. Thượng đế đã bỏ luống chúng ta. Kinh nghiệm đó tôi thấy rõ lắm, trong việc đi chùa và cầu xin của cha mẹ nuôi tôi, cũng như trong việc cầu kinh mỗi sáng mỗi chiều, trong việc đi nhà thờ mỗi Chúa nhựt như cha mẹ chồng tôi. Cả hai bên cha mẹ, không ai van nài hay cầu xin được cái gì hết, ngay cả cái ăn cái mặc hằng ngày hay cái chết mà vốn là con người, tôi cũng như cha mẹ chồng, đều rất sợ hãi, thường khi xin cho chồng tôi được sống bình an mà không được.
Và chồng tôi đã chết. Thượng đế điếc, thượng đế không nghe tới lời cầu xin nào.
Đến khi chiếc xe đò chuyển bánh, chúng tôi rời tay nhau ra. Anh ấy nhìn theo tôi, hai mắt anh ấy buồn. Còn tôi, tôi dững dưng như không. Đúng ra thì tôi phải buồn chớ! Tại sao tôi lại dững dưng. Tôi cũng không hiểu lòng tôi nữa!

&

Khi đại đội của tôi đang rút từ Thạnh Trung về Cờ Đỏ thì tôi được lệnh về Ngã Bảy Phụng Hiệp để gặp tiểu đoàn trưởng. Tuy trời đã chiều, đại úy đại đội trưởng biểu tôi gọi hai tà lọt hộ tống mà đi gấp vì sáng mai, tiểu đoàn trưởng sẽ về hậu cứ ở Bình Thủy. Tôi sẽ quá giang trực thăng mà về với ông. Theo đại đội trưởng thì có “một cô nường nào đó, một em gái hậu phương” xin gặp tôi rất gấp vì chuyện gia đình. Cũng may, nhờ cuộc hành quân chấm dứt, trên đường rút về, nên tôi được tiểu đoàn trưởng cứu xét dễ dàng hơn, lại cho quá giang trực thăng về cùng ông. Tôi đoán biết “cô nường” ấy là ai, chắc là cô ta sắp “lên xe hoa, về nhà chồng” như cô ta nói hôm gặp nhau. Tôi cũng dặn hai tà lọt: “Tối nay ngủ lại Phụng Hiệp, chờ đại đội về tới thì cùng về hậu cứ luôn.” Như thế, hai đứa nó đỡ vất vả mà cũng đỡ nguy hiểm phải trở lại chỗ đại đội đang dừng quân. Trên đường đi về từ đại đội tới tiểu đoàn, tuy Việt Cộng đã chém vè, nhưng cũng rất nguy hiểm. Tụi nó thường núp bắn sẻ.
Cô ấy đón tôi ở nhà riêng tiểu đoàn trưởng. Bà vợ ông tỏ ra rất có cảm tình với cô ta. Bà đã nhờ trung úy trưởg ban Tư, xin cho tôi và cô ấy một chuyến bay quân sự từ Bình Thủy về Tân Sơn Nhất. Tôi phải thay quần áo đi gấp. Cô ta nói: “Anh với em đi Vũng Tầu chơi. Về Saigon đi “xe ca” ra Vũng Tầu ngay. Ở chơi với em vài hôm. Tuần sau là em về với ông già Tầu rồi.” Tôi hiểu cái gì sẽ xảy ra sau khi cô ta “về với ông già Tầu”. Nó có nghĩa là chấm dứt mọi sự quan hệ, coi như hết, coi như cô ta với tôi không còn gì. Cô ta muốn níu kéo một chút gì đó, còn được tự do, trước khi mọi sự chấm hết. Tôi như người bị cô ta dắt đi, ngoan ngoản. Vâng, tôi muốn ngoan ngoản, để cô ta hoàn toàn được vui.
Ở phi trường Bình Thủy, hơi lo một chút vì sợ về Saigon trễ, hết xe đi Vũng Tầu. Cũng may, chiều hôm đó, khi chúng tôi tới nơi thì trời còn sớm. Lấy phòng ở khách sạn xong, chúng tôi ra tiệm ăn qua loa rồi đi thăm Thích Ca Phật Đài, mục đầu tiên trong chương trình của chúng tôi.
Khi leo lên mấy bậc cấp cao, chúng tôi gặp một người đàn ông không già lắm, đang quét sân chùa. Ông ta chận chúng tôi lại và... xin tiền mua thuốc hút. Ông ta không phải là người tu hành ở đây, chỉ là một cư sĩ làm công quả nhưng ăn ở tại chùa. Chưa phải là người già, sao lại không đi lính? Tôi nói đùa với cô ta: “Ông “củ xì” nầy dám là một tay trốn quân dịch lắm. Bao nhiêu người đang đánh giặc, ông ta vô đây núp bóng Phật đài.” Cô ta nói: “Kệ họ anh, nghĩ tới việc đó, chúng ta mất vui.” Rõ ràng cô tang đang tìm một nguồn vui chót, trước khi chấm dứt một đoạn đời.
Chương trình ngày hôm sau của chúng tôi là một chương trình... đi bộ. Sau khi ăn sáng xong, chúng tôi thuê xe ngựa ra Bãi Sau, nghỉ chân ở đó một lúc rồi sẽ đi bộ từ Bãi Sau ra Bãi Trước, dọc theo con đường quanh sườn núi. Tôi không hiểu kế hoạch của cô ta có “điên khùng” không, nhưng đi giữa nắng, từ Bãi Sau ra Bãi Trước giữa cái nắng gắt thì tôi không ham. Những cuộc hành quân bao giờ cũng nhiều gian khổ, không lầm lủi trong mưa thì cũng dãi dầu giữa nắng cháy. Tôi ham gì khi đi trên con đường ven núi giữa nắng nầy. Cũng may, gió biển Vũng Tầu mát quá, làm cho nắng dịu đi nhiều. Nhưng khi tới cái nhà hàng ở trên chiếc tầu thủy Nhật bị đánh đắm hồi Thế giới Chiến tranh thứ hai thì tôi và cô ấy “rã giò”, vào ngồi nghỉ chân ở cái nhà hàng ấy rất lâu. Chúng tôi ngồi uống nước dừa và nghe nhạc. Đó là cái thú tôi chưa từng được hưởng từ trước tới nay.
Hôm sau, chúng tôi đi xem phim La fille de Ryan. Cuốn phim khá hay, kể lại câu chuyện một cô gái sinh ra và lớn lên ở một miền quê Ái Nhĩ Lan, một miền quê mùa, còn phong tục hủ lậu. Cô gái muốn vượt ra khỏi những thừ quê mùa hủ lậu đó nên kết duyên với ông thầy già góa vợ của cô. Cuối cùng, qua nhiều gian khổ và nhục nhã, cô ta được toại nguyện. Còn ở đây, cô ấy thì ngược lại. Cô ta cũng muốn thoát ra khỏi những ràng buộc và buồn bã của cuôc sống hiện tại, nhưng cô ta đã thất bại.
Mấy hôm ở khách sạn, chúng tôi ôm nhau mà ngủ, nhưng cái ham muốn như lần đầu tiên không còn nữa. Nỗi buồn sắp chia tay mãi mãi làm chúng tôi mất đi cái hứng khởi như lần gặp gỡ dầu tiên. Tôi đọc cho cô ta nghe câu thơ của Xuân Diệu: “Trong sum họp đã có mầm ly biệt”. Cô ta chỉ thở dài. Một lúc, cô ta nói: “Em thở dài như anh khi mình gặp nhau lần đầu tiên. Anh nhớ không?” Tôi nói: “Anh hay thở dài, khi có chuyện gì không vui. Mẹ anh rầy hoài nhưng anh không bỏ được. Hết anh nay lại tới em. Bệnh buồn là bệnh hay lây.”

&


Ba mươi năm sau...
Bảy giờ sáng, tôi là người cuối cùng lên chiếc xe đò Hoàng đậu trước chợ ABC để đi San José. Cửa xe sau lưng tôi đóng lại. Tôi ngồi xuống cái ghế ngay sau tài xế. Xe chuyển bánh.
Một lúc, sau khi chạy qua vài đường phố, xe bắt vào đường số 5 North.
Chưa được 20 phút, xe lại rẻ vào phố, chạy lòng vòng vài con phố, dừng trước một ngôi nhà. Có cô gái chờ sẵn ở bên đường. Cửa xe mở ra, cô gái bước lên. Cô ta đứng lại, nhìn vào chỗ tôi ngồi, có vẻ như vừa ngạc nhiên, vừa bực mình.
Người tài xế rời khỏi ghế, đứng phía trước mặt tôi, hơi chếch về bên phải, nói:
- “Cho tôi xin lỗi. Ghế nầy có “rề-dẹc”. Hồi nãy gấp chạy cho đúng giờ, tôi chưa kịp nói với bà. Bà thông cảm cho.”
Tôi hỏi lại, hơi bực mình:
- “Dzậy tôi ngồi ở đâu?”
- “Có sẵn chỗ cho bà, ở phía sau.”
Nói xong, anh ta đi trước, tôi đi theo. Bên cạnh cửa sau có hai cái ghế. Một cái có người ngồi sẵn, một cái còn trống. Người tài xế dừng lại ngang cái ghế đó. Tôi hiểu ý, ngồi xuống. Người tài xế trở lại ghế của ông, xe lại chạy. Tôi hơi bực mình.
Khi xe trở lại chạy trên đường số 5 North, khung cảnh đồng trống hai bên bắt đầu hiện ra, làm tôi thấy thoải mái đôi chút. Tôi đưa mắt nhìn ra cửa. Tầm nhìn của tôi ngang qua người đàn ông ngồi bên cạnh.
Tôi nghe tiếng hỏi (tôi):
- “Hình như cô...”
Và tôi chợt nhận ra anh ấy. Tôi nói, gần như la lên: “Trời ơi! Ba mươi năm mới gặp lại anh.” Rồi tôi chồm ngang, ôm lấy anh ấy, bất cần những người chung quanh đang nhìn tôi, ngạc nhiên và tôi khóc nức nở...
Tôi nói trong tiếng khóc:
- “Em muốn tìm anh, em tìm anh khắp nhưng không biết anh ở đâu. Hồi đó ỷ y, không biết nhà mẹ anh ở Saigon là ở đâu! Đơn vị anh thì tan hàng. Rồi anh đi học tập, phải không?”
- “Không phải học tập.” Anh ấy nói, vẫn từ tốn. “Cải tạo. Nói cho đúng là “tù cải tạo”, ra ngoài bắc. Mười năm, mười năm tù!”
- “Anh có tội chi mà “học tập” lâu dzậy? Rồi đi HO?”
- “Sau lần gặp cô, tôi được về làm ban 2 Trung Đoàn. Công việc nầy ở tù lâu là đúng thôi. Đi ra bắc cũng đúng thôi. “An ninh tình báo”, về sớm sao được?” Anh ấy kể lại, cũng từ tốn như trước kia.
- “Anh có cưới vợ?” Tôi lại hỏi.
- “Vợ đâu. Tôi nói với cô rồi mà. Chưa bao lâu thì ở tù.”
- “Học tập về sao không cưới vợ đi?” Tôi lại hỏi.
- “Tôi đi tù cải tạo được ba năm thì mẹ tôi qua đời. Khi về, chẳng còn ai. Anh em, bà con vượt biên đi hết rồi, trơ trọi, một mình... Lại nghe được Mỹ cho đi. Thôi cứ chờ vậy mà đi cho xong. Còn cô thì sao?”
- “Cũng buồn lắm anh ơi! Sau “giải phóng”, bị đánh tư sản. May mà ông Tầu lo trước, dấu bớt tài sản, nên của chìm thì còn. Nhờ dzậy mà đi được hồi có nạn kiều.”
- “Bây giờ cô đang ở đâu, ở với ai?”
- “Qua đây ít lâu, ông Tầu già qua đời. Ông tiếc của quá mà chết. Năm 1977, bị đánh tư sản, người anh con ông bác của ông uất ức quá mà tự tử ở Saigon. Năm 1979, ông ta và em đi “bán chính thức”. Qua đây, ông dựng lại cửa hàng, cửa hàng bây giờ giao cho em. Hình như ông không quên được cái cũ, tiền bạc, tài sản... Cũng nhờ ông, em sống đầy đủ. Ổng chết rồi, em được tự do. Được tự do mà không có anh. Bao giờ em cũng thấy thiệt thòi, thiếu thốn, nhất là tình cảm, khi còn trẻ cũng như khi đã già. Nhờ có con, có cháu nội nên cũng khuây khỏa. Thằng bé hồi đó, anh còn nhớ không, bây giờ có vợ con rồi đó. Lấy ông già Tầu, em cũng có thêm một con gái, nay đã xong high school. Anh qua đây với ai, ở đâu?”
- “Anh thì bao giờ cũng cu-ki một mình. Trước nay ở Orange County, nay chuẩn bị lên sống gần trên Ventura. Anh có một công việc ở gần thành phố đó.”
- “Anh không có vợ, sao không ở với em?”
- “Thôi em à! Khi còn trẻ đã không ở được với nhau. Nay già rồi, sống chung gì nữa! Con cháu của em chúng nó nghĩ làm sao khi thấy tới chừng nầy tuổi mà em có chồng?”
Tôi không trả lời, chỉ thở dài. Lấy chồng! lấy chồng khi quá sáu mươi tuổi. Người Việt Nam làm thế là không tránh khỏi bị người ta cười. Bao giờ cái “người ta” cũng cứ ràng buộc tôi, trói chân trói tay và trói cả tâm hồn tôi lại. Khi còn trẻ, lấy một người chồng trẻ mà tôi không yêu cũng vì cái “người ta” đáng ghét đó. Tôi lấy ông Tầu già, cũng vì cái “người ta” đáng ghét đó. Tới bây giờ, khi tôi hoàn toàn tự do để chọn anh ấy, cũng lại bị “người ta” cấm cản. Tôi đưa mắt nhìn những “người ta” ngồi chung quanh, trong cái xe nầy. Tôi thấy họ đáng ghét lạ. Vậy mà họ cứ đi chùa, đi nhà thờ để đọc kinh, thờ lạy, cầu xin. Tại sao họ không cầu xin cho họ lột bỏ cái “người ta” đó đi để tôi khỏi phải sống vì họ, để tôi được chọn lựa mà sống với anh ấy trọn đời.
Tôi ngồi lại, ngay ngắn, nói với anh ấy những chuyện vu vơ, không trúng đâu vào đâu! Cuối cùng, tôi hỏi anh đi đâu giờ nầy, anh bảo:
- “Đến Val Verde Park, tôi sẽ xuống xe. Rồi tôi kiếm xe đi thêm bốn chục “mai” nữa, theo quốc lộ 126. Tôi sẽ tới thành phố Ventura trên đường 101. Con đường nầy gần như song song với đường số 5 nầy. Ngày mai, có người đón tôi vào Casitas Springs trên quốc lộ 33, gần đó có một cái nông trại. Tôi sẽ sống ở đó, gần với thiên nhiên hơn với con người. Nông trại thì lớn mà người thì ít lắm.”
- “Sao đi xa vậy? Em nghe nói vùng ấy hẻo lánh, nhiều nông trại trồng cà chua, hành, dưa leo... Chỗ đó là hóc mò tó đó anh.”
- “Tôi biết. Tôi muốn đi xa vào chỗ ấy, tôi muốn tự do, muốn sống chân thật. Vậy không hơn xin vào chùa sao? Cô nhớ ngày xưa tôi là nguời lính đánh giặc, dân tác chiến. Người lính cầm súng đánh nhau với Việt Cộng đêm ngày thì đâu cần phải hạ mình xin ai một chữ thọ.”
Vậy cũng được, còn hơn anh ấy vào chùa! Tôi lại nói:
- “Phải chi em bỏ được con, bỏ được cháu mà theo anh đến đó thì... hạnh phúc biết mấy.”
Anh ấy lại thở ra, gần như ngày xưa vậy! Không nói gì cả.
Đến Val Verde Park, anh ấy xuống xe. Tôi cũng xuống theo và ôm anh ấy khá lâu. Rồi tôi khóc. Khi xe sắp chạy, tôi lại lên xe. Anh quay lưng đi vào con đường phố, tôi nói với theo:
- “Anh nhớ gởi thư cho em. Em có đưa địa chỉ.”
Anh ấy quay lại, gật đầu, đưa tay vẫy rồi tiếp tục đi. Bóng anh xa dần.
Tôi không hy vọng gì anh ấy sẽ gởi thư cho tôi như tôi đã dặn. Ít ai cảm nhận được một cách rõ ràng và thực tế rằng cuộc đời như cánh bèo trôi! Vậy thôi! Còn trông mong gì thêm một lần gặp gỡ nữa!

hoànglonghải

Sunday, December 16, 2012

Hồ Chí Bửu * NHỮNG BÀI THƠ LÀM TRƯỚC 1975.



CHIỀU NẰM TRÊN LÔ CỐT

Vỗ bụng cười vang nhìn hàng dây thép
Rượu uống hết rồi sao chẳng thấy say
Nằm gát cẳng lên ngâm thư tứ tuyệt
Thuốc cũng hết rồi buồn rớt không hay

Mấy thằng bạn thân giờ lên đại học
Có thằng ra trường làm tới quan hai
Ta nằm phương nầy chợt thương tay súng
Hai bốn mùa xuân- sáu tuổi lưu đày

Chiều chuyến trực thăng mang theo thực phẫm
Đáp xuống chưa đầy năm phút lại bay
Nhiều hôm ta muốn xin theo về phố
Ngại sợ về thành mình chẳng giống ai

Đã trót tập quen ăn đồ hộp mỹ
Đánh đấm nhiều năm gân cốt cũng mòn
Thôi rũ áo ngồi chờ xin bố thí
Mai mốt hòa bình trả lại núi non

Lỡ mai hòa bình ta về xe đẩy
Chiều qua nhà em có tiếng ai cười
Ngỡ ngàng về nhanh bàn tay run rẩy
Cúi xuống vụng về để nước mắt rơi

Lỡ mai hòa bình ta về nạng gỗ
Khập khễnh bước đi buồn khóc một mình
Em ở lầu cao gieo cầu chọn lựa
Họ chen lấn giành- ta đứng làm thinh…

MÙA XUÂN VÀ TÊN LÍNH RỪNG

Cuộc sống của ta giờ quá đã
Sáng ra chim hót ở trên cao
Tối nghe vượn hú vui chi lạ
Sáng tắm suối nguồn tối tắm ao

Ta sống ở đây mười bốn tháng
Dưới kia thung lũng ắp đầy hoa
Lính ta một lũ đầy ngạo mạn
Gối súng quen rồi quên gối da

Có bữa cơm chiều mưa tầm tã
Khói quyện lên trời bay lãng du
Ngồi nhớ chuyện đời cười ha hả
Bỏ phố lên rừng đâu phải ngu ?

Sau buổi mưa chiều hoa kết trái
Ta mất một đàn bướm thật xinh
Nhớ em ta ngắt cành hoa dại
Nhờ gió đưa hương gọi chút tình

Người ở phố phường khua tiếng hát
Rượu uống suốt ngày say lại say
Ta ở phương nầy mang đánh bạc
Cuộc đời sự nghiệp lẫn tương lai

Người ở phố phường nhiều gái đẹp
Nhà lầu giường nệm thật là sang
Ta ở phương nầy tay súng thép
Đắc chí chỉ trời ca hát vang

Sáng ra ta hít đầy khí mát
Tội em cát bụi dưới phố hồng
Ở đây ta có ngàn cung nhạc
Tội em dưới thế có bằng không

Ta đứng đây cười bằng kiêu hãnh
Lâu quá thành quen cũng cố lỳ
Râu tóc mọc dài không thợ hớt
Ta sống như là tên pippy

Có bữa hứng vào lên bản Thượng
Dẫn theo vài chú lính chưa già
Nhiều tên còn muốn xin làm rể
Rượu cần dăm hũ uống như pha

Cuộc sống của ta giờ quá đã
Hồn nhiên nên mãi vẫn không già
Thành phố nghe quen mà xa lạ
Tết đến ở rừng chơi..hết ga !

VỀ PHÉP

Ngủ ở đây-đêm nay ta yêu em bằng kỷ niệm
Ngủ ở đây không có tiếng súng giật mình
Không có hầm cá nhân từng đêm ngồi kích
Không có bastos để lén hút vội vàng

Ta ngang nhiên ngủ giữa lòng phố chợ
Giữa cuộc vui vụn vỡ của san hô
Đã đánh đổi bằng nghìn đêm lo sợ
Đêm nay rồi cũng trả lại kinh đô

Bạn bè ta hằng trăm thằng ngoài đó
Mắt trong đêm vẫn mở lớn trợn trừng
Sương đỉnh núi còn giăng mù đầu gió
Ta nằm đây thoáng nhớ cũng ngượng ngùng

Ngủ đi em - chắc đêm nay không nghe pháo kích
Thiên đường xa nên súng đạn cũng buồn
Tay ta đây vùng thịt da thương tích
Gối đầu lên rồi kể chuyện yêu đương

Ngủ đi em mùa thu cũng còn buồn lắm
Thôi ngủ đi- ta đi hái trái sầu
Trên non cao hay tận cùng hố thẳm
Đem về trần chằm gắn vết thương đau

Ngủ đi em- ta về vùng lâm chiến
Cũng mơ hồ như một nửa cơn điên
Nghêu ngao hát như một lần xuống núi
Rồi về rừng nghe thương nhớ từng đêm
NẾU NGÀY MAI GIẢI NGŨ.

nếu ngày mai khi tụi mình giải ngũ
mầy làm gì và định sống ra sao ?
tính cưới vợ rồi sinh con nối giỏi
để mừng cho ngày cỡi trả chiến bào
hay tiếp tục với mưa dầm nắng cháy
đời thênh thang ngày dứt chuyện binh đao

nếu ngày mai sau khi mầy giải ngũ
có về quê thăm lại mái nhà tranh
với mẹ già đợi chờ con mòn mõi
bằng tình thương ươm giấc ngủ yên lành
có người yêu vẫn một lòng chung thuỷ
đợi chờ ai xây lại mộng ngày xanh

còn phần tao nếu ngày mai giải ngũ
cánh chim bằng vẫn tiếp tục tha hương
có gì đâu để mỉm cười vui thú
bạn bè tao đã gục ở chiến trường
cha mẹ tao đã qua đời từ lúc
chiến tranh về gây tang tóc đau thương

tao thế đó – có còn ai thân thuộc
người yêu ư ? chắc nàng đã lấy chồng
tao thế đó – có ai mà đưa rước
người quen ư ? chắc nàng đã sang sông
mai tao về đành một mình một bóng
còn ai đâu để cất giữ trong lòng ?

mai giải ngũ tao sống đời du mục
ngày lang thang đêm về ngủ miếu đình
say ngất ngưởng bên túi thơ bầu rượu
ơi một đời yên lặng chẳng đao binh
xin đừng đến những hoàng hôn giẫy chết
cho loài người thôi ôm mộng cuồng chinh..

BÀI VIẾT CHO THẰNG EM QUÁ CỐ

tròn năm năm từ khi mầy nằm xuống
vĩnh viễn không còn mặc áo kaky
là năm năm tao đi làm lính thú
tiếp tục như mầy mặc áo trây di

tròn năm năm tao không về lần giỗ
thằng em mình nằm xuống thật thảm thương
tao vẫn nghèo nên không tiền xây mộ
mầy hiểu cho tao trong nỗi đoạn trường

cha mẹ qua đời tao vừa lên chín
mầy mới lên hai chập chững khóc cười
hai thằng lớn lên rồi mầy đi lính
tao dạy học trò ngày tháng buồn rơi

rồi một mùa xuân tin từ mặt trận
mầy đã ra đi từ giả cõi đời
quá xót thương mầy thằng em lận đận
tao khóc trong lòng mà nước mắt rơi

con nhỏ bồ mầy bây giờ nghỉ học
nó đã theo chồng về nước từ lâu
nó không thể sống một đời đơn độc
tao cũng gượng cười tiễn đứa em dâu

nay ngày giỗ mầy tao còn biền biệc
một vò rượu đầy dăm chiếc nem khô
với một tình thương cho mầy tha thiết
ngồi nhớ đến em buồn rớt không ngờ..
(trích trong tập thơ Nếu Ngày Mai Giải ngũ
của Hồ Chí Bửu-Động Đất xuất bản lần thứ 1 năm 1972)


Trần Văn Nam * Văn chương phản ánh và ký thác

 

Văn chương phản ánh ở những truyện dài

Văn chương ký thác ở những tập thơ


Một đất nước đang vận động cũng như một cơ thể đang hoạt động, biết bao nhiêu phức tạp chứa đựng ở trong đó. Muốn phản ánh cơ chế sinh hoạt này thì không thể chỉ dăm ba điều phác họa, dăm ba nét tượng trưng, dăm ba dáng biểu hiện, mà phải là những công trình đồ sộ.