văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, January 13, 2013

Đỗ Hồng Ngọc * Lu Bu Cuối Năm



Thư gởi bạn xa xôi,


Cuối năm tự dưng bao nhiêu là bộn bề. Không phải vì tin đồn có ngày tận thế đâu! Dẫu biết thời gian là giả tưởng, là trừu tượng, vậy mà ta vẫn hút theo với thời gian mới ngộ. Bây giờ xin tóm tắt với bạn vài nét chính thôi nhé.

1. Ngày 7/12/2012 mình có một buổi trao đổi về “văn chương” với lớp học viên Thạc sĩ Phật học tại Viện Vạn Hạnh. Ôi trời, ai mà dám đến đây nói chuyện “văn chương” như vậy chớ!  Nhưng vì nể thầy Đồng Bổn và nhà nghiên cứu Vu Gia mà đành đến một phen. Với mình cũng là một cơ hội để học hỏi thêm!  Thực ra trước đây có lần mình cũng đã đến trao đổi với các thầy cô về “Thiền và Sức khỏe” ở lớp Cử nhân do thầy Thích Nhật Từ mời, lần này thì mục tiêu, như thầy Đồng Bổn “đặt hàng” là làm sao cho các thầy cô quan tâm chuyện viết… và – nhất là viết về Phật học – được “như anh vậy” để người ta chịu đọc! Tóm lại là trao đổi kinh nghiệm “thực tế”.
Mình đã nhiều lần đến ngồi “quán cà phê Thôi Kệ” của thầy Đồng Bổn ở chùa rồi thì đành “thôi kệ” một phen vậy. Dĩ nhiên mình nói về “tại sao viết?”, “viết để làm gì?”, “viết cho ai?”, “viết cái gì?”, “viết cách nào?”… nhất là viết về Phật học. Dĩ nhiên không ngoài chuyện nội dung và hình thức.  Và cũng dĩ nhiên không thể không nhắc “An lạc hạnh”, một phẩm của kinh Pháp Hoa, dặn dò kỹ về hành xứ và thân cận xứ! Cho nên một thầy cô nào đó say mê viết văn để… kiếm danh hoặc kiếm tiền thì thật là tai họa! Nhà nghiên cứu Vu Gia, phụ tá của thầy Đồng Bổn cũng đã phân tích trực tiếp một số bài văn các thầy cô đã viết để thấy rõ chỗ được chỗ chưa. Buổi trao đổi rất vui và khá là sôi nổi.
Cuối buổi, một vị sư trẻ, thầy Thích Thiện Nguyện gởi mình mấy câu vừa cảm tác:
Buổi sáng hôm nay gặp bác sĩ
Trao đổi nhiều chuyện đạo chuyện đời
………….
Bác sĩ vẫn ung dung tuần tự
Trả lời cho cả lớp vui tươi
Dẫn cả kinh Pháp Hoa khi nói
Vị Bồ tát chúng sanh thấy hoan hỷ
Cho mọi người học hỏi tu trì…


2. Ngày 9/12, là một buổi giao lưu với sinh viên ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên về cuốn “Ăn vóc học hay” vừa được đại học Hoa Sen và Phương Nam tái bản. SV đến thật đông. Một buổi trao đổi hai chiều thật sự về những vấn đề sức khỏe mà các em đang rất quan tâm. Chính ở giảng đường mênh mông này ngày xưa, cách đây vừa đúng nửa thế kỷ, năm 1962, mình đã vào học APM ( Dự bị Y khoa, thay cho PCB và SPCN trước kia). Sinh viên muốn học Y khoa phải thi đầu vào APM. Rất khó. Đậu chừng 10%. Cuối năm nếu đậu sẽ lên học tiếp 6 năm nữa ở trường Y, số 28 Trần Qúy Cáp (nay là Võ Văn Tần). Đó là khóa đầu tiên học theo chương trình mới này. Năm đó nhớ có các bạn Trần Quang Mỹ, Vĩnh Thọ Sơn, Đồng Quang Ngọc, Đặng Cẩm Hồng… đầu sổ và mình đứng hạng 8. Hôm nay có dịp bước vào giảng đường này không khỏi bâng khuâng nhớ thầy nhớ bạn, nay mỗi người một phương, kẻ còn người mất, đều trên dưới cổ lai hy!


3. Ngày 12.12, nhận lời mời của Cha Lê Quang Uy, mình lại có buổi giảng cho lớp Giáo lý hôn nhân ở Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Hơn cả trăm bạn trẻ nam nữ thanh niên dự học rất nghiêm túc. Lớp đã học qua mấy buổi với các vị linh mục, luật sư, bác sĩ… Vì thế mình xin chỉ nói về chuyện… tình duyên gia đạo, hạnh phúc lứa đôi… Dĩ nhiên không quên đọc thơ Xuân Diệu, Nguyên Sa và… Nhất Tuấn: Con quỳ lạy Chúa trên trời… Buổi học trở thành buổi trao đổi khá sôi nổi, vui tươi.
Cũng ngộ, nhớ năm xưa, lúc sắp ra trường, chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp y khoa, mình đã có ý định làm đề tài “Giáo dục tiền hôn” này rồi, nhưng vì thấy khó lượng giá nên chuyển sang một đề tài khác về lâm sàng ở trẻ em.


4. Ngày CN 16.12: Bàn tròn sinh viên Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch.
 Đề tài bàn tròn 15 kỳ này là “Khơi dậy động lực tự thân”  sau khi thấy tình hình sinh viên y khoa học mệt mỏi và chán nản, xuống tinh thần: Học nặng, khổ nhọc, ra trường lương không đủ sống, trách nhiệm cao, bị “sỉ vả” hơi nhiều! Đến nay đã có 15 buổi Bàn tròn như vậy, phối hợp giữa Đơn vị sư phạm Y học và Bộ môn Khoa học hành vi & Giáo dục sức khỏe thực hiện từ 3 năm qua. Bàn tròn 14 về “Ngôn ngữ thân thể” và Bàn tròn 16 về “Thông minh cảm xúc”. Trung bình mỗi tháng có một “Bàn tròn”, đã trở thành một nếp quen của các thầy trò. Đây là các buổi sinh hoạt lý thú dành cho sinh viên, với phương pháp “giáo dục chủ động”, tích cực và sáng tạo, tư duy phản biện.


5. Ngày 17.12: Dự Hội thảo Công tác xã hội trong bệnh viện do Bộ y tế tổ chức tại BV Nhi đồng 1. Mình “tham luận” mấy ý, rằng từ cuối thập niên 60, ở bệnh viện Nhi đồng Saigon, nơi mình đang là nội trú đã thấy có những cán sự xã hội mặc áo “blouse hồng” bên cạnh các bác sĩ, điều dưỡng mặc “blouse trắng”. Rằng công tác xã hội trong bệnh viện rất cần thiết và người nhân viên công tác xã hội (medical social worker) ngoài các kỹ năng chuyên ngành, cần được huấn luyện kỹ về y đức. Đọc bài này trên www.dohongngoc.com.


6. Từ 18 đến 20/12/ 2012 về Lagi và Phan Thiết. Nhớ quá. Ghé Lagi thăm nhà. Tắm biển. Nước trong xanh. Mùa sắp Tết. Gió bấc se lạnh. Hòn Bà xa xa. Nhớ hôm nào đưa nhóm bạn trẻ T4G về Lagi leo đèo, lội suối (suối Đó, chùa Đây), uống dừa tươi, ăn cá biển, tắm nước ngọt (phải có người giữ cửa cho gió khỏi bung)… Vậy mà đã 10 năm!

Bàu Trắng

Từ Lagi về Phan Thiết ngang qua xóm nhà ngoại, lại nhớ Bàu Lời, Gò Ông Nồm, Gò Đình… xưa kia rừng rú hoang vu mà nay trống huơ trống hoắc! Cây cỏ chẳng biết đi đâu, chỉ toàn thanh long ! Đi dọc đường biển qua Kê Gà, Hòn Lan, Đá Nhảy…  Con đường quanh co tuyệt đẹp. Các resorts không còn thấy náo nhiệt như xưa có lẽ do kinh tế ảm đạm. Mình thì chả thấy ảnh hưởng tí gì vì vẫn chỉ là bánh căn- bột nướng chan nước mắm đâm tỏi ớt, xoài xanh- rồi bánh canh chả cá, chè “mộng cầm”, rồi Mũi Né, Hòn Rơm, Bàu Trắng…. Đã lâu không ghé Bàu Trắng! Đường cheo leo như len giữa sa mạc, đảo Rùa, rồi thảo nguyên bát ngát làm muốn cưỡi ngựa chăn dê, hồ nước xanh mênh mông và đồi cát trùng trùng trắng xóa không vết chân người.
Nay thì đã không còn mấy em nhỏ cho thuê miếng trượt.  Bắt đầu rào giậu, che chắn, chuẩn bị… bán vé, kinh doanh. Đồi cát trắng đã có những con đường bê tông cho mô tô vun vút leo trèo. Khu rừng dương bắt đầu có nước ngập. Mấy gian nhà lá vớí giàn bí giàn bầu, ao sen thanh bình thuở nào đã… “du lịch hóa”! Lần đi cùng Hoàng Quốc Bảo, Thân Trọng Minh thì nơi đây hãy còn hoang sơ như cổ tích. Gia chủ nấu cho một nồi cháo cá lóc hay cháo gà tổ bố quá ngon! May thay, lần này thấy có một phim trường giả rất dễ thương, hình như để chuẩn bị quay một phim gì đó về Phật giáo. Không bỏ lỡ cơ hội, mình ghé tham quan và chụp vài tấm ảnh kỷ niệm.


Hôm sau cafe với mấy nhóm bạn, với nhà thơ Đỗ Quang Vinh, với thầy Nguyễn Công Bình, nguyên hiệu trưởng Phan Bội Châu cùng thầy Tôn Thất Hồi, Hoàng Triều, chỉ thiếu Ngô Đình Miên. Bình cùng tuổi với mình nhưng vào đệ thất PBC còn sau bọn mình 2 năm. Thời chiến là vậy cả!


7. Từ 29/12/2012 đến 1/1/2013: Bạn coi, một chuyến đi Đalat có vài ba ngày mà kéo dài… đến 2 năm chứ ít gì! Ngủ qua một đêm sáng hôm sau đã thấy mình thêm một tuổi! Ngộ thiệt. Nhưng, chẳng cũng khoái ru?
Ghé Madagui, không gặp Chu Uyên nhưng cũng ở lại một đêm. Đi xe đặc chủng vào rừng Cát Tiên, vào tận thác Voi, leo trèo nhảy nhót một hồi mới sực nhớ mình già!
 Tụi nhỏ chèo thuyền trên hồ rồi chơi trò trượt cỏ các thứ… thật vui. Đêm trăng rừng đẹp quá. Lâu lắm rồi mới thấy “ông trăng xuống chơi cây cau” to như vậy! Tình cờ gặp nhóm nhiếp ảnh gia, Tâm, Thái Phiên… đi săn ảnh. Tối đó có dịp phỏng vấn lai rai Thái Phiên về nghệ thuật chụp ảnh khỏa thân của anh với tập Xuân Thì khá đình đám một dạo.
Hôm sau trên đường đi Đalạt, ghé thăm thác Damb’ri và chùa Bát Nhã. Đàlat không còn một chỗ trống. Người nườm nượp. Lạnh. Đành xuống phố chen chúc với mọi người cho ấm. Ghé “chè hé” thì cửa mở toang, hỏi, bảo thiên hạ ùa vào, tự xô cửa ra, cản không nổi! Chè đã hết sạch từ sớm! Mình vốn mê chè “trôi nước” ở đây nên cũng thấy buồn buồn. Sáng hôm sau, cùng cả nhà đi Suối Vàng, dọc đường ăn gà nướng cơm lam cạnh thác nước thật ngon. Đến Đalạt lại nhớ Trần Vấn Lệ, lòng vòng kiếm một người nào đó  để đọc thơ của chàng cho nghe. Mãi mới gặp được một người Đalạt thứ thiệt, rất đàlạt, đẹp sửng sờ, chừng mười tám đôi mươi, biết ngay là người xưa của TVL nhưng vì xe vút qua nhanh không dừng lại cho hỏi han đôi lời. Tiếc mãi…
Ngày 1/1/13 trên đường về ghé qua Vườn đá của Nguyễn gia trang. Cửa đóng then cài. Hoang vắng. Không một bóng người. Đi đường mới qua Trị An, nhìn đảo Ó giữa lòng hồ rất đẹp. Phải đi ngay nên chỉ kịp chụp hình mấy con bò lang thang gặm cỏ trong nắng chiều.
Một năm mới đã bắt đầu rồi ư?


Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc

TƯỜNG LINH * Tình khúc nguyên xuân


tường linh qua Tạ Tỵ


Thưa rằng xuân vẫn nhớ nhau
Giữ nguyên nghĩa trước tình sau đậm đà

Những mười năm bạn cùng ta;
Những mười năm dẫu em là cố nhân

Chưa đi hết quãng đường trần
Tiếng “yêu” vang vọng căn phần từ tim

Trời xưa mỏi mắt trông tìm
Cánh chim nào lạc đàn chim chưa về

Thưa rằng xuân nhắc thơ đề
Lẽ nào đứng lặng bên lề nhân gian

Hội vui góp mấy cung đàn
Đường vui chung bước dưới làn phấn mưa

Lòng vui sau phút giao thừa
Điểm danh hướng nhớ đêm vừa trắng canh.


TƯỜNG LINH 
November.2012

Saturday, January 12, 2013

Phạm Tín An Ninh * Trên Chiến Trường Xưa


Hơn ba mươi năm sau, cùng với bốn anh em trong đơn vị xưa, chúng tôi
trở lại Kontum tìm thăm nơi an nghỉ của những đồng đội cũ. Trong những
năm 72 và 73, đơn vị chúng tôi đã có hơn hai trăm anh em vĩnh viễn nằm
lại nơi này để giữ vững miền địa đầu, cửa ngõ quan trọng nhất vào Tây
Nguyên, nơi có bản doanh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn nằm không xa phía dưới

 -thành phố Pleiku.Dừng chân dưới chân núi ChuPao, nhớ tới những trận đánh 
khó khăn ác liệt với những toán địch quân bị xích chân trong những hầm núi đá,
 cố bám trụ những cái "chốt", nhằm cắt đứt QL 14, con đường huyết mạch nối
 liền Kontum với Pleiku, và hình dung tới từng khuôn mặt của những anh em đã 
không bao giờ còn trở lại, một số đã gởi xác thân lại cho rừng núi nơi này, tôi 
xót xa khi nghĩ là mình còn mắc nợ họ.
Món nợ máu xương không bao giờ trả được.Ngày ấy chiến trường ác liệt, có 
nhiều người lính phải hy sinh ngay khi vừa mới bổ sung cho
đơn vị, mà ban quân số chưa kịp nhận hồ sơ lý lịch. Đa số rất trẻ, độc
thân, và gia đình ở tận những miền xa, nên mồ mả không có ai chăm sóc.
Hơn ba mươi năm rồi, qua bao nhiêu thăng trầm biến đổi, có lẽ hầu hết
các nghĩa trang trong thành phố đã bị giải tỏa từ lâu, và nếu có được
cải táng ở một nơi nào đó, chắc trên mộ bia không còn ghi đơn vị cũ.
Chúng tôi đến đây như để tìm lại chút kỷ niệm và mong được vơi đi chút
nào lòng trắc ẩn, chứ chuyện tìm lại được mồ mả của anh em - hy vọng
rất mong manh.

Cả thành phố Kontum bây giờ đã đổi khác. Khó khăn lắm chúng tôi mới
tìm được các địa danh ngày trước. Những B12, B15, Thành DakPha, Đồi
Sao Mai, Bệnh Viện Dã Chiến. Nơi có những bản doanh, căn cứ từng 

mang tên những người anh, người bạn anh hùng của tôi đã nằm xuống để
 bảo vệ Kontum: Võ Anh Tài, Đặng Trung Đức, Trần Công Lâm…Chúng
 tôi tìm đến một số nhà quen lúc truớc. Tất cả không còn. Những người
 chúng tôi gặp đa số mới vào từ miền Bắc. Người Kontum xưa giờ chắc 
cũng đã tứ tán bốn phương trời.
 Tội nghiêp cho người dân Kontum bất hạnh. Bao nhiêu
năm tháng hứng chịu chiến tranh, có lúc thành phố bị mỗi ngày hàng
ngàn quả đạn pháo, vậy mà họ vẫn ở lại, vẫn cùng với những người lính
chúng tôi giữ vững thành phố này trong suốt những thời kỳ ác liệt
nhất. Nhưng rồi cuối cùng, giữa tháng 3/75, Kontum bị bỏ rơi tức tưởi
khi không còn bóng dáng quân thù. Những người lính ở đây được lệnh tử
thủ, ngăn chặn miền địa đầu tam biên cho Pleiku di tản. Tôi từng được
nghe người Kontum kể lại chuyện những người lính hào hùng, tự sát vào
giờ thứ 25, khi Kontum bị lọt vào tay giặc. Nghĩ tới đó, lòng tôi thấy
nghẹn ngào, nước mắt cứ trào ra.

Đúng như chúng tôi dự đoán, tất cả mọi nghĩa trang trong thành phố,
nơi bạn bè tôi được chôn cất, không còn nữa, người ta đã giải tỏa để
xây lên một số cơ sở công quyền và những khu giải trí.

Chúng tôi tìm đến Tòa Giám Mục, cũng là nơi mà đơn vị chúng tôi đã
phải đổ khá nhiều máu xương để tái chiếm trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Một vị
linh mục đứng tuổi, tiếp chúng tôi niềm nở. Ông cho biết là, mồ mả
trong các nghĩa trang lúc xưa đã được cải táng và chuyển đến địa điểm
mới, nằm trên cây số 9, đường lên Tân Cảnh. Tuy nhiên chỉ có những
ngôi mộ có thân nhân nhận lãnh và tự cải táng thì mới có mộ bia, còn
những ngôi mộ khác thì không biết ra sao. Ngài còn tốt bụng, sẵn sàng
hướng dẫn chúng tôi đến đó. Cây số 9, gần căn cứ Non Nước, nơi ngày
xưa đơn vị tôi đã bao lần cùng với các chiến sĩ thiết giáp hào hùng
của Chi Đoàn 1/8 KB đẩy lui những đợt tấn công biển người của địch,
giữ vững cửa ngõ vào thành phố Kontum.

Mất gần hai tiếng đồng hồ, đi khắp nghĩa trang, chúng tôi vẫn không
tìm ra bia mộ nào có cái tên quen. Nhiều ngôi mộ không có bia. Đưa vị
linh mục trở lại Tòa Giám Mục, cám ơn và chia tay ngài. Đã hơn 12 giờ
trưa, chúng tôi tìm một nơi nào đó để ăn cơm. Nhớ tới quán ăn Bạch
Đằng và Thiên Nam Phúc ngày xưa, nơi có mấy cô chủ quán dễ thương, mà
đám lính tráng chúng tôi thường ghé lại đây ăn uống sau những tháng
ngày dài hành quân trong núi, một anh bạn hỏi thăm đường đến đó. Nhưng
quán bây giờ đã đóng cửa và những người xưa cũng đã trôi dạt về những
nơi nào đó. Bọn tôi rủ nhau ra bờ sông Dakbla, dọc theo con đường về
làng Tân Hương, nơi lúc xưa có mấy cái quán nhỏ để những ngày tương
đối bình yên, bọn tôi ra ngồi uống cà phê, ngắm dòng sông chảy ngược,
tạo huyền thoại một thời này, mà nhớ tới vợ con hay người tình đang ở
đâu đó, để rồi sau lúc chia tay chẳng biết ngày mai ai còn ai mất. Dọc
theo bờ sông bây giờ là những hotel, nhà hàng, nhà trọ và biệt thự của
các ông quan lớn. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra được một cái quán ăn
bình dân, nhưng khá sạch sẽ, nằm dưới tàng của một cây trứng cá.

- Buổi trưa nên vắng khách. Bà chủ vui vẻ vừa đón chúng tôi vừa giải thích.
Chúng tôi chọn một cái bàn nhỏ gần bờ sông. Xa xa phía bên kia là làng
Phương Hòa thật dễ thương ẩn mình dưới những vườn cây. Nhìn mấy bờ đê
bên bìa làng, tôi nhớ tới cái chết của người phi công anh hùng Phạm
văn Thặng. Tôi đã chứng kiến phi vụ thật can trường này. Anh là trưởng
phi tuần gồm hai chiến đấu cơ AD-6, đánh bom vào một mục tiêu có nhiều
ổ súng phòng không của địch. Anh lao phi cơ xuống thật thấp bắn chính
xác, tiêu hủy mục tiêu, tạo một đám cháy và nhiều tiếng nổ phụ, rồi
bay lên từ trong đám lửa ấy.

Đang trên đường bay về, anh phát hiện có
nhiều đạn phòng không bắn lên từ một khu vưc khác. Anh quay trở lại,
lao phi cơ xuống trút hết những quả bom còn lại, rồi bay vút lên không
trung. Đúng lúc ấy, máy bay anh bị trúng đạn. Cánh bên phải phát hỏa.
Anh phi tuần phó bay kèm theo, bảo vệ và hối thúc anh nhảy dù ra. Bộ
binh chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp cứu. Nhưng anh từ chối, bảo là nếu
anh nhảy dù ra, phi cơ sẽ rớt xuống khu dân cư trong thành phố. Anh cố
gắng bay qua bên kia bờ sông, đáp khẩn cấp (crash) xuống khu ruộng
trống phía dưới. Anh điều khiển thật tài tình, nhưng vì phi cơ đã hư
hỏng, không còn theo ý muốn, đâm vào một bờ đê và phát nổ. Anh Phạm
văn Thặng đã anh dũng hy sinh. Điều cảm động hơn, khi người đại diện
của Sư Đoàn đến nhà anh để chia buồn cùng gia đình và đưa anh đến nơi
an nghỉ cuối cùng, đã kể lại cảnh nghèo nàn của gia đình anh, một
trung tá phi công của QLVNCH.

- Mấy ông anh từ xa tới. Chắc tính làm ăn gì chứ cái thành phố này thì
có cái gì mà tham quan. Phải không?

Câu hỏi của chị chủ quán làm tôi giật mình. Mấy anh em khác im lặng,
nhìn tôi như thầm nhắc cho tôi cái nhiệm vụ trả lời.

- Không, bọn tôi tìm thăm người quen, nhưng không gặp.
- Ở khu vực nào, có nhớ địa chỉ không ? Tôi sẽ tìm giúp các anh. Tôi
là dân ở đây mà.

Tôi mỉm cười :
- Cám ơn chị. Ở trong nghĩa trang thành phố, nhưng đã bị dọn đi nơi
khác rồi, biết đâu mà tìm.

Chị chủ quán khựng lại chưa kịp để thức ăn xuống bàn, nhìn tôi ngạc nhiên :
- Sao lại phải ở trong nghĩa trang ?
- Vì họ đã chết rồi. Chết từ năm 1972 lận. Tôi buồn bã trả lời.
- Vậy chắc các anh đây là lính Cộng hòa mình ? thuộc đơn vị nào ?
Nghe mấy chữ "lính Cộng hòa mình" tự dưng tôi cảm thấy gần gũi với
người đàn bà xa lạ này. Tôi thân thiện :

- Anh em bọn tôi thuộc sư đoàn 23, trung đoàn 44 chị ạ.
- À, vậy có anh nào ở đại đội trinh sát ?
- Không, bọn tôi ở trung đoàn và tiểu đoàn. Một người trong chúng tôi trả lời.
Sau một khắc yên lặng, chị lên tiếng:
- Em có mấy người bạn ở trinh sát. Lúc trước cũng nằm trong nghĩa
trang thành phố, nhưng khi có lệnh giải tỏa, em đã chuyển các anh ấy
lên cây số 9 rồi. Chị chủ quán tỏ ra thân thiện và thay đổi cách xưng
hô.

Chúng tôi vừa bất ngờ vùa xúc động. Sau khi dọn bàn xong, mang nước
trà ra mời chúng tôi, chị kéo ghế ngồi xuống rồi tâm sự.

Thì ra chị là bạn gái của anh Bình, trung sĩ Bình, ở đại đội trinh sát
của đại úy Minh, sau này là đại úy Mạnh. Anh tử trận hồi mùa hè 1972..
Ngày đó chị còn đang đi học, nhưng chiến tranh ác liệt quá, trường
phải tạm đóng cửa. Chị ở nhà phụ bán cà phê cùng với người chị ruột.
Bà chị này quen khá thân với Mạnh. Khi ấy Mạnh còn là trung úy đại đội
phó. Anh Bình thường theo Mạnh tới đây, rồi dần dà quen nhau. Từ khi
Bình chết, chị thường đến thắp hương và chăm sóc mộ phần Bình và những
đồng đội của anh nằm trong nghĩa trang thành phố.

Năm 1978, chính quyền Cộng sản ra lệnh giải tỏa nghĩa trang, chị chạy
khắp nơi kêu gọi bà con cùng góp tiền góp sức với chị, nhưng cũng chỉ
kịp cải táng hơn 20 ngôi mộ của những anh em Trinh Sát về địa điểm
mới. Hầu hết mồ mả của những anh em chiến sĩ còn lại, đã bị san bằng.
Chúng tôi cảm động. Không ngờ trong thời buổi nhá nhem tình nghĩa, có
lắm kẻ sớm vong ơn, phản suy phù thịnh, vẫn còn có nhiều người Kontum
nặng tình với lính.

Theo yêu cầu của bọn tôi, chị cùng chúng tôi đi thăm mộ anh Bình và
các anh em trinh sát. Hơn hai mươi ngôi mộ được xây bằng đá đơn giản,
nằm bên nhau ở khu phía đông nghĩa trang. Điều đặc biệt trên các tấm
bia, trước mỗi cái tên đều có kẻ hai chữ TS. Chúng tôi thắp hương cho
từng ngôi mộ xong, quay lại thì thấy chị đang ngồi sụt sùi trước mộ
anh Bình. Khi thấy bọn tôi, chị lau nước mắt đứng dậy và nói một mình:

- Thật tội nghiệp, anh ấy hy sinh khi tìm cách chui qua hàng rào để
bắn hạ chiếc xe tăng của VC vừa đột nhập vào chiếm bệnh viện

Tôi nhớ lại trận chiến ác liệt này. Khi VC mở đợt tấn công thứ nhì vào
thành phố Kontum nhằm rửa hận lần thảm bại ở tuyến tây bắc: Hơn một
trung đoàn bộ và nguyên một tiểu đoàn xe tăng của sư đoàn 320 bị chúng
tôi xóa sổ. Lần này chúng dùng mấy chiếc M113 đã cướp được của Sư Đoàn
22 BB từ khi Tân Cảnh thất thủ, dẫn đầu môt đơn vị gồm những chiến xa
T 54 + T59 có bộ binh yểm trợ, nhằm lừa phi cơ quan sát của ta, xâm
nhập vào Bệnh Viện 2 Dã Chiến, nằm cạnh thành DakPha, cách vòng đai
phi trường chừng 800 mét, với thủ đoạn lợi dụng vào những thường dân
và binh lính bị thương nằm trong bệnh viện, để uy hiếp lực lượng của
ta. Tiểu Đoàn 4/44 do Thiếu Tá Võ Anh Tài chỉ huy đã đánh một trận
chiến vô cùng gay go ác liệt với một lực lượng địch đông gấp ba lần,
dùng chiến xa T 54 làm nổ lực chính. Xe tăng địch nép theo những vách
nhà bệnh viện. Muốn diệt chúng phải tiếp cận để có thể dùng những khẩu
M 72 hiệu quả, anh Tài cùng toán quân báo đã dẫn đầu đơn vị, tìm cách
chui qua hàng rào bệnh viện, và anh đã hy sinh bởi bị chính mìn của ta
phát nổ.

Người anh cả của Tiểu Đoàn, một sĩ quan xuất thân từ khóa 16
VBĐL lừng danh, đã nằm xuống dọn đường cho đơn vị mình cứu nguy bệnh

 viện, nơi có đồng bào và cả đồng đội của anh bị địch quân dùng làm bàn 
đạp trong ý đồ bất nhân của chúng. Đại Đội Trinh Sát đang bảo vệ Bộ
Chỉ Huy Trung Đoàn được điều động tiếp ứng, đột nhập đánh vào sườn
địch. Trinh Sát 44, một đại đội với bao chiến công hiển hách từ thời
đại úy Trần Công Lâm, Phan công Minh và sau này là Đoàn quang Mạnh,

 đã đánh một trận thật tuyệt vời, bắn cháy nhiều chiến xa địch, đuổi đám
tàn quân Cộng sản chạy thoát thân ra khỏi bệnh viện và giữ vững một
lần nữa vòng đai thành phố.

Đại đội Trinh sát này dưới sự chỉ huy tài
ba và gan dạ của trung úy Phan Công Minh, đã từng đánh một trận thần
tốc, chỉ bằng lựu đạn và cận chiến, giải cứu cho một Tiểu Đoàn BĐQ /BP
bị vây trên đỉnh núi ChuPao. Minh bị thương nhưng vẫn tiếp tục điều
quân, vừa phá vòng vây cứu nguy cho đơn vị bạn, vừa diệt những cái
chốt cuối cùng, khai thông QL 14, để lực lượng chiến xa của Lữ Đoàn II
KB lên tăng cường cho mặt trận và hộ tống đoàn xe tiếp tế, lần đầu đến
Kontum kể từ khi cuộc chiến khởi đầu. Tướng Trần văn Hai, nguyên Chỉ
huy trưởng BĐQ, lúc ấy là TLP/ QĐII đã cùng đại tá TMT/QĐ, đến QYV
Pleiku ôm lấy người đại đội trưởng trẻ tuổi tài ba gan dạ Phan Công
Minh ngay khi vừa mới được tản thương về, và gắn lon đại úy cùng anh
dũng bội tinh với nhành dương liểu cho Minh tại đây. Lúc ấy Minh vừa
tròn 25 tuổi.

- Đại úy Mạnh bây giờ ở đâu, các anh có gặp anh ấy không ?
Câu hỏi của chị đã cắt mất dòng hồi tưởng của tôi. Tôi lên tiếng trả lời chị :
- Anh Mạnh đã chết trong tù cải tạo từ năm 1978 chị ạ.
Im lặng một lúc, tôi lại nghe tiếng chị khóc.
- Chị Hà em, bạn gái của anh Mạnh lúc xưa cũng bị chết năm 75 khi VC
vào chiếm Kontum. Mộ chị nằm ở ngay phía trước đây.

Vừa nói, chị vừa dẫn chúng tôi đến đó. Nhìn bức ảnh trên mộ bia tôi
mang máng nhớ lại người con gái tên Hà ở một quán cà phê nhỏ nằm trong
vườn cây sau nhà, hơn ba mươi năm về truớc.

Nghĩa địa mới này nằm không xa làng Trung Nghĩa. Tôi rủ chị cùng với
chúng tôi ghé lại lại thăm làng và khu nhà thờ. Nơi mà ngày xưa ông
cha chánh xứ đã cùng chúng tôi chiến đấu bảo vệ những giáo dân ngoan
đạo. Nghe nói ngài đã bị tra tấn đến chết trong trại tù cải tạo.

Ra khỏi nghĩa trang, nhìn về phía bắc, rừng núi ngày xưa, dù không
tránh được dấu vết của đạn bom, nhưng vẫn còn xanh tốt, giờ sao lại xơ
xác điêu tàn. Tôi hỏi chị bạn gái anh Bình, nghe tiếng chị thở dài :

- Tham nhũng bây giờ còn tàn phá nhiều hơn cả chiến tranh ngày trước.
Tôi nhớ lại những vụ án ở đây, có liên quan đến nhiều ông lớn. Mới đây
bà Thao Y Bình, Bí Thư Tỉnh Đoàn Kontum đã ăn cướp đến gần 140 tỷ đồng
của dân nghèo, và ông Trần văn Thiên, chủ tịch huyện Dak Glei đã thông
đồng bán bao nhiêu gỗ quí.

Trên đường vào làng Trung Nghĩa, tôi hồi tưởng tới trận chiến trên
tuyến Tây Bắc Kontum. Nơi đơn vị tôi đã thắng một trận thật lẫy lừng,
làm tiêu hao cả sư đoàn 320 mà địch quân thường hãnh diện là Sư Đoàn
Thép, mở đầu cho bao nhiêu chiến thắng sau đó để Kontum, Tây Nguyên
không lọt vào tay giặc.

Đúng vào sáng 30 tết năm 1972, khi chuẩn bị buổi tiệc tất niên cho các
đơn vị tại hậu cứ Sông Mao sau một năm đối mặt với chiến trường, Trung
Đoàn 44 chúng tôi nhận khẩu lệnh của Tướng Ngô Dzu, Tư Lệnh QĐ II, di
chuyển khẩn cấp lên An Khê để thay thế vị trí Sư Đoàn 101 Không Kỵ Hoa Kỳ

 vừa rút quân về nước.
Vừa đến An Khê vào chiều mồng một tết, chúng
tôi đã cùng với Thiết Đoàn 3 KB tham chiến, giải toả áp lực địch đang
bao vây một số căn cứ phòng thủ của các đơn vị thuộc Sư Đoàn Mãnh Hổ
Đại Hàn dọc theo đèo An Khê nằm trên QL 19. Tình hình tương đối yên
tĩnh, các căn cứ Đại Hàn được giải toả, QL 19 đã khai thông, chúng tôi
vừa đảm trách giữ an ninh cho QL19 từ Pleiku đến Bình Khê, vừa thiết
lâp lại các căn cứ pháo binh, phòng thủ. An Khê là một địa danh làm
người ta nhớ tới hai đoạn đèo Mang Yang và An Khê cùng những khúc
quanh "tử thần", mà ngày xưa cả một tiểu đoàn thiện chiến của đội quân
viễn chinh Pháp bị lọt vào ổ phục kích, để gần như phải xóa sổ.

Ngày 24/4/72, Tân Cảnh thất thủ khi BTLTiền Phương của SĐ22 bị tràn
ngập. Đại tá Lê Đức Đạt, vị tư lệnh không được sự ủng hộ của tay phù
thủy John Paul Vann, cố vấn Mỹ QĐII&QK2, đã từ chối lời mời lên máy
bay của người cố vấn SĐ khi phòng tuyến bị chọc thủng bởi nhiều chiến
xa T 54 của địch. Ông ở lại chiến đấu và vùi thây nơi chiến địa. Căn
cứ Tân Cảnh thất thủ, quận Dakto mất, một BTL/Sư Đoàn bị rơi vào tay
giặc mà không hề có bất cứ sự yểm trợ nào của lực lượng đồng minh,
cùng cái chết của vị tư lệnh liêm sỉ, khí phách hào hùng thời ấy đã là
một trang chiến sử nói lên cái bi phẫn của QLVNCH, báo trước sự bỏ rơi
của người bạn đồng minh Mỹ, đã từng cam kết bảo vệ miền Nam, tiền đồn
của Thế Giới Tự Do.

Căn cứ địa đầu thất thủ, kéo theo sự xáo trộn của một Sư Đoàn bao
nhiêu năm trấn thủ tam biên, tạo thuận lợi để địch quân tràn xuống uy
hiếp Kontum.

Trung Đoàn 44 nhận lệnh di chuyển khẩn cấp lên phi trường Pleiku để
được không vận lên Kontum. Lúc này thành phố Kontum đang bất ổn, VC đã
có mặt một số nơi trong thành phố và pháo kích thường xuyên vào phi
trường, một vài phi cơ bị trúng đạn phải nằm ụ tại chỗ. Chúng tôi được
lần lượt không vận vào ban đêm bằng C 130. Khi sắp vào không phận, máy
bay tắt hết đèn, đảo mấy vòng, đáp thật nhanh, trút chúng tôi xuống
cuối phi đạo rồi vội vàng bay lên trong đêm tối mịt mùng.

Tiểu Đoàn 1 và 2/44 đựơc chở thẳng tới phòng tuyến tây bắc, thay thế
cho một liên đoàn BĐQ vừa bị tiêu hao quân số. Hai vị tiểu đoàn trưởng
lại là hai người bạn cùng tốt ngiệp khóa 19 VBĐL thao lược, can
trường: Đại úy Đặng Trung Đức và Nguyễn Xuân Phán. Ngay sau khi nhận
khu vực trách nhiệm, từ vị tiểu đoàn trưởng đến binh sĩ cùng nhau lập
phòng tuyền chiến đấu, đặc biệt là đào những hầm hố chống chiến xa
phía trước.

Vào khoảng 5 giờ sáng, ánh trăng hạ tuần còn mờ ảo dưới màn sương, các
toán tiền đồn phát hiện có nhiều chiến xa địch đang tiến về hướng nam.
Các đơn vị được lệnh xuống giao thông hào, và dỡ bỏ tất cả các lều
poncho để tránh sự phát hiện của địch. Trên hệ thống vô tuyến, tất cả
báo cáo đã sẵn sàng. Địch quân tập trung đánh vào phòng tuyến TĐ 2 của
Đại úy Nguyễn Xuân Phán. Chúng không ngờ có một đơn vị thiện chiến mới
toanh vừa mới có mặt trên chiến trường này, nên sau một lọat tiền
pháo, chúng xua những chiếc T 54 dàn hàng ngang, lực lượng bộ binh ồ
ạt theo sau. Mặc dù đây là lần đầu tiên trực chiến với xe tăng địch
nhưng không hề nao núng, mặc cho những xích sắt tha hồ rú gào đe dọa,
Đại úy Phán bình tĩnh vừa gọi pháo binh tác xạ ngăn chặn, phân tán và
tiêu diệt bộ binh địch, vừa ra lệnh cho đơn vị chỉ khai hỏa khi những
chiếc T 54 tới gần trước mặt, trong tầm bắn chính xác hữu hiệu của
những khẩu M 72, loại vũ khí chống tăng duy nhất mà đơn vị được cấp,
và một số B40, B41 của địch thu được từ chiến trường An Khê. Đó là một
quyết định táo bạo và sáng suốt. Chiếc T 54 đầu tiên bị bắn hạ do
chính anh Tiểu Đoàn Phó, đại úy Nguyễn Xuân Hướng. Ngay sau đó, hàng
loạt xe tăng địch bị bắn cháy. Cả một tiểu đoàn ồ ạt hô xung phong.
Cộng quân bị đánh bất ngờ, khiếp sợ, quay đầu chạy. Một chiếc T 54 ủi
thẳng vào hầm BCH/TĐ, bị ta bắt sống cả xe lẫn địch, trong đó có tên
đại đội trưởng. Tiểu Đoàn 1/44 của Đại úy Đức trở thành lực lượng ngăn
chặn hữu hiệu, đánh bất ngờ bên hông địch, đám tàn quân chỉ còn kịp
buông súng đầu hàng. Chiến thắng ấy tất nhiên là công trạng của tất cả
mọi người, nhưng sẽ là thiếu sót lớn lao, nếu không nhắc tới thiếu tá
Ngô văn Xuân, vị trung đoàn phó tốt nghiệp khóa 17 VBĐL hiền lành mà
tài năng đảm lược. Lúc nào tiếng nói thật bình tĩnh, trấn an, dặn dò,
đốc thúc của Bá Hòa (danh hiệu của anh) cũng vang trên hệ thống vô
tuyến làm nức lòng chiến sĩ. Ngay sáng hôm ấy, khi khói lửa chưa tan,
Thiếu Tướng Nguyễn văn Toàn vừa nhận chức vụ Tư lệnh QĐII thay thế
Tướng Ngô Dzu, bay lên thị sát mặt trận. Ông vẫn đội bê rê đen, đứng
trên xe M113 và đi bộ ngay trên phòng tuyến, bắt tay từng anh em binh
sĩ, vui mừng với chiến tích đầu tiên của ông và gắn lon thăng cấp cho
vị trung đoàn trưởng. Người ta đã nói nhiều về cá nhân ông, nhưng ít
ai biết được ông là một dũng tướng ngoài chiến trường.

Chiến công hiển hách này đã mở đầu cho hằng loạt chiến thắng khác của
tất cả những đơn vị tham chiến để bảo vệ Kontum và giữ vững vùng địa
đầu Tây Nguyên trong suốt Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.Tổng Thống Nguyễn văn
Thiệu lên thăm Kontum, mừng chiến thắng. Khi trực thăng ông đáp xuống
căn cứ B 12, bản doanh của BTL/SĐ23BB, đạn pháo của VC thi nhau rót
xuống, nhưng vị Tổng Tư lệnh đã xua tay từ chối nhận chiếc áo giáp từ
vị đại tá Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn. Ít nhất ông cũng đã chứng tỏ được
cái uy dũng của một người xuất thân từ lính. Nhân dịp này Tổng Thống
đã gắn lon Tướng cho đại tá Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư Đoàn. Các anh Tiểu
Đoàn Trưởng đều được vinh thăng một cấp. Riêng vị trung đoàn phó thầm
lặng Ngô văn Xuân đựơc thăng cấp bằng một quyết định riêng sau đó. Anh
đựơc điều về làm Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn và sau này là một trong những
vị trung đoàn trưởng thao lược của QLVNCH.

Kontum bây giờ chẳng còn môt chút gì dấu tích chiến tranh, nhưng nhìn
ở đâu tôi cũng thấy bóng dáng anh em đồng đội cũ, những người bạn trẻ
tuổi can trường của chúng tôi ngày trước. Đặng Trung Đức đã hy sinh
vào cuối mùa hè 1972 khi vừa được trực thăng vận xuống phía bắc căn cứ
Non Nước. Tên anh được đặt cho bản doanh BTL/SĐ. Vợ con anh đã sang
Pháp, nhưng chị Đức đã mất từ năm 1982, hai đứa con nhỏ phải nhờ ông
bà ngoại nuôi nấng. Bà mẹ già góa bụa, mà Đức là con một, cũng đau
buồn mà đi theo Đức chưa đầy một năm sau ngày Đức hy sinh. Trần Công
Lâm, người bạn cùng khóa thân thiết nhất của tôi - người sĩ quan chưa
hề biết mùi chiến bại, đi hành quân mà chưa gặp địch là không chịu
quay về -, trước khi nắm Tiểu Đoàn 3/44, đã từng là một đại đội trưởng
Trinh Sát lừng danh với bao chiến công hiển hách, vang dội khắp Quân
Đoàn, cũng đã nằm xuống cuối năm 1973 trên đỉnh Ngok Wang đèo heo gió hú.

 Nguyễn xuân Phán sau những năm tháng tù đày, hiện lưu lạc ở một
thị trấn nhỏ thuộc tiều bang Washington bên Mỹ và vẫn hăng say trong
các tổ chức xã hội, cộng đồng. Thỉnh thoảng anh xuống San Jose gặp gỡ
bù khú với anh em, vẫn cạn ly một trăm phần trăm, dễ thương, vui vẻ
như ngày nào. Anh bảo chỉ có những lúc vui với anh em và say mèm mới
có thể quên được nỗi đau.

Phan Công Minh thì đang sống âm thầm ở một
thành phố biển ngoại ô New York. Hơn 10 năm đi cày 2, 3 "job", để đủ
lo cho các con ăn học, thời gian còn lại chỉ đủ để uống rượu tiêu sầu.
Bây giờ tương đối rảnh rang, truyền nghề đánh giặc lại cho thằng con
trai lớn vừa tình nguyện vào Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đang hành
quân trên chiến trường Irak.

Riêng anh Ngô văn Xuân, mòn mỏi, bệnh
hoạn sau hơn 13 năm tù. Nhưng dường như những vết thương chiến trường,
tù ngục còn trên thân xác không làm cho anh đau đớn bằng vết thương
trong lòng. Nỗi đau của một người đã hiến đời cho binh nghiệp mà giữa
đường phải đành vất cung bẻ kiếm. Bây giờ anh sống lặng lẽ ở một nơi
gần thành phố San Jose, làm thơ Hoa Tâm, nghiên cứu về Thiền và Phật
học.
Còn lại, những đồng đội khác, hoặc đang sống lê lết khốn cùng ở
đâu đó bên quê nhà với thương tích trên người, hoặc lưu lạc muôn
phương, một số đã hy sinh, xác thân nằm ở một nơi nào đó, giữa núi
rừng Kontum này, hay hoang lạnh trong các nghĩa trang, đã dời đi hoặc
bị san bằng, nhưng có lẽ hồn thiêng vẫn còn phảng phất đâu đây. Tôi
đốt hết bó nhang còn lại chia cho anh em. Chị bạn gái của anh Bình
cũng xin được chia phần. Chúng tôi đứng nghiêm khấn vái bốn phương
trời. Cầu nguyện hồn thiêng của những đồng đội cũ được sớm siêu thoát
trên chốn vĩnh hằng, và xin tất cả tha lỗi cho chúng tôi, những người
còn sống nhưng đã không trả được - dù chỉ một phần nhỏ nào - món nợ
máu xương cho họ.

Suốt đêm hôm ấy không ngủ được, chúng tôi nằm kể lại bao nhiêu chuyện
vui buồn trên chiến trường xưa, nhắc lại từng tên, từng khuôn mặt bạn
bè. Chúng tôi cũng tranh luận thật nhiều về cuộc chiến đã qua và những
cái chết của đồng đội mà thấy lòng nặng trĩu những đau buồn với bao
điều tức tưởi.

Sáng hôm sau, chị chủ quán, bạn gái anh Bình, mời chúng tôi ăn sáng
rồi tiễn chúng tôi ra đầu cầu Dakbla. Chị đứng yên lặng không nói một
lời gì. Nhìn những giọt nước mắt chảy dài trên má chị, trong lòng
chúng tôi có lẽ ai nấy cũng đang giữ riêng một nỗi ngậm ngùi. Nhìn
dòng sông Dakbla chảy ngược qua cầu, tôi có cảm giác như lòng mình
cũng đang chảy ngược về những nơi nào đó, những chiến trường xưa, mà
mãi mãi vẫn còn in bóng dáng hào hùng của bao nhiêu bè bạn, anh em -
những người đồng đội cũ. Tất cả đã từng có một thời sống rất đáng
sống.


phạm tín an ninh

Ngô Nguyên Nghiễm * Vách đá

đào hải triều

Người trẻ tuổi kéo trịt về bên trái chiếc nón lưỡi trai bạc mốc. Ngước mắt nhìn cao lên ngọn núi nằm lơ đãng trong những cụm mây thấp bay ngang. Chàng cuối xuống nhẫm tính, có lẽ những bài toán còn đong đưa vài con số ẩn, đôi mày khe khẽ chao nhẹ như chiếc lá cười với cơn gío heo may. Ðiếu thuốc cập chặc trong vòng môi đen sậm, ngọn lửa loé chạy lan lên đầu thuốc. Chàng ngồi sà trên tảng đá bên lề, lim dim rít từng hơi khói dài, nhã vài vòng tròn quay nhẹ nhàng trong không. Gió vẫn thổi ngay ngọn, ngọn gío miền núi miền rừng bao giờ cũng mạnh, mang theo nhiều mùi hương dại và đặc biệt lạ lùng. Gió đưa từng vòng khói thuốc lên cao, chạy xô bồ rồi càng lúc méo mó tan loảng hình dạng như mây. Vài chiếc lá lao xao bay luồn trong gió lùa tít mù theo con đường chạy dài thâm thẩn trước mặt, chàng đưa mắt nhìn lơ đãng, rít ngụm thuốc cuối cùng, tàn búng xổ vào lùm cây bên cạnh. Với nhặt cành khô, vừa lầm bầm chàng vẽ ngoằn ngoèo lên bãi cát những con số to nhỏ, cộng trừ nhân chia, chia nhân trừ cộng.. Chàng vẫn lắc đầu, xoa mạnh lên những kết quả bằng thân giầy tua gót, hình như chàng đang hằn học đó.

Lưng chừng núi, hai bóng người vẩy vẩy kêu gọi và có lẽ họ cũng đi dần xuống. Vách núi vang vang. Chàng trẻ tuổi hơi ngước lên, môi nở nụ cười (gió tạt ngang, tóc tai chàng ngả ngược và loạn xạ, chàng giơ tay vuốt vuốt những phần rũ hoài xuống vầng trán). Nắng trưa khá gay gắt, hai người có vẻ vợ chồng, bước nhanh về phía chàng, vừa quệt những giọt mồ hôi đọng như suối trên nước da đen ngâm,khỏe mạnh. Bước chân họ thật dài đấy chớ, những hạt đá bén và nhọn k hác gì những mũi kim vẫn bất lực trước da thịt của họ. Chàng tuổi trẻ đứng dậy, bước đến vài bước, cười, vỗ vai họ thân mật, tìm ra hốc nào thuận tiện chưa?

Cơn gió vụt mạnh, tiếng nói vang vang, vách đá cũng trả treo câu hỏi một cách im lìm. Tìm ra hốc nào thuận tiện chưa? Người đàn ông phe phẩy vạch áo đen như màu da, khe khẽ lúc lắc cá đầu, cười gượng gập. Người vợ ngó xéo nụ cười của chồng, quay quay vạt áo rồi nhìn lên vách núi đứng sừng sững, cứng ngắt như cuộc sống của họ. Những vết đục cạn trên lưng núi, ngòi địa lôi đã được đặt quá hời hợt chưa thể đong đầy buổi cơm canh rau cho người dân miền núi. Từng tảng đá nương theo đà thuốc nổ rớt xuống có thể đếm ngon trên những ngón tay gầy cháy nắng. Mấy mười năm, núi đã đến với họ như giọt nước mùa hạ. Bắp thịt họ cuộn tròn theo bao nhiêu ngày tháng vác đá. Ngày tháng thanh thản và ngày tháng lo âu. Chàng tuổi trẻ chầm chập trông sườn núi thẳng đứng, những sợi dây thừng treo lửng lơ đang phe phẩy trước gió núi. Vài ba dáng người đong đưa trên đó, thoăn thoắt leo như vượn. Từ vùng nầy đến vùng khác, mấy cây cọc sắt vẫn từ từ bị gỡ theo tay, cắm ngay vào vị trí được chọn. Vài cây khác lại lay động rồi để lại mặt đá những vết hốc sâu. Nắng điên dại đổ lên thân hình bé bổng của lũ người đo chỗ đứng trên cao; người đàn bà tay che nắng im lặng ngó vách núi, ngó hoài chàng trai, lên tiếng đề nghĩ một cách dễ dãi, hay mình chọn mặt núi sau. Sườn còn thoải, tránh nguy hiểm lại nhiều đá. Vuốt mặt, người đàn ông bực dọc, mình chỉ được phép lấy đá mặt nầy thôi. Dại gì phải cực. Mấy mươi năm đo số phận trên những hồi cực khổ phá đá, ngọn núi vẫn chưa mọc lên dầy những mãnh đá non che lấp dấu vết như Thượng đế trước khi tạo con người đã nói rõ, thiên nhiên sẽ nuôi sống các ngươi, các ngươi được quyền gầy giống và được tự do. Bây giờ giống gầy càng ngày càng đông, tự do càng lúc càng nhiều, kể cả tự do đánh nhau, nhưng trước mặt những nhánh đá dựng sừng sững như tường đồng vách sắt ngăn cản bước tiến của nhu cầu thiết yếu, của sự hân hoan con người. Thiên nhiên vẫn thiếu thốn, thiên nhiên vẫn đè chụp trên đỉnh đầu thật điên cuồng như nắng hoang miền xa lạ nầy đó. Ba người đứng im lặng dưới chân núi, nắng vẫn đổ hăng say vào mỗi tâm trạng riêng rẻ của họ...

Mồ hôi rơi xuống như điên, mùi hăng hắt phát khởi từ những chiếc áo trần trụi, chàng tuổi trẻ bước thẳng vào chòi lá, rút thêm điếu huốc, cong veo, chàng giơ tay vuốt sơ sài. Tiếng xe chở hành khách loáng thoáng vụt qua, mang theo cơn gió bụi mù. Những chiếc lá vàng tung tăng cuốn mình lôi kéo theo hướng gió, bay loạn xạ. Chàng đưa mắt, lim dim nhìn vào. Nỗi lặng yên của chàng giá trị như sự rình rập của một chú mèo vờ ngủ trong bóng tối. Hơi thuốc vần vũ trong không vẽ thành những hình tượng quái dị xa xôi. Ðầu hơi nghếch, mặt trầm lạnh như đávà nhất là những đợt khói vẫn liên tục xoay vòng, càng phút giây càng dầy đặc. Ngày nào, anh trai duy nhất đã lũ lượt theo chân ba mẹ đi sâu vào phương trời lơ đãng. Sự ra đời của ba, sự bắt tay tần tão với cuộc sống để nuôi con của mẹ, và sự nối gót của anh , đã chua chát như linh hồn, lạnh nhạt tựa sự thế, để bây giờ chàng phải đứng sừng sựng, im lặng dưới một chân núi đá. Còn nỗi niềm nào cho chàng nghĩ được ra đây bởi lòng đã dầy như da trâu, ý tưởng cùng nhụt như mặt đá. Chàng tuổi trẻ cúi xuống lẩm nhẩm lại những con số vừa rồi, bài toán vẫn rối nùi, chàng lại thở khói (chưa biết có nỗi bình thản hay chua xót). Tiếng chân dẫm trên đá sỏi trải dài trước sân, những tiếng động nhẹ và đều. Tiếng chân kéo đến bục thềm, cạnh bàn, chàng ngước lên nheo nheo đôi mắt. Người đàn ông kéo chiếc ghế nhường cho vợ, ngồi xổm lên chiếc ghế ba chân còn lại, cũ kỹ. Không khí ngôi chòi có phần mát dịu, người đàn ông thở mạnh, nghiêng chúc chúc ngọn tóc và lắc lắc, cho vài giọt nước người vừa ứa ra, rớt xuống đi con. Chàng vói tay đập mạnh con ruồi cánh xanh đậu bám trên tay kia, người đàn ông cười, trời mát hả mậy, dễ chịu hơn ngoài đó. Chàng trẻ tuổi cũng cười theo (nhưng thật nhẹ). Nắng như điên hả chú Tư, khó chịu hơn trong nầy. Người đàn bà bật cười, vươn tay chìa ngón trỏ chỉ chiếc sườn núi thoải thấp bên trái ước ao, được phép dùng vài năm. Rồi đưa mắt nhìn vách núi cũ thẳng như giây dọi thợ hồ, không để ý đến vẻ mặt mọi người chung quanh. Hình như nơi nầy, người đàn bà ngủ yên và mơ mộng tới những hang động thật ngon, những cây thuốc nổ dầy âm ấp, từng phút từng phút trong tiếng nổ lừng lẫy, từng khối đá rớt xuống như mưa, chồng cao từng hòn núi nho nhỏ, những chòi lá dột mái ngày đêm vang hoài tiếng đập dòn dã, rồi những buổi cơm nóng nghi ngút, rồi những chiếc xe tuần tự di chuyển đá xanh đến tận cùng đất nước, rồi những tòa nhà trang trọng mọc nhanh rồi nụ cười, nụ cười... Người đàn bà khoan khoái, cười. Chàng chìa gói thuốc trước mặt, người đàn ông móc và mồi một điếu. Vẫn khói đen bay đon đã, vẫn nhìn về vách núi chói chang, mọi người ngồi yên đó.

2.

Màn đêm rũ xuống khi mặt trời không còn núp trong thân núi một sức nóng hừng hực. Những con chim bay về buông hoài những tiếng kêu mù mịt. Ðông nằm dài trước sân trong chiếc đệm dầy mo, lim dim ngườc nhìn rừng sao trổ trắng. Mọi vật càng hồi đen đúa thêm, rồi một ngày tàn tạ đó Ðông, trí óc mầy lợn cợn những nỗi buồn chưa thể tiêu hóa dễ dàng. Ngoài trời, sao mọc thêm hoài, gió vẫn thổi mạnh vào ưu phiền dằng dặt. Câu chuyện vách núi vẫn chưa giải quyết rành mạch, mầy phải nằm như chó đói. Một con chó đói ẩn núp trong lớp sơn đại diện cho một hãng thầu, đổi về canh chừng từng bước đứng của anh em, trông sóc từng hòn đá vô tri, đổi sức sống tùy theo sức đá rơi nhanh hoặc chậm. Bao giờ, yếu tính của loài trẻ tuổi cũng tự phụ đến sự nhận thức, mầy đã thấy chưa, khi đứng ngoài không gian, khi va chạm thực tế, mầy đã phải sừng sững trồng ngọn như cây cỏ trước một vách đá lạnh lùng. Ý thức cứng ngắc, như vách đá đó, sự bó tay vẫn là điều lệ tất nhiên trước những cái vô tri gai như vách núi sao? Cảm thông chỉ nhận được gữa những đồng cảnh, dù chất phác dù thua hụt mọi người dân đập đá nơi nầy cũng nhìn trỡ ngại và cuộc sống như mầy vừa nhận được hôm nay. Núi đã mài đá thành vách ngăn chận ý thức của mầy, hỡi Ðông, chưa thể thẳng thắn lên tiếng soi thẳng lên vách đá, sự trả treo nầy là sự thật hợp lý lắm sao. Những cánh nhạn vươn lưng trời cũng phải vài cái đập cánh. Không gian không thể ngăn chận ý hướng của nó, mầy phải nghĩ tới vách đá như không gian, mầy cần sự tự do đó.

trương thị thịnh

Gió núi bao giờ cũng lạnh buốt, tóc tai Ðông rũ rượi như những chiếc lá. Ðông cuốn tròn, tay gối đầu, lắng nghe giọng chó tru từ cõi xa vọng về. Gió thổi hoài, và tôi vẫn nằm đây, sự khốn khó ban ngày vẫn đọng sâu ở đâu đó. Tôi không còn muốn điều nầy, hỡi vách đá cho xin nỗi bình yên.

Tiếng động di chuyển nhẹ bên cạnh, Ðông xoay người, ngồi chơi chú Tư. Người đàn ông cười hềnh hệch, khom mình ngồi chéo xuống chiếc đệm cũ kỹ, cạnh chàng trai, vẫn chưa tìm ra một phương pháp nào khác hả Ðông? Vách quá đứng kể cũng cực nhọc, bao nhiêu ngày qua cố gắng cũng chỉ lấy đựoc một số đá đếm dễ dàng như một nắm tay.Ðông dửng dưng liếc ngang nắm sỏi trong lòng tay chú Tư rồi ngồi bật lên, châm mồi kê vào chiếc thuốc lá gắn gọn trên đôi vành môi từ lúc nào. Ánh lửa bùng mạnh, lao chao theo gió, rọi nhẹ lên mặt hai ngừơi một cách quỷ quái. Ðông quăng que diêm, thở một hơi khói, nhìn chầm chập chú Tư., im lặng. Vẫn chưa tìm ra một phương pháp nào khác hả Ðông. Vẫn chưa phương pháp nào để giải quyết vấn đề. Vách núi vẫn đứng sừng sững trong màn đêm, hình dạng đen và sù xì. Ðông nghiêng người, ngó gương mặt chất phát và cần cù trung hậu của người dân miền núi. Một vùng biên thùy xa xôi, hình như gió bao giờ cũng thổi hai chiều, họ vẫn có thói quen chịu đựng dù sương dù nắng dù nguy hiểm hằng ngày đe dọa, trên từng sợi dây từng nằm vắt ngang sườn núi, nhiều con gió trở mình, chúng đong đưa như những con rắn uốn khúc. Họ treo định mệnh lên đó. Sức sống chạy dài theo từng hồi đá lở, đổi chác sự sống với sự treo ngành, từng cái móc ngược người đánh dấu chữ thập vào một vài nơi nào có chất đá lý tưởng, dùi sâu từng hang nhỏ, ghém đầy thuốc nổ rồi chạy xa trông lớp đá buông nhanh, xoa tay cười khoan khoái. Bây giờ, đá đã cạn, vách núi đứng thật thẳng chờ đón những nguy kịch chĩa tới những sinh vật biết nói nhỏ bé, cộng với thời tiết thay đổi, khác lạ hơn mọi năm, cộng với những đe dọa từ những giăng lưới, thì nụ cười của họ vẫn còn mù mờ như sương buổi mai. Bất giác Ðông thở dài, sứ mạng với cuộc đời, với nỗi sống mang theo bên mình gặp nhiều cam go và buồn bã. Ðông giơ bàn tay gài chiếc nút hở trên ngực chú Tư, nhìn màu đen lẩn khuầt vào bóng đêm của người đàn ông chất phát, Ðông nghẹn đó, ốm nghen chú Tư. Chàng lả vả trong khi chú Tư rối rít cám ơn, già rồi thây kệ nó, lo là lo cho mầy kìa. Mấy bữa nay, trông hốc hác ra, trẻ phải đủ sức lo cho vợ con chứ. Ðông cười to,

Ngọn gió núi kỳ nầy mạnh bạo hơn, thổi vút qua màn đêm một cách hối hả và lạnh lùng. Chú Tư khép bâu áo, khẻ rùn mình mất lượt, cha nó ngọn gió quá mạnh vậy. Bên cạnh, Ðông chua chát ủ mặt lên bóng tối, tôi nghĩ đến chú hoài đó chú Tư. Dù da thịt chai đến đâu cũng vươn cao những nếp nhăn co rúm, dù tiếng nói của chú có âm thanh to rộng đến đâu cũng theo vách núi im lìm vọng lại. Xoáy vào tận đôi tai, soi như mũi dùi vào từng chân lông, xếp gọn từng nét mặt, chú Tư cũng cằn cỗi, nhưng buổi cơm không cho chú cằn cỗi ngon lành như vậy. Hỡi người dân ngay thẳng và thật thà, vách đávẫn đứng ngạo nghễ trước mặt các người đó. Da thịt các người mềm hơn cao su, xương cốt dẽo hơn mẫu bánh xốp thơm phứt mới ra lò không? Vách núi vẫn đứng sừng sững và ngạo nghễ đó, các người có thấy không những mảnh đá nhỏ nhen vẫn chưa rời khỏi ý nghĩ thô sơ của các người. Chúng vẫn đứng thẳng hoài trong tiếng kêu cứng nhắc, trong nỗi lo âu và thao thức mệt nhọc như người dân dốt nát thường tiêu biễu nỗi vô tâm nầy, cuộc đóng trăn trừng trị những đứa con gái chữa hoang mà không phân phải trái. (Dù rất có thể điều đó xảy một cách máy móc ngoài trí tưởng tượng, họ phải sống cam phận sau một cuộc hiếp dâm tàn bạo.) Ðông ngơ ngác ngó hoài vẻ mặt chú Tư, bóng sáng của ngọn đèn dầu sát vách lá hắt thẳng vào mặt, khiến có nét lung linh, tranh tối tranh sáng. Da chú đen lắm đó, chắc phải giang nắng suốt ngày nầy qua ngày khác hả chú Tư? Chú Tư hơi ngạc nhiên, khẽ nhíu đôi lông mày đen rậm, hục hặc bữa nay mầy hỏi kỳ khôi vậy Ðông. Thì nghề nghiệp bắt buộc mới có hột cơm chớ. Công tử bột rồi chết đói sao, tao già rọm hơi đâu nghĩ ngợi như mầy. Ðông cười tủm tỉm, vậy mà có người khen vùa chú nghe chú Tư. Người đàn ông bật ngửa, ngước mặt lên trời cười, ai vậy Ðông? Vách đá. Ðông nghiêm nghị, ngồi thẳng người, vuốt vuốt mái tóc, nhìn chú Tư. Mình đã nghĩ ra một kế hoạch nhưng hơi tốn công, có lẽ đá lấy được nhiều gấp năm gấp mười. Nhìn cái phắc lên như cheo của người đàn ông hiền hậu, Ðông vắn tắt, hay mình làm thử đi lần trên đỉnh vách xoi thẳng xuống càng sâu càng tốt. Chú Tư im lặng suy tư, chắc chắn phải nhiều thời gian. Rồi đưa mắt thật xa, cái lo âu ngay hẳng bao giờ cũng lộ liễu thật chất phát, những nét nhăn vời vợi kéo lên trán môt vạch dài, vài giọt mồ hôi có thể đọng sâu ở đó. Trên gương mặt ủ rũ, sự thẩn thờ ngủ yên, chung quanh cảnh vật vẫn run rẩy theo từng con gió bay loang lổ. Ở đó, Ðông đã nằm xoa tay, hằng vạn ngôi sao đang chẩu môi bàn tán ngó hoài vào đôi mắt Ðông.

2 bis.

Mọi người đã có mặt, cũng như Ðông đang ngước cổ trông lên đám người trên đỉnh vách núi. Những sợi dây thừng, treo lủng lẳng từ những hôm trước, cũng còn phất phơ mệt nhọc trong gió. Gió thổi khá mạnh (hôm nào sức gió có lẽ cũng như vậy, sao mọi người cảm thấy hơi lạnh.) Ðông và chú Tư ngồi đâu lưng trong chiếc ghế bắt sẵn dưới chân núi, rầm rì.

Trên cao, những cái máy dùi đã dự bị, những dụng cụ xong chưa? Ðông nhìn đám người đang lúc chúc nhường nhau những chỗ đứng, những gương mặt đen rạn len lỏi vài hơi thở lo âu. Chiếc nón lưỡi trai lột phăng cầm gọn trong đôi tay nắm chặt, chú Tư nhìn Ðông khe khẽ mỉm cười, gật đầu. Ngọn gió núi lại vụt mạnh, Ðông gọi chú Tư, cười mơn man. Ngọn gió núi lại vụt qua. Cây cỏ ngẩng lên.

Mặt trời càng lúc chạy dài trên đỉnh đầu. Vách đá im lặng.

VŨ HOÀNG CHƯƠNG * CHÚNG TA MẤT HẾT CHỈ CÒN NHAU


Sáng chưa sáng hẳn tối chưa đành
Gà lợn om sòm cả bức tranh
Rằng vách có tai thơ có họa
Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh

Dấu hỏi xoay quanh trọn kiếp người
Sên bò nát óc máu thắm rơi
Chiều nay một dấu than buông dứt
Đanh đóng vào xăng tiếng trả lời


Chúng ta mất hết cả rồi sao ?
Cả đến âm thanh một thuở nào !
Da trống tơ đàn ôi trúc phách
Đều khổ như khúc hát gầy hao

Đàn mang tiếng đáy mà không đáy
Mất hết rồi sao sợi nhớ thương
Tay phách từ lâu nay lạc phách
Không còn đựng mãi bến Tầm Dương.

Hơi ca nóng đã tan thành tuyết
Để tiếp vào cho nó đỡ xanh
Bạc mệnh hỡi ai hoàn mệnh bạc
Đâu còn ấm nữa rượu tàn canh ?

Hay là đêm ấy Ngưu lìa Chúc
Xé nát mình ra hoen mắt ai?
Còn có gì đâu cho mắt trống
Đập lên hoang vắng đến ghê người !

Âm thanh mất hết còn chi đâu ?
Gắng gượng cho thêm hồn nhọc đau
Ba kiếp long đong ngồi chụm lại
Chúng ta mất hết chỉ còn nhau.

VŨ HOÀNG CHƯƠNG

0

Nguyên Sa * hư ảo trăng


nguyênsa


  Hư ảo nào như hư ảo trăng
  Em đàn cung nguyệt hát cung vân
  Ta về đúng lúc đêm đang tới
  Tìm thấy trong thơ chiếc nguyệt cầm

  Hư ảo nào như hư ảo mây
  Em cười trong nắng, áo trong tay
  Thơ trong tà áo, em trong gió
  Ta nhớ mơ hồ mây trắng bay

  Hư ảo nào như hư ảo em
  Tiếng cười khua động những thân quen
  Đời xưa ta nhớ mây tiền kiếp
  Còn lúc bây giờ ta nhớ em

  Hư ảo nào như hư ảo ta
  Xòe tay năm ngón động âm ba
  Nhìn quanh bất trắc cao thành núi
  Đứng tựa vai làm tri kỷ xưa

  Hư ảo nào như hư ảo trăng
  Trời đưa ta tới chỗ em nằm
  Em như huyền hoặc, đời như mộng
  Ta ngả lưng làm một giấc trăng


Friday, January 11, 2013

Sơn Nam * Hòn Cổ Tron


Ông Từ Thông ra hòn Cổ Tron cất chòi mà nương náu không biết từ bao nhiêu niên kỷ rồi. Tóc của ông lốm đốm bạc, khi thì thả dài xuống khỏi lưng quần. Khi thì bới thành búi to sau ót, gài lại bằng một cọng gai kim quít. Một bộ quần áo nghĩ cũng hơi dư mặc đối với ông ! Nhiều khi năm ba tháng liên tiếp ông phơi lưng trần với nắng, bên mấy gốc săn đá cổ thụ, lá cành xơ xác vì những cơn gió triền miên của biển khơi. Khi trời nực thì có những khe suối trong veo đón mời. Ông cứ ung dung mà uống, mà tắm một cách tự nhiên, vô tình khuấy rối giấc mơ của đàn bướm trắng đang xao động bay lên chập chờn như muốn rời mấy nhánh mai hoằng lơ thơ cúi nghiêng mình chấm mí nước... Hôm nào vui cho bằng hôm mười bốn, hôm rằm ! Ông Tư Thông ra sau rẫy, đào lên củ khoai môn to lớn, đem luộc chín. Ngồi trên vồ cẩm thạch. ông chậm rãi ăn buổi chiều, thỉnh thoảng rứt từ miến khoai, thảy xuống nước. Loài cá nhỏ bu lại nhởn nhơ mỗi con khoe một vẻ riêng. Tận dưới đáy biển, loại sò, loại ốc, loại nhúm đáng há miệng, le lưỡi bò chậm chạp trên nền đá tím nổi gân vàng, trên nền đá vàng nổi gân trắng. Hoàng hôn tràn tới chính là lúc cảnh vật dưới nước ngời lên, bóng mây phản chiếu lấp lánh như gấm. Ðêm về, trăng mọc. Nơi thủy cung rộn rịp nào kém chốn trần gian ! Từng đợt rong chìm lững lờ mơn trớn, khoác thêm lớp xiêm lụa mỏng cho bầy cá hướng. Và muôn vì sao trên dải Ngân hà sa xuống đậu lấm tấm khắp nhánh san hô trắng bạc.
Ở hòn Cổ Tron giữa vời vịnh Xiêm La này, ông Tư Thông cơ hồ quên cả loài người và loài người cũng hầu như quên rằng mình có một đồng lại ở ngoài mỏm đá chơi vơi kia. Ðiều ấy, chúng ta không nên trách ai cả, chẳng qua là... hải giác thiên nhai. Không lẽ ông phải vượt bốn mươi cây số đường biển để tới công sở Lại Sơn, bên Hòn Rái mà trình diện. Chính quan chủ quận Châu thành Rạch Giá còn ngán đi kinh lý đến làng Lại Sơn ! Từ dinh quận của ông đến công sở làng ít nhứt cũng là năm chục cây số đường hải đạo mênh mông sóng cồn. Mấy chiếc "ca nốt" oai hùng trong sông rạch chỉ là cái vỏ trứng vịt giữa biển. Nhà nước thuộc địa nào chú ý đến việc cung cấp tàu đồng, tàu sắt để quan chủ quận đi cai trị dân ! Không lẽ ông quận lại cưỡi ghe bầu hằng trăm cây số. Vả lại ghe bầu nào phải như chim trời mà bay thẳng một đường ngay. Ghe chạy theo đường gãy. Ngoài biển khơi, đường gãy là đường gần nhất giữa hai điểm cách nhau ; cái khoảng gần trăm cây số trên kia kéo dài gấp ba, gấp bốn.
Năm ấy, tháng ấy, ngày ấy... ông Tư Thông bỗng nghe chút gì băn khoăn, rạo rực trong lòng ông và ở ngoài đời. Từng đàn chim sắc đen ngòm như bầy quạ bay lượn quanh hòn Cổ Tron, rú lên, rít lên, lắm lúc như toan đáp xuống, đột nhiên đảo ngược, đi thẳng một mạch khuất trong mây khói.
- Bữa nay họ làm cái gì vậy cà ?
Ông Tư Thông hối hả trèo lên chót đá mà ngóng. Hướng Nam, hướng Tây, hướng Bắc không có gì lạ. Duy có hướng Ðông : kìa, sừng sững dưới ánh nắng mai năm ba hòn đảo nhô lên, những hòn đảo mới lạ. Ông trố mắt liên tưởng đến phép dời non lấp biển rất nhiệm mầu của tay Thợ Trời khéo léo. Không thể lầm lẫn được ! Hồi nào đến giờ, ông rất sành sỏi về vị trí mấy hòn đảo nhỏ án ngữ chung quanh đây. Từ hòn đảo mới nổi ấy, một đốm trắng người, một chiếc "ca nốt" rồi hai chiếc, ba chiếc đang rẽ sóng chạy phăng lại nơi ông đang ở. "Tự năm bảy năm nay, mình chưa mất lòng một con sâu, một con kiến, không lẽ bây giờ có kẻ báo oán mình ? Oán nào đã gây ra mà báo ?". Nghĩ vậy, ông trở xuống chân hòn sát mé biển, chờ đợi.
Chập sau, mấy chiếc "ca nốt" xáp gần bờ ; họ đưa tay ngoắc ông.
Người Việt Nam nọ lên tiếng :
- Ông già ! Lại đây quan lớn hỏi.
Ông Tư Thông nhìn năm sáu người mặc võ phục trắng đứng gần thầy thông ngôn.
Mấy người mặc võ phục nói ríu rít. Ông đoán đó là "tiếng Tây"...
- Ông già ! Ðây là Bu Lô Ða Ma ?
Ông đáp :
- Dạ không biết. Nó là hòn Cổ Tron. Chung quanh đây là mười hòn nhỏ khác. Không có nơi nào kêu là hòn Ða Ma...
- Vậy thì nó là hòn Nam Du. Trong bản đồ ghi rõ đường hoàng. Ông nói kỳ quá !
Ông Tư Thông lắc đầu :
- Dạ, lời thật khai ngay. Tôi không biết. Xung quanh đây là hòn Mẫu, hòn Dài, hòn Cổ Sơn, hòn Móng Tay.
Chập sau, thầy thông ngôn mới đồng ý :
- Ðúng vậy, Bu Lô Ða Ma hoặc hòn Nam Du là tên theo sách chữ nho, theo nhà binh. Hòn Cổ Tron là tên tục của nó. Nè ông lão ! Quan lớn ra lịnh như vầy...
- Bẩm thầy, quan lớn là người của nước nào, tôi chưa rành.
- Ông giỡn sao chớ ? Hay là ông ngủ mê ? Cỡ này, nhà nước thuộc địa Tây đánh với nước Xiêm.
- Bẩm thầy, đánh ở đâu ? Tôi chưa được am tường.
- Ðánh tại nước Cao Miên. Ðánh luôn tại Bu Lô Ða Ma tức là cái hòn Cổ Tron này.
Ông Tư Thông cau mày :
- Mô Phật. Cầu xin Phật Trời...
Thầy thông ngôn đắc ý :
- Không sao đâu ! Hễ làm con dân thì phải gánh vác nghĩa vụ. Quan lớn muốn biết hổm rày có tàu bè lạ nào chạy tới đây do thám không ?
- Dạ, không thấy.
- Hòn này bao nhiêu dân đinh ?
- Bẩm thầy, có một mình tôi thôi. Còn mấy hòn gần đây, tôi không rành. Chắc là năm bảy người, toàn dân "An Nam" mình.
- Ðược, thôi bây giờ quan lớn muốn ông kiếm dùm trái cây, nước ngọt. Rồi quan lớn cho chút ít tiền... Thời buổi này ông nên xài phí. Việc sống chết bất thường lắm.
Có lẽ sợ ông Tư Thông trốn luôn trên chót hòn nên thầy thông ngôn đi theo sát bên ông, sẵn sàng giúp ông quảy mớ chuối, mớ mít. Trước lạ sau quen, ông Tư Thông hỏi dọ sơ qua về tình hình trong bờ :
- Trận giặc này không biết dân "An Nam" mình hao nhiều không thầy ?
- Hỏi làm chi vậy ? Ở đây yên thân già của ông rồi. Nghe nói dân miệt Hốc Môn, miệt Long Hưng... nhộn dữ lắm. Tây không muốn nói chuyện đó.
Một mối buồn len vào tâm não ông Tư Thông. Ông nghe gió thổi bốn bề, lạnh lùng. Lương tri như rực sáng nhắc nhở ông món nợ gì đối với đồng bào, giang sơn. Không giúp nước được thì ít ra ông cũng cần biết những gì xảy ra đau buồn trong nước. Cây có cội. Nước có nguồn. Chi có tổ. Cá có hang. Ðôi mắt già của ông Tư Thông ngẩn ngơ nhìn muôn lớp sóng cồn. Chân trời u ám, mấy đám mây tang bay thấp là đà... Ông hổ thẹn, tủi bấy phận mình không bằng con đỗ quyên đêm hè kêu khắc khoải.
Thầy thông ngôn nói ta khiến ông giựt mình :
- Quan lớn đi về. Ông muốn xin điều gì, vật gì không ? Ổng tử tế lắm.
Ông Tư Thông chắp hai tay ra vể cung kính :
- Tôi muốn vô trong đất liền, miệt Rạch Giá hay Cà Mau gì cũng được để thăm bà con. Nhờ quan lớn cho giấy phép chớ thời buổi chiến chinh này... Tôi không có giấy thuế thân, hồi nào tới giờ.
Vị quan hải quân gật đầu. Thầy thông ngôn viết lia lịa rồi vị quan ký tên. Ông Tư Thông cầm miếng giấy thông hành hộ mạng nọ, vô cùng mừng rỡ :
- Chúc quan lớn đi bình yên. Mà... Quan lớn chạy "ca nô" về đâu ?
Thầy thông ngôn nói :
- Về tàu lớn. Mấy chiếc tàu binh... của tôi sơn có vằn có vện. Ông không thấy sao ? Họ sơn tàu lại cho giống cái hòn giữa biển. Hồi sáng tụi tôi bỏ ống dòm thấy rõ ràng ông đứng trên chót hòn này. Nhờ vậy mà ông khỏi bị bắn. Ban sơ, quan lớn tưởng đâu hòn này là chiếc tàu binh của kẻ nghịch. Ông hiểu chớ ?
***
Chưa vô tới bờ chợ Rạch Giá là ông Tư Thông cảm thấy cuộc đời đảo ngược, từ địa vị hoàn toàn tự do đến chỗ mất tự do. Ông trung thành với đất nước nhưng có sao đất nước đối xử với ông quá bạc bẽo, ghẻ lạnh ? Từ hòn Cổ Tron, ông quá giang tàu buôn Hải Nam đi một mạch tới hòn Tre, nhờ chiếc ghe câu kiều đưa vào chợ. Dè đâu tàu của sở "đoan" xét hỏi. Miếng giấy thông hành nọ bị hồ nghi là giả mạo vì không có đóng mộc, vì đương sự không có giấy "lão" chứng tỏ rằng tên họ của mình đúng như trong giấy phép. Tàu "đoan" chở ông về giao cho ông cò Tây, Giam giữ ông được hai ngày, ông cò phú nội vụ qua dinh quận. Ông quận vốn là người mộ đạo Phật nên cho phép ông Tư Thông được tự do đi dạo chợ. Ông Từ Thông bày tỏ lý do :
- Dầu muốn trở về hòn Cổ Tron, không dễ gì kiếm được ghe xuống mà quá giang. Gió thổi Nồm rồi. Phải chờ mùa Bấc...
Dạo chợ mấy buổi, ông Tư Thông phát chán. Cầm mấy cắc bạc (của ông chủ quận cho) ông không biết nên mua sắm, ăn uống những gì. Rốt cuộc, ông mua tiền xu khoai môn mà ngồi ăn ngon lành nơi góc chợ. Còn dư, ông vào tiệm hàng xén mua nhang đèn cầy để về cúng bà Chúa Hòn mặc dầu ngoài hòn không có chùa miễu gì cả. Ông cũng thích chí sực nhớ lại mua vài cây kim, nửa cân đường cát trắng.
Nhiều lần quan chủ quận viết thư qua bót ông cò hỏi thăm nhưng không được sự giải quyết nào dứt khoát. Chẳng lẽ giam giữ ông Tư Thông mãi mãi ? Nhìn vào bản đồ vịnh Xiêm La, ông quận nảy sanh ý kiến :
- Hòn Cổ Tron tuy thuộc quận Châu Thành nhưng nằm gần phía làng Ðông Hưng, quận An Biên. Ngày năm tây tháng tới, ta đón thầy xã trưởng Ðông Hưng mà gởi ông đạo này.
Rừng của làng Ðông Hưng âm u quá, khó mà nhìn ra xa quá vài công đất để tìm lại chân trời ; chạng vạng là un khói lên, không như hồi ở ngoài hòn Cổ Tron, hồi ông ngủ trần không cần mùng mền. Thầy xã trưởng giao trách nhiệm gìn giữ ông cho thầy hương quản. Thầy hương quản lại đổ gánh nặng ấy cho người em vợ là hương tuần Hay.
Người giam giữ và người bị giam giữ lần hồi cảm thông nhau. Chú hương tuần lo đặt rượu đế. Ông Tư Thông đi cắm câu, kiếm "mồi" về nhậu.
- Ở đây vui quá phải không ?
Ông Tư Thông gất gù :
- Không được vui lắm. Coi bộ bà con mình nghèo hơn ở ngoài hòn Cổ Tron của tôi. Áo quần không có. Mình mẩy bị ghẻ khuyết ăn lở lói thâm niên. Nhà cửa xiêu vẹo, nay ở mai dời... Chắc là tại giặc Xiêm.
Hương tuần Hay trả lời :
- Giặc đâu không thấy. Người ta đánh mà mình chịu cực mới đau thương cho chớ !
- Buồn quá, chú hương tuần à.
- Hơi đâu mà buồn. Xứ này chịu cảnh này không biết tự hồi nào, từ hồi chưa có giặc Xiêm lận. Riết rồi quen, yên tịnh.
Ông Tư Thông thích chí :
- Thì ở ngoài hòn Cổ Tron của tôi, tứ bề sóng gió nhưng mà cũng yên tịnh. Cớ sao ? Vì chung quanh có hàng chục hòn khác án ngữ. Tôi là người chạy giặc, vô trong đất liền này thăm bà con... Nhưng mà cũng yên tịnh. Nhờ bà con thương tình.
Ngày tháng trôi qua đều đều. Hôm ấy không nhớ rõ hôm nào, thầy hương quản đọc báo Lục Tỉnh Tân Văn biết được tin trận giặc Xiêm đã chấm dứt. Tây và Xiêm dường như thủ huề. Thầy tự ý ra lịnh trả tự do cho ông Tư Thông.
Ông Tư Thông ngạc nhiên :
- Tôi bị giam hồi nào ?
- Ông chủ quận biểu tôi giữ ông lại để làm tù binh, chờ mãn giặc mới thả ông về Cổ Tron.
- Về thì về, không sao đâu - ông lẩm bẩm.
Thầy hương quản hỏi :
- Hồi bị giam, ông có đồ đạc gì bị tịch thâu không ? Tôi kêu nài giùm.
- Vài ốp nhang, đèn cầy, kim may quần áo, đường cát trắng... Nhưng mà thôi. Ở ngoải, dầu không có mấy thứ đó... Nhưng cũng như có.
Gặp dịp thuận tiện, thầy hương quản tìm ghe cho ông quá giang ra hòn Sơn Rái.
Ông ra đi, hơi buồn.
Dư luận trong xóm nổi lên bàn tán. Người cho rằng ông muốn truyền bá một thứ tôn giáo mới, thí dụ như "Ðạo Tịnh" bằng cớ là ông ưa nói hai tiếng yên tịnh. Kẻ khác hồ nghi rằng ông ở Côn Nôn thả bè vượt ngục trốn về.
- Nè cha nội sành sõi lắm ! Cây đèn "măng sông" của Chệt Kỵ hư "béc" đốt không cháy, vậy mà cha nội sửa lại được trong nhấp nháy...
Lại còn nhiều giả thuyết khác ác độc hơn, cho rằng ông thường lân la mấy nhà có đàn bà góa, gái tơ, vân vân...
Nhưng thời gian là vị trạng sư hùng biện nhứt thanh minh cho ông Tư Thông. Dư luận bất chánh bị đánh tan, lãng quên. Kỷ niệm lần lần trở nên trong sáng, tươi đẹp. Chiều chiều, khi ra bờ biển để câu cua, đẩy xịp, người ta nhớ ông Tư Thông như nhớ một cái vỏ ốc xà cừ ngũ sắc tấp vào bãi bùn. Như nhớ vài trang sách Phong Thần tình cờ lượm được trong ngăn tủ bỏ quên, những trang sách rách nát hơi khó hiểu vì thiếu hồi thứ nhứt và không có hồi sau phân giải.