văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, January 12, 2013

Phạm Tín An Ninh * Trên Chiến Trường Xưa


Hơn ba mươi năm sau, cùng với bốn anh em trong đơn vị xưa, chúng tôi
trở lại Kontum tìm thăm nơi an nghỉ của những đồng đội cũ. Trong những
năm 72 và 73, đơn vị chúng tôi đã có hơn hai trăm anh em vĩnh viễn nằm
lại nơi này để giữ vững miền địa đầu, cửa ngõ quan trọng nhất vào Tây
Nguyên, nơi có bản doanh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn nằm không xa phía dưới

 -thành phố Pleiku.Dừng chân dưới chân núi ChuPao, nhớ tới những trận đánh 
khó khăn ác liệt với những toán địch quân bị xích chân trong những hầm núi đá,
 cố bám trụ những cái "chốt", nhằm cắt đứt QL 14, con đường huyết mạch nối
 liền Kontum với Pleiku, và hình dung tới từng khuôn mặt của những anh em đã 
không bao giờ còn trở lại, một số đã gởi xác thân lại cho rừng núi nơi này, tôi 
xót xa khi nghĩ là mình còn mắc nợ họ.
Món nợ máu xương không bao giờ trả được.Ngày ấy chiến trường ác liệt, có 
nhiều người lính phải hy sinh ngay khi vừa mới bổ sung cho
đơn vị, mà ban quân số chưa kịp nhận hồ sơ lý lịch. Đa số rất trẻ, độc
thân, và gia đình ở tận những miền xa, nên mồ mả không có ai chăm sóc.
Hơn ba mươi năm rồi, qua bao nhiêu thăng trầm biến đổi, có lẽ hầu hết
các nghĩa trang trong thành phố đã bị giải tỏa từ lâu, và nếu có được
cải táng ở một nơi nào đó, chắc trên mộ bia không còn ghi đơn vị cũ.
Chúng tôi đến đây như để tìm lại chút kỷ niệm và mong được vơi đi chút
nào lòng trắc ẩn, chứ chuyện tìm lại được mồ mả của anh em - hy vọng
rất mong manh.

Cả thành phố Kontum bây giờ đã đổi khác. Khó khăn lắm chúng tôi mới
tìm được các địa danh ngày trước. Những B12, B15, Thành DakPha, Đồi
Sao Mai, Bệnh Viện Dã Chiến. Nơi có những bản doanh, căn cứ từng 

mang tên những người anh, người bạn anh hùng của tôi đã nằm xuống để
 bảo vệ Kontum: Võ Anh Tài, Đặng Trung Đức, Trần Công Lâm…Chúng
 tôi tìm đến một số nhà quen lúc truớc. Tất cả không còn. Những người
 chúng tôi gặp đa số mới vào từ miền Bắc. Người Kontum xưa giờ chắc 
cũng đã tứ tán bốn phương trời.
 Tội nghiêp cho người dân Kontum bất hạnh. Bao nhiêu
năm tháng hứng chịu chiến tranh, có lúc thành phố bị mỗi ngày hàng
ngàn quả đạn pháo, vậy mà họ vẫn ở lại, vẫn cùng với những người lính
chúng tôi giữ vững thành phố này trong suốt những thời kỳ ác liệt
nhất. Nhưng rồi cuối cùng, giữa tháng 3/75, Kontum bị bỏ rơi tức tưởi
khi không còn bóng dáng quân thù. Những người lính ở đây được lệnh tử
thủ, ngăn chặn miền địa đầu tam biên cho Pleiku di tản. Tôi từng được
nghe người Kontum kể lại chuyện những người lính hào hùng, tự sát vào
giờ thứ 25, khi Kontum bị lọt vào tay giặc. Nghĩ tới đó, lòng tôi thấy
nghẹn ngào, nước mắt cứ trào ra.

Đúng như chúng tôi dự đoán, tất cả mọi nghĩa trang trong thành phố,
nơi bạn bè tôi được chôn cất, không còn nữa, người ta đã giải tỏa để
xây lên một số cơ sở công quyền và những khu giải trí.

Chúng tôi tìm đến Tòa Giám Mục, cũng là nơi mà đơn vị chúng tôi đã
phải đổ khá nhiều máu xương để tái chiếm trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Một vị
linh mục đứng tuổi, tiếp chúng tôi niềm nở. Ông cho biết là, mồ mả
trong các nghĩa trang lúc xưa đã được cải táng và chuyển đến địa điểm
mới, nằm trên cây số 9, đường lên Tân Cảnh. Tuy nhiên chỉ có những
ngôi mộ có thân nhân nhận lãnh và tự cải táng thì mới có mộ bia, còn
những ngôi mộ khác thì không biết ra sao. Ngài còn tốt bụng, sẵn sàng
hướng dẫn chúng tôi đến đó. Cây số 9, gần căn cứ Non Nước, nơi ngày
xưa đơn vị tôi đã bao lần cùng với các chiến sĩ thiết giáp hào hùng
của Chi Đoàn 1/8 KB đẩy lui những đợt tấn công biển người của địch,
giữ vững cửa ngõ vào thành phố Kontum.

Mất gần hai tiếng đồng hồ, đi khắp nghĩa trang, chúng tôi vẫn không
tìm ra bia mộ nào có cái tên quen. Nhiều ngôi mộ không có bia. Đưa vị
linh mục trở lại Tòa Giám Mục, cám ơn và chia tay ngài. Đã hơn 12 giờ
trưa, chúng tôi tìm một nơi nào đó để ăn cơm. Nhớ tới quán ăn Bạch
Đằng và Thiên Nam Phúc ngày xưa, nơi có mấy cô chủ quán dễ thương, mà
đám lính tráng chúng tôi thường ghé lại đây ăn uống sau những tháng
ngày dài hành quân trong núi, một anh bạn hỏi thăm đường đến đó. Nhưng
quán bây giờ đã đóng cửa và những người xưa cũng đã trôi dạt về những
nơi nào đó. Bọn tôi rủ nhau ra bờ sông Dakbla, dọc theo con đường về
làng Tân Hương, nơi lúc xưa có mấy cái quán nhỏ để những ngày tương
đối bình yên, bọn tôi ra ngồi uống cà phê, ngắm dòng sông chảy ngược,
tạo huyền thoại một thời này, mà nhớ tới vợ con hay người tình đang ở
đâu đó, để rồi sau lúc chia tay chẳng biết ngày mai ai còn ai mất. Dọc
theo bờ sông bây giờ là những hotel, nhà hàng, nhà trọ và biệt thự của
các ông quan lớn. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra được một cái quán ăn
bình dân, nhưng khá sạch sẽ, nằm dưới tàng của một cây trứng cá.

- Buổi trưa nên vắng khách. Bà chủ vui vẻ vừa đón chúng tôi vừa giải thích.
Chúng tôi chọn một cái bàn nhỏ gần bờ sông. Xa xa phía bên kia là làng
Phương Hòa thật dễ thương ẩn mình dưới những vườn cây. Nhìn mấy bờ đê
bên bìa làng, tôi nhớ tới cái chết của người phi công anh hùng Phạm
văn Thặng. Tôi đã chứng kiến phi vụ thật can trường này. Anh là trưởng
phi tuần gồm hai chiến đấu cơ AD-6, đánh bom vào một mục tiêu có nhiều
ổ súng phòng không của địch. Anh lao phi cơ xuống thật thấp bắn chính
xác, tiêu hủy mục tiêu, tạo một đám cháy và nhiều tiếng nổ phụ, rồi
bay lên từ trong đám lửa ấy.

Đang trên đường bay về, anh phát hiện có
nhiều đạn phòng không bắn lên từ một khu vưc khác. Anh quay trở lại,
lao phi cơ xuống trút hết những quả bom còn lại, rồi bay vút lên không
trung. Đúng lúc ấy, máy bay anh bị trúng đạn. Cánh bên phải phát hỏa.
Anh phi tuần phó bay kèm theo, bảo vệ và hối thúc anh nhảy dù ra. Bộ
binh chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp cứu. Nhưng anh từ chối, bảo là nếu
anh nhảy dù ra, phi cơ sẽ rớt xuống khu dân cư trong thành phố. Anh cố
gắng bay qua bên kia bờ sông, đáp khẩn cấp (crash) xuống khu ruộng
trống phía dưới. Anh điều khiển thật tài tình, nhưng vì phi cơ đã hư
hỏng, không còn theo ý muốn, đâm vào một bờ đê và phát nổ. Anh Phạm
văn Thặng đã anh dũng hy sinh. Điều cảm động hơn, khi người đại diện
của Sư Đoàn đến nhà anh để chia buồn cùng gia đình và đưa anh đến nơi
an nghỉ cuối cùng, đã kể lại cảnh nghèo nàn của gia đình anh, một
trung tá phi công của QLVNCH.

- Mấy ông anh từ xa tới. Chắc tính làm ăn gì chứ cái thành phố này thì
có cái gì mà tham quan. Phải không?

Câu hỏi của chị chủ quán làm tôi giật mình. Mấy anh em khác im lặng,
nhìn tôi như thầm nhắc cho tôi cái nhiệm vụ trả lời.

- Không, bọn tôi tìm thăm người quen, nhưng không gặp.
- Ở khu vực nào, có nhớ địa chỉ không ? Tôi sẽ tìm giúp các anh. Tôi
là dân ở đây mà.

Tôi mỉm cười :
- Cám ơn chị. Ở trong nghĩa trang thành phố, nhưng đã bị dọn đi nơi
khác rồi, biết đâu mà tìm.

Chị chủ quán khựng lại chưa kịp để thức ăn xuống bàn, nhìn tôi ngạc nhiên :
- Sao lại phải ở trong nghĩa trang ?
- Vì họ đã chết rồi. Chết từ năm 1972 lận. Tôi buồn bã trả lời.
- Vậy chắc các anh đây là lính Cộng hòa mình ? thuộc đơn vị nào ?
Nghe mấy chữ "lính Cộng hòa mình" tự dưng tôi cảm thấy gần gũi với
người đàn bà xa lạ này. Tôi thân thiện :

- Anh em bọn tôi thuộc sư đoàn 23, trung đoàn 44 chị ạ.
- À, vậy có anh nào ở đại đội trinh sát ?
- Không, bọn tôi ở trung đoàn và tiểu đoàn. Một người trong chúng tôi trả lời.
Sau một khắc yên lặng, chị lên tiếng:
- Em có mấy người bạn ở trinh sát. Lúc trước cũng nằm trong nghĩa
trang thành phố, nhưng khi có lệnh giải tỏa, em đã chuyển các anh ấy
lên cây số 9 rồi. Chị chủ quán tỏ ra thân thiện và thay đổi cách xưng
hô.

Chúng tôi vừa bất ngờ vùa xúc động. Sau khi dọn bàn xong, mang nước
trà ra mời chúng tôi, chị kéo ghế ngồi xuống rồi tâm sự.

Thì ra chị là bạn gái của anh Bình, trung sĩ Bình, ở đại đội trinh sát
của đại úy Minh, sau này là đại úy Mạnh. Anh tử trận hồi mùa hè 1972..
Ngày đó chị còn đang đi học, nhưng chiến tranh ác liệt quá, trường
phải tạm đóng cửa. Chị ở nhà phụ bán cà phê cùng với người chị ruột.
Bà chị này quen khá thân với Mạnh. Khi ấy Mạnh còn là trung úy đại đội
phó. Anh Bình thường theo Mạnh tới đây, rồi dần dà quen nhau. Từ khi
Bình chết, chị thường đến thắp hương và chăm sóc mộ phần Bình và những
đồng đội của anh nằm trong nghĩa trang thành phố.

Năm 1978, chính quyền Cộng sản ra lệnh giải tỏa nghĩa trang, chị chạy
khắp nơi kêu gọi bà con cùng góp tiền góp sức với chị, nhưng cũng chỉ
kịp cải táng hơn 20 ngôi mộ của những anh em Trinh Sát về địa điểm
mới. Hầu hết mồ mả của những anh em chiến sĩ còn lại, đã bị san bằng.
Chúng tôi cảm động. Không ngờ trong thời buổi nhá nhem tình nghĩa, có
lắm kẻ sớm vong ơn, phản suy phù thịnh, vẫn còn có nhiều người Kontum
nặng tình với lính.

Theo yêu cầu của bọn tôi, chị cùng chúng tôi đi thăm mộ anh Bình và
các anh em trinh sát. Hơn hai mươi ngôi mộ được xây bằng đá đơn giản,
nằm bên nhau ở khu phía đông nghĩa trang. Điều đặc biệt trên các tấm
bia, trước mỗi cái tên đều có kẻ hai chữ TS. Chúng tôi thắp hương cho
từng ngôi mộ xong, quay lại thì thấy chị đang ngồi sụt sùi trước mộ
anh Bình. Khi thấy bọn tôi, chị lau nước mắt đứng dậy và nói một mình:

- Thật tội nghiệp, anh ấy hy sinh khi tìm cách chui qua hàng rào để
bắn hạ chiếc xe tăng của VC vừa đột nhập vào chiếm bệnh viện

Tôi nhớ lại trận chiến ác liệt này. Khi VC mở đợt tấn công thứ nhì vào
thành phố Kontum nhằm rửa hận lần thảm bại ở tuyến tây bắc: Hơn một
trung đoàn bộ và nguyên một tiểu đoàn xe tăng của sư đoàn 320 bị chúng
tôi xóa sổ. Lần này chúng dùng mấy chiếc M113 đã cướp được của Sư Đoàn
22 BB từ khi Tân Cảnh thất thủ, dẫn đầu môt đơn vị gồm những chiến xa
T 54 + T59 có bộ binh yểm trợ, nhằm lừa phi cơ quan sát của ta, xâm
nhập vào Bệnh Viện 2 Dã Chiến, nằm cạnh thành DakPha, cách vòng đai
phi trường chừng 800 mét, với thủ đoạn lợi dụng vào những thường dân
và binh lính bị thương nằm trong bệnh viện, để uy hiếp lực lượng của
ta. Tiểu Đoàn 4/44 do Thiếu Tá Võ Anh Tài chỉ huy đã đánh một trận
chiến vô cùng gay go ác liệt với một lực lượng địch đông gấp ba lần,
dùng chiến xa T 54 làm nổ lực chính. Xe tăng địch nép theo những vách
nhà bệnh viện. Muốn diệt chúng phải tiếp cận để có thể dùng những khẩu
M 72 hiệu quả, anh Tài cùng toán quân báo đã dẫn đầu đơn vị, tìm cách
chui qua hàng rào bệnh viện, và anh đã hy sinh bởi bị chính mìn của ta
phát nổ.

Người anh cả của Tiểu Đoàn, một sĩ quan xuất thân từ khóa 16
VBĐL lừng danh, đã nằm xuống dọn đường cho đơn vị mình cứu nguy bệnh

 viện, nơi có đồng bào và cả đồng đội của anh bị địch quân dùng làm bàn 
đạp trong ý đồ bất nhân của chúng. Đại Đội Trinh Sát đang bảo vệ Bộ
Chỉ Huy Trung Đoàn được điều động tiếp ứng, đột nhập đánh vào sườn
địch. Trinh Sát 44, một đại đội với bao chiến công hiển hách từ thời
đại úy Trần Công Lâm, Phan công Minh và sau này là Đoàn quang Mạnh,

 đã đánh một trận thật tuyệt vời, bắn cháy nhiều chiến xa địch, đuổi đám
tàn quân Cộng sản chạy thoát thân ra khỏi bệnh viện và giữ vững một
lần nữa vòng đai thành phố.

Đại đội Trinh sát này dưới sự chỉ huy tài
ba và gan dạ của trung úy Phan Công Minh, đã từng đánh một trận thần
tốc, chỉ bằng lựu đạn và cận chiến, giải cứu cho một Tiểu Đoàn BĐQ /BP
bị vây trên đỉnh núi ChuPao. Minh bị thương nhưng vẫn tiếp tục điều
quân, vừa phá vòng vây cứu nguy cho đơn vị bạn, vừa diệt những cái
chốt cuối cùng, khai thông QL 14, để lực lượng chiến xa của Lữ Đoàn II
KB lên tăng cường cho mặt trận và hộ tống đoàn xe tiếp tế, lần đầu đến
Kontum kể từ khi cuộc chiến khởi đầu. Tướng Trần văn Hai, nguyên Chỉ
huy trưởng BĐQ, lúc ấy là TLP/ QĐII đã cùng đại tá TMT/QĐ, đến QYV
Pleiku ôm lấy người đại đội trưởng trẻ tuổi tài ba gan dạ Phan Công
Minh ngay khi vừa mới được tản thương về, và gắn lon đại úy cùng anh
dũng bội tinh với nhành dương liểu cho Minh tại đây. Lúc ấy Minh vừa
tròn 25 tuổi.

- Đại úy Mạnh bây giờ ở đâu, các anh có gặp anh ấy không ?
Câu hỏi của chị đã cắt mất dòng hồi tưởng của tôi. Tôi lên tiếng trả lời chị :
- Anh Mạnh đã chết trong tù cải tạo từ năm 1978 chị ạ.
Im lặng một lúc, tôi lại nghe tiếng chị khóc.
- Chị Hà em, bạn gái của anh Mạnh lúc xưa cũng bị chết năm 75 khi VC
vào chiếm Kontum. Mộ chị nằm ở ngay phía trước đây.

Vừa nói, chị vừa dẫn chúng tôi đến đó. Nhìn bức ảnh trên mộ bia tôi
mang máng nhớ lại người con gái tên Hà ở một quán cà phê nhỏ nằm trong
vườn cây sau nhà, hơn ba mươi năm về truớc.

Nghĩa địa mới này nằm không xa làng Trung Nghĩa. Tôi rủ chị cùng với
chúng tôi ghé lại lại thăm làng và khu nhà thờ. Nơi mà ngày xưa ông
cha chánh xứ đã cùng chúng tôi chiến đấu bảo vệ những giáo dân ngoan
đạo. Nghe nói ngài đã bị tra tấn đến chết trong trại tù cải tạo.

Ra khỏi nghĩa trang, nhìn về phía bắc, rừng núi ngày xưa, dù không
tránh được dấu vết của đạn bom, nhưng vẫn còn xanh tốt, giờ sao lại xơ
xác điêu tàn. Tôi hỏi chị bạn gái anh Bình, nghe tiếng chị thở dài :

- Tham nhũng bây giờ còn tàn phá nhiều hơn cả chiến tranh ngày trước.
Tôi nhớ lại những vụ án ở đây, có liên quan đến nhiều ông lớn. Mới đây
bà Thao Y Bình, Bí Thư Tỉnh Đoàn Kontum đã ăn cướp đến gần 140 tỷ đồng
của dân nghèo, và ông Trần văn Thiên, chủ tịch huyện Dak Glei đã thông
đồng bán bao nhiêu gỗ quí.

Trên đường vào làng Trung Nghĩa, tôi hồi tưởng tới trận chiến trên
tuyến Tây Bắc Kontum. Nơi đơn vị tôi đã thắng một trận thật lẫy lừng,
làm tiêu hao cả sư đoàn 320 mà địch quân thường hãnh diện là Sư Đoàn
Thép, mở đầu cho bao nhiêu chiến thắng sau đó để Kontum, Tây Nguyên
không lọt vào tay giặc.

Đúng vào sáng 30 tết năm 1972, khi chuẩn bị buổi tiệc tất niên cho các
đơn vị tại hậu cứ Sông Mao sau một năm đối mặt với chiến trường, Trung
Đoàn 44 chúng tôi nhận khẩu lệnh của Tướng Ngô Dzu, Tư Lệnh QĐ II, di
chuyển khẩn cấp lên An Khê để thay thế vị trí Sư Đoàn 101 Không Kỵ Hoa Kỳ

 vừa rút quân về nước.
Vừa đến An Khê vào chiều mồng một tết, chúng
tôi đã cùng với Thiết Đoàn 3 KB tham chiến, giải toả áp lực địch đang
bao vây một số căn cứ phòng thủ của các đơn vị thuộc Sư Đoàn Mãnh Hổ
Đại Hàn dọc theo đèo An Khê nằm trên QL 19. Tình hình tương đối yên
tĩnh, các căn cứ Đại Hàn được giải toả, QL 19 đã khai thông, chúng tôi
vừa đảm trách giữ an ninh cho QL19 từ Pleiku đến Bình Khê, vừa thiết
lâp lại các căn cứ pháo binh, phòng thủ. An Khê là một địa danh làm
người ta nhớ tới hai đoạn đèo Mang Yang và An Khê cùng những khúc
quanh "tử thần", mà ngày xưa cả một tiểu đoàn thiện chiến của đội quân
viễn chinh Pháp bị lọt vào ổ phục kích, để gần như phải xóa sổ.

Ngày 24/4/72, Tân Cảnh thất thủ khi BTLTiền Phương của SĐ22 bị tràn
ngập. Đại tá Lê Đức Đạt, vị tư lệnh không được sự ủng hộ của tay phù
thủy John Paul Vann, cố vấn Mỹ QĐII&QK2, đã từ chối lời mời lên máy
bay của người cố vấn SĐ khi phòng tuyến bị chọc thủng bởi nhiều chiến
xa T 54 của địch. Ông ở lại chiến đấu và vùi thây nơi chiến địa. Căn
cứ Tân Cảnh thất thủ, quận Dakto mất, một BTL/Sư Đoàn bị rơi vào tay
giặc mà không hề có bất cứ sự yểm trợ nào của lực lượng đồng minh,
cùng cái chết của vị tư lệnh liêm sỉ, khí phách hào hùng thời ấy đã là
một trang chiến sử nói lên cái bi phẫn của QLVNCH, báo trước sự bỏ rơi
của người bạn đồng minh Mỹ, đã từng cam kết bảo vệ miền Nam, tiền đồn
của Thế Giới Tự Do.

Căn cứ địa đầu thất thủ, kéo theo sự xáo trộn của một Sư Đoàn bao
nhiêu năm trấn thủ tam biên, tạo thuận lợi để địch quân tràn xuống uy
hiếp Kontum.

Trung Đoàn 44 nhận lệnh di chuyển khẩn cấp lên phi trường Pleiku để
được không vận lên Kontum. Lúc này thành phố Kontum đang bất ổn, VC đã
có mặt một số nơi trong thành phố và pháo kích thường xuyên vào phi
trường, một vài phi cơ bị trúng đạn phải nằm ụ tại chỗ. Chúng tôi được
lần lượt không vận vào ban đêm bằng C 130. Khi sắp vào không phận, máy
bay tắt hết đèn, đảo mấy vòng, đáp thật nhanh, trút chúng tôi xuống
cuối phi đạo rồi vội vàng bay lên trong đêm tối mịt mùng.

Tiểu Đoàn 1 và 2/44 đựơc chở thẳng tới phòng tuyến tây bắc, thay thế
cho một liên đoàn BĐQ vừa bị tiêu hao quân số. Hai vị tiểu đoàn trưởng
lại là hai người bạn cùng tốt ngiệp khóa 19 VBĐL thao lược, can
trường: Đại úy Đặng Trung Đức và Nguyễn Xuân Phán. Ngay sau khi nhận
khu vực trách nhiệm, từ vị tiểu đoàn trưởng đến binh sĩ cùng nhau lập
phòng tuyền chiến đấu, đặc biệt là đào những hầm hố chống chiến xa
phía trước.

Vào khoảng 5 giờ sáng, ánh trăng hạ tuần còn mờ ảo dưới màn sương, các
toán tiền đồn phát hiện có nhiều chiến xa địch đang tiến về hướng nam.
Các đơn vị được lệnh xuống giao thông hào, và dỡ bỏ tất cả các lều
poncho để tránh sự phát hiện của địch. Trên hệ thống vô tuyến, tất cả
báo cáo đã sẵn sàng. Địch quân tập trung đánh vào phòng tuyến TĐ 2 của
Đại úy Nguyễn Xuân Phán. Chúng không ngờ có một đơn vị thiện chiến mới
toanh vừa mới có mặt trên chiến trường này, nên sau một lọat tiền
pháo, chúng xua những chiếc T 54 dàn hàng ngang, lực lượng bộ binh ồ
ạt theo sau. Mặc dù đây là lần đầu tiên trực chiến với xe tăng địch
nhưng không hề nao núng, mặc cho những xích sắt tha hồ rú gào đe dọa,
Đại úy Phán bình tĩnh vừa gọi pháo binh tác xạ ngăn chặn, phân tán và
tiêu diệt bộ binh địch, vừa ra lệnh cho đơn vị chỉ khai hỏa khi những
chiếc T 54 tới gần trước mặt, trong tầm bắn chính xác hữu hiệu của
những khẩu M 72, loại vũ khí chống tăng duy nhất mà đơn vị được cấp,
và một số B40, B41 của địch thu được từ chiến trường An Khê. Đó là một
quyết định táo bạo và sáng suốt. Chiếc T 54 đầu tiên bị bắn hạ do
chính anh Tiểu Đoàn Phó, đại úy Nguyễn Xuân Hướng. Ngay sau đó, hàng
loạt xe tăng địch bị bắn cháy. Cả một tiểu đoàn ồ ạt hô xung phong.
Cộng quân bị đánh bất ngờ, khiếp sợ, quay đầu chạy. Một chiếc T 54 ủi
thẳng vào hầm BCH/TĐ, bị ta bắt sống cả xe lẫn địch, trong đó có tên
đại đội trưởng. Tiểu Đoàn 1/44 của Đại úy Đức trở thành lực lượng ngăn
chặn hữu hiệu, đánh bất ngờ bên hông địch, đám tàn quân chỉ còn kịp
buông súng đầu hàng. Chiến thắng ấy tất nhiên là công trạng của tất cả
mọi người, nhưng sẽ là thiếu sót lớn lao, nếu không nhắc tới thiếu tá
Ngô văn Xuân, vị trung đoàn phó tốt nghiệp khóa 17 VBĐL hiền lành mà
tài năng đảm lược. Lúc nào tiếng nói thật bình tĩnh, trấn an, dặn dò,
đốc thúc của Bá Hòa (danh hiệu của anh) cũng vang trên hệ thống vô
tuyến làm nức lòng chiến sĩ. Ngay sáng hôm ấy, khi khói lửa chưa tan,
Thiếu Tướng Nguyễn văn Toàn vừa nhận chức vụ Tư lệnh QĐII thay thế
Tướng Ngô Dzu, bay lên thị sát mặt trận. Ông vẫn đội bê rê đen, đứng
trên xe M113 và đi bộ ngay trên phòng tuyến, bắt tay từng anh em binh
sĩ, vui mừng với chiến tích đầu tiên của ông và gắn lon thăng cấp cho
vị trung đoàn trưởng. Người ta đã nói nhiều về cá nhân ông, nhưng ít
ai biết được ông là một dũng tướng ngoài chiến trường.

Chiến công hiển hách này đã mở đầu cho hằng loạt chiến thắng khác của
tất cả những đơn vị tham chiến để bảo vệ Kontum và giữ vững vùng địa
đầu Tây Nguyên trong suốt Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.Tổng Thống Nguyễn văn
Thiệu lên thăm Kontum, mừng chiến thắng. Khi trực thăng ông đáp xuống
căn cứ B 12, bản doanh của BTL/SĐ23BB, đạn pháo của VC thi nhau rót
xuống, nhưng vị Tổng Tư lệnh đã xua tay từ chối nhận chiếc áo giáp từ
vị đại tá Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn. Ít nhất ông cũng đã chứng tỏ được
cái uy dũng của một người xuất thân từ lính. Nhân dịp này Tổng Thống
đã gắn lon Tướng cho đại tá Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư Đoàn. Các anh Tiểu
Đoàn Trưởng đều được vinh thăng một cấp. Riêng vị trung đoàn phó thầm
lặng Ngô văn Xuân đựơc thăng cấp bằng một quyết định riêng sau đó. Anh
đựơc điều về làm Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn và sau này là một trong những
vị trung đoàn trưởng thao lược của QLVNCH.

Kontum bây giờ chẳng còn môt chút gì dấu tích chiến tranh, nhưng nhìn
ở đâu tôi cũng thấy bóng dáng anh em đồng đội cũ, những người bạn trẻ
tuổi can trường của chúng tôi ngày trước. Đặng Trung Đức đã hy sinh
vào cuối mùa hè 1972 khi vừa được trực thăng vận xuống phía bắc căn cứ
Non Nước. Tên anh được đặt cho bản doanh BTL/SĐ. Vợ con anh đã sang
Pháp, nhưng chị Đức đã mất từ năm 1982, hai đứa con nhỏ phải nhờ ông
bà ngoại nuôi nấng. Bà mẹ già góa bụa, mà Đức là con một, cũng đau
buồn mà đi theo Đức chưa đầy một năm sau ngày Đức hy sinh. Trần Công
Lâm, người bạn cùng khóa thân thiết nhất của tôi - người sĩ quan chưa
hề biết mùi chiến bại, đi hành quân mà chưa gặp địch là không chịu
quay về -, trước khi nắm Tiểu Đoàn 3/44, đã từng là một đại đội trưởng
Trinh Sát lừng danh với bao chiến công hiển hách, vang dội khắp Quân
Đoàn, cũng đã nằm xuống cuối năm 1973 trên đỉnh Ngok Wang đèo heo gió hú.

 Nguyễn xuân Phán sau những năm tháng tù đày, hiện lưu lạc ở một
thị trấn nhỏ thuộc tiều bang Washington bên Mỹ và vẫn hăng say trong
các tổ chức xã hội, cộng đồng. Thỉnh thoảng anh xuống San Jose gặp gỡ
bù khú với anh em, vẫn cạn ly một trăm phần trăm, dễ thương, vui vẻ
như ngày nào. Anh bảo chỉ có những lúc vui với anh em và say mèm mới
có thể quên được nỗi đau.

Phan Công Minh thì đang sống âm thầm ở một
thành phố biển ngoại ô New York. Hơn 10 năm đi cày 2, 3 "job", để đủ
lo cho các con ăn học, thời gian còn lại chỉ đủ để uống rượu tiêu sầu.
Bây giờ tương đối rảnh rang, truyền nghề đánh giặc lại cho thằng con
trai lớn vừa tình nguyện vào Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đang hành
quân trên chiến trường Irak.

Riêng anh Ngô văn Xuân, mòn mỏi, bệnh
hoạn sau hơn 13 năm tù. Nhưng dường như những vết thương chiến trường,
tù ngục còn trên thân xác không làm cho anh đau đớn bằng vết thương
trong lòng. Nỗi đau của một người đã hiến đời cho binh nghiệp mà giữa
đường phải đành vất cung bẻ kiếm. Bây giờ anh sống lặng lẽ ở một nơi
gần thành phố San Jose, làm thơ Hoa Tâm, nghiên cứu về Thiền và Phật
học.
Còn lại, những đồng đội khác, hoặc đang sống lê lết khốn cùng ở
đâu đó bên quê nhà với thương tích trên người, hoặc lưu lạc muôn
phương, một số đã hy sinh, xác thân nằm ở một nơi nào đó, giữa núi
rừng Kontum này, hay hoang lạnh trong các nghĩa trang, đã dời đi hoặc
bị san bằng, nhưng có lẽ hồn thiêng vẫn còn phảng phất đâu đây. Tôi
đốt hết bó nhang còn lại chia cho anh em. Chị bạn gái của anh Bình
cũng xin được chia phần. Chúng tôi đứng nghiêm khấn vái bốn phương
trời. Cầu nguyện hồn thiêng của những đồng đội cũ được sớm siêu thoát
trên chốn vĩnh hằng, và xin tất cả tha lỗi cho chúng tôi, những người
còn sống nhưng đã không trả được - dù chỉ một phần nhỏ nào - món nợ
máu xương cho họ.

Suốt đêm hôm ấy không ngủ được, chúng tôi nằm kể lại bao nhiêu chuyện
vui buồn trên chiến trường xưa, nhắc lại từng tên, từng khuôn mặt bạn
bè. Chúng tôi cũng tranh luận thật nhiều về cuộc chiến đã qua và những
cái chết của đồng đội mà thấy lòng nặng trĩu những đau buồn với bao
điều tức tưởi.

Sáng hôm sau, chị chủ quán, bạn gái anh Bình, mời chúng tôi ăn sáng
rồi tiễn chúng tôi ra đầu cầu Dakbla. Chị đứng yên lặng không nói một
lời gì. Nhìn những giọt nước mắt chảy dài trên má chị, trong lòng
chúng tôi có lẽ ai nấy cũng đang giữ riêng một nỗi ngậm ngùi. Nhìn
dòng sông Dakbla chảy ngược qua cầu, tôi có cảm giác như lòng mình
cũng đang chảy ngược về những nơi nào đó, những chiến trường xưa, mà
mãi mãi vẫn còn in bóng dáng hào hùng của bao nhiêu bè bạn, anh em -
những người đồng đội cũ. Tất cả đã từng có một thời sống rất đáng
sống.


phạm tín an ninh