văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, August 12, 2013

TẠ KÝ * Tình xưa sử nến























 
Hoang sơ tím áo nữ kiều,
Ngọt môi mùa loạn ngàn xiêu gió thành.

Mộng vừa rụng ngọc Oanh Oanh,
Nửa đêm cùng nửa tuổi xanh dâng chàng.

Tình xưa sử nến dăm hàng,
Gối hai thứ tóc, tay choàng tâm tư.

Sơ giao, tiết tấu, tờ thư:
Chữ Chân cùng với chữ Hư hẹn hò:

Rằng em người xứ Long Hồ,
Rằng nhà em ở bên bờ Tiền Giang…

Bỗng dưng không tiếng oanh vàng,
Mà sao giấc mộng yêu nàng bỗng dưng…

Thương thương huyền hoặc, nửa chừng,
Bóng gầy chiếm hết một vùng không gian.

TRẦN VẤN LỆ * Năm Năm Rồi Không Gặp


Mới đó mà năm năm, năm mùa trăng lạnh lẽo.  Trăng theo em lẽo đẽo núi đèo sông biển nao?
Mới đó như chiêm bao, ngắn dài cũng một giấc.  Hạt kê chưa ứa mật, lửa tàn, tro than bay…
Mới đó mà hôm nay vẫn về bầy quạ cũ.  Ngưu Lang và Chức Nữ chưa kịp cầm bàn tay…
Mới đó mà mây mây bay qua cầu bay hết.  Năm năm em biền biệt như là mây đầu non…
Mới đó hoa héo hon bên từng bia đá dựng.  Anh đến đây không đứng mà quỳ xuống, Thưa Em!
Em đi về cõi Tiên?  Em đi về cõi Phật?  Ôi trời! Trời cao ngất, em tới Phượng Trì chưa? Mới đó mà mưa mưa, Rằm Trung Nguyên em ạ.  
Người ta thả thuyền lá nước xuôi về Âm Ty… Mới đó mà lưu ly giọt lệ người dương thế.  Yêu thương làm sao kể, nước mắt lại đầm đìa!
Con sông ba ngả chia.  Ngả nào về Đại Lựơc?  Ngả nào chân em bước con đường mòn Kim Long? Mới đó, em biết không?  Năm mùa trăng rồi đó!  Con trăng Rằm sáng tỏ sao mắt anh lại mờ…

Trần Vấn Lệ

Friday, August 9, 2013

PHẠM TÍN AN NINH * chim bay về biển

Một mai chim bỏ bay về biển
Ta đứng một mình ngó nhánh sông
Ta khóc nhìn theo giòng nước chảy
Nghe trăm ngọn sóng vỗ trong lòng
(Sương Mai)
Buổi chiều, mùa hè Bắc Âu thường có những ngày mưa, ảm đạm. Tôi nhận được thư của bạn Dương Hiệp, giám đốc Đài Phát Thanh  Nationwide Viet Radio (NVR) từ Hoa Thịnh Đốn, báo tin  Phan Công Minh vừa mới ra đi, trước đó chừng một tiếng đồng hồ. Lòng tôi chùng xuống, điều mất mát lớn lao ấy đã cho tôi cái cảm giác trống rỗng, mọi thứ chung quanh bỗng dưng đều trở thành vô nghĩa. Ngoài trời dường như gió đã ngưng thổi, một cơn mưa hạ vừa đổ xuống những hàng thông đứng lặng yên như chịu tang. Cơn mưa rào, đến ào ào nhưng dứt sớm. Đứng trên bao lơn nhìn ra phía trước. Cả một vùng không gian tĩnh lặng. Trước mắt tôi chỉ còn một điểm cử động duy nhất: cánh chim. Cánh hải âu lẻ loi, thư thả, nhịp đôi cánh như hai mái chèo của con thuyển nhỏ trên dòng sông tĩnh mịch, rồi từ từ mất hút giữa không trung. Bất chợt, tôi hình dùng đến Phan Công Minh, một cánh chim Hải Âu (*) vừa trở về với biển.

HẢI PHƯƠNG * chân dung mùa Xuân và biển


















tóc xao vừa độ nắng hanh
gió hiu hiu đủ phiêu bồng mái hiên
liềm trăng lục bát nghe thèm
trầm hương cỏ mượt môi em dậy thì
nét mày vẽ một đường thi
tuyệt chiêu em nước cờ đi qua thành
mềm môi cắn một lằn ranh
nụ hôn vỡ vụn tan nhanh miếng sầu
thắp lòng tĩnh lặng trước sau
đường cong biển dội trộn màu chân dung
bỗng dưng lại bỗng không dưng
bỗng dưng bỗng nữa lưng chừng nhớ em
mở trang vô tự ra xem
thấy trong lá biếc biển đêm dịu dàng


Tuesday, August 6, 2013

HUY PHƯƠNG * những người muôn năm cũ


Âm nhạc thường mang kỷ niệm của quá khứ. Âm nhạc không có phần hoài tưởng là những nốt nhạc vô hồn. Tôi xin cám ơn nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã cho chúng ta bài “Ly Rượu Mừng” bất hủ. Những năm đón giao thừa trong nhà tù tập trung giữa không khí giá lạnh của miền Bắc, chúng tôi hát “Ly Rượu Mừng” mà dàn dụa nước mắt nhớ lại những mùa xuân êm ấm đã qua, mà buồn đến vận nước, mà thương mẹ, nhớ em, nghĩ đến đàn con nheo nhóc. Chính những hình ảnh “người công nhân ấm no”, “binh sĩ lên đàng,” “chúc non sông hoà bình” làm bọn cai tù không để ý, mà chúng tôi ẩn dấu nỗi niềm “có bà mẹ già, từ lâu mong con mắt vương lệ nhoà”, “bước con về hoà nỗi yêu thương…”, “đợi anh về trong chén tình đầy vơi,” “nhấc cao ly này! hãy chúc ngày mai sáng trời tự do!” Bài hát này chúng ta đã nghe đi nghe lại nhiều lần như là một thứ biểu tượng cho ngày Xuân bên cạnh tiếng pháo hay chiếc bánh chưng xanh.
Chúng ta đi, mang theo Ly Rượu Mừng.

TRẦN VẤN LỆ * Nếu Cầm Bút Vẽ Hơi Mình Thở


Sáng.  Trời xanh biếc.  Trắng mây bay
Vệt mây như lát chỗi.  Không dài.
Chắc mây không đủ làm mưa tới.?
Thì…chắc là mình vẫn nhớ ai!

Mỗi bữa nói hoài câu nói đó
Từ khi mười tám, thuở hai mươi
Từ khi, đêm ngó trời thăm thẳm
Ngó bóng trăng…hình như trăng trôi?

Trăng một mình trăng, trăng có buồn?
Có lòng không nhỉ để sầu thương?
Xưa nay không có…Trăng-Thi-Sĩ
Chỉ thấy người – Thơ Đẵm Khói Sương!

Trăng một mình trăng – Trăng Mồ Côi
Măt trời không tới đứng thành đôi
Nên trăng tròn đó rồi trăng khuyết
Khuyết với tròn,  trăng vẫn lẻ loi!

Tôi miên man rồi…tôi miên man
Ra sân cúi xuống nụ hoa vàng
Con hummingbird xoay, xoay tít
Mây trăng trên trời bỗng gió tan…

Nhưng…nhớ em thì tôi vẫn nhớ
Câu này kết lại dứt bài thơ
Nếu cầm bút vẽ hơi mình thở
Ai đọc…Làm sao?  Có bất ngờ?

Trần Vấn Lệ

VĂN QUANG * cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan


Nhân dịp chính phủ ban hành Nghị Định về minh bạch tài sản, thu nhập của công chức các cấp và ủy ban Tư Pháp của Quốc Hội VN đã tổ chức phiên điều trần về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, hãy nhìn qua tình hình tham nhũng hiện nay biến chuyển như thế nào.
Thưa bạn, câu tục ngữ “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” đã có từ ngàn xưa, ông cha ta để lại qua những kinh nghiệm thực tế các cụ đã sống. Trộm cướp vốn là nỗi lo sợ chung của xã hội từ lâu đời chứ chẳng phải bây giờ mới có. Khác nhau chăng là thời thanh bình, dân cư an lạc, mọi tệ nạn ít hơn, thời nhiễu nhương thì sinh đạo tặc như rươi. Kể cả cướp ngày và cướp đêm. Phải nói thẳng là đất nước ngày nay không có chiến tranh, đang sống trong “hòa bình” nhưng ngược lại “đạo tặc” lại nhiều vô kể. Hành động cướp của giết người ngày càng táo bạo, man rợ chưa từng bao giờ xảy ra. Chỉ cần cướp 1 chiếc xe gắn máy của người đi trên con phố vắng là vài tên cướp sẵn sàng khua mã tấu chém xối xả vào nạn nhân rồi cướp xe tẩu thoát. Chúng không từ thủ đoạn dã man nào không dùng. Đến chuyện bắt trộm chó, chuyện ăn cắp vặt mọi lúc mọi nơi, xông vào nhà cướp từ cái điện thoại của trẻ con, cứ xảy ra như cơm bữa, ngày nào báo chí cũng đầy rẫy những chuyện trộm cướp đủ mọi kiểu, đủ mọi thủ đoạn.

HỒ CÔNG TÂM * tàn mùa hoa cải


Nội ngoại nhìn nhau lệ ngập ngừng:
Hỡi ơi nào biết nói hay đừng?!
Dân oan khao khát đòi Công Lý,
Áo đỏ thản nhiên xử... Luật Rừng!
Cưỡng chế... trước xem thường uẩn khuất,
Biệt giam... sau bất kể oan ưng!
Hoa lài, hoa cải... đành im ỉm
Uổng đợi xuân về… hết phấn hưng!
2013
HỒ CÔNG TÂM

TRÚC THANH TÂM * tình ơi, sao quên được


Những nhánh sông chở phù sa tăm tắp
Lúa đồng xa, hoa trái nhởn nhơ cười
Em, thôn nữ vẫn làm duyên e ấp
Anh, trai làng mơ mộng tuổi đôi mươi !

Trưa nắng nóng, uống nước dừa ngọt lịm
Cơm trắng đậm đà sau buổi vần công
Cá lóc nướng trui chấm cùng muối ớt
Kèm rau đắng đồng vị ngọt lâng lâng !

Điệu nhạc quê hương gió hòa sóng lúa
Tiếng hót của chim thanh thoát lòng người
Ai gọi ai giữa chiều quê êm ả
Hay tiếng đời rớt khẽ với riêng tôi !

Hỡi em yêu, còn thương mưa nhớ nắng
Thuở mùa xuân hoa lá chẳng muộn phiền
Thuở tiếng ve, tôi yêu người nông nổi
Thuở biết buồn nhìn lá rụng cuối hiên !

Như thế đó, tình ơi, sao quên được
Bóng dừa lung linh ru nhịp thở ngoan hiền
Tôi cúi xuống nghe tình yêu của đất
Lắng tiếng chim gù thong thả, bình yên !

TRÚC THANH TÂM
 ( Châu Đốc )

TRẦN VĂN NAM * Nhân Có Tập Văn Đưa Triết Học Vào Sáng Tác, Nhớ Lại Đặc Điểm Một Thời Kỳ


(BÀI VIẾT KHI ĐỌC CUỐN CẢO-BÚT CỦA TRẦN NHỰT TÂN, sáng tác năm 1973, xb. năm 1996)

Triết lý tàng ẩn trong văn thơ, đây không phải là một điều hiếm hoi, mà thường có trong các sáng tác lưu danh bất hủ từ hàng trăm năm trước, hoặc có thể xa hơn từ hàng ngàn năm trước trong Thơ Đường của Trung Quốc. Nhưng triết học, nói rõ hơn, những thuật-ngữ chuyên về môn triết học được đưa vào sáng tác, đó là điều hơi lạ mà cũng đã là nguồn cảm hứng cho đôi nhà văn nhà thơ. Đọc đến, ta nhớ lại có một thời triết học như luồng gió mới thổi vào từ thập niên 1960 đến gần giữa thập niên 1970.Ta thử nêu ra đặc điểm của thời kỳ này để thử giải thích tại sao có những hứng thú trong sáng tác như vậy. Ta nhớ bối cảnh lịch sử Miền Nam từ khi hiệp định Genève 1954, kế tiếp theo có những luồng tư tưởng đổ vào đây.