văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, October 21, 2013

VĂN QUANG – Những chuyện quái đản ở bệnh viện VN


Nói đến chuyện bệnh viện ở VN nhiều quá rồi, thật tình tôi không muốn nhắc đến nữa. Nhưng còn những chuyện vượt quá sức tưởng tượng của con người giữa thời đại này và có lẽ ngay cả ở thời đại y khoa còn non trẻ lạc hậu cũng không ai dám ngờ tới. Ở đây không phải do khoa học kỹ thuật mà do chính con người. Những con người được dạy dỗ, đào tạo bài bản cả về trình độ chuyên môn đến lương tâm trong sáng và được mang danh là những nhà trí thức, được mọi người vì nể quý trọng. Nhưng tiếc rằng họ đã bỏ quên lương tâm là thứ mà bất cứ một con người nào từ anh vô học đến anh “đại trí thức” đều phải có mới xứng đáng làm người.

Sunday, October 20, 2013

HOÀI ZIANG DUY * Tình bằng hữu qua thơ, nhạc Nghiêu Minh

Tôi quen anh Nghiêu Minh từ năm 1991, cũng là năm tôi định cư tại tiểu bang Virginia . Lần đầu cùng đi với anh, tôi nhớ có anh Sơn Tùng và một số anh em văn hữu. Tôi nghĩ có lẽ từ thông tin của Trần việt Tân ở báo Đời Nay đăng bài thơ của tôi (HZD) và lời chào mừng tôi mới đến định cư. Để rồi cũng từ đó gặp gỡ anh em trong giới làm báo như Giang hữu Tuyên (Hoa thịnh Đốn việt báo), Nguyễn hữu Điển (Thủ Đô thời báo) và hoạ sĩ Đinh Cường. Sau một vài năm đầu ổn định đời sống, tôi viết cho một số báo việt ngữ, và tạp chí như Đi Tới, Làng văn (Canada) Văn học, Hợp Lưu ( Mỹ).

Friday, October 18, 2013

HỒ TRƯỜNG AN * Phương Triều, Người Lữ Hành Đi Vào Bí Nhiệm Cuộc Sống Qua Tập Thơ “Xương Rồng Đen”

PT 1942-2008


Sa Đéc là một tỉnh nhỏ xinh xinh nằm bên bờ Sa Giang êm đềm, một phụ lưu của dòng Tiền Giang. Tôi không nghĩ rằng đây là một chốn địa linh nhân kiệt. Nhưng về nghệ thuật sân khấu, nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc được vang danh khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Bà nổi danh từ bộ môn hát bội, rồi hát cải lương, sau hết là ở lãnh vực thoại kịch và điện ảnh. Bà là kiện tướng của nghệ thuật trình diễn không nhờ thanh sắc mà ở nghệ thuật diễn xuất. Nhắc tới bà, chúng ta nghĩ tới nữ nghệ sĩ Françoise Rosay của Pháp, hay nữ nghệ sĩ Marguerith Rutherford của Anh, Judith Anderson của Mỹ. Và ngoài ra, vào đầu thế kỷ 20 có 2 tay kiện tướng khoa bản như Luật sư Trần Ngươn Hanh, Kỷ sư Lưu văn Lang (xuất thân từ trường Đại Học Bách Khoa Trung Ương tại Pháp). Về văn chương trước năm 1975 có Sa Giang Trần Tuấn Kiệt nổi tiếng về thơ. Bên văn xuôi có chị Linh Trang (tác giả tập truyện Mưa Chiều) và Phương Triều. Nhưng lúc đó công việc sáng tác của họ chỉ như hoa chớm nụ, trăng vừa tròn gương. Cả hai chỉ tung hoành bên báo chí nhiều hơn.

TƯỜNG-LINH * góc chiều với bạn


Bạn hỡi có chi mà vội vã,
Tránh đâu cho thoát cõi vô thường?
Vào đời xây mộng, tan tành mộng
Hãy cứ xem đi mẩu hý trường.
Đội lửa băng qua bao cuộc chiến
Nay còn được chải tóc hoa sương…

Thì thôi, tiếc với buồn chi nữa
Cắt buộc ràng quanh chuyện lỗ, lời.
Lâu quá thuyền neo vùng bến chật
Quen bờ nên ngại sóng trùng khơi.
Góc chiều được gặp đông bè bạn
Đã ngấm trong men chuyện nghĩa đời!

Cùng thả hồn theo lời nghệ sĩ
Giọng vàng cánh bút chở thơ bay.
Bỗng trầm điệu khúc nương cung bậc
Thanh thoát đàn rơi giọt giọt say
Không phải Tầm Dương chan chứa lệ
Mà bâng khuâng tiếc sớm vơi ngày!

Thơ dâng, rượu bốc. Thời gian chảy
Thành suối yêu mơ thắm thiết nguồn.
Ai cấm ta về vườn mộng cũ?
Dẫu về chỉ gặp bóng trăng suông.
Còn bao nhiêu rượu chia đều cả
Hồi ảnh sông hồ lớp lớp tuôn.


TRÚC THANH TÂM * QUÊ LỤA TÂN CHÂU

 
( Tặng anh : Ngy Do Thái, Lương Thư Trung và chị Lộc Tưởng )

Con nước sông Tiền già hơn trước
Đàn chim tung cánh lửng lơ trời
Hàng cây xanh ngát thời con gái
Kỷ niệm trong đời em với tôi !

Sáng nay nắng lụa vàng óng ánh
Long Sơn nhớ mãi một thời xa
Đi qua cầu sắt ngang chợ cũ
Vẫn chưa quên được Lãnh Mỹ A !

Cùng uống cà phê bên quán nhỏ
Tóc dài thoang thoảng một mùi hương
Mắt em như trói hồn ta lại
Dẫu đến bây giờ lạc dấu thương !

Chiếu rơi chầm chậm bên Núi Nổi
Nhớ em ngày đó, nhớ chiều mưa
Thanh bình ngập cả trên đồng lúa
Hạnh phúc trong ta trổ giáp mùa !

Tân Châu đổi khác xưa nhiều lắm
Cám ơn đời còn được nhớ mong
Đêm vui ai hát bài vọng cổ
Một tiếng xề chìm xuống bến sông !

Tân Châu, 8-10-2013

MANG VIÊN LONG * NGUYỄN AN BÌNH, một đời thơ chưa bao giờ yên ả


Tôi có dịp đọc thơ Nguyễn An Bình – bài đầu tiên (Đêm Thánh) được đăng trên tạp chí Văn Học năm 1974 của thế kỷ trước. Thuở ấy, câc tạp chí, tuần báo văn học nghệ thuật rất ít, khoảng năm sáu tờ xuất bản tương đối thường xuyên, nhưng ổn định lâu dài thì chỉ có vài tờ thôi. Bên cạnh các tờ báo có tính chuyên nghiệp xuất bản từ Saigon ấy – cũng có vài tờ tạp chí được xuất bản từ các tình thành, do nhiều nhóm anh em có tâm huyết thành lập, thường thì không đều và im lặng sau vài số báo ( ngoại trù tờ Ý Thức). Do vậy, nếu tính từ “mốc thời gian” Nguyễn An Bình xuất hiện trên các báo – là gần 40 năm! Khoảng thời gian này so với sự hữu hạn đời người, cũng có thể nói rằng – gần hết một đời Nguyễn An Bình đã gắn bó với Thi ca…

Thursday, October 17, 2013

HẢI PHƯƠNG ۞ Em từ tinh thể môi cười ra hoa







nét mày nhật nguyệt mở ra
miếng môi ngậm nửa vành tà huy không
nét mày nhật nguyệt vòng cong
từ khi mùa gió phiêu bồng mưa bay

nét mày nhật nguyệt vòng quay
từ khi lá nhuộm rừng cây thay màu
nét mày nhật nguyệt qua mau
trái tim nhín lại mai sau đãi người

nét mày nhật nguyệt vẽ vời
em từ tinh thể môi cười ra hoa
nét mày nhật nguyệt mở ra
miếng môi mím lại vành tà huy riêng

VÕ THỊ ĐIỀM ĐẠM * Hai Má Con Nó

 Đang lui cui nhổ cỏ đám bắp đã bỏ hột mươi ngày, cảm giác trể nặng, âm ẩm đau càng lúc càng rõ hơn. Cái đau thúc quặn đến càng lúc càng đều, càng nhặt. Hồi sáng vừa húp xong tô cháo, cắn miếng khô cá nướng thơm ngon, cái đau thúc đến làm tay tôi rả rời. Từ đó cơn đau đến càng lúc càng đều đặn. Kinh nghiệm lần sanh Cái Phấn và Cu Nhân, tôi biết lần này Nó cũng đang cựa mình đòi ra khỏi cái khoảng bụng chật hẹp, tối um. Định bụng ra nhổ cỏ cho đám bắp đến chừng nào hay chừng đó. Giờ thì chịu thua. Ráng ngắm những thân bắp non xanh đã vươn khỏi mặt đất, cao cũng được gang tay, mượt mà trông thật hứa hẹn, tay đở cái bụng trệ xuống, tôi cố lê vô nhà. Chưa tới sân thì nước bật chảy xuông xả. Tôi có cảm tưởng như hụt chân, mất thế đứng, sức nặng cả người tôi bổng dưng không còn nữa. Tôi bò lại gốc cây mít, dựa lưng vô thân cây, bàn tay luồn xuống đáy quần, ráng mở rộng bàn tay đầy đất nâu đỏ, bụm cửa mình. Miệng thét to: " Nội ơi! ra phụ tui." Không ai ở nhà hết sao? Đầu óc lờ mờ, tay bụm, cố hết sức mình, tôi lê được đến cửa sau.

HÀ THÚC SINH * Bên Thềm

Không phải con chào mào cardinal đỏ sẫm biểu tượng của tiểu bang mà lại là con robin mỏ vàng, đầu đen, yếm nâu, cánh màu sẻ đồng tha mùa xuân đến chốn này. Năm ngoái dọn về đây nhớ một người bạn có nói loáng thoáng chuyện cỏ cây chim chóc nhưng gay go cơm áo Luỵ quên đi, và sáng nay giá không là một ngày cuối tuần tươi sáng, ngồi đọc sách bên thềm, bất ngờ thấy một bệt vòng cung màu nâu vẽ qua suốt khu rừng sồi mới xanh lá trước nhà thì ngay chuyện xuân về anh cũng chẳng lưu tâm, huống hồ một cánh chim trời. Bất giác anh tự hỏi thời còn trẻ ở quê hương tín hiệu thiên nhiên nào báo cho anh biết mùa xuân đến? Không, dường như đời anh chưa hơn một lần may mắn bắt được tín hiệu ấy. Anh thốt thở dài. Đời hai lần di cư, bắc xuống nam rồi đông sang tây, căn cốt một cậu bé nhà quê thôi thế là cứ tuần tự bị đô thị hoá hết cả bề ngoài. Thay đổi ấy đời có lầm tặng cho lắm thứ nhưng cũng lấy đi của anh lắm thứ, trong có cái tín hiệu mùa xuân mà dường như đâu cũng vậy, người ta chỉ bắt được nơi miền thôn dã giống chỗ anh đang sống hiện giờ.
Luỵ nghĩ mình sẽ ngồi rình cánh chim trở lại.

TRẦN VẤN LỆ * Lòng Không Sao Cả
































Lòng không sao cả, sao trời đất / có vẻ buồn như sắp muốn mưa?  Ờ nhỉ tháng này mưa bất chợt / bay về ngay cả giữa ban trưa…

Lòng không sao cả, không sao cả, sao hỏi làm chi để nhói lòng?  Mưa gió của trời thay đổi tiết, mình làm sao đuổi được mùa Đông?

Lòng không sao cả, thật em à!  Lâu lắm rồi vườn đã hết hoa.  Con Cardinal không gõ cửa.  Chuồn chuồn đôi lúc có bay qua…

Chuồn chuồn vui đậu, buồn bay mất.  Tôi thở dài hay mây lướt ngang?  Lòng chẳng làm sao dù lá rụng, đường xưa cỏ biếc thấy đang vàng…

Ngó qua bờ giậu, giàn bông giấy / thì vẫn bao giờ:  rất dễ thương / dẫu chẳng thấy ai đi thấp thoáng / mơ hồ tôi thấy bóng mù sương…

Mù sương có bóng, người không bóng, hứng được mù sương chắc nghẹn ngào?  Hỏi để tự dưng lòng xót dạ, lòng không sao cả… đã làm sao?

Trời đất hình như có vẻ buồn…Tháng này ừ nhỉ tháng mù sương.  Mù sương là khói trời mây tụ…hay cái gì xa lắm, vấn vương?

Trần Vấn Lệ