Không phải con chào mào cardinal đỏ sẫm biểu tượng của tiểu bang mà lại là con robin mỏ
vàng, đầu đen, yếm nâu, cánh màu sẻ đồng tha mùa xuân đến chốn này. Năm
ngoái dọn về đây nhớ một người bạn có nói loáng thoáng chuyện cỏ cây
chim chóc nhưng gay go cơm áo Luỵ quên đi, và sáng nay giá không là một
ngày cuối tuần tươi sáng, ngồi đọc sách bên thềm, bất ngờ thấy một bệt
vòng cung màu nâu vẽ qua suốt khu rừng sồi mới xanh lá trước nhà thì
ngay chuyện xuân về anh cũng chẳng lưu tâm, huống hồ một cánh chim trời.
Bất giác anh tự hỏi thời còn trẻ ở quê hương tín hiệu thiên nhiên nào
báo cho anh biết mùa xuân đến? Không, dường như đời anh chưa hơn một lần
may mắn bắt được tín hiệu ấy. Anh thốt thở dài. Đời hai lần di cư, bắc
xuống nam rồi đông sang tây, căn cốt một cậu bé nhà quê thôi thế là cứ
tuần tự bị đô thị hoá hết cả bề ngoài. Thay đổi ấy đời có lầm tặng cho
lắm thứ nhưng cũng lấy đi của anh lắm thứ, trong có cái tín hiệu mùa
xuân mà dường như đâu cũng vậy, người ta chỉ bắt được nơi miền thôn dã
giống chỗ anh đang sống hiện giờ.
Luỵ nghĩ mình sẽ ngồi rình cánh chim trở lại.
*
Tình bảo:
“Em thích ở đây.”
Luỵ nhìn dọc con đường mòn trước nhà. Trên những cành dẻ còn vương tí
gió rét của mùa đông giông bão Đại Tây Dương đã khuất. Thứ gió rốt lòng
này anh nhớ từng quen từng cảm. Nó bám trên những ngọn thông khi cơn bão
qua đi ở quê Thanh -- thứ bão lắc rung các cột lim trong nhà như những
thanh đũa. Anh tính bảo vợ khi một người đã chán cái bánh nếp thì chắc
không còn lý do để thích một hạt nhân đậu, nhưng thôi. Hai tháng nay anh
giấu Tình căn bệnh đã biến chứng hiểm nghèo.
Khi không Luỵ buột miệng:
“Nó sẽ trở lại.”
Tình ngạc nhiên:
“Cái gì trở lại?”
“Cái vòng cung.”
“Vòng cung gì?”
Luỵ giải thích vào nét nghi ngại của vợ, rồi nói:
“Này em.”
“Gì anh?”
“Đã bao giờ em thấy một tín hiệu mùa xuân chưa?”
“Nghĩa là sao?”
Mất hứng, Luỵ bảo:
“Thôi.”
“Lạ, thì nói rõ em nghe.”
Luỵ cười, khẽ đọc:
“Xuân đời chưa hưởng kịp...”
“Lại cụ Vũ. Anh kỳ. Mình đang hưởng đây thôi!”
“Sàng tới sảy lui xuân chẳng được mấy mùa.”
Thốt nhiên Tình choàng tay qua vai chồng, cười bảo:
“Thông cảm. Cứ thuốc đều giùm em là hưởng chẵn trăm xuân.” Rồi thốt chỉ
tay qua cánh rừng đối diện, Tình reo lên, “Đó, nó trở lại rồi kìa, anh
nói đúng, đẹp thật, đẹp quá trời!”
Khi không Luỵ lại thấy lòng hoang lạnh. Anh chống tay xuống thềm nói vu vơ:
“Mùa này ngoài Thanh hay ăn món cá thu nướng kho riềng mía.”
Tình mỉm cười quay vào bếp.
*
Dòng Katawba cách đây năm bảy dặm đường rừng mà lắm lúc Luỵ vẫn nghe
như có tiếng nước xôn xao chảy qua đầu. Hè rồi đi câu có người bạn bảo
sông này xưa đầy một giống cá bông lau to như thân chuối nay đã tuyệt
giống, hoặc vẫn còn rơi rớt nhưng ẩn trong hang không cho người đời thấy
nữa. Lúc ấy trong tiếng ve râm ran Luỵ có lặng đi. Tự dưng anh nhớ đến
miền Tây. Nhớ quá. Hồi ấy trên chiếc tầu tuần nhỏ có lần anh cứ tiến mãi
vào một vùng trời nước hoang sơ với ý nghĩ thống khoái chưa ai khác
ngoài thầy trò anh là những kẻ đầu tiên. Trong hơi gió chướng hoa so
đũa, hoa ô môi bắt đầu mở mắt trắng hường nhìn xuống vùng đầm lầy mênh
mông mà nước bắt đầu rút để cá bắt đầu quẫy tìm đường ra sông. Đó, mùa
xuân! “Chưa ông thầy ơi,” một người lính truyền tin bỗng nói. “Để trúng
kỳ nó tới em sẽ bắt cái ‘morse’ mùa xuân chính hiệu xứ này cho ông thầy
coi.” Vào một sáng kia người lính chợt chỉ một bệt mây xám từ xa bay
tới.
“Nó đó!” hắn reo lên.
“Cái gì vậy? Giặc cào cào, hay dơi?”
“Chim Lá Rụng.”
“Chim Lá Rụng?”
Người lính nhìn lên đám mây giờ đã hoá thành tấm thảm thần khổng lồ óng bạc đang bay qua, giải thích:
“Dạ, cứ vụ gặt mùa xuân vừa tới là nó đi kiếm ăn từng bầy. Ông thầy
coi, cả trăm ngàn con chớ ít chi. Năm nào như năm đó, không sai hẹn, bị
vậy mà dân miệt này coi nó mới chính là dấu hiệu mùa xuân, dù dân nhậu
chịu đi lưới lắm. Chu cha ông thầy chưa thấy nó đáp đâu; khi đáp nó khép
cánh cho rơi xuống trông y chang một rừng lá rụng.”
Đó là lần đầu trong đời Luỵ thấy một tín hiệu mùa xuân. Anh đem lòng
yêu thầm vùng đất có tiếng muỗi kêu tựa sáo thổi đỉa lội tựa bánh canh
này. Đôi phen anh tự nhủ khi tàn chinh chiến anh sẽ chẳng về lại quê
Thanh, cũng chẳng sống ở Sài Gòn, anh sẽ về sống với cái vùng đất màu mỡ
này...
Tết rồi có người về thăm quê miền Tây, khi trở lại Mỹ buồn giọng kể anh
nghe, “Cá chim miệt đó đã hết trọi hết trơn, đã tuyệt giống lâu rồi!”
Luỵ rót tí rượu mùi. Cầm ly rượu đứng tựa cửa nhìn ra cõi mênh mông thơm
buồn, bất giác anh buột miệng ngâm khẽ:
Về chào nhau năm mới
Khi tình đã cũ rồi
Ngập ngừng nâng ly rượu
Thấy bóng hoa đào rơi (*)
*
Tình đã trở ra đứng sau lưng chồng. Nàng thốt cười, hơi gằn:
“Bao giờ anh mới để cho anh được thư thả tâm hồn?”
Chẳng quay lại, Luỵ nói:
“Quen tai biến mất rồi, từ ấu thơ.”
Rồi anh trao chiếc ly không cho vợ, thấy trong bụng nôn nao, cái nôn
nao nhè nhẹ gần với sự bồn chồn, luống cuống của kẻ lỡ muộn một chuyến
tàu, hụt một cuộc hẹn. Anh thầm trách sao không sửa soạn trong ngoài hơn
chút nữa, hăm hở hơn chút nữa để cùng vợ đón một mùa xuân mà nó vừa
nghiêm chỉnh gửi anh một tín hiệu. Bất giác anh thấy áy náy. Anh dặn
lòng nhất định mình phải thay đổi một thái độ. Từ phút này anh sẽ sống
lại trong sự cảm kích một miếng ăn ngon, một câu chuyện vui, một hạnh
phúc đang có thật. Anh sẽ lập lại với vợ câu tình tứ ỡm ờ ngày cũ
“Thưởng xuân tí nhá?” nhưng rồi lại ngập ngừng. Ngộ nhỡ đôi má Tình
không còn rực lên một màu hoa đào thì sao, và tai anh không còn được
nghe mấy lời thầm thì âu yếm “Có khoẻ không đấy, trong người có khoẻ
thực không đấy,” thì sao?
Luỵ ấm giọng bảo vợ, “Dọn cơm ra ăn ngoài này đi. Mình vừa ăn vừa chờ con robin trở lại.”
*
Cơm xong. Một bữa cơm trưa bên thềm xuân không ngờ lại có sức kéo mỗi
người đi về một ngả hồi tưởng riêng tư xa nhau đến thế. Rồi Tình dọn bát
đĩa vào trong. Luỵ ngồi lại một mình. Khi nhìn ra cánh đồng cỏ xanh bóp
bóp đôi chân, lần nữa anh lại thấy lòng oải ra. Anh thấy mình kiệt mất
rồi cho một cái gì tươi; ghê hơn, cũ mất rồi cho một cái gì mới. Anh
thấy như anh không còn vừa cho bất cứ gì ở ngày tới, ở mùa tới, ở thế kỷ
tới. Lần này thì sự bồn chồn, luống cuống như tụt tay, không chỗ bấu
víu và rơi hết cả vào nỗi ngậm ngùi. Luỵ trổi dậy bước vào nhà. Chồng
sách bị đụng đổ xuống. Những cánh hoa đào bị khuấy động bay tan tác bên
thềm. Từ trong bếp Tình lần nữa reo qua cửa sổ, “Đó, nó đó, nó trở lại
đó!” Luỵ ngoái đầu nhìn lại cánh rừng. Con robin không vẽ đường vòng cung nữa mà lần này nó vẽ một đường thẳng như mũi tên bay vút vào khu rừng không tỏ.
Bước qua khung cửa Luỵ cúi đầu nhủ thầm: Thôi, thế là nó không trở lại nữa rồi, mãi mãi./.
___
(*) thơ Ngữ An.
|