văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, December 23, 2021

MH. HOÀI LINH PHƯƠNG * Phương Khúc


Đỗ Duy Tuấn
Tôi đã qua tuổi mười lăm, mười bảy
Áo lụa vàng, chân sáo nhỏ đường mưa
Tôi đã hết mơ mộng nào ấp ủ
Sao gặp người….. tôi xúc động.. buồn chưa?

Có phải mắt người nồng nàn, bão nổi?
Co phải môi người nhắn gửi thiêng liêng?
Tiếng đàn người ru một đời tưởng tiếc
Cho tôi tìm về kỷ niệm bình yên

Wednesday, December 22, 2021

MINH NGUYỄN ** Thảo nguyên

 


Buổi sáng. Trên con đường dẫn tới bìa rừng, bọn trẻ mục đồng thức sớm, lùa đàn gia súc đi chăn thả trên cánh đồng cỏ.Đêm qua sau cơn mưa giông tầm tã, sáng ra, bầu trời hé lộ đôi chút ánh sáng, báo hiệu một ngày nắng ấm.Vào những ngày như thế, thảo nguyên nổi lên như một quần thể xanh biếc giữa sắc màu lộng lẫy với vô vàn sim mua,cỏ ống,cỏ đuôi chồn cùng với đám quì dại lui dần về phía cuối thung.

 

Đang khi còn ngầy ngật bởi cơn ngái ngủ, bọn trẻ chợt sững sờ nhìn lên con đường dốc cao trước mặt. Nơi đang hiện ra một hình thù kỳ quái nửa hư nửa thực, chưa thể định hình.Không một đứa trẻ nào dám lên tiếng, hé môi hỏi han nhau lấy một lời. Chúng cảm thấy đang có sự sợ hãi đè nặng lên lồng ngực; khiến chúng đùn đẩy nhau, cố chọn cho mình chỗ nấp an toàn. Cuối cùng,cái đám lộn xộn tưởng chừng gan dạ kia đã lẩn trốn sau bụi cây dại, len lén vạch kẽ lá ra để được nhìn tận mắt, cảnh tượng mà chúng cho rằng khá lạ lùng.

Thursday, December 16, 2021

Hà Thúc Sinh ** Đất ma


Năm nay cụ Tam bảy lăm tuổi, cái tuổi “ruồi bâu không thèm đuổi” đối với rất nhiều người. Nhưng giống một võ sĩ nhà nghề, ngã xuống đứng lên đấm tiếp, về một phương diện nào đó, cụ tự thấy mình cũng còn phong độ.

Tháng trước, thực mà nói, cụ khá nản lòng khi nhận tấm ảnh một cụ bạn văn bên quê nhà gửi qua. Trong tấm ảnh ấy có cả chục người, và nếu không có phần ghi chú phía sau, cụ không cách nào biết được đó là những người bạn vô cùng thân mến của cụ, trong có vài người bạn Hướng Đạo, người nào người nấy tóc vài sợi, răng vài cái, sườn sáu khúc, chân hai que… đại khái thế. Nhưng nhìn kỹ, cả đám giống nhau ở một điểm: trên những khuôn mặt héo hắt, ít râu hay rậm râu, họ đều hờm những đôi mắt lăm lăm ngó về phía trước. Chính những đôi mắt này báo cho cụ biết họ còn sống và còn chờ, dù cụ không biết họ sống cách nào và chờ cái gì.

Nhưng, cũng chính những đôi mắt đó làm cụ mất ngủ.

Wednesday, December 15, 2021

Tô Kiều Ngân ** NHÀ THƠ LỚN ! THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG VÀ ĐINH HÙNG

                

                                                VHC                                     ĐH        


Những thiên tài bạc mệnh của Sàigòn xưa

Lịch sử văn học Việt Nam đã ghi nhận tên tuổi họ, nhưng trong biến thiên của lịch sử dân tộc không ít văn thi sĩ tên tuổi phải chìm nổi cùng vận mệnh đất nước…


Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương là những nhà thơ nổi tiếng từ hồi “phong trào Thơ Mới” thời tiền chiến. Họ đều là những “đại gia” trong làng thơ, nhưng cả hai không ai tự tạo dựng được cho mình một mái nhà mà suốt đời toàn đi ở nhà thuê.

Trần Vấn Lệ ** Thơ Mãi Là Tổ Quốc

 


Cơn bão đã đứt đuôi / nằm yên trên núi tuyết!

Núi hết run vì rét.  Rừng ngước đầu đứng lên...

Cơn bão sẽ được quên / khi thành phố sạch lại,

khi xe cộ được chạy / êm ru như thường khi...


Bão đổ bộ Cali / là những cơn bão rớt...

Mưa theo bão rắc hột, nắng xuống hóa thành hoa...

Bão là chuyện hôm qua!  Hôm nay, ngày đổi khác!

Hồ nào cũng ngập mặt...vui lắm, nước đã thừa!

Monday, December 13, 2021

Trần Kiêm Đoàn ** Tiên học lễ, hậu học văn - đạo lý hay tiêu cực


Mấy hôm nay đọc báo trên các mạng lưới trực tuyến xã hội tiếng Việt, người Việt khắp nơi trong cũng như ngoài nước, được nghe một nguồn dư luận mới xôn xao về việc nên giữ hay bỏ một câu khẩu hiệu đã trở thành quá quen thuộc trong tất cả các hệ thống trường học Việt Nam từ xưa tới nay. Đó là câu châm ngôn “tiên học lễ, hậu học văn” thường được dán ngay trên tường trước mặt học sinh trong lớp học. Vì đã quá quen thuộc và mặc nhiên được coi đây là một đạo lý đương nhiên kết hợp giữa tinh thần tôn sư trọng đạo và rèn luyện nhân cách nên qua nhiều thế hệ, câu khẩu hiệu này đã trở thành một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà nghiêm cẩn chuyên chở   giá trị nhân văn đào tạo thế hệ trẻ. Đây không phải là một câu khẩu hiệu thời trang để trang trí lớp học mà là một châm ngôn rèn luyện nhân cách trong đời sống học trò. Bởi vậy, chẳng có thầy giáo hay học sinh nào còn bận tâm đặt câu hỏi là nên hay không nên treo câu khẩu hiệu mang nội dung “nguyên lý giáo dục” hay đạo lý trồng người nầy. (Chữ Lễ trong bài này xin được viết hoa khi nhấn mạnh đó là tiêu đề của toàn bài và viết thường khi hiểu theo nghĩa quy ước.)

Sunday, December 12, 2021

Giới thiệu sách: Tuyển tập Hồi Sinh của TRẦN VĂN SƠN


Như những lời ru êm đềm, tuyển tập thơ văn Hồi Snh của Trần văn Sơn đã vượt thoát, vươn lên từ vực thẳm vắng lặng bằng những thanh âm diệu vợi, ngọt ngào. Cũng như Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa -thi tập trước của tác giả– sự ra đời của Hồi Sinh vừa rồi cũng đã được giới thưởng ngoạn thi ca tại miền Nam California và các trung tâm sinh hoạt Văn học Nghệ thuật hải ngoại ưu ái tiếp nhận với nhiều thiện cảm. 


Tác phẩm này dày hơn 340 trang. Riêng phần thơ đã chiếm 252 trang với 152 bài thơ. Tranh bìa là một họa phẩm màu của hoạ sĩ Nguyễn Đình Thuần. Phụ bản gồm 2 bức tranh của họa sĩ Bé Ký, Lương Trường Thọ… 

Cảm giác đầu tiên đến với tôi khi đón nhận Hồi Sinh là vẻ mỹ thuật, sự trang nhã qua lối trình bày và kỹ thuật ấn loát, do chính tác giả vã Nhà xuất bản Bạn Văn Nghệ sắp xếp chăm sóc. 

TIỂU TỬ ** Thằng Dân



Trong chuyện phiếm này, tôi gọi ” thời chú Sam” để chỉ miền Nam trước tháng 4 năm 1975 và ” thời bác Hồ ” để chỉ miền Nam dài dài sau đó. Cho thấy miền Nam trước có chú, rồi sau có bác thay thế nhau chăm sóc tận tình. Thật là…đại phước !

Ở xứ nào không biết, chớ ở Việt Nam xưa nay người dân vẫn được coi như không có… kí lô nào hết, mặc dù họ đông như kiến !

Hồi thời Pháp thuộc ( Phải lấy thời này để làm cái mốc cho thời chú Sam và thời bác Hồ. Bởi vì không có Pháp thuộc thì làm gì có bác Hồ, làm gì có chú Sam ? ), có ” ông Tây bà Đầm” ăn trên ngồi trốc.

Người dân sanh ra vốn… thấp cổ bé miệng, không ngóc đầu lên được. Văn chương hồi đó hay viết ” dân ngu khu đen ” nghe thật miệt thị nhưng lại diễn tả rất rõ nét vị-trí… sát đất của người dân ( chỉ có ngồi lê dưới đất nên khu mới đen như vậy !) và xác nhận với chính sách ngu dân thời ấy, người dân ngu là cái chắc.

Saturday, December 11, 2021

Phan Bá Thụy Dương ** Trong cõi an nhiên


tặng Nguyễn Hòa [VCV] nhân ngày ghé thảo trang của bạn cạnh chân núi Trường Sơn

 

1-

Người từ độ về sơn trang quán chiếu

đá rong rêu chưa khóc đã nghẹn lời

con suối bạc lung linh trời ảo diệu

với nắng vàng biển động vọng xa xôi

Thuyền thanh tịnh xuôi theo dòng lặng lẽ

ánh từ dung rực rỡ lửa an nhiên

triền núi hư hao, âm thầm quạnh quẽ

bến đò ngang cũng hiu hắt đôi miền

Nguyễn Đình Toàn ** Khúc Ca Phạm Thái



Ta tráng sĩ hề, lòng không mềm bằng kiếm,

Ta anh hùng hề, sự nghiệp có đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như.

Chí nhỏ lòng kiêu, đổ thừa vận rủi,

Tài sơ sức mỏi, trách với thời cơ.

Lòng chua cay uống mãi rượu giang hồ,

Nâng chén lửa đốt tàn dần năm tháng.

Hồn đau thương những đêm trường bốc cháy,

Ngựa ngông cuồng khua gót nhớ quan san.

Trời mưa buồn hay nhỏ lệ nhân gian,

Men ứa lạnh trên đầu tay giá buốt.

Chợp năm canh gà chừ tóc hồ điểm bạc,

Thù nhà chưa trả chừ nợ nước vai mang.

Thẹn mặt làm ngơ chừ tủi thân hồ hải,

Gục đầu lên gươm chừ, máu đổ chứa chan.

Ta là sao tinh đẩu,

Cao vút trời cô đơn.