Như những lời ru êm đềm, tuyển tập thơ văn Hồi Snh của Trần văn Sơn đã vượt thoát, vươn lên từ vực thẳm vắng lặng bằng những thanh âm diệu vợi, ngọt ngào. Cũng như Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa -thi tập trước của tác giả– sự ra đời của Hồi Sinh vừa rồi cũng đã được giới thưởng ngoạn thi ca tại miền Nam California và các trung tâm sinh hoạt Văn học Nghệ thuật hải ngoại ưu ái tiếp nhận với nhiều thiện cảm.
Tác phẩm này dày hơn 340 trang. Riêng phần thơ đã chiếm 252 trang với 152 bài thơ. Tranh bìa là một họa phẩm màu của hoạ sĩ Nguyễn Đình Thuần. Phụ bản gồm 2 bức tranh của họa sĩ Bé Ký, Lương Trường Thọ…
Cảm giác đầu tiên đến với tôi khi đón nhận Hồi Sinh là vẻ mỹ thuật, sự trang nhã qua lối trình bày và kỹ thuật ấn loát, do chính tác giả vã Nhà xuất bản Bạn Văn Nghệ sắp xếp chăm sóc.
Một nhà phê bình ở Sàigòn nhận xét:
Thắm thoát đã qua hơn năm mươi năm, thời gian thật diệu kỳ cho tất cả chúng ta, những người làm văn nghệ, nhìn lại ký ức. Kỷ niệm thì muôn màu muôn vẻ như khu vườn hoa lạ, kỳ hương đầy sắc màu và thơm ngát. Đọng lại như khối trầm hương, cho mọi người vãng lai chiêm ngưỡng hóa thân của trời đất, siêu tuyệt và hạnh ngộ. Không cần biết, tinh hoa vũ trụ tích tụ bao nhiêu ngày tháng, nhưng trước mắt tha nhân, sự kỳ diệu của thiên nhiên, đi vén mở thiên khai cho người thi sĩ, biến hóa ngôn ngữ thành cái tâm quang quả kỳ diệu trước những chiếc ráng vàng hoàng hôn, hay trước thế sự điêu tàn than vãn, làm ngút mắt tri thức phàm nhân. Từ những hạnh ngộ của định kiếp người làm thơ; cọ xát với hiện thực; xúc động rung cảm mãnh liệt của con tim, và rồi tài năng nghiệp chướng ngàn năm... đó là thời khắc tác phẩm được hóa sinh, trong cơn vật vã thai nghén của thi nhân…
Những tháng giữa năm 1972, tôi mới trực tiếp diện kiến với Trần Văn Sơn, khoảng hai lần, do các nhà thơ Thụy Miên, Nguyễn Lê La Sơn, và sau đó là Phạm Nhã Dự, Trần Phù Thế, tháp tùng đến, giới thiệu và bàn chuyện văn chương, in ấn. Cuối tháng 7/1972 nhà thơ Thụy Miên khốc liệt với tai nạn ở Sóc Trăng, bằng hữu còn quá đau lòng và hoang mang cực độ, nên tôi quên lãng chuyện Trần Văn Sơn và những bàn tính của thi tập đầu tay Vườn Dĩ Vãng ra đời.
Cuối năm 1972, tình cờ tản bộ qua cầu chữ Y sang đường Cao Đạt (Quận 5), chỉ cách tệ xá một khoảng ngắn, chợt thấy Lưu Nhữ Thụy đang mày mò in typo bìa cho thi tập Vườn Dĩ Vãng của Trần Văn Sơn. Thì ra, Trần Văn Sơn giao Lưu Nhữ Thụy ấn hành tập thơ. Nhà in Cao Đạt, chỉ có một máy dập typo, ngoài ra là in lụa, nên tôi lấy tập bản thảo Vườn Dĩ Vãng (đã có phép BTT/PHNT) đọc lại, thơ thật hay, và bay sang nhà in Chính Nguyên (Quận 10) nhờ nhà thơ Nghiễm Vy ấn hành.
Lúc này, thi phẩm Vườn Dĩ Vãng là tác phẩm thứ 6 của NXB Khai Phá đã được giới thiệu với độc giả, sau tác phẩm của Lâm Chương, Nguyễn Thành Xuân, Hà Thúc Sinh và tôi. Với tài hoa và kỹ thuật điêu luyện, Trần Văn Sơn thành công nhiều ở tập thơ đầu tay.
Đọc thơ Trần Văn Sơn, ngoài cái bát ngát của chút Phạm Cao Hoàng, lãng tử của Nguyễn Bắc Sơn, lướt thướt say tình của Phạm Trích Tiên, Sơn còn có riêng một phong thái sâu lắng, hoài niệm như cánh hoa dã quỳ nở thầm giữa thương yêu hoang dại và bất tận…
Thơ Trần Văn Sơn có không khí lãng bạt, hào sảng và ngông nghênh. Dĩ nhiên, anh còn nhiều bài thơ hay khác như Khi Xa Bình Tuy, nhưng dấu ấn anh có được như Ôm Một Mặt Trời Say, thì anh em thường ngâm nga trong các tiệc rượu hội ngộ thân quen…
Trích TỰA của NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Một nhà thơ hữu danh khác đã nhận định ngắn gọn:
Thơ TVS dù ở thể loại nào vẫn có một nhịp điệu du dương riêng, anh chọn vần, lựa điệu như một nhạc sĩ, và chữ trong thơ dồi dào hình ảnh, khiến bài thơ - hay câu thơ của anh - là một bức tranh, hay một góc của bức tranh đầy màu sắc:
“Bay mưa sầu thấp trăm năm/ Đèn lu bấc lụn mưa đầm đìa rơi/ Tôi ôm mưqa ngủ ngoài trời/ Mưa tôi che kín bóng đời buồn tênh”. Bốn câu lục bát điêu luyện.
“Chung trà nóng vẫn còn/ Chén rượu chư nhắp cạn/ Ngó lên đỉnh thiên sơn/ Lạc loài chim lẻ bạn” Bốn câu ngũ ngôn không thừa một chữ.
“Sát quán Ba Cô ngôi miếu cổ/ Ngổn ngang gạch đá lạnh hương trầm/ Bạn Ta. Thiền định bên ly rượu/ Chợt thoáng trong ly bóng nguyệt rằm”. Bốn câu thất ngôn tứ tuyệt rất tuyệt.
Thơ TVS chỉ bốn câu thôi là khúc nhạc. Chỉ bốn câu thôi là tấm tranh. Chỉ bốn câu thôi là thấy hết. Chỉ bốn câu thôi mà mênh mang.
VIÊN LINH [bìa sau]
Văn Hữu VTN xin trân trọng giới thiệu tác phẩm này với bạn đọc.