văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, July 17, 2012

TÔ KIỀU PHƯƠNG * KÝ GIẢ KỊCH TRƯỜNG NĂM XƯA






Nhà báo Tô Kiều Phương tại Bàn Môn Ðiếm (hội nghị BC 1967 tại Panmunjom-Korea)                 



  
Lời giới thiệu của VTN:
Chưa đầy 1 năm sau khi tôi từ giã Phan Thiết để vào SG tiếp tục việc đèn sách thì tôi và TKP đã trở thành đôi bạn tâm giao.  Thi văn đoàn Tinh Hoa của tôi thành lập năm 1959 được nhiều học sinh biết đến và gia nhập, phải nói phần lớn nhờ sự giúp đỡ tích cực của anh tôi là ký giả, phóng viên chiến trường Anh Thuần và TKP.
TKP gia nhập làng báo rất sớm, khi tuổi đời còn dưới đôi mươi và tiếp tục dấn thân, hội nhập không ngừng trong lãnh vực thông tin báo chí, sinh hoạt sân khấu kịch trường và đã từng tham dự nhiều cuộc hội nghị báo chí quốc tế. Bài viết của anh dưới đây giúp chúng ta có dịp nhìn lại, hiểu biết hơn về những nhà báo lão thành, những người đã tích cực góp phần tạo nên những ngôi sao hàng đầu của ngành cải lương, những nghệ sĩ  vốn được đồng bào ái mộ. Phần sơ lược về tiểu sử tác giả bài viết, VTN xin nhường lại lời ghi nhận của Thanh Dũng, nằm dưới cuối bài. - PBTD

Có thể nói, tờ “Gia Ðịnh Báo” (xuất bản vào năm 1865), là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng phải đến 90 năm sau làng báo mới có trang đặc biệt Kịch Trường, viết về các sinh hoạt  sân khấu kịch và cải lương.
                    
 Nhà báo Thanh Tâm Trần Tấn Quốc, một người rất ái mộ cải lương, đã khai sinh  trang Kịch Trường cho bộ môn ông yêu thích và sáng lập Giải Thanh Tâm. Giải thưởng này đã làm thăng hoa các nghệ sĩ Thanh Nga, Lan Chi, Hùng Minh, Ngọc Giàu, Bích Sơn, Ánh Hồng, Bạch Tuyết, Mộng Tuyền, Lệ Thủy, Thanh Sang, Tấn Tài, Phượng Liên, Mỹ Châu.v.v.
                      
Sau đó, nhiều báo lần lượt mỡ trang đặc biệt Kịch Trường mỗi tuần, khiến cho sinh hoạt cải lương thời đó thêm sôi động. Có trang Kịch Trường, các chuyện tình sau bức màn nhung giữa các nghệ sĩ tên tuổi hoặc những lấn cấn trong hậu trường, nhanh chóng được hé lộ . Nào vụ Thanh Nga-Thành Ðược-Ðại úy Mẫn và chủ nhân hảng kem đánh răng Hynos; vụ Hùng Cường đánh hề Thiện Mỹ, đập đờn của một nhạc sĩ mù; vụ bộ ba Thanh Hương-Văn Chung-Hùng Minh. Cả việc 3 ông đại tá ở miền Tây ...lẹo tẹo với 3 nghệ sĩ tài danh cũng được khai thác tận tình...
                   
Thập niên 50, 60 - giai đoạn cực thịnh của làng báo Sài Gòn – nhưng chưa có trường đào tạo ký giả, nên người làm báo phải đa năng mới vươn lên được trong nghề nghiệp. Khoảng 1965,  Liên Ðoàn Ký Giả Quốc Tế IFJ (International Federation of Journalists) mở khóa tu nghiệp duy nhứt  tại Câu Lạc Bộ Báo Chí, số 15 đại lộ Lê  Lợi, Sài Gòn, dành cho Ðoàn viên Nghiệp Ðoàn Ký Giả Nam Việt đang làm việc ở các tòa báo. Sau đó, Việt Tấn Xã có vài lớp đào tạo phóng viên và hai Trường Ðại Học Vạn Hạnh, Minh Ðức mới mở Phân Khoa Báo Chí, nhưng số Sinh viên theo học không nhiều, do báo chí không phải là bộ môn để... hái ra tiền. Vì vậy, đã là nhà báo chuyên nghiệp, đều có khả năng  viết được nhiều thể loại, từ  tin tức, phóng sự, thể thao, kịch trường, truyện, thơ v.v..Và không ai ngạc nhiên khi thấy ký giả Nguyễn Ang Ca, chủ nhiệm nhựt báo Tin Sớm còn viết bình luận chính trị, phê bình  kịch trường, thể hao      ( bút hiệu Ngọc Kỳ Lân), và là soạn giả các vở cải lương Hoa Mộc Lan, Người Yêu của Hoàng Thượng, Từ Sân Khấu Ðến Cuộc Ðời, Tình Nở Ðào Hoa Thôn v.v..dưới tên Ngọc Huyền Lan (hợp soạn cùng Viễn Châu). Năm 1978  anh Nguyễn Ang Ca cùng gia đình vượt biển sang Mã Lai , rồi định cư ở Bỉ tháng 2/1979. Ra hải ngoại anh viết nhiều báo ở Âu Châu và Hoa K, nhằm tranh đấu cho thuyền nhân còn kẹt lại các trại tỵ nạn Ðông Nam Á và những đồng nghiệp ở Việt Nam. Ký giả Nguyễn Ang Ca từ trần ngày 26 tháng 3 năm 1991 tại Bruxelles, vì bịnh tim, hưởng thọ 65 tuổi . Cùng trường hợp như ký giả Nguyễn Ang Ca có:
                      
 - Nhà báo Lý Thanh Cần, bút hiệu Nguyễn Kiên Giang, chủ nhiệm nhựt báo Thời Ðại, tòa soạn ở số 23 đường Tự Do, cạnh nhà hàng Maxim. Anh viết  kịch trường cho nhựt báo Tiếng Chuông hoặc nhựt báo Thời Ðại, ký bút hiệu Long Mỹ Nhân, vì quê anh ở Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá. Ký giả Nguyễn Kiên Giang còn là Chủ Tịch Nghiệp Ðoàn Ký Giả Nam Việt...muôn năm, nếu Sài Gòn không bị mất tên .Sau ngày 30 tháng 4/1975, anh Nguyễn Kiên Giang bị đi tù mút mùa ở Miền Bắc vì “vô số tội”, tội làm Chủ Tịch Nghiệp Ðoàn Ký Giả, tội trong tổ chức Phục Hưng Miền Nam và...từng làm Ðổng Lý Văn Phòng Bộ Thông Tin “chế độ củ”. Khi được thả về, dầu được con bảo lãnh sang Ðức, anh đã không còn đủ sức ra đi và đã mãn phần ngay trên căn nhà của anh trên đường Phát Diệm, quận Nhứt, Sài Gòn.
                      
 - Nhà báo Nguyễn Trung Ngôn, bút hiệu Tam Ðức, chủ nhiệm nhựt báo Tiếng Việt, tòa soạn ở khu báo chí Phạm Ngũ Lão, gần chợ Thái Bình. Ông là một trong những tay tham mưu cho ông Bầu Long, chủ nhân Công ty cải lương Kim Chung. Nhà báo Tam Ðức là thân phụ của nhạc sĩ Bảo Thu (Nguyễn Trung Khuyến). Ông đã dìu  dắt nhà thơ Mai Liên Phượng vào làng ký giả Kịch Trường, lấy bút hiệu Tam Hoa và cũng dìu dắt Tam Hoa làm quen với ả phù dung. Tam Hoa nhanh chóng được “nằm bàn đèn” với ông Bầu Long và một số ký giả bậc thầy, có đi lại với công ty Kim Chung, nhưng có lẽ do quá lậm nha phiến nên anh  mất khi tuổi đời chưa được 40.
                      
 - Nhà báo Tô Yến Châu, chủ nhiệm nhựt báo Thời Sự Miền Nam là một cây viết bản lãnh trước năm 1975; từng viết kịch trường, thể thao cho nhựt báo Tiếng Chuông từ hồi Ðệ nhứt Cộng Hòa và nhiều nhựt báo khác. Nhắc Tô Yến Châu, giới sân khấu cở lớp Năm Nghĩa (thân phụ của nghệ sĩ Bảo Quốc), đến Hữu Phước, Thành Ðược...và giới thể thao như  “ông bầu” Ðinh Văn Ngọc (đã từ trần ở Los Angeles), bầu Võ Văn Ứng, bầu Nguyễn Minh Mẫn v.v.. không thể quên một ký giả có dáng võ biền, trong câu chuyện thường đệm thêm tiếng “Ðan Mạch”, nhưng lại rất vui tính và dễ dàng xúc động, nhỏ lệ bất cứ gặp việc não lòng nào. Ông ở lại Việt Nam và mãn phần tại quê nhà Cần Giuộc (Long An) mấy năm trước.
                      
 - Nhà báo Việt Ðịnh Phương, tên thật là Phạm Thu Trước, chủ nhiệm nhựt báo Trắng Ðen, một trong các nhựt báo có số bán mạnh trước năm 1975. Ông đã điều hành nhiều tuần báo rồi nhựt báo, phụ trách một số trang Kịch Trường và là giám khảo trong Ban Tuyển Chọn Giải Thanh Tâm, trước khi thực hiện nhựt báo Trắng Ðen ở Sài Gòn. Trắng Ðen là một tờ báo có lực lượng ký giả Kịch Trường hùng hậu, ngoài chủ nhiệm còn có các cây viết Nguyễn Việt, Trọng Viễn...đã tổ chức phát giải Kim Khánh cho bộ môn sân khấu.  Ký giả Việt Ðịnh Phương sang Hoa Kỳ từ năm 1975, sống ở Nam California. Ông có ra lại nhựt báo Trắng Ðen một thời gian, rồi lo việc đạo cho đến khi từ trần, ngày 10 tháng 2 năm 2010 tại Orange County.
                         
- Nhà báo Lê Hiền tên thật là Cao Minh Hựu, chủ nhiệm nhựt báo Bút Thép. Trước khi làm Tổng Thư Ký Tòa soạn nhựt báo Công Luận, rồi chủ nhiệm Bút Thép, ký giả Lê Hiền viết kịch trường cho một số báo ở Sài Gòn và trong Ban Tuyển Chọn Giải Thanh Tâm từ năm 1959 trở về sau. Ký giả Lê Hiền hiện sống tại Sài Gòn.
                         
- Kiên Giang Hà Huy Hà, ngoài soạn giả nhiều tuồng cải lương nỗi tiếng, trong đó có vở Người Ðẹp Bán Tơ...còn là một nhà thơ với tập Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím, một  ký giả kịch trường kỳ cựu. Các mỹ danh Kiều nữ Bích Sơn, Con Nhạn Trắng Gò Công v.v.. đều do ông đặt cho một số nghệ sĩ  đến ngày nay còn được nhắc nhở.
                        
 - Ký giả Nguyễn Ðức Hiền, một tên tuổi quen thuộc của làng cầu và sân khấu Sài Gòn xưa. Người ta dễ nhận ra ông trên chiếc Vespa với mái tóc rẽ ngôi ở giữa, hàng ria mép tỉa rất khéo và chiếc máy ảnh lủng lẳng trước ngực, lúc vào hậu trưởng hay ra sân cỏ. Ông còn có bút hiệu Thất Hiền, xuất hiện trên các báo Thời Ðại, Tiếng Chuông, Lửa Thiêng ,Thời Sự  Miền Nam...
                        
- Ký giả Phong Vân của trang Kịch Trường Tia Sáng, Tiếng Dội...Sau năm 1975, dầu được các báo mời viết lại, nhưng ông từ chối để về phụ “bà xã” lo việc buôn bán bên Phạm Thế Hiển, quận 8. Ông được các nghệ sĩ và đồng nghiệp coi là một nhà báo có sĩ khí.
                        
- Ký giả Lê Trần tên thật Lê Văn Trình, chuyên viết Kịch Trường cho các báo Tiếng Chuông, Vận Hội Mới (chủ nhiệm Quốc Ấn), Thời Sự Miền Nam... trước khi là Thư Ký Tòa soạn nhựt báo Công Luận năm 1968 đến 1974. Ông mãn phần ở Việt Nam.
                       
- Ký giả Ngọc Ðỉnh viết về kịch trường và phóng viên nghị trường của báo Tia Sáng mà chủ nhiêm là ông Nguyễn Trung Thành. Sau năm 1975, ông sống hẳn với sân khấu và một thời gian dài là Trưởng đoàn Cải lương Sài Gòn 1.
                     
Một số ký giả nữa, vừa viết tin vừa chụp hình trong hậu trường, ở lại trong nước, được hầu hết nghệ sĩ biết tiếng, có Bạch Tùng Hương, Huỳnh Công Minh, Nguyễn Việt, Thiện Mộc Lan v.v...Người đã mất, người  bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi”, nên đã giả từ sân khấu, trừ Huỳnh Công Minh đang gom góp hình ảnh ông chụp sân khấu cải lương suốt 50 năm để in các tập ảnh Vang Bóng Một Thời, Nguyễn Việt thì làm chủ một trang mạng riêng .
                       
Cuộc đời  Ký giả Kịch Trường của Sài Gòn  củ  cũng buồn như sân khấu cải lương về chiều...
                       
Nhà báo Trần Tấn Quốc có phải là Ký giả Kịch trường đầu tiên ?
                   
Nhà báo Trần Tấn Quốc

                                                      
                         
Hơn nữa thế kỷ trước, nhà báo Trần Tấn Quốc, tên thật Trần Chí Thành, còn có các bút hiệu Thanh Tâm, Trần Tử Văn... làm chủ nhiệm kiêm chủ bút nhựt báo Tiếng Dội, tòa soạn đặt tại số 216 Gia Long (gần rạp ciné Long Phụng chuyên chiếu phim Ấn Ðộ), Quận 1, Sài Gòn. Là nhựt  báo, dĩ nhiên phải nặng phần tin tức, thời sự, nhưng báo Tiếng Dội còn chủ trương phát huy văn hóa, nghệ thuật. Có lẽ đó là nỗi đam mê của nhà báo lão thành nầy, vì ngay khị bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Côn Ðảo, ông cũng từng soạn một số kịch bản và tổ chức cho anh em tù diễn trên sân khấu.
                       
Ra tù, ông Trần Tấn Quốc lại làm báo cùng với các nhà báo tên tuổi Anna Lê Trung Cang, Nam Ðình (Nguyễn Kỳ Nam). Sau đó, vào năm 1940 đến 1945, ông là chủ bút nhựt báo Tin Ðiển.  Thời kỳ nầy bộ môn cải lương đang phát triển tại nhiều tỉnh ở Miền Nam, nhưng những người sinh hoạt nghề xướng ca thường không được coi trọng, nếu không muốn nói bị khinh thị. Bức xúc trước tình trạng như thế, khi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút nhự báo Tiếng Dội, ký giả Trần Tấn Quốc mở ngay trang Kịch Trường đầu tiên ở làng báo Sài Gòn, ngoài việc thúc đẩy bộ môn cải lương tiến bộ, còn nhằm giúp độc giả nâng cao hiểu biết về sân khấu. Mạnh dạn thực hiện ý định của mình, vì ông vốn có nhiều bạn bè, là những tên tuổi lớn trên sân khấu cải lương, như Năm Châu, Năm Phỉ, Phùng Há, Từ Anh, Bảy Nhiêu, Ba Vân...   Ông còn là phu quân của nữ nghệ sĩ Thanh Loan.
                          
Một thời gian sau, các báo miền Nam đều có trang Kịch Trường hàng tuần. Riêng nhựt báo Tiếng Dội, tiếp theo là Tiếng Dội Miền Nam, rồi Dân Quyền tập trung những ký giả kịch trường cự phách, ngoài cây viết Thanh Tâm (Trần Tấn Quốc) còn có Hoài Ngọc, Phong Vân, Tam Ðức, Thiện Hương, Thiện Mộc Lan, Huỳnh Công Minh…. Nhà báo Trần Tấn Quốc nhận xét: “Thành quả đầu tiên và lớn lao nhứt của các trang Kịch trường là đã nối liền được sân khấu và người đời bằng sự cảm thông nghệ thuật, đã lấp  được cái hố sâu cách biệt giữa nghệ sĩ và khán giả bằng tình cảm nồng nàn và sâu đậm. Từ quan niệm lỗi thời đến những danh từ không đẹp gán cho giới sân khấu đã bị báo chí đánh đổ và thay thế bằng những mỹ từ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc sĩ, soạn giả, ban dàn cảnh vân vân...Chúng tôi tin rằng thiện cảm của báo chí đối với sân khấu như vừa nói, không một ai phủ nhận được.”
                          
Tiếp đến, nhà báo Trần Tấn Quốc  thành lập “Huy Chương Vàng Giải Thanh Tâm” cho sân khấu cải lương. Suốt 10 năm, đến năm Mậu Thân (1968) sân khấu cải lương bị đình trệ, đã có 24 nghệ sĩ được giải Huy Chương Vàng triển vọng gồm:

Nữ  nghệ sĩ Thanh Nga (1958) Nữ  nghệ sĩ Lan Chi  và nam nghệ sĩ Hùng Minh (1959)  Nữ  nghệ sĩ Bích Sơn và nữ nghệ sĩ Ngọc Giàu (1960)  Nữ nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa (1961) Nữ  nghệ sĩ Ngọc Hương và nữ nghệ sĩ Ánh  Hồng (1962)  Nữ  nghệ sĩ Bạch Tuyết , Kim Loan và Trương Ánh Loan (1963)   Nữ  nghệ sĩ Lệ Thủy và nam nghệ sĩ Thanh Sang (1964) Nữ  nghệ sĩ  Thanh Nguyệt và Bo Bo Hoàng (1965) Nữ  nghệ sĩ Phượng Liên và nam nghệ sĩ Phương Quang (1966) Nữ  nghệ sĩ Mỹ Châu, Ngọc Bích và 2 nam nghệ sĩ Bảo Quốc, Phương Bình(1967)                                                                                                        
                                                    
Ngoài ra còn có 6 nghệ sĩ đoạt giải Diễn viên Xuất sắc:                                                        

Năm 1965: Nam nghệ sĩ Hữu Phước (qua vở Truyện Tình 17) và nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết (vở Nỗi Buồn Con Gái).  Năm 1966: Nam nghệ sĩ Thành Ðược (vở Tiếng Hạc Trong Trăng) và nữ nghệ sĩ Thanh Nga (vở Sân Khấu Về Khuya). Năm 1968: Nữ nghệ sĩ Ngọc Giàu và nam nghệ sĩ Thanh  Hải.                                                                                                                                                                                                                                          
                       
Những nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm đã làm cho sân khấu cải lương dạo đó sáng chói hơn, nhiều người cho đến hôm nay vẫn còn xứng đáng là thần tượng của khán giả.        
                        
Có lẽ vì những đóng góp lớn lao đó cho bộ môn cải lương, mà nhiều nghệ sĩ , khán giả cũng như bạn đọc nghỉ rằng nhà báo Trần Tấn Quốc là Ký giả Kịch Trường đầu tiên, khi ông xướng xuất ra trang báo Kịch trường trước hơn hết của làng báo Sài Gòn.     
                         
Thật sự không đúng như vậy. Ðiều lý thú là ký giả kịch trường đầu tiên lại là một nhà báo nữ, vào cuối thập niên 30 của thế kỷ trước. Ðó là nữ ký giả Nguyễn Thị Kiêm, mà các người làm văn hóa biết đến dưới tên Nữ sĩ Manh Manh, và tờ báo bà có bài viết phê bình sân khấu đầu tiên là báo Phụ Nữ Tân Văn .
                         
 Phụ Nữ Tân Văn phát hành số 1 vào ngày 2 tháng 5 năm 1929, tòa soạn đặt tại số 42 đường Catina (trước 1975 là đường Tự Do), do bà Nguyễn Ðức Nhuận làm chủ nghiệm. Ban Biên Tập  là những nhà văn, nhà báo nổi tiếng: Hướng Nhựt, Nguyễn Thị Kiêm (Manh Manh Nữ sĩ), Cao Thị Ngọc Môn, Phan Khôi, Hồ Biểu Chánh, Vân Ðài, Thượng Tân Thị, Tản Ðà, Quách Tấn, Lưu Trọng Lư, Á Nam Trần Tuấn Khải, Thiếu Sơn, Trần Thanh Mại...  

                          
                  
Nhà báo Nguyễn Thị Kiêm sanh năm 1914 tại Gò Công, con ông Tri Huyện  Nguyễn  Ðình Trị, Nghị viên Hội Ðồng Thành Phố Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp bằng Thành chung năm 1932, bà dạy học Trường Nữ Trung học Sài Gòn một thời gian, rồi chuyển qua làm báo, với bút danh Lệ Thủy, Myn. Ký giả Nguyễn Thị Kiêm nổi tiếng với hàng loạt phóng sự về thành phần bị loại ra bên rìa xã hội như: Người điên ở nhà thương Biên Hòa, Viếng một cái thành sầu, Nhà thương Bạc Hà v.v.. Bà còn là cây viết hiểu biết nghệ thuật sâu sắc, đã phê bình nhiều vở kịch, tuồng cải lương  từ  thời các gánh hát Trần Ðắc, Huỳnh Kỳ, Phước Cương; đặc biệt là tuồng của các soạn giả nổi tiếng như:  Bể ái đầy vơi của Diệp Văn Kỳ, Ai là bạn chung tình của Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung), Tứ đổ tường của Ðặng Công Danh.
                            
Sau 6 năm hoạt động, báo Phụ Nữ Tân Văn bị đóng cửa vào ngày 20 tháng 12 năm 1934. Khoảng năm 1950, vì buồn chuyện gia đình, nhà báo Nguyễn Thị Kiêm sang Pháp sống mai danh ẩn tích. Tuy nhiên những người thân của bà cho biết, những năm đầu thế kỷ 21, bà ở vào tuổi 90, vẫn  còn sống trong một Viện Dưỡng  Lão tại Pháp.
                            
Cho nên, ca tụng những đóng góp của nhà báo Trần Tấn Quốc  đối với sân khấu cải lương không sai, nhưng cho ông là ký giả kịch trường đầu tiên thì...có thể phải xem xét lại.   

To Kieu Phuong 


 * Sơ lược về ký giả, nhà báo Tô Kiều Phương.

Trước năm 1975

Tô Kiều Phương sinh hoạt văn giới, báo giới khá sớm. Trong tập “Bến Tâm Hồn - Tôi còn Kỷ niệm”, do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2009,  viết về cố nhà văn Tâm Ðạm–Dương Trữ La ghi nhận: “Với bút hiệu Tâm Ðạm, ông gia nhập làng văn, làng báo Sài Gòn cuối thập niên 50 thế kỷ XX, cùng thời với Hoài Ðiệp Tử, Ngô Tỵ, Phan Yến Linh, Trần Xuân Thành, Trương Ðạm Thủy, Thiên Hà, Phương Triều, Tô Kiều Phương, Song Phố, Thanh Việt Thanh, Hoài Hương Tử…”  Nói về giai đoạn nầy có lẽ phải kể thêm  Phan Bá Thụy Dương, Phượng Hải, Anh Thuần, Tô Lãm (sau này là nhạc sĩ nổi danh Trầm Tử Thiêng)…
-1959-1961: Tô Kiều Phương làm Thư ký Tòa Soạn tuần báo Bình Dân (chủ nhiệm là nhà văn Phú Ðức, tác giả tiểu   thuyết võ hiệp nổi tiếng Châu Về Hiệp Phố).
-1962-1963: Cộng tác tạp chí Văn Ðàn (chủ nhiệm là nhà văn, nhà báo  Phạm Ðình Tân).
-Năm 1964-1965: Ký giả nhựt báo Vận Hội Mới (Chủ nhiệm nhà báo Quốc Ấn) và Thư ký Tòa soạn nhật báo Thời Sự Miền Nam (Chủ nhiệm, nhà báo Tô Yến Châu).  
-Năm 1965: Là đoàn viên Liên Ðoàn Ký Giả Quốc Tế IFJ (International Federation of Journalists) và đã dự Khóa tu nghiệp Ký giả do IFJ tổ chức.
-1966-1967: Tổng thư ký Tòa soạn nhật báo Thanh Việt (Chủ nhiệm, ông Hồ Quang An, bào đệ nhà văn Hồ Biểu Chánh); rồi nhật báo Tiếng Việt (Chủ nhiệm, nhà báo Tam Ðức Nguyễn Trung Ngôn).
-1968-1975: Phóng viên Nghị trường và Phóng viên chiến trường các nhật báo Dân Tiến (của ông Nguyễn Minh Châu), Công Luận (chủ nhiệm, Tướng Tôn Thất Ðính ) và Ðại Dân Tộc (chủ nhiệm, Dân biểu Võ Long Triều).

Sau năm 1975

Bị bắt “học tập cải tạo” trong đợt “càn quét Nhà báo, Văn nghệ sĩ chế độ cũ”, cùng Như  Phong Lê Văn Tiến, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Hồ Nam, Nguyễn Thụy Long, Duyên Anh, Sao Biển,  Hồ Văn Ðồng, Cao Sơn v.v...
-1989:  vượt biển đến Philippines, cộng tác các  nhật báo Người Việt (California), Chiêu Dương, Việt Luận (Australia), tạp chí Làng Văn, Nắng Mới (Canada), Ngàn Thông (Oregon-Hoa Kỳ), Diễn Ðàn Việt Nam (Germany)…
-1992: Ðịnh cư  Hoa Kỳ. Cùng các nhà báo Phạm Ðức Hảo, Hoàng Phúc gây dựng tuần báo Lập Trường của Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị  Nam California.
-1993-1994: Làm tạp chí Cuộc Ðời (California)
-1995- 2010: Chủ nhiệm Ðông Phương Thời Báo .
-2010: Cộng tác nhật báo Việt Herald (California)
-Tác phẩm: “Trông vời quê cũ”cùng một số tác giả, Làng Văn (Canada) xuất bản năm 1996

Thanh Dũng