văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, June 20, 2011

NGÔ THỦY HƯƠNG * Tường Linh & Hai Mùa Phượng Huế




Có thể nói từ khi một bộ phận người của nhân loại biết vận dụng ngôn ngữ thành thơ thì đề tài trung tâm của nghệ thuật này là Tình Yêu. Đó là tình yêu con người, yêu đất nước quê hương, yêu thiên nhiên, vạn vật… và không thể thiếu tình yêu đôi lứa. Tách khỏi những đề tài ấy chỉ còn lại những câu chữ khô khan không có hồn, khó rung động lòng người. Và như thế không thể gọi là Thơ.

Thi cảnh tạo cảm xúc cho nhà thơ thường là cảnh cộng với tình. Mối tình nảy sinh giữa hai người từ một không gian ban đầu thường là rất đẹp dù chỉ là cảnh đẹp chủ quan của riêng họ, khiến họ phải nhớ và nhớ suốt đời. Nhà thơ nào của chúng ta cũng có ít nhiều bài thơ về lĩnh vực trữ tình này.

Nhà thơ Tường Linh cũng không đứng ngoài lẽ thường tình ấy qua gần sáu mươi năm thơ của ông. Trong số lượng thơ khá lớn của Tường Linh không thiếu những bài thơ về tình yêu đôi lứa của người khác và của chính tác giả.

Một thi cảnh về đề tài quen thuộc này được gặp trong thơ Tường Linh là mùa hoa phượng của Huế. Tác giả có hai bài thơ tiêu biểu về hoa phượng Huế. Thành phố Huế và mùa hoa ấy là bối cảnh để thi nhân nói và nhớ về một người. Tôi đọc thơ Tường Linh từ thập niên 60 của thế kỷ trước, khi còn học tại trường nữ Đồng Khánh – Huế. Nhiều phần tôi biết không nhầm rằng đa số bài thơ ông viết về Huế là viết cho người ấy.
Bài thơ – hay mùa phượng Huế thứ nhất – có tên :


Chiều Gió Tháng Năm


Người gửi vào tôi cánh hoa phượng ép
Hoa phượng cuối mùa xứ Huế xa xăm
Người gửi vào tôi chiều gió tháng năm
Đường Thành Nội hoa phơi từng chấm máu

Và người bảo người rắc hoa làm dấu
Hoa đưa đường chờ “Trọng Thủy” về thăm
Hoa gọi tôi về chiều gió tháng năm
Gió ray rứt, nắng ôm bờ nước cũ

Vì thuở đó còn run lời tự thú
Nên lá đò không chở lá thư sang
Trên cành xanh, hoa cứ nở, cứ tàn
Đời quanh quẩn khung sân trường cổ kính

Gác “hàn sĩ” chứa rất nghèo dự tính
Dẫu mộng tràn hương tóc đẫm chiều hoa
Định mệnh thường quên chua rõ: chia xa
Buồn ly biệt đau nếp khăn, tà áo

Người cầu nguyện phương trời thôi gió bão
Tôi bình yên (lặng lẽ biết ơn người)
Mộng trở về lay giấc tuổi hai mươi
Gặp mắt biếc lộng màu thu Vỹ Dạ

Đêm Phú Văn Lâu thuyền trăng, bóng lá
Bướm vườn khuya thao thức mấy canh sương
Hoa máu ngày xưa còn rụng đầy đường
Người gửi cho tôi đúng màu thương nhớ

Có phải hồn hoa hay người nức nở ?
Ôi còn đường tẻ lạnh mắt đăm đăm...
Tôi sẽ về thăm chiều gió tháng năm
Theo dấu hoa rơi trên đường Thành Nội
Sao về muộn” ? Tôi biết người sẽ hỏi
Như biết mình đã nhận cánh hoa khô.
Sài Gòn, 5-1962
TƯỜNG LINH



Và bài thứ hai :


Phượng Huế
Nhớ T.N.T.C.


Anh trở lại, Huế không còn trầm mặc
Phố cao tầng khuất dáng trúc Kim Long
Vào đúng ngõ nhà quen nhưng lạ chủ
Nợ “Hoàng thành” gia hạn trả chưa xong

Em đến phương nào để thêm cõi nhớ
Vòng mê cung đánh đố bước chân anh
Dẫu đã mãn thời lưu dân của Huế
Hương giang tình vương mãi một dòng xanh

Anh thơ thẩn suốt đường Thành Nội cũ
Cây phượng nào em hái cánh hoa xưa ?
Ép nhung nhớ giữa tờ thư viễn biệt
Hồn phượng nhờ “Chiều gió tháng Năm” (*) đưa

Trời đã dựng Hải Vân quan ngăn cách
Một đường đèo lối rẽ cả hai bên
Biển ray rứt hải triều âm bất tận
Phong khúc đại ngàn vọng phía trăng lên

Anh trở lại chỉ thêm lần từ biệt
Bóng khăn xưa vẫy mãi giữa trang đời
Bút quy ẩn mà bài thơ phải viết
Bởi đường hoa phượng Huế vẫn còn rơi.

Mùa phượng Huế 2002
TƯỜNG LINH


Bài thứ nhất, Tường Linh làm tại Sài Gòn vào tháng 5 năm 1962; bài thứ hai tác giả viết tại Huế vào mùa phượng năm 2002. Thời gian giữa hai bài thơ cách nhau bốn mươi năm. Đây là trường hợp ngẫu nhiên hay tác giả có dụng ý ? Điều ấy thật ra cũng không quan trọng. 

Chỉ biết rằng hai người trong cuộc đã không còn gì nữa ngoài một mối tình trong sáng thuở hoa niên rất đẹp và nỗi nhớ bám theo họ đến trọn đời. Con đường của Huế ngày xưa vẫn còn những hàng phượng vỹ. Loài hoa ký ức của nhà thơ từng mùa vẫn nở, vẫn rơi và “chiều gió tháng Năm” của Huế chẳng bao giờ ngừng thổi.

Phải chăng, như chúng ta từng thấy, sự mất mát riêng của thi nhân thường được đền bù để hiến tặng cho đời bằng cái Đẹp của Thơ ?


Ngô Thủy Hương - Canada 3-2011
Ảnh: Hy Văn