Trong buổi chiêu đãi của Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch vào tối ngày mồng 6/1/2010 tại Khách sạn Sheraton, Hà Nội, tình cờ tôi ngồi giữa một bên là nhà văn Chanty Deuansavanh, chủ tịch hội Nhà văn Lào, và nhà thơ Lào Thanonsack Vongsackda, và một bên là Chủ tịch Hội nhà văn Thái Lan Khamsing Srinawk và con gái ông, nhà văn nữ Tuensiri. Chị ngồi gần Tuensiri. Tôi nghĩ chị cũng thuộc trong đoàn các nhà văn Thái Lan. Nhưng chị đáp lại lời chào hỏi xã giao của tôi bằng… tiếng Việt:
-Em không phải người nước ngoài. Em là người Mường!
Tôi quen biết chị, nhà thơ nữ người Mường, thạc sĩ Bùi Tuyết Mai, trong một dịp như thế. Sau đó chị tặng tôi tập thơ Binh Boong, thi phẩm thứ năm của chị do nhà xuất bản Lao Động xuất bản năm 2008. (Các thi tập trước đó của chị, từ năm 1998, là “Mưa trong nhà”, “Trầu đỏ môi ai”, “Nơi cất rượu”, và “Mường trong”). Tập thơ với mẫu bìa rất trang nhã của nhà thơ kiêm nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có hình cách điệu một thiếu nữ Mường đánh cồng. Binh Boong, theo lời giải thích của tác giả, là tiếng ngân của chiếc cồng Mường.
Cồng, chiêng là các nhạc cụ quan trọng của những dân tộc ít người mà có lẽ không người Việt Nam nào không từng biết hay nghe nói đến, nhưng dường như trong thực tế không có nhiều người thực sự có dịp nghe âm thanh mang nhạc tính của thứ nhạc cụ này. Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với “tiếng cồng” mới mẻ và lạ tai của một nhà thơ trong số 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. “Binh Boong” nhanh chóng chiếm được sự thích thú của tôi bằng những hình tượng mới, ý tưởng lạ và cả cấu trúc thi pháp khác biệt so với những món cao lương mỹ vị quen ăn từ trước đến nay trong thơ Việt.
Theo số liệu kiểm tra dân số năm 1999, (kết quả cuộc kiểm tra dân số mới nhất, năm 2009, dường như chưa được công bố) thì dân tộc Mường có 1.236.000 người, có mặt tại một số tỉnh ở miền Bắc VN, nhưng tập trung đông nhất trong tỉnh Hòa Bình (khoảng 70%) và ở sáu huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Bùi Tuyết Mai là người sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hòa Bình. Mà dù chị ở đâu thơ của chị cũng là bằng tiếng Việt hiện đại. Nói “tiếng Việt hiện đại” vì ngôn ngữ dân tộc của chị, tức tiếng Mường, thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, một gốc ngôn ngữ chung của bốn dân tộc Việt, Mường, Thổ và Chứt (hai dân tộc sau chỉ còn khoảng vài chục ngàn người) trong đó có nhiều từ tiếng Việt cổ mà ngày nay người Việt không còn nghe hiểu được nữa.
Về mặt dân tộc, người Mường và người Việt rất gần nhau và có chung ngôn ngữ, nhưng người Mường lại gần với người Thái hơn về mặt văn hóa. Có thể người Mường và người Việt vốn chung một gốc cùng sống chung địa bàn trong khu vực Văn hóa Hòa Bình vào thời đồ đá mới (neolithic era) cách đây khoảng tám ngàn năm. Thế rồi vào một thời điểm nào đó trong lịch sử đã xảy ra sự phân chia thành hai chi: chi người Việt miền xuôi, hay được gọi là người Kinh (về mặt dân tộc học không có cái gọi là “dân tộc Kinh”), và chi người Việt miền núi, tức người Mường hiện nay. Không rõ truyền thuyết năm mươi con theo Lạc Long Quân xuống biển và năm mươi con ở lại với mẹ Âu Cơ trên núi có phản ánh sự phân chia dân tộc này không, nhưng việc chia tách địa bàn cư trú đó có lẽ đã xảy ra “gần đây”, có thể vào thời đại đồng thau ở nước ta khoảng ba – bốn ngàn năm trước, tức là khá lâu trước khi có sự tiếp xúc văn hóa giữa chi người Việt – Kinh với người Trung hoa qua thời gian hơn 1000 năm Bắc thuộc. Do sự giao tiếp văn hóa này mà trong tiếng Việt thu nhập đầy dẫy từ Hán Việt, trong khi trong ngôn ngữ của người Mường (của cả người Thổ và Chứt) thì vẫn còn “thuần khiết” và hầu như không có từ Hán Việt. Nói hầu như là vì trong tác phẩm Đẻ Đất Đẻ Nước, sử thi cổ của người Mường, dù là bản của người Mường ở Hòa Bình hay bản của người Mường ở Thanh Hóa, ngoài một vài tiểu tiết dị biệt đều có từ “quả” Hán Việt (thay vì trái) trong câu
Cây chu tà, lá chu đồng bông thau quả thiếc,
Trong cả hai bản Đẻ Đất Đẻ Nước này cùng có từ Long vương. Riêng bản của người Mường Thanh Hóa có từ thủy phủ long vương. Long vương có thể là một từ thuần Việt mang vỏ chữ Hán (sẽ đề cập vào dịp khác), nhưng thủy phủ là một từ Hán Việt. Ngoài ra bản của người Mường Hòa Bình có hai từ đồng kỳ và tam quan cũng có khả năng là từ Hán Việt (Vua Dịt Dàng ở đất đồng kỳ tam quan Kẻ chợ), trong khi trong bản của người Thanh Hóa thì đó là “đất đồng chì tam quan…” Cả hai bản Đẻ Đất Đẻ Nước tuy được nói là “dịch” (translated) từ tiếng Mường sang tiếng Việt, nhưng thực chất là được chuyển tự (transliterated), vì trừ phần phát triển sau khi chia tách hai chi Việt (Kinh) và Mường, phần còn lại trong tiếng Mường là ngôn ngữ chung Việt-Mường, hay tiếng Việt cổ, có thể phát âm khác biệt đôi chút theo địa phương (như những từ đẻ đất đẻ nước được phát âm theo người Mường Hòa Bình là “Tẹ tât tẹ đạc”, nhưng người Mường Thanh Hóa nói Tẻe tat tẻe rảc), vì thế những từ Hán Việt trong đó có thể là do người chuyển tự (transliterator) phiên âm khác đi chăng? (chẳng hạn đồng chì thành đồng kỳ?) nhưng cũng có khả năng là chúng được các ông thầy mo, người kể lại sử thi “Đẻ đất đẻ nước” trong các nghi lễ chính thức của người Mường, thu nhập vào một thời điểm nào đó về sau chớ không phải do “dịch giả” đưa vào – như trường hợp tác phẩm “Xống Chụ Xon Xao” của người Thái.
(Có chỗ cho rằng trong ngôn ngữ Việt Mường đã có yếu tố vay mượn từ ngôn ngữ Hán. Lập luận này có lẽ phát xuất từ não trạng nô lệ của những kẻ tự ti dân tộc hoặc những tên giặc núp dưới dạng người Việt đánh phá tinh thần dân tộc của ta khi thậm chí cho những từ cha, mẹ, anh, chị, em, chú, bác, cô dì, cậu mợ, vân vân của người Việt đều là từ gốc Hán, một cách gián tiếp nói rằng người Việt là… con cháu người Tàu!)
Đề cập ngôn ngữ chung Việt Mường ở đây là để chuẩn bị đi vào tập thơ của nhà thơ nữ người Mường này, bởi vì tuy Bùi Tuyết Mai làm thơ bằng tiếng Việt hiện đại nhưng trong thơ chị có một số từ của riêng người Mường, một số khác vốn là từ Việt cổ hoặc từ của ngôn ngữ Việt Mường trước đây là chung của cả người Việt và có trong phần ngôn ngữ được người Việt mang về miền xuôi, nhưng đến nay chúng đã thất lạc, rơi rụng và biến đổi rất nhiều đến nỗi những từ thuần Việt còn lại trong tiếng Việt hiện nay đã ít ỏi mà còn trở nên xa lạ và không mấy người còn nhận ra nghĩa của chúng nữa.
Rượu thưa nhờ từ lúc mặt trời tập đi
trên búp măng sang lấy tên đàng cửa voóng
trốn xuống hang con moong
Rượu gởi giúp từ trăng lá lúa đến
thuở trăng quả thị bay lên làm ngọn quế đỉnh Mường
Rủ lòng thương mà đậu bồng bềnh ví đúm
Đem lòng quý mà ngọt khúc đang thường
(Lời Rượu)
Ví, đúm, đang thường (“đang thường” có nơi gọi là “ràng thường”, “rằng thường” hoặc “xường”, là một dạng của từ “thương”) là những điệu hát như hát ví, hát đối hát dặm của người Việt miền xuôi.
Rau này
Trồng từ khe suối con gà không đi qua
Cấy từ góc nà con vịt không bơi lại
…
(Mời rau)
(Nà: từ tiếng Việt cổ, nghĩa là ruộng nước.)
…
Ngủ đi cái khăn bịt trôốc
Cho bông gạo xanh
Ngủ đi cái klôốc wặl
Tênh khăn
Áo pắn
Cho rễ cây ngắn đời người dài
…
(Ru con)
Trôốc, một từ Việt cổ nghĩa là cái đầu, còn lưu lại trong thành ngữ tiếng Việt “Ăn trên ngồi trốc”. Klôốc wặl: váy người Mường; khăn tênh, khăn dùng làm thắt lưng của phụ nữ Mường, và áo pắn là một thứ áo ngắn của phụ nữ.
Ru con, người Việt hát “ầu ơ” hay “à ơi”, còn người Mường thì hát “ú ủ la hay”
Ú ủ la hay
Ngủ cho cơm đồ thơm vào lỗ tai
Cho nhà gác đất không nhìn hết
Cho nước vác để đầy gian bếp
Cho lợn thui thơm điếc mũi bốn mường
Ú ủ la hay
Ngủ đi con ơi
Ú ủ la hay
Ngủ đi cho ngày lui tháng tới…
Ngủ đi.
(Ru con)
Tuy văn hóa của người Mường và người Thái có ảnh hưởng lẫn nhau nhưng với khái niệm về thời gian trôi qua, người Thái (trong truyện thơ Xống Chụ Xon Xao – Tiển dặn người yêu) nói “Năm đi và tháng trôi”, còn người Mường nói “Ngày lui tháng tới”. Trong bài thơ Ru con nói trên còn có các chi tiết trong sinh hoạt ngày thường của người Mường: cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, là những nét riêng trong văn hóa rất đặc trưng của họ:
Cơm đồ
Nhà gác
Nước vác
Lợn thui
Ngày lui
Tháng tới
Ba tầng bốn thế giới
(Chú răng sữa)
Người Mường ăn cơm nếp đồ thành xôi, ở nhà sàn, nước sinh hoạt thì dùng ống tre vác từ suối về nhà. Trong quan niệm của người Mường, vũ trụ có “ba tầng bốn thế giới”:
“Tầng giữa là MƯƠNG PƯA (mường Bằng phẳng), thế giới của người sống. Đó là nơi họ đã cư trú từ ngàn đời nay, là cảnh quan cụ thể mà mắt họ đã quen tự thuở nào, với thung lũng và núi đồi, với ruộng nước và nương rẫy.
“
Cao hơn, ở bên trên mường Bằng, là MƯƠNG KLƠI (mường Trời) có người gọi là KLÊÊNG KLƠI (trên Trời). Đây là thế giới - nơi ngự trị của BUA KLƠI (Vua Trời). Các nhân vật dưới quyền của Vua Trời có QUY (quỷ), THIÊN LÔI (thần Sét) và NANG A TĂNG (nàng Ả Tặng), các Kem.
“
Tầng thấp nhất của trục vũ trụ là thế giới trong lòng đất, mang tên MƯƠNG PƯA TỊN (mường Bằng dưới). Nói cho dễ hiểu thì mường Bằng dưới hệt như mường Bằng, nhưng với quy mô bé hơn. Theo lời của ông Mo thì “ở đấy con trâu chỉ bằng con chó, con bò chỉ bằng con mèo, người lớn bằng trẻ con bé tẹo”. Thủa xa xưa người ở mường Bằng và mường Bằng dưới thường đi lại với nhau mà lối thông giữa hai bên lại chính là một cái rôông. Một hôm, vì một lý do chẳng ai rõ, có người ngờ rằng vì tục lệ hôn nhân khác nhau giữa hai bên, rôông bị lấp và quan hệ giữa hai thế giới bị mất từ đấy.
“
Cũng ở tầng thấp nhất của trục vũ trụ nhưng không phải trong lòng đất, còn có MƯƠNG BUA KHỤ (mường Vua Rắn), thế giới khác với mường Bằng dưới ít nhất cũng ở chỗ nó được đặt dưới quyền trị vì của một ông vua, còn mường Bằng dưới thì không. Bua Khụ ( vua Rắn) trên đầu con rắn nước khú, bao giờ cũng có một cái mào tương tự mào gà trống. Bua Khụ có một khả năng thần kỳ, tự biến hóa để phô ra những ngoại dạng khác nhau, kể cả ngoại dạng người trần thế.” (Bùi Tuyết Mai, “Về nơi đẻ đất đẻ nước” – kịch bản phim tài liệu).
Trong tư liệu trên, chúng ta dễ dàng nhận ra MƯƠNG KLƠI là âm cổ của hai chữ mường Trời; KLÊÊNG KLƠI là âm cổ của hai chữ trên Trời; BUA là âm cổ của Vua; BUA KLƠI là âm cổ của Vua Trời...
Ngoài một số từ tiếng Việt cổ (nhưng vẫn là vốn từ tích cực trong tiếng Mường hiện đại) ngôn ngữ trong thơ Bùi Tuyết Mai ít để lộ dấu vết tu từ và phản ánh tính dung dị chân chất mộc mạc hồn nhiên trong cuộc sống người Mường. Mặt khác, thỉnh thoảng chị cũng dùng lối lập lời hay đối ngẫu như trong Đẻ Đất Đẻ Nước:
Thử đọc một đoạn trong sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước để thấy hình thức lập lời và đối ngẫu trong văn học dân gian Mường:
Đẻ đất
Vùng đất ngày xưa còn bạc lạc
Vùng nước ngày xưa còn bời lời
Trời với đất còn dính là một
Chưa có khúc sông ly chảy lọt lá bái
Chưa có khúc sông cái chảy lọt lá de
Nước sông Đằm, Đè ngày xưa chưa có
Bông cơm trái lúa khi xưa ngày ấy chưa nên
Chưa có vực sâu cho mẹ con con rồng
Chưa có chỗ nông cho mẹ con cái dải
Chưa có bãi cho mẹ con cái rùa
Chưa có gò lành cho mẹ con con hổ
Chưa có nửa gò cho cái ma ươi
Chưa có chim tráng, chim trủng
Chưa có ngã ba bùi nhùi
Chưa có dùi đục dùi đe…
Bùi Tuyết Mai vận dụng thủ pháp truyền thống ấy vào thơ nên thơ chị luôn mang hơi thở văn học dân gian quen thuộc của dân tộc chị:
Đi qua rừng bạc bạc
Đi qua biển xa xa
Nhớ giữ lời cho ấm
Nhớ giữ bước cho êm
…
Chín bài chiêng đẹp cho con lời chúc
Chín bài cồng xinh cho con lời mừng
Tiếng trống đồng cho con đủ giòn nếp tẻ
Vò rượu nồng cho con đẹp hồng
vành vạnh rằm trăng
(Trong đám cưới)
Đây sừng rượu con ong
qua suối vén váy khẻ
Đây sừng rượu con nai
lên núi bước nhè nhẹ
…
(Rượu rót lúc đưa dâu)
(Sừng là đồ đong rượu, thường được làm bằng một đoạn sừng trâu.)
Dúi mở mắt to tròn nghe lòng ta than
Dúi ăn lá kìa nghe lòng ta đắng
Ta yêu nhau từ bấy đến nay
Muốn đến thăm nhau cách sông cách núi
Muốn nhìn mặt nhau cách trở âm dương
Mượn lời gió tâm tình cho bõ
Mượn lời mây soi bóng nhau cho rõ
Mượn lời tình lọ cọ cho quên nỗi đau xưa.
(Lời tình lọ cọ)
(Lọ cọ là một điệu hát giao duyên của trai gái Mường lúc buồn – theo ghi chú của tác giả)
Ngoài tính chất đặc biệt của ngôn ngữ, thơ Bùi Tuyết Mai phản ánh cuộc sống đậm đà tinh thần văn hóa Mường. Trước hết, chị mô tả đặc tính con người của dân tộc chị với hai tính chất căn bản trong bài thơ vỏn vẹn hai câu:
Người Mường
Ăn cốt tươi
Chơi cốt thật.
Qua các nét đặc trưng trong sinh hoạt của người Mường “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ăn cốt tươi, chơi cốt thật”… trong thơ Bùi Tuyết Mai, người ta dễ hình dung cuộc sống bình dị của những người anh em gần gũi hiền hậu và hòa bình này của người Việt. Có lẽ không phải là ngẫu nhiên khi các trường ca của người Tây Nguyên như các khan Đam San, Xing Nhã, Đam Di… mô tả những trận đánh nhau liên miên giữa bộ lạc này với bộ lạc khác để cướp vợ cướp đất của nhau, khiến các nhân vật anh hùng người Êđê này có vẻ dữ dằn một cách bất thường nhiều khi rất vô lối, thì suốt trường ca Đẻ Đất Đẻ Nước của người Mường chỉ có mỗi một lần đánh nhau giữa vua Dịt Dàng và vua Thiên Bướm Bạc, ngoài ra họ cần mẫn lao động để đẻ Đất đẻ Nước, đẻ Mường, đẻ Người, đẻ trâu, đẻ gà, đẻ rượu cần, đẻ trống đồng, đẻ bát…
Câu hát Mường
Mường ta
Nơi đẻ Đất đẻ Nước
Đẻ ba tầng bốn thế giới
Hoa chuối đỏ như người già hát dạy cháu con
Nỏ bện nước sơn ý người chắc cột
Khói cũng nhuộm nên tình nên nghĩa
Nhịp chày khua nên nhịp trống đồng
Câu hát thắt đáy lưng ong
Màu phù sa Sông Đà, Sông Mã
Bắc cầu ngăn thác lũ
Bắc cầu nối nhớ thương.
“Câu hát Mường” là một trong số rất ít bài thơ trong tập thơ Binh Boong của Bùi tuyết Mai có phảng phất âm hưởng tiết điệu và nhạc điệu thơ Việt, chủ yếu là với khổ thơ bốn câu, nhưng không chịu ảnh hưởng vần điệu quen thuộc của thơ của người Việt miền xuôi. Đọc bài thơ dưới đây, dù với những hình ảnh thôn quê bình dị nhưng không ước lệ, không đặc biệt, nhưng thậm chí cũng không quen thuộc như trong nhiều bài thơ chúng ta có thể đọc ở đâu đó.
Dưới bóng trăng chiều
Nghe khói chiều về
Tiếng đào củ dưới chân đồi rời rạc
Người tưới rau trên nương buồn không hát
Chim hẻo hót xua mặt trời
Chiếc khăn vắt trên vai nặng trỉu
Bầy gà râm ran lục tục trong em
Khát khao nở nhiều như ngô vãi
Ai hẹn để trăng mờ
Sương rơi như Giời khóc
Em xốc lại thắt lưng cho chặt
Địu con xuống núi
Tìm anh.
Chuyện thần kỳ kể: sau khi vẽ lên vách hình một con rồng, vị đạo sĩ cầm cọ nhúng mực chấm vào hai mắt rồng, con rồng được “điểm nhãn” vụt trở nên sống động. Lão đạo sĩ cưỡi lên mình rồng và con vật bay đi. Bài thơ với những hình ảnh khói chiều về, người tưới rau trên nương, chiếc khăn vắt vai (mà) nặng trĩu, với những âm thanh rời rạc của người đào củ, của tiếng chim hẻo, cộng với cảm giác râm ran lục tục như tiếng gà trong người, và nỗi khát khao bùng nở… chỉ gây một âm hưởng “tĩnh” và bình thường như con rồng vẽ chìm trên vách. Hai từ Tìm anh cuối bài thơ như hai nét “điểm nhãn” khiến con rồng 2D trở thành 3D và sống dậy… Tất cả thành một bài thơ.
Trong Buổi tối ấy, bài thơ duy nhất trong tập thơ Bing Boong hoàn toàn theo một hình thức khổ thơ “bốn câu vần cách” quen thuộc của thơ người Việt miền xuôi, Bùi Tuyết Mai kể lại buổi tối đi chơi với người yêu, với “tiếng xe ga” và dưới “bầu trời phố” nhưng sự “cùng dối” và “cùng thật” với chi tiết thật thà “ngủ riêng nhà” và “cùng tiếc” của một cô gái người dân tộc nghe rất cảm động:
Buổi tối ấy,
Tặng anh TNH
Buổi tối ấy anh với em cùng dối
Với bạn bè đi một tối cùng nhau
Xe đổ xăng và người đổ rượu
Bụi phủ con đường đầy lên cổ lên đầu
Buổi tối ấy anh và em cùng thật
Cùng đi chơi và ngủ riêng nhà
Anh trải sao lên bầu trời phố
Và xa
Em khe khẻ nhìn ra
Rồi sau này anh với em cùng tiếc
Cùng gầm gào ồn ã tiếng xe ga
Anh yên lặng nhớ
Em im lặng
“Quãng đường thưa người lắm ổ gà”.
Câu thơ kết thúc bài thơ một cách bất ngờ, tưởng chừng không “ăn nhập” gì với tình và cảnh trong bài thơ, dễ gây cảm giác chưng hửng cho người nghe hay đọc thoáng qua; hoặc câu thơ dễ khiến người ta tưởng là đó cách đánh trống lãng với vẻ ngây thơ của nhà thơ làm chủ cảm xúc của mình. Mà cho dù tin lời tác giả “đổ thừa” cho những ổ gà có lẽ cũng không sao. Đó là một nét tinh tế vừa như có vẻ… nghịch ngợm của một cô gái trẻ. “Quãng đường thưa người lắm ổ gà”!
Bùi Tuyết Mai có lối thơ với khổ hai câu và khổ ba câu rất riêng, tôi không biết có phải đó là phong cách (style) độc đáo của chị hay không, vì chị là nhà thơ Mường đầu tiên mà tôi được đọc. Và trong các loại dân ca truyền thống của người Mường như hát ru em, ví, đúm, xéc pùa, bọ mẹng, rằng thường v.v… không thấy có các hình thức thơ đó. Đây là vài bài thơ với khổ hai câu của Bùi Tuyết Mai:
Thuyền gió
Tiếng gà gáy ban trưa
Gọi gần tôi trở lại
Tiếng thoi bà dệt cửi
Đưa tôi kịp về mùa
Tiếng bầy chim Nọc Thưa
Nhường tôi mùa dẻ chín
Tiếng con chim Queng Quý
Gọi núi rừng sáng lên
Tiếng gọi người tôi thương
Nghe như là tiếng Mẹ
Đến thầm thì khe khẻ
Mang xa xôi tôi đi
“Gọi gần tôi trở lại” và “Mang xa xôi tôi đi”, hình thức tu từ này tuy vậy không quá lộ liễu để gây cảm giác “chỏi” với những câu
Tiếng bầy chim Nọc Thưa
Nhường tôi mùa dẻ chín
Tiếng con chim Queng Quý
Gọi núi rừng sáng lên
Thêm một bài với khổ hai câu khác:
Gửi nỗi buồn
Gói hành trang nhỏ bé của em
Có bóng một cuộc hẹn
Cuộc hành trình dằng dặc của em
Có một người ẩn hiện
Những bước đi của em
Mờ dần trên con đường tỏ
Hoa cỏ trong em
Tàn dần giữa mùa nở
Xưa nay, Nhớ là một tình cảm được nói đến rất nhiều trong thơ nhưng tôi không nghĩ mình đã được đọc ở đâu đó một nhà thơ nào diễn tả nỗi nhớ một cách cụ thể và độc đáo như bài thơ Nhớ dưới đây của Bùi Tuyết Mai. Do người Mường không chịu ảnh hưởng văn hóa Hán, trong thơ chị hầu như không có những hình ảnh bóng bẩy, với điển tích ước lệ kiểu như “Vầng trăng ai xẻ làm đôi…” trong Chinh Phụ Ngâm Khúc khi người chinh phụ nhớ chồng đang đi chinh chiến, hay “Lòng còn gởi đám mây hàng…” của nàng Kiều nhớ cha mẹ, vân vân. Những cái nhớ như thế thật đẹp đẽ và sang trọng nhưng mơ hồ quá, khó truyền được cảm xúc ấy sang người khác. Trong bài thơ với khổ thơ hai câu này, cái nhớ của nhà thơ, tuy không nói rõ nhớ ai nhưng người đọc biết có lẽ chỉ có nhớ người yêu nỗi nhớ đó mới trở thành một hiện thực, cụ thể, có vị cay như rượu, nóng như lửa, có cảm giác đau rát như dao cứa, say như miếng trầu ma khói, quýnh quáng như bị trúng tên thuốc độc… nó khiến cho người đang trong tâm trạng nhớ cảm thấy quay cuồng như bị sa vào trong cơn lốc và bối rối mịt mờ như trong đêm nguyệt thực:
Nhớ
Như uống phải vò rượu dao cứa
Chum rượu ma lửa
Như ăn phải miếng trầu nứa cạo
Miếng trầu ma khói
Như trúng mũi tên thuốc độc
Mũi tên ma nước
Như vướng vào cơn lốc
Như mặt trăng bị gấu ăn.
Trong bài thơ với khổ ba câu dưới đây, có lẽ khó mà nói được Bùi Tuyết Mai mang kỹ thuật thơ hiện đại vào cuộc sống mộc mạc của dân tộc chị hay chị phả hơi thở người Mường vào hình thức rất gần với “thơ tự do” ở “miền xuôi” như trong những năm sáu mươi của thế kỷ trước:
Một mình hát
Ta như con chim mùa đông
Nghiêng đầu nghe nắng chảy
Tiếng của vòng quay cọn nước trên không
Hơi mây lên núi
Ngọt dịu
Âm ấm
Ta đi đôi bầu gíá rét mùa đông
Quảy gánh thơm và đỏ
Lụa mềm buộc ai
Bay lên sợi tơ dài
Đôi núm chiêng
Vừa nghiêng vừa nảy
….
(Cọn nước: cái guồng xe nước dùng sức nước chảy đưa nước từ suối lên ruộng cao, cũng được thấy nhiều ở các tinh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi)
Không có những hình ảnh gợi sự liên tưởng tượng trưng hay gần như siêu thực như trong những đoạn thơ trong bài Một mình hát ở trên, bài thơ Lưu khách cũng với khổ ba câu dưới đây chân chất hơn, thể hiện sự tình tứ rất tế nhị của một cô gái Mường:
Lưu khách
Hãy dừng chân nhà em một đêm
Chỉ một đêm thôi
Cho con ngựa của anh nghỉ ngơi
Hãy nán lại nhà em một đêm
Chỉ một đêm thôi
Cho con ngựa của anh uống nước
Hãy nghỉ lại nhà em một đêm
Chỉ một đêm thôi
Cho con ngựa anh ăn vài đấu ngô thơm
Hãy ở lại nhà em một đêm
Một đêm thôi
Mời khách dừng chân, nán lại, nghỉ lại, và cuối cùng là ở lại một đêm, chỉ vì… con ngựa của người mà thôi! Một tình cảm thiết tha, đằm thắm mà kín đáo dễ thương biết bao, làm sao người khách không thương… con ngựa của mình cho được!
Phần lớn các dân tộc ít người ở VN do sự may mắn (?) của lịch sử không phải tiếp xúc với văn hóa Hán và không bị cái đạo lý Nho giáo Khổng Mạnh của người Tàu chế ngự nên cuộc sống tinh thần của họ hồn nhiên phóng khoáng, tình cảm thật thà chất phác không màu mè che đậy. Trong cuộc sống họ tự nhiên thế nào thì trong tình yêu họ cũng thực thà tự nhiên như thế. Điều đó không thể không phản ánh trong thơ Bùi Tuyết Mai. Chất trữ tình trong thơ chị vừa có nét đằm thắm, lãng mạn và tế nhị chung của mọi người. Ở đây là lời một thanh niên hát làm quen với một cô gái:
Hát cùng bàn tay thả diều xưa
Hát nỗi mắt nai mắt hươu
Hát cho chén rượu biết đi
Hát cho đũa một cây biết gọi tên
gọi bạn nên đôi nên lứa
Hôm nay trời lành đất êm
Em hãy làm gái nhỏ tách mẹ yêu mau đến
Làm gái lớn lìa chồng thương anh mà sang
Cho anh nhìn em
Cho anh chào to
Cho anh hỏi nhỏ
Chuối nhà em còn tươi đủ nải?
Ai trong nhà cũng khỏe chứ em?
…
(Hát mời)
Và một cô gái kín đáo bày tổ tình cảm với một chàng trai:
Mời anh về mùa hội mường em
Rau cải đắng trên đồi biêng biếc
Chiều đổ sương thơm lựng cá đồ
…
Mời anh về với Hội với Mường
Xa về để gần
Để thương
Để nhớ
Chung chum rượu thơm
Chung niêu cơm mới
Cùng gái trai đến hội xéc-pùa
(Mời anh)
(Xéc-pùa: bài cồng chiêng chúc mừng năm mới, mừng hội – ghi chú của BTM)
Vì cuộc sống tình cảm và tinh thần của họ không bị câu thúc trong những “nguyên tắc đạo lý” trong quan hệ nam nữ theo văn hóa nho giáo mà chúng ta quen thuộc, họ hoàn toàn tự nhiên trong tình yêu, vừa rất riêng với sự chất phác, mạnh mẽ và phóng khoáng nhưng không kém phần lãng mạn, như:
Chuyện tình trên núi
Bằng đôi chân trần
đạp đá tai mèo
Không ngại hầm chông bẫy thú
em gài khăn thắt áo theo anh
Bằng mắt lá
đạp gió bão
Không ngại lũ sâu dữ
em bay cao theo anh
Bằng tiếng suối trong
vượt núi
Không ngại hang cùng ghềnh thác
em lặn sâu theo anh
Hoa ban đỏ nở ra ban xanh
Đánh rơi lời
Trời đang lành nở ra sấm sét
Chẳng nên như hẹn ước
Em thành mây
Mây làm trời đen kịt hóa giải lời nguyền
Em thành lũ
Lũ cuốn anh về biển với em.
Không e ấp như một thiếu nữ người Việt, nhà thơ có thể bày tỏ tình cảm của mình với người mình yêu một cách thẳng thắn và sáng suốt, mà vẫn đầy vẻ tình tứ:
Em yêu anh thẳng
Tặng PQM
Hỏi thăm gốc trầu nhà anh
Hỏi thăm rễ cây tre nhà nnh
Hỏi thăm đàn cá lượn nơi anh thường đi
Hỏi thăm cây si nơi anh hay đậu
Em yêu anh thẳng
Em về phố đông chẳng phải ham chơi
Em nâng ống rượu chẳng phải kẻ nghiện
Em biết chim khôn thường đậu cành cao
Biết người ngoan thường vui cùng bạn tốt
Em yêu anh thẳng
Em muốn xuống nước để gặp anh
Mới cậy nhờ thuồng luồng vóc lớn
Em muốn lên núi để thấy anh
Bèn trông nhờ rồng liệng tầng cao
Em yêu anh thẳng
Em muốn gần anh
Như đôi lúc muốn gần cơm thơm
Nên dạo qua nhiều cánh đồng to
Muốn gặp anh như cá cạn khát nước
Mới cất công tìm biển lớn
Muốn tỏ lòng với anh nên cất tiếng
Em yêu anh thẳng.
Thơ Bùi Tuyết Mai mang đậm tinh thần văn hóa Mường. Đó là điều hiển nhiên. Và có lẽ tinh thần văn hóa độc đáo đó đã thấm nhuần vào tâm hồn và máu thịt chị làm nên sự khác biệt và độc đáo trong thơ của chị. Khi thay những nét văn hóa độc đáo đó bằng các suy luận tri thức chung chung, thơ chị có thể mang bất cứ màu sắc nào khác không phải màu sắc của chị. Chẳng hạn các suy niệm siêu hình trong triết học tây phương không gần gũi với nhân sinh quan và vũ trụ quan của người Mường có thể khiến cho thơ chị dễ tan hòa và mất hút vào vô số những bài thơ khác về vấn đề này. Chiếc bánh là một trong những trường hợp như thế:
Chiếc bánh
Tôi
Bạn
Vô hạn và hữu hạn trên đời này
Dường như được đúc sẵn khuôn
Tôi
Bạn
Vô hạn và hữu hạn trên đời này
Dường như nguyên chiếc
Có thế kéo thời gian dài ra hoặc ngắn lại
Thổi hồn vào hai mươi chữ cái
Khác nhau yêu ghét chết đau
Chiếc bánh hôm nay
Chiếc bánh mai sau
Cứ xoắn vòng bay lên như lớp ngói
Tôi
Bạn
Vô hạn và hữu hạn trên đời này
Rêu phong cứ bong như da tàn lại mọc
Sự mới tươi thay cô độc vi hành.
Hoặc bài Gọi dưới đây, theo tôi là một bài thơ chưa thành công, không phải vì cái hình thức “văn xuôi” của nó, mà vì những ý tưởng có lẽ chưa đủ độ sâu và độ chín đế chuyển hóa thành cảm xúc. Dường như nó còn sống:
Gọi
Đám rêu của mảnh ngói nơi xứ thức gióng gọi tên làng, tên đất. Gọi tên những ngôi đình chùa, những tường thành có mặt từ buổi đầu. Gọi tên những ngọn núi đứt đôi, những con mắt làng cạn nước. Binh bôông! Có còn cái dáng cong cong mái đình làng, chùa làng…
Những trường hợp như hai bài thơ trên đây không nhiều. Đúng ra, trong toàn bộ tập thơ chỉ có hai bài như thế. Dường như đó chỉ là những thử nghiệm của nhà thơ thì phải.
Các bài thơ trong tập Binh Boong đều ngắn. Ngắn nhất là hai câu gồm sáu chữ (Người Mường), và dài nhất là năm mươi câu (Lời rượu). Mỗi câu thơ thường ngắn, có khi chỉ một chữ. Câu dài nhất (duy nhất) gồm hai mươi ba chữ (cũng trong bài Lời Rượu). Do không có cơ hội đọc nhiều thơ của chị, cũng như không theo dõi quá trình phát triển trong thơ của chị từ hơn mười năm qua - tạm lấy năm 1998, năm xuất bản tập thơ đầu tiên, làm mốc, đến năm 2008 của tập thơ Binh Boong này - cho nên tôi không thể căn cứ vào các đề tài của những bài thơ trong tập thơ này để nói về chuyện “dài hơi” hay “ngắn hơi” trong thơ của Bùi Tuyết Mai. Tuy vậy, tôi nghĩ có lẽ Binh Boong chưa phải là tập thơ tiêu biểu nhất của chị; và cũng do chưa được đọc một thi sĩ người Mường nào khác nên tôi càng không thể gán cho tập thơ này của Bùi Tuyết Mai một vị trí nào trong thơ ca hiện đại của người Mường. Điều có thể nói ở đây là phần lớn những hình ảnh, ý tưởng và tứ thơ trong tập thơ Binh Boong của Bùi Tuyết Mai hầu như không là những mẫu hình quen thuộc có thể dễ dàng bắt gặp trong thơ của nhiều thi sĩ người Việt miền xuôi là những người không có được điều kiện và môi trường sống tự nhiên như chị. Mà sự thành công của một nhà thơ có lẽ không gì hơn là xây dựng được những hình ảnh và ý tưởng mới lạ trong thơ và, nhất là, truyền được rung cảm của mình vào chữ để chúng đánh động vào lòng người đọc. Dù dè dặt đến đâu cũng phải thấy nhà thơ nữ này đã đạt được nhiều phần trong đó. Điều đáng kể hơn hết là chị, cùng với các nhà thơ đồng bào của chị cũng như với nhiều nhà thơ của các dân tộc ít người khác, đã đóng góp những hương sắc mới làm phong phú thêm cung điệu và màu sắc của nền thi ca Việt Nam như một toàn khối.
Thiếu Khanh