văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, June 5, 2011

TIỂU THU * Cô Nam Kỳ Đáng Yêu

Cát Đơn Sa




Dọn xong mâm cơm, Cúc ló đầu ra cửa bếp:
-Tùng, Hương ra ăn cơm tụi con. Anh Hưng, cơm xong rồi, tắt cái tivi em nhờ!
Hai đứa nhỏ từ trong phòng chạy ùa ra ngồi vào bàn. Hưng tắt tivi, vừa đi vô bếp vừa lên giọng cải lương:
-Dạ thưa mình có anh đây!
Cúc háy: -Chỉ được cái tài...
Chưa dứt câu thì điện thoại reng inh ỏi, Cúc vừa với lấy cái phone vừa nhíu mày:
-Điện thoại viễn liên. Ai kêu gìờ này vậy kìa?
Vừa mới Allo, Allo thì tiếng chị Trang bên kia đầu giây ríu rít:
-Cúc đó hả? Chị Trang đây. Gọi để báo cho tụi em biết Tết này anh chị qua chơi với tụi em đó.
Cúc ngạc nhiên:
-Ủa, tháng hai mà ông... Bắc kỳ cục cũng xin nghỉ được sao?
Chị Trang cười hăng hắc:
-Tao đã ra tối hậu thư. Nếu năm nay ổng không xin nghỉ để tao qua Canada ăn Tết với tụi bây thì sẽ có chiến tranh...nóng ngay. Không thua gì trận "Bão Sa mạc" xảy ra ở Irak hồi nẩm! Ổng phải làm "súp" tối tăm mặt mũi để tháng hai xin nghỉ hai tuần. Cứ nghe tụi bây rên vì thời tiết bên đó, tao cũng tò mò muốn qua coi cho biết. Xứ Cali này muốn ngắm tuyết phải tốn bộn bạc chạy lên núi!
Cúc bật cười: -Welcome, welcome. Tưởng gì chớ cái mục này thì sẵn lắm. Chỉ sợ chị diện kiến một lần là tởn tới già không dám qua nữa! À, mà chị đi vắng, khách cơm tháng của chị ai lo?
Chị Trang chắc lưỡi:
-Ối, chết chóc gì có hai tuần. Bên đây tiệm ăn còn nhiều hơn khách! Kẹt lắm thì mì gói, phở gói, hủ tiếu gói cũng xong. Thôi ngày giờ sẽ phone sau nghen. Cho chị thăm dượng út với hai đứa nhỏ.

Cúc chưa kịp hỏi tiếp thì bà chị thân mến đã cúp điện thoại cái cụp! Cúc lắc đầu ngao ngán: Bả cần thì bốc điện thoại lên gọi. Nói xong là cúp liền, không cà kê dê ngỗng gì ráo. Nhiều khi làm người đối thoại chưng hửng!
Trước ánh mắt dò hỏi của ba cha con, Cúc nói:
-Thì bà Trang chớ ai. Hai ông bà sẽ qua ăn tết với gia đình mình năm nay. Tùng, Hương, còn hai tuần nữa dì dượng ba qua. Tụi con lo do dẹp cái chuồng gà (Tùng tuổi dậu) với cái chuồng heo (Hương tuổi hợi) cho sạch sẽ nghe chưa. Thiệt tình nhìn vô phòng của tụi con, ai cũng tưởng có trận bão cấp năm vừa mới thổi qua!

Cu Tùng với tuổi mười bảy, mặt đầy mụn trứng cá, cười mơn:
-Được rồi, được rồi, mẹ khỏi lo. Ý mà mẹ chưa biết đâu, con có mấy thằng bạn, phòng của tụi nó còn không có chỗ để đặt chưn vô nữa đó. Rồi bỗng nhiên nó nhăn nhó:
-Con đã dặn mẹ hoài. Mẹ đừng dọn phòng con. Mỗi lần muốn kiếm món gì mất thì giờ quá trời. Thà mẹ cứ để lộn xộn như vậy con lại biết món nào nằm ở đâu.
Cúc thở dài, đưa mắt nhìn lên trời như cầu mong Thượng đế cứu dùm! Bây giờ bé Hương mới lên tiếng:
-Mẹ à, hồi nảy sao mẹ kêu dượng ba là ông Bắc kỳ cục?
Cúc cười trả lời con:
-Thì tại dượng ba là người Bắc!
Hương trợn tròn mắt: -Bộ người Bắc thì kỳ cục sao?
Cúc càng cười lớn hơn:
-Mẹ nói chơi thôi. À, tụi con có muốn nghe chuyện của dì dượng Ba không nè?
Hưng nhăn nhó: -Thôi em ơi. Anh đã thuộc lòng cái câu chuyện gọi là "Tình Bắc Duyên Nam" của em từ phia rồi. Anh nghe chắc lần thứ một trăm lẻ mấy rồi đó nghen. Cúc cười cười, giở giọng "đâm sau lưng chiến sĩ":
-Thôi mờ ông Nam Kỳ... quặc của tui. Đã có kiên nhẫn nghe một trăm lần rồi, thì thêm một lần nữa nhằm nhò gì, phải hôn tụi con?
Tùng, Hương nhìn nhau cười tủm tỉm, bởi tụi nhóc biết trước sau gì ba tụi nó cũng sẽ đầu hàng vô điều kiện. Hồi xưa bên Việt Nam ổng là phi công lái máy bay, nhưng má tụi nó lái tới... phi công lận!
Cúc tắng hằng lấy giọng: -Chuyện là như vậy nè...

. ..Sau hiệp định Genève, theo dòng người di cư vô Nam năm 54, có gia đình Huy. Ông bà Trác bố mẹ Huy, người chị gái tên Xuân, Huy năm đó lên mười chín và ba đứa em. Ngoài Hà Nội ông Trác là công chức, bà vợ ở nhà lo cơm nước. Vào Sàigòn gia đình Huy thuê một căn nhà nhỏ nhưng khang trang ở đường Nguyễn Trãi. Ông Trác xin được vào Sở Bưu Điện gần Nhà Thờ Đức Bà. Bà Trác tiếp tục sự nghiệp hầu chồng hầu con. Huy xin vào năm chót Chu-Văn-An. Thiếu phòng ốc nên phải học ké bên Pétrus Ký và nơi đây Huy quen với Thanh (anh của Trang và Cúc). Ông Tân, ba Thanh đã qua đời, mẹ và hai em vẫn ở Cao Lãnh, riêng Thanh lên ở đậu nhà bác ba Đại gần chợ Bà Chiểu, hàng ngày đạp xe vô học tuốt trong trường Pétrus Ký. Thanh cùng tuổi với Huy. Trang mười tám. Sau khi sanh Trang bà Tân nghỉ xả hơi cả chục năm mới "rặn" ra được Cúc. Vì vậy mà cả nhà cưng con nhỏ quá trời. Trang học hết lớp nhứt bà nội phán: —-Con gái học nhiêu đủ rồi. Cần nhứt là học nữ công nữ hạnh để còn gả chồng. Học nhiều như cô Tư Hà hổng ai dám rước!! Cúc mới lên tám nên vẫn còn hồn nhiên tung tăng hai buổi tới trường, trong khi chị Trang hì hục làm hết món bánh nọ tới món mứt kia. Rồi còn thêu còn đan đủ thứ... Nhỏ Cúc được hưởng hết: những chiếc áo thêu, áo móc rực rỡ màu sắc. Vào lối tháng mười, mười một âm lịch, gió bấc hiu hiu lạnh, tụi bạn co ro mặc hai ba áo, cái nọ chồng lên cái kia, thì nhỏ Cúc phây phây tới trường trong chiếc áo len màu xanh da trời do chị Trang đan. Mà phài công nhận chị có khiếu. Món gì do tay chị làm ra cũng ngon, cũng đẹp. Chẳng những vậy chị còn có làn da trắng muốt mịn màng. Mái tóc đen dài xỏa tới thắt lưng. Đôi mắt bồ câu trong như trời mùa thu nữa chớ. Chỉ có cái răng khểnh làm chị mắc cở, không dám cười toét miệng mà chỉ chúm chím. Nhưng ôi thôi, chính cái chúm chím đầy vẻ e lệ này mới làm cho bao trái tim rụng rời thổn thức! Đã có hai đám nhờ mai mối tới nói chuyện với bà Tân. Đám thứ nhứt là cậu út Tường, con ông Cai Tổng Báu dưới chợ Cao Lãnh (gia đình Cúc ở làng Tân An, cách chợ Cao Lãnh bảy cây số). Trước khi nhờ bà mai tới dạm hỏi, cậu Tường đã từng chạy xe đạp Peugeot lượn qua lượn lại trước nhà Cúc năm lần bảy lượt, có lần còn làm bộ ghé vô hỏi mua trái cây để ngắm nhìn Trang cho mãn nhãn. Thấy ánh mắt đầy vẻ gian tà của cậu Tường, Trang đã phát ghét, thành thử khi bà Tân hỏi ý kiến, cô nàng xí một cái dài thòng:
-Trời đất! Con mà ưng cái thằng đó hả? Người hổng ra người khỉ hổng ra khỉ. Mặc bi-da-ma sọc mà còn viền xanh viền đỏ. Đầu chải Bi-dăng-tin láng mướt thấy mà ghê! Còn bày đặt đeo đồng hồ, cà rá vàng nữa chớ. Rồi nàng chặt ngọt: Con thà ở giá còn hơn!

Bà Tân đành trả lời với bà mai là cháu còn "khờ" lắm. Đợi vài năm nữa hả tính. Bà mai mất cái đầu heo đâm tức:
-Chị Năm nói sao chớ vài năm nữa cháu nó "hăm" rồi cũng kẹt lắm đó chị. Tuổi xuân qua đi làm sao kéo lại!!
Bà Tân nghe vậy cũng chột dạ:
-Chị Tám nói cũng phải. Thôi để tui khuyên cháu từ từ...
Đám thứ nhì ở Phong Mỹ. Con nhà đại điền chủ. Đất rộng cò bay thẳng cánh. Trâu bò cả trăm con. Mỗi năm góp mấy ngàn giạ lúa ruộng. Lộc lớn hơn Thanh hai tuổi. Trước đây cũng học trường dòng Tabert trên Sàigòn. Một chuyến về nghỉ hè, hai cậu đi chung chuyến xe đò nên quen. Cả mùa hè hai bên qua lại thăm nhau rất thường. Chỉ gặp có hai lần thì Lộc đã bị cái nụ cười chúm chím của Trang hớp mất tiêu hồn vía. Lộc bảnh trai lại "văn minh", khác xa cái cậu công tử vườn con ông Cai Tổng, nên Trang cũng cảm thấy có cảm tình với Lộc. Thành thử khi bên nhà Lộc nhờ người mai mối, cô nàng chỉ làm bộ dùng dằng:
-Con hổng biết, tùy má hà!
Nhưng chuyện tưởng xuôi chèo mát mái, ai ngờ bỗng tan rã như hồ gặp mưa! Số là chàng Lộc dễ thương bao nhiêu thì bà mẹ lại khét tiếng hách dịch, khinh người bấy nhiêu. Phong Mỹ - Tân An cách nhau có 5 cây số nên những lời "rên rỉ" không biết vô tình hay cố ý cũng bay tới tai Hồng Trang:
-Chèn đét ơi, cái thằng con của tui mặt mày coi sáng sủa mà thiệt là khờ. Có biết bao nhiêu chỗ giàu có sang trọng muốn gả con, mà nó nằng nặc đâm đầu vô cái đám này. Nói chi xa, ông Hội Đồng Cảnh ở bên Long Xuyên, ruộng khít bên ruộng nhà tui, nói nếu nó chịu ưng cháu gái ông, ổng sẽ cho 30 mẫu ruộng tốt làm của hồi môn. Thiệt tui tiếc hùi hụi!
Trang nghe những lời tâm sự bi ai này thì máu tự ái bỗng sôi lên sùng sục nên đó mỗi lần Lộc tới chơi Trang đều lánh mặt. Anh buồn lắm, nói với Thanh là chàng sẽ ở vậy, hổng thèm lấy vợ cho bà mẹ biết tay!

Từ rằm tháng chạp bà Tân và Trang đã tất bật lo quết bánh phồng, bánh tráng. Sau đó làm đủ thứ mứt: mứt bí, mứt me, mứt chùm ruột,mức dừa... Nem chua, thịt kho nước dừa với cá lóc tới hăm bảy hăm tám mới làm. Bánh ít, bánh tét sáng 30 mới gói. Cúc mong anh nhứt nhà -vì anh Thanh thì ít, mà vì những món anh Thanh sẽ đem về thì nhiều- Thơ anh gởi về tuần trước nói hôm hăm sáu ảnh về tới và sẽ dành cho gia đình một sự ngạc nhiên(?). Chính cái câu thòng này khiến cho nhỏ Cúc bồn chồn, bứt rứt. Sáng trông cho mau tối, tối trông cho mau sáng để ngày hăm sáu tới cho lẹ lẹ! Nhỏ cứ chạy theo hỏi Trang, thử đoán coi cái "sự ngạc nhiên" của anh Thanh là cái gì? Riết rồi Trang bực mình nạt:
-Bộ tao là thầy bói hả? Tới bữa đó rồi biết chớ làm gì mà như lọt vô ổ kiến lửa vậy nhỏ?

... Rốt cuộc ngày hăm sáu cũng tới. Từ sáng Cúc không ngừng chạy ra đường ngóng, dù biết phải xế chiều anh Thanh mới về tới. Saìgòn-Cao Lãnh cách nhau có 140 cây số, nhưng không có đường thẳng. Phải qua bắc Mỹ-Thuận, vòng qua thành phố Sadec mới trở ngược về bắc Cao Lãnh. Tới chợ lại phải đi xe lôi về Tân An. Mất cả ngày đường! Hơn bốn giờ chiều mới thấy xe lôi ngừng ngoài đường cái, cách nhà một mảnh vườn nhỏ trồng cây ăn trái. Cúc mừng quá la lên:
-Anh hai về tới, anh hai về tới, rồi chạy vụt ra đường. Bà Tân và Trang đang lo bữa cơm chiều cũng lật đật chạy ra theo. Cúc đang trên đà chạy tới chợt ngừng lại cái rột, trố mắt nhìn "cái sự ngạc nhiên" của ông anh quí: đó là một thanh niên cũng trạc tuổi Thanh, nhưng ốm và cao hơn chút xíu. Da trắng nhưng không xanh, cặp mắt thật sáng. Thấy nhỏ Cúc trố mắt nhìn mình, anh chàng toét miệng cười, khoe hàm răng trắng bóng, hỏi:
-Làm gì nhìn anh đăm đăm thế cô bé?
Cúc giựt mình: Uả sao anh này kêu mình bằng cô lận? còn bé là cái gì?
Bà Tân và Trang cũng vừa ra tới. Thanh chỉ chàng thanh niên:
-Đây là Huy bạn học của con đó má. Con rủ Huy về nhà quê ăn Tết cho biết.
Huy cúi đầu:
-Cháu kính chào bác.
Thanh tiếp:
-Còn đây là hai cô em gái mà tao kể cho mày nghe hoài đó. Cô lớn là Hồng Trang và cô nhỏ xí xọn này là Hồng Cúc. Trang lại có dịp biểu diễn nụ cười chúm chím, gật đầu chào Huy. Anh chàng cũng cười chào lại. Trang vừa cúi xuống định xách cái va ly nhỏ của Thanh, thì Huy cản lại:
- Nặng lắm. Cô Trang để đó cho tôi.Thanh bật cười:
-Cho mày hay, con gái miệt vườn không yếu ớt như mấy cô trên Sàigòn đâu nghe. Trèo cây, lội sông, đố mày qua mặt mấy nhỏ em của tao.
Trang nguýt: -Anh Thanh có tài nói xấu em không hà. Rồi cúi xuống xách bọc bánh mì quày quả vô nhà.
Bà Tân lắc đầu:
-Anh em bây xa thì nhớ, gặp thì chọc ghẹo nhau tối ngày. Thôi vô nhà. Thanh dẫn cháu Huy tắm rửa rồi ăn cơm chiều con.
Thanh nói dạ dạ, còn Huy lại nói: Vâng ạ. Cả đời chưa có dịp tiếp xúc với người Bắc nên bà Tân ngạc nhiên lắm. Tuy vậy bà không dám hỏi.

Tối đó dưới ánh đèn măng xông sáng rực, Huy được ăn những món thuần túy miền Nam như canh chua cá lóc nấu với bạc hà, giá, cà chua, khóm rắc rau mò om. Cá mè vinh chiên dòn dầm nước mấm tỏi ớt, béo ơi là béo. Nhưng cái món cá rô mề kho tộ, nước đặc sệt, thơm sực mùi hành tiêu thì hết ý. Huy vừa ăn vừa tấm tắc:
-Thưa bác, lần đầu tiên cháu mới được thưởng thức những món ngon như thế này. Tuyệt vời bác ạ.
Thanh cười:
-Má tao nấu ăn ngon nổi tiếng xứ Cao Lãnh này đó. Mấy đám cưới, đám cúng đình cũng phải rước bà tới nấu. Mà cái tài này hình như truyền hết lại cho Trang rồi phảo hôn Trang?
Trang cười bẽn lẽn: -Em làm sao so với má được mà anh hỏi...
Nhỏ Cúc lanh chanh:
-Anh Huy ở đây lâu lâu thì biết liền. Chị Trang em nấu cơm ngon dễ sợ luôn.
Trang mắc cở cú đầu em: - Xí xọn!
Huy nhìn Trang:
-Anh ăn tham lắm đáy nhé. Anh xin tình nguyện nghe lời Cúc ở lại đây thật lâu để thưởng thức tài nấu ăn của Trang.
Trang đỏ mặt:
-Mấy món quê mùa làm sao bì được với cao lương, mỹ vị ở Sàigòn. Chắc anh Huy nói cho vui thôi.
Huy phản đối kịch liệt:
-Ấy chết, tôi không nói dối đâu. Tính tôi thành thực có sao nói vậy, cô Trang không nên hiểu nhầm.
Trang ngơ ngác nhìn anh dò hỏi. Thanh cười lớn:
-Thằng Huy nói nó không nói láo đâu. Trang không nên hiểu lầm tội nghiệp nó. Phải vậy không mày Huy?
Huy gật: -Đúng thế, đúng thế... làm mặt Trang càng đỏ thêm.
Lúc này bà Tân mới lên tiếng hỏi về gia cảnh Huy. Anh chàng nói:
-Thưa bác bố cháu làm việc ở Sở Bưu Điện. Mẹ cháu chỉ ở nhà lo cơm nước. Cháu còn 3 đứa em đang đi học.
Bà Tân quay qua Thanh:
-Sở Bưu Điện là sở gì vậy con?
Thanh trả lời mẹ:
-Là nhà giây thép đó má. Anh chàng quay qua rên rỉ với Huy:
-Chắc một tuần ở đây tao phải làm "thông ngôn" cho mày mỏi miệng luôn!
Huy cũng nhăn nhó:
-Khổ nổi tao đâu biết nói tiếng nam! Nhưng không hề gì, tao sẽ học dần dần với bé Cúc. Cô em út mày lém lỉnh, dễ thương lắm!...

Sau bữa cơm, Trang Cúc dọn dẹp chén bát. Bà Tân ngồi bên bàn nước ăn miếng trầu cho thơm miệng trước khi đi ngủ. Thanh và Huy bắt ghế ra trước hàng ba vừa tán dóc vừa ăn chè đậu xanh bột báng, nước dừa tráng miệng. Đêm nhà quê tĩnh mịch. Tiếng côn trùng rỉ rả khắp nơi. Trời tối đen nhưng lấp lánh đầy sao. Vài chú đom đóm lập lòe. Càng về đêm, hương bưởi cùng hương lài, hương dạ lý càng tỏa ra thơm ngát. Như không muốn khuấy động cái không khí tĩnh mịch này, Huy nói như gần như thì thầm:
-Tao vẫn yêu cái không khí trong lành ở nhà quê. Mới từ chiều đến giờ mà tao cảm thấy khoẻ hẳn ra... Lúc còn ở Hà Nội, cứ có dịp là tao vù về Hưng Yên. Chỉ cách Hà Nội hơn 50 cây số mà sao ngày ấy mình thấy xa thế! Vườn bà ngoại tao trồng đầy nhãn mày ạ. Nhãn Hưng Yên cơm dầy, hột bé xíu. Chả bù nhãn trong Nam, quả nào trông cũng to mà toàn là nước! Về Hưng Yên, đến mùa nhãn là tao ăn chết bỏ. Về đây thấy lại cảnh vườn tược tao nhớ ngoài đó quá mày ạ!.
Thanh tiếp lời:
- Ngày mai mày sẽ được thưởng thức đủ thứ trái cây vườn nhà. Lúc sanh tiền, ba tao khoái trồng cây lắm.
Hai người nói chuyện lan man tới gần 9 giờ thì Trang bước ra:
-Hai anh ngồi ngoài này coi chừng muỗi cắn. Em giăng mùng sẵn rồi, mời hai anh vô nghỉ.
Thanh đứng lên vươn vai:
-Ừ, đi xe cả ngày cũng mệt dữ. Thôi tụi mình đi ngủ, sáng dậy sớm cho khỏe.
Huy cũng đứng lên:
-Chúc cô Trang ngủ ngon nhé. Trang lí nhí cảm ơn rồi đi lẹ vô buồng.

Tuy lạ nhà nhưng mệt vì đường xa nên Huy vừa đặt lưng xuống là ngủ ngay...Mới năm giờ sáng, tiếng gà gáy rộn ràng trong xóm khiến chàng tỉnh giấc. Ngơ ngác một chặp Huy mới nhớ ra mình đang ở nhà Thanh. Ngủ một giấc ngon nên chàng cảm thấy người nhẹ nhàng, khoan khoái. Huy nhè nhẹ bước xuống giường sợ làm bạn thức giấc. Ra khỏi phòng chưa biết đi hướng nào để ra vườn, chợt thấy phía bếp có ánh sáng. Huy bước nhẹ về hướng đó. Trang đang lúi húi bắt cái nồi đồng và một cái ơ đất lên trên hai cái cà ràng lửa đỏ rực. Huy đứng sững ngắm cô gái. Trang mặc quần đen và áo bà ba bằng lụa màu tím cà. Tóc chải gọn ghẽ, kẹp bằng chiếc kẹp đồi mồi, thả dài xuống lưng. Ánh lửa hắt lên khiến gương mặt Trang đỏ hồng. Những động tác vừa nhẹ nhàng vừa thong thả. Không hiểu cô nàng nghĩ gì mà thỉnh thoảng lại mĩm miệng cười. Huy thấy Trang đẹp một cách mộc mạc và tràn đầy nhựa sống. Cảm thấy như có người đang "dòm lén", Trang ngước lên. Bốn mắt giao nhau có tới mấy giây đồng hồ. Tim Trang chợt đập thình thịch, lúng túng không biết nói gì. Huy vội lên tiếng:
-Cô Trang làm gì sớm thế? Tôi tưởng chỉ có tôi là dậy sớm nhất chứ.
Trang đã lấy lại bình tĩnh:
-Dạ em nấu cháo đậu đỏ, kho tiêu mớ cá bống trứng để cả nhà ăn lót lòng. Bộ lạ nhà anh ngủ không thẳng giấc sao?
Huy cười:
-Đâu có. Tôi ngủ say như chết đấy chứ. Nhưng nghe gà gáy nên thức giấc. Định ra vườn tập thể dục một tí cho khỏe người, không ngờ cô Trang còn thức sớm hơn tôi.
Trang giải thích:
-Dạ ở nhà quê ai cũng ngủ sớm để sáng hôm sau dậy sớm. Ăn lót lòng xong là kẻ ra đồng, người đi chợ. Mà chợ cũng hơi xa. Thường phải đi bộ hoặc đi xuồng, thành thử có khi phải thức từ canh một, canh hai mới kịp.

Tất nhiên anh chàng Bắc Kỳ này đâu có hiểu ất giáp gì về canh một canh hai, nhưng không muốn lòi cái sự kém hiểu biết của mình ra nên cũng chỉ chấm câu:thế à, thế à, cực nhỉ!
Trang cười: -Dạ ở nhà quê cực lắm anh. Nhà em nhờ có ruộng cho tá điền mướn. Có vườn bán trái cây lai rai nên cũng đỡ. Hơn nữa ông bà nội tiếp tế đều đều từ khi ba em mất. Nhà ông bà em cách đây vài trăm thước thôi. Thế nào anh hai em cũng dắt anh tới thăm ông bà nội.

Huy ngó chăm chăm vô cặp môi hồng và đôi mắt long lanh vì ánh lửa. Thấy ánh mắt của Huy, Trang chợt mắc cở ngang. Cô nàng vội bước lại mở cánh cửa bếp ăn thông ra vườn:
-Anh Huy ra ngoài tập thể dục đi. Buổi sáng mát lắm. Trang tự trách thầm, không hiểu bữa nay mắc chứng gì mà nói nhiều quá trời quá đất như vậy nữa?.
Huy mĩm cười bước ra ngoài. Mặt trời vừa ló dạng ở phương đông. Những hạt sương mai còn đọng trên lá bị tia sáng mặt trời chiếu vào long lanh như những hạt kim cương. Bọn chim chóc đã hắt đầu bản hoà tấu chào bình minh rực rỡ. Huy nhìn chung quanh. Căn nhà ngói đỏ nổi bật giữa màu xanh của khu vườn. Không nhỏ cũng không đồ sộ quá. Vừa phải, dễ thương như Trang. Huy nhủ thầm rồi chợt thấy mình sao là lạ? Chàng tập độ mười lăm phút thì ngừng, ung dung đi dạo trong vườn. Có những cây chàng biết tên, nhưng phần lớn mù tịt! Thường mẹ mua trái cây về thì ăn, chớ có bao giờ được thấy mặt mũi cái cây đã tạo ra những quả ngon lành đó. Định bụng sẽ hỏi Thanh cho biết.
Trong khi Huy đang thơ trẩn ngoài vườn thì Thanh cũng thức dậy. Không thấy bạn, chàng vội mở cửa phòng ra ngoài. Bà Tân đã chỉnh tề ngồi bên chiếc bàn nước ăn cử trầu buổi sáng. Thấy con trai bà ngoắc lại. Thanh ngồi xuống cạnh mẹ. Bà Tân hỏi:
-Cái cậu bạn con đó, hình như hổng phải "người Việt" mình hả con?
Thanh phì cười:
-Nó đích thị người Việt mình, nhưng gốc Bắc đó má à. Gia đình thằng Huy ở Hà Nội, rồi di cư vô Saìgòn năm 54. Tụi con học chung từ năm đó tới giờ. Tánh tình nó tốt lắm. Bố mẹ nó cũng thiệt là hiền. Con tới nhà họ chơi thường lắm. Ông bà Trác rất thích con nên mới để nó theo con về đây chơi đó má. Bà Tân còn chưa mấy tin tưởng :
- Sao hồi đó má nghe thiếm sáu trên Sàigòn về chơi nói mấy người Bắc đó, họ lén bắt cóc con nít đem giết, lấy thịt làm chả lụa, còn xương thì nấu phở bán. Thành ra người Bắc với người Việt mình chưỡi lộn hà rầm.
Thanh trấn an:
-Hổng có đâu má. Tại người Nam mình ghét người Bắc nên đặt điều nói xấu, chớ làm gì có chuyện bắt cóc con nít làm chả lụa! Còn chưỡi lộn là tại ngôn ngữ bất đồng, hai bên không hiểu nhau. Nhưng bây giờ khác rồi. Má thấy hôn, thằng Huy nói gì là con hiểu hết trơn.
Bà Tân ờ ờ. Thiệt tình một câu nói của cẩu má hiểu hổng tới phân nửa. Mà coi cẩu củng lễ phép, vui vẻ lại lịch sự trai quá chớ.
Thanh tố thêm:
-Còn học giỏi nữa. Từ bên Pétrus Ký qua Sư phạm, lúc nào nó cũng đứng đầu lớp. Mà hè này tụi con ra trường rồi nghen má.
Bá Tân cảm động nhìn con, hai mắt ươn ướt:
-Ra trường rồi con ráng xin về dạy ở Cao Lãnh cho gần nhà. Con Trang mà gả chồng rồi là má cu ky có một mình với con Cúc. Hổng còn ba con nghĩ cũng buồn. Còn con nữa, qua năm mới là hăm ba rồi. Để má coi có đám nào...
Thanh ngắt lời:
-Thôi má à. Con phản đối cái chuyện làm mai lắm nghen. Nhiều mối bị tráo hôn rồi đó. Lúc coi mắt là một cô thiệt đẹp. Đêm động phòng mới khám phá ra một bà Chung Vô Diệm đang sẵn sàng chờ đón... Tề Tuyên Vương!
Bà Tân bật cười:
-Thôi thôi tui hổng xía vô chuyện của mấy người. Ai có thân nấy lo, rồi đừng có đổ thừa cho bà già này. Thôi đi rửa mặt đi con. Em Trang sắp dọn cháo lên rồi đó. Bà quay mặt vô phòng Trang và Cúc kêu:
-Cúc à, trưa trờ trưa trật rồi. Thức dậy phụ chị Trang dọn đồ ăn cho mấy anh con ăn lót lòng.
Cúc vừa đi ra vừa ngáp dài ngáp vắn. Chừng nhớ tới Thanh và Huy con nhỏ chợt tỉnh như sáo sậu, chạy đụi đụi xuống bếp miệng hỏi tía lia:
-Anh hai với anh Huy dậy chưa chị Trang?
Trang vừa nhắc nồi cháo đậu tỏa hơi nghi ngút ra khỏi bếp vừa nói:
-Tao mới thấy anh hai ra ngoài. Còn anh Huy dậy lâu rồi, đang tập thể dục ngoài vườn. Thôi phụ chị dọn cháo lên rồi ra kêu hai anh vô ăn.
Cúc rửa mặt xong, phụ Trang dọn cháo đậu đỏ, cá bống trứng kho tiêu, củ cải mặn và trứng vịt muối ra bàn ăn, xong chạy tọt ra vườn. Huy và Thanh đang đứng nói chuyện dưới gốc cây mận, trái sai oằn. Huy nói:
-Cây doi này sai quả quá nhỉ.
Cúc trợn tròn mắt:
-Cây này mà anh kêu cây doi? Cây mận mà.
Huy tắc lưỡi:
- Ngoài Bắc họ gọi là cây doi đó cô bé. Thôi bây giờ anh nhờ Cúc dạy anh tiếng Nam nhé.
Cúc le lưỡi:
- Em đâu phải cô giáo mà dám dạy anh._
-Thế bây giờ anh phong Cúc làm cô giáo của anh, chịu chưa?
Cúc nói dạ được. À, má kêu hai anh vô ăn lót lòng đó.
Hai người nối gót Cúc đi vô nhà. Bà Tân đon đả:
-Nhà quê hổng có món ngon vật lạ như trên Saìgòn. Đợi Tết mới có bánh ít bánh tét. Bây giờ mời cháu Huy ăn tạm cháo đậu đỏ..
Huy nhanh nhẩu:
-Thưa bác cháu mới nhìn thôi cũng đã thấy ngon rồi. Xin bác cứ xem cháu như con cháu trong nhà.
Bà Tân vui vẽ:
- Vậy cháu Huy nói chuyện khỏi cần phải thưa gởi cho rắc rối. Người Nam của bác thiệt bụng lắm.
-Cháu xin vâng lời bác dạy.

Ăn sáng xong, hai chàng thay áo chỉnh tề để đi chào ông bà nội và chú thím út. Cúc cũng xin tháp tùng theo hai anh. Trên đường đi, ngang qua nhà mấy người bà con. Nhà nào cũng có mảnh vườn con con trước cửa trồng cây ăn tráii. Cúc vừa nắm tay Huy vừa chỉ trỏ:
-Anh Huy thấy cái cây cao thiệt cao, lá một bên xanh một bên tím đó là cây vú sữa tím. Hể là một bên xanh một bên vàng là vú sữa hột gà. Vú sữa tím coi đẹp mà ăn không ngon bằng vú sữa hột gà. Còn trước nhà ông Năm Nghi nè, mấy cái cây lùn lùn, cành dài thậm thượt là cây Sa-bô-chê.

Huy chỉ một hàng cây trồng dọc bờ sông, thân hình suông duột, lá nhỏ lăn tăn:
-Còn cây này?
-Đó là cây so đủa. Anh không thấy trái của nó giống y mấy chiếc đủa treo tòn teng. Mấy con dê khoái ăn lá so đủa lắm nghen.
Huy gật gật:
-Ừ nhỉ. Nhìn giống như hàng trăm chiếc đủa treo trên cây. Trong này lắm thứ cây ngoài Bắc không có. Nhất là soài thì chịu. Ngoài Bắc có muỗm, giống như một loại soài con, nhưng chua lắm, chỉ để nấu canh...
Chào ông bà nội và chú thiếm út xong, Thanh, Cúc dẫn Huy đi tuốt ra chợ Vàm, cách nhà độ một cây số, chỗ khúc sông con đổ ra sông cái. Trời nước mông mênh.Rặng cây phía bên kia sông, phía bên Mỹ Hiệp xanh mờ mờ. Huy ngẩn người ra ngắm con sông Cữu Long:
-Thật là hùng vĩ. So với con sông này, sông Hồng Hà không lớn bằng.
Thanh cười chọc bạn:
-Coi lớn vậy mà hiền khô. Năm nào cũng ngoan ngoãn đem phù sa bồi đắp hai bên bờ. Lại cung cấp vô số cá tôm nữa chớ. Con sông Hồng của mày nhỏ mà dữ tợn, năm nào cũng lụt lội làm khổ dân.
Mắt Huy chợt mơ màng:
- Lúc vào Nam rồi tao mới thấy dân trong này được Trời chìu đãi. Đồng ruộng phì nhiều. Hoa màu tươi tốt. Tôm cá đầy sông...
-Và người dân thì hiền hòa dễ thương. Thanh chêm vô và hai người cùng cười xòa.

Những ngày sau đó, Thanh-Huy phụ dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Trước sân nhà ông nội có cây lão mai. Năm nào Thanh cũng xin một cành cắm vào cái độc bình da rạn, có vẽ thất tiên màu xanh, đặt cạnh bàn thờ ông Tân. Chiếc lư đồng được đánh bóng ngời. Mâm ngũ quả chưng trái cây tươi hực hở. Trang o bế nồi thịt kho nước dừa với trứng, cá lóc thiệt ngon để ba ngày Tết ăn với bánh tét. Vui nhứt là chiều ba mươi, cả nhà thức canh nồi bánh. Bánh tét nấu trong chảo đụng. Hai người mới khiêng nổi cái chảo đặt lên ba ông đầu rau ngoài sau hè. Phải canh chừng cẩn thận vì đôi khi bánh không cánh mà cũng bay đi mất tăm, chủ nhà còn nước đứng chưỡi đổng cho đở tức! Bốn người ngồi chung quanh nồi bánh. Củi khô nổ tí tách, thỉnh thoảng văng tàn đỏ như pháo bông.Thanh và Huy thay nhau kể chuyện vui khiến Trang và nhỏ Cúc cười lăn chiêng, quên cả buồn ngủ. Tới giao thừa thì bánh vừa chín. Bà Tân cúng giao thừa đón năm mới, rồi mọi người đi ngủ.

Sáng hôm sau khỏi cần kêu réo, ai củng tự động dậy thiệt sớm để sửa soạn. Hai tên đực rựa chỉ diện quần tây, áo sơ-mi là xong. Thanh pha hai ly cà phê rồi ngồi nhâm nhi với Huy trong khi chờ đợi phái nữ làm đẹp. Bà Tân coi cũng còn khá mặn mà trong chiếc áo dài gấm màu huyết dụ, nổi bông mai lan cúc trúc vàng ánh. Cổ đeo chuổi hột vàng, bông tai vàng. Chiếc cà rá hột xoàn chiếu lấp lánh nơi ngón áp út. Mái tóc muối tiêu bới như thường ngày, chỉ có giắt thêm cây trâm vàng mười tám cẩn hột trai óng ánh. Nhỏ Cúc từ trong phòng chạy ào ra như cơn lốc:
-Anh hai, anh Huy coi em đẹp không nè?
Thanh chọc em:
-Nhỏ này miệng còn hôi sữa...bò mà đã điệu quá trời!
Cúc chu mỏ:
-Xí, em mà còn hôi sữa hả? Cho anh hay trong lớp em...
Huy lật đật chen vô:
-Anh Thanh trêu bé thôi. Bảo đảm bé Cúc của anh xinh nhất. Chiếc áo đầm thêu hoa cúc tuyệt quá. Trông bé xinh như cô Công Chúa Bạch Tuyết.
Cúc ngơ ngác:
-Công Chúa Bạch Tuyết là ai vậy anh Huy?
-Là cô Công Chúa trong chuyện cổ tích. Thôi để lần sau anh sẽ mang về tặng Cúc quyển Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn.

Đang nói chuyện chợt Huy ngưng ngang, mắt nhìn sững về phía buồng của hai cô gái. Trang từ trong đó đang đi ra. Huy nhắm mắt lại rồi mở to ra tự nhủ có thể nào là cô Trang của những hôm trước đây??? Cô nàng thấy Huy nhìn mình đăm đăm thì mắc cở hai má đỏ hồng. Thanh quay qua thấy mặt Huy thộn ra coi thiệt tức cười, bèn đưa bàn tay quơ qua quơ lại trước mặt bạn, miệng hô lên:
-Bớ ba hồn chín vía thằng Huy. Có đi lạc ở đâu thì quay về cho mau.
Trang càng mắc cở:
-Anh hai. Bộ hổng chọc ngườì khác anh ăn mất ngon hả?
Huy đập vai bạn:
-Thôi mày. Bữa nay mùng một cấm chọc giận người khác.
Thanh làm bộ ngó trời ngó đất:
-Thiệt lạ quá, đâu có mưa gió gì mà sao có người bị sét đánh trúng vậy kià? Phải không Huy?
Huy cười cười đáp lững lờ:
-Ừ thì cũng có bị chút chút!...

Từ trước tới giờ, Thanh vẫn coi hai cô em còn nhỏ dại lắm. Bữa nay thấy thằng bạn thân bị em mình hớp hồn, Thanh mới để ý dòm kỹ và bỗng cảm thấy như đây là lần đầu chàng mới thật sự nhìn thấy em. Cái áo nhung màu hồng đào tôn làn da trắng mịn của Trang đẹp lên bội phần. Cặp lông mày nhổ khéo khiến đôi mắt đen huyền như to hơn. . Nàng đánh phớt một lớp phấn hồng lên má và đôi môi cũng được tô một lớp son hồng lợt. Cổ chỉ đeo cây kiềng vàng trơn. Tai đeo đôi bông hột xoàn nhỏ nhưng chiếu lấp lánh. Ngón tay giữa đeo chiếc cà rá nhận hột trai thật đơn sơ. Tóc chải kiểu tango phồng trước trán và mái tóc bữa nay được kẹp bằng chiếc nơ cùng màu áo. Ừ con nhỏ coi cũng đẹp quá, hèn chi... Thanh nghĩ thầm. Chàng mời bà Tân ngồi nơi bộ trường kỷ cho chàng và hai em chúc Tết trước khi đến nhà ông bà nội. Huy cũng bước ra chúc Tết mẹ bạn. Bà Tân lì xì cho mỗi người một phong bao đỏ lấy hên.

Ngoài đường thiên hạ dập dìu. Đám con nít rắn mắt đốt pháo chuột thẩy tùm lum, làm các bà các cô la oai oái! Nhà ông bà nội cũng trang hoàng rực rỡ. Bàn ghế, tủ thờ cẩn xà cừ được chú út lau chùi óng ánh. Ông bà ngồi chểm chệ trên bộ trường kỷ giữa nhà cho con cháu chúc Tết. Sau đó mọi người cùng ở lại ăn cơm trưa. Thịt cá, bánh trái ê hề. Người nào cũng "chở" hết nổi mới bỏ đủa...

Trở về nhà, bà Tân vô buồng nghỉ trưa. Ba anh em và Huy đem bộ bài cào ra chơi. Ăn tiền xu thôi. Mỗi lần kinh hoặc rút bài, lỡ hai bàn tay có chạm nhẹ nhau, Huy cảm thấy như bị điện giựt, còn Trang thì lúng túng không dám ngó thẳng Huy. Thanh cũng khám phá ra điều đó nên đưa mũi lên trời hít hít:
-Tết năm nay tui thấy không khí trong nhà này khác lạ. Nhưng chắc chắn là có người bị a... bị a...Thanh làm bộ tịch như đang kiếm chữ để diễn tả cái sự rất khó "diễn tỏa" kia...Trang bẽn lẽn đứng lên:
-Anh hai kỳ quá hà. Thôi em đi dọn chè xôi nước lên ăn. Cúc, vô phụ chị chút coi. Con nhỏ lon ton chạy theo Trang vô bếp. Còn lại hai người, Thanh nheo mắt hỏi:
-Tao đoán đúng không Huy? Em tao coi bộ hạp nhãn mày rồi?
Huy cũng hơi ngường ngượng:
-Cô ấy đẹp quá đi chứ. Theo tao Trang còn xinh đẹp, dễ thương hơn khối cô trên Sàigòn. Hễ có tí nhan sắc là kênh kiệu chịu không nổi!
Thanh vỗ vai bạn:
-Vậy mày còn chờ gì mà không "nhào dô". Em tao ưng mày tao đỡ lo nó " trao thân lầm tướng cướp!"
Huy nói cái thằng! Rồi chợt nhớ ra điều gì, anh chàng toét miệng cười:
-Sáng nay đằng nhà cụ, tao thấy chú út mày ốm tong teo như cây tre, còn bà thiếm lại vừa thấp vừa tròn như hạt mít. Đứng cạnh nhau trông giống hệt số 10, buồn cười ghê!
Nhỏ Cúc bưng chè lên nghe tiếng buồn cười bèn chất vấn liền:
-Anh Huy nè, em không hiểu tại sao anh buồn mà lại cười?
Huy ú ớ rồi giở giọng lý sự cùn: -Ối giời, buồn mà khóc là chuyện thường. Buồn mà cười được mới giỏi, mới hay. Giống như người Nam nói tức cười. Tức mà xụ mặt một đống thì kể số gì. Tức mà cười mới là oai, đúng không?? Nhỏ Cúc thấy cũng có lý bèn gật đầu.....

...Rồi ngày trở lên Sàigòn cũng phải tới. Từ hôm trước, bà Tân và Trang đã sửa soạn đủ thứ để Thanh đem lên nhà bác Đại. Lại còn gởi cặp gà mái tơ cho ba má Huy ăn lấy thảo. Huy cố từ chối nhưng khi nghe Trang nói anh không nhận má em buồn, tưởng anh khi dễ, là chàng bở vía phải nhận cả hai tay.

Cơm chiều xong, dọn dẹp rồi Trang đi tắm. Mái tóc được gội với xà bông cô ba thơm nhẹ nhàng. Nàng đứng dưới gốc cây bưỡi đơm bông trắng muốt gần nhà bếp, vừa chải vừa hong mớ tóc mây mượt mà. Huy từ trong phòng ngó ra thấy Trang đứng một mình, sau một hồi lưỡng lự bèn thu hết can đảm đi ra. Nhìn Trang mặc cái áo túi lụa màu mỡ gà, cánh tay trắng nuột, cầm chiếc lược đồi mồi chải tóc, đẹp như một cô tố nữ trong tranh, lòng Huy bồi hồi ngây ngất. Chàng kêu nho nhỏ: -Trang, Trang...

Đang thả hồn đâu đâu, Trang giựt mình suýt rớt cây lược. Nàng đưa bàn tay chận lên ngực:
-Ý, anh Huy làm em hết hồn.
Huy cười:
-Anh xin lỗi. Mái tóc Trang đẹp quá. Các cô ở Sàigòn bây giờ thích uốn tóc, nhưng anh vẫn yêu mái tóc dài xõa xuống lưng như của Trang.
Trang thật thà:
-Em ở nhà quê, uốn tóc người ta quở chết!
-Vì vậy mà anh thấy Trang đáng yêu bội phần. Mấy hôm ở đây anh thấy vui vô cùng. Mai anh về Sàigòn rồi, Trang có buồn không?
Trang thẹn thùng mặt ửng đỏ: -dạ em...dạ em...
Thấy cô gái nín lặng mắt nhìn xuông đất, Huy làm gan cầm bàn tay nàng bóp nhè nhẹ:
-Sao, Trang nói đi. Có buồn không?
Bị hỏi dồn, Trang lí nhí: -Dạ...dạ có!
Huy thở phào như trút một gánh nặng:
-Đừng buồn, hè tới anh sẽ theo Thanh về thăm em. Anh sẽ thưa bố mẹ anh xuống đây nói chuyện với má. Em ráng chờ anh nhé.
Trang bình tĩnh hơn:
-Dạ em chờ. Chỉ sợ nơi thành thị có nhiều cô gái đẹp dễ làm anh thay lòng thôi hà...
Huy đưa bàn tay Trang lên môi hôn:
-Anh thề. Trong lòng anh chỉ có Trang thôi, không ai có thể thay thế được.
Trang sợ sệt:
-Coi chừng có người thấy. Em sợ cái miệng nhỏ Cúc. Nó thấy là la um sùm, mắc cở chết!
Huy vẫn nắm chặc bàn tay Trang:
-Kệ. Trước sau gì người ta cũng biết. Chúng mình sẽ viết thư cho nhau nhé. Về Sàigòn anh nhớ em chết luôn. Hai người còn tỉ tê thêm một hồi mới chia tay. Nhưng đâu có thoát được cặp mắt cú vọ của Thanh. Tối trước khi ngủ Thanh hỏi:
-Sao mậy? "Chiện đó" tới đâu rồi? Chiều nay tao thấy có người đứng dưới gốc bưởi.... Huy cười:
-Chịu thầy! Xong rồi. Trang làm tao hồi hộp quá. Ra trường tao sẽ cưới Trang ngay.
-Ừ mày tính sao cho trọn. Em tao khổ là tao tùng xẻo mày đó thằng em.
-Sư mày! Chưa chi đã lên mặt đàn anh.
-Ủa, bộ mày quên tao là anh Hai thứ thiệt rồi hả?
Cả hai cùng cười. Ít phút sau Thanh ngáy khò khò. Huy trằn trọc mãi mới ngủ được...

...Về lại nhà, lúc soạn quần áo đem giặt, Huy chợt thấy một cái khăn mùi soa bằng vải phin trắng. Nơi chéo khăn có thêu mấy đóa bông trang màu hồng. Cầm chiếc khăn ngắm nghía chán lại đưa lên mũi hít, mắt nhắm nghiền, hồn bay tận chín từng mây. Từ đó những cánh nhạn xanh có, hồng có bay qua bay lại vù vù. Mỗi lần nhận được thơ là Trang đóng kín cửa phòng không cho nhỏ Cúc vô. Vậy mà nhỏ cũng ráng lục cho được cái hộp bánh bích qui, lấy xấp thơ của Huy ra đọc lén. Thơ nào cũng bắt đầu bằng câu: Cô Nam Kỳ bé nhỏ của anh, hoặc Cô Nam kỳ đáng yêu của anh.... và chấm dứt bằng câu: Một nghìn chiếc hôn cho người yêu bé nhỏ của anh... hoặc yêu em với tất cả con tim... dĩ nhiên con nhỏ chẳng hiểu gì ráo, nhưng thấy chị Trang bí mật quá mà, nên quyết đọc lén cho biết! Trên đời, chuyện càng bị cấm bao nhiêu càng lôi cuốn lòng tò mò bấy nhiêu!

Rồi xuân qua, hè tới. Thanh vớí Huy cùng ra trường. Thanh xin đổi về dạy ở Cao Lãnh. Huy xuống Vĩnh Long. Huy xin phép bố mẹ cưới Trang trước khi nhận nhiệm sở mới. Bà Tân hỏi con gái, giọng đầy lo lắng:
-Má nghe nói người Bắc lễ nghĩa khó khăn hơn người mình. Con liệu làm dâu nổi không?
Trang trả lời chắc như bắp: -Má à, má quên là tụi con sẽ ở Vĩnh Long chớ đâu có ở chung với ba má ảnh. Lâu lâu về thăm thì con chỉ việc cúi đầu dạ dạ là qua hết. Má đừng lo.
Bà Tân thở dài: -Ờ, thì tụi bây tính sao đó tính. Có gì đừng đổ thừa má hổng cản!
Phần Huy, gia đình chàng không phải là không có ý kiến. Bà mẹ có vẻ hơi lo lắng :
-Con đã suy nghĩ kỹ chưa? Mẹ thấy người Nam ăn nói bộc trực, không khéo léo, rất dễ mất lòng người khác. Hơn nữa chuyện cô Quờn ghen đốt chết luôn ông chồng khiến mẹ sợ quá!
Huy vội vàng trấn an :
-Mẹ yên tâm. Hồng Trang xinh đẹp, giỏi nội trợ và rất hiền. Con bảo đảm gặp mặt rồi là mẹ sẽ yêu cô ấy ngay.

Đám cưới Trang Huy diễn ra tưng bừng. Hàm răng đen nhánh và mái tóc vấn khăn nhung của mẹ Huy làm làng xóm ngạc nhiên quá đổi. Cặp uyên ương Nam-Bắc cho ra đời 3 tí nhau dễ thương hết sức: Hoàng, Hồng Lan và Hồng Mai.

Lúc còn dạy ở Vĩnh Long, anh chị may mắn có quen một người bạn trong Hải Quân, nên năm 75 họ kêu anh chị và ba nhóc tì lên tàu thẳng một lèo qua Guam và sau đó qua định cư bên Cali. Riêng vợ chồng Cúc được em chồng bảo lảnh qua Canada. Bà Tân mất vài tháng trước 75. Riêng gia đình Thanh kém may mắn, phải vượt biên năm 78 và đang định cư bên Úc... Thường thì Cúc hay qua Cali thăm chị. Rủ hoài nhưng chị Trang cứ hẹn.
-Hổng hiểu bữa nay sao bả lại cao hứng bất tử, đòi qua ăn Tết bên xứ tuyết lạnh lẽo này?
Cúc như chợt nhớ ra điều gì, cặp mắt chợt sáng như hai đèn pha:
-Anh ơi, em nhớ ra rồi. Năm nay vừa đúng 40 năm đám cưới của chị Trang. Tụi mình sẽ dành cho ảnh chỉ một "sự ngạc nhiên" thích thú. Em sẽ tổ chức một bữa tiệc kỷ niệm tưng bừng. Mời đám bạn bè của tụi mình tới hát Karaoké cho vui. Anh thấy vợ anh có sáng kiến hay chưa?
Hưng lại giở giọng Út Trà ôn:
-Hỡi ơi, còn ai hiểu vợ anh hơn anh nữa??? Ừa, anh thấy cái hỗn danh mà hồi xưa anh Thanh với chị Trang đặt cho em "nhỏ Cúc xí xọn" sao mà đúng "chăm phần chăm"...
Cúc véo vô bắp vế Hưng một cái đau điếng:
-Cho chừa cái tật nói xấu vợ! Thôi ra coi hockey đi cho em dọn dẹp. Chuyện chị Trang hạ hồi phân giải.
Hưng đứng lên cái rột :- Xin tuân lịnh...bà lớn!
Cúc trợn mắt :
-Nè, bộ muốn có ...bà nhỏ hay sao mà bữa nay phong tui lên chức bà lớn vậy cà? Nói thiệt đi cho tui còn liệu...mua xăng!
-Chi vậy cưng?
-Chèn đét ơi. Bộ anh quên chuyện cô Quờn rồi hả?
Nghe tới đây Hưng vội vàng đưa tay lên trời :
-Xin Thượng đế làm chứng cho con. Đời con chỉ yêu có một nàng. Đó chính là "cô Cúc xí xọn"!
Cúc cười xòa :
- Thôi được rồi. Tha cho anh.
Hai đứa nhỏ đưa mắt nhìn nhau: Thiệt hết ý hai cái ông bà già này!!!...

Tiểu Thu