văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, August 25, 2011

DU TỬ LÊ * Em có buồn riêng đôi sớm mai,



Em có buồn riêng đôi sớm mai,
em có buồn riêng đôi sớm mai
con đường có những đoạn chia phôi

cánh chim dấu những mùa di trú
ta dấu hờn, ghen góc trái này.
(Thơ DTL.)

Những trận bão rớt bất ngờ trả lại cho bầu trời nam Calif. chút quang đãng tưởng đã bị lũ, băng băng nhiều ngày cuốn phăng ra biển. 

 
Chút quang đãng chưa đủ cho những bầy hải âu cảm giác an tâm, hưng phấn dang đôi cánh tựa những chiếc nấm-dù bé xíu bập bềnh trôi giữa biển trời quen thuộc.

Những con sẻ nâu cũng ngậm tăm trong những chiếc ổ ken dưới những kẽ mái mà, những cọng rác rớt ngoài tổ bị gió táp, nhồi giận dữ. Có cọng lâu lâu nhỏ xuống mặt hè dăm ba giọt nước. Như những tiếng nấc lẻ loi đi ra từ giấc mơ vu vơ niềm tuyệt vọng nào đó của chúng. 
 
Giống người ngủ nướng chưa đành rời khỏi gối, chăn, bão rút nhưng vẫn rán để lại sau đuôi những lưỡi dao bén ngót liếc trên da, thịt. Mưa nhỏ như những mái tóc dịu dàng làm dáng chảy xuôi trên đôi vai sớm mai còn ngậm hương đêm êm, ấm.  
 
Đó là buổi sáng mồng bốn Tết. Là hành lang hẹp nhà hàng Tài Bửu. Nơi tôi vẫn tìm tới mỗi sớm mai những ngày chẵn trong tuần. 
 
Một sớm mai như sáng nay, sau khi bất ngờ nhận được điện thoại chúc tết của P.T. từ Saudi Arabia, tôi không có ý chờ đợi Thuần, Quỳnh, Chương, Liệu, Tuấn, Thao…Tôi càng không có lý do chờ đợi Sỹ Hoàng chưa hết… “nhiệm kỳ” ở Việt Nam. Sỹ Bùi chưa được cấp giấy phép. Sum còn bận rộn với đám “amiga” của anh. 
 
Một sớm mai như sáng nay, tôi cũng không chờ đợi sự xuất hiện của một Ngô Gia Truy. Truy vẫn tiếp tục treo trí tưởng mông lung của một người lính bị bắt buộc buông súng trên những nhánh, cành sồi khô máu. Nhưng vẫn ngạo mạn vượt trên những tòa building bên kia đường Forbes từ góc café Lily, sát vách Studio Thái Đắc Nhã. 
 
Tôi càng không có ý chờ đợi Hưng. Bạn tôi từ mười mấy năm qua đã chọn cho mình chiếc ghế cố định bên trong khu thương xá Phước Lộc Thọ. Nơi Hưng biết dù mưa, gió, bão, lụt nếu tìm tới bao giờ anh cũng được những người bạn H. O. của anh đón chào như những dòng nước thất lạc, chông chênh xuôi về điểm trũng. (Chỗ ngồi và những người bạn của Hưng từng được Trương Trọng Trác mang vào cột mục  riêng của mình, nhiều lần trên bán nguyệt san Ngày Nay ở Houston khi Trác còn tại thế.) 
 
Tôi cũng không trông ngóng sự xuất hiện của Bành Nho, dù anh đã trở lại đây sau gần mười năm gò lưng trên những chậu cây bonsai (như những tiểu phẩm nghệ thuật) và một góc công viên Tao Đàn Saigòn. Trở về của Bành Nho đồng nghĩa với sự trở về của nghiệp “vằn-thắn-mì” - - Tay chơi một thời từng được cố nhà văn Mai Thảo yêu mến lắm (sau chuyến đi Hồng Kông tầm…tài tử Hồng Kông do Đỗ Vẫn Trọn khởi xướng.) 
 
Tôi biết giờ này cùng với dẫy lò ga cực mạnh, bạn tôi đang vũ lộng ngón võ “song thủ hổ bác” trong cuộc tranh chấp sinh tử với những ngọn lửa hừng hực, phần phật lao lên, đòi lấy đi chí ít cũng một phần tóc của anh. Trong khi chiếc bóng đen đúa của anh lại lao chao gẫy, gập in xuống nền gạch láng bóng dầu, mỡ.  
Đúng. Tôi không có ý chờ đợi nhiều người. Thí dụ VT. Dương. Tôi biết anh đang loay hoay với sợi gân chân bị bong ra của người bạn đời tào khang của anh. Tôi biết NH. Phương đang bận rộn với nhu cầu…cấp bách: Phải phân phối cho hết hàng trăm bao “lucky money” khi anh chưa ra khỏi trùng vây của trận đau đầu năm, mà Đức Đạt Lai Lạt Ma lại đang chờ vợ chồng anh ở Los Angeles. NĐ. Thuần có thể đang ngược xuôi giữa nhà, trường học hay vài ngôi chợ nào đó của Hương...

Không phải tôi chưa từng ngồi đây một mình. Rất nhiều buổi sáng tôi ngồi một mình. Ngắm nhìn những ngọn cây xương cá như những người bạn bị lóc hết thịt, da bên kia lộ. Hoặc những gốc anh đào non như những đứa con chưa một lần quay lưng lại tôi, trước nhà hàng Tài Bửu.

Rất nhiều buổi sáng tôi ngồi một mình. Cười một mình. Sau khi dạo chơi khu “Chợ trời chữ, nghĩa”. Khu chợ bán đủ thứ sản phẩm. Những sản phẩm mà khách hàng không thể tìm được nơi bất cứ một khu chợ trời bình thường nào khác trên thế giới.
Ở khu “Chợ trời chữ, nghĩa” này, người ta rao bán cả những món hàng từ liêm sỉ tới độc quyền sự thật. Độc quyền chân lý.  Làm như chân lý hay sự thật vốn là những đồng bạc cắc có sẵn trong túi họ!!!… 
 
Tôi cười một mình! Cho là may mắn được sống tới ngày hôm nay để dạo chơi, viếng thăm, chiêm nghiệm loại chợ trời độc đáo này. 
 
Nhưng sáng nay tôi có ý chờ Thuần, Vỵ. Những người bạn từng cùng tôi cảm được trong nắng cuối năm, danh sách những nấm mồ cũ / mới anh em…


Những “sinh ký, tử quy” mà “trở về” không mang ý nghĩa tốt lành. Những “tử quy” này chỉ làm nặng thêm gánh đời người ở lại.


Tôi có ý chờ Thuần, Vỵ. Những người bạn trẻ từng cùng tôi nghe được tiếng thở dài kín đáo của những trang sổ đời mình. Những con số biết nói. Những con số trên / dưới số âm. Những con số thực chứng sự kéo dài lệt bệt bế tắc của thời gian quê người u, oải. 
 
Tuy nhiên trên tất cả với chúng tôi, vẫn là niềm khắc khoải về một giải quê nhà, hút. Hút.
Sáng nay họ vắng mặt. Một vắng mặt bất thường? (Hay bình thường như cuộc đời còn / mất?) Bên cạnh tôi chỉ có NĐ. Sửu và những chiếc ghế lạnh kê dọc hành lang, hướng mặt vào con đường Westminster ngược / xuôi nối liền nhiều thành phố. Cũng như tôi phải chúng đang tìm, ngóng bạn?


Sáng nay bầu trời nam Cali cho lại chúng tôi chút quang đãng. Nhưng chút quang đãng chưa đủ cho những bầy hải âu cảm giác an tâm, hưng phấn dang đôi cánh tựa những chiếc nấm-dù bé xíu, bập bềnh trôi giữa biển trời quen thuộc. 
 
Trên cao, dưới mái hiên, đâu đó những cọng rác rơi ngoài tổ. Mưa nhỏ. Những cọng rác bị nguyền rủa. Như hơi thở hắt ra của những con sẻ nâu từ giấc mơ tuyệt vọng, vu vơ nào.
Chúng tôi ngồi trong im lặng. 
 
Tôi không thấy cần thiết kể với bạn tôi hôm qua mồng Ba Tết, là ngày giỗ thứ 59 của anh cả tôi. Anh tôi bị máy bay Pháp bắn chết trên một bờ đê ở Nho Quan 1951, khi anh theo cơ quan tản cư khỏi Phủ Lý.


Hôm qua mồng Ba  Tết, cũng là ngày chị Uyển / Oanh vợ của anh cả tôi mất được 4 tháng 13 ngày ở Phú Lâm B, nay thuộc quận 6, Saigòn. Tôi biết 49 ngày của chị Uyển / Oanh nhờ chị Tâm tôi ở đây mới điện thoại nhắc…


Tôi im lặng. Như đã từng im lặng rất lâu khi được tin chị dâu của chúng tôi từ trần.
Tôi cũng không thấy cần thiết kể với bạn tôi rằng chị Uyển / Oanh là người mẹ thứ hai của tôi, kể từ ngày anh tôi chết. Chị đem chị Tâm tôi và tôi ra Hà Nội, sống với chị trong căn phòng nhỏ nơi ngôi nhà sâu hoắm, tựa một đường ống dài ngoằng ở phố Phúc Kiến, trước mặt một ngôi trường Tầu.

Tôi sống với chị Uyển / Oanh tôi như một đứa con đầy chứng, tật, lèo nhèo không chịu lớn của chị. 
 
Mùa đông Hà Nội trong chăn bông, trong vòng tay ôm của chị, trong giấc ngủ, tôi “vô tư” sờ ti chị những đêm không có mẹ…
 
Hôm nay giờ phút này tôi và bạn tôi cũng im lặng.
Chúng tôi nghe mưa. Mưa nhỏ. Như những mái tóc dịu dàng làm dáng chảy xuôi trên đôi vai sớm mai còn ngậm hương đêm êm, ấm. 
 
Chúng tôi im lặng. Tôi không thể mở miệng chúc mừng Sửu: “Năm Mới!”
Năm” có thật “mới” không để mừng? Hay năm thêm cũ để buồn thiếu quê hương và, tuổi già càng thêm sắc xuống, muộn phiền?   
 
Bạn tôi còn tham vọng gì chăng để trông đợi nơi tôi lời chúc tốt?
Tôi e là không. Anh đã ngoài bảy mươi. Trước Tết anh mới giải phẫu mắt. Sau vài tuần được gỡ băng, anh chuẩn bị về Việt Nam. Nhưng mấy ngày gần đây,  áp xuất nơi mắt tăng đột ngột. Bác sĩ lại bắt băng kín. Bạn tôi trở thành “độc nhãn tướng quân” bất đắc dĩ!
Riêng tôi, mỗi sớm mai mở mắt, biết mình còn sống, với tôi đã là một hạnh phúc lớn! Mặc dù gần đây, những sớm mai lại cho tôi nhiều nỗi buồn cũ / mới. Những nỗi buồn tôi đã chạm mặt, đã sống cùng, trên dưới hai chục năm trước. 
 
Đó là thời gian mẹ tôi mất. Thời gian thân, tâm tôi và mọi liên hệ tình cảm như những chiếc xe xúc gạch hất tôi xuống vực hoảng, loạn.
Đó cũng là thời gian tôi ghi xuống vài câu thơ cho mình:
em có buồn riêng đôi sớm mai
con đường có những đoạn chia phôi
cánh chim dấu những mùa di trú
ta dấu hờn ghen góc trái này… 

 
Khi bạn tôi Phạm Gia Cổn tháp cho bài thơ đôi cánh âm nhạc, anh không có một câu hỏi nào cho tôi. Sau khi hát thử cho tôi nghe, anh chỉ đặt tay lên ngực trái mình. Như thể anh muốn thăm dò hoặc kiểm soát nhịp tim của anh. Tuy nhiên, anh rất tự tin khi cho biết anh đã chọn được ba nốt nhạc, không thể thích hợp hơn cho ba chữ cuối bài thơ: “…Cõi tuyệt. Mù!”
Nhưng nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng người thứ hai mang lại cho bài thơ, một “version” âm nhạc khác thì có.  
 
 Anh bảo, sớm mai là thời điểm khởi đầu một ngày mới. Thời gian của mặt trời lên. Niềm vui hay hy vọng cũng theo hoa nở, chim hót mà hiện hình. Người ta quen nói buổi chiều hiu quạnh. Nhưng không mấy ai nói sớm mai buồn… 
 
Anh kết luận:
Tôi hỏi thật ông, ông lấy ở đâu ra những nỗi ‘buồn riêng’ trong những ‘sớm mai’  như thế?”
Tôi nhớ tôi nói, chính tôi cũng không biết tôi “lấy” từ đâu ra cái “buồn riêng đôi sớm mai” kia?
Tôi nhớ cuối cùng tôi thú nhận, “tôi thua ông ơi!” 
 
Tôi “thua” không phải vì câu hỏi bất ngờ mà vì, quả thật chưa bao giờ tôi có ý tìm kiếm sâu xa nguồn gốc của những sớm mai khi vừa tỉnh dậy, tôi đã thấy mình sao buồn quá đỗi!?!
Cũng chưa bao giờ tôi tự hỏi tại sao có lần ý tưởng tự tử lại đến với tôi vào cái giờ khắc tinh khôi của một ngày mới nhú. Nhưng bây giờ, tôi hiểu.


Ký ức khi quay ngược những vòng quay ăn khớp với những chiếc răng cưa quá khứ, nó có thể giúp ta giải mã được một số điều tưởng chừng không cách gì hiểu nổi. 
 
Tôi nhớ suốt thơ ấu, tôi luôn sống trong mặc cảm bị bỏ rơi. Bị lãng quên. Bị hắt hủi… từ những sớm mai thình lình tỉnh giấc, tôi quơ tay tìm mẹ. 
 
Thời gian ấy tôi còn được sống với mẹ tôi ở Kim Bảng Phủ Lý. Thời gian ấy như tôi nhớ, quê tôi có rất nhiều phiên chợ sớm. Những ngày họp chợ mẹ tôi đều thức sớm cùng người làm mang hàng ra chợ. Tôi không biết mẹ tôi bán buôn những gì! Chỉ nhớ mẹ tôi lúc nào cũng tất bật, tựa nếu không vậy thì mẹ tôi sẽ không thể duy trì được những cơ ngơi thầy tôi để lại sau khi mất và nhiều phần chúng tôi sẽ chết đói. 
 
Khi ấy, tôi còn quá nhỏ để hiểu việc nuôi sống chúng tôi quan trọng hơn việc tôi bị vứt bỏ, lãng quên trong bóng tối của ngôi mộ nổi, leo lét bóng, hình người chết. 
  
Ngay thời gian được sống với chị Uyển / Oanh ở Hà Nội, tôi cũng thường xuyên chạm mặt với mặc cảm bị hắt hủi. Bị lãng quên. Như thế.

Sau này tôi hiểu những buổi sáng mùa đông chị Uyển / Oanh tôi phải dậy sớm, lò mò trong bóng tối lo đun nước sôi, pha nước nóng rửa mặt, thay quần áo cho tôi… Trước khi chị đưa chúng tôi ra xích lô tới ngôi trường đường Hàng Vôi. 
 
Những sớm mai thơ ấu kia của tôi, thường chấm dứt trong nước mắt tủi thân, rồi giấc ngủ thiếp.  
 
Lớn lên vào đời, cuộc sống với những con trốt lớn cuốn tôi đi như cuốn một cọng rác, tôi bẵng quên mình. Thơ ấu.

Nhưng gần đây, gần đây thôi, tôi không hiểu bắt nguồn từ nghiệp duyên sâu xa nào cái cảm giác bị bỏ rơi. Hắt hủi. Lãng quên. Trở lại. 
 
Đó là những sớm mai tôi thấy tay tôi khua khoắng, chơi vơi giữa khoảng không khốn kiếp. Tôi thấy tôi hốt hoảng vói theo, như muốn chụp giữ bạn tôi…Nhưng trực giác cho tôi biết: Muộn rồi. Chậm mất rồi. Thu tay về, tôi lắng nghe hơi hướm bạn tôi còn đầm đìa chăn, gối…
 
Bây giờ tôi không còn bắt gặp mình khóc thầm, vụng trong chăn. Nhưng những lần không cố gắng tự kiềm chế, tôi vẫn thấy mình đã chảy nước mắt. 
 
Nhưng cũng bây giờ, khi có thể trả lời câu hỏi “lấy” từ đâu ra những nỗi “buồn riêng đôi sớm mai” kia thì không còn ai hỏi tôi câu hỏi ấy! Dù cho những nỗi buồn sớm mai vẫn còn đấy. 
 
Chúng sẽ mãi còn đấy cả khi tôi không còn nữa!  


Du Tử Lê.