Bà sử dụng điêu luyện nhiều thể loại tạo hình: đồ họa, màu nước, tranh lụa, sơn dầu, sơn mài. Tiêu biểu nhất, và làm nền cho nghệ thuật Tranh Trí là tranh lụa.
Hai nét chính trong tranh Thanh Trí là thanh tú và trí tuệ. Hai từ « thanh » và « trí » kết hợp ở đây là do tình cờ, một hạnh phúc của ngôn ngữ.
Thanh tú: thanh là trong sáng; tú là tươi đẹp, mà còn có nghĩa là thêu, vẽ, bằng ngũ sắc. Màu sắc thiên nhiên và nhân tạo làm nên bản chất của hội họa. Thanh tú vượt qua vẻ tao nhã trong mỹ nghệ, vươn đến những cảm xúc mãnh liệt hay xoáy xuống đáy uẩn khúc của tâm tư để làm nên nghệ thuật.
Trí tuệ là vế thứ hai, như thành phần đối xứng thường gặp trong thiên nhiên trên một chiếc lá chẳng hạn. Trí tuệ nơi đây là một suy tưởng, hay nhiếu ý nghĩ đồng quy, bồi đắp vào quá trình hình thành một bức tranh. Trí tuệ là thành tố, có khi đến trước, như gợi hứng, nhưng nó chưa phải là nội dung như người xem có thể hiểu lầm. Nội dung bức tranh là tổng thể họa phẩm, tạo nên rung cảm cho người xem, có khi vượt qua dụng tâm và dự đoán của tác giả.
Đây là một điểm lý thuyết thẩm mỹ, cần nắm bắt để thưởng ngoạn, đánh giá đúng mức một họa phẩm, thậm chí một họa tiết. Ví dụ, không tiêu biểu nhưng cụ thể và đơn giản nhất, năm nay Đinh Sửu, năm trâu, Thanh Trí vẽ trâu. Nhưng đây không còn là con trâu đinh sửu, mà là hình tượng thân thương hiện ra từ kỷ niệm, tâm thức của họa sĩ, do đó Thanh Trí âu yếm thực hiện hai bức tranh dưới đề tài «đôi bạn» (trâu) và «Mẹ con» (trâu). Một mặt dùng những đường nét mảnh mai, màu sắc dịu nhẹ để thăng hoa đời sống cần lao, lam lũ ở nông thôn, mặt khác tạo được niềm huyền đồng cảnh-vật-người, là chủ đề thường xuyên trong tranh bà. Cũng như danh họa Nguyễn tư Nghiêm hàng năm vẽ tranh con giống theo âm lịch, nhưng nội dung vượt hẳn mười hai con vật theo can chi.
Tiếng Việt ta có từ láy «vẽ vời», nghĩa hẹp là kiểu cách, bày vẽ vô ích. Trong hội họa, vẽ là vời, là mời gọi. Năm Sửu mời gọi con trâu; trâu vời gọi tình đôi lứa, đưa đến tình mẹ con, tất cả dẫn đến bức tranh, làm nên thế giới nghệ thuật. Đi cày, ai cũng biết đặt trâu trước cái cày; nghệ sĩ không được cái may mắn của nông phu: cầm cây cọ, trước giá vẽ, có khi anh không biết đâu là con trâu, cái gì cái cày. Có bột mới gột nên hồ, ai cũng biết vậy, nhưng trước một họa phẩm, đâu là bột, đâu là hồ, người xem phải phân vân.
Phân vân là đòi hỏi của mỹ cảm. Trước vẻ tráng lệ của cánh đồng hướng dương, chúng ta say đắm chẳng chút phân vân, như khi đứng trước họa phẩm « Hướng duơng» của Van Gogh. Nhìn cành hoa huệ, rồi nhìn sang tranh Tô ngọc Vân, trước đóa hoa sen rồi ngắm tranh Monet, hay Nguyễn Sáng, cũng vậy thôi. Tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi chút phân vân tư lự, rồi mới đắm say. Nhìn hoa huệ, hoa sen anh không cần, không nhất thiết phải góp phần vào tạo vật. Nhìn tranh, anh phải tham dự, có khi đồng tác với tác giả làm nên một trinh tiết mới cho họa phẩm.
Trâu là vật thực, tình bạn, tình mẹ con là tình thực; cũng như những con chim bồ câu thường xuyên xuất hiện trong vũ trụ Thanh Trí, là vật thực. Nhưng vào đến tâm thức chúng ta hôm nay, nó biến hóa thành huyền thoại. Như lối lắp ghép của Max Ernst, Thanh Trí lắp ghép những mảng truyền thuyết, chính bà cũng ý thức khi đặt tiêu đề một bức tranh lớn « Đất Mẹ và Huyền thoại». Bà vẽ một người mẹ nằm nghiêng ôm con vào lòng. Người mẹ quá trẻ so với tuổi con, tha thướt áo dài, chiếc nón lá che chân, giữa nhiều tàu lá chuối lót nền, bên bờ nước. Người mẹ tay ôm con, tay cầm ba nhánh hoa sen. Phải là ba nhánh. Trong góc trên bên trái, có thêm rồng bay lượn giữa tinh vân rạng rỡ. Hai mẹ con lim dim, an giấc, đứa bé tay vẫn cầm con chim hòa bình. Không có một lô gíc nào cả trong bức tranh, ngoài việc lắp ghép những mảng huyền thoại. Những họa tiết kể trên mang nặng nội dung biểu tượng, đến từ một lối vẽ ít được sử dụng trong nghệ thuật hiện đại, nhưng vẫn còn một lớp quần chúng ưa chuộng. Điển hình cho lối vẽ tượng trưng này, mà có người cho là minh họa, là bức Guernica nổi tiếng của Picasso hay một số tác phẩm Chagall. Yếu điểm và nữ tính trong tranh Thanh Trí là ở chỗ này chứ không do khí hậu lụa là như có người nói. Ta còn bắt gặp trong tranh các nữ họa sĩ trẻ hơn, như Bùi Suối Hoa hay Đinh Ý Nhi nhiều chất truyền kỳ và ký sự, dù các cô sử dụng kỹ thuật khác hẳn với tranh lụa cổ truyền.
Khi đổi chất liệu, nội dung tranh cũng thay đổi thay do yêu cầu kỹ thuật, nhưng không xê xích nhiều. Tranh sơn dầu Thanh Trí đường nét giản lược, nhưng màu sắc quyết liệt hơn, có khi đạt thành quả mới lạ. Nhất là với tranh trừu tượng, có lúc làm tác giả lúng túng, không biết đặt tên, gọi là «vô đề», có khi bà nối kết được với tập quán, gọi là «Hành trình của đá». Địa chất cũng có lý lịch và oan khiên của nó ?
Tranh sơn mài của Thanh Trí rất đẹp, hào hoa và truyền cảm, tiếc rằng bà vẽ không nhiều, có thể vì loại tranh này đòi hỏi nhiều đầu tư công sức. Nhưng bà thành công, vì thoải mái trong thể loại cổ truyền, hợp với tạng vẽ công phu, lối suy nghĩ căn cơ. Tranh sơn mài tĩnh lược đường nét tối đa, buộc Thanh Trí phải tiết chế tài hoa. «Hoa tay» là sở trường của khách tài tử vẽ chơi, mà là sở đoản của họa sĩ chuyên nghiệp: hội họa đương đại ưu đãi những mảng màu lớn thay vì những đường vờn tinh tế. Do đó, sơn mài dù không phải là sở trường, mà lại gạn lọc và tổng hợp được các thể loại tạo hình của Thanh Trí: giàu chuyển động mà trầm lắng, chan hòa ánh sáng mà vẫn e dè kín đáo. Tóm lại là thanh tú và trí tuệ.
Trí tuệ ở tranh Thanh Trí là những dòng suối trong, đồng quy về tình cảm, phục vụ lý tưởng. Thanh Trí là kẻ tham lam, khát khao thanh sắc, ánh sáng và chuyển động. Bà đổ dồn vào khung tranh tình yêu vạn vật, nhân loại và đất nước, với nhiều kỳ vọng và một thoáng u hoài.
Đến với Thanh Trí trước tiên là đi tìm nghệ thuật. Cuối cùng sẽ gặp Nguồn Sống.
Và Nguồn Sáng.
Đặng Tiến
[1] Phụ lục tiểu sử : Nguyễn thị Thanh Trí tốt nghiệp ưu hạng khóa 1 (1957-1961) trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế ; Khóa Sư phạm hội họa Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, 1962.
24 năm dạy hội họa tại các trường : Nữ Trung Học Nha Trang, Hàn Thuyên (Nha Trang) ; Nguyễn Du, Văn Hiến (Sài Gòn). Đến Hoa Kỳ, 1987, thời gian đầu hành nghề họa sĩ tự do. Tu nghiệp về hội họa và tốt nghiệp Design Drafting, 1993, tại Cosumnes River College Sacramento.
Đã tham dự trên 26 cuộc triển lãm chung và cá nhân tại Việt Nam và nhiều quốc gia từ 1965 đến 2005. Cuộc triển lãm gần đây nhất, tại miền Nam California Hoa Kỳ, tháng 4 năm 2005.
Đã được các giải thưởng: The League Of Carmichael Artists Presents (Silence Color), Sacramento Fine Art Center (Old Man) ; California Art League (Reflection) ; The League Of Carmichael Artists Presents (The nature’s color)
Tác phẩm đã xuất bản: Tranh và Thơ Thanh Trí (Hoa Kỳ, 2004).