văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, August 25, 2011

MANG VIÊN LONG * MỘT THỜI ĐẺ NHỚ...


Thương nhớ tặng những học sinh cũ ở Tuy Hòa- Phú Yên một thời…

Tôi đến thị xã Tuy Hòa lần đầu tiên vào một buổi chiều tháng 6 năm 1966 theo giấy bổ nhiệm của Bộ GD sau khi ra trường SP. Trước ngày chọn nhiệm sở theo thứ tự ưu tiên điểm số tốt nghiêp-Phú Yên được xem là một nhiệm sở tốt-rất nhiều sinh viên muốn đến; tôi đã nghe nói về thị xã Tuy Hòa như một miền đất yên lành, phong phú! ( đã “ phú” rồi mà còn “ yên” nữa ).Tỉnh Phú Yên chỉ được phân bổ 8 người-tôi là người thứ 2 được ký tên vào giấy nhận nhiệm sở đã được in sẵn. Cuộc đời tôi đã bắt đầu thay đổi-bắt đầu gắn liền với Tuy Hòa từ đây…


Một người bạn đã có thời ở Phú Yên kể cho tôi nghe về cái thị xã nhỏ nhắn, yên tĩnh, xinh đẹp mà anh nói khi rời khỏi nơi đây anh mãi nhớ! Thị xã sạch, xanh-lặng lẽ như một thôn nữ diệu hiền-người bạn nói văn vẻ như vậy. Theo lời anh-đây là một khu phố hiếm có thời này vì không có snack bar, lính Mỹ và gái nhảy! Nghe vậy-tôi rất vui, vì tôi đã quá chán những đường phố nhằng nhịt những quán bar, những âm thanh rập rình nhạc twist , những gương mặt tô trét son phấn nhầy nhụa…

Chiếc máy bay loại cánh quạt của hãng hàng không Air VN đáp xuống phi trường Đông Tác khoảng ba giờ chiều. Xe ca chuyễn vận hành khách vào thị xã đến trạm Tuy Hòa nằm trên đường Trần Hưng Đạo ngay sau đó. Lần đầu tiên được nhập vào dòng sống thị xã xa lạ tôi không khỏi bỡ ngỡ với từng con đường mình đang đếm bước.Tôi dừng lại ở Ngã Năm-đón một chiếc xích lô-móc ở túi áo ra cái phong thư- xem kỹ lại một lần nữa: “ Bác cho cháu xuống số nhà 63 THĐ”. ( Người bạn đã cẩn thận viết cho tôi một lá thư gởi gắm tôi cho gia đình một người bạn rất thân của anh).

Tạm có nơi nghỉ chân –tôi thong thả ra phố-đi loanh quanh theo mấy con đường dày bóng cây-yên vắng và lồng lộng gió nồm! Lòng đường như rộng hơn . Thời gian lướt qua cũng nhẹ nhàng chập chạp hơn.Tôi cảm thấy lòng mình nao nức như lâu ngày được trở lại chốn xưa. đang réo gọi. Tôi hân hoan hít thở cái không khí yên lành Tuy Hòa với niêm vui lạ lẫm hiếm có! Tôi đi thật chậm-đi mãi miết-nhìn ngó phố xá người xe Tuy Hòa mà lòng thật đầy niềm vui! Niềm vui mới mẻ tràn đầy sức sống của người thầy giáo trẻ là tôi khi tuổi đời vừa chẵn hăm hai.

Từ căn phố 63 Trần Hưng Đạo ngủ đêm đầu tiên ấy cho đến ngày tôi rời xa Tuy Hòa-Tôi đã di chuyễn chỗ trọ nhiều lần trong gần 12 năm dạy học ở đây. Muời hai năm-thời gian không nhiều, nhưng với hơn bốn ngàn ba trăm ngày đêm sống với Tuy Hòa tôi đã có thật nhiều kỷ niêm không bao giờ quên với trường lớp, với học trò, với đồng nghiệp, với những bạn văn thân yêu.. Thời tuổi trẻ thơ mộng dạt dào ước vọng của tôi dường như chỉ có ở đây. Gắn chặc nơi đây-với từng tên gọi, từng gương mặt,từng góc quán, từng con đường, từng nỗi buồn vui thế sự…
Ngôi trường đầu tiên tôi đến nhận lớp là Trường Hòa Vinh-huyện Hiếu Xương. Trường cách xa thị xã gần 12 cây số nằm trên quốc lộ-xe Lam chạy khoảng 30 phút.Tôi đã sống gắn bó chí tình với đám hoc trò quê mùa chơn phác ấy hơn ba năm. Biết bao niềm vui của thuở ban đầu làm nghề “ gõ đầu trẻ” của tôi đã gắn liền ở đây.Và hôm nay- trong đám học trò cũ năm ấy là Trương Lợi, Nguyễn Viết Chánh đang làm Hiệu Trưởng và Hiệu Phó- ngay ngôi trường mình đã học. Có Lê Hiền . Nguyễn Tấn Thả . Có Lê Đức Thọ .Có Nguyễn Văn Hùng làm Giám đốc Công ty. Có Nguyễn Tấn Hiệu, Trương Ngọc Cẩm, Huỳnh Văn Nghệ, Trương thị Hồng Mai, Nguyễn Thị Sen, Trần Thị Hương, Minh Nguyệt, Tuyết Nhung, Kim Phượng (..)-là những người học trò nhỏ nhắn nặng tình năm xua nay đã trưởng thành tốt đẹp- có người trong số ấy đã “ lên chúc” bà Ngoại, ông Nội rồi! Khi có dịp ghé thăm lại Tuy Hòa-tôi chỉ phone báo tin cho một người thì cả nhóm đã có mặt sum vầy như thuở nào.Thầy trò cùng cụng ly, cùng nhau kể lại bao tâm tình khi xa cách nhớ thương.Chúng tôi đã cùng nhau đến thăm viếng từng gia đình trong niềm hân hoan , hạnh phúc không thể nào quên ! Lần nào cũng vậy-khi tiễn tôi lên xe trở về quê, lại cũng có quà tặng, những lời cầu chúc chân tình, và những hứa hẹn tái ngộ. Một dịp xúc cảm như vậy-tôi đã viết được truyện ngắn “ Nghề Thầy Không Bạc Bẽo”để mong ghi lại những kỷ niệm. tình cảm một đời ấy với đám học trò thủy chung son sắc của mình.

Nhiệm sở sau cùng của tôi là Trường Trung học Tổng Hợp Nguyễn Huệ. Tôi được người bạn đồng nghiệp dành cho một căn phòng trong ngôi biệt thự của anh nằm ngay đầu đường Hoàng Diệu.Phía trước sân và chung quanh vườn trồng nhiều hoa - gia đình người bạn có mở một quán café đề làm nơi găp gỡ bạn bè đồng nghiệp -văn nghệ , những lúc nhàn rỗi . Tôi đã đặt tên cho chiếc quán xinh xắn ấy là “ Quán Cây Phuợng”. Nơi đây-nhiều nhà thơ-nhà văn-nhạc sĩ trong cả nước cũng thường tìm đến thắm mỗi khi có dịp ghé lại Tuy Hòa. .Ngày chủ nhật hay được nghỉ lễ-học sinh của tôi ở Nguyễn Huệ cũng thường vào phòng tôi trọ “ mời thầy uống với tụi em ly café” đều đều . Trong những lần gặp gỡ thân tình gần gũi- tôi hiểu thêm được tâm trạng, hoàn cảnh và ước vọng một đời của học trò mình-của tuổi trẻ trong thời chiến với bao nỗi ưu phiền .Từ nhà người bạn đến trường chỉ cách hơn 200 mét. Con đường rợp bóng cây-nên tôi vẫn thường đi bộ thong dong đến lớp đề được dắm mình trong con đường ngắn mát ngan ngát hương Lài này. Con đường mà tôi đã từng đi vể bao lần luôn có những tà áo trắng, áo xanh phất phơ dập dìu như bầy bướm-những tiếng cười dòn ấm áp vang động của một thời son trẻ thơ ngây – tất cả đã khiến con đường trở nên quyến rũ với tôi khi có giờ đến trường. Trong những tiết cho các em thực tập áp dụng từng thể loại thơ đã học-tôi vẫn thương ‘ ra đề’ về con đường đầy ắp kỷ niêm này-và đã nhận được bao vần thơ xinh đẹp!

Hơn 35 năm đã qua-những Trương, Ngọ, Tất, Dạn, Phúc. Hùng, Cẫm, Minh (…) và những Tiểu Hương, Ngọc Hương, Minh Nguyệt, Ngọc Huyền, Thanh Vân, Thúy Kiều(…) –hôm nay cũng đã có nhiều người rời xa quê, nhiều người vẫn còn lận đận, nhiều người thành đạt –nhưng hình ảnh mãi còn lại- in đậm trong ký ức tôi vẫn là những khuôn mặt hồn nhiên , dịu hiền, trong sáng thưở nào! Khi có dịp ghé lại Tuy Hòa thăm-tôi vẫn thường thích một mình đi qua con đường này đến trường, để được càm nhận sâu sắc hơn về cuộc vô thường của đời người-để rồi thương nhớ mơ mộng xa xôi! Những giây phút ấy đối với tôi thật mầu nhiêm thiêng liêng bởi từ khi rời xa mái trường ắp đầy kỷ niệm và ước vong ấy-tôi đã bước dần vào cõi đời bất hạnh! Và tình cờ trên đường phố Tuy Hòa, trong một cửa hiệu nào , trong một góc quán nào, hay buổi gặp gỡ liên hoan tôi được mời dự -tôi vẫn thường gặp lại những khuôn mặt xưa một thời gắn bó với những cái siết tay thật nồng ấm,- lưu luyến không muốn rời xa. Những lời chia sẻ đằm thắm nồng nàn không bao giờ muộn màng.

Ở Tuy Hòa, tôi cũng còn có nhiều bạn đồng nhiệp là nhà văn, nhà thơ-các anh Trần Hiuền Ân như anh em ruột thịt- Y Uyên thâm tình; Bùi Đăng nồng nhiệt; Đỗ Chu Thăng hiền lành; Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn Tường Văn trẻ trung vui nhộn;Khánh Linh xuề xòa cởi mở; Phan Long Côn , Đàm Khánh Hạ, Phan Tiên Hương đạo mạo chí tình(…) .Và còn rất nhiều tấm chân tình Tuy Hòa mả tôi không dám dài dòng!

Hôm nay ngồi đây-ở quê nhà, đón ngày 20 tháng 11-tôi không còn cảm thấy cô độc-vì những “ người bạn nhỏ” của tôi thuở nào vẫn cứ phone về chúc mừng, thăm hỏi-khiến lòng tôi tràn ngập niềm vui và tin tưởng!
“ Trong cuộc đời có đôi điều đáng nhớ…
Và đôi điều rất sâu thẳm-khó quên!
Điều đáng nhớ-đám học trò yêu dấu,
Kỷ niệm hồn nhiên đằm thắm-khó quên!(..) “

Xin cám ơn Tuy Hòa-cám ơn cuộc đát hiền lành-tình người keo sơn chung thủy!

Mang Viên Long