văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, August 9, 2011

NGUYỄN THỊ HÀM ANH * Đêm Xuống Nơi Ngã Tư



Sau phóng sự Saigon giữa ngọ, tôi muốn viết về Saigon midnight. Không phải đêm của quán bar, phòng trà có thể giống nhiều chỗ khác, như mọi chỗ khác ở các thành phố lớn mà là ngoài vỉa hè, nơi diễn ra các sinh hoạt của thành phố một cách chân thật, gần gụi nhất. Khi tất cả cửa tiệm đã đóng cửa đi ngủ, vỉa hè không nghỉ ngơi vẫn miệt mài cuộc sống của mình. Có điều khuya khoắt quá tôi không dám lang thang lề đường một mình, Saigon midnight mãi vẫn chưa viết được.


Rồi tôi cũng tìm được người thường hay thức cùng đêm sâu. Nhà thơ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt cư ngụ khu Hàng Xanh, một ngày ông ra ngoài đường bất cứ lúc nào, có lẽ phần vì nhà cửa chật chội, và dù cái nắng giữa trưa miền Nam có chang chang vẫn đỡ khó chịu hơn gian gác nhỏ luôn nóng bức như lò nướng bánh. Sớm uống cà phê đương nhiên, chiều và tối đều ra ngoài. Thậm chí nửa đêm về sáng không ngủ được ông cũng ra quán cóc trầm tư cùng đèn đường và trăng sao.


Tôi ngồi với ông nơi ấy. Vỉa hè Hàng Xanh thật lý tưởng để ngóng đêm thâu vì là đầu cửa ngõ xa lộ ra vào thành phố. Khi mọi nao nức của ban ngày lắng xuống, cuộc sống về đêm lặng lẽ hơn nổi lên những sắc màu chìm đắm. Bà quét rác đi thu tiền góp, xe đò thả người khách xa lỡ độ đường, những cô gái ăn sương trắng phếch mặt phấn, tên cao bồi xấc xược xin mồi thuốc hay đứa bé quỳ gối ăn xin…


Từ đó khám phá ra cái thú ngồi quán, tôi theo nhà thơ đổi chỗ dài dài khắp hàng quán suốt dọc Hàng Xanh, Thị Nghè, không nhà hàng sang trọng hay tiệm nước cửa kính riêng rẽ, tách biệt mà là những nơi hòa lẫn vào giữa cuộc nhân sinh chao đảo. Nhà thơ thường xuyên ngồi đó trầm ngâm nhìn những cảnh đời chung quanh. Ông hút thuốc liên tục và chuyện trò lan man.


Khi tôi còn nhỏ, ông đã nổi tiếng. Bài thơ đầu tiên tôi xem là Trăng Xuân Thu.
Mai ta về sau núi
Mà cất am tị trần
Vẽ hình nàng trên gối
Ngồi ngắm suốt mùa xuân.


Về sau đọc nhiều hơn tôi mới biết thơ của ông không chỉ đượm nét hào hoa của cổ thi mà còn nhiều khuynh hướng khác: thần bí, hiện thực, tượng trưng… Không phải chỉ thơ tình cảm lãng mạn mà còn các vấn đề xã hội và tâm tưởng. Ông cũng thường xử dụng một thể thơ mới gồm những câu, những bài thơ ngắn mà một số người lầm tưởng Haiku hay Tanka…
Có một tiếng khua.
Trong hành lang sự sống
Bọt bể trầm tư


hay
Ta vẫn ngồi
Khắc tượng đá đời mình
Bên bờ vắng
Một hớp rượu tình người
Ồ ai ôm lấy vai gầy

Hai bàn tay thế kỷ


Bài thơ đầu tiên Tình Trương Chi đăng ở báo Sinh Lực của Đồng Tân. Sau ông cộng tác với Phổ Thông của Nguyễn Vỹ, Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh, Vui Sống của Bình Nguyên Lộc, Sống, Sóng Thần… và hầu hết các báo về văn học nghệ thuật từ 1963 đến 1975. Trần Tuấn Kiệt làm thơ rất nhanh và nhiều. Thơ làm xong ông bỏ đầy lộn xộn trong ngăn tủ.


Mấy tập trường ca chính: Bài Ca Thế Giới, Trường Ca Đất đã đăng đoạn đầu trong báo Nghệ Thuật của Mai Thảo, Ngôi Đền Cổ, Triều Miên ngâm khúc là khúc kinh khóc con trù định viết đủ một ngàn câu nhưng đến chín trăm chín chục câu thì ngưng, ông cho đó là ý Trời cuộc đời này không bao giờ được đầy đủ tròn vẹn. Thi phẩm Lời Gửi Cây Bông Vải đoạt giải thưởng Văn học nghệ thuật quốc gia viết về chiến tranh VN lồng trong hình ảnh thần thoại dân tộc. Ngoại trừ thơ tuyển đưa vào hàng chục tập: Hồng Hạc riêng tặng người mẹ mất sớm và nơi chôn nhau cắt rốn, Thơ Trữ Tình, Thái Hằng, Cổng Gió… Lạc Đạo Thi đang viết hiện nay được hơn hai trăm bài. Những ngày bé thơ giữa thiên nhiên Cồn Tiên đã tạo nhiều kỷ niệm rất quan trọng trong việc hình thành nên các sáng tác chính của ông. Một trong những kỷ niệm đó là Ngôi đền thiêng. Một buổi gió vi vu trắng xóa vườn bông vải bốn bề hoang vu, ngoài xa sóng vỗ sông dài, nằm nhìn lên mây trắng trên cao, ông thấy không phải bức tranh vân cẩu mà dường vẽ ra hình dáng một ngôi đền vĩ đại, ấn tượng ấy đã trở thành sự ám ảnh mạnh mẽ đi theo suốt cuộc đời ông để hiện diện vào trong nhiều tác phẩm.


Sau này bận nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn ghé ông ngồi quán, vào sớm mai cuối năm mang mang cảm giác bùi ngùi của mùa đông, buổi chiều hoàng hôn đỏ ối mặt trời chưa bị nhà cao tầng che khuất, hay đầu hôm trước dòng xe cộ tuôn tràn như thác lũ, tôi nghe ông kể nhiều chuyện về cuộc đời. Thời ấu thơ ở Sa Đéc rồi những tháng ngày lưu lạc đất Saigon. Tôi ngạc nhiên khi biết ông từng học trường Quốc gia âm nhạc khóa I cùng với cô Lê thị Kim Ngôn, vận động viên bóng bàn nổi tiếng một thời và ông Nguyễn văn Đời, sau này đảm nhiệm chức trưởng khoa âm nhạc dân tộc của Nhạc viện thành phố, là thầy dạy tôi môn đàn tranh. Âm nhạc đã rớt rơi trên cuộc đời lang bạt, chỉ còn sót lại ống sáo từ lâu chủ nhân không còn thổi, cũng không dùng để dạy nữa, treo quên trên tường nhện giăng bụi bám, năm ngoái ông đem tặng nốt cho người bạn thơ mới quen đến nhà. Không biết có phải vì thông thạo các nhạc cụ cổ truyền, vì gắn bó chặt chẽ với quê hương từng bước thăng trầm, nên thơ ông luôn phảng phất lòng hoài niệm, sự ray rứt mãnh liệt và niềm tin yêu vô bờ đối với đất nước và dân tộc.


Tôi tức cười khi nghe kể cây sáo của ông được chế tạo bằng đồng chứ không phải làm từ thân trúc, vì không những chỉ dùng để véo von lên những giai điệu Trương Chi mà đó còn vừa là vũ khí phòng thân. Là môn đồ Tây Sơn Nhạn, một chi nhánh của dòng võ Tây Sơn, ông từng nổi tiếng trong làng võ với bộ đá Bình Sa Lạc Nhạn của Tây Sơn Nhạn và đòn Phá Dao, cũng võ cổ truyền. Vừa giỏi võ, vừa đọc sách võ hiệp thuở nhỏ, những bộ sách quen thuộc thời bấy giờ như Long Hinh Quái Khách, Bồng Lai Hiệp Khách… khiến ông có thể tự đặt ra nhiều chiêu thức thực hành trong đời sống và đưa vào các cuốn truyện võ hiệp của mình, có lúc còn mong muốn trở thành chưởng môn của một môn phái võ thuật tự sáng lập. Một nhà thơ thậm chí đôi khi thượng đài lấy tiền vui chơi với bạn bè và khi cần, có thể thu nhận môn sinh để sở truyền lại các ngón võ.


Cây sáo cuối cùng đã cho đi, nói gì đến thanh âm của đàn nguyệt, đàn tranh… Dẫu sao đó chỉ là những hương vị thêm vào cuộc sống. Chung thủy đến cuối đời như máu chảy trong huyết quản, như hơi thở tự nhiên, đối với ông, chính là thơ trên bước đường đời không mang nhiều dễ dàng, may mắn. Ông gõ tay lên bàn, ngâm nga quán vắng dưới đèn đường đỏ quạnh phủ lấp ánh trăng non. Giọng ngâm thơ mới sang sảng ngày nào ở chương trình Nghệ Thuật Truyền Thanh và các trường Văn Khoa, Vạn Hạnh… cùng Trần Dạ Từ, Đỗ Quý Toàn, Viên Linh, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Tú Kếu… giờ khàn khàn trút vào một thoáng xa xăm.
Em đi chân bước lạc đà
Suốt miền ải hạn giữa sa mạc người


Nhiều người nghĩ rằng ông duy nhất chỉ làm thơ. Thật ra ông lăn lộn trong nghề báo qua rất nhiều báo chí bấy giờ: Sống, Liên Minh, Phổ Thông, Dân Ta, Sân Khấu… Ngoài thơ và biên khảo thơ là sở trường, ông còn viết khoảng hai trăm cuốn truyện kiếm hiệp, dã sử tình cảm ký Lan Sơ Khai, Xuân Thu, Hồng Lĩnh Sơn..., sách võ thuật lấy tên Hồng Lĩnh, Phi Long, Đại Tâm…, sách về tư tưởng dưới bút hiệu Việt Thần, Duy Thức, Việt Hoàng… không kể một số truyện: Tiếng Đồng Nội, Sa Mạc Lan Dần, Mê Cung, Màu Kỷ Niệm... Trong đó Tiếng Đồng Nội là tác phẩm mang tính độc đáo của văn chương Nam bộ đặc trưng. Vào khoảng thập niên 70, ông còn chủ trương nhà xuất bản Hồng Lĩnh với Mặc Tưởng, Phạm Quốc Bảo, Bùi Ngọc Tuấn chủ yếu in các tác phẩm của mình và bè bạn. Sau này, lúc bắt đầu mở cửa, có thời gian sách kiếm hiệp trở lại bán chạy, ông viết đều đặn cứ mỗi đêm năm mươi trang truyện, sáng ra có người đến lấy bản thảo trao lại năm trăm đồng. Riêng bộ Thần đạo mà tư tưởng xuyên suốt tác phẩm các loại từ trước đến giờ không nhằm viết chạy gạo, mà chính là tâm huyết cuối đời dốc kiệt sức lên trang giấy trắng.
Còn chút hơi tàn với bóng đêm
Máu rơi ba giọt dưới chân thềm


Văn thơ là vậy, ám vào người cầm bút không buông tha, một đời hiến cho nghiệp ấy, bởi vì ngoài viết lách, ông không thể mưu sinh bằng bất kỳ công việc nào khác. Ông viết mê mải cho tới khi không còn ngồi vững, nhiều lần quỵ ngã lâm ngọa bệnh. Không dùng máy chữ hay vi tính, ông miệt mài trên từng xấp bản thảo dày cộm. Lãng du trong cõi thơ thật xa lạ với những giới hạn của đời thường, ông luôn đẩy những đam mê của mình đi đến chỗ tận cùng. Không quan tâm đến tiện nghi vật chất và coi nhẹ thói thường, ông thông thạo thú nuôi chim, đá gà, trồng hoa… và chén trà tịch mặc, ly rượu ngả nghiêng, và gởi trọn niềm say đắm tới những nàng thơ… Ông sống thật ngang tàng bạt mạng, cũng thật dễ mềm lòng, cả tin, không màng lưu giữ chút gì riêng tư cho bản thân, phóng khoáng cùng bằng hữu và tấm lòng luôn trải rộng chẳng chút nghi hoặc với nhân gian.


Những năm tháng vui vầy bè bạn đã trôi qua, chìm vào ký ức. Rồi đến quãng thời gian dài khốn khó chung như mọi người. Dòng thơ không vì thế mà ngưng chảy. Ông và thơ chỉ là một. Vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ, tất cả đều thể hiện qua vần điệu.
Giang hồ luân lạc tuổi xanh
Càn khôn rượu chuốc năm canh một hồ
Đầm đầm máu lệ chưa khô
Trăng thiên thu rạng cõi bờ bể dâu


Là người có tư tưởng, ông dành ra nhiều năm soạn thảo bộ Đại Việt Thần Đạo, bản thảo đồ sộ viết tay đóng lại thành mười lăm tập dày. Tác phẩm có tham vọng đề ra một tôn giáo, một triết thuyết đặc biệt riêng cho dân tộc Việt đi từ cội nguồn Thần minh của Việt tộc tự xa xưa trong huyền sử, thần thoại đến hiện đại. Vượt lên sự thở than, chán nản mặc thời gian hoài phí trôi qua hoặc lẩn tránh trước những biến cố gai góc, thách đố như nhiều người cùng cảnh ngộ, cho đến bây giờ dù mái tóc ngả sương, sức khỏe đã hao mòn, ông vẫn giữ được tính cách mạnh mẽ không hề biết đến xuôi tay. Cây bút vẫn cứng cỏi trong tay ông.



Nguyễn Thị Hàm Anh