Sau tai nạn khó trở lại nghề cũ, lòng Nhu có lúc như một khoảng trời trống vắng, có lúc như một khu rừng âm u, lại có lúc như một ao tù lạnh lẽo, ghê hơn, một cái chuồng chật. Để sống rồi người ta cũng phải tự liệu lấy phương thuốc chữa bệnh tâm hồn; phương thuốc của Nhu, sau cùng, là thả vào khoảng trời một cặp yến, đặt vào khu rừng một chậu kiểng lùn, thả vào ao nước mấy chú cá, và nhốt vào vuông chuồng chật một chú chó con. Thế là đủ rối cả lên, Nhu chẳng còn hơi đâu để sống như kẻ dại dột, tự giam mình vào thứ nhà tù phá xong tường vẫn không có được cảm giác thoát thân. Nhu đã tin không tự chữa được cái tính nhiễu sự của chính tâm hồn mình thì thật không còn gì tự phỉ báng trí thông minh của mình hơn nữa.
“Sao gì ghê nhất anh?”
“À à... sao vàng.”
Nguyệt ngơ ngác, rồi tủm tỉm:
“Là trong tử vi kìa.”
“Cái đó thì anh dốt, đại khái biết Thái Bạch sạch nhà Đà La sạch cửa.”
Nguyệt nghiêm giọng:
“Không khéo mình sắp lãnh cả hai!”
Đến lượt Nhu nghệt ra:
“Sao?”
Nguyệt tỉnh queo lôi trong túi giấy ra mấy thứ lỉnh kỉnh đặt trên bàn: nến thơm vài cây to bằng cườm tay, lọ thuốc xịt tẩy mùi, có cả sáp thơm loại cắm điện nhả mùi tự động.
Nguyệt nói:
“Thực anh không ngửi thấy gì chứ?
“Không!”
“Mở cửa vào là đã sặc một mùi sở thú. Anh phải chịu khó xịt thuốc mỗi ngày thôi, lâu lâu thắp thêm cây nến thơm.”
Nhu cười:
“Hai người một thấy hôi một không, đổ tội ngoại vật coi chừng oan nó,” Nhu chỉ mũi đề nghị. “Hay mình nên tự kiểm cái này trước, biết đâu...”
Nguyệt lắc đầu, bỏ đi.
Ở tiệm phở không rõ do đâu người ta gọi ông là Lầm đại nhân. Ông Lầm phải nhỉnh tí nữa mới tuổi hưu. Ông xưng goa, và gặp ai sàn sàn ông gọi bằng em tuốt luốt. Các bạn bảo ông gốc Tàu, nhưng khi bàn chuyện ẩm thực Nhu thấy máu huyết ông Lầm như chỉ sực nức một mùi văn hoá Giao Chỉ “ủ lên men,” chẳng nợ nần chi với thứ văn hoá Hán tộc “gì cũng muối.”
Ngày đầu hội ngộ, Uyên, chủ tiệm, bạn Nhu, chỉ ông ta giới thiệu:
“Muốn xa loài người gần loài thú, đây, xin giới thiệu bạn, Lầm đại nhân, vua!”
Lầm đại nhân cười hiền hoà:
“Xứ này bậc tỉ phú mới gọi vua, goa buôn bán chi em phong goa dữ vậy... Chú đây...?”
Nhu cười cười:
“Chơi bậy bạ thôi, xếnh xáng.”
“Í, chơi mà gọi bậy bạ sao được. Mà chú em chơi những gì?”
Nhu miễn cưỡng kể qua loa. Lầm đại nhân cười thông cảm, ý bảo: “Thôi bỏ qua đi, chuyện lẻ tẻ!” Mãi lúc xì xụp húp phở, có lẽ tin rằng biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa, ông ta mới thao thao bất tuyệt về kinh nghiệm chơi hoa chơi chim chơi cá chơi chó của ông.
Nhu ngạc nhiên hỏi:
“Thế anh còn đâu thì giờ dành cho vợ con?”
Ông Lầm ngẫm nghĩ:
“Chú em biết chim bách linh?”
“Không, chỉ nghe nói bách thanh.”
“Bắc Nam gọi khác nhưng chắc cùng giống, mà quý lắm đó nha, giọng chi nó nhái cũng đặng, trừ một thứ.”
“Trừ một thứ?”
“Ừa, giọng heo. Chớ bao giờ để nó gần heo. Bắt chước cái giọng ùng ục ăn hèm một lát không giống, nó ngứa cổ, lấy móng cào cổ, cào riết lủng cổ chết.”
Nhu gãi râu:
“Ý tôi...”
Ông Lầm cười hóm hỉnh:
“Thì đó. Đã chơi mà còn có tiếng con kêu vợ hú hại ấy khác chi tiếng heo với bách linh? Goa sống mình ên. Bữa nào rảnh chú em ghé chơi.”
Một lần Nhu bảo Uyên ới Lầm đại nhân đến ăn phở, nhân tiện anh có vài điều vấn ý. Chẳng là vì cá chim kiểng chó của Nhu sau một thời gian đều nảy vấn đề.
Mùa xuân con mái đẻ được cái trứng. Nhu khoái trá thấy cô nàng ngày đêm nằm ấp mê man. Nhưng quái, sao ấp mãi không nở? Sốt ruột Nhu xem lại, té ra trứng chỉ còn là nửa cái vỏ khô.
Nguyệt hỏi cho có:
“Hy vọng gì không anh?”
Nhu cười méo mó, chìa cái vỏ trứng cho vợ xem, bảo:
“Tiên nhân nó, hoá ra suốt một tháng trời chỉ nằm ấp cứt!”
Nguyệt bò ra cười, cười xong nghiêm giọng:
“Đã bảo anh không có tay nuôi, thả quách!”
Cây Serissa mười lăm tuổi gửi từ Seattle về hoa nở trắng. Sách chỉ dẫn nói rõ hoa sẽ nở đều từ mùa xuân năm này qua Giáng Sinh năm sau. Nhu chăm đúng sách vở, nhưng qua Giáng Sinh chẳng riêng hoa mà lá cũng rụng dần, trông xơ xác đến chán. Mãi đến cuối hè nó mới nảy được cái hoa bé tí rồi hai ngày sau quắt lại, đen thui. Không một hoa thứ hai xuất hiện. Thế là năm nay coi như cây kiểng lùn tắt đẻ.
Nguyệt cười:
“Anh không có tay chơi kiểng, cho quách!”
Cá koi Nhật Bản có tiếng sống khoẻ sống dai, thế mà tự dưng một con không chịu ăn đời ở kiếp với con kia.
Anh bảo vợ:
“Biết vậy tuần rồi ném mẹ nó vào nồi mắm kho của em cho yên chuyện!”
Nguyệt thở dài:
“Đã bảo anh không có tay nuôi mà lại!”
Nhu đồng ý. Chim cho không ai nhận, anh mở lồng phóng sinh; con cá đem thả vào hồ cá công viên; còn cây kiểng muốn tiêu, anh đem cắm đại sau rừng mặc cho đất trời dung dưỡng. Nhưng chó không là chim, kiểng, cá. Khuyển mã chi tình. Nhất là chó xứ này. Lắm khi tình nó tỏ rõ nét hơn cả con người. Chỉ khổ nỗi dạy làm sao cũng không thuộc được bài tiêu tiểu có chỗ như con người.
Lầm đại nhân gật gù thông cảm:
“Đưa goa luyện giúp. Nửa tháng bảo đảm biết nhảy ngồi trên bồn cầu!”
Suốt mấy tháng Lầm đại nhân biệt vô âm tín. Cái bậy là chính Uyên cũng chưa từng đến chơi nhà ông ta, mà số điện thoại của ông thì đã bị cắt. Nhu nhớ con Candy của anh quá. Nó là một con chó bông trắng, loại toy, trừ việc làm bậy nó xứng đáng là một đứa bé đáng yêu. Nó biết tha đồ chơi đến dụ chơi, biết khiếu nại, biết nũng nịu, biết khóc khi bị bỏ ở nhà. Uyên đã dò la hộ nhưng không ai biết Lầm đại nhân ở đâu. Có người nói ông đã bán nhà, bán hết mọi thứ, giờ cùng vợ con mở một vườn ươm cây lớn bên Cali; có người quả quyết từng gặp ông ở một chợ chim dưới Georgia, tay cầm chiếc lồng đựng một con hồng yến đắt tiền; lại có người nói mới gặp ông ở Florida, đang lựa mua chó trong một tiệm bán thú; mới đây nhất, chính Uyên bảo thằng Lù chạy bàn đem ba má nó lên thăm Hoa Thịnh Đốn, nói có thấy ông ta trong vườn kiểng lùn.
Một lần vợ chồng Nhu đi tìm mua vịt sống ở chợ trời gần biên giới nam bắc Carolina, Nhu đã sửng sốt trước gian hàng của một người Á châu. Dáng dấp anh ta nếu không Lào cũng Miên, không Miên cũng H’mong. Nhưng việc làm Nhu sửng người tất nhiên không phải anh mà là những thứ anh bày bán. Kiểng lùn hàng chục thứ, chim hàng chục loại, cá hàng chục chậu; nhưng, trời đất ơi, sau mấy sợi thừng căng làm rào chắn, con Candy rành rành bị xích cổ nằm buồn thiu nơi chân ghế đặt dưới một gốc sồi còi.
Nhu đến sát sợi thừng, khẽ gọi, “Candy Candy!” Con chó buồn rũ đến không thèm ngước nhìn. Nhu kiên nhẫn búng tay gọi tiếp, “Candy Candy!”
Nguyệt thở dài bảo, “Không phải nó đâu.”
Anh chủ gian hàng thốt nói làm cả hai giật mình, “Trông Mỹ chứ không phải Mỹ, Việt đấy.” Anh ta quay gọi, “Cún Cún!” Con chó chồm lên, vẫy đuôi; rồi như biết sẽ chẳng có gì đặc biệt cho nó, nó lại lặng lẽ nằm xuống.
Anh ta gạ:
“Anh chị thích con chó lắm hả?”
Nguyệt bảo:
“Ông ấy thích mọi thứ, cả mấy món kia. Nhưng chịu thôi, ở apartment chật lắm!”
Anh ta lạnh lùng tán đồng:
“Vâng, thế thì không tiện.”
Nhu buột miệng hỏi:
“Anh buôn bán ở đây lâu chưa?”
“Lâu, nhưng thứ khác anh ơi, thứ ăn được. Vịt, gà, thỏ, nhím. Góc đàng kia kìa. Đó đó, nhà tôi đó. Còn gian này mới sang lại.”
“Cả con Cún?”
“Tất nhiên. Chủ cũ nó người Tàu Chợ Lớn, mu tiểu bang khác.” Nhìn Nguyệt, anh ta cười bảo, “Khi đã mua nhà bà chị nên để ông anh chơi. Xứ này sống căng lắm, không có thú giải trí dễ điên. Cái bà vợ ông chủ con chó này tợn quá. Bà ấy nói sao kìa? À, ‘Chọn đi, chọn kiểng chọn chim chọn cá chọn chó hay chọn má con tui thì chọn, dịp cuối đó!’”
Nguyệt cười nói:
“Đàn bà Tàu họ...”
Anh chủ gian hàng đổi ngay giọng khó đoán:
“Chúng tôi cũng Tàu Hải Phòng cả đây bà chị, chính hiệu.”
Đi sang khu bán gà vịt mấy lần Nhu phải ngoái nhìn con chó. Anh không rõ lắm đầu anh nghĩ gì.
Có gia đình cậu em mới dọn về Virginia, nhân đầu năm Nguyệt muốn lên chơi, trước thăm em sau có dịp đi chợ Tết.
Nhu gặp lại Lầm đại nhân.
Thực ra nếu ông không gọi chưa chắc Nhu đã gặp lại ông ở chỗ đô hội này. Ông cũng có một gian hàng Tết, lộ thiên. Ông ngồi sau một bàn dài. Trên mặt bàn ngoài ống cắm bút lông đủ cỡ, nghiên mực, phẩm nhiều màu, nhiều con dấu và triện son là những bức tranh vẽ hoa, chim, cá và lục súc trong tất nhiên có chó. Nét vẽ chứng tỏ ông là một hoạ sĩ nhà nghề.
Đầu năm xuân thủ, Nhu dặn lòng cố kiểm soát lời nói và thái độ sao để ông ta không phải mang vào người một cảm giác khó chịu. Nhưng cung cách hồn nhiên của ông Lầm khiến anh phải ngạc nhiên. Ông dừng tay bút, chỉ qua một loạt tranh, thở dài, “Nghề goa giống mấy ông đồ, riết tiêu tùng.” Nhu tính nói mấy ông đồ đã tiêu tùng từ đời tám hoảnh nào rồi nhưng nín kịp. Đang tính lựa lời hỏi thăm thì Lầm đại nhân nói luôn, “Còn vụ con chó, hà, nói thiệt nghe, mất rồi.”
Anh nhói nơi tim:
“Mất rồi?”
“Chậc chậc, từ dạo còn ở Charlotte lận. Mới đem về được hai ngày nó bắt cóc mất tiêu. Kế qua phải dọn nhà, gấp quá đâu có báo cho chú em được. Đã tính có dịp xuống đó chơi goa sẽ tìm chú em, kiếm con khác bù vô, bằng không cũng bồi thường đàng hoàng chớ.”
Nhu cứ ngẩn ra. Phần bất ngờ quá, phần chẳng hiểu hư thực ra sao, anh đành hỏi:
“Anh vẽ cái này à, vẽ kiếm sống à?”
“Gia truyền. Hồi còn Tây báo Sài Gòn Mới có tặng cho ông già goa hai câu đối: ‘Tài hoa lừng quốc tế; nét bút dậy thành đô,’ chú em có nghe chớ?”
“Có, vừa mới nghe đây,” Nhu khẽ nhún vai.
Anh kiên nhẫn đứng nghe ông ta trám vào sự ế ẩm bằng những câu chuyện ly kỳ khác mà trước đây anh chưa từng nghe. Nhưng gần ngọ khách tự dưng đổ đến. Khách đông đến nỗi Nhu không nỡ làm mất thì giờ của ông ta. Anh nghĩ bụng mình nên đi một vòng chợ Tết với vợ con, chút tính sau. Nghĩ thế anh cáo từ và hẹn chiều sẽ gặp lại nhau, lúc bốn giờ.
Bước đi rồi Nhu mới thấy hoang mang trong bụng. Lạ, trong khi ngọn bút lông bay bướm chấm quẹt, thả ra những phượng múa rồng bay giống nhau như in, miệng Lầm đại nhân không ngừng huyên thuyên kể cho khách nghe kinh nghiệm của ông -- một kinh nghiệm chơi vô cùng phong phú về hoa, chim, cá và chó là những thứ ông đang vẽ trên mặt giấy -- mà có lần anh đã nghe trong tiệm phở của Uyên hai năm trước.
Bị những quen biết tái ngộ giữa đường níu kéo, khi Nhu trở lại Lầm đại nhân đã cuốn gói tự bao giờ. Sớm hôm sau do công việc, vợ chồng anh phải rời Virginia về lại Charlotte ngay. Anh không có dịp ghé chợ Tết lần nữa để gặp lại ông Lầm. Thực thì anh cũng chẳng còn lý do gì để phải gặp lại ông ta. Con Candy cầm bằng đã mất, còn cái mối liên hệ giữa ông Lầm và anh chàng bán chợ trời thì chưa chín lý, đúng hơn, chưa đủ sức dậy men tò mò cho anh phải đặt ra một câu hỏi có thể sẽ khá chướng tai.
Có lẽ đã bí mật quan sát chồng chán chê trên đoạn đường dài, khi xe ngừng đổ xăng ở Richmond, Nguyệt đột ngột cười nói, “Ai bảo đàn ông không nhẹ dạ bao giờ, anh nhỉ!” Nhu nhớ hình như lúc đó anh không nghĩ vấn đề theo cách vợ anh nghĩ, mà đang bận tâm cân nhắc đến câu chuyện mới nhất Lầm đại nhân ghim vào đầu anh hôm qua. Nó có vẻ nghiêm chỉnh chứ không chơi. Anh ngó ơ hờ vào một tiệm ăn ở góc đường, hồi tưởng. “Khi về qua Richmond,” Lầm đại nhân nói, “chú em nên biết chuyện này. Nhiều người, mà người Mỹ à nghe, ở miệt đó còn giữ tục ăn thịt chó mới ly kỳ. Hả? À, để họ tưởng nhớ tướng Lee của họ chớ sao. Nghe nói trước khi hàng ông tướng bị vây hãm quá trời, phải cùng ba quân hạ cờ Tây mà sống. Hả? Ừa, thử rồi, dở ẹc, dở ẹc hà, thua người mình xa lắc xa lơ.”./.Hà Thúc Sinh