Tôi quyết định chọn ngã ba nơi có con đường mới mở nầy để làm chổ sinh nhai. Hồi trước có mấy anh xe ôm bên xóm Ga qua đóng bến ở đây để đón khách. Có một lần lở dại tôi tắp xe vào một gốc cây gần đó định chờ đón một chị phụ nữ từ trong xóm nhà lụp xụp đi ra. Và vì chưa có kinh nghiệm trong nghề lái xe ôm nên tôi đã lãnh một trận đòn hội chợ thừa sống thiếu chết.
Nhưng kể từ khi xe ủi, xe cào đến để triển khai mở con đường mới nơi đây, có lẽ do đất đá và bụi bẩn bay mù trời nên mấy đàn anh xe ôm đóng bến bãi chỗ nầy đã bỏ đi nơi khác. Thế là tôi đưa xe vào đậu dưới bóng tàn cây trứng cá. Để tạo mối giao hảo cần có nơi đất mới tôi vào cái quán cà phê cóc gần sát bên gọi một cà phê đen. Khi bưng cà phê ra cho tôi chị chủ quán nhìn tôi chăm chú một lát rồi hỏi:
- Có phải hôm trước cậu bị đám Thằng Tư mặt rổ đánh hội đồng?
Tôi cười gượng gạo:
- Vâng, hôm đó mấy đàn anh mạnh tay quá. Tôi nằm bẹp trên giường mất ba ngày.
- Trước đó khi vừa thấy cậu tấp xe vào tui định ra bảo cậu chạy đi mà không kịp. Ở đây có nhiều cậu xe ôm mới ra chạy chưa biết làm luật với họ đã bị đánh te tua. Ở ngã ba nầy cánh xe ôm chỉ được thả khách xuống thôi. Đứng lại chờ rước khách là bị ăn đòn.
- Thế hôm nay mấy ảnh có tới không chị?
- Yên tâm đi, bọn họ sợ bụi và đất đá ngổn ngang thế kia nên đã bỏ đi rồi. À nầy hay là để tôi giới thiệu cậu với một thằng em kết nghĩa may ra cậu sẽ khá hơn.
Một lát sau từ trong xóm nhà lụp xụp đi ra một gả thanh niên gầy tóc nhuộm màu lá úa mặc chiếc áo jeans bạc màu. Khi gả kéo cái ghế bàn bên cạnh định ngồi xuống chị chủ quán đon đả:
- Nè Chín, chị mới nói chuyện với chú xe ôm bị đám thằng Tư mặt rổ đánh hôm trước về em đó, hai người làm quen đi.
Gả Chín kéo ghế ngồi xuống đối diện với tôi cười giả lả:
- Làm nghề nầy mà anh bạn quên cúng tổ thị bị tổ phạt thôi. Ối, mà đánh nhau là chuyện thường tình… nhi nữ có gì quan trọng.
Gả Chín tóc nhuộm màu lá úa hút thuốc liên tục vẻ mặt lạnh lùng ngó mông ra con đường mới mở. Có đến ba điếu thuốc hút xong gả mới quay lại nhìn tôi:
- Thấy ông bị bầm dập mình rất thương nhưng nói thật ở đây mà chạy xe ôm thì mỗi ngày chẳng được bao nhiêu đâu. Ông chịu khó hợp tác với tôi đi, chỉ mấy giờ đồng hồ buổi sáng thôi mà có thể dằn túi cả trăm ngàn. Mà ông đã chơi với thằng nầy rồi thì đố thằng nào ở đây dám đụng đến ông.
Tôi thấy gả nói với vẻ tự cao tự đại nên nửa tin nửa ngờ. Nhưng hợp tác với gả là hợp tác làm ăn cái gì? Nhìn bộ vó của gả tôi chắc rằng gả nầy không thuộc dân lương thiện rồi, gả là một tay giựt dọc hay loại đâm thuê chém mướn? Tôi lại bắt đầu lo lắng cho cái nghề kiếm sống đầy rủi ro của mình. Đêm không dám chạy vì sợ bị cướp. Ngày thì các nơi như ngã ba, ngã tư, cổng bệnh viện, bến xe nơi có thể rước khách kiếm cơm đều có khách “giang hồ mả thượng” dành chổ lớ quớ mà lủi vô là lãnh nhừ đòn. Còn hợp tác với gả tóc màu lá úa nầy liệu mà có ngày vô tù với gả.
Tôi đang lơ mơ suy nghĩ vẫn vơ thì gả bổng gằn giọng:
- Ê ông, ông đang nghĩ gì vậy?
Tôi chối:
- Đâu có, có nghĩ gì đâu.
Có lẽ thấy tôi sợ gả cười vổ vai tôi an uỉ:
- Không sao đâu, cứ về suy nghĩ sáng mai sẽ trả lời.
Đúng lúc gả định đứng lên thì một bầy xe ôm hôm trước tẩm quất tôi xuất hiện. Thấy tôi định dợm bỏ chạy gả níu tôi lại trừng mắt:
- Cứ ngồi đó thử xem đứa nào dám làm gì ông.
Cái gả “xếp bến” hôm trước đã đánh tôi vừa nhảy xuống xe đã ồm ồm ngoài sân:
- Đâu, cái thằng khốn nào hôm trước lại dám đến đây giựt bến?
Cả đám ào vào bu kín cửa quán. Tư mặt rổ thấy tôi hắn phát lên một tiếng chửi thề. Nhưng đúng lúc đó hắn cũng nhìn ra mái tóc màu lá úa của gả Chín.
Chín đưa gương mặt nham nhở mụn cóc ra phía đám xe ôm cười đểu:
- Mấy người đi đâu, tìm ai mà ồn ào vậy? Muốn uống cà phê thì cứ vào mà uống. Uống tử tế xong rồi biến. Từ bửa nay trở đi chổ ngã ba nầy là của cha nầy bạn tao, cấm đứa nào bén mảng tới, hiểu chưa?
Gả Tư mặt rổ mặt đương đằng đằng sát khí bổng xịu xuống rồi tét ra một nụ cười xởi lởi:
- Trời, vậy mà anh Chín hôm trước không nói cho một tiếng nên tụi nầy mới lỡ đụng chạm anh em. Vâng, nếu là bạn của anh thì từ nay trong khu vực nầy cứ muốn đậu rước khách ở đâu tùy ý.
Nói xong cả bọn mau mau lên xe rút đi như tên bắn. Gả Chín vổ vổ vai tôi cười nói:
- Ông thấy lời thằng Chín vòng chó nầy nói có hiệu nghiệm không? Thôi vậy nhé, mai lại gặp nhau. Bây giờ có thằng nầy bảo kê rồi thì cứ hồn nhiên rước khách thoải mái trong cái khu ngã ba lộ mới nầy.
II-
Cuộc sống đường phố mà, sức mạnh nầy sẽ triệt tiêu sức mạnh khác yếu hơn, kẻ dám chơi sẽ lấn át kẻ rụt rè cầu lấy sự bằng an. Tôi để đổi lấy sự bằng an kiếm sống mỗi sáng sớm phải làm tài xế cho Chín vòng chó đi bắt chó để trả ơn cho nó.
Thường khoảng 5 – 6 giờ sáng người ta đi tập thể dục hoặc mở cửa cho những con chó ra ngoài đi… vệ sinh. Đó cũng là giờ của Chín vòng chó đi hành sự. Tôi lái xe, Chín vòng chó ngồi phía sau. Con mắt của gả nầy tinh thật, nhiều khi tôi chạy xe mà chẳng thấy bóng con vàng con vện nào nhưng khi tôi nghe hắn bảo giảm ga đi thì y như rằng cái vòng dây kẽm của hắn đã quẳng ra kéo theo con vật một đoạn ngắn là gả đã bốc được nó lên yên xe đặt sát lưng tôi. Phút giây đó là lúc tôi có nhiệm vụ phải tăng ga đột xuất chạy biến càng nhanh càng tốt.
Mỗi buổi sáng Chín vòng chó đều vòng được một hai con đưa bán về các lò mổ lậu. Chẳng hiểu gả bán được bao nhiêu tiền nhưng đến khi xong giờ… “làm việc” gả nhét vào túi tôi khi năm ba chục, có lúc nguyên tờ một trăm.
Tôi thương những con chó đó. Thường tôi bị chúng ám ảnh tôi trong những giấc mơ ngột ngạt. Có những đêm tôi thấy ảnh những con chó rất quái dị, có con cao lêu nghêu như hươu cao cổ, có con dài ngoằng như rắn, chúng tru lên vang dội trong những giấc chiêm bao. Những con chó bị thằng Chín vòng cho siết họng và vất vào lò mổ chó hình như vẫn còn tồn tại và oán thán trong thế giới của mộng mị hoang tưởng nào đó. Có lần tôi nói với Chín vòng chó là nó nên tìm một thằng nào khác lái xe cho nó thay tôi thì nó cười nhạt nói nửa như hờn giận nửa như hù dọa tôi: “Đó là tùy mày. Kiếm thằng khác với tao là dễ rồi nhưng tao muốn cho mày có cơ hội để kiếm cơm. Một khi tao buông mày ra thì tao nói thật mày chỉ chạy xe qua ngang cái ngã ba lộ mới nầy thôi thì lũ xe ôm xóm Ga sẽ dẫm nát mày liền”.
Về lâu sau tôi mới biết Chín vòng chó là một con nghiện, một dân anh chị rất liều mạng ở khu ngã ba lộ mới nầy. Quanh đây ai cũng sợ nó vì có người còn cho rằng thằng Chín vòng chó đã nhiễm Sida. Kể cả cánh xe ôm dữ dằn hồi trước tụ tập ở đây đón khách cũng phải biết lễ nghĩa với anh Chín. Khi nó thiếu thuốc lên cơn thì cái bến xe ôm ở ngã ba nầy “tẩu” hết. Nó lý sự: “Tao không trộm cắp, cướp giựt. Người ta nuôi chó không trông coi thì tao bắt. Nhờ vậy mấy quán thịt chó mới có chả chìa, xáo măng, rựa mận ì xèo bán cho khách chớ?”
Rồi một buổi sáng đến đón Chín vòng chó tôi thấy nó mặc cái áo gió sù sụ, nó nói nó mới bị sốt hôm qua. Tôi đề nghị hai đứa nên nghỉ một bửa. Nó trợn mắt mắng tôi:
- Cái gì nghỉ một bữa? Hôm nay mày có phải ăn cơm không? Tao thì vẫn phải cắn thuốc. Đạp máy đi.
Tôi đạp máy xe Chín vòng chó leo lên, nó ra lệnh:
- Đi qua xóm Thơm đi, hôm qua tao thấy một con cầy to lắm ở quanh quẩn chổ cái công ty Dệt nhuộm. Chạy về phía ấy.
Trời giữa tiết đông lúc mới 5 giờ sáng khá lạnh. Hôm đó tự dưng sao sương muối lại dâng lên mờ mịt. Tôi mở đèn pha chạy chầm chậm để Chín quan sát. Gần 20 phút quần đảo trong một không gian lờ mờ vẫn chưa thấy bóng con vàng con vện nào hết. Chín vòng chó ngồi phía sau sốt ruột lảm nhảm chửi thề.
Bổng nhiên nó khều tôi:
- Nó kia rồi, chạy sát vào chỗ gốc cây cho tao.
Tôi lắc đầu xe về phía đó thấy một cái bóng vàng mờ mờ to lớn. Con nầy chắc phải nặng trên chục ký.
Thằng Chín vòng chó ra lệnh:
- Giảm ga đi con.
Tôi giảm ga. Cánh tay phải thằng Chín vòng chó vung ra. Tôi bổng nghe một cái táp xực và sau đó là tiếng chó sửa vang. Phía sau Chín vòng chó ngả đầu vào lưng tôi là nó kêu lên đau đớn:
- Chạy nhanh lên, tao bị nó cắn rồi!
Lời nó vừa dứt cũng đồng thời là một trận mưa cây đá bay về phía chúng tôi. Tôi rú ga chạy miết trong màn sương sớm. Hóa ra mù sương đã ngăn cú ném vòng bá phát của thằng Chín, và nó phải trả giá cho cú ném vòng sai đó bằng sự phản ứng tự vệ của con chó với một cú phập nghiến vào tay nó.
Tôi ngoái nhìn, cả bàn tay nó vấy máu. Tôi nói:
- Bây giờ tao phải đưa mày đi bệnh viện.
- Nó thều thào phía sau lưng: Không được, đưa tao về nhà.
- Tại sao không? – tôi hỏi.
- Chủ chó đã biết tao bị chó cắn rồi. Vô nhà thương là vô rọ của họ. Thế nào họ cũng báo cho các bệnh viện quanh đây chờ túm tao.
Phải, thằng nầy lo là đúng. Xóm đó đã mất hàng chục con chó về tay thằng Chín. Và hôm nay họ đã phục để trả thù gả bắt chó “xuất quỉ nhập thần”. Chắc chắn nếu đưa thằng nầy đến bệnh viện thì thế nào nó cũng “dính chấu”.
Tôi lái xe chạy bạt mạng như điên trong lớp sương mù. Trời lạnh thế mà tôi nghe mồ hôi trán của thằng Chín thấm ướt vào lưng áo tôi. Nó hẳn đau lắm bởi cú đốp quá dữ của một con chó mà tôi không kịp nhìn thấy mặt mũi nó ra sao?
- Nhanh lên, đưa tao về nhà…
Tiếng Chín vòng chó rên rỉ gắt gỏng phía sau. Tôi siết ga lao đi trong làn sương bạc bắt đầu tan dần…
III-
Trời đã chớm xuân. Cây trứng cá trước quán cà phê ngã ba lộ mới những chiếc lá úa vàng rơi rơi trong gió. Con đường tẽ vào nhà Chín vòng chó mấp mô đất đá. Nó giờ sao rồi?
Hôm đưa nó ve bàn tay phải, bàn tay cầm vong của nó đã sưng tấy lên tụ máu ững một màu tím bóng. Tôi đề nghị đưa nó đi Viện Pasteur chích ngừa chó dại thì nó lì lợm lắc đầu. Tôi đành phải mua cho nó vài viên kháng sinh cùng một vĩ Acémol chống sốt. Nhưng liệu những thứ này có trị được cái món “hàm chó vó ngựa” không?
Khi tôi vừa dợm bước chân vào mái hiên nhà thì bà cụ, mẹ Chín vội vã chạy ra ngăn lại. Tôi hỏi vì sao thì bà cụ bảo mấy hôm nay thằng Chín rất sợ gặp người lạ. Bà bảo nó thường ngồi thu lu trong bóng tối, không chịu tắm rửa có đôi lúc tru lên như tiếng chó khóc trăng.
Tội nghiệp nó, tội nghiệp bà cụ. Bà mẹ già này không bao giờ biết đứa con mình đi kiếm sống bằng nghề trộm chó và hôm nay nó đã trả quã cho cái việc nó làm. Tội nghiệp bà mẹ, tóc bạc trắng, đôi mắt răn reo, người bà như một quả táo khô trong mớ bóng tối hỗn độn của căn nhà tăm tối nghèo nàn với đứa con đang hồi nguy kịch. Tôi hiểu rồi, nó đã bị lây bệnh dại, và để đến giờ nầy thì coi như đã muộn, hết thuốc chữa rồi.
Buồn bã tôi lên xe chạy đi. Tôi thương thằng Chín quá, nhờ có nó mà tôi không bị đám xe ôm đồng nghiệp ở cái ngã ba lộ mới này hiếp đáp, tôi còn có những đồng bạc từ tay con người sống tận cùng xã hội này nhét vào túi từ tiền bán chó.
Bây giờ tôi mới thấy thiếu vắng nó một gã con trai chỉ mới tròn 27 tuổi đã phải lắm lem từ thuở mới chào đời, mội ngừơi bạn bụi bặm mà chung tình. Mỗi buổi sáng bây giờ chỉ còn lại một mình tôi với tôi lang thang qua những nẻo đường chẳng còn ai chở che và tâm sự.
Sáng sớm ngày ba mươi tết như thường lệ tôi rểu ngang qua nhà Chín. Cửa nhà nó đóng kín, hàng xóm cũng vắng lặng như tờ. Bất chợt tôi thấy trên mặt con đường mối mở ngổn ngang gạch đá những tờ lá tiền vàng bạc rải dài về phía mờ xa.
Thôi rồi, thằng bạn vòng chó của tôi nó đã đi về phía cuối con đường của nó rồi! Nó không kịp chào đón mùa xuân lần thứ 28 của đời nó, nó đã ra đi… Tôi cắn chặt môi để mặc cho những giọt nước mắt chảy ra. Giã từ mày nhé thằng bạn của những con đường tảng sáng mờ sương…
Trương Đạm Thủy