văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, September 14, 2011

HUỲNH VĂN YÊN * Người Tình của Hắc & Bạch Công Tử : Cô Ba TRẦN NGỌC TRÀ


Cô Ba Trà đẹp lắm, đẹp đổ quán xiêu đình nên làm mê hoặc, khuynh đảo bao nam nhân lẫy lừng cùng thời, từ những vị thiếu gia miệt tỉnh đến các quý ông học vị học hàm thành thị, văn nhân đa tình…

Đẹp đổ quán xiêu đình

Được các nhà văn, nhà báo tiền bối mô tả như Ngôi sao Sài Gòn, Huê Khôi Nam Kỳ, sắc đẹp của Cô Ba Trà (Trần Ngọc Trà) đã trở thành niềm mơ ước của tất cả người Sài Gòn, Lục tỉnh.
Nhà văn, hoạ sĩ lão thành Phạm Thăng kể rằng : “Hồi trước tôi có được xem một tấm hình huê khôi Ba Trà, là một thiếu nữ đẹp tuyệt trần, đài các như một bà hoàng, quần áo lụa cùng màu, có quàng khăn voan mỏng, ngồi trên xe mui trần lượn trên đường phố Sài Gòn, đăng trên bìa một tờ báo, lâu quá không nhớ tên”.
Cũng vì chót mang phận “hồng nhan đa đoan”, cuộc đời của giai nhân Sài Gòn một thuở quả là bảy nổi ba chìm, lên voi xuống vịnh. Trong quãng thời gian 20 năm làm người đàn bà đẹp, cô đã có không biết bao nhiêu mối tình mà chính cô cũng không nhớ hết; còn cuộc sống thì như thực như mơ, khi nghèo mạt rệp, khi lại cầm tiền vảy như trấu; có lúc không xu teng dính túi, có khi cầm 150 ngàn đồng trong taỵ.

Đốn ngã” hàng loạt tay chơi hào hoa

Cô ba Trần Ngọc Trà còn được mệnh danh bà hoàng vũ trường, sòng bài Sài gon hồi cuối thế kỷ XIX. Những bậc “máu mặt” đều biết rất rõ, cô Ba Trà chỉ thích chia cho mỗi ngưòi một mảnh tình gặm chơi đỡ buồn, chứ đừng ai mong lấy được Ngôi sao Sài Gòn làm của riêng hay làm người yêu vĩnh viễn vì cô Ba đã lập gia đình vài ba lần và rồi tan vỡ.
Với nhan sắc hiếm có cộng với trí thông minh của mình, cô không chỉ lần lượt “đốn ngã” hàng loạt những tay chơi hào hoa giàu có bậc nhất Sài Gòn, mà cả Nam Vang , Băng Cốc.
Bộ sưu tập người tình của cô gồm các đại điền chủ, đại công tử Cậu Tư Phước Georges (biệt hiệu Bạch Công Tử), con trai của quan Đốc Phủ Sứ Lê Công Sủng, chủ nhân Cù Lao Rồng ở Mỹ Tho; cậu Ba Qui (biệt hiệu Hắc Công Tử), con trai của đại điền chủ Trần Trinh Bạch ở Bạc Liêu, mà Thống Đốc Nam Kỳ gọi bằng Papa (Bố); công tử Bích chủ nhà băng Đông Pháp (chi nhánh Cần Thơ), một người dám cho Cô Ba 70 000 đồng trong lúc lúa 2 cắc 1 gia. Chưa kể, những tay trí thức, máu mặt chốn quan trường thời Pháp thuộc cũng “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”, như quan toà Trần Văn Tỷ, thầy Kiện Dương Văn Giáo , bác sĩ Lê Quang Trinh , Nguyễn Văn Áng, vua Cờ Bạc chủ các sòng bạc Sài Gòn là Sáu Ngọ…
Những ai được quen biết hay cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là một niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp, đủ để hiểu ngoài việc xinh đẹp cô còn là một thương hiệu hiếm có, có lẽ do thông minh và hiểu tâm lý đàn ông… Cô Ba Trà , đệ nhất Huê khôi ở Nam kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc”, cuốn Sài Gòn tả pí lù của Vương Hồng Sển ghi.

Tuổi thơ cay đắng

Khác với cô Ba xà bông con thầy thông Chánh, cô Ba Trần Ngọc Trà, sinh năm 1906, đã có một tuổi thơ cay đắng, bị đánh đập hắt hủi từ lúc mới lên 5 tuổi.
Chuyện là vào thời điểm đó, ba Trà (quê ở Cần Giuộc, làng Phước Khánh) trong một cơn ghen đem lòng nghi vợ không chung thủy và không nhìn Trà là con ruột. Ông giận đến nỗi thổ huyết qua đời. Bà nội Trà quá đau xót trước cái chết của con trai nên khi vừa liệm xong ba Trà, cũng đột ngột mất theo.
Viện cớ lúc hấp hối ba trối rằng Trà không phải con của mình, người bác ruột đã liên tục sĩ nhục, buộc mẹ Trà chịu không nổi, phải bế con ra khỏi nhà, về quê ngoại. Rồi dường như “đau thương giằng xé”, mẹ Trà bị khủng hoảng tinh thần; mỗi lần lên cơn, mẹ lại lấy cô bé Trà ra “gỡ gạc” bằng cách nện những trận đòn roi, đấm đá, củi gậy lên người, với  lời mắng nhiếc “đánh cho tiệt nòi cái giống đoản hậu”.
Và Có lẽ, chính những trận đòn “tra tấn” của mẹ đã hằn lên nếp gấp bi thương trong lòng cô bé Trà , có sức tác động đến sự hình thành một tính cách sau này của Huê khôi Nam kỳ : coi đời “lạnh như băng”…
Cho nên về sau, cô Ba Trà không lúc nào vắng người yêu. Cô vẫy tay một cái là có hàng lô chạy tới xin “yết kiến nữ hoàng” – đông đến nỗi phải lấy số chờ đợi. Nhưng không ai thực sự là chồng đầu gối tay ấp của cô.

Coi đời lạnh như băng !

Vốn coi đời “lạnh như băng”, cô Ba Trà một lúc cặp kè với ba đại công tử, đang hôn người này, người kia đến, bỏ người này đi với người kia… vì chính cô cũng không biết mình yêu ai, hoặc không yêu ai cả. Rồi thậm chí, có tình, có tiền, Huê khôi Nam kỳ vẫn chưa thỏa mãn…
Sắc đẹp “khuynh nước khuynh thành” của cô Ba Trà đã gây ra cuộc đối đầu của hai tay chơi nổi tiếng khi đó là Bạch công tử (tức Lê Công Phước hay còn gọi là George Phước), con trai của đốc phủ Lê Công Sủng, tỉnh Mỹ Tho và Hắc công tử (tức công tử Bạc Liêu Tr ần Trinh Huy) – ai cũng tranh nhau phá của cha mẹ để lại để cung phụng người đẹp.
Chuyện kể rằng, không cần cô Ba Trà mở lời, hễ Bạch công tử nghe nói Hắc công tử tặng cô Ba Trà món đồ gì quý, ông hỏi giá và tìm mua cho kỳ được món quà đắt hơn để tặng. Đến lượt Hắc công tử cũng làm tương tự, vì vậy cô Ba Trà sở hữu không biết bao nhiêu quà tặng quý giá của hai ông, từ túi xánh tay, quần áo hàng hiệu, dây chuyền, nhẫn hột xoàn, nhà cửa, xe cộ…
Trong việc “giành gái” là cô Ba Trà, có giai thoại được nhắc đến nhiều nhất là cuộc thi đốt tiền, không phải 1 lần, mà đến 2 lần. Bạch công tử là người bị động, không tham gia, chính Hắc công tử đã chứng tỏ là người sành đời, đã tung độc chiêu hạ gục đối thủ. Cụ thể, nội dung thách đấu là mỗi người dùng giấy bạc, đốt từng tờ nấu nồi chè 1kg đậu xanh, ai nấu nồi chè sôi trước người ấy thắng. Địa điểm được tổ chức là trước sảnh nhà củ a H ắc công tử và người làm chứng là cô Ba Trà.
Lửa của tiền giấy rất kém nhiệt, chỉ cháy nhỏ, vì thế nấu chè rất lâu trong sự căng thẳng của nhiều người chứng kiến. Cuối cùng, nồi chè của Bạch công tử sôi trước, Công tử Bạc Liêu đành thua cuộc nhưng ông tuyên bố là đã thua trong danh dự.
Theo tính toán của nhiều người, để nấu sôi được nồi chè có 1kg đậu xanh, trong thời gian gần 1 giờ, mỗi công tử đã đốt gần 100 tờ giấy bạc. Nếu Hắc công tử đã đốt toàn giấy 50 đồng trở lên, thì chí ít ông cũng phải đốt 5 ngàn đồng Đông Dương, số tiền có thể mua được 3 ngàn giạ lúa lúc đó, tương đương với khoảng 300 triệu đồng hiện nay.
Lại nói về Georges Lê Văn Phước – đã sang Pháp du học, về nước không theo đường công danh hoạn lộ, chỉ thích ăn chơi bay bướm, người lại trắng trẻo hào hoa nên được giới phong lưu thời ấy tặng cho mỹ danh là Bạch công tử. Với phong độ đang lên, Bạch công tử không thiếu gì người đẹp vây quanh nhưng vẫn thấy hụt hẫng vì đeo đuổi bao lâu mà chưa chinh phục được hoa khôi Trần Ngọc Trà.
Lúc bấy giờ Trà đã nắm trong tay sức mạnh kim tiền lẫn nhan sắc trời cho đang vào độ “mãn khai” và đã trở thành bà hoàng trong các sòng bạc thâu đêm và được gọi bằng một cái tên rất Tây ghép với tên một nữ tài tử nổi tiếng trên màn bạc thành : Yvette Trà.
Để được gần gũi Yvette Trà, một bữa Georges Phước lái một chiếc xe bốn bánh thuộc loại lộng lẫy đương thời đến rước Trà xuống Cần Thơ đổi gió.
Khi hai người vào khách sạn Bungalow, Georges Phước lột chiếc nhẫn kim cương trị giá hơn 3.000 đồng (thời đó vàng chỉ 60 đồng một lượng) đặt lên bàn để vào phòng tắm. Khi bước ra thấy Yvette Trà đang lấy chiếc nhẫn của mình đeo thử vào tay ngắm nghía, Georges Phước liền buột miệng nói chiếc nhẫn coi vừa ngón tay Trà quá, vậy Trà đeo luôn đi. Chỉ trong nháy mắt, chiếc nhẫn kim cương “nặng ký” kia đổi chủ nằm ôm ngón tay thon đẹp của Ngôi sao Sài Gòn.
Biết chuyện, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, cũng đang theo đuổi Yvette Trà, liền đến gặp và tặng cô một chiếc nhẫn khác trị giá gấp đôi chiếc nhẫn của Georges Phước. Thế nhưng, cô Ba Trà không chọn chiếc nào để đeo hết, mà “lạnh lùng” ném chúng vào một cuộc chơi. Cô cầm cố, rồi bán tháo cả hai món quà, trút sạch vào trận bài bạc đỏ đen.
Tưởng chỉ Hắc – Bạch công tử mới gặp sự cố như vậy ? Trên thực tế, nhiều món quà có trị giá lớn của những tay chơi đa tình trong giới phong lưu Sài Gòn, Nam Vang, Băng Cốc tặng cô, cũng chóng “đến và đi” như thế. Cô đánh bài, khi ăn bạc vạn, khi thua cháy túi… nhưng thản nhiên như không. Mỗi lần đứng lên, phủi tay rời sòng bạc, cô Ba Trà lại nói : tiền của như bụi đất – tình nghĩa mới thiên thu… Thế nhưng, tại sao Hắc công tử và Bạch công tử chân tình đến vậy, đổ rất nhiều tiền chinh phục trái tim của Yvette Trà đến vậy, mà cuối cùng không ai sở hữu được đóa hoa rực rỡ nhất Nam kỳ thời đó ?

Sống làm vợ khắp người ta

Sống làm vợ khắp người ta;
Hại thay thác xuống làm ma không chồng…”,
Thầy tướng Vị Kính Trang, một trong số những người đoán mệnh số nổi tiếng của đất Sài Gòn xưa, đã nói về cuộc đời hồng nhan của cô Ba Trà.
Phần lớn các công tử, giới ăn chơi tới “tổ quỷ” của Yvette Trà, dù không được gần cô, vẫn khoe rằng “đã ngủ với Huê khôi Nam kỳ”, để tỏ ra mình là kẻ ăn chơi sành điệu.

Vào đời ở tuổi 14
Ở tuổi 14, cô Ba Tra đẹp như một đóa hàm tiếu, đã bị má ruột vội vã đem gả cho một quan ba người Pháp tuổi trên 30, bởi tục ngữcó câu “nữ thập tam, nam thập lục” tức cơ địa đã phát triển thành niên có thể dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái được rồi. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đầu đời ép uổng đã sớm tàn nhanh khi anh quan ba mãn hạn về Pháp ngay năm sau, không đoái hoài gì đến Trà nữa. Vậy là ở tuổi 15, Trà trải qua “một đời chồng”.
Trở về ở lại với má, Trà tiếp tục bán hàng rong trên chuyến xe lửa Sài Gòn đi Phan Thiết và sau đó gặp Toàn – con trai tỷ phú đất Phan Rang. Lúc đó, Toàn tình cờ gặp Trà đang bươn bả ngoài phố đã ngẩn ngơ trước sắc đẹp của cô hoa khôi tương lai nên nhiều lần viết thơ tỏ tình nhờ người đưa tới. Và rồi, vì quá si mê Trà nên chỉ trong vòng đôi tuần sau cuộc gặp lần đầu, Toàn đã cùng ba má đem lễ vào Sài Gòn làm đám cưới và thế là Trà lại sang ngang một lần nữa ở tuổi trăng rằm. Nhưng cũng chỉ được 2 năm, Toàn bắt đầu bồ bịch lăng nhăng, Trà đã bỏ đi vì can chồng không được.
Chua xót vì cuộc tình tan vỡ với Toàn, Trà đã kết thân với bác sĩ Trần Ngọc Án và trở thành phu nhân của ông khi bước sang tuổi 18. Song, vì sai lầm giao cô hoa khôi vào cửa ăn chơi của dì Tư Ăng-lê, mà vị bác sĩ này mất vợ.
Sau ngày chia tay với Án, Trà sống tự do phóng khoáng, không ràng buộc dưới một mái ấm nào cả; trở thành người sành điệu, giao du rộng rãi với giới phong lưu ở Sài Gòn, những tay ăn chơi vượt rào từ Lục tỉnh…; và ngày càng lấn sâu vào chiếu đỏ – đen. Yvette Trà cũng bổ sung thêm vào bộ sưu tập ông chồng thứ 4 là một nhà triệu phú trẻ tuổi làm “trung gian thương mãi” ở Chợ Lớn…

Chủ “tổ quỷ” hành lạc nhứt dạ đế vương

Trong lịch sử ăn chơi Đông Tây kim cổ nước ta, chưa có người nào có thể so sánh với cuộc đời cô Ba Trà. Trong khi sở phí Đông Pháp lữ quán càng cao, nợ nần càng nhiều, cô Ba Trà muốn giải nghệ thì chính là lúc các công tử Ba Qui, cậu Tư Phước George mê cô và một nhà triệu phú trẻ tuổi khác làm “trung gian thương mãi” họ Lương đã bỏ tiền ra để cô trả nợ, rồi thuê riêng một căn phố lầu sang trọng định xây tổ uyên ương, ăn đời ở kiếp với cô – được đặt tên Nguyệt Tiên Cung – là cái “tổ quỷ” hành lạc nhứt dạ đế vương của bọn công tử, nhà giàu tới ve vuốt Trà.
Không có điều lệ thành văn, nhưng lâu ngày thành thói quen nhứt định, khách hào hoa muốn vô Nguyệt Tiên Cung phải nạp 1000 đồng lệ phí, gọi là “đi lễ”.  Số tiền ấy phải gồm 10 tờ giấy xăng bộ lư (giấy 100 đồng có in hình bộ lư), đựng trong bao thơ, đặt trên một cái mâm do một cô xẩm bưng lên lầu để “xin ra mắt cô Ba”.
Sau khi được tiếp đãi, nghe xẩm, ăn uống, nếu may mắn, khách được ôm ấp người đẹp Yvette Trà trong một phòng ngủ sang trọng như nữ hoàng. Rồi, vì tiếng đồn Nguyệt Tiên Cung, nhiều ông nhà giàu trọng tuổi, còn hảo ngọt, từ Hậu Giang, đã bán mấy ghe chài lúa, lên Sài Gòn ăn chơi huy hoắc với cô chỉ hơn một tháng mà lúc trở về còn tay không.
Phong tình là vậy, Trà không thể nhớ nổi mình đã ban bố tình cảm và ngủ với bao nhiêu người đàn ông. Thế nhưng, sau này, khi kể cho một vị có tiếng trong làng văn Sài Gòn nghe, cô Ba Trà đã tự bạch : “Tôi gặp không biết bao nhiêu (người đàn ông) mà đếm, nhưng anh Toàn, tôi còn nhớ mãi không quên”. Với cô Ba Trà , đó là mối tình đầu đúng nghĩa !

Bài bạc đỏ đen… tàn tạ 

Vướng vào con đường cờ bạc, cô Ba Trà thường lui tới các sòng bài ăn thua lớn như sòng bài của thầy Sáu Ngọ ở Chợ Lón, thầy Sáu Nhiều, thầy Bảy Phương ở đường Caribelli…
Từ thời điểm bác sĩ Trần Ngọc Án gửi gắm Trà cho dì Tư Ăng-lê coi sóc, Hoa khôi Sài Gòn bắt đầu bị lây và ngày càng lậm sâu hơn vào “vòng đổ bác”.
Từ chủ sòng…
Giã từ Đông Pháp lữ quán, Cô Ba Trà được “quái nhơn” tung tiền, bỏ vốn cho xây động Nguyệt tiên - không chỉ được mệnh danh là tổ quỷ hành lạc nhứt dạ đế vương, mà còn là điểm bài bạc đỏ đen của chính cô với giới công tử, nhà giàu khắp Sài Gòn, Lục tỉnh.
Vương Hồng Sển đã viết trong cuốn Sài Gòn tả pí lù : “Ở Nguyệt tiên cung còn có phòng đánh bạc, chơi các thứ bài ăn thua lớn và con bạc thường không thiếu những người có máu mặt trên thương trường, cũng không loại trừ những công chức người Việt lẫn người Pháp giấu tên, cần bảo mật, nên những nơi ra vào đều đặt tín hiệu báo động để tránh bị bố ráp, lục xét bất ngờ”.
Lại nói thời kỳ ở Nguyệt Tiên Cung, vừa được đức ông chồng Lương mái chính cung phụng, vừa là người tình của các công tử phong lưu như cậu Tư Phước George , cậu Ba Qui, cậu Bích, Trà sống trong “đống tiền”, nhan sắc thêm phần lộng lẫy và cũng điên loạn mê mệt cờ bạc. Mỗi ngày cô mặc một bộ đồ khác nhau, ngây thơ như nữ sinh trong trắng, con nhà lành.  Có lúc cô lăng xê mốt mặc quần và áo dài cùng một loại hàng mỏng, thứ đắt tiền, cùng màu. Trên cổ cô choàng một khăn voan lụa, ngồi xe du lịch mui trần và thường xuyên lui tới các sòng bài ăn thua lớn như sòng bài của thầy Sáu Ngọ ở Chợ Lón, thầy Sáu Nhiều, thầy Bảy Phương ở đường Caribelli…
Đến con nợ
Chỉ một thời gian tấp nập khách phong lưu, Nguyệt Tiên Cung bắt đầu vắng khách vì ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế đến Nam Kỳ mạnh mẽ nhứt vào năm 1932. Chỉ trừ một số ít công tử còn phong độ, hầu hết các nhà giàu đều sa cơ. Cậu Tư Phước George đã lập gánh hát Huỳnh Kỳ để làm người tình của các cô đào kiều diễm, lưu diễn khắp miền Lục tỉnh. Cậu Ba Qui, sau một thời gian theo Trà, cũng chán, tìm các cô gái nửa chợ nửa quê nhưng có thân hình rắn chắc để bắt bồ. Lương mái chính, sau khi phát hiện tổ uyên ương Nguyệt tiên là chỗ hành lạc của bọn công tử, nhà giàu, chứ nào phải của mình, đã tạm biệt cô Ba Trà ra đi…
Nợ ngập đầu lại không còn “mạnh thường quân” và cũng chẳng ai cho vay tiền, Yvette Trà chợt nhớ tới chị bạn có chồng ở Xiêm - nghĩ là cứu tinh nên quyết qua đó trốn nợ. Nhưng nào ngờ, rủi ro về giấy tờ, Trà bị bắt; song may mắn gặp ông Đỗ H. giúp đỡ, giai nhân lộn về Sài Gòn - đến khách sạn Hôtel des Nations thuê phòng lánh mặt. Cô sợ người ra vào khách sạn, sợ bị dòm ngó, phát hiện, hễ cơm nước xong lúc nào là rút về phòng nằm giấu kỹ tông tích đến đấy.
Lúng túng cùng đường, bỗng bất ngờ nhận được bao thơ đựng tiền dày cộm do một người không quen biết tên Lâm Kỳ Xuyên gửi biếu, gọi là chút lễ “ra mắt” hoa khôi. Thế là, một lần nữa, sắc đẹp của Trà có ma lực vô hình lôi cuốn thêm một “trái tim tỉ phú”. Về sau chả hiểu giữa hai người đậm đà thắm thiết ra sao, chứ thời gian đầu, Lâm tự nguyện làm người tình không chăn gối để phụng hiến cho Trà những món tiền kếch xù ngay khi chưa cầm được bàn tay hoặc nói một lời âu yếm, vợ chồng.
Nhờ đó, cô hoa khôi đương hồi xuống dốc đã có đủ sức trang trải nợ cũ, vực dậy Nguyệt tiên cung đang cơn hấp hối và đường đường quay lại những sòng bài hạng nhứt Sài Gòn. Có bữa, cô đánh thua to ở chiếu bạc mở trong nhà của chủ tiệm vàng Năm Hy trên đường Bonard (nay là đường Lê Lợi), cô không trực tiếp mà sai em út gọi điện thoại đến ngân hàng Cần Thơ cho Lâm Kỳ Xuyên để Lâm chi gấp… 5.000 đồng (tức hơn 80 cây vàng lúc ấy).
Tiền đều đều tuôn đầy túi như triều cường, song cũng ra khỏi tầm tay Trà nhanh hơn nước rút. Cô Ba lại lâm cảnh trắng và tự thân lặn lội xuống Cần Thơ hỏi Lâm Kỳ Xuyên giúp 40.000 đồng (trị giá thời bấy giờ hơn 660 cây vàng). Vừa cất tiền xong, bỗng thấy Bạch công tử Georges Phước xuất hiện, Trà và Georges Phước sà vào lòng nhau, âu yếm, tình tứ… Rồi tình cờ, Kỳ Xuyên thêm lần nhìn thấy Trà cùng vua cờ bạc Sáu Ngọ tung tăng trên phố, chua chát biết mình chỉ là người đứng bên lề “tình sử” của Trà, đã về Cần Thơ biền biệt..
Cứ thế, “tình - tiền - đỏ đen” đeo bám, dệt nên đoạn kết tàn tạ của hoa khôi Ba Trà. Năm 1936, người ta bắt gặp Trà làm công ở một tiệm tồi tàn trong Chợ Lớn. Cô đã già, tròm trèm 60 tuổi, mặt mày tiều tuỵ, nhưng sống mũi vẫn còn thanh tú, mắt vẫn còn đen láy và loang loáng ánh gương

Huỳnh Văn Yên