Tức cười quá, ở tuổi này mà mình lại nôn gặp Tết chi lạ , làm như trẻ thơ hay thanh thiếu niên không bằng . Chứ trung niên đã bắt đầu chán Tết. Còn chao ơi, quý vị cao niên thì thấm mùi . ..thiên thu bất bại rồi .
Mới 29 Tết, mình tưởng 30, hăm hở chờ đêm trừ tịch, để mang cảm giác ...xa nhà, cho dẫu mình đang ở nhà đây.
Số là trong tiểu thuyết lãng mạn ở giai đoạn 45 - 54 thế kỷ trước, người ta quên mất một điều, là ở miền Bắc, có những nhà văn chưa kịp nổi tiếng, đã mai một tên tuổi ...
Cuối thời điểm đó, tôi lại là một " con bé " bắt kịp thời đại...đọc văn buông thả, xét ra trong truyện, chả thấy cái lý tưởng nó chen vào chỗ nào, tôi mới vừa lên lớp đệ thất, tức lớp 6 bấy giờ.
Tôi thấy những nhân vật nam chính trong tiểu thuyết lãng mạn nêu trên, toàn sống ...lông bông, nhưng không phải trụy lạc, mà là danh nghĩa bất phùng thời.
Như trong cuốn "Mưa Thu" của nhà văn Ngọc Giao, nhân vật nam đã có vợ và một đàn con, ít nhất cũng mấy đứa sinh năm một .
Tôi đoán tuổi quý ông ấy cũng phải trung niên. Ấy vậy mà không thấy họ làm ăn gì, cũng không thấy tham gia hội hè gì, lại càng chẳng tìm được một chút ...lý tưởng cỏn con nào, nhưng kín đáo mơ mộng điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống tối tăm của dân lành khốn khổ.
Người đàn ông ấy với túi xách trên vai đựng hai bộ quần áo , bao thuốc lá đen không đầu lọc, hộp dầu cù là, và may ra có vài viên kí ninh phòng bịnh sốt rét .
Ông ta đi mãi, làm như không đi không được. Đã thế còn như không biết đi đâu mới là lạ ...
Sự thể éo le khi tiếng pháo giao xuân vang rền, mà ông ta vẫn chưa quay về quê quán, nơi có cha mẹ già, vợ tảo tần cùng đàn con nheo nhóc ...
Có lẽ trong hoàn cảnh ấy, ngoại trừ cha mẹ già thương nhớ con trai lưu lạc phương nào.
Còn người vợ thì không hở tay để buồn, đàn con có đứa không nhớ cả mặt cha ...
Ngoài quê hương của ông với gia đình khốn khổ, ông chẳng có nơi nào để về, thật phi lý ...
Có khi đi ngang nhà quen, vô thăm thì hoàn cảnh không cho phép ông ở lại,
Người bạn chủ nhà ấy, cũng như ông, nghĩa là cũng đang đi trên một hành trình khác, nên vắng nhà.
Tại sao quý vị nam nhi đó lại thích lang thang vậy ?
Có thể là trong lòng họ muốn có một cuộc sống khá hơn.
Nhưng cái tình trạng VN nghèo nàn lạc hậu sui khiến họ phải trầm luân lưu xứ ngay trên đất nước mình.
Tôi bỗng nhớ tới cuốn phim truyện mang tên " Cowboys " những nhân vật cứ sống lang thang nơi thảo nguyên bát ngát, núi rừng là nhà, quán rượu là tình nhân, tiếng hát cùng tiếng súng nổ là những đam mê nghiệt ngã, cứ đeo đẳng "cowboys " cho tới chết.
Và ở đâu cũng vậy, vào những dịp tết nhất, lễ lạc có tính cách kỷ niệm chung trong gia đình, thì nỗi buồn của khách xa nhà hay khách không nhà, đều mênh mang sầu khổ dễ sợ.
Trở lại những nhân vật nam trong tiểu thuyết lãng mạn thời tranh tối tranh sáng, thời chưa ngã ngũ những chuyến rời nhà, để tung mình vào gió cát đường xa ...
Chính là thời gian tôi, một bé gái vừa rời xa núi cao rừng thẳm Chapa, bắt đầu 9 tuổi ở vùng biển mặn Hải Phòng, sau 2 năm theo cha mẹ chạy loạn quanh châu thổ sông Hồng Hà .
Và nhất là tôi hoà lẫn vào đám thiếu nhi miền suôi một cách nhanh chóng, đã 9 tuổi, mà chưa biết ghép vần a b c , ba tôi dạy ở nhà cách nào mà tôi và chị gái tên Cao Mỹ Nhân ( My với dấu ngã ) còn tôi Cao Mỵ Nhân ( My với dấu nặng ) mau chóng vô trường nữ tiểu học Lệ Hải ở Hải Phòng , học ngay lớp nhất, tức lớp 5 ngày nay ...
Do đó, cũng vừa lên đệ thất, tức lớp 6 ngày nay, là tôi
" ngốn " văn chương tiểu thuyết bất kể chọn lựa, đến nỗi ở ngoài Bắc lạnh thế, tôi chui vô mền, ôm sách truyện đọc một cách say sưa, trong đó có 2 cuốn truyện " trung niên " của nhà văn Ngọc Giao tên Quán Gió, Mưa Thu tôi đang kể vậy.
Hằng ngày, tôi phải chạy bộ từ nhà ở đường Tám Gian ra đường Cầu Đất, tên phố quê vậy mà lại là đại lộ chính ở thành phố Cảng, tức Hải Phòng, để thuê truyện đọc, cứ ví tạm như 1$ / ngày, và đó là tiền quà sáng của tôi hằng ngày đó quý vị ạ .
Chỉ nửa năm sau lớp đệ thất là tôi đã gởi bài đăng báo Liên Hiệp Hà Nội với truyện cổ tích đầu tiên tên "Trời Cao " ngày 19-3-1953 .
Từ đó, hình ảnh những người thanh niên,trung niên đi vào tiềm thức tôi, nhân vật nam với cuộc sống giang hồ, tưởng là khí phách với tâm tư tình cảm thiếu niên, tôi trở thành cây bút đam mê lãng mạn sách truyện thời thượng.
Rồi, không thể nào không có bài đăng báo Giang Sơn mỗi thứ 4 , biến thành "cây bút cổ tích cổ lọ " Hải cảng, và cũng mau chóng có " bạn đọc học sinh " ngay từ thời đó.
Có điều tôi không chuyên chú đăng báo để lấy tiếng vì thực sự còn nhỏ, là chỉ muốn bắt chước thôi.
Thậm chí, còn phải thêm tên một cô bạn học đệ thất Bùi Hải Yến vào với tên mình, kẻo ba tôi la mắng nữa .
Có phải đó cũng là cái nền cho tôi bước vào các đoàn thể sau này, để được tự do lang thang đi chơi xa hợp pháp như vô Hướng Đạo vv...hay cuối cùng là phải hiện diện trong một đoàn thể to lớn nhất, khí thế nhất là Quân đội VNCH .
Đúng rồi, chỉ ở đấy, Quân đội VNCH, mới có những mẫu mã thanh niên, trung niên lý tưởng cho tôi hằng ngày ngưỡng mộ.
Đôi khi tôi còn tự hiểu được rằng tại sao tôi ưa thích người lính VNCH, mà tôi phải đặt là quý anh chị em trong đại tộc KAKI của tôi .
Đến nỗi bây giờ đã tan hàng 43 năm, tôi vẫn còn viết say mê đề tài lính .
Có thể cũng có quý vị để ý chút đỉnh về tôi trong viết lách. Song có 2 người không phải là thắc mắc, mà họ muốn biết " cụ thể " hơn, tại sao tôi cứ trưng ra những hình ảnh lính VNCH, gần như 9/10 thơ văn tôi, có các huynh đệ chi binh trong bài vở đó .
Cách đây không lâu, nhà thơ X nhận định tôi là một cây bút ưa thích viết về lính trước 1975, mà tới bây giờ tôi vẫn viết về những người lính như chưa hề tan hàng vậy .
Nhà truyền thông Việt Hải, trưởng nhóm Nhân Ảnh Tân Văn, thì lại hỏi: " tại sao chị viết nhiều về lính VNCH thế ?
Kể ra tại sao thì dài lắm, nhưng cũng chẳng dài dòng gì, chỉ là hình ảnh ấy như tôi đã gặp từ lâu trong tiềm thức ...
Tức là một cuộc hạnh ngộ đẹp nhất, ý nghĩa nhất nơi cõi ta bà này.
Nếu vị võ sĩ Nhật Bản kia quan niệm rằng: hình ảnh đẹp nhất đối với ông ta là người võ sĩ đạo và hoa anh đào .
Thì tôi cũng có thể nói theo vị võ sĩ vừa thượng võ vừa yêu hoa trên, rằng: bóng dáng người lính VNCH, là anh hùng mã thượng đối với tôi hơn ai hết.
Mỗi mùa xuân đến, hình ảnh những năm xưa, hướng dẫn các phái đoàn đi thăm tiền tuyến, những buổi sáng đầy mây trên đỉnh núi, hay những buổi chiều còn sót lại vạt nắng buồn hiu hắt bên sông vv...chẳng biết những người lính nhớ nhà, nhớ gia đình thế nào, chứ lòng tôi thì bát ngát xa trông, mênh mông buồn ...nản.
Song , chúng tôi không có quyền buồn nản , mà phải tươi vui như ...hoa nở 4 mùa, vì mùa nào cũng là mùa xuân cả.
Người lính sẽ trở về hậu phương theo những phiên nghỉ phép, sẽ đoàn tụ cùng bố mẹ anh chị em, và nhất là vợ con, cả những người yêu, người tình ...thời gian thật vô cùng quý giá ...
Họ, những người lính, những quân nhân các cấp VNCH ...những huynh đệ chi binh xưa, người còn kẻ mất, nhưng nghĩa tình thì đầy ắp thân thương...
Họ cũng lãng mạn chứ, nhưng là lãng mạn có thuỷ có chung, có ra đi và trở về đúng nơi đúng chỗ, không lênh đênh, lang thang bất định .
Mùa xuân đã đến, mùa xuân kéo chúng ta trở lại dĩ vãng, một quá khứ gấm hoa, có người ở nhà nhớ nhung người vắng mặt ...
Người vắng mặt hay người nơi xa , những tiền đồn hẻo lánh . ..sẽ lặng lẽ cám ơn, vì mùa xuân là mối chân tình được diễn tả hằng năm, hậu phương biết ơn tiền tuyến, khi tình hình chiến sự chưa vãn cuộc trong tư thế an bình chân chính...
CAO MỴ NHÂN