văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, February 15, 2018

VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG ** Lời Tự Tình Trong Thi Nhạc


Tự nghìn xưa thi ca và âm nhạc đã thể hiện tiếng nói mang niềm rung cảm dạt dào, sâu đậm của con tim. Ngôn ngữ thi nhạc tuy ngắn gọn nhưng đã truyền đạt được tâm tư, tình cảm, tâm tình dâng hiến cho nhau trong trái tim, trong cuộc sống con người. Nếu tình yêu là chiếc cầu thì tình tự là nhịp cầu nối kết với nhau và, tiếng nói yêu đương khởi đi qua lời tự tình. Theo thần thoại Hy Lạp, trong chín vị thần nữ thì năm vị thần chiếm ngự thi ca mà ba vị chi phối nguồn tình ái, lãng mạn, trữ tình... Vì vậy, ngôn ngữ của thi ca dễ được cảm nhận, dễ dàng bày tỏ. Và, khi ngôn ngữ đó có vần điệu, mang âm hưởng trầm bổng, nó dễ dàng đi vào cung bậc, ru thế nhân vào suối nguồn âm thanh.

Khuynh hướng lãng mạn được hình thành ở Âu Châu vào thế kỷ XVIII được đề cao về sự thăng hoa tình cảm và trí tưởng trong sáng tạo nghệ thuật. Ðem thực tại từ cuộc sống, tình cảm cá nhân tô điểm bởi mộng mơ, bày tỏ tiếng nói trung thực của trái tim ra khỏi khuôn phép bị trói buộc từ thuở xa xưa. Từ đó văn học nghệ thuật nói chung, thi ca và âm nhạc nói riêng trở thành “mối lương duyên” đã tạo ảnh hưởng sâu rộng đến khắp nơi. Những khuôn mặt lớn trong thi ca như Chateaubriand, Lamartine, Alfred de Musset, Alfred de Vigny, Victor Hugo, Avers... Và, những nhạc sĩ tài danh như Wolfgang A. Mozart, Robert Schumann, F. Schubert, Carl M.V Weber, Felix Mendelssohn, Hector Berlioz, Claude Debusy, G. Bizet, R. Wagner, Franz Liszt, F. Chopin, J. Brahms... gieo thi hứng và hồn nhạc chu du bốn phương.
Vào tiền bán thế kỷ XX, không khí lãng mạn trữ tình được du nhập vào Việt Nam tạo dựng khung trời mới trong thi ca và nét nhạc trữ tình trong bước khởi đầu nền tân nhạc được đánh dấu vào thời tiền chiến. Qua năm tháng, dần đà trải rộng trên đất nước, ảnh hưởng mạnh mẽ cho đến nay.

Tình yêu, trái tim và ngôn ngữ thi nhạc được thổ lộ, dàn trải qua tâm sự, nỗi niềm đôi lứa, ảnh hưởng từ làn gió mới Tây phương được du nhập vào đất nước.
Nhiều khuôn mặt sáng tạo trong thi ca và âm nhạc đã tô điểm trong vườn hoa Văn học Nghệ thuật qua dòng thơ và ý nhạc trữ tình đã vượt thời gian và không gian trong cơn thăng trầm của lịch sử. Có người tự trói buộc, vong thân, chối bỏ thời hoa mộng với con tim nhưng tác phẩm nghệ thuật vẫn là chứng tích của thời kỳ phát triển trong buổi bình minh. Có người được sống trong bầu trời tự do để tiếp nối niềm rung cảm sâu xa của con tim để làm cho vườn hoa nghệ thuật càng thêm phong phú.
Theo dòng thời gian và theo tiếng vọng của con tim trong tình yêu, lời tự tình được bàng bạc thể hiện qua thi nhạc:
Ngập Ngừng của Hồ Dzếnh
"Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! 
Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu? 
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu? 
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa 
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa 
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi 
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!"
Bài thơ này đã được các nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc thành ca khúc Chuyện Hẹn Hò, Anh Bằng với nhạc phẩm Anh Cứ Hẹn, và Hoàng Thanh Tâm thành bài hát cùng tên. Xuân Diệu đa tình, đa cảm với Tương Tư, Chiều:

“Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em ...
... Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi”.
Lưu Trọng Lư trong phong trào thơ mới không còn rụt rè, bộc lộ cụ thể với Giang Hồ:
“Hãy nhích lại đưa tay ta nắm
Hãy buông ra đằm thắm nhìn nhau
Rồi trong những phút giây lâu
Mắt sầu gợn sóng, lòng đau rộn tình”.
Và, hình ảnh đó được bắt gặp ở Vũ Hoàng Chương, nhà thơ phiêu lãng trong men rượu và men tình trong bài Quên:
“Ðã hẹn với em rồi; Không tưởng tiếc
Quãng đời xưa, không than khóc gì đâu!
Hãy buông lại gần đây làn tóc biếc
Rát gần đây, gần nữa, cặp môi nâu”.

Nhà thơ Hàn Mặc Tử, con người mang nhiều bất hạnh trong cuộc sống, đã bày tỏ trong Âm Thầm:
“Em có ngờ đâu trong những đêm
Trăng ngà giải bóng mặt hồ êm
Anh đi thơ thẩn như ngây dại
Hứng lấy hương nồng trong áo em”
Cùng thời điểm và cũng bạn thơ với nhau, Bích Khê tỏ tình qua Tỳ Bà:
“Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Ðâu tìm đào nguyên cho xa xôi
Ðào nguyên trong lòng nàng đây thôi”
Một trong những bài thơ tuyệt vời trở thành thân quen thời tiến chiến và được nhắc mãi đến mai sau như Tống Biệt Hành, thơ của Thâm Tâm:
“Ðưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”
Lời tự tình cho nhau không chỉ dành riêng phái nam mà ở nữ giới. Nhà thơ Ngọc Tuyết, qua 3 thi phẩm Giọt Ðầy Giọt Vơi, Lá Trở và Sang Mùa, mang tâm sự của mình để dàn trải với tha nhân. Và, lời tự tình được bày tỏ:

“Vô tư anh rắc hạt yêu
Ðể thơ ngái ngủ trong chiều hư không
Dẫu mai phố chật người đông
Anh qua xin nhớ đã từng có em”...
Bài thơ Kiếp Nào Có Yêu Nhau của Minh Đức Hoài Trinh
"Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi..."
Bài thơ nầy được Phạm Duy phổ nhạc cùng tên được nổi tiếng qua nhiều thập niên.
"Đừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em,
Đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông xuôi,
Môi răn đã quên cười..."
Có muôn vàn bài thơ, có hàng trăm tình khúc đã đi vào trái tim giới thưởng ngoạn qua bao năm tháng, âm nhạc là nghệ thuật dễ truyền đạt nhất từ trái tim sáng tạo đến trái tim thưởng thức. Ở đó, lời tự tình như sự mê hoặc lôi cuốn hấp dẫn, rất nhiều bài thơ đã làm rung động tâm hồn nhạc sĩ để trang trải với cung 
đàn.

Dòng thơ của khuôn mặt sớm đa tình Hoàng Cầm trong tuổi ấu thơ, nòi tình đó vẫn còn nóng bỏng cho đến tuổi già với Tình Cầm, được Phạm Duy phổ thành ca khúc:
“Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
Rồi những chiều vàng phơ phất lại
Anh đàn, em hát níu xuân xanh”
Quang Dũng nổi tiếng với dòng thơ đầy hào khí và lãng mạn ở thập niên 40, bài Ðôi Mắt Người Sơn Tây qua dòng nhạc của Phạm Ðình Chương làm sống lại tên tuổi của Quang Dũng khi ở bên kia vỹ tuyến:
“Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi thấy xứ Ðoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương”

Ca khúc Mộng Dưới Hoa của Phạm Ðình Chương được phổ rất tuyệt qua dòng thơ Ðinh Hùng:
“Nếu bước chân ngà có mỏi,
Xin em dựa sát lòng anh.
Ta đi vào tận rừng xanh
Vớt cánh dong vàng bên suối”
Bài thơ Cần Thiết của Nguyên Sa, Song Ngọc phổ nhạc:
“Không có anh lấy ai đua em đi học về
Lấy ai viết thơ cho em mang vào lớp học
Ai lau nước mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa”
Anh Bằng dựa vào ý thơ viết thành ca khúc Nếu Vắng Anh:
“Nếu vắng anh, ai dìu em đi chơi trong chiều lộng gió
Nếu vắng anh, ai đợi chờ em khi sương mờ nẻo phố
Nếu vắng anh, ai đón em khi tan trường về
Kề bóng em ven sông chiều chiều, gọi tên người yêu”

Mang hình ảnh lãng mạn ở Pháp, giữa thập niên 50, thơ Nguyên Sa được xem như những trang thư cho tình yêu cho tuổi trẻ, Paris Có Gì Lạ Không Em được Ngô Thụy Miên phổ nhạc:
“Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay”
Ngô Thụy Miên đem vào cung bậc chất ngất yêu thương trong Tháng Sáu Trời Mưa, thơ Nguyên Sa:
“Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu”
Hoàng Thanh Tâm phổ thành ca khúc bài thơ trên và tô điểm thêm:
“Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến
Sưởi ấm đời nhau bằng những môi hôn
Mình cầm tay nhau nghe tình dâng sóng vỗ
Hãy biến cuộc đời bằng những tối tân hôn”

Bài thơ Áo Lụa Hà Đông của Nguyên Sa do Ngô Thụy Miên phổ nhạc cùng tên như lời tự tình cho nhau.
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát 
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông 
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng…”
Bài thơ Cần Thiết của Nguyên Sa xuất hiện đầu thập niên 60 đã bay vào khung cửa trường học, thư sinh nào muốn tỏ tình nhưng nhát gan thì chép bài thơ nhét vào trang sách. Bài thơ nầy cũng đuộc Ngô Thụy Miên phổ nhạc cùng tên nhưng Anh Bằng mượn ý thơ qua ca khúc Nếu Vắng Anh được mọi người ái mộ.
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát 

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông 
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng”
Lời ca khúc Nếu Vắng Anh:
“Nếu vắng anh ai dìu em đi chơi trong chiều lộng gió. 
Nếu vắng anh ai đợi chờ em khi sương mờ nẻo phố. 
Nếu vắng anh ai đón em khi tan trường về, 
Kề bóng em ven sông chiều chiều, 
Gọi tên người yêu…”

Du Tử Lê đến với thơ tình từ thập niên 60, và trở thành khuôn mặt tên tuổi nơi hải ngoại. Với Du Tử Lê, ngôn ngữ, tình yêu là lẽ sống mầu nhiệm trong sáng tạo nghệ thuật. Với Hiến Chương Tình Yêu, thơ Du Tử Lê, “còn lời đường mật nào hay hơn, quyến rũ hơn”? được Nguyên Bích viết thành nhạc phẩm:
“Khi em lạnh tôi biến thành ngọn lửa
Ðốt yêu thương than nóng hực ân tình
Cả nghìn chương chỉ chép chuyện đôi ta
Khi em viết tôi biến thành giấy bút”.
Chàng Du Tử nòi tình nầy ru tình nhân qua Một đời Ðể Nhớ, nhạc của Song Ngọc
“Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Buổi chiều chăn gối thiếu hơi ai
Em đi để lại hồn thơ dại
Tôi vó câu buồn sâu sớm mai”
Bên cạnh Song Ngọc, Trần Duy Ðức phổ thành ca khúc Chỉ Nhớ người Thôi Ðủ hết Ðời

Từ nơi xa xôi, Thái Tú Hạp ngỏ lời thăm hỏi qua Chiều Nhớ Hoàng Thành, Khúc Lan đem dòng thơ vào nét nhạc:
“Em vẫn giữ bài thơ trong chiếc nón
Dù cho đời mưa nắng đuc Kim Luông
Mưa có buồn trên đôi bờ thương bạc
Em vẫn còn thắp lửa đợi chờ anh?”
Những dòng thơ trong bài Ma Soeur của Nguyễn Tất Nhiên được Phạm Duy đưa vào cung bậc làm thăng hoa tình yêu giữa tâm hồn lãng tử với người tình bé nhỏ qua ca khúc Em Hiền Như Ma Soeur:
“Ta nhờ em ru ta
Hãy ru tên vô đạo
Hãy ru tên khờ khạo
Em yêu nầy em yêu”

Ngày nay, ở hải ngoại rất nhiều bài thơ được phổ thành ca khúc, nhiều nhạc 
phẩm nói lên tiếng nói của con tim đầy ngọt ngào yêu thương để chia xẻ, an ủi vỗ về cho nhau trong tháng ngày lưu lạc, trong cuộc sống tha hương. 
Từ nghìn xưa cho đến nay, từ Ðông sang Tây, ngôn ngữ tình yêu không có gì thay đổi, không có gì khác lạ, nếu có, chỉ thay đổi từ rụt rè, e ấp sang dạn dĩ, táo bạo, từ lời lẻ bóng gió, ẩn dụ, nên thơ sang gợi dục, cuồng nhiệt, đam mê... Lời tự tình có khi chứa đựng sự đường mật, lừa dối, quyến rũ, ru ngủ để lôi kéo đối tượng vào vòng tay ân tình nhưng vẫn là nhịp cầu trao đổi để làm đẹp lòng nhau, dù biết lọc lừa nhưng có còn hơn không! Nghệ sĩ sáng tạo cho tâm sự của mình cho tha nhân, và không có gì đẹp bằng mượn nó để tỏ bày từ tiếng vọng trái tim.

Vương Trùng Dương