Trước 1945, - rõ ra là trước khi Cộng Sản nắm chính quyền ở nước ta, - hồi đó cũng đã biết khôn, tôi không thấy có việc ca ngợi “Mẹ Việt Nam” như sau nầy, phía vùng Cộng Sản cũng như vùng Quốc Gia.
Bấy giờ, chỉ có “Lễ Hai Bà Trưng”, nhưng mà do Tây xúi người Việt Nam thực hành.
Chuyện khá buồn cười phải không?
Sau khi Tây đầu hàng Đức ở bên Tây (1940), thì Tây bên xứ Đông Dương nầy thấy lạnh giò. Sợ người “dân An Nam” lợi dụng cơ hội nầy nổi lên chống Tây, Tây bèn lập mưu đổi hướng kẻ thù. Thay vì kẻ thù là Tây cướp nước ta, Tây bèn “vẽ” lại lịch sử nước ta “chống Tầu”. Thay vì kẻ thù là “ông Tây mắt xanh mũi lõ”, thì Tây làm nhiều việc tuyên truyền, nhiều nhất là “bích chương” dán ở các trường học, vẽ lại câu chuyện “Hai Bà Trưng chống Tô Định”, “Lê Lợi chống quân Minh”, “Sông Bạch Đằng” với Ngô Quyền phá quân Nam Hán, giết Hoàng Thao, Hưng Đạo đại phá quân Mông Cổ... Kẻ thù là “chú Ba tóc bỏ đuôi chuột”.
Các bài ca lịch sử của Hoàng Quí, Hoàng Giác xuất hiện trong thời gian nầy, nhiều nhất là được hát trong các đoàn Hướng Đạo.
Tôi không thấy tranh truyện Quang Trung phá quân Thanh vì ông Bảo Đại (nhà Nguyễn, dòng dõi vua Gia Long) còn ngồi trên ngai vàng hay chăng? Ca ngợi ông Quang Trung sợ “đụng chạm” với ông Nguyễn Ánh? Ấy là chưa nói tới chuyện thể thao như đá bóng, đua xe đạp vòng Đông Dương của De Couroix, v.v…
&
Khi chiến tranh Việt Pháp (1956-54) bùng nổ, trong vùng Việt Minh xuất hiện nhiều câu chuyện ca ngợi “Mẹ Việt Nam”, “Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng”. Nhiều hoạt động như thế được căn cứ trên sự thực, cụ thể như câu chuyện “Bà Mẹ Gio Linh” ở một bài hát của Phạm Duy. Có nhiều chuyện có tính tổng quát, hình ảnh chung của người Mẹ Việt Nam như bài hát “Bà Mẹ Quê”, cũng của Phạm Duy. Dĩ nhiên trong “vùng Việt Minh” mà Việt Minh gọi là “vùng Tự Do” có nhiều câu chuyện ảo về Bà Mẹ Việt Nam, chuyện bịa, giống như chuyện Lê Văn Tám (Đuốc Sống) do Trần Huy Liệu bày đặt ra.
Việt Cộng bịa nhiều chuyện cũng hay, nghe bùi tai, cảm động, nhiều chuyện bịa trắng trợn, nhưng các “Bà Mẹ Quê” chất phát, thật thà, thường dễ bị Việt Cộng lừa.
Những chuyện bịa, tuyên truyền thường có tính cách lợi dụng, xúi bậy người dân quê Việt Nam, hy sinh cho “cách mạng” qua những việc như các Mẹ chăm sóc cơm nước cho bộ đội, tiếp tế cho cán bộ, làm giao liên, v.v…
Sự việc không thật lòng, chỉ nhằm lợi dụng các bà mẹ nhẹ dạ, thương người, thương con cháu… chỉ tạo nên những điều đau lòng.
Còn thực tế thì sao?
Sẽ nói ở đoạn sau!
Chính quyền miền Nam cũng tuyên truyền, tổ chức, hoan nghênh, ca ngợi, tưởng nhớ có khác ít nhiều với Việt Cộng. Người quốc gia không nặng tuyên truyền mà thực tâm hơn, thậm chí có những tác phẩm văn, thơ, kịch nhạc ca ngợi Mẹ một cách chân thành. Lòng yêu kính người Mẹ của người nghệ sĩ miền Nam bắt nguồn từ trong lòng hiếu thảo, thương yêu cha mẹ từ trong truyền thống văn hóa của dân tộc, từ những văn nghệ sĩ chân chính chớ không phải từ bộ Thông Tin, Dân Vận Chiêu Hồi, cơ quan Tâm Lý Chiến hay từ Ban Dân Vận Trung ương như Việt Cộng…
Năm 1949, khi ông cả của tôi bị Tây bắt bỏ tù vì tội “làm Việt Minh, chống Tây”, - lúc đó, tôi mới 12 tuổi -, theo Mẹ tôi đi thăm nuôi ông anh đang ở trong tù, có khi đi ngang qua “càphê Lạc Sơn” trước chợ Đông Ba (Huế), tôi từng nghe trên loa của tiệm càphê nầy phát bài “Bà Tư bán hàng có bốn người con” của Lê Thương. Trần Văn Trạch hát diểu rất “vô duyên” thành “Bà Tư bán hàng có bốn người…yêu” và bài “Con chim hòa bình đang đau nặng, Ngày và đêm (có người hát “Mẹ Việt Nam”) càng thêm lo lắng”. Có lẽ đó là lần đầu tiên tôi nghe hát mấy tiếng “Mẹ Việt Nam”…
Được viết ra từ những tâm hồn chân thật, người miền Nam xúc động thật sự về những tác phẩm ca ngợi Mẹ như “Lòng Mẹ” của Y Vân, “Huyền thoại Mẹ”, “Lời mẹ ru” của Trịnh Công Sơn, “Lá thư gửi Mẹ” của Nguyễn Hiền, “Lối về đất Mẹ” của Duy Khánh, “Mẹ Việt Nam ơi” Nguyễn Ánh 9, tất cả không dưới 10 bài… Về thơ ca ngợi Mẹ thì nhiều vô số, không kể hết được.
Năm 1980, bọn tù cải tạo chúng tôi xa gia đình đã 5 năm, nỗi nhớ gia đình và thương mẹ chống chất cũng đã lên cao vời vợi. Chiến sự biên giới Việt Trung năm trước đó, tạo nên nhiều nỗi khắc khoải thương nhà nhớ nước lại càng cao hơn. Do đó, tết âm lịch năm đó, - Canh Thân 1980-, Đội Văn Nghệ của Trại tù Z30A (của “bầu Trừ” trên đồi Phượng Vĩ (Long Khánh) tổ chức “Mẹ Việt Nam đi thăm các con còn trong trại tù Cộng Sản”.
Sáng mồng một Tết, được “nghỉ lao động”, sau khi “ăn sáng” xong, Mẹ Việt Nam (do thiếu úy Chương đóng vai), cùng các nhạc sĩ, ca sĩ và “các con yêu của Mẹ” rước Mẹ đi từng nhà trong trại tù để thăm các con. Đám rước có kèn trống rộn ràng, có hát đồng ca (“Tám Điệp Khúc” của Anh Việt Thu), có fan đi theo hoan hô, hô khẩu hiệu…
Dĩ nhiên, mấy ngày sau, bọn Công An đàn áp dữ dội. Sau khi một số đông vô nằm “cachot”, đội Văn Nghệ bị chuyển vào “Trại Đá” sát trong rừng sâu vì sợ các anh em trong đội trốn trại.
Đối với những người tù cải tạo Z30A, khó quên biến cố ấy!
Trong chiến tranh, dù phía bên nầy hay bên kia, sự hy sinh của người Mẹ thật to lớn, nói bằng lời không hết được. Bây giờ, phía chiến thắng dựng tượng đài cho “người Mẹ chiến thắng”, còn “người Mẹ phe thua trận” thì sao? Âm thầm ngồi bên bếp tro mà nhớ con: đứa còn trong tù, đứa lưu lạc quê người, đứa làm “dân biểu” (Dân biểu đạp xe tới đâu thì đưa người ta tới đó), đưa làm rừng nơi núi cao rừng thẳm, đứa làm ruộng ở kinh cùng rạch chẹt???!!!
&
Mẹ tôi chính là Mẹ Việt Nam, không được ai ca ngợi - Mà tôi cũng không cầu ai ca ngợi. Nói vậy là thật lòng đấy!
Khi tôi đi tù thì mẹ tôi đã già, 72 tuổi. Khi tôi ra tù thì Mẹ tôi qua đời đã 5 năm. Mẹ tôi không đủ sức để mà sống, chờ tôi về.
Khi tôi về, tôi mới biết Mẹ tôi đã qua đời. Khi tôi còn trong tù, vợ tôi, và các anh chị tôi giấu kín, không muốn cho tôi biết cái tin đau lòng ấy.
Không cần “tiểu thuyết hóa”, Mẹ tôi là một người đàn bà Việt Nam từng gánh chịu nhiều đau khổ vì chồng con, vì gia đình, vì đất nước… Tôi xin kể cho quí độc giả nghe:
Năm 1946, theo “lệnh Việt Minh toàn dân kháng chiến”, “tiêu thổ kháng chiến”, Mẹ tôi đem 8 người con, 4 trai, 4 gái, chạy “tản cư” theo lệnh chính quyền hồi đó. Chị cả tôi bấy giờ mới 18 tuổi, chưa có chồng. Cha tôi không theo gia đình, ông đi theo “cơ quan”.
Gia đình tôi tản cư 3 năm. Mẹ tôi gánh chịu 3 cái tang lớn.
-Năm 1947, người chị cả, vì bệnh mà qua đời, an táng ở ngọn đồi cát thuộc làng An Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
-Năm 1948, vì bệnh, thân phụ tôi qua đời ở “Bơơng”, gần chiến khu Ba Lòng, huyện Hương Hóa (tên cũ), tỉnh Quảng Trị.
-Năm 1949, anh cả tôi, chủ trương tờ báo “Ý Dân” ở Huế, bị Tây với “Việt Gian” thủ tiêu, không tìm được thi thể, không biết chết ngày nào, chôn ở đâu, khi ông mới 21 tuổi!!!
Ông nầy là “anh cả”. “Hùng móm” là em út. “Hùng móm” Đại đội trưởng 112 Dù, hy sinh ở chiến trường Quảng Trị ngày 14 tháng 7 năm 1972.
Trong 4 người con trai của Mẹ tôi, có hai người “hy sinh vì Tổ Quốc”: Một người hy sinh cho phía bên kia (Việt Minh); một người hy sinh cho phía bên nầy (Việt Nam Cộng Hòa). Phía bên kia: “chống Pháp giành độc lập”, Mẹ tôi hy sinh một người con trai. Phía bên nầy: “chống Cộng Sản bảo vệ Tự Do cho miền Nam”. Mẹ tôi cũng “đóng góp” một người con trai.
Khi tôi còn nhỏ, tôi vẫn nhớ và không bao giờ quên được nỗi đau khổ của Mẹ Tôi, khi biết tin anh cả tôi bị Tây giết, cũng như những nỗi đau khổ của Mẹ tôi trong đám ma “Hùng móm”.
Khi ba tôi qua đời, Mẹ tôi cũng có khóc, nhưng không khóc nhiều. Khi các con của Mẹ tôi qua đời, Mẹ tôi khóc dữ. Có một lần, ở Huế, tôi đưa Mẹ tôi đi bác sĩ khám mắt. Mẹ tôi nói: “Hết đứa nầy, qua đứa kia chết, “Mạ” (tiếng Huế) khóc không hết nước mắt, mắt “Mạ” kém đi, nhìn cái chi cũng không rõ. Không chắc bác sĩ chữa được.”
Tôi làm thinh, thấy thương Mẹ!
Đó là chưa kể những nỗi đau khổ, cực nhọc của Mẹ tôi vì tôi, nhất là sau khi tôi nhập ngũ. Đời lính dài chỉ có 7 năm mà tôi đi rất xa: Cần Thơ, Long Xuyên, Hà Tiên trong khi quê tôi ở tuốt ngoài kia: Quảng Trị. Bất cứ ở gần ở xa, Mẹ tôi cũng tìm đến thăm con.
Mẹ tôi là “Mẹ Thật”, có hình dáng: quê mùa, già nua, cười khi gặp tôi, đau khổ và khóc thầm khi nhớ các con của Bà, đứa còn sống cũng như đứa đã chết. Nói thật lòng, tôi không thương kính được “Mẹ Ảo”, - người Mẹ tôi chỉ nghe nói, qua tranh vẽ, qua hình tượng, bằng đất, bằng gỗ hay bằng ngọc, bằng bạc, vàng… được người trần tục ca ngợi bằng những lời tuyên tuyền, huyền hoặc, thời trang, thời thượng. Đó là “Mẹ Maria” hay “Mẹ Phật Bà” hay “Mẹ Thanh Hải”. Nói vậy thôi! Nói nhiều “mất lòng” người đời.
Có lẽ người ta không vui khi thấy có người “ít thương” người mẹ sinh ra ta vì một lý do nào đó, chẳng hạn như cho rằng “mẹ ích kỷ”, “mẹ ta không thương ta”, mẹ làm điều gì đó xấu xa, mang tiếng cho ta, v.v… Nói chung là một người mẹ không tốt. Mẹ tốt thì thương mà mẹ xấu thì không thương hay sao? Cách đây ít lâu, - khi đó tôi cũng vừa góa vợ -, trong một buổi “họp mặt” gì đó, một người đàn ông cũng vừa góa vợ than vản: “Tôi thương vợ tôi lắm, vợ tôi tốt lắm”. Tôi thấy buồn cười. Anh ta thương vợ vì vợ anh ta tốt với anh ta lắm. Nếu vợ không tốt với anh thì anh không khóc vợ hay sao? Đâu có phải vậy. Khi đã là vợ hay chồng mình thì tốt xấu gì cũng thương. Sống với nhau, có con cái, gian khổ sung sướng có nhau, chia ngọt xẻ bùi thì thương nhau, nghĩa vợ chồng, “tào khang chi thê”. Tôi nghĩ rằng anh chàng nầy không có chiều sâu, dễ “tục huyền”. Quả đúng vậy thật, ít lâu sau nghe người ta nói anh ta về Việt Nam “bê” một cô vợ trẻ, bằng tuổi con anh, đem qua Mỹ! Tình đời!
Tình yêu mẹ, cũng giống như tình yêu quê hương vậy. Yêu quê hương vì yêu, thế thôi, đâu có phải vì quê hương đẹp hay xấu, giàu hay nghèo, sang hay hèn. “Chốn quê hương đẹp hơn cả”, không vì một lý do nào cả. Người dân Quảng Trị khi đã đi xa, bỗng thấy nhớ nhà vì “có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, vui vì nồi cơm ngô đầy…”. Không đủ gạo, cơm phải “độn” với ngô mà mấy đứa trẻ cũng vui thế sao! Vậy mà đố ai quên được!!!
Mấy câu nầy trích trong bài hát “Que nghèo” do Phạm Duy sáng tác năm 1948, khi ông còn theo Việt Minh, “công tác” ở vùng biển phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
&
Năm 1959, tôi là sinh viên của giáo sư Lê Hữu Mục về môn Văn Học Sử ở năm Dự bị ở Đại Học Văn Khoa, Huế. Lúc ấy, ông cũng phụ trách tờ Mùa Lúa Mới rồi tuần báo Rạng Đông ở Huế. Tôi đang làm “mầm non văn nghệ” viết cho hai tờ báo của “ông thầy”.
Tôi thường “ghé tòa soạn” gặp các văn nghệ sĩ (đàn anh), trong đó có anh Lê Hòa Mộng. Nhà thơ mà! Tên tuổi phải có “môt chút mộng mơ” cho ra nhà thơ chớ. Anh ấy, nguyên là “nhà thơ quân đội”, ngâm thơ (trên đài quân đội) rất hay, tình thoảng có thơ, có văn đăng báo ở Saigon, ở Huế. Trước kia, anh ta có “đi theo Việt Minh mấy năm”, rồi bỏ kháng chiến mà về, gia nhập Quân Đội Quốc Gia. Năm 1955, 56, Quân Đội Quốc Gia được chỉnh đốn lại để “trở thành “Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa”. Anh ấy “bị giải ngũ” vì có dính dấp tới “đảng phái”.
Anh đem vợ con về ở với Mẹ, phía sau nhà tôi. Anh thường sang chơi với tôi.
Mọt hôm, tôi vừa ăn cơm, xong, Mẹ tôi nói:
-“Bựa nay, con đừng “bạn bè chi” vớ anh “Hòa Mộng” đó nữa nghe chưa!
Hơi ngạc nhiên, tôi hỏi:
-“Răng Mạ?”
-“Cả xóm nầy người ta chưởi anh em nhà nớ ghê lắm. Anh em chưởi nhau. Mạ nó rầy. Nó nói: “Mạ thương chi tui. Cha mạ ăn nằm với nhau, nghĩ tới cái chuyện sướng, chớ có nghĩ tới chuyện đẻ tui ra mô mà nói thương con.” Rồi Mẹ tôi mắng tiếp: “Cái thứ “vô đầu vô vị (vĩ) mới coi cha mạ như rứa.”
Tôi cười, không trả lời, nhưng từ đó về sau, tôi vâng lời Mẹ.
Tôi biết đây là “lý luận” của chủ nghĩa Mác. Ở Đại Học Huế, chương trình Văn khoa không dạy tôi đề tài nầy. Sách triết “Chủ nghĩa Các Mác” của giáo sư Trần Văn Toàn cũng không bàn tới đề tài nầy, nhưng sách nói về Mác hay phê phán chủ nghĩa Mác, người ta nói không ít.
Chủ nghĩa khoa học phát triển - Việt Cộng thì rất mê khoa học, kế hoạch, chương trình gì cũng chủ trương phải “khoa học”.
Sau khi bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa cải tổ chương trình giáo dục ngày 12 tháng 8 năm 1958, cũng chủ trương “Nhân Bản, Dân Tộc, Khai Phóng”, trong một buổi họp ở tòa sạn báo “Rạng Đông”, giáo sư Lê Hữu Mục trả lời một biên tập viên nào đó, giải thích về hai chữ “khai phóng”, có nghĩa là mở ra: Mở ra khỏi cách học từ chương khoa cử như thời kỳ cũ, trước 1945; và phóng là hướng tới, đi tới một phương hướng học hành mới, có tính cách khoa học và thực tiễn để thích hợp với thời kỳ mới về sự tiến bộ của nhân loại. Chế độ Cộng Sản thì tin tưởng tuyệt đối vào khoa học, chế độ Việt Nam Cộng Hòa dùng khoa học như một phương tiện để đi tới, không sùng bái như Cộng Sản.
Trong tình trạng đó, một người từng theo Việt Minh như nhà thơ Hòa Mộng, dù có là đảng viên hay không, thì sự tiêm nhiễm về lý luận “duy vật biện chứng”, dù có tin tưởng chủ nghĩa Mác hay không, thì cũng phải “tư duy” theo cách của Mác để được tiếng là người tiến bộ, vui lòng cấp trên, phần tử trung thành để được “vô đảng”, “lên chức lên quyền”… cũng không có gì lạ! Điều đáng buồn, những người Cộng Sản hay “theo đuôi Cộng Sản” đã bỏ vào sọt rác văn hóa dân tộc, phỉ nhổ nó, cho nó là “phong kiến phản động”, lạc hậu…
Dĩ nhiên, tôi nghe lời Mẹ. Mẹ là lương tâm, Mẹ là dạy dỗ tôi, theo ý nghĩa đó, Mẹ là người bảo vệ văn hóa dân tộc, theo phương cách “bình dân” nhất, bằng những lời ca dao, tục ngữ, chuyện cổ tích… Mẹ tôi thường răn con bằng những lời ca dao, tục ngữ như tất cả các bậc phụ huynh trong xã hội ta, từ mấy ngàn năm trước.
Những câu chuyện “chưởi cha mắng mẹ” như thế nầy, đâu có phải chỉ xảy ra nơi nhà thơ Hòa Mộng tôi quen biết. Trong “Cải Cách Ruộng Đất”, ông Nguyễn Ngọc Trìu từng mắng mẹ: “Bà không phải là mẹ tôi, bà là con mẹ địa chủ “bóc lột nhân dân”, “tàn ác với nhân dân”… Sau đó, mẹ ông ta qua đời vì bị đấu tố, và vì lời nói của con, làm cho bà đau khổ. Khi mẹ đi xuống thì đời ông Trìu đi lên: Phó thủ tướng. Đảng “trả công” cho ông ta đấy.
Cũng trong “Cải Cách Ruộng Đất”, “đội Cải Cách” ở làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, thấy một ông già quần ống sớ, áo gấm, dép hạ, đi ngang họ. Họ hỏi: “Ông già kia, ông là ai?”
Ông già trả lời:
-“Tao ấy à? Tao là bố thằng Khu đây.”
“Đội” (cải cách ruộng đất) là người từ nơi khác đến, đâu biết ông già là ông Đặng Xuân Viện, là bố Đặng Xuân Khu, (tức “đồng chí Trường Chinh”).
Phải chi ông Viện nói “tao là bố thằng Trường Chinh”, may ra có đứa còn biết; còn như ông ta nói “Tao là bố thằng Khu” thì bọn chúng đâu biết “thằng Khu” là thằng nào. Chúng bèn trói “bố thằng Khu” lại, đem ra đấu tố “tên địa chủ ăn trắng mặc trơn”.
Trường Chinh có biết bố bị đấu tố thì cũng làm ngơ. Ông đang lo cho “sự nghiệp của đảng”.
Dưới nhãn quan của những người “sự nghiệp” là trên hết, cha hay Mẹ của chính họ hay Mẹ Việt Nam! Đâu có nghĩa lý gì, chỉ là “mượn danh Mẹ”, giống như câu tục ngữ “thờ bụt ăn oản” mà thôi!
Quan điểm “tận tín khoa học” của Cộng Sản kinh khủng thật! Người xưa dạy “Tận tín thư bất như vô thư” (Hoàn toàn tin vào sách không bằng không có sách thì hơn).
Khoa học cũng vậy. Nó có hai mặt: Nâng cao đời sống của con người, nhưng nhiều khi ngược lại. “Tận tín khoa học” nên cho rằng cha mẹ “ăn nằm” với nhau vì ham khoái lạc chớ đâu phải muốn sinh ra con cái. Niềm tin đó đã tạo ra anh nhà thơ Hòa Mộng nửa mùa, là con tằm ăn dâu nhả ra dâu, và một đảng Cọng Sản “đấu tố” cha mẹ như đấu tố một con vật bốn chân.
Những người từng ở Bắc Bộ phủ trước kia, và bây giờ, đều thế cả, phải không?
hoànglonghải