Nghi đáp tàu từ ngoại ô và xuống ga ở trạm Tokyo Metro Kudanshita lúc 8 giờ. Anh lướt nhìn đồng hồ rồi thầm nghĩ chỉ 5 phút đi bộ đến công viên Chidori-ga-fuchi là mình sẽ gặp được lại Khúc Diễm là anh đã cảm thấy niềm vui tràn ngậptrong tâm hồn. Hôm nay hai người hẹn nhau đến công viên nhân ngày nghỉ cuối tuần để cùng ngắm hoa anh đào đang vào thời kỳ nở rộ. Ở đất nước xứ sở mặt trời mọc, khi mùa xuân về tiết trời trở nên ấm áp, cả Nhật Bản tràn ngập sắc hồng và hương thơm dịu nhẹ của một loài hoa sakura mà ta thường gọi là hoa anh đào, người ta có cảm giác muốn được cùng ai đó chia sẻ cảm giác dịu dàng, thân thương trước vẻ đẹp của một loài hoa mảnh mai và thanh khiết. Mùa xuân ở Nhật Bản thường bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến tận tháng 5. Đây cũng chính là thời điểm hoa anh đào khoe sắc rực rỡ nhất, mãn khai nhất trong năm. Mỗi một bông hoa anh đào được ví như cuộc đời của một võ sĩ đạo samurai khi cần có thể hy sinh trong nụ cười bình thản, vô ưu đi vào cỏi chết nhẹ nhàng như một bông hoa anh đào thanh thản lìa cành về với đất mẹ. Hoa nầy vừa tàn thì hoa khác lại bung nở, rụng xuống đất rồi vẫn còn tươi nguyên và vẫn còn thoang thoảng mùi hương trong gió làm ai cũng phải xao lòng ngất ngây.
Cũng ở thời điểm nầy thường diễn ra lễ hội Hanami – lễ hội ngắm hoa truyền thống nổi tiếng nhất của Nhật Bản và được coi là một quốc lễ của họ. Nghi sống ở Tokyo đã hơn 4 năm, tức là anh đã trải qua 4 mùa lễ hội Hanami trên đất Nhật, hai năm đầu anh còn có cái cảm giác háo hức đi lang thang khắp nơi, hòa vào dòng người đi trẩy hội ngắm hoa anh đào nở khắp nơi tìm cảm hứng cho nét cọ của mình được tung tấy đầy ngẩu hứng về loài hoa đọc đáo nầy, có một cảnh tượng mà anh không bao giờ quên khi tàu điện chạy qua một khu vực trồng toàn hoa anh đào, cảnh một rừng hoa chạy ngược về phía sau như một khúc phim quay chậm làm anh liên tưởng như mình đang lạc vào chốn thiên thai trong câu chuyện Lưu Nguyễn lạc thiên thai vậy. Những năm sau cái háo hức ấy bớt dần đi vì anh cảm nhận niềm vui tràn ngập ấy đơn độc quá, không biết chia sẻ cùng ai nên không còn thích thú khám phá lắm như năm đầu mới đến nữa. Nhưng mùa Hanami năm nay lại khác, hình như ông trời đã ưu ái đem đến cho anh một người có thể san sẻ niềm vui mà tưởng chừng không thể tìm ra được: Đó là Khúc Diễm.
Ở cái xứ Phù Tang nầy người Việt sinh sống và làm việc không phải là quá ít ỏi đến độ ra đường không thể tìm gặp được một người đồng hương nhưng để được làm bạn và có thể tâm sự trao đổi với nhau một điều gì đó trên xứ người thì phải nói khó lòng tìm được người bạn đồng hành với mình. Nghi gặp lại Khúc Diễm cũng là một sự tình cờ hay có thể là do sự run rủi của trời đất chăng? Buổi họp mặt diễn ra ở Đại Sứ Quán Việt Nam với các Việt kiều, sinh viên, nghiên cứu sinh đang sinh sống làm việc học tập trên đất Nhật Bản mừng cái tết cố truyền của dân tộc. Khúc Diễm đã nhận ra anh ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng còn anh lại lớ ngớ đến tội nghiệp trước một cô gái vinh đẹp gọi tên anh với vẻ mừng rỡ, một hồi lâu mới nhận ra được cô em gái của người bạn thân hồi còn đi học ở Sài Gòn. Lúc anh nhận được học bổng sang Nhật nghiên cứu về hội họa đương đại của nước bạn thì Khúc Diễm đang học năm cuối của bậc phổ thông. Sau đó cô cũng tìm được học bổng nghiên cứu về văn học Nhật Bản và qua đây. Thế mà thoáng chốc đã 5 năm rồi còn gì. Khúc Diễm trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, hoạt bát khác xa thời anh gặp cô ở quê nhà mỗi lần đến chơi nhà người bạn – Huy anh Khúc Diễm – cũng là người đam mê hội họa và có một vài giải thưởng trong và ngoài nước khi còn ở quê nhà. Khác với sở thích của Nghi, luôn tìm tòi khám phá những đường nét uyển chuyển, khói sương trong hội họa phương đông thì Huy lại thích những đường nét phóng khoáng, mạnh mẽ trừu tượng trong từng mảng màu của hội họa phương Tây nên Huy đã sang Mỹ để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình. Gặp lại nhau trên xứ người làm cả hai rất vui, vì họ có chung một người thân quen nên tình cảm cũng cởi mở gắn bó hơn. Hôm ấy Khúc Diễm uống rượu vang hơi nhiều có lẽ vì vui mừng nên má cô có vẻ hồng hơn, mắt long lanh hơn làm Nghi tự hỏi sao hồi ấy mình không thấy cái đẹp duyên dáng tiềm ẩn của Khúc Diễm nhỉ, suy nghĩ ngây thơ ngộ nghỉnh nầy làm anh bật cười đã làm Khúc Diễm hơi ngơ ngác hỏi anh: - Anh Nghi cười gì thế, chắc anh thấy em xấu xí quá chăng? Khiến anh phải vội vã đính chính: - Khúc Diễm đẹp như thiên nga ấy mà, sao hồi đó anh không nhận ra nhỉ? Câu nói của Nghi đã làm Khúc Diễm cảm thấy xôn xao,nao nức trong lòng vì có người khen mình đẹp làm sắc mặt của cô càng đỏ hồng hơn dưới chùm đèn vàng cam dịu dàng của tòa sảnh đường đại sứ quán.
Bước vào công viên Chidori-ga-fuchi một đoạn ngắn phía bên tay phải, Nghi đã thấy Khúc Diễm ngồi chờ sẳn trên một băng đá trống tự lúc nạo. Hôm nay ngày cuối tuần nên khách tham quan khá đông và ồn ào, Khúc Diễm mặc chiếc đầm màu nâu cánh gián và chiếc khăn quàng cổ màu xanh ngọc thạch làm tôn nước da nền nả mịn màng của người thiếu nữ đang xuân, mái tóc được chải khéo, buông xỏa xuống bờ vai một cách tự nhiên trông Khúc Diễm thật xinh xắn tươi mát. Nghi bước tới ngồi cạnh nàng, nói một cách vui vẻ:
- Khúc Diễm chờ anh có lâu lắm không?
- Ồ! Em cũng mới vừa đến thôi mà. Ký túc xá nơi em ở cũng gần đây thôi, chỉ băng qua một con lộ là tới đây ngay. Anh Nghi đi metro có lâu lắm không?
- Em biết giao thông ở Nhật rất tuyệt vời mà khoảng 20 phút là cùng. Mọi cái như lập trình sẳn, giống như người ta cố tình lập trình cho chúng ta gặp lại nhau trên cái đất nước mặt trời mọc nầy vậy mà.
Khúc Diễm nhìn Nghi cười khúc khích:
- Anh làm như ông trời ban cho chúng ta nhiều ân sủng mà không ai có vậy làm cho em mừng hụt. Thôi chúng ta đi dạo ngắm hoa anh nhé.
Nghi khẻ gật đầu. Cả hai cùng đi theo con đường đã có sẳn. Công viên Chidori-ga-fuchi rất rộng lớn nằm gần cung điện hoàng gia, một nơi mang nhiều nét cổ kính nằm lọt thỏm trong một thành phố hiện đại, người ta ví nó như một ốc đảo giữa lòng Tokyo hào nhoáng. Ở đây bạn có thể vừa ngắm hoa anh đào vừa có thể chèo thuyền suốt dọc dòng kênh để chiêm ngưỡng nhiều loại hoa anh đào tuyệt đẹp được đem về trồng tại đây. Nếu bạn đến vào ban đêm sẽ càng hấp dẫn lý thú hơn nữa. Bầu không khí sẽ thay đổi hoàn toàn khác. Từng cây hoa anh đào được thắp sáng, phản chiếu lên mặt nước lung linh một ánh sáng huyền ảo tạo nên một bầu không khí vô cùng lãng mạn. Đây cũng là địa điểm ngắm hoa nổi tiếng khắp nước Nhật bởi nó vừa có hoa đẹp, vừa có mặt hồ lung linh lại được chèo thuyền xuôi theo dòng kênh để ngắm hoa thì còn thú vị nào bằng, không phải công viên nào trên hòn đảo nầy được thiên nhiên ưu đãi như thế.
Họ đi dạo một vòng quanh các con đường trong công viên. Hoa anh đào có nhiều màu sắc đẹp đến nao lòng. Từ màu đỏ rực đến hồng thắm, trắng tinh khôi đến phớt xanh, vàng vương giả, người ta đã khéo léo chọn những giống anh đào đẹp khác nhau khắp nơi đem về đây tạo nên một quần thể hoa có một không hai. Cả hai vừa đi vừa nói chuyện với nhau rất vui giống như một cặp tình nhân đang đi dạo một cách nhàn nhã khiến người ngoài nhìn vào có thể ghen tỵ. Nghi nói với Khúc Diễm:
- Khúc Diễm biết không hoa anh đào được trồng khắp nơi trên đất nước Nhật Bản từ công viên, bờ kênh, ven sông hay trong các sân vườn của người dân, nó là biểu tượng quốc hoa của người Nhật vì nó mang một vẻ đẹp thật tinh khiết. Nhất là về mùa xuân, mọi nơi tràn ngập sắc hồng của sakura. Có một điều rất đặc biệt loài hoa nầy khi lìa cành sắc hoa vẫn còn tươi thắm bởi sự tàn lụi vào đúng lúc dỉnh cao rực rỡ của nó lại chính là cái đẹp thanh cao nhất nên hình ảnh cánh hoa anh đào lìa cành được người Nhật liên tưởng đến cái chết nhẹ như lông hồng của các võ sĩ samurai, vì vậy người Nhật có câu nói thật ví von nhưng không kém phần tôn kính: “Nếu là hoa xin làm hoa anh đào. Nếu là người xin làm võ sĩ đạo”.
Đang đi chợt Khúc Diễm thấy trước mắt mình một hàng cây anh đào mà hoa của nó màu hồng đậm, hình dáng giống như một cái chuông rất lạ mắt làm cô ngạc nhiên reo lên:
- Màu hoa anh đào đẹp quá anh Nghi ơi. Chẳng biết nó có tên gì anh nhỉ?
Nghi nhìn theo hướng tay chỉ của Khúc Diễm cười trả lời cô bạn nhỏ của mình:
- Đó là hoa anh đào Kanhi Zukura, mình gọi là Hàn Phi Anh. Giống hoa nầy xuất xứ từ Đài Loan và đảo Okinawa, nằm trong giống hoa nở sớm vào khoảng tháng 1 và 2.
- Đã vào tháng 4 rồi mà nó vẫn còn nở sao anh.
- Ừ! Đợt hoa nầy tàn thì tới đợt hoa khác bung nở thôi mà.
Rồi Nghi giải thích thêm:
- Ở Nhật có mấy trăm loài hoa anh đào khác nhau như Nhiễm Tĩnh Cát Dã Anh(Somei Yoshino Zakura) hoa có màu hồng nhạt hay trắng. Vẻ ngoài của chúng đặc biệt đẹp nhờ vào lá cây không trồi ra cho tới mùa cao điểm hoa nở. Hoa có sắc hồng chuyển dần sang trắng, các biểu tượng hoa sakura đều bắt đầu từ loài nầy. Còn có Sơn Anh(Yama Zakura) cũng màu hồng nhạt, hoa năm cánh nhưng nhỏ hơn, Chi Thùy Anh(Shidare Zakura), hoa màu hồng có những nhánh rũ xuống, rồi Hàn Anh(Kanzakura) là loại hoa anh đào nở sớm, Hà Tân Anh(Kawazu Zakura). Hàn Phi Anh hoa có màu đỏ đậm giống như cái chuông mà Khúc Diễm thấy đấy. Thời gian rộ nở của hoa anh đào cũng rất khác nhau như Hàn Phi Anh có thể rộ nở từ tháng 1 làm cho du khách rất thích thú có loai nở rất muộn như Nhất Diệp Anh(Ichiyou Zakura) nở vào cuối tháng tư một bông có khoảng 20 cánh, rồi Uất Kim(Ukon) hoa có màu vàng nhạt, Anh Đào Hoa Cúc(Kikuzakura) có khoảng 100 cánh trong một bông, đặc biệt là Anh Đào Mùa Thu(Jugatsuzakura) thời gian nở từ tháng mười đến tháng một và mùa xuân, là một trong những loài hoa nở vào mùa thu và mùa đông. Hoa nhỏ và ít nhưng tạo nên cái nhìn ngạc nhiên trong sự kết hợp cùa màu sắc mùa thu hoặc tuyết trắng.
Khúc Diễm vỗ tay thán phục:
- Ồ!Anh Nghi giỏi thật. Cái gì cũng biết. Em phải học hỏi ở anh nhiều mới được.
Nghi cười khì:
- Làm họa sĩ mà không nắm bắt sự thay đổi kỳ diệu của thiên nhiên xung quanh mình thì làm sao thể hiện trong nét vẽ được phải không Khúc Diễm. Nói vậy chứ sống lâu lên lão làng thôi mà. Biết đâu mai mốt Khúc Diễm còn giỏi hơn anh gấp nhiều lần thì sao?
- Chuyện đó chắc còn lâu đó anh Nghi ơi.
Cả hai cùng cười vang. Có vẻ đi lòng vòng ngắm hoa một lúc thấm mệt, họ tìm một thảm cỏ đối diện với con kênh để nghỉ chân, nơi đây vừa có thể ngắm hoa vừa có thể thấy những chiếc thuyền chèo hai người chèo qua lại trên dòng kênh lòng cảm thấy muôn phần thú vị. Bỗng một cơn gió lớn thổi ngang, hoa từ các cây được một phen tung ngược lên trời tạo thành một vũ điệu hoa đẹp không thể tả. Nghi đột nhiên nhắm mắt lại để xem cảm giác của mình như thế nào trước sự dịch chuyển của những cánh hoa bay trong gió trước khi chạm xuống đất. Khúc Diễm tò mò nhìn anh một cách thích thú rồi hỏi:
- Sao anh Nghi nhắm mắt lại kia chứ? Nhắm mắt có thấy gì đâu nà?
Nghi nhìn cô gái cười ra vẻ bí mật:
- Anh đang thử cảm giác của chàng hiệp sĩ mù Zatoichi nghe gió kiếm ấy mà.
Khúc Diễm ngơ ngác:
- Hiệp sĩ mù ở đâu ra thế?
Nghi bật cười:
- Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm trong bộ phim trường thiên của Nhật Bản nổi đình nổi đám những năm đầu thập niên 1970 do tài tử Shintaro Katsu đóng đấy mà. Zatoichi tuy mù nhưng lại có đường kiếm tuyệt luân, với chiếc gậy dò dẫm trên khắp nẻo đường thiên lý để trừ gian diệt bạo. Chỉ cần một tiếng động khẻ là biết vị trí của đối phương ở đâu, ra chiêu như thế nào mà nhanh chóng hóa giải đánh bại được đối phương trong chớp mắt.
- Em thì chịu thôi. Có người tài giỏi như thế sao? Anh Nghi lúc nhắm mắt nghe được gì nào?
- Anh nghe được tiếng gió, tiếng hoa rơi và cả tiếng thì thầm của Trúc Diễm.
- Anh nói sạo ghê. Em có nói thì thầm gì đâu.
- Đó là tiếng thì thầm của hoa anh đào.
- Hoa anh đào cũng biết thì thầm sao anh?
Nghi nhìn vào đôi mắt của Khúc Diễm thật lâu rồi nói:
- Nhắc đến đường kiếm tuyệt luân của chàng hiệp sĩ mù Zatoichi làm anh nhớ đến đường kiếm của chàng samurai Vũ Đằng trong truyền thuyết hoa anh đào của Nhật Bản quá. Hoa anh đào tượng trưng cho mối tình bất diệt của đôi trai gái yêu nhau mà không sống được gần nhau đấy đóTrúc Diễm.
- Thật thế sao anh? Anh kể cho em nghe đi.
- Vào một thời rất xa xưa, nước Nhật sống dưới sự cát cứ của các sứ quân, có một lãnh chúa vô cùng tàn ác đã sai một samurai cũng là một người luyện kiếm tài giỏi đúc cho mình một thanh kiếm chém sắt như chém bùn để trấn áp được thiên hạ. Dưới áp lực của vị lãnh chúa, người samurai ấy buộc lòng phải đúc kiếm. Sau khi đúc xong thanh kiếm báu ông lại không giao cho tên lãnh chúa vì ông biết khi ông giao xong ông sẽ nhận lấy cái chết vì thế nào tên lãnh chúa sẽ giết ông để ông không còn có thể đúc gươm báu cho một ai khác được nữa nhất là đối với kẻ thù đối nghịch với ông ta, người samurai ấy trao thanh kiếm cho vợ bảo bồng con trốn đi, sau nầy hãy giao lại cho con khi nó lớn khôn để nó trả thù cho ông và dặn thêm rằng thanh gươm chỉ phát huy tác dụng của nó khi được tắm máu của một người nữ đồng trinh tình nguyện chết.
- Sao lại tàn độc thế. Sao phải có sự hy sinh của người nữ đồng trinh thanh kiếm mới có tác dụng thế anh?
- Hình như đó là thuật luyện kiếm của người xưa đó thôi. Giống như bên Trung Quốc có truyền thuyết về luyện kiếm Can Tương và Mạc Tà thời Chiến Quốc ấy mà.
- Rồi câu chuyện diễn ra thế nào anh Nghi?
- Người vợ sau đó trốn đi, mười bốn năm sau bà trao lại thanh kiếm cho đứa trẻ và kể lại lời trăn trối của người cha. Đứa trẻ bấy giờ với cái tên Vũ Đằng run rẩy cầm thanh kiếm thốt lên trong tâm trạng nghẹn ngào: - Ta phải trả được mối thù cho cha và sẽ trở thành một kiếm sĩ nổi tiếng nhất trên đất nước nầy. Thế là Vũ Đằng tìm đến một vị võ sư nổi tiếng xin làm đệ tử. Vị samurai ngắm nhìn chàng trai từ đầu tới chân thấy cốt cách thật phi thường nhưng ẩn sau nó là một luồng sát khí vô cùng mạnh mẽ khiến người ngồi trầm ngâm suy nghĩ hàng giờ liền. Cuối cùng ông thở dài lẩm bẩm một mình “oan nghiệt” và chấp nhận Vũ Đằng làm đệ tử. Thời gian qua đi, chàng kiếm sĩ đã 18 tuổi, một lứa tuổi đẹp nhất đời người võ sĩ đạo và tay kiếm của chàng khiến cho những samurai kiêu hùng nhất cũng phải e dè, cũng là lúc người thầy dạy già yếu qua đời, bên cạnh chàng chỉ còn lại người thân duy nhất là nàng Phương Tử con của vị võ sư cũng là thầy dạy của chàng.
Từ đó mỗi ngày khi nắng bắt đầu lui dần về phía sau đỉnh núi Phú Sĩ, đêm đen tràn về xóm núi, Phương Tử lại thấy Vũ Đằng ngồi buồn bã, trầm tư bên bếp lửa. Vũ Đằng biết thanh kiếm chỉ trở nên dũng mảnh phi thường, biến hóa thần kỳ khi nó tắm được máu của một người nữ đồng trinh chịu hy sinh một cách tự nguyện nhưng ai sẽ tình nguyện làm chuyện đó, không một có thể hy sinh cái chết của mình cho một câu chuyện tưởng chừng hoang đường như thế.
Phương Tử buồn bã hỏi Vũ Đằng:
- Anh thân yêu! Có phải thanh kiếm đó đối với chàng là tất cả chăng? Nếu nó không được tắm máu người nữ đồng trinh để trở thành một thanh kiếm báu thì mãi mãi chàng buồn đau vì không trả được thù nhà ư?
Nhìn bếp lửa chàng trai vuốt ve thanh kiếm và nói chậm rãi nhưng thật quả quyết:
- Chỉ buồn đau thôi ư? Không đâu! Mãi mãi đó là sự tuyệt vọng sẽ làm ta chết mất. Đối với ta, thanh kiếm là sự nghiệp, là con đường đi tới vinh quang của ta, làm sao ta có thể trở thành một samurai chân chính khi thanh kiếm báu không phát huy tác dụng của nó chứ?
Cô gái mỉm cười đau đớn. Cô chỉ hỏi để khẳng định lòng quyết tâm của mình mà thôi. Cô dịu dàng nói với Vũ Đằng:
- Anh thân yêu! Hãy cho em được cầm lấy thanh kiếm của chàng một chút để ngắm xem nó đẹp dường nào mà chàng say mê đến vậy.
Cầm thanh kiếm đen bóng, sắc lạnh trong tay, Phương Tử nhìn Vũ Đằng bằng một ánh mắt buồn vời vợi, tội nghiệp cho chàng, tội nghiệp cho ta quá, tình yêu ta dành cho chàng đành đem xuống tuyền đài mà thôi. Phương Tử đột ngột dùng thanh kiếm đâm thẳng vào tim. Một dòng máu nóng trào ra đẩm ướt tấm thân mảnh dẻ, nhuộm đỏ chiếc áo kimono trắng nõn, trinh bạch mà nàng đã chuẩn bị từ trước để chấp nhận sự hy sinh của mình cho người mình yêu dấu.
Vũ Đằng hốt hoảng thét lên một tiếng kinh hoàng, vội lao mình tới, vươn tay rút phăng thanh kiếm khỏi ngực cô gái nhưng không kịp nữa rồi, cô gái đã lã mình và lịm thiếp đi trước sự bàng hoàng sửng sốt hối hận của chàng trai. Dưới ánh lửa bập bùng, thanh kiếm bỗng đột ngột ngời lên sắc xanh rực rỡ, hào quang lóe lên lộng lẫy lạ thường: nó đã được uống những dòng tinh huyết của người thiếu nữ trinh bạch và giờ đây nó trở thành một thanh kiếm vô địch.
Chàng trai từ đó thành một samurai lừng danh thiên hạ, chàng bắt tên lãnh chúa phải đền tội, tiếng tăm của chàng làm kẻ thù khắp nơi phải run sợ, chàng hiện thân của cái thiện của chính nghĩa mà những kẻ gian tà chỉ mới nghe nhắc đến tên chàng là hải hùng tháo chạy, nhưng ngược lại bên cạnh chàng không còn một người thân nào, chàng hoàn toàn cô độc.
Cho đến một hôm, một buổi chiều mùa đông lạnh lẽo buồn bã, khi những bông tuyết đầu mùa bắt đầu rơi. Chàng trai bây giờ đã trở thành một người đàn ông trung niên mệt mõi trở về quê cũ, ôm thanh kiếm báu quì xuống bên cạnh mộ cô gái. Chàng thì thầm trong tiếng gió: “ Hãy tha lỗi cho anh. Anh đã hiểu ra rồi…”
Rồi chàng bình thản, lặng lẽ cắm thẳng mũi kiếm vào bụng, rạch một đường thật sâu và rút gươm ra nằm gục bên mộ nàng Phương Tử. Thanh bảo kiếm cắm sâu vào lòng đất lạnh. Ngoài trời tuyết vẫn không ngừng rơi, rơi mãi.
Những bông tuyết đã ôm trọn chàng trai và ngôi mộ vào vòng tay của mình. Từ đó mọc lên một cây hoa lạ, vươn lên tràn đầy sức sống, mỗi độ xuân về, cây hoa ấy bung nở những chùm hoa hồng thắm, rực rỡ dưới ánh mặt trời. Không ai biết loài hoa ấy hóa thân từ thanh kiếm nhuộm máu của hai kẻ yêu nhau nhưng không đến được nhau. Loài hoa ấy được người dân xứ phù tang đặt một cái tên thật thân thương: Sakura tức Hoa anh đào.
Khúc Diễm nhìn lên bầu trời, khắp nơi nền nã một màu hoa hồng thắm tinh khôi, nàng cảm thấy hình như trong từng cánh hoa run rẩy trong gió như đang thì thầm nói với nàng hãy yêu nhau đi, thời gian đi qua sẽ không bao giờ quay lại. Khúc Diễm nhìn Nghi nỏi khẻ:
- Câu chuyện cảm động anh Nghi nhỉ?
Nghi khẽ khàng nắm bàn tay của Khúc Diễm đặt trong hai tay của mình nói một cách chậm rãi:
- Ừ! Rất cảm động. Anh mong mình cũng yêu nhau như chàng trai và cô gái trong truyền thuyết hoa anh đào được không Khúc Diễm?
Khúc Diễm để yên bàn tay của nàng trong đôi tay ấm áp của Nghi. Nàng ngã đầu vào vai chàng và nói:
- Nhưng em không thích cái kết thúc buồn thảm của loài hoa ấy đâu.
- Anh cũng thế. Tình mình sẽ dẹp như mùa hoa anh đào vậy.
Lại một cơn gió mạnh lại thổi lên. Vũ điệu hoa mới lại bắt đầu. Lần nầy trong mắt hai người yêu nhau nó rực rỡ và tuyệt vời biết bao nhiêu.
NGUYỄN AN BÌNH