văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, October 13, 2020

TRANG LUÂN ** VÌ SAO CHỢT TẮT

                                

                                                                                                                           Viết cho một người nằm xuống:

                                                                                                                 Nhạc sĩ: NGUYỄN VĂNĐÔNG

     Gần đây anh có nghe tin gì ở Việt Nam không!”

“Cả tuần lễ nay tôi bận quá nên chẳng có thì giờ để theo dõi tin tức!  Còn anh!  Chắc anh có nhiều tin mới lạ lắm thì phải!”

“Có chứ!  Nhiều lắm.  Nhưng!  Sốt dẻo nhất vẫn là tin nhạc sĩ Nguyễn văn Đông mới vừa qua đời ở Sài Gòn.”

“Anh nghe tin này ở đâu vậy!”

“Cần gì phải nghe ở đâu anh!  Tôi cứ vào youtube thì chuyện gì mà chẳng có ở trong đấy.”

         Anh bạn tôi ngừng lại vài giây rồi nói tiếp:

“Theo người nhà cho biết, ông ra đi rất nhẹ nhàng, êm ả.  Ông trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Chợ Rẫy vào lúc 4 giờ 30 ngày 26 tháng 2 năm 2018.  Hưởng thọ 86 tuổi.”

        Đấy là lời của anh bạn nói với tôi như thế.  Cái tin đến thật quá đột ngột, quá bất ngờ.  Cái tin làm cho tôi giật mình, ngẩn ngơ rồi ngồi thừ ra, bất động ở trên ghế.  Tôi thầm gọi tên ông.  Nguyễn văn Đông.  Ba chữ Nguyễn văn Đông hầu như gắn bó, dính chặt với những tuyệt phẩm nổi tiếng của ông, tiêu biểu như Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Nhớ Một Chiều Xuân, Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Phiên Gác Đêm Xuân, Sắc Hoa Màu Nhớ, Hải Ngoại Thương Ca.

       Những nhạc phẩm nói trên đã thấm sâu vào tâm khảm của mọi tầng lớp khán giả ở miền Nam.  Ông không những là sĩ quan cao cấp trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, mà cũng là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc ở miền Nam trước năm 1975.  Ông đã ra đi.  Thật sự đã ra đi.  Nhắm mắt, xuôi tay, bỏ lại cái quê hương tạm bợ đầy muộn phiền, cay đắng này, để bước sang cuộc hành trình lạ lẫm, mới mẻ khác!  Cuộc hành trình đi về với thế giới huyền ảo, xa xăm.  Cái thế giới của an hòa, của vĩnh phúc.  Của hư vô, của vĩnh cửu.  Cái thế giới mà ở đấychỉ thấy toàn là những hoa thơm, cỏ lạ cùng tiếng nhạc khúc trầm bổng, réo rắt tấu lên bản trường ca bất tận.

       Sự ra đi của ông, đã để lại cả cõi trống vắng cùng vô vàn nỗi tiếc thương cho người bạn đời từng sát cánh bên ông.  Từng san sẻ với ông qua những ngọt, bùi, đắng, cay, tê tái ở tại đời sống này.  Bỏ lại cả bạn bè.  Cả họ hàng, thân thuộc cùng biết bao nhiêu lớp người đã mến mộ ông, qua những nhạc phẩm giá trị, sâu sắc mà ông đã để lại cho cõi trần thế đầy muộn phiền, chua chát này.  

      Từ khi nghe tin ông nằm xuống, chẳng ngày nào mà không thấy E Mail hiện lên ở trên máy!  Ngày nào cũng có mấy dòng phân ưu cùng ít lời chia buồn dành cho gia đình, và không quên, cầu chúc cho ông, sớm được về với chốn bồng lai tiên cảnh.  Vào youtube, anh sẽ thấy, còn có rất nhiều bài viết nói về ông, ca tụng ông, cho ông là tấm gương sáng, là người lính nặng nợ với núi sông.  Người nghệ sĩ với tay súng, tay đàn.  Ngoài ra, người ta còn đề cập đến cả về sự nghiệp quân sự sáng giá của ông.  Những thành tựu rực rỡ trong lãnh vực âm nhạc, cũng như cuộc sống thầm lặng mà ông đã khép kín trong suốt ba mươi mấy năm vừa qua ở tại quê nhà.  Đặc biệt hơn nữa, có người còn dí dỏm, ví ông là kẻ sĩ trong giai đoạn đầy oan khiên, bi thảm, phẫn uất của lịch sử đất nước.  Xuyên qua những tác phẩm để đời, người ta còn nhận định, cho rằng, ông bị ảnh hưởng bởi các áng thơ cổ.  Bởi sĩ khí của cụ Nguyễn công Trứ, của Đặng trần Côn trong Chinh Phụ Ngâm Khúc.  Anh bạn tôi còn dặn đi, dặn lại:  Về nhà, anh nhớ lên internet rồi vào youtube, anh sẽ thấy được trọn vẹn cái đám tang của người nhạc sĩ đáng kính này.  Cái đám tang khiến cho nhiều người ở trong nước, cũng như ở ngoài nước, đều không dấu được vẻ bàng hoàng, sửng sốt và ngay đến cả ông bạn hàng xóm với tôi cũng còn phải thốt lên:

“Quả thật!  Tôi không ngờ, cái đám tang của ông Đại Tá Nhạc Sĩ này lại đông đến như vậy.”

       Chờ cho anh bạn nói dứt, tôi mới mạnh dạn lên tiếng hỏi anh:

“ Theo anh, trong cái đám tang này, điểm nào anh cho là nổi bật nhất, đáng nói nhất, đồng thời cũng gây ra sự chú ý cho nhiều người nhất!”

       Anh ta đáp chẳng cần suy nghĩ:

“Đấy chính là mấy anh em cựu quân nhân.  Mấy thương phế binh cùng số đàn em học cùng trường với ông ở Vũng Tàu.  Họ xếp thành hàng ngang ở trên vỉa hè.  Đứng nghiêm trong tư thế chào tay để tiễn biệt người đàn anh đáng kính của họ đã ra đi.  Hình ảnh đó, ai nhìn vào mà không cảm động, hở anh!   Cảm động trước cái tình nghĩa cao đẹp của người lính Cộng Hòa trước đây ở miền Nam.   Nói như thế, thì quả thật vẫn chưa đủ!  Hình ảnh ấy đã khiến cho dòng người đang di chuyển ở trên đường, đều không dấu được vẻ bùi ngùi, thương tiếc anh ạ.  Đặc biệt nhất, là trên khuôn mặt của từng người, tôi nhận ra có sự thán phục, hằn lên ở trong đấy.  Còn riêng về phần gia đình, thì đó là cả một niềm hãnh diện vô biên.  Một sự an ủi quá to tát, quá lớn lao.  Phải không anh!”

 “Cái đám tang không hẹn mà tới.  Cái đám tang đầy ắp, chỉ thấy người với người, chen chúc nhau từ trong nhà ra tới ngoài đường.  Cái đám tang diễn ra trong bầu không khí đầy trang nghiêm và xúc động.  Càng xem, tôi lại càng thấy mình bị cuốn hút, hòa nhập vào với dòng người lũ lượt ở trong đấy.  Hầu hết, người nào, người nấy đều không dấu được vẻ ngỡ ngàng, sửng sốt anh ạ!  Tiện đây, tôi cũng chẳng dấu diếm gì anh!  Ngay đến bản thân tôi đây cũng vậy.  Tôi đã phải dơ tay lên dụi mắt đến cả hằng mấy lượt nữa là đằng khác!  Trong khi bánh xe lịch sử đã chìm sâu, xoáy mòn vào năm tháng, tính ra cũng đã ngoài bốn mươi mấy năm rồi còn gì nữa!  Nhưng!  Người dân ở trong nước vẫn còn dành riêng cho ông, đầy ắp những tình cảm quá nồng nàn, quá sâu đậm được thể hiện rõ nét trong cái đám tang này.  Chắc anh cũng đồng ý với tôi, đấy là cả một trường hợp hi hữu và hiếm hoi, phải không anh!  Chẳng những ông là vị đại tá.  Là sĩ quan cao cấp của chế độ miền Nam trước đây.  Một sĩ quan từng bị đi tù.  Bị lăng nhục.  Bị ngược đãi.  Bị đầy đọa từ thể xác cho tới tinh thần.  Bị dán cho cái nhãn hiệu là ngụy quân, ngụy quyền.  Bị gán ghép cho cái tội, là làm tay sai cho ngoại bang.  Cái tội có nợ máu với tổ quốc và nhân dân.  Cuối cùng, rồi sự thật cũng phải trở về với sự thật.  Điều đó, không ai có thể nào chối cãi được!  Cho dù chế độ bạo quyền hiện nay ở trong nước có cố tình bôi nhọ.  Cố tình bưng bít hoặc bẻ cong, bóp méo lịch sử đến thế nào đi chăng nữa!  Nhưng!  Đứng trước kỹ nghệ thông tin quá hiện đại, quá bén nhạy, tinh xảo như ngày nay, nhà nước Việt Nam khó có thể bịt mắt, che đậy được người dân như mấy chục năm về trước nữa!  Vả lại!  Đối với thế hệ trẻ hiện đang còn sống ở trong nước,họ đều tỏ ra quan tâm, tìm hiểu về thực chất của nền tự do, dân chủ ở miền Nam.  Từ đó, họ đưa ra khái niệm đánh giá và so sánh, đồng thời dẫn tới kết luận chính xác hơn, cho đấy là chế độ hoàn hảo và tốt đẹp.  Một chế độ đã đáp ứng đúng với những nguyện vọng thiết tha của toàn dân.  Ở đấy, đã sản sinh ra biết bao nhiêu là nhân tài.  Biết bao nhiêu là anh hùng,hào kiệt, đã tận tụy hiến trọn cả đời mình cho quê hương và dân tộc.  Nhìn vào đám tang của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông, nhà cầm quyền hiện nay ở trong nướcsẽ nghĩ gì!  Nghĩ gì!  Chắc chắn, họ sẽ cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, rồi tỏ ra thái độ hằn học, tức tối, bùng lên ở trong não.

       Trước đây, tôi hoàn toàn chẳng biết chút gì về ông!  Tôi chưa hề gặp mặt hoặc tiếp xúc với ông ở ngoài đời.  Tôi chỉ nghe loáng thoáng đến tên tuổi ông qua các làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn, cũng như đài Tiếng Nói Quân Đội vào thời điểm lúc bấy giờ.  Bất chợt, tôi sực nhớ tới chuỗi ngày tháng ở Chí Hòa, tôi có nghe người ta xầm xì, bàn tán rất nhiều về ông.  Người ta còn cho biết, ông mới vừa được đưa lên từ trại tù Suối Máu ở Tân Hiệp.  Ông bị ghẻ lở.  Bị đủ các chứng bệnh nan y dầy xéo lên thể xác ông.  Ngày ấy, tôi chẳng biết đích xác ông ở khu nào!  Dẫy nào!  Tầng trên hay ở tầng dưới.  Tôi đều hoàn toàn không biết!  Tôi chỉ mập mờ, đoán chừng, có lẽ ông đang ở chung phòng hoặc cùng dẫy với mấy ông bộ trưởng thì phải.

       Cứ mỗi lần nhắc đến khám lớn Chí Hòa, thì y như, tôi lại cảm thấy rùng mình, ớn lạnh cả xương sống.  Ngôi nhà tù khét tiếng, lâu đời và được mô tả là lớn nhất ở vùng Đông Nam Á.  Nó được chia ra làm tám khu, đồng thời được xây cất theo hình thù của bát quái trận đồ.  Nói tới Chí Hòa, thì người ta lại liên tưởng ngay đến nhiều giai thoại rùng rợn về ma quái.  Đến hệ thống canh gác rất nghiêm ngặt.  Đến dẫy tháp canh đứng sừng sững, uy nghi cùng bức tường thành kiên cố bao bọc ở chung quanh.  Cho đến thời điểm này, đã bốn mươi mấy năm trôi qua.  Nhưng!  Tôi vẫn còn nhớ, có dạo, Chí Hòa đã phải trải qua tai họa khủng khiếp, rùng rợn bởi dịch bệnh kiết lỵ.  Ngày đó, có người ở chung phòng nói với tôi, thấy ông nằm bất động, thoi thóp ở dưới bệnh xá.  Thân hình ông tiều tụy, khẳng khiu, tưởng chừng như khó có thể nào vượt qua được ngưỡng cửa của tử thần.  Anh ta còn tỉ tê kể cho tôi nghe:

“Anh cứ thử nghĩ xem.  Kiết lỵ là căn bệnh nguy hiểm và hay lây.  Căn bệnh ngặt nghèo, quái ác.  Ấy thế mà tiêu chuẩn của mỗi bệnh nhân như chúng tôi, chỉ vỏn vẹn có vài viên xuyên tâm liên cộng với nửa ly nước ổi, thì thử hỏi, làm sao chúng tôi có thể sống nổi!”

       Thời gian cứ lạnh lùng trôi qua, kéo theo biết bao nhiêu sự thay đổi phũ phàng, dồn dập vào năm tháng. Kể từ ngày tôi rời khỏi Chí Hòa cho đến nay, tôi chẳng còn nghe thấy tin tức gì về ông!  Thì ra, ông đã ở lại.  Ở lại với giải đất thân yêu hình chữ S.  Với thành phố đã gắn bó với ông, kể từ khi ông được sinh ra, cất tiếng khóc đầu tiên để chào đời.  Lớn lên, ông vẫy vùng, ngang dọc, vào sinh, ra tử ở trong đó.  Rồi!  Cũng chính trên mảnh đất ấy, ông bị cầm tù, bị đầy ải, sống lây lất cho đến ngày ông xuôi tay, nhắm mắt, giã từ khỏi đời sống đầy tạm bợ, phù du này.  Nhiều đêm, khó ngủ, tôi trằn trọc, miên man suy nghĩ về ông.  Với chín năm sáu tháng.  Chín năm sáu tháng, ông vật vã, lăn lóc trong cảnh tù đầy.  Chín năm sáu tháng, ông có dư điều kiện để đi định cư ở Hoa Kỳ, chiếu theo một chương trình nhân đạo của chính phủ Mỹ.  Chương trình này được quen gọi bằng hai chữ H.O. và chỉ dành riêng cho những quân cán chính của miền Nam, từng bị đi tù, bị đầy ải trong các trại tập trung của Cộng Sản tối thiểu từ ba năm trở lên.  Điều làm cho tôi cứ băn khoăn, thắc mắc mãi:  Là tại sao ông không chọn lấy con đường ra đi để thay đổi cho cuộc sống.  Ông chấp nhận ở lại.  Ở lại để hứng chịu mọi tủi nhục.  Mọi oan ức, bất công khoác lên người ông, ròng rã suốt ba mươi mấy năm trời.  Ba mươi mấy năm, ông chịu đựng, nhẫn nhục dưới chế độ hà khắc, bóc lột.  Ba mươi mấy năm, ông ngậm ngùi nhìn đời bằng nỗi u uất chất ngất ở tâm thức.  Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập đổ về chất vấn nơi tâm tư tôi!  Tại sao ông không muốn có đời sống dễ thở, tự do và trong sáng hơn!  Tại sao ông chấp nhận ở lại để hứng chịu mọi tủi nhục, đắng cay đè nặng xuống người ông, ròng rã suốt cả hằng mấy chục năm trời.   Tai sao!  Tại sao!  Từ đó, tôi cứ bị ám ảnh, quyện xoắn vào mấy chữ tại sao!  Tại sao!  Và tại sao!

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu!  Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu.  Kìa rừng chiều âm u rét mướt.  Chờ người về vui trong giá buốt.  Người về bơ vơ.  Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang.  Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn.  Cờ về chiều tung bay phất phới.  Gợi lòng này thương thương, nhớ nhớ.  Bầu trời xanh lơ.”                                 

Nhạc phẩm này đã thấm sâu vào tâm trí tôi, kể từ khi tôi còn là cậu bé mười ba tuổi.  Cứ theo như lời ông kể lại, thì tuyệt phẩm này được thai nghén ở ngay trong lòng của chiến khu Đồng Tháp.  Ngày đó, ông là trưởng phòng hành quân của bộ tư lệnh khu chiến.  Một chức vụ được đánh giá là quan trọng và được xếp vào hàng đầu trong hệ thống tham mưu của chiến dịch.   Nó đòi hỏi người sĩ quan phải có khả năng, phải có kinh nghiệm về chiến trường, đồng thời còn phải biết tháo vát, linh động trong mọi tình huống có thể xảy ra bất cứ lúc nào.  Trong khi đó, tuổi đời của ông lúc ấy còn rất trẻ.  Vào buổi chiều u ám, với những tảng mây mầu chì đậu thật thấp, ông được lệnh dẫn theo số trinh sát nhanh nhẹn, có nhiệm vụ đi quan sát và điều nghiên chiến trường, chạy dọc theo đường biên giới của hai nước Miên Việt.  Sau khi hoàn tất nhiệm vụ để trở về, bỗng nhiên trời đổ cơn mưa.  Mưa ào ạt trút xuống như thác đổ.  Mưa mịt mù, tầm tã.  Ông hướng tầm mắt nhìn về phía xa xa, thấp thoáng vài bóng tháp canh mờ ảo, lung linh, lay động ở cuối chân trời.  Thoáng chợt, ông thấy tâm tư mình rung động, hòa nhập vào với cõi không gian vần vũ, giá lạnh ở chung quanh.  Từ đấy, nẩy sinh ra những cung bậc trầm bổng.  Những trường canh độc đáo, đồng thời tạo ra cho ông nguồn cảm hứng dạt dào, để từ đó, ông viết lên ca khúc bất hủ này.  Nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới chẳng những được phổ biến sâu rộng từ Cà Mâu cho đến Bến Hải, đồng thời còn được dịch ra Pháp ngữ, và được quái kiệt Trần văn Trạch chuyên chở bằng hai thứ ngôn ngữ Pháp Việt trên hệ thống phát thanh của đài Pháp Á vào những năm 50 dưới thời kỳ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa. 

      Trong khuôn khổ của buổi tưởng niệm ngắn gọn, nữ ca sĩ Thanh Tuyền đã ngậm ngùi, kể lể về cuộc đời ca hát của chính mình.  Giọng cô có vẻ quả quyết hơn:

“Nếu không có chú Đông hết lòng chỉ bảo, thì Thanh Tuyền sẽ không có ngày hôm nay!  Chú Đông là người thầy.  Không những là người thầy có tư cách,mà cô còn xem ông như là một người cha khả kính.  Người nghệ sĩ với đầy đủ mọi đức tính cao đẹp của nó.  Đấy là lời nhận xét của cô học trò trong buổi tưởng niệm, tâm tình về ông, do đài Việt Face đứng ra tổ chức.  Cô cho đấy là cả một định mệnh.  Một cái duyên thì đúng hơn.  Cái duyên đã đưa đẩy cho cô có cơ hội gặp được người nghệ sĩ tài ba này.  Ngừng lại vài giây, cô ném niềm suy tư về thành phố Đà Lạt sương mù.  Về ngôi trường Bùi thị Xuân.  Về rạp hát Hòa Bình trong buổi phát phần thưởng được tổ chức vào năm 1964, đã khơi dậy ở trong cô một kỷ niệm khó quên ở trong đời.  Với hình ảnh ngộ nghĩnh của cô bé Như Mai còn thắt bím, rụt rè bước ra sân khấu, đồng thời cất cao giọng hát trong nhạc phẩm Vọng Gác Đêm Sương của Mạnh Phát.  Tiếng hát với chất giọng lanh lảnh, cao vút, đã đánh động đến sự chú ý của người nhạc sĩ tên tuổi Nguyễn văn Đông, hiện đang có mặt ở dưới hàng ghế dành riêng cho quan khách trong buổi phát phần thưởng ngày hôm đó.  

“Sau khi bản nhạc vừa chấm dứt, cô thấy người đàn ông có dáng dấp dong dỏng cao từ ở dưới hàng ghế đi lên, tiến thẳng đến gặp bà hiệu trưởng, cùng vị giáo sư đặc trách về phần văn nghệ trong buổi chiều ngày hôm ấy.  Người đàn ông đó, không ai khác hơn, chính là chú Đông.  Sau hết, chú liền bước vào hậu trường để gặp cô.  Chú mở đầu bằng câu khen cô có giọng hát lạ.  Chú còn nói tiếp:

“Cháu rất có triển vọng.  Nếu cháu muốn, chú sẽ giúp cháu để trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp.”

         Đến đây, cô điều hợp chương trình liền lên tiếng:

“Nói vậy.  Chứ còn tùy thuộc vào sự quyết định của gia đình, phải không cô!”

“Đúng!  Con nói rất đúng!  Sang ngày hôm sau, ông đích thân đến tận nhà để gặp gia đình cô.  Thoạt đầu, bố mẹ cô cứ khăng khăng từ chối, không chịu!  Nhưng!  Chẳng biết ông nói với ông bà như thế nào!   Cuối cùng thì hai người đành phải xiêu lòng, chấp thuận cho cô đi theo ông về Sài Gòn, ở chung với gia đình chú Mạnh Phát và ca sĩ Minh Diệu.” 

“ Có một điều làm cho con cứ thắc mắc, là tại sao lúc bấy giờ, chú Đông lại gửi cô sang nhà vợ chồng chú nhạc sĩ Mạnh Phát!”

“Quả thật!  Cô không có hỏi!  Nhưng chú Đông có nói với cô nguyên văn như sau:  Hiện giờ chú chưa có gia đình!  Ăn uống lại thất thường, nên cháu ở với chú rất bất tiện.”

“ Nói tóm lại, chú Đông là người lo cho cô về tất cả mọi phương diện.  Chăm sóc cho cô từng ly, từng tý, đồng thời dốc hết mọi khả năng để hướng dẫn, chỉ bảo cho cô.  Con cứ thử tưởng tượng xem, chỉ trong vòng có tám tháng, tiếng hát của cô đã vang vọng ra khắp mọi nơi, từ thành thị cho tới Cao Nguyên. Từ thôn quê cho đến các tiền đồn xa xôi, hẻo lánh.  Tất cả đều do chú Đông quảng cáo, rồi lăng xê cho cô bằng đủ mọi thứ phương tiện sẵn có.  Nhìn lại năm mươi mấy năm vừa qua, cô sống trong hào quang của sân khấu, của sự thành công rực rỡ là đều nhờ vào chú Đông.  Chú Đông đã đổ ra biết bao nhiêu là tâm huyết.  Biết bao nhiêu là công sức để cho cô có được ngày hôm nay.  Thâm chí, ngay đến cái tên Thanh Tuyền cũng đều do chú Đông đặt cho cô.  Công lao ấy, làm sao cô có thể quên được!  Không bao giờ cô quên!  Không bao giờ!  Cô có thể thẳng thắn nói với con là như thế.”

“Nhớ lại, sau mấy năm chú ra tù, cô có về Việt Nam và có ghé lại nhà thăm cô chú ở Phú Nhuận.  Nhìn thấy chú tiều tụy, sa sút, tự nhiên cô thấy tâm tư mình se thắt và hai dòng nước mắt cứ tự động tuôn ra.  Thấy vậy, cô Thu, tức vợ chú liền quay sang nói với cô:

“Chú được như thế này là khá lắm rồi.  Chẳng bù cho cái ngày chú mới ra tù.  Nói là trả tự do, chứ thực ra, họ cho về là để nằm chờ chết.  Người ta khiêng chú vao nhà, chẳng khác nào như ngọn đèn dầu sắp tắt.  Hầu hết, ai nấy ở quanh đây, cũng đều nói ra, nói vào, sớm muộn gì rồi chú cũng phải ra đi.  Thậm chí, có người còn quả quyết cho rằng:  Mạng sống của chú chỉ tính bằng giờ, bằng ngày, chứ đâu có thể tính bằng tuần, bằng tháng được!  Ấy thế, mà ngọn đèn dầu này cứ leo lét, rồi từ từ được khêu lên, sáng dần, sáng dần, và cứ thế, sống mãi cho tới ngày hôm nay.  Phải chăng, đó là một kỳ tích.  Một phép lạ mầu nhiệm thì đúng hơn, đã vực cho chú Đông đứng dạy, để từ đó, tiếp tay với người vợ hiền, bươn trải, lăn lộn giữa một xã hội xô bồ, đầy rẫy sự lươn lẹo, dối trá, chụp giật, chưa từng thấy ở tại miền Nam trước đây.”

       Trong dịp này, cô có lên tiếng hỏi:

“Chú có dự tính sang Mỹ theo lời mời của Trung Tâm Thúy Nga không chú!”

       Lưỡng lự trong giây lát, ông buông mắt nhìn bâng quơ ra bên ngoài.  Lát sau, ông mới chậm rãi trả lời:

“Cuộc đời chú bây giờ, chẳng còn thiết tha gì đến hai chữ bôn chen!  Chú chỉ muốn an phận, sống im lặng trong quãng đời còn lại.  Niềm ước ao duy nhất của chú hiện giờ, là muốn được nghe lại số nhạc phẩm mà chú cho là tâm đắc nhất ở ngay trên mảnh đất quê hương Việt Nam thân yêu này.”

“Điềuđó, ít nhiều, cô đã làm cho chú được mãn nguyện trong một dịp về trình diễn ở tại quê nhà.”

      Kể từ khi ra tù, ông hoàn toàn sống trong im lặng.  Từ chối hầu hết các cuộc phỏng vấn đến từ trong nước cũng như ở ngoài nước.  Chấm dứt mọi sinh hoạt về âm nhạc cũng như về nghệ thuật.  Từ khước lời mời của Trung Tâm Thúy Nga, đã có nhã ý, dành riêng cho ông một chương trình đặc biệt.  Chương trình đó được cô đọng trong một chủ đề đầy ý nghĩa và đươc mang tên:  Những Tình Khúc Tiêu Biểu của Nhạc Sĩ Nguyễn văn Đông. 

       Trong một dịp về thăm thân nhân ở tại quê nhà, nhà báoTrường Kỳ có ghé lại thăm ông và được ông dành cho anh buổi tiếp xúc thân mật ở ngay tại nhà riêng, số 271 A đường Nguyễn trọng Tuyển, quận Phú Nhuận thuộc thành phố Sài Gòn.  Câu chuyện được gói ghém trong mấy chủ đề liên quan tới tuổi thơ, quê quán cho đến sự nghiệp về âm nhạc, cũng như con đường binh nghiệp mà ông đã từng theo đuổi.  Trước khi đi vào câu chuyện, ông khẳng định.  

“Đối với ông, âm nhạc chỉ là nghề tay trái, còn binh nghiệp mới là con đường chính mà ông đã từng dấn thân ở trên đấy.”

        Ông sinh ra đời vào năm 1932 trong một gia đình khá giả ở Sài Gòn.  Nhưng!  Chánh quán thì lại thuộc vào quận Bến Cầu tỉnh Tây Ninh.  Thuở nhỏ, ông theo học tại trường Huỳnh khương Ninh ở Tân Định.  Ngoài ra, gia đình ông còn mời thêm vị thầy giáo, đến tận nhà để chỉ bảo, dạy kèm cho ông.   Chính vì thế, thời gian ông học ở trường, lại có phần ít hơn, so với thời gian học ở nhà.  Vào năm 1946, đứng trước tình hình chính trị nhiễu nhương ở trong nước, gia đình ông bắt đầu lâm vào tình trạng sa sút, bấp bênh, cũng giống như biết bao nhiêu gia đình khác vào thời điểm lúc bấy giờ.  Trường Huỳnh khương Ninh thình lình bị đóng cửa.  Vì thế!  Gia đình ông đành phải xin cho ông vào học tại trường Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tàu.  Đến đây, ông nhấn mạnh:  

“Đấy là một ngôi trường thuần túy, trực thuộc hẳn vào đời sống quân đội.  Nó đòi hỏi mọi đứa trẻ như chúng tôi, đều phải khép mình trong khuôn khổ của kỷ luật.  Một ngôi trường có nhiệm vụ uốn nắn, đào tạo cho chúng tôi để trở thành những người lính chuyên nghiệp cho đất nước mai sau.  Ở đấy, chúng tôi được giảng dạy về văn hóa, đồng thời còn được huấn luyện đến các bài học căn bản về quân sự.  Song song với những phần kể trên, chúng tôi còn được hướng dẫn, chỉ bảo thêm cả về lãnh vực âm nhạc nữa.  Ông cho biết, ông được hấp thụ bởi tinh anh của mấy vị nhạc sư người Pháp có thực tài.  Ông biết xử dụng nhuần nhuyễn các nhạc cụ, như trống, chập chả, trompet, clarinet.  Nhưng chuyên nghiệp vẫn là hai cây đàn mandolin và cây Hạ Uy cầm.  Ông cũng là một trong bốn mươi thành viên thuộc ban quân nhạc nồng cốt của nhà trường.  Ngay từ khi ông còn ngồi ở ghế học đường, ông đã cho trình làng hai nhạc phẩm đầu tay, đó chính là nhạc phẩm Thiếu Sinh Quân Hành Khúc và Tạm Biệt Mùa Hè.  Năm đó là năm 1948, ông mới vừa tròn mười sáu tuổi.

       Tốt nghiệp tại trường Thiếu Sinh Quân vào năm 1950.  Tiếp tục theo học khóa 4 tại trường đào tạo sĩ quan ở Vũng Tàu.  Mãn khóa, ông đậu thủ khoa với cấp bậc thiếu úy vào năm 1952, trong vai trò của một trung đội trưởng tác chiến.  Ông tham dự khóa học Đại Đội Trưởng tại trường Võ Bị Liên QuânĐà Lạt vào năm 1953.  Tiếp tục theo học khóa Tiểu Đoàn Trưởng tại trường Chiến Thuật ngoài Hà Nội vào năm 1954.  Ông được cử giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 553 Trọng Pháo vào cái tuổi còn rất trẻ.  Hai mươi bốn tuổi, ông được đánh giá là vị tiểu đoàn trưởng trẻ nhất ở trong quân đội.  Ônglần lượt đi theo thứ tự từ ở cấp dưới lên trên.  Đảm nhiệm từ chức vụ trung đội trưởng cho đến tiểu đoàn trưởng.  Cứ theo như lời ông tâm sự, ông còn được ân thưởng loại huy chương cao quý nhất của quân đội Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ.  Đó chính là“Bảo Quốc Huân Chương.”  Ngoài ra, ông còn cho biết, ông chưa hề phục vụ ở trong ngành Chiến Tranh Chính Trị như mọi người vẫn lầm tưởng.  Ông là một người lính Bộ Binh thuần túy.  Một người lính chuyên nghiệp, khởi sự từ Thiếu Úy cho tới cấp bậc Đại Tá.  Chức vụ sau cùng của ông, là Chánh Văn Phòng nằm trong Khối An Ninh Lãnh Thổ thuộc Bộ Tổng Tham Mưu.

       Trong ký ức hành quân, ngoài chiến dịch Thoại ngọc Hầu, ông thường hay nhắc đến chiến dịch Trương tấn Bửu, đến mấy địa danh khá nổi tiếng như Đồng Tháp, Mộc Hóa, Kiến Tường.  Ông cho đấy là chốn địa linh, anh kiệt.  Chính ở nơi đấy, đã gợi hứng cho ông viết lên hai nhạc phẩm thuộc loại hùng ca, có tên là Súng Đàn và Vui Ra Đi.  Hai nhạc phẩm này đã có thời kỳ ca vang trong chiến khu Đồng Tháp.  Tiếp đến là Phiên Gác Đêm Xuân đã nói lên được cái tâm trạng của người lính chiến xa nhà,vào đêm tối trời ba mươi Tết, trên một tiền đồn âm u, hẻo lánh, hiu quạnh.

“Đón giao thừa một phiên gác đêm.  Mừng xuân đến súng xa vang rền.  Xác hoa tàn rơi trên báng súng.  Ngỡ rằng pháo tung bay.  Ngờ đâu hoa lá rơi.  Bấy nhiêu tình là bao nước sông. Trời thương nhớ cũng vương mây hồng.  Trách chi người đem thân giúp nước.  Đôi lần nhớ bâng khuâng.  Mỉm cười hái hoa xuân.”

       Âm vang của Phiên Gác Đêm Xuân vừa dứt, thì Chiều Mưa Biên Giới cùng Sắc Hoa Màu Nhớ cũng lần lượt được ra đời.  Với ba nhạc phẩm nói trên, đã tô điểm cho tên tuổi của người nhạc sĩ Nguyễn văn Đông, càng ngày càng lên cao và in sâu vào tâm khảm của giới thưởng thức lúc bấy giờ.  Riêng nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới,tôi không hiểu vì lý do gì, nhạc phẩm này đã bị đình chỉ trong khoảng thời gian cũng khá lâu.  Cho đến năm 1961, bản nhạc này mới được chính quyền thời Đệ Nhất Cộng Hòa cho phép được hát lại.  Đến đây, câu hỏi được đặt ra cho ông:

“Sau 9 năm 6 tháng, ông có điều gì muốn tỏ bầy với mọi người ở trong nước cũng như ở ngoài nước!”

        Lặng người trong giây lát.  Đột nhiên!  Ông bật lên tiếng thở dài ai oán:

“Điều làm cho tôi đau buồn, chua xót nhất, là trong khi tôi còn nằm ở trong tù, thì cha tôi bị lâm trọng bệnh ở bên ngoài, rồi đột ngột mất đi vào giữa lúc tôi không có mặt ở bên cạnh ông!  Tôi rất lấy làm ân hận, là không được nhìn thấy mặt cha tôi lần chót và không được đưa tiễn ông ra tới nơi an nghỉ cuối cùng.  Điểm thứ hai, tôi muốn đề cập đến số phận của những đứa con tinh thần mà tôi đã thai nghén ra chúng.  Tôi không biết cho đến ngày nào, chúng nó mới được trả về đúng với vị trí cùng vai trò của chúng nó như trước kia.”

        Năm 1957, ông lên đường đi Hạ Uy Di để tham dự khóa tu nghiệp về quân sự.  Tại đây, ông đã nẩy sinh ra mối tình giữa ông với cô thiếu nữ xinh đẹp người Áo.  Cuộc tình ấy tuy rất đẹp, rất lãng mạn.  Nhưng!  Cuối cùng, mối tình đó, cũng đành phải cuốn theo chiều gió và chìm theo bóng tối của thời gian.  Vào buổi chiều xuân, ông chạnh lòng hồi tưởng về quá khứ, buông mắt nhìn về tận chốn xa xăm, nơi phương trời cũ.  Ở đấy, đã gợi lại cho ông chuỗi kỷ niệm mượt mà, óng ả về một thời yêu đương ở dĩ vãng.  Và, cũng chính những kỷ niệm bóng bẩy, lộng lẫy ấy, đã gợi hứng, thôi thúc cho ông viết lên nhạc phẩm Nhớ Một Chiều Xuân.

“Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người.  Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ.  Người nơi xa xôi phương trời ấy.  Người còn buồn còn thương còn nhớ.  Nắng phai rồi em ơi.  Chiều xuân có một người ngơ ngác đi tìm.  Một tình thương nơi phương trời cũ.  Chiều nay hoa xuân rơi nhiều quá.  Chiều tàn dần phai trên ngàn lá.  Tìm đâu bóng hình ai.”

        Nói tới nhạc sĩ Nguyễn văn Đông mà không đề cập đến ca sĩ Hà Thanh thì quả thật là một điều thiếu xót to lớn.  Người ca sĩ của đất thần kinh, của sông Hương, của núi Ngự, có chất giọng ngọt ngào, lôi cuốn, đã đưa dòng nhạc Nguyễn văn Đông bay bổng tới những nơi thật xa, đến tận các thành thị, cho tới vùng thôn quê hẻo lánh cùng các tiền đồn biên giới xa xôi, hiu quạnh.  Tự nhiên, tôi có linh cảm, hiện giờ ông đang hội ngộ với người ca sĩ dịu dàng, khả ái này tại chốn bình an, huyền ảo, linh thiêng nào đó.

       Câu hỏi tiếp theo được đặt ra cho ông:  

“Trong suốt khoảng thời gian từ năm 1975 cho tới nay, ông có còn sáng tác hay là không!  Nếu có thì tổng cộng được bao nhiêu bài!”

       Ông ngước mắt nhìn lên trần nhà rồi tỏ vẻ ngao ngán:

“Nhiều khi ngồi một mình, ngẫm nghĩ lại chuỗi thời gian dài đằng đẵng ở quá khứ.  Với 9 năm 6 tháng ở trong tù.  32năm rưỡi sống ở ngoài đời, tôi cảm thấy mình quá lãng phí với thời gian.  Nếu đem cộng lại thì là cả một chặng đường dài hết thẩy là bốn mươi mốt năm rưỡi.  Bốn mươi mốt năm rưỡi dài lắm chứ anh!  Bốn mươi mốt năm rưỡi, vỏn vẹn tôi chỉ sáng tác được có một bài duy nhất.  Đó chính là nhạc phẩm“Sài Gòn Trong Trái Tim Tôi” để tưởng nhớ đến một người bạn văn nghệ thân thiết đã nằm xuống, ra đi.”

       Ngoài những nhạc phẩm kể trên, người ta còn chứng kiến cả hàng loạt các tác phẩm mới được ra đời, điển hình như Mấy Dặm Sơn Khê, Thầm Kín, Vô Thường, Niềm Đau Dĩ Vãng, Tình Cố Hương, Anh, Khúc Xuân Ca, Tình Đầu Xót Xa, Kỷ Niệm Vẫn Xanh, Bông Hồng Cài Áo, Trái Tim Việt Nam, Lời Giã Biệt, Xin Đừng Trách Anh, Về Mái Nhà Xưa … vân vân và vân vân … Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến nhạc phẩm Mấy Dặm Sơn Khê.  Đấy là một trong những tác phẩm ưng ý nhất của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông.  Bằng những từ ngữ thật nồng nàn, tha thiết, ông đã lột tả hết được cái vai trò của người lính chiến xa nhà, trong cuộc chiến đấu tương tàn,khốc liệt trước đây ở miền Nam.

“Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng.  Ngoài mưa khuya lê thê.  Qua ngàn chốn sơn khê.  Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông, kết trong lòng thế hệ.  Nghìn sau nối nghìn xưa.  Bao ước mơ giữa khung trời phiêu lãng.  Chờ mùa xuân tươi sang.  Nhưng mùa thắm không sang.  Anh đến đây, rồi anh như bóng mây.  Chốn phương trời ấm lạnh.  Hòa chung mái nhà tranh.”

       Điều đáng nói hơn hết, ông không phải là một tín đồ Công Giáo!  Ông là người mộ đạo Phật.  Nhưng ông lại viết về Thánh Ca.  Tuy số lượng không đồ sộ cho lắm.  Nhưng ông đã tạo ra được tiếng vang lớn, đồng thời lắng sâu vào tâm khảm của người Công Giáo Việt Nam, điển hình như Mùa Sao Sáng, Màu Xanh Noel, Bóng Nhỏ Giáo Đường, Tình Người Ngoại Đạo.  Nổi bật nhất, phải nói đến, chính là nhạc phẩm Mùa Sao Sáng.  Hằng năm, cứ mỗi độ Đông về, trong không khí lành lạnh của mùa Giáng Sinh, ai nấy đều cảm thấy lòng mình lắng xuống, lâng lâng trước giọng hát trầm buồn của người ca sĩ sầu muộn văng vẳng ở đâu đây.

“Một mùa sao sáng, đêm Noel chúa sinh ra đời.  Người hẹn cùng tôi chờ ngày về khi đất nước yên vui.  Quỳ lạy mẹ Maria.  Lòng mẹ từ bi bao la.  Tấu khúc nhạc lên xin ơn trên ban cho nhà Nam.  Từ mùa Đông trước qua mùa Đông tiếp theo sau này.  Người bạn còn đi mà niềm tin vẫn thắm trên môi.  Giặc tràn về quê hương tôi.  Giặc diệt niềm tin Kitô.  Lớp lớp đàn chiên quyết sáng danh chúa trên trời cao.”

      Có nhiều người thườngcho rằng: Nguyễn văn Đông chẳng những là một nhạc sĩ có tài, mà ông còn là người có năng khiếu về tổ chức.  Nhận xét đó, quả nhiên là chính xác.  Ông nguyên là con chim đầu đàn của đoàn văn nghệ Vì Dân.  Một đoàn văn nghệ nổi tiếng, qui tụ hầu hết các khuôn mặt gạo cội của làng tân nhạc ở miền Nam lúc bấy giờ, tiêu biểu như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu.  Ngoài ra, ông còn đảm nhận chương trình văn nghệ hằng tuần cho đài phát thanh Sài Gòn, đồng thời ông cũng là trưởng ban nhạc của ban Tiếng Thời Gian, với sự đóng góp của các ca sĩ tên tuổi, như Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc.  Ngoài những công việc bận bịu kểt rên, ông còn cặm cụi, miệt mài viết lời Việt cho số ca khúc ngoại quốc nổi tiếng, điển hình như Silent night và Ave Maria.

       Vào năm 1959, ông được đề cử trong vai trò là trưởng ban tổ chức cho buổi Đại Hội Thi Đua Văn Nghệ toàn quốc.  Đại hội này được đánh giá là thành công rực rỡ và ông được bà Ngô đình Nhu, đại diện cho chính phủ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, đã đích thân trao tặng cho ông, một phần thưởng cao quí nhất về thành quả to tát nói trên.  Song song với các thành tích vừa kể, ông còn hợp tác với người bạn cao niên và cũng là nhà doanh nghiệp nổi tiếng ở Sài Gòn, để thành lập hai hãng đĩa nhựa, có tên là Continental và Sơn Ca.  Người bạn ông với danh nghĩa là giám đốc về sản xuất.  Còn riêng ông, chỉ đóng khung trong vai trò là giám đốc phụ trách về nghệ thuật.  Chủ trương của hai hãng đĩa kể trên, chỉ nhắm vào hai bộ môn Tân Nhạc và Sân Khấu Cải Lương Tân Cổ.  Chính ông đã có sáng kiến đi tiên phong trong công cuộc thưc hiện album riêng cho từng ca sĩ của một thời vang bóng.  Khánh Ly với Sơn Ca 7.  Lệ Thu với Sơn Ca 9.  Thái Thanh cùng ban hợp ca Thăng Long với Sơn Ca 10, cùng nhiều album khác, dành riêng cho Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Dung, nhằm mục đích vinh danh các tài năng đang lên vào những thập niên 60, 70.

       Riêng bộ môn sân khấu Cải Lương, ông đã thực hiện cả hàng trăm chương trình Tân Cổ giao duyên và trên năm mươi vở tuồng Cải Lương kinh điển như Nửa Đời Hương Phấn, Đoạn Tuyệt, Tiếng Hạc Trong Trăng, Sân Khấu về Khuya, Mưa Rừng…Trong khoảng thời gian này, ngoài ba chữ quen thuộc Nguyễn văn Đông, ông còn ký thêm hai bút hiệu khác nữa!  Đó chính là nhạc sĩ Phượng Linh cùng soạn giả Đông Phương Tử.  Hai bút hiệu nói trên chỉ nhắm vào mục đích để phục vụ cho bộ môn sân khấu và Tân Cổ giao duyên.

      Quả đúng như lời anh bạn tôi nói.  Đám tang chỉ thấy người với người.  Chỉ có tiếng mõ, hòa trộn với tiếng tụng kinh đều đặn của mấy vị tăng lữ Phật Giáo.  Khói hương mù mịt, lan tỏa ra khắp cả căn nhà.  Trong không khí nghi ngút, trang nghiêm ấy, tôi nhận ra, có sự hiện diện của vị linh mục Công Giáo,cùng số giáo dân tháp tùng đi theo ông.  Ông đứng khoanh tay, nghiêm trang, ngước mặt nhìn lên bàn thờ.  Dán mắt vào tấm ảnh bán thân được đặt ở trên đấy.  Bằng cử chỉ thật trang trọng, vị linh mục dơ tay lên làm dấu thánh giá, đọc lên kinh lạy cha.  Kinh kính mừng và kinh sáng danh.  Kết thúc là lời khẩn cầu, nguyện xin ơn trên, phù hộ cho linh hồn người quá cố, sớm được hưởng phúc nơi quê thật ở trên trời.  Trước cử chỉ trang nghiêm ấy, phong cách ấy, đã khiến cho toàn thân tôi chùng xuống trong sự cảm động, đồng thời, tôi không ngăn đươc hai dòng nước mắt.  Nổi bật hơn hết, vẫn chính là hình ảnh của những người lính cũ năm nào.  Của các anh thương phế binh tay còn, tay mất.  Của nhóm đàn em học cùng trường với ông.  Họ xếp thành hàng ngang, đứng nghiêm trong tư thế chào tay, giữa giờ phút di quan từ trong nhà ra tới ngoài đường.  Hình ảnh đó, làm sao tôi có thể quên được, hở anh!  Làm sao tôi có thể diễn tả hết được mọi ý nghĩa cao quý, sâu sắc của người lính chiến trước đây ở miền Nam lên trang giấy trắng nhỏ bé này!  Không bao giờ tôi quên!  Không bao giờ!  Tôi có thể quả quyết với anh là như thế.

      Đoàn xe tang bắt đầu di chuyển, đưa ông qua các đường phố nhộn nhịp, kín người, rồi trực chỉ tiến thẳng về hướng nghĩa trang Bình Hưng Hòa.  Đấy là khu nghĩa địa cuối cùng còn sót lại ở tại thành phố này và hiện nay cũng đang có lệnh nằm trong kế hoạch giải tỏa của nhà nước.  Chính bố mẹ tôi cũng được an táng ở tại đấy cách đây mười tám năm.  Sau khi được thông báo, gia đình tôi đành phải ngậm ngùi bốc lên, đem thiêu, rồi gửi tro cốt vào nhà thờ, thuộc một họ đạo công giáo ở gần nhà.  Cuộc đời là phù vân, là tro bụi.  Tro bụi rồi cũng trở với tro bụi.  Đó là một qui luật tất nhiên.  Một qui luật bất di, bất dịch mà thượng đế đã an bài cho mỗi con người của chúng ta.  Có phải đúng như vậy, không ông!”

.  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .

       Tôi viết những dòng chữ này cho ông.  Những dòng chữ quá muộn màng, thô thiển.  Những dòng chữ mà tôi đã từng ấp ủ cả hằng năm, sáu tháng nay.  Viết cho ông, vào giữa lúc ở tại quê nhà đang nổ ra các cuộc xuống đường rầm rộ, để phản đối dự luật an ninh mạng, cũng như dự luật nhắm thẳng vào ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.  Chủ đích của nhà cầm quyền hiện nay, là muốn hợp thức hóa việc cho thuê ba phần đất nói trên, với thời hạn được công bố là 99 năm.  99 năm có nghĩa là giao đứt ba đặc khu quan trọng này cho người bạn hữu nghị phương Bắc.  Người bạn có tiếng là nham hiểm, độc ác kể từ ngàn xưa cho tới nay.  Người bạn ấy, chính là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. 

        Từ bao nhiêu năm nay, hầu hết mọi người dân ở trong nước cũng như ở ngoài nước, đều tỏ ra quan tâm, thắc mắc, nghi ngờ về tổng số diện tích của nước ta hiện giờ còn lại là bao nhiêu!  Bao nhiêu cây số vuông mà nhà nước hiện nay đã hiến dâng cho người bạn hữu nghị của 16 chữ vàng ở biên giới!  Còn số phận của Gạc Ma, Trường Sa, Hoàng Sa thì ra sao!  Đấy là chúng ta chưa đề cập tới hai vị trí quan trọng có tầm vóc về lịch sử như Ải Nam Quan cũng như là Bản Dốc.  Phải chăng!  Các nơi đó, đều đã được xóa tên và không còn hiện diện trên vị trí của bản đồ Việt Nam như mấy chục năm về trước nữa!

       Nhìn lại dòng lịch sử, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua tới 1000 năm đô hộ của giặc Tàu.  100 năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp.  Tiếp đến, là hai mươi mốt năm trong cuộc chiến tranh đẫm máu ý thức hệ.  Một cuộc chiến tranh tàn bạo, khốc liệt, đã diễn ra giữa hai thể chế chính trị đối nghịch rõ rệt.  Giữa nền tự do, dân chủ ở miền Nam với chủ nghĩa vong bản, vô thần ở miền Bắc.  Ngày nay, chiến tranh đã lui vào cô tịch.  Đất nước tôi đã hòa bình từ lâu.  Hai chữ hòa bình nghe sao mà mỉa mai, chua chát, đắng cay, thấm thía đến như vậy.  Hòa bình, có.  Nhưng!  Tự do thì không!  Hòa bình trong lam lũ, cơ cực.  Hòa bình trong chiếc bánh vẽ về một tương lai chói ngời, chập chờn ở phía trước.  Tương lai đó chẳng bao giờ có thực!

       Đời sống của người dân quê tôi vẫn còn ngụp lặn trong đói khổ, lầm than.  Vẫn còn bị áp bức.  Bị bắt bớ, tù đầy dưới chế độ hà khắc, bóc lột, tước đoạt hết tất cả mọi quyền sống tối thiểu của con người.   Cái chế độ bạo tàn, độc ác, dã man ấy chỉ biết xử dụng bạo lực để cai trị, đè bẹp dân chúng.   Chỉ biết đặt quyền lợi cá nhân lẫn đảng phái lên trên quyền lợi tối thượng của tổ quốc.  Cái chế độ hung tàn, bạo ngược đó, cần phải được đào thải theo dòng luân lưu của lịch sử dân tộc.  

       Ngày nay, đã tới lúc, mọi người dân ở trong nước đều đồng loạt, nhất tề đứng lên, cương quyết, dõng dạc, hiên ngang đòi lại cái quyền sống, quyền làm người, cũng như quyền làm chủ vận mệnh của đất nước mà tổ tiên tôi đã để lại.

       Giờ đây, đứng trước tình hình nóng bỏng, sôi sục đang diễn ra thường xuyên ở tại quê nhà.  Đứng trước sự đàn áp tàn nhẫn, dã man, độc ác của lực lượng Cảnh Sát Cơ Động.  Xin ông hãy đoái thương đến dân tộc Việt Nam.  Độ trì cho công cuộc đấu tranh ở trong nước, mau sớm được vượt qua mọi gian truân, khổ ải, ngõ hầu đưa con tàu đất nước đến bến bờ của vinh quang.  Tôi tin chắc rằng:  Niềm tin sẽ thắng và phải thắng.  Cho chế độ bạo quyền hiện nay phải tan rã, ra đi như các quốc gia ở Đông Âu, cũng như ở Liên Sô, ở Đông Đức.  Cho dân tộc Việt Nam được hưởng một nền hòa bình, tự do, dân chủ thực sự.  Dân tộc ta đã đau khổ quá nhiều.  Cho đàn chim lìa xứ quay về tổ, để xiết chặt thành vòng tay lớn, hầu ra sức, kiến tạo, xây dựng một đất nước Việt Nam hùng mạnh và phú cường.

     Đến đây, tôi xin mượn mấy câu trong Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp của ông để kết thúc cho bài viết này:

“Còn đây đêm cuối cùng.  Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha.  Ngại khơi nước mắt nhạt nhòa môi em.  Người đi giúp núi sông.  Hàng hàng lớp lớp chưa về.  Người người nối tiếp câu thề giành lấy quê hương./.”

TRANG LUÂN