Hiền thật không ngờ! Anh lại dám ra đây một mình.”
“Có gì đâu mà không dám!”
Người đàn bà trạc ngoài năm mươi, có mái tóc ngả màu cùng gương mặt tái nhợt quay sang giải thích:
“Em thấy Việt kiều về nước, đi đâu cũng đều có người nhà sát cánh ở bên cạnh. Chứ đừng nói tới chuyện đi xa như anh! Riêng! Có anh thì ngoại lệ. Dầu sao anh cũng nên cẩn thận thì hay hơn. Đi xa anh nên bảo Hòa hoặc ai nấy tháp tùng với anh cho an toàn. Anh đừng tưởng người ta không biết đâu! Người ta tinh lắm đấy. Nhất là màu da cùng cách xử dụng tiền bạc. Vả lại, anh về cũng đâu có giống như mọi người khác! Về là để lo công việc, chứ chẳng phải là để đi chơi, hoặc đi thăm danh lam thắng cảnh chẳng hạn. Nhiều đêm khó ngủ, em nghiệm lại, mới thấy lời của ông thầy bói ở chợ Cồn đoán cho anh chẳng sai tý nào! Bốn mươi mấy năm trôi qua rồi đấy anh. Thế mới biết tốc độ thời gian đi qua đời người thật quá nhanh, anh nhỉ! Nhắc đến lão thầy bói, em lại liên tưởng đến buổi sáng chủ nhật ngày hôm ấy. Sau khi xem xét kỹ càng mấy đường chỉ tay cho anh, lão ta còn hỏi anh về giờ giấc cùng ngày, tháng, năm sinh, rồi lẩm nhẩm đối chiếu theo phương pháp tử vi. Cuối cùng, lão mới ngẩng lên, gật gù phán cho anh bằng mấy câu hết sức thật chắc nịch.
“Số của cậu là số khổ. Số phải chịu cảnh nay đây, mai đó. Phải lao đao, lận đận. Phải sống xa gia đình. Phải tha phương cầu thực. Số lỡ mang tuổi thân thì phải tự lập lấy thân.”Sau chót, lão ta còn nhấn mạnh bằng câu kết luận, nhuộm đầy màu sắc ảm đạm, u tối ở trong đấy.
“Không những cậu vất vả về phần thể xác, mà lại còn vất vả cả về mặt tinh thần nữa cơ.”
Hai chữ vất vả cứ đeo đẳng, bấu chặt vào người anh cho đến giờ phút cuối của cuộc đời. Cho tới ngày anh xuôi tay, nhắm mắt, mãn phần rồi mới thôi. Năm mươi mấy tuổi đầu rồi còn gì nữa! Năm mươi mấy tuổi, về chiều, đáng nhẽ anh phải được nghỉ ngơi, nhàn hạ, thảnh thơi, ung dung như mọi người khác! Nào ngờ! Cho tới tuổi này, anh vẫn còn phải thức khuya, dậy sớm, quần quật, bươn trải để đi làm. Đúng là con người ta, ai nấy cũng đều có cái phần số khác nhau, anh nhỉ! Anh thì em hoàn toàn không biết ra sao! Còn riêng em, lúc nào em cũng đặt hết niềm tin tuyệt đối vào thượng đế, vào đấng quyền năng, tối cao ở trên trời. Lúc nào em cũng cậy trông, phó thác vào nơi ngài. Vào số phận mà ngài đã an bài, định sẵn cho hết thẩy mọi người trong chúng ta.”
Cứ theo như lời của Hòa, thì lần này anh về, cũng chẳng khác gì như lần trước! Lần nào cũng bận rộn. Lần nào cũng tất bật. Lần nào anh cũng phải chạy ngược, chạy xuôi, chồng chất đủ mọi thứ chuyện ngổn ngang ở trong đấy. Nào là chuyện của gia đình. Chuyện của họ hàng. Chuyện ở trong Nam cũng như ở ngoài Bắc. Điển hình như chuyện tìm lại mồ mả của ông bà, của giòng tộc, của người mẹ đã quá vãng cả hằng mấy chục năm về trước. Có biết bao nhiêu việc hệ trọng đang chờ đến bàn tay anh để giải quyết. Ngoài ra, kỳ này anh về, còn có chủ đích quan trọng khác nữa, phải không anh! Anh nhất quyết phải tìm cho bằng được, số ân nhân cùng bạn bè mà anh đã từng thọ ơn họ trong suốt quãng thời gian hoạn nạn, gian khổ trước kia. Sở dĩ, em biết được mấy chuyện này, là đều do Hòa kể lại cho em nghe từ lâu lắm rồi. Thỉnh thoảng, hai chị em vẫn thường hay liên lạc, trao đổi với nhau qua hệ thống điện thoại. Nó nói với em rất nhiều về anh. Nó kể cho em nghe tỉ mỉ về những năm tháng anh còn nằm ở Chí Hòa. Anh bị ghẻ lở. Bị đủ các chứng bệnh ngặt nghèo, oái oăm, hành hạ, dày xéo lên thể xác anh, tưởng chừng như khó có thể nào vượt qua được lưỡi hái của tử thần. Cũng may, chung quanh anh, còn có rất nhiều bạn bè cùng bằng hữu. Những bằng hữu có đức tính thương người. Những bạn bè có tấm lòng độ lượng, bác ái, lênh láng, bao la như biển Đông. Em cứ đắn đo, suy nghĩ mãi, chẳng biết phải dùng từ ngữ nào cho thật đẹp đẽ và thanh cao hơn nữa, để xứng đáng với mọi nghĩa cử cao quí mà họ đã dành cho anh trong suốt khoảng thời gian bệnh tật ở trong đấy. Họ san sẻ cho anh từng viên thuốc. Săn sóc cho anh từng miếng ăn. Ngoài ra, họ còn lo cho anh rất nhiều việc linh tinh khác nữa, phải không anh! Thậm chí, ngay đến việc vệ sinh cá nhân, họ cũng không còn nề hà nữa là đằng khác! Nói tóm lại, đó là cả một tấm lòng nhiệt thành. Một tinh thần tự nguyện mà họ đã không quản ngại, tận tụy lo cho anh từng ly, từng tý, chẳng khác nào như họ lo cho người thân yêu, ruột thịt, máu mủ của chính họ. Lắm lúc em vẫn tự hỏi thầm với chính mình: Giả sử, nếu không có họ, liệu mạng sống của anh có còn tồn tại cho đến ngày hôm nay hay là không! Hoặc biết đâu chừng, anh đã ngã quị, vùi thây trong khoảnh rừng già âm u, ngút ngàn, xa xôi nào đó. Điều ấy cũng có thể xảy ra, chứ anh! Chính vì thế, anh mới cho đấy, là cả vấn đề cấp thiết, là mục tiêu tối hậu được anh đặt lên hàng đầu cho chuyến đi này. Có phải đúng như vậy, không anh! Cho dù có khó khăn, cách trở, xa xôi đến thế nào đi chăng nữa! Nhưng anh vẫn một mực cương quyết, lặn lội tìm đến với họ cho bằng được. Mục đích là để thăm hỏi. Để đền đáp được phần nào những ơn nghĩa sâu đậm mà họ đã cưu mang, đùm bọc cho anh trong suốt quãng thời gian bệnh tật, đau yếu ở quá khứ. Nhiều người vẫn thường có ý tưởng sai lầm và cho rằng: Chủ đích của Việt kiều về nước, là chỉ để đi chơi, để tiêu tiền, để giải trí, chứ chẳng còn mảy may ý nghĩa bóng bẩy nào khác! Nhưng! Ngược lại, với anh thì trái hẳn! Hơn nữa, thời gian đối với anh thì lại quá hạn hẹp, quá ngắn ngủi. Giờ giấc đâu có được dư giả, rộng rãi để đi tour ra Hạ Long, ghé Hà Nội, rồi bay sang Thai Lan hoặc Thượng Hải, Hồng Kông, Ma Cao của Trung Quốc. Nếu nói về hệ thống đường xá hiện nay tại Việt Nam, thì quả thật là có tu bổ, có sửa chữa, tương đối nhẵn nhụi hơn trước kia rất nhiều. Nhưng! Khoảng cách thì vẫn chỉ có bằng đấy cây số và chẳng bao giờ thay đổi! Vả lại, từ Sài Gòn ra đến đây, thường xuyên xảy ra những tai nạn rùng rợn, khủng khiếp. Những tai nạn chết người, khiến cho ai nấy cũng đều phải phập phồng, lo sợ vào mỗi khi có dịp phải đi xa cả hằng mấy trăm cây số và nhất là chặng đường từ trong Nam ra đến ngoài này. Chính vì cái nguyên nhân lái ẩu! Vì sự bất cẩn của tài xế! Vì lý do cạnh tranh, giành khách ở dọc đường! Bởi thế, em muốn nói với anh, về sự rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào! Đôi khi, nó chỉ ập đến trong khoảnh khắc, hoặc một tíc tắc, thì thử hỏi, làm sao mà mình có thể lường trước được! Từ Sài Gòn ra tới ngoài này, tối thiểu cũng phải mất đứt cả một ngày đường, chứ đâu có giống như từ đây ra Huế! Cứ theo như tin tức cập nhật trên hệ thống truyền thanh, truyền hình thì hầu như, tháng nào mà chẳng có tai nạn kinh hoàng xảy ra ở ngay trên quốc lộ 1. Nói dại, nhỡ có chuyện gì không may xảy ra cho anh ở dọc đường, thì thử hỏi: Tâm trạng của em lúc bấy giờ sẽ ra sao! Câu trả lời chỉ thu hẹp, ngắn gọn bằng hai chữ ân hận. Ân hận! Đấy là chuyện đương nhiên. Nhưng đâu có phải chỉ ân hận trong vòng đôi ba ngày ngắn ngủi, mà nó sẽ còn kéo dài, dai dẳng cho đến mãn đời, mãn kiếp. Cho tới ngày em xuôi tay, nhắm mắt, giã từ khỏi đời sống phù phiếm đầy lo âu, phiền toái này. Điều mà làm cho em cứ phải bận tâm, lo nghĩ nhất, đó chính là, em phải đối diện trực tiếp với chị, tức là vợ anh ở bên đấy. Em sẽ ăn nói ra sao! Biện bạch thế nào! Để cho chị hiểu tường tận từng chi tiết, từng nguyên do, để từ đó, may ra, chị có thể thông cảm cho em. Quanh đi, quẩn lại cũng chỉ có bằng đấy, mà đầu óc em cứ rối bùng lên, rồi đâm ra hoảng sợ anh ạ. Theo em, thì anh cũng chẳng cần phải lặn lội ra đến tận ngoài này để làm gì! Anh cứ gọi điện thoại cho em thì được rồi.”
“Chủ ý của anh là muốn ra thăm em. Mấy chục năm rồi còn gì nữa! Dù sao đi chăng nữa thì anh cũng có lỗi với em rất nhiều.”
Người đàn bà xua tay lia lịa:
“Dĩ vãng qua rồi. Anh còn nhắc lại làm gì cho thêm buồn!”
“Hiền nói vậy. Nhưng! Lúc nào anh cũng cảm thấy lương tâm mình bị dày vò, ray rứt. Lúc nào anh cũng thấy xốn xang, tê tái ở trong lòng. Chưa bao giờ anh tìm lại được cái cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, lâng lâng, thoải mái như thuở nào!”
“Tại sao anh cứ bận tâm về cái chuyện đó mãi để làm chi! Chúng ta bây giờ, ai nấy cũng đều ngoài năm mươi hết cả rồi. Đầu óc đâu có còn minh mẫn, sáng suốt như thời mình còn son trẻ trước kia! Chân tay thì càng ngày càng trở nên uể oải, chậm chạp. Còn mái tóc thì ngả màu, bạc phếch theo thời gian. Chắc, chẳng còn bao lâu nữa rồi cũng sẽ lần lượt đi về!”
“Anh hiểu. Nhưng cuộc đời Hiền trải qua quá nhiều cay nghiệt. Nó chẳng khác nào như con suối cạn nằm trong thời kỳ hạn hán. Vì vậy, cứ mỗi lần hồi tưởng về dĩ vãng, về Hiền, thì y như anh lại cảm thấy xót xa, ngậm ngùi ở trong lòng. Anh hiểu chứ. Hiền yêu anh. Hiền đã âm thầm chờ anh suốt mấy năm liền. Mấy năm đó anh chẳng hề hay biết gì cả! Cuối cùng thì em mới quyết định lên xe để về nhà chồng. Thật ra, thì anh hoàn toàn có lỗi. Nhưng! Có điều khiến cho anh cứ thăc mắc mãi, là tại sao lúc bấy giờ em cứ một mực giữ nguyên thái độ im lặng! Ít nhất, em cũng nên cho anh biết về ý định của gia đình. Mãi cho đến sau này, khi anh bước chân vào quân đội, trôi dạt về đơn vị của anh Đại, nhân trong một chuyến hành quân tại vùng Mỹ Chánh, thuộc quận Phù Mỹ tỉnh Bình Định, anh mới tình cờ biết được cái tin này. Cái tin đến thật quá đột ngột, quá bất ngờ. Cái tin như tiếng sét nổ ngang tai. Cái tin làm cho toàn thân anh cảm thấy choáng váng, bủn rủn, rã rời cả tay chân. Thoáng chôc mà đã mấy chục năm trôi qua rồi đấy em! Mấy chục năm còn đọng lại ở trong anh được những gì! Tủi nhục cùng cay đắng. Mấy chục năm, chỉ thấy tuổi đời càng ngày càng chồng chất cùng mái tóc đã ngả màu theo cát bụi của thời gian. Mấy chục năm là cả một chặng đường dài đầy gian truân, khổ ải. Nhưng! Anh vẫn còn nhớ và nhớ rõ tất cả. Chưa bao giờ anh quên! Chưa bao giờ! Anh có thể thẳng thắn nói với em là như thế.”
“Hôm đó, vào buổi chiều cuối tháng chạp. Buổi chiều mà chung quanh anh, chỉ thấy toàn một màu chì ảm đạm, thê lương và xám ngắt. Buổi chiều với những cơn gió bấc lạnh lẽo, ồ ạt, ngỗ nghịch thổi về. Sau khi thanh toán xong cái mục tiêu lởm chởm, hóc búa, nằm chót vót trên ngọn đồi ngật ngưỡng, cao ngất. Ngọn đồi ấy chính là đường ranh giới, phân chia giữa hai phần đất của hai xã Mỹ Chánh và Mỹ Thọ. Cũng chỉ vì cái ngọn đồi hiểm trở, quái ác đó, mà đơn vị anh đã phải trả bằng một cái giá quá đắt. Tám người lính đã ngã xuống, xuôi tay đền nợ nước. Đấy là anh chưa tính đến mười hai đồng đội khác đã bị thương. Có thể nói, suốt cả đời anh, chắc chẳng bao giờ quên được cái trận đánh mở màn, gay cấn ấy! Nếu đem so sánh với các trận qui mô, tàn bạo, khốc liệt ở sau này, thì quả thật, nó chẳng thấm là bao nhiêu! Nhưng! Em nên nhớ rằng: Đấy là lần thử lửa đầu tiên, là trận đánh mà anh mới vừa chân ướt, chân ráo, ngỡ ngàng bước ra rồi đụng phải. Thú thật là anh sợ. Sợ đến nỗi tay chân anh cứ lẩy bẩy, run lên cầm cập, chẳng khác nào như con nghiện á phiện đang bị lên cơn dữ dội. Lúc đó, anh có cảm tưởng như lồng ngực mình muốn vỡ tung ra cả hằng trăm mảnh. Anh hé mắt, dáo dác nhìn sang hai bên, rồi nép mình sau tảng đá đồ sộ, kịch cỡm đầy rêu phong phủ kín. Chưa bao giờ anh cảm thấy sợ hãi đến như vậy! Lần đầu tiên anh trực diện với địch quân. Lần đầu tiên anh cận kề với sự chết. Bên tai anh lúc bấy giờ, chỉ còn nghe thấy những tiếng nổ long trời, lở đất, đào xới, tung tóe ở chung quanh. Kể ra, anh cũng còn tự kềm chế được lấy bản thân mình. Nói như thế, chứ cũng phải mất đến gần ba mươi phút sau, anh mới dần dần thấy tỉnh táo, đồng thời lấy lại được trạng thái bình thường, nguyên vẹn như cũ. Đấy! Trận mạc là thế đấy. Nói tới trận mạc là phải nói tới mất mát, tới đổ nát cùng nỗi sợ hãi đang trào lên ở trong anh lúc bấy giờ. Quả nhiên là anh sợ. Sợ từng loạt AK nổ rền, ròn rã. Sợ từng trái pháo rơi xuống nổ tung tóe, cầy xới, mịt mù ở chung quanh. Từng loạt bom giáng xuống ầm ầm như thác đổ. Lần đầu tiên anh đụng trận. Lần đầu tiên anh chứng kiến tận mắt từng người lính ngã gục. Từng thây địch nằm co quắp, bất động. Từng dòng máu chảy ra. Từng tiếng la xung phong vang dội cả góc núi. Từ đó, anh cứ bị ám ảnh về hai chữ chiến tranh. Về thân phận mỏng manh, sống nay chết mai của chính mình. Về những người lính tác chiến cận kề với anh. Những người lính lầm lì, gan dạ. Những người lính đang cố sức ghì chặt lấy tay súng, xông lên để chiếm cho bằng được cái ngọn đồi trọng yếu, hiểm hóc, gai góc ở trước mặt.”
Quần thảo suốt từ sáng sớm cho đến chiều, đơn vị anh phải vất vả, dằng co chiếm từng tấc đất, từng mỏm đá, từng ổ kháng cự dữ dội, ác liệt. Địch ẩn nấp, bố trí ở trên cao, địa thế lại hiểm trở nên rất dễ dàng cho việc quan sát và tác xạ. Trong khi đó, đơn vị anh lại từ ở dưới chân núi bò lên. Chính vì lẽ đó, cuộc tấn công trở nên khó khăn và hao tổn xương máu đi rất nhiều. Nói trắng ra, phần lớn, bọn anh đều nhờ vào sự yểm trợ dồi dào của pháo binh, cũng như là không quân của lực lượng Đồng Minh Hoa Kỳ. Em cứ thử tưởng tượng xem. Với biết bao nhiêu phi tuần bom ồ ạt trút xuống. Cả hằng bao nhiêu tràng đại bác của Lữ Đoàn Kỵ Binh Hoa Kỳ rót vào từ đèo Nhông. Những tràng đại bác nổ đinh tai, nhức óc, khiến cho bọn anh cũng phải rùng mình, hoảng hốt, chứ đừng nói chi tới đơn vị địch quân hiện đang nằm chịu trận ở trên đấy. Hết bom rồi lại tới pháo. Và! Cứ thế, cứ thế, nổ liên tục, ròng rã, kéo dài đến gần cả hai tiếng đồng hồ. Nói dại, nếu không có sự tiếp sức, yểm trợ hùng hậu của Đồng Minh, thì đơn vị anh khó có thể hoàn thành được cái nhiệm vụ một cách tốt đẹp mà thượng cấp đã giao phó. Giả dụ, nếu có chiếm được đi chăng nữa, thì cái giá mà bọn anh phải trả, đâu có thể dừng lại ở con số tám người đâu em! Mà theo như anh nghĩ: Số lượng tử vong sẽ còn được nhân lên gấp nhiều lần nữa là đằng khác!”
“Tối hôm ấy, tiểu đoàn anh được lệnh dừng chân, đóng quân ngay trên ngọn đồi vừa mới chiếm được. Giữa lúc anh đang loay hoay, bận rộn với công tác phòng thủ, thì Đại bất thần từ ở phía trên đi xuống, tiến thẳng đến tận chỗ anh đang đứng. Chờ cho anh phân chia, cắt đặt công tác xong xuôi đâu vào đấy. Đại lên tiếng dặn anh:
“Anh nên cẩn thận tối đa về ban đêm. Nhất là từ khoảng mười hai giờ cho đến ba giờ sáng. Anh nhớ chịu khó thức dậy, đi một vòng để nghe ngóng động tịnh, đồng thời kiểm soát luôn tất cả mấy vọng gác. Địch ở đây ghê lắm. Chúng nó thường hay khai thác tối đa về những sơ hở của ta. Theo kinh nghiệm cho tôi biết, thì bọn chúng thường hay mở các đợt tấn công bất thần vào những giờ giấc khuya khoắt kể trên.”
Anh lẳng lặng không nói. Đại chỉ cho anh thấy từng giải núi ở phía xa. Từng ngôi làng quạnh quẽ, nghèo nàn, xơ xác. Từng hàng dừa ngả nghiêng, cháy nám vì chiến cuộc. Đại cho biết, tất cả những nơi đó đều có dấu chân anh in hằn ở trên đấy. Ngừng lại vài giây, Đại thân mật hỏi anh:
“ Thế nào! Anh đã thấy quen chưa!”
Anh thành thật trả lời:
“ Mới đấy thì làm sao mà có thể quen được hở, thẩm quyền! Ít nhất cũng phải mất đến vài ba tháng nữa! Chứ bây giờ thì vẫn còn bỡ ngỡ như cô dâu mới về nhà chồng. Thẩm quyền cũng thấy đấy, chúng tôi trước kia đã quen với lối sống buông thả ở ngoài dân sự. Rồi, đùng một cái, có lệnh gọi nhập ngũ, lếch thếch bước vào quân trường, thụ huấn chẳng bao lâu. Mãn khóa với số vốn liếng ít ỏi, rồi quăng thẳng ra chiến trường sôi đọng chẳng chút do dự, thương tiếc, thì thử hỏi, làm sao chúng tôi không khỏi hoang mang, giao động! Chẳng nói dấu gì thẩm quyền, ngay trong lần chạm địch đầu tiên này, thú thật, tôi hết sức là lúng túng và nao núng. Cũng mong thẩm quyền hướng dẫn thêm về những kinh nghiệm quí báu mà thẩm quyền đã đi qua. Dẫu sao thì thẩm quyền cũng là người đi trước, là cấp chỉ huy xông xáo, dày dạn với những phong ba, bão táp của chiến trường.”
Đại vỗ nhẹ vào vai anh:
“Từ từ rồi anh cũng sẽ quen. Chỉ có chiến trường mới dạy cho chúng ta biết được, thế nào là bài học xương máu! Có một điều mà lúc nào anh cũng phải ghi nhớ mãi ở trong đầu, đó là chớ đừng bao giờ khinh địch! Khinh địch thì chỉ có con đường chết. Phải biết người, biết ta mới được. Đấy là câu châm ngôn mà từ cổ cho chí kim, ai nấy cũng đều phải học thuộc lòng như cháo chảy.”
Ném tầm mắt nhìn ra xa, Đại cho biết, anh đang chuẩn bị để lập gia đình. Người vợ sắp cưới của anh là người Bắc. Cô ta còn rất trẻ, là xướng ngôn viên của đài phát thanh, là người có giọng đọc hấp dẫn trong các bản tin tức về chiến sự hằng ngày. Đại chớp nhẹ đôi mắt, giọng anh trở nên nhẹ nhàng, mơ màng:
“ Tôi mới chỉ gặp cô ấy được hai lần. Cô ta là người mà chị tôi chấm cho tôi đấy. Chị tôi cứ khen, cô ấy là người mẫu mực, hoạt bát.
“Muốn chọn vợ cho cậu, thì phải tìm cho bằng được người đàng hoàng, tử tế, chứ cứ vơ càn vào, thì chẳng khác nào như khoác cái gông sắt lên cổ cậu suốt đời.”
Chị tôi vẫn thường nói với tôi như vậy. Vì thế, chị tôi chọn người cho tôi rất kỹ. Tôi cũng chẳng dấu diếm gì anh, tôi chỉ có hai chị em. Cha mẹ tôi mất sớm, kể từ khi tôi còn nhỏ dại. Tôi lớn lên trong vòng tay cưu mang, đùm bọc của chị tôi. Chị tôi lớn hơn tôi tám tuổi. Bà tảo tần, xuôi ngược, nuôi nấng cho tôi ăn học, đỗ đạt, rồi đi vào võ bị. Nói xong, Đại rút ra từ trong ví, đưa sang cho anh một tấm hình bán thân, khổ nhỏ:
“Đây là tấm hình mà cô ta mới gửi cho tôi cách đây chừng vài tháng. Tấm hình tuy cũ kỹ. Nhưng! Tôi rất quý nó anh ạ. Lúc nào tôi cũng trân trọng. Lúc nào tôi cũng giữ nó ở bên mình như thứ kỷ vật ngà ngọc, vô giá khó quên ở tại đời sống này.”
Thú thật! Lúc đó, anh không ngờ! Không khi nào anh có thể ngờ được - người con gái ở trong hình lại là chính em. Mà tại sao lại là chính em! Chính em đã cho anh cái cảm giác choáng váng, ngầy ngật, xây xẩm cả đầu óc. Chính em đã để lại ở trong anh, cả bài học xót xa, chua chát để đời. Anh bủn rủn, rã rời cả tay chân. Chung quanh anh lúc bấy giờ, là cả một vùng tối đen dầy đặc, vây trọn lấy anh vào chính giữa. Tấm hình đó chẳng khác nào như thứ ung nhọt độc hại. Là mũi gai nhọn đâm thẳng vào người anh. Là vết thương rỉ máu đương hoành hành, dày xéo, cấu béo lên thể xác anh. Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập đổ về, chất vấn nơi tâm tư anh! Tại sao cuộc đời lại quá éo le, nghiệt ngã, trớ trêu đến như vậy! Sao em lại quá nhẫn tâm, đành đoạn bỏ lại tất cả mọi kỷ niệm ở sau lưng! Những kỷ niệm vàng óng, mượt mà, lung linh của chúng mình. Những kỷ niệm tươi đẹp, bóng bẩy của một thời yêu đương lãng mạn ở quá khứ. Tại sao! Tại sao! Và, tại sao! Anh cố mở to đôi mắt rồi nhìn lại thêm một lần nữa! Vẫn cái mái tóc đen nhánh, mềm mại, quen thuộc của thuở nào! Vẫn cái khuôn mặt bầu bĩnh, tươi tắn, cùng nụ cười hồn nhiên, rạng rỡ ở trên môi. Tất cả đều gợi lại ở trong anh, về một hình ảnh thân thương, sống động của sáu năm về trước. Sáu năm. Với cái khuôn mặt đầy đặn, dịu dàng, khả ái còn đọng lại ở trong anh. Chưa bao giờ anh quên được cái tấm hình nhỏ nhắn, xinh xắn ấy! Tấm hình mà em đã lấy ra từ chiếc xách tay, rồi trịnh trọng trao sang cho anh, vào đêm tối trời khuya khoắt, trên đoạn đường vắng vẻ, lác đác vài chiếc xích lô lảng vảng ở gần đấy. Bên tai anh lúc bấy giờ, chỉ còn nghe thấy tiếng gió xào xạc, chạy đuổi nhau trên lá cây. Đặc biệt hơn nữa, em còn kèm theo mấy dòng chữ mềm mại, nắn nót, cô đọng ở sau lưng. Thú thực! Anh không dấu được sự cảm động! Cảm động về hai chữ tình yêu mà em đã dành trọn vẹn cho anh. Tấm hình đó chẳng khác nào như món hành trang cao quí giá nhất, đi theo anh trong suốt cả chặng đường dài gió bụi, dọc ngang, mịt mù ở quá khứ.”
Tối hôm ấy, anh không tài nào giỗ được giấc ngủ! Trong căn lều vải lạnh lẽo, anh trằn trọc, thao thức, miên man nghĩ về thân phận, về cuộc đời, ngổn ngang với nỗi xót xa, dày vò, tê buốt, chất ngất ở tâm thức.”
Hiền buông mắt nhìn ra xa:
“Anh nhớ kỹ lại xem. Dạo ấy đến cả hằng mấy năm trời, em vẫn chẳng nhận được lá thư nào của anh gửi về! Hơn nữa, em lại là phận con gái. Chung qui cũng chỉ vì cái phần số của em như vậy. Em chẳng trách cứ gì anh cả! Thôi! Bỏ qua chuyện đó đi anh!”
Hiền dơ tay phác nhẹ trong không khí. Ngừng lại vài giây, nàng đổi giọng trầm xuống:
“Từ nẫy đến giờ, mải nói chuyện, nên em quên khuấy đi mất, không hỏi thăm chị cùng mấy cháu ở bên đó có khỏe không anh!”
“Cảm ơn Hiền. Nhà tôi cùng hai cháu vẫn bình thường. Bên Mỹ thì đời sống khác hẳn với bên đây. Cuộc sống lúc nào cũng tất bật, hấp tấp.”
“Em hiểu. Nhiều người bạn về thăm gia đình vẫn thường nói với em như vậy. Ráng đi anh. Bây giờ chúng ta ai nấy cũng đều có phận riêng hết cả rồi. Em mong anh đừng suy nghĩ gì cả! Hãy quên đi anh. Từ nay anh đừng gửi tiền về cho em nữa! Em ở bên này, cuộc sống cũng tương đối, không đến nỗi gì eo hẹp cho lắm! Anh cứ gửi về càng khiến cho em áy náy thêm. Ngộ nhỡ, chị biết được, thì lại gây ra nhiều điều rắc rối, phiền phức, đồng thời tạo ra cảnh xào xáo, bất hòa cho gia đình. Em không muốn vì em mà gia đình anh mất êm ấm! Đừng gửi nữa, nghe anh! Chúng ta nhớ đến nhau là đủ rồi. Hằng đêm, em vẫn không quên cầu nguyện cho anh cùng gia đình được mọi điều an lành và tốt đẹp.”
“Cảm ơn Hiền.”
Hai người đi dọc theo bãi biển về chiều vắng lặng. Mưa lất phất bắt đầu điểm hạt. Trên cao, bầu trời xám xịt như trĩu xuống. Tiếng sóng vẫn nhịp nhàng vỗ nhẹ vào bờ, tạo nên chuỗi thanh âm êm đềm và liên tục. Thịnh lắng nghe chuỗi âm thanh bất tận của biển. Chuỗi âm thanh đưa anh trôi dạt về dĩ vãng thật xa lắm. Dĩ vãng về thời còn trai trẻ. Dĩ vãng về những năm tháng khói lửa chiến tranh, trên mảnh đất điêu tàn, cằn cỗi này. Về đời lính. Về những chuyến trực thăng chở anh cùng đồng đội đổ xuống các vùng đèo Nhông, Mỹ Thọ, Vạn Ninh, An Lão, Phù Cũ. Về Đại, người đàn ông có nước da ngăm đen. Người đàn ông ấy đã hiến cả đời mình cho binh nghiệp. Đã có lần Đại tâm sự với anh:
“Tôi yêu đời lính ngay từ ngày còn ngồi ở ghế học đường. Lớn lên, tôi liền chọn lấy binh nghiệp là hướng đi chính cho đời mình.”
Anh mơ muốn trở thành một danh tướng. Nhưng! Giấc mơ ấy đã chìm theo sương khói của hư không. Anh đã ngã xuống. Nhắm mắt, xuôi tay khi tuổi đời còn rất trẻ. Cứ theo như lời của ông trung đội trưởng vũ khí nặng, thì viên đạn nghiệt ngã, quái ác đó, đã bay thẳng đến người anh từ ở hướng trước mặt. Nó xuyên thủng qua cuống họng, đồng thời anh chúi xuống và toàn thân anh run rẩy, co quắp vào giữa lúc đơn vị đang chuẩn bị giàn đội hình để tấn công vào mục tiêu:
“Đột nhiên, tôi thấy thẩm quyền ngã chúi về phía trước. Hoảng hốt, tôi vội vàng nhảy sang, liền đỡ ông tựa đầu vào người tôi. Ai đời, vết thương lại quá nghiệt ngã. Viên đạn trúng ngay vào cuống họng của thẩm quyền. Vì thế, ông đâu có kịp trối trăn được lời nào! Tôi chỉ thấy hai mắt ông cứ mấp máy liện tục. Còn đôi môi thì động đậy như muốn nói với tôi một điều gì thật thầm kín ở dưới tận đáy lòng! Nhưng! Khổ nỗi thẩm quyền đâu có nói được nên lời! Trong khi đó, máu từ ở cuống họng cứ tự động tuôn ra, còn thân hình thì cứ lẩy bẩy, co rúm lại, trông thật là thảm não và chua xót vô cùng. Tôi nghĩ, chắc thẩm quyền đang trải qua cơn đau đớn lắm thì phải! Tức thì, liền sau đó, tôi thấy ông chỉ nấc lên được vài tiếng, rồi hai mắt cứ từ từ khép lại, và cuối cùng thì ông xuôi tay, tắt thở giữa những tiếng đạn réo đang rộn ràng, rộ lên ở chung quanh. Quýnh quáng, tôi ú ớ, quay sang nói với ông thượng sĩ thường vụ nằm ở gần đấy: “Thẩm quyền đã đi rồi.” Thế là hết! Kết thúc kể từ đấy! Xúc động, tôi dơm dớm nước mắt, rồi ôm chặt lấy ông vào lòng mình. Không bao giờ tôi quên được cái giây phút nghẹt thở đó! Và, cũng chẳng bao giờ tôi quên được cái địa danh Lạc Sơn hiểm hóc, kỳ bí ấy! Nó đã in sâu vào tâm não tôi, về một cai chết bi thảm mà tôi tin chắc rằng: Khó có thể nào nhạt phai ở trong tôi vào chuỗi ngày tháng hờ hững, u ám ở trước mặt.”
Hạnh phúc ngà ngọc chỉ đến với anh trong vòng mười lăm ngày ngắn ngủi. Mười lăm ngày trăng mật qua đi rồi kết thúc. Người vợ trẻ bước lên thang phi cơ ngày hôm trước, thì hôm sau cũng là ngày anh gục ngã, xuôi tay, giã từ khỏi đời sống phù phiếm này.
“Anh đang nghĩ gì vậy!”
Thịnh nhún vai điềm nhiên:
“Anh đang nghĩ về Đại. Anh ấy thật bất hạnh.”
“Anh ấy hiền. Tội nghiệp. Em chỉ ghét bà chị anh ấy. Bà ấy cứ bảo: Hôm đám cưới, tại em mặc chiếc áo màu vàng xui xẻo nên em bà ấy mới mất. Ngay sau khi nhận được tin sét đánh ngang tai, em liền tức tốc lấy vé, bay thẳng vào Qui Nhơn, nhận xác anh ấy đưa về tới Đà Nẵng. Trong khi đó, bà ta cứ lăn ra ở giữa nhà, gào thét, xỉa xói vào mặt em, rồi rủa em là đồ sát phu. Thú thật với anh, lúc ấy em xấu hổ vô cùng. Có lẽ, đến gần cả ba tuần lễ sau, em mớ dám ló mặt ra đường. Suy đi, nghĩ lại, cũng chỉ tại mẹ em hết! Mẹ cứ bắt em phải lấy anh Đại. Ngày nào bà cũng tụng. Ngày nào bà cũng giảng giải cho em nghe. Quanh quẩn cũng chỉ có mấy câu:
“Nó là thằng hiền lành, đạo đức. Nó chẳng biết tý gì về cờ bạc, rượu chè, trai gái hoặc hút sách! Mày còn chê nó ở điểm nào nữa, hở cái con kia! Lấy được nó thì kể như mày có phúc bẩy mươi đời rồi còn chần chờ gì nữa! Mày còn chờ ai nữa, hở Bích! Mày chờ cái thằng Thịnh à. Cái thằng dở hơi, bướng bỉnh đó, thì mày chờ nó để làm gì! Mà biết chờ nó cho đến chừng nào! Nó cứ im hơi, lặng tiếng, chẳng thấy đá động gì cả! Vô lý, nhà mình phải lên tiếng trước, thì đâu có còn ra cái thể thống gì nữa! Thực ra, lúc ấy em giận anh hết sức. Tức quá, em đành xuôi tay, bằng lòng cho bố mẹ em vui.”
Thịnh trầm ngâm, suy tư. Anh thò tay vào túi quần, lấy ra bao thuốc, rút một điếu cài lên môi, rồi bằng động tác thật khoan thai, bật hộp quẹt châm lửa:
“Hiền cho anh xin lỗi.”
“Thôi! Bỏ đi anh.”
Ngẫm nghĩ giây lát. Nàng hỏi:
“Anh còn nhớ chỗ này không anh!”
Thịnh chau mày suy nghĩ. Cuối cùng anh lắc đầu:
“Anh chịu.”
Hiền chỉ tay về hướng trước mặt:
“Đấy chính là chỗ mà mấy chục năm về trước, mình bước lên bờ, trên chuyến tàu chở mình từ ngoài Bắc vào trong đây.”
Thịnh mở to đôi mắt. Anh nhớ ra rồi. Dạo ấy phượng còn đỏ rực ở trên bờ em nhỉ! Nghĩ đến chuyến tàu ấy, lại khiến cho anh liên tưởng đến những ngày nằm chờ tại thôn xóm nghèo nàn ở Kiến An. Đến đoàn xe nhà binh chở đầy ắp người, đậu dài trên bến cảng Hải Phòng, chờ đợi để sắp xếp xuống tàu. Rồi con tàu chở cả tiểu đoàn công binh, mà trong đó, có bố anh, bố em cùng gia đình nằm ngổn ngang, la liệt ở trên đấy. Anh vẫn còn nhớ và nhớ rõ tất cả từng chi tiết. Chưa bao giờ anh quên! Chưa bao giờ! Mãi cho đến gần sáu giờ chiều, con tàu mới nhổ neo, giã biệt cảng Hải Phòng, âm thầm rẽ sóng để ra khơi, lênh đênh, ròng rã suốt cả mấy ngày trời trên biển. Mấy ngày trời ủ rũ, say sóng, mệt nhừ. Tàu cặp bến vào buổi chiều le lói, vàng úa. Tấm cửa sắt nặng nề, to lớn được mở ra và đoàn người ảo não, lục tục, lếch thếch bước lên bờ, ngỡ ngàng trước thành phố xa lạ. Lúc đó, tự nhiên anh chạnh lòng thấy nhớ Hà Nội. Nhớ gò Đống Đa. Nhớ từng toa tàu điện. Nhớ đến năm cửa ô. Nhớ tới bọn thằng Thái, thằng Lực, thằng Luyến. Nhớ đến những đêm trăng rằm vằng vặc. Những lần tập trận giả cùng các trái sấu chua nhăn mặt, chứa chất, tiềm tàng nhiều kỷ niệm khó quên ở tại nơi đấy. Thịnh lẩm bẩm:
“Thoắt chốc mà đã bốn mươi mấy năm trôi qua. Thế mới biết thời gian đi qua đời người thật quá nhanh em nhỉ!”
Hiền tiếp lời anh:
Nhanh! Chứ sao không nhanh! Anh tính thử lại xem! Ngày ấy anh lên mười, còn em thì lên chín. Bây giờ, ngoảnh lại thì ai nấy cũng ngoài năm mươi hết cả rồi. Có biết bao nhiêu người thân yêu đã bỏ mình, nằm xuống, ra đi. Rồi đây, trước sau gì, rồi cũng sẽ tới phiên mình. Theo em, thì ngày tháng cũng chẳng còn bao lâu nữa anh ạ!”
Hiền ngừng lại tại đấy. Lát sau nàng mới thỏ thẻ:
“Anh về kỳ này, ngoài mấy việc quan trọng kể trên, anh có còn việc nào khác nữa, không anh! Nếu em nhớ không lầm, thì cách đây ba năm, anh có về một chuyến rồi. Lần ấy Hòa có gọi điện thoại báo tin cho em hay.”
Thịnh cất giọng buồn buồn:
“Anh về là để lo đám tang cho bố anh. Thật ra, còn đến gần cả tháng nữa, mới đúng là ngày anh về. Nhưng! Vì lý do đặc biệt, nên anh phải lấy vé để về sớm hơn như đã dự tính.”
Hiền trợn tròn đôi mắt:
“Bác trai mất rồi hở anh! Sao chẳng thấy Hòa báo tin cho em biết gì cả!”
“Cũng tại em ở xa quá, nên anh có dặn Hòa là đừng báo tin cho em biết!”
Hiền trách:
“Anh tệ thật! Thế anh Nguyện có về không anh!”
“Có! Rất may là ba anh em đều có mặt đầy đủ.”
“Chắc đám tang của bác trai lớn lắm anh nhỉ!”
“Cũng bình thường, giản dị như mọi đám tang khác thôi Hiền ạ.”
Bất giác, Hiền chép miệng rồi cất nhẹ lên tiếng thở dài:
“Tội nghiệp cho bố mẹ em. Đám tang thật thảm não và lạnh lẽo hơn bất cứ đám tang nào khác! Sau năm một nghìn chin trăm bảy mươi lăm, trong suốt hai năm liền, em phải chịu tới hai cái tang liên tiếp. Đấy! Anh cũng đã biết. Gia đình em đơn thân độc mã sống ở ngoài này, chẳng có bà con thân thuộc nào cả! Khổ nỗi, ngày ấy em lại chưa tục huyền với nhà em bây giờ! Hơn nữa, ở trong nhà, chỉ có mình em là con gái mà lại là đứa con độc nhất ở trong gia đình. Tâm trạng em lúc bấy giờ rối bời như tơ vò, nát ra từng mảnh vụn. Cũng may, nhà em ở xóm ấy lâu năm, sống được lòng với tất cả mọi người ở chung quanh, nên ai nấy cũng đều thương tình. Chứ kể như mình em thì chỉ có chết mất. Nhìn lại hoàn cảnh lúc bấy giờ, gia đình em thì lại quá eo hẹp, chứ đâu có được dư giả như mấy gia đình khác! Nếu không có sự giúp đỡ tận tình của hàng xóm, của láng giềng, thì em cũng chẳng biết xoay sở ra sao! Càng nghĩ em lại càng thấy thương bố mẹ em vô ngần. Có lắm khi, em nẩy sinh ra ý tưởng hết sức thật ngộ nghĩnh, ước gì, mình được nhỏ lại như thời còn đi học. Cứ mỗi lần hồi tưởng về dĩ vãng, em lại thấy gợn lên ở trong em, cả một nỗi buồn man mác, đồng thời, muốn được sống lại chuỗi ngày tháng hồn nhiên, vô tư của thuở nào. Lớn lên, em nhận thấy, sao cuộc đời khổ quá hở anh! À! Anh còn nhớ Hội An, không anh! Hội An có ngôi chùa cầu tối om về ban đêm. Ngôi chùa ấy cứ mỗi khi mình đi chơi khuya về, đều bảo nhau ù té chạy. Đấy là khu phố nhỏ thứ nhì mà mình đặt chân đến, kể từ khi bước chân xuống con tàu giã từ quê hương miền Bắc. Thỉnh thoảng, có dịp xuống dưới đấy, em lại tạt ngang qua ngôi trường Bồ Đề mà anh đã từng ngồi ở năm lớp nhất, còn riêng em thì gắn bó với nó tới hai năm liền. Ngôi trường tiểu học xinh xắn ấy, đã gợi lên ở trong em nhiều nỗi bồi hồi, xao xuyến. Anh thi tiểu học ở trường Nam, phải không anh! Năm ấy, anh đậu. Còn năm sau, em rớt. Mẹ em la cho một trận thật nên thân. Em cũng không quên ghé ngang qua khu gia binh mà mình đã sống ở nơi đó ròng rã suốt hai năm liền. Nơi ấy, mọi vật hầu như thay đổi hoàn toàn. Mỗi lần trở về, em lại liên tưởng đến các trò chơi nhẩy dây, bịt mắt bắt dê vào những đêm tối trời oi bức. Dạo đó mình chẳng thấy buồn là gì anh nhỉ! Chỉ có giận hờn rồi sau đó lại làm hòa với nhau. Anh lại hay có cái tật phá đám tụi em. Cứ mỗi lần như thế, em thường chạy đi mách bác trai. Em biết, bác trai thương em nhiều lắm. Bác thường hay xoa đầu rồi gọi đùa em là con dâu quí. Buồn nhất là khi đơn vị phân tán đi mỗi người mỗi ngả. Gia đình anh thì dọn ra ngoài Huế. Còn bố em thì thuyên chuyển về Đà Nẵng. Tuy cách nhau ngọn đèo Hải Vân, nhưng chẳng xót năm nào mà bác trai không ra thăm bố mẹ em vài ba lần. Hễ ra, thì thể nào, mẹ em cũng bầy ra chắn hoặc tổ tôm. Em còn nhớ, lần đầu tiên anh đi với bác trai ra nhà em. Mẹ bắt em phải ăn mặc đàng hoàng, gọn ghẽ.
“Con gái phải đỏm đáng đôi chút. Phải biết làm dáng. Phải ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn và phải biết giữ ý tứ trong khi đi đứng.”
“ Em chẳng hiểu gì cả! Em chiều cho bố mẹ em hài lòng. Thì ra, có anh đi với bác trai. Tình cờ hay cố ý. Sau này em nghe mẹ em nói, anh ra là để xem mắt. Có phải đúng như vậy, không anh!”
“Anh chẳng biết ất giáp gì cả! Vừa về đến nhà được hai hôm, thì bố anh cứ dục, ra thăm bố mẹ em. Bố anh bảo: Hai bác quí con lắm và thường hay nhắc đến con luôn. Thú thật, lần ấy anh lúng túng vô cùng. Thì ra, giữa hai gia đình đã có sự sắp xếp với nhau kể từ lâu lắm rồi.”
“Nhắc đến ngày hôm đó thật buồn cười anh nhỉ! Sau khi hàn huyên vài câu chuyện, mẹ dục em dẫn anh đi chơi. Lần đầu tiên gặp lại, chúng mình chẳng biết nói gì với nhau! Em dẫn anh đi lang thang dưới cơn mưa buốt lạnh cuối năm. Cơn mưa ấy không bao giờ em quên! Cơn mưa ấy đối với em lúc nào cũng đẹp và em cất giữ nó một cách thật trang trọng trong cái ô kéo đặc biệt của ký ức.”
“Anh cũng vậy! Anh vẫn còn nhớ chuỗi ngày tháng vàng son, thơ mộng đó. Chuỗi ngày tháng mà giữa anh cùng em, đều mở ra những cánh thư nồng nàn, óng ả màu xanh, trải đầy mộng ước ngọt lịm ở trong đấy. Không khi nào anh quên! Không khi nào! Anh có thể quả quyết với em là như thế.”
Thịnh ngừng lại tại đấy. Lát sau, anh mới đổi giọng trầm xuống:
“Bây giờ thì cuộc sống của em như thế nào!”
“ Em chẳng dấu diếm gì anh! Đối với cuộc sống hiện nay thì gia đình em cũng tạm đủ qua ngày, chứ không đến nỗi chật vật, eo hẹp cho lắm!”
“Còn chồng em! Anh ấy đối xử với em ra sao!”
“Anh ấy đối xử với em rất chừng mực. Bốn năm sau, kể từ khi bố mẹ em qua đời, em đành nhắm mắt, đưa chân bước thêm bước nữa! Chúng em ăn ở với nhau có hai mụn con và bây giờ thì hai cháu cũng đều lớn khôn hết cả rồi.”
“Mừng cho Hiền.”
Hai người tiến lần lên phía trên. Cơn mưa bắt đầu nặng hạt, lớn dần. Gió lao xao trên các tàng cây, nhẹ nhàng luồn qua cơ thể, gây liền cảm giác lành lạnh ở trong anh. Thịnh quay sang hỏi:
“Hiền có lạnh lắm không!”
Nàng gật đầu không nói. Anh kéo cao cổ áo rồi cất giọng đề nghị:
“Hay mình tìm cái quán nào ngồi đi em!”
Hiền ngập ngừng buông tiếng:
“Thôi! Hiền xin phép anh về. Cảm ơn anh đã cho em một ngày thật ấm áp, thật trọn vẹn. Tiện đây em cũng xin phân ưu với anh cùng gia đình. Anh có định ra Huế thăm bạn bè không anh!”
Thịnh lắc đầu:
“Anh không có thời gian! Bởi vì, ngày mai anh còn phải về Sài Gòn để điều chỉnh chuyến bay.”
“Anh về, cho em gửi lời hỏi thăm sức khỏe anh Nguyện cùng vợ chồng Hòa. Chừng nào thì anh mới về lại Mỹ!”
“Tuần tới.”
“Chúc anh được thượng lộ bình an. Cho em gửi lời hỏi thăm sức khỏe chị cùng hai cháu.”
“Cảm ơn Hiền.”
Lưỡng lự trong giây lát, nàng đổi giọng trùng xuống:
“Gặp anh lần này, rồi không biết có còn gặp lại nữa hay không! Hãy nhớ đến nhau nghe anh! Thôi! Chào anh. Em về.”
Thịnh bịn rịn, khe khẽ:
“Anh muốn tiễn em thêm một đoạn đường nữa!”
Giọng Hiền trở nên rung rung:
“Như vậy cũng tạm đủ rồi anh ạ.”
Nàng ngước lên nhìn anh lần cuối, rồi xoay lưng lầm lũi tiến vào đám đông. Chiều ủ rũ, hấp hối trên ngọn đồi phía xa. Tự nhiên, Thịnh cảm thấy tim mình se thắt, tê tái, buồn rũ rượi.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Thịnh bước vào quán rượu ở gần đấy. Quán vắng, thưa người. Bà chủ quán có dáng dấp mảnh khảnh, lòe loẹt trong chiếc váy đầm cũn cỡn màu đỏ thẫm, ưỡn ẹo từ ở trong quầy rượu bước ra, nghiêng người, điểm nụ cười chào khách. Thịnh gật đầu đáp lại. Bà ta liền nhỏ nhẹ lên tiếng:
“Chào anh. Anh dùng gì! Tôi sẽ bảo mấy em đem ra cho anh.”
Thịnh đáp chẳng cần suy nghĩ:
“Chị làm ơn cho tôi chai bia.”
Nói xong, anh trực chỉ, tiến thẳng đến chiếc bàn trống nằm lẻ loi ở cuối dẫy, thản nhiên kéo ghế ngồi xuống. Thịnh thích ngồi ở chỗ hóc tối kín đáo. Anh không thích ồn ào! Anh thích im lặng. Âm thanh trầm buồn, lãng đãng của bản nhạc xa xôi thời tiền chiến, gợi lại ở trong anh, về chuỗi năm tháng khốn cùng, nghiệt ngã ở xó trời dĩ vãng. Nghĩ đến đấy, tự nhiên anh cảm thấy rùng mình rồi buông nhẹ lên tiếng thở dài. Anh ném tầm mắt nhìn qua khung cửa kính. Cơn mưa vẫn rả rích hầu như chẳng bao giờ dứt hạt. Xa xa, tận ngoài xa, thấp thoáng vài ánh đèn lù mù, lung linh trên đại dương. Thịnh đem ý nghĩ về Hiền. Về thị trấn xa xôi còn đọng lại ở ký ức. Cái thị trấn nhỏ bé, dễ thương, lồng khung trong cái khoảnh vườn hồn nhiên, ngây dại của một thời thơ ấu. Anh nhớ đến những buổi sáng còn ướt đọng hơi sương. Những buổi sáng lành lạnh trên con đường mòn ngoằn ngoèo dẫn đến trường học. Ngôi trường chỉ cách trại lính chưa đầy ba trăm thước mà sáng nào mẹ cũng dặn đi, dặn lại:
“Nhớ dẫn em đi cho cẩn thận nghe con.”
Ngôi trường tiểu học xinh xắn ấy, đã mở ra ở trong anh cả khoang trời mượt mà, tươi tắn của tuổi thơ. Khoang trời đó cứ sống mãi với thời gian và chẳng khi nào nhạt phai ở trong anh! Thịnh nhớ đến những buổi chiều rạo rực cuối năm. Những buổi chiều mà hai đứa đi lang thang giữa con phố nhộn nhịp, kín người. Những buổi chiều nồng nàn, ấm áp, lâng lâng hơn bao giờ hết.
“Có khi nào anh nghĩ rằng: Rồi một ngày nào đó, tình yêu mình sẽ tàn phai không anh!”
Thịnh điềm nhiên trả lời:
“Anh tin rằng không có! Tình yêu mình lúc nào cũng đẹp. Nó nhẹ nhàng như tơ trời và êm đềm như tiếng thông reo mùa Hạ. Chúng ta hãy chăm bón, vun sới cho nó thành mượt mà, bóng bẩy, tươi tốt nhiều hơn nữa.”
Người nữ chiêu đãi đặt chai bia cùng chiếc ly thủy tinh xuống mặt bàn. Thịnh rót vào đầy ly rồi nâng lên uống cạn.
“Anh muốn đi với em đến điểm cuối của cuộc đời. Cuộc đời là bể dâu, là sương khói, là ngã rẽ, là sự gẫy đổ ê chề, nhức nhối, phải không em! Chúng mình chẳng khác nào như hai con tàu chạy ngược chiều, trôi dạt về các ga trạm xa lạ, buồn tênh. Mùa xuân chẳng khi nào về với chúng ta! Nhưng chúng ta vẫn phải gắng gượng để sống, cho những đứa con anh, con em, có hơi thở, có mạch sống để vươn lên rồi nở hoa đi vào cuộc đời. Hãy cố gắng đi cho hết chặng đường đời đầy phiền toái, nhàm chán này. Hãy gắng lên nghe em!”
Thịnh vẫy tay, gọi thêm bia. Anh muốn uống cho thật say. Uống để vơi đi được phần nào nỗi xót xa, dằn vặt đang bủa vây kín mít ở trong anh hiện giờ. Thịnh dốc ngược chai bia rồi ngửa cổ nốc ừng ực. Hơi men luồn vào cơ thể, gây liền cảm giác ngầy ngật, khó chịu. Bên tai anh, lãng đãng, mơ hồ, nghe như có tiếng hát Sĩ Phú trầm buồn, phát ra từ chiếc máy thâu thanh nào đó.
“Yêu ai! Yêu cả một đời! Tình đó quá khắt khe khiến cho đời ta, đau tủi cả lòng. Tình yêu kia mà người hằng nhớ. Năm tháng trôi lạnh lùng hoài.”
Ngán ngẫm, anh mệt mỏi, nhướng cặp mắt lờ đờ nhìn bâng quơ lên trần nhà.
Bên ngoài, đêm chập chùng, mưa bay./.
TRANG LUÂN