văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, October 16, 2020

BÙI MINH QUỐC ** Mấy kỷ niệm làng văn bị trói


1

 

Vào thượng tuần tháng 11 năm 1978, mấy anh em nhà văn chúng tôi (Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung và tôi) đang theo một đơn vị thuộc Quân đoàn 4 tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam, tình cờ được đọc trên báo Nhân Dân một tin ngắn đăng trang trọng ở góc đầu trang nhất: Ban Bí thư trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam. Trong Đảng đoàn, ngoài các nhà văn nhà thơ vốn là cán bộ lãnh đạo chủ chốt quen thuộc của Hội bấy lâu, còn có thêm các gương mặt mới: Nguyên Ngọc, Giang Nam, Nguyễn Khải. Bí thư Đảng đoàn là nhà văn Nguyên Ngọc. Chúng tôi vui mừng bảo nhau: Quyết định của Ban Bí thư đã đáp ứng một yêu cầu khách quan của việc xây dựng Hội sau khi nước nhà thống nhất, tuy có hơi chậm.

Từ những năm còn chiến tranh, nhiều anh chị em hoạt động văn nghệ ở Hà Nội lần lượt vào chiến trường Khu 5, mỗi khi ngồi với nhau, nói đến Hội Nhà văn thường cứ gọi mỉa mai là Hội của mấy nhà văn, và lại đọc cho nhau nghe một đoạn ca dao rất phổ biến cả trong và ngoài giới cầm bút:

Đảng đoàn là Đảng đoàn Thi

Không đi thực tế, chỉ đi nước ngoài

Đảng đoàn là Đảng đoàn Hoài

Chỉ đi nước ngoài thực tế không đi 

Đảng đoàn là Đảng đoàn Thi…

Tôi không biết mấy câu ca dao đời mới ấy có chứa đựng một hạt nhân hiện thực nào không, nhưng nghe mãi, trong lòng vừa thấy khó chịu vừa thấy phân vân. Khó chịu vì nó làm tổn thương tình cảm của mình đối với các nhà văn đàn anh mà từ khi còn niên thiếu mình đã quý đã yêu qua tác phẩm. Phân vân, vì nó không khỏi làm nảy sinh mối nghi vấn về tư cách của những người lãnh đạo Hội.

Đối với mấy nhà văn mới có mặt trong Đảng đoàn, tôi cảm thấy có gì đó gần gũi với thế hệ mình. Các anh thuộc lớp nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và tự khẳng định văn tài sau đó, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ lại là những người lăn lộn lâu dài ở những nơi ác liệt nhất, gian khổ nhất. Nguyên Ngọc ở Khu 5, Giang Nam ở Khu 6 rồi Nam Bộ. Nguyễn Khải tuy ít chịu khổ nguy hơn, chỉ đi tuyến lửa từng chuyến thấp thoáng nhưng dù sao cũng đã có mặt ở Vĩnh Linh, Cồn Cỏ. Có thể các anh chưa nhiều kinh nghịêm chính trường, chưa từng trải cung cách ứng xử giữa một thế thái nhân tình cực kỳ phức tạp, giữa một cơ chế vận hành không thuận chiều cho tự do sáng tác, nhưng chắc chắn đông đảo anh chị em hội viên đều có thể tin ở nhiệt tâm và bản lĩnh của các anh khi gánh vác công việc Hội.

Tháng 6 năm 1979, sau một thời gian chuẩn bị, Đảng đoàn Hội Nhà văn tổ chức một cuộc hội nghị gồm phần lớn các hội viên là đảng viên (có lẽ do khó khăn điều kiện ăn ở và các khó khăn khác nên không triệu tập được đầy đủ). Tôi có dự hội nghị này. Như lời công bố rất rõ của Đảng đoàn lúc khai mạc, đây là một hội nghị nội bộ Đảng trước khi tiến tới một hội nghị rộng rãi toàn thể hội viên, với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước Nhân Dân, cùng nhau đặt ra và bàn bạc những vấn đề cốt thiết nhất của sự nghiệp văn học trong thời kỳ mới. Để gợi ý cho hội nghị thảo luận, Đảng đoàn đã thảo ra một bản Đề cương đề dẫn (thường gọi tắt là Đề dẫn), do nhà văn Nguyên Ngọc, Bí thư Đảng đoàn chấp bút và trình bày tại hội nghị.

Theo tôi được biết, bản dự thảo Đề dẫn này do Nguyên Ngọc chủ động nghiền ngẫm và soạn thảo, có sự tham gia ý kiến của người bạn chí thiết là Nguyễn Chí Trung (anh Trung nói với tôi thế), và sự đóng góp ý kiến đầy trách nhiệm của các uỷ viên Đảng đoàn Chế Lan Viên, Nguyễn Khải.

Nội dung chủ yếu của Đề dẫn tập trung vào mấy điểm cốt thiết với sự nghiệp văn học.

Ở phần nhìn lại và đánh giá tình hình văn học từ sau 1975, Đề dẫn biểu dương một số kết quả đáng khích lệ, đồng thời cũng lên tiếng báo động về một tình trạng trì trệ: cuộc sống thì ngày càng phức tạp mà văn chương thì ngày càng nhạt nhẽo, “Người viết vẫn cứ viết mà không thật tin ở chính điều mình viết ra”.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng ấy?

Đề dẫn vạch rõ, nguyên nhân ở phía người viết là sự bối rối dao động, còn nguyên nhân ở phía khác là cái không khí căng thẳng, lâu lâu lại thấy vang lên tiếng hô hoán dữ dằn rằng nào là có “tà khí”, nào là có “phản động”, nào là có “chống Đảng” trong văn học.

Với một lòng nhiệt thành, một thái độ tự nghiêm khắc với mình và rất mực cung kính đối với Đảng, Đề dẫn viết:

Nhân đây chúng ta cũng muốn nói rõ: quả là trong thời gian này trong nhiều người chúng ta đã có bối rối, dao động, điều ấy đã hạn chế sức chiến đấu của văn học ta nhiều lắm. Hôm nay chúng ta nghiêm khắc nhận rõ thiếu sót đó. Song cũng cần khẳng định rằng: trong vănhọc ta, ngay ở thời gian này, không có cái gì có thể gọi là “một luồng tà khí”, “phản động”, “chống Đảng”… như có một số người đã ngộ nhận, ngày càng thêm rắc rối. Chúng tôi nghĩ trong hội nghị này, chúng ta có thể chính thức báo cáo với Đảng kính yêu của mình như vậy”.

Đề dẫn nêu lên một nguyên nhân nữa, có lẽ đây mới là nguyên nhân căn bản, ở tầng sâu:

Một mặt khác đã góp phần không ít vào tình hình trì trệ này là sự chậm trễ kéo dài, sự thô thiển kéo dài trong công tác lý luận và phê bình văn học! Sự thô thiển trước hết ở một điểm rất cơ bản: Ở quan niệm về chức năng của văn học.”

Sự thô thiển ấy biểu hiện cụ thể ở hai vấn đề rất sinh tử đối với nhà văn, đối với sự phát triển của văn học, ấy là:


1- Dung tục hoá mối quan hệ giữa hiện thực và văn học. Nó tuyệt đối hoá hiện thực”, “nó hạ thấp văn học xuống thành một thứ sao chép hiện thực, coi giá trị văn học cao nhất là làm sao cố sao chép cho đúng hiện thực, có thế thôi. Bởi vì, theo nó, hiện thực đã tốt đẹp đến mức không còn gì có thể tốt hơn, đẹp hơn [đoạn tôi gạch dưới, Đề dẫn để trong ngoặc kép – BMQ]. Quan niệm không mác-xít đó đã từng biểu hiện chẳng hạn ở chủ trương tuyệt đối hoá thể người thật việc thật trong văn học, muốn lấy nó làm dòng chủ đạo, thậm chí dòng duy nhất của văn học ta”.

2- “Quan niệm thô thiển về chức năng của văn học cũng dung tục hoá mối quan hệ giữa văn học và chính trị. Nó tuyệt đối hóa chính trị, tuyệt đối hoá sự chi phối tất yếu của chính trị đối với văn học.”

Phê phán những thô thiển nêu trên, Đề dẫn đồng thời yêu cầu nêu cao vai trò sáng tạo của văn học, của chủ thể sáng tạo đối với hiện thực:

Văn học bắt nguồn từ cuộc sống, thu hút không những nguyên liệu mà cả linh hồn các tác phẩm của mình từ đấy, nhưng đến lượt nó, nếu như nó muốn có ích, muốn phục vụ trở lại cuộc sống thì nó lại phải sáng tạo ra một cái gì đó khác, mới mẻ, chưa từng có, cao hơn về chất so với cái nguyên liệu cuộc sống đã cung cấp cho nó. Ăn dâu nó phải nha ra tơ. Nếu nó lại nhả ra những cái lá dâu thì bản thân sự có mặt của nó thành vô nghĩa”.

Và nêu cao vai trò của văn học như thể ngang hàng với chính trị:

Văn học nghệ thuật với sức mạnh riêng của nó, làm phong phú thêm cho chính trị, bằng những khám phá và sáng tạo của riêng mình, không thay thế được”.


Ở phần “Phương hướng nhiệm vụ của văn học trong tình hình mới”, Đề dẫn dựa vào nhận thức của mình về làm chủ tập thể, đặt vấn đề phải nhận thức lại cho đúng vị trí của cá nhân, sau một thời gian dài cá nhân hầu như bị xem nhẹ, bị coi thường, bị nhấn chìm giữa tập thể mù mờ, chung chung, nặng tính chất bầy đàn. Đề dẫn coi việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là chìa khoá, là cơ sở của sự phát triển văn học:


Vấn đề của chúng ta ngày nay là kích thích niềm khao khát của con người tự phát triển năng lực sáng tạo cá nhân của mình đến cao nhất, để chiếm đoạt toàn bộ thế giới chung quanh, làm chủ nó, cho tất cả, cho xã hội, cho mọi người. Chứ không phải là xoá bỏ niềm khát khao tự phát triển năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân đi, tạo nên một thứ tập thể vô danh, nặng nề, đồng loạt và do đó yếu đuối. Tập thể mà sinh động, tập thể mà tinh nhuệ”.

Vào thời điểm bấy giờ, trong cái bầu không khí ngột ngạt mấy chục năm “văn nghệ phục vụ chính trị” đã thành một định mệnh, một cái vòng kim cô trên đầu mỗi nhà văn, thì những nội dung trên của Đề dẫn quả là chuyện động trời, nhất là lại được nêu ra từ một Đảng đoàn do Ban Bí thư trung ương Đảng vừa mới bổ nhiệm, một Bí thư Đảng đoàn trẻ (trẻ so với các vị cầm quyền già thôi), một nhà văn tài năng từng đuợc giải thưởng quốc gia cao nhất lại lăn lộn lâu dài ở chiến trường cực kỳ gian khổ ác liệt trở về, đương nhiên phải là người được Đảng tin cậy nhường nào, thế nên Đề dẫn lập tức dấy lên một niềm hứng khởi rất mạnh cho những tâm hồn yêu văn chương, khát tự do bị dồn nén trường kỳ, và cũng dấy lên niềm tin: hẳn là sau khi toàn dân dồn sức đã đánh thắng xong đế quốc, thời kỳ tạm gác những yêu cầu dân chủ tự do để đánh giặc đã qua, nay Đảng bắt đầu chủ trương cởi mở để đặt nền móng cho một cuộc phục hưng văn hoá.


Hai ngày đầu, hội nghị thật sôi nổi, hồ hởi. Hầu hết ý kiến phát biểu của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, những tên tuổi nổi tiếng không những trong nuớc mà phần nào cả ngoài nước, đều nhiệt thành nhất trí với Đề dẫn. Mọi người dường như cảm thấy đã bắt đầu được đứng trên một tầm cao hơn trước để nhìn thẳng vào tinh hình văn học với tinh thần phê phán khoa học, thực sự cầu thị. Có một lỗ nhỏ vừa được khai thông nơi cánh cửa đóng kín bấy lâu khiến cho bầu không khí bức bối trong sinh hoạt văn chương học thuật trở nên dễ thở hơn.


Nhà văn Phan Tứ không phát biểu ý kiến riêng, chỉ giở sổ ghi chép cũ ra (anh nổi tiếng là người chịu khó ghi chép tỉ mỉ, chuẩn xác) đọc lại nguyên xi lời phát biểu của một vài cán bộ lãnh đạo văn nghệ trước đây. Nào xã hội ta là một xã hội tốt đẹp, không còn có bi kịch, nào là người thật việc thật là một đề tài có tính đặc thù của văn học cách mạng gắn với sự xuất hiện của con người mới xã hội chủ nghĩa trong xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa –, nào là cần thấy rõ tính ưu việt của sáng tác tập thể, v.v. và v.v. Anh đọc đến đâu mọi người cười rộ đến đó. Cái cười của những con người đã trưởng thành nhìn lại thưở ấu trĩ. Tôi nhớ hồi cuối năm 1974, Phan Tứ trở về chiến trường Khu 5 lần thứ hai, sau mười sáu chuyến đi nước ngoài làm công tác đối ngoại về văn hoá cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Trở lại chiến trường lần này, anh đem theo đề cương khá chi tiết cho một bộ tiểu thuyết trường thiên, không gian rộng, thời gian dài, nhân vật nhiều và đa dạng, các quan hệ, các xung đột đối chọi đan cài chồng chéo nhào nặn trong các sự kiện lớn đầy tính sử thi lẫn những bi kịch cá nhân và gia đình. Thật là công việc đáng mơ ước. Cánh viết trẻ chúng tôi nhìn Phan Tứ với rất nhiều khâm phục và kỳ vọng. 

Phan Tứ cho biết đề cương bộ tiểu thuyết của anh đã được đích thân đồng chí Tố Hữu, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương xem kỹ và góp ý kiến, đồng thời giới thiệu gửi gắm với các đồng chí lãnh đạo Khu uỷ Khu 5 tạo điều kiện thuận lợi để anh thâm nhập thực tế, bổ sung vốn sống. Khu uỷ Khu 5 cử một chiến sĩ vừa làm cần vụ vừa bảo vệ cho anh mỗi khi anh đi công tác. Mọi người, từ anh chị em đồng nghiệp già trẻ đến các cấp lãnh đạo đều tin tưởng ở Phan Tứ lắm. Anh xuất thân từ một gia đình có truyền thống học vấn. Ông cụ thân sinh anh, cụ Lê Ấm, từng là thầy học của các vị trí thức cộng sản nổi tiếng sau này như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Phạm Thiều, Nguyễn Sĩ Sách. Mẹ anh là con gái cụ Phan Châu Trinh. Bản thân anh là người có học vấn cao, dùng thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp, lại là người luôn vì nước xông pha chiến trận, thời trẻ từng là trung đội trưởng trinh sát trong lực lượng tình nguyện quân Việt Nam tại chiến trường Lào, đến năm 1961 vừa học xong Đại học Tổng hợp thì trở về chiến trường Miền Nam, năm 1966 ra Bắc chữa bệnh rồi làm công tác đối ngoại đi nhiều nơi trên thế giới và tranh thủ sáng tác xen kẽ giữa các chuyến đi nước ngoài. 

Cuốn tiểu thuyết “Mẫn và tôi” của anh viết trong hoàn cảnh đó mới xuất bản đã được bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ rất hâm mộ, sắp sửa tái bản. Cuốn tiểu thuyết đầu tay “Trước giờ nổ súng” của anh, viết khi đang học đại học, thì đã tái bản đến năm sáu lần. Phan Tứ là người có nếp sống, làm việc hết sức cần mẫn, khoa học, ít khi để phí thời giờ vào những việc không đâu. Với tài năng như thế, bản lĩnh như thế, ý chí như thế, từng trải như thế, lại được trên quan tâm tạo điều kiện như thế, Phan Tứ quả xứng đáng một hiệp sĩ cho trận quyết chiến lớn đến thế về văn chương. Anh cũng đã tới cái độ chín để có thể tự tin. Anh bảo với chúng tôi: Thường thì xưa nay trong cái nghề của chúng mình, công bố trước dự định sáng tác là điều tối kỵ. Ấy thế mà mình đã liều gan làm chính cái điều tối kỵ này. Cũng là một cách tự rút ván cầu không cho phép mình quay lui nữa. Tôi hỏi Phan Tứ:

- Cái tiểu thuyết anh sắp viết, thật lý thú, tụi tôi nghe nói mà thèm. Thế cái chủ đề của nó, cái tư tưởng sâu xa, cái tâm sự gan ruột mà anh muốn ký thác, muốn gửi gắm trong đó là cái gì?

Không cần nghĩ, Phan Tứ trả lời ngay cái điều anh hằng ấp ủ:

- Sự trưởng thành của con người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1930 đến nay.


Cánh trẻ chúng tôi có một mối băn khoăn thường trực: Cần phải phản ánh hiện thực một cách toàn diện, cả mặt sáng lẫn mặt tối, cả trong chiều rộng lẫn chiều sâu, trong toàn bộ tính phức tạp vô cùng vô tận của nó. Xem ra nhu cầu đó lại dị ứng với quan điểm chính thống. Vậy thì anh giải quyết vấn đề này thế nào nếu anh bắt tay vào một công trình đồ sộ nghiêm túc như thế? – Tôi hỏi thêm Phan Tứ.


Chuyện này thì Phan Tứ phải ngẫm nghĩ. Rồi anh đáp:

- Không phải là tự khen, nhưng mình cũng có cái vui nho nhỏ là trong cuốn “Mẫn và tôi” mình đã chạm nhẹ vào cái chuyện này, chuyện phản ánh mặt tiêu cực trong đội ngũ cách mạng, mà không thấy nhà phê bình, nhà lãnh đạo nào “hỏi thăm sức khoẻ”. Mình có trực tiếp hỏi ý kiến anh Tố Hữu về vấn đề này, anh Tố Hữu bảo cứ phản ánh cái tiêu cực, nhưng ở phạm vi cấp xã thôi.

Xã hội ta rất tốt đẹp, không có bi kịch. Vui thật. Tiếng cười rộ kéo dài trong phòng họp.

Nhà thơ Chế Lan Viên bước lên diễn đàn oai phong như một chiến tướng. Tôi ngắm ông, đầy ngưỡng mộ. Đấy, thần tượng thời trẻ của tôi.

Đường về thu trước xa xăm lắm

Mà kẻ đi về chỉ một tôi

(Chế Lan Viên – Điêu tàn)

Câu thơ tuyệt vời đầy ma lực của thi sĩ thần đồng mười sáu tuổi vụt hiện. Năm nào nhỉ, tôi đã ngồi suốt cả ngày trong căn phòng của nhà thơ Xuân Diệu ở biệt thự 24 Cột Cờ (sau đổi là Điện Biên) để chép vào sổ tay mình toàn bộ tập thơ “Điêu tàn” từ cái bản sách quý có lời đề tặng của tác giả mà anh Diệu không cho tôi mang ra khỏi nhà: “Anh Diệu ơi, tập thơ đầu của em đây, anh nhận ngay đi”. Tập thơ “Ánh sáng và phù sa” của Chế Lan Viên (xuất bản năm 1960) từng là sách gối đầu giường của tôi. Tôi mua hai cuốn, một cuốn cho mình còn một cuốn tôi chép bài thơ cảm tác của mình về tập thơ vào bìa ba và đem đến tặng lại ông để bày tỏ lòng biết ơn về những gì mà ông đã gieo vào hồn mình.


Tổ Quốc thân yêu như quả tim thầm

Ở giữa lòng ta nào ta có biết

Trong xa cách bỗng à ơi giọng Việt

Ru hồn ta qua ngàn dặm quê xuân 

(Chế Lan Viên – Ánh sáng và phù sa)

Tôi nhìn ra thấy máu thịt quê hương

Như đang dâng thành núi đọng thành cồn 

(Chế Lan Viên – Ánh sáng và phù sa)


Hiếm có câu thơ nào nói về cái đất nước bình dị đằm thắm và đau thương cùng cực này hay hơn thế, da diết thế, thấm lòng đến thế.

Chế Lan Viên mở đầu lời phát biểu của mình bằng cách trích dẫn một câu gì đó của một tác giả nào đó, tên nghe như tên Đức hay Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ. Nghe một lúc mới vỡ. Và rất khoái. Hoá ra ông muốn chọc quê một ông tiến sĩ bên Viện Văn học phát biểu trước đó, mới đi tu nghiệp ở Đức về nên đốc chứng thế nào cứ luôn miệng trích các tác giả Đức, dùng các thuật ngữ đều chua bằng tiếng Đức. Rồi tiếp đó, Chế Lan Viên phang tới tấp vào những quan điểm bảo thủ, thói chụp mũ chính trị ác độc trong phê bình văn nghệ. Thậm chí ông yêu cầu giải quyết ngay về mặt tổ chức, không nên để ông Vũ Đức Phúc làm Viện phó Viện Văn học. Nếu tôi nhớ không lầm thì ông đã bảo rằng: “Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có một Viện phó Viện Văn học như anh Vũ Đức Phúc là một tai hoạ”. Nhà thơ Diệp Minh Tuyền lúc ấy không hiểu sao không ngồi trên bàn thư ký mà lại ngồi cạnh chỗ tôi, vỗ đùi bình luận khe khẽ: “Hôm nay ông Chế dội B52 vào mấy cha bảo thủ”.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi bước lên diễn đàn. Tiếng nói của ông là tiếng nói rất được chờ đợi. Ông làm Tổng Thư ký Hội liên tục từ 1958. Là người nghệ sĩ đầy tài hoa và nhạy cảm, lại là cán bộ cao nhất của Hội chừng ấy năm, ở ông hẳn phải kết tinh tất cả cái nhu cầu sâu xa và bức bách về tự do của người nghệ sĩ mà người lãnh đạo phải giải quyết.


Với riêng tôi thì nhiều năm dài Nguyễn Đình Thi đã từng là một mẫu người đầy hấp dẫn, một gương mặt rạng ngời tiêu biểu của thế hệ ông, đầy tài trí và giác ngộ cách mạng sớm, dám dấn thân, mới hai mươi hai tuổi ông đã làm rung động bao trái tim Việt Nam yêu nước với những “Diệt phát xít”, “Người Hà Nội”. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy ông là khi ông đến trường cấp 3 Chu Văn An của tôi nói chuyện với học sinh trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa về quá trình sáng tác của ông. Chúng tôi ngồi đầy sân trường. Tôi chỉ được nhìn ông từ xa, vì tôi ngồi theo lớp tít tận dưới hàng cuối, và khi tan cuộc tôi không thể nào chen nổi qua đám đông các bạn hâm mộ và hiếu kỳ vây kín ông vòng trong vòng ngoài để đến gần ông. Nhưng tôi nhớ mãi câu chuyện ông kể về những ngày ông ngồi viết tiểu thuyết “Xung kích” ở Việt Bắc. Ông kể nhà văn Nguyên Hồng đã chăm sóc ông những ngày ấy như chăm sóc một người em, thức khuya dậy sớm pha cho ông từng cốc sữa. Có lúc ông nản quá, muốn bỏ bút, Nguyên Hồng lại dỗ dành, động viên.


Tháng Tư năm 1959, ở hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ nhất mà tôi được dự, Nguyễn Đình Thi là người đọc báo cáo. Cũng lại chỉ được nhìn ông từ xa, vì tôi ngồi trong góc cuối hội trường. Ông nói rất hay về cái chợ trời văn chương trước Cách mạng tháng Tám, một cái chợ bát nháo hàng giả hàng thật kể cả nhân cách của nhà văn, đầy rẫy sự chen lấn, chèn ép nhau, tinh vi xảo quyệt có mà sống sượng trâng tráo cũng có. Ông nói thật hùng hồn về một nền văn học mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, được xây đắp bởi một đội ngũ nhà văn mới, một đội ngũ của những tâm hồn lớn, những nhân cách lớn, đầy trách nhiệm xã hội, xa lạ hẳn với những tháp ngà, hũ nút, xa lạ hẳn với cái thế giới nhớp nhúa sa đoạ của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ ngụp lặn dưới vũng bùn bế tắc. Ông đặc biệt nhấn mạnh về tấm lòng của người viết, tấm lòng đối với Tổ Quốc, với Nhân Dân, với Đảng và đối với nhau. Tôi nghe ông như uống lấy từng lời. Làm người, là cái gốc của sự làm nghệ thuật, cốt lõi là thế, tôi tự dặn lòng mình thế. Tôi tâm niệm thế, từ đấy.


Tôi đặc biệt nhớ về một buổi sáng mùa hè năm 1962, tôi tới trụ sở báo Văn học (cũng là trụ sở Hội Nhà văn), một ngôi biệt thự rất đẹp quét vôi màu hồng sẫm ở số 84 phố Nguyễn Du để nhận nhuận bút và báo biếu. Phòng hành chính ở dãy nhà phụ phía sau. Nhận xong rồi mà không hiểu sao tôi chẳng muốn rời bước, cứ đứng vẩn vơ chỗ sân sau. Đây là cái thế giới của những con người mà tôi hằng ngưỡng vọng, thế giới của những tài năng lớn, những tâm hồn lớn, những nhân cách lớn. Cho nên tôi cứ nấn ná, nấn ná, dù chỉ là để hít thở một chút cái không khí riêng biệt chốn này. Ở giữa sân sau, bên gốc cây, có một người vào tuổi sắp ngũ tuần, gầy gò lẻo khoẻo, mặc bộ quần áo ta màu gụ đang đập bụi cho chiếc áo bông cũ bẩn vắt trên lưng một cái ghế tựa. Tôi nhận ra đó là nhà văn Nguyên Hồng, vì ông đã từng đến trường tôi nói chuyện về việc ông đã viết “Bỉ vỏ” và “Những ngày thơ ấu” như thế nào. Dù chỉ được nhìn thấy ông một lần đã lâu, tôi cũng không quên được cái dáng gầy gò lẻo khoẻo và bộ quần áo nông dân thấm bụi vỉa hè kia. 

Rồi bỗng từ nhà trên bước xuống một người dáng cao cao vai rộng, mái tóc dày, lông mày đen đậm, nước da ngăm ngăm, sống mũi thẳng phảng phất nét Ấn Độ, cặp mắt thăm thẳm thật quyến rũ, tay cầm tờ báo Nhân Dân, dừng lại bên gốc cây chăm chú đọc, và nói với nhà văn Nguyên Hồng: “Đây, trí thức Việt Nam đây, khí phách thế chứ, cứ coi thường người ta mãi đi!”. Người vừa nói đó là nhà văn Nguyễn Đình Thi. Hôm nay tôi mới được nhìn ông gần như thế này. Ông giơ cho nhà văn Nguyên Hồng đọc hàng tít lớn trên báo, tôi cũng đọc được. Báo đưa tin về vụ toà án quân sự của Mỹ-Diệm xử tử hình giáo sư Lê Quang Vịnh. Vụ án chấn động dư luận nhân dân cả nước và thế giới, và không lâu sau bọn sinh viên chúng tôi đã nồng nhiệt hát bài đầy xúc cảm của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (tác giả bài hát “Xa khơi” nổi tiếng) theo giọng hát Quốc Hương không mấy ngày không vang trên đài: “Lê Quang Vịnh người con quang vinh…”

Tôi cứ nhớ mãi cái câu nhà văn Nguyễn Đình Thi bật ra khi đọc tin về vụ án Lê Quang Vịnh: “Đây, trí thức Việt Nam đây, khí phách thế chứ, cứ coi thường người ta mãi đi!”. Khá lâu về sau tôi mới dần hiểu cái tâm trạng nào dồn nén đằng sau câu nói ấy.

Ông bị đòn vì vở kịch “Con nai đen” đâu như từ năm 1961. Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Nhà văn Việt Nam tháng 4 năm 1957, ông chỉ có chân trong Ban Chấp hành gồm 32 vị. Chủ tịch Hội là nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tổng Thư ký là nhà văn Tô Hoài. Phó Tổng Thư ký là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh. Nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn sau, tháng 9 năm 1958, Tổng Thư ký Hội là nhà văn Nguyễn Đình Thi. Không thấy nói gì đến cương vị Chủ tịch Hội, Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký Hội của các nhà văn nhà thơ Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyễn Xuân Sanh nữa.

Gần đây ông lại bị đòn vì vở kịch “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”. Một đòn nặng. Vở kịch bị cấm diễn. Nghe nói lệnh cấm bằng văn bản hẳn hoi, một sự hiếm. Và cũng nghe nói người ký lệnh là uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung uơng Đảng, phụ trách cả khối tổ chức và tư tưởng Lê Đức Thọ. Xin nhắc lại, điều này tôi chỉ nghe nói thôi, nêu ra như vậy để rồi sẽ được nghe các nhà văn học sử và chính nhà văn Nguyễn Đình Thi có lời khẳng định hay phủ định.

Xin trở lại hội nghị hội viên đảng viên.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi bước đến bên micro trong sự chờ đợi hồi hộp của cử toạ. Ông nói nhiều, nhưng cái điều găm sâu trong trí nhớ của tôi mãi đến nay là ông nhắc đi nhắc lại rằng anh chị em trí thức ta không xoàng về chính trị đâu, tiếp đó ông kể một câu chuyện trong Đại hội Đảng lần thứ hai ở Việt Bắc mà ông được dự. Ông kể chuyện Bác Hồ chỉ tay lên ảnh Stalin và Mao Trạch Đông và nói với Đại hội: Bác có thể sai, chứ hai ông này thì không sai. Thật là một câu chuyện kinh thiên động địa. Hồi này, sau khi nước bạn láng giềng môi hở răng lạnh theo lệnh của Đảng bạn đem quân đánh ta ngày 17 tháng hai năm 1979 thì trên sách báo chính thức đã đưa ra nhiều thông tin về những tội ác rùng rợn dưới triều Mao. Còn những tội ác dưới triều Stalin thì chưa dám đụng tới, mặc dù không ít người đã biết qua sách báo nước ngoài. Thế mà sau khi kể câu chuyện động trời trên, nhà văn Nguyễn Đình Thi lại nói đến việc các nhà văn Xô Viết tự tử để phản kháng như thế nào, và lời cuối của ông trước khi rời diễn đàn là bày tỏ hy vọng Đảng ta sẽ dân chủ hơn.

Nhưng sự kiện được Đại hội chờ đợi hơn hết, chờ đợi một cách căng thẳng, hy vọng xen lẫn lo âu, là sự có mặt của nhà thơ Tố Hữu, uỷ viên Bộ Chính trị và tiếng nói của ông. Ông sẽ đến và phát biểu vào sáng mai, ngày cuối cùng của hội nghị.

Khỏi nói Tố Hữu đã từng là một thần tượng thế nào trong cõi hồn niên thiếu mê văn chương của tôi.

Gì sâu bằng những trưa thương nhớ

Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!

Những câu thơ như từng hạt phù sa thanh sạch và mỡ màu lặng lẽ bồi đắp hồn tôi lúc nào không hay và đọng lại mãi, hoà vào máu thịt tôi. Cũng như, từ trước thơ Tố Hữu khá lâu, câu hát Phạm Duy “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời…” tôi hát lên như thể chính lòng mình cất tiếng, câu hát như thể đã ở trong tôi tự bao giờ cùng sữa mẹ.

Rồi tôi học Tố Hữu trong nhà trường. Học thuộc lòng những câu như:

Yêu biết mấy nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Xtalin 

(Tố Hữu – Việt Bắc)

Những câu này thì không cố học cũng tự nhiên mau thuộc:

Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm cù bất cù bơ

(Tố Hữu – Từ ấy)

Sống đã vì cách mạng, anh em ta

Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà.

(Tố Hữu – Từ ấy)

Vì cách mạng, nghĩa là vì sự đổi đời cho những kiếp sống khốn cùng mà mình đã tự nguyện kết thành ruột thịt kia. Những câu thơ như men ngấm, như lửa đốt, vừa triết lý vừa giục giã hành động. Đặc biệt cái câu ông dịch của Marat: “Người ta lớn, bởi vì ngươi cúi xuống. Hỡi nhân dân hãy đứng cả lên!” đã ngấm tận xương tuỷ tôi mãi đến tận giờ.

Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy ông là vào cái hôm ông đọc thơ trong cuộc mít tinh khi cả miền Bắc nghe tin vụ thảm sát Phú Lợi ở Miền Nam. Tôi chạy như bay tới cuộc mít tinh và nhìn thấy ông trên bục cao. Ông chẳng khác bao nhiêu so với tấm ảnh mặc áo trấn thủ in trong tập thơ “Từ ấy” hằng quyến rũ tôi bởi sự bình dị đáng yêu, dễ gần, y hệt mấy anh Vệ Quốc Đoàn gầy ốm mà mẹ tôi vẫn đón về nuôi ở nhà thời kháng chiến chống Pháp. Trời rét căm căm trong làn gió bấc vật vã, cái giọng Huế đầy truyền cảm chất chứa yêu thương và căm giận của ông vang lên nấc lên vạch đất xé trời:

Đồng bào ơi, anh chị em ơi 

Hỡi lương tâm tất cả loài người!…

Toàn bộ con người tôi rung chuyển theo tiếng kêu này. Tôi nhập vào đoàn người biểu tình trước trụ sở Uỷ ban quốc tế, hô đến khàn hơi các khẩu hiệu lên án tội ác Mỹ-Diệm ở miền Nam. Bắt đầu có một tôi khác trong tôi, một cái tôi không yên ổn. Trong các lớp tôi học từ phổ thông rồi lên đại học đều có các bạn quê ở miền Nam. Thỉnh thoảng lại thấy một bạn nghỉ học mấy ngày, rồi đến lớp với gương mặt buồn thảm, cặp mắt đỏ hoe. Các bạn khác cho biết cha (hoặc mẹ, anh, chị, em) bạn ấy ở trong Nam bị địch giết. Mặt Hồ Tây tĩnh lặng mà tôi thường ngắm qua ô cửa sổ gác ba trường Chu Văn An thân yêu của tôi dường như cũng chứa đựng câu hỏi: giờ phút này, ở Miền Nam có ai đang bị giết?

Sau này, đi B, đi vào chiến trường Miền Nam, về Quảng Nam, tôi gọi là về, trong những dòng thơ đầu tiên tôi viết khi đặt chân tới chiến trường có những dòng này:

Tôi về có chậm không, Quảng Nam?

Sao tôi không có mặt ở đây từ những ngày quân thù điên cuồng tố Cộng

Khi hàng ngàn đồng chí chúng ta bị âm thầm chôn sống 

Hàng vạn gia đình yêu nước phải chia tan?

(Bùi Minh Quốc – Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ)

Tôi đã viết thành thơ cái sự thật của lòng mình, một nỗi bất an thường trực giày vò tôi, rằng có thể mình chậm trễ không đến kịp với ai đó đang bị sát hại, tôi học hành không yên, sáng tác không yên, công tác không yên, kể từ khi nghe tiếng kêu thống thiết xé trời của Tố Hữu:

Hỡi lương tâm tất cả loài người!

Mãi từ đó đến bây giờ, hơn hai mươi năm, tôi mới lại được nhìn thấy ông, lần này thật là gần. Ông người thâm thấp, hơi đậm, nước da đỏ đắn, dáng vẻ uy nghi “cao cao tại thượng” của người làm quan to lâu năm. Từ dưới sân trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, khi ông vừa bước xuống xe đã có cả đống người quây đón xúm xít bao quanh theo ông lên cầu thang (lộ thiên) vào phòng họp. Ông gật đầu đáp lại những cái nhìn sùng kính hoặc có vẻ sùng kính, những nụ cười nịnh nọt kín đáo hoặc lộ liễu, bắt tay một số người đứng dọc hai bên lối đi. Ông gần như bá lấy vai nhà văn Nguyên Hồng vẫn gầy gò khẳng khiu như bao giờ trong chiếc áo cánh gụ bạc màu, bộ râu cằm để dài cũng đã bạc. Rồi, như thể bị thôi thúc bởi một tình thân mật bất chợt trào lên, quên mất mình là cán bộ lãnh đạo cấp cao, ông đưa tay vuốt, giật nhẹ bộ râu của Nguyên Hồng, nói to: “Râu giả, râu giả!”. Nguyên Hồng thoáng trân mình, mặt hơi bừng đỏ, không biết vì xúc động hay vì cái vuốt râu bỗ bã không đúng chỗ, không đúng lúc.

Tố Hữu bước đến bên chiếc micro mà ông yêu cầu chuyển từ bục diễn đàn xuống đầu chiếc bàn dài, ngang tầm ngồi của mọi người. Phải kê micro bằng những quyển sách. Có ai đó tìm cách kê cao thêm chút nữa nhưng ông ngăn lại, bảo: “Chẳng cần kê nữa làm gì, tôi cũng thấp lùn như anh Nguyên Ngọc thôi. Chúng ta có ai cao lên được cũng là do Đảng kê lên cho thôi”. Câu nói như là một câu nói vui, nhưng lại nhắc đến Đảng thì ghê quá, nên chẳng ai cười được bởi trong giọng nói êm nhẹ như mây trôi đã báo trước sấm sét.

Quả thế. Vị uỷ viên Bộ Chính trị bắt đầu bài phát biểu của mình bằng chuyện ông mới đi thăm một số cơ sở điển hình ở miền núi. Ông kể về một cái hợp tác xã miền núi tự làm thuỷ điện, có điện thắp sáng cả bản, có hệ thống tưới tiêu khoa học, năng suất cây trồng và vật nuôi lên cao hẳn, đàn lợn tập thể nom rất thích mắt, đời sống bà con khấm khá rõ rệt. Trông coi vận hành trạm thuỷ điện chỉ là một cô gái học lớp ba. Ông kết luận, đấy, từ một xã hội tiền phong kiến, ở đây người ta đã tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội đấy. Mà chẳng có phép màu nào ngoài sức mạnh làm chủ tập thể. Những thực tế tuyệt vời này chẳng đáng được sao chép lắm sao?

Và thế là, tiếp đó, ông quất tới tấp vào cái luận điểm của Đề dẫn muốn hạ thấp vai trò của sự phản ánh, thậm chí là sự sao chép đi nữa, hiện thực xã hội, nhất là khi hiện thực xã hội đã tốt đẹp đến thế. Và (thật quá đỗi kinh ngạc!), ông còn nhấn mạnh rằng khi hiện thực xã hội đã tốt đẹp đến thế thì chỉ cần sao chép cũng có tác phẩm lớn. Rồi cứ thế, cứ thế, ông lần lượt quất, quất mỗi lúc một mạnh vào các luận điểm khác của Đề dẫn, có lúc giọng ông như hét lên, chắc là ông giận dữ lắm (xin nghe lại băng ghi âm và đọc bản ghi của thư ký đoàn hội nghị do nhà phê bình Ngô Thảo, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ Diệp Minh Tuyền thực hiện, lưu trữ ở cơ quan Hội Nhà văn, nếu người ta không vô tình hoặc cố ý làm mất những tư liệu ấy).

Đến giờ nghỉ trưa, cái không khí hồ hởi của hai ngày đầu đã hoàn toàn xẹp xuống thảm hại như một quả bóng xì hơi. Người bàng hoàng, kẻ ngơ ngác. Trên quãng đường đi tới tiệm phở đằng phố Bà Triệu dùng bữa phở trưa được dành cho các cán bộ lãnh đạo và đại biểu ở xa, tình cờ tôi đi gần mấy vị trong Đảng đoàn và Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương. Trong câu chuyện rì rầm trao đổi đã nghe tiết ra cái mùi uốn lưỡi trở cờ. Một vài người vừa mới hôm qua đây còn đầy hùng biện, đầy khí phách xiển dương những quan điểm mới của Đề dẫn, giờ đã đổi giọng. Đau đớn thay cho tôi, mấy người đó lại là mấy bậc đàn anh trước kia tôi kính yêu biết bao, tin phục biết bao, ngưỡng vọng biết bao, chỉ được đứng gần họ, nghe họ nói, được họ đưa tay cho bắt, tôi đã sung sướng lắm. Nhớ hồi còn ở chiến trường có anh em từ Hà Nội vào đọc cho nghe bài thơ của Xuân Sách tả chân dung một đồng nghiệp đàn anh: “Lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa”, tôi đã kêu lên phẫn nộ: “Sao ông Sách ông ấy ác khẩu thế. Không thể như thế được!” Nhưng đến buổi trưa cái ngày cuối cùng của hội nghị này thì tôi thừa nhận đó là lời tiên tri của nhà thơ Xuân Sách.



2


Ăn phở xong, mọi người đã đi cả, nhưng tôi với Nguyễn Chí Trung tự nhiên không hẹn mà cùng ngồi lại quán. Chị Hường, vợ nhà văn Đỗ Quang Tiến, một người chị rất đôn hậu chuyên lo cơm áo gạo tiền ở Hội Nhà văn, trước khi trả tiền cho chủ quán còn ân cần hỏi hai anh em chúng tôi:

- Hai anh ăn nữa, tôi mua thêm?

Rất cảm động vì sự quan tâm của chị, song hai chúng tôi không ai ăn được nữa, dù thường ngày thuộc loại ăn khoẻ.

Gương mặt Nguyễn Chí Trung đăm chiêu. Tuy vậy, anh vẫn mỉm cười:

- Thế đó thôi…

Tôi chưa hiểu anh định nói gì. “Thế đó thôi…” là câu đầu miệng quen thuộc của anh.

- Thế đó thôi. Ở đời, chẳng có việc gì dễ dàng cả. Huống chi, đây lại là…


Anh bỏ lửng giữa chừng, ghìm lại nửa sau câu nói trong đầu. Tôi thầm suy đoán, trong ý nghĩ mình, những điều ghìm lại trong ý nghĩ anh: huống chi, đây là cuộc chiến đấu cho cái mới. Cuộc mở cửa đột phá qua những hàng rào hoen rỉ, lầy nhầy, bùng nhùng, chằng chịt của thế sự và lòng người nhằm vào những boong-ke bảo thủ thâm căn cố đế. Mà éo le thay, trong những boong-ke ấy, lại có không ít những người đồng chí đáng kính trọng. Một cuộc chiến đấu như thế, sao có thể suôn sẻ ngọt ngào như ăn chè?

Tôi biết, đối với Nguyễn Chí Trung, những đòn quất vào Đề dẫn cũng là những đòn quất vào chính anh. Anh đang như người lính nằm giữa cửa đột phá gan góc trân mình dưới làn hoả lực từ lô cốt bắn ra dữ dội. Nhiều điều gan ruột tích tụ trong mình, anh đã đem chia sẻ với Nguyên Ngọc mong được đóng góp chút ít gì đó một cách lặng lẽ vào công việc chung qua ngòi bút của Nguyên Ngọc khi viết Đề dẫn. Những điều gan ruột ấy là kết quả sự trải nghiệm nhiều năm mà đỉnh điểm của quá trình đó là cú giật mình hãi hùng trước thực tế ở Cam-pu-chia.

Sau những tháng cùng đi chiến dịch giải phóng Cam-pu-chia trở về, ở Đà Nẵng, anh đã nhiều lần bảo với tôi, cái giọng như tự đay nghiến mình:

- Trước tất cả những gì đã diễn ra ở Cam-pu-chia thì mình giật mình đến hãi hùng. Chết cha rồi. Nguy to rồi. Không còn con người nữa, đến cả cái tín hiệu sơ đẳng nhất của con người cũng không còn. Chúng ta phải đặt lại vấn đề cá nhân…

Đề dẫn viết:

Những gì đã diễn ra ở Cam-pu-chia trong 3 năm dưới sự thống trị của bọn Pôn pốt – Iêng Xa ri, tay sai của bọn cầm quyền Bắc Kinh, đã làm bộc lộ khá rõ thực chất của chủ nghĩa Mao, cái lý tưởng xã hội kỳ quặc và khủng khiếp của nó. Cái xã hội mà chúng lập nên ở Cam-pu-chia là một hình ảnh điển hình khá toàn diện và đầy đủ của chủ nghĩa Mao. Cốt lõi của cái kiểu “xã hội” ấy là sự thủ tiêu chính xã hội, thủ tiêu con người với tư cách sơ đẳng nhất là con người, thủ tiêu triệt để mọi quan hệ xã hội của con người cho đến những quan hệ sơ đẳng nhất, phá vỡ tận gốc mọi quan hệ xã hội mà con người đã xây dựng được trong suốt lịch sử tiến lên hàng vạn năm của mình, đẩy lùi con người trở lại tình trạng bầy đàn tăm tối nhất”.

Tôi kể với Nguyễn Chí Trung rằng, phần nào giống như anh, trong tôi cũng diễn ra một cú giật mình. Và không chỉ giật mình. Mà rùng mình. Mà nhục nhã. Ấy là giờ phút tôi bước vào các cơ quan đầu não của triều đại Pôn pốt ở Phnom Pênh chiều ngày 7 tháng 1 năm 1979. (Tôi đi với tiểu đoàn 3, trung đoàn 1, sư đoàn 341). Cái đập vào mắt tôi giây phút ấy, thô bạo, tàn nhẫn như một cái tát, là lá cờ đỏ búa liềm. Phải, lá cờ búa liềm căng ở chỗ trang trọng nhất. Chính dưới lá cờ này, buổi tối ngày 6 tháng 5 năm 1967, tại căn phòng Bộ Biên tập Đài Tiếng Nói Việt Nam, chi bộ Ban Văn nghệ của Đài tiến hành lễ kết nạp tôi vào Đảng Lao Động Việt Nam nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính dưới lá cờ này, đêm ấy tôi đã thề suốt đời trung thành với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, chống lại đến cùng mọi ách áp bức, bóc lột, bất công, để xây dựng một xã hội ưu việt hơn hẳn tất cả các hình thái xã hội đã từng có trong lịch sử: xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Trong cuộc đấu tranh đó, là người đảng viên, người chiến sĩ tiền phong của Nhân Dân, “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, tôi nguyện luôn đi đầu, không nề gian khổ, hy sinh. 

Cho đến nay, kể từ khi giơ tay tuyên thệ dưới cờ, tôi đã luôn rèn luyện mình để đủ sức trung thành với lời thề. Tôi cũng đã thấy, trước tôi và quanh tôi, biết bao đồng chí đã dâng hiến đời mình cho cách mạng không chút so đo tính toán. Mà không chỉ các đảng viên. Đông đảo hơn nhiều, biết bao người dân thường, những bà mẹ, những cô gái, những ông già, những em bé, những con người không thể định nghĩa thế nào là Tổ quốc, là Cách mạng, không biết thế nào là chủ nghĩa Mác-Lênin, đã sống chiến đấu như những người cách mạng chuyên nghiệp, tận tuỵ phục vụ, âm thầm hy sinh, khí phách can trường đến ngay cả rất nhiều đảng viên cũng chưa dễ sánh kịp, sau ngày chiến thắng hầu hết đều ở ngoài biên chế, không ít người đi lên đi xuống mòn đường chết cỏ mới xin được tờ giấy chứng nhận, tấm bằng khen thưởng, mấy đồng trợ cấp, chưa kể không ít người còn chịu những ức hiếp kêu trời không thấu.

Vậy mà rồi, cũng chính dưới ngọn cờ búa liềm này, đã diễn ra những cuộc sát hại rùng rợn đại quy mô của các chế độ Stalin, Mao Trạch Đông nhằm vào những người cách mạng trung kiên nhất, những trí thức văn nghệ sĩ tài năng nhất, ngay thẳng nhất cùng biết bao người vô tội khác. Cũng chính dưới ngọn cờ này, đã diễn ra cuộc chiến tranh biên giới Trung-Xô, cuộc chiến tranh biên giới Trung-Việt. Biết bao con người chất phác lương thiện cùng tôn thờ một lý tưởng đã nhảy xổ vào bắn giết nhau dưới cùng một ngọn cờ này.

Và đây, ở Cam-pu-chia, ngay trước mắt chúng ta, tôi và anh, chúng ta đã thấy tận mắt cuộc diệt chủng diễn ra dưới ngọn cờ này do bàn tay Tổng Bí thư Pôn pốt mà cách đây không lâu Tổng Bí thư Lê Duẩn của chúng ta đã cùng ký bản tuyên bố chung xác lập mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai nước.

Chúng ta cắt nghĩa thế nào về sự đối chọi quái đản giữa danh và thực ấy? Điều gì, nguyên nhân bí ẩn nào đã biến cái liềm cắt cỏ gặt lúa thành cái liềm cắt cổ người, cái búa rèn lưỡi cày thành cái buá đập đầu người?

Tất cả những người cộng sản trên thế giới, nếu còn có lương tri, phải trả lời trước nhân loại câu hỏi này, phải vậy không? Và chúng ta, những người cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta có hoàn toàn vô can trước sự thực rùng rợn, nhục nhã này không? Chúng ta phê phán nguyền rủa chủ nghĩa Mao trên đất Trung Quốc và Cam-pu-chia, nhưng còn chủ nghĩa Mao trong Đảng Cộng sản Việt Nam và những hệ quả gớm guốc của nó trên đất Việt Nam, chả lẽ chúng ta lờ đi? Và chủ nghĩa Stalin nữa, nó có nhiễm vào Đảng ta không, nhiễm đến mức nào, và gây hoạ cho đất nước ta như thế nào?

Nguyễn Chí Trung nhìn sững tôi, rồi thong thả nói, như muốn uốn nắn tôi theo thói quen chính uỷ:

- Bậy nào, làm gì có chuyện lờ đi. Năm ngoái, trong nghị quyết chống Trung Quốc của Bộ Chính trị, Đảng ta đã nghiêm khắc phê phán tư tưởng nông dân. (Tôi hiểu, đó là anh nói về nghị quyết của Bộ Chính trị chúng tôi vừa học mùa hè năm ngoái, 1978, khi ấy chưa thể nêu đích danh Trung Quốc nên gọi là nghị quyết chống kẻ thù X).

- Việc phê phán tư tưởng nông dân trong nghị quyết nêu, tôi thấy còn chung chung và mờ nhạt, mà chủ yếu chỉ để phân ranh giới chính trị giữa ta và Trung Quốc, chứ chưa phải là một hành động nghiêm túc rà soát lại tư tưởng của bản thân mình.

- Tất nhiên, đây mới là bước đầu, và trước hết phải tuân thủ những yêu cầu chính trị hiện thời. Những gì chưa phù hợp với yêu cầu chính trị hiện thời, ta không lờ đi nhưng phải từ từ rồi sẽ động đến.

- Anh Trung à, cách đây không lâu, anh Lê Đình Yên có nói với tôi hai điều tôi cho là rất hệ trọng, khiến tôi nghĩ ngợi nhiều. Anh Yên bảo: Mình có mấy cái ý kiến này, nói ra thì đụng đến triều đình, mà không nói không được, mình nói riêng với cậu để chúng ta cùng suy nghĩ. Thứ nhất là lâu nay ta cứ có cái kiểu viết, nói quy mọi công lao giải phóng dân tộc cho Đảng ta, như thế không đúng đâu. Phải thấy sức mạnh giải phóng dân tộc là sức mạnh vốn có của dân tộc, sức mạnh nghìn đời, Đảng ta chỉ giỏi ở chỗ phát huy thôi. Quy hết công cho Đảng, tự nhiên thành ra hạ thấp vai trò của các tầng lớp Nhân Dân, làm nặng thêm cái căn bệnh kiêu ngạo cộng sản trầm trọng kinh niên trong Đảng ta. Thứ hai là vấn đề ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao vào Đảng ta, phải rà soát kỹ ảnh hưởng đó không những về mặt tư tưởng mà cả về mặt tổ chức, nhân sự nữa, không làm nghiêm túc chuyện này thì bản thân Đảng vẫn luôn luôn chứa chấp một nguy cơ, một nguy cơ lớn…

Anh Lê Đình Yên, Thiếu tướng Lê Đình Yên, Chủ nhiệm Thanh tra quân đội Quân khu 5, thủ trưởng cũ của chúng tôi. Anh tham gia cách mạng và vào Đảng Cộng sản từ trước cách mạng tháng 8 năm 1945. Suốt thời gian kháng chiến chống Pháp anh hoạt động ở chiến trường Khu 5, sau những năm tập kết ra Bắc trở về chiến trường cũ khá sớm, từ 1961. Tôi được gặp anh lần đầu tiên năm 1968 khi anh từ Phân khu Nam (gồm Phú Yên, Khánh Hoà) chuyển ra làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5. Dáng người cao cao, gầy nhẳng, cặp mắt rất hiền đầy nghĩ ngợi sau cặp kính cận, giọng nói trầm trầm từ tốn, nếu để mái tóc dài và đừng mặc quân phục thì anh thật giống một đạo sĩ, còn lúc ấy anh là hình ảnh trọn vẹn một chính uỷ mẫu mực không những chỉ về ý chí sắt đá và phẩm hạnh mà cả về trí tuệ, một yếu tố không dễ gặp ở các chính uỷ. 

Tôi ở bên Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu uỷ nên ít có dịp gặp anh, nhưng buổi gặp đầu tiên ấy khiến tôi nhớ mãi. Sau khi anh Nguyên Ngọc và anh Nguyễn Chí Trung giới thiệu tôi với anh, anh hỏi thăm tôi về sáng tác, về những vấn đề tôi quan tâm nhất, những điều tôi đang suy nghĩ. Rồi bằng một giọng như chia sẻ, chứ không phải nhắc nhở, huấn thị – cái cố tật của không ít cán bộ có chức vị trong Đảng, lúc nào cũng thích huấn thị người khác – anh bày tỏ với tôi những gì mà anh cho rằng không thể thiếu được ở một nhà văn. Mãi sau năm 1975 tôi có điều kiện gần anh nhiều hơn và làm việc trong cơ quan do anh phụ trách. Khu uỷ giải thể, chỉ còn Quân khu. 

Một số anh em văn nghệ chúng tôi, cả trong quân đội lẫn bên ngoài vì gắn bó với mảnh đất Khu 5, muốn tiếp tục viết về những năm tháng đáng ghi lại nhất của chiến trường này nên không muốn chuyển ra các cơ quan trung ương, cũng không muốn về các tỉnh đang bề bộn những công việc cấp thời rất trở ngại cho sáng tác. Do sáng kiến của anh Nguyễn Chí Trung, Trại sáng tác văn học Quân khu 5 được thành lập, gồm hơn một chục anh em viết văn ở Quân khu và Khu uỷ cũ, là một đơn vị khá đặc biệt do anh Nguyễn Chí Trung phụ trách, trực thuộc một cơ quan lớn là Ban Tổng kết chiến tranh mà anh Lê Đình Yên làm thủ trưởng. Ban Tổng kết chiến tranh tập hợp khoảng sáu chục sĩ quan từ đại uý đến đại tá vừa có trình độ lý luận lại là những người từng xông pha trận mạc lâu dài nhất, điêu đứng nhất, am hiểu những giai đoạn tiêu biểu nhất, từ đủ các mặt trận tập hợp về. 

Cách tổ chức này tạo điều kiện cho anh em viết văn chúng tôi tiếp cận được một phần những hồ sơ chiến tranh trước kia thuộc loại cơ mật, tìm hiểu lại có hệ thống cuộc chiến tranh mình vừa trải qua ở tầm rộng lớn hơn, từ chủ truơng vĩ mô đến diễn biến thực tế trên chiến trường. Câu chuyện hàng ngày, ngoài công việc, vớí các cán bộ quân sự chính trị chiến tích đầy mình, kinh nghiệm phong phú cùng vô số những hy sinh mất mát riêng tư đã làm giàu có gấp bội vốn sống trực tiếp của chúng tôi. Là cán bộ chính trị, lại là thủ trưởng cơ quan, nhưng anh Lê Đình Yên rất hay gần gũi trò chuyện với anh em nhà văn chúng tôi, vừa chia sẻ, vừa lắng nghe và tiếp nhận. Bản thân tôi cũng được tiếp nhận từ anh những điều quý giá. Anh thạo tiếng Pháp, biết chữ Hán, rất chịu đọc chịu nghĩ, mỗi suy nghĩ đều là kết tinh của học vấn lẫn những trải nghiệm đầy phong trần của con người trọn đời chiến đấu, lại được đảm bảo bởi một nhân cách trong sáng. Anh hiện ra với tôi như một người thầy. Thỉnh thoảng, ngoài giờ làm việc, anh lại ghé vào với tôi ở cái chung cư văn nghệ 1 B Ba Đình (Đà Nẵng), hoặc tôi đến nhà anh phía gần bãi biển Thanh Bình. Có lần, anh hỏi tôi:

- Cậu có quen vơi cụ Đặng Thai Mai không?

- Dạ không. Có việc gì không anh?

- Mình có một điều này muốn tìm người để hỏi, có lẽ phải hỏi những người như cụ Đặng Thai Mai. Mình cứ nghĩ mãi về cái chữ Cồ trong Quốc hiệu Đại Cồ Việt xưa kia của nước ta. Cồ là tầm nhìn xa của chim ưng, Cồ cũng còn có nghĩa là sự nhìn chú mục vào một điểm nào đó, là nỗi sợ hãi. Có phải cha ông ta muốn dồn chứa trong chữ Cồ này toàn bộ cái số phận, cái đặc trưng của dân tộc ta, phải luôn để mắt ra xa chung quanh, phải luôn cảnh giác mối hoạ từ bên ngoài, đồng thời cái nỗi lo lớn nhất, dai dẳng nhất, thường trực nhất là nỗi lo hoạ xâm lăng. Và đặc điểm này chứa đựng toàn bộ chỗ mạnh chỗ yếu của dân tộc ta?

Tôi không biết chữ Hán nên chả biết nói gì với anh, chỉ biết nghe. Nhưng những điều anh Yên nói về chữ Cồ khiến tôi ngạc nhiên; cái tên Đại Cồ Việt có lẽ người Việt Nam không mấy ai không biết, nhưng nghĩ ngợi về nó như anh Yên thì tôi mới gặp anh là một.

Tôi hỏi anh Nguyễn Chí Trung:

- Chắc anh Lê Đình Yên cũng thường trao đổi ý kiến với anh về vấn đề Đảng và dân tộc, Đảng và chủ nghĩa Mao?

- Có, có. Ông Yên có trao đổi với mình khá nhiều về chuyện ấy. Nhưng mình thấy cần chú trọng một điều này: Trong khi xem xét ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao vào ta, thì cũng đồng thời phải xem xét sức cưỡng lại của Đảng ta, của dân tộc ta đối với nó. Điều này quan trọng lắm. Nếu không thì lệch. Mình thấy bây giờ Đảng ta nêu lý luận làm chủ tập thể là rất đúng, có điều phải làm rõ trở lại vai trò của cá nhân, của động lực cá nhân và mối quan hệ mới giữa cá nhân với tập thể, với cộng đồng. Đặt vấn đề như Đề dẫn là trúng, trúng lắm.

- Vâng, tôi cũng thấy đây là cái mới của Đề dẫn, đương nhiên là mới trong hoàn cảnh của ta. Nhưng sau buổi phát biểu của ông Tố Hữu sáng nay thì liệu rồi sẽ ra sao đây? Hồi nãy khi vừa tan họp xong tôi đã nghe có vị trong Đảng đoàn hôm qua rất hăng hái xiển dương Đề dẫn lại nói thế này: Giữa lúc Đảng đang nói làm chủ tập thể mà Đề dẫn lại nhấn mạnh cá nhân thì Nguyên Ngọc có ý đồ gì? Theo anh, chiều nay anh Ngọc sẽ phải kết luận hội nghị như thế nào?

- Theo mình, đây chính là thử thách đối với Nguyên Ngọc. Nhưng mình tin ở bản lĩnh của Ngọc. Cứ sự thật mà nói thôi. Có điều phải nói cho khéo, thái độ thật mềm mỏng.

Buổi chiều, nhà văn Nguyên Ngọc thay mặt Đảng đoàn phát biểu kết luận hội nghị. Anh nói, một cách giản dị, ngắn gọn: Hội nghị đã nhất trí với Đề dẫn và đóng góp những ý kiến làm phong phú thêm, đồng thời hội nghị thấy cần nghiêm túc nghiên cứu ý kiến đồng chí Tố Hữu.

Kết luận của Nguyên Ngọc: “Hội nghị nhất trí với Đề dẫn” đã khiến nhiều người kinh ngạc, vì, sao lại còn dám nói như thế sau khi ông Tố Hữu đã phê phán dữ dằn như thế. Nhưng làm sao Nguyên Ngọc có thể nói khác được, bởi đó là sự thật.

Tan họp, không khí buồn buồn, lo lo. Một thứ ám khí nào đấy lởn vởn quanh quất, đầy đe doạ.

Một số những diễn biến về sau tôi không trực tiếp chứng kiến, chỉ nghe kể, cũng xin ghi lại.

Nhà văn Nguyên Ngọc kể với tôi rằng, sau hội nghị ít ngày, một buổi tối, Nguyên Ngọc, Giang Nam, Nguyễn Khải, đang ngồi tại nhà số 4 Lý Nam Đế (trụ sở tạp chí Văn nghệ Quân đội) thì nhà thơ Chế Lan Viên tới, anh nói với cả ba người: “Để mình dẫn Nguyên Ngọc lên gặp anh Tố Hữu, Ngọc nhận lỗi là mọi việc ổn cả thôi”. Giang Nam, Nguyễn Khải không nói gì. Nguyên Ngọc đáp: “Tôi thấy không có gì phải nhận lỗi, mà nếu cần gặp anh Tố Hữu thì tự tôi sẽ đi, không cần ông phải dẫn”. Từ đó chỉ có một lần Nguyên Ngọc đến gặp đồng chí Tố Hữu để đề nghị ông can thiệp cho nhà văn Phan Tứ lúc ấy đang lâm bệnh nguy kịch được giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng trực tiếp khám chữa. Cuộc gặp chỉ diễn ra trong mươi phút và chỉ nói về việc đó. Về sau, trong quá trình tiến tới Đại hội lần thứ tư Hội Nhà văn, có một bức thư gửi Ban Chấp hành Hội mang tên người viết là Chế Lan Viên (chưa ai xác minh rõ là Chế Lan Viên nào) được đánh máy truyền tay trong đó nói rằng “Nguyên Ngọc khóc nhận khuyết điểm với anh Tố Hữu” là một sự bịa đặt xấu xa – vẫn theo lời anh Nguyên Ngọc.

Trại sáng tác văn học Quân khu 5 hợp nhất với tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi chuyển về đây làm biên tập văn xuôi, với Thanh Quế cùng ở Khu 5 ra và Triệu Bôn ở B2 (Nam bộ) đã ra trước từ ngay sau 1975. Bọn tôi tự nhiên dễ gần nhau, thông cảm nhau, vì cùng đã từng lăn lóc quăng quật ở chiến trường, cùng sống độc thân ở cơ quan, lại cùng thích uống rượu, nào có gì lắm, chỉ vài chén rượu gạo mỗi buổi chiều, uống suông, khá ra thì thêm mấy nhân lạc, thế thôi.

Vào thời gian Ban Bí thư Trung ương Đảng chuẩn bị nghị quyết về công tác tư tuởng, có mời một số văn nghệ sĩ họp để nghe ý kiến. Cuộc gặp này do đồng chí Lê Đức Thọ, uỷ viên Bộ Chính trị chủ trì. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, quyền Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội đi họp về, vẻ mặt rầu rĩ, kể với tôi: Trong cuộc họp, nhiều người, trong đó có cả các uỷ viên Đảng đoàn Hội Nhà văn mà hăng hái dữ dằn nhất là ông Chế Lan Viên đã lớn tiếng phê phán Nguyên Ngọc hết sức gay gắt vì bản Đề dẫn, kết cho Nguyên Ngọc các tội rất nặng như chống nghị quyết của Đảng, quan điểm tư sản, v.v.

Các diễn biến tiếp ở Hội Nhà văn, hàng ngày anh Nguyên Ngọc thường về kể với tôi và anh Oánh. Anh Ngọc cho biết ở bên ấy đã dấy lên một không khí cực kỳ tệ hại y như các cuộc đấu tố hồi cải cách ruộng đất mà anh là đối tượng bị đấu. Phần lớn ý kiến đều có tính truy bức, quy anh là quan điểm tư sản, là chống lại các nghị quyết của Đảng. Nguyên Ngọc chỉ có một vài người ủng hộ, ra sức chống đỡ, phản bác các luận điệu quy kết chụp mũ, nhưng rồi cũng đã phải thừa nhận là có lúc bối rối về tư tưởng. Một buổi trưa, anh Ngọc về nói với tôi và anh Oánh: “Tôi thấy ngao ngán tởm lợm quá các ông ạ, họ đòi tôi phải từ chức, có lẽ tôi rút lui thôi”. 

Tôi và anh Oánh đều cương quyết phản đối bằng những lời lẽ mà các chính uỷ thường dùng ở chiến trường trong những tình huống gay cấn: “Không được! Không được! Ông từ chức là giảm sút ý chí chiến đấu, là thoái thác nhiệm vụ”. Vốn là người lăn lộn lâu năm ở chiến trường, nghe chúng tôi nói, Nguyên Ngọc tĩnh trí lại ngay. Anh bảo: “Sáng nay tôi có nói mơm mớm có thể sẽ tính đến chuyện từ chức, mấy người có vẻ mừng rỡ lắm”. Tôi và anh Oánh cũng góp ý: “Đảng đoàn và Bí thư Đảng đoàn là do Ban Bí thư chỉ định. Ông hãy nói với những người đòi ông từ chức rằng ông không thể rời bỏ nhiệm vụ khi Ban Bí thư chưa có ý kiến gì, chừng nào Ban Bí thư ra quyết định bảo nghỉ thì nghỉ”.

Tôi thầm nghĩ, vu cho nhau là quan điểm tư sản, là chống tất cả các nghị quyết của Đảng, thì cũng bằng muốn giết nhau rồi còn gì. Nhưng điều đáng kinh tởm là ở chỗ những người kia thừa biết Nguyên Ngọc không thể là người như thế, mà họ vẫn cứ lu loa lên như thế để rốt cuộc đòi Nguyên Ngọc từ chức. Đằng sau những lời lẽ hoa mỹ đao to búa lớn rần rần bảo vệ quan điểm của Đảng, đã thấy cuồn cuộn bốc ra mùi xôi thịt.

Anh Oánh bàn với tôi, bây giờ cần làm ngay một việc gì để góp phần làm sáng tỏ sự thật, cho tình hình đừng phát triển xấu thêm nữa. Theo anh thì phải viết thư khẩn lên ông Lê Đức Thọ để ông biết điều gì đang xảy ra ở Hội Nhà văn, và với cương vị và trách nhiệm hiện thời, ông ắt có biện pháp thích hợp. Ông Lê Đức Thọ là uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lại phụ trách cả khối văn hoá tư tưởng, nên viết thư gửi ông là trúng chỗ nhất. Tôi bảo anh Oánh, anh có kinh nghiệm, anh thảo lá thư rồi tôi với anh cùng ký. Anh Oánh tròn mắt nhìn tôi như thể tôi ở cung trăng vừa rơi xuống, phì cười:

- Ông ngu bỏ mẹ, ông không biết là Đảng mình kỵ nhất cái chuyện ký kiến nghị đơn thư tập thể à?

- Ơ, hồi học phổ thông tôi vẫn ký kiến nghị tập thể chống bom nguyên tử, hồi trước khi đi B tôi cũng ký đơn tập thể đòi vào miền Nam chiến đấu, những việc ấy vẫn làm bình thường theo chủ trương của Đảng, sao lại kỵ?

- Ừ, những việc ấy thì được làm bình thường, nhưng việc này thì lại kỵ. Ông cứ ở trong Đảng lâu thêm rồi sẽ hiểu. Bây giờ mình bàn thống nhất nội dung rồi mỗi người viết riêng, với giọng văn riêng, viết tay chứ tuyệt đối không đánh máy, tuyệt đối không để lộ cho ai biết, rồi tự tay mang đến tận nhà ông Lê Đức Thọ mà đưa.


Bàn xong chúng tôi làm liền. Trước khi gửi đi, chúng tôi chạy qua nhà Nguyên Ngọc bên khu tập thể quân đội số 8 cùng phố để anh xem cho biết trước nội dung. Xem xong cả hai thư của tôi và anh Oánh, Nguyên Ngọc bảo: “Các ông thấy cần làm gì theo lương tâm thì cứ làm, mình không thúc giục mà cũng không ngăn cản”. Tôi hiểu, Nguyên Ngọc nói thế để khẳng định anh không xúi giục chúng tôi làm chuyện rất dễ bị vu là bè phái, một tội tày đình đối với mỗi đảng viên cộng sản. Ra khỏi nhà Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh rỉ tai cho tôi biết số nhà riêng của ông Lê Đức Thọ ở phố Nguyễn Cảnh Chân. Nếu tôi nhớ không lầm thì hình như nhà số 6. Tôi bỏ thư vào túi đạp xe tới đó ngay. Dựng xe trước cổng, tôi vừa ấn nhẹ nút chuông thì lập tức cánh cổng hé mở, một người lính mang súng ngắn từ bót gác gỗ dựng sau tường rào bước ra đứng nhìn tôi với cái nhìn lạnh rợn người. Tôi nói ngay:

- Tôi cần gửi một bức thư khẩn tới đồng chí Lê Đức Thọ.

- Anh cứ đưa tôi chuyển.

- Xin đồng chí chuyển ngay giúp cho.

- Được, tôi chuyển ngay.

- Cám ơn.


Tôi thong thả đạp xe dọc con phố hai đầu có rào chắn không cho xe có động cơ chạy qua, hai bên toàn là các cơ quan chóp bu và biệt thự riêng của các nhân vật chóp bu của Đảng, lòng khấp khởi hy vọng. Nếu như thư đến được tay ông Lê Đức Thọ, hẳn ông sẽ cho kiểm tra ngay và khi biết rõ sự thật ắt sẽ ra lệnh ngăn chặn tình trạng lợi dụng chiêu bài đấu tranh bảo vệ quan điểm của Đảng để giành giật chức quyền đang diễn ra ác liệt ở Hội Nhà văn. Hồi đó tôi còn rất đỗi tin tưởng ông Lê Đức Thọ là một người công tâm. Tôi không bao giờ quên được cái ấn tượng đầy xúc động khi nhìn thấy ông lần đầu tiên trong hội nghị tổng kết chiến dịch mùa mưa ở biên giới Tây Nam của Quân đoàn 4 họp tại căn cứ Sóng Thần. 

Ông mặc bộ đồ đại cán màu xám giản dị, đứng ở vị trí quan trọng nhất trên Chủ tịch đoàn, giở chiếc mũ cối ra khỏi mái đầu bạc phơ đầy phúc hậu, đưa tay từ tốn đáp lại những tràng vỗ tay nồng nhiệt của các đại biểu, gồm toàn những sĩ quan tướng tá uý xuất sắc nhất của quân đoàn. Phát biểu với hội nghị ông đã không cầm được nước mắt khi nhắc tới biết bao cán bộ và chiến sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, những đồng chí còn sống trở về sau ngày hoà bình tưởng đã được nghỉ ngơi chăm lo gia đình hầu như đã kiệt quệ, ai ngờ lại phải tiếp tục cầm súng âm thầm lao vào một cuộc chiến tranh mới (lúc ấy còn bí mật) gây ra bởi một kẻ đã từng là bạn bè đồng chí chí cốt. Những giọt nước mắt của ông rung động lòng tôi, khiến tôi cảm thấy một nhân vật quyền thế vào hàng số hai số ba trong Đảng sao mà gần gũi, sao mà đáng tin cậy.

Tôi về nhà một lát thì anh Oánh cũng đạp xe vào cổng. Tôi ra dấu bằng mắt và một cái hất hàm nhẹ hỏi anh đã gửi thư cho ông Thọ chưa. Anh kín đáo gật đầu, miệng cũng kín đáo tủm tỉm cười.

Hai chúng tôi lên phòng tôi trên gác. Buổi trưa vắng vẻ yên tĩnh, mọi người đang ngủ trưa. Phòng tôi nằm giữa phòng anh Thanh Tịnh đã nghỉ hưu và phòng anh Xuân Sách đã chuyển ngành ra làm phó giám đốc nhà xuất bản Hà Nội, ban ngày ít khi ở nhà. Anh Oánh cẩn thận lùa cả hai đôi dép vào trong phòng rồi đóng chặt cửa, vặn chốt. Anh bảo tôi kể lại đã gửi thư như thế nào, nghe xong, anh xác nhận, bằng giọng thì thầm:

- Như thế là đưa đúng nhà ông Thọ đấy.


Im lặng một lát, tôi hỏi anh:

- Anh nghĩ thế nào về ông Lê Đức Thọ?

Anh Oánh ngẫm nghĩ hồi lâu rồi sẽ sàng:

- Kể cũng khó nói, vì mình chưa bao giờ có dịp được gần gũi hoặc trực tiếp làm việc với ông ấy, chỉ thấy ông ở một số cuộc hội nghị. Nhưng mình nghĩ qua việc bổ nhiệm Nguyên Ngọc làm Bí thư Đảng đoàn, thì ông ấy hẳn phải giữ một vai trò quan trọng, rất quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định, đối với lãnh vực của tụi mình.

Tôi lại hỏi:

- Như vậy là mình đã gửi thư đến đúng địa chỉ đáng tin cậy chứ?

Anh Oánh lặng lẽ gật đầu.


3

Chúng tôi đang khấp khởi hy vọng thì một hôm, khoảng non một tuần sau, Bí thư chi bộ Xuân Thiều và Đại tá Cục phó Cục Văn hoá Quân đội Chính Hữu vừa gặp tôi ở sân nhà số 4 Lý Nam Đế (trụ sở tạp chí Văn nghệ Quân đội) đã chặn đầu choảng ngay:

- Này ông Quốc, các ông định biểu tình hả?

Bị bất ngờ, tôi hơi hoảng, không biết chuyện gì mà ghê gớm vậy.

- Sao, tôi chưa hiểu các anh định nói việc gì?

- Ai cho phép các ông gửi thư lên Bộ Chính trị?


Việc riêng bí mật của mình đã bị lộ – tôi thoáng nghĩ nhanh và gắng giữ bình tĩnh, đánh ngay ván bài ngửa:

- Gửi thư lên Bộ Chính trị là việc bình thường, có gì mà các anh hạch tôi ghê thế?

- Không, theo nguyên tắc, mỗi người cần đề đạt điều gì thì phải gửi cho cấp trên trực tiếp của mình, rồi mỗi cấp xem xét và chuyển dần lên trên tuỳ theo tầm quan trọng của vấn đề. Trừ trường hợp anh khiếu nại về cấp trên trực tiếp của mình thì mới được gửi vượt lên một cấp.

- Thì tôi làm đúng việc ấy đấy, chỉ có điều là tôi nói về việc bên Hội Nhà văn.

- Người ở cơ quan này không được phép can thiệp vào công việc của cơ quan khác.

- Ô hay, tôi là hội viên Hội Nhà văn mà không được quyền có ý kiến về công việc của lãnh đạo Hội à?


Tôi thuật lại cho anh Oánh nghe cuộc chạm trán giữa tôi với hai ông Xuân Thiều, Chính Hữu. Anh Oánh chu miệng thở dài, lắc đầu:

- Thôi bỏ mẹ, thế là thư tụi mình gửi cho ông Lê Đức Thọ bị ném vòng trở xuống rồi. Hèn nào mấy hôm trước thấy lão Nguyễn Thanh cứ thì thọt xuống gặp Xuân Thiều có vẻ bí mật lắm, thì ra là chuyện này.

Ông Nguyễn Thanh, đâu như trước kia từ bên công an chuyển sang, hiện là Vụ trưởng một vụ quan trọng ở Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương, nghe nói là cánh tay phải của ông Hà Xuân Trường, Trưởng ban.


Có một việc gieo lại chút hy vọng mơ hồ. Nguyên Ngọc được ông Lê Đức Thọ mời lên gặp riêng. Sau cuộc gặp, Nguyên Ngọc có vẻ yên tâm hơn. Anh thuật lại, chắc chắn là khó đầy đủ, nội dung cuộc gặp ấy cho tôi và anh Oánh nghe. Đại khái là có những lời động viên, đánh giá cao về cá nhân Nguyên Ngọc, một số lời nhắc nhở về tình hình chính trị phức tạp, về âm mưu thủ đoạn địch, về yêu cầu đoàn kết nội bộ, một vài lời “uốn nắn” tế nhị…

Chúng tôi đều hy vọng – một cách mong manh – nghị quyết sắp ra của Ban Bí thư về tư tưởng văn hoá sẽ có những kết luận rành mạch.

Hoá ra là hy vọng hão.


Nghị quyết chỉ đề cập đến những vấn đề cấp bách (không biết đã bao nhiêu lần cấp bách thế rồi), trong công tác tư tưởng, văn hoá! Đoạn nói đến văn nghệ chỉ rất ngắn và chung chung, nghĩa là những người có quan điểm khác biệt nhau anh nào cũng có thể bẻ một nửa nghị quyết để tự vệ và phản bác lại đối phương.


Các cơ sở Đảng trong các cơ quan văn hóa văn nghệ ở trung ương triển khai học tập nghị quyết, mà hai điểm nóng bỏng là Hội Nhà văn và tạp chí Văn nghệ Quân đội. Lại một dịp để đấu nhau về quan điểm, và hẳn không chỉ về quan điểm, mà đối tượng tập trung bị đấu ai cũng thấy trước là bản Đề dẫn. Thái độ đối với Đề dẫn là thước đo lập trường quan điểm của mỗi người, ai cũng hiểu ngầm thế. Trước khi học nghị quyết, tất cả các nhà văn ở tạp chí Văn nghệ Quân đội và phòng Văn nghệ Quân đội được Tổng cục Chính trị mời vào phòng họp của Tổng cục trong thành Thăng Long (khu vực trú đóng các cơ quan tối cao của quân đội) để nghe ông Nguyễn Thanh bên Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương sang nói chuyện. Sự có mặt của cả ba vị tướng ủy viên trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Nam Khánh (kiêm Bí thư đảng uỷ Tổng cục), Trần Văn Phác, Đặng Vũ Hiệp khiến tôi hiểu ngay cuộc họp này thật quan trọng. 

Toàn bộ cuộc nói của ông Nguyễn Thanh đều tập trung vào việc phê phán những lệch lạc nghiêm trọng của Nguyên Ngọc mà chứng cớ trọng tội là Đề dẫn. Ấy thế mà sau khi ông Nguyễn Thanh nói xong, có một nhà văn nào đấy hỏi ông nội dung chủ yếu của Đề dẫn là gì, thì, thật đáng kinh ngạc và đáng “khâm phục”, ông chỉ thoáng chút ngượng nghịu rồi trả lời một cách xanh dờn rằng: “Tôi đọc hơi lâu rồi nên cũng quên cả”. Sở dĩ có người hỏi ông vậy là bởi phần lớn những người đến ngồi nghe ông phê phán Đề dẫn đều chưa được đọc Đề dẫn. Đây là một cái nếp tệ hại đã trở thành một “truyền thống” đáng xấu hổ mà hầu như chẳng mấy ai thấy xấu hổ: người ta cứ hùng hổ phê phán hoặc nghe phê phán rồi lặp lại như con vẹt cái mà người ta không đọc hoặc đọc một cách hời hợt. Câu trả lời của ông Nguyễn Thanh khiến mấy vị tướng chủ nhà cũng không giấu được vẻ mắc cỡ, còn cánh nhà văn nhìn nhau với ánh mắt như ngầm nói: Kinh chưa, các quan trên đùa nhả đến thế là cùng!

Hôm sau, ở cơ quan chúng tôi phải sinh hoạt tổ đảng để mỗi người tự bộc lộ quan điểm của mình đối với Đề dẫn. Tôi nhớ nhà thơ Vương Trọng đã phải bực bội thốt lên rằng, thật không thể nào hiểu được, đường đường một đồng chí Vụ trưởng chuyên theo dõi văn hoá văn nghệ đứng ra phê phán người ta đủ điều vì cái Đề dẫn, mà rồi rốt cuộc thú nhận chẳng nhớ Đề dẫn nói những gì. Sao lại tuỳ tiện đến thế, coi khinh anh em đến thế? Cuộc sinh hoạt phải tạm hoãn vì mọi người yêu cầu phải đánh máy Đề dẫn ra làm nhiều bản phát cho anh em nghiên cứu trước đã. Nhưng cấp trên chỉ cho đánh máy đủ mỗi tổ một bản, ngồi họp lại một người đọc cho cả tổ cùng nghe, sau đó các bản Đề dẫn này lại bị thu lại ngay. Họp tổ rồi họp toàn thể cán bộ sáng tác, biên tập, cả trong lẫn ngoài Đảng. Ở tạp chí Văn nghệ Quân đội hầu hết là đảng viên.

Ở đâu và lúc nào thì các cuộc đấu tranh về quan điểm, ngoài nhu cầu chính đáng tìm kiếm chân lý đều thường dễ chen vào sự tranh đoạt chức quyền. Ở tạp chí Văn nghệ Quân đội vào thời điểm này tình trạng ấy càng thêm gay gắt. Từ sau khi nhà thơ Vũ Cao Tổng Biên tập tạp chí chuyển ngành ra ngoài làm Giám đốc Nhà Xuất bản Hà Nội thì Văn nghệ Quân đội chưa có Tổng Biên tập. Có mấy cán bộ sàn sàn nhau, Tổng cục Chính trị chắc là e ngại xảy ra phân bì giành giật nên chưa quyết định chọn hẳn ai, chỉ mới tạm giao Nguyễn Trọng Oánh làm quyền Tổng Biên tập, ba Phó Tổng Biên tập là Hồ Phuơng, Xuân Thiều, Nguyễn Chí Trung.

Nguyễn Trọng Oánh là dân Văn nghệ Quân đội cũ đi chiến trường miền Nam hồi năm 1966 mãi sau 30 tháng 4 năm 1975 mới trở về. Cho đến thời điểm tôi đang kể, anh vẫn chưa đoàn tụ được gia đình vì chưa có chỗ ở riêng. Vợ anh dạy học trong Hà Đông, bao nhiêu năm xin chuyển về Hà Nội vẫn chưa được. Con trai may xin được đi học nghể ở Tiệp Khắc, anh cùng hai con gái ở tạm một căn phòng trên gác nhà số 4 này. Giáng Vân, con gái đầu, vừa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn (ôi, cháu cũng lại theo cái nghiệp văn chương khốn khổ), còn Tâm em Vân đang có việc làm tạm tại một cơ sở của quân đội. Có hy vọng người ta sẽ cấp cho một căn hộ mãi trong Kim Giang vùng ngoại ô trồng rau muống ven con sông Kim Giang nước thối quanh năm. Nhưng đi lên đi xuống mòn đường chết cỏ vẫn chưa thấy đâu cái quyết định cấp nhà.

- Hình như ông Xuân Thiều sắp được cấp nhà ngay trên đường Lý Nam Đế này, sao anh không xin một căn hộ ở đấy cho gần? – Tôi hỏi anh Oánh.

Anh nhìn tôi mỉm cười thiểu não:

- Ông tưởng dễ lắm đấy? Cái thớ mình làm sao mà chen nổi được vào những chỗ ngon lành thế.


Cái tính anh thế, không hề bon chen, chỉ biết tận tuỵ phục vụ, nhận phần khó, phần thiệt về mình. Tôi đã được anh kể cho nghe ít sự tích chuyện đi B – đi chiến trường miền Nam – ở cái tạp chí Văn nghệ Quân đội này. Những người đi sớm nhất là Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn), Nguyên Ngọc, đi từ năm 1962. Rồi đến ông Văn Phác Chủ nhiệm tạp chí vào làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân giải phóng miền Nam. Năm 1966, ông Văn Phác điện ra xin một số cây bút cứng của Văn nghệ Quân đội vào tăng cường cho lực lượng trong đó. Không thấy có tên Nguyễn Trọng Oánh trong danh sách, chắc vì chưa được coi là cây bút cứng. Còn các cây bút cứng thì, người kêu bệnh này tật nọ, kẻ la lối: “Tôi là hình nhân thế mạng à?”. Rốt lại chỉ có hai người xung phong đi là Nguyễn Trọng Oánh và Trúc Hà (Nam Hà), hai cây bút khi ấy chưa được nổi tiếng bằng các cây khác. Sau những năm dài ở chiến trường trở về, xen giữa những lời chúc mừng thật lòng, cũng đã có người, vẻ đùa cợt thân thiện mà đầy hàm ý, bảo với Nguyên Ngọc và Nguyễn Trọng Oánh: “Hai ông là hai cây trọng pháo ở cái nhà số 4 này”. Mới nghe thì đó là lời khen tặng, nhưng ngẫm kỹ thì cũng chả hoàn toàn là thế. Nguyễn Trọng Oánh cặm cụi viết, vốn sống tích lũy từ chiến trường đang bề bộn, tiểu thuyết “Đất trắng” ra tập 1 được dư luận chú ý ngay. Tôi thấy anh thích được ngồi viết hơn là làm Tổng Biên tập. 

Thỉnh thoảng lại nghe anh kêu mệt, mệt vì sức khoẻ phần nào, nhưng chủ yếu mệt vì cái bầu khí đầy rẫy sự dòm ngó soi mói sẵn sàng hạ nhau vì một sơ hở nào đấy trong nội dung tờ tạp chí. Mà sơ hở thì thiếu gì, khi mỗi câu, mỗi chữ đều được đặt dưới cặp kính của người lính gác cổng về tư tưởng. Dưới cặp kính ấy thì ngay đến cái phẩm chất người nghệ sĩ – chiến sĩ cũng có lúc bị nghi vấn, hạch sách. Chẳng hạn tôi nhớ có lần anh Oánh cho đăng một bài của tôi viết về kỷ niệm mấy anh em văn nghệ Khu 5 đi chiến dịch có đoạn kể Nguyên Ngọc, Thu Bồn và tôi đã đọc thơ và đọc cả tuỳ bút nữa, ở cửa hầm nhà bà Bốn Thí (thôn Tây, xã Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam) trước một công chúng đặc biệt, đó là đội quân tóc dài – đội quân đấu tranh chính trị sắp sửa xuống đường đêm giáp tết Mậu Thân trong khi hoả lực pháo, cối từ căn cứ Bồ Bồ ngay cạnh bắn ra tới tấp. Tôi kết luận bài báo: Từ ánh mắt những người nghe đêm ấy, chúng tôi nhận được một nguồn sức mạnh phi thường để rồi không bao giờ còn biết lùi bước trước bất kỳ một trở lực nào. 

Bài báo đăng vào thời điểm Nguyên Ngọc đang bị nện mạnh vì Đề dẫn. Thế là trong cuộc họp biên tập, ông Phó Tổng Biên tập Xuân Thiều liền đưa ra chất vấn: Tác giả muốn ám chỉ trở lực nào trong xã hội tốt đẹp của ta hiện nay? Lại có hàm ý như thách thức, thách thức ai? Viết như thế, đăng như thế có lợi gì? Ông ta phê người viết đã đành, nhưng cái chính là phê người cho đăng, tức là anh Oánh. Tuy nhiên chúng tôi, Thanh Quế, Triệu Bôn, tôi và anh Nguyễn Chí Trung vẫn động viên anh Oánh kiên trì làm nhiệm vụ của mình, không được nản. Bởi chúng tôi thấy anh là người chân thực, trong sạch, khẳng khái, dám bảo vệ những gì mình cho là đúng, trong khi mấy người đang nhấp nhỏm nhảy vào cương vị của anh thì hoàn toàn xa lạ với những đức tính ấy.

Trong ba Phó Tổng Biên tập thì Phó Tổng Biên tập Hồ Phương là nhà văn nổi tiếng từ kháng chiến chống Pháp với truyện ngắn “Thư nhà”. Nhưng sau truyện ngắn ấy chưa thấy có tác phẩm nào đáng chú ý ngoại trừ truyện ngắn “Cỏ non” được dư luận coi là tương đối khá. Trong tập thơ “Chân dung nhà văn” của Xuân Sách có chân dung số 1 là vẽ ông:

Cỏ non nay chắc đã già

Buồn tênh lại giở thư nhà ra xem”.


Thời kháng chiến chống Mỹ, ông có đi B theo dạng gọi là “B ngắn”, vào chiến khu Trị Thiên ít tháng trở về viết mấy cuốn người thật việc thật in sách, đăng báo, phát sóng rôm rả. Đặc biệt ông có cuốn ký sự “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” mặc dù ông không cần ra đảo Cồn cỏ. (Đây cũng là phương thức phục vụ kịp thời của một số nhà văn hồi đó, chẳng hạn nhà văn Nguyễn Khải có ký sự “Hoà Vang” ghi theo lời kể của một cán bộ từ Hoà Vang ra). Ông là dân cựu trào ở Văn nghệ Quân đội, lại nổi tiếng sớm, nên khi ông Vũ Cao đi, không ít người đã đinh ninh chiếc ghế tổng Biên tập đương nhiên phải thuộc về ông .

Phó Tổng Biên tập Xuân Thiều vào làng văn với tập truyện ngắn “Đôi vai”. “Đôi vai thì gánh lập trường. Đôi tay…”, thơ “Chân dung nhà văn” vẽ ông thế. Tôi thấy đúng lắm. Ông lúc nào cũng tỏ ra rất là lập trường, trong các cuộc hội nghị. Sau chuyến đi B ngắn trở về ông có tiểu thuyết “Thôn ven đường”. Ông có thế mạnh hơn hai ông phó kia là có thêm chức Bí thư chi bộ, coi như một chứng chỉ ngời ngời về lập trường, quan điểm.

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Chí Trung viết ít, có thể nói là quá ít và rất kỹ tính trong văn chương. Anh được biết đến nhiềù với truyện ngắn “Bức thư làng Mực” được đưa vào tuyển tập và sau đó giữ chỗ thường xuyên trong các tuyển tập. Nhưng công việc chủ yếu choán hết thời gian tâm sức của anh là công việc của một cán bộ chính trị. Con người nhà văn và con người cán bộ ở anh đều chung một niềm say mê, phải nói một niềm say mê khác thường mà tôi thấy ít nhà văn ít cán bộ nào sánh kịp, ấy là niềm say mê lao vào thực tế. Tôi quen anh từ năm 1967, đã được anh tạo điều kiện cho đi các chiến dịch của quân chủ lực. Tôi thấy anh lúc nào cũng lăn lộn mê mải ở những nơi gian khổ nhất, dễ chết nhất, khi thì cùng với các đội viên đội công tác rúc rào vượt hào vào các ấp chiến lược, khi thì cùng các chiến sĩ đặc công cắt rào vào tận lô cốt giặc. 

Trong trận đánh chiếm căn cứ Liệt Kiểm (Quảng Nam) năm 1972, anh được cử làm phái viên của Quân khu xuống một đơn vị đặc công. Trận thắng giòn giã. Anh đựơc tặng thưởng huân chương nhờ công lao đóng góp cho đơn vị, một điều hiếm có đối với các phái viên. Chiến dịch Thượng Đức năm 1974 do binh đoàn Hương Giang đảm nhiệm, anh ở trong đoàn phái viên của Quân khu 5 cử đến tham gia hỗ trợ. Trận then chốt bị nhâm nhây. Nguyễn Chí Trung lặng lẽ mò xuống tận đại đội chủ công tìm ra nguyên nhân sự trục trặc là do mở sai hướng đột phá. Anh giúp đơn vị mở hướng đột phá mới. Đánh thắng xong, người đại đội trưởng cũng không biết tên anh, chỉ biết là một đồng chí nhà báo cấp trên (nhà văn Cao Tiến Lê năm ấy đi chiến dịch đã thuật lại việc này trong một bài ký sự). Say mê thực tế bao nhiêu lại say mê học tập bấy nhiêu, dù tuổi đã lớn. Dốc hết tiền lương ra mời thầy dạy riêng tại căn gác nhà số 4 Lý Nam Đế hằng đêm. Mãi chẳng chịu lấy vợ vì còn mải mê chiến đấu, mải mê học tập. Tôi cứ tiếc mãi một điều, niềm say mê thực tế, say mê học tập đã làm mòn mỏi trong anh niềm say mê ngồi vào bàn viết.

Đấy, cái bàn cờ nhân sự trong giới lãnh đạo ở tạp chí Văn nghệ Quân đội vào thời điểm đấu tranh quanh vụ Đề dẫn là như vậy.

Trong các cuộc họp kiểm điểm sau khi học nghị quyết Ban Bí thư có cả Thượng tá Phạm Bá Hoà Phó Bí thư đảng uỷ Tổng cục Chính trị và hai Trung tá phái viên, một người tên là Tràng, còn người nữa tôi không biết tên, ngồi dự thường xuyên. Những anh muốn chứng tỏ lập trường với cấp trên càng được dịp tha hồ múa võ mồm. Hồ Phương, Xuân Thiều ráo riết phê phán Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Chí Trung là cùng có quan điểm với Đề dẫn, nghĩa là tư sản, là một giuộc với phần tử xét lại Garôđi, là mơ hồ, chao đảo, là lệch lạc nghiêm trọng. Chưa dám quy là chống Đảng, chắc có lẽ vì thấy chơi thế thì nó đao búa lộ liễu quá, cái tội chống Đảng từ lâu vốn đã ngầm được coi ngang với tội tử hình hoặc khổ sai chung thân, hạ nhau bằng miếng này không khỏi mang tiếng thất đức. 

Nguyễn Chí Trung còn bị quy thêm tội là đồng tác giả của Đề dẫn. Tội này thì không oan, mà Nguyễn Chí Trung cũng chẳng chối. Anh bảo vệ Đề dẫn như người lính giữ chốt đơn độc chống phản kích. Trích dẫn đủ hết, nào Mác, nào Ăngghen, Lênin, đưa hết các cụ tổ lý luận ra làm khiên mộc. Ông Xuân Thiều lại lôi chuyện “biểu tình” để nện tôi và anh Oánh. Chúng tôi kiên quyết phản đối. Tại sao viết thư cho Bộ Chính trị lại là biểu tình được? Nói như vậy là vu cáo, là chụp mũ. Ông Chính Hữu buộc phải có lời xin lỗi và rút lui hai tiếng “biểu tình”. Tuy vậy ông cũng khăng khăng nhấn mạnh lại nguyên tắc không được gửi thư khiếu nại vượt cấp. Ông Xuân Thiều còn quy chúng tôi cái tội trong khi Bộ Chính trị đang bận trăm công ngàn việc hệ trọng mà gửi thư như vậy là “làm rối” Bộ Chính trị. Sợ thật! Nhiều người nghe vậy không khỏi nhìn nhau tủm tỉm cười.

Có lần, khi túm tụm mấy anh em ngoài cuộc họp, tôi nghe Nguyễn Khải bảo Nguyễn Chí Trung: “Gớm, cái thằng Xuân Thiều! Còn ai hiểu cái quan điểm lập trường của nó hơn mình. Mình chỉ cần nói một câu thôi cũng đủ găm nó vào tường”.

- Sao ông không nói? – Nguyễn Chí Trung hỏi lại.

- Ông Trung ạ, kinh nghiệm chiến trường thì ông với ông Ngọc, ông Oánh có thừa, nhưng kinh nghiệm chính trường thì các ông còn là phải học nhiều, học nhiều. Ở đời có ba cái đam mê mà ít có thằng đàn ông nào cưỡng nổi: mê gái, mê tiền, mê quyền. Xin ông nhớ cho…

Tất cả nhìn nhau cười vui vẻ.


Đêm về, ngồi với nhau bên chén rượu suông trong phòng riêng, anh Oánh cứ nhìn tôi khe khẽ lắc đầu thở dài ngao ngán. Ngao ngán vì bao nhiêu lời lẽ dữ dằn đưa ra sát phạt về lập trường quan điểm suy cho cùng cũng chỉ là trò tranh xôi giành thịt y hệt bọn quan lại lý hào cũ, chỉ khác bây giờ được phết lên lớp sơn cách mạng. Ngao ngán hơn nữa vì lẽ: Mình thật lòng lo lắng cho Đảng, viết thư báo động với cấp cao nhất về tình hình đáng được trên đặc biệt lưu tâm ở Hội Nhà văn thì người ta ném bức thư vòng trở xuống để bên dưới có thêm cớ làm thịt nhau.

- Ngạt thở lắm rồi! Ngạt thở lắm rồi! Yêu cầu Quốc hội…!


Tiếng kêu thường lệ của cái ông điên điên bên ngôi nhà đối diện kề sân sau trụ sở báo Quân đội Nhân dân lại cất lên. Ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ này là ông ta lại thò cổ ra khỏi ô cửa nhỏ của căn gác áp mái và kêu lên như thế. Có hôm ông kêu ngay từ lúc chập tối, kêu suốt đến đêm, lạc cả giọng. Và cứ lặp đi lặp lại chừng ấy:

- Ngạt thở lắm rồi! Yêu cầu Quốc hội!… Ngạt thở lắm rồi!…

Không nhớ ông ta kêu thế từ bao giờ. Cũng không ai rõ nguồn cơn nào trong tiếng kêu ấy. Nghe mãi quen tai, không còn ai động lòng. Tôi có hỏi thăm, người ta chậc lưỡi: “Ông ấy điên mà!…”.

Tôi mở cửa sổ nhìn sang. Không thể nào nhìn rõ ông ta được. Căn gác áp mái của ông nằm ngoài vùng sáng vàng vọt của thành phố thiếu điện. Chỉ nghe tiếng kêu mà đoán ra. Tựa hồ tiếng kêu của một kiếp người tuyệt vọng nhưng không chịu tuyệt vọng.

Dưới đường, những chiếc xe bò chở than nối nhau lững thững đi.

Móng bò khua lộp cộp uể oải, rã rời. Những chiếc xe đổi thùng người kéo lình kình lầm lũi đi. Bóng mấy người công nhân cũng đen kịt lầm lũi như chiếc xe. Đã bao nhiêu năm rồi, thủ đô đã trải qua bao biến cố vĩ đại, mà vẫn nguyên đấy biểu tượng sống động của một cuộc đời tù đọng, ung rữa, từ thời tôi còn bé…


Ít lâu sau, anh Nguyễn Trọng Oánh viết thư lên Tổng cục Chính trị xin rút khỏi cương vị quyền Tổng Biên tập, chuyển sang tổ sáng tác. Anh Nguyễn Chí Trung được cử (hoặc bị điều) đi học ở Học viện Chính trị, sau đó đi Cam-pu-chia.

Bên Hội Nhà văn, cuộc đánh Đề dẫn không chỉ diễn ra trong các cuộc họp nội bộ mà nhảy lên mặt báo. Đây là một hành vi vô nguyên tắc, vì Đề dẫn là một tài liệu nội bộ, chỉ phổ biến trong các hội viên đảng viên dự hội nghị tháng 6 năm 1979. Sau này tôi mới hiểu, khi người hoặc nhóm quyền lực nào đó trong Đảng định đánh ai thì họ bất chấp nguyên tắc. Báo Văn Nghệ liên tiếp đăng các bài gọi là “Thư đầu năm viết cuối năm” gửi một chị Kim Nga nào đó của Chế Lan Viên đánh đòn rất nặng vào Đề dẫn (Nguyên Ngọc) và bài “Về một đặc điểm của văn học nước ta” (Hoàng Ngọc Hiến). Gần đây tôi mới biết nhà văn Vũ Thị Thường, vợ nhà thơ Chế Lan Viên, có tên thật là Lê Kim Nga.


Bài của Hoàng Ngọc Hiến thì trước kia đăng trên báo Văn Nghệ. Riêng Đề dẫn thì người ta chỉ lẩy ra ít câu để đánh chứ không được đăng ở đâu cả. (Mãi đến năm 1988, khi tôi làm Tổng Biên tập tạp chí Langbian của Hội Văn nghệ Lâm Đồng mới đưa đăng được già nửa thì tạp chí bị ngưng). Cái kiểu trói tay bịt miệng đối thủ rồi xúm lại đánh như thế vẫn kéo dài về sau và không biết còn kéo dài đến tận bao giờ – mà vụ đánh bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” của Hà Sĩ Phu và bài “Từ bỏ chủ nghĩa cộng sản…” của Phan Đình Diệu (trả lời phỏng vấn của nhà sử học Na Uy Stein Tonnesson) là những bằng chứng điển hình.


Nguyên Ngọc cho tôi biết, trong Đảng đoàn, anh hầu như đã trở nên đơn độc. Những người lúc ban đầu tỏ ra chí cốt, tương đắc với anh, nay chẳng còn ai. Ông Chế Lan Viên thì thế. Ông Nguyễn Khải thì đã xếp ba lô để nhót vào Sài Gòn, trước khi bỏ chạy cũng quay lại phê phán Nguyên Ngọc với Đề dẫn để bày tỏ lập trường với trên. Nhiều năm sau, trên báo Công an TP Hồ Chí Minh số Tết Nhâm Thân (1992), tôi đọc thấy những lời này của ông: “Hễ có dịp được viết bài hay phát biểu trước đám đông về những lỗi lầm văn nghiệp của bạn bè, tôi thường tìm những câu những chữ ác độc để chứng tỏ sự sắc sảo khôn ngoan của mình. Nổi danh bằng cách giẫm đạp lên tử thi của người khác quả là ghê tởm, nhưng đúng là thế”. 

Đấy là ông nói về sự độc ác vô tâm thời trẻ của mình. Không biết đến cái thời xảy ra vụ Đề dẫn thì thế nào? Còn cái cảnh ghê tởm giẫm đạp lên tử thi của người khác thì thấy vẫn cứ diễn ra dài dài đến tận giờ. Lớp sau tiếp lớp trước, lớp nào cũng không thiếu những nhà này nhà nọ giẫm đạp lên tử thi các đồng nghiệp nạn nhân của mình để không phải chỉ nổi danh mà để kiếm một cái ghế trong Hội, Hội đồng, Quốc hội hoặc Ban này Bộ nọ. Tất cả như thể quay cuồng trong một mê hồn trận do một thế lực quỷ sứ phù phép, thứ phép thuật được nhào luyện bởi một bàn tay thì cầm cần câu nhử mồi danh lợi, còn tay kia thì tước đoạt đến tận cùng cái quyền đựơc có quan điểm riêng của mỗi con người. Bất luận kẻ nào có quan điểm khác biệt hoặc đối lập với quan điểm chính thống đều phải bị trừng trị, lộ liễu có, tinh vi có. Một cái lò khổng lồ sản sinh ra muôn vàn điều ác, đúng như B. Pasternak đã báo động từ nửa thế kỷ trước: “Tai hoạ chủ yếu, cội nguồn của cái ác trong mai sau chính là mất lòng tin vào giá trị của ý kiến riêng”.

Tôi nhớ một buổi tối mùa hè nóng nực, tôi với vợ chồng anh Nguyên Ngọc ngồi hóng mát ở sân sau nhà số 4 Lý Nam Đế. Anh Nguyễn Khải đi đâu chơi về cũng ghé lại góp chuyện. Chị Tâm vợ anh Ngọc vốn người thẳng tính, hỏi độp anh Khải:

- Này ông Khải, ông đọc cái truyện “Xôtnhicôp” của Vaxin Bưcôp chưa?

Anh Khải đáp ngay với một tiếng cười hề hề, đầu hơi ngoẻo:

- Rồi, đọc rồi. Tôi biết bà hỏi thế là bà định nói tôi cái gì rồi…


Cái truyện vừa của Bưcốp kể về một đôi bạn Hồng quân Liên Xô đi trinh sát trong vùng phát xít Đức chiếm đóng, bị địch truy đuổi họ không hề rời nhau, nhưng khi bị địch bắt thì một người đã phản bạn, phản quốc, khai báo hết với địch, mặc dù trước đó anh ta đã ra sức cõng bạn khi bạn bị thương. Kết cục cả hai cùng bị giặc treo cổ.

Nguyễn Khải lái nhanh câu chuyện sang đề tài khác. Bầu khí đang hơi sượng mau chóng bình thường trở lại.

Sau này, có lần Nguyên Ngọc nói với tôi: Điều bi thảm hơn hết và đáng suy ngẫm hơn hết là ở chỗ những người thông minh sắc sảo vào hàng nhất nước như ông Chế Lan Viên, ông Nguyễn Khải, các ông ấy thừa biết cả. Các ông ấy thừa biết thế nào là đúng, thế nào là sai, thế nào là cũ, thế nào là mới, các ông ấy căm phẫn những kẻ giáo điều học phiệt chẳng khác gì mình, ấy thế mà rồi… thế đấy.

Điều Nguyên Ngọc nói làm tôi nhớ lại đầu mùa thu năm 1975 khi lần đầu tiên tôi ra Hà Nội nghỉ phép sau 8 năm ở chiến trường, một hôm được gặp ông Chế Lan Viên ở sân trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật 51 Trần Hưng Đạo. Ông thuật lại vắn tắt cho tôi, một kẻ từ chiến trường lớ ngớ bước ra, về vụ người ta vừa đánh một số tác phẩm văn nghệ năm 1974. Ông thuật lại với một mối căm phẫn đang còn rất sôi sục trong lòng. Ông bảo nếu không có chiến thắng 30 tháng 4 thì còn khối anh em chết vì cái vụ này. Ông đặc biệt căm phẫn một bài trên tạp chí Học tập (sau đổi là tạp chí Cộng sản) hô hoán rằng đã thấy bốc lên một luồng tà khí trong văn học. “Tà khí nào? Tà khí nào?”, ông Chế dằn giọng hỏi, tất nhiên là hỏi một người vô hình nào đó, gương mặt tái đi vì căm phẫn.

Ấy thế mà rồi ông vẫn luôn làm như không có gì xảy ra hết, và lẳng lặng ngồi vào cái bàn tiệc bày toàn bánh vẽ.


BÁNH VẼ

Chưa cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ

Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn

Cầm lên nhấp nháp

Chả là nếu anh từ chối

Chúng sẽ bảo anh phá rối

Đêm vui.

Bảo anh không còn có khả năng nhai

Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…

Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?

Rốt cuộc, anh lại ngồi vào bàn

Như không có gì xảy ra hết 

Và những người khác thấy anh ngồi 

Họ cũng ngồi thôi

Nhai ngồm ngoàm

CHẾ LAN VIÊN

(Văn học và dư luận, Nxb TP HCM tháng 8/1991)


Không biết đến nay còn bao nhiêu người vẫn kiên trì ngồi trong bàn tiệc bánh vẽ để mong có một ngày được nhai thứ thiệt? Mới đây có anh bạn từ Hà Nội vào bảo với tôi rằng trên các bàn tiệc bây giờ là bánh thật rồi chứ không phải bánh vẽ nữa (anh dẫn chứng ông Tổng Thư ký nọ, ba ủy viên kia được cấp nhà tiêu chuẩn bộ trưởng, thứ trưởng), chỉ có điều muốn được ăn bánh thật thì phải nói dối điêu luyện y như thật.

Ông Chế Lan Viên trong loạt thơ cuối đời có một bài là bài “Đà đao”: “Bước đường cùng thì cũng phải đà đao”. Có lẽ bài “Bánh vẽ” tôi vừa dẫn trên là một cái miếng đà đao trong thế trận chữ nghĩa mấy mươi năm hung hiểm. Nhưng chẳng biết cái miếng đà đao này ông nhằm vào ai? Tôi đồ rằng ông nhằm cái kẻ đã đẩy ông, một thi tài trác việt đến thế trong thời trẻ, lâm vào cảnh bao năm ròng, để mong ngóng có ngày sẽ được nhai thứ thiệt, đã phải… giết… giết…

Cái cần đưa vào thơ tôi đã giết rồi

Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười

Giết một kỷ niệm, giết một uớc mơ

Tôi giết cái cánh sắp bay trước khi tôi viết

Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ

Giết luôn cả mặt trời lên trên biển. Giết mưa

Và giết luôn cả cỏ mọc trong mưa luôn thể.

(Trích bài “Trừ đi” của Chế Lan Viên đăng trong tạp chí Tác phẩm mới)


Lại nói về Nguyên Ngọc. Tuy vẫn làm Bí thư Đảng đoàn nhưng Nguyên Ngọc bị vô hiệu hoá dần. Người ta đưa ông Bùi Hiển làm thường trực Hội. Rồi có quyết định giải thể các Đảng đoàn. Thế là Nguyên Ngọc mất chức rất êm, rất hợp lý. Đến lúc chuẩn bị Đại hội lần thứ ba của Hội, Nguyên Ngọc chỉ được phân công phụ trách hậu cần, nghĩa là lo việc đi quyên tiền và việc tương cà mắm muối.

Từ Đại hội lần thứ hai đến Đại hội lần thứ ba là hai mươi năm. Điều lệ Hội quy định nhiệm kỳ mỗi đại hội là năm năm. Nhưng điều lệ có là cái gì! Tất cả phải tuân thủ sự chỉ đạo của trên. Họp lúc nào, họp bao nhiêu người, bàn bạc cái gì, ai làm Tổng Thư ký đều phải do trên. Trên chưa sắp đặt xong thì chưa được họp. Có đủ thứ lý do cho việc kéo dài nhiệm kỳ tới hai mươi năm, nào là vì hoàn cảnh chiến tranh, rồi vì tiền nong eo hẹp…

Trong cái giấc mơ lớn về ngày toàn thắng mà tôi ôm ấp suốt những năm lặn ngụp trong khói lửa chiến đấu, có một giấc mơ con thế này: Mình được sống sót, được trở về dự một cuộc đại đoàn viên của giới văn nghệ Việt Nam thống nhất, hoà hợp, Bắc Nam rừng núi thị thành sum họp, cùng nhau bàn bạc và hoạch định công cuộc phục hưng văn hoá Việt, cái công cuộc đáng lẽ được bắt đầu từ ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã phải tạm gác vì hai cuộc kháng chiến trường kỳ.

Nhưng giấc mơ con ấy vẫn chỉ là giấc mơ cho đến tận giờ. Làm sao có thể nói đến văn hoá một cách thật sự văn hoá khi mà người ta lấy một chủ nghĩa độc tôn áp đặt lên toàn xã hội và cấm đoán hành hạ những ai có quan điểm khác biệt, đối lập với chủ nghĩa ấy? Cái hành vi ngu dân đại quy mô kiểu trung cổ này còn kéo dài đến tận bao giờ? Có lẽ nó còn kéo dài chừng nào giới trí thức văn nghệ sĩ còn chưa thấy bức bối ngạt thở vì mất tự do.

Thời hạn đại hội cứ lần lữa lùi lại. Chỉ thấy có sự bổ sung Ban Chấp hành, đưa thêm một số vị thuộc lực lượng Văn nghệ Giải phóng miền Nam, nghĩa là xếp thêm ghế cho giới quan chức văn chương.


Đúng là Hội của mấy nhà văn. Tôi cũng vỡ nhẽ dần. Tuy vậy, vẫn cứ hy vọng, ngóng chờ. Thỉnh thoảng một số hội viên gặp nhau thì thầm bàn tán:

- Nghe nói sắp đại hội hả?

- Còn lâu. Tớ vừa gặp thằng X trên Ban, nó bảo còn “khuất tạp” lắm, trên chưa cho họp đâu.

- Này, lão T lại vừa đi nước ngoài chuyến thứ một trăm linh…

- Chính từ họ cả, họ ấm ức nhòm ngó nhau, rồi theo dõi nhau, rồi tính đếm, rồi xì ra mình mới biết.

- Năm nay có chuyến đi Tiệp, tớ được vào danh sách rồi, thế mà họ lại gạt ra để cho cái thằng Z chuyên lăng xăng nhắng nhít được đi.

- Này, cậu có biết cái chuyện tiếu lâm đời mới này ở sân bay Matxcơva không? Lão B phải quàng chéo qua người hai cái lốp xe để đỡ phải trả thêm tiền cước, hai tay lại mắc hai xách nặng nên không thể nào bắt tay đồng chí nhà văn nước bạn ra tiễn được.

- Chuyện ấy đã thấm gì. Ông có biết chuyện hai viên đá lửa không?


Chuyện hai viên đá lửa thật khó tin, nhưng nhiều bạn bè văn chương trong Hội cứ nhất quyết khẳng định với tôi là chuyện thật một trăm phần trăm. Một nhà thơ vào hàng thần thi thời tiền chiến nay là quan lớn văn hoá, năm nào cũng đi nước ngoài dăm ba chuyến. Có một lần sau chuyến đi, ngồi trên xe từ sân bay về, ông hỏi anh lái xe:

- Cậu có bật lửa không?

Anh lái xe thầm nghĩ chuyến này thủ trưởng đi nước tư bản về sẽ rộng rãi hơn trước chứ không keo cú như bấy lâu, chắc định làm quà cho mình chiếc bật lửa, bèn đáp:

- Dạ, không có.

- À, tưởng nếu có thì mình cho cậu hai viên đá lửa.


Đại khái cảnh chờ đợi hội hè cứ trôi đi dài dài trong những câu chuyện như thế.

Rồi cuối cùng cũng họp. Mà phải họp đại hội đại biểu, bất chấp nguyện vọng tha thiết của hầu hết hội viên sau ngày thống nhất đất nước là họp toàn thể. Theo một quy định từ đâu đó bên trên, chẳng biết có văn bản hay chỉ là lệnh miệng, đại hội phải họp đại biểu.

Các cuộc họp để bầu đại biểu đã gây ra biết bao ấm ức, khó chịu, khó xử. Rất nhiều hội viên nêu vấn đề: nhà văn thì mỗi người là mỗi người, làm sao ai đại diện cho ai được? Mặc. Cứ phải bầu đại biểu. Có một số nhà văn bất bình không tham gia các cuộc bầu cử đại biểu.

Lại một chuyện kỳ cục này nữa. Tuy là họp đại biểu, nhưng riêng số người được chỉ định thành đại biểu (ai chỉ định, không rõ) không phải qua bầu cử đã chiếm gần một phần ba. Đó là 43 vị trong Ban Chấp hành (toàn bộ đại hội có 150 đại biểu). Đây là một sự tuỳ tiện về thể thức, một hành vi coi thường hội viên mà hồi đó đa số hội viên còn thờ ơ với các thể thức dân chủ dù còn rất sơ đẳng, nên không mấy ai nhận ra. Mà có ai nhận ra, thì liệu biết làm thế nào để phản kháng?


Giữa thu 1983, Đại hội họp ở Hội trường Ba Đình, nơi thường tiến hành các nghi lễ quốc gia. Các đại biểu ở xa về được bố trí ăn ở tại nhà khách của Hội đồng Bộ trưởng số 37 Hùng Vương. Nhiều người phấn khởi bảo nhau: như thế là đại hội của Hội Nhà văn được “Trên” coi trọng lắm.

Buổi chiều trước ngày khai mạc Đại hội, có cuộc họp riêng các hội viên là đảng viên, do Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập. Đây là một thông lệ, bao giờ cũng họp trong Đảng trước. Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Tùng đến dự và phát biểu đầu tiên. Tôi không còn nhớ ông nói những gì, chỉ nhớ một ý chủ yếu được nhấn đi nhấn lại là yêu cầu các đồng chí đảng viên xác định quan điểm lập trường cho vững chắc, giữ thái độ thật đúng đắn, nghiêm túc, đoàn kết để đảm bảo cho Đại hội thành công. Ông nói khoảng hơn ba mươi phút. 

Tiếp liền đó Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương Hà Xuân Trường phát biểu khoảng mười lăm phút, cũng tiếp tục nhấn mạnh vấn đề xác định thái độ. Phát biểu xong, ông Hà Xuân Trường liền hỏi hội nghị: “Có đồng chí nào có ý kiến gì không?”. Mới được khoảng một vài phút, mọi người còn đang suy nghĩ trong yên lặng, thì ông đã vội nói: “Không đồng chí nào có ý kiến gì, vậy chúng ta giải tán”. Thật đột ngột. Mọi người đứng dậy bước ra. Ít ai ngờ cuộc hội nghị đảng viên hội viên trước đại hội lại diễn ra theo kiểu như vậy. Nó giống một cuộc phổ biến chỉ thị ở chi bộ đại đội. Hai mươi năm mới có một cuộc đại hội, một cuộc sinh hoạt không những chỉ hệ trọng đối với bản thân Hội mà quan hệ tới cả nền văn học của đất nước, biết bao nhiêu điều các nhà văn cần nói, biết bao nhiêu điều những người lãnh đạo cần nghe và phải nghe, những điều khó nói ra trước công luận (theo nề nếp hồi đó), thì có thể và cần phải được nói hết trong nội bộ Đảng một cách thẳng thắn, cởi mở, đặc biệt là những vấn đề về quan điểm, về lãnh đạo, quản lý văn nghệ và cả những vấn đề về nhân cách những người lãnh đạo Hội nữa. Thế nhưng điều trông đợi chính đáng ròng rã hai mươi năm đó đã bị sổ tuột cái rẹt. 

Tôi thấy rất rõ là cuộc hội nghị các hội viên đảng viên được tổ chức chỉ là để siết chặt lại sợi dây trói đã bị lỏng ra với vụ Đề dẫn, các đảng viên được mời tới là để nghe huấn thị chứ không phải để thảo luận, để “hiến kế” cho lãnh đạo, tuy cũng có cái câu hỏi gượng gạo chiếu lệ: “Có đồng chí nào có ý kiến gì không?”.

Buổi tối có cuộc hội nghị toàn thể các đại biểu đại hội để thảo luận trước danh sách để cử ứng cử viên Ban Chấp hành mới. Ban trù bị đưa ra một danh sách do Ban Chấp hành cũ giới thiệu. Rồi các đại biểu giới thiệu thêm. Mọi việc đều trơn tru. Chỉ có một chút gay cấn nhẹ là khi giáo sư Hoàng Xuân Nhị nêu vấn đề những phiếu không bầu đủ số lượng uỷ viên chấp hành như quy định có hợp lệ hay không. Ông Hà Xuân Trường đã tỏ thái độ thiếu lịch sự với giáo sư Nhị, bị nhà văn Cao Tiến Lê phản đối. Ông Hà Xuân Trường đã xin lỗi giáo sư.

Ngày hôm sau, Đại hội họp chính thức. Sau báo cáo chính, là báo cáo bổ sung về văn xuôi, về thơ, v.v. Các tham luận đều được viết sẵn gửi cho Đoàn Chủ tịch xem trước. Rồi bầu cử. Phiếu bầu in ronéo, trong đó danh sách đề cử viên được in làm hai khối, nửa trang trên gồm những tên do Ban Chấp hành cũ giới thiệu. Một số người trong Ban Chấp hành mới kể lại với tôi, việc bầu Ban Thư ký và Tổng Thư ký diễn ra như sau: trong cuộc họp đầu tiên của Ban Chấp hành mới, một đại diện cấp trên nêu danh sách những người mà Trên gợi ý nên là Tổng Thư ký và uỷ viên thư ký, nghe xong mọi người giơ tay,và như thế Ban Thư ký, Tổng Thư ký đã được bầu ra với sự “nhất trí cao”.


Nguyên Ngọc chỉ trúng vào Ban Chấp hành, không được cấp trên cho vào Ban Thư ký.

Mọi sự trúng phóc với sự sắp đặt từ trước. Bản thân những người dự Đại hội cầm lá phiếu bầu (trong đó có người viết những dòng này) trong nhận thức cũng mặc nhiên thừa nhận sự sắp đặt ấy như một thứ luật lệ bất thành văn không thể cưỡng lại, không dám cưỡng lại. Nghĩ lại mà thấy xấu hổ về ý thức dân chủ của mình.

Buổi bế mạc, nhà văn Nguyễn Đình Thi, người vừa được “bầu” lại làm Tổng Thư ký tỏ ra rất xúc động và mừng rỡ. Niềm xúc động ấy khiến ông khi thay mặt Ban Chấp hành mới được “bầu” phát biểu trước đại hội, thốt lên một câu nổi tiếng: “Chúng ta, những nhà văn, chúng ta chỉ là những hạt bụi, nhưng là những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của Đảng”.


Hôm sau, tình cờ tôi gặp nhà sử học Trần Quốc Vượng, ông Vượng cứ nhìn tôi bằng cặp mắt như thể tôi là ông Nguyễn Đình Thi, và lắc đầu tặc lưỡi mà bảo: “Nhà văn các ông… hừ… việc gì phải thế nhỉ?…”.


Một anh bạn tôi bên ngành giáo dục, nhà ở gần chợ Bắc Qua, kể với tôi rằng, có một cô buôn gà thường ghé sang nhà anh xem ti vi nhờ, tối qua theo dõi màn hình tường thuật buổi bế mạc Đại hội Nhà văn, khi nghe xong ông Nguyễn Đình Thi hùng hồn tuyên bố câu ấy đã hồn nhiên bật ra một lời bình phẩm: “Gớm, cậu đéo lào mà lịnh thế?”. (Xin phép bạn đọc, tôi phải ghi nguyên xi thế mới giữ trọn được cái khí lực ngôn từ đặc biệt của nhà bình luận dân gian)…