văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, August 6, 2015

TRẦN VẤN LỆ ** Vĩnh Biệt Nguyễn Bắc Sơn

Mỗi lần qua Tà Dôn tôi nhớ Nguyễn Bắc Sơn.  Bây giờ Sơn không còn, Tà Dôn còn sừng sững…

Coi như ngày gió lộng, Nguyễn Bắc Sơn ra đi, chỉ thấy bụi bay về dài theo quốc lộ một…

Tà Dôn vẫn còn sót những đám mây ngày xưa, hồi đó Sơn làm thơ gửi cho tôi, Thiện Giáo…


Năm sáu tám (1968) rào rạo tiếng cuống rạ cuối mùa. Tôi đọc những bài thơ, âm thầm rồi xếp cất…

Thơ của Sơn hay thật…nhưng mà như lạc loài, tội nghiệp những người trai hành quân, vào động đĩ…

Năm bảy hai (1972) có thấy tập thơ Sơn ra đời (*), tôi có cuộc chuyển dời:  về trường xưa lớp cũ…

Cuối cuộc đời quân ngũ, Sơn và tôi xa nhau, đến khi vào Sông Mao, hỏi thăm Sơn, không thấy…

Tôi nghĩ Sơn đã chạy về cõi nào thật xa.  Thôi, trong cõi ta bà, đứa nào giữ hồn nấy…

Đỉnh Tà Dôn, núi ấy, mỗi lần tôi đi qua kiếm đường ra biển xa, nhớ Sơn, không đứng lại…

Tôi đi và đi mãi, mới nghe tin, tin buồn:  Sơn đã lìa cõi dương, Sơn ngàn Thu yên ngủ…

Từng câu thơ, những dấu chấm chấm…tôi chào Sơn.  Nếu còn ngang Tà Dôn, tôi chào Sơn như vậy…

Trần Vấn Lệ

(*) Tôi chưa hề gặp Nguyễn Bắc Sơn lần nào trong các năm 1967, 68, 69; lúc đó tôi đóng quân ở Thiện Giáo, mật khu Tam Giác, Nguyễn Bắc Sơn thuộc Sư Đoàn 23, ban Tiếp Liệu, căn cứ chính ở Sông Mao, hậu cứ ở đồn Trinh Tường (Phan Thiết).  Sơn chơi thân với em rễ tôi, Phạm Thụy Cầu, làm việc ở Phòng I Tiểu Khu Bình Thuận.  Hễ về Phan Thiết công tác thì Sơn hay ghé nhà tôi ở chơi với em tôi, tôi không có dịp nào về phép để gặp Sơn dù có cả tháng tôi nằm ở Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch.  Năm 1972, Sơn gửi lên Đà Lạt tặng tôi tập thơ đầu tay, Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi, tôi đọc mà buồn buồn, nhiều người như Doãn Quốc Sỉ, Võ Phiến, Chu Tử…“ca ngợi” Sơn, tôi hồi âm cảm ơn và cũng khen cho phải đạo.  Khi tôi đi Cải Tạo, hơn một năm đầu ở trại Sông Mao, trại G 3, Tổng Trại Tù Binh 8, hỏi thăm Sơn không thấy…vì Sơn không thuộc diện phải đổi đời.  Tôi nhớ Sơn nhiều lắm qua những địa danh Sơn hay nhắc trong thơ, đại đội 2/300 của tôi từng đóng đồn Sara dưới chân núi Tà Dôn, bị xóa sổ vì thất thủ năm 1967 khi tôi chưa đáo nhiệm.  Đại Đội tôi thường phối hợp hành quân với ĐĐ 2/754 đóng ở Nora, cũng dưới chân núi Tà Dôn.  Đại Đội tôi cũng có khi phối hợp với ĐĐ 2/442 đóng ở Kim Ngọc, gần Sara.  Trên đường công tác của Sơn thì hoặc bằng trực thăng băng qua đỉnh Tà Dôn hoặc bằng ghe đi dọc bờ biển ra Phan Rí Cửa (nhiều năm trước 30 – 4 – 1975, con đường Quốc Lộ I bị cắt).  Núi Tà Dôn ở phía Bắc Phan Thiết, phía Nam có núi Tà Cú, năm 1955 Tổng Thống Ngô Đình Diệm (từng làm Tuần Vũ Bình Thuận thời Pháp Thuộc) quyết định cắt tỉnh Bình Thuận ra làm hai, phần có núi Tà Dôn là Bình Thuận, phần có núi Tà Cú là Bình Tuy, nghe nói tại Tổng Thống Diệm không thích một vùng đất có hai ngọn núi Tà.  Từ năm 1980, em rễ tôi, Phạm Thụy Cầu nằm một chỗ sau tai nạn lao động, ở Đà Lạt, Sơn có hỏi thăm…Sơn mất ngày 4 tháng 8 năm 2015 tại Phan Thiết, tôi thấy có nhiều người phân ưu, tôi thì chỉ có bài thơ Vĩnh Biệt Nguyễn Bắc Sơn, gói ghém một chút tình xưa dù chưa hề giáp mặt.