Nếu không phải là tín đồ du lịch, chưa chắc tôi đã biết tới biển đảo Bình Ba, địa danh lạ hoắc lạ huơ, nằm ở đâu trên bản đồ Việt Nam. May sao, nhờ theo dõi thường xuyên bình luận của các “phượt thủ” trên một số diễn đàn mang, đã giúp tôi trang bị, bổ sung, thêm một số kiến thức về biển đảo trong nước. Một nơi, không chỉ nổi tiếng hoang sơ, mà còn tỏ ra hấp dẫn, quyến rũ, mọi người như đảo Nam Du, đảo Lý Sơn, đảo Phú Quý . . . đặc biệt, là đảo Bình Ba, nằm trong vịnh Cam Ranh, thuộc thị trấn Ba Ngòi, tỉnh Khánh Hòa.
Chưa kịp chia sẻ điều này với ai, tôi bỗng nhận được tin nhắn của mấy cô bạn ngoài Hà Nội, in - box hỏi: “Có thật, sắp tới biển đảo Bình Ba, bị cấm ra vô du lịch phải không anh?”. Nhưng tội nhất có lẽ là Nhã, cô gái có đôi cân dài miên man, ở tận vùng địa đầu biên giới Lạng Sơn, điên thoại trực tiếp cho tôi hỏi:- Alô! Em Nhã đây anh.
Tôi đùa:
- Chào cô chủ khách sạn xinh đẹp nhất chợ Đông Kinh.
Nhã kêu toáng trong máy:
- Không dám đâu tình yêu . . . của người ta ơi.
- Ha ha! Có gì lạ không em?
- Gần đây thấy anh đi du lịch nhiều nơi mà bắt thèm.
- Tại anh đang bị thất nghiệp đó em..
- Thất nghiệp như anh ai cũng muốn được thất nghiệp.
- Vậy bọn mình đổi chỗ, anh ra Lạng Sơn làm quản lý khách sạn, em vào trong này đi du lịch?
- Em vào trong đó cầm chắc cái đói rồi.ĐẢO TÔM HÙM
- Tại sao?
- Anh đi đây đi đó còn có cái để viết, đăng báo, có tiền nhuận bút, chứ như em thì khô mỏ.
- Thôi! Mính đi vào chủ đề chính đi, hỏi thật em, có việc gì mà gọi cho anh vậy?
Nhã thành thật nói:
- Dân tình ngoài này, đang rất xôn xao trước tin đồn, đảo Bình Ba sắp tới sẽ không cho khách ra du lịch nữa?
Tôi cười trả lời cô:
- Đã là tin đồn thì làm sao mà đúng được.
- Vậy anh ra đó chưa?
- Rồi.
- Có đúng như thiên hạ kháo là “Bình Ba là thiên đường của biển đảo không?”
Tôi ậm ừ đáp:
- Muốn biết, hãy bay ngay vào đây, anh sẵn sàng đưa em đi trải nghiệm, chứ ngồi ngoài đó nghe thiên hạ vẽ rồng vẽ rắn thì chán chết; đặc biệt, nơi đây còn có món tôm hùm ngon “hết sẩy”.
- Hi hi! Vào chứ anh, vào để thưởng thức món tôm hùm Bình Ba cho biết với người ta, chứ quanh quẩn ở Lạng Sơn hoài, chỉ biết có mỗi món vịt quay, làm sao khôn ra được hở anh.
- Ừ! Tôm hùm Bình Ba là món ăn thuộc vào hàng quí tộc đó.
- Anh thử qua chưa mà rành quá vậy?
- Em nhắc làm anh phát thèm nè.
- Vậy anh hãy đợi đấy, đầu tuần sau em sẽ bay vào Sài gòn, anh em mình cùng đi Bình Ba nhé.
- Anh đang rảnh nè.
Như đã hẹn, tôi đón Nhã tại cổng nội địa của sân bay Tân Sơn Nhât. Gặp nhau, chưa kịp chàomừng, tôi đã nghe cô kêu toáng lên:
- Ôi! Sàigòn của anh chưa vào hè mà sao nóng kinh thế?
- Ba mươi hai độ buổi sáng là nhiệt độ lý tưởng của người Sàigòn rồi đó em. Yên trí, đến chiều tối khí hậu dịu lại, mát mẻ không khác chi mùa thu ở Lạng Sơn ngoài em đâu.
- Còn kế hoạch đi Bình Ba thế nào ạ?
- Mọi thứ đã đâu vào đó cả rồi, từ giờ tới lúc lên xe, em hoàn toàn tự do, cứ thoải mái đi shopping, ăn chơi, tới khoảng tám giờ tối mình sẽ khởi hành.
- Đi bằng phương tiện gi vậy anh?
- Đi xe giường nằm cho khỏe, ngủ một giấc tới thị trấn Ba Ngòi, xuống xe uống cà phe ăn sáng.
A lô cho xe công nghệ tới đón, tôi đưa Nhã ghé về nhà nghỉ ngơi, ăn uống, chờ tới giờ nhà xe cho xe đến rước.
Sau một đêm đánh một giấc ngon lành, gần sáng bọn tôi được tài xế đánh thức:
- Hành khách nào đi Ba Ngòi chuẩn bị hành lý xuống xe nha.
Xe dừng lại tại Bưu Điện Ba Ngòi cho hành khách xuống xe. Vốn đã quen đường đi nước bước, do kinh nghiệm chuyến đi Bình Ba lần trước, tôi đưa Nhã ghé quán ăn mở suốt đêm gần đó vệ sinh, uống cà phê, ăn sáng, chờ trời sáng hẳn mới gọi taxi chở vào cảng Đá Bạc, mua vé tàu gỗ ra đảo Bình Ba, thay vì đi ca-nô chẳng ngắm được gì, vì tốc độ chạy quá cao.
Được biết, Bình Ba là một đảo nhỏ, thuộc xã Cam Bình, thị trấn Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đảo nằm trong vịnh quân sự Cam Ranh, cách thị trấn Ba Ngòi khoảng 15 cây số, di chuyển ra đó mất khoảng một giờ đồng hồ. Trước đây, nơi này là khu vực quân sự, chỉ những cư dân sinh sống trên đảo mới được phép đi lại ra vào vịnh, sau do nhu cầu du lịch ra đảo Bình Ba ngày càng phát triễn, việc đi lại đã phần nào được nới lỏng, nhưng khách đi du lịch vẫn phải chịu sự kiểm soát bởi lực lương biên phòng tại cảng Ba Ngòi; đặc biệt, khách nước ngoài hay Việt kiều vẫn chưa được phép ra đảo.
Tương truyền, tên gọi Bình Ba có từ những năm 1820, cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, với nghĩa đầu tiên là bình yên, vì đảo là nơi che chắn phong ba bão tố cho cả vùng vịnh, bảo vệ tàu thuyền ghé vào trú ẩn mỗi khi xảy ra thiên tai. Thứ hai, để ghi nhớ công lao các vị tiền nhân đã có công khai phá, là 3 người đàn ông Bình Định, trước đây trên đường đi làm ăn buôn bán, khi thuận buồm xuôi gió cũng như khi xảy ra thiên tai, họ đều ghé lại đảo tránh bão, nghỉ chân. Lâu ngày, nhận thấy hòn đảo tuy nhỏ, nhưng có phong cảnh hữu tình, lại dồi dào nguồn hải sản, nên đưa cả gia đình, bà con, về đây khái phá tạo lập ra đảo.
Xếp hàng mua vé, chờ thêm khoảng nửa giờ sau, bọn tôi cùng với 30 hành khách khác, lần lượt được lính bộ đội biên phòng kiểm tra giấy tờ tùy thân, phát áo phao, trước khi cho bước xuống tàu đậu sẵn chờ tại bến cá Chín Phương.
Sau vài phút bềnh bồng, trôi nổi, ngắm nhìn tận mắt các quần thể đá núi bị bào mòn bởi sự xâm thực của nước biển, tạo ra vô số những hình thù kỳ vĩ, xô đẩy, chồng lấn, vẽ ra trước mắt mọi người những cảnh quan thơ mộng, nhưng không kém phần lãng mạn. Bất chợt, ai trong số những người có mặt trên tàu, phát hiện bên những dãy núi xám ngoắt, lá cờ tổ quốc đang tung bay phát phới trên kỳ đài của một căn cứ quân sự đóng trên bán đảo. Nơi được cho là đang neo đậu những chiếc tàu ngầm lớp Kilo, sản xuất tại thành phố St Petersburg, ở tân nước Nga xa xôi.
Nghe nhắc tàu ngầm, ai nấy đều lộ rõ sự tò mò trên nét mặt, mong được nhìn thấy tận mắt những con quái vật chiến tranh cho biết, nhưng bên cạnh sự hiếu kỳ ồn ào, nhốn nháo, không cần thiết ấy, chỉ thấy xuất hiện ở đó 2 cái ụ tàu trống trơn, cùng với những công trình xây dựng kiên cố, bến bãi, cầu cảng, nằm trơ vơ. . .
Sau gần 1 giờ lênh đênh trên vịnh biển, Nhã chợt nhận ra hình ảnh lờ mờ của hòn đảo, chắn ngay cửa ra vào của vịnh Cam Ranh.
Cô hỏi:
- Có phải ở xa kia là đảo Bình Ba không anh?
Tôi nhìn theo hướng chỉ tay của cô đáp:
- Chính nó.
Nhã kêu:.
- Nhỏ vậy sao anh?
- Ờ! Diện tích của đảo Bình Ba không lớn hơn 3 cây sô vuông, dân số trên dưới 5 ngàn người, là nơi đầu sóng ngọn gió, gìn giữ bình yên cho người dân sinh sống trên vịnh, trước những cơn phong ba bão tố. Theo các vị bô lão “từ thời vua Gia Long, đảo Bình Ba đã có người sinh sống, nhưng mãi đến sau năm 1975, đảo mới bắt đầu tấp nập, nhờ phát hiện một số lượng lớn tôm hùm giống sinh sôi nảy nở trong vịnh. Từ đó, người nọ đồn người kia đổ xô ra đảo ngày càng đông, xuất hiện nhiều ngư trường nuôi tôm hùm nổi tiếng, đến nổi cái tên đảo Bình Ba hầu như bị quên lãng, mà người ta chỉ còn nhớ mỗi cái tên dân dã là “Đảo Tôm Hùm”.
Càng tiến gần vào bờ, biển càng trở nên bình lặng, nước trong veo, ngồi trên tàu vẫn có thể nhin thấy rõ từng đàn cá nhỏ, bơi lội tung tăng bên dưới mặt nước kiếm ăn, tạo nên sự thích thú đối với mọi người, khiến ai nấy cảm thấy nôn nóng, mong sớm đặt chân lên bờ khám phá thiên đường biển đảo hoang sơ.
Chẳng mấy chốc đảo Bình Ba đã hiện ra trước mắt mọi người. Đó là một làng chài nhỏ, hiền hòa, nằm cạnh những hàng quán, những dãy nhà nghỉ, khách sạn, mới đuợc xây dựng sau này, nhưng vẫn giữ nguyên vẻ đẹp bình di, hoang sơ, không kém phần hấp dẫn bởi vẻ dẹp quyến rũ, tìm ẩn nơi biển xanh, cát trắng, cùng những dãy núi chập chùng, gọi mời khám phá.
Tàu cặp bến, từng nhóm nhỏ du khách rời tàu, đặt chân lên cầu cảng đúc bằng bê-tông, nối dài ra tận biển, nơi mỗi tối cuối tuần người ta thường tổ chức những phiên chợ đêm vui nhộn. Do không phải mang vát nhiều hành lý, tôi và Nhã ung dung khoác ba-lô lên vai, trốn khỏi sự chèo kéo, mời chào, của những tay cò lái chuyên nghiệp, mời mua bán các loại sản phẩm sản xuất tại đia phương, hay khách sạn, nhà hàng, để sớm có mặt tại bãi đậu xe U- Oát. Một loại phương tiện leo trèo đèo dốc rát khỏe, thường thấy chở khách khu du lịch từ dưới xã Lát lên khám phá đỉnh Liang Biang trên phố núi Đà Lạt, nhưng xem ra cũng khá thích hợp cho việc di chuyển, khám phá tại đảo Bình Ba này.. .
Thoát khỏi đám đông, tôi đón xe điện chở thẳng tới khách sạn mà lần trước tôi từng ở, bởi rất thích cái ban công rộng rải, thoáng mát, dành cho mỗi đêm về, ngồi ngắm ghe thuyền qua lại hoặc thư giản bên tách cà phê dưới ánh trăng đêm, phủ vàng lên những chiếc thuyền đánh cá neo đậu im lìm trên vịnh biển bình yên. .
Sắp xếp xong chỗ ở, bọn tôi quay ra định thuê xe máy chạy một vòng quanh đảo, thăm làng Văn Hóa Bình Ba, ngôi chợ duy nhất có trên đảo, khám phá cuộc sống của người dân, nhưng vừa ra tới trước sảnh, tình cờ gặp nhóm thanh niên nam nữ thuê cùng khách sạn, rủ gia nhập nhóm để có đủ người thuê riêng một chiếc thuyền gỗ, chở đi thăm hò Rùa, Bãi Nhà Cũ, Bãi Bồ Đề . . . cuối cùng ghé nơi tập trung nuôi trồng thủy hải sản, ở làng bè Bình Ba . . .
Đang do dự, chưa biết ý Nhã thế nào, đã nghe thấy tiếng cô ấy vang lên:
- Đi chung với các bạn ấy cho vui đi anh, hơn nữa đi chơi biển càng đông người càng vui.
Nghe Nhã hưởng ứng, các bạn thanh niên nam nữ vỗ tay tán thưởng, khuyến khích tôi:
- Bạn anh đồng ý rồi kìa, chúng ta “triển” sớm thôi.
Ngay sau đó, cả nhóm hơn chục người mang theo đồ bơi kéo nhau đi ra cầu cảng, thuê nguyên chiếc thuyền gỗ chở đi các bãi tắm như đã thỏa thuận trước đó.
Ngồi cạnh tôi, Nhã dõi theo từng ngọn sóng nhấp nhô, những quần thể đá granit bị nước biển, nắng, gió, xâm thực, bào mòn, tạo nên những hình thù kỳ bí, những chiếc bè nuôi cá, những lồng nuôi tôm hùm, những con tàu đang lênh đênh trên vịnh biển.
Nhã thích thú kêu lên:
- Ôi! Biển ở đây xanh biếc và đẹp đến không ngờ.
Tôi hỏi cô:
- Biển ở đâu không xanh?
Nhã đáp:
- Đa số biển ở phía Bắc đều đục màu phù sa.
- Em biết tại sao không?
- Có phải do nằm gần các cửa sông?
Chưa kịp trả lời Nhã, cả bọn bỗng ồn ào, khi nhận ra người lái thuyền đang đưa mọi người tiến đến gần bãi Nhà Cũ. Nghe nói, trước đây du khách có thể đi xe điện đến trước cổng doanh trại bộ đội biên phòng, sau đó xuống xe đi bộ qua cổng hay đi qua khu vườn xoài, là xuống đến bãi tắm, nhưng thời gian gần đây do vấn đề an ninh quốc phòng, đường đi này đã bị cấm, muốn đến bãi Nhà Cũ chỉ còn cách thuê thuyền gỗ hoặc canô đi đến đây.
Khác với các bãi tắm khác, bãi Nhà Cũ là một trong những bãi tắm đẹp nhất trên đảo Bình Ba, nhờ có sóng nhẹ, nước biển trong vắt, có thể bơi lội, lặn ngắm san hô bằng mắt thường cực kỳ thích thú. Hơn thế, do bãi không đưa vào khai thác du lịch nên còn khá hoang sơ, nên.nhiều du khách khi đặt chân ra đến đây lần đầu, đều mang trong lòng cảm giác như được trở về sống gần gủi với thiên nhiên bình an, trong lành. Tiếc thay, thời gian gần đây do nhu câu du lịch Bình Ba phát triển mạnnh, ý thức giữ gìn vệ sinh kém, đã khiến cho những rạn san hô phong phú, mọc sát bờ, bị chết hàng loạt
Tàu đang lướt nhẹ trên sóng, bỗng dưng mọi người cảm thấy tàu hình như tàu đang chạy chậm lại, trước khi dừng hẳn lại ờ cách xa bờ một khoảng tương đối.
Có ai đó hỏi:
- Bác tài ơi, đã xảy ra việc gì sao?
Người tài công vừa thả neo tàu vừa thông báo:
- Xin lỗi, tàu chỉ có thể đưa các bạn tới đây, vì bên trong có nhiều đá ngầm, bạn nào thích vào bờ mà không sợ bị ướt quần áo, xin đi bằng tàu đáy kinh, còn ai dự tiệc coctail trên biển, thì ở lại trên thuyền chờ.
Người lái thuyền chưa kịp nói hết câu, đã thấy từ trong bờ vài chiếc thuyền đáy kính, đang trên đường chèo ra đón khách. Ai muốn vào bờ hoặc đi ngắm san hô đầy sắc màu cùng với các đàn cá tung tăng bơi lội dưới mặt nước, thì cứ 4 người lên ngồi một thuyền.
Tôi nhìn hỏi Nhã:
- Có chắc là em xuống biển dự tiệc cocktail không?
Có lẽ bị chạm tự ái do câu hỏi nơi tôi nên Nhã đáp::
- Sai lầm khi nghĩ dân miền núi không biết bơi à nha.
Tôi cười giã lã nói:
- Hay quá, có người đẹp bơi bên cạnh thì còn gì thú vị cho bằng, vậy em đi thay đồ bơi đi anh chờ.
Nghe lời tôi, Nhã đứng lên, mang ba-lô đi về phía cuối con thuyền, nơi có căn phòng tam dùng làm chỗ thay quần áo. Được.một lúc trở ra, thấy cô xuất hiện trong bộ trang phục áo tắm 2 mảnh màu cam, cực kỳ hấp dẩn bên làn da trắng muốt nuột nà, đủ khiến cho bao con mắt phải quay nhìn ngưỡng mộ.
Thấy cô bước tới cạnh, tôi vờ tròn mắt ngạc nhiên hỏi:
- Ai thế này?
Nhã cười thật xinh: hỏi:
- Bộ xấu lắm hả anh?
Tôi đáp:
- Mọi ánh mắt ghen tị đang đỏ dồn về phía em đã trả lời thay anh rồi.
Nhã nhìn tôi với cặp mắt có đuôi nói:
- Anh trêu em thì có.
Tôi đưa Nhã chiếc áo phao mặc vào, rồi cùng theo cầu thang bước xuống nước.
Bơi được một lúc, Nhã tiến đến gân tôi nói:
- Hình như nước biển ở đây mặn hơn bên Đồ Sơn?
Nghe nhận xét, tôi thử nếm qua một ít nước biển ở đây xem thế nào, nhưng không thể phân biệt được gì.
Thấy tôi cười cười, không có nhận xét gì, Nhã thắc mắc hỏi:
- Sao anh không trả lời em?
Để làm vui lòng người đẹp, tôi đáp::
- Anh thấy nước biển ở đây ngọt thì có..
- Lần đầu tiên em nghe có người khen nước biển ngọt là anh đó.
Tôi đùa:
- Chắc tại em xinh đẹp nên biển mặn hóa ngọt cũng nên.
Nhã kiêu hảnh nói:
- Ồ! Em đẹp “di truyền”, giờ mới biết đã muộn.
Để tránh sự tra hỏi thêm nơi Nhã, tôi rủ cô bơi đến bàn tiệc cocktail dã chiến, làm từ một tấm “môp” thả nối trên mặt nước, buộc một đầu vào con thuyền bằng một sợi dây thừng nhỏ. Bày ra trên mặt bàn, gồm một bình ccktail pha rượu Smirnoff pha với nước cam vàng, ai uống cứ lấy ly giấy để sẳn trên bàn, tự tay rót uống.
Thấy bọn tôi bơi đến gần bàn tiệc cocktail, mọi người có mặt quanh bàn rượu chào mừng, rót rượu mời chúng tôi cùng nâng ly chúc mừng:
- Dzô! Dzô!
Tiệc rượu cocktail kèo dài chùng mươi phút thì hết rượu, mọi người bảo nhau bơi vào bên trong, họp cùng nhóm bạn đi thuyền thúng vào bờ từ trước, kéo tới cồn đá chụp ảnh kỷ niêm chuyến đi. Không rõ, do ngấm rượu hay cố tình thể hiện tình cảm với tôi, nên Nhã đã bất ngờ ôm chầm lấy tôi, nói câu nói mà cô vẫn hay nói đùa, khi cả 2 đang từ dưới nước bước lên bờ:
- Em thật lòng cám ơn anh rât nhiều . . . tình yêu của người ta ơi!
Trước sự va chạm vô tình thân xác giữa nam và nữ, để lại nơi tôi cảm giác ngất ngây như thể đang có luồng điện vô hình nào đó, được truyền dẫn qua khắp cơ thể làm nóng bừng. Cầm lòng không đặng trước mùi hương tóc, mùi hương da thịt quyến rũ nơi con gái, tôi chợt ôm ghì lấy khuôn mặt khả aí, đặt lên đôi môi chin mọng nơi cô một nụ hôn cháy bòng
Vui chơi, chụp ảnh tại bãi Nhà Cũ chán chê, cả nhóm trở lên thuyề, để được tiếp tực chở tới bãi Bồ Đề.
Đây là bãi tăm nhỏ, tuy không rộng bằng nhiều bãi tắm thường thấy khác trên đảo, nhưng ngược lại, ngồi từ trên thuyền người ta có thể quan sát thấy bãi bên dưới, không chỉ đẹp, thơ mộng, hoang sơ, mà còn nằm khuất sau các dãy núi đá cao, nên sóng rất yên, bơi lặn thoải mái;; tuy nhiên, do trước đây là ngư trường nuôi trồng thủy sản, nên nước không được trong xanh màu ngọc bích như ở bãi Nhà Cũ, mà chuyển sang diệp lục, bởi ngoài san hô ra cón có nhiều sinh vật có lợi phát triển ở bên dưới.
Thấy không ai mặn mà gì với bãi Bồ Đề, bởi trước đó ai nấy vừa vui chơi, tắm biển, lặn ngắm san hô mệt nhoài ở bãi Nhà Cũ rồi, nên người tài công lặng lẽ lái thuyền di chuyển tiếp đến bãi Rùa hay còn gọi là hòn Con Rùa. Sở dĩ, gọi bãi này với tên gọi như thế, vì từ trung tâm đảo đi đường bộ ra đến đây, đứng từ trên cao nhìn xuống thung lũng, bãi tắm trông chẳng khác gì một chú rùa đang trườn mình ra biển.
Hiện nay, để xuống được bãi Rùa, du khách buột phải thuê thuyền gỗ hay đi canô ra đây, bởi con đường từ trên đỉnh núi đi xuống dưới thung lũng, thảng đứng, trơn tuột, dễ xảy ra tai nạn, nhất là vào mùa mưa, bởi nước từ trên cao chảy xối xả qua các triền núi, tạo ra mối nguy hiểm cho bất kỳ ai; hơn nữa, quanh khu vực này còn có sự hiện diện căn cứ quân sự, nên việc đi lại bị hạn chế.
Đến lúc này, mọi người cảm thấy vừa đói vừa khát, bèn yêu câu tài công chở tới làng bè, nơi tập trung nuôi trồng các loại thủy hải sản, đặc biệt là tôm hùm, nghỉ ngơi, khám phá qui trình nuôi tôm, sau đó thưởng thức các món ăn nổi tiếng trên đảo Bình Ba.
Lợi dụng lúc mọi người mải mê đi dạo chơi ở các bè nuôi trồng thủy hải sản, tôi và Nhã cố đeo bám sát theo anh chủ bè trẻ, cố tình làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi về loại tôm hùm xanh nổi tiếng ở Bình Ba. Không ngờ, chiêu mỹ nhân kế vốn xưa như trái đất, mang ra áp dụng với anh chủ bè vẫn còn nguyên giá trị cuộc chơi. Thế là, nhờ có sự “ngây thơ vô số tội” của Nhã, đã khiến anh chủ nhà bè hào hứng kể lại rành rọt qui trình nuôi trồng thủy hải sản đa dạng như: nghêu, sò, tai, ốc, các loài cá . . . đặc biệt loại tôm hùm bông xanh hay tôm hùm sao nổi tiếng bậc nhất ở Bình Ba..
Nhã hỏi:
- Lý do vì sao ở đây người ta chỉ chọn nuôi loại tôm hùm bông xanh?
Người chủ bè giải thích:
- Do con tôm hùm xanh có kích thước lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, lại có thể nuôi với mật độ dày, thương lái ưa chuộng vì dễ xuất khẩu.
- Có cả thảy bao nhiêu loại tôm hùm ở đây?
- Trên thế giới có 11 loài tôm hùm được công nhận, riêng tại vùng biển nước ta từ Phú Yên vào tới Bình Thuận có 7 loài: tôm hùm bông, đá, đỏ, ma, vằn, mốc, sỏi.
- Nuôi tôm hùm có kh lăm không?
- Khâu quan trọng nhất là chọn địa điểm đặt lồng nuôi, vì tôm cần độ nước mặn cao, nguồn nước sach, nơi kín gió, có độ sâu phù hợp, gần nguồn giống, gần nguồn thức ăn, thuận tiện giao thông. . .
- Tôm giống mua từ đâu?
- Tôm giống ban đầu nhỏ như cây tăm, thường sống tự nhiên trong các hang đá, rạn san hô sâu dưới vài mét nước, khi phát hiện ra nó người thợ lặn dùng kỷ thuật của mình để dụ nó ra khỏi hang bắt lấy; tuy nhiên, việc lặn bắt tôm giống hiện nay không còn phổ biến, mà thay thế bằng lưới có mắt thật nhỏ, trước đó tạo cho rong bám đầy, sau mới quây lưới quanh vùng tôm thường xuất hiện để chúng bám vào. Cách thứ hai là ban đêm, chong đèn néon dụ cho tôm theo ánh sáng tìm kiếm thức ăn mà bị mắc vào lưới.
- Thức ăn của chúng gồm những gì?
- Tôm hùm vốn là động vật ăn tạp cho nên trong thiên nhiên thức ăn của chúng gồm có các thực vật như rong rêu, những loài giáp sát nhỏ, cá, tôm, cua, ghẹ . . .
- Còn tôm nuôi trong các lồng bè thì sao?
- Khâu chuẩn bị thức ăn tương đối phức tạp, còn việc cho ăn không khó lắm.
- Nguồn thức ăn tự mình chế biến hay mua ở đâu?
- Thức ăn thường do người nuôi tự tay chế biến, chủ yếu gồm các loại cá nhỏ, cua nhỏ, sò nhỏ. Hơn nữa, trong giai đoạn tôm còn nhỏ thức ăn phải được sơ chế, rửa sạch và cắt nhỏ.
- Thời gian bao lâu mới cho tôm hùm ăn?
- Trong giai đoạn phát triển tôm cần một lượng dinh dưỡng rất lớn. Do vậy thời gian và khối lượng thức ăn dành cho tôm hùm khoảng 3 lân một ngày, nhất là vào sáng sớm và chiều tối, đồng thời sau khi ăn 1-2 giờ người ta phải vớt thức ăn thừa nếu còn.
- Cho ăn bằng cách nào?
- Các chủ lồng nuôi chở các bao thức ăn chế sẵn tới thả xuống các mặt lồng nuôi của mình trước, sau đó các tay thợ lặn chuyên nghiệp sẽ lăn xuống mở cửa lồng, làm vệ sinh sơ qua, rồi trải thức ăn ra trên sàn lồng cho tôm ăn.
- Em thấy người ta hay bán vỏ những con tôm hùm, vậy làm cách nào để lấy được chúng?
- Tôm hùm sinh trưởng nhờ thường xuyên lột xác, người ta chỉ cần nhặt những chiếc vỏ cứng về trang trí thêm chút đỉnh là có sản phẩm bán cho du khách mua về làm kỷ niệm..
Nghe kể chuyện tôm hùm tới đây, làm tôi sực nhớ lần được bạn bè rủ ra Phú Yên chơi, giữa đường ghé cảng Vũng Rô, thưởng thức món tôm hùm nướng bơ tỏi, được chế biến công phu, vừa dai vừa ngọt ngon, khiến ai nấy cảm thấy không thể nào quên được hương vị rất riêng của nó, đã thế còn được uống rượu pha với huyết tôm hùm nũa mới lạ..
Nhân cơ hội này, tôi mang câu chuyện nghe được, nửa hư nửa thật về món “tiết canh tôm hùm” ra hỏi người chủ bè:
- Nghe nói ở Bình Ba có cách chế biến món tiết canh tôm hùm rấtư là lợi hại phải không anh?
Người chủ bè giải thích:
- Nói chung, ở đâu có nuôi tôm hùm là ở đó có cách chế biến riêng của mỗi vùng miền, chứ không riêng gì món “ tiết canh Bình Ba”.
- Anh có thể chỉ cho bọn này cách chế biến món “nhậu” độc đáo đó không?
Hơi do dự, suy nghĩ, trong chốc lát, nhưng sau cùng khi nghe Nhã năn n mải, anh chủ bè tiết lộ:
- Để làm món tiết canh tôm hùm, trước tiên luộc một ít tôm sú, rồi bóc lấy thịt, băm nhỏ, trộn đều gia vi gồm tiêu, bột ngọt, húng quế, bạc hà, ngò rí, băm nhuyễn, nhớ không cho muối vì tôm biển đã mặn . . . sau đó, mang tất cả cho ra một cái dĩa sâu, rồi dùng dụng cụ lấy tiết hay một con dao Thái có đầu nhọn, chích nhẹ vào chỗ tiếp giáp giữa đầu và bụng mặt dưới con tôm hùm, lấy từ đó ra một lượng tiết vừa đủ so với số nhân có trong dĩa. Sau cùng, đợi 3-5 phút cho tiết có màu ngà-xanh-trong, kế đó mang đi hấp trong 5 phút là có thể dọn ra thưởng thức chung với rau thơm, đậu phọng đâm nhỏ, bỏ vài miếng ớ, vắt thêm chanh tùy ý.
Nghe đến đây Nhã chợt thốt lên:
- Woa! Đây mới chính là món đặc sản độc đáo nè.
Buổi phỏng vấn giữa chủ bè và bọn tôi đến đây tạm thời dừng lại, bởi bữa ăn đã được dọn ra ngay giũa bè, gồm các món hải sản tươi rói như tôm, cá, mực, do chính tay các bạn trong nhóm bắt lên từ những lồng nuôi trên bè
Bữa ăn đã diễn ra thật sự vui nhộn, kể từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc, để lai nhiều ấn tượng đẹp khó quên qua việc tự tay chế biến, nấu nướng, hát hò, ăn uống, kéo dài cho tới tận xế trưa.
Tối đến, thay vì đi ra khu chợ đêm ở ngoài cầu cảng, tham dự các cuộc vui chơi, ăn uống, hát hò, tôi và Nhã trốn ra ngồi ở ban-công phía trước khách sạn, uống cà phê, ăn thức nhẹ; đồng thời, ngồi ngắm những chiếc thuyền về đậu trên vinh biển cho tới khuya, rồi mạnh ai đi về phòng nấy ngủ sớm, để sáng mai còn đi ngắm bình minh ỡ bãi Chướng.
Sáng ra, sau một đêm ngủ vùi trong mệt mỏi, chưa tới 5 giờ tôi bị đánh thức bởi nhiều tiếng gõ cửa, gọi nhau nhau í ới từ các phòng bên, rủ nhau đi bộ ra bãi Chướng xem bình minh sớm nhất trên biển Đông. Điều này đúng hay sai, tôi chưa thể khẳng định, bởi qua chuyến đi khám phá Tuy Hòa lần trước, tôi nghe nói Mũi Điện mới là nơi đón mặt trời sớm nhất ở cực Đông tổ quốc?
Không thể ngủ nướng thêm được nữa, tôi ngồi dậy định đi sang phòng Nhã gọi cô, nhưng khi vừa mở cửa phòng, tôi đã thấy bóng cô xuất hiện ở đó từ khi nào rồi.
Vừa nhìn thấy tôi Nhã cười thật tươi chào:
- Chúc anh ngày mới vui vẻ.
Tôi vừa cám ơn vừa hỏi:
- Tối ngủ ngon không em?
- Tuyệt vời anh ạ.
Từ khách sạn bước ra, tôi và Nhã đi dưới ánh trăng non treo trên đầu, qua suốt chặng đường nằm dọc ven biển, tới trước một ngã ba, phân vân chưa biết đi đường nào ra khu bãi Chướng, thời may gặp được chị phụ nữ đang trên đường đi ra chợ sớm, Nhã hởi thăm:
- Chị làm ơn chỉ giúp em đường nào đi ra Bãi Chướng?
Chị phụ nữ thân thiện chỉ tay về phía con đường trước mặt nói:
- Đường nằm phía bên trái đi lên lô cốt xưa hay còn gọi “Lầu Ông Hoàng Bình Ba”; ngược lại, đường bên phải chính là đường dẫn ra Bãi Chướng.
- Còn xa không chị?
- Chừng cây số thôi.
- Cám ơn chị.
Rẽ theo sự chỉ dẫn của chị phụ nữ, bọn tôi tiếp tục đi dọc theo con đường bê-tông, với một bên là núi một bên là rừng, hít thở bầu không khí trong lành nơi buổi sáng sớm, cảm nhận được sự sảng khoái vô cùng.
Đi sát vào tôi Nhã hỏi:
- Anh đã bao giờ đi trong đêm như thế này chưa?
Tôi đáp:
- Lần ra Phú Quốc cùng nhóm bạn đi tắm biển sớm.
- Ở đó cũng có rừng núi ư?
- Nhiều.
Bất chợt, từ trong gió đưa tới mũi tôi hương vị biển ngai ngái, mằn mặn, của biển đọng lại trên môi, kịp khi nhìn lại, mới hay bãi Chướng đang hiện ra mờ ảo sau một khúc quanh.
Tôi nói với Nhã:
- Sắp tới biển rồi em.
Nhã ngạc nhiên hỏi tôi:
- Sao anh biết?
- Bởi anh vừa ngửi thấy mùi biển đang ở rất gần.
Thật vậy, đi thêm một đoạn ngắn nữa, bọn tôi gặp ngay Bãi Chướng yên bình, hiện ra bên làn sương khói mờ ảo. Được biết, Bãi Chướng nằm ở phía Đông đảo Bình Ba, giới han 2 đầu bởi những bãi đá khổng lồ nhô ra biển, ôm lấy bãi tắm hình vòng cung, mịn màng, nằm xen lẫn giữa vô số sỏi đá cùng xác san hô đã chết trải dài cùng những dây rau muốn biển bao phủ gần hết khoảng sân rộng bao la. Theo người dân đia phương, bãi Chướng chỉ thích hợp cho việc dựng lều căm trai, ngắm bình minh, chụp ảnh kỷ niệm, chứ không tắm vì dưới mặt nước có rất nhiều đá ngầm.
Để đi xuống bãi biển nằm dưới mặt đường một khoảng khá sâu, bọn tôi dò dẫm đặt từng bước chân lên các bậc thang làm bằng đá chẻ, đi lần xuống bãi cát bên dưới, nơi đang có vài nhóm bạn trẻ, lom khom đi nhặt từng chiếc vỏ ốc hay những con sao biển mắc kẹt trong hốc đá, mang về làm kỷ vật. Riêng bọn tôi, đi tìm cho riêng minh một chỗ ngồi cao nhất trên một mỏm đá, chờ xem bình minh mọc lên từ phía biển.
Và. Liền ngay sau đó, từ nơi giao nhau giữa trời và biển, chợt xuất hiện một quầng sáng, mới đầu nhỏ bằng một quả bóng bàn, sau lớn nhanh thành quả cầu lửa chói lòa, treo lơ lửng trên mặt nước. Không ai bảo ai, tất cả mọi hoạt động trên biển đều được dừng lại, nhường chỗ cho sự thay đổi ngoạn mục nơi thiên nhiên, bằng việc chứng kiến một ngày mới đang bắt đầu.
Tận dụng khoảnh khắc tuyệt vời có một trong không hai trong ngày, các tay săn ảnh chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư, ai có phương tiện gì dùng phương tiện nấy, cố thu vào ống kính của mình hình ảnh buổi bình minh đẹp nhất trên bãi Chướng. Dĩ nhiên, tôi cũng không ngoại lệ, sử dụng ngay chiếc máy ảnh du lịch, chụp cho Nhã những bức ảnh mang chủ đề “bình minh trên Bãi Chướng” tặng cô thay cho món quà kỷ niệm của chuyến đi..
Ngồi ngắm nhìn biển thêm một lúc, tôi nói với Nhã:
- Mình quay về cầu cảng ăn sáng, sau đó tiện đường khám phá Bãi Nồm, nơi mà dân địa phương hay bất kỳ tour du lịch nào ghé Bình Ba cũng đều đưa khách đến tắm biển, lặn ngắm san hô cùng với vui chơi.
Nghe noi thế Nhã vui ra mặt hỏi:
- Mình có cần ghé qua khách sạn lấy đồ bơi không anh?
Tôi đáp:
- Tùy, nếu em đủ sức thì ghé ngang khách sạn lấy đồ đi bơi, còn nếu như đã đuối như trái chuối thì, chỉ cần ngồi trên bờ ăn uống, xem mọi người bơi lặn cũng đủ thú vị lắm rồi.
Nhã quyết định:
- Vậy mình đi luôn ra cầu cảng ăn sáng khỏi ghé về khách sạn nữa.
Tôi nói đùa với Nhã:
- Chấp nhận làm trái chuối thật hả?
Nhã nguýt tôi:
- Em để dành sức còn lết về tới nhà nữa chứ anh.
Đang định tìm xe quay về cầu cảng, bất chợt nhìn thấy anh tài xế xe điên đậu gần đó, bước tới mời chào:
- Anh chị về bến không, xe em còn thiếu vài chỗ, nhưng sẽ khởi hành ngay nếu có thêm anh chị?
Dĩ nhiên tôi và Nhã đồng ý lên xe ngay để sớm di chuyển về cầu cảng, nếu không muốn chờ đợi lâu hơn.
Ngồi chưa kịp nóng chỗ, xe đưa mọi người về tới bến cảng lúc nào không hay, chừng nhìn lại thấy những chiếc xep U- Oát xếp hàng chờ đón du khách từ đất liền sang, mọi người mới kịp òa vỡ bên sự ngạc nhiên. Liếc nhìn đồng hồ đeo tay, thấy chưa tới 5 giờ, mà nắng trên đảo cứ như 7 giờ sáng ở trong đất liền không bằng.
Tận dụng lúc trời còn sớm, tôi đưa Nhã đi dạo một vòng nơi được gọi là chơ cá, nhưng thực chất giống một cái chợ chồm hổm hay tự phát, chuyên bán một số mặt hàng thủy hải sản thì đúng hơn.
Lần lượt, bọn tôi đi lướt qua các nơi được bày bán nhỏ lẻ các mặt hàng hải sản trên các tấm ni-lông trải dưới mặt đường hoặc cùng lắm đựng trong những chiếc khay, chiếc rổ nhựa, thùng mốp xơ xài, còn phần lớn các chị phụ nữ được thuê mướn, ngồi phân loại, chế biến, thức ăn cho hơn 8000 lồng bè nuôi tôm hùm trên vịnh. Bằng chứng là, ở phía trước cũng như 2 bêncây cầu cảng cũ, đâu đâu bọn tôi cũng thấy người ta chất đầy những bao ốc, bao tôm, cua, cá nhỏ . . . chờ mang xuống thuyền, chở ra phân phối cho các lồng bè nuôi hải sản, đặc biệt là nuôi tôm hùm trên vịnh biển. Tình cờ, từ chỗ đứng trước bến canô của đảo, tôi vừa phát hiện bên dãy nhà đối diên, có một cái quán cà phê tương đối đông khách, bèn nắm lây tay Nhã, dắt sang đường, ghé đến quán đó, uống cà phê và ăn sáng.
Nhác trông thấy bọn tôi có ý muốn ngồi vào chiếc bàn trống gần đường, một trong số những vị khách lịch sự kéo ghế, nhường đường cho tôi vào Nhã bước qua.
Vừa đi vào bàn bọn tôi vừa cúi đầu chào lại họ:
- Cám ơn mấy chú.
Một trong số những vị khách lên tiếng hỏi:
- Các bạn ra đảo lâu mau?
Nhã nhanh nhẹn trả lời thay tôi:
- Dạ! Từ sáng sớm hôm qua.
- Đã đi nhiều nơi chưa?
- Chưa đâu ạ.
- Thấy đảo ở đây thế nào?
- Thích lắm.
- Sáng nay các bạn dư đinh đi những đâu?
- Nghe nói gần đây có Bãi Nồm.
Người đàn ông vui vẻ chỉ dẫn:
- Đi hết đường này tới cuối chợ, nhìn bên trái thấy cổng chào “Làng Văn Hóa Bình Ba” rẽ vào, từ đó đi bộ dọc theo 2 bên khu dân cư khoảng 10 phút, ra tới Bãi Nồm.
- Xin lỗi! Mấy chú là người sinh sống tại địa phương này?
Một vị lớn tuổi khác cười hỏi:
- Dựa vào đâu mà cô đoán vậy?
- Chẳng phải lúc nảy, khi vừa mới đặt chân đến đây, bọn cháu nghe loáng thoáng các chú than thở chuyện làm ăn sao sao đó chứ?
Có ai trong số họ lên tiếng khen:
- Chà! Hai người thính tai thật.
Nhã tỏ ra quan tâm hỏi:
- Có thể cho bọn cháu biết chuyện làm ăn ra sao đểcòn chia sẻ được không ạ?
Ai đó than thở:
- Số là năm nay nguời dân Bình Ba làm ăn bết bát quá, không lẻ “gác lồng” một thời gian, chứ cái đà thua lỗ này kéo dài, chẳng còn ai muốn làm ăn gì, ngoại trừ các hộ có nhiều vốn mới cầm cự nổi.
Nhã thắc mắc hỏi:
- Gác lồng nghĩa là gì ạ?
- Nghĩa là ngồi chơi xơi nước, không nuôi tôm hùm nữa, là kéo lồng lên bè để đó nhìn.
- Nghỉ thì cứ nghỉ sao không để lồng luôn dưới biển, mà kéo lên bè làm gì vừa mất công vừa chật chỗ?
Người đàn ông cười giải thích:
- Để lồng dưới biển chỉ gây thêm khó khăn, bởi mỗi ngày người ta phải đi kiểm tra, làm vệ sinh, ngăn không cho những con sò, con ốc, con hàu đeo bám vào lồng, làm mục nát lưới, rỉ sét khung sườn . . .
- Còn lý do vì sao phải tạm gác lồng?
- Do mưa bão, dịch bệnh, giá tôm giống, giá nguyên liệu tăng cao, trong khi giá thu mua lại hạ, xuất khẩu không được . . .
- Vậy mà cháu cứ tưởng việc nuôi trổng thủy hải sản trên bè nhàn nhã, không có vấn đề gì?
- Tục ngữ có câu “có sống trong chăn mới biết chăn có rận” là vậy.
Ăn uống xong, bọn tôi chào tạm biệt các cư dân hiếu khách, trước khi lên đường tìm đến Bãi Nồm.
Nhờ sự chỉ dẫn nhiệt tình của các vị khách ngồi ở quán cà phê trên bén cảng, tôi và Nhã đã mau chóng tìm thấy cái Cổng Làng Văn Hóa Bình Ba không mây khó khăn. Vậy mà, lúc mới nghe nhắc đên hai chữ cổng làng, tôi cứ đinh ninh nghĩ trong đầu, đó phải là một chiếc cổng uy nghi, xưa cổ, xung quanh mọc đầy những cây đề cây đa cổ thụ hay ít lắm cũng là những hàng cau đứng soi bóng. Nào ngờ, khi đứng đối diện trước cổng làng Bình Ba điệu, không hơn gì một cái cổng chào bình thường khiến tôi cảm thấy thất vọng.
Bước đi dưới cổng, bọn tôi đặt chân lên con đường đã được bê tông hóa, rộng vừa đủ cho vài người đi cùng một hai chiếc xe máy tránh nhau. Con đường tuy nhỏ nhưng nằm giữa 2 dãy phố buôn bán tấp nập; đặc biệt, còn có sự hiện diện của một ngôi chợ, nghe nói là ngôi chợ duy nhất trên đảo. Tò mò, tôi cùng Nhã đi một vòng quanh chợ, hy vọng tìm thấy một vài mặt hàng sản xuất tại địa phương, mua về làm quà trong đất liền, nhưng đi tìm mải chỉ thấy nào là những đồ dùng bằng nhựa, các loại nước chấm, các loại gia vị, quần áo, giày dép . . . đều mang từ trong đất liền ra, còn hầu hết là các hàng ăn, bún bò, hủ tíu, bún chả cá, bánh canh, bánh căn, bánh xèo, chè, cháo . . . .
Tôi hỏi Nhã:
- Ăn gì không em?
Nhã đưa tay đè bụng, le lưỡi, lắc đầu, nói:
- Vừa mới ăn sáng xong, bụng dạ đâu mà nhét thêm thứ gì được nữa anh.
Rời khu chợ, bọn tội tiếp tục đi dọc bên dãy phố đông người mua bán, qua lại, để rồi sau cùng cũng ra được tới biển, nơi tọa lạc bãi biển lý tưởng mang tên bãi Nồm. Một bãi tắm có cảnh quan thiện nhiên kỳ thú, bao bọc bởi 2 dãy núi đá chắn ở 2 đầu, ôm lấy bãi cát trắng tinh, mịn màng, quanh năm sóng êm, nước trong vắt; tuy nhiên, nhược điểm là nhiều đá ngầm bên dưới mặt nước, nên có lưu ý khi bơi lặn ở đây cần phải cẩn thận. Thêm vào đó lại có tin, từ 4 giờ chiều trở đi, khi buổi chiều vừa tắt nắng, khách du lịch cùng với người dân đia phương từ các nơi trên đảo đổ về đây rất đông, tắm biển, lặn ngắm san hô, chơi các trò chơi cảm giác mạnh, ăn uống, ca hát, cho tới tận khuya mới ra về.
Để tìm hiểu thêm về bãi Nồm, tôi cùng Nhã dạo qua các điểm bán hải sàn, nơi tập trung buôn bán các loại cua - ghẹ - tôm - cá, nhiều nhất vẫn là tôm hùm các loại. Bởi đảo Bình Ba được mệnh danh là Vương Quốc Tôm Hùm, do có hàng trăm nhà bè chuyên nuôi các loại tôm hùm, vì đây chính là phương tiện sinh sống của nhiều hộ gia đình sống trên đảo. Ngoài việc buôn bán hải sản như đã thấy, bọn tôi còn chứng kiến hàng loạt nhà hàng, khách sạn, đang trong quá trình hoàn thiện, sẽ sớm đưa vào sử dụng trong nay mai.
Tạm dừng chân nghỉ ngơi trong giây lát, bọn tôi có dịp nhìn xuống bãi biển bên dưới, bắt gặp đây đó hình ảnh những đôi tình nhân tay trong tay đi dạo chơi hoặc nằm ngỉ ngơi, tận hưởng không khí trong lành nơi biển cả, trên những chiếc ghế tựa lưng đặt dưới những tán dù màu sắc, trông thật thơ mộng và lãng man.
Không thể kềm chế được mình, trước những hình ảnh cực kỳ dễ thương, hiện ra trước mắt. Nhã thích thú kêu lên:
- Ôi! Thích quá đi mất, đứng trước một bãi biển không chỉ hoang sơ, cát trăng mịn màng, nước biển trong vắt, mà còn có thể nhìn thấy tận mắt những rạn san hô cùng những bày cá bơi lôi tung tăng dưới mặt nước, quả không thua gì nếu mang ra so với quần đảo nổi tiếng Maldives ở Nam Á.
Tôi cười hỏi Nhã:
- Liệu sự so sánh của em có khập khiểng hay không?
Nhã không phản đối nói:
- Mình nên có một chút tự ái dân tộc chứ hi hi.
- Vây bây giờ em có muốn xuống dưới đi dạo một lát không?
Nhã vui vẻ đáp:
- Dĩ nhiên là thích quá đi chứ.
Cởi bỏ giày dép đang mang ra cầm tay, tôi cùng Nhã đi chân trần dạo chơi quanh các hòn đá nằm rải rác trên mặt nước, trước khi quay sang khu du lịch xậy dựng bài bản, mới đưa vào khai thách cách đây chưa lâu, đặt chân lên những lối đi lót bằng tre, bắc từ hòn đá này sang hòn đá khác, đôi lúc phải khom lưng chui qua các khe đá, để ra đứng đối diện với mặt biển. Ôi! Một lối đi không chỉ thơ mộng mà còn rất tình tứ, lãng mạn, khiến Nhã cảm thấy thích thú nữa.
Vừa khoác tay đi bên tôi Nhã vừa khen rối rít:
- Đây là lần đầu tiên em đặt chân lên con đường lát toàn bằng tre, bắc qua các mỏm đá, đi lắc lư sát trên mặt biên.
- Chắc phải hồi hộp và sợ hải lắm?
- Trái lại còn rất thích thú.
Quạy lại chỗ nghỉ chân cạnh bao lơn nhìn ra biển, tôi chọn hai chiếc ghế bố nằm ngã lưng bên Nhã, đồng thời gọi nhà hàng mang nước tới uống.
Tôi hỏi Nhã:
- Ăn gì thêm không em?
Cô đáp:
- Em chỉ cần ly nước ép và ít bánh ngọt là đủ rồi anh.
Vừa uống nước, ăn bánh, bọn tôi vừa dõi theo một số khách du lịch, đi xuống bãi tắm riêng của khu du lịch, tắm biển và lặn ngắm san hô.
Được một lát, tôi nghe Nhã quay sang hỏi:
- Sau khi ngồi chơi ở đây mình còn đi đâu nữa không anh?
Tôi đáp:
- Có lẽ chuyến đi hôm nay nên kết thúc ở đây là vừa em thấy sao?
Nhã vui vẻ đồng ý nói:
- Em cũng thấy vậy.
Ngồi xem du khách cưỡi thuyền chuối, lái mô tô nước, ngắm thiết kế độc lạ nơi khu nhà nghỉ được xây dựng đơn giản chỉ bằng những vật liệu rẻ tiền như, mây, tre, lá, nằm cheo leo bên những vách đá thêm một lát, tôi và Nhã mới đứng lên quay về khách sạn trả phồng. Sau đó trở ra cầu cảng ăn trưa, rồi mua vé ca - nô trở về đất liền.
Xin chào tạm biệt Thiên Đường Biển Đảo Bình Ba, Vương Quốc Tôm Hùm, nơi đã lưu lại trong tôi và Nhã những kỷ niệm đẹp khó quên, trong chuyến đi thăm biển đảo cũng như được thưởng thức các món ăn hải sản tươi ngon; đặc biêt, là món tôm hùm xanh được xếp vào hàng quí tộc nữa ./.
MINH NGUYỄN
(*) Người nước ngoài kể cả Việt kiều không được phép đi ra đảo Bình Ba.
(**) Thực chất là một lô cốt cũ.