Trao về: Bác sĩ Phạm Gia Cổn
Cứ như thông lệ hằng năm, ba anh em chúng tôi vẫn tiếp tục, luân phiên, tổ chức những buổi họp mặt dành riêng cho gia đình. Vì tình trạng nhân số mỗi ngày mỗi gia tăng theo nhịp đập của thời gian. Vì tuổi đời càng ngày càng chồng chất, nên mỗi năm, chúng tôi chỉ tổ chức được có một lần, vào đúng ngay dịp Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc.
Sở dĩ năm nào chúng tôi cũng tổ chức như vậy, là muốn cho con cháu có cơ hội ngồi lại với nhau, trong không khí truyền cảm, ấm áp của gia đình, hầu tạm quên đi được phần nào nỗi đắng cay, phiền muộn, chua chát váng lên trong cuộc sống. Đồng thời ôn lại số thành tựu đáng kể mà họ đã gặt hái được trong mấy năm về trước. Những thử thách cùng nỗi cam go, chịu đựng trong đời sống bấp bênh hiện nay. Những kinh nghiệm quí giá, liên quan đến việc học hành của con cái, cùng nỗi lo lắng, dằn vặt về quê hương nghìn trùng cách trở. Điều quan trọng hơn hết, là làm thế nào cho con cháu có khái niệm về tổ tiên, về cội nguồn, về giải giang sơn gấm vóc chạy dài từ ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mâu. Khái niệm về dân tộc. Về cội nguồn cùng các đấng sinh thành cùng những người đã khuất mặt, ra đi, từ giã khỏi chốn phù du, tạm bợ, trần gian này.
Cách đây cũng khá lâu, trong bữa tiệc đầu năm, được tổ chức ở tại nhà tôi. Có thể nói, đấy là một năm đầy đủ và trọn vẹn nhất kể từ trước cho đến bấy giờ. Trong thời gian chờ đợi, lũ thanh niên liền tụ tập, kháo nhau ở đằng sau nhà. Chủ yếu là để hút thuốc. Để chuyện vãn với nhau, rườm rà hết chuyện này rồi sang đến chuyện khác! Nào là chuyện làm ăn. Chuyện công việc ở sở làm. Nạn thất nghiệp, để rồi dẫn đến các vụ cướp bóc. Những vụ xả súng bừa bãi vào các trường học cũng như tại mấy nơi công cộng. Cuối cùng, đề tài được chuyển sang lãnh vực thể thao, chuyện cá độ, liên quan đến trận football sôi nổi, gay cấn chiều nay. Vừa thoáng trông thấy tôi từ ở trong nhà bước ra, chúng nó liền chạy lại, vồn vã, tíu tít hỏi thăm về sức khỏe. Về tin tức sốt dẻo ở quê nhà. Thậm chí, có đứa còn nhanh nhẩu, lấy thuốc từ ở trong túi áo, rút ra để mời tôi:
“Tết nhất! Chú phá lệ, hút với chúng cháu một điếu cho vui, xem bước sang năm mới này có khấm khá, sáng sủa gì không! Chứ cứ y như năm cũ thì quả thật là quá tệ.”
Tôi liền gạt tay chúng nó sang một bên:
“Chú đã nói, bỏ là bỏ. Dứt khoát là không khi nào đụng tới thuốc men nữa! Cho dù chỉ là một điếu đi chăng nữa!”
Chúng nó liền khựng lại. Lát sau, thằng cháu nhỏ tuổi nhất ở trong đám mới nhỏ nhẹ lên tiếng:
“ Ở đây chú có nghe ai nói đến ông bác sĩ Cổn không chú!”
Tôi đáp chẳng cần suy nghĩ:
“Chú không biết! Chú chưa hề nghe nói đến tiếng tăm của ông này bao giờ! Mà cái gì Cổn thì mới được chứ!”
“Lạ thật! Cháu cứ tưởng chú biết ông ấy chứ. Phần đông ở đây, ai nấy cũng đều biết đến ba chữ Phạm gia Cổn.”
Tôi chậm rãi giải thích:
“Từ ngày sang định cư ở bên đây, vì hoàn cảnh eo hẹp, chú chỉ biết chúi đầu vào công việc, chứ đâu có thì giờ để giao du với bạn bè, với bằng hữu! Quanh đi, quẩn lại, cũng chỉ có vài người bạn thân thiết, tới lui với nhau kể từ ngày ấy cho đến bây giờ. Chú lại ít khi lai vãng, la cà tới các quán xá, hoặc bén mảng đến mấy tiệm cà phê ở trong vùng. Hơn nữa, trong mấy năm gần đây, gia đình chú đã xẩy ra biết bao nhiêu chuyện đau buồn, phiền não. Từ sự ra đi đột ngột của người bố. Tiếp đến, người em ruột cũng đành phải xuôi tay, nhắm mắt, đầu hàng trước căn bệnh ung thư ngặt nghèo, quái ác. Trải qua những mất mát lớn lao, to tát đó, tự nhiên chú cảm thấy chới với, hụt hẫng giữa đời sống thê lương, bấp bênh, nhạt nhẽo này. Vì thế, chú trở nên ít nói, ít đi lại, đồng thời đóng khung, khép kín cuộc sống nội tâm của chính mình. Cứ theo như lời của cháu, thì hình như cháu có quen biết với ông bác sĩ này thì phải!”
“Cháu hoàn toàn không biết mảy may tí gì về ông ta! Đấy là chuyện của thằng bạn cháu. Nó chơi thân với cháu từ hồi còn đi học ở Việt Nam. Nó chơi đàn rất giỏi. Nó là tay guitar trong ban nhạc Star Band của ông Cổn. Ban nhạc chuyên môn đi chơi free cho các hội đoàn. Mà chơi free thì như chú cũng đã biết, đâu có tiền bạc gì! Kể ra thì lâu lâu cũng có, chứ chẳng phải là không! Tuy nhiên mình cũng phải hiểu ngầm rằng: Đấy chỉ là tượng trưng mà thôi. Chính vì thế! Ông Cổn phải bỏ tiền túi ra để trang trải phần nào cho các thành viên ở trong ban nhạc. Nó tỏ ra rất nể phục ông ta. Hễ có ai đề cập đến ông Cổn, thì y như rằng, thể nào nó cũng lên tiếng, khen nức, khen nở rồi mới thôi. Nó vẫn thường hay tâm sự với cháu: Ông Cổn là người đầu tiên mà nó gặp ở trong đời. Nó bảo, ông ta là người chịu chơi hết mình. Là mẫu người bặt thiệp, đứng đắn, và lúc nào cũng tỏ ra hòa nhã, vui vẻ với tất cả mọi người ở chung quanh.”
Tôi lưỡng lự suy nghĩ trong giây lát rồi mới chợt nhớ ra. Cách đây vài hôm, tôi có người bạn thân gọi sang từ tiểu bang New Jersey. Đại khái là để hỏi thăm về sức khỏe, đồng thời kèm theo mấy lời chúc Tết dành riêng cho gia đình. Trong khi trò chuyện, anh ta có hỏi tôi:
“Ở bên đấy, anh có biết ông nào là ông Cổn không anh! Ông ta nguyên là bác sĩ trước đây ở miền Nam.”
Tôi bóp trán ra chiều suy nghĩ rồi thành thật trả lời:
“Tôi hoàn toàn không biết! Có chuyện gì không anh! Nếu cần, tôi sẽ hỏi dùm cho anh. Ông ấy trạc độ bao nhiêu! Trước kia làm ở đâu! Bệnh viện nào!”
“Ông ta nguyên là bác sĩ quân y thuộc binh chủng Nhảy Dù.”
“Thế anh có quen với ông ấy à!”
“Tôi nào đâu có biết! Số là tôi có người quen ở bên đây. Ông này năm nay cũng đã ngoài tám mươi rồi. Nếu xét về tuổi tác, thì ông này phải xếp vào hàng trưởng lão trong binh chủng Nhẩy Dù. Trong một dịp đám cưới, tôi gặp cả hai ông bà ở Washington DC. Nhân tiện, đề cập đến vài nhân vật trong binh chủng Nhảy Dù, ông có nhắc đến tên của vị bác sĩ này. Đại khái, ông ta nói nguyên văn như sau:
“Nghĩ đến Nhảy Dù, tự nhiên tôi lại chợt nhớ đến ông bác sĩ Cổn! Không biết hiện giờ ông ấy đang sinh sồng ở tại nơi nào! Có còn hút thuốc hay là đã cai rồi cũng không biết chừng!”
Tôi hỏi:
“Chắc ông ấy hút nhiều lắm, phải không anh Năm!”
“Ông này thì khỏi phải nói! Hút thuộc loại có hạng. Nói như thế thì chú mày cũng đủ hiểu rồi.”
“Thế ngày xưa, ông ấy có ở chung lữ đoàn với anh Năm không!”
“Đâu có! Ông ta ở khác đơn vị! Nhưng đặc biệt ở bên Nhảy Dù, cho dù có ở chung hay là không đi chăng nữa! Nhưng! Hầu hết ai nấy cũng đều biết đến tiếng tăm của nhau hết.”
“Cứ theo như lời của anh Năm, thì ông này còn biết uống rượu nữa là đằng khác!”
“Chuyện đó thì khỏi phải nói! Nhảy Dù thì hầu như tay nào mà chẳng biết uống rượu!”
Vào buổi sáng chủ nhật. Buổi sáng với những cơn gió lạnh lẽo lần lượt thổi về, làm cho tôi cảm thấy trống vắng và xao xuyến lạ thường. Bất chợt, có điện thoại Phan Diên gọi. Tôi nhấc chiếc ống nghe đặt lên tai. Anh cho biết, anh chính thức được nghỉ hưu kể từ ngày hôm qua. Tôi chúc mừng cho anh. Anh đáp lại bằng hai chữ “cám ơn” ngắn gọn.
Tôi hỏi:
“Ông có dự tính gì cho những ngày sắp tới không ông!”
Anh đáp:
“Tôi dự định sẽ vẽ lại ông ạ.”
“Ông tính như vậy cũng phải. Không việc này thì cũng phải đẻ ra việc khác để mà làm, chứ ở không thì chán lắm, mà lại còn đổ bệnh ra nữa là đằng khác! Đừng quên, là phải chịu khó tập thể dục, hoặc đi bộ thường xuyên thì mới được.”
“Có chứ, ông! Ngày nào mà tôi chẳng đi bộ tối thiểu là ba mươi lăm phút. Tuần nào tôi cũng xuống Los chơi bóng bàn độ hai, ba lần. Như vậy tôi thấy cũng tạm đủ rồi ông ạ.”
“Như thế thì quá đủ rồi còn gì nữa!”
”Hôm nay ông có rảnh không!”
“Rảnh! Có chuyện gì vậy!”
“Chẳng nói dấu gì ông! Tôi muốn mời ông ra Factory chơi với bọn này được không!”
“Được. Mấy giờ!”
“Ngay tức thì bây giờ.”
“Nhờ ông một tý chứ! Ông nói giỡn hoài! Từ trên Bakerfield xuống dưới đây, ông phải mất đứt ca hai tiếng rưỡi đồng hồ lái xe. Chứ đâu có gần gũi gì! Ông nói đùa vừa phải thôi ông Diên ơi!”
“Tôi nói thật đấy. Có điều tôi quên nói với ông, là tối hôm qua tôi ngủ ở dưới này.”
“Có thế chứ. Tôi sẽ sửa soạn ra ngay bây giờ.”
Tôi lái xe ra tới nơi thì kim đồng hồ cũng vừa chỉ đúng mười giờ. Phan Diên ra tận bãi đậu xe để đón tôi. Tôi cảm động vô ngần, liền nắm chặt lấy tay anh xiết mạnh. Anh buột miệng:
“Bọn này chờ ông suốt từ sáng cho đến bây giờ.”
“Tôi nào đâu có biết, tối hôm qua ông ngủ ở dưới đây.”
“Thôi! Mình vào đi kẻo mấy ông ấy đợi.”
Tôi chậm chạp bước theo anh. Trước mắt tôi, Factory hiện ra, ồn ào, náo nhiệt như buổi họp chợ ở tại quê nhà. Có nhiều người thường cho rằng: Factory là tiệm cà phê bình dân và đông khách nhất của người Việt ở tại quận Cam này. Tiệm cà phê qui tụ đủ mọi các thành phần bá quan, văn, võ ở trong đó. Từ văn sĩ, ca sĩ, luật sư, bác sĩ, ký giả, cho đến những cựu quân nhân thuộc hầu hết các binh chủng trong QLVNCH của miền Nam trước đây. Tuần nào họ cũng có mặt ở tại chốn này! Tuần nào họ cũng đến đây. Mục đích là để gặp bạn bè. Để hàn huyên, tâm sự. Để ôn lại mọi kỷ niệm đắng cay, nhục nhằn của một thời tù tội, đầy ải ở dĩ vãng.
Dừng lại trước chiếc bàn nhỏ nhắn, vuông vức. Phan Diên trịnh trọng giới thiệu với tôi về hai người bạn của anh:
“Đây là anh Bảo, thì kể như ông đã biết rồi. Còn đây là người mà tôi muốn giới thiệu với ông, chính là bác sĩ Phạm gia Cổn.”
Tôi chú ý đến người đàn ông đang ngồi đối diện ở trước mặt. Ông ta vào trạc tuổi gần bảy mươi. Có mái tóc ngả màu, ngắn, gọn, cùng gương mặt cương nghị, phảng phất đôi nét mơ màng hiện lên ở trong đấy. Tôi lịch sự cất tiếng chào ông:
“Chào bác sĩ.”
Ông ngước lên nhìn tôi, kèm theo giọng nói hết sức thật nhã nhặn:
“Chào anh.”
Tôi kéo ghế ngồi xuống. Ông nhướng mắt nhìn tôi rồi nói nhỏ:
“Hình như anh ít ra đây thì phải!”
“Họa huần lắm tôi mới ra. Có khi đến cả hai ba tháng tôi mới tạt ngang qua đây một lần.”
“Đúng rồi! Tại anh ít ra nên anh không biết đấy thôi! Chứ ngày nào tôi cũng có mặt ở nơi đây, ngồi tại cái phòng mạch này. Ngày nào mà chẳng có bệnh nhân đến đây chờ tôi ngay từ lúc còn sáng sớm! Những bệnh nhân đã mắc phải chứng bệnh nan y của thời đại. Chứng bệnh trầm kha về tâm lý. Chứng bệnh ấy cứ lây lan ra rất nhanh. Nó chẳng khác nào như thứ dây leo, cứ sinh sản, mọc rễ chằng chịt ở chung quanh đời sống của chúng mình.”
Ông nói thao thao, bất tuyệt. Đành rằng, đấy chỉ là một câu chuyện vui. Nhưng ông có sức thu hút rất lạ thường. Ông có lối kể chuyện thật dí dỏm, rất phong phú, đầy hấp dẫn và truyền cảm đối với tất cả mọi người ở chung quanh. Đôi khi, ông còn pha trộn một đôi nét khôi hài nổi bật ở trong đó. Ông biểu hiện cho một mẫu người thẳng thắn và khí khái. Ông sống hết mình với bạn bè. Tôi nhớ, đã có lần anh Bảo tâm sự với tôi:
“Chúng tôi chơi thân với nhau ngay từ hồi còn ở trung học, rồi leo lên đến đại học và cho tới khi bước chân ra đời mỗi người, mỗi ngả. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại có dịp gặp nhau, rong chơi trong mấy phòng trà, hoặc các tụ điểm ca nhạc như Đêm Mầu Hồng, Maxim, Hầm Gió, Quán Văn của Sài Gòn trước đây. Anh nói rất nhiều về mối giây tình cảm giữa hai người. Tình cảm ấy chẳng bao giờ sứt mẻ và cứ thăng hoa, kết trái, bền chặt, sống mãi với thời gian. Cho đến giờ phút này, chúng tôi vẫn thường xuyên ôn lại những kỷ niệm ngà ngọc của một thời hoa niên ở dĩ vãng. Điểm danh lại hàng ngũ trong đám bạn bè. Gạch tên những người đã khuất mặt, ra đi vĩnh viễn và chẳng bao giờ trở lại! Vài năm, chúng tôi lại bảo nhau, đóng góp ít nhiều cho bạn bè hiện đang lâm vào tình trạng khốn đốn ở tại quê nhà. Người thường hay nhắc nhở chúng tôi về sự đóng góp nói trên, chính là ông Cổn này đây. Ngoài chuyện thuốc men ra, ông còn là một võ sư, một nhạc sĩ và cũng là người khai sinh ra môn phái Hoàng Hạc (môn Thể Dục Khí Công đang thịnh hành ở Cali). Chẳng nói dấu gì anh! Hầu hết các đoàn thể nào ở tại nơi đây cũng đều biết đến tên tuổi của ông ta. Từ bên Nhảy Dù. Quân Y, cho đến Tổng Cục Võ Thuật cũng đều có tên của ông này ở trong đấy.”
Chỉ tay sang phía anh Bảo, ông cất giọng hóm hỉnh, lặp lại câu nói của vị nguyên thủ quốc gia năm nào:
“Anh đừng tin vào những gì ông ấy nói! Mà hãy nhìn kỹ vào những gì ông ấy làm.”
“Tôi nghĩ, tất cả những điều anh Bảo nói về bác sĩ, đều trúng phóc một trăm phần trăm. Ngay đến cả thằng cháu của tôi cũng đều nói rất nhiều điều tốt về bác sĩ. Mới đây, không lâu, có vị trưởng lão trong binh chủng Nhảy Dù cũng gửi lời hỏi thăm bác sĩ. Ông này năm nay cũng đã ngoài tám mươi rồi. Hiện nay ông ta cùng gia đình đang sinh sống tại tiểu bang xa xôi ở miền Bắc. Nghe đâu, chức vụ sau cùng của ông ta, là ông quan đứng đầu một tỉnh lỵ nào đó ở dưới miền Tây thì phải!”
Ông bóp trán ra chiều suy nghĩ. Cuối cùng, ông mới ngẩng lên, nhìn tôi rồi lắc đầu:
“Thú thật tôi không nhớ ra! Nhưng! Dù sao đi chăng nữa thì ông ta cũng nằm trong hàng ngũ cao cấp, có nghĩa là cấp trên của tôi ở bên Nhảy Dù. Thế anh có quen với ông ấy à.”
“Không! Tôi hoàn toàn không biết! Đấy là chuyện của người bạn tôi. Để khi nào có dịp, tôi sẽ hỏi số điện thoại của ông ta cho bác sĩ.”
Nếu tôi nhớ không lầm, đã có lần Phan Diên gợi chuyện rồi hỏi tôi về người bạn thâm niên của anh:
“Ông nghĩ sao về người bạn của tôi! Người bạn đó chính là Bác sĩ Phạm gia Cổn. Riêng cá nhân tôi. Mặc dù là chỗ bạn bè thân thiết với nhau, nhưng lúc nào tôi cũng tỏ ra hãnh diện về người bạn đặc biệt, tài hoa này.”
Tôi quay sang nói với anh bằng giọng hết sức là thành thật:
“Theo tôi! Thì đây là trường hợp hiếm hoi, ít thấy. Ngay từ khi mới gặp, tôi đã nẩy sinh ra ý tưởng là muốn viết một bài về ông ta. Ý tưởng ấy cứ ám ảnh, thôi thúc ở trong tôi ngót cả mấy tuần lễ nay. Tôi sẽ viết. Nhất định tôi sẽ viết. Nhưng! Tôi không biết, tôi sẽ viết vào thời điểm nào! Đó là còn tùy thuộc vào niềm cảm hứng bất ngờ ông ạ. Có thể là ngay sau khi tôi rời khỏi ở nơi đây, hoặc sẽ còn kéo dài thêm dăm ba tuần lễ nữa cũng không biết chừng!”
Gia nhập ngành quân y. Miệt mài đèn sách tại đại học y khoa Sài Gòn. Tốt nghiệp, ông trở thành một bác sĩ trong QLVNCH. Ông tình nguyện sang phục vụ tại binh chủng Nhảy Dù. Là một trong hai đại đơn vị, nằm trong lực lượng tổng trừ bị, thiện chiến và xuất sắc nhất của quân đội vào thời điểm lúc bấy giờ. Một đơn vị khét tiếng, lẫy lừng. Một đứa con ưu tú của QLVNCH. Sau khi trải qua khóa huấn luyện, ông được lệnh thuyên chuyển về phục vụ tại Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù. Một đơn vị được mệnh danh là con chim đầu đàn của gia đình mũ đỏ.
Là một bác sĩ tiền tuyến, ông đối diện trực tiếp với mặt trận. Ông đã từng trải qua hằng bao nhiêu trận pháo kích long trời, lở đất. Biết bao nhiêu cuộc tấn công ồ ạt, điên cuồng của địch quân. Từ An Lộc, Tây Nguyên, Thường Đức, Quảng Trị vào những giờ phút nghet thở, nóng bỏng, sôi sục nhất của đất nước. Ông đã từng lăn lộn ở trên đấy. Thấy ở đấy từng thây người ngã gục. Từng đợt xung phong nẩy lửa. Từng vết thương rướm máu rỉ ra. Ông đã đến với họ. Chăm sóc và băng bó cho họ. Họ là những người lính miệt mài, sương gió. Những người lính Nhảy Dù can trường, chỉ biết có hai chữ “cố gắng” trước mọi tình huống ngặt nghèo, khó khăn và nguy kịch nhất.
Có lần, tôi mạnh dạn lên tiếng hỏi ông:
“Có một điều mà tôi muốn hỏi bác sĩ: Ngày xưa, hồi còn ở Việt Nam, nếu nói tới việc đi học, thì đó là cả vấn đề bận rộn. Như vậy, bác sĩ lấy thời giờ ở đâu ra, để luyện tập, trau dồi luôn cả cho hai môn, từ võ thuật cho đến âm nhạc.”
“Tôi là người tham lam anh ạ. Tôi mê cả võ thuật cho đến âm nhạc. Như anh cũng thừa biết. Ngày xưa, chẳng có ai muốn cho con cháu mình chạy theo cái nghiệp ca hát, hoặc tập tành bất cứ môn võ công vớ vẩn nào khác! Chủ yếu là chỉ tập trung vào công việc học hành mà thôi. Bố mẹ tôi thì cũng không ngoại lệ! Chính vì thế, đêm nào tôi cũng phải lẻn nhà, trốn ra để đi học. Tôi được hấp thụ những tinh hoa võ thuật của Thiếu Lâm Thất Sơn, qua sự chỉ dạy cặn kẽ, tận tình của võ sư Lê đình Trưởng. Nhờ đó, sau này, nhân ngày lễ “rửa tay gác kiếm” của sư phụ tôi tại San Diego, tôi được chỉ định vào chức vụ chưởng môn kế thừa kể từ ngày ấy.”
“Ngoài Thiếu Lâm Thất Sơn ra, bác sĩ có còn học thêm thứ võ công nào khác nữa không!”
“Có chứ, anh. Tôi được cao thủ Teakwondo là võ sư Lee Jung Nam cùng võ sư Nguyễn văn Hoàng chỉ dạy thêm về quyền pháp cũng như là kỹ thuật. Năm 1969, tôi học thêm môn Hapkido của võ sư Kim chấn Bát (Kim Jin Pal) và đã đạt tới cửu đẳng huyền đai về môn võ công này.”
“Còn về phần âm nhạc thì sao!”
“Riêng về phần âm nhạc, ngay từ lúc khởi đầu, tôi theo đuổi cây đàn guitar. Sau đó, tôi đổi qua trống, còn bây giờ thì tôi chỉ chú trọng đến cây kèn saxophone mà thôi.”
“Thế bác sĩ có đặt nặng đến việc sáng tác hay là không!”
“Tôi sáng tác rất ít anh ạ! Thuần túy tôi chỉ viết về tình cảm. Mục đích chỉ luân lưu trong số bạn bè thân thiết với nhau. Riêng có nhạc phẩm Tiêng Mưa mà tôi đã viết chung với nhà văn Nguyên Vũ vào thập niên 60. Nhạc phẩm này đã được ca sĩ Hoàng Oanh trình bầy trên đài Phát Thanh Quân Đội của miền Nam trước kia.”
Sau biến cố tang thương của lịch sử đất nước. Ông theo dòng người di tản. Đến Mỹ, ông bắt tay ngay vào công việc. Ông làm đủ mọi thứ nghề để nuôi sống gia đình. Ông cho biết, ông quyết định trở lại nghề thuốc cũng chỉ vì tính tự ái của dân tộc. Ông muôn chứng tỏ cho người bản xứ, thấy được sự quyết tâm ở nơi ông, để từ đó, họ thay đổi cách nhìn đối với người Việt Nam vào thời điểm lúc bấy giờ. Ông ghi danh theo học tại đại học Chicago University. Tốt nghiệp, ông được chọn vào làm ban giảng huấn của đại học UCLA. Ông là một trong những bác sĩ xuất săc và được bầu chọn tới hai lần với danh hiệu (Doctor of the year). Có lần, ông tâm sự với tôi:
“Trong đời tôi, mặc dù là bác sĩ! Nhưng chưa khi nào tôi mở phòng mạch cho chính bản thân mình!”
Tôi hỏi:
“Sao vậy!”
Ông nhún vai trông thật tự nhiên:
“Tôi cũng không hiểu! Có lẽ tại cái số của tôi như vậy.”
Dăm phút sau, ông nhìn tôi mỉm cười, giọng trở nên dí dỏm:
“Có điều hết sức là oái oăm, phòng mạch thì tôi không mở, mà lại đi mở võ đường. Thế mới lạ chứ.”
Tôi có nghe người ta nói rất nhiều về cái võ đường của ông. Võ đường Hapkido mà ông đã bỏ ra biết bao nhiêu là tâm huyết vào nơi đấy. Ngoài ra, lúc nào ông cũng tỏ ra quan tâm đến những bạn trẻ đang sinh sống ở tại Hoa Kỳ, cũng như ở khắp mọi nơi trên toàn thể thế giới. Ông đã từng tham dự hội nghị Tuổi Trẻ VN Trên Thế Giới kỳ 4 (The 4 th International Youth Conference) do Mạng Lưới Tuổi Trẻ Lên Đường (Lên Đường International Youth Network) cùng Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Úc châu (Federal Vietnamese Students Association of Australia) phối hợp trực tiếp và đứng ra tổ chức (đã diễn ra trong vòng 5 ngày (từ 17 đến 21/12/2005) tại trung tâm thành phố Sydney, với sự tham dự của 500 thành viên đến từ 17 quốc gia trên thế giới. Ông là một trong những người khách đặc biệt, được đề cử trong vai trò thuyết trình viên cho đại hội này. Ông quan niệm: Tuổi trẻ là cột trụ, là rường cột, là tương lai của tổ quốc. Ông muốn gửi đến cho họ, hình ảnh về một quê hương đọa đầy. Về lịch sử oanh liệt của dân tộc ta, qua các triều đại Lê, Lý,Trần cùng với tinh thần bất khuất, quả cảm của tổ tiên ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Có một điểm mà ông muốn nhấn mạnh với họ, đó chính là vai trò, bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm của tuổi trẻ trước hiện tình nguy ngập của tổ quốc. Gần đây, có nhiều người thường đặt câu hỏi với ông:
“Bác sĩ có dự tính gì cho hôm nay và tương lai!”
Ông nhướng cặp mắt nhìn về xa xăm:
“Công việc trước mắt của tôi hiện nay, là dồn hết tất cả vào môn Khí Công Hoàng Hạc.”
Nói tới Hoàng Hạc, thì đấy là một tác phẩm đắc ý nhất của ông. Là sự kết hợp tài tình giữa võ học, y học và âm nhạc. Từ đó, đã tạo nên các động tác “bấm-vòng-vươn-buông” thật uyển chuyển, nhẹ nhàng, nên rất thích hợp đối với mọi lứa tuổi (từ cả nam lẫn nữ). Nó có tác dụng tăng cường nội lực. Quân bình lại tình trạng “âm dương” trong cơ thể. Tạo nên sự dẻo dai cho hệ thống cơ bắp, đồng thời giúp cho việc chữa trị và phòng ngừa các chứng bệnh Parkinson, bệnh trầm cảm, bệnh giảm đau cùng rất nhiều các chứng bệnh nan y khác nữa!
Thứ bảy tuần trước, gặp tôi, ông vui vẻ cho biết:
“Tuần tới là sinh nhật của gia đình Hoàng Hạc, đánh dấu một chặng đường dài vừa đúng bảy năm. Nếu anh không bận bịu chuyện gì! Mời anh quá bước, xuống đây tham dự với chúng tôi cho vui.”
Tôi thành thật cáo lỗi với ông, vì lý do công việc. Mặc dù, không có mặt, nhưng tôi vẫn hiệp thông với ông cùng gia đình Hoàng Hạc.
Nhân dip kỷ niệm bảy năm, đài Little Sài Gòn Radio có mở cuộc phỏng vấn, nằm trong chương trình tản mạn Văn Học của nhà thơ Nguyễn mạnh Trinh cùng với người nữ xướng ngôn viên duyên dáng Nhã Lan. Câu hỏi được đặt ra cho ông:
“Trải qua biết bao nhiêu là thăng trầm. Biết bao nhiêu cuộc bể dâu, bác sĩ đã có lần nào phải bật khóc vì uất ức, hoặc bất cứ một nguyên nhân nào khác! Nếu có, thì tổng cộng là bao nhiêu lần!”
Tôi lắng tai nghe tiếng ông khàn khàn nổi lên ở trong máy. Giọng nói nghe như có vẻ ngậm ngùi, cảm động làm sao ấy!
“Có chứ, cô! Ngoại trừ, sau khi vừa lọt lòng mẹ ra, tôi đã phải nghẹn ngào, bật lên đúng hai lần khóc. Lần thứ nhất xảy ra khi tôi đang ngôi trên chiếc xà lan để di tản. Bất chợt, tôi nghe loáng thoáng trên hệ thống phát thanh, có tiếng của Tổng Thống Dương văn Minh ra lệnh cho toàn thể quân nhân các cấp trong quân đội phải buông súng để đầu hàng. Thú thật với cô! Lúc ấy, tôi có cảm giác như mình đang bị nghẹt thở, đứng tim thì đúng hơn. Toàn thân tôi run lên cầm cập, trông giống như con bệnh sốt rét đang bị lên cơn dữ dội. Tôi đơ tay lên ôm mặt, rồi bật lên òa khóc nức nở, chẳng khác nào như đứa trẻ vừa lên tám. Chung quanh tôi, hầu hết ai nấy cũng đều nghẹn ngào, thổn thức, sụt sùi trước giờ phút chua cay, oan nghiệt của lịch sử đất nước.”
“Còn lần thứ hai, thì xảy ra ở ngay tại tiểu bang Georgia. Dạo ấy, gia đình tôi mới định cư chẳng được bao lâu, nên cuộc sống có phần eo hẹp, khó khăn, chứ đâu có được thoải mái như ngày hôm nay. Chắt bóp mãi, tôi mới sắm được một chiếc xe ọp ẹp, cũ kỹ để làm phương tiện di chuyển. Giữa không khí u uất, hoang lạnh của buổi chiều cuối năm. Buổi chiều mà tôi cảm thấy cô độc, thấm thía hơn bao giờ hết. Trước mắt tôi, là cả một bức tranh tĩnh vật đầy thê lương và ảm đạm. Tôi cố chăm chú, quan sát về phía trước, ghì chặt lấy tay lái, hầu giữ thăng bằng cho chiếc xe được an toàn để về nhà. Thú thật với cô. Chưa khi nào, tôi cảm thấy trống trải, cô quạnh như buổi chiều ngày hôm ấy! Thoáng chợt, tôi muốn uống một ly rượu. Một ly rượu mạnh để vơi đi được phần nào nỗi đắng cay, muộn phiền đương bủa vây, dằn vặt, cấu xé ở trong tôi lúc bấy giờ. Tôi cố đạp mạnh vào chân ga. Chiếc xe lao thẳng về phía trước, trực chỉ về hướng cây xăng đang hiện ra ở trước mặt. Tôi cho xe vào parhing, ngừng lại, tắt máy rồi lập tức mở cửa, hối hả tiến thẳng vào bên trong. Bước ra với xâu bia còn lạnh ngắt ở trên tay. Tôi dự định sẽ lên xe, mở ra, rồi tuần tự nhâm nhi, thưởng thức từng lon một. Thấm thoát mà đã ba mươi mấy năm trôi qua rồi đấy cô! Ba mươi mấy năm! Nhưng! Tôi vẫn không hiểu! Ngay sau khi vừa đặt chân ra tới bãi đậu xe, bỗng nhiên, tôi không còn cảm thấy hứng thú, thiết tha gì đến hai chữ bia rượu nữa! Giữa không khí ảm đạm của buổi chiều cuối năm, thoáng chợt, tôi chạnh lòng nhớ tới bạn bè. Nhớ đến mọi người thân yêu hiện đương còn kẹt lại ở tại quê nhà. Bạn bè tôi hiện giờ đang ở đâu! Ai còn! Ai mất! Tứ tán ở phương nào! Trong các trại tù khổ sai lao động ở miền Bắc, hoặc đương lạc lõng, trôi dạt tại góc trời xa thẳm nào đó. Xúc động, tôi bật lên òa khóc nức nở. Và đấy, cũng là lần thứ hai ở trong đời mà tôi đã khóc. Tôi khóc cho thân phận long đong, chùm gởi của chính mình. Khóc cho bạn bè. Cho biết bao nhiêu người hiện đương còn lâm vào cảnh lầm than, cơ cực trên quê hương nhục nhằn, bỏng cháy. Uất nghẹn, tôi quăng mạnh cả xâu bia vào chiếc thùng rác đặt ở gần đấy. Kể từ ngày đó cho đến nay, đã ba mươi mấy năm lạnh lùng trôi qua, nhưng tôi có thể quả quyết với cô rằng: Tôi chưa hề đụng tới bất cứ một giọt bia, giọt rượu nào, cho dù bữa tiệc ấy có nhộn nhịp, lôi cuốn, hấp dẫn đến cách mấy đi chăng nữa!”
Để kết thúc cho bài viết này, tôi xin mượn đôi dòng cảm nghĩ của ông trên hệ thống truyền hình Việt ngữ, nhân dịp kỷ niệm ngày Quân Lực (19/6) của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây, được tổ chức đều đặn vào mỗi năm ở tại quận Cam. Vùng đất được mô tả là hiền hòa, ấm áp. Vùng đất mà đa số người Việt mình từ khắp nơi đổ về, lập nghiệp, sinh sống ở tại nơi đây. Vùng đất còn được mệnh danh là thủ đô của người Việt tỵ nạn ở tại hải ngoại:
“Trong suốt thời gian ở quân ngũ, tôi rất lấy làm hãnh diện được phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù. Ở đấy, đã dạy cho tôi được rất nhiều bài học quí giá. Những bài học để đời. Những bài học được đánh đổi bằng mồ hôi, máu cùng nước mắt. Bằng tình đồng đội cùng sự hy sinh cao cả của biết bao nhiêu chiến sĩ đã gục ngã, vùi thây trong cuộc chiến tranh khốc liệt, đẫm máu vừa qua. Cuộc chiến tranh ấy đã kết thúc kể từ ba mươi mấy năm nay. Kết thúc trong sự tủi nhục, đau đớn cùng nước mắt. Mặc dù đã ba mươi mấy năm trôi qua, nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy tâm tư mình se thắt, buồn rũ rượi. Ba mươi mấy năm, đã để lại ở trong tôi cả dấu ấn to lớn, mà tôi khó có thể nào quên được ở chuỗi ngày tháng ray rứt, khắc khoải đầy ưu tư, phiền toái này./.”
TRANG LUÂN