văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, July 22, 2012

TRẦN VĂN SƠN * PHẠM NHÃ DỰ : THƠ VÀ HOÀI NIỆM MỘT THỜI TUỔI TRẺ




  

Thời gian bắt đầu bằng một vòng quay . Vậy mà hơn bốn mươi năm nay, trải qua hàng tỷ vòng quay và hàng hàng lớp lớp sát-na tiếp nối , cùng với những biến động bất ngờ của lịch sử ; kể từ thập niên sáu mươi , dù ở Việt Nam hay ở xứ người , chúng tôi cũng vẫn gắn bó và thân quý nhau như buổi ban đầu .  Trước ngày  30/4/75 , thỉnh thoảng chúng tôi tập trung tại Quang Hạnh thư trang của nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm dưới chân cầu chữ Y đường Hưng Phú , hay ở Ngã ba Ông Tạ  của nhà văn  Hà Thúc Sinh , và nhà Nguyễn Lê La Sơn -Thụy Miên ở  Nguyễn Tiểu La… ;  bày tiệc rượu , mạn đàm chuyện văn chương, thi phú , lúc ngà say thường đọc thơ cho nhau nghe . Những bài thơ mới sáng tác mang  gió bụi đường xa đầy hào khí của Lâm Chương , Trần Phù Thế , Thụy Miên , Phạm Nhã Dự…do chính tác giả đề trên vách lầu một nhà ca sĩ Quốc Phong không biết có còn hay không ? Ta còn nhớ một vài đoạn thơ của bạn, màu mực và nét  chữ bay bướm trên tường vẫn còn in đậm trong đầu, trong trí óc ta , có còn nhớ không Phạm Nhã Dự ?

Viên đạn lăn nhanh trong tay
Đó là trò chơi thứ nhất
Đưa em về ngôi nhà cũ
Buổi sáng mù sương đắp cao

Khẩu súng quay nhanh trên tay
Đó là trò chơi thứ hai
Hôn em bằng tình ái cũ
Tinh khôi rực sáng đôi mày
(Từ 4091 - PND )
      
Buổi sáng ta thức dậy thật sớm , nhâm nhi ly cà phê hiên sau vườn nhà , ngắm hoa cảnh , mồi điếu thuốc , suy nghĩ mông lung . Nghĩ về gia đình, về bạn bè . Nghĩ về người , về đời . Mới ngày nào thanh xuân tràn trề sức sống, nay bạc tóc sức kiệt thân tàn . Nhìn lại những chặng đường đã qua , vui ít buồn nhiều . Đôi khi chúng ta như kẻ lãng tử dong ruỗi ngược xuôi , sống bạt mạng , bất cần đời hầu quên đi một phần nào nỗi đau về thời thế thế thời phải thế , cũng có lúc rượu mềm môi với những thâm tình chất ngất ; và Thơ hiển hiện như một sự cứu rỗi nhiệm mầu vượt lên trên tất cả , kết nối tâm giao thành tinh anh đất trời .

Bạn có còn nhớ đêm Quán Gió ở bãi biển Tân Long – Bình Tuy , bạn – ta và nhà thơ Phan Lynh Sa  đã thức suốt đêm dưới hàng dừa cao rì rào lá gió, ngồi trên bãi cát ngắm ánh sáng huyền ảo của vầng trăng mười tám lung linh trên mặt biển , nghe sóng vỗ rì rầm tạo thành tấu khúc dương cầm làm mê đắm lòng người .

Có còn nhớ không Phạm Nhã Dự ?
Ngôi nhà bạn ở mười tám thôn vườn trầu gần chợ Bà Điểm , ta đặt tên Quán Văn vì nơi đây anh em văn nghệ chúng tôi thường lui tới : Cung Tích Biền , Rừng , Ngô Nguyên Nghiễm , Trần Phù Thế , Trần Yên Thảo , Tô Đình Sự...Bạn cất thêm một " thảo bạc " nhỏ đơn sơ trống gió trong khu vườn cây cảnh sầm uất . Ngồi nơi đây nhắp từng ngụm đế Bà Điểm , nhìn những lá trầu non xanh mơn mởn leo trên hàng tre cao chót vót , những gốc bưỡi nặng trĩu trái vàng um trồng hai bên hông nhà , một vài chậu bonsai tượng hình  loan phụng , cộng thêm hương thơm dìu dịu của hoa cau, hoa bưởi quyện trong không gian tỉnh lặng thì không có thú chơi nào thanh cao cho bằng . Thỉnh thoảng nhà văn Dương Trữ La hái vài trái bưởi , bóc ra từng múi chia anh em làm mồi nhắm hoặc để giải rượu .

Có lần , vợ chồng tôi từ Bình Tuy vào Sài Gòn cùng vợ chồng nhà văn Minh Nguyễn , ghé chợ Hốc Môn mua vài món tươi  sống lên nhà Phạm Nhã Dự
định sẽ bày tiệc vui chơi . PND đi vắng , con anh chỉ đưởng chúng tôi  đi tìm khắp nơi không gặp nên đành về lại Sài Gòn .

Có còn nhớ không Phạm Nhã Dự ?  Đêm tưởng niệm nhà thơ Tô Đình Sự tại quán Phấn Thông Vàng đường Nguyễn Thông do Phạm Nhã Dự và Khánh Giang tổ chức , bạn đọc bài Buổi chiều ở nghĩa trang Cà Đú , khóc Tô Đình Sự trong xúc động ,  nghẹn ngào .  Tất cả mọi người im lặng . Hình như hồn Tô Đình Sự nhập vào từng chữ , từng câu thơ bi tráng   hòa quyện vào tâm ảnh một tình bạn thâm sâu ; đau đớn và tiếc thương một tài hoa rực sáng đã sớm bỏ cuộc chơi thong dong đi về miền miên viễn :

Chiều nay sao gió nhiều mày nhỉ
Gió nổi trong tao đến lạnh mình
Đù má , nhang mày sao chẳng cháy
Đốt mãi que diêm đến cạn cùng
  
Bên kia dãy núi trơ thân chó
Còn dưới chân tao lại sụt sùi
Mẹ kiếp vợ mày đang khóc mướt
Con mày , trời hỡi nó cười vui
  
Còn tao , tao chẳng cười hay khóc
Chẳng ngậm ngùi chi lũ kiếp người
Đù má , tao chửi thề đây Sự
Chửi hết trăm năm chửi hết đời

Bây giờ mày đã nằm yên phận
Còn vợ , bào thai , hai đứa con
Đù má , một đời làm thi sĩ
Chẳng đủ cho con lấy một đồng
( trích Buổi chiều ở nghĩa trang Cà Đú – PND )

Nhà thơ Tô Đình Sự mất vào năm 1970 trong một tai nạn xe cộ . Sinh thời , anh chủ trương tạp chí Thế Đứng cùng Phạm Nhã Dự . Thơ văn  TĐS và PND đăng trên các tạp chí văn nghệ thời danh tại Sài Gòn . Năm 1968 , anh nhập ngũ khóa 27 TBB / Thủ Đức  cùng khóa với nhà thơ Phạm Nhã Dự và cùng ở trong ban biên tập tờ nguyệt san Trường BBTĐ . Hai bạn là cặp bài trùng từ dạo đó . Nếu tôi nhớ không lầm, TĐS viết mục Nhật ký quân trường cho báo này , câu mở đầu anh gọi tên một người con gái : Nga yêu dấu . Cô Nga hiền dịu và dễ thương của TĐS , sau 1975 cô có còn ở Sài Gòn hay đã phiêu bạt phương trời nào ?

Có còn nhớ không Phạm nhã Dự ?
Quán sách cô Nga nằm ở góc đường Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực , điểm hẹn anh em văn nghệ chúng tôi . Thời gian này tôi đóng quân ở mật khu Lý văn Mạnh , thỉnh thoảng có phép leo trực thăng bay về Sài Gòn , tạt qua quán sách cô Nga mượn vài quyển sách rồi ngồi ở nhà hàng Kim Sơn bên hông đường Nguyễn trung Trực chờ bạn bè . Trần Phù Thế, Nguyễn Lê La Sơn , Quốc Phong , Thụy Miên , Tô Đình Sự…và dĩ nhiên không bao giờ thiếu bạn tôi, Phạm nhã Dự ; leo lên xe Jeep của Lâm Chương , ghé qua Thời Nay bốc Khánh Giang ; Dương Trữ La ở Tin Sáng, rồi kiếm một  quán nhậu nào đó , uống vài chai bia quên đời bên nhau . Bây giờ Thụy Miên , Dương Trữ La , Khánh Giang , Quốc Phong…không còn nữa , có lẽ  đã cùng  Tô Đình Sự  phiêu du ở một vùng trời nào đó tiếp tục cuộc vui ...

Tụi mình dăm đứa đời lang bạt
Sống chẳng ra chi , chẳng bận  lòng
Việc nước , việc đời đem dẹp hết
Uống rượu quanh năm đếch ngại ngùng

Mày nhớ đêm tàn trên xa lộ
Thằng Chương đem xế lái quanh trời
Đù má , cũng còn cười khi sắp chết
Ngỡ rằng mình hái được hoa mơ
( trích Buổi chiều ở nghĩa trang Cà Đú – PND )


Phạm Nhã Dự thì lãng đãng trong sương mù của mười tám thôn vuờn trầu , mọi khí hậu tinh sương đều được nhà thơ cung hiến hết cho bằng hữu tâm giao, mới cũ tứ hải giai huynh đệ “ Chỉ một vài câu nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm đã nói lên một phần nào cá tính của Dự: Hào sãng . Phóng khoáng . Chí thành chí tình . Và nhất là hết lòng với bạn bè .

Tô Đình Sự mất để lại người vợ đang mang thai đứa con thứ tư và ba con thơ
dại .Sau 1975 , vợ Sự đưa hết gia đình về sống ở vùng quê Phan Rang , chân lấm tay bùn , làm ruộng rẫy bữa đói bữa no , và kể từ đó PND mất liên lạc với gia đình TĐS .  Trải qua một cuộc bể dâu và qua một thời gian dài dò hỏi tin tức , bạn tôi mới tìm  được chổ ở của vợ con TĐS , nhưng vợ Sự không còn .Thương cảm hoàn cảnh không lối thoát cho tương lai của các cháu , PND đã vội ra Phan Rang đốt nén hương trước mộ phần vợ chồng TĐS . Cùng lúc , cất cho trưởng nam của TĐS một ngôi nhà nhỏ qua sự đở đầu của nhà thơ Võ Tấn Khanh , những đứa  còn lại bạn tôi đưa vào  làm việc trong hảng xưởng của một người quen tại Sài Gòn.

Có còn nhớ không Phạm Nhã Dự ?
Quán Thằng Bờm ở Đề Thám - Quán Mai ở Phan Thanh Giãng  , nơi thỉnh thoảng chúng ta tổ chức đọc thơ , phần ca nhạc do ca sĩ Quốc Phong đãm trách với phần phụ diễn của các ca sĩ Phương Hồng Ngọc , Giáng Thu…Những bài thơ hào khí ngất trời , nói lên thân phận  một nước nhược tiểu , những ưu tư , khắc khoải và thao thức của tuổi trẻ về chiến tranh và giấc mơ hòa bình . Tô đình Sự ra mắt tạp chí Thế Đứng tại đây, chủ đề cũng xoay quanh những vấn đề nêu trên . Những đêm đọc thơ như thế  đều tập trung đông đảo học sinh , sinh viên tham dự . Trong  bầu không khí văn nghệ ấm áp , đầy ấp tình người , ngồi uống ly cà phê và  đồng cảm với lời thơ tiếng nhạc , một phần nào dù rất nhỏ , cũng góp một bàn tay tạo nên luồng sinh khí mới cho nền văn học nghệ thuật miền Nam .


Nhà văn Thụy Miên mất , Trương Thành Vân tạc tượng . Đêm điểm nhản đôi mắt pho tượng bán thân của Thụy Miên có mặt hầu như đầy đủ anh em văn nghệ chúng tôi , trừ một vài người ở xa hoặc bận hành quân . Hoàng Lộc - Ngô Nguyên Nghiễm - Phạm Nhã Dự , Nguyễn Lê La Sơn ( anh ruột của Thụy Miên )… và cả gia đình của Thụy Miên . Tất cả đều hồi hợp theo dõi từng cử động  đôi bàn tay tài  hoa của  điêu khắc gia Trương Thành Vân .  Giai đoạn điểm nhản tối ư quang trọng quyết định sự thành bại của pho tượng . Đôi mắt mở to không chớp , mồ hôi chảy dài trên trán trên mặt , trời lạnh mà áo anh ướt đẫm . Đến gần nửa đêm , Trương Thành Vân buông tay , ngã người ra sau la to : thành công rồi . Quả thật , hồn của Thụy Miên đã nhập vào đôi mắt , lóe lên và sáng rực như hai vì sao . Pho tượng này được dựng trước mộ Thụy Miên ở nghĩa trang tỉnh Vĩnh Long ,  nghe nói rất linh hiển và người dân thường đến nơi đây cầu  phước …nên mộ anh bao giờ cũng đầy hoa quả , nhang đèn .

Ném hòn đất xuống mộ huyệt
Những nhát cuốc nẩy lửa

Ôi , những người bạn của ta
Sao lại chia lìa thảm thiết
Sao đành bỏ ta đi
Chỉ vì đời vắn số
Hay bởi lòng ti tiện của thế nhân
Của những tầm thường bày biện
(Trích Đám tang cho ba thằng bạn –PND )

Môt vài kỷ niệm nhỏ và thơ trích cũng đủ nói lên tấm lòng của ta với bạn , dù có thể Thơ và bài viết không hòa quyện vào nhau . Trong buổi xế chiều của cuộc đời ,mỗi ngày chúng ta đều nhìn thấy sự mênh mông của đất trời , đêm tỉnh lặng trong sự mầu nhiệm của những vì sao , Thơ sẽ nẩy mầm hồi sinh những giá trị nhân bản con  người.

Có phải không Phạm Nhã Dự ? Thơ là sự đồng cảm , đồng thanh kết tinh trong sự trầm lắng thanh thoát , đôi khi thấp thoáng hơi thở của đất trời , bàng bạc thiền tính và triết lý như nhà thơ Phan Bá Thụy Dương  nhận định :

 “Người ta bảo thi nhân là kẻ có tâm linh siêu thoát, thanh nhã. Người xưa thường thắp nến đọc thơ và cho đó là một thái độ trang nghiêm, hầu có thể dể dàng hòa nhập vào thế giới nội tâm của tác giả để thưởng ngoạn, để tìm nguồn đồng cảm, đồng thanh. Ngôn tượng trong thơ Phạm Nhã Dự là một tổng hợp, kết tinh của sôi nổi và trầm lắng. Xin hãy thử đọc những lời nhẹ nhàng, dịu êm, mong manh như sương khói của Dự:

“Mai này vào cõi mịt mù – Chim kêu. Vượn hú. Tịch vù bóng sương – Mai sau ở cõi vô thường – Có ai chong ngọn đèn buồn. Đọc kinh!”

và vài nét ẩn tàng nỗi hoang vắng, ngậm ngùi, tịch lương:

“Ngãnh lại. Trông ra. Hồ tan tác...- Chập chờn. Nghe gió lộng xa xăm – Thoảng như tiếng oán hồn dân tộc – Rớt xuống thuyền sông lạnh mái dầm”.

Thơ Phạm Nhã Dự còn tiềm tàng phong thái ngạo nghễ của một kẻ lãng tử, phiêu bạt, nhưng lòng tựa chừng lạnh lẻo, thảng thốt bơ vơ. Mỗi dòng chữ, mỗi câu thơ đều thể hiện đậm nét phóng khoáng:

“ Ta mang em ra phố – Ném vào giữa chợ tình – Trăm người hỗn mang lạ –
Rao bán cuộc bình sinh – Ta ngẫn nhìn ngơ ngác “... “Ta đưa em vào đời – Nhảy múa cùng tử sinh – Trá oan khiên rớt hột – Đâm chồi giữa điêu linh – Ta rùng mình phiêu hốt.”

Tiếng thơ hay tiếng lòng của người thơ 18 thôn vườn trầu này luôn như nhiên, tự tuôn trào như mạch sống. Lúc thanh thoát như:

“Đò nhẹ. Lòng trôi theo sóng vỗ – Canh sâu. Dế đệm. Nhạc sành rung. Khi vẩn đục như: Tao trở lại đây đường dịu vợi – Đốt nén hương tàn hát biệt ly“

Lúc mang bản sắc lang bạt, giang hồ, nhưng thân thiết như:

“Thăm mày, đù má lòng buốt xót – Ngó trời chỉ biết chửi thề thôi.”

Những ý nghĩ, hoài cảm đó hiễn lộ, phảng phất mùi của rượu, chan chứa màu sắc của tình yêu, sự thân thiết của tình bằng hữu, đôi khi còn bàng bạc công án thiền, triết tính với nhân bản tính và những thi ảnh, thi ngữ ấy đã được kết nối, dàn trải một cách linh động, tài tình “
*         PBTD

Chúng ta mất hết nhưng vẫn còn có nhau . Giờ đây ta và bạn cùng định cư trên nước Mỹ , bạn sống tại Boston MA , ta ở miền Nam CA , cách xa vạn dặm ; tình bạn vẫn nồng ấm , thấm thiết như xưa .Ta  còn nhớ rất rỏ , lúc Trần kiêu Bạt còn sống và Hà thúc Sinh chưa dời nhà đi Sacramento , mỗi tuần TKB đều bày tiệc rượu nhỏ ,  mục đích chính là để gặp mặt nhau hàn huyên tâm sự và cùng nhau gọi ĐT tán gẫu với bạn bè ở các tiểu bang xa như Trần Phù Thế , Vũ Uyên Giang...

Có còn nhớ không Phạm Nhã Dự ? Ta gọi ĐT cho bạn lúc 12 giờ đêm CA ( tức 3 giờ sáng Boston -MA) lúc cả ba đều ngất ngưỡng hơi  men .  Ngẫu hứng ta  đọc cho bạn nghe bài thơ của bạn , ĐÊM TRÊN DÒNG KINH CÙNG , ngậm ngùi về một quê hương chỉ còn trong trí nhớ và hy vọng một ngày nào đó ,  chúng ta sẽ được ngồi trên con đò trong đêm trăng hò câu vọng cổ , khua mái chèo trên dòng Kinh Cùng :

Đò chậm . Bèo trôi . Trời ẩm đục
Bạn ta . Nào . Nốc ly này cạn
Đèn treo . Trăng hạ . Cáng vạc mềm
Mai đò chưa muộn chuyến sương đêm

Mênh mông . Cá mống . Dòng kênh lạnh
Chèo .Xạc xào khua . Tiếng nhái khan
Thoảng thoảng . Đèn xa . Hò vọng cổ
Tí tách Lục bình nở tím ngang

Nước lạnh . Dòng đời trôi cũng lạnh
Đời dăm ba phút ấm cùng thôi
Bạn ta . Đâu đã gì quá muộn
Đâu gì . Ha hả . Đâu gì đâu ?

Trò đời . Nghĩ cũng phường khinh bạc
Rượu mềm . Chưa thấm . Hãy tràn ly
Đêm nay  ta  cạn  ly  vô tận
Mặc dòng nước chảy cuốn về , đâu

Đò nhẹ . Lòng trôi theo sóng vỗ
Canh sâu . Dế đệm . Nhạc sành rung
Bạn ta . Đâu đã gì lướt khướt
Nghe chăng ?  Tiếng diễu nhại côn trùng

Ngoãnh lại . Trông ra . Hồ tan tác…
Chập chờn . Nghe gió lộng xa xăm
Thoảng nghe tiếng oán hồn dân tộc
Rớt xuống thuyền sông lạnh mái dầm

Ta gửi bạn bốn câu thơ viết từ thời trai trẻ , cách đây gần năm mươi năm , diễn tả sự thao thức , khát vọng và hoài bảo của tuổi trẻ Việt Nam trước hiện tình đất nước , bây giờ mỗi lần nhớ lại vẫn còn thấy hợp với tâm trạng chúng ta :

Những ước mơ như người què tháp đôi chân gỗ
Chống gậy đi tìm người lạ mặt ở bên kia sông
Có phải chúng ta đang đứng ở bên này
Ở bên kia sông lảo chèo đò ơi ới gọi


TRẦN  VĂN  SƠN
Đường trúc thư trang
3 / 2012

Saturday, July 21, 2012

TRẦN VĂN NAM * VĂN CAO, DÒNG SÔNG BA NHÁNH SƯƠNG MÙ




Nguồn của dòng sông mang tên Văn Cao là tâm hồn phong phú của nhà nghệ sĩ tài ba, trong lãnh vực âm nhạc cũng như thi ca. Sau khi ra khỏi vùng lưu vực hoang vu của tiềm thức, dòng sông tẻ ra ba nhánh trôi miên man trong huyền ảo của khói trắng sương mù. 

Nhánh sông dài nhất mang tên là dòng nước "Thiên Thai", dòng nước mênh mông chạy thẳng một đường dài về phía chân trời xa thẳm. Nó biến mất trong mây khói nơi đây, dường như cả dòng sông đã từ từ cất mình bay lên cao, còn vọng xuống tiếng róc rách của con thuyền ai đó đang lạc về nơi tiên cảnh. Nhạc bồng lai hay sông nước dạt dào, hai con hạc trắng vỗ cánh hay hình bóng hai chàng Lưu Nguyễn đưa tay giã từ quê hương tục lụy, ta nghe chìm đắm trong huyền mộng mơ hồ. Có lúc bài hát như cơn thủy triều dâng lên trầm trầm, có lúc du dương phảng phất hình dáng một bầy tiên nữ múa hát, những trái đào màu đỏ, những thắt lưng màu xanh da trời...

Theo lời phê bình của Nietzsche thì đối với nhạc sư Richard Wagner tất cả những gì hiển hiện đều trở thành tiếng vang và tất cả những âm vang đều lao mình về ánh sáng mà trở thành hình ảnh, đó là một tương quan giữa thị giác và thính giác. Chính nhờ tương quan này mà tiếng nhạc của Văn Cao, giá như không có lời hát, vẫn có thể dẫn đưa chúng ta về miền sương khói của đào nguyên, thấy hiển hiện qua âm thanh một cõi thiên thai trong sáng nhịp nhàng đầy tiếng hát ở bên kia thời gian tục lụy. Cũng như một hòa âm tuyệt diệu có thể cho ta thấy trước mắt một bình nguyên lồng lộng hay một sa mạc xa xăm trong tiếng trầm hùng của đoàn kỵ mã. Và cũng nhờ tương quan giữa thị giác và thính giác ấy mà Xuân Diệu ngày nào đã nghe được nhịp điệu trong màu vàng của rừng thông khi đến mùa tình ái trút xuống mênh mông, phấn thông vàng hòa tấu một bản nhạc không có âm thanh mà chỉ có tiếng nhịp nhàng của màu sắc.

Trong khi dòng sông thiên thai đầy màu sắc của thi ca Ðông phương khuất lấp ở cuối chân trời, nhánh sông "hiện thực" của Văn Cao bắt đầu trườn mình đi tới. Văn Cao nhạc sĩ, và Văn Cao cũng là một nhà thơ có tài, điển hình qua bài thơ "Chiếc Xe Xác Qua Phường Dạ Lạc". Trong bài thơ này, Văn Cao mô tả một cảnh lầm than của xã hội, một hình ảnh tương phản vô cùng bất công khi chiếc xe xác chở thi hài của những kẻ nghèo đói đi ngang qua một xóm ăn chơi ở Hà Nội trong vụ đói năm 1945. Nhánh sông thứ hai của tâm hồn Văn Cao bây giờ chảy quanh co trong một thành phố sa đọa rác rưới, những dãy hồng lâu rũ rượi mấy hình hài trụy lạc, những chuỗi tiền gieo mạnh trong ghê lạnh của đêm trường chết chóc, những ánh sáng vẫy người vào đêm khỏa thân khiêu vũ, những điệu kèn vô luân, hương nha phiến chập chùng, áo thế hoa lượn lờ tìm hoan lạc, trong lúc ấy thì chiếc xe xác âm thầm chở xác người ra khỏi thành phố khi tiếng gà bắt đầu gáy sáng. Nhánh sông hiện thực trườn đi trong đêm tối, sương khói bây giờ là không khí ma trơi chập chờn, là ánh đèn đỏ quạnh máu người, là đốm lửa ngã tư hư huyền, là tiếng sáo ma quái của xe xác, là ngoại ô lầy lội mưa đêm, là tiếng gà tàn canh báo tin những kiếp người đã ra khỏi vực...

Tính chất hiện thực trong thơ Văn Cao pha lẫn với huyền hoặc, lầm than xã hội trở thành một hình ảnh siêu thực ma quái.  Nhánh sông hiện thực đi vào thành phố không phô bày sự thật của cuộc đời, chỉ phản chiếu hình ảnh xã hội dưới đáy nước bằng thêu dệt của tưởng tượng, trở thành một vũ trụ thẩm mỹ có vẻ kỳ ảo dành cho văn chương, một thứ hiện thực trừu tượng chớ không phải hiện thực xã hội. Như thế nhánh sông thứ hai của Văn Cao vẫn là nhánh sông lẩn quất trong sương mù kỳ bí, chứng tỏ tâm hồn Văn Cao có nhiều cảm hứng về sự huyền ảo. Trích vài dòng ra đây để dẫn chứng cho thấy tính chất Siêu Thực còn gọi là Hiện Thực Trừu Tượng có khuynh hướng nghiêng về Thần Bí: 

"Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa
Chập chờn ảo hóa tà ma...
Ðôi dẫy hồng lâu cửa mở phấn sa
Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục
Lạnh ngắt tiếng ca nhi phách giục
Tình tang... não nuột khóc tàn sương
Áo thế hoa rũ rượi lượn đêm trường
Từng mỹ thể rạc hơi đèn phù thế
Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây...
Tiếng xe ma chở vội một đêm gầy
Xác trụy lạc rũ trên thềm lá phủ...
Ngã tư nghiêng nghiêng chia nẻo
Dặt dìu cung bậc âm dương
Tàn xuân nhễ nhại mưa cô tịch
Ðầm đìa rả rích Phương Ðông
Mang mang thở dài hồn đất Trích
Lưới  thép trùng trùng khép cố đô
Cửa ô đau khổ
Bốn ngã âm u
(Nhà ta thuê mái gục tự mùa thu
Gác cô độc hướng về phường Dạ Lạc)
Ðêm đêm, đài canh tan tác
Bốn vực nhạc động, vẫy người
Dẫy đèn chao thắp đỏ quạnh máu đời
Ta về gác gió cài then cửa rú
Trên đường tối đêm khỏa thân khiêu vũ
...
Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác
Ði vào ngõ khói Công Yên
Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền
Hương nha phiến chập chờn mộng ảo
Bánh nghiến nhựa đang kêu sào sạo
- Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe?
Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực
Mưa, mưa hằng thao thức
Trong phố lội đìu hiu
Mưa, mưa tràn trên vực
- Hang tối gục tiêu điều
Mang linh hồn cô liêu
Tiếng xe càng ám ảnh
Tiếng xe dần xa lánh
Khi gà đầu ô kêu. 

Nhánh sông thứ ba được nhận thấy qua tâm hồn Văn Cao mang tên là "Bến Xuân". Ðặc điểm của nhánh sông này là tính chất yêu đời, nhánh sông đi vào vùng sương khói thơ mộng của mùa Xuân và tuổi trẻ, bớt vẻ huyền ảo hơn hai nhánh sông đã kể trên. Sương mù đã bốc thành từng đám mây trắng, làm sáng tỏ một bến nước trong thành phố có con sông chảy qua, khi gió mùa thơm ngát từng đàn én bay về, khi mùa mưa đến có bóng người thiếu nữ đến thăm căn nhà bên chiếc cầu soi nước, khi mùa ấm áp đã ra đi không quên mang theo lũ chim giang hồ và nàng cũng chỉ đến thăm một lần mà thôi.

Tiếng nhạc dìu dặt mỗi đêm khuya đưa con người trên dòng sông trở về bến xuân mộng ước tương lai. Nhánh sông thứ ba vẫn là nhánh sông bắt nguồn từ tâm hồn nhạc sĩ, nên một khi thoát ra vẫn mang dáng dấp thi ca của trên sông khói sóng, sương mù tươi mát hơn thứ sương mù trên dòng sông hiện thực mà quái đản của một thành phố đầy xác chết và chưa đủ không khí huyền ảo của mù sương nơi chốn thiên thai. Nó chỉ êm ái dành cho một thời thanh bình đã mất: "Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần, đôi cánh đang cùng dật dờ trên khắp bến xuân..."

Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê khi phê bình bản nhạc "Trường Ca Con Ðường Cái Quan" của nhạc sĩ Phạm Duy, có nhận xét là đoạn cuối của bản trường ca không có mang nhiều hơi hám dân ca của miền Nam, nhất là tiếng nhạc của những câu "Người về Tiền Giang đi về xa xăm, người về Hậu Giang xây tổ uyên ương" không có tí gì là nhạc Việt cả, và hình như nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng miền Nam chịu ảnh hưởng Âu Châu nặng nên hành khúc Cửu Long Giang phải có hơi hám nhạc Âu Tây. Chúng ta, không phải ai cũng biết nhiều về âm nhạc, nhưng cũng xin có vài ý kiến nhân đó làm một kết thúc cho bài viết về Văn Cao. Ta nghĩ là khi đến đoạn cuối của bản trường ca, nhạc sĩ Phạm Duy hơi lưỡng lự như mất nguồn cảm hứng về dân ca, lý do vì nhạc sĩ chưa cảm thấy thích thú lắm dân ca của miền Nam, dân ca ở đây chưa thấm sâu vào tâm hồn của ông. Nhưng bản hành khúc Cửu Long Giang vẫn hay, diễn tả được cái triền miên và mênh mông của dòng nước xuôi chảy về cuối chân trời. Ðiều đó chứng tỏ hình ảnh cụ thể của dòng sông tràn đầy đã nhập tâm vào người nhạc sĩ để hóa thân thành những tiếng nhạc tha thiết hiếm có, nói rõ hơn, nguồn cảm hứng của Phạm Duy không phải dân ca miền Nam mà chính là dòng nước ngọt ngào cũng như tình người hòa thuận của miền Nam.

Ðó chỉ là sự cảm nghĩ theo chủ quan, không biết có xa xôi lắm không. Từ cảm nghĩ hình ảnh thiên nhiên hóa thân vào âm thanh nghệ thuật, ta có thể nhận định ngược lại là âm thanh cũng có thể cho ta hình dung ra một quang cảnh nào đó. Tiếng nhạc du dương trong trẻo của bản "Thiên Thai" cho thấy trước mắt một vùng thần tiên mây khói; tiếng nhạc êm đềm của bản "Bến Xuân" là màu tươi mát của khói sóng trên sông; và bài thơ huyền hoặc "Chiếc Xe Xác Qua Phường Dạ Lạc"… cả ba là những dòng sông phảng phất một thứ sương mù kỳ ảo, tuy khác biệt đôi chút về màu sắc, nhưng từ nguồn một tâm hồn thơ mộng Văn Cao, nhạc sĩ thời tiền chiến.                                                                                                                              

Tran Van Nam
(Nguồn: Tạp chí Văn Học số 115, Sài Gòn, tháng 9 năm 1970)

Hải Phương * Hãy Phủ Định Ta Đi Em Kẻ Làm Thơ Lỗi thời giữa Chợ

Lương Trường Thọ
Sáng nay không khí vườn em hồng thơm rười rượi
Môi em rịn ứa hương trầm rủ tím đêm qua
Hãy hôn ta đi em
Những chiếc hôn sóng sánh bình minh xanh
Một thời rực rã nắng trên cây
Một thời mưa dầm trắng cầu trắng núi
Một thời xúc cảm ngập chìm tóc em hương quyến rũ không thể bứt ra được không thể be bờ tát cạn không thể bao che lại nổi khoảng trống bao la gió
Một thời lóng lánh cõi lòng riêng không thể giấu đi đâu được hào quang bồng bềnh bọt biển
Một thời không thể thôi không thể ngừng không thể ngưng lênh đênh mắt môi say đắm.

Sáng nay không khí vườn em im ắng
Thì hãy khỏa thân ra vỡ tan ngọn sóng
Hãy xé mở rộng khe hở đời thường thênh thang bóng đổ nhiệt đới tháng bảy ở San Jose trái tim Apple và bộ óc Intel của nhân loại thế kỷ @ kỳ diệu
Hãy hôn ta đi em đừng ngưng khát vọng
Hãy phủ định ta đi em đừng ngưng sáng tạo
Hãy vỡ đất ra từng sợi mỏng xây dựng yêu kiều vương quốc điện tử tình yêu
Hãy hôn ta đi em kịp chuyến xe về xa ngái bầu trời vàng hoa thung lũng.

Sáng nay vườn em ngọt quá có tiếng chim hót
Thì em hãy hát bằng đôi mõi vụng dại của ta
Hãy gỏ nhịp tiếng dương cầm gió bằng mười ngón tay thà thượt sợi tơ rung
Hãy hôn ta đi em kịp chuyến tốc hành lúc bình minh khép lại
Thí hãy mở ngày ra bằng đôi mắt em trùng dương sóng biếc
Hãy phủ định ta đi em kịp bữa trưa đứng bóng trên đỉnh non mù lũ chim hoàng cúc trốn biệt
Hãy tìm cho nhau đi em những gì chưa mất bằng tiếng hát rịm tím sắc màu cô lữ
Hát lên
Hãy hát lên đi em bằng đôi môi thật thà của ta
Kẻ làm thơ lỗi thời giữa chợ.

Sáng nay vườn em bày biện bữa tiệc bình minh xanh
Thì hãy hôn ta đi em kịp chuyến xe về xa ngái lúc chia tay bầu trời ý niệm
Hãy rót đầy chén cạn cho ta đi em thứ rượu cất ủ thiên niên rịn ứa mạch thời gian chảy qua cồn ngực em tồn sinh ấm lửa
Cuối cùng
Hãy phủ nhận ta đi em kẻ làm thơ lỗi thời giữa chợ.


Hai Phuong
Khi ở thung lũng điện tử
Tháng  bảy 2012

Thursday, July 19, 2012

Phương Triều * MÙA THU CỔ TÍCH







               

Người tới hỏi... người thiên thu nằm đó
Bao năm dài trời thức muộn hừng đông
Con chim nhỏ chối từ câu hát mượn
Miệng cười sao lòng chậm nỗi vui mừng !

Mùa thu cổ tích người đong rượu
Từng chén hoàng hoa dỗ cuộc chơi
Thơ về lớp lớp câu hào sảng
Hồn cứ lâng lâng nghĩa khí đời !

Người tưởng đùa chơi mà hóa thật
Người mong sự thật hóa thành chơi !
Con quay quay tít đời bông vụ
Lòng bỗng tương tư tiếng trẻ cười...

Cười ư ? Cười đã quên biền biệt
Đời trải bàn nhưng rượu không mời
Đời quen treo bảng rao hình phạt
Mỗi kiếp người riêng phận nổi trôi !

Người ngồi sửa lại dăm thành tích
Công bố tùy nghi cuộc đổi dời
Nhạc buồn chưa dứt câu phiền muộn
Sao bỗng rùm beng tiếng chọc cười ?

 Phuong Trieu


NGÔ NGUYÊN NGHIỄM * Vũ Hữu Định, đường gian nan chạy suốt kiếp người





Tiểu sử văn học: VŨ HỮU ĐỊNH

Tên thật: Lê Quang Trung.
Sinh năm 1942, tại Thừa Thiên Huế.
Mất năm 1981, tại Đà Nẵng.
Bút hiệu cũ: Hàn Giang Lệ

Thơ đăng trên các tạp chí trước 1975:
Văn – Thời Tập – Bách Khoa…

Tác phẩm đã in:
·        Còn Một Chút Gì Để Nhớ (Thơ, NXB Trẻ, 1996)
·        Tình Ca Người Lỡ Vận (Thơ, Thư Ấn Quán, 2006)

             Bản thảo còn lại:
·        Năm Năm (Thơ, theo lời Đynh Trầm Ca)
·        Yêu Như Tình Đầu (Thơ, theo lời Hoàng Lộc)



Bóng dáng của Vũ Hữu Định như một con ngựa hoang, ngày tháng chất chồng trên vó ngược mà chính bản thân chủ nhân cũng không lường trước được phương hướng để định vị cuộc đời trước mặt. Đã là hóa thân loài ngựa hoang, sự thuần hóa là điều không tưởng, bước đi nhảy vọt không hai chắn mắt, vì vậy hướng tương lai như chiếc bóng phù ảo, cứ chạy đuổi miệt mài trong cái hư không vô cùng tận. Có lẽ định mệnh quy cách cho một số phận đầy nghiệt ngã, khiến Vũ Hữu Định cứ rong cương cất vó vô định hình trong không gian lưu trú, lãng bạt suốt bề dài tuổi thanh niên. Cũng có lẽ bao nhiêu bất trắc cứ đổ đầy trên số phận nhà thơ, đem tất cả phong trần thế gian phủ chụp cho nát nhàu kiếp số.

Long đong và nghiệt ngã bám đầy trên vai áo Vũ Hữu Định không biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng khi anh gặp tôi tại Sài Gòn, hình như gió bụi cộng sinh đã là chiếc bóng gắn chặt vào cuộc đời, không tách rời khỏi được số phận và thơ Vũ Hữu Định. Chan hòa tan nát trong sự vần vũ của vũ trụ, bản thân như hạt cát lẻ loi giữa sa mạc, cái mất đi còn có hình thể gì đâu mà phải phân trần, nhưng cái còn lại của một tâm thức người thơ trụ lại được trong cái an nhiên, thì đó là cái khó được thử thách thật quyết liệt. Vũ Hữu Định biến hóa sự nghiệt ngã trở thành sự tịch tịnh hằng ngày trong hành xử với thế sự và chính bản thân, như một đóa sen hồng điềm đạm thanh khiết giữa tứ bề sương khói phủ vây. Trong đời tôi, giao tiếp thân tình với bằng hữu bốn phương, dĩ nhiên cũng gặp nhiều khuôn mẫu tuyệt vời trong cuộc sống. Nhiều nhân dáng chuyên chở từ tâm thức kỳ diệu gần như những đạo vị, được hóa thân tự tại, dù có quay cuồng trong nghiệt ngã… Vũ Hữu Định là một con ngựa bạch lãng bạt phiêu du dưới những giọt trăng vàng, đói hớp sương tạo dựng sự sung mãn cho khí thơ, hiện thành bất chợt luân lưu hòa nhập với từng đoạn đường trường sải vó qua truông.

Thản nhiên bước lên cuộc sống không giây phút bình yên, Vũ Hữu Định không bao giờ thiếu nụ cười cợt đùa với thế sự chung quanh. Thoạt đến thoạt di, là phương chăm hành sự khiến có lúc anh em quan tâm chờ đón cũng không định được phương hướng dừng chân của Vũ Hữu Định. Thật ra, hoàn cảnh bất hợp lệ khiến đời sống anh có một sự thay đổi lớn, luôn lăng ba vi bộ trước biến động trên lộ trình. Chính vậy, phần vì tế nhị với bạn bè, phần vì lãng bạt của tính nghê sĩ, Vũ Hữu Định di chuyển thường xuyên để khỏi phiền hà cho bằng hữu, hơn nữa sự ra đi cũng là những bước thơ rơi, giúp nhà thơ hóa hiện nhiều tác phẩm tuyệt cùng. Trong đời, có lẽ Vũ Hữu Định là một trong những nhà thơ viết dễ dàng và nhanh chóng trên bất cứ hoàn cảnh nào. Thơ Vũ Hữu Định bộc phát thật tự nhiên, như hoa phải nở, trăng phải soi và sương phải phủ mờ vạn vật. Bất chợt trên đường hoạn lộ, nhập tâm vào cuộc lữ hành và khiến thơ hóa hiện bằng những tinh túy vừa rơi rụng, làm nảy nở từng đóa hoa lung linh giữa trời đất…

Năm 70 cách đây hơn 40 năm, thời loạn ly giữa bao nhiêu tin chiến sự làm cuồng rối cuộc sống của quê hương, anh em văn nghệ cật lực bày tỏ tiếng nói của tuổi trẻ bằng những tạp san, rải rác hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Mỗi tờ báo đều có quan điểm riêng, nhưng tụ chung vẫn là mặt trận phản đối chiến tranh diệt chủng. Sự gặp gỡ tên tuổi hằng ngày trên các báo chí văn nghệ, đã giúp trong lòng anh em hình thành một sự quen biết vô hình, nhưng trân trọng nhau một cách chân thành. Đến khi có dịp giáp mặt thăm viếng, thì đã như mối thâm tình giữa những cố nhân. Vũ Hữu Định lếch thếch bộ hành qua cây cầu chữ Y dài gần 700m, vào tìm tôi ngay buổi trưa ngày giáng sinh 1971, nhốt cả hồn thơ trong một vóc dáng thấp đậm người, mà nụ cười là điểm chính yếu luôn hiện diện trên môi anh. Phong phanh trong chiếc sơ mi bỏ ngoài, lẹp xẹp đôi dép Lào bước vào tệ xá. Người mà Vũ Hữu Định gặp đầu tiên là Nguyễn Thành Xuân và Trương Quang Vinh, lần lượt xưng tên rồi khoác vai nhau kéo vào hàn huyên. Bản tính Vũ Hữu Định xuề xòa, cởi mở mà sự thong dong của anh hình như thể hiện được cung cách tự nhiên trong đời sống. Tôi chưa hề nghe Vũ Hữu Định than thở, dù từ thời gian 1970 – 1974 anh đi – về với tôi tại thư trang Quang Hạnh hầu như thường xuyên. Mỗi lần xuất xử với chuyện đời, Vũ Hữu Định thường về kể tôi nghe những diễn biến mà anh lượm nhặt được từ bốn phương trời, quy cũ lại và đưa ra trò chuyện với nhau.

Những kỷ niệm của nhiều người bạn làm văn nghệ, mỗi người có cách xử thế riêng biệt, đậm tính khí của tâm hồn mỗi cá thể. Nét tiêu dao phong thái của một Trần Kiêu Bạt có tính cách giang hồ, đậm nét lãng bạt Nam bộ và hy sinh như phong thái của Lương Sơn Bạc. Cung cách của một Nguyễn Bắc Sơn, lại đăm chiêu giữa cái khí cốt phương Đông, gác kiếm ngay trên trận chiến rượu tàn, mà phá phách chơi ở mọi điếm lữ trần gian. Phạm Nhã Dự thì lãng đãng trong sương mù của 18 thôn vườn trầu, mọi khí hậu tinh sương đều được nhà thơ cung hiến hết cho bằng hữu tâm giao, mà đối với anh, mới cũ vẫn tứ hải giai huynh đệ. Một Hà Thúc Sinh thì nhẹ hẫng bước phong lưu với đồng điệu, đến nỗi: “ Hà Thúc phu nhân coi buồn lắm/ Sữa thiếu làm sao tiếp rượu chồng”…Hằng hà sa số bằng hữu văn nghệ, cái tâm của anh em nhiều khi ảnh hưởng cực kỳ với sáng tác. Hình như tất cả chân thật của cõi lòng, dù ở bất cứ hoàn cảnh phủ chụp nào, cũng là một hạnh ngộ để nhào nắn giữa khuôn đời. Tôi cảm nhận, Vũ Hữu Định có một chút lãng bạt của Trần Kiêu Bạt, sự tự tin nhẹ nhàng của Hà Thúc Sinh, hòa – hoa – nghĩa – khí- chân - thành với đời sống như Phạm Nhã Dự, chút nghiêm cẩn rộng mở cái tâm bát ngát bốn phương như trường hợp Nguyễn Lê La Sơn…Chính vậy, bôn ba trong cuộc đời đầy hệ lụy, nhưng Vũ Hữu Định vẫn giữ vững được bản sắc du hành tuyệt diệu cho thơ. Đến đâu thơ cũng tràn ngập trên thần trí, tràn ngập cả không khí vây quanh. Tôi không hiểu ở thời đại Thiền sư Basho, khi chống gậy dặm ngàn sương gió, phong vũ có dồn dập ảnh hưởng đến phong thái ông như thế nào. Mà ngàn bài Hai Ku kỳ diệu lắng động cả thiên thu. Chỉ có điều hình ảnh của Vũ Hữu Định cũng có dáng dấp lênh đênh, trôi nổi giữa trần gian, trong cái tâm còn quầy quả xáo trộn vô thường, khác hẳn điều hạnh phúc an nhiên thiền vị của Basho, trên bước thiền hành. Thơ Vũ Hữu Định vẫn gieo hoa giữa không gian, đầm đìa cả một trời nghiệp chướng của nhân sinh, mà những khúc trường ca lỡ vận là một hướng nhìn tan tác tội nghiệp của kiếp người: “Ta đã hát khúc hát đời lỡ vận/ Hát âm u trong đêm tối một mình”, mà nhiều lúc tàn canh uống từng giọt rượu cô đơn để chợt thấm đẫm trách nhiệm cương thường: “Ta đã hát khúc đời lỡ vận/Khúc hát buồn như một khúc sông con/ Khúc hát cay như những lần uống rượu/ Khúc hát chua như một đĩa cũ mòn/ Khúc hát đời cha nay đến đời con”. Chợt nhớ trong bao lần ngẩng bóng để lãng quên, nhưng làm sao được, ở quê xa vẫn chợt ẩn hiện man mác đến đau lòng: “Mười năm cha mẹ đau chân sỏi/Sớm lặn truông xa, chiều lội bãi cồn”.

Vũ Hữu Định có một sự cương nghị trong cuộc sống, dù phôi pha có phủ đầy trên số kiếp nhưng đời thường anh vẫn trầm tĩnh đến độ phớt lờ những khắc nghiệt đó. Hình như, trong những cuộc giao tiếp, thần thái Vũ Hữu Định hòa đồng trong nếp sống hồn nhiên của mọi người, nhưng những đêm dài lẻ loi, đầy vơi ý nghĩ trên chén rượu, làm sao không bừng cháy những ám ảnh riêng tư: “Thời đại thánh thần đi mất biệt/ Còn lại bơ vơ một giống sầu/ Rót mãi, bao nhiêu tình cũng cạn/ Nâng ly, nhìn thấy tóc bạc mau”, những câu hỏi thường đặt ra như một cách tự vấn: “Anh là một gã giang hồ tới/ Lòng hoang như con lộ không đèn/ Ngồi với hồn sầu ly rượu cạn/ Sao mới vài ly mà đã say?”

Thế là, Vũ Hữu Định lưu vong sống trong Thư trang Quang Hạnh của tôi, thấm thoát cũng gần 4 năm, bắt đầu từ cuối năm 1971-1974. Thời  gian vật đổi sao dời, đối với con chim di Vũ Hữu Định như một cái cớ để xếp cánh tạm lắng trong không gian ân tình. Tôi thường xuyên chở Vũ Hữu Định trên xe Honda 67, lúc thăm viếng A.Khuê, lúc qua Phạm Duy, hẹn hò Phạm Chu Sa…Đi xe máy thật ra là một phương tiện để di chuyển nhanh gọn, tránh cho Vũ Hữu Định những cuộc tra xét bất chợt giữa lộ trình. Năm 1973, có hai chuyến di chuyển đầy kỷ niệm, khắc sâu thêm tình cảm của Định với đồng bằng miền Nam, mà anh thường cười nói, nghĩa khí bạt ngàn trên từng cọng lúa. Trưa hè 1973, tình cờ Phạm Trích Tiên có lời nhắn gởi mời về thị trấn Tân An (Long An) cách Sài Gòn hơn 50 cây số, mà Phạm Trích Tiên rào đón, ngày cuối tháng lương bổng dồi dào, để khỏi mất mặt với phương xa. Thật tình tôi ngại đường xa và túy tửu vô chừng, nhưng Vũ Hữu Định lại phấn khởi, đốc xúi tôi làm một chuyến di chuyển cho biết một tỉnh lỵ miền Tây gần gũi Sài Gòn nhất. Chiều ý, tôi cũng đèo Vũ Hữu Định trên chiếc hắc mã 67, về hội ngộ Phạm Trích Tiên sau gần 6 tháng không gặp mặt. Cái đến thì tự khắc sẽ đến, sự chờ đợi của Phạm Trích Tiên cũng được đáp ứng với hiện diện của hai gã phiêu linh. Tiệc tùng đầy rẫy, rượu tràn khóe môi, tửu phùng tri kỷ, ngàn ly cũng chưa đầy. Ông Phạm Trích Tiên thì như hủ chìm, ông Vũ Hữu Định thì như rồng gặp nước…thơ thẩn vun vẫy tứ phương, ca ngâm loạn nhịp nào ai hay ai biết, vì thần trí gởi cả cho gió ngàn bay. Trong tiệc rượu tới giai đoạn tung khai lý lịch, hai nhà thơ chợt hét lên ôm chầm nhau trong một phút cảm ngộ tuyệt vời. Tôi còn ngơ ngác nhìn tìm hiểu, thì Phạm Trích Tiên cho hay khi nhắc đến gia đình, thì ra Vũ Hữu Định lại là con nuôi của người cô ruột Phạm Trích Tiên khi anh lưu lạc vào miền Tây khoảng tuổi thiếu niên. Thì ra mọi sự thế đều được an bày, có tránh được định mệnh đâu, mà phải thở than? Như trên chuyến đò ngang, kẻ thất phu cũng hiểu rằng giữa dặm trường vẫn còn tiếng gió sương vương vãi: “Chạnh lòng ngó chuyến đò ngang/ Tiếng kêu sương gió dặm đường quạnh hiu”.

Bản tính của Vũ Hữu Định là cả vì anh em, nên tôi chưa bao giờ nghe anh than phiền một ai, dù rằng trong đời sống phiêu lãng anh cũng gặp nhiều chuyện trái ngang thế thái nhân tình. Nhưng chỉ có một lần duy nhất, không biết Nguyễn Đức Sơn có thái độ ngang trái gì với chàng thi nhân gió bụi phong trần này, mà trong đời tôi chưa hề thấy cơn giận dữ nào khiến phủ lấp đầy vơi trên khuôn mặt luôn luôn nở nụ cười của Vũ Hữu Định. Ngày 29/07/1973 tại tệ xá, Vũ Hữu Định nghiêm chỉnh bày tỏ thái độ với Nguyễn Đúc Sơn trên một bức tâm thư, đích danh tranh luận chính kiến với danh dự của một kẻ sĩ…Tôi cũng không lạ gì tính khí trái trời của các chàng thi sĩ đầy vẻ độc tôn, để dành giựt ngôi vị bắc đẩu. Một việc làm nghi kỵ khiến đời sống chao đảo, đưa đẩy vào cái hư vị phù du, mà danh vọng chỉ làm bận lòng cho thơ. Tình cảnh Vũ Hữu Định trong giai đoạn cùng cực của nẻo sống, nên chỉ có danh dự là sự tự trọng chân thành. Anh trao tôi xem bản văn ngỏ với Nguyễn Đức Sơn, khiến tôi cũng buồn lây cho sự thế xáo trộn, thiện ác huyễn hoặc ẩn hiện giữa lớp người. Định tâm, tôi khuyên giải Vũ Hữu Định suốt hai ngày ròng rã, mới lấy được bản văn ngỏ lưu lại với thiên thu. Vũ Hữu Định thản nhiên bỏ lại những phiền toái sau lưng, lững thững lướt vào gió bụi. Bây giờ, thị phi không còn đọng trên nếp áo, nhà thơ chỉ biết nghiêng tai lắng nghe trời đất, vạn vật, để ôm cả buổi chiều rơi rụng vào thơ: “Anh có nghe bên đường tiếng chim kêu/ Con chim chi buồn chết cả buổi chiều”, hoang vu cô độc nhớ nhung chất chồng trên cả đường đi lối về, với: “Những con đường núi sâu hun hút/ Những phố đìu hiu không nhớ tên” và :“Thấy gì không giữa bao la?/ Bỗng nghe tim động nỗi nhà quạnh hiu.”

Bóng dáng khiêm tốn khi đứng vươn vai so bì với thiên địa, bản chất hạo nhiên lại là chân khí tuyệt diệu của thi nhân. Vũ Hữu Định thản nhiên trước mọi cuồng rối vây phủ chung quanh. Trong tâm thức chắc chỉ còn cô đọng một khối oan khiên cho riêng mình, mà nhiều khi số phận đã khiến nhà thơ trải lòng  cảm ngộ với những bóng hình phủ chiếu xuống thân ta: “Chiều khó thở ngồi bên quán xếp/ Một miếng khô, một xị rượu nồng/ Nhai là nói với đời lận đận/ Uống là nghe sầu cháy long đong……Ta là khách, còn cô hàng là chủ/ Cũng có trong lòng một hố sâu.”

Trường đời dàn trải đầy nghịch cảnh gai góc, khiến suốt quãng đường đi qua của Vũ Hữu Định quay quắt như con vụ cuồng xoay. Cái điêu linh không thoát thành lời, họa chăng chỉ có thơ gieo từng hạt lân tinh trên đường phiêu bạt, đã làm cháy xém đi những tang thương chất chồng trên suốt một kiếp người…

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
(Đêm hạ huyền, tháng 7 âm lịch, 2011)