Tiểu sử văn học: VŨ HỮU ĐỊNH
Tên thật:
Lê Quang Trung.
Sinh năm
1942, tại Thừa Thiên Huế.
Mất năm
1981, tại Đà Nẵng.
Bút hiệu
cũ: Hàn Giang Lệ
Thơ đăng
trên các tạp chí trước 1975:
Văn – Thời
Tập – Bách Khoa…
Tác phẩm đã in:
·
Còn Một Chút Gì Để Nhớ (Thơ, NXB
Trẻ, 1996)
·
Tình Ca Người Lỡ Vận (Thơ, Thư Ấn
Quán, 2006)
Bản thảo còn lại:
·
Năm Năm (Thơ, theo lời Đynh Trầm
Ca)
·
Yêu Như Tình Đầu (Thơ, theo lời
Hoàng Lộc)
Bóng dáng của Vũ Hữu Định như một con ngựa hoang, ngày tháng chất
chồng trên vó ngược mà chính bản thân chủ nhân cũng không lường trước được
phương hướng để định vị cuộc đời trước mặt. Đã là hóa thân loài ngựa hoang, sự
thuần hóa là điều không tưởng, bước đi nhảy vọt không hai chắn mắt, vì vậy hướng
tương lai như chiếc bóng phù ảo, cứ chạy đuổi miệt mài trong cái hư không vô
cùng tận. Có lẽ định mệnh quy cách cho một số phận đầy nghiệt ngã, khiến Vũ Hữu
Định cứ rong cương cất vó vô định hình trong không gian lưu trú, lãng bạt suốt
bề dài tuổi thanh niên. Cũng có lẽ bao nhiêu bất trắc cứ đổ đầy trên số phận
nhà thơ, đem tất cả phong trần thế gian phủ chụp cho nát nhàu kiếp số.
Long đong và nghiệt ngã bám đầy trên vai áo Vũ Hữu Định không biết
bắt đầu từ lúc nào, nhưng khi anh gặp tôi tại Sài Gòn, hình như gió bụi cộng
sinh đã là chiếc bóng gắn chặt vào cuộc đời, không tách rời khỏi được số phận
và thơ Vũ Hữu Định. Chan hòa tan nát trong sự vần vũ của vũ trụ, bản thân như
hạt cát lẻ loi giữa sa mạc, cái mất đi còn có hình thể gì đâu mà phải phân trần,
nhưng cái còn lại của một tâm thức người thơ trụ lại được trong cái an nhiên,
thì đó là cái khó được thử thách thật quyết liệt. Vũ Hữu Định biến hóa sự
nghiệt ngã trở thành sự tịch tịnh hằng ngày trong hành xử với thế sự và chính
bản thân, như một đóa sen hồng điềm đạm thanh khiết giữa tứ bề sương khói phủ
vây. Trong đời tôi, giao tiếp thân tình với bằng hữu bốn phương, dĩ nhiên
cũng gặp nhiều khuôn mẫu tuyệt vời trong cuộc sống. Nhiều nhân dáng chuyên chở
từ tâm thức kỳ diệu gần như những đạo vị, được hóa thân tự tại, dù có quay cuồng
trong nghiệt ngã… Vũ Hữu Định là một con ngựa bạch lãng bạt phiêu du dưới những
giọt trăng vàng, đói hớp sương tạo dựng sự sung mãn cho khí thơ, hiện thành bất
chợt luân lưu hòa nhập với từng đoạn đường trường sải vó qua truông.
Thản nhiên bước lên cuộc sống không giây phút bình yên, Vũ Hữu Định
không bao giờ thiếu nụ cười cợt đùa với thế sự chung quanh. Thoạt đến thoạt
di, là phương chăm hành sự khiến có lúc anh em quan tâm chờ đón cũng không định
được phương hướng dừng chân của Vũ Hữu Định. Thật ra, hoàn cảnh bất hợp lệ
khiến đời sống anh có một sự thay đổi lớn, luôn lăng ba vi bộ trước biến động
trên lộ trình. Chính vậy, phần vì tế nhị với bạn bè, phần vì lãng bạt của
tính nghê sĩ, Vũ Hữu Định di chuyển thường xuyên để khỏi phiền hà cho bằng hữu,
hơn nữa sự ra đi cũng là những bước thơ rơi, giúp nhà thơ hóa hiện nhiều tác
phẩm tuyệt cùng. Trong đời, có lẽ Vũ Hữu Định là một trong những nhà thơ viết
dễ dàng và nhanh chóng trên bất cứ hoàn cảnh nào. Thơ Vũ Hữu Định bộc phát thật
tự nhiên, như hoa phải nở, trăng phải soi và sương phải phủ mờ vạn vật. Bất
chợt trên đường hoạn lộ, nhập tâm vào cuộc lữ hành và khiến thơ hóa hiện bằng
những tinh túy vừa rơi rụng, làm nảy nở từng đóa hoa lung linh giữa trời đất…
Năm 70 cách đây hơn 40 năm, thời loạn ly giữa bao nhiêu tin chiến
sự làm cuồng rối cuộc sống của quê hương, anh em văn nghệ cật lực bày tỏ tiếng
nói của tuổi trẻ bằng những tạp san, rải rác hầu hết các tỉnh thành trong cả
nước. Mỗi tờ báo đều có quan điểm riêng, nhưng tụ chung vẫn là mặt trận phản
đối chiến tranh diệt chủng. Sự gặp gỡ tên tuổi hằng ngày trên các báo chí văn
nghệ, đã giúp trong lòng anh em hình thành một sự quen biết vô hình, nhưng
trân trọng nhau một cách chân thành. Đến khi có dịp giáp mặt thăm viếng, thì
đã như mối thâm tình giữa những cố nhân. Vũ Hữu Định lếch thếch bộ hành qua
cây cầu chữ Y dài gần 700m, vào tìm tôi ngay buổi trưa ngày giáng sinh 1971,
nhốt cả hồn thơ trong một vóc dáng thấp đậm người, mà nụ cười là điểm chính yếu
luôn hiện diện trên môi anh. Phong phanh trong chiếc sơ mi bỏ ngoài, lẹp xẹp
đôi dép Lào bước vào tệ xá. Người mà Vũ Hữu Định gặp đầu tiên là Nguyễn Thành
Xuân và Trương Quang Vinh, lần lượt xưng tên rồi khoác vai nhau kéo vào hàn
huyên. Bản tính Vũ Hữu Định xuề xòa, cởi mở mà sự thong dong của anh hình như
thể hiện được cung cách tự nhiên trong đời sống. Tôi chưa hề nghe Vũ Hữu Định
than thở, dù từ thời gian 1970 – 1974 anh đi – về với tôi tại thư trang Quang
Hạnh hầu như thường xuyên. Mỗi lần xuất xử với chuyện đời, Vũ Hữu Định thường
về kể tôi nghe những diễn biến mà anh lượm nhặt được từ bốn phương trời, quy
cũ lại và đưa ra trò chuyện với nhau.
Những kỷ niệm của nhiều người bạn làm văn nghệ, mỗi người có
cách xử thế riêng biệt, đậm tính khí của tâm hồn mỗi cá thể. Nét tiêu dao
phong thái của một Trần Kiêu Bạt có tính cách giang hồ, đậm nét lãng bạt Nam
bộ và hy sinh như phong thái của Lương Sơn Bạc. Cung cách của một Nguyễn Bắc
Sơn, lại đăm chiêu giữa cái khí cốt phương Đông, gác kiếm ngay trên trận chiến
rượu tàn, mà phá phách chơi ở mọi điếm lữ trần gian. Phạm Nhã Dự thì lãng
đãng trong sương mù của 18 thôn vườn trầu, mọi khí hậu tinh sương đều được
nhà thơ cung hiến hết cho bằng hữu tâm giao, mà đối với anh, mới cũ vẫn tứ hải
giai huynh đệ. Một Hà Thúc Sinh thì nhẹ hẫng bước phong lưu với đồng điệu, đến
nỗi: “ Hà Thúc phu nhân coi buồn lắm/ Sữa
thiếu làm sao tiếp rượu chồng”…Hằng hà sa số bằng hữu văn nghệ, cái tâm của
anh em nhiều khi ảnh hưởng cực kỳ với sáng tác. Hình như tất cả chân thật của
cõi lòng, dù ở bất cứ hoàn cảnh phủ chụp nào, cũng là một hạnh ngộ để nhào nắn
giữa khuôn đời. Tôi cảm nhận, Vũ Hữu Định có một chút lãng bạt của Trần Kiêu
Bạt, sự tự tin nhẹ nhàng của Hà Thúc Sinh, hòa – hoa – nghĩa – khí- chân -
thành với đời sống như Phạm Nhã Dự, chút nghiêm cẩn rộng mở cái tâm bát ngát
bốn phương như trường hợp Nguyễn Lê La Sơn…Chính vậy, bôn ba trong cuộc đời đầy
hệ lụy, nhưng Vũ Hữu Định vẫn giữ vững được bản sắc du hành tuyệt diệu cho
thơ. Đến đâu thơ cũng tràn ngập trên thần trí, tràn ngập cả không khí vây
quanh. Tôi không hiểu ở thời đại Thiền sư Basho, khi chống gậy dặm ngàn sương
gió, phong vũ có dồn dập ảnh hưởng đến phong thái ông như thế nào. Mà ngàn
bài Hai Ku kỳ diệu lắng động cả thiên thu. Chỉ có điều hình ảnh của Vũ Hữu Định
cũng có dáng dấp lênh đênh, trôi nổi giữa trần gian, trong cái tâm còn quầy
quả xáo trộn vô thường, khác hẳn điều hạnh phúc an nhiên thiền vị của Basho,
trên bước thiền hành. Thơ Vũ Hữu Định vẫn gieo hoa giữa không gian, đầm đìa cả
một trời nghiệp chướng của nhân sinh, mà những khúc trường ca lỡ vận là một
hướng nhìn tan tác tội nghiệp của kiếp người: “Ta đã hát khúc hát đời lỡ vận/ Hát âm u trong đêm tối một mình”, mà
nhiều lúc tàn canh uống từng giọt rượu cô đơn để chợt thấm đẫm trách nhiệm
cương thường: “Ta đã hát khúc đời lỡ vận/Khúc
hát buồn như một khúc sông con/ Khúc hát cay như những lần uống rượu/ Khúc
hát chua như một đĩa cũ mòn/ Khúc hát đời cha nay đến đời con”. Chợt nhớ
trong bao lần ngẩng bóng để lãng quên, nhưng làm sao được, ở quê xa vẫn chợt ẩn
hiện man mác đến đau lòng: “Mười năm
cha mẹ đau chân sỏi/Sớm lặn truông xa, chiều lội bãi cồn”.
Vũ Hữu Định có một sự cương nghị trong cuộc sống, dù phôi pha có
phủ đầy trên số kiếp nhưng đời thường anh vẫn trầm tĩnh đến độ phớt lờ những
khắc nghiệt đó. Hình như, trong những cuộc giao tiếp, thần thái Vũ Hữu Định
hòa đồng trong nếp sống hồn nhiên của mọi người, nhưng những đêm dài lẻ loi,
đầy vơi ý nghĩ trên chén rượu, làm sao không bừng cháy những ám ảnh riêng tư:
“Thời đại thánh thần đi mất biệt/ Còn lại
bơ vơ một giống sầu/ Rót mãi, bao nhiêu tình cũng cạn/ Nâng ly, nhìn thấy tóc
bạc mau”, những câu hỏi thường đặt ra như một cách tự vấn: “Anh là một gã giang hồ tới/ Lòng hoang
như con lộ không đèn/ Ngồi với hồn sầu ly rượu cạn/ Sao mới vài ly mà đã
say?”
Thế là, Vũ Hữu Định lưu vong sống trong Thư trang Quang Hạnh của
tôi, thấm thoát cũng gần 4 năm, bắt đầu từ cuối năm 1971-1974. Thời gian vật đổi sao dời, đối với con chim di
Vũ Hữu Định như một cái cớ để xếp cánh tạm lắng trong không gian ân tình. Tôi
thường xuyên chở Vũ Hữu Định trên xe Honda 67, lúc thăm viếng A.Khuê, lúc qua
Phạm Duy, hẹn hò Phạm Chu Sa…Đi xe máy thật ra là một phương tiện để di chuyển
nhanh gọn, tránh cho Vũ Hữu Định những cuộc tra xét bất chợt giữa lộ trình.
Năm 1973, có hai chuyến di chuyển đầy kỷ niệm, khắc sâu thêm tình cảm của Định
với đồng bằng miền Nam, mà anh thường cười nói, nghĩa khí bạt ngàn trên từng
cọng lúa. Trưa hè 1973, tình cờ Phạm Trích Tiên có lời nhắn gởi mời về thị trấn
Tân An (Long An) cách Sài Gòn hơn 50 cây số, mà Phạm Trích Tiên rào đón, ngày
cuối tháng lương bổng dồi dào, để khỏi mất mặt với phương xa. Thật tình tôi
ngại đường xa và túy tửu vô chừng, nhưng Vũ Hữu Định lại phấn khởi, đốc xúi
tôi làm một chuyến di chuyển cho biết một tỉnh lỵ miền Tây gần gũi Sài Gòn nhất.
Chiều ý, tôi cũng đèo Vũ Hữu Định trên chiếc hắc mã 67, về hội ngộ Phạm Trích
Tiên sau gần 6 tháng không gặp mặt. Cái đến thì tự khắc sẽ đến, sự chờ đợi của
Phạm Trích Tiên cũng được đáp ứng với hiện diện của hai gã phiêu linh. Tiệc
tùng đầy rẫy, rượu tràn khóe môi, tửu phùng tri kỷ, ngàn ly cũng chưa đầy.
Ông Phạm Trích Tiên thì như hủ chìm, ông Vũ Hữu Định thì như rồng gặp nước…thơ
thẩn vun vẫy tứ phương, ca ngâm loạn nhịp nào ai hay ai biết, vì thần trí gởi
cả cho gió ngàn bay. Trong tiệc rượu tới giai đoạn tung khai lý lịch, hai nhà
thơ chợt hét lên ôm chầm nhau trong một phút cảm ngộ tuyệt vời. Tôi còn ngơ
ngác nhìn tìm hiểu, thì Phạm Trích Tiên cho hay khi nhắc đến gia đình, thì ra
Vũ Hữu Định lại là con nuôi của người cô ruột Phạm Trích Tiên khi anh lưu lạc
vào miền Tây khoảng tuổi thiếu niên. Thì ra mọi sự thế đều được an bày, có
tránh được định mệnh đâu, mà phải thở than? Như trên chuyến đò ngang, kẻ thất
phu cũng hiểu rằng giữa dặm trường vẫn còn tiếng gió sương vương vãi: “Chạnh lòng ngó chuyến đò ngang/ Tiếng kêu
sương gió dặm đường quạnh hiu”.
Bản tính của Vũ Hữu Định là cả vì anh em, nên tôi chưa bao giờ
nghe anh than phiền một ai, dù rằng trong đời sống phiêu lãng anh cũng gặp
nhiều chuyện trái ngang thế
thái nhân tình. Nhưng chỉ có một lần duy nhất, không biết Nguyễn Đức Sơn có
thái độ ngang trái gì với chàng thi nhân gió bụi phong trần này, mà trong đời
tôi chưa hề thấy cơn giận dữ nào khiến phủ lấp đầy vơi trên khuôn mặt luôn
luôn nở nụ cười của Vũ Hữu Định. Ngày 29/07/1973 tại tệ xá, Vũ Hữu Định
nghiêm chỉnh bày tỏ thái độ với Nguyễn Đúc Sơn trên một bức tâm thư, đích
danh tranh luận chính kiến với danh dự của một kẻ sĩ…Tôi cũng không lạ gì
tính khí trái trời của các chàng thi sĩ đầy vẻ độc tôn, để dành giựt ngôi vị
bắc đẩu. Một việc làm nghi kỵ khiến đời sống chao đảo, đưa đẩy vào cái hư vị
phù du, mà danh vọng chỉ làm bận lòng cho thơ. Tình cảnh Vũ Hữu Định trong
giai đoạn cùng cực của nẻo sống, nên chỉ có danh dự là sự tự trọng chân
thành. Anh trao tôi xem bản văn ngỏ với Nguyễn Đức Sơn, khiến tôi cũng buồn
lây cho sự thế xáo trộn, thiện ác huyễn hoặc ẩn hiện giữa lớp người. Định
tâm, tôi khuyên giải Vũ Hữu Định suốt hai ngày ròng rã, mới lấy được bản văn
ngỏ lưu lại với thiên thu. Vũ Hữu Định thản nhiên bỏ lại những phiền toái sau
lưng, lững thững lướt vào gió bụi. Bây giờ, thị phi không còn đọng trên nếp
áo, nhà thơ chỉ biết nghiêng tai lắng nghe trời đất, vạn vật, để ôm cả buổi
chiều rơi rụng vào thơ: “Anh có nghe
bên đường tiếng chim kêu/ Con chim chi buồn chết cả buổi chiều”, hoang vu
cô độc nhớ nhung chất chồng trên cả đường đi lối về, với: “Những con đường núi sâu hun hút/ Những phố
đìu hiu không nhớ tên” và :“Thấy gì
không giữa bao la?/ Bỗng nghe tim động nỗi nhà quạnh hiu.”
Bóng dáng khiêm tốn khi đứng vươn vai so bì với thiên địa, bản
chất hạo nhiên lại là chân khí tuyệt diệu của thi nhân. Vũ Hữu Định thản
nhiên trước mọi cuồng rối vây phủ chung quanh. Trong tâm thức chắc chỉ còn cô
đọng một khối oan khiên cho riêng mình, mà nhiều khi số phận đã khiến nhà thơ
trải lòng cảm ngộ với những bóng hình
phủ chiếu xuống thân ta: “Chiều khó thở
ngồi bên quán xếp/ Một miếng khô, một xị rượu nồng/ Nhai là nói với đời lận đận/
Uống là nghe sầu cháy long đong……Ta là khách, còn cô hàng là chủ/ Cũng có
trong lòng một hố sâu.”
Trường đời dàn trải đầy nghịch cảnh gai góc, khiến suốt quãng đường
đi qua của Vũ Hữu Định quay quắt như con vụ cuồng xoay. Cái điêu linh không
thoát thành lời, họa chăng chỉ có thơ gieo từng hạt lân tinh trên đường phiêu
bạt, đã làm cháy xém đi những tang thương chất chồng trên suốt một kiếp người…
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
(Đêm hạ huyền, tháng 7 âm lịch, 2011)
|