văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, July 23, 2012

NGUYỄN TRUNG DŨNG * Trái Đắng Trong Vườn Cấm

 
1.

Khách đến chơi tự giới thiệu tên mình là Tuấn. Chủ nhà khoát tay mời khách lạ ngồi.

Khách lưỡng lự đôi ba giây rồi vào chuyện:

“Bữa nay ghé đây thăm anh, tôi có chuyện muốn được nói”.

Chủ vẻ mặt cứng và lạnh như tiền đáp:

“Tôi nghe”.

“Vâng. Anh nghe nếu có gì không phải, xin đừng phật ý. Một chuyện đúng ra không lien quan đến anh để phải làm phiền và bận tâm tới anh, thế nhưng tôi nghĩ rằng, mình cần biết sự thực. Sự thực cuộc tình giữa anh và Nguyện”.

“À, chủ nhà cười lên một tiếng, Nguyện. Người vợ trước của tôi. Người đó xin anh đừng nhắc đến tên làm gì nữa. Tôi đã quên cái tên ấy như quên quá khứ đời mình rồi”.

“Như tôi đã thưa chuyện, xin anh đừng phật ý nếu như tôi đến một việc không làm anh ưng lòng. Sở dĩ phải nói đến Nguyện, người vợ trước của anh, là bởi vì tôi muốn biết rõ tự sự trước khi tôi chính thức kết hôn với Nguyện”.

“Vậy ra anh đến đây với một mục đích xác định tôi và Nguyện còn liên hệ đi lại có phải thế đúng không. Sao anh lại mất công và lẩn thẩn thế khi đã yêu người mình yêu rồi, tờ giấy ly dị là một bằng chứng cụ thể trả lời dứt khoát giữa Nguyện và tôi đời ai nấy giữ, việc ai nấy làm. Kể từ đó thì chấm dứt cuộc tình ăn ở chung chạ trên mọi mặt. Nếu bây giờ, giả như anh yêu Nguyện thật tình, Nguyện đáp lại tình yêu đó, thì anh lấy Nguyện đâu phải là điều cần thắc mắc và cần hỏi đến tôi làm gì”.

“Vâng. Tính tôi vốn ngay thẳng nên mới thận trọng trước một chuyện hôn nhân lâu dài.

Cái tính đó đối với anh xem ra nó hơi kỳ quặc, nhưng đối với tôi, tôi lại cho là cần. Bởi vì khi tôi không biết rõ về Nguyện, tôi có thể theo đuổi Nguyện mà không lấy Nguyện thì được. Nhưng tôi quyết định lấy Nguyện, chuyện đó lại là chuyện tôi cần biết rõ”.

“Từ nãy đến giờ anh đã quấy rầy tôi quá nhiều rồi. Thực tình mà nói, ít khi tôi chịu nhẫn nại ngồi nghe một người khác kể lể ba cái chuyện vớ vẩn đại loại như chuyện này, bởi vì tôi đã nói, tôi là người không thích quay lại quá khứ, đi con đường mình đã đi qua, tôi sống hướng về tương lai nhiều hơn. Lời nói cuối cùng kết thúc cho buổi gặp nhau bất đắc dĩ này, xin anh trả lại cho tôi sự yên lặng. Tôi cũng không quên chúc anh trăm năm hạnh phúc sau khi cưới Nguyện. Lời chúc đó trước đây mọi người đã chúc cho tôi và Nguyện, nhưng hình như nó chỉ là một lời chúc mà người ta quen miệng để chúc cho hai kẻ lấy nhau. Rồi sau đó, Nguyện bỏ tôi thì nó hóa giải bằng cách tháo gỡ nhẫn, phủi tình yêu, ném ra những lời nói như chì nặng và bén như gươm giáo. Mà sao khi không tôi lại chì chiết thốt ra những lời thù hận đến như vậy. Xin lỗi anh, tôi lỡ lời và xin được rút lại lời mình đã nói. Đường đời hạnh phúc, cầu chúc cho người. Đấy là câu hát trong một bài hát tôi muốn được gửi cho anh và gửi tới người tình cũ của tôi”.

2.

Thời gian sau đó, đám cưới của Tuấn và Nguyện được tổ chức. Họ chính thức lấy nhau để trở thành vợ chồng. Đêm ở nhà hàng, câu chúc “Trăm Năm Hạnh Phúc” được mọi người đem ra hâm nóng ở cửa miệng. Rồi đêm được gọi là đêm tân hôn ở căn phòng nơi họ ở, cả hai đã san sẻ cho nhau những gì họ có và muốn. Tình yêu như trái chín, người nhìn trái chín thì thèm với ăn, nhưng khi ăn xong trái chín rồi, thỏa mãn no bụng, họ dửng dưng không còn bao nhiêu hứng thú nữa. Đấy là lúc Tuấn buông thả đời mình vào nỗi chán trường. Tuấn nghĩ đến Hạc - người chủ ngôi nhà đã tiếp mình ngày đó không xa đây, và anh ta chua chát nhắc mãi bốn chữ “Trăm Năm Hạnh Phúc”. Trăm năm hạnh phúc xét ra vừa sáo vừa sạo. Có mấy người sống đủ trăm năm đâu mà hưởng cái hạnh phúc như người ta chúc. Có cuộc tình vợ chồng nào phẳng lặng như mặt nước hồ thu, như nhung êm rêu ướt, để thấy cái bình yên bất tận suốt cả một đời. Bất đồng ý kiến, ngược tính ngược nết, đụng chạm rồi gương nứt khó liền. Sống càng lâu càng xa, Tuấn mới nhìn ra bản ngã của Nguyện chỉ là một con người đầy rẫy cái xấu. Vỏ ngoài với lớp áo quần che phủ chẳng che phủ nổi cái thực của lòng ruột Nguyện. Lời nói chơn chớt mầu mè khéo thật khéo chỉ là cơn gió thoảng, chứ miệng lưỡi nói mà tâm không động. Tuấn chính là một con ruồi bị mắc mùi mật ngọt, tưởng ăn được mật thì mật đó ngon, nhưng nó chỉ ngon lúc khởi đầu và đắng bởi chất đắng đốt cháy lưỡi. Chịu đựng, Tuấn phải chịu đựng như một trận chiến mà hai kẻ đối nghịch hầm hè thủ thế. Khi Nguyện tấn công, Tuấn lùi thục mạng. Cái bát, cái đĩa, đồ vật là những cái đứng ngoài cuộc chiến, đôi khi Nguyện cũng kéo nó vào trận đánh bằng cách pháo với những thứ nàng thuận tay vớ được. Tuấn thường nhường nhịn và chịu thua trước những cơn hung hãn thái quá của vợ mình. Nhiều đêm nằm thao thức, thân xác bị rầy vò, Tuấn tự xỉ vả mình đã đem đầu đút vào rọ để rọ buộc bó cuộc đời.

Tuổi so với tuổi của Nguyện, Tuấn kém vợ sáu niên. Lúc mới gặp gỡ quen nhau, cả hai không ai đặt cái chuyện chênh lệch đó là vấn đề quan trọng. Yêu nhau, củ ấu cũng tròn, bồ hòn cũng ngọt, cái tuổi dù có hơn nhau đi nữa, yêu rồi thì hơn hay kém cũng xong cả. Cuộc tình lúc chưa lấy nhau, đã quyến luyến rồi, Tuấn và Nguyện đều cuốn nhau như hai sợi giây thừng soắn bện. Lúc đó, Tuấn đúng là một con chuột đứng ngó cục mỡ treo ở cái bẫy sập, chuột thèm cục mỡ mà không biết đến cái bẫy sẽ sập đè nát thân mình. Yêu Nguyện rồi lấy Nguyện, Tuấn mới thấy Nguyện đúng là cái bẫy dùng để bẫy con mồi. Nhử Tuấn bằng thân xác, một thân xác bốc lửa của nàng đủ sức để quyến rũ những gã đàn ông ưa chuyện thỏa mãn nhục thể. Nghề của Nguyện dư tiền bạc nhưng lại thiếu tình dục. Từ ngày Kim chán ghét vợ, đoạn tình phu thê bằng tờ ly dị, thì Kim và Tuấn kể như cắt đứt tình nghĩa vợ chồng. Chuyện cắt đứt đó nó có lý do chính đáng của nó và chỉ có Kim mới là người trong cuộc biết rõ mà thôi. Với Nguyện, Nguyện coi nhẹ chuyện bỏ hay không bỏ nhau khi một trong hai người đã có ý không thích sống chung. Đêm với một cái giường nằm, vợ chồng nằm trên cái giường đó mặt quay hai hướng, mắt ngó về một nơi, cái ngăn cách bờ này bờ kia của một con sông không bao giờ khít lại được. Bởi giòng nước chảy giữa hai phần đất, sông mới được gọi là sông. Tình cảm của Tuấn và Nguyện chính là giòng nước trên giòng sông có hai bờ ngăn cách đó, rõ ràng nước không chảy xuôi, nước lên nước xuống ngược nhau mà gây ra sóng ra lũ.

Khi đứa con trai đầu lòng ra đời, cậu bé được coi như là cái gạch nối nối cái liên hệ của hai người khít sát hơn. Hai bờ sông nước, đò đưa khách quá giang từ bờ này sang bờ bãi bên kia và ngược lại, thì đò cũng chính là cái gạch nối nối hai phần đất của hai nơi phải có con đò mới đi qua đi lại được. Đơn giản thế thôi nhưng không nhờ nó, ở đời thường có những cái trở ngại và rắc rối gây ra phiền toái. Cuộc sống chung giữa vợ và chồng, chồng và vợ, hai mà một đối nghịch thì chuyện gây gổ, chuyện cãi cọ vẫn là chuyện xẩy ra như cơm bữa. Không nhường nhịn thì gây ra bất hòa, lời nói chính là nguyên nhân kích hỏa đưa đến việc đấu khẩu đuợc thua. Ran nứt sẽ không tránh khỏi xẩy ra làm hanh phúc gia đình sứt mẻ, làm bể nát rồi đi đến chuyên ly di.

Ông bà ta xưa ở Viêt Nam, đã lấy nhau thì trăm năm hạnh phúc hay không hạnh phúc vẫn ở đến mãn kiếp, đến đầu bạc răng long. Dù gặp cảnh chồng ngược đãi vợ, vợ bất mãn chồng, cũng chẳng ai đưa nhau ra tòa xin ly hôn ly dị cả. Duyên nợ chồng chéo như chỉ cuốn thành cuộn, gỡ ra cũng khó gỡ lắm. Ăn ở với nhau, có con hay không có con, chồng chúa vợ tôi hay ngược lại, người ta vẫn không dễ bỏ nhau như thay áo. Đấy là bởi vợ chồng biết nhường nhịn, biết tương kính, biết san sẻ vui buồn khi sung sướng hay khi hoạn nạn, biết mở cửa lúc một trong hai cần tới mình, biết cho khi nguời khác xin, biết thì mọi chuyện đều thuận trên hòa dưới. Xưa, các cụ ông bà ta là vậy. Nay, nam nữ bình quyền, người nữ sang bên này đôi khi hiểu sai chữ bình quyền cho nên hành xử nhiều khi không phải lối. Nghĩ sai làm sai, đàn bà đã mắc cái tính tự cao tự đại, kiêu hãnh thái quá, cứ tưởng mình như ngọn tháp Effeil, ngọn Kim Tự Tháp, dẫy Vạn Lý Trường Thành hay con ngựa xích thố oai phong lẫm liệt của Quan Vân Trường trong truyện Tam Quốc Chí vậy. Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, cho nên tính khiêm tốn cần thiết để trời đất thời tiết ôn hòa thuận lợi.

Tuấn thường hay vẩn vơ nghĩ ngợi về cái tính của vợ mình. Khi chưa lấy nhau, cái tính đó của Nguyện nó đã có hay không có, tình yêu thuở ban đầu lúc mới quen nhau, nhận ra và thấy mình cũng dối lòng cho là đẹp cả. Lấy vợ, chọn chồng, có người ví thô thiển như đi mua xe. Cái xe đẹp về bề ngoài xem ra thích mắt hợp nhãn, nhưng mua rồi, chạy mới nhận ra xe có đủ thứ bệnh. Bánh lốp cân không đều nên bánh có cái ngay cái lệch. Máy khua vì long ốc lỏng giây “cua-roa” bộ phận vận hành. Cái thắng nó cứng cho nên đạp nghe kêu ken két như xe cán phải lợn heo. Cái cần số bướng bỉnh lì lợm lúc sang số chạy, số ngừng. Nói chung, mua rồi mới biết cái xe thuộc loại mắc dịch mắc toi bực mình muốn tự vận. Lấy chồng, gặp ông chồng cà tửng cà tang rượu chè mê gái, vợ khổ như ngồi phải nơi có kiến lửa. Lấy vợ mà vợ ngang bướng tự cao thì chồng tối ngày đem cái đầu mình húc vô tường vách không bể cũng nứt vỏ sọ.

Kể từ khi sinh ra đứa con, cái gạch nối nối giữa vợ và chồng nó cũng khít sát. Êm ấm thuận hòa lúc đêm tối xuống. Vui vẻ bình yên trong các bữa ăn ngồi ở bàn ăn. Mái ấm gia đình chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đủ gọi là hạnh phúc rồi.

3.

Núi lửa khi chưa phun lửa bình thường và yên ả như nhiều ngọn núi khác. Đất phẳng lặng khi đất chưa bị toác nứt bởi địa chấn chưa cựa mình. Nguyện ít khi gây gổ cãi cọ không có nghĩa Nguyện đã sửa mình để tính tình hiền hòa vui vẻ. Ở núi, ở đất, ở cả Nguyện, cái tính hiếu động vẫn âm ỉ nằm sâu trong lòng ruột, như biển cả đợi sóng co thắt thân thể, sóng đuổi sóng lớp theo lớp nối nhau đổ về bờ ghềnh. Đấy chính là lúc bất hòa, Nguyện lại nổi nóng và mở cuộc khẩu chiến với chồng không cần biết đúng hay sai. Thích ăn thua đủ như con gà trọi hăng máu. Phóng cựa, mổ đầu, cắn cổ, đạp chân, cả hai con gà thả ra sân bãi đấu, đấu đến kiệt cùng để quyết hạ địch thủ. Tuấn là một con gà ưa nhủi đầu rúc dưới cánh đối phương, hoặc tìm cách bỏ chạy, hoặc chịu đứng ăn no đòn. Gây gổ chồng mà chồng cứ ngậm câm nín khe, Nguyện càng căm lòng dạ. Đã chẳng hả hê cơn tức, Nguyện lại cảm thấy như mình đấm bị bông, đấm vào không khí. Tuấn tập tính lì, tính lờ, tính của dân Anh phớt tỉnh, tính của một thiền sư đã nhập thiền thì không nghe, không biết, không thấy, không cảm, không động vọng tâm não. Người ngồi thiền dồn suy tư lên đỉnh đầu, vận lực đẩy suy tư đó tụ lại như con trốt, từ vòi trốt như vòi voi, từ vòi voi mà tỏa lên như hình một cái nấm. Nấm không có chân nên nấm bay như bông cải trời mà đi đây đi đó.

Mỗi lần biết vợ sắp cà khịa gây gổ, Tuấn bỏ nhà ra quán cà-phê ngồi. Ngồi miết hóa quen. Không những quen càphê, Tuấn quen luôn cô chủ quán vừa trẻ vừa xinh đẹp. Từ đó, nhiều khi chẳng xẩy ra chuyện gì trong gia đình, Tuấn vẫn đến quán uống để được gặp Lan và tán tỉnh nàng. Tên là tên của một loài hoa. Hoa Lan cánh nhỏ, mềm và ẻo lả. Mầu trắng hay tím, hoa đó là một trong bốn thứ hoa được coi là tứ quí. Đem ví hoa lan với nàng thì cũng đúng thôi. Mảnh khảnh nhưng không gầy, chiều cao không cao cũng chẳng thấp, vóc dáng một người có thân thể thon thả bắt mắt dễ coi, cộng vào đó khuôn mặt hình trái soan với hai gò má da mầu hồng hồng. Lan ăn nói từ tốn dịu dàng với nụ cười tươi rất có duyên. Bị quyến rũ bởi nhan sắc của Lan, cái cớ ra quán ngồi uống càphê chỉ là cái cớ phụ, cái chính để được ngồi chiêm ngưỡng dung nhan Lan mới là cái cớ chính.

Một buổi tối, vẫn cái bàn kê ở góc xó quán, Tuấn đến rồi ngồi nơi mình thường ngồi. Đầu nặng trĩu sau cuộc khẩu pháo khai hỏa của vợ, Tuấn lủi nhanh ra khỏi nhà như rút quân tháo lui. Không khí gia đình không sặc mùi khói súng khói lựu đạn, nhưng ngột ngạt oi ả như một đêm mùa hạ thời tiết khô se. Tuấn chịu đựng hết nổi cái nóng bức của khí trời khó thở, cái hành hạ đầu óc của những cơn thịnh nộ vô lối mà Nguyện hâm đi nấu lại như một món ăn mỗi bữa. Phải chăng đó là một căn bệnh, một cái tật xấu, nó đã nhiễm sâu trong con người Nguyện, cho nên khi nó bộc phát thì chính là lúc con rắn khoanh mình nằm ngủ, rắn thức dậy ngóc đầu bò đi kiếm con mồi.

Vẫn một ly càphê sữa đá, Lan tự tay pha cho Tuấn và mang ra đặt ở bàn. Thu tiền khách hàng đứng trả ở quày tính tiền xong, Lan đến ngồi đối diện với Tuấn chuyện trò dăm ba câu. Trong dăm ba câu đó, có một câu Tuấn nghe rồi vẫn tin là tai mình nghe lộn. Nhưng
trên đường từ quán càphê về đến nhà Lan, Tuấn mới dám chắc tai mình nghe không lộn như mình ngờ vực mình. Bây giờ xe đang ngon trớn trên “freeway”, xe quẹo ra “exit”, xe đỗ sát vỉa hè trước một ngôi nhà đường phố ngõ cụt. Hóa ra Nguyện đã giao việc trông
nom quán cho người đàn ông là anh của nàng, rồi thực hiện ý định rủ Tuấn về nhà, mọi việc dường như đã được Nguyện dự tính sắp xếp trước cả rồi. Tuấn chỉ ngạc nhiên và đánh nhiều dấu hỏi về mình là: “mình mất tính chủ động, mình u u mê mê như bị ăn bùa ngải, mình bị mẹ mìn thuở bé cầm cục kẹo rồi mẹ mìn cầm tay dẫn đi, mình bị hớp hồn trước sắc đẹp và xác thịt đầy hấp dẫn quyến rũ của Nguyện”. Thuở xưa, khi Adam nghe lời Eve ăn trái cấm trong vườn Địa Đàng của Chúa, kể từ đó họ đã phạm lời Chúa căn dặn và bị Chúa phạt. Họ xấu hổ khi nhận ra thân thể lõa lồ. Đấy là bức tranh vẽ treo trên vách tường nơi phòng khách khi Tuấn bước vào nhà Lan. Hình một người đàn ông và một người đàn bà đứng dưới gốc cái cây có cành lá xum xuê. Hình một con rắn cuốn quanh thân cây đó hướng đầu về phía Eve. Cả hai đều lõa lồ thân thể. Tranh thể hiện thời loài người sinh ra, họ sống cặp đôi cho có bạn theo ý của Chúa, và họ nhìn thân thể trần truồng của nhau nhưng đầu óc không hề vẩn đục tà dâm lòng dục. Con rắn đã xúi Eve phạm lời Chúa căn dặn nhưng nghe lời ngon ngọt của nó, Eve đã phạm lỗi ngắt trái cấm để ăn và đưa Adam ăn. Ăn rồi cả hai nhìn thân thể của nhau thấy xấu hổ và thấy thèm muốn tình dục.

Trong lúc Tuấn đưa mắt nhìn lên bức tranh, cũng cùng lúc đó Lan đang cau có gắt gỏng bà cụ già và đứa bé gái ở căn phòng bên cạnh. Bà cụ là mẹ và đứa bé gái là con của nàng. Khi Tuấn bước vào nhà, bà cụ và cô bé còn ngồi ở phòng khách được Lan nói thế
để Tuấn biết mà xưng hô. Gắt gỏng về chuyện mẹ đã để người chồng ly dị của mình vào nhà, gắt gỏng đứa con đã nhận quà mang tới của bố nó, lúc đó, Lan nóng và dữ có lẽ cũng không thua gì Nguyện. Tội nghiệp đứa bé bị mẹ nó la thì nó mếu máo khóc. Nó nói nó thương bố, nó muốn bố nó về nhà, nó bảo bố nó hiền không như mẹ. Bà ngoại thì ngồi im lặng. Bà cụ ôm cháu và dỗ nó nín đi. Chợt nhớ ra có khách đang ngồi ngoài phòng khách, giọng Lan dịu xuống khi nói với bà cụ:

“Mẹ mang cháu lên nhà cho cháu nó ngủ. Con ra ngoài tiếp bạn của con đến chơi”.
Rồi nàng bảo đứa con:

“Con hư lắm. Mẹ đã dặn con hết lời rồi, bố con là người vô trách nhiệm, đã coi mẹ như không có, coi con như không phải con mình, thế thì mẹ con mình cần gì phải thương với yêu. Thôi nhé, lên lầu với ngoại của con rồi mai mẹ cho con đi phố mua cho con đồ chơi”.

Khi hai bà cháu dẫn nhau lên lầu rồi, căn phòng trong trở lại yên tĩnh. Không có tiếng khóc của cô bé, tiếng bà dỗ cháu, tiếng la rầy sẵng giọng của Lan. Tuấn tưởng Lan sẽ ra nhưng vẫn chưa thấy Lan ra. Hình như nàng đang bận làm gì đó nên Tuấn nghe bên trong có tiếng đi lại đụng chạm. Lúc Lan bước ra phòng khách, thay vì bộ quần áo bó sát người bằng vải dầy mặc ở tiệm, bây giờ bộ quần áo đó được thay với cái áo choàng choàng từ vai đến quá đầu gối chân nàng. Dù không chú ý, Tuấn vẫn nhận ra cái áo nàng đang mặc nó quá mỏng. Mỏng đến nỗi sau lớp vải đó, ngực nàng nổi cộm nom rõ cả hai đầu vú nhọn nhô lên. Hình như hai bầu vú không nịt bằng cái “soutien” nên trên mỗi bước chân Lan bước, từ cái tủ đựng trái cây hoa quả, đựng chai lọ nước uống, nàng đi tới đi lui để lấy rượu, thịt u ở ngực nàng lại nhún nhẩy đung đưa như thể nàng dấu trong áo hai con chồn nhỏ. Mõm chồn thúc dưới lớp vải như muốn chui ra.

4

Họ đứng so thân cọ sát để gợi cảm hứng. Rồi cảm hứng đã đến như sóng ngầm dưới đáy biển chồi lên. Đã có sóng thì biển động. Đổ về bờ ghềnh, dội vào thành vách đá, lớp xô tới, lớp rút đi, cứ thế tấn công viền mép đất. Ở Lan, sóng đó là cơn thèm muốn thúc bách khi thân thể nàng muốn được thỏa mãn cái đòi hỏi xác thịt. Đúng lúc ngón tay Lan lần lên bờ vai, tìm sợi dây treo cái áo choàng nàng mặc để tuột bỏ, thì ở trên lầu, tiếng đứa con bỗng khóc ré lên gọi mẹ. Sao nó giống tiếng khóc của thằng con Tuấn khóc mỗi
lần nó gọi chàng lên phòng ngủ nằm soa lưng cho nó ngủ. Khựng đứng như một người đang đi bị chùn bước, Tuấn không muốn bước nữa. Chàng đưa tay chặn bàn tay Lan đang lần tháo sợi dây treo cái áo choàng nàng mặc, chàng buông lỏng người nàng thay vì ghì siết hung hẵn như lúc vừa mới đây.

“Cho anh về”, nghe ba chữ khô và đanh như mảnh sắt rơi xuống nền gạch, mắt Lan mở lớn và tròn xoe. Giọng nàng khó chịu bực bội nói:

“Sao lại kỳ vậy”.

Tuấn không giải thích lý do. Sau cái cau mày, Lan nhún vai bảo:

“Được. Anh đã muốn về thì em đưa anh về”.

“Khỏi mất công và phiền cho Lan. Lúc chưa đến anh tưởng tận những đâu xa lắm, chứ khu phố này thì chẳng lạ gì đối với anh cả. Từ đây lội bộ ra tới đường phố chính không mấy đỗi xa, có tuyến xe bus đổ về downtown. Xe ngang qua trước cửa nhà anh ở, xuống trạm góc ngã tư là tới nhà rồi”.

Sau câu nói, cánh cửa được khép lại. Thả bước dọc theo vỉa hè đường, Tuấn đi về hướng đại lộ. Đứng đợi ở “bus stop” chưa tới năm phút, đã có xe trờ đến bãi đỗ. Tuấn bước lên khi cánh cửa tự động mở. Ngồi xuống ghế, Tuấn đảo mắt mới nhận ra chuyến xe có một mình chàng. Từ đâu đó đổ về trạm Tuấn đợi, rồi từ chỗ Tuấn đợi chạy xuống downtown, ghé nhiều chỗ ghé đón khách, nhưng vào giờ khách thưa vắng, chiếc “bus” với người tài xế lái xe, vẫn cứ tiếp tục lộ trình theo thời biểu qui định.

Sâm sẩm tối, đèn dọc đường phố đã bật sáng cả. Chẳng còn thấy rõ nhà cửa, cây cối vì nhà cửa cây cối chỉ là hình thù của những bóng đen nơi gần chỗ xa. Xe chạy ngược chiều với đèn pha ở đầu mỗi chiếc nom tựa một đám rước đi rước lễ vào ngày hội lớn. “Lane” phía bên kia đổ xuống “freeway” chắc đang kẹt, xe đỗ chờ vào dài như một con trăn, đầu dưới xa lộ, cái đuôi vắt trên đoạn cây cầu đúc ở khúc đường này.

Có một lúc Tuấn bất chợt nhìn về đầu xe nơi người tài xế ngồi, ý nghĩ vụt đến trong đầu óc khi chàng thử đoán người đó đang lái chiếc xe và đang nghĩ gì. Có lẽ ông ta chẳng nghĩ gì khác là mong đợi hết giờ chạy xe để rồi ông được về căn nhà nơi có lũ con và vợ ông ở. Vào lúc đó, ý nghĩ và điều chờ đợi của người tài xế lái “bus” cũng trùng hợp với ý nghĩ và sự chờ đợi của Tuấn đang nhen nhúm trong óc như một đóa hồng từ từ mở cánh.

Đúng ngay lúc đó, trong ngóc ngách của tiềm thức sáng lấp lánh như một giọt sương long lanh, từ sách chàng đọc và nhớ, từ tiếng nói của một người nghĩ rồi viết ra, từ kinh nghiệm của bản thân và của cuộc sống, câu tục ngữ dân Ả Rập chàng nhớ loáng thoáng đại ý nó là: “Hãy nắm giữ cho chắc con chim đã có ở trong tay, hơn là thả nó ra để bắt con chim đang bay ở trên trời”. Từ câu đó, Tuấn tự nhủ để chọn hai chữ “chấp nhận”. Chấp nhận thực tại mình đang có và sống dù thực tại trớ trêu và nghịch cảnh, nhưng vẫn cứ bằng lòng./.

Nguyễn Trung Dũng

thơ Ngô Nguyên Nghiễm, Thiếu Khanh, Trần Vấn Lệ * ảnh Võ Thạnh Văn




thơ Trần Thiện Hiệp & ảnh Võ Thạnh Văn



Sunday, July 22, 2012

Đinh Cường * Để Đi Đến Xám Trắng Đen Nguyễn Trung Đã Là …

Ao  , 2010 , acrylic , house paint , pencil
and oil stick on canvas 180 x 180 cm

Xám trắng đen là tên cuộc triển lãm tranh Nguyễn Trung tại Galerie Quỳnh nơi chuyên bày tranh trừu tượng và nghệ thuật xếp đặt của những họa sĩ tiên phong, nổi tiếng ở đường Đề Thám, Sài Gòn từ 9.12 .2010 đến 26.2.2011. Với 19 bức tranh trừu tượng khổ lớn, nhưng theo Lý Đợi: “ Dự kiến treo 19, nhưng chỉ treo 12 tác phẩm, khổ lớn, từ 100x100 cm trở lên, phòng tranh Quỳnh trên lầu và duới đất đã kín vách… Theo chủ quan, triển lãm này đáng chú ý, không phải vì đã có 3 tác phẩm được bán ( hôm khai mạc, giá tranh từ 20.000 us đến 30.000 us một bức , chú thích của DC) mà vì nó có thể mang đến cho người xem mấy cách nhìn khác nhau: thích, không thích, hoặc băn khoăn… Cuối cùng, khi đứng ngoài sự thích, không thích, hoặc băn khoăn, xét về lịch sử và tiến trình hội họa, tôi vẫn cho rằng Nguyễn Trung là một trong những họa sĩ đáng nể của Việt Nam” (Mấy cách nhìn về Nguyễn Trung vanchuongviet.org). Không về xem được tận mắt, nơi xa này tôi vẫn theo dõi tin tức, bởi vì theo tôi đây là cuộc triển lãm đáng chú ý nhất của người bạn mà tôi đã được biết qua mấy chặng đường anh đã đi trong hội họa.
 
Ac , 2010 , acrylic, house paint, pencil and oil stick
on canvas 180 x 180 cm

Và nhân có anh chị bạn về đúng dịp, tôi nói anh chị thế nào cũng phải ghé xem phòng tranh rất đáng để xem này. Khi anh chị về lại Virginia tôi hỏi cho biết ý kiến, Ben nói : “I love the simplicity and clarity of his work “ -tôi yêu nét đơn giản và trong sáng trong những tác phẩm cuả anh ấy –
( Ben là tên bạn bè thường gọi của Dr.Sharp, tiến sĩ vật lý, chuyên về âm thanh hàng không, nghiên cứu ảnh hưởng của âm thanh phát từ các máy bay phản lực với sinh hoạt của người thành phố, tại miền quê, ảnh hưởng của máy bay phản lực với mức tăng trưởng và sinh sản của thú vật ở nông trại hoặc ở vùng hoang dã) -  vài hàng về Ben là để thấy một người đã quen với cái nhìn không gian trắng tinh khiết khi xem cái không gian trong tranh Nguyễn Trung, một không gian của sự chắt lọc để không còn       tiếng động của xanh đỏ tím vàng trông choá mắt mà đôi khi chẳng làm ta xúc động.

Một góc Galerie Quỳnh (ảnh Hoà Bình )

Tranh Nguyễn Trung từ bao giờ cũng làm tôi xúc động bởi tình yêu tuyệt đỉnh của nghệ thuật. Từ thời hai mươi tuổi Nguyễn Trung đã phát biểu:” Hội họa sẽ hi vọng có cuộc sống thực (kịp thời và đầy đủ) với điều kiện là phải cố tránh những hành động vô tình cản trở sự khai sinh của nó (vô ý thức, hủ lậu, kênh kiệu) bằng cách phải yêu cho thật tình, như chính ý nghĩa của cuộc sáng Thượng Đế,, như chính ý nghĩa Yêu đối với người con gái vậy.” (cuộc phỏng vấn về Quan niệm Hội Họa do Nguiễn–Ngu-Í phụ trách. Bách Khoa số 138 ngày 1.10.62). Tôi thấy anh Yêu thật tình con đường nghệ thuật mà anh đã chọn lựa, im lặng, miệt mài làm việc, luôn hướng đến một dấu mốc mới. Từ vẽ chất liệu tổng hợp trên chiếu (gallery Vĩnh Lợi, Feb.1999 – Presents 9 contemporary Vietnamese Painters from Hochiminh City: Nguyen Trung – Buu Chi – Do hoang Tuong - Ho huu Thu – Hua thanh Binh – Le Vuong –  Nguyen lam – Nguyen tan Cuong – Tran van Thao). Anh còn được xem là người nhen nhóm ngọn lửa sáng tạo cho các hoạ sĩ trẻ trong nhóm. Cũng như ngày xưa được bạn bè bầu làm chủ tịch Hội Hoạ Sĩ Trẻ kế tiếp chủ tịch đầu tiên  Nguyễn cao Nguyên (Ngy Cao Uyên, hiện ở Washington DC) và chủ tịch sau cùng là Mai Chửng (đã  mất  vào tháng 9 năm 2001 tại Dallas,Texas). Hội Hoạ Sĩ Trẻ thành lập năm 1966 tại Sài Gòn hoạt động cho đến năm 1974 …’’có thể nhìn nhận họ là những đại biểu đặc sằc nhất của một giai đoạn lịch sử mỹ thuật của Sài Gòn và miền Nam trước đây …” ( Huỳnh Hữu Uỷ - Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại, trang 133, VAALA. California 2008)     

Đến cuộc triển lãm tại gallery Tràng An Hà Nội tháng 12-1999, tiếng vang của tranh trừu tượng Nguyễn Trung thật nồng nàn, như tiếng chuông đưọc lan xa từ một chuông đồng quý - như chiếc chuông đồng chùa Thiên Mụ, làm nhớ Nhã Ca, nguời bạn thi sĩ thân nhất của anh:

  ’’Chuông òa vỡ trong tôi nghìn tiếng nói
Những mảnh đồng đen như da đêm tối
Những mảnh đồng đen như tiếng cựa mình
Những mảnh đồng đen như máu phục sinh
Những mảnh đồng đen kề nhau bước tới …”
(Tiếng chuông Thiên Mụ - Nhã Ca Thơ , trang 27 - Vietbook, USA 1999)
 
Nhã Ca, bút chì
Nguyễn Trung 1964

Tháng mười năm 2005, Nguyễn Trung qua New York nhân có cuộc bày tranh do bà Judith Hughes Day tổ chức, sau đó anh đã ở lại Texas trong vòng 3 tháng để vẽ và có cuộc bày tranh tại Việt Báo của Trần dạ Từ - Nhã Ca, một triển lãm đáng ghi nhớ trong lòng bạn bè và những người yêu hội hoạ, yêu tranh anh tại California, được dịp cùng anh hát vang trong chiều khai mạc …
 
Trên Việt Báo Xuân 2006, California, có bài phỏng vấn Nguyễn Trung của Sông Văn khá dài thật thú vị, xin trích ra đây một, hai trong rất nhiều câu hỏi …

SV: Và ông cảm giác thế nào về sự khác biệt (khi làm việc) giữa Figurative Art & Abstract Art ?
NT: Xin lưu ý một điều, bởi vì tôi đã chuyển bước từ figurative sang abstract mà không phải vì thế mà abstract là hiện đại hơn Figurative, một khuynh hướng nghệ thuật vẫn còn tiếp tục phát triển một cách đa dạng. Vậy thì vì sao tôi chọn abtract, vì sao nó thích hợp với tôi hơn là cái kia ?
Là bởi vì với nó, tôi có thể nói lời thô mộc giản dị mà không phải bóng bẩy rườm rà, trực tiếp mạnh mẽ mà không phải vòng vo tiểu xảo .Với nó tôi có thể đưa ra những hình ảnh sâu xa từ vô thức chứ không phải hình ảnh bên ngoài, nhiều màu sắc. Nói chung, một đàng là cái đẹp ngoại hình, có tính cách trang trí nhiều, một đàng là cái đẹp nội giới có thể chiêm nghiệm về lâu.

SV: Hội họa có ảnh hưởng nhiều đến đời sống riêng của ông không?   
NT: Rất nhiều, rất nhiều! Hay nói cách khác chính xác hơn, hội hoạ chính là đời sống của tôi và ngược lại. Không có nó tôi không biết làm gì. Không có nó không biết sống bằng gì, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vật chất lẫn tinh thần.

Gia đình chài cá , sơn dầu trên bố 137 x 177 cm
Nguyễn Trung  1980

Nguyễn Trung, để đi đến Xám Trắng Đen năm nay hay Bảng Đen năm 2004 là cả một chuổi dài rượt nà theo nghệ thuật. Kể từ những năm năm mươi tại Đàm trường viễn kiến của Nguyễn đức Quỳnh, những năm sáu mươi ký Anh Oanh viết phê bình mỹ thuật trên Văn Nghệ chủ nhiệm Lý Hoàng Phong, thư ký toà soạn Ngọc Dũng, trị sự Phí Ích Nghiễm (Dương Nghiễm Mậu ), những năm tám mươi trông coi tờ Mỹ Thuật cùng Ca Lê Thắng, Nguyễn trọng Chức … Anh còn dịch Thiền của Suzuki rất sớm.
 
‘’… có lẽ là một trong những hoạ sĩ có nhiều cá tính , tài năng và trí tuệ bậc nhất của giai đoạn vừa qua …” ( Huỳnh Hữu Uỷ -NTTHVNHĐ trang 222).

Thật vậy, từ những dessins tài hoa đến những tranh thiếu nữ một thời là thứ ánh sáng như âm bản, anh có quyền buông thả hết để hôm nay chỉ vẽ như không vẽ mà thấy vẫn là những tác phẩm nghệ thuật đạt mức thượng thừa, hay nói như Nguyễn Thuyên: “Ông giống như một võ sư đã ra chiêu suốt đời rồi, bây giờ chỉ cần một động tác thật nhẹ cũng tạo nên một kình lực .”  ( DNSG CUỐI TUẦN .17.2.2010 )

Café buổi sáng, sơn dầu trên bố 800x100 cm, Nguyễn Trung 1962
(coll. of Mr. & Mrs. John T. Bennett Marinka, Alexandria, Virginia)
 
Những họa sĩ bậc thầy hiện đại mà Nguyễn Trung yêu thích như Cy Twombly, Rothko, Barnett Newman, Antoni Tàpies … những người mà anh thấy là có quá trình làm việc và tự vượt hơn người, “Tôi nghĩ họ phải vô cùng can đảm, đam mê, ý chí của họ mạnh mẽ để theo đuổi con đường mình đi. Tâm hồn của họ thật thanh cao, cô đơn, tịch mịch.”
(Nguyễn Trung  California 2006, Sông Văn -  Việt Báo Xuân )

Đinh Cường - Nguyễn Trung ,Virginia 2005
 
Tôi vẫn luôn nhớ một buổi chiều, năm ngoái khi về Sài Gòn, Nguyễn Trung hẹn tôi ở quán Annam Gourmet góc Hai Bà Trưng – Đông Du uống hai chai chát đỏ ngon …bạn gọi tôi là cố tri, và nhắc đến mùa tuyết lớn Virginia. Trong tuyết trắng xoá chiều nay, năm nay, tôi nhớ bạn vô cùng. Mong sao sẽ có một triển lãm retrospective Nguyễn Trung tại Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam như triển lãm của Soulages ở Centre Pompidou, Paris cách đây hai năm. Để thấy một Nguyễn Trung với :

…cái đẹp thần ziệu mà anh mang nặng
cái thiên đàng huyền ẩn của tiềm thức
Để trên thế giới này không còn gì nưã
đã hé mở và thoáng hiện
một chân trời thanh khiết sau cùng của đời mình .
(Huyền Thoại gửi Nguyễn Trung –Nuages Mây – thơ Ngô văn Tao, trang 185 .Montréal 88 )
 
Nguyễn Trung đã là một trong vài ba nghệ sĩ lớn của miền Nam (là sản phẩm của miền Nam -chữ của Đặng Tiến ), xuất sắc nhất của mỹ thuật đương đại Việt Nam ./.

Đinh Cường

HÀ THÚC SINH * Ðừng La Nữa, Menras!








Tội nghiệp thân ông bé cái lầm (50)
Ca-măm-be với mắm An nam (51)
Cả tin thời trẻ tình đồng chí
Vỡ lẽ khi già máu lục lâm
Nước nát bao năm tay những góp
Kiếm cùn ba tấc chỗ đâu dùng
Nếu yêu đất Việt mà điên được
Phải cách nào đây tạ nước non

Phải cách nào đây tạ nước non
Thùng to tai điếc cũng như không
Hoàng Sa nhạy cảm thù đang kỵ
Phim ảnh đùa dai bạn dám còng
Tốp lại xin cho lời yếu đuối
Xông lên tố khổ giọng oai phong
Một đường cùn kiếm phơi gan ruột
Pháp Việt đề huề quốc táng chung

Ha Thuc Sinh
(50) André Menras nổi tiếng “ông tây VC,” đã leo lên tượng TQLC trước Quốc hội VNCH treo cờ MTGPMN, từng tâm tình “thực sự yêu mảnh đất (VN) này đến điên,” gần đây nhập quốc tịch VN nhưng lại nảy vấn đề chính trị gay gắt và bế tắc với các đồng chí đương quyền
(51) Fromage Camembert của Pháp, rất nặng mùị

Mhhoàilinhphương * Thành Phố Bây Giờ




Thành phố bây giờ đi hoài không tìm thấy người quen
Anh cũng lạ mặt trong em từ những ngày tháng đó...
Đưòng Trần Quang Khải phố chiều còn lộng gió ?
Lá vàng còn bay bên khung cửa nhỏ màu xanh ?
Bước ngập ngừng ... em trở lại nhà anh
Khung cảnh im lìm, buồn tênh, kín khuất
Sao anh không về đây để em thực sự biết rằng mình còn hay đã mất?
Niềm tin, nụ cười, tuổi trẻ, tương lai.
Anh hiểu gì không, mười bốn năm dài
Em vẫn nghĩ về anh mệt nhoài trong trí tưởng
Những người từ trại tập trung ra, đi về muôn hướng
Riêng anh hướng đời nào mà chẳng thể tìm nhau?
Anh còn nhớ về em – con chim nhỏ ngày xưa
Vẫn hát tiếng thơ sầu
Bé bỏng trong tay anh
Khép nép bâng khuâng bên màu áo trận
Cô học trò gửi tình yêu biên trấn
Thư tình buồn như sách vở mùa thi
Tóc em dài theo dõi bước quân đi
Mong chiến thắng, mơ ngày ta hạnh phúc
Từng mùa xuân trôi qua...
Anh và em đã trở thành Ngưu Chức
Sông Ngân nào cho cách biệt đời nhau?
Cô sinh viên ngày xưa bỗng dưng thành góa phụ ưu sầu
Tìm mãi tên anh, tìm hoài nhưng không thấy

Thành phố bây giờ...
Em xuôi tay ngậm ngùi nhìn về phương ấy...
Còn một chỗ nào cho tuổi trẻ dung thân?
Cho tuổi già thấy hạnh phúc thật gần
Cho êm ấm nghìn thu người dưới mộ...

M.H.HOÀI LINH PHƯƠNG
Saigon-1989.