văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, July 27, 2012

nguyễn đức nhơn * năm bài lục bát 4 câu



 

1.
bóng chiều ngã xuống sông tương
thuyền em rẽ bến về phương trời nào?
sông buồn sóng gợn lao xao
và ta sóng cũng dạt dào trong tim!
  
 
2.
chán chường phố thị đèn hoa
rủ em lên núi ngắm tà huy rơi
quanh ta chỉ có đất trời
và em và những nụ cười hồn nhiên.
 
bóng chiều ngả xuống vai em
vầng dương chấp chới bên triền núi xa
nghe từng sớ thịt làn da
ngất ngây trong bóng chiều tà huy rơi
 
3.
em về phố xá reo cười
tưởng đâu em đã thành người phương xa
nhớ mùa mận mới đơm hoa
em quên cài cổng… bị ta cầm nhầm!…
 
4.
mây che nửa mảnh trăng tròn
ngàn năm sau biết có còn ta không?
nhớ thương em bậu khóc ròng
chân trời cố quận hết mong ngày về…
 
5.
mấy mùa mưa nắng đìu hiu
một thân trơ trọi giữa chiều mây giăng
bỗng dưng lòng thấy băn khoăn
hình như em nói ngàn năm còn chờ!…
 

năm bài lục bát 4 câu
 
1.
mịt mùng đất việt trời ngô
lệ giai nhân chảy mờ cô tô đài
nỗi lòng biết ngỏ cùng ai
ngùi trông cố quốc mơ ngày hồi hương…     
 
2.
từ ngày em bỏ đi xa
đời ta như những cánh hoa gục đầu
tìm em? ừ biết tìm đâu!
thôi đành lên núi cạo đầu đi tu!...
 
3.
một đời gỗ đá rong rêu
sóng tình chìm lắng giữa chiều hoang vu
cạo đầu lên núi đi tu
ủa sao tình vẫn rối bù trong tim?!...      
 
4.
ngàn hoa tím nở giữa trời
lòng ta cũng tím giữa đời phù hư
nhạc lòng dạo khúc tương tư
tái tê cung bậc, nát nhừ ruột gan.
 
5.
vầng dương thoi thóp bên đồi
tình ta cũng chết từ hồi sơ sinh
em như con bóng theo hình
đuổi ta suốt cuộc hành trình về xuôi…

Thursday, July 26, 2012

Viên Linh * Lục bát Cung Trầm Tưởng







Cung Trầm Tưởng & Viên Linh, ảnh Phan Diên


Mỗi sinh nhật tôi lại nhớ đến bài thơ ấy của Cung Trầm Tưởng. Mỗi đêm mưa tôi lại đọc bài thơ ấy của Cung Trầm Tưởng. Ðó là mùa mưa Sài Gòn. Ðó là Sài Gòn của chúng tôi.

Ðó là những năm cuối thập niên '50, những năm của Hiện sinh, của bản ngã, của đời sống thanh niên thành phố vừa vào tuổi hai mươi, của những đêm khuya ngã tư đèn vàng, những đầu tháng tạp chí văn chương. Của khói thuốc và sách vở. Của những buổi hẹn hò ở một góc sân trường; những cuộc tiễn đưa nơi sân ga bến buýt. Của vào đời và tan tác.

Mưa rơi đêm lạnh Sài Gòn
Mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi.
Mưa hay trời cũng thế thôi
Ðời nay biển lạnh mai bồi đất hoang.
Hồn tu kín xứ đa mang
Sớm hao tâm thể chớm vàng lượng xuân.
Niềm tin tay trắng cơ bần
Cuối hoàng hôn lịm bóng thần tượng xưa.
Ðêm nay trời khóc trời mưa
Gió lùa ẩm đục trời đưa thu về
Trời hay thu khóc ủ ê
Cổ cao áo kín đi về đường tôi.
(Ðêm Sinh Nhật, Cung Trầm Tưởng)

Ðó là chúng tôi. Ðó là Sài Gòn của chúng tôi, những năm đầu của cuộc vận động đổi mới chữ nghĩa, - dăm ba thần tượng sụp đổ, một vài trường phái manh nha. Chúng tôi ghi nhận trong bất cứ cuộc vận động nào, thơ đi trước. Thơ bao giờ cũng đi trước; thi sĩ là kẻ tiền-hô. Có bao giờ chưa, một cuộc vận động văn học thi sĩ lại không ở hàng đầu? Một biến động thời thế thi sĩ lại không biến đổi trước nhất? Giữa thập niên '20 Phan Khôi là người phá thể [với bài thơ Tình Già]. Ðầu thập niên '30 Ðoàn Phú Tứ là kẻ xoay vần [với nhóm Xuân Thu Nhã Tập]. Ðể hình thành nền Thơ Mới. Ra ngoài đất nước, cũng chính là thơ trước nhất đã dựng lại một nền văn học. Vũ Khắc Khoan làm thơ. Mặc Ðỗ làm thơ. Võ Phiến làm thơ. 1975, những nhà văn phải làm thơ. Ðương nhiên các thi sĩ không làm gì khác là làm thơ. Trong khi các nhà văn phải làm thơ vì biến động trước mắt thì các thi sĩ đã làm thơ rồi, vì biến động đã ở dưới chân thi sĩ, từ lâu, trên các nẻo đường xuôi ngược của thi sĩ, không ngừng.

Không biết làm thơ, vào trong tù, ai cũng có thể làm thơ. Thế thì khi thi sĩ vào tù, thi sĩ thường thường ở tù lâu hơn các ông tướng, và các thứ. Vào tù binh tướng bị lột khí giới; vào tù, khí giới của thi sĩ còn nguyên. Bạn tôi cũng vậy. Cung Trầm Tưởng cũng vậy, trước sau gì cũng vẫn làm thơ. Ở ngoài đời là một tay làm thơ. Tựa bên phải thì làm thơ bằng tay phải; tựa bên trái thì làm thơ bằng tay trái. Vào tù, hai tay bị còng, thì có “Lời Viết Hai Tay.”** [**nhan đề một thi phẩm của CTT.]

Từ cuối thập niên '50 trở đi, Lục Bát Việt Nam không bao giờ còn như xưa nữa. Hình sắc, âm điệu, ngôn ngữ của hai dòng 6-8 đó - như một thôn nữ khăn vuông mỏ quạ váy quai cồng của đồng chiêm lúa mùa nhiều thế kỷ trước chốn Phong Châu - hiện thành Vệ Nữ và Hoàng hậu, hiển lộng và rực rỡ - nhưng lại có chút man dại của bản năng và nhịp thở phố xá, qua thơ Cung Trầm Tưởng.

Ðến anh thì đến hôm nay
Lỡ mai gió giật chở đầy mưa qua
Ðến anh thân thể lụa là
Dài đuôi con mắt ngắn tà váy kiêu
Ðến anh lưng thắt chiết yêu
Sểnh tâm phá giới con diều ái ân
Chờ em anh để râu xanh
(Râu Xanh, Cung Trầm Tưởng)

Trước 1975. Một hôm Cung Trầm Tưởng đến tòa soạn Tạp chí Thời Tập của tôi trên đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn rủ tôi đi Cần Thơ dự Ðêm Con Ðuông. Con đuông là một thứ Nhộng của xứ dừa, họa sĩ Ngy Cao Uyên ở Cần Thơ lấy tên Con Ðuông đặt tên cho nhà xuất bản của anh, in ra những tập thơ mỏng, bìa là một họa phẩm nguyên tác nhỏ bằng lòng bàn tay; “Lục Bát Cung Trầm Tưởng” được in ra trong khuôn khổ này. Tôi còn nhớ chuyến bay chỉ có 4 người, kể cả phi công. Khi chiếc Bà Già bay trên ruộng rừng đất nước, nhìn ngắm những hố bom B.52 phía dưới, chúng tôi nói về những tàn phá của cả thù lẫn bạn. Rồi cũng không quên nói về thơ. Ðêm ấy trên những chiếc giường sắt trong căn cứ Không đoàn Vận tải (mà ông họa sĩ chủ trì là trung tá chỉ huy trưởng), chúng tôi nói về màu sắc trong thơ.

1992. Nhớ Cung Trầm Tưởng, không có việc gì, với tấm bản đồ thành phố Paris trong tay, tôi đã lên một con tàu và bước xuống một sân ga: “Ga Lyon đèn vàng”. Sau này qua điện thoại, tôi kể anh nghe tôi xuống sân ga đó không phải để kiểm chứng xem bạn ta có phải là người đi xa về rồi nói chuyện linh tinh hay không, như ở ga Lyon đèn trắng lại nói nó đèn vàng hay không, mà tôi xuống đó, để đứng ở ga Lyon và ngó lên mấy ngọn đèn, nhớ bạn, và đọc thơ bạn và hát nhạc Phạm Duy ở đấy. “Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế.” Ngược lại, cũng qua điện thoại, Cung Trầm Tưởng thuật lại tôi nghe khi còn ở Sài Gòn, sau 10 năm ở tù cộng sản ra, đang lóng ngóng chuyện rời bỏ quê hương, thì nghe tôi nói về anh và về Thơ Lục Bát của chúng tôi trên đài Radio France International. Bài nói trên đài RFI ấy chính là trong cái dịp tôi bước xuống ga Lyon vào năm 1992 đó. [Dường như là do Thụy Khuê phỏng vấn.] Và ở hai phía địa cầu, như thế, cái tiếng Lục và cái tiếng Bát mà chúng tôi làm ra, chúng tôi ngâm lên, đã cùng được nghe thấy, trong một phút một giây của thời gian thật:

Hồn tôi cái đĩa thâu thanh
Tròn nguyên nét nhạc trung thành ý ca
Ðồ rê mi phá sol la
Ngẫm từng âm điệu nghe ra trời buồn.

“Cơ bản, Thơ vượt lịch sử.” Cung Trầm Tưởng nói. Tôi đồng ý. Lịch sử vốn tái diễn không ngừng, thơ vốn hồi sinh cùng thi sĩ. Lịch sử lập lại. Thơ không lập lại. Thơ xướng danh lịch sử và sang vòng chuyển hóa mới. Hiện tại của lịch sử là nhà tù: Tập thơ “Lời Viết Hai Tay” là dĩ vãng của thi sĩ.

Viên Linh, Lời bạt cho thi phẩm của Cung Trầm Tưởng, 1992 - Bổ sung 2012


Wednesday, July 25, 2012

Nguyễn Thị Hàm Anh * NGÔI CHÙA Ở CUỐI ĐƯỜNG



Ma Xuân Đạo sinh năm 1931 tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Di cư vào Nam năm 1954
Trước 30.4.75 là giáo sư trung học tại Saigon, biên tập viên Cục Vô Tuyến Truyền Thanh Việt Nam và biên tập viên nhật báo Chính Luận với bút hiệu Tửu Ma.
Đầu năm 1976 bị CSVN bắt giam và đưa đi lao động cải tạo tại trại K3 do tham gia hoạt động chống chế độ. Ra khỏi trại tù năm 1982, trở về sống tại Saigon trong điều kiện hết sức ngặt nghèo, từng qua nhiều công việc như coi kho, gác dan, chăn bò…
Năm 1999, đã quyết định tự hủy mình bằng thuốc ngủ nhưng được cứu thoát nhờ có người phát giác kịp. Hiện vẫn sống tại Saigon trong cảnh trôi dạt không nhà, không thân thích, không có việc làm nhất định…(*)

Tôi đến chùa Diệu Pháp cách đây khá lâu. Con đường Nơ Trang Long nối dài mới mở. Chùa nằm mãi tận cuối đường. Tôi không biết rõ khu vực này và buổi tối trời tối om nên đi vòng vèo khá lâu mới tìm ra lối. Tại hỏi đường mất thời giờ chứ thật ra chùa vẫn thuộc về quận Bình Thạnh, chưa ra tới ngoại thành.
 Lần đầu tiên đó, tôi theo người bạn tới để dự một buổi thơ. Cứ vào ngày rằm mỗi tháng, một buổi ngâm thơ đều đặn được tổ chức ngoài sân. Mái chùa nhỏ bé nhưng sân trước rộng rãi trồng dầy đặc tre trúc. Tôi chưa đi Yên Tử, chưa biết đến rừng trúc nơi ấy nhưng những bụi tre mọc sát nhau ở một ngôi chùa thành phố cũng khiến tôi thấy mình như lạc vào một Trúc Lâm thoát tục.
Nhất lại là một buổi họp thơ ở sân chùa cổ kính. Thơ qua cảm xúc con người, đã bay vút vào cõi mộng, vượt thoát khỏi thế gian tầm thường. Cả người đọc, người nghe thơ ngồi xếp bằng chật kín trên một vuông nền cao trải chiếu. Cạnh đó, các bức thư pháp với đủ nét bay bướm treo dọc theo các cây cột dưới mái hiên thấp. Thư pháp chữ Việt nên ai đọc cũng hiểu nội dung ngay, thưởng thức nét chữ ngay.
Trăng càng về đêm càng sáng ngời, trời càng trong vắt. Đêm thơ dưới ánh trăng vằng vặc trong sân chùa, gió thổi mát lộng như ngược lại một thuở nào Thịnh Đường…
Lần thứ hai tôi đến Diệu Pháp, đi ban ngày nên có thể nhận ra đường hướng. Chùa nằm cuối một con đường khá dài. Phía đầu chật chội, nhà cửa, xe cộ chen chúc, đoạn sau mới mở nên đường xá rộng rãi và xe cộ thưa thớt. Lần này thì có thể ngắm rõ chùa nằm ven sông Vàm Thuật, suốt chiều dài sân chùa nằm sát bờ sông kè đá. Đứng ở đấy có thể nhìn thấy xa xa bên kia bờ sông chọc lên trời các tòa nhà cao lớn của thành phố.
Lần này tôi không nghe thơ mà đi thăm nhà thơ Ma Xuân Đạo.
Ông vẫn được giới văn nghệ nhắc tới như một nhân vật tài hoa, làm thông thạo thơ Hán văn, Pháp văn và giảng Việt văn nổi tiếng. Về phương diện cuối này, so sánh với Vũ Hoàng Chương và Vũ Khắc Khoan, ông chỉ kém ở phần danh tiếng mà hai vị trên có được nơi đại chúng.
Trước 75, khi còn công ăn việc làm ổn định, ông vẫn thích sống với bạn bè, khi nhà người này, khi nhà người khác có khi hàng mấy năm trời. Lạc thú cõi đời dốc vào ly rượu. Khi càn khôn túy lúy là lúc hứng khởi tràn dâng, ông có thể tuôn tràn hàng giờ về thơ.
Sau này cũng thế, ông vẫn thói quen lang bạt không thể dừng chân. Có lần bạn bè xa gửi ông chút quà, tôi hỏi thăm người quen, chạy xe đi tìm hết chỗ này đến chỗ khác cả buổi. Vào quán cà phê đường Nguyễn Thị Diệu té ra từ gần đây ông không còn ghé đấy nữa, vào chợ Bàn Cờ địa chỉ vẫn ở thì ông đã bỏ đi từ lâu. Dò hoài mấy ngày sau mới tìm ra tung tích của ông.
Vì không nhà cửa, gia đình nên nơi ông dễ dàng ghé chân nương náu là mái chùa, như Bùi Giáng, như Nguyễn Đức Sơn đã từng…
Khác hai vị trên một chút xem các ngôi chùa đều là nhà, ông có một mái chùa riêng. Khi không biết đi đâu, không còn chỗ nào để đi, ông tự đến Diệu Pháp. Chùa luôn luôn là nơi rộng cửa mở và không áp lực. Có lẽ chính vì thế nhà chùa thường phù hợp với văn nhân. Sư trụ trì lại là người quý tài. Ông giao sách vở nhờ chùa giữ hộ, hằng ngày vẫn la cà các nơi. Khi thích, ông bỏ đi chơi đâu đó mấy ngày mới quay về.
Rồi lại ôm sách vở, quần áo rời chùa, những nơi tá túc cứ thay đổi liên tiếp cho một người không gia đình, không cả bóng giai nhân an ủi.
Bùi Giáng khi đi chăn bò đã miên man vào thiên nhiên:
Anh quên mất bò đương gặm cỏ
Anh chỉ nghe tiếng cọ rì rào
Có hay không? Bò đương gặm đó?
Hay là đây tiếng gió thì thào?
Nhưng Ma Xuân Đạo thì không,
Hoang thôn vị tất vong ưu xứ
Cửu biệt phồn hoa thượng hữu phiền
Hoang thôn chưa hẳn nơi an lạc
Phố thị lìa xa vẫn lụy phiền
Sau tháng 4, cuộc đời của ông đã mất, không còn thể tìm lại được. Những ngày chăn bò ở Lạc An hay mọi công việc mưu sinh đều không thể làm ông nguôi ngoai nỗi niềm:
 Thiên nhai tương thức hạnh nan cầu.
 Từ độ bên trời gặp gỡ nhau.
 Khi người ta lưu vong ngay trên chính quê hương mình thì cố thổ cũng thành thiên nhai…
Sức khỏe của ông dần dần sa sút, không còn đủ sức lang thang nữa. Ông quay lại Diệu Pháp, lần này do một người cháu đưa vào.
Tôi vào chùa thăm ông. Diệu Pháp từ lâu đã là nơi hội tụ của người già cơ nhỡ. Ông vào đấy gia nhập cộng đồng những người cùng hoàn cảnh cô đơn. Căn nhà dành cho người cao niên mớí xây hai tầng khang trang, đẹp đẽ. Từng trệt và lầu một dành cho phụ nữ, nam giới ở lầu hai.
Nguyên tầng lầu hai đó có mười ba giường, cửa sổ mở rộng đón ánh nắng và không khí thoáng mát, các ông già thảnh thơi người đọc báo, người nghe radio. Khi đó rằm tháng Giêng, nhiều đoàn từ thiện ghé chùa, tôi nhìn thấy mỗi đầu giường có mấy bọc quà.
Và Ma Xuân Đạo ngồi đó, ở chiếc giường cuối phòng. Tôi không nhìn thấy chút nào bi phẫn hằn trên khuôn mặt. Ông nhìn tôi cười hiền hậu, căn bệnh Alzheimer xem chừng lại khiến cuộc sống dễ chịu hơn vì như vậy, ông lại được giải thoát khỏi những cảm xúc ưu phiền vây khốn.
Cảm hoài kỷ phiến vô phương biểu
 U ẩn kết hà nhân vị ngã liên…
 Tâm tư mấy nỗi khôn bày tỏ
U ẩn tấc lòng mãi vấn vương
Ông lại mỉm cười, giản dị và ngây thơ như đứa bé. Ông nhìn các gói quà dường như không biết đó là gì, và quay sang tôi lắc đầu:
- Chú không tiêu tiền… không biết tiêu tiền…
Phong bao vừa nhét vào túi ông quên ngay, không biết để đâu, không biết đó là thứ gì, ai đưa.
Tôi muốn rủ ông đi dạo dưới sân nhưng không xuống cầu thang nổi, ông chỉ chống gậy đi hết gian phòng, ngồi nghỉ chân chiếc ghế đầu cầu thang tiễn khách.
Lần vào chùa thứ hai, ông thật sự dừng chân. Tôi vào thăm mấy lần nữa, tôi muốn đưa ông đi ăn sáng ngoài đường hay dạo chơi trong sân chùa thinh lặng rụng đầy lá tre, nhưng ông vẫn chỉ mỉm cười. Nụ cười làm tôi xót xa, chút nhận thức đôi lúc thoảng qua rồi lại chìm sâu vào vô thức… Cuộc sống còn đây nhưng cuộc đời thì đã mất.
Ồ, tôi xót xa làm chi, ông đã thoát sao tôi còn muốn níu.
Sau này, người già của Diệu Pháp được chia thành hai khu. Các cụ bà chiếm trọn tòa nhà hai tầng, còn các cụ ông được chuyển xuống hai căn phòng trong dãy nhà cuối sân chùa, cách ngôi nhà cũ một con đường nhỏ.
Sân chùa tuyệt đẹp, bờ sông kè đá trôi nổi đám lục bình xanh mướt, gió đùa sóng trên sông thật nhẹ nhàng. Nhưng ông chẳng còn thưởng thức phong cảnh ấy nữa, sức khỏe ngày càng kiệt quệ, hai lần ông đi lạc ra ngoài không biết đường về khiến nhà chùa đi tìm mãi mới thấy. Sau này, ông chỉ còn quanh quẩn trong phòng rồi nằm một chỗ. Việc ăn uống, vệ sinh đều có người của nhà chùa chăm sóc chu đáo.
Tháng Bảy, trời không mưa, đám tang ông khá đông. Ngoài một số bạn văn, người già trong trại tụ họp đến thắp hương đông đủ. Nhà chùa tổ chức tang lễ rất trọn vẹn. Tôi tiễn ông đến tận Bình Hưng Hòa.
Diên trường ma kiếm đáo hà xuân
Bao giờ mới hết thuở mài gươm
Hết rồi… Gươm mài chưa xong đã gẫy. Trong trận cuồng phong lịch sử, biết bao gươm sắc đã gẫy tan giữa cát bụi…
Tôi trở về Diệu Pháp, hoàng hôn rớt trên tàng tre lào xào. Những người già xong bữa cơm chiều, ra trước cửa hóng gió mát từ sông thổi lồng lộng. Trong số họ vừa vắng một người. Ai biết một nhà thơ vừa ra đi. Tôi ngồi giữa sân chùa nghe trong hồi chuông thu không, tiếng bước chân ông lặng lẽ rời xa, rũ sạch trần ai một quãng đời mệt mỏi.
Kỷ tuế hoang nhai lưu chích ảnh
Chung thiên độc bộ việt trường đồ
Bao năm bóng lẻ in đường vắng
Một kiếp than đơn vượt dặm dài
Dặm dài đã vượt, từ đây ông nghỉ trong không gian yên tĩnh, trầm mặc giữa vườn trúc, dưới mái chùa vĩnh viễn giải thoát.

Nguyễn thị Hàm Anh
(*) tiểu sử Ma Xuân Đạo, trích trong Tần Trung Tác, thơ song ngữ Việt Hán, tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia 2003

TRẦN TUẤN KIỆT * Mùa Gió Thu Nào & Giấc Mơ Nào










MÙA GIÓ THU NÀO
Em theo mùa gió thu nào
Để quên nửa giấc chiêm bao đêm rằm

Ta về còn nửa vầng trăng
Điểm trang mặt ngọc âm thầm bên hoa

Hạc từ viễn phố rời xa
Mênh mông trời đất sương pha ít nhiều


GIẤC MƠ NÀO

Đêm khuya dạo khúc Hạc cầm
Gió thu mát dãy sông Ngân bến bờ

Trời đầy mộng với cung tơ
Nỉ non xa vắng bụi mờ thinh không

Tóc mây ai vuốt nên giòng
Thơ bay cánh Hạc lượn vòng thời gian

Lửa hương về với cung đàn
Giấc mơ thế kỷ muộn màng về khuya

Trần Tuấn Kiệt