văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, December 21, 2012

Tiểu Tử * Chị Tư Ù



Chợ cá hồi đó nằm trên khoảng đất tráng xi măng giữa bờ sông và nhà lồng chợ, chung với hàng rau cải và trái cây. Về sau, thấy việc bơm nước rửa chợ cá vẫn không làm trôi hết mùi tanh của nhớt cá thấm vào xi măng, nhà chức trách trong làng cho xây chợ cá chờm hẳn ra sông, bằng gỗ theo điệu nhà sàn chống chân xuống nước nhưng bề mặt rộng như một cầu tàu. Như vậy, nhứt cử lưỡng tiện, bởi vì vừa rửa chợ ngay trên mặt sông, vừa có chỗ cho ghe thuyền cập vào để lên hàng. Ngoài ra, còn thêm một tam tiện nữa là chiều chiều người ta hay ra đó để câu cá hoặc hóng mát bởi vì chợ chỉ nhóm có buổi sáng thôi.

Ở chợ cá, chị Tư Ù là xếp sòng ! Không phải chỉ tại vì cái sự to thuyền lớn bánh của chị, mà còn tại vì chị thuộc vào gia đình bán cá bán mắm lâu đời nhứt trong làng. Bắt đầu là bà ngoại của chị từ thuở chưa có chợ nhà lồng (hồi đó chợ còn nhóm lộ thiên ở dưới xóm lò heo). Kế đó là má của chị. Thời này, ở nhà không còn làm mắm bán mắm, chỉ bán cá thôi và đã dọn về căn phố trệt nằm ngang hông chợ. Và bây giờ là đến phiên chị Tư. Trong gia đình, con Tư học hành thì dở nhưng lại chịu cực giỏi. Lại biết bươn chải làm ăn. Chỉ có nó mới nối nghiệp tao được. Cũng như tao đối với bà ngoại bây hồi đó. ...Má chị Tư thường nói như vậy, hồi còn sanh tiền, hồi lũ con vừa mới lớn. Về sau, quả đúng như vậy: mấy đứa kia sau khi dựng vợ gả chồng, xuống Sài Gòn làm việc cho nhà nước, có đứa làm cho hãng tư ở đâu tuốt ngoài Trung xa lắc xa lơ. Chị Tư ở lại nối nghiệp sau khi bà già nằm xuống. Rồi bởi vì có sự mẹ truyền con nối ba đời như vậy mà không riêng gì ở chợ cá, trong làng ai cũng biết tiếng chị Tư và bạn hàng cá cũng nể nang một phần.

Hỗn danh Tư Ù không phải mới có sau này, mà đã có từ hồi chị Tư còn nhỏ. Trong nhà chỉ có mình con Tư là sổ sữa hơn hết má chị thường nhắc chuyện này, vì bà rất hãnh diện đã làm một việc không phải ai cũng làm được . Bà kể: Hồi sanh nó ra, tao rặn muốn bứt hơi luôn ! Tưởng đâu tao ngủm rồi chớ. May nhờ bà mụ cũng giỏi, bả rặn phụ tiếp sức mấy lần, con nhỏ mới chịu lọt ra. Y¨... nó lì từ còn trong bụng chớ phải mới đây đâu bây ơi! . Bà hay ngừng ở đó một chút, xỉa cục thuốc qua lại mấy lần, làm như để nhớ lại cái đau thuở đó và cái nhẹ sau khi đã sổ lòng đứa con... Rồi lúc nào bà cũng tiếp: Bà mụ mà còn phải công nhận là cả làng này chưa ai sanh đứa nhỏ nào bự bằng nó hết ! Ai tới thăm khi bồng nó lên cũng nói là nó nặng như con Tây ! Tía bây đi ruộng về thấy cũng phải hết hồn! . Rồi cũng vì cái sự nặng như con Tây mà mấy bà mấy cô xóm Chợ hay tới lui ẵm bồng nựng nịu bé Tư . Bé Tư mau ăn chóng lớn, lúc nào cũng ú na ú nần , hay cười dễ ngủ nên trong xóm ai cũng thương. Mãi đến khi vào trường tiểu học, trẻ con trong trường mới đặt cho danh hiệu Tư Ù . Từ đó, thành tên luôn.

Hồi đó trong lớp, hai đứa học dở nổi danh là con Tư Ù và thằng Út Cón. Thằng này người Tàu, tên Lý Cón, con trai út của chú Phấn thợ bạc. Vợ chồng chú Phấn sanh một bầy con gái rồi ngưng ngang. Tám năm sau thiếm Phấn bỗng lại có bầu. Lần này, hai vợ chồng đưa nhau về Chợ Lớn đi mấy chùa chiền cầu nguyện cúng vái dữ lắm. Sau đó, sanh Út Cón. Cho nên, cả nhà chú Phấn cưng nó như vàng. Nó muốn gì được nấy. Ðến nỗi, khi đến tuổi đi học, nó không chịu đi, là cả nhà cũng làm thinh. Cho tới lúc thấy nó lớn đại rồi mới tìm cách dụ dỗ, nói khích để nó cắp cặp vào lớp. Vì vậy khi nó đi học với Tư Ù thì nó đã lớn hơn tới bốn năm tuổi !

Trái với Tư Ù, Út Cón gầy nhom trắng nhách. Tánh tình thì hay hờn hay giận trong lúc Tư Ù lại xông xáo du côn như con trai. Vậy mà hai đứa lại thích nhau, lúc nào cũng đi chung chơi chung, và gọi nhau bằng bồ .

Tiệm vàng của chú Phấn nằm ở dãy phố trệt phía bên kia nhà lồng chợ, thành ra đối diện với nhà má Tư Ù. Và vì hai nhà nằm trịch về phìa bờ sông ngang sân xi măng nên từ nhà này có thể nhìn thẳng qua nhà bên kia mà nói chuyện cũng được. Chỉ cần nói lớn tiếng một chút là nghe rõ. Sáng nào, Tư Ù cũng lon ton chạy qua tiệm vàng để cùng đi học với Út Cón chớ không đi chung với mấy đứa trong nhà. Lâu lâu, con Tư bị kẹt gì đó thì thằng Cón ra trước cửa tiệm réo: Ù ơi! Ơ¨... Ù ! Bồ làm khỉ gì bển mà chưa chịu qua ? . Có hôm, cả hai đứa cùng trễ, nghe tiếng trống trường đánh thúc tới mới hè nhau chạy mà cười hắc hắc, giống như... chạy đua vào lớp.

Những ngày nghỉ, tụi nó hay rũ nhau lên chùa ăn cắp nhãn . Thật ra tụi nó còn quá nhỏ để trèo lên mấy cây nhãn trong vườn sau của chùa, nên đến đó chỉ để lượm nhãn dơi ăn làm rớt rải rác dưới đất. Nhưng vẫn nói là đi ăn cắp cho nó oai! Út Cón hay đem hột nhãn về nhà lấy dao cắt khoanh, móc bỏ ruột, còn lại cái vỏ đen huyền bóng lưởng làm nhẫn đeo vào ngón tay của bồ nó. Nó đã phải lựa những hột nhãn thật to để chiếc nhẫn đủ rộng cho vừa ngón tay...

... Lật bật rồi hai đứa cũng học hết lớp nhì. Ðến đây, Út Cón sang qua học trường Tàu vừa mới mở ở xóm chùa Cao Ðài trên lộ cái. Còn lại một mình, Tư Ù ráng kéo hết năm lớp nhứt rồi nghỉ học luôn, ở nhà giúp việc nhà và tập tành bán cá với mẹ. Lúc này, con Tư bắt đầu trổ mã. Da dẻ mơn mởn, má hồng hồng, mắt trong vắt, tóc đen mướt thả dài đến ngang lưng, và giọng nói thật là lảnh lót. Thân hình có thay đổi, có trở thành con gái , nhưng vẫn... tròn trịa nặng cân.

Út Cón cũng nhổ giò, cao lêu khêu, nói tiếng trống tiếng mái. Tuy hai đứa không còn học chung, nhưng vẫn qua lại gặp nhau thường và vẫn gọi nhau bằng bồ . Tiếng bồ từ thuở bé bây giờ không còn nét vô tư nữa, nhứt là tiếng bồ của Tư Ù gọi Út Cón. Nó có cái gì... khác khác. Một cái gì nhẹ nhẹ. Một cái gì mà chỉ có con gái gọi người con trai mình thích mới gọi được như vậy thôi !

Bây giờ Út Cón đi học bằng xe đạp. Sáng nào, nó cũng đảo một vòng xuống bờ sông để đạp ngược trở lên ở dãy phố bên kia, bởi vì sân xi măng đã đầy bạn hàng. Và sáng nào vào giờ đó con Tư cũng quét nhà vừa ra đến cửa để chào Út Cón: Ði học hả bồ ? . Thằng con trai vừa Ừa vừa nhấn mạnh lên bàn đạp làm tiếng Ừa như bị kéo dài ra, giống như cái nhìn của con Tư đang kéo dài theo sau lưng bồ nó.

Lâu lâu, tụi nó rủ nhau đào trùng đi câu ở bến gỗ thầy Cai, và luôn luôn đi chung với mấy đứa nữa. Chỉ có hẹn nhau lên chùa là tụi nó đi riêng. Làm như khu vườn sau chùa là một thế giới khác, một thế giới mà tụi nó đã xí từ hồi còn học lớp chót. Ở đó có mấy gốc nhãn mấy gốc sung gốc mít và vô số ổi, vây quanh bởi một hàng rào tre tươi. Trẻ con trong làng đều biết khu vườn đó nhưng chúng không vào được vì phải bước hẳn vào ngôi tam bảo mới có ngõ để đi qua đó, mà ông thầy cả thì khó tánh không cho trẻ con vào chùa sợ mất nét tôn nghiêm. Ông thầy này là bà con bạn dì với má con Tư, nhờ vậy mà Tư Ù Út Cón được ra vào vườn thông thả. Dĩ nhiên, chúng nó chẳng bao giờ dám lớn tiếng làm ồn. Ngoài ra, khi gặp dịp, hai đứa cũng biết phụ thầy hay mấy chú tiểu làm những chuyện lặt vặt như quét dọn bàn Phật, chưng bông,nấu nước. Thành ra trong chùa coi tụi nó như... người nhà ! Lâu rồi thành quen, chẳng ai để ý rằng hai đứa nhỏ đã bắt đầu lớn...

Những lúc lên chùa sau này không còn ý nghĩa ngây thơ đi ăn cắp nhãn như hồi còn lớp năm lớp tư . Lên chùa bây giờ giống như đi về nhà của tụi nó hay đi về cái ổ của tụi nó . Cái khu vườn sau mà tụi nó thuộc từng gốc cây bờ cỏ, thuộc từng lối đi quanh quẹo để tránh hòn non bộ, tránh mấy chậu kiểng, tránh mấy cái đôn bằng sành... Ở đó, chia nhau mấy trái ổi chua, mấy trái dái mít chát... để chấm muối ớt mang theo từ nhà, vừa ăn vừa hít hà vì cay chảy nước mắt, vậy mà sao thấy ngon, thấy vui. Chẳng nói chuyện gì nhiều, vậy mà sao thấy đầy thấy đủ. Ở đó, chỉ có hai đứa...

... Mấy năm sau, Út Cón nghỉ học, ở nhà làm thợ bạc. Mấy năm sau, Tư Ù đi lên đi xuống Sài Gòn Chợ Lớn bổ hàng về phân phối lại bạn hàng trong chợ, để bà già bán cá một mình. Mấy đứa khác trong gia đình đã xuống ở hẳn nhà người dì ở Sài Gòn để đi học. Út Cón bây giờ bảnh trai ra, người dong dỏng cao, mặt mũi khôi ngô trắng trẻo. Tư Ù thì thân thể đẫy đà, chỉ đẹp gái ở giọng nói nước da và mái tóc! Vẫn hay cười, dễ ngủ và vẫn lanh lẹ tay bằng miệng, miệng bằng tay . Hai người vẫn qua lại với nhau như thuở nhỏ. Vẫn gọi nhau bằng bồ , tiếng bồ bây giờ thật đậm đà tình bạn mà cả hai chỉ dành riêng cho nhau. Lâu lâu, thấy quần áo gì lạ lạ mới mẻ ở Sài Gòn Chợ Lớn, Tư Ù mua về tặng Út Cón bận chơi để lấy le với bạn bè . Ðể trả lại, Út Cón âm thầm vẽ kiểu chạm trổ một chiếc nhẫn bạc. Mấy hôm sau gọi Tư Ù qua tiệm nói: Bồ cho tôi nhiều thứ quá. Bữa nay, tới phiên tôi cho bồ cái này . Rồi cầm bàn tay Tư Ù lên xỏ chiếc nhẫn vào ngón áp út. Xong, nghiêng bàn tay qua lại để nhìn: Tôi nhắm chừng vậy mà cũng vừa ghê. Hồi nhỏ, tôi hay làm vòng hột nhãn cho bồ, bồ còn nhớ không? . Tư Ù xúc động đến không nói được một lời. Út Cón vẫn cầm bàn tay nghiêng qua nghiêng lại để nhìn, theo thói quen thợ bạc: Bây giờ có muốn làm vòng hột nhãn cũng không kiếm đâu ra hột to để cho vừa với bàn tay tổ nái này ! . Tư Ù rút nhanh tay về đánh lên vai Út Cón cái bốp, nói: Quỉ . Rồi cả hai cười vang tự nhiên, làm như thuở ấu thời hãy còn nguyên vẹn đó. Và có lẽ trong thâm tâm mỗi người đều cũng muốn như vậy. Ðể đừng có gì thay đổi.

... Vậy rồi Út Cón đi cưới con Doành, con gái út của ông bang Ky. Ðám hỏi và đám cưới làm cùng một lúc theo lời yêu cầu của đàng gái vì ông bang Ky phải về Tàu gấp sau đó. Hay tin đám cưới, Tư Ù bỗng chết điếng trong lòng, đang ngồi trên bộ ván gõ mà tưởng chừng như chìm sâu dưới nước. Nằm dài xuống bộ ván, Tư Ù lấy khăn lông úp lên mặt để nước mắt thú nhận tình yêu giấu kín từ bao nhiêu năm...

Thời gian sau, Tư Ù lấy tài xế Cước lái xe Thiên Thành chạy lên chạy xuống Sài Gòn... Chuyện này cả làng đều hay. Bà già chửi tắt bếp . Tư Ù đổ lì chịu trận, và hay vừa cười vừa giải thích: Ði bổ hàng riết rồi dính luôn, gỡ không ra ! Chắc tại cái số... . Rồi tài xế Cước dọn về ở chung trong nhà như hai vợ chồng. Bà già mới đầu buồn lắm, nhưng lần hồi quen đi, nên cũng chẳng có lời qua tiếng lại. Bên tiệm vàng Út Cón cũng buồn lắm, thương cho người bạn gái chẳng gặp duyên may, làm cho hàng xóm dị nghị mà mình thì không biết giúp cách nào hết. Có hôm Út Cón ngừng tay, nhìn ngang tủ kiếng sang nhà bên kia, thấy thấp thoáng bóng Tư Ù mà có cảm giác như hình ảnh đó mỗi ngày một xa lần mà mình thì vẫn ngồi đây bất động, chẳng một với tay, chẳng một vẫy tay... Chẳng bằng hồi đó, cái hồi mà còn đi chơi chung với nhau, hai đứa cùng ngồi trên nhánh ổi, chỉ một cái nghiêng người của Tư Ù mà mình đã đưa tay chụp lấy nó vì sợ nó té làm nó cười lên hăng hắc. Chẳng bằng hồi đó... Chẳng bằng hồi đó... Út Cón thở dài quay về với công việc mà nghe lòng se lại. Chụp hộp quẹt máy đốt đầu cây đèn khò, chân đạp cái bơm gió, Út Cón điều chỉnh ngọn lửa đèn khò mà trong đầu hiện về biết bao nhiêu kỷ niệm. Ðể rồi tiếp tục so sánh cái hồi đó với cái bây giờ . So sánh để vừa tiếc nuối vừa ân hận. Bỗng Út Cón thốt lên nho nhỏ, giọng như tự trách mình: Vậy mà gọi nhau bằng bồ cái nỗi gì ?... . Y¨ nghĩ đó làm Út Cón muốn chảy nước mắt. Vội vã cầm đèn khò đưa ngọn lửa tạt qua tạt lại trên cục vàng nhỏ như hột bắp nằm gọn trong lòng khuôn. Ðể đừng nghĩ gì nữa. Vậy mà vẫn nghĩ rằng mình đang muốn đốt cho chảy ra để làm tinh khiết lại một cái gì cũng quí như cục vàng nằm ngay trước mặt...

Ăn ở với tài xế Cước không bao lâu Tư Ù mang bầu rồi sanh con trai. Bà già cưng như trứng mỏng. Vậy mà tài xế Cước kiếm chuyện gây gổ mấy lần rồi xách gói ra đi . Ra đi khơi khơi dễ dàng làm như chuyện đầu ấp tay gối, đứa con hòn máu chẳng có giá trị gì hơn chuyện quá giang xe đò của người hành khách ! Cũng chẳng thấy Tư Ù buồn. Có ai hỏi thì trả lời: Thằng chả nói nhà tôi tanh cá quá, thằng chả chịu không nổi . Nói rồi Tư Ù cười lên ha hả. Có ai trách thì tự an ủi: Ôi !... Thằng chả lái xe đò quen rồi. Tấp vô bến này một chút rồi đi, rồi tấp vô bến khác. Hơi đâu mà trách? Chớ như tôi đây ú na ú nần xấu xa xấu xí có thằng đàn ông nào thèm rớ. Vậy mà thằng chả chiếu cố hết mấy năm, coi thấy bạc nghĩa vậy chớ vẫn còn có tình. Còn phiền trách nhau chi ? . Từ ngày tài xế Cước bỏ đi, vợ chồng Út Cón vẫn chưa có con hay qua lại nhà Tư Ù ẵm bồng nựng nịu thằng nhỏ và lâu lâu mượn nó về tiệm vàng chơi cả buổi, gọi là để lấy hên . Thật ra, đó chỉ là một cái cớ để Út Cón nối lại sợi dây tình cảm bị gián đoạn từ ngày có mặt tài xế Cước và để tiếng bồ vẫn là tiếng nói từ trong lòng của hai người. Vợ Út Cón cũng mến Tư Ù ở tánh bộc trực nên thường tới lui chị chị em em như đã quen thân nhau từ trước. Tư Ù chẳng những không thấy ganh ghét vợ Út Cón mà còn thấy con nhỏ thiệt dễ thương, nết na đằm thắm, lo cho chồng từng tí từng ly... . Ðối với Tư Ù, mọi sự đều dễ dàng: Không thành duyên nợ thì thôi, tình thương mình để vào lòng chớ làm khó khăn rắc rối nhau chi cho chúng ghét . Còn về chữ tình , quan niệm của Tư Ù cũng rất là đôn hậu rõ rệt: Hể mình thương ai thì mình muốn người đó sung sướng hạnh phúc. Người đó vui, mình vui. Người đó buồn, mình buồn. Chớ còn nói thương người ta mà cứ đeo theo làm khổ người ta, thì đâu phải gọi là thương ! . Có lẽ nhờ nghĩ như vậy mà tiếng bồ của Tư Ù gọi Út Cón lúc nào cũng thấy trong veo mát rượi như giọt sương trên tàu lá buổi sáng...
Mặc dù tâm sự đã gói ghém kỹ để trong lòng, lâu lâu Tư Ù vẫn thấy thèm được nói lên tiếng nói của con tim . Ðó là những buổi trưa rỗi rảnh, nằm một mình trên võng đong đưa, ngẵm nghĩ viễn vong để cuối cùng lại trở về hoàn cảnh của hai người. Không kềm được trào lòng, Tư Ù ngân nga một câu vọng cổ: Anh Hai ôi... Cái mối tình của em đối với anh... nó tợ như trời cao biển rộng&&...ư&.&&&..sông... à.&..dài... .

Xuống hò ø thật ngọt, và nghe như nỗi niềm trắc ẩn cũng theo chữ dài mà tuôn ra nhè nhẹ. Mấy tiếng Anh Hai ôi... được vô một cách tình tứ. Sợ thiên hạ biết, chớ nếu dám vô bằng Anh Út ôi... chắc phải mùi hơn nhiều... Và chỉ có như vậy thôi, và chỉ cần có như vậy thôi, Tư Ù cũng đã thấy nhẹ, thấy thỏa mãn, thấy như đã nói hết những gì mình muốn nói!

* * *

Khi chị Tư nối nghiệp bà già, chợ cá hãy còn nhóm mỗi sáng trên sân xi măng. Hồi đó thằng con trai đã lớn, đang đi quân dịch, và vợ chồng chú Út cũng đã có hai cô con gái. Người trong làng kêu Tư Ù bằng chị Tư , nhưng lại gọi Út Cón bằng chú Út . Có lẽ tại cái gốc Tàu. Bởi vì họ đã có thói quen gọi người Tàu bằng chú chú chệt và vẫn gọi tiếp tục như vậy cho dù chú chệt đó lần hồi đã già bảy tám mươi tuổi. (Thành ra trong tiệm vàng đã có chú Phấn , bây giờ tấn lên có chú Út Cón . Hai cha con đều được gọi bằng chú , ngang nhau !)

Mỗi sáng chị Tư dọn hàng ra chợ, ngay trước nhà, nên cũng tiện và nhanh. Hàng cá của chị gồm có hai thau nhôm thật to đầy cá, nước trong veo, mộït tấm thớt gỗ dầy, hơi trũng xuống ở phần giữa vì đã được sử dụng lâu năm, một con dao yếm để đánh vảy mổ bụng cá, một con dao phay để chặt khúc cá, một cái thau nhôm nhỏ để bắt cá cho khách hàng coi và một cái cân xách. Ðặc biệt trong chợ cá, chỉ có chị Tư là không có cái chài vồ. Dụng cụ này bằng gỗ, thường được dùng để đập lên sóng dao phay khi muốn chặt con cá to ra từng khứa và nhứt là khi cần bổ hai cái đầu cá để đừng bị dập và để mỗi miếng coi cho nó ngon . Khách hàng không ưa những khúc cá bầy nhầy , cho nên hàng cá nào cũng phải có dao bén ngót, và khi rả con cá cở bằng bắp chân trở lên, phải biết dùng dao yếm để khứa và dao phay với cái chài vồ để xả . Vậy mà chị Tư không cần tới cây chài vồ. Bởi vì chị mạnh tay lắm và chị nhắm đâu là chặt đúng ngay đó, không xê xích một ly . Khách hàng ai cũng phục chị Tư ở chỗ đó. Họ nói: Con Tư nó múa dao như Sơn Ðông. Mình chỉ ở đâu là nó phụp ở đó, ngay bon ngọt xớt... Chớ không phải như mấy con mẹ kia, cầm chài vồ đập bom bớp nghe mà phát nhức đầu .

Dọn hàng xong, chị ngồi lên cái hộp gỗ cao bằng hai viên gạch có cái hộc như hộc tủ. Chị kéo hộc ra để tiền lẻ vào đó, rồi bắt đầu chào hỏi bạn hàng cá và rau cải. Trong làng, và nhứt là trong chợ, phần đông đều quen biết nhau hết, nên câu chuyện trao qua trao lại dễ dãng thoải mái. Ðó là giờ thông tin của các bạn hàng trong khi người đi chợ còn rải rác lưa thưa. A... để nói này nghe, đừng nói ai hết nghen ! Con gái của dì Năm Ðôi có bầu với thầy giáo Thái. Họ giấu dữ lắm đó ... Chèn ơi! Tội nghiệp con nhỏ hôn ! ... Thầy bà gì mà ác nhơn. Vợ con cả đống cả lèng rồi mà còn dê con nhỏ làm chi cho nó khổ ... Nè ! Nghe nói ông Xả Bảy mới rinh về một con vợ bé. Không biết phải hôn ? ... Ðâu nà ! Cháu gái của ổng đó. Ðừng nói bậy ổng cào nhà bây giờ ... Ờ... Con mẹ Sáu bánh lọt sao hổm rày đâu mất hổng thấy há ? ... vv. Trong lúc bạn hàng vải, hay bạn hàng xén, đều có nhà hay cửa tiệm nằm vây quanh chợ nhà lồng nghĩa là qui tụ lại một chỗ thì những người bán cá lại có nhà ở rải rác trong mấy xóm xa chợ như xóm Giếng, xóm Chùa, xóm Lò Gạch, xóm Nhà Máy... Thành ra bạn hàng cá có tai mắt ở khắp nơi. Cho nên họ là giới biết nhiều tin tức trong làng nhứt. Và họ thông tin ăn bứt Phòng Thông Tin !

Khi chợ đã bắt đầu đông, bắt đầu ồn ào, thì mạnh ai nấy rao hàng mời khách. Chị Tư cầm cái cán cân nhắc lên để xuống đều đặn làm cho ba sợi xích sắt rơi nhịp nhàng vào cái dĩa cân, kêu rèn rẹt rèn rẹt, miệng mời tía lia: Cá cô Hai... Cá dì Tám . Chị nhớ từng sở thích của khách hàng, như Dì Sáu Lộc ưa cá trê vàng, còn cô Năm Ngự lại không ăn được cá không có vảy. Chị Hai Bia thì hay ăn đầu cá lóc, mà coi chừng, phải có đủ đùm ruột và gan mật còn nguyên chỉ mới chịu... . Lâu lâu, chị Tư thọc tay vào thau vuốt ve mấy con cá giống như vuốt ve con mèo con chó ! Vậy mà chẳng có con cá nào chém bàn tay của chỉ hết! Và khi mà chị Tư muốn bắt con nào là chị luồng thật nhanh ngón tay cái và ngón tay trỏ vào hai mang cá, nhấc bổng ra khỏi nước. Mấy con cá lốc bằng bắp đùi, chị cũng chỉ bắt có một tay. Mạnh như vậy nên bạn hàng cá ai cũng nể mặt, dù xưa nay họ nổi tiếng là giới thô lỗ hỗn ẩu.

Một hôm, chợ vừa nhóm, chị Tư mặt hầm hầm, cầm con dao phay chém xuống thớt nghe cái cốp rồi chỉ mũi dao về phía một bạn hàng cá ngồi cách xa mấy thước phía đối diện, giọng lanh lảnh:
- Lia ! Tao nghe nói mầy đang rêu rao vụ gì đó phải không?
Tiếng không được nhịp bằng tiếng dao chém xuống thớt. Cô gái tên Lia vừa sang nước cá vừa trả lời:
- Chuyện gì đâu ai biết !
Chị Tư vẫn nhịp dao xuống thớt:
- Vậy chớ đứa nào đi nói cùng đồng là thằng cha Út Cón gian lận, bán vàng giả mà la vàng thiệt ? Hả ? Hả ?
Bỗng con Lia đứng sọc lên, tay chống nạnh, mặt gân gân:
- Ờ ! Tôi nói đó ! Rồi có sao không ?
Chị Tư cũng đứng lên, tay vẫn cầm dao phay điểm điểm:
- Có, chớ sao không ! Tao hỏi mầy vậy chớ Út Cón có lường gạt mầy không ? Mầy nói cho bà con nghe coi !
Con Lia khựng một chút rồi cũng gân gân:
- Thì thằng chả làm đồ giả tôi nói làm đồ giả. Mắc mớ gì chị mà chị xía vô ?
Chị Tư nổi nóng, la lớn:
- Mắc mớ chớ sao không mắc mớ ! Út Cón là bạn của tao, tao không muốn ai nói xấu thằng chả hết. Nếu mầy có bằng cớ thì trưng ra cho bà con coi, rồi đem lên hội đồng xã mà thưa thằng chả. Chớ còn không có gì hết mà cứ đi rêu rao nói xấu người ta là tự mày muốn sanh chuyện chớ ai vô đây ?
Thấy quá căng, mấy bà bán cá vội vã xúm lại can gián, mỗi người vài câu, ồn ào hỗn tạp. Trước khi ngồi xuống, chị Tư còn bồi thêm một câu, gọi là để dằn mặt :
- Nè ! Tao nói cho mầy biết. Mầy mà còn kiếm chuyện nữa thì con dao này nó không tha mầy đâu ! Cái thứ ăn ở bất nhơn thất đức không chém cũng uổng...
Con Lia vừa sợ, vừa đuối lý, làm thinh ngồi xuống nhưng trong lòng thề sẽ có ngày nó rửa nhục . Nghe lộn xộn, chú Út Cón từ sau nhà bước ra trước cửa tiệm để nhìn. Lúc đó, cuộc cãi vã cũng vừa chấm dứt. Thiên hạ đi chợ đã bắt đầu đông. Thành ra chú không biết rằng bồ của chú vừa mới binh chú.

* * *

Về sau chợ cá nhóm trên sàn gỗ xây chờm ra sông. Chị Tư mỗi lần dọn hàng phải đi xa hơn một chút. Chị vẫn to thuyền lớn bánh , vẫn hay cười, dễ ngủ, mặc dù thằng con duy nhứt của chị đã chết trận ở ngoài Kontum. Chị nói: Sống chết tại số. Có khóc mấy, nó cũng không sống lại được ! . Trên bàn thờ, cạnh hình ông bà già, chị để hình thằng con mặc quân phục, ngực đeo huy chương. Chị thích cái ảnh đó lắm bởi vì chị thấy nó giống kép Hùng Cường !

Trưa trưa, chị vẫn nằm đong đưa trên võng. Chị thích nằm võng bởi vì nó mát lưng. Cái võng của chị được thắt bằng sợi cây gai đập tơi ra rồi tết lại mịn màng, thân tau vừa to vừa dẹp lại không có gút thành ra nằm êm và không cấn làm ngứa lưng như võng lưới. Chị cũng chê võng nhà binh, tuy nằm êm nhưng khi trở mình nó lại kêu sột soạt !
Và lâu lâu, chị vẫn ngân nga câu vọng cổ của chị để thấy cuộc đời này hãy còn cái gì để nói ...

* * *

Biến cố tháng tư 1975...
Cả làng treo cờ đỏ. Khắp nơi căng biểu ngữ đỏ. Tất cả bảng hiệu đều được sơn lại bằng màu đỏ. Coi hực hỡ như ngày xưa làng xã làm đám cúng ở miễu ông Tà !
Loa được bắt trên cành cây đầu cột, ngã tư ngã ba, phát thanh nghe rồ rồ như có tiếng máy xe đò Thiên Thành nằm trong đó ! Không có phát thanh cải lương nên nghe riết cũng nhàm. Rồi mạnh loa loa nói, mạnh người người nói.
Bây giờ người ta không còn thời giờ rảnh nữa. Hội họp, học tập, hoạt động đoàn thể liên miên, chưa kể đi lao động đều đặn...

Chợ cá vẫn họp buổi sáng. Giờ thông tin cố hữu của bạn hàng cá cũng thấy được tiếp tục nhưng có thâu ngắn lại và nhứt là bây giờ thấy nói nhỏ chuyền cho nhau nghe, chớ không bô bô như hồi trước. Cho nên người ta biết là con Lia bây giờ theo tụi cách mạng dữ lắm. Nó nghỉ bán cá để tổ chức phụ nữ này phụ nữ nọ gì đó và hay tới lui với thằng cha Bắc kỳ công an ở nhà thầy giáo Thái (nhà này cách mạng tịch thâu vì thầy giáo và gia đình đã bỏ chạy mấy ngày cuối tháng tư bảy mươi lăm). Và họ nói: Con nhỏ lúc này lên chưn lắm, bà con! Thấy có đội nón cối nữa! .

Một hôm vào xế chiều, tên công an dựng xe đạp trước nhà chị Tư, nhìn quanh rồi bước vào nhà. Trong nhà lu khạp chứa cá đứng dài dài từ nửa nhà trên chạy tuốt ra phía sau. Nhà không có vách ngăn nên nhìn thấy trống bốc xuống bếp. Chị Tư đang lúi húi nhúm lửa ở đó, thấy khách vội chạy lên. Chị khoác vội cái áo bà ba, cầm chổi lông gà quét nhanh mặt ván gõ, rồi mời:
- Mời anh ngồi. Có chuyện gì không ?
Tên công an ghé đít bên mép ván, nhìn quanh:
- Chị ở có một mình à ?
Chị Tư cũng nhìn quanh:
- Thì anh thấy đó. Còn ai nữa đâu ?
Rồi như sực nhớ ra, chị tiếp:
- À ! Còn... ông Táo. Nhưng ổng không nằm trong hộ khẩu, ổng nằm trong bếp !
Rồi chị cười tự nhiên thích thú với hình ảnh hài hước đó. Tên công an làm thinh. Dưới bếp, lửa nhúm khi nãy không bắt , làm khói lên um tùm. Chị Tư xin lỗi rồi chạy xuống bếp vùi nhanh mấy cây củi xuống tro. Xong, trở lên, vừa đi vừa nói:
- Lúc sau này dầu hôi bị hạn chế, mỗi hộ chỉ mua được có một xị để dành thắp đèn thành ra không dùng lò dầu hôi. Phải chụm bằng củi, khói thôi là khói ! .
Tên công an cũng nói đẩy đưa:
- Ðấy là buổi đầu thôi chị ạ ! Tại vì khâu phân phối vật tư chưa hoàn tất mạng lưới đấy chứ. Rồi chị xem. Vài hôm nữa xăng dầu sẽ được đưa về đây cả khối !
Chị Tư vừa cười vừa nói:
- Gì thì tôi không biết. Chớ hôm rồi bà Tám Liệt Sĩ... xin lỗi anh, trong làng bây giờ kêu bà Tám Tiếu là bà Tám Liệt Sĩ, chớ không phải tôi đặt ra như vậy đâu.
Tên công an gật gật đầu:
- Tôi biết. Gia đình bà má đó theo cách mạng từ thời bốn mươi nhăm. Sau này đều hy sinh cả. Giải phóng rồi ít lâu sau chính tôi đã đưa bà má lên tỉnh để lảnh bằng liệt sĩ và huân chương...
Chị Tư gật đầu tiếp:
- Phải rồi. Ðúng là bà đó. Hôm rồi, sau khi mua phần dầu hôi của bả, bả đưa xị dầu hôi lên cao, vừa đi dọc theo cái đuôi đồng bào đang đợi tới phiên mình, vừa nói...
Chị Tư đưa bàn tay trái lên trên không, ngón cái và ngón trỏ ra bộ kẹp cổ chai xị tưởng tượng, cất giọng the thé nhái bà Tám Liệt Sĩ:
- Nè... Ðồng bào coi đây nè ! Cái này là dầu hôi nghe không. Dầu hôi của Nhà Nước ta bán cho nhân dân. Quí lắm đó ! Không phải để thắp đèn. Mà để nhỏ vô con mắt cho nó sáng ra, nghe chưa ?
Nói xong, chị Tư cười thích thú. Tên công an chỉ nhếch mép. Không biết anh ta ráng kềm cái cười đang muốn bật ra hay anh ta đang cố tạo một nét cười để chứng tỏ rằng mình cũng biết thưởng thức khía cạnh trào phúng ý nhị của câu chuyện ? Anh ta bước lại bàn thờ, nhìn mấy tấm ảnh, hất hàm hỏi:
- Ai thế ?
Chị Tư trở ngược cây chổi lông gà chỉ từng tấm ảnh:
- Ðây là ông già tôi, hồi ổng còn trẻ. Chớ ổng chết hồi ổng trên sáu mươi lận. Ðây là bà già, chụp hình xòe đủ mười ngón tay !
Chị ngừng ở đó để cười rồi mới tiếp:
- Còn đây là thằng con tôi, liệt sĩ ở Kontum !
Tên công an cãi:
- Chị dùng từ sai. Lính ngụy không thể nào là liệt sĩ cả. Bị giết thì cứ nói là bị giết. Phải cho rõ ràng ở điểm đó.
Chị Tư ngạc nhiên:
- Coi ! Ði dánh giặc rồi chết ngoài mặt trận, mấy anh không gọi là liệt sĩ thì gọi là khỉ gì ?
Anh ta giải thích:
- Chị không hiểu. Giữa ta với ngụy khác nhau chứ. Ta, vì nhân dân vì Tổ quốc mà hy sinh, thế mới gọi là liệt sĩ. Còn ngụy là lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ...
Chị Tư đưa một tay lên chận lại:
- À ! À ! Ðến đây tôi xin lỗi anh. Chính anh mới không hiểu gì hết. Thằng con tôi chưa hề đánh thuê chém mướn. Nó đi quân dịch thì giống như ngoài đó mấy anh gọi là đi nghĩa vụ gì gì đó. Nó cũng vì đồng bào của nó, vì xứ sở của nó mà hy sinh, chớ nó có đánh giặc để giữ gìn đất đai xứ Mỹ bao giờ ?
Trong lúc tên công an chưa kịp mở miệng thì chị Tư đã nói tiếp, tay cầm cây chổi lông gà trở ngược quơ qua quơ lại trên không, để vẽ cho câu nói:
- Ngoài đó đánh vô thì trong này phải đánh ra chớ bộ ngu dại gì mà đứng làm thinh đưa đầu cho thiên hạ đập ? Phải không? Như vậy gọi là đánh thuê chém mướn à ?
Thấy tình hình sắp đi vào ngõ bí và con mụ hàng tôm hàng cá này cũng không phải tay vừa, tên công an đâm đại một câu:
- Chắc là con chị phải ác ôn lắm nên mới có đến hai huân chương.
Chị Tư cười ha hả:
- Nếu nói như anh vậy thì mấy đồng chí cao cấp của anh phải ác ôn gấp mấy chục lần thằng con tôi. Bởi vì người nào người nấy chụp hình thấy đeo một ngực mề đai !
Rồi sực nhớ ra, chị Tư hỏi:
- À ! Chút xíu nữa quên mất. Anh muốn gặp tôi có chuyện gì không ?
Tên công an như nắm được cái phao, vội vã đổi giọng ra chiều thân mật:
- Chuyện này xin chị giữ kín cho. Người ta nói với tôi rằng Út Cón còn giấu vàng, không kê khai hết trong kỳ kiểm kê vừa rồi. Tôi cũng nghi như vậy bởi vì thấy anh ta... thế nào ấy.
Chị Tư nghiêm nghị:
- Chuyện này... Anh là chánh quyền, anh phải đi hỏi ảnh chớ sao lại hỏi tôi ?
Tên công an thấp giọng:
- Người ta nói với tôi rằng chị thân với Út Cón lắm. Tôi muốn nhờ chị nói với anh ấy một tiếng để anh ấy mang nạp cho Nhà Nước số vàng còn cất giấu. Tôi sẽ giữ kín chuyện này và sẽ không báo cáo lên cấp trên. Tôi muốn giải quyết như trong gia đình thôi. Chị hiểu không ?
Suy nghĩ một lúc, chị Tư trả lời:
- Thiệt tình với anh: tôi với Út Cón là bạn nhưng tôi chưa hề biết chuyện làm ăn trong nhà của ảnh ra làm sao hết. Và cũng không bao giờ chen vô. Nhưng tôi nhứt quyết với anh là Út Cón xưa nay không có gian xảo. Bà con ở đây ai cũng biết hết. Tánh ảnh lại hiền khô và... hơi nhát nữa. Chắc không dám làm chuyện động trời như anh nói đâu.
Chị Tư mỉm cười, nhớ lại hồi nhỏ lần đầu rủ Út Cón vào vườn sau chùa " ăn cáp nhãn", Út Cón khoát khoát tay từ chối mà mặt mày xanh dờn làm như đã bị bắt tại trận. Vậy mà đã mấy mươi năm... Tên công an đưa tay xem đồng hồ, rồi vừa bước ra cửa vừa nói:
- Tôi về đây. Xin chị giúp tôi và nhớ giữ kín chuyện này nhá.
Chị Tư làm thinh, nhìn theo tên công an, rồi sẵn đó nhìn sang nhà bên kia. Bên kia, chắc vừa ăn gì xong nên thấy chú Út đứng xỉa răng trước cửa tiệm.
Ðợi tên công an đạp xe đi một lúc, chị Tư mới bước ra ngoài cửa ngoắc chú Út. Chú đủng đỉnh đi qua tay vẫn tiếp tục xỉa răng. Vào nhà, chú hỏi:
- Chuyện gì vậy bồ?
Chị Tư thấp giọng:
- Thằng cha công an nó nghi bồ còn giấu vàng đó.
Chú Út cười như mếu:
- Giấu khỉ gì. Hồi kiểm kê, họ nói nghe ngon lắm: cứ kê khai đầy đủ để làm tài liệu thống kê trong mỗi ngành nghề, chớ còn của ai nấy giữ để tiếp tục hành nghề như cũ, không có gì thay đổi. Vậy rồi... hốt hết của người ta ! Không còn tới một chỉ để làm thuốc, lấy gì mà giấu ?

Chị Tư suy nghĩ một lúc mới nói:
- Chắc có đứa nào đâm thọc gì đây. Gặp bọn này là thứ đa nghi nên dễ tin lắm. Bồ cũng nên coi chừng đó nghe ! Thời bây giờ không biết ai là ai hết. Thôi ! Bồ về đi, kẻo tụi nó thấy, tụi nó nghi bồ qua... gởi vàng cho tôi giấu thì oan tôi lắm, nghe bồ.
Nói xong, cười hăng hắc làm chú Út đang rầu thúi ruột cũng bật cười theo. Làm như chẳng có gì phải quan tâm hết.

Tuần lễ sau, vào quá ngọ sau khi tan chợ, công an đưa bộ đội tới xét nhà chú Út Cón. Xét kỹ đến nỗi giường chiếu tủ bàn cà ràng ông Táo, quần áo sách vở gì gì cũng lôi tung ra. Họ còn bắt thang trèo lên nóc lật một số ngói trong lúc dưới đất một tốp khác cầm búa gõ từng viên gạch, từng mảng tường. Thậm chí còn cạy mấy chục viên gạch và đào quật lên mấy thước đường cống.

Bên ngoài hàng xóm bu lại coi thật đông, kẻ nói vô người nói ra ồn ào không thua gì trận chiến ở bên trong. Chị Tư can thiệp mấy lần với tên công an nhưng anh ta làm như không biết chị Tư là ai . Mặt lạnh như tiền, anh ta chỉ huy cuộc khám xét giống như đang bươi một đống rác. Cuối cùng, không tìm thấy gì hết, mặt anh ta còn lạnh... hơn tiền. Anh ta ra lịnh bắt chú Út dẫn đi, để lại người nhà thím Út và hai con gái gào khóc như đám ma và để lại căn nhà bây giờ thật sự giống như một đống rác !

* * *

Chú Út bị giam trên tỉnh. Ở đâu, người nhà không được biết. Chỉ biết tin tức qua tên công an lúc này tới lui thường xuyên nhà thím Út, gọi là đến thăm viếng an ủi gia đình và giải thích đường lối chủ trương rõ rệt sáng suốt của Ðảng và nhà Nước . Lâu lâu, thấy anh ta dẫn tới một vài anh bộ đội, ngồi lê la nói chuyện. Chị Tư để ý nhiều lần như vậy nên phân vân tự hỏi: Không biết cái thằng Trời đánh này nó muốn cái gì ? Nhà tinh là đàn bà con gái không... .

Người ta bắt đầu xì xào bàn tán...
... Chiều hôm đó, tắm xong, chị Tư vừa chải tóc vừa bước lên nhà trên. Chợt nhìn thấy thiên hạ bu đông ở nhà chú Út và có tiếng khóc than trong đó. Chị bước ra cửa thì vừa gặp bà Năm Chia. Vội hỏi:
- Chuyện gì ở bển vậy thím Năm ?
Bà Năm Chia nhìn chị Tư với cặp mắt đỏ hoe, nói bằng một giọng trống rỗng:
- Thằng Út chết rồi !
Chị Tư nghe choáng váng mày mặt, trời đất bỗng tối sầm lại. Chị tì người vào khuôn cửa, cái lược sừng rơi xuống đất. Mắt mở to, ráo hoảnh. Miệng há ra để thở, nhịp thở dồn dập như muốn bứt hơi. Làm như bên trong con người chị chẳng còn gì hết, chẳng giữ được gì hết. Và cũng không còn cảm giác gì hết...

Một lúc lâu sau, chị lảo đảo bước vào trong nhà, lần theo mép bộ ván mà đi, lần theo lu khạp mà đi, lần theo vách mà đi. Trong đầu loáng thoáng ý nghĩ phải tới một nơi nào đó kín đáo hơn là ngoài cửa, kín đáo hơn là trong nhà. Một nơi nào đó chẳng còn ai hết. Một nơi nào đó chẳng có gì hết. Một nơi nào đó chỉ có một mình mình. Một cái kẹt. Một cái hốc. Không biết để làm gì. Chỉ thấy cần làm như vậy, cần được như vậy. Chẳng có gì rõ rệt hết. Lơ mơ lơ mơ...

Cuối cùng, chị bước vào nhà tắm đóng cửa lại. Gài then xông, chị chỉ còn đủ sức dán lưng vào tường và cảm thấy hai chân mềm như bún. Thân chị tuột lần xuống đến khi đụng mặt gạch còn ướt nước tắm khi nãy. Chị ngồi bẹp ở đó mà nghe trong người có cái gì đang dồn căng lên cổ họng từng cơn làm chị đau thắt. Chị cố nuốt xuống, nhưng càng nuốt, cái gì đó càng dồn mạnh lên. Ðể rồi, chịu không nổi nữa, chị nấc lên mấy tiếng, gục đầu xuống mà nghe nước mắt tuôn ra như suối...
Lâu thật lâu sau, chị Tư đứng lên, vẫn để nguyên quần áo thọc gáo vào lu múc nước xối ào ào. Nước mát lạnh làm cho chị tĩnh hẳn. Chị lau mình thật chậm rãi, thay đồ cũng thật chậm rãi. Làm như để có thời gian lấy một quyết định. Xong chị qua nhà thím Út Cón.
Vừa thấy chị Tư bước vào, thím Út òa lên khóc:
- Tụi nó giết anh Út rồi, chị Tư ơi...
Chị Tư bước lại ôm thân hình mảnh khảnh của thím Út, tay vuốt vuốt lưng như đang dỗ về người em gái. Hai đứa con chú Út từ nhà sau chạy ra, vừa khóc vừa xà vào người chị:
- Cô Tư ơi...
Chị dang tay ôm hết ba mẹ con, ôm hết những gì còn lại của Út Cón. Không còn nước mắt để khóc nhưng còn đủ tĩnh táo để nhận thấy rằng từ đây, mình phải thay Út Cón để bảo vệ gia đình này mặc dù không ai gởi gắm hết.

Nửa khuya đêm đó, chị Tư trở dậy. Trong bóng tối, chị mò mẫm khoác áo bà ba đen máng sẵn trên cây cột từ đầu hôm, cập nách con dao phay quấn trong cái bao bố nhỏ đặt sẵn cạnh chân bộ ván gõ, bước ra đóng nhẹ cửa lại. Bên ngoài, trời đầy sao. Gió sông nhè nhẹ mát rượi. Chị bước đi tự nhiên, chẳng chậm rãi chẳng gấp rút. Giống như đi công chuyện bình thường. Ngoài đường, vắng teo. Mấy con chó hoang ngủ dưới dãy thớt thịt trong nhà lồng chợ ngóc đầu lên nhìn, sủa vu vơ mấy tiếng rồi lại nằm xuống. Chẳng có gì phải bận tâm.

Nhà thầy giáo Thái nằm xéo xéo trường tiểu học, Ðiểm đặc biệt ở đây là nhà bếp và sàn nước nằm ngay sân trước bởi vì ở đó có cái giếng. Thành ra hồi xưa vào giờ ra chơi, học trò hay chạy qua đó uống nước. Lâu lâu còn được thím giáo cho mấy cái bánh men vì thím làm bánh men bánh kẹp để bỏ mối ở xóm dưới đầu trên... Từ ngày công an dọn về đó, chẳng thấy đứa nào chạy qua hết.

Chị Tư bước vào hàng ba, thấy trong nhà có ánh đèn. Nghĩ: Chắc thằng Trời đánh đó đang làm báo cáo. Không biết nó đang muốn hại ai nữa đây ? . Chị đưa tay gõ cửa. Có tiếng người hỏi:
- Ai đấy ?
Chị Tư trả lời như không trả lời:
- Tôi !
Nghe giọng đàn bà, tên công an yên chí:
- Chờ tí !
Có tiếng khóa lọc cọc rồi cánh cửa mở ra. A¨nh đèn dầu từ bên trong hắt lên người chị Tư, tuy không sáng lắm nhưng vẫn thấy rõ nét trầm tĩnh tự nhiên trên gương mặt tròn trịa. Ở đó vừa hiện lên một nụ cười mà tên công an giàu tưởng tượng cho là đầy nhiệt tình cách mạng . Anh ta bước ra đảo mắt nhìn quanh rồi mới mời:
- Vào đi !
Tiếng đi vừa dứt là chị Tư đã bổ con dao phay vào ngay giữa đầu, nhanh gọn và chính xác như chị bổ cái đầu cá. Xong, chị bước vào thổi tắt cây đèn dầu rồi ra sàn nước rửa ráy tay chân mình mẫy và con dao. Trước khi ra về chị nhìn lại hàng ba: trong bóng tối chị vẫn thấy được thằng Trời đánh nằm một đống, không nhúc nhích.

Hôm sau, cả làng đều biết tin tên công an bị chém. Vậy là bàn tán xôn xao... Nhờ mấy con chó bu lại giành giựt ở hàng ba nhà thầy giáo Thái người ta mới để ý. Chớ không thì cầu tới trưa trờ mới hay ... Thiên hạ đồn tại thằng chả lấy vợ người ta ... Ông Sáu Lịch dạy võ ở xóm Lò Heo quả quyết rằng thằng cha nào chém nhứt định phải có nghề. Chớ người thường thì sức mấy mà chém ngọt như vậy ... Ai mà giỏi vậy không biết ? ... Còn gan nữa chớ ! Chém cách mạng mà... . Có người vốn đã thù ghét sẵn trong lòng, buột miệng nói: Chớ phải là tôi, tôi chặt cha nó ra làm ba khúc cho nó đáng ! ...

Trong làng, chỉ có một người biết ai đã chém tên công an. Người đó là con Lia bán cá hồi trước cách mạng . Nhưng nó đã bỏ làng trốn mất ngay ngày hôm đó, bỏ lại mấy bộ đồ màu cỏ úa và cái nón cối. Chánh quyền nghi ngay cho nó. Vậy rồi họp hành liên miên để xem có phát hiện gì thêm không bởi vì tên phản động ác ôn do ngụy cài vào hàng ngủ của ta từ ngày cách mạng thành công, nhất định phải để lại nhiều dấu vết hay bè lũ của nó, ta cần phải nâng cao cảnh giác! .

Trưa đó, nằm đong đưa trên võng, chị Tư suy nghĩ viễn vong rồi đưa bàn tay trái lên nhìn chiếc nhẫn bạc của Uùt Cón chạm trổ cho hồi đó, thuở Út Cón chưa vợ, thuở hai người còn thật bồ với nhau... Chị bồi hồi nhận thấy tiếng bồ quen thuộc, từ nay sẽ không còn dùng tới nữa. Tiếng bồ gọi nhau thuở nhỏ. Tiếng bồ nhè nhẹ êm êm của tuổi dậy thì. Tiếng bồ mang mểng yêu thương giấu kín, về sau, khi chẳng thành duyên chẳng thành nợ. Và tiếng bồ già dặn, đậm đà của bây giờ, mới đây, trước khi Út Cón bị bắt. Tiếng bồ của mấy chục năm đó, còn ai để mà gọi, từ nay ? Chị bỗng thèm hát lại câu vọng cổ. Lần này, chị vô Bồ ơi... . Tiếng ơi bị ngẹn ngang. Chị ngừng ở đó một lúc để kềm xúc động. Rồi chị bắt trở lại, nhanh nhanh dồn dập chớ không ngân nga sợ trào lòng cắt đôi câu hát: Bồ ơi ! Cái mối tình của em đối với bồ... nó tợ như trời cao biển rộng&...ư...sông...à ...dài . Tiếng dài không còn ngọt như xưa. Tiếng dài bị đứt khoảng. Giống như khúc đuôi còn nằm kẹt đâu trong lòng. Chị vói tay lên đầu võng rút cái khăn lông đắp vội lên mặt, bởi vì chị vừa nghe mí mắt mình mọng nước !
Từ đó chị Tư Ù thôi ca vọng cổ.


Tiểu Tử
 

Thursday, December 20, 2012

LAN ĐÀM * TIỂU TRUYỆN TRƯƠNG CHI-MỴ NƯƠNG



BÀI TRƯƠNG CHI

Ta về rũ sạch phồn hoa,
Đập tiêu, gõ nhịp trăng tà nghêu ngao.
Rượu say, đếm rụng nghìn sao,
Nghe con nước chẩy, quên đào nguyên xưa.
Thuyền trôi theo lớp sóng đưa,
Nửa khuya bình cạn, tóc mưa sương dầy.
Mịt mùng mái đỏ lầu tây,
Cũng xong- tình đó chưa đầy đã vơi.
Mắt người thôi hết lệ rơi,
Hồn ta vỡ mấy mảnh đời xót xa.

*
Ta về rũ sạch phồn hoa,
Đập tiêu, gõ nhịp trăng tà nghêu ngao.
Bến này thu nặng chiêm bao,
Mai ôm muôn đợt ba đào, nhẹ tênh.


BÀI MỴ NƯƠNG

Anh gác chèo chưa, đêm thủy tinh,
Ngoài song hoa nguyệt đã giao tình.
Em như mây lạc hờn hiu quạnh,
Thèm khúc tiêu sầu gợn tử sinh.

Anh gác chèo chưa, trời mù sương,
Lẻ loi cánh vạc động canh trường.
Em theo con nước ròng mê mải,
Chờ chuỗi âm buồn dậy tiếc thương.

Anh gác chèo chưa, khuya trăng phai,
Lầu son lệ nến đọng thêm dài.
Em nương gió lộng lùa khe cửa,
Tìm chút cung trầm biệt thiên thai.

Anh gác chèo chưa, ngày hừng đông,
Đầu hiên rộn rã đám chim lồng.
Em ôm gối mộng tim mòn mỏi,
Đợi tiếng ân tình vọng cuối sông.

Anh gác chèo chưa, chiều mưa đan,
Bãi xa heo hút sếu gọi đàn.
Em vẫn một mình bên bến lở,
Vắng thuyền, khói sóng lạnh không gian.


KINH CHIỀU

Từ đó giòng sông buồn,
Mây ngại ngùng soi bóng.
Lầu cũ đầy hoàng hôn,
Bờ hoa chìm khói sóng.

Từ đó giòng sông buồn,
Tiếng tiêu sầu đã lặng.
Người ôm gối cô đơn,
Phòng the nghìn hiu quạnh.

Từ đó giòng sông buồn,
Thuyền xưa còn trong mộng.
Ăn năn tình vô ngôn,
Bầy sếu đùa bến vắng.

Từ đó giòng sông buồn,
Lời kinh chiều đồng vọng.


LAN ĐÀM

Wednesday, December 19, 2012

Viên Linh * Bằng hữu cuối trời: Thi sĩ Trần Tuấn Kiệt

trantuankiet




Cứ mỗi cuối năm, người làm báo chuyên ngành của miền Nam cũ thường phải làm một công việc tuy là ước lệ, mà phải có, đó là “tính sổ một năm qua.”

Trần Vấn Lệ * Hai Ngày Trước Ngày Tận Thế





Hai ngày nữa Tận Thế?  Chắc không xảy ra đâu!  Sáng nay nước dưới cầu sáng trưng màu của nắng. Nước chảy êm, phẳng lặng, sóng chỉ gợn lăn tăn, cầu thấy cả bóng chân đứng rung rinh trong nước…

Người ta nói cho được những gì người ta lo?  Sao người ta không cho tấm lòng vui mình có?  Hay người ta nghèo khó đến niềm vui cũng nghèo?

Lá sắp rụng còn reo khi bay vàng trong gió!  Người sắp tàn hơi thở, nói Tận Thế…cho xong?  Trái đất vẫn xoay vòng.  Bánh luân hồi vẫn chuyển.   Chao ôi lời đồn miệng làm thế giới lung tung! 

Người bình thường không mong chuyện bất thường sẽ đến…mà họ như chim én sống đợi mùa Xuân về. 

Hãy để thời gian đi tới đường cùng của nó!  Chỗ đó ngàn hoa nở sau ba tháng mùa Đông, chỗ đó vui trong lòng hãy chia chung thiên hạ!

Hai ngày nữa gần quá, Tận Thế…chắc còn xa!

Trần Vấn Lệ

Tuesday, December 18, 2012

Đặng Phùng Quân * Khoa học văn chương



Trong bài viết Cơ sở phê bình luận vị lai [106], tôi đặt vấn nạn: Thế kỷ của khoa học văn chương còn lại gì? Tôi muốn xác định ở đây thế kỷ nói đến là thế kỷ hai mươi. Con người kinh qua hai thế kỷ đều thấy những biến động lớn của thế kỷ vừa chấm dứt để lại những di sản khổng lồ mà hàng ngàn năm trước nhân loại chưa từng thấy.

Đỗ Hồng Ngọc * Thiền với CLB 2030



Thư gởi bạn xa xôi,
Không đợi bạn phải nhắc đâu, mình cũng sẽ “tường trình” vắn tắt buổi trò chuyện về Thiền với Doanh nhân trẻ ở CLB 2030 vừa qua cho bạn đây!
Bạn biết đó, mình ít khi ra khỏi nhà vào buổi tối. Tuy ở Saigon hơn nửa thế kỷ mình vẫn là một người nhà quê, chưa biết cái “hộp đêm” nó khác với cái “hộp ngày” ra sao. Vậy mà lần này nhận lời mời của CLB 2030 chịu “xuống núi” một phen cũng lạ. Một phần cũng do cái thiết tha của các bạn trẻ CLB 2030, phần khác cũng do mình… tò mò, muốn biết giới trẻ – nhất là doanh nhân trẻ- bây giờ đời sống ra sao, tại sao họ lại quan tâm một đề tài có vẻ trái nghịch với nếp sống của họ: Thiền là buông bỏ, là thanh tịnh, độc cư…

Từ ngày Âu Mỹ phát hiện ra Thiền có những hiệu quả tích cực trong chữa trị tâm bệnh, thân bệnh thì họ đã cật lực khai thác và không hiếm các “thiền sư” đưa ra rất nhiều lời khuyên dạy, nhiều người viết sách bày vẻ đủ thứ từ thần bí tâm linh đến khoa học hiện đại, gây khá nhiều hoang mang… Kông ít những doanh nhân trẻ vốn có cuộc sống luôn bận rộn, nhiều stress tìm đến Thiền như một giải pháp trị liệu hoặc phòng ngừa. Không chỉ thiền mà yoga, khí công, dưỡng sinh, quyền thuật các thứ vô cùng phong phú cũng được quảng bá. Không ít các lớp huấn luyện mở ra, rước thầy Ta, thầy Tây thầy Tàu, thầy Ấn về dạy, ai cũng muốn học trò mình mau đạt kết quả đến nỗi nhiều người lửng lửng lơ lơ, đau xương nhức khớp, thậm chí…tẩu hoả nhập ma! Ngành tâm lý trị liệu, tâm thần phát triển nhanh chóng hơn bao giờ hết.  Chính vì thế mà Chương trình Chăm sóc sức khỏe ban đầu của Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) đã coi vấn đề “sức khỏe tâm thần” là một trong 3 ưu tiên bên cạnh sức khỏe người già và trẻ em. Thuốc điều trị tâm thần nay được coi là thuốc thiết yếu, đưa về tận y tế cơ sở như lao, sốt rét…

CLB 2030 của doanh nhân trẻ Saigon định kỳ có một buổi sinh hoạt vào tối thứ sáu cuối tháng gọi là Happy Friday. Số lượng thành viên khoảng 80 người. Khung cảnh là một quán café… lịch sự và sang trọng. Các bạn đều có vẻ thoải mái, tự tin, nồng nhiệt. Họ gặp mặt vừa để vui chơi, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm, làm marketing, PR các thứ và trao đổi một chuyên đề nào đó như lần này là về Thiền và doanh nhân!
Mình cũng đã có nhiều lần trò chuyện về Thiền, có khi ở… chùa với các nhà sư, ở toà  báo với nhiều đối tượng khác nhau, ở một quán Café với một nhóm trí thức, ở một đại học với các thầy cô và sinh viên… Lúc nào mình cũng chia sẻ những trải nghiệm thực tế từ góc độ của một người thầy thuốc, một người làm “khoa học thực nghiệm”, không đề cập các vấn đề tâm linh, siêu hình, lãnh vực “bất khả thuyết”, “bất khả tư nghì”, dễ rơi vào dị đoan mê tín.
Với mình, mỗi buổi trao đổi trò chuyện như vậy đều là những cơ hội tốt để học hỏi, trui rèn, làm sáng tỏ, hiểu thấu đáo các vấn đề hơn.
Mình nói đôi lời về lý do mình đến gặp các bạn, các doanh nhân trẻ hôm nay, biết họ đang muốn tìm một giải pháp cho một lối sống hạnh phúc, an lạc thân tâm và thành công trong sự nghiệp. Thiền có thể phần nào giúp có sức khỏe tốt hơn, ít phải lệ thuộc vào thầy vào thuốc, có tâm an lạc, đời sống cân bằng và hạnh phúc hơn. Nhờ biết chánh niệm tỉnh giác mà bữa ăn sẽ ngon hơn, giấc ngủ sẽ yên hơn; nhờ biết từ bi hỷ xả mà cuộc sống có ý nghĩa hơn, biết đối đầu với thất bại, biết “thưởng thức” thành công. Thiền còn giúp cho đầu óc sáng suốt hơn vì đã tạo ra những khoảng “không” cho trí tuệ. Steve Jobs cũng đã thiền mỗi ngày, nhờ đó mà “sáng tạo” ra nhiều ý tưởng mới lạ, mang lại hiệu quả kinh doanh cao… Mình chân thành chia sẻ những kinh nghiệm riêng tư rồi từng bước đi vào các phương pháp thực hành. Vì không nhiều thời gian, chỉ nếu những vấn đề thực tiễn có thể áp dụng ngay trong cuộc sống. Nhiều câu hỏi đặt ra rất hay. Có bạn lâu nay đã thực hành thiền, thấy có hiệu quả mà lù mù không hiểu tại sao, có bạn hỏi thiền giúp ích gì cho một… quan tòa, thiền giúp ích gì cho một người quá bận rộn trong thời buổi hiện nay…

Khi chương trình chuyển qua phần khác, mình vội chạy về theo dõi trận đá banh Việt Nam – Thái Lan AFF Cup tối hôm đó.  Thái Lan đưa đội hình hai vào đá, còn… bị đuổi bớt một người vậy mà vẫn thắng dễ. Mình nghĩ các cầu thủ và huấn luyện viên của mình cần thiền hơn ai hết. Đừng nên mất sức vì tập thể lực quá nặng, cũng đừng tuyên bố hùng hồn nhất định thắng, nhất định vào chung kết, không được phạm sai lầm v.v…!
Còn bạn, nghĩ sao?

Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc

Văn Quang * “Một bộ phận cán bộ” là cái chi chi?




Lâu lắm rồi, người dân mới được nghe một vị “cán bộ cao cấp” có một lời tố cáo cụ thể về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam. Không cần mở ngoặc đơn, ngoặc kép, ai cũng hiểu đây chỉ là một trong muôn hình vạn trạng những “kịch bản” tham nhũng lâu nay người dân nào cũng biết, biết nhiều quá đến nỗi phải thốt lên như cụ Cố Hồng trong tiểu thuyết Số Đỏ: “Biết rồi khổ lắm, nói mãi”.
Nhưng đây lại là chuyện không phải người dân nào cũng biết, chỉ có “một bộ phận cán bộ” không nhỏ biết rất rõ, song không bao giờ dám nói ra. Bởi các vị này đã từng phải thi để được vào “biên chế cán bộ nhà nước”. Xin nói rõ thêm câu trên có nghĩa là được công nhận chính thức là công chức nhà nước, một thứ chức sắc thời đại, có quyền hành chưa biết tới đâu và tất nhiên có quyền lợi cũng như thế, tùy theo “vai vế” to nhỏ và tùy theo cái sự “phục vụ” của anh đến đâu. Lại nói về “cái sự phục vụ” ở đây không có nghĩa hoàn toàn là phục vụ người dân, phục vụ đất nước mà còn nhiều hình thức phục vụ khác nữa như phục vụ cấp trên, đôi khi “phục” luôn cả các phu nhân và gia quyến các sếp nữa, từ đám cưới đến đám ma nhà sếp cũng phải lo. Hoặc phục vụ những chủ trương đường lối của “đoàn thể, của tổ chức”, không cần biết đúng sai, cứ phục vụ trước cái đã, đừng ý kiến ý cò gì là “ngoan” nhất và dễ sống nhất. Sự tận tụy ấy được trả giá bằng sự thăng cấp nhanh. Nói thẳng ra ở nhiều cơ quan, cơ sở công hay công ty tư cũng có “tiêu chuẩn” này. Nhưng ở các cơ quan công lập thì hầu hết sự phục vụ đó là thước đo cho “năng lực” của nhân viên.

“Một bộ phận cán bộ” là cái chi chi?
Có một câu nói mà các vị quan chức lớn thường dùng, thí dụ như “một bộ phận cán bộ suy thoái đạo đức…”. Nóí lơ mơ như thế khiến người dân chẳng hiểu “một bộ phận cán bộ” là cái gì. Xin nêu ngay một dẫn chứng cụ thể:
Ngày 1-12 vừa qua, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp xúc với cử tri, hàng chục vị lão thành đã bày tỏ tâm tư về “một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất”. Băn khoăn về vấn đề này, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ, Ba Đình) chất vấn Tổng Bí Thư:
“Tôi xin hỏi, bộ phận không nhỏ chiếm bao nhiêu phần trăm? Bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu? Trung ương bảo như vậy nhưng về các tỉnh thành chúng tôi chẳng thấy bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu cả”.
Chuẩn bị sẵn bài phát biểu công phu, cử tri Trần Viết Hoàn, nguyên giám đốc khu di tích Phủ Chủ Tịchbày tỏ nhiều tâm tư. Theo ông, Nghị Quyết trung ương 4 khóa 11 của Đảng đã chỉ rõ bộ mặt thật của một “bộ phận không nhỏ” những kẻ tranh thủ một thời làm quan, cậy quyền vơ vét, đục khoét tiền của dân, của nước.
“Lớp người này lấy đồng tiền làm cứu cánh, làm cái đà cho danh vọng, làm cái lọng che thân, làm cái cân cho công lý, làm cái cần cho lý trí và tiền với họ là hết ý. Vì vậy, đó là những kẻ quá giàu có, giàu hơn cả thời địa chủ, tư bản. Đảng, Nhà nước, và nhân dân coi đây là giặc nội xâm, giặc quốc nạn”.

Hòa cả làng
Vị này cho rằng, chưa bao giờ có nghị quyết của Đảng mà dân coi Tổng Bí Thư là kiến trúc sư và được dân chúng đón nhận, tranh luận như “trời hạn gặp mưa rào”. Song, ông lo ngại cho Nghị Quyết này cũng như Luật Phòng Chống Tham Nhũng Sửa Đổi, bởi “nếu không làm triệt để thì mọi thứ lại trở về như cũ, thậm chí còn tồi tệ hơn”.
Ông Hoàn nói tiếp:
"Đảng chắc không còn nghị quyết nào hơn nữa, Quốc Hội chắc không còn Luật Phòng Chống Tham Nhũng nào hơn nữa. Và như vậy, Đảng, Nhà nước gặp gian nguy gấp bội phần. Theo dõi bước tự phê bình, phê bình vừa qua thì như hòa cả làng, chẳng biết ai tốt ai xấu. Theo dõi những buổi chất vấn được truyền hình trực tiếp tại kỳ họp Quốc Hội vừa rồi, cử tri hài lòng bao nhiêu với chất vấn thì lại không hài lòng bấy nhiêu với trả lời chất vấn”.
Ông Hoàn kết luận:
“Chẳng lẽ diễn ra tình hình như bây giờ, tham nhũng hàng trăm nghìn tỷ chỉ cần một lời xin lỗi là xong hay sao? Nếu vậy muôn thuở không chống được tham nhũng mà chỉ mở đường cho tham nhũng hơn” - ông Hoàn bày tỏ: “mong mỏi của người dân là phải trị bằng được quốc nạn này”.

Mất một miếng ăn lộn gan lên đầu
Trước chất vấn của các cử tri về “một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất”, Tổng Bí Thư nói: “Trả lời câu hỏi này không đơn giản”. Dù điều này đã được nói đến từ lâu nhưng chỉ rõ ra bộ phận không nhỏ là bao nhiêu thì “khó” và “trừu tượng”. Tuy nhiên, ông khẳng định, phải tìm cho ra những yếu tố trọng tâm trọng điểm, nếu không sẽ “hòa cả làng”.
Ông Nguyễn Phú Trọng nói tiếp:
“Nói xây dựng Đảng, tổ chức thì điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng con người. Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu. Chả bao giờ mình thấy khuyết điểm của mình đâu. Đụng đến lợi ích của mình là phản ứng, nhất là lợi ích nhóm khi đã móc ngoặc với nhau thì vô cùng phức tạp”.
Theo Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu trước mắt đối với cán bộ, đảng viên trước hết phải cảnh tỉnh, đánh thức những người lâu nay bỏ quên những nguy cơ đối với sự sống còn của Đảng. Tiếp đó, là cảnh báo, răn đe và ngăn chặn, cuối cùng mới xử lý kỷ luật.

Chuyện chạy “làm công chức” mất 100 triệu 

Trở lại với chuyện một “cán bộ cao cấp” có lời tố cáo cụ thể về một trong những kiểu tham nhũng “cơ bản” dễ thấy ở Việt Nam. Sáng 7-12 vừa qua, trong buổi họp bàn về Nghị Quyết phân bổ biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2013, ông Trần Trọng Dực, trưởng ban Kiểm Tra Thành Ủy Hà Nội lên tiếng tố cáo:
“Tôi xin mách với lãnh đạo quận huyện là trưởng phòng Nội Vụ quận, huyện đang là đầu mối tiếp nhận hồ sơ nhận tiền chạy của các thí sinh để đỗ công chức,số tiền không dưới 100 triệu đồng”.
Lời tố cáo rõ ràng minh bạch, chỉ ra cơ quan nào, ai đang nhận hối lộ. Một thái độ quá dễ dàng, quá đường hoàng, chỉ là lời nói thật của một quan chức cấp cao, nhưng ở Việt Nam lại quá hiếm hoi. Người dân thường chỉ được nghe toàn những lời kết tội mù mờ như “một bộ phận” không tên không tuổi, không đầu không cuối mà người dân thường bị nghe sau các “hội nghị”, các “diễn đàn”, các cuộc “kiểm điểm nghiêm túc”.

Nhiều cán bộ yếu kém nhưng không thể cho nghỉ việc!

Trưởng ban Kiểm Tra Thành Ủy Hà Nội Trần Trọng Dực cho rằng thời gian qua, việc tuyển chọn cán bộ có phẩm chất hơn, song mục tiêu giảm biên chế chưa thực hiện được. Bộ máy không được tinh giản mà năm sau cao hơn năm trước. Ông kể:
“Cơ quan tôi có khoảng 30% cán bộ làm việc tốt, 35% làm việc khá và trung bình, còn lại là giao việc không yên tâm. Điều này cho thấy khoảng 40% cán bộ đang hưởng lương nhà nước không đáp ứng được công việc, nhưng không thể cho nghỉ vì động chạm đến quyền lợi của một bộ phận cán bộ”.
Lại vì “một bộ phận cán bộ” mà không thể cho nghỉ việc những anh lười, anh dốt. Tiền của dân cứ phải nuôi báo cô mấy anh ăn hại đái nát. Chỉ vì sợ những anh này là tay chân, là đàn em, là họ hàng hang hốc của “một bộ phận cán bộ”, tất nhiên “bộ phận” này là những ông quyền cao chức trọng. Và những “ông lớn” ấy tất nhiên là cũng thuộc loại hách xì xằng, mưu đồ riêng tư nên mới dung túng một loại đàn em như vậy trong các cơ quan nhà nước. Đôi khi, lại do chính các “thủ trưởng” cơ quan đó sợ bóng sợ vía thế thôi nên không dám đuổi thẳng cánh những con sâu trong cơ quan mình.
Ông Dực còn chỉ ra nhiều bất hợp lý trong biên chế công chức, như UBND quận Long Biên có 230 biên chế thì thanh tra chiếm 70. Tương tự, huyện Sóc Sơn có 274 biên chế thì có tới 121 thanh tra xây dựng.
Theo ông Dực, thí điểm thành lập thanh tra xây dựng để quản lý trật tự xây dựng trong bối cảnh đang đô thị hóa nhanh, nhưng thành phố vẫn cónhiều công trình xây dựng sai phép. “Thanh tra xây dựng chiếm một nửa hay 1/3 biên chế”.
Người dân không thể hiểu trong một huyện làm gì mà cần nhiều thanh tra xây dựng đến thế, hơn một trăm ông! Nhiều thanh tra mà công trình nào cũng làm sai, làm ẩu. Càng nhiều thanh tra công trình xây dựng càng nhiều sai sót, dân chỉ có chết oan. Một ngôi nhà, một cây cầu, một ngôi trường, ngôi chợ chỉ toàn cát và sắt vụn là dựng lên một tai nạn chực chờ sẵn ngày sụp đổ chụp lên đầu nhân dân.
Ôi! Tai hại thay là cái “một bộ phận không nhỏ” này.

Thi công chức còn loạn hơn 
Ông Dực cho biết: “Thời gian qua một số quận huyện tổ chức thi biên chế tốt, song một số nơi chạy chọt để vào, có nơi người xin vào biên chế chi không dưới 100 triệu đồng”. Ông kể về việc ông đi chấm thi tuyển công chức:
“Tôi từng chấm thi và phát hiện 2 giáo viên tự ý lấy bài của thí sinh để chấm. Tôi yêu cầu Trường Đào Tạo Cán Bộ Lê Hồng Phong phải kiểm điểm giáo viên này. Ví dụ này cho thấy chất lượng tuyển công chức của chúng ta không ổn tý nào”. Trưởng ban Kiểm Tra Thành Ủy Hà Nội còn nhận xét, phẩm chất các cuộc thi công chức có nhiều vấn đề, bài thi của một số công chức không sai so với đáp án một dấu phẩy.
Cũng theo ông Trưởng Ban Kiểm Tra: “Nhiều người nói chi dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ. Nói đến điều này là rất đau lòng, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại”.
Rõ ràng là việc thi cử để được vào làm công chức nhà nước chỉ là chuyện làm cho các quan chấm thi, được ăn hối lộ vô tội vạ. Tất nhiên là có sự chia chác với các giới chức có thẩm quyền khác tại địa phương. Không thiếu những người dân lương thiện cũng xách bút nghiên đi thi và họ rất giỏi nhưng chẳng bao giờ đậu nếu không có đủ 100 triệu và không phải là loại CCCC (tức con ông cháu cha). Những thí sinh VIP có bài mẫu sẵn nên cứ việc chép vô, dốt quá thì thầy đến tận nơi đọc cho mà chép hoặc thầy mang bài của thí sinh về nhà, thay bài khác vào là xong. Bởi vậy nên bài thi mới không sai một dấu phẩy, anh có giỏi đến đâu cũng không thể thuộc nguyên văn như thế được. Chỉ những anh dốt mới “thuổng” nguyên văn mà thôi. Chuyện thi cử, bằng cấp ở Việt Nam đã loạn, thi công chức còn loạn hơn. Như thế thì làm sao tìm ra những công chức giỏi được, hầu hết là những anh kém mới đậu.
Số tiền 100 triệu bỏ ra, tất nhiên là anh công chức ấy sẽ phải lấy lại trong túi dân khi ngồi vào “bàn làm việc” của cán bộ. Không chỉ lấy lại đủ số tiền đã “đầu tư” mà số tiền đó còn sinh lời triền miên đến hết đời công chức… phục vụ nhân dân!!!

Có nhiều nơi còn phải chạy nhiều hơn 100 triệu

- Bạn Nguyễn Hạnh(vntradere4@yahoo.com) viết trên báo Dân Trí:
“Theo như tôi thấy thì ngoài một số ngành như Điện lực, Ngân hàng, Dầu khí... có cơ chế lấy con em người đã phục vụ trong tổ chức cơ quan thuộc bộ máy chính quyền, nhà nước đã công tác lâu năm. Còn hiện tại, các cơ quan Bộ hoặc ngang Bộ hay các cơ quan nhà nước được quyền tuyển dụng cán bộ công chức, đều có giá trên 100 triệu hết. Đơn cử như vào Kho Bạc Nhà nước, Tổng Cục Thuế, Tổng Cục Hải quan, với các đơn vị hành chính sự nghiệp thì tiền lót tay để vào theo tôi được biết là khoảng từ 200 triệu trở lên. Muốn vào các đơn vị có thu, có thu nhập được trích riêng thì lại càng phải lót tay nặng hơn quãng 400-500 triệu VNĐ. Gần đây có Tổng Cục Hải quan, Kho Bạc và Thuế cùng thi, các nhà báo cứ mạnh dạn hỏi xem người ta muốn vào được thì phải chi bao nhiêu tiền. Bây giờ kinh tế khó khăn, nhiều gia đình muốn con cái, người nhà vào được các cơ quan nhà nước để vừa nhàn, vừa ổn định, thôi thì đành chấp nhận đóng một cục tiền như thế để yên tâm hơn so với việc làm ngoài vì chả biết họ đuổi lúc nào, nợ lương ra sao. Chưa kể còn đầy rẫy các tiêu cực xã hội nhăm nhe với những tâm hồn non trẻ”.
- Độc giả Thuy Nga(thuynga201085@yahoo.com) viết:
“Vấn đề này tồn tại lâu rồi mà, nhưng dù sao cũng đáng khen ngợi ông Dực không ngại ngần thẳng thắn đề cập tới nó. Nhưng không làm thế thì các vị có chức quyền làm sao có tiền mà tiêu xài xông xênh như vậy? Lương công chức thì thấp mà cứ nhà lầu, xe hơi ầm ầm. Một số người giỏi thực sự thì không nói làm chi nhưng đó chỉ là thiểu số, còn đa sốmà không bằng cách này cách kia lót tay thì vô sao nổi. Học thì dốt toàn chạy điểm kiếm cái bằng đẹp ra trường, nhà lại có cơ thì còn gì phải lo nữa. Vậy nên, nếu các vị để ý vụ mà dân phản đối ầm ĩ thời gian gần đây như vớinghị định 71 được đưa vào áp dụng đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu. Phải chăng đó cũng là hệ quả của một số thành viên soạn thảo không có trình độ (do chạy chọt mà lên), để rồi khi ban hành ra rồi lại rút đi rút lại, dư luận cũng chả hiểu họ làm ăn kiểu gì mà a bờ cờ (ABC) đến vậy???”.
- Độc giảNguyen Van A(tronghoiTNMT@gmail.com) viết:
“Nếu 100 triệu ở Hà Nội còn là quá rẻ. Ở một huyện nghèo thuộc Nghệ An mà muốn vào công chức xã cũng hết hơn 100 triệu, nhiều khi còn mất tiền oan nữa chứ” .

Tại sao người đứng đầu không tự mình giải quyết tệ nạn này?
Có một điều người dân thắc mắc là tại sao ông Trần Trọng Dực, người đứng đầu cơ quan có nhiệm vụ bảo đảm sự trong sạch của đội ngũ công bộc lại chọn cách phát biểu theo kiểu khuyến cáo tại một phiên họp toàn thể của Hội Đồng Nhân Dân (HĐND) mà không phải là tự mình, với chức năng quyền hạn được giao giải quyết vấn đề? Và ngay sau phát biểu này, báo chí bằng nhiều cách mong làm rõ đều chỉ nhận được cái lắc đầu không chỉ của một mình ông Dực. Tại sao các vị có trách nhiệm, có quyền hành lại phải “tránh né” như tránh bom vậy? Thì ra vị nọ còn sợ vị kia ở trên nhìn xuống.
Cũng bởi cái kiểu tuyển chọn công chức như vậy nên trình độ của công chức quá kém, vì quá kém nên mới “tham mưu” cho cơ quan đẻ ra nhiều luật lệ, nhiều quy định lạ đời khiến người dân choáng váng. Tôi sẽ đề cập đến những quy định đó trong một bài sau.
Có lẽ, khi nào phải chỉ ra được một công chức đã làm được những gì, làm như thế nào thì mới hết cảnh phải chạy tiền cả trăm triệu và người dân mới biết được “một bộ phận cán bộ là cái chi chi”. Bà con cứ đợi nhé!

Văn Quang

Minh Nguyễn * Những bước lên trời với ruộng bậc thang


Đang tháp tùng cùng nhóm họa sĩ Mê-Kông Art đi thực tế tại làng gốm đỏ Vĩnh Long .Bất ngờ,tôi nhận được tin nhắn của Mây trên mạng “ – Anh rảnh không ? Lên Sapa đi.Mùa thu nơi đây có hàng trăm thửa ruộng bậc thang đang vào mùa giáp hạt.Lúa chín vàng ươm, đẹp không thua gì Flowering Garden của Van Gogh “. Ôi! Cái tin nhắn có bấy nhiêu chữ, vậy mà nó thật sự lôi cuốn máu đi giang hồ vặt trong tôi, bởi từng chữ từng chữ hàm chứa biết bao sự lãng mạng trông chờ.

Ừ ! Thì lên Sapa – Lào Cai xem mùa thu của Mây dát vàng nương rẩy núi đồi và từng bước dẩn lên tới trời với ngàn thửa ruộng bậc thang, xem ra cũng thú vị,hơn là cứ ngồi ở Sàigòn hứng chịu cái nóng kinh người.

Cơ hội không đến với ai hai lần. Câu nói mang tính triết lý của ai đó đã giúp tôi quyết định cắt ngang chuyến đi “ vọoc “đất cùng với nhóm bạn hoạ sĩ.Bay một mạch về nhà sửa soạn cho chuyến đi liền kề ngay trong ngày hôm sau.

Hà Nội mùa thu đón tôi bằng lá cây sấu,cây cơm nguội,cây xà cừ rơi đầy trên hè phố cùng với mùi hoa sữa nồng nàn cuốn theo hương cốm vòng gói trong lá sen, làm nhớ quay quắc giọng nữ “ Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn.Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn.Có phải em là mùa thu Hà Nội.Ngày sang thu anh lót lá em nằm.Bên trời xa suơng tóc bay “. (* )

Mây đón tôi ngay cửa ga Lào Cai.Trông cô đẹp hơn,thiếu nữ hơn so với lần gặp trước.Nhưng nụ cười thì chẳng lẫn vào đâu bởi hai chiếc răng vàng hé lộ nét duyên con gái H ‘ Mông, dễ làm cháy lòng bất kỳ chàng trai nào,trong đó có tôi.” – Anh đi tàu có mệt lắm không ? – Nếu mệt, em sẽ đền  cho anh được gì nào ? – Những ngày ở Sapa em dành tất cả thời gian đưa anh đi ngắm ruộng bậc thang – Không có gì hơn à ? – Mời ăn cơm “ lam “ với “ thắng cố “ – Còn chợ tình? – Eo ơi ! Anh tham lam quá.”

Hai má Mây tự dưng ửng hồng lên với vẽ thẹn thùng khi nghe điều tôi nói.Chẳng lẽ tới từng tuổi này Mây chưa lần ghé mắt qua chợ tình ? Tôi chợt nhớ Mây mới 16 tuổi. Cái tuổi ngày xưa các cụ ví von “ bẻ gảy sừng trâu “.Còn Mây thì có thể làm hơn gì trong cái dáng con cò bé bé ? Có lẽ do đóan được ý nghĩ trong tôi nên Mây bẻn lẻn hỏi : “ Con trai miền xuôi có dám lên đây ở rể không ? Của hồi môn chỉ vài con trâu và một ít thổ cẩm “.Tôi cười đáp lại : “ Con trai miền xuôi, dám yêu dám liều không ai bằng “.

Con đường 4 D  từ Lào Cai lên Sapa vào mùa thu mây màu biên biếc.Gió heo may bãng lãng, hôn nhẹ trên từng khóm hoa cúc dại mọc ven đường, đang dậy lên sắc vàng hoang dã.Mây ngồi nép sát người bên cửa xe.Mắt cô hướng nhìn lên dãy Hòang Liên Sơn trong veo màu núi. Vô tình,những sợi tóc mai lùa trong gió, hững hờ đậu trên cánh mũi tôi,để lại một mùi hương ngai ngái Sapa.Cái mùi thơm đặc trưng chỉ có ở người con gái miền cao Tây Bắc.Tôi vờ nhắm mắt,căn phồng lồng ngực hít hà thật sâu hương vị núi rừng. Tưởng tôi ngủ say bên cạnh.Mây lay gọi tôi thức tỉnh để chỉ cho thấy những mảng màu sắc ruộng bậc thang do bàn tay những “ nghệ sĩ nông dân “ sắp đặt.Cảm xúc thật sự òa vỡ khi tôi kịp nhìn thấy hình ảnh từng thửa ruộng  rực lên trong nắng .Những thửa ruộng đan xen với nhau giữa màu xanh lúa non,màu vàng lúa chín mọc ra từ khe đá, phủ lên các sườn đồi,để rồi thóang chốc mất hút trong làn mây. Hình ảnh ruộng bậc thang là hiện thực.Là những cung đường ngoằn ngòeo mơ màng ngái ngủ trong mây.Là đồi núi trong mùa lúa chín, ruộng nương cứ tròn đầy dâng mãi lên tận mây xanh những mâm xôi vàng hực.Là từng bậc chân thang  phối màu hình họa cho ruộng lúa thêm lung linh,kỳ ảo bước chân Từ Thức lên trời.Ôi ! Làm sao kể cho thật đủ đầy những đường nét đặc trưng phong phú khi nói về ruộng bậc thang. Không chỉ riêng ở Sapa – Lào Cai mà còn phải kể tới ruộng bậc thang Banaue – Philippines ,Yuangyang – Vân Nam , Ubad – Indonesia , Annapuma – Népal , Mea Rim – Chiang Mai, Long Ji – Quế Lâm . . . mà đọc giả tạp chí du lịch Travel and Leisure bình chon là đẹp nhất châu Á và thế giới.

Không thấy tôi có ý kiến gì. Mây thắc mắc hỏi :” Chắc,mới bao nhiêu đó hình ảnh chưa đủ chinh phục trọn vẹn tình cảm của anh đối với những thửa ruộng bậc thang nơi đây ? Điều này cũng dễ hiểu thôi.Rồi ngày một ngày hai,sau khi đã mục thị sở tại, hẳn anh sẽ kềm lòng không đậu trước vẽ đẹp vô cùng lộng lẩy do thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này mà xem. Tới lúc đó chưa biết ai phải lụy ai à nghe ? “. Tôi cười. Không vội trả lời Mây,bởi tôi đang muốn tự hỏi xem hình ảnh ruộng bậc thang Sapa – Lào Cai có gì đặc biệt so với hình ảnh ruộng bậc thang ở Banaue mà tôi đã xem trên Youtube ? Tôi hòan tòan thất vọng khi kịp nhận ra sự so sánh khập khiểng của mình.Bởi  không có sự so sánh nào giống với sự so sánh nào.May mà tôi chưa đem chuyện này ra nói với Mây,nếu không cô sẽ có được trận cười no bụng.Hơn nữa, ruộng bậc thang Banaue tuy có khỏang 2000 năm tuổi tại vùng núi Lflugao – Philippines, được tổ tiên người Batad tạo dựng.Nhưng xem ra đời sống cư dân lẫn cảnh quang thiên nhiên đã bị thời gian bào mòn ,làm mất đi ít nhiều vẽ đẹp hoang sơ vốn quyến rũ trước đó, dù có được Unesco công nhận.Và nếu chỉ cần bầu chọn giữa hai  ruộng bậc thang Banaue và Sapa – Lào Cai thôi ( trong số bảy cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất được đề cử ) tôi sẽ không do dự chọn ruộng bậc thang Sapa – Lào Cai. Điều này không hẳn chỉ có riêng nơi tôi mà ,hầu như các nghệ sĩ nhiếp ảnh nào cũng say mê và tốn nhiều phim ảnh để mang về cho mình nhiều tấm huy chương giá trị khi chụp các thửa ruộng bậc thang quê hương

Tuy nhiên,ít ai hiểu được “ đằng sau vẻ đẹp “ của những dải lụa vắt lên trời.Những mảng màu không chủ đích do nông dân tạo nên.Thì ruộng bậc thang kia là cả một nền văn minh ruộng rẩy lúa nước.Là cả một triết lý nhân sinh mà bao đời nay bà con người Mông,người Dao,Tày,Giáy . . .khó khăn khai khẩn, canh tác trong điều kiện khắc nghiệt của khí hậu cùng với sự kiến tạo địa hình nhiều núi non, nên phải canh tác trên các sườn núi có dộ dốc cao,dễ gặp nhiều bất trắc.Hành vi đó không chỉ là sự ứng xử mà còn là thành tựu cả về mặt văn hóa lẫn tri thức dân gian.Qua đó đã phát huy tác dụng, tạo ra năng xuất lúa nước cao hơn sản xuất lúa nương rẩy. Và từ những thách thức của thiên nhiên. Muốn hạn chế những rủi ro cho con người và trong sản xuất người xưa hình thành ra các nghi thức tín ngưởng.Bởi họ quan niệm động thực vật xung quanh con người đều có phần hồn lẫn phần xác.Cho nên để ổn định tâm lý cũng cần tới sự cúng kiến như ; lễ cầu mưa,lễ mừng cơm mới,lễ cúng ma,lễ cúng các dụng cụ nông nghiệp . . .

Mây giải thích : “ đó không phải là hủ tục mà là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc vùng cao Tây Bắc, cần được phát huy nhiều hơn nữa trong các buổi hội hè, nếu muốn lôi kéo du khách  đến với Sapa “.

Thực tế. Đến Sapa – Lào Cai đi du lịch. Ngoài việc được thưởng thức khí hậu trong lành,tham quan phong cảnh đẹp,leo núi,ăn các món ăn đặc sản;mà không biết chút gì về phong tục tập quán của người dân bản địa,quả thật thiếu xót .Mây nói đúng. Tiếc rằng tôi không có nhiều thời gian đi tham quan hết các điểm danh lam thắng cảnh trong cùng một dịp. Nhưng việc chia nhỏ mỗi chuyến đi cũng có cái hay của nó. Vì ít ra tôi còn được gặp lại sơn nữ “ thành phố trong mây thành phố trong sương “ của tôi nhiều lần. Mây cũng đồng tình với tôi về điều này .Cho dù cô một mực ta thán “ đàn ông con trai miền xuôi chỉ nói cho vui vậy thôi “.

Đến ki-lô-mét 24 xe dừng lại. Mây cho biết nơi đây thuộc xã Trung Chải, có ruộng bậc thang cao 121 bậc nằm ở thôn Vù Lùng Sung, được đọc giả báo du lich Mỹ đề cử là một trong bảy ruộng bậc thang đẹp nhất.Nghe giới thiệu không thôi chưa đủ.Phải thực tế tận nơi mới thấy hết sự vất vả,nhọc nhằn do sức người biến núi cao,đất dốc bạc màu thành những “ bồ thóc di động “; đồng thời cũng tạo ra cảnh quan xinh đẹp để mọi người thưởng lãm.

Từ đường 4D tôi theo Mây rẻ phải. Đi bộ trong khỏang thời gian khá lâu về hướng núi Fanxipăng. Dọc hai bên đường, ngoài dốc cao dựng đứng, là hàng ngàn cái thang lúa vàng đua chiều cao, vút lê tận trời. Phải thừa nhận nông dân ở đây hẳn phải là nghệ nhân đẽo ruộng,đẽo đá chuyên nghiệp, đã tạo ra hình thù ruộng bậc thang không thửa nào giống thửa nào.Cái hình chóp, cái hình mâm xôi,hình da hổ,hình cái thang . . .  trông thật quyến rũ. Có lẽ,do thấy tôi bị mê hoặc bởi màu sắc nửa vàng óng,nửa vàng sậm giữa mùa lúa đang vừa chín tới. Mây cười nói : “ ở trên này có hai mùa tuyệt đẹp để ngắm nhìn sự kỳ thú từ ruộng bậc thang – mùa nước đổ ( tháng 5-6 ) – và mùa thu. Mùa nước đổ là mùa nước từ trên trời rơi xuống. Lúc đó nước từ đỉnh núi hay đầu nguồn chảy đầy suối rồi dẩn qua hệ thống mương mán thô sơ, chia nước ra đều khắp các thửa ruộng.Sao cho nước ngập chân lúa không sâu để không bị úng khi mưa,không bị hạn khi nắng lớn. Điều đó gọi là gì nếu không phải là nghệ thuật ? Tiếc rằng anh không đến đây sau mùa gặt. Lúc đó đất ở sườn đồi, sườn núi được san ủi thành thửa ,có cùng độ dốc, hé lộ ra từng vạt đất đỏ chói chưa kịp bừa ngấu bên từng bậc, từng bậc thang đất xếp từ chân lên tận đỉnh núi trông đẹp đến mê hồn “.

Nghe Mây tả ruộng bậc thang vào mùa hè làm tôi nghe bắt thèm.Ừ ! Nếu muốn thì lần sau lại lên đây. Vừa được xem ruộng bậc thang trong mùa đổ nước cấy, vừa được ngắm Mây. Có mất mát gì đâu.

Mệt.Tôi ngồi xuống cạnh đường.Trên đầu mây di chuyển rất nhanh,mới đó đã phủ che cả bầu trời,che luôn cả những thửa ruộng thơm lừng hương lúa, khiến tôi có cảm giác như chỉ cần đưa tay ra là có thể tóm gọn được những phiến mây nhẹ như bông.

Thấy cũng vừa đủ cho một ngày đi ngắm các thửa ruộng bậc thang ở Trung Chải.Tôi đề nghị  Mây đón xe đi tiếp lên Sapa để còn ăn uống, nghỉ ngơi.Bởi lẽ từ sáng tới giờ tôi chưa có chút gì trong bụng;ngoại trừ ổ bánh mì ba-ghét và chai nước tinh khiết do nhà tàu cung cấp đêm qua.

Tội nghiệp,khi biết được điều này, Mây luôn miệng xin lỗi tôi về sự vô ý của mình. Mây hứa ngày mai sẽ bắt đền cho tôi một chuyến ghé xuống thung lũng Mường Hoa của người Giáy ở xã Tả Van. Xem các nghệ sĩ nông dân triển lãm sắp đặt ruộng bậc thang từ các sườn đồi một cách tài tình, lãng mạn ở hai bên bờ suối.Tới lúc đó tôi sẽ có cái nhìn chân thật hơn về sự kiên cường và phóng khóang của con người; thông qua việc cày cấy,gieo trồng lúa nước trên vùng đồi núi cao khắc nghiệt. Để có sự cảm thông,chia xẻ nỗi khó khăn vất vả trong việc dùng sức người để thắng thiên nhiên,nhằm tạo ra của cải vật chất cho đời sống phong phú sau này.

Dĩ nhiên. Tôi không có gì phải bàn thêm về lời hứa hẹn xem ra khá quyến rũ của Mây, trước việc đi xem ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa. Một địa danh không chỉ nổi tiếng  đẹp nhất trên bản đồ du lịch Sapa; mà còn có nhiều thửa ruộng lung linh, huyền ảo không thua gi ruộng bậc thang ở Trung Chải./.

(*) Nhớ mùa thu Hà Nội – TQL & TNC


Minh Nguyễn

TRẦN VĂN SƠN * L ờ i t h ề S á t T h á t


 

Người xưa cuối đời
Rửa tay gác kiếm
Lên non ẩn dật
Thong dong bầu rượu túi thơ
Ngày bày ván cờ
Phá thế trận hỗn mang
Đêm nằm tréo cẳng
Nhìn trời
Ngâm thơ vịnh nguyệt

Ta sinh thời mạt vận
Học không thông vần quốc ngữ
Đọc hoài chưa hiểu sách thánh hiền
Tuổi trẻ ta
Ăn chưa no lo chưa đủ
Mẹ cha còn đùm bọc áo cơm
Đã phải lao đầu vào cuộc chiến tranh
Xông pha trận mạc
Bạn bè ta
Đứa mất tích Tết Mậu Thân
Thằng vùi thây Mùa Hè Đỏ Lửa

May mà ta sống sót trở về
Mang trái tim Trường Sơn rướm máu
Để ta còn nhìn thấy ngày ba mươi tháng tư
Bầy thú dữ về thành
Nhốt người trong chuồng nuôi súc vật
Tuổi trẻ ta
Bị dìm xuống tận cùng địa ngục
Hoàng Liên Sơn
Nam Hà
Gia Trung
Bùi Gia Mập
Hàng trăm trại tù khổ sai
Hàng vạn nấm mồ vô chủ
Bạn bè ta
Nằm xuống
Khí uất xông lên
Mịt mờ trời đất

Ta nay cuối đời
Bẻ súng xa quê
Lưu lạc năm châu bốn bể
Ngày còng lưng may vá nuôi con
Kiếm từng xu bạc lẻ
Sức kiệt thân tàn
Đêm trằn trọc năm canh
Vọng lời thề SÁT THÁT
Đầu óc trăm ngàn mủi kim châm
Loạn tâm
loạn trí

Hận ta là kẻ bất tài
Không như Ức Trai Nguyễn Trãi
Truyền hịch Bình Ngô Đại Cáo
Hận ta là kẻ bất tài
Không như vua Trần Thánh Tông
Mở hội nghị Diên Hồng
Luận bàn việc nước
Đồng lực
Đồng tâm
Đánh đuổi ngoại xâm
Bảo vệ giang sơn tổ quốc

Thôi ta đành tập tễnh văn chương
Viết lời thơ chính khí
 

TRẦN VĂN SƠN

7/2011