văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, December 19, 2012

Viên Linh * Bằng hữu cuối trời: Thi sĩ Trần Tuấn Kiệt

trantuankiet




Cứ mỗi cuối năm, người làm báo chuyên ngành của miền Nam cũ thường phải làm một công việc tuy là ước lệ, mà phải có, đó là “tính sổ một năm qua.” Làng báo Sài Gòn có những tờ riêng về ca kịch sân khấu cải lương, tân nhạc điện ảnh, văn học nghệ thuật, ký gia nào phụ trách bộ môn của mình, thường phải có một bài “tổng kết sinh hoạt sân khấu năm qua,” “tổng kết sinh hoạt ca nhạc năm qua,” hay như người viết bài này, phải có bài “tổng kết sinh hoạt văn học nghệ thuật năm qua.” Ở hải ngoại dường như không có may tờ báo làm việc ấy, vì sinh hoạt không thu vào một thủ đô, mà tản mạn năm châu bốn biển, không thể nào và không một ai có thể tổng kết một cách chi tiết được; song tự dưng, tôi vẫn thấy phải viết một bài gì đó, có tính niên lịch như thế này. Tự nhiên tôi thấy can phải bắt đầu từ số này bài tổng kết thứ nhất, có tính hoài cổ và hoài cảm: Bằng hữu cuối trời, năm hết Tết đến, ai còn ai mất?


Ở cuối trời, ngay khi đặt ra câu hỏi ấy, hình bóng người thi sĩ tài danh nhất của miền Nam hiện lên: nhà thơ Trần Tuấn Kiệt, Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc Việt Nam Cộng Hòa, bộ môn Thơ, năm nay ít thấy viết, nhưng vẫn viết, và một trong những bài gần nhất của anh là “Lục bát, thể thơ quí phái của Việt Nam.” Tôi mường tượng thấy anh ngửa mặt lên trời mà cười, tiếng cười sảng khoái của một ngòi bút thiên nhiên, một tinh thần thơ bát ngát, một bập bềnh sông Tiền sông Hậu, một bao la Tân Qui, Bảy Núi, một mình một trường phái thổ ngơi Nam kỳ Lục tỉnh mặc cho xung quanh ồn ào và xách mé những bộ điệu canh tân kệch cỡm của tự do nửa mùa, của thơ mới quá cũ. Xin hãy nghe thơ của danh sĩ:

Em hát trong rừng sao
Tôi ngủ dưới cội đào
Chợt mùa đông tuyết phủ
Biết tìm em phương nào?
(Trần Tuấn Kiệt, Hát Thầm)

Em đi trong bão
Em lượm lúa đồng
Khúc ca đồng nội
Xa vút hư không
(Trần Tuấn Kiệt, Vợ)

Lòng ta vì quá đỗi nhớ thong
Cành hoa bụp cũ khóc bên đường
Bến khuya Sa Ðéc trăng mười sáu
Mấy độ chìm theo sóng lớp lang.

Hỡi người con gái bến Tân Qui
Nàng hát ta nghe tiếng hát gì?
Tóc xõa bốn trời trăng gió tụ
Mây vờn âm điệu nét phương phi.
(Trần Tuấn Kiệt, Ngày Về)

Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt, còn có bút hiệu là Sa Giang, sinh ngày 1 tháng 6, 1939 tại Sa Ðéc, từng theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ tại Sài Gòn, sống bằng nghề viết báo, cộng tác với hầu hết các báo ở Sài Gòn, (hầu hết đối với ông có nghĩa là vài chục tờ, mọi thể loại, từ nhật báo tới tạp chí, kể cả những tờ báo văn chương sớm sủa nhất hồi thập niên '50 như Phổ Thông của Nguyễn Vỹ, Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh), cho đến những tờ hiện diện vào mấy năm cuối cùng trước 1975: Văn của Trần Phong Giao, Khởi Hành, Thời Tập của Viên Linh. Ông xuất bản nhiều thi phẩm, lần lượt thì có thể kể: Thơ Trần Tuấn Kiệt (1963), Nai (1964), Bài Ca Thế Giới (1964), Cổng Gió (1965). Và Triều Miên Ngâm Khúc, bài thơ dài ông làm để khóc con, là một tuyệt tác thi ca. Biên khảo có một cuốn đồ sộ: Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại, 1880-1965, do Khai Trí xuất bản năm 1967, dày tới 1154 trang. Nhà xuất bản uy tín của miền Nam là Nguyễn Ðình Vượng đã xuất bản cho ông cuốn truyện rất xuất sắc: Tiếng Ðồng Nội, 1967. Và may mắn thay, trong khi các cuốn biên khảo thi ca bỏ quên ông, như Thi Nhân Việt Nam Hiện Ðại của Phạm Thanh, Thơ Miền Nam của Võ Phiến, thì bộ sách giá trị nhất về tuyển tập, nhan đề Tuyển Tập Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta (1954-1973) của Nguyễn Ðông Ngạc (đã mất ở Canada), lại chọn Trần Tuấn Kiệt như một tác giả điển hình.
Cho tới giờ phút này, tháng 12 của năm 2012, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt không còn viết nhiều nữa, dù rằng viết cho các báo hải ngoại. Nhưng cách đây hai năm, ông viết một số bài bình luận thế cuộc, ký một tên khác, rất mạnh mẽ lên án chế độ hiện hành. Trong những bài ấy người ta thấy con người ông hiện hình: mái tóc dựng ngược, đôi khi bay tung, dáng đi ngang tàng, bước dài, khuôn mặt rạng rỡ. Ðó là diện mạo người thi sĩ yêu đồng đất non sông, yêu đồng bào xuôi ngược, yêu sóng Cửu Long và yêu phù sa sông Tiền sông Hậu. Yêu quê hương như thế, hẳn nhiên ông chống chiến tranh, nhưng chống theo cung cách của thi sĩ:

Một con chim én
Nằm gục bên đồi
Từng đàn quạ lửa
Vươn vút trên trời.
(Trần Tuấn Kiệt, Ðiêu Linh)

Nếu có ai hỏi tôi, hãy chọn một thi sĩ miền Nam đáng trọng đáng quí nhất, và thi sĩ nhất, tôi chọn Sa Giang Trần Tuấn Kiệt. Xuân đang đến, nhớ bạn, và nhớ miền Nam thao thiết:

Con chim cu ngói
Về hót một lần
Bên bờ Cửu Long
Một người thôn nữ
Gieo mạ trên đồng
Bên bờ Cửu Long
Những làn sóng biếc
Thao thiết muôn trùng
Bên bờ Cửu Long
(Trần Tuấn Kiệt, Bờ Cửu Long)