Friday, January 11, 2013
Mang Viên Long * Tiếng Gà Trưa & Nỗi Nhớ Thương Hoài Niệm Một Đời…
Thursday, January 10, 2013
Luân Hoán * Nghiêu Đề cỡi ngựa về ‘Vùng Thanh Thoát’
họa sĩ Nghiêu Đề |
Bản vẽ này là một tác phẩm của họa sĩ Nghiêu Đề, dành riêng dùng làm bìa cho tập thơ nhạc “ Hòa Bình Ơi Hãy Đến” của Lê Vĩnh Thọ, Phạm Thế Mỹ, Luân Hoán. Để hoàn tất tác phẩm này, ngoài Nghiêu Đề, tôi cũng có đóng góp một chút tài vặt. Công sức của Nghiêu Đề nằm ở não bộ giàu sáng tạo và đôi tay tài hoa của anh. Tài vặt của tôi nằm trong sự lì lợm quấy rầy và hối thúc! ...
Kể từ khi có ý định in chung tác phẩm với hai anh Mỹ, Thọ, tôi có bổn phận tìm họa sĩ nhờ thực hiện mẫu bìa. Họa sĩ Nghiêu Đề đương nhiên là tay cọ tôi tín nhiệm tuyệt đối. Anh hết lòng với bạn bè, thường không từ chối những việc làm có liên quan đến nghệ thuật. Nhưng để anh chóng hoàn tất nhanh chóng một mẫu bìa không phải là chuyện dễ dàng. Với phong thái làm việc thong dong, tùy hứng, Nghiêu Đề không muốn bị ràng buộc, thúc dục. Anh không ưa có đôi mắt thiếu khả năng thẩm định nghệ thuật kè kè bên cạnh khi anh sáng tác. Còn tôi, bản tính khá xấu, khó bỏ, luôn luôn tò mò và nôn nóng muốn hoàn tất ngay những gì mình yêu cầu, nhờ vả sự gúp đỡ của bất cứ ai..
BÙI GIÁNG * Tặng Phố
|
November.2012
Phan Tấn Hải * Hoạ Sĩ Rừng Ra Mắt Sách, Triển Lãm "Tranh Mini"
Họa Sĩ Rừng đang ký vào sách, trong khi họa sĩ Hồ Thành Đức (phía sau) ngồi uống rượu.(Photo VB)
Họa Sĩ Rừng -- cũng là người ký tên Kinh Dương Vương khi viết truyện và ký tên Dung Nham khi làm thơ-- vừa thực hiện buổi triển lãm tranh và ra mắt sách hôm Thứ Bảy 19-3-2011 tại Anaheim, Quận Cam.
Kinh Dương Vương * Hoạt Cảnh
tranh họa sĩ Rừng |
1.
BỮA ĂN
Trên gương mặt xanh nhợt màu
lá chuối non của người đàn ông, hai chiếc má hóp lại
khiến cho đôi gò má càng nhô cao lên. Một bên mắt không
còn đồng tử trở thành một cái hố nhỏ đọng lại
chút bóng tối của chiều tà. Ông mặc một chiếc áo bà
ba đen bạc màu, vá chồng chất. Mặc dù vậy, bề dày
của nhiều lớp vá vẫn không che kín những mảng da lộ
ra đây đó trên tấm thân thể gầy gò. Cái quần lỡ
ngắn lỡ dài khoảng dưới đầu gối, mép vá rách te tua
tố cáo hình dạng đích thật của nó trước đây là một
chiếc quần dài, bị xé bằng tay mất khoảng dưới. Hai
ống chân lòi ra, xương ống chân cộm lên bao bọc làn da
khô láng, tái nhợt với những sợi gân máu nổi chằng
chịt.
Ông
ta ngồi xổm trên đất, dưới gốc một cây bồ đề
non. Trước mặt ông, một cậu bé khoảng dưới mười
tuổi, tóc hớt ngắn, nhưng đã mọc dài ra tua tủa, da
rám nắng, đôi mắt buồn, yên lặng, chăm chú nhìn thẳng
vào mặt người đàn ông, chờ đợi. Họ ngồi đối diện
cách nhau một vài gang tay. Giữa họ, trên đất, một cái
chén nhựa màu đỏ đã phai màu, méo mó, cáu bẩn, đựng
một thứ nước màu đen. Chất nước sền sệt đọng lại
dưới đáy chén như một lớp váng mỏng. Họ đang chuẩn
bị bữa ăn tối.
Người
đàn ông moi trong túi vải ra một chiếc bánh tráng, xé
làm tư, giữ một phần, còn ba phần cất vào túi. Ông
cuốn mẩu bánh một phần tư như vấn một điếu thuốc.
Ông cầm cuốn bánh bằng cả năm đầu ngón tay chụm lại,
cẩn thận quẹt phớt nhẹ lên mặt chất lỏng đen trong
cái bát nhựa, gạt đầu cuốn bánh-điếu-thuốc vào
thành chén. Đoạn ông ngửa cổ ra, miệng há to như chim
con chờ đút mồi. Đó là tư thế thích đáng để hứng
lấy những giọt nước chấm mà ông sợ chẳng may có thể
rơi xuống. Và tuy miệng ông mở ra rất to, nhưng lúc ngậm
lại rất từ tốn. Những chiếc răng cửa cáu bẩn dường
như không dám chạm đến đầu cuốn bánh. Và cuối cùng
đầu cuốn bánh chỉ bị chạm nhẹ lên hàm răng mà không
hề hấn gì. Như vậy là ông đã ăn một lần. Xong, ông
định đưa cuốn bánh cho cậu bé nhưng rồi ông đổi ý.
Ông muốn tự tay đút cho cậu bé ăn. Cuốn bánh tráng lại
được đưa phớt qua trên mặt chất nước màu đen. Và
trong khi cậu bé đã há hết chiếc miệng ra chờ, bàn tay
cầm cuốn bánh của người đàn ông thoáng chút rụt rè.
Hai lần cậu bé ngậm miệng lại, vì tưởng thức ăn đã
được để vào, nhưng cậu chỉ ngậm lại miệng không.
Một
dòng nước miếng tràn ra khoé môi, chảy xuống chiếc cổ
ngẩng. Đến lần thứ ba, cậu bé sửa đổi thế ngồi
thật vững vàng trong tư thế chực sẵn, người hơi rướn
tới trước. Trong tư thế sẵn sàng đó, trông cậu giống
như một con thú nhỏ rình chờ đớp mồi. Cậu đã thu
ngắn lại khoảng cách giữa cuốn bánh tráng và miệng
cậu. Nhưng rồi dự tính của cậu chỉ thành công một
nửa. Khi người đàn ông đưa cuốn bánh vào miệng cậu
lần thứ ba, đầu cuốn bánh chỉ vừa chạm vào môi cậu.
Chất nước chấm ít ỏi thấm qua làn da môi và chiếc
lưỡi của cậu bé lẹ làng như lưỡi rắn, lè ra quét
sạch. Tức thì, sự kích thích mạnh mẽ của vị giác
làm cho nét mặt cậu sáng lên và đôi mắt trở nên lanh
lợi. Bất ngờ, như một hành động tự hiến vượt
ngoài ý thức, một cử chỉ hăng hái có phần mù quáng
lẫn ân hận, bàn tay người đàn ông đưa tới. Nhẹ
nhàng không hay biết, hai bàn chân cậu bé nhích tới hai
bước. Hình như kết quả hoàn toàn do bất ngờ, cuốn
bánh tráng lọt sâu vào miệng cậu bé. Nhanh nhẹn, miệng
cậu ngậm chặt lại. Nhưng rồi hai hàm răng như hai gọng
kềm sắp sửa cắn đứt lìa – ít ra là phân nửa cuốn
bánh tráng dài hơn một lóng tay – vội mở ra khi cậu
bắt gặp vẻ hoảng hốt và bối rối trên con mắt còn
lại của người đàn ông. Và lợi dụng ngay tình thế
đó, ông ta lập tức rút cuốn bánh ra khỏi miệng cậu
bé thoáng vẻ mừng rỡ lẫn ân hận. Song cũng nhanh nhẹn
không kém, cậu đã hối hả cắn nhẹ một chút đầu
cuốn bánh tráng, cậu nhai nhóp nhép như đang nhai một
miếng gì to.
Hai
người nhìn nhau, cười bẽn lẽn.
Tới
phiên người đàn ông ăn. Ông ta cũng lập lại lối ăn -
như - sợ - làm - cho - cuốn - bánh - tráng - đau - đớn
lần đầu.
Nhưng
sự ăn mòn dầu là nhỏ nhoi và chậm chạp cũng đến lúc
làm cho vật bị ăn tiêu tán. Họ ăn hết cuốn bánh tráng
thứ nhất. Người đàn ông, rất thong thả, mở bị xách
lấy ra phần thứ hai, cẩn thận cuốn tròn lại... Rồi
phần thứ ba và thứ tư. Vừa đúng khi tiếng kẻng báo
giờ tập họp điểm danh tối trong trại tù vang lên,
người đàn ông giật nẩy mình như tỉnh ra từ một cơn
mộng, hối hả đứng dậy.
Trong
vòng vài phút còn đứng lại dưới gốc cây bồ đề
non, người đàn ông nhiều lần vét như lau vào lòng chén
rồi đưa ngón tay vào miệng mút. Chiếc chén hầu như
được rửa sạch. Ông ta mở túi xách cất chén vào, bước
hối hả về phía khu giam tù chánh trị. Đứa nhỏ cũng
rảo bước về khu giam trẻ vị thành niên. Trong ánh nắng
quái vàng rực của chiều hôm, bóng hai người ngã dài ra
hai phía.
Tại
chỗ bữa ăn diễn ra, một chú ruồi xanh đánh hơi muộn
mới bay đến. Nhưng chú ta, như một chiếc máy bay trinh
sát vừa phát hiện “có dấu hiệu địch”, nhưng khi
đến nơi địch đã hoàn toàn biến mất, thậm chí không
để lại một dấu vết cỏn con. Chú đảo một vòng vô
vị trên mục tiêu đường kính không quá hai gang tay, hoàn
toàn an ninh, rồi xẹt một lằn, chú ruồi xanh biến mất
trên ngọn cây bồ đề non, những chiếc lá nhuộm vàng
ánh nắng quái.
2.
GÓC PHỐ
Chiều
cuối tuần. Ngay trên lề phố, những quán hàng bày bán
đủ các món ăn nhậu. Cháo lòng heo, gà, vịt... Khách
hàng ngồi ăn đông đúc. Họ đưa cả gia đình ra phố,
áo quần tươm tất. Họ ăn uống tận tình. Nhai ngồm
ngoàm, húp xì xụp, nuốt ừng ực.
Phương
tây đùn lên những cụm mây đen. Khí hậu trở nên oi
bức. Ánh sáng mặt trời chiều lọt qua kẻ mây bắn
những chùm tia vàng xuống thành phố. Thỉnh thoảng một
cơn gió mang theo hơi nước bất ngờ thổi tới làm
dậy lớp bụi đỏ trong các đường phố hẹp.
Tôi
cũng là một thực khách. Tôi đã ăn một đĩa xôi
gà, một tô cháo tim cật và uống một chai bia lớn. Tâm
hồn sảng khoái.
Trên
đường về, tôi gặp gia đình đó chỗ góc phố. Bọn họ
gồm người cha và ba đứa trẻ. Tôi đứng lại nghe ông
kể chuyện. Vợ ông vừa chết trong chiến cuộc. Ông ta
đang bồng tựa vai đứa trẻ gái yếu quặt khoảng năm,
sáu tháng tuổi. Dưới chân ông, ngay trên vỉa hè, hai đứa
con khác của ông, một trai một gái. Đứa lên hai, đứa
lên một, trần truồng nằm tênh hênh trên một tờ giấy
báo cũ. Chúng đang gải những mụn ghẻ lở mọc lấm tấm
trên làn da bọc xương xanh nhợt. Chúng khóc nho nhỏ, như
tiếng kêu rên ư ử. Từng chập, nín lặng mở to mắt
nhìn lên những khách đi đường. Trông chúng như hai con
vật nhỏ được bày bán lâu ngày, trở nên cũ kỹ, mệt
mỏi. Người đàn ông mặc một bộ đồ lính mới toanh,
nhưng chiếc mũ nhựa ông đội sùm sụp trên đầu thì
màu trắng đang biến dần ra màu xám, bị thủng vài lỗ
nhỏ bằng đầu ngón tay. Đứa trẻ gầy gò mà ông cố
giữ lại, đang nẩy người, khóc thét lên. Chắc nó đang
khát sữa. Vỗ vỗ bàn tay thô kệch vào mông trần đứa
bé, người đàn ông hát ru nho nhỏ, ngập ngừng, như ông
mắc cở sợ những người qua lại nghe được. Khách qua
đường dừng lại xem. Thỉnh thoảng có những người
bỏ đồng tiền kẽm vào chiếc thau nhựa màu xanh đóng
bợn. Tôi bắt gặp những ánh mắt động lòng trắc ẩn,
chịu để tâm hồn mình chia xẻ. Cũng có những ánh mắt
ái ngại nhưng trong đó tôi đọc thấy ý nghĩ: “Đâu
có phải một mình gia đình ông khổ. Đất nước
chiến tranh loạn lạc hàng chục năm rồi. Gia đình ai
cũng kẻ mất người còn. Chúng tôi đây cũng có sung
sướng gì. Làm quần quật từ sáng đến tối mới
có cái cho vào miệng”. Họ bỏ vào chiếc thau những
đồng tiền lẻ, vẻ ngượng ngập. Tôi cũng bắt
gặp những ánh mắt hoàn toàn dững dưng trên những gương
mặt lạnh lùng. Họ chỉ nhìn thoáng qua rồi đi thẳng
như họ không hề trông thấy cảnh đó.
Tôi
cũng là một khán giả của hoạt cảnh. Trong những tiếng
động hỗn tạp của thành phố, tôi nghe tiếng khóc của
đứa bé vượt trội hẳn lên. Và mỗi lần nó nẩy người
khóc thét lên, tiếng khóc của nó như một mũi tên bắn
vào tim tôi. Tôi không rõ bạn có cùng một cảm giác với
tôi như vậy không khi bạn được mục kích cảnh đó
(một đứa bé không phải là con bạn, đang khát sữa).
Nhưng nếu bạn có một đứa con, khi nó đói mà bạn
không có tiền để mua sữa cho nó bú, tiếng khóc của nó
sẽ xé nát lòng bạn.
Rồi, không hẳn vì bị tiếng
khóc của đứa trẻ lôi cuốn, cũng không phải hoàn toàn
là phản ứng tự nhiên, tôi móc túi lấy ra hết số tiền
định bỏ vào trong chiếc thau nhựa – trong đó đã có
một ít tiền. Nhưng bỗng nhiên tôi lại khựng lại. Cầm
chặt tiền trong tay, tâm hồn tôi tràn ngập một sự xấu
hỗ và ăn năn. Với mớ bạc lộn xộn của tôi nắm gọn
trong bàn tay thì có thay đổi gì được cuộc đời họ
và tương lai những đứa trẻ? Trong một tâm trạng bàng
hoàng, tôi định bỏ đi. “Nhưng trong một xã hội mà
những con người như thế bị bỏ rơi, nếu không có
những tấm lòng từ thiện thì họ lấy gì để sống?”
Ý nghĩ đó níu chân tôi trở lại. Tôi đứng bên cạnh
hai đứa bé, dưới chân tôi là chiếc thau nhựa. Tôi chỉ
cần hơi cúi người xuống bỏ tiền vào đó, thế là một
hành vi từ thiện đã được làm xong. Và với số tiền
ít ỏi đó cùng với tiền của những người khác đứa
bé sẽ có sữa bú. Cha con họ có thể sống qua ngày.
Nhưng tôi đã không làm nổi. Có một sức mạnh tăm tối
giữ chặt tay tôi lại.
Tôi quay quắt bỏ đi, tâm hồn
tan nát vì cơn phẩn nộ. Cơn đau dạ dày nổi lên. Bụng
tôi cồn cào, miệng chảy nước dãi. Tôi muốn nôn. Nhiều
lần tôi cố nôn ra nhưng không có gì ngoài một ít chất
nhờn. Cuối cùng tôi chỉ có thể đi tiểu được. Tôi
tiểu ngay giữa đường và nước tiểu chảy ngoằn ngoèo
xuôi xuống một con dốc, mất hút, như đường trườn
của một con rắn quái gỡ. Còn đĩa xôi gà và tô cháo
tim cật bộ phận tiêu hóa đã làm xong nhiệm vụ, bắt
đầu biến thành máu nuôi thân thể tôi.
Tôi
rùng mình gài lại quần. Trời nổi gió. Cơn mưa ập đến
như xối nước. Roi mưa quất vào mặt tôi túi bụi. Tôi
dầm mình đi trong mưa. Một tiếng sét nổ, tôi bị vất
vào bụi rậm. Không khí khét lẹt. Tôi lồm cồm bò. Cơn
mưa mù mịt còn tiếp tục úp chụp lên thành phố.
3.
NUỐT LỐN
Họ
là hai người đàn ông đi làm thuê. Họ từ miền quê lên
và đã nhiều ngày không tìm ra việc làm ở thành phố.
Màu da trên mặt họ và tay chân họ bóng lên màu đồng
hun. Màu nắng nung cháy suốt bao ngày trong đời họ. Họ
mặc áo ngắn tay, không rõ màu gì, phong phanh hở cả da
thịt, quần đùi đen sát đến tận háng. Mồ hôi thấm
đẫm dán làn vải mỏng vào da. Người họ toát ra một
mùi cháy khét. Họ là những người sống bằng nghề
nông, nhưng họ phải từ bỏ ruộng vườn vì hạn hán và
vì chiến tranh tàn phá mùa màng, đe dọa mạng sống, họ
phải tha phương kiếm sống. Hai người đội hai chiếc
nón lá thô sơ mà hình thể ban đầu đã biến dạng.
Chiếc nón rách đã bị cắt nhiều lần bây giờ chỉ còn
vừa đủ che mái đầu của họ với cái chóp nhọn như
món đồ chơi trẻ con.
Khi
ghé vào nhà tôi, họ đã mệt lã. Cái nắng tháng năm và
gió Lào miền Trung vắt kiệt sinh lực họ. Họ ngồi bệt
ngay xuống mái hiên xin nước uống. Nhà tôi có một ít
gỗ vụn. Họ khẩn khoản xin mẹ tôi để họ chẻ ra
thành củi và “chỉ xin bà vài bát cơm nguội thôi”. Họ
thú nhận hai ngày qua họ chưa có bát cơm nào vào bụng,
chỉ ăn rau nhặt ngoài chợ và uống nước phông tên.
Thoạt tiên, mẹ tôi từ chối, nhưng sau khi biết tình
cảnh họ mẹ tôi bằng lòng. Họ xin mẹ tôi cho họ được
ăn trước cho có sức khỏe vì họ đang rất đói. Lúc ấy
vào khoảng xế chiều, nhà chưa nấu cơm. Mẹ tôi đem ra
cho họ khoai lang luộc. Họ ăn hối hả. Mỗi củ khoai, họ
chỉ cắn ba bốn miếng là hết. Họ không nhai, chỉ lấy
lưỡi đánh qua lại vài lần cho trơn là nuốt. Miếng
khoai trôi qua cổ họ vồng lên như rắn nuốt nhái. Thấy
tôi trố mắt nhìn, một người giải thích đó là “nuốt
lốn”. Ông ta nói: “Nuốt lốn có cái lợi là thức ăn
lâu tiêu và lâu đói lại”. Tôi đem bài học về tiêu
hóa ra nói với họ, khi ăn cần nhai kỹ để giúp cho sự
tiêu hóa được dễ dàng, giúp vệ sinh cho bộ phận tiêu
hóa như bao tử, ruột... Một người trả lời: trong
hoàn cảnh của họ càng lâu tiêu càng tốt, tiêu hết
không có gì để vào bụng lại.
Loáng
một cái, đĩa khoai hết nhẵn. Họ kể chuyện – làng
chúng tôi đã có nhiều người chết đói. Có người ăn
cây xương rồng và chết vì ngộ độc./.
THANH TÂM TUYỀN * Lệ Đá Xanh
tôi biết
những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
đôi
khi anh muốn tin
ngoài trời chỉ còn trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối
ngoài trời chỉ còn trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối
đôi
khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu
đôi
khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
đôi
khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
THANH
TÂM TUYỀN
Trần Phù Thế * Bậu Về
November.2012
Wednesday, January 9, 2013
Trương Đạm Thủy * Câu chuyện bên đìa San Hậu
đào hải triều |
DƯ ÂM
Đêm sâu hun hút. Trời cuối đông gió lạnh căm u u thổi từ cánh đồng Bàu Dơi tăm tối về ngang qua làng Sơn Đốc.
Đây là một ngôi làng nhỏ nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng không mông quạnh. Giữa làng có một ngôi chợ nhỏ xíu, giữa sân chợ có một cây đa tán lá sum suê. Cạnh gốc cây đa là ngôi nhà nhỏ của một cụ bà : ngoại Bảy. Ngoại Bảy là một bà mụ vườn của làng nầy. Vì ngoại sống lâu như cây đa bến nước của làng nầy nên ngoại biết nhiều chuyện đời xửa đời xưa…. Chuyện ngoại kể hoài không hết, chuyện đời, chuyện người, chuyện ma…
Đêm nay đám trẻ chợ ngồi quanh ngoại, đề nghị ngoại kể nốt chuyện ma đêm rồi mà vì quá khuya ngoại chưa kể hết được. Ngoại Bảy têm miếng trầu nhai bổ bả một lúc rồi cất giọng trầm trầm…
VỤ ÁN BÊN ĐÌA
- Ngày xưa đã lâu ở làng nầy có xảy ra một án mạng, mà người chết là một đứa bé gái mới lên 5 tên là Thị Ngộ. Cha mẹ bé có một ngôi nhà lá nhỏ cạnh một cái đìa lớn rậm ri cây trầm bầu bên kia một con rạch nhỏ. Đìa nầy chẳng những có nhiều loài cá sinh sống mà còn là nơi trăn rắn đung đưa mắc võng trên cây nhiều vô số…
Ngoại Bảy ngưng nhai trầu đốt một điếu thuốc, nhìn vu vơ vào khoảng trời đêm rồi rít mấy hơi. Đám trẻ nhúc nhích co cụm lại vẻ mặt bắt đầu căng thẳng. Ngoại Bảy húng hắng:
- Cha của Thị Ngộ làm tá điền cho ông Hương thân Quý, người có gần trăm mẫu ruộng ở quanh làng.
Mẹ Thị Ngộ thì ngày ngày để Ngộ ngồi chơi trước nhà còn bà thì đi xúc cá xúc tép ở mấy cái ao vũng chung quanh. Tuy nghèo nhưng hai ông bà rất cưng con. Năm đó lúa trúng mùa, có dư chút đỉnh nên cha mẹ Ngộ mua cho bé một sợi dây chuyền vàng một chỉ đeo cho bé. Thị Ngộ thích lắm nên dù ngồi ở nhà một mình bé vẫn ngoan ngoãn chơi với sợi dây chuyền vàng có một miếng mề đai hình trái tim lấp lánh…
- Rồi vì sao Thị Ngộ chết hả ngoại? – Một đứa trẻ ngồi cạnh ngoại Bảy nôn nóng lên tiếng.
Ngoại Bảy im lặng nhìn ra khoảng trời đêm tăm tối. Gió từ cánh đồng Bàu Dơi lại hú thổi qua cây đa làm cành lá xao động. Đám trẻ nghe chuyện mặt xám xanh cùng co cụm lại gần sát vào ngoại Bảy.
Bà thủng thỉnh rít một hơi thuốc, giọng hơi nhỏ lại:
- Hôm đó Ngộ ngồi chơi một mình. Cha thì đi ra đồng, mẹ thì đang xúc tép cá ở cạnh nhà, khoảng một tiếng hú. Xúc được hơn nửa giỏ cá bà vui vẻ mang giỏ cá quay về. Thường khi chỉ cách nửa sào ruộng bà đã nhìn thấy bóng con bé, nay sao im ắng lạ thường. Như có linh tính, bà chạy bay trên bờ ruộng. Về gần đến nhà, bà gọi vang: “Ngộ ơi Ngộ! Ngộ ơi Ngộ!” vẫn không có tiếng trả lời…
Đám trẻ sợ hãi ngồi quấn lấy nhau. Ngoại Bảy rít hơi thuốc cuối cùng rồi quăng mẩu tàn ra sân:
- Tội nghiệp! Không thấy con bé, bà mẹ quýnh quáng chạy quanh nhà tìm. Vẫn không thấy nó. Khi ra một bụi cây tầm gởi sau nhà bà thấy Ngộ nằm chết ở đó, trên cổ có vết bầm tím và sợi dây chuyền vàng biến mất. Cả làng Sơn Đốc hồi đó xôn xao lo lắng trước vụ án nầy. Ai đã giết Thị Ngộ? Người ta rà soát những kẻ đáng khả nghi trong làng nhưng thủ phạm vẫn biệt tăm…
- Rồi sao nữa ngoại, Thị Ngộ có thành ma không ngoại?
Một đứa bé run giọng hỏi. Ngoại Bảy nhếch môi:
- Thành ma thì nói làm gì? Thị Ngộ sau đó vì chết oan chết ức nên hồn nó đã hóa thành tinh, con tinh Thị Ngộ!
Đám trẻ run lập cập. Ngoại Bảy lặng lẽ vặn cao ngọn đèn dầu lửa, húng hắng giọng:
- Đừng sợ, có bà đây yêu tinh nào dám đến gần? Ma quỉ rất sợ những bà mụ như ngoại, đến gần ngoại chúng sẽ hết đầu thai. Thôi, giờ ngoại sẽ xách đèn đưa từng đứa về nhà, tối mai ngoại sẽ kể tiếp, chuyện còn dài mà!
TIẾNG HÚ TRÊN CÂY ĐA
Trời mới vừa sụp tối là đám trẻ quanh chợ Sơn Đốc tụ lại trước sân nhà ngoại Bảy. Gió từ đồng Bàu Dơi theo tiết đông thiên thổi vi vu qua tàn lá cây đa um tùm làm lắc lư những chiếc rễ đa giống như bầy rắn đang trườn xuống mặt đất.
Hiên nhà nhỏ hẹp của ngoại Bảy được treo một ngọn đèn bảo đong đưa trong gió. Ngoại Bảy ngồi trầm ngâm nhai tóp tép một miếng trầu. Đám trẻ giục:
- Kể tiếp chuyện Thị Ngộ đi ngoại.
- Ờ, thì kể. Mà hôm qua ngoại kể đến đâu rồi? À, đến chỗ Thị Ngộ bị kẻ cướp bóp cổ chết và vứt xác vào một bụi cây tầm gởi. Cái chết của con nhỏ làm rúng động làng nầy. Làng xã hội họp tập trung quyết tìm cho bằng được thủ phạm. Những nhân vật bất hảo trong làng đều được điểm danh, rà soát. Bất cứ hành tung nào của đám vô lại trong làng đều được những con mắt bí mật theo dõi…
Đám trẻ nhao nhao lên:
- Rồi có bắt được hung thủ không ngoại?
Ngoại Bảy thở dài:
- Một tháng trôi qua, hai tháng trôi qua, rồi ba tháng trôi qua tung tích kẻ sát nhân vẫn là bóng chim tăm cá. Người ta rình ở mấy tiệm thợ bạc xem có ai đemv sợi dây chuyền vàng của bé Ngộ đến bán không? Nhưng tất cả đều chẳng thấy ai. Bức xúc quá điền chủ Hương Quý ra khoảng thưởng: Nếu ai bắt được hoặc chỉ được thủ phạm ngoài tiền thưởng trăm giạ lúa ông còn mướn một gánh hát về hát vở tuồng “San Hậu” cho bà con xem miễn phí một tuần lễ và cũng là để cùng thần đình để tạ ơn.
- Hát tuồng “San Hậu” là tuồng gì hả ngoại?
Ngoại Bảy mơ màng:
- Có nói ra tụi con cũng không hiểu về vở tuồng nầy đâu. Nhưng hồi đó dân làng mình rất ưng những vở tuồng như: Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, San Hậu…
- Rồi ông Hương thân Quý có cho hát “San Hậu” không ngoại?
Ngoại Bảy đốt một điếu thuốc rít hơi dài:
- Từ từ ngoại kể. Bây giờ trước hết tụi con phải bình tỉnh, đừng sợ thì ngoại mới kể tiếp được.
Đám trẻ lại nhao nhao lên:
- Tụi con bình tĩnh rồi, ngoại kể đi.
Ngoại Bảy mỉm cười:
- Tốt, tốt lắm. Đây là chuyện xưa, đã lâu rồi, có gì mà phải sợ, phải không?
- Dạ phải phải.
Ngoại Bảy ngước mắt nhìn lên ngọn đa ở phía trên đầu:
- Ở đây, ngay ngọn cây đa nầy…
- Cây đa nầy sao ngọai?
Đám trẻ rùng rùng ngồi sát vào ngoại.
Gió chợt rì rào nói lên, cành đa khua lắc rắc làm lũ trẻ càng thêm kinh sợ. Ngoại cười xoa đầu từng đứa:
- Bọn bây sợ rồi phải không? Sợ thì thôi ngoại khỏi kể nữa.
- Không, không ngoại kể tiếp đi.
- Ừ, giỏi. Ngoại kể đây. Hồi đó chung quanh cây đa nầy cây cỏ mọc râm ri, xóm làng heo hút. Có một đêm kia, cũng giống như đêm nầy đột nhiên người trong làng nghe một tiếng hú dài lạnh lẽo, lê thê…. Tiếng hú xuất phát từ trên ngọn đa nầy.
Một đứa nhỏ hốt hoảng nhảy phốc vào lòng ngoại Bảy, mấy đứa kia mặt mày xám ngoét ôm ghì lấy bà.
Ngoại Bảy vỗ vỗ lưng tụi nhỏ cười hiền hòa:
- Tụi bây lạ thiệt đã sợ ma mà ưa nghe kể chuyện ma. Thôi không kể nữa.
Mấy đứa trẻ sau một hồi đứng tim, nhìn dáo dác lên ngọn đa như một vũng bóng tối in trên nền trời đen thẳm lấm tấm sao, lại giục:
- Giờ bớt sợ rồi, kể tiếp đi ngoại.
Ngoại nhìn trời lắc đầu:
- Thôi đã tối lắm rồi, dừng lại ở đây, mai ngoại sẽ kể tiếp. Bây giờ ngoại sẽ đưa tụi bây về.
Rồi bà xách chiếc đèn bảo đưa bọn nhỏ về nhà….
Lại đêm sau nữa. Trời đã xuống lạnh hơn đêm trước. Lá đa cứ sau mỗi cơn gió lại ào ào đổ xuống mái hiên nhà ngoại Bảy như một trận mưa rào.
Đám trẻ ngồi co ro bên cạnh ngoại Bảy. Ngoại gom mớ lá đa khô vàng đốt lên một dúm lửa nhỏ.
Ngoại Bảy dặn:
- Tụi con cứ đẩy lá từ từ vào đống lửa cho ấm. Đã lập đông rồi.
Mấy đứa trẻ lại giục:
- Kể đi ngoại.
- Ngoại kể tiếp tiếng hú trên ngọn đa đi.
Ngoại Bảy trầm trầm giọng:
- Hồi đó tức cách đây cả trăm năm rồi. Lúc đó ngoại cũng bằng tuổi tụi bây. Mẹ ngoại, tức tụi con phải gọi bằng bà cố. Cố kể cho ngoại nghe rằng, vào một đêm đông lạnh lẽo như hôm nay vào lúc giữa khuya khi cả làng Sơn Đốc chìm vào giấc ngủ thì đột nhiên trên ngọn đa nầy có một tiếng hú lảnh lót nổi lên. Mọi người hốt hoảng lén mở hé cửa nhìn lên ngọn đa thì thấy có một đứa con gái tóc xõa, áo trắng như sương ngồi vắt vẻo trên chùm rễ đa. Dưới ánh sáng trăng le lói thỉnh thoảng cái bóng con gái ấy lại cất tiếng hú vang. Thình lình bóng ma hát ầu ơ ví dầu: “Ta là Thị Ngộ/ Chết ức chết oan/ Nay ta thành tinh/ Về đây đòi mạng”.
- Trời ơi, ghê quá!
- Sợ quá ngoại ơi!
Lũ trẻ nhao nhao chồm vào gần đống lửa. Gió đông quét vào cành đa xì xào càng làm đám trẻ xanh xám.
- Thôi, đã gần khuya ngoại đưa tụi con về, mai ngoại lại kể tiếp.
Bà già đứng lên nhấc ngọn đèn bảo dắt bọn trẻ về tận nhà chúng.
YÊU MA TRÊN ĐƯỜNG VẮNG
Con trăng khuyết như một con mắt độc nhãn khép hờ trên bầu trời đen thẳm. Con mắt độc nhãn ấy trôi từ từ vào nằm trên ngọn đa lòa xòa.
Lũ trẻ ngồi nhích lại sát vào nhau nôn nóng chờ ngoại Bảy nhai xong miếng trầu đầu tiên. Ngoại chợt chỉ vầng trăng lấp ló sau đám tàn lá:
- Cũng vào một ngày có con trăng như đêm nay, bà cố tức mẹ của ngoại kể rằng: Bắt đầu từ ngày đó con tinh Thị Ngộ luôn xuất hiện, biến hóa khuấy phá dân làng. Có đêm người ta nghe thấy tiếng ru con lãnh lót của nó trên đỉnh tháp cổ ở đầu làng. Có hôm bà cố, tức mẹ của ngoại, bà cũng làm nghề mụ như ngoại, được người ta rước đi sanh. Nửa khuya gần sáng sinh giúp cho người ta xong bà xách ngọn đèn bão nầy đây ra về trên con lộ Cầu Đình. Hai bên đường đồng không mông quạnh không một bóng người, gió lạnh khua lao xao trên những đám lúa cao. Đột nhiên có một tiếng hú lạnh người nổi lên, bà cụ nhủ thầm: “Lại con tinh Thị Ngộ đây!”. Rồi cách chỗ bà cụ chừng mươi thước có hai bộ xương chân người rớt xuống. Tiếp theo phần xương thân người với hai xương tay khẳng khiu rớt xuống và tự ráp lại trên hai ống xương chân. Vài giây sao một bộ mặt xanh mét ở đâu trên trời rơi xuống ráp tiếp vào phần thân bộ xương lủng lẳng bên dưới. Từ trong cái miệng tối đen của khuôn mặt xanh phát ra tiếng nói:
- Bà già kia đi đâu? Ta là Thị Ngộ đây, ta sẽ vật chết bà.
Bà cố, tức mẹ của ngoại chẳng chút sợ hãi:
- Mầy là con Ngộ đó sao? Bà là bà cố Cây Đa đây. Hồi mẹ mầy đẻ mầy, chính bà đở đẻ cho mầy.
Thấy mầy xinh gái, chính bà đặt tên cho mầy là Ngộ. Nay mầy chết oan chết ức đáng lẽ phải lo tu tâm dưỡng tính sao lại hóa thành yêu tinh phá khuấy làng nầy?
Con tinh như nhớ ra điều gì nó hiện nguyên hình là một cô gái trong lớp áo trắng như sương. Nó nói húng hắng:
- Cố ơi, con chỉ đùa chơi với cố thôi. Hồn con vốn chưa siêu thoát khi tên thủ ác khốn kiếp kia chưa chết để thay chỗ cho con.
Mẹ của ngoại đặt chiếc đèn bảo xuống đất và ngồi đốt một điếu thuốc trước đèn hỏi Ngộ:
- Vậy kẻ nào đã giết hại con?
Con tinh khe khẽ lắc đầu:
- Bây giờ con không thể nói được. Ngày nào cố thấy có một thằng nằm chết trên đìa Hương Quý, cố sẽ biết nó là ai. Thôi đêm sắp sáng gà đã gáy rồi, con đến thăm cố một lát rồi phải đi. Cố đừng lo, số cố sống đến trăm tuổi, chẳng có yêu ma nào hại được cố đâu.
Nói rồi con tinh biến mất. Mẹ của ngoại ngồi thẩn thờ trên con đường vắng. Bà thương con bé. Ngày xưa bà cố tụi con từng hộ sinh ra mẹ con Ngộ, rồi lại hộ sinh tiếp đến đời nó. Vậy mà nó bị chết ức chết oan bởi tại một chỉ vàng.
Chuyện ngoại Bảy kể cảm động khiến có mấy đứa trẻ sụt sịt khóc. Ngoại vỗ đầu bọn chúng:
- Thôi giờ tụi con phải về ngủ. Tối mai ngoại sẽ kể tiếp, khuya rồi.
VÓ NGỰA ĐƯỜNG TRĂNG
Đêm nay ngoại Bảy trải chiếu trước mái hiên nhà đặt giữa chiếu đĩa mức chối to đùng cùng những chiếc bánh phồng nướng thơm phức đãi bọn trẻ. Cũng gần đến tết rồi. Đây là những món bánh mức truyền thống của người dân làng Sơn Đốc vào mỗi dịp xuân về.
Đợi cho lũ trẻ vui vẻ ăn uống xong ngoại Bảy lại bắt đầu kể tiếp câu chuyện lỡ dỡ đêm qua:
- Hồi đó ở làng nầy có một người đánh xe thổ mộ chở người, chở hàng hóa lên huyện xuống tỉnh tên là Chín, Chín xe ngựa. Người nầy không vợ con, nhà ở bên kia con rạch nhỏ đối diện với nhà Thị Ngộ. Khuya nào khoảng bốn năm giờ sáng Chín xe ngựa cũng đánh xe ra tỉnh lộ rước khách. Một khuya trong lúc Chín ngồi trên gọng xe, lúc bấy giờ con trăng hạ huyền sắp lặn, ánh trăng phờ phạc trong làn sương sớm trải xuống con đường lạnh lẽo. Vó ngựa khuya lốc cốc một cách vui tai. Đột nhiên từ bên vệ đường có một cô gái mặc toàn trắng xuất hiện đưa tay ra vẫy. Chín gò cương ngựa.
Cô gái lặng lẽ leo lên ngồi ở phía sau mặt che sau chiếc khăn choàng trắng. Có mùi hương lạ khó thở tỏa ra trên xe. Chín xe ngựa chợt thấy lạnh sóng lưng nên hỏi: “Nè cô, cô định đi đâu?”. Không trả lời. Mãi lâu sau từ cái bóng màu trắng đằng sau xe mới có tiếng đáp: “Cứ đi đi bao giờ muốn xuống ta xuống”. Chín xe ngựa thả dây cương quất nhẹ roi da vào mông ngựa, con vật hiểu ý cất vó chạy lốc xốc. Lát sau nữa cô gái chợt lên tiếng:
- Nầy anh, trời lạnh quá anh ngồi xích vào gần em chút được không?
Chín quên sợ rời càng xe bò vào giọng cợt nhã:
- Trời lạnh sao mặc áo mỏng làm chi?
Cô gái cười giọng mũi:
- Bộ anh không thích đàn bà con gái mặc áo mỏng sao?
Thích chí Chín lần vào ngồi sát cô gái giở giọng đẩy đưa:
- Em ở đâu mà anh thấy quen quen?
- Nhà em ở cạnh đìa ông Hương Qúy.
- Ủa, ở đó có nhà ai đâu?
- Tại anh không thấy, chớ nhà em ở đó. Hôm nào anh ghé chơi.
Chín khoe:
- Em biết không, ông Hương thân Quý là chú họ của anh.
Đang lúc Chín định giơ tay ôm chầm cô gái thì bỗng dưng anh ta có cảm giác như đang ôm vào một khoảng không. Cô gái biến mất. Rồi bất chợt ở cạnh bụi dứa dại bên đường có tiếng cười the thé và xa dần.
Chín xe ngựa sợ toát mồ hôi. Đúng rồi, đây là một con yêu tinh mà nhiều người đi soi ếch soi cá ban đêm đã từng gặp nó trên quãng đường chạy qua cánh đồng mông quạnh nầy.
Con trăng đã xế, tiếng vó ngựa vẫn nện lộc xốc trên đường nhưng Chín xe ngựa như người mất hồn sau khi trải qua những giây phút đối diện với người thiếu nữ không nhìn rõ mặt có mùi hương kỳ lạ trên chuyến xe nửa đêm gần sáng.
Ngoại Bảy ngừng kể khoát tay:
- Thôi, ngoại buồn ngủ rồi, tối mai ngoại sẽ kể tiếp. Bây giờ tụi con phải về nhà.
Nói xong ngoại Bảy đứng lên xách chiếc đèn bão, lũ trẻ lót tót đi theo…
XÁC CHẾT BÊN ĐÌA
Con chim cú trên cây đa kêu từng tiếng lạnh lẽo. Đám trẻ ngồi nhích vào cạnh ngoại Bảy. Uống một hớp trà thấm giọng, ngoại Bảy lên tiếng:
- Sau cái hôm Chín xe ngựa gặp yêu ma trên đường tỉnh lộ anh lâm trọng bệnh, như người điên khi cười khi khóc. Ngày ngày anh ta ra chợ Sơn Đốc đi lang thang nói năng lảm nhảm. Có khi anh ta tự đấm vào mặt mình đến sưng vều lên và la lớn: “Mầy là kẻ giết người. Mầy bóp cổ con nhỏ đến chết để lấy một chỉ vàng. Mầy phải chết theo nó Chín ơi…”. Những điều Chín xe ngựa nói chẳng ai người ta để ý, chỉ coi anh ta như kẻ điên khùng nói trăng nói cuội vậy thôi. Cho tới một ngày kia người ta thấy Chín xe ngựa tay cầm sợi dây cột ngựa đi về phía đìa Hương Quý.
- Ông ấy đi làm gì vậy ngoại?
Đám trẻ nhao nhao hỏi. Ngoại Bảy thở dài:
- Hắn ta đi như bị ai đó rủ rê xô đẩy. Ngày hôm sau người đi bắt cá lậu nơi đìa Hương Quý bắt gặp xác Chín xe ngựa treo cổ tòn teng trên một cây trâm bầu chân thòng xuống nước.
Ngoại Bảy kết luận:
- Như vậy là đã rõ, Chín xe ngựa là kẻ đã ra tay giết Thị Ngộ để lấy một chỉ vàng. Một đêm kia bà cố, tức mẹ của ngoại trên đường đi hộ sinh lại gặp con tinh trên quãng đường làng vắng vẻ. Nó báo cho bà cố biết nó đã báo xong mối thù. Từ nay nó sẽ siêu sinh…
ĐÌA SAN HẬU
- Ngoại ơi, lũ trẻ lên tiếng, rồi ông Hương Quý có cho hát tuồng San Hậu cho ngừơi làng xem không ngoại?
Ngoại Bảy cười khẩy:
- Mấy người điền chủ nhà giàu mà thường là bọn bủn xẻn, hứa rồi để gió thổi đi. Vả lại Chín xe ngựa là cháu họ của ông ta, chuyện xấu ác tày đình nầy làm sao ông ta còn mặt mũi nào thuê phường hát về hát cho người ta xem được.
- Rồi vì sao đìa ông Hương Quý lại trở thành đìa San Hậu hả ngoại?
Nghe đám trẻ hỏi ngoại Bảy cười khà:
- Ừ, thú vị là ở chỗ đó. Do ông Hương Quý thất hứa với bà con, nên từ đó người ta đổi tên đìa Hương Quý thành đìa San Hậu. Cái tên ấy lưu danh cho đến bây giờ. Bây giờ tụi con phải về. Mai mốt ngoại lại kể chuyện ly kỳ mới. Ngoại kể cho tụi con nghe chuyện xa xưa coi như bài học. Sau nầy lớn lên nhớ đừng làm điều xấu ác. Làm điều ác có quả báo mà tiếng xấu còn để lại hoài….
Subscribe to:
Posts (Atom)