văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, January 10, 2013

Luân Hoán * Nghiêu Đề cỡi ngựa về ‘Vùng Thanh Thoát’

họa sĩ Nghiêu Đề



Bản vẽ này là một tác phẩm của họa sĩ Nghiêu Đề, dành riêng dùng làm bìa cho tập thơ nhạc “ Hòa Bình Ơi Hãy Đến” của Lê Vĩnh Thọ, Phạm Thế Mỹ, Luân Hoán. Để hoàn tất tác phẩm này, ngoài Nghiêu Đề, tôi cũng có đóng góp một chút tài vặt. Công sức của Nghiêu Đề nằm ở não bộ giàu sáng tạo và đôi tay tài hoa của anh. Tài vặt của tôi nằm trong sự lì lợm quấy rầy và hối thúc! ...
        Kể từ khi có ý định in chung tác phẩm với hai anh Mỹ, Thọ, tôi có bổn phận tìm họa sĩ nhờ thực hiện mẫu bìa. Họa sĩ Nghiêu Đề đương nhiên là tay cọ tôi tín nhiệm tuyệt đối. Anh hết lòng với bạn bè, thường không từ chối những việc làm có liên quan đến nghệ thuật. Nhưng để anh chóng hoàn tất nhanh chóng một mẫu bìa không phải là chuyện dễ dàng. Với phong thái làm việc thong dong, tùy hứng, Nghiêu Đề không muốn bị ràng buộc, thúc dục. Anh không ưa có đôi mắt thiếu khả năng thẩm định nghệ thuật kè kè bên cạnh khi anh sáng tác. Còn tôi, bản tính khá xấu, khó bỏ, luôn luôn tò mò và nôn nóng muốn hoàn tất ngay những gì mình yêu cầu, nhờ vả sự gúp đỡ của bất cứ ai..




          Phải thú thật, tôi rất sốt ruột khi nhìn Nghiêu Đề ngồi co một chân trên ghế, một tay cầm điếu thuốc ruby cháy dở, một tay cầm ngọn bút sắt lưỡng lự. Cái bàn gỗ vuông cũ nằm sát cánh cửa sổ duy nhất đang mở. Người họa sĩ tài hoa đang ngồi đó, im lặng. Anh thở khói thuốc, mắt nhìn theo những vòng trắng từ cặp môi anh bay ra. Nghiêu Đề thở khói thuốc rất tròn, rất sắc nét và rất tuần tự, cái này nối đuôi cái kia, riêng biệt, theo nhau bay một đoạn xa trước khi tan loãng. Nghệ thuật này tôi tập hoài không được. Tôi gắng giữ in lặng, ngồi tựa sát vách tường trong cùng, kính cẩn tôn trọng những giây phút bạn mình sắp phóng tay ra tranh. Nghiêu Đề vẽ. Tôi nao nao trong lòng. Thật muốn dòm một cái hết sức, nhưng kềm chế được. Chợt Nghiêu Đề hỏi, không nhìn tôi: - Cuối tuần này, ông không đi hành quân à ?. Hỏi xong anh vừa cười vừa chửi thề nhè nhẹ: - Mẹ kiếp, cuối tuần cứ phải đi gác cho chúng nhảy đầm. Tôi biết Nghiêu Đề đã bỏ dở, dù cây bút vẫn còn được kẹp giữa mấy ngón tay dài của anh. Tôi đứng dậy, định đến xem Nghiêu Đề vẽ đến đâu. “Ông yên tâm đi, mẫu bìa này, tôi sẽ làm thật tới cho ông. Ngừng một chút, anh lại cười: ông chịu khó khuân đi chỗ khác mấy trái lựu đạn nội hoá này giùm, để đây, thấy chúng tôi mất hết hứng thú.” Tôi thực hiện ngay yêu cầu của Nghiêu Đề. Nhưng anh cũng đã đứng dậy và chúng tôi đến quán cà phê Tám Hú.
          Một ngày nắng đẹp. Nghiêu Đề không thiếu chuyện để nói. Tôi thì vẫn lực bực trong lòng. Trong thời gian chúng tôi ở chung phòng, không phải đây là lần đầu tiên Nghiêu Đề đồng ý lo phần nhan sắc cho các tập thơ của tôi. Trước “Hoà Bình Ơi Hãy Đến”. Nghiêu Đề đã chịu khó trang điểm cho hai tập thơ tôi in chung cùng nhà thơ Khắc Minh. Anh trình bày đẹp, nhưng kỹ thuật ấn loát lúc bấy giờ còn thô sơ, hơn nữa chúng tôi không có đủ sức để đưa in tại những nhà in tối tân ở thủ đô, nên đã làm giảm rất nhiều nét nghệ thuật tài hoa của anh. Đã thế, chúng tôi chỉ có vài tiếng cảm ơn suông để đáp lễ, trả nợ. Nghiêu Đề không bao giờ ngại vấn đề này, anh không quên đùa - Vẽ cho mấy... cha là bổn phận của tại hạ mà. Ê Luân Hoán, mày liệu xem còn in mấy cuốn nữa, tao sản xuất luôn cho một lúc để dành. Anh nói giỡn nhưng đúng ý tôi quá chừng. Tuy vậy, tôi vẫn còn chút đỉnh liêm sỉ: - Ông bạn khỏi lo, tôi còn báo cô ông dài dài đó. - Mẹ kiếp, cái thằng Quảng Nôm này.
          Tôi quen biết với Nghiêu Đề từ năm 1967 tại Sài Gòn. Có một lần anh dẫn tôi về 19 B Lý Trần Quán để thăm...xưởng vẽ của anh. Thật ra địa này là nhà ở của mẫu thân anh và anh. Lần tôi đến, chỉ được gặp bác gái nên không rõ có còn ai khác không. Ngôi nhà này là nơi cất giữ rất nhiều kỷ niệm của Nghiêu Đề. Trong một bài thơ dài, có đoạn anh viết:
          ... “ nhà ta có cánh bay đầy núi / rừng giấu con đường xúm xít vui xưa / trăng đi biệt có hàng phố nhớ / bụi bay, vàng con ngõ ngày mưa / vẫn con đường Lý Trần Quán cũ / trần thân lăn khắp ngõ- đã chưa ! / con đường thuở rong rêu nước tiểu / cửa rộng dung chờ đứa con hư / hiên nhỏ có hàng cây bông giấy / chết tươi khi làng nước đổi đời / bỏ quá chút đau còn trong ngực / mỗi lần nhìn bông giấy reo vui / êm ái- đêm – có khi chợt thức/ thở mẹ trong nhà ngủ thảnh thơi / đang khuya có những đêm chợt thức / nhà quen, chân chẳng bõ đèn soi / phiêu bạt nuối người về thành phố / Sài Gòn mở toang qua mái hiên ta...”                                                                                  
          Tại nhà Nghiêu Đề, tôi có gặp được hai bức tranh sơn dầu trong một căn phòng. Cả hai bức đều bị ông cha đẻ phạt, bắt đứng úp mặt vào sát chân tường. Nghiêu Đề lật từng bức cho tôi xem, và lịch sự: “Bạn muốn ‘thỉnh’ bức nào, tự nhiên”. Tôi thật sự không hiểu ý chữ “thỉnh” của anh. Nên vội vã thối thác: “tôi không có khả năng, cảm ơn”. Nghiêu Đề cười, buông gọn : “Không thích ?” Để trả lời anh, tôi trầm trồ khen, nhưng cũng thừa tinh quái, hà tiện tiếng nói, để hạn chế cái dốt về tài thưởng thức hội họa của mình. Tôi có qua mặt được Nghiêu Đề không ? Không rõ. Nhưng sau lần đó, chúng tôi liên lạc với nhau nhiều hơn.
          Nghiêu Đề làm con dân đất Quảng Ngãi từ năm 1939. Anh được sinh ra tại thị trấn xưa cổ Thu Xà, một vùng đất có thời trù phú, sầm uất với tên gọi Phố Khách. Người Trung Hoa, người Chăm và người Việt gốc Huế... sinh sống làm ăn nhiều ở đây. Thời bấy giờ Thu Xà là nơi có ánh sáng điện trước tiên trên toàn cõi Quảng Ngãi. Nghiêu Đề là công tử của một gia đình giàu có. Thân phụ anh, người địa phương. Thân mẫu anh, bà Công Tôn Nữ Lệ Chi, gốc Huế. Nghiêu Đề lớn dần trong cái xứ “Tứ Tuyệt Chiêu Anh Hùng Tụ” này. (Chim mía Xuân Phổ, Cá bống Sông Trà, Kẹo gương Thu Xà, Mạch nha Mộ Đức). Nhưng anh chính thức trưởng thành trên đất Sài Gòn. Theo học và tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, sau đó anh gia nhập vào hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam được thành lập tại Sài Gòn năm 1965. Đến với Hội Họa sĩ Trẻ, Nghiêu Đề mang theo tầm vóc của một người đoạt huy chương bạc trong cuộc triển lãm Hội Họa Mùa Xuân tại Sài Gòn năm 1961. Thành tích thời bấy giờ như vậy là không khiêm nhường, nhưng Nghiêu Đề quan niệm về hội họa rất nhẹ nhàng. Trong thư trả lời phỏng vấn của nhà văn Nguiễn Ngu Í của tạp chí Bách Khoa năm 1962, anh viết:
          ... “Mỗi người làm hội họa vẫn có tham vọng tìm cho mình một đường lối riêng. Tôi chia sẻ ước vọng đó, vậy thôi....


          Ở quê tôi, có một giống chim lạ, sắc trắng, và dáng mong manh lắm, thường bay một mình trong đêm trăng. Người ta bảo nó bay mãi lên cao, và tan vào mặt trăng, không bao giờ trở lại. Tên nó là Nguyệt. Tiếng hót hay vô cùng. Không biết vì sao tôi iêu (yêu) nó. Chỉ biết mỗi lần nó bay ngang cùng tiếng hát đã làm tôi xúc động. Bây giờ tôi nghĩ Nghệ Thuật tôi muốn là một cái gì hết sức tự nhiên như tiếng hót của chim Nguyệt vậy. (không phải là tôi có xu hướng naturalisme). Như thế chắc anh biết tôi không muốn nói đến vấn đề dân tộc tính hay quốc tế tính. Một tác phẩm hẳn nhiên là mang những dấu vết của cuộc sống mà trong đó nó hình thành. Có điều, cũng như sự  thật, nhiều khi người ta không nhìn thấy. Khi không phải là cẻ (kẻ) giả hình thì dân tộc tính trong tác phẩm là một điều tất nhiên. Nói mãi một chuyện tất nhiên, ngoài những hậu í nào khác, thì tôi chịu, không hiểu nổi, người ta thường lầm lẫn nó với đề tài. Hoặc giả vì vậy người ta bàn tới nó chăng ? Nói về mình đã khó, giải thích cả tác phẩm mình nữa, thì thật quá sức...
         ... Tôi thấy nghệ thuật như một cái gì không thật. Nó phù phiếm, nó lừa dối như khi tôi nói ‘anh iêu em’. Vậy mà tôi biết tôi sẽ nói “Anh iêu em suốt đời...”
          Nghiêu Đề là một họa sĩ, viết về anh, không nhận xét những tác phẩm của anh là một thiếu sót lớn. Nhưng khả năng này làm sao tôi có được. Tốt nhất là chịu tiếng ma giáo, để góp nhặt một số nhận định có trọng lượng, của những tay sành sỏi trong nghệ thuật này. Và cũng xin nói, tôi chỉ xin rút tỉa vài nét gọn nhất.
          Người dành quyền phát biểu trước tiên, tôi chọn, ông Huỳnh Hữu Ủy, một nhà nhận định về hội họa chuyên nghiệp và có nhiều uy tín.
          ... “ Nghiêu Đề thích màu xanh, tông màu lạnh và thế giới của anh đầy chất siêu thực, nhưng thế giới ấy không phải là màu ‘tái xanh, lạnh lẽo’ và hoàn toàn tưởng tượng. Hội họa của Nghiêu Đề luôn luôn là cuộc đời được phóng chiếu, cắt tỉa, cộng thêm đôi chút tưởng tượng kéo dài rồi vẽ vời nên một thế giới vô cùng mộng ảo...Cái màu xanh của Nghiêu Đề không phải là tái xanh mà là một thứ xanh lấp lánh ửng sáng. Sở dĩ như vậy, là vì bắt nguồn từ cách vận dụng kỹ thuật sáng tối của hội họa cổ điển cộng với một phần bút pháp hồn nhiên của Rousseau...”


          Cũng theo nhận định của ông Huỳnh Hữu Ủy, Nghiêu Đề có hai giai đoạn sinh hoạt hội họa. Giai đoạn thứ nhất từ thập niên 60 đến thập niên 70. Giai đoạn đầu này , theo ông Ủy: “..là giai đoạn Nghiêu Đề làm việc nhiều nhất...xây dựng được thế giới và bút pháp của mình...”. Giai đoạn thứ hai, từ 1982 đến 1984, là thời kỳ Nghiêu Đề làm tranh sơn mài tại Sài Gòn. Giữa hai giai đoạn này là thời vui chơi cùng bè bạn tại cư xá Thanh Đa, nơi Nghiêu Đề cùng vợ, chị Giang, và 3 con , một trai, hai gái sinh sống.
          Tiếp theo nhận xét của nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy là vài ý kiến của những người “cùng đi một đường nghệ thuật” với Nghiêu Đề.
          Họa sĩ Thái Tuấn:
          ... “ Nghiêu Đề là người thích dùng những màu tối, lạnh lẽo và mầu chết.
          Nhưng chính bằng những gam mầu lạnh, có khi tối tăm trong tranh Nghiêu Đề, bàng bạc trong đó sự nồng nàn thiết tha, như bức ‘Tỏ Tình’. bức ‘Đêm’...
          Họa sĩ Nguyễn Trung:
          ...  “Nghiêu Đề thích những màu tái xanh lạnh lẽo. Không khí của anh là không khí siêu thực của chuyện tình. Chuyện được anh kể chậm rãi và hoàn toàn tưởng tượng...”


          Còn rất nhiều nhà văn, thi sĩ danh tiếng viết về Nghiêu Đề như Đỗ Qúy Toàn, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê... Nhưng những bài viết của họ là những áng văn chương súc tích, dồi dào, tôi lượng sức không thể cắt tỉa, sợ mất đi những ý nghĩa liên tục, và không thể trích toàn bộ, nên kính mời quí bạn tìm đọc trong tác phẩm ‘Nghiêu Đề’, một tuyển tập in màu những họa phẩm nổi tiếng của Nghiêu Đề đã được nhà xuất bản Viet Art Society ấn hành năm 1998.
          Chẳng phải áy náy vì im lặng khi nhiều người tán thưởng Nghiêu Đề. Nhưng vì muốn “dựa hơi” anh, (cùng những họa sĩ khác), tôi sử dụng cái quen tay của mình, khi nhìn ngắm, chiêm ngưỡng những người đẹp, sống trong tranh Nghiêu Đề. Với tôi, thú thật, thích thú nhất vẫn là thiếu nữ, nên có thơ rằng:
          Hình như em chẳng có xương / xuất thân từ cõi trầm hương mơ hồ / môi hờ hững ngậm sợi thơ / thân thơm dải lụa mắc vào hư không / mỏng manh vác cả tấm lòng / lạc quan thanh thản lòng vòng cuộc chơi / thế gian được mấy góc trời / để tay Thánh chúa vẽ môi mắt tình / dẫu từ đường nét hiển linh / nghìn năm em vẫn một mình khói sương”
(SôngNúiCùngNgườiThơmNgátThơ, LH)


           Ngoài tài danh trong sinh hoạt  hội họa, Nghiêu Đề từng cho xuất bản một tập truyện ngắn mang tên “Ngọn Tóc Trăm Năm”. Tác phẩm này, ngày nay có lẽ không có nhiều người lưu giữ được. Cuốn sách xuất bản năm 1965, trong giai đoạn Nghiêu Đề giữ phần trình bày và minh họa cho một số kiệt tác thời tiền chiến được nhà xuất bản Cảo Thơm in lại. Trong thời kỳ rực rỡ đẹp trai, quả thật Nghiêu Đề đã sinh hoạt rất nhộn nhịp. Anh bỗng dưng quay trở về Quảng Ngãi với vài lý do: tị nạn quân dịch và né tránh ái tình. Cả hai lý do này đều do chính anh vui vẻ tuyên bố. “Nín thở qua sông” của Nghiêu Đề hay “Dư sức qua cầu” của họa sĩ Hồ Thành Đức, cũng chỉ nói lên chuyện không thi hành nghĩa vụ quân sự. Riêng Nghiêu Đề, anh không hề mặc cảm vì sự bất phục tùng của mình. Anh quan niệm rất rõ ràng, chiến tranh tàn bạo, anh từ chối tham dự, dù làm một lính cảnh, hoặc phục vụ trong bóng mát, mà khả năng anh dễ dàng có được. Tôi nhắc lại điểm này, có thể làm cho chị Giang và các cháu không vui. Nhưng tôi nghĩ đây là quyết định trung trực của một người bạn đã từng thẳng thắn bày tỏ. Lối phản chiến của Nghiêu Đề còn ngon lành hơn tôi trước đây nhiều.


         
Có một điều tôi vẫn thắc mắc, khi sưu tập tài liệu cho cuốn “Tác Giả Việt Nam”. Phần tên thật của Nghiêu Đề, tôi không biết nên chọn tên nào cho xác thực giữa hai tên Trai và Tiếp. Song thân của Nghiêu Đề có được sáu người con. Trong số này có một người tên Trai và một người tên Tiếp. Thời tôi cùng ở Quảng Ngãi với Nghiêu Đề, tên anh được gọi là Trai. Với nước da trắng mịn, ít hoạt động nặng, ít phơi nắng nên da thịt Nghiêu Đề mỗi ngày như trắng thêm, một đôi lúc có vẻ hơi xanh. Chính vì thế anh được bè bạn tinh nghịch đặt thêm một biệt danh: Trai bủng. Chính tôi đã viết một bài lục bát nhắc đến cái tên này, anh đọc chỉ cười xòa, chửi gọn hai chữ ‘bỏ mẹ’: “Nghe anh Trai bủng bây giờ/ nuôi con sao sáo đọc thơ trường kỳ...”(Ca Dao Tình Yêu, bài thứ 8, trang 37 ). Phản ứng hiền lành của Nghiêu Đề không vì cái tên Trai bủng, mà vì tôi chạm vào cái bay bướm của anh. Trong hai chữ “sao sáo” có một chữ là tên thật một thiếu nữ, Nghiêu Đề đang theo tán tỉnh.
          Gần đây, tôi có điện thoại hỏi một người bà con của anh, hiện ở San Jose. Họ cũng xác nhận Nghiêu Đề tên Trai. Tiếp là tên người em. Nhưng có lẽ trên mọi giấy tờ của anh đều mang tên Tiếp, nên chúng ta nên tôn trọng như vậy. (trường hợp này hẳn không giống như nhà thơ Phổ Đức. Đại khái, Phổ Đức tên thật Lê Phước Đại, sinh năm 1939, vì chiến tranh không đi học được, về sau lấy tên người em đã qua đời là Lê Phước Độ, sinh năm 1944, để đi học).
          Về việc chọn bút hiệu, có lẽ ông họa sĩ đã kể với một nhà thơ, sự tình cờ không kém phần tinh nghịch, lạ đời của anh.
          ... “Ngay bút hiệu Nghiêu Đề, cũng không hề mang, mặc một ý nghĩa sâu kín nào. Nó được nhặt ra từ hai lần mở tự điển, để nhặt ra hai chữ đầu tiên, bắt gặp – cho thấy với Nguyễn Tiếp, tức Nghiêu Đề, cuộc đời, danh vọng, sự nghiệp, chỉ là một cuộc chơi ngắn ngủi, phù phiếm...”( Du Tử Lê)
          Nếu đúng như vậy thì thật tuyệt vời, không khác gì bói Kiều, bởi họa sĩ Thái Tuấn cho biết về bút hiệu Nghiêu Đề:
          ... “Võ vẽ một chút chữ Nho, thủa đó tôi dịch ngay cho tôi ý nghĩa: Nghiêu là ngọn núi cao. Đề là dẫn lên. Cái bút hiệu nghe cho vẻ cao ngạo, nhưng khi gặp gỡ thì lại hoàn toàn khác- trầm tĩnh, lạc quan, và thâm thúy- tôi vẫn tin người và tranh chỉ là một: nét vẽ là tấm kính để tìm bóng dáng của họa sĩ..”          
          Họa sĩ Thái Tuấn còn kể rằng: ... “Ngày xưa cô gái 5 tuổi của tôi, không phát âm được hai chữ  Nghiêu Đề, đã luôn gọi là chú “yêu đời”. Và cũng từ đó gia đình tôi đã tặng Nghiêu Đề một biệt hiệu mới...”. Biệt hiệu của gia đình họa sĩ Thái Tuấn dành cho Nghiêu Đề quả rất thích hợp với bản tính của anh. Nhưng cũng từ hai tiếng Nghiêu Đề, nhà thơ Phan Nhự Thức mỗi khi đến trước cửa nhà 43 Phan Bội Châu Quảng Ngãi, thường gọi lớn: “Có ông ‘Nghêu Đè’ ở nhà không ?” . Với biệt danh dí dỏm này, mời các bạn cùng suy ngẫm. Không chừng cũng có điểm đúng.

          Ngoài bản tính cởi mở vui vẻ thường trực, Nghiêu Đề còn là một tay cù lét ngoại hạng. Với bất cứ vấn đề gì, Nghiêu Đề bàn tới cũng dẫn theo những tiếng cười thoải mái cho mọi người. Tôi xin mượn một chút xíu câu chuyện của nhà thơ Trần Dạ Từ kể, để minh chứng:
          ... “ Giữa họp mặt bạn cũ, vẫn đủ mặt Lê Tất Điều, Nguyễn Khắc Nhân, Nguyễn Hữu Đông, có chuyện thắc mắc tiếng Việt.
- ‘Tổ Trác là gì, mẹ?’ Cháu Út của ông bà Nghiêu Đề hỏi.
          Cả nhà xúm lại giải thích. Mặt mũi cô bé vẫn ngớ ra, không hiểu. Tới phiên chính Nghiêu Đề lên tiếng.
          -‘Có gì đâu. Ví dụ nhé. Mẹ muốn lấy chồng, mà lấy phải ông chồng như bố, ấy là bị tổ trác. Tổ trác là vậy’
          Hiểu ngay và cười ồ.


          Không chỉ cô Út của Nghiêu Đề. Chính ông bố và các bạn của ông ta, chúng tôi cùng hiểu ra là bản thân mình thuộc về một thế hệ có thể xài để định nghĩa hai tiếng ‘tổ trác’ ”
          Tế nhị và thâm thúy như vậy là nghề của chàng Nghiêu. Đi kèm với những đức tính tốt này, Nghiêu Đề rất đỗi hiền lành. Tôi chưa thấy anh cãi vã với ai bao giờ. Anh vẫn thường khuyên tôi, không nên đem chén kiểu chọi với chén sành. “Một điều nhịn chín điều lành” hay “tránh voi chẳng xấu mặt nào” vân vân và vân vân. Ngoài ra anh còn có bệnh... ‘làm biếng’. Căn bệnh này anh đã nói với nhà thơ Du Tử Lê.
          ... “Ở khoảng trời nào, giữa sân chơi nào, thủy chung, cũng vẫn một Nghiêu Đề thong dong, khinh bạc, bất cần ngay chính đời mình.
          Ông giải thích một cách khiêm tốn, rất Nghiêu Đề, là ‘làm biếng;’ ”


          Trong văn học nghệ thuật, Nghiêu Đề làm biếng là vậy, còn trong đời thường, anh cũng không thiếu những cung cách làm biếng đặc biệt. Tôi đã có một lần làm chị Giang và các cháu không bằng lòng khi viết vớ vẩn đâu đó: Nghiêu Đề lười biếng tắm. Sự việc này ít ra có thật trong khoảng thời gian Nghiêu Đề tạm trú trên chính quê nhà anh. Nghiêu Đề lười tắm, nhưng không phải anh ăn ở thiếu vệ sinh, Trái lại, anh thuộc loại ‘khôn bỏ mẹ’ (chữ Nghiêu Đề thường dùng) và ‘thơm phức ra phết’ (cũng chữ của Nghiêu Đề). Thời chúng tôi ở cùng chung cư Trùng Khánh, phòng tắm rất hẹp, không có vòi sen. Trong phòng tắm vừa một chỗ đứng này có xây một hồ chứa nước sẵn. Nước thật lạnh có lẽ vì phải ngâm lâu trong ruột những tường hồ xi măng. Không thiếu những con lăng quăng sinh sống trong hồ. Nghiêu Đề từ chối múc đại từng ca nước dội ào ào lên người như chúng tôi. Anh có lối tắm riêng mà anh gọi là ‘tắm từng phần’, vệ sinh hơn nhiều. Nghiêu Đề dùng một cái thau trung bình, mở nước từ vòi sát vách tường, nước mới, không lạnh lắm và cũng không có bất cứ vật gì khác. Anh mang thau nước đặt trước phòng tắm sáng sủa ánh trời và bắt đầu, tuần tự từ mặt mũi đến tứ chi. Một lối kỳ rửa hơi mất công như vậy không thể gọi là lười biếng. Nhưng đại đa số chúng tôi đều cho anh lười tắm vì sự khác đời của anh. Cái quần Jean Nghiêu Đề mặc thời ở Quảng Ngãi cũng có thể là một di vật quí giá của anh, nếu ai muốn sưu tầm những đồ vật anh đã xài. Nghiêu Đề tuyên bố một quyết tâm, anh sẽ biến chiếc quần bò anh mặc có thể tự đứng thẳng được, không cần xếp, không cần treo, ngay những lúc nó không bám trên người anh. Không rõ chiếc quần ấy bây giờ ở đâu ? Bụi bặm tháng ngày đã tạo đủ độ cứng, để nó tự đứng thẳng được chưa ?



          Năm 1986, gia đình Nghiêu Đề đến Hoa Kỳ. Tôi đăng báo tặng anh một bài thơ : ‘Mừng Nghiêu Đề Đến San Diego, Cali’:
          “ Nghe tin mày đến Mỹ / bỗng nhiên tao thở dài / cái tính tao thật khỉ / không bỏ được đùa dai
          mừng mày mà tao khóc / thật là chẳng giống ai / nhưng chắc mày cũng khóc / (đố chạy đâu cho sai)
          ....
          thôi mừng mày đã đến / vải mới sơn cọ thừa/ bạn bè xưa không thiếu / (mỗi thằng mỗi đề tài)/ vẽ đi cho tao ngắm/ một cái gì tương lai...” (Ngơ Ngác Cõi Người).


          Nghiêu Đề gửi cho tôi nhiều thư. Lá thư đầu, sau khi ở Mỹ được một tháng rưỡi, anh mới viết. Trong đó có các câu:
          ... “Nói vậy chứ cỡ mầy với tao đã qua bao nhiêu ngày tháng dữ như hùm beo, bây giờ dễ đâu mà chết bỏ. Nhất định bây giờ chỉ có quân ta thắng lợi, quân địch thua to mà thôi. Tao rất vui vì ý nghĩ đó. Nói cho cùng thì tao là thằng ở truồng, đứa nào chơi với tao nhất định nó là thằng tốt, chứ có lột của tao được cái gì đâu mà lo ! Sao bạn ? Vợ con ? Đời sống ?...”
          Nôi dung một thư ngắn khác:
           Ao ước  trong thư trên của Nghiêu Đề được thực hiện vào tháng 8 năm 1992. Anh cùng chị Giang và hai cháu qua thăm chúng tôi bằng đường bay nội địa cho vừa túi tiền. Tôi và Vivi đón và đưa anh tại phi trường ở Vermont. Thời kỳ này tôi còn ở ấp, chật hẹp lắm, nhưng anh em đã có những ngày thật vui vẻ bên nhau. Nhiều bạn văn hiện cư ngụ tại Montréal đã đến thăm anh. Tôi ghi lại hình đầy đủ. Dịp này nhà thơ nữ Thụy Khanh từ Pháp sang ra mắt sách. Chị Giang đã vui vẻ trình bày một ca khúc để giúp vui. Giọng chị còn rất ngọt ngào và “vẫn như xưa” theo nhận xét của nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, người một thời đã vui chơi  tại tổ ấm của Nghiêu Đề, nơi mà anh Hồ Hữu Thủ đã ghi nhận : “...Căn nhà anh vẫn là một địa chỉ in mãi nơi ký ức tôi mỗi lần hồi tưởng về những đổi thay, phong trần của đất nước và của chính bản thân mình”
          Nghiêu Đề ưa thích phong cảnh đẹp, tôi đã đưa anh thăm viếng hầu hết những thắng cảnh giàu tính chất văn hóa của thành phố Montréal. Anh cũng ghé thăm những thành phố khác của đất nước Canada như thủ đô Ottawa, Québec, Toronto. Nghiêu Đề có một người bà con ở thành phố Longueuil, thân mẫu của cô bạn Hoàng Thị Hồng,  tôi đưa anh sang đấy để rồi ghé lại Terre des Hommes ngắm trời mây, hoa nở. Anh khoái chụp ảnh như tôi và rất thú vị khi chọn điểm đứng. Đang đi trên xa lộ xuống Toronto, nơi anh có một người em cư trú, anh yêu  cầu dừng xe bên đường để đứng chụp hình có cả bảng chữ Bonjour Québec, dựng tại giáp giới hai tỉnh bang Ontario va Québec. Cũng như ngoài đời, trong ảnh Nghiêu Đề luôn luôn tươi vui và giàu nét trẻ thơ.


          Sau chuyến vui chơi, anh về Mỹ rồi về thăm Việt Nam vài ba lần, dù tài chánh anh không dư giả,. Được đi, được gặp bè bạn có thể là cái thú Nghiêu Đề thích nhất. Anh làm thơ trong giai đoạn này thường hơn. Viết ít, nhưng bài nào của anh cũng đạt được tính chất nghệ thuật khả quan. Giữa những ngày vui vẻ như vậy, tôi được tin anh lâm trọng bệnh. Chắc chẳng cần nói ra sự hụt hẫng, trống rỗng bất ngờ của tôi. Người thiếu nữ trong họa phẩm Vùng Thanh Thoát, cặp ngựa đang ‘tỏ tình’ dưới trăng mà thi sĩ Đỗ Quý Toàn đã tâm đắc, như chập chờn trước mắt tôi cùng những kỷ niệm đứng ngay trước mặt, quá rõ ràng mà không vói tới. Tôi muốn làm một bài thơ cũng chẳng xong. Cái gì cũng chợt trở nên vô nghĩa.

          Con ngựa mà Nghiêu Đề từng khoe: ... “Ta có chú ngựa ngon lành lắm / vẫn bay ngang trời đất tuyệt vời..” đã thật sự đưa anh bay vào ‘Vùng Thanh Thoát’ ngày 09 tháng 11 năm 1998 trên đất tạm dung. Bè bạn thương tiếc anh ghi danh vào nhiều Chia Buồn trên các tạp chí, tuần báo. Một tuyển tập họa phẩm được thành hình, một trang nhà do Y Chi thực hiện vào tháng 6-1999... và còn những đâu nữa lưu giữ hình ảnh một người bạn chân tình ?
          ... “Mày giỏi lắm. mày chỉ dùng có bàn chân trái mà đá nát được kỷ luật giấy phép, để muôn năm về với vợ con, võ công đó tao muốn học vô cùng...” (thư Nghiêu Đề). Nghiêu Đề ơi, tao muốn học sự lạc quan của mày. Còn món võ công mày đã dùng một cách bất ngờ, tao thật sự chưa muốn học để đích thực được muôn năm yên nghỉ. Tao vẫn luôn luôn phải xếp sau lưng mày, như mày đã nói, anh bạn “văn nghệ thủ đô” ạ. Hẹn gặp nhau sau!


Luân Hoán