văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, January 10, 2013

Phan Tấn Hải * Hoạ Sĩ Rừng Ra Mắt Sách, Triển Lãm "Tranh Mini"





Họa Sĩ Rừng đang ký vào sách, trong khi họa sĩ Hồ Thành Đức (phía sau) ngồi uống rượu.(Photo VB)


Họa Sĩ Rừng -- cũng là người ký tên Kinh Dương Vương khi viết truyện và ký tên Dung Nham khi làm thơ--  vừa thực hiện buổi triển lãm tranh và ra mắt sách hôm Thứ Bảy 19-3-2011 tại Anaheim, Quận Cam.

Có hơn 40 tấm tranh khổ nhỏ của họa sĩ trưng bày lần này, phần treo trên tường và phần đặt nơi các cội cây trong vườn nhà của phê bình gia Đặng Phú Phong.
Có 5 đầu sách trưng bày – trong đó 2 tựa sách mới là “Dung Tham Thơ Toàn Tập,” và “Kinh Dương Vương Văn Xuôi Toàn Tập.” Còn lại 3 đầu sách khác -- truyện dài “Mắt Trời Mù,” sách hội họa “Trên Tầng Thanh Khí,” và tập truyện ngắn “Những Chiếc Mặt Nạ Cười” -- đã in  từ các năm trước.
Trong khi cuốn “Dung Nham Thơ Toàn Tập” hiển lộ kiểu ngang ngược trước giờ của ông, thì “Kinh Dương Vương Văn Xuôi Toàn Tập” mở đầu bằng giọng văn trầm lắng, ghi lời “Thơ Viết Cho Con Đầu Lòng” như đưa cạn hết tâm tình rằng tại sao ông một đời cầm bút, cầm cọ... Những truyện ngắn trong này dù cũ hay mới vẫn là tuyệt vời, mỗi lần đọc  là một lần cửa mở ra một góc cạnh mới.
Tuy nhiên, Họa Sĩ Rừng (tức nhà văn Kinh Dương Vương) tâm sự rằng, trong khi in cuốn này, thì ông đã viết xong một đợt văn xuối mới, cũng có độ dày cỡ cuốn “Kinh Dương Vương Văn Xuôi Toàn Tập” dày tới 1,200 trang. Nghĩa là Toàn Tập, thực ra là Toàn Tập 1, tưởng là hết, nhưng lại viết thêm cac1 bài khác với độ dày tương tự.
Với truyền thống mỗi đợt tranh trưng bày là trình bày một khám phá mới, Họa Sĩ Rừng lần này đưa ra đợt tranh khổ nhỏ, tuy cũng sử dụng đa dạng chất liệu như sơn dầu, như tổng hợp, hay chất liệu đặc biệt...  tranh của ông lần này đưa ra một phong thái trừu tượng mới, và rất lạ theo kiểu.
Nếu chúng ta nhớ tới lần triển lãm tranh chủ đề Bát Quái của Họa Sĩ Rừng trong năm 2006 tại Gallery Việt Báo, những dị biệt hiển hiện ra thấy rõ, dù cũng là những kiểu riêng rất Rừng. Tranh Bát Quáí năm xưa của ông là khổ lớn, có tấm tranh chiều ngang 3 mét tới 4 mét, sử dụng duy nhất 3 màu đỏ, trắng, đen... đều vẽ trên canvas và không đóng khung.
Còn đợt tranh lần naỳ, mà ông gọi là tranh mini, đều khổ nhỏ, trung bình chiều ngang từ 2 tới 4 tấc, sử dụng gần như tất cả các màu – tuy vậy, một số tranh làm gam màu xám chủ đạo, cách thực hiện có vẻ như không phải dùng cọ để sơn, mà như dường chủ yếu dùng cách ép các bảng màu xuống cho loang trên giấy; do vậy, tất cả tranh đợt naỳ đều đóng khung kính.
Họa sĩ Hồ Thành Đức ngồi uống rượu liên tục trong buổi ra mắt, nói với phóng viên rằng ông học chung Đaị Học Mỹ Thuật Huế với Họa Sĩ Rừng, ngay năm đầu học văn từ Giáó Sư Lê Hữu Mục, và Họa Sĩ Rừng đã hiển lộ văn tàì ngay từ năm thứ nhất, được GS Mục khen ngợi... lúc đó, “Thầy Lê Hữu Mục xin phép 2 đứa tôi (Hồ Thành Đức và Rừng) lấy 2 bài văn tụi tôi đưa qua trường Sư Phạm Huế làm bài luận mẫu.”

 

Một tấm tranh để nơi cội hoa. (Pho to VB)


Hồ Thành Đức  nói thêm, “Khen bạn ta làm việc liên tục, suốt đời vẽ tranh, làm thơ, viết turyện không ngừng, đầy tính nghệ thuật trong cả sáng tạo và đời sống... Đời sống với Rừng là sáng tác, luôn luôn khám phá, không giống ai và cũng không ai giống Rừng...”
Phê bình gia Đặng Phú Phong (người chủ nhà thực hiện buổi triển lãm và ra mắt sách) nhận xét rằng Họa Sĩ Rừng lúc nào cũng có sắc mà mạnh bạo, tuy nổi tiếng trước 1975 nhưng ông vẫn liên tục từ bỏ phong cách cũ, liên tục mỗi năm mỗi khám phá mới, dám “khám phá những cái mới cho riêng mình.”
Trong buổi triển lãm còn có những khuôn mặt nghệ sĩ quen thuộc, như các họa sĩ Bé Ký, Hồ Thành Cung, nhà điêu khắc Ưu Đàm, nhiếp ảnh gia Brian Đoàn, các nhà thơ Lê Bi và Lê Trung Khiêm, nhà báo Phí Ích Bành...
Họa sĩ Rừng, tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, sinh ngày 14.03.1941 tại Nam Vang, Cam Bốt, nhưng khi 5 tuổi đã theo gia đình về Việt Nam.
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1963), họa sĩ Rừng là thành viên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam từ những năm trước 1975.
Sang định cư  ở Mỹ năm 1994, đến nay ông đã có nhiều cuộc triển lãm ở nhiều nứơc trên thế giới. Lúc đầu cư ngụ ở Oregon, sau về Los Angeles, California, và rồi thỉnh thỏang vẫn về Việt Nam.
Phóng viên Phạm Điền của đài RFA năm 2005 đã từng ghi nhận về họa sĩ Rừng như sau:
“Không những đam mê vẽ, ông còn là một người yêu văn chương, viết văn duới bút hiệu là Kinh Dương Vương, làm thơ duới tên là Dung Nham. Dường như ông thu hẹp sân chơi của mình trong ngành nghệ thuật, dù bút lông hay bút mực.
Chẳng lạ gì, ông có rất đông bạn trong giới làm văn làm thơ. Hiện sinh sống tại Los Angeles, ông rất vui được sống với thế giới màu sắc. Gia đình ông có máu nghệ thuật, con trai ông là Ưu Đàm đã nổi tiếng là người điêu khắc từ nhiều năm nay và mới tốt nghiệp bằng Cao Học ở New York về Điêu Khắc Sculpture.”